Đời sống
Vì sao tôi khổ?
NGUYÊN MINH
19/01/2554 10:47 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

6. Thực hành Chánh tinh tấn

Chánh tinh tấn (tiếng Phạn là sammā-vā­yā­ma) là nỗ lực, gắng sức theo đúng hướng chân chánh. Thực hành chánh tinh tấn tức là đối nghịch và triệt tiêu sự lười nhác, thụ động. Tuy nhiên, để sự nỗ lực, gắng sức của ta có thể hướng theo con đường chân chánh, cần phải có một sự hiểu biết sâu xa về chánh pháp và nhận rõ, phân biệt được những việc nên làm và không nên làm.

Xuất phát từ khuynh hướng này, có thể nói một cách khái quát về việc thực hành chánh tinh tấn là: nỗ lực thực hiện các điều thiện và cố gắng hạn chế cho đến triệt tiêu các điều xấu ác. Trong kinh Đại Bát Niết-bàn, quyển 15, phẩm Phạm hạnh có một bài kệ nói lên rất rõ ý nghĩa này. Nguyên văn như sau:

Chư ác mạc tác,
Chúng thiện phụng hành,
Tự tịnh kỳ ý,
Thị chư Phật giáo.

Dịch nghĩa:

Không làm các điều ác,
Thành tựu các việc lành,
Giữ tâm ý trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy.

Chánh tinh tấn chính là động lực, là năng lượng để thúc đẩy sự thực hành giáo pháp chân chánh. Nhờ có sự định hướng chân chánh cho những nỗ lực tự thân của chúng ta mà tất cả các việc thiện đều sẽ được làm, tất cả các việc ác đều sẽ bị ngăn chặn.

Thực hành Chánh tinh tấn cũng có nghĩa là tu tập giáo pháp chân chánh một cách tích cực, năng nổ chứ không chỉ là một sự học hiểu lý thuyết suông. Bởi vì, xét cho cùng, nếu không có những nỗ lực thực hành thì cho dù bất cứ lý thuyết nào có cao siêu, hay lạ đến đâu cũng không thể mang lại lợi ích thực sự cho cuộc sống của chúng ta.