Danh thơm tiếng xấu
Là người học Phật, khi trực tiếp đối diện với danh thơm và tiếng xấu, chúng ta phải như thế nào? Đó là điều vô cùng quan trọng đối với một người tu đạo. Thường thì danh thơm người ta hoan hỷ đón mừng còn tiếng xấu thì tỏ ra rất khó chịu và căm ghét.
Trong đời sống hằng ngày, không ít người đã tự quảng cáo, không ít người đã không ngại biểu dương sự rộng rãi của mình bằng cách biếu xén hay quà cáp cho cấp trên của mình cả một tài sản lớn. Nhưng có thể những người trên sẽ hoàn toàn thản nhiên trước nỗi thống khổ của người nghèo nàn đói rách sống ngay bên cạnh mình. Đó là khuyết điểm của con người. Chỉ đến khi làm điều thiện thì ta cũng làm với ẩn ý vụ lợi. Những người hoàn toàn vị tha rõ thật hiếm hoi trên thế gian này. Vì lẽ ấy, người nào dù làm mọi việc thiện, dầu động cơ thúc đẩy đến hành động không mấy được ca ngợi nhưng cũng đáng được tán dương vì đã làm được những điều thiện ấy.
Trong thực tế, đời sống những người bình thường khi đạt được một chút danh vọng hay quyền uy, thì đa số người ta rơi vào cạm bẫy của vọng tưởng và từ đó sự hống hách kiêu căng được dịp trỗi dậy chi phối làm người ta có thể đánh mất đi vẻ đẹp khiêm hạ của chính họ. Hầu hết mọi xung đột đều bắt nguồn từ các quan niệm khác nhau về nhận thức, nghĩa là điều này hay hoặc dở, tốt hay xấu, được mọi người khen hay chê… Danh thơm và tiếng xấu cũng là tác nhân của sự chia rẽ, phân hóa cao thấp, được thua còn mất, phán xét và giới hạn.
Muốn giải quyết điều này, chúng cần vượt lên trên phạm vi của vinh hay nhục. Ta chỉ cần biết điều chúng làm là đúng hay sai, có lợi ích cho mọi người hay là tác hại mà thôi. Nghĩ đến điều xấu thì tư tưởng sẽ thu hút những điều xấu ngay và ngược lại, khi chúng ta chỉ nghĩ đến những điều cao thượng thì những tư tưởng kia không còn chấp mắc vào sự khen chê của người khác. Lúc ấy, tư tưởng chúng ta sẽ không bị loạn động, không còn bị chi phối bởi những ý tưởng chia chẻ của danh thơm và tiếng xấu, để mong làm sao đạt được cái mà đạo Phật gọi là “tâm vô phân biệt”.