Đời sống
Giác niệm về hơi thở
Nguyên tác: Mindfulness with Breathing Nguyên tác Thái ngữ: Bhikkhu Buddhadasa (Tỳ kheo Phật Lệ)- 1986 Bản dịch Anh ngữ: Bhikkhu Santikaro (1988). Bản dịch Việt ngữ: Cư sĩ Thiện Nhựt (2004).
01/11/2553 00:41 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phần Phụ Lục

Phụ lục 1: Năm nhu yếu của đời sống

(Trích đoạn bài pháp thoại ngày 02-09-1987)

Những ai khinh miệt và ghê tởm quỉ Sa tăng, sẽ tìm thấy tên quỉ sứ nầy dưới hình thức của sự ích kỷ. Tình cảm ích kỷ ma quái đó gài bẫy con người vào đống rác khổ sở (dukkha), cứ thúc dục mọi người phải quay cuồng mãi giữa đống rác khổ sở ấy. Sự ích kỷ khiến cho xã hội, đúng ra là, cả thế giới, phải quay cuồng mãi chung quanh sự khổ sở. Trong tình trạng như thế, còn có gì đáng được lưu giữ lại? Vì thế, thật là khẩn thiết cho chúng ta phải tẩy sạch vết nhơ đó ra khỏi các hành động và thái độ của chúng ta.

Muôn pháp (dhamma) đều rỗng không (sunnatà). Niết-bàn là cõi hư không tối thượng. Trái tim, tinh hoa, của Phật giáo chỉ là việc chấm dứt sự ích kỷ. Chẳng còn gì khác nữa cần phải làm thêm. Mặc dầu sự giải thích có dài dòng và rắc rối, nhưng tóm gọn cô đọng lại chỉ là sự "quét sạch ích kỷ" mà thôi. Ta học tập về Chánh Pháp (Dhamma) cũng chỉ để thấu hiểu được điểm nầy. Ta thực tập quán tưởng để thanh tịnh hoá tâm ý cũng là để rửa sạch tất cả sự ích kỷ. Đặc biệt nhứt là Giác niệm về Hơi thở (Anàpànasati), vốn là một hệ thống được đề ra để tận trừ sự ích kỷ. Ta cần phải nên lưu tâm thật cẩn thận về vấn đề nầy và thực tập cho đến thành công mỹ mãn. Mục đích của chúng ta đến Suan Mokkh nầy là để nghiên cứu và thực tập việc dứt trừ ích kỷ.

Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) đưa đến sự thông hiểu tường tận về những gì có liên quan đến các vấn đề sau đây:

- biết rõ sự ích kỷ;
- biết rõ nguồn gốc của sự ích kỷ;
- biết rõ sự chấm dứt được sự ích kỷ;
- biết r
õ con đường phải theo để chấm dứt sự ích kỷ.

Mục tiêu của Giác niệm về Hơi thở là biết rõ tấm thân nầy như thế nào và cái tâm nầy như thế nào. Biết rõ thế nào là các cảm thọ (vedanà), đã lừa gạt chúng ta ra sao để trở nên ích kỷ. Và biết rõ chơn lý của mọi sự vật, biết rằng chúng chẳng có một "tự thể" nào, rằng chúng ta chớ nên xem sự vật nào như là có "tự ngã". Rồi thì, hãy buông bỏ cái "tự ngã" đi, đó cũng như đang triệt tiêu được ma lực bẩm sanh của sự ích kỷ. Và kết quả là, chẳng còn lậu hoặc, chẳng còn phiền não và mọi vấn đề khó khăn của chúng ta cũng chấm dứt, và ta đã dập tắt được sự Khổ sở (dukkha). Các vấn dề khó khăn của chúng ta đã chấm dứt một cách rõ ràng khi chúng ta đã chắc chắn nhận thấy rõ sự chấm dứt đó. Đó là cả hệ thống của Giác Niệm về Hơi thở được trình bày ra đấy. Các bạn có thể tự mình nhìn thấy nhu cầu cần biết đến và thực tập Pháp đó, để tạo nên một "cuộc sống mới", một cuộc sống vượt thoát khỏi ma lực của sự ích kỷ. Xin các bạn hãy lưu tâm đặc biệt đến vấn đề đó.

Lối sống .

Để có thể thực tập Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) được kết quả mỹ mãn, một vài sự điều chỉnh rất cần thiết về lối sống hằng ngày của ta. Lối sống của bạn và sự thực tập Pháp Giác Niệm về Hơi thở có liên hệ nhau thật chặt chẽ. Vì lẽ đó, ta cần phải nên bàn luận thêm về lối sống đó, để có thể hỗ trợ cho việc nghiên cứu Chánh Pháp (Dhamma) và sự thực tập quán tưởng về tâm (bhàvanà citta). Xin phép được bàn luận rõ thêm về đề mục quan trọng nầy.

Đề mục nầy là Paccaya, các điều kiện. Chữ Paccaya của tiếng Pali (và của tiếng Thái nữa) có nghĩa tương đồng với chữ condition trong Anh ngữ, mặc dầu nơi chữ Paccaya còn có vài ý nghĩa tế nhị hơn đôi chút. Tuy vậy, danh từ được dùng đây là vấn đề phụ thuộc, chính ý nghĩa của nó mới thật sự là quan trọng, chắc các bạn cũng tự mình nhận ra được như thế. Các Paccaya, điều kiện, là những sự việc thật cần thiết cho đời sống; và do đó mà đôi khi chúng được gọi là những "nhu yếu hay đòi hỏi khẩn thiết của đời sống". Chúng là những yếu tố của đời sống, trợ giúp cho sự hiện hữu của đời sống. Các nhu yếu đó, các cơ sở của đời sống đó, cần phải được hiểu rõ thật đúng đắn, nếu chúng ta muốn nghiên cứu Chánh Pháp (Dhamma) và thực tập quán tưởng cho có kết quả tốt. Vì thế, tôi xin các bạn hãy chú ý đến vấn đề quan trọng nầy.

Nhiều người chỉ biết đến các điều kiện vật chất, hay là tình trạng của tấm thân, nên họ cứ tin rằng chỉ có võn vẹn bốn điều nhu yếu: thực phẩm, y phục, nhà cửa, và thuốc men. Chỉ biết có bốn nhu yếu đó mà thôi, theo tôi thiễn nghĩ, đó thật là điên rồ. Ta còn phải biết đến một nhu yếu thứ năm nữa, cái paccaya, điều kiện hoặc tình trạng của tâm trí. Bốn nhu yếu đầu tiên chỉ thuộc về tấm thân vật chất mà thôi. Còn nhu yếu thứ năm liên quan đặc biệt đến tình trạng của tâm, chính là những gì làm cho tâm được vui thích và khuyến khích tâm trí hãy hân hoan lên. Ta có thể gọi đó là "sự tiêu khiển" (entertainment) nhưng tôi chẳng được chắc cho lắm rằng đó là một danh từ chính xác ở đây.

Bạn biết ý nghĩa của mà tôi muốn nhấn mạnh đến, một khi bạn cứu xét sự vô cùng cần thiết phải làm thế nào để có được chút gì khiến cho tâm được vui vẻ phấn khởi lên và thoả thích trong một chiều hướng đứng đắn. Nếu chẳng có được điều đó, thì có lẽ sẽ là một sự chết -- cái chết của tâm hồn. Khi các nhu yếu về vật chất thiếu thốn, thì tấm thân thể chất nầy phải chết. Và khi nhu yếu tâm linh mà khiếm khuyết đi thì tâm hồn cũng sẽ chết lịm. Vậy xin bạn hãy tìm hiểu cho rõ cả hai loại nhu yếu, vật chất và tinh thần, bốn điều trước và một điều sau. Tất cả có đủ năm nhu yếu. Ngay đây, tôi đặt chú tâm vào nhu yếu thứ năm, cái paccaya, điều kiện, quan trọng vào bực nhứt, đủ để nuôi dưỡng và bảo trì cho tâm trí. Chúng ta sẽ nghiên cứu thêm đầy đủ chi tiết, một khi các bạn đã biết rõ có bốn nhu yếu về vật chất và một nhu yếu về tinh thần.

Các nhu yếu về vật chất.

Xin hãy bắt đầu ngay chỗ cần phải khởi sự: nhu yếu thứ nhứt là thực phẩm. Ta phải dùng thực phẩm đúng thật là thực phẩm. Đừng dùng các thực phẩm chỉ là "mồi". Sự phân biệt chủ yếu giữa thực phẩm và "mồi" cần được hiểu rõ cho tường tận. Ta dùng thực phẩm là để nuôi sống cuộc đời mình. Còn ta đi ăn các "mồi" là vì sự khoái khẩu. Mồi thì khiến chúng ta trở nên ngu muội, nên ta cứ cắn mồi mãi một cách điên rồ, tựa như loài cá đớp mồi ở các lưỡi câu. Ta phải nên dùng các loại thực phẩm nào thật sự bổ dưỡng cho cơ thể, và ta cũng nên ăn uống cho có độ lượng. "Ăn mồi" có nghĩa là ăn cho khoái miệng và vì thích ý. Các mồi lại thường đắc tiền. Xin ngưng lại, đừng đớp mồi nữa, và hãy dùng các thực phẩm lành mạnh và thich nghi. Đừng dùng thực phẩm như những miếng mồi, nhứt là trong thời gian các bạn có mặt tại khóa thiền nầy.

Nếu bạn chỉ biết ăn "mồi", và chỉ ăn mồi mà thôi thì bạn sẽ đói bụng suốt ngày, suốt đêm. Rồi lại lẻn ra ngoài tìm mồi để đớp. Ăn mồi sẽ làm hao mòn các khả năng tinh thần của ta. Tâm trí bị khuất phục trước mồi ngon và chẳng còn đủ khả năng để nghiên cứu và thực tập về Chánh Pháp (Dhamma) (...) Khi dùng thực phẩm, bạn nên ăn đúng thời và có độ lượng. Như thế, thì sẽ giảm bớt được sự phí phạm và sự nguy hại.

Điều kiện thứ hai là y phục. Xin bạn ăn mặc sao cho đúng với ý nghĩa và mục tiêu của y phục: (1) có sức khoẻ tốt, (2) che chở chống lại các bất tiện nghi và khỏi bị khuấy rối, (3) tiện lợi và giản dị, (4) hợp với văn hoá. Xin bạn hãy mặc các y phục tiện lợi, giản dị và là dấu hiệu của văn hoá. Xin đừng ăn mặc các kiểu y phục phá hoại nền văn hoá của mình hay của kẻ khác. Điều đó chẳng thích nghi cho chính mình mà cũng là một kẻ thù làm trở ngại cho sự an tĩnh tâm hồn. Xin bạn hãy lưu tâm cứu xét đến vấn đề y phục, paccaya, điều kiện, nhu yếu thứ hai nầy nữa.

Điều kiện thứ ba là nhà cửa. Nhà cửa phải thích nghi, khiêm tốn và chẳng nên quá đáng. Ngày nay, trong dân gian người ta thích những ngôi nhà quá mức nhu cầu, tốn kém quá cao, tạo thêm nhiều khó khăn rắc rối và đưa đến lắm âu lo. Như thế, nhà cửa là một nguồn gốc của sự ích kỷ. Khi thực tập về Chánh pháp, nơi cư trú thích hợp nhứt là ở gần Thiên nhiên, gần đến mức mà ta có thể gọi là "làm bạn với Thiên nhiên". Tôi lại phải nói rằng, ít khi thấy người Tây phương sống ngoài trời, trên bãi cỏ, thân cận với Thiên nhiên. Họ thích sống ở những nơi đẹp đẽ, cầu kỳ và đắc tiền. Họ thấy cần phải ở khách sạn, và dường như chẳng buồn biết chi đến các trại tạm cư đón khách ở dọc đường.

Thân thiết với Thiên nhiên .

Xin bạn hãy thử hoà mình vào một chút gì mới mẻ, sống tại các nơi cư trú gần với Thiên nhiên. Sống gần Thiên nhiên khiến cho việc hiểu biết và thực tập Chánh Pháp được dễ dàng hơn. Xin bạn hãy tập thích thú và hân hoan với lối sống bình dị, thô sơ bên cạnh Thiên nhiên. Điều nầy sẽ mang lợi ích đến cho bạn và yểm trợ bạn rất nhiều trong việc thực tập.

Phật tử chúng ta noi gương của Đức Phật về vấn đề nầy. Đức Phật khi sanh ra, ở ngoài trời; đắc giác ngộ ở ngoài trời; ngồi giảng dạy trên bãi cỏ ở ngoài trời; sống ngoài trời; ngủ nghỉ ngoài trời và tịch diệt (Parinibbàna, nhập Bát Niết-bàn) cũng ở ngoài trời. Chúng ta thấy cuộc đời của Ngài rất thân thiết với Thiên nhiên. Chúng ta lấy gương đó làm tiêu chuẩn cho chúng ta, và biết bằng lòng với lối sống đơn sơ, bình dị đó. Tôi tin rằng các nhà lãnh tụ những tôn giáo lớn trên thế giới đều thực hiện một lối sống đơn sơ như thế, mặc dầu tôi chẳng thể nói chắc rằng họ đã làm được suốt đời họ như Đức Phật đã làm: sanh ra ở ngoài trời, giác ngộ, hoằng dương đạo pháp, sống và tịch diệt cũng đều ở ngoài trời cả.

Vậy nên ta cần có một lối sống thật thân thiết với Thiên nhiên, rất tiện lợi cho Thiên nhiên để nói "thỏ thẻ" với ta khá nhiều việc. Nếu ta biết lắng nghe một cách thông minh, ta sẽ nghe được tiếng nói của Thiên nhiên rõ ràng hơn là khi ta ở mãi tận xa. Tinh hoa lối sống của ta là sự thân thiết với Thiên nhiên vậy.

Trong ngôn ngữ Thái lan, các tĩnh từ "điều độ" "đầy đủ" có thể còn mơ hồ, xin các bạn hãy hiểu đến các ý niệm đó theo như tôi đã giải thích ở trên. Và chúng ta cũng nên thận trọng với các tĩnh từ "phủ phê", "ngon lành": khi nói đến một cuộc sống quá đầy đủ, lối "sống phủ phê", ’khi bàn đến các vật thực thật khoái khẩu, "thức ăn ngon lành". Chúng ta đâu cần chi đến lối sống phủ phê, hay thức ăn ngon lành đến quá mức. Ta thích sống vừa đủ, và ăn vừa ngon thôi, nghĩa là, thật đứng đắn. Tất cả bốn loại nhu yếu vật chất đều đặt trên nguyên tắc đầy đủ và thích nghi. Đừng để bị lôi khéo theo cái đẹp hào nháng, cái đẹp quá mức mà thành ra xa hoa, chẳng được thích đáng và nhã nhặn. Xin hãy hiểu rõ bốn điều nhu yếu về vật chất một cách đứng đắn như vậy.

Nhu yếu tâm linh.

Giờ đây đến nhu yếu thứ năm, cái nhu yếu mà ta cần bàn đến nhiều. Điều kiện, Paccaya, thứ năm nầy là điều quan trọng nhứt. Đó là điều đã ru êm ta, tiêu khiển ta, làm ta bằng lòng, khiến ta hết ưu tư, bớt xao động, giúp ta hết bị đói khát ... cho đến chết. Vui đùa với tâm, khiến cho tâm thoả mãn và hân hoan, đó là điều chủ yếu, là điều hiện, hay nhu yếu tinh thần. Ta có thể gọi đó bằng nhiều danh xưng khác nhau, như tiêu khiển (entertainment) hay giải trí (amusement), tôi chẳng biết chắc được danh từ Anh ngữ nào cho đúng, nhưng việc ấy chẳng quan hệ mấy. Điểm quan trọng là điều đó phải thật thích hợp với tâm. Nó phải là thực phẩm cho tinh thần, nuôi dưỡng tinh thần, chẳng khác chi bốn nhu yếu kia đã bồi dưỡng cho cơ thể. (...)

Thông thường, với đa số các người thế tục, cho đến mức mà tôi còn có thể nói đến được, đều xem nhu yếu thứ năm nầy như là một vấn đề về tình dục (sex). Xin hãy tìm thấy cho rõ sự khác biệt. Tình dục là một loại sự việc có thể làm tiêu khiển (entertain) tâm trí, nhưng giờ đây chúng ta đang sẵn sàng lấy Pháp (Dhamma) làm thú tiêu khiển tinh thần. Điều đó có nghĩa là chúng đang dùng sự thích nghi để thỏa mãn tinh thần chúng ta. Một khi chúng ta ý thức được sự đứng đắn, và thoả mãn với sự đứng đắn nầy, một khi chúng ta cảm thấy thích hợp và bằng lòng, thì tâm trí đã được đùa vui và tiêu khiển rồi. Cái cảm giác đứng đắn và bằng lòng đó, đâu có dính dáng gì với tình dục.

Ngôi nhà phía sau lưng chúng ta đây được mệnh danh là "Sân khấu của thú tiêu khiển tinh thần". Nó được xây dựng lên để làm thú tiêu khiển cho tâm trí. Nó được trang hoàng với thật nhiều hình ảnh để giảng dạy Chánh Pháp (Dhamma) cũng như để giúp vui và giải trí. Đấy là một hình thức của nhu yếu thứ năm. Xin các bạn hãy tìm hiểu về loại paccaya, nhu yếu thứ năm nầy, vốn có liên hệ nhứt với Chánh Pháp, chớ đâu phải với tình dục. Xin bạn đừng chạy theo số đông để phải quên rằng tình dục bị chẹn giữa các khó khăn phức tạp đến bất tận, và cứ đeo níu vào tình dục như là một nhu yếu thứ năm.

Nói tóm lại, chúng tôi thỉnh cầu các bạn hãy điều chỉnh lối sống lại, sao cho phù hợp với sự nghiên cứu và thực tập quán tưởng về tâm (citta bhàvanà). Rồi ra, các bạn sẽ thấy việc thực tập được tiện lợi và thành công dễ dàng. Và các bạn sẽ khám phá ra được "Lối Sống Mới" vượt qua khỏi ảnh hưởng của các chủ nghĩa tích cực và tiêu cực. Về chi tiết xin hãy đợi một thời gian sau, vì vấn đề rất tế nhị, và vì Lối Sống Mới siêu việt cả mọi vấn đề khó khăn và mọi hình thức của sự Khổ sở (dukkha). Đó là lối sống tự do, tự tại, giải thoát, và giải phóng, bởi vì chúng ta đang thực tập Chánh Pháp với sự nâng đỡ và yểm trợ của tất cả năm loại nhu yếu. Xin nhớ, bạn hãy làm sao cho năm loại nhu yếu nầy trở nên thật đứng đắn và thích nghi.

 

Phụ lục 2: Thế nào là Giác Niệm về hơi thở?

(Trích đoạn bài Pháp thoại ngày 05-04-1987)

Trước nhứt, xin biết cho rằng có rất nhiều hệ thống và phương pháp về Vipassanà, Minh sát (sự quán tưởng để nhận thức được vô thường, khổ sở và vô ngã) dưới các danh xưng khác nhau. Tuy nhiên, trong tất cả loại đó, chúng tôi chuộng nhứt một hệ thống gọi là Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati). Đây là một hệ thống đào luyện tinh thần (quán tưởng) được chính Đức Phật khuyến khích thực tập. Ngày nay, có nhiều đạo sư nầy, thiền sư nọ, về Minh sát, ở khắp mọi nơi; nào là hệ thống Miến điện, hệ thống Tích lan, hệ thống Thái lan, đủ cả. Chúng tôi chẳng được hiểu rõ hết tất cả các hệ thống đó, mà chỉ lưu tâm đến Giác Niệm về Hơi thở thôi. Ta có thể nói Giác Niệm về Hơi thở là một hệ thống của Phật. Nó chẳng phải là một hệ thống riêng biệt gì của Suan Mokkh; đúng ra, Suan Mokkh đã đem hệ thống đó ra thực tập rồi giảng dạy và truyền lại cho các người khác.

Vậy xin ân cần giới thiệu với các bạn hệ thống Giác Niệm về Hơi thở, đang được xử dụng tại (thiền viện) Suan Mokkh.

Ngay cả trong phương pháp thực tập được gọi là Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) cũng có nhiều hình thức giản lược khác nhau, ngắn gọn, dễ dàng và chẳng đầy đủ. Có nhiều thứ khác nhau, nhưng chúng tôi đã chọn một hình thức đầy đủ. Vì thế, nó có thể xem như dài và lắm chi tiết, nhưng lại thích hợp với những gì đầy đủ, như trường hợp hình thức Mười sáu bước thực tập của Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati). Vài người lắc đầu cho đó là quá dài, quá nhiều, hoặc quá rườm rà chi tiết, quá mức cần dùng của họ. Điều đó cũng đúng, nó có thể có phần dư thừa đối với vài người. Nhưng với những ai muốn nghiên cứu và tập luyện cho hoàn toàn, thì nó cũng vừa vặn đủ thích hợp với họ. Nếu muốn có được một kỹ thuật thật trọn vẹn, ta phải học cả mười sáu bước. Đây là một đòi hỏi của Thiên nhiên. Nếu lưu tâm đến sự toàn vẹn, thì ta cần phải bền chí để tập luyện và thực hành Giác Niệm về Hơi thở trong hình thức đầy đủ của nó. Và hình thức đầy đủ thì cần phải theo đủ mười sáu bước.

Niệm xứ chính là Giác Niệm về Hơi thở.
(Satipatthanà Anàpànasati).

Một vấn đề thông thường khác nữa là, có vài người cứ bám níu và bị kẹt cứng một cách quá đáng vào danh từ Satipatthàna (Niệm xứ, bốn cơ sở (= xứ) của giác niệm, hay là bốn lãnh vực của sự tỉnh thức). Vài kẻ lại còn đi xa hơn và cho rằng Giác Niệm về Hơi thở chẳng dính dáng gì với bốn niệm xứ (= bốn lãnh vực của giác niêm, hay của sự tỉnh thức). Vài người lại bác bỏ thẳng thừng Giác Niệm về Hơi thở. Tại một vài nơi, người ta đeo dính chặt vào danh từ Satipatthàna, Niệm xứ, thật ra đó chỉ là một bản liệt kê dài thậm thượt về các danh xưng, các pháp môn. Mặc dầu nơi đó có rất nhiều pháp môn, nhưng chẳng hề có nổi một đường hướng nào để thực tập, đã được giải nghĩa rõ ra cả. Chữ Satipatthàna, Niệm xứ, thường được hiểu theo ý nghĩa như vậy đó. Thế rồi người ta tu chỉnh lại, sắp xếp lại vào các cách thực tập như vầy, như kia, để gọi các "hệ thống mới" đó là quán tưởng về Niệm xứ, Satipatthàna. Những kẻ tu tập theo các kỹ thuật đó lại phủ nhận và khinh bỉ ngay cả đường lối của Giác Niệm về Hơi thở, bảo rằng đó chẳng phải là Niệm xứ, Satipatthàna. Thật ra, Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) chính là tinh túy của Niệm xứ, là trái tim của Satipatthàna, là cốt lõi của cả bốn lãnh vực của Giác Niệm, của sự tỉnh thức. Mười sáu bước của Pháp Giác Niệm về Hơi thở là sự thực tập rõ ràng và trực diện, chớ chẳng phải là một bản liệt kê các danh xưng hay các pháp môn như trong bản Kinh Đại Niệm Xứ (Trường Bộ Kinh, Kinh số 22) (Mahàsatipatthanà Sutta, Digha Nikaya, 22). Vì thế, chúng ta đừng để mình rơi vào sự hiểu lầm rằng Giác Niệm về Hơi thở (Ánàpànasati) chẳng phải là Niệm Xứ (Satipatthàna); bằng không chúng ta sẽ mất hết cả hứng thú khi nghĩ rằng pháp đó sai lầm. Bất hạnh thay sự hiểu lầm vẫn còn phổ biến. Xin được phép nhấn mạnh lần nữa, Giác Niệm về Hơi thở chính là tinh hoa của bốn lãnh vực của giác niệm, tức là trái tim của Tứ Niệm xứ, dưới một thể dạng có thể đem ra thực hành ngay được.

Chúng tôi đã dành khá nhiều thời giờ để cứu xét các danh từ Satipatthàna, Niệm xứ Ànàpànasati, Giác Niệm về Hơi thở, cũng chỉ vì muốn phá bỏ các sự hiểu lầm có thể đưa đến các thái độ quá hẹp hòi đối với lối thực tập của người khác. Vậy xin cứ hiểu cho rằng, dầu nói đến Niệm xứ (Satipatthàna) hay là Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) thì cũng chỉ có bốn lãnh vực quan trọng là: thân (kàya), cảm thọ (vedanà), tâm (citta) và Pháp (Dhamma) mà thôi. Tuy nhiên trong Kinh Đại Niệm Xứ (Mahàsatipatthàna Sutta) chẳng thấy có lời giải thích về cách thực tập như thế nào bốn lãnh vực đó. Kinh nầy chỉ đưa ra các danh xưng về pháp môn và khai triển chúng ra thôi. Thí dụ như, vấn đề thân (kàya) chỉ nói rộng đến sự quán tưởng về niệm (sati sampajannà) về các hoạt động thường ngày, về các tư thế (oai nghi) và các điều khác, nhiều đến mức khó nhớ cho hết được. Kinh chỉ liệt kê các nhóm sự vật (dhamma) có liên quan đến bốn lãnh vực đang được cứu xét.

Mặt khác, Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) đã chỉ thật rõ ràng làm thế nào để thực tập bốn lãnh vực đó theo một tiến trình tiệm tiến để rồi chấm dứt vào sự giải thoát ra khỏi mọi Khổ sở (dukkha). Mười sáu bước thực tập tác động lên bốn lãnh vực, mỗi lãnh vực làm phát triển lãnh vực trước và yểm trợ cho lãnh vực sau. Khi thực tập đầy đủ mười sáu bước, thì tinh hoa của Niệm Xứ (Satipatthàna) sẽ khởi lên một cách hoàn mãn. Tóm lại, Kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthàna Sutta) chỉ là một bản liệt kê các danh xưng; còn Kinh Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati Sutta) có chỉ dạy cách thức thực tập bốn lãnh vực của Niệm xứ, chẳng có chi là dư thừa, hay thêm thắt nào cả. Kinh nầy chẳng hề nêu lên một vấn đề mà chẳng có liên hệ đến.

Thể dạng cô đọng .

Nếu vài người cảm thấy mười sáu bước thực tập quá nhiều, thì cũng được đi. Có thể cô đọng mười sáu bước đó lại thành hai bước thôi:

1- Bước thứ nhứt -- huấn luyện tâm (citta) cho đến mức thuần thục tập trung được vào định lực một cách thích nghi.

2- Bước thứ hai -- với định lực (samàdhi) đó, liền nhẹ nhàng bước nhảy qua sự quán tưởng về vô thường (aniccam), khổ sở (dukkham) và vô ngã (anattà) ngay.

Chỉ có hai bước đó, được thực tập với mọi hơi thở vào và mọi hơi thở ra, nên cũng gọi là Giác Niệm về Hơi thở nữa. Nếu bạn chẳng thích mười sáu bước thực tập hoặc nghĩ rằng chúng quá lý thuyết, hoặc quá nhiều để học tập, hoặc có lắm chi tiết, thì bạn cứ tập thử hai bước vừa nói đó. Hãy giữ tâm (citta) tập trung vào định lực bằng cách quán sát hơi thở. Khi bạn cảm thấy định lực đã khá đầy đủ rồi, thì hãy quan sát đến các sự vật mà bạn đã có kinh nghiệm và đã biết rõ, để bạn có thể nhận thức ra rằng chúng đều là vô thường đến mức nào, bất toại nguyện đến độ nào, và vô ngã đến cấp nào, chẳng có linh hồn như thế nào. Cũng chỉ có bấy nhiêu đó cũng là đã đủ để đạt đến kết quả -- tức là, từ bỏ hết, buông bỏ hết, chẳng còn bám níu chút nào nữa hết! Và sau cùng, ghi nhận sự chấm dứt của lậu hoặc (kilesa, phiền não) và sự tận diệt của chấp thủ (= bám níu), khi vô thường, khổ sở và vô ngã (aniccam dukkham anattà) đã được trông thấy ra thật là rõ ràng rồi. Vậy, bạn cứ dùng đến thể dạng cô đọng trong hai bước nầy, nếu bạn có ý muốn làm như vậy.

Tuy nhiên, chúng tôi muốn bạn hiểu rõ về hệ thống thực tập đầy đủ. Vì lẽ đó chúng tôi nói đến mười sáu bước thực tập. Một khi bạn đã hiểu rõ tất cả mười sáu bước đó thật đầy đủ, thì các bạn có thể tự mình rút gọn chúng lại. Cứ việc giảm bớt đi, cho đến khi nào bạn được thoả mãn đầy đủ để thực tập Pháp đó một cách thật là tự tín. Bạn có thể thực tập tóm lược thành hai, hay năm bước, hoặc cách nào mà bạn thấy thích hợp với bạn. Đấy là đường lối mà chúng tôi giải thích Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) tại đây. Chúng tôi sẽ giải thích nó một cách trọn vẹn; rồi tùy ý bạn muốn rút ngắn lại như thế nào mà bạn thích.

Do đó, chúng ta sẽ nghiên cứu và giải thích trọn vẹn Mười sáu bướcthực tập thật đầy đủ, vì đường lối nầy sẽ phát hiện được các bí ẩn của Thiên nhiên qua một phương pháp có đủ các đặc tánh khoa học. Đây là một khoa học mà đối tượng là sự hiểu biết một cách tự nhiên về các sự vật được gọi là thân (kàya), cảm thọ (vedanà), tâm (citta) và Pháp (Dhamma), theo một đường lối tốt nhứt và đầy đủ nhứt, xuyên qua viễn tượng và phương cách khảo sát của một khoa học thiên nhiên. Đây là một phương pháp khoa học có thể điều chỉnh được bốn việc. Trước nhứt hễ nghiên cứu tất cả mười sáu bước rồi, bạn có thể lược bỏ bớt lại theo ý bạn muốn. Hãy chọn bước nào mà bạn thấy cần. Chỉ thực tập hai, hoặc ba bước, nếu bạn muốn. Và chỉ giữ kỹ lại hai, hoặc năm bước tùy theo ý thích. Nhưng giờ dây, xin bạn cho phép tôi được giải thích đầy đủ trọn vẹn mười sáu bước thực tập.

Quán tưỏng về Thân (Kàya nupassanà).

Mười sáu bước thực tập được chia ra làm bốn bộ bốn (four tetrads), tương ứng với bốn niệm xứ, tức là bốn đối tượng căn bản của việc nghiên cứu. Giờ đây, chúng ta sẽ bàn luận đến bộ bốn về thân, tức là sự quán tưởng về thân (kàya nupssanà). Trong bộ bốn nầy, việc đầu tiên bạn phải nghiên cứu và hiểu rõ, là hơi thở. Hiểu biết tất cả các loại hơi thở, các tánh chất, đặc điểm và ảnh hưởng của chúng. Hãy tìm biết mọi khía cạnh, mọi phương diện của một hơi thở đứng đắn. Nói cho gọn lại là bạn phải có được một pràna đứng đắn. Pràna là một iếng Phạn; tương đương với chữ Pàna trong tiếng Pali. Thông thường, chữ ấy có nghĩa là "sự sống", hoặc là "sanh lực", hoặc là "cái điều gì đang bảo tồn và dưỡng dục sự sống". Chúng ta cần phải có điều đó thật đứng đắn. Chúng ta cần phải có pràna lành mạnh và đứng đắn. Rồi thì đời ta mới được an hoà. Vì lẽ đó, cho nên ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng về đề mục hơi thở nầy.

Ở Ấn độ, mỗi trường phái du già (yoga) -- và có đến cả chục trường phái du già như thế -- đều có riêng một lối huấn luyện liên quan đến pràna, chẳng kể bất cứ trường phái nào. Các lối huấn luyện đó được gọi là prànayàma, có nghĩa là "sự kiểm soát về pràna", hoặc là "sự kiểm soát về hơi thở". Có khả năng kiểm soát được hơi thở có nghĩa là có khả năng kiểm soát được đời sống. Khi pràna đi vào, nó được gọi là àna; khi nó trở ra, thì được gọi là apàna. Hiệp hai chữ lại, ta có ànàpàna, tức là, pràna vào (nhập tức= hơi thở vào) và pràna ra (xuất tức= hơi thở ra). Có khả năng để kiểm soát pràna là có khả năng kiểm soát được sự vật đi vào để bảo tồn sự sống. Rồi thì ta mới có được đời sống tươi mát và hân hoan, sẵn sàng và thích ứng cho việc huấn luyện và thực tập. Sự huấn luyện pràna như thế cũng được tìm thấy trong nền Phật học. Bạn sẽ thấy rằng sự huấn luyện pràna (Prànayàma) đã được lấy ra làm đề mục thứ nhứt của Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati). Điều đó chẳng có gì là chống đối chút nào với các nguyên tắc của chúng ta. Thật ra, Pháp Giác Niệm về Hơi thở vẫn đứng vững trước bất cứ hệ thống trường phái du già nào. Hơn thế nữa, Pháp Giác Niệm về Hơi thở còn cải tiến cả các hệ thống trường phái đó. Với kỹ thuật quán tưởng về thân (kàya nupassanà), chúng ta xử dụng đến sự huấn luyện pràna (Prànayàma) của tất cả các trường phái du già của Ấn độ, cải tiến chúng, phát triển thêm cho hoàn hảo, để trở thành một hình thức huấn luyện về pràna (Prànayàma) thích ứng nhứt, và thực tiễn nhứt. Đó chính là sự quán tưởng về thân (Kàyanupassanà), đề mục thứ nhứt của việc chúng ta đang nghiên cứu.

Nếu chúng ta chỉnh đốn cái thân pràna (thân hơi, tức là hơi thở vào và ra) cho được hoàn mỹ, khiến nó trở nên tốt đẹp, lành mạnh và yên tĩnh, thì nó sẽ làm cho tấm thân thể chất nầy cũng trở nên tốt đẹp, lành mạnh và yên tĩnh. Cái thân hơi đó có đủ khả năng tạo nên mối an hoà to lớn và yên tĩnh cho cuộc đời nầy. Đó là lý do tại sao ta cần phải nên hiểu rõ cả hai thân (kàya): tấm thân bằng xương thịt và tấm thân hơi (hơi thở). Thế rồi chúng ta sẽ khiến chúng trở nên tốt đẹp cho đến khi nào thấy có được sự hoàn mỹ, sự an hoà và sự an tĩnh. Chữ "tốt đẹp" ở đây có nghĩa là "thích nghi và phù hợp để được xử dụng trong việc hoàn tất các công tác và nhiệm vụ."

Đề mục cuối cùng của bộ bốn thứ nhứt là sự an định thân hành, tức là làm cho vật bảo mạng của thân (tức là pràna, thân hơi) được trở nên an hoà và yên tĩnh. Làm được như thế, thì sự an tĩnh sẽ khởi lên nơi tấm thân thể chất. Tâm (citta) cũng cảm được sự an tĩnh đó và nó cũng trở nên an tĩnh theo. Nhờ đó mà tâm mới sẵn sàng hoàn tất được các nhiệm vụ của nó sau nầy. Đề mục về thân, giản dị cũng chỉ có thế. Nếu bạn chẳng muốn biết đến chừng ấy, thì cũng tùy ý bạn, nhưng sự kiện thực tế đều đúng là như vậy; bạn đâu mất đồng xu nhỏ nào để hiểu đến chúng. Bạn càng hiểu rõ chúng chừng nào thì sự thực tập càng mang lợi lạc nhiều đến cho bạn chừng ấy. Rồi có thể là bạn sẽ được hưởng thọ về cuộc đời nầy đến mức tối đa. Vì lẽ đó mà ta phải bắt đầu học tập về thân (kàya) như là bộ bốn thứ nhứt của mười sáu bước thực tập.

Xin bạn hãy nghiên cứu kỹ lưỡng sự thật thiên nhiên sâu xa nầy: thân hơi (pràna) là tác viên gây điều kiện ảnh hưởng (conditioner) đến tấm thân thể chất. Bạn phải biết rõ có hai thân (kàya), hoặc là hai giai tầng của thân (Kàya). Mọi người đều biết rõ giai tầng thứ nhứt tức là tấm thân thể chất, và chẳng hiểu chi nhiều về giai tầng thứ hai, tức là thân hơi (pràna). Vì thế, việc tìm hiểu rõ về thân hơi là việc rất quan trọng, bởi vì nó đưa tới việc có được một tác viên gây ảnh hưởng tốt cho tấm thân vật chất. Ở Ấn độ, việc huấn luyện pràna (prànayàma, sự huấn luyện hơi thở) được xem như là một đề mục cao nhứt và cần thiết nhứt để nghiên cứu. Mặc dầu các lời giải thích của các trường phái có khác nhau, và mỗi trường phái có lối cắt nghĩa riêng, nhưng sau cùng, tất cả đều cô đọng lại ở điểm nầy: điều chỉnh hơi thở (pràna) như thế nào để cho nó gây ảnh hưởng tốt đến tấm thân vật chất theo ý ta mong muốn. Bạn nên học tập và huấn luyện hơi thở cho khéo để có thể dùng được nó mà điều kiện hoá tấm thân thể chất. Chúng ta đâu thể nào trực tiếp điều chỉnh tấm thân thể chất được, nhưng chúng ta vẫn có thể điều chỉnh nó một cách gián tiếp. Ta học hỏi về thân hơi (pràna) và thực tập cách điều chỉnh nó. Có đủ khả năng để điều chỉnh thân hơi cũng tương đồng với việc điều chỉnh tấm thân thể chất, như ý ta cần đến, tức là, làm cho tấm thân xương thịt trở nên an hoà và yên tịnh.

Chúng ta gắng phát triển sự hiểu biết cho đến khi nào chúng ta có đủ khả năng để điều chỉnh được thân hơi (pràna). Rồi chúng ta dàn xếp thế nào để có được một tấm thân thể chất tốt đẹp, lành mạnh, sẵn sàng hỗ trợ cho tâm (citta) đi vào định lực. Như thế, cả hai thân tâm đều được chuẩn bị để thực hiện các nhiệm vụ riêng của chúng. Đấy là tất cả những gì bộ bốn thứ nhứt đang bàn đến. Nó có đủ các đặc điểm, mục tiêu và đường lối thực tập như thế đó. Xin bạn hãy cứu xét đến nó cho cẩn thận. Có cần thiết làm như vậy không? Có đáng công sức hay thời giờ để nghiên cứu và thực tập như thế không? Nếu bạn thấy rõ đó là điều tốt nhứt mà ta có thể làm, rằng đó đáng cho ta bỏ công ra để cố gắng, thì bạn nên dấn thân trọn vẹn vào việc nghiên cứu và thực tập nầy cho đến ngày thành công viên mãn. Đó là cách làm cho có được điều tốt đẹp nhứt về sự huấn luyện hơi thở -- prànayàma của Phật học -- xuyên qua sự thực tập về quán tưởng minh sát (Vipassanà bhàvanà)(=sự đào luyện về tỉnh thức, hay là sự trực nhận).

Quán tưởng về các Cảm thọ (Vedanà nupassanà)

Giờ đây, chúng ta đến với sự quán tưởng các cảm thọ (Vedanà nupassanà). Chúng ta cần phải nên biết về qui chế các cảm thọ là có ma lực, xấu ác. Thật khó kiếm được chữ để mô tả chúng cho đầy đủ. Cảm thọ thì xấu ác, là bọn ma quái gây nên sự tổn hại, hết sức thấp hèn, những tên đểu cáng đã gây ra các khủng hoảng trong đời ta. Chúng ta làm nô lệ cho các cảm thọ. Mọi người đều làm việc cực nhọc chỉ vì để có được đồng tiền cung phụng cho các lạc thọ (sukha vedanà, các cảm giác thích thú) Các cảm thọ đó là chủ nhân ông của chúng ta. Chúng là bọn ma quái xấu ác luôn luôn làm cho ta lầm lộn, tạo những khó khăn cho ta, và làm cho đời ta thêm rắc rối, vất vả. Ta cần phải biết rõ các cảm tho (vedanà); vì thế, ta chọn các cảm thọ làm đề tài học tập thứ hai của Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati).

Phải chăng các bạn đã rời Âu châu, Mỹ châu, hay bất cứ nơi nào mà bạn cư trú, để đến đây, ở Suan Mokkh nầy, hầu tìm ra một thứ lạc thọ (sukha vedanà)? Có đúng vậy không? Ngay cả khi còn ở Âu Mỹ, các bạn đã làm việc cũng chỉ là để trưởng dưỡng các lạc thọ (sukha vedanà). Nay, các bạn đến Suan Mokkh nầy là để tìm những điều kiện thuận tiện, hay những phương tiện nào để có cho được lạc thọ. Chúng ta là nô lệ cho các cảm thọ, nhứt là các lạc thọ, vào tất cả mọi thời. Giờ đây là lúc nên tìm cách hiểu biết cho thật rõ ràng về các cảm thọ để có thể kiểm soát được chúng.

Trong một vài văn kinh của hệ Pali, chữ vedanà, cảm thọ, được mô tả như là những tâm hành (citta sanhkhàra), (the conditioners of the mind, tức là, những yếu tố tạo nên điều kiện gây ra ảnh hưởng đến Tâm). Tâm, ở đây, là những gì khởi lên từ các tư tưởng, ham muốn và nhu yếu. Ta đâu có thể nào chịu đựng mãi ảnh hưởng của các cảm thọ, chúng ta cần phải suy nghĩ lại, tại sao phải hành động dưới quyền lực của cảm thọ, hay theo ý nghĩa của các cảm thọ. Chúng ta còn chưa có được tự do bên trong chúng ta, chúng ta còn bị rơi vào quyền lực của các cảm thọ. Cảm thọ thúc đẩy chúng ta phải hành động. Chúng ép buộc tâm, điều kiện hoá tâm (= gây ảnh hưởng đến tâm) phải suy nghĩ và hành động theo đúng quyền lực của chúng.

Nếu chúng ta làm chủ được cái cảm thọ cao cả nhứt, tuyệt đỉnh nhứt, thì rồi chúng ta cũng có thể làm chủ các cảm thọ thấp hơn, thô thiển hơn, nhỏ bé hơn. Khi đã kiểm soát được việc khó khăn nhứt rồi, thì việc kiểm soát các cảm thọ nhỏ, giản dị, ấu trĩ, cũng dễ dàng thôi. Vì lẽ đó, ta nên cố gắng đạt đến một giai tầng cao cấp nhứt trong các cảm thọ, tức là, các cảm thọ khởi phát từ định lực (samadhi). Rồi các bạn hãy lấy các cảm thọ cao đó làm thành một bài học, để có thể chinh phục được chúng. Một khi ta đã chinh phục được các cảm thọ cao đó rồi thì chúng ta cũng chiến thắng được luôn tất cả các cảm thọ khác. Bạn có muốn thấy cần tập thử một lần xem ra sao chăng? Bạn sẽ phải chịu đựng những khó khăn nào sắp khởi lên? Bạn có nên đầu tư thời giờ quí báu của bạn vào việc thực tập nầy chăng? Xin bạn hãy bình tâm nghĩ lại cho chín chắn.

Có thể bạn thấy thật là "ngộ nghĩnh" khi bạn phải cố gắng chinh phục cho được các cảm thọ cao quí đó, rồi thay vì hưởng thọ, thưởng thức, thích thú nếm lấy hương vị của chúng, thì bạn lại phải kiểm soát chúng, giết chúng, và tận diệt chúng đi. Có lẽ vài bạn thấy như thế là buồn cười! Có người lại tưởng đó chỉ một câu chuyện khôi hài, cố tìm cho được một cảm thọ thật cao quí rồi chỉ để kiểm soát được nó và để giết tiêu nó luôn đi! Xin các bạn hãy thận trọng suy nghĩ lại cho kỹ và cho chín chắn về điểm nầy. Bù lại việc giết chết một cảm thọ thật cao quí đó, chúng ta sẽ thủ đắc được một cái gì còn cao cả hơn, hoàn mỹ hơn, hơn cả cái cảm thọ cao quí trước đó. Chúng ta sẽ được một thứ cảm thọ đặc biệt, ở một giai tầng cao xa hơn, cho đến nổi ta chẳng thể gọi đó là một cảm thọ nữa, mà là một chút gì tựa như Niết-bàn (Nibbàna), hay là sự giải thoát. Vậy bạn chớ nên xem đó là một trò đùa, hay một câu chuyện khôi hài, cái công tác mà ta đã bỏ công ra đi tìm kiếm và để rồi lại giết chết hết đi các cảm thọ cao quí đó.

Quán tưởng về Tâm (Citta nupassanà)

Bộ bốn thứ ba là sự quán tưởng về tâm (citta nupassanà). Mục tiêu của bộ bốn nầy là tìm hiểu thật rõ các loại tâm và biết được chúng ra như thế nào. Rồi chúng ta sẽ huấn luyện tâm sao cho nó biết đi theo con đường đứng đắn mà đáng lẽ lúc nào nó cũng phải theo như thế. Ta thanh lọc tâm, gom tâm ý tập trung lại và thúc đẩy tâm hoạt động. Ta khiến tâm trở nên một loại tâm thích ứng và sẵn sàng để hoàn tất các nhiệm vụ cao cả của nó. Tâm phải được đặt trong tình trạng luôn luôn sẵn sàng để thi hành các bổn phận còn lại của nó, nhứt là việc tiêu trừ sự khổ sở (dukkha). Trong bộ bốn nầy, chúng ta nghiên cứu về tâm cho đến lúc nào ta có thể đặt nó dưới quyền kiểm soát của ta. Rồi chúng ta sẽ xử dụng tâm ấy để thi hành nhiệm vụ kế tiếp còn cần phải hoàn tất, cho đến khi chúng ta đạt tới được một mức cao nhứt về bổn phận.

Quán tưởng về Pháp (Dhamma nupassanà)

Bộ bốn thứ tư là sự quán tưởng về Pháp (Dhamma nupassanà), liên quan đến sự thông hiểu thấu suốt về tất mọi sư vật mà chúng còn đang bị lệ thuộc vào. Ý nghĩa của việc nầy rất quan trọng. Hiện giờ, chúng ta cứ bám níu vào sự nầy, vật nọ, khiến chúng ta trở nên nô lệ của các sự vật đó. Do đó, chúng ta cần phải tìm biết sự thật về các sự vật để có thể chấm dứt tình trạng lệ thuộc của chúng ta vào chúng. Đó là ý nghĩa của việc quán tưởng các Pháp (Dhamma nupassanà). Hãy tìm biết cho rõ ràng Sự thật về các sự vật mà chúng ta còn đang bám níu vào. Phải biết rõ Sự thật đó cho đến khi nào tâm biết buông bỏ mọi bám níu (= cố chấp, chấp thủ), cho đến khi mọi sự bám níu còn vướng lại đều tan rả hết.

Trên đây là những điều mà ta cần thông hiểu về sự quán tưởng về Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati vipassanà), với mục tiêu là loại bỏ tất cả mọi vấn đề khó khăn, chỉ để cho mình khỏi bị thành một tên nô lệ cho bất cứ sự vật gì trên cõi thế gian nầy nữa, và để cho mình có thể sống một cuộc đời thanh lương và an hoà đến mức tuyệt đỉnh. Ngay trong cõi đời nầy, đã có sự thanh lương, và đó là hoa quả của việc thực tập. Pháp nầy chính là chiếc xe đưa ta đến sự thanh lương của cuộc đời, một đời sống tươi mát; đấy chính là sự minh sát (Vipassanà) được thực tập theo đúng với các nguyên tắc của Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati).

 

Phụ lục 3:  Quán tưởng về Định lực trong Phật giáo

(Trích đoạn bài pháp thoại ngày 1987 05 05)

Có rất nhiều hình thức, thể dạng và hệ thống về sự Quán tưởng về Định lực. (Samàdhi bhàvanà). Hôm nay, tôi muốn bàn luận về sự quán tưởng về Định lực (Samàdhi bhàvanà) được Đức Phật giới thiệu và khuyến khích. Đề tài nầy được kết tập trong Tam Tạng Kinh điển, hệ Pali (Tipitaka), dưới cả hai hình thức giản lược và chi tiết về lời giải thích. Chúng tôi gọi đó là sự Quán tưởng Định lực của Đức Phật. Sự quán tưởng nầy chẳng phải là hệ thống của Miến điện, hay của Trung Hoa, hoặc của Tích lan mà ngày nay chúng ta thường quí chuộng. Nó cũng chẳng phải là hệ thống nào của một vị Hoà thượng nầy, thiền sự nọ, đạo sư kia mà lắm người thường bị dính chặt vào. Lại cũng chẳng phải là hệ thống của Suan Mokkh hay của bất cứ tu viện nào. Nó chẳng hề giống với bất cứ hình thức pháp môn mới mẻ nào của ngày nay. Trái lại, đó là đường lối chơn chánh mà Đức Phật đã giảng dạy và khuyến khích tu tập theo. Ngài tuyên bố hình thức quán tưởng về Định lực nầy chính là đường lối mà Ngài đã theo để đạt đến sự Giác Ngộ Hoàn Toàn. Chúng tôi sẽ đặc biệt nói riêng về hệ thống của sự quán tưởng về Định lực đó.

Đây là hệ thống quán tưởng về Định lực được biết đến dưới danh xưng Ànàpànasati bhàvanà, hay vắn tắt và giản dị hơn, là Ànàpànasati, Giác Niệm về Hơi thở. Tất cả có cả thảy là mười sáu bước thực tập, hay là mười sáu đề mục được đem ra thực tập. Dường như có vài người chẳng thích và than phiền rằng có quá nhiều bước, quá nhiều đề mục cho họ học tập. Về điểm nầy, tôi thấy cần phải nhấn mạnh rằng, Đức Phật chẳng bao giờ giảng dạy những gì nhiều hơn sự cần thiết, hoặc những gì còn chưa đầy đủ. Tức là, mười sáu bước của Giác Niệm về Hơi thở chẳng hề quá nhiều hoặc quá ít cả. Nếu bạn có đủ kiên nhẫn để thực tập cả mười sáu bước, bạn sẽ có được một hệ thống trọn vẹn. Nếu bạn chẳng đủ sức để thực tập như thế, thì vẫn còn có một thể dạng tóm lược cũng khá thích hợp cho những người còn ... lười.

Thể dạng rút gọn cho người thường.

(...) Chúng tôi xin chỉ lấy những gì vừa đủ cho người thường, mà chúng tôi gọi đó là "phương pháp được rút gọn". Cốt lõi của phương pháp nầy là tâm tập trung vào định lực một cách thích hợp, vừa đủ, mà người thường có thể làm được, và rồi dùng cái tâm tập trung đó để quán sát vô thường khổ sở vô ngã -- ba đặc tướng của muôn pháp (aniccam dukkham anattà) -- cho đến khi nào nhận thức được rõ ràng tánh không (sunnatà) như thị (tathatà). Với sự thực tập nầy, thường nhơn cũng thâu nhận được như thường các lợi lạc của định lực. Họ sẽ thâu hoạch được kết quả đầy đủ về sự tận diệt Khổ sở (dukkha), nhưng sẽ chẳng có các đức tánh đặc biệt cộng thêm vào đó. Dầu sao thì các đức tánh đặc biệt đó cũng chẳng cần thiết. Vậy thì, bạn cứ tập trung tâm ý đi vào định lực đủ để tiến lên việc quán sát vô thường, khổ sở và vô ngã. Như thế, chỉ cần thực tập bộ bốn thứ nhứt của Pháp Giác niệm về Hơi thở đầy đủ, rồi thì thực tập tiếp đến bộ bốn thứ tư, cũng đầy đủ nữa. Và chỉ có thế mà thôi! "Đầy đủ" thì chẳng phải là nhiều quá, mà cũng chẳng được trọn vẹn đâu, nhưng cũng đã đủ tốt lắm rồi. Đấy là thể dạng rút gọn dành cho thường nhơn.

Giờ đây, chúng ta xét đến việc thực tập bộ bốn thứ nhứt. Hãy thở sao cho hơi thở thật tế nhị và khiến cho toàn thân thể trở nên tế nhị, tức là, thanh lương và yên tĩnh. Chỉ cần bấy nhiêu thôi đã đủ cho tâm vừa đủ khéo léo để đi vào quán tưởng minh sát (Vipassanà). Và rồi tâm đạt đến giai tầng có thể quán tưởng về vô thường, khổ sở và vô ngã (aniccam dukkham anattà); cả ba đặc tướng nầy thường thể hiện qua mọi bộ phận, cơ quan, thành phần trong cơ thể. Đặc tướng vô thường, bất toại nguyện và vô ngã của mọi cơ quan, bộ phận trong thân thể chúng ta -- vừa thể chất lẫn tinh thần -- được quán sát cho đến khi nào nhận thức ra được đặc tướng như thị (tathatà). Khi đặc tướng như thị đã được nom thấy thật rõ, thì chúng ta hết còn bị rơi dưới quyền lực của nhị nguyên (dualism) nữa. Như thế cũng đã đủ rồi. Đủ được chừng ấy cũng khiến ta vượt lên, càng ngày càng cao hơn, để đi sâu vào các Pháp cho đến khi nhận thức được điểm tuyệt cao. Đấy là phương pháp giản lược cho thường nhơn; những ai còn sống trong gia đình, cũng có đủ khả năng để thực tập được chừng ấy.

Thể dạng hệ thống đầy đủ của Đức Phật

Giờ đây chúng tôi xin nói đến hệ thống mà chính Đức Phật đã thực tập và giải thích. Đây là hệ thống đầy đủ, hoàn toàn, khác với thể dạng rút gọn; tức là hình thức có đầy đủ cả bốn bộ bốn của Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati). Xin bạn hãy kiên nhẫn để nghe. Bạn có thể có đủ khả năng để hiểu được đôi chút và như thế cũng đủ để đem lại lợi lạc cho bạn. Nếu chẳng may bạn còn nghĩ rằng nó quá dài, hay dư thừa, thì chắc là bạn còn chưa thực sự hiểu rõ được chi cả.

Chúng ta thở, và thở nhiều hơi thở khác nhau để quán sát tìm hiểu mỗi loại hơi thở thực sự đang tiếp diễn ra. Chúng ta cũng hiểu rằng hơi thở hỗ trợ và phục dịch cho tấm thân vật chất. Điều nầy đã được biết rõ như thế, tự ngàn xưa, ngay cả trước khi Phật giáo xuất hiện trên thế gian. Có thật nhiều phương pháp huấn luyện hơi thở (prànayàma) được thực tập trước thời Đức Phật. Khi Đức Phật thị hiện ra đời, Ngài lấy sự huấn luyện hơi thở, prànayàma, đem cải tiến lại để trở thành hệ thống quán tưởng Giác Niệm về Hơi thở. Chúng ta điều chỉnh cuộc sống và thân thể qua hơi thở. Do đó mà có bốn bườc thực tập: (1) ý thức được hơi thở dài, (2) ý thức được hơi thở ngắn, (3) ý thức được hơi thở đã điều hoà thân thể như thế nào, và (4) quán tưởng theo đường lối nào mà hơi thở trở nên êm dịu, để khiến cho thân thể được an tịnh. Đó là bốn bước thực tập. Đâu có nhiều chi lắm, phải không? Tại sao lại chẳng thử tập xem? Bạn hãy quán sát cho thật tình và nghiên cứu cho chân xác theo một đường lối khoa học. Rồi thì mọi việc sẽ chẳng có khó khăn chi nữa cả.

Sự kiểm soát hơi thở (prànayàma) còn có nhiều lợi điểm khác chẳng dính dáng với tôn giáo hay Chánh Pháp (Dhamma). (...) Bạn có thể làm cho đời bạn dài thêm ra hơn mức bình thường, nhờ sự kiểm soát hơi thở. Hay là bạn có thể làm cho bạn chết, ngay cả vào hôm nay nữa. Bạn có thể chết được ngay vào bất cứ hơi thở nào bạn muốn, qua sự kiểm soát hơi thở. Bạn có thể có được hơi thở tốt đẹp và lành mạnh cùng với một thân thể tốt đẹp và lành mạnh, qua sự kiểm soát hơi thở. Bạn có thể chơi thể thao, lái xe, làm việc ở văn phòng, hay bất cứ việc gì bạn muốn, nếu bạn có thể điều chỉnh hơi thở của bạn, tức là pràna, theo đúng đường lối phù hợp với các mục tiêu của bạn.

Chúng tôi muốn các bạn biết rõ rằng Giác Niệm Hơi thở còn có đủ các lợi điểm bên lề đó, ngoài phạm vi giáo lý và tôn giáo ra.

Nhiệm vụ tối cao của chúng ta.

Bộ bốn chót bàn về Pháp (Dhamma), tức là Thiên nhiên và Chơn Lý về Thiên nhiên. Khi tâm (citta) đã chịu ở dưới sự kiểm soát rồi và có được định lực (samadhi) cần thiết, ta dùng tâm ấy để thực hiện cái nhiệm vụ tối cao. Khi nói "tối cao", chúng tôi muốn nói đến nhiệm vụ phải biết rõ, phải nhận thức rõ, Chơn Lý. Xuyên qua sự minh sát (Vipassanà) bằng cách quán sát thật kỹ lưỡng với một định tâm chúng ta sẽ nom thấy rõ Chơn Lý của muôn sự vật. Chúng ta nhận thức được mọi sự vật đều vô thường. Bất cứ việc gì mà ta đang thể nghiệm đây cũng là vô thường. Ngay cả những sự vật mà ta còn chưa ý thức đến cũng vô thường nữa, nghĩa là, luôn biến chuyển và thay đổi. Chỉ có một ngoại lệ duy nhứt là Niết-bàn (Nibbàna), một thực thể chẳng hề thay đổi. Như thế, chúng ta biết được sự vô thường (aniccam) của muôn sự vật. Hơn thế nữa, sự kiện về vô thường còn đè ép chúng ta, và khiến cho chúng ta phải thể nghiệm sự Khổ sở (Dukkha). Tình trạng khổ sở đó khó cho mọi người phải chịu đựng mãi; chẳng có tự ngã nào, linh hồn nào chống cự lại được. Đó là vô ngã (anattà). Và như thế đó chúng ta nhận thức được vô thường, khổ sở, vô ngã (aniccam dukkham anattà). Gọi chung chúng lại, ta nói đó là tánh không (sunnatà), tức là sự rỗng không của cái tự ngã. Kế đó, nhận thức đến sự như thị (tathatà), "như thế", "chỉ là như vậy đó’. Đó là bước thứ nhứt của bộ bốn thứ tư. được gọi làquán tưởng về vô thường (anicca nupassanà) Chỉ riêng một danh từ kép đó cũng đủ bao trùm hết cả các sự nhận thức về vô thường, khổ sở, vô ngã, tánh không, như thị! (aniccam dukkham anattà sunnatà tathatà). Tất cả các điều đó đều được gom chung lại vào một bước, bởi vì tất cả đều là kết quả trực tiếp của việc nhận thấy ra được sự vô thường.

Tiếp tục thực tập, ta thấy rằng: "Ồ! một khi nhận thức được vô thường (aniccam) rồi thì sự bám níu (= chấp thủ) bắt đầu phai nhạt dần, rồi từ từ tan rả từng miếng, từng miếng ra". Điều đó được gọi là Viràga, sự vô chấp thủ, sự buông bỏ chẳng bám níu nữa. Nhận thức được sự tan rả của việc bám níu khiến ta thốt lên: Ồ! tiêu tán hết rồi! Sự bám chặt đã "rã bèn" hết rồi! Đó là sự đoạn diệt (nirodhà): sự tuyệt diệt đến tận gốc rễ của mọi lậu hoặc, phiền não và khổ sở. Nếu sự khổ sở (dukkha) đã thật sự chấm dứt, chúng ta liền biết rõ: "Ý a! Nay mọi việc đều chấm dứt hết, mọi việc đều ngừng lại hết. Nhiệm vụ của chúng ta đã hoàn tất! Chẳng còn gì phải làm thêm nữa". Chẳng còn sự khổ sở nào hay vấn đề khó khăn nào sót lại nữa, còn cần phải dập tắt nữa cả. Đấy được gọi là sự quẳng bỏ lại ra phía sau (patinissagga), sự khước từ, sự từ bỏ tất cả. Chẳng còn gì sót lại hết cả. Đấy là bộ bốn cuối cùng, sự quán tưởng về Pháp (Dhamma nupassanà) có liên quan đến Chơn Lý của muôn sự vật.

Chẳng có gì dư thừa cả.

Sau cùng, bạn có thể tự mình nhận thấy lấy, xem có việc gì là dư thừa hay không. Chúng ta bắt đầu nghiên cứu về sự Khổ sở (dukkha), và nguyên nhân đã khiến sự Khổ sở khởi lên. Kế đó, chúng ta nghiên cứu về những cơ sở nào đã khiến cho sự Khổ sở nẩy nở thêm lên: đó là thân (Kàya) và các cảm thọ (Vedanà). Chúng ta tiếp tục nghiên cứu sự thể nghiệm khổ sở, hoặc thể nghiệm sự vắng bóng của nỗi Khổ sở; nói cách khác, chúng ta đã nghiên cứu tâm (citta), cái tâm thể nghiệm sự Khổ sở và sự Chẳng khổ. Và sau chót, chúng ta nghiên cứu Pháp (Dhamma), tức là Chơn Lý của muôn sự vật, để khiến cho tâm biết, hiểu biết, biết thật rõ ràng, cho đến khi nào tâm ấy biết rằng chẳng còn gì bám níu (= chấp thủ) vào đâu nữa cả. Biết buông bỏ tất cả!

Thật có rất nhiều việc cần phải làm. Để hoàn tất nhiệm vụ đó, sự thực tập của chúng ta cần phải thật đầy đủ. Vì lẽ đó mà ta cần phải có đủ mười sáu bước thực tập. Nhưng như tôi đã giải thích với các bạn khi trình bày Pháp nầy, cũng chẳng có chút nào là quá mức hay dự thừa cả. Thật ra, có rất nhiều đề mục cần phải nghiên cứu để thấu hiểu tường tận, nhưng chỉ nên biết rằng đó chỉ có võn vẹn là mười sáu bước thực tập mà thôi, có chi là quá nhiều đâu. Vài người nói, như thế đó cũng đã nhiều rồi, và họ còn chưa muốn nghiên cứu và thực tập đến. Nếu họ cứ nghĩ Pháp nầy chẳng giúp đỡ gì cho họ, thì thôi vậy, cứ để cho họ tự tìm lấy những gì thích hợp với họ. Những ai chẳng muốn nghiên cứu và thực tập hình thức đầy đủ của mưới sáu bước thực tập nầy, thì họ vẫn còn có thể tập theo các thể dạng tóm lược đã được bàn đến ở phía trước. Đấy cũng khá đủ để có thể thâu hoạch được các lợi lạc của Phật học xuyên qua kỹ thuật quán tưởng về Định lực (samàdhi bhàvanà).

 

Phụ lục 4: Phần Đúc kết của Tỳ kheo Santikaro

(Trích đoạn Phần Đúc Kết của Tỳ kheo Santikaro, người đã thông dịch từ tiếng Thái sang Anh ngữ.)

Hôm nay, tôi xin cố gắng ôn lại và thêm vào vài điểm của Pháp sư Phật Lệ (Ajahn Buddhadàsa) mà tôi nghĩ có lẽ các đạo hữu người Tây phương có thể gặp khó khăn hay dễ lầm lẫn. Đây chỉ là đôi điều gợi ý hay là vài mẹo vặt có thể dùng để thiết lập sự thực tập Giác Niệm về Hơi thở (Ànapànasati). Phần còn lại có liên quan đến Chánh Kiến (Sammà ditthi). Thái độ của chúng ta có đứng đắn, thì việc thực tập Giác Niệm mới trở nên đứng đắn để đưa đến sự dập tắt các Khổ sở (dukkha) qua sự chấm dứt các chấp thủ (= các sự bám níu). Mặc dầu tôi chẳng phải là một thiền sư, nhưng các chi tiết nầy cũng có thể giúp ích được các bạn một cách thực tiễn.

Tiến triển tự nhiên và thực tập cố ý.

Tôi xin bắt đầu với một sự phân biệt thường bị bỏ quên. Khi chúng ta nói Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati), chúng ta cũng nói đến sự tiến triển tự nhiên của tâm trí, của đời sống con người. Sự tiến triển tự nhiên đó chẳng phải là cùng một việc với sự thực tập quán tưởng, mặc dầu cả hai cùng khởi lên với nhau và hỗ trợ cho nhau. Mười sáu bước của Giác Niệm về Hơi thở được đặt trên căn bản quán sát mười sáu đề mục (bao gồm cả hơi thở, nhưng chẳng giới hạn vào hơi thở) trong khi chúng ta có ý thức về hơi thở vào và hơi thở ra. Trong việc chúng ta nghiên cứu về đời sống, chúng ta đặt tiêu điểm lên mười sáu đề mục linh động đó. Cùng một lúc, mười sáu đề mục đó khởi lên, một cách tự nhiên, từ sự huấn luyện về tâm (citta bhàvanà). Tâm trí phải noi theo một con đường tiến triển nào đó, từ điểm tâm trí đang hiện diện để đi đến điểm được gọi là "giác ngộ". Với tất cả chúng sanh, con đường tiến triển đó giống nhau, một sự tiến triển tự nhiên vừa là bổn phận vừa là đặc quyền của tất cả chúng ta. Giác Niệm về Hơi thở chẳng phải là sự tiến triển đó, đúng ra Giác Niệm về Hơi thở là sự khảo sát và sự trưởng dưỡng của sự tiến triển tự nhiên đó. Khi sự tiến triển đó khởi lên, và nó đã bắt đầu rồi, chúng ta dùng Giác Niệm về Hơi thở để học tập và tìm hiểu về nó. Xuyên qua sự thông hiểu đó (về sự tiến triển tự nhiên) chúng ta có thể dùng Giác Niêm về Hơi thở để hỗ trợ, trưởng dưỡng, và thúc đẩy sự tiến triển đó tiến lên theo. Như thế, sự thực tập và các tiến bộ thu hoạch đều liên hệ hỗ tương nhau, và chẳng thể tách rời nhau ra, mặc dầu chúng chẳng phải là đồng nhứt với nhau.

Người ta thường lầm lẫn hai điều vừa nói đó. Ta thường nghe thốt lên: "Ồ! Tôi đang ngất ngây, tôi đang có hỉ (pìti), tôi đang được bằng lòng, thì tôi phải đang ở bước thứ năm." Sự lầm lẫn đó có thể xảy ra ở mọi bước thực tập khác và vài người lại nghĩ rằng họ đã có thể thi hành hết cả trong một buổi ngồi tập ngắn ngủi. Cái cảm giác bằng lòng đó, cũng như các đối tượng khác, sẽ khởi lên, đến rồi đi, vào mọi thời, như là một yếu tố của tiến trình tự nhiên đang tiếp diễn. Tuy nhiên, trong bước thứ năm, chúng ta mới bắt đầu làm việc với hỉ (pìti) thật là vào đúng lúc, vì sau khi thực tập xong đầy đủ cả bốn bước (của bộ bốn thứ nhứt) thì hỉ mới khởi hiện lên rõ ràng và vững vàng. Ngay cả khi thực tập bước thứ nhứt, cảm giác bằng lòng cũng đã khởi lên cùng với niềm vui (lạc, sukha). Thế thì đâu có gì mà phải thích rộn lên như thế. Chúng ta cũng lại có thể có ý thức về sự vô thường, ngay cả trong bước thứ nhứt, nhưng đó còn chưa phải là đã đến với bước thứ mười ba, trừ phi lúc ấy ta đang cố ý quán tưởng về sự vô thường. (Trong trường hợp vô thường, nếu đó là một chiếu kiến (insight) nom thấy thật rõ ràng với Trí huệ, chớ chẳng phải chỉ là sự tự nhũ thầm tưởng tượng ra như thế, thì cũng đáng cho ta tiến lên ngay. Tuy nhiên, với mười hai bước đầu tiên, tốt nhứt là nên tập từng bước một, từ bước, mỗi bước một lần). Vào mỗi một lúc nào đó, chúng ta có ý định chỉ thực tập một bước đặc biệt nào đó, hoặc một đề mục đặc biệt nào đó mà thôi. Còn các đề mục khác được tạm thời gát cả qua một bên. Nếu tâm trí có đi "ngao du", thì chỉ nên ghi nhận việc đó, dứt bỏ nó đi, và trở lại với đề mục hiện đang cứu xét cùng với nhịp hơi thở vào và ra.

Có một sự khác biệt giữa những gì khởi lên tự nhiên và những gì chúng ta đang thực tập một cách riêng biệt. Để tóm lại, về phương diện tự nhiên thì có đủ mười sáu bước, mười sáu đề mục được khởi lên một cách tự nhiên khi nào đầy đủ các điều kiện hiện có. Về phương dện thực tiễn, chúng ta thực tập một cách có hệ thống về mười sáu sự việc, từng đề mục một, mỗi cái một lần. Xin các bạn hãy hiểu rõ điều nầy. Nó sẽ giúp các bạn biết chắc được điều gì bạn đang cần phải làm và thực tập cho có hiệu quả.

Còn một phương diện khác của sự tiến triển tự nhiên nữa, đó là tâm trí tiến triển từ tình trạng thô thiển sang một tình trạng tế nhị hơn về vui mừng. Khi chúng ta mới bắt đầu quán tưởng, chúng ta hay lưu tâm đến một tình trạng vui mừng còn thô thiển, thông thường là về nhục cảm và tình dục. Qua sự quán tưởng, chúng ta gặp được các giai tầng tinh tế hơn về vui mừng. Và với sự quán tưởng về tâm (citta bhàvànà) càng tiến triển, chúng ta khám phá ra còn nhiều giai tầng tế nhị hơn nữa về sự an lạc. Một khi chúng ta đã học được giai tầng càng ngày càng cao hơn về an lạc, thì cũng khá dễ dàng để buông bỏ các tình trạng vui mừng còn thô thiển đi. Như thế, trong việc thực tập nầy, có sự tiến triển tự nhiên của tâm trí biết buông bỏ các tình trạng thô thiển về vui mừng khi đã khám phá ra niềm vui tốt đẹp hơn. Rồi đó tâm sẽ bám vào niềm vui đẹp đó cho đến khi nào nó thấy ra được một niềm vui khác còn cao quí hơn nữa. Nó có thể buông bỏ những gì nay xem như là một niềm vui còn thấp kém để hưởng thọ lấy một niềm vui cao quí hơn. Điều nầy cứ thỉnh thoảng xảy ra cho đến khi chúng ta hiểu được rằng niềm vui tối thượng chính là chẳng bám vào, hay đắm say với, bất cứ hình thức vui mừng nào cả.

Xin mỗi lần chỉ một bước thôi, và xin khởi sự ngay tại chỗ phải bắt đầu.

Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) cần phải được thực tập mỗi lần chỉ một bước thôi. Chúng ta chỉ thêm rối trí hay lơ đãng hơn, khi cố làm hai hay ba việc cùng một lúc. Chúng ta phải nên thoả mãn với bước chúng ta đang thực tập và quyết tâm thực tập nó cho thật đúng, dầu nó kéo dài trong bao lâu đi nữa. Chúng ta chẳng nên nhảy lòng vòng từ bước nầy sang bước nọ, chỉ vì chúng ta thiếu sự yên tâm, hoặc chán nản, hoặc đang có đầy ham muốn. Đừng để ý nghe theo khi mình đang nghĩ: "Hôm nay, ta sẽ tập cả mười sáu bước.", hoặc là "Mình hãy tập bộ bốn thứ nhứt tuần nầy, tuần sau đến bộ bốn thứ hai, rồi tuần sau nữa...", hoặc là "Mình hãy thử bắt đầu tại bước thứ mười sáu, rồi tập ngược lên." Cũng đừng giở sách ra đọc lướt qua rồi chọn một bước nào mình thích nhứt để thực tập. Chúng ta phải tập từng bước một, bởi vì Pháp Giác Niệm Hơi thở đã căn cứ vào sự tiến triển tự nhiên vừa được mô tả ở trước.

Muốn thu hoạch được lợi lạc nhiều nhứt về sự tiến triển tự nhiên đó, tốt nhứt là chúng ta phải thực tập theo đúng theo Pháp Giác Niệm về Hơi thở đã được Đức Phật chỉ dạy.

Luôn luôn phải bắt đầu tại chỗ bắt đầu. Mỗi buổi thực tập bắt đầu với sự thiết lập giác niệm (sati) lên trên hơi thở và rồi liền thực tập ngay bước thứ nhứt. Sau khi bạn đã thuần thục với bước một rồi, sau khi bạn đã biết bước ấy rất đầy đủ rồi và thực hành bước ấy dễ dàng rồi, thì bạn mới sang bước thứ hai. Hãy thực tập bước thứ hai cho đến khi nào bạn trở nên thiện xảo với bước đó, và đã học xong tất cả những gì bạn phải biết về bước đó. Rồi bạn mới qua bước thứ ba. Đừng để mình phải rơi vào sự lầm lộn chút ít ở bước một, rồi lại chút ít ở bước hai, rồi lại vài chỗ ở đây, vài chỗ ở đó. Ta thường hay nóng lòng với điểm ta đang đứng, và muốn sang ngay đến chỗ nào khác. Biết tự kềm chế chẳng nghe theo sự nóng lòng đó, sẽ đem lại cho ta nhiều điều tốt. Vậy, bạn hãy thực tập từng bước một, mỗi bước một lần, và nên đeo dính bước ấy cho đến khi nào bạn trở nên thật thiện xảo với bước đó mới thôi.

Mỗi buổi thực tập là một buổi hoàn toàn mới. Mỗi buổi ngồi hoặc đi, hoặc buổi thực tập về gì khác nữa, cũng là một buổi hoàn toàn mới. (Và thật ra, mỗi hơi thở cũng đều là mới cả). Bởi thế cho nên, mỗi buổi thực tập phải bắt đầu ngay tại bước thứ nhứt. Ngay cả khi bạn vừa thực tập ở bước thứ ba, hoặc bước thứ tư, vào ngày hôm qua, hay trước bữa ăn sáng, (...) bạn cũng phải bắt đầu buổi hôm nay ở bước thứ nhứt (...) Nếu bạn đã thành công rồi với bước một, giờ đây bạn cũng phải ôn nó lại, ngay tại lúc khởi sự tập lại ở mỗi buổi, ôn lại cho đến khi nào mà sự hiểu biết về bước một hiện ra tại đây và ngay bây giờ, chớ chẳng phải chỉ là một sự hồi tưởng suông nhớ lại nó. Mỗi bước phải được ôn lại như thế đó, để lấy làm chắc là mình đã thiện xảo với nó ngay bây giờ. Tùy vào các điều kiện hiện có -- phần lớn là điều kiện nội tại -- mỗi buổi thực tập chẳng đi xa hơn mỗi một bước, và ở vài buổi khác cũng chỉ đến mức đã tiến bộ chung vừa qua.(...) Chẳng có chút mong cầu nào cả, ta cứ thực tập từng bước một, nhận thấy rõ những gì đang xảy ra và cố học hỏi cho được những gì ta có thể học được.

Mọi sự việc chỉ giản dị là như thế thôi. MỗI bước tùy thuộc vào các bước trước. Điều kiện thành công của bước thứ năm là sự hoàn tất từ bước thứ nhứt cho đến bước thứ tư. Ta chỉ sẵn sàng bước sang bước thứ mười khi nào ta đã xuyên suốt được từ bước thứ nhứt đến bưóc thứ chín, một cách thành công. Một khi ta đã chịu chấp nhận sự vật như chúng đang là như thế, thì ta mớí ngưng lại việc mong cầu chúng phải như thế nầy hoặc phải như thế kia. Nhờ biết chấp nhận mỗi bước theo tánh tự nhiên của nó mà ta mới thực tập được đứng đắn, thông minh, chẳng nôn nóng, chẳng chán ngấy, và chẳng bực bội.

Con đường trung đạo về sự vô chấp thủ (= chẳng bám níu)

Ta cần phải luôn luôn ghi nhớ rằng đây là sự thực tập và đào luyện tâm trí để dứt bỏ sự chấp thủ, tức là sự bám níu chặt chẽ. Đức Phật chỉ chỉ dạy con đường Trung Đạo, và Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) cũng chỉ là con đường Trung Đạo đó. Nó đâu phải là sự thực tập ráo riết, nhưng cũng chẳng phải là chẳng cần một nỗ lực nào. Nó cần được thi hành một cách quân bình. Nó phải là sự thực tập về vô chấp thủ (= về sự chẳng còn bám níu nữa), đâu phải là sự vứt bỏ hết trơn trọi, mà cũng đâu phải là sự đeo chặt một cách ích kỷ. Bạn phải thận trọng khi ngồi xuống tập với ý nghĩ như vầy: "Tôi đang ngồi đây, tôi đang canh chừng đây, tôi đang thở đây, tôi đang quán tưởng đây, tôi là như thế nầy, cái đó chính là của tôi, hơi thở của tôi, thân tôi, tâm tôi, cảm thọ của tôi, Tôi, của tôi, tôi, ...". Xin hãy học kỹ cách gạt bỏ các cảm giác bám níu đó và các ý tưởng về Tôi, về của tôi, ra khỏi ngay đi. Hãy học kỹ cách giữ yên cho thật quân bình với luồng hơi thở có ý thức (sati, giác niệm).

Ta chẳng đeo chặt vào kỹ thuật ta đang xử dụng, hoặc vào lý thuyết của nó. Ta chẳng dùng nó để thu thập các việc hiểu biết thế tục nhỏ nhặt về hơi thở, về chúng ta, hoặc về bất cứ sự việc gì. Ta chẳng lạm dụng nó để mong được chứng đắc. Đúng hơn, ta kính cẩn dùng nó để phát triển các sự khéo léo chúng ta cần có, để học hỏi về các sự vật mà ta cần phải biết rõ. Và điều cần thiết duy nhứt chính là để buông bỏ sự bám níu và dập tắt sự khổ sở (dukkha).

Con đường Trung Đạo còn là một sự thực tập về sự chơn chánh, đứng đắn, để được trở nên toàn thiện trong lối sống của chúng ta. Trong khi thực tập Giác Niệm về Hơi thở, ta đang sống một lối sống chơn chánh. Ta chẳng gây tổn hại cho bất cứ sanh vật nào, cũng chẳng làm hại mình, hại người. Sự thực tập nầy chẳng hề lạm dụng đến ai cả. Khi ta đã an lập trong phép thực tập nầy, ta trở nên quen thuộc với một lối sống đứng đắn, quân bình, và chẳng bám níu. Ta chẳng kẹt dính vào cực đoan nầy hay cực đoan kia, hoặc lọt vào bất cứ cạm bẫy nào của nhị nguyên (dualism). Mặc dầu Trí huệ có thể chỉ được phát triển trong sự thực tập về quán tưởng (bhàvanà) một cách chánh thức, nhưng ta cũng có thể đi tới Trí huệ đó, và trau dồi nó qua sự quán tưởng còn chưa chánh thức, về đời sống hàng ngày.

Đối với đa số chúng ta, sự bám níu (= chấp thủ) là một thói quen rất lâu đời. Nếu chúng ta biết buông rơi nó được ngay ... như thế nầy!, thì rồi chúng ta sẽ thành Phật ngay ... như thế nầy! Nhưng phần đông chúng ta lại phải cố công làm sao để buông bỏ hết mọi bám níu của chúng ta và cái thói quen hay bám níu đó nữa. Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) chính là đường lối để biết buông bỏ. Ta bắt đầu bằng việc buông bỏ các bám níu thô thiển: bám níu vào thân thể, vào sự đau đớn, khổ sở, bám níu vào sự xao động và nôn nóng, vào sự chán ngấy và lười biếng, bám níu vào những sự khuấy rối bên ngoài và cả những sự phiền hà nhỏ nhặt nữa. Rồi ta lại thấy ta đang bám níu vào những sự việc tế nhị hơn, như các lạc thọ chẳng hạn. Một khi ta đã buông rơi được chúng, ta lại bám níu vào cái gì cao quí hơn, trong suốt hơn, chiếu sáng hơn, tức là vào tình trạng tỉnh thức. Ta hãy buông bỏ chúng hết đi, ta sẽ bắt đầu thấy được ánh sáng của thực tế và rồi lại cũng bám níu vào các chiếu kiến (insights) đó nữa. Sau cùng, ta mới học được sự buông bỏ tất cả. Bằng cách đó, Giác Niệm về Hơi thở là một đường lối có hệ thống đàng hoàng để ta buông bỏ từ từ các hình thái tế nhị của sự bám níu mãi cho đến khi nào chẳng còn một sự bám níu (= chấp thủ) nào nữa cả.

Kiên nhẫn và tiến bộ.

Sau rốt, xin bạn cho tôi được nhắc đến điều nầy: sự kiên nhẫn (khanti, nhẫn nhục) là một khí cụ tinh thần hết sức cần thiết. Đức Phật có nói trong Kinh Pháp Cú:

Khanti paramam tapo titikkhà
(Nhẫn nhục là khổ hạnh cao quí nhứt -- Kệ số 184).

Sự nhẫn nhục là sự đốt cháy tuyệt kỷ của mọi phiền não. Đa số chúng ta thường có thói quen tự phán xét và tự đo lường mình theo nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Vài người có tánh cạnh tranh, và so sánh mình với kẻ khác. Vài người lại tự thẩm lượng mình chiếu theo các lý tưởng khác nhau của mình. Lắm người khi học hỏi về mười sáu bước thực tập của Giác Niệm về Hơi thở tự đánh giá mình dựa theo các bước đó. Ta lại điền rồ nghĩ rằng: "Tôi nay là một người đã khá tốt khi học xong bước thứ tư, hơn là khi chỉ mới thực tập có bước một." Ta luôn muốn mình tốt hơn và thực tập bước thứ tư, rồi thứ năm, rồi thứ sáu. Cách suy nghĩ như thế đó chẳng làm cho ai khá hơn chút nào đâu.

Đừng đo lường sự tiến bộ bằng cách dựa theo mười sáu bước đó. Hãy đo lường sự tiến bộ theo sự phát triển các đức tánh tinh thần, như giác niệm (sati), năng lực, kiến thức, tự tín, an tĩnh, thân thiện, từ bi, quân bình, và v.v. ... Hãy đo lường với sự giảm bớt bám níu và sự biến mất của tham lam, sân hận và si mê. Các thành quả đó của sự thực tập đứng đắn sẽ hiện ra rõ rệt, ngay cả khi thực tập bước một. Ngay cả khi chúng ta kiên trì với bước một nhỏ nhặt và cũ kỹ nầy, cho đến trọn khoảng đời còn lại của chúng ta, nếu chúng ta thực tập bước ấy cho thật đúng đắn, những đặc tánh kia sẽ tăng trưởng dần lên và sự bám níu (= cố chấp) sẽ giảm thiểu. Rồi cũng sẽ có sự giảm thiểu từ từ của Khổ sở (dukkha) và đó mới chính là điều ta đáng lưu tâm.

Đi tới được bước thứ mười sáu chẳng phải là hết sức quan trọng đâu. Thật ra, bước thứ nhứt cũng đã tạm đủ rồi. Thực tế về Niết-bàn (Nibbàna) là chẳng bị điều kiện hoá và chẳng kẹt vướng vào thời gian. Cho nên bạn chẳng thể biết được lúc nào nó sẽ thực hiện. Cũng có thể là ngay trong bước thứ nhứt. Bạn chớ nôn nóng muốn gấp vào bước thứ hai, hoặc bước thứ ba, hay bước thứ mười. Bước thứ nhứt có thể là đủ rồi, nếu bạn thực tập nó được thật chín chắn. Hãy thực tập với sự kiên nhẫn, với sự quân bình, với sự rõ ràng, với Trí huệ. Hãy thực tập mà chẳng đeo níu và bám chặt. Chỉ cần là cứ việc thực tập, vậy thôi!

Ta nhận ra khi ta có được sự kiên nhẫn và có sức chịu đựng được trong việc thực tập Giác Niệm về Hơi thở (Ànapànasati), thì sự kiên nhẫn và sức chịu đựng là một yếu tố của đời ta và hơn thế nữa. Cả hai đức tánh đó giúp ta có được một cuộc đời trong sạch, sáng tỏ và yên tịnh. Vậy xin bạn hãy kiên nhẫn, thật là kiên nhẫn. Hãy cố học ngồi chẳng động đậy. Hãy học cắm sâu vào bước thứ nhứt mãi cho đến khi nào thực tập bước đó thật đầy đủ. Rồi đến bước thứ hai. Tập mỗi bước cho chín chắn và đừng nôn nóng. Với sự kiên nhẫn, tâm sẽ phát triển và nó đi tới một điểm nào đó. Hễ còn thiếu bền chí mà lại ham muốn đi tới nữa, thì bạn đã ít được những gì quan trọng mà còn phải thể nghiệm thêm nhiều khổ sở (dukkha) nữa là khác.

Có vài tư tưởng về thái độ, còn gọi là có Chánh Kiến, mà tôi có thể cung hiến cho các bạn: khám phá sự tiến triển tự nhiên, nghiên cứu nó một cách có hệ thống, bao giờ cũng bắt đầu với một cách mới mẻ, bước mỗi lần một bước, kiên nhẫn, gạt qua một bên các mong cầu, ham muốn, và đòi hỏi, giữ vững sự quân bình, học cách nhận diện ra, và buông bỏ ngay liền sự bám níu (= chấp thủ) đang lén lén bò vào trong sự thực tập. Hãy chấp nhận rằng Niết-bàn (Nibbàna) là lý do của sự thực tập Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) và nên hân hoan đã có được một cơ hội rất vĩ đại như thế nầy.

Mở đầu: an lập giác niệm (sati)

Bất cứ việc thực tập nào về quán tưởng tâm (citta bhàvàna) cũng phải mở đầu bằng giác niệm (sati) nắm lấy hơi thở và an lập lên trên hơi thở; đó là đối tượng thứ nhứt của chúng ta. Có nhiều cách để có sự tỉnh giác về hơi thở. Ta có thể sắp xếp để vừa giác niệm vừa hơi thở, để chúng cùng lần lần trở nên từ thô thiển đến tế nhị, đúng theo một đường lối có liên quan đến bốn bước đầu. Tôi xin mô tả một đường lối khá giản dị có thể thành công được với nhiều người, nhưng bạn chẳng cần phải nhắm mắt tuân theo; vì lúc nào bạn cũng nên tự tìm lấy những gì thích hợp riêng cho mình.

(1) Một khi đã ngồi yên xuống một cách thoải mái, thư giãn và chẳng động đây, hãy cảm thấy hơi thở đã bắt đầu dễ nhận ra trong tấm thân yên tịnh và bất động nầy. Chú ý đến hơi thở một cách vững chắc mà dịu dàng. Giữ sự canh chừng lên hơi thở mãi và làm quen thân thiết với cả hai việc: canh chừng và hơi thở.

(2) Ghi nhận ba giai đoạn của mỗi hơi thở: lúc đầu, khúc giữa và đoạn cuối. Đối với hơi thở vào, ba giai đoạn đó liên hệ đến mũi, giữa ngực và dưới bụng. Đối với hơi thở ra, thì ngược lại, từ dưới bụng rồi trở lên mũi để chấm dứt. Canh chừng và đợi tại mũi cho đến khi cảm được hơi thở vào đang đi qua đó. Rồi nhẹ nhàng nhảy sang chú ý đến giữa ngực và chờ ở đó cho đến khi nhận thấy được hơi thở tại đấy. Rồi lại nhẹ nhàng nhảy sang bụng và canh chừng xem lúc nào hơi thở được cảm thấy ở đó. Tiếp tục canh chừng theo hơi thở vào cho đến lúc nó chấm dứt và chờ cho hơi thở ra khởi lên. Một khi hơi thở ra đã được cảm nhận thấy, thì liền chú ý trở ngược lên ngực, rồi đến mũi. Quan sát tại mũi xem hơi thở ra chấm dứt iại đấy và chờ một hơi thở mới vào, và rồi chú ý theo đến ngực, và cứ tiếp tục như thế. Với giác niệm (sati), ghi nhận hơi thở tại mỗi điểm mà nó đi ngang vào và ra khỏi, vào và ra. Hãy cẩn thận quan sát một cách kiên nhẫn ở mỗi điểm cho đến khi hơi thở (cử động của hơi thở hoặc của các bộ phận cơ thể có nhiệm vụ trong việc hô hấp) đã được cảm nhận thấy ra rõ ràng. Chỉ vào lúc đó, tâm trí mới nhẹ nhàng nhảy sang qua điểm kế tiếp. Việc nhảy nhẹ nhàng từ điểm nầy sang điểm kia cũng là một cách dễ dàng để an lập giác niệm (sati) trên hơi thở. Đó là một cách khá tốt để bắt đầu khởi sự tập. Tuy nhiên lối đó cũng hơi thô thiển và xao động, sau một lúc thực tập. Nhưng một khi ta đã trở nên thiện xảo về việc theo dõi rồi, chúng ta sẽ cảm thấy cần có một lối nào tế nhị hơn, an tĩnh hơn để có được giác niệm về hơi thở.

(3) Kế đến, ta nối liền ba điểm lại thành một luồng hay là một dòng trôi chảy, như gần giống với chính luồng hơi thở vậy. Ta gọi đó là "theo dõi, rượt theo, săn đuổi theo, lén rình theo". Trong khi thở một cách tự nhiên, chẳng có một sự cố gắng, thúc dục nào hay cố vận dụng nào đến hơi thở, thì giác niệm (sati) theo dõi hơi thở vào và ra, giữa chót mũi và rún. Bạn hãy theo dõi hơi thở mà chẳng nên hướng dẫn nó. Truy lùng theo các cảm giác nối tiếp liên tục xảy ra trong thân thể -- cần phải cảm nhận và thể nghiệm các cảm giác đó -- khi hơi thở đi vào và ra khỏi.

(4) Một khi sự theo dõi đã trở nên dễ dàng và liên tục chẳng ngừng nghỉ, thì ta sẽ thấy sự theo dõi ấy chẳng còn cần thiết, lại bận rộn và hay làm gián đoạn nữa. Lúc bấy giờ, ta đã sẵn sàng để "canh gát"("guarding"), tức là, có được một cách êm ả hơn để thực tập giắc niệm (sati) về hơi thở. Lúc nầy, tại bên trong mũi, có một điểm liền nổi bật lên. Điểm đó chính là nơi mà hơi thở chạm vào, mỗi khi ta cảm thấy nó đi ngang qua, lúc vào và lúc ra. Mặc dầu có vài người bảo rằng có đến hai điểm như thế, mỗi bên lỗ mũi có một điểm, nhưng bạn chớ nên làm cho sự việc trở nên rắc rối thêm, cứ giản dị mà ghi nhận cái điểm đó nó bao trùm cả hai bên lỗ mũi. Đây là điểm để "canh gát"(đó cũng như cái trạm gát vậy). Ta lựa điểm ở mũi vì điểm ở đó chính xác, tế nhị và rõ rệt. Tại nơi khác, như ở ngực hay ở bụng, các cử động choán rộng chỗ và thô phù, chẳng phù hợp với mục đích của ta. Để có thể làm êm dịu được hơi thở, ta nên chọn một điểm nhỏ, dễ chú tâm đến và thật tế nhị. Với giác niệm (sati), ta an trú tâm (citta) vào trên điểm đó. Hãy để cho tâm tự gom lại quanh điểm đó. Làm được như thế, bằng cách đồng thời khiến cho hơi thở êm dịu lại và khiến mình trở nên nhạy cảm hơn đối với các cảm giác, ngay tại điểm canh gát. Tiếp tục làm êm dịu thân hành (body conditioner, tức là hơi thở, ở đây) cho đến khi nào định lực (samàdhi) thực sự khởi lên và phát triển đầy đủ.

Chúng ta có thể luôn iuôn bắt đầu với kỹ thuật thứ nhứt. Kỹ thuật thứ hai và thứ ba thích ứng hơn với bước một bước hai. Với bước ba, tốt nhứt là nên "theo dõi", mặc dầu "canh gát" cũng có thể dùng được. Bước thứ tư phải nên bắt đầu bằng "theo dõi" và rồi sẽ được sự "canh gát" thay thế cho.

Nếu buổi ban đầu hơi thở của ta ngắn và cạn, với cử động ở ngực thôi chớ chưa thấy ở bụng, thì cứ giản dị theo dõi hơi thở dài được đến chừng nào hay chừng nấy. Sau khi giác niệm (sati)đã an lập, thì chúng ta trở nên thư giãn và hơi thở cũng trở nên sâu xa hơn. Chẳng bao lâu ta sẽ cảm thấy các cử động ở bụng. Nếu thấy được hơi thở đi ngang qua nhiều điểm cùng một lúc, thì xin bạn đừng dùng sự kiện đó như một cơ hội khiến cho sự việc thêm rắc rối. Xin cứ giữ cho được giản dị: chỉ đơn thuần là một dòng trôi chảy từ chót mũi đến rún, và từ rún trở ra mũi, cũng đủ cho mục tiêu của chúng ta rồi. Đừng cố tìm kiếm gì thêm để tạo ra một thể dạng hơi thở phức tạp. Đừng cố canh chừng một lần nhiều cử động riêng biệt. Nếu ta giản dị quan sát hơi thở, thì hơi thở cũng thành giản dị. Nếu ta cứ nghĩ tới nghĩ lui về các hơi thở, thì dễ cho ta bị rối trí, lầm lẫn lắm.

Đây là một dịp tốt để nhấn mạnh rằng, giác niệm (sati) chẳng phải là "suy nghị" về sự việc gì. Giác niệm là sự chú ý có ý thức, sự ý thức, sự canh chừng, sự quan sát, sự thẩm sát. Nó chẳng cần chi đến các ý niệm, nhãn hiệu, từ ngữ và hình ảnh để tự mô tả. Các sự vật vừa kể chỉ tổ làm cản trở cho việc trực nghiệm hơi thở ra và vào. Ta có thể ví việc "theo dõi" hơi thở như là đi tản bộ dọc theo bờ sông. Nước trôi êm đềm và ta nhìn dòng nước chảy. Ta cần gì nói với mình: "Sông! Sông!", "Trôi! Trôi!", "Chảy! Chảy", v.v. và v.v. ... để ngắm dòng sông trôi lững lờ! Và nếu ta chẳng thận trọng thì hãy coi chừng!, sắp thôi nhìn nước chảy trên sông đấy, và đi lạc vào rừng các danh từ, các tư tưởng khác khởi lên trong tâm. Ta còn chưa chán ngấy chúng hay sao mà lại vẫn cố mang vác chúng đến để chúng xen vào Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) của chúng ta nữa vậy?

Vài mánh lới để giúp cho giác niệm.

Nếu cảm thấy quá khó và lâu, trong nỗ lực giữ tâm mãi trên hơi thở khi theo dõi, thì đây có một vài mánh lới ta có thể dùng đến. Mánh lới thứ nhứt là cứ hướng nhìn vào chót mũi, như Pháp sư Phật Lệ (Ajahn Buddhadàsa) đã chỉ dạy trong các bài pháp thoại của Người. Hãy nhìn vào chót mũi theo một cách thật là thư giãn và dịu dàng. Đừng cố nhắm mắt lại, vì đó cũng chỉ khiến tạo thêm sự căng thẳng. Làm như vậy chẳng đưa đến giác niệm (sati) mà chỉ khiến cho thêm ... nhức đầu. Trong buổi ban đầu, có thể bạn chỉ đủ khả năng nhìn lên phía trước chót mũi, hay hơi xa, quá khỏi mũi, nhưng đến khi thân thể và gương mặt bạn đã được thư giãn, thì bạn cũng có nhìn thấy được chót mũi. Ngay cả khi mắt tự động nhắm lại, con mắt trí bạn vẫn còn chú vào mục tiêu chót mũi.

Mánh khoé thứ hai là cứ thở lớn tiếng. Hãy thở đủ lớn tiếng để tai nghe được hơi thở. Hai tai, cũng như đôi mắt, có thể trợ giúp cho giác niệm (sati). Điều nầy lại có ích lợi đặc biệt trong những phút đầu của mỗi buổi thực tập, và nhứt là vào những lúc bị khấy rối, lơ đãng. Khi nào sự theo dõi đã trôi chảy dễ dàng rồi thì ta buông bỏ hơi thở to tiếng để thở lại như bình thường, tự nhiên. (Hơi thở ồn cũng dễ làm mình khó chịu). Dầu sao, bạn cũng nên thử tập xem vài hơi thở ồn ồn vào lúc mở đầu, hoặc khi nào bạn cảm thấy khó mà an lập được giác niệm (sati).

Mẹo khéo thứ ba là đếm hơi thở (= sổ tức). Ta hãy chiêu tập nào mắt, nào tai, và nào trí năng, phụ giúp vào sự theo dõi hơi thở. Hãy đếm từng hơi thở vào khi nó vừa khởi lên, đếm một số cho mỗi hơi thở. Nếu tâm đi "ngao du", đếm trở lại "một". Nếu đếm đến được tới "mười" mà tâm còn chưa đi lang thang thì cũng vẫn trở lại với "một". Mục đích của ta ở đây giản dị chỉ cần đếm mỗi hơi thở là đủ. Phương pháp sổ tức (= đếm hơi thở) của Pháp sư Phật Lệ (Ajahn Buddhadàsa) còn được dùng vào nhiều mục tiêu khác nữa. Lại một lần nữa, một khi giác niệm (sati) đã được an lập khá vững vàng rồi thì phép đếm hơi thở hết còn cần thiết cho ta nữa và nên buông bỏ nó đi. Với sự luyện tập. Giác niệm (sati) sẽ trở nên tế nhị, linh hoạt và tự nhiên hơn.

Hơi thở dài và hơi thở ngắn

Sau khi giác niệm (sati) đã được an lập (nhờ kỹ thuật thứ hai hoặc thứ ba), ta bắt đầu lưu tâm đến hơi thở dài và hơi thở ngắn. Tâm tuy vẫn hơi lang thang chút ít, nhưng cũng còn ở chung với hơi thở vừa đủ cho ta học hỏi thêm về đặc tánh của hơi thở ra như thế nào. Đặc tánh đầu tiên và cũng dễ nhận thấy là sự ghi nhận được chiều dài hơi thở -- chiều dài ở đây, là tính theo vừa lâu hay mau (theo thời gian của hơi thở) và vừa rộng hay hẹp (theo phạm vi của cử động khi thở). Đối với mục tiêu của chúng ta, một lằn ranh phân chia chính xác giữa hơi dài và hơi ngắn cũng chẳng quan trọng mấy. Bạn chỉ cần quen rành với hơi thở của mình, biết rõ hơi thở dài và hơi thở ngắn của bạn ra làm sao, tương đối với nhau. Đâu cần gì phải so sánh hơi thở của bạn với hơi thở của người khác.

Thông thường, bạn thấy hơi thở ở bụng dài hơn hơi thở ở ngực, nếu hơi thở ở bụng được để tự nhiên. Đây là điều mà chúng ta cần quan sát, chớ chẳng phải là điều mà chúng ta mong tìm kiếm để có cho được. Chúng ta chẳng nên thở theo một cách nầy hay một cách khác, và chúng ta cũng chẳng nên dùng Pháp Giác niệm về Hơi thở để tập luyện một lối thở nầy hay một lối thở nọ. Vậy bạn đừng nên cố thử tập ép hơi thở bụng cho dài ra; kết quả sẽ chẳng thư giãn, khoan khoái đâu. Cứ để cho hơi thở tự nhiên đến và đi, hễ nó dài, thì ta sẽ thấy hơi thở dài, như vậy mới được thư giãn và lành mạnh hơn.

Nếu hơi thở của bạn dài ra, dài thật dài, bạn sẽ khám phá ra được một điểm lý thú. Bạn có thể nghĩ là lạ đời, khi bạn nghe Pháp sư Phật Lệ (Ajahn Buddhadàsa) nói rằng, ngực nở ra và bụng co lại với một hơi thở thât dài. Theo lẽ thường thì ta thấy bụng nở ra với một hơi thở vào, và nó co lại với hơi thở ra. Dường như việc quan sát đó mâu thuẫn với nhau, phải vậy không? Cái nào đúng? Trước tiên, chúng ta quan sát sự thở bình thường. Khi ta hít vào, hoành cách mạc xệ xuống để đẩy bụng phình lên. Khi ta thở ra, bụng lại xẹp xuống. Đấy là lối thở bụng trước khi hơi thở trở nên dài, thật dài hơn ra. Đó là cử động giản dị và tự nhiên của bụng phình lên với hơi thở vào và xẹp xuống với thở ra. Vài người xem đó thì ngắn, vài kẻ khác lại cảm thấy nó tương đối dài.

Giờ đây, có một giới hạn cho bụng chỉ phình lên tới một cở nào đó. Khi ta thư giãn và thở sâu hơn thì giới hạn đó có thể đạt đến. Tuy nhiên, tại thời điểm đó thì ngực đưọc có thêm chỗ để nở rộng ra cho hơi vào thêm. Nếu bấy giờ ta cứ tiếp tục hít hơi thở vào, thì ngực sẽ nới rộng và phình lên. Và cử động nầy kéo lằn bụng lại xẹp xuống. Đó là điều mà ý nghĩa của lời giảng của Pháp sư Phật Lệ muốn nói đến. Một hơi thở vào thật dài cũng khởi lên giống như một hơi thở vào bình thường và bụng phình lên, còn ngực xem như chẳng chuyển động tí nào. Sau khi sức giãn của bụng đã đến giới hạn rồi, thì ngực lại phình lên và bụng lại xẹp xuống. Khi nào hơi thở thật là dài, thì chính bạn cũng khám phá và thấy ra đúng như thế. Còn đối với các hơi thở ra thật là dài, thì các cử động trái ngược kể ở trên cũng xảy ra một cách chung chung. Vậy thì hơi thở thật dài cũng là một hơi thở bình thường cộng thêm chút ít. Nhiều người trong chung ta ít khi thể nghiệm được hơi thở thật dài, mãi cho đến khi nào thân thể trở nên hoàn toàn thư giãn qua Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati). Và về sau nữa, hơi thở thật dài sẽ xảy đến thường thường hơn, ngay cả ngoài các buổi ngồi thực tập chánh thức.

Ngay cả khi giác niệm (sati) còn chưa được an lập vững chắc, chúng ta vẫn có thể học hỏi được về hơi thở dài, hơi thở ngắn. Tuy nhiên, bước một bước hai thực sự bắt đầu khi giác niệm (sati) theo dõi hơi thở đã hết ngập ngừng. Tiếng động, tư tưởng và các hiện tượng khác có thể đôi khi xen vào, nhưng tâm chẳng để tâm vướng mắc vào. Chúng ta có thể dừng lại với hơi thở, quán sát hơi thở và học tập về hơi thở một cách hoan hỉ. Nếu chúng ta nôn nóng để vượt qua được bước một và muốn tiến tới những điều "hứng thú" hơn, chúng ta cũng nên soát cái ý tưởng đó lại xem, bằng cách tự hỏi: "Thân thể nầy có đủ thư giãn để ngồi thêm như thế nầy, trong một giờ hay lâu hơn, thoải mái và chẳng muốn tiến tới bước khác nữa chăng?" Khi hơi thở thực sự dài (và sâu), ta có thể ngồi thoải mái trong một thời gian lâu. Nếu ta đang xao động cứ thay đổi thế ngồi mỗi mười hay mười lăm phút, tưởng tốt nhứt là cứ vui lòng ở lại với bước một. Hãy học cách ngồi yên bất động, và thở cho dài, chậm, dịu dàng và êm ái. Rồi thì ta có thể ngồi dễ dàng trong một thời gian dài. Đây là vấn đề kỷ luật tự giác -- chớ không phải là vấn đề hành xác! Bạn hãy nên tập luyện một cách thông minh, và quân bình.

Bước thứ ba: đối tượng mới

Trong hai bước, bước một và bước hai, hơi thở là đối tượng duy nhứt được chúng ta chú ý đến. Bắt đầu bước thứ ba, chúng ta sẽ xét đến các đối tượng mới, trong trường hợp nầy, xét về "toàn thân", ảnh hưởng của các hơi thở đến các phần còn lại của thân. Xin hãy ghi nhận rằng, đó chẳng phải là chính hơi thở, mặc dầu hơi thở và ảnh hưởng của nó được liên kết nhau rất chặt chẽ. Vào lúc nầy, sự ý thức về hơi thở vào và ra được lui về hậu trường, nơi đó các hợi thở vẫn còn luôn luôn rõ rệt. Trong khi tâm đặt tiêu chuẩn lên một đối tượng mới, chúng vẫn ý thức rằng chúng ta đang thở vào và thở ra. Điều nầy vẫn đúng cho số bước còn lại trong tổng số mười sáu bước.

Nghiên cứu ảnh hưởng của hơi thở đối với toàn thân có liên quan đến nhiều việc khác hơn là chiều dài của mỗi hơi thở. Xét theo chiều dài của hơi thở đã là một cách giản tiện để bắt đầu việc nghiên cứu. Giờ đây, chúng ta lại cần lưu tâm đến tốc lực (mau và chậm) và phẩm chất (thô thiển và tế nhị). Phẩm chất là quan trọng nhứt vì chính phẩm chất của hơi thở đã ảnh hưởng rộng lớn đến sự êm dịu của tấm thân. Trong bước nầy, chúng ta sẽ khám phá ra loại hơi thở nào sẽ đem lại êm dịu nhiều nhứt cho tấm thân nầy.

* * *

Tôi vừa trình bày cùng các bạn cách làm thế nào để khởi sự việc thực tập Giác Niệm về Hơi thở một cách cho đúng đắn. Tôi hi vọng các bạn dùng được các chi tiết mà tôi đã cống hiến để cho việc tập luyện quán tưởng được phát triển. Trước khi chấm dứt buổi nói chuyện hôm nay, tôi muốn xin các bạn cho phép tôi nói thêm một nhận xét chót.

Đời sống là quán tưởng.

Còn nhiều việc khác trong sự quán tưởng về tâm (citta bhàvanà) hơn là chỉ ngồi suông. Những buổi tập chánh thức, ngồi hoặc đi, cũng rất là quan trọng, và cũng ít người thấy mình chẳng cần đến; nhưng hơn tất cả mọi việc khác, chúng tôi lại chú trọng nhứt tới đời sống hằng ngày -- một cuộc đời thoát khỏi mọi sự khổ sở (dukkha). Đời sống còn nhiều hoạt động khác, đâu chỉ có ngồi yên bất động mà thôi, và Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) còn có thể giúp chúng ta trong những điạ hạt khác nữa. Trước nhứt, các sự khéo léo và các kiến thức được phát triển qua sự thực tập chánh thức, có thể được mở rộng thêm và đem ra dùng vào các hoạt động hằng ngày của chúng ta. Thứ hai, chúng ta có thể vẫn có sự tỉnh giác về hơi thở, và ngay cả đặt định tâm vào đó trong khi thi hành các nhiệm vụ khác của mình. Nếu điều nầy được phát triển một cách thích nghi, thì hơi thở sẽ điều hoà được tấm thân ở vào một tình trạng thật đứng đắn và đưa tâm đi sâu vào sự thanh tịnh, ổn cố, an tịch, sáng tỏ, dõng mãnh và linh hoạt. Thứ ba, tâm có thể đến với hơi thở và chiếu trụ lên đó mỗi khi một tình trạng tinh thần có hại khởi lên. Khi làm như thế, thì chẳng nên coi hơi thở như là một lối thoát. Tuy nhiên, cách đó lại thường là một phương tiện hết sức khéo léo để vượt qua được những tư tưởng bất thiện, những tình cảm và khí sắc chẳng đẹp. Đấy mới chỉ có ba cách thôi mà tôi muốn đưa Pháp Giác Niệm về Hơi thở vào trong trọn cuộc đời.

Ngay cả lý thuyết của Pháp Giác Niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) cũng có thể được đem ra dùng trong sự quán tưởng về đời sống hằng ngày. Một khi chúng ta đã có đủ thời giờ để nghiên cứu và thông hiểu rõ ràng mười sáu bước (tưởng cũng còn cần đọc thêm nhiều tài liệu bổ túc khác) chúng ta có cần gì giới hạn sự ứng dụng các bước nầy chỉ riêng vào trong hơi thở. Như Pháp sư Phật Lệ (Ajahn Buddhadàsa) có nói trong Phụ lục số 2, rằng Pháp Tứ Niệm Xứ (Satipatthàna) còn thiếu sót một phương pháp rõ rệt để thực tập. Mặt khác, chúng ta làm phát triển bốn lãnh vực của sự tỉnh thức vào mọi dịp thuận tiện. Rồi các bạn sẽ thấy mười sáu bước cống hiến một cơ cấu tổng quát cho sự thực tập về Pháp Tứ Niệm Xứ (Satipatthàna). Chúng ta phải quán tưởng mười sáu đề mục đó mỗi khi gặp được dịp, vào lúc nào mà chúng sanh khởi lên. Mặc dầu các diễn biến trong cơ thể (bodily processes) còn chưa mở ra hết trước sự giải tích (treatment) có hệ thống và đầy đủ của chúng ta với phương tiện hơi thở, nhưng chúng ta vẫn có thể dùng mười sáu bước thực tập để nhận diện ra được những sự việc nào đáng cho ta chú ý đến nhứt.

Từ mười sáu bước thực tập cho đến bất cứ việc nào

Chúng ta có thể dùng bất cứ một hoạt động nào của cơ thể để làm cơ sở căn bản cho giác niệm (sati). Hoạt động đó càng cần thiết và chủ yếu cho đời sống, (như trường hợp của hơi thở chẳng hạn), thì lại càng tốt. Trước nhứt, tìm hiểu về hoạt động đó dưới mọi khía cạnh của nó. Thứ hai, tìm thấy ra hoạt động đó có ảnh hưởng nào đối với cơ thể. Thứ ba, tìm biết được đường lối đúng đắn để thi hành hoạt động đó sao cho có hiệu quả tối hảo đến thân thể và giúp cho tâm đạt đến một trình độ và một chủng loại về định lực thích nghi. Điều nầy tương hợp với bộ bốn thứ nhứt về thân (kàya). Kế đến, cứu xét đến các cảm thọ liên hợp với hoạt động đó, nhứt là các lạc thọ khởi lên khi hoạt động đó được thực hiện tốt đẹp và thành công. Nghiên cứu ảnh hưởng các cảm thọ đó gây ra cho tâm, rồi tìm cách làm lắng dịu ảnh hưởng đó. Điều nầy bao gồm bộ bốn thứ hai về cảm thọ (Vedanà). Bộ bốn thứ ba về tâm (citta) bắt đầu bằng sự thể nghiệm các loại tâm trạng khởi lên trong khi hoạt động đó được thi hành. Rồi chúng ta tập luyện để khiến cho tâm được hân hoan, tập trung vào định lực, và được giải thoát, trong khi thi hành hoạt động đó. Sau cùng, nơi bộ bốn thứ tư bộ bốn quan trọng nhứt, về Pháp (Dhamma), ta quán tưởng về mọi phương diện của hành động đó -- về thân, về cảm thọ, và về tâm -- như là vô thường, khổ sở và vô ngã (aniccam dukkham anattà). Quán tưởng sự tàn phai và tận diệt của sự bám níu (= chấp thủ). Quán tưởng sự quẳng bỏ ra phía sau tất cả những gì có dính líu với hoạt động đó.

Pháp Giác niệm về Hơi thở (Anàpànasati) giải thích cách xử dụng mọi hoạt động của ta vào việc thực tập Pháp Tứ Niệm Xứ (Satipatthàna). Mội khi gặp dịp tốt, nên thực tập Pháp Giác niệm về Hơi thở một cách trực tiếp. Bằng không, thì thực tập Pháp ấy một cách gián tiếp xuyên qua một cách thực tập song hành. Những kiến thức mà chúng ta thâu lượm được qua sự thực tập song hành tâm quán (citta bhàvanà) sẽ hỗ trợ và bổ túc cho sự thực tập Giác Niệm về Hơi thở của chúng ta, và ngược lại. Khi chúng ta đã biết thẩm lượng giá trị các khả năng tiềm tàng của mười sáu bước thực tập, thì luôn luôn có những cơ hội để phát triển tâm ngay cả trong những điều kiện thật là khó khăn. Mưới sáu bước thực tập -- đặc biệt là bộ bốn thứ nhứt bộ bốn thứ tư -- là lý thuyết đầy đủ trong việc loại trừ khổ sở (dukkha) ra khỏi cuộc đời. Tôi nguyện cầu cho các bạn biết xử dụng chúng thật đứng đắn.

Tôi hi vọng các bạn có thể xử dụng các chi tiết vừa được giới thiệu. Tôi đã cố gắng hết sức để trình bầy chúng được rõ ràng. Xin các bạn nghiên cứu chúng một cách cẩn thận; cần đọc qua hơn một lần. Hãy suy gẫm đầy đủ về chúng. Và, quan trọng nhứt là hãy thử tập ngay đi. Qua sự thực tập, sự hiểu biết của bạn về các lời chỉ dẫn sẽ phát triển thêm. Bạn sẽ cần đến vài sự điều chỉnh, nhưng phần lớn các sự điều chỉnh đó sẽ tìm thấy ngay trong sự hiểu biết và ứng dụng của bạn, hơn là trong lời chỉ dẫn của Pháp sư Phật Lệ (Ajahn Buddhadàsa). Hãy thử tập theo các lời khuyên của Người. Và đừng pha trộn các lời khuyên đó với những gì bạn được nghe đến ở các thiền sư khác vơi các hệ thống khác của họ. Với sự kiên nhẫn, quyết tâm và trí huệ, hãy đi sâu vào sự thực tập và khiến nó dẫn đến tri kiến về sự vô chấp thủ (= chẳng bám níu nữa), về sự tận diệt khổ sở (dukkha), về sự an hoà tối thượng cùng sự giải thoát của Niết-bàn (Nibbàna).