2. Thực hành Chánh tư duy
Chánh tư duy (tiếng Phạn là sammā-sankappa) là sự suy xét chân chánh,
nghĩa là bằng vào năng lực tư duy của mình mà làm tăng trưởng chánh
kiến, củng cố sự hiểu biết về các chân lý.
Sự thực hành chánh kiến là một bước khởi đầu tốt đẹp, nhưng cho dù mạnh
mẽ đến đâu cũng chỉ giống như mũi tên được bắn ra khỏi dây cung, tất yếu
có một lúc rồi sẽ phải rơi xuống khi hết đà, mất lực. Chính sự thực hành
chánh tư duy là nguồn năng lượng bất tận mà chúng ta phải sử dụng để
tiếp tục nuôi dưỡng và duy trì chánh kiến. Cũng như chiếc xe khi đã bắt
đầu lăn bánh trên đường dài, vấn đề giờ đây là phải thường xuyên được
tiếp đủ nhiên liệu mới có thể tiếp tục đi mãi về phía trước.
Năng lực tư duy được vận dụng một cách chân chánh sẽ có thể giúp ta
chuyển hoá được những tâm niệm tham lam, sân hận và si mê.
Chánh tư duy chuyển hoá được những tâm niệm tham lam, bởi vì một khi
lòng tham khởi lên, chúng ta luôn suy xét để thấy được nguyên nhân sinh
khởi, thấy được tính chất bất thiện và những hệ quả xấu xa mà nó sẽ dẫn
đến. Nhờ đó, chúng ta có thể chuyển hoá được tâm tham mà không nuôi
dưỡng và bị sai khiến bởi nó.
Chánh tư duy chuyển hoá được những tâm niệm sân hận, bởi vì mỗi khi lòng
sân hận khởi lên, chúng ta cũng luôn suy xét để thấy được nguyên nhân
sinh khởi của nó. Hầu hết những cơn giận của chúng ta đều xuất phát từ
những cảm xúc bốc đồng, nhất thời, hoặc do sự không hiểu đúng về bản
chất thực sự của vấn đề. Nếu chúng ta biết thận trọng suy xét kỹ, chúng
ta sẽ tạo điều kiện để cho những cảm xúc bốc đồng ấy lắng xuống, và đồng
thời có thể phân tích được vấn đề một cách toàn diện và chính xác hơn.
Thông thường thì hai yếu tố này có thể giúp ta ngay lập tức kiểm soát và
chuyển hóa được cơn giận.
Mặt khác, sự tư duy phân tích vấn đề cũng giúp ta thấy rõ được rằng lòng
sân hận không giúp ta giải quyết được bất cứ vấn đề gì, mà chỉ mang lại
cho ta một tâm trạng bất an, nóng nảy và thiếu sáng suốt.
Chánh tư duy chuyển hoá được những tâm niệm ngu si, bởi vì bản chất của
mỗi chúng ta vốn đều sẵn có trí huệ sáng suốt. Chúng ta chỉ trở nên ngu
si do những định kiến sai lầm, cũng như do sự chi phối của những tâm
niệm tham lam và sân hận. Điều này có thể dễ dàng thấy được ngay ở những
vấn đề thường ngày trong cuộc sống.
Những vụ lường gạt có thể thành công dễ dàng thường là do kẻ lường gạt
đã khéo léo đánh mạnh vào lòng tham lam của đối tượng. Một khi đã khởi
lòng tham thì sẽ mất đi sự sáng suốt và cảnh giác, do đó rất dễ bị người
khác lường gạt.
Sự nóng giận cũng làm cho chúng ta đánh mất đi trí huệ sáng suốt, như
ngạn ngữ có câu: “Nóng mất ngon, giận mất khôn.” Tuy chỉ là một câu nói
đơn sơ ngắn gọn nhưng quả thật rất chính xác và sâu sắc, vì đã được rút
ra từ chính những kinh nghiệm thực tiễn trong đời sống.
Những định kiến sai lầm cũng che mờ đi sự sáng suốt của chúng ta. Khi
gặp phải một vấn đề mà ta đã sẵn có những định kiến tốt hoặc xấu, ta
thường không chịu suy xét, phân tích một cách khách quan mà dễ dàng để
cho những định kiến sẵn có chi phối nhận thức của mình. Chánh tư duy trừ
bỏ sự sai lầm này, vì nó đòi hỏi chúng ta luôn phải suy xét thận trọng
và khách quan đối với mọi vấn đề.
Như vậy, có thể thấy rằng tham, sân và si là ba yếu tố thường gắn bó
chặt chẽ với nhau. Chánh tư duy có thể giúp chúng ta nhận rõ bản chất
thực sự của chúng và ngăn ngừa, trừ bỏ ngay từ khi chúng vừa sinh khởi.
Thực hành chánh tư duy có ý nghĩa quan trọng trong việc nuôi dưỡng chánh
kiến là như vậy.
Như khi chúng ta trồng được một loài cây quý, nếu không có sự chăm sóc,
vun bồi mỗi ngày thì khó lòng mong có được kết quả. Thực hành chánh tư
duy chính là sự chăm sóc, vun bồi để cây chánh kiến có thể phát triển
ngày càng tươi tốt và đơm hoa kết trái.