Đời sống
Vì sao tôi khổ?
NGUYÊN MINH
19/01/2554 10:47 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

3. Thực hành Chánh ngữ

Chánh ngữ (tiếng Phạn là sam­mā-vācā) là lời nói chân chính. Chánh ngữ là sự biểu hiện cụ thể của chánh kiến và chánh tư duy ra thành lời nói. Vì thế, khi biết chú trọng việc nuôi dưỡng chánh kiến và thực hành chánh tư duy thì sự thực hành chánh ngữ sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Lời nói chân chính có hai ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất là chân thật, không dối trá, và ý nghĩa thứ hai là có mục đích chính đáng, mang lại lợi ích cho mình và cho người chứ không chỉ là phù phiếm, vô bổ.

Thực hành chánh ngữ là luôn thận trọng trong ngôn từ, lời nói để đảm bảo hai ý nghĩa chân chánh vừa nói trên.

Trong ý nghĩa thứ nhất, người thực hành chánh ngữ không nói những lời dối trá, sai sự thật, dù là có hay không có nhắm đến một mục đích nào đó.

Trong ý nghĩa thứ hai, người thực hành chánh ngữ không nói ra những lời không có mục đích chân chánh, không mang lại lợi ích cho bản thân và cho người khác, cho dù đó có thể là những điều đúng với sự thật.

Người thực hành chánh ngữ luôn nhận thức đầy đủ về sức mạnh phá hoại cũng như xây dựng của lời nói, và do đó mà chỉ nói ra những lời mang lại niềm vui chính đáng, sự đoàn kết gắn bó, yêu thương và hiểu biết lẫn nhau cho hết thảy mọi người; không nói ra những lời gây đau khổ cho người khác hoặc dẫn đến sự chia rẽ, thù hận hay hiểu lầm lẫn nhau giữa mọi người. Đây cũng chính là một nội dung trong Ngũ giới của người cư sĩ.

Lời nói là một trong những phương tiện mạnh mẽ giúp chúng ta giao tiếp với thế giới bên ngoài. Nếu chúng ta sử dụng bừa bãi phương tiện ấy, không nhắm đến những mục đích chân chánh, rõ ràng, đó là chúng ta đã phung phí đi một phần năng lượng tinh thần và vật chất của chính mình mà không gặt hái lại được điều gì tương xứng cả.

Mặt khác, khi chúng ta thường xuyên nói ra những lời phù phiếm, vô bổ, cho dù điều đó có vẻ như chẳng làm hại đến ai, nhưng sự thật là đã làm hạn chế đi những lời nói chân chánh và có ích của ta.

Như trên một mảnh đất, chỉ nên trồng những cây trái có ích. Sự phát triển của cỏ dại chính là đã làm hại cho những cây trồng có ích, và không một người làm vườn siêng năng nào lại chấp nhận để cho cỏ dại tồn tại trên mảnh đất của mình.

Cũng vậy, người thực hành chánh ngữ phải biết loại bỏ những lời nói phù phiếm, vô bổ, để chỉ nói ra toàn những lời chân chánh mang lại lợi ích cho bản thân và người khác. Những lời nói phù phiếm, vô bổ chỉ tiêu tốn thời gian và năng lượng của chúng ta một cách vô ích, có khác nào cỏ dại mọc lan trên mảnh đất trồng những cây trái có ích?