Chương
1. Quan niệm hạnh phúc
Giảng
tại Chùa Tịnh Luật, Houston, USA, ngày 19-9- 2004
Phóng
thích sự bực dọc
Một người đi ngoài trời nắng
dưới nhiệt độ trên 350C, thân anh ta cảm thấy oi bức nóng nực. Nếu vào nhà bật
máy điều hòa không khí, mát mẻ, thoải mái sẽ đến tức thì. Sự thoải mái đó
thường được đánh đồng với trạng thái của hạnh phúc. Như vậy có thể hiểu hạnh
phúc trước nhất là dòng cảm xúc mang lại sự dễ chịu, làm tâm trở nên hân hoan, phấn
khởi, nhẹ nhàng. Trong khi thực tế, hạnh phúc lại thuộc về nội tại. Cái cảm
giác đi ngoài trời nắng vào phòng máy lạnh chỉ là phản ứng hóa chất của cơ thể
đối với môi trường xung quanh. Hạnh phúc, dựa vào cảm xúc sinh học, chỉ là phản
ứng nhất thời và dĩ nhiên thời lượng của nó trong trường hợp này không lâu dài.
Tìm đến hạnh phúc là phải tìm đến cái gì đó trường tồn, không bị điều kiện hóa
như trường hợp vừa nêu. Vì khi điều kiện mát mẻ nhờ máy điều hòa không còn nữa
thì cảm giác khó chịu, còn gọi là phản ứng không hài hòa, khó có thể duy trì
được hạnh phúc.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu
một cách nôm na rằng: Hạnh phúc là phản ứng phóng thích những cảm giác bực dọc,
những cảm giác khó chịu từ thân thể mình ra bên ngoài. Những trạng thái khó
chịu có thể xuất hiện dưới hai cơ quan chính yếu của con người, thứ nhất là
thân, thứ hai là tâm. Thân không thoải mái, dĩ nhiên con người có những phản
ứng như: Nhăn nhó, co rút tay chân, hoặc tìm ai đó để tâm sự, chia sẻ. Về
phương diện sinh học, nhờ vào phản ứng phóng thích mà nỗi đau phần nào được đưa
ra ngoài một cách tự nhiên. Tại bệnh viện, các bệnh nhân thường được yêu cầu
kìm nén phóng thích cơn đau ra ngoài để đảm bảo không gây ồn cho người khác. Do
đó, phóng thích để tạo ra trạng thái thoải mái trong thời gian ngắn đã bị ức
chế làm cho họ bị đổ dồn cơn đau, khổ đau ngày càng lớn, và cứ tồn tại như một
đoạn kết.
Từ góc độ này có thể hiểu, nếu
việc phóng thích cơn đau thân thể bằng phản ứng sinh học là một trong những
cách làm cho con người được hạnh phúc thì việc phóng thích nỗi đau của tâm còn
quan trọng hơn rất nhiều. Trong cuộc sống, con người tiếp xúc với môi trường
hoàn cảnh thường không mang lại những điều mong đợi. Cho nên sự phóng thích về
góc độ của tâm là nhu cầu rất cần thiết để hấp thụ một đời sống hạnh phúc.
Biết
tâm đang bị khổ đau
Chủ yếu dựa vào quan sát. Tuy
nhiên, sự quan sát có thể bị nhầm lẫn, bởi vì đối với những người sống với
chiều thức của nội tại, họ có những cách thức thể hiện bên ngoài rất tươi, dù
tâm họ có thể đang buồn bã. Hoặc khi quan sát dáng đi khoan thai mà cho rằng
người đó hạnh phúc, đôi khi lại sai lầm. Cho nên, quan sát thật sự là quan sát
vào đời sống nội tâm.
Nội tâm vốn vô hình, làm thế nào
để quan sát? Chẳng hạn người hạnh phúc thực sự thì nụ cười của họ không gượng
gạo, nụ cười toát ra từ tâm và nó như một phản ứng tự động, lây lan niềm hoan
hỷ đến người khác, có nghĩa là nhìn vào nụ cười của họ, chúng ta được cộng
hưởng từ sự hoan hỷ của nụ cười đó.
Chẳng hạn hàng ngày chúng ta
quan sát tượng của đức Phật trong tư thế trang nghiêm, ung dung tự tại, mặc dù
Ngài không cười. Gương mặt của Ngài, thông qua tài điêu luyện của các nhà điêu
khắc hoặc của các nghệ nhân, chúng ta cảm nhận chất liệu an lạc thật sự. Đời
sống nội tâm của chúng ta được ảnh hưởng lan truyền từ hình ảnh trang nghiêm tự
tại đó. Tương tự, khi quan sát một người, nếu họ có chất liệu an lạc thực sự
thì nó tỏa ra bên ngoài mà nhà Phật thường gọi là hào quang.
Hào quang là một khái niệm vật
lý, nó như thứ ánh sáng tỏa bên ngoài con người. Nói cách khác, xung quanh mỗi
con người có một vùng từ trường, còn gọi là vùng nhân điện hay từ trường sinh
học,…. Mỗi từ trường sinh học có chất liệu giao thoa, tương tác với các trường
sinh học của người khác. Cho nên, khi tiếp xúc với người an lạc thực sự, dù lúc
đó tâm không được an, chúng ta cũng được ảnh hưởng và tâm trở nên lắng dịu một
cách tự nhiên. Sự tương tác đó nếu nhìn bằng tâm, chúng ta sẽ cảm nhận được,
còn nhìn bằng mắt thường, đôi lúc sẽ hiểu sai.
Bộ phim Titanic của đạo diễn
James Cameron từng đoạt mười một giải Oscar năm 1997, có đưa hình ảnh một vị
linh mục cầm quyển thánh kinh, đứng trên tàu và cầu nguyện trước khi ông và tất
cả mọi người trên tàu chìm dần xuống biển. Vị linh mục cố niệm, đọc thật to để
những người xung quanh hưởng niềm an vui trước cái chết. Tuy nhiên, điều đáng
chú ý là trên chính gương mặt của vị linh mục này lại nhăn nhó khổ sở. Như vậy,
hình ảnh vị linh mục đã tạo ra chất an lạc hạnh phúc cho người khác, mặc dù tâm
ông đang đau khổ. Nhăn mặt là phản ứng rất tự nhiên, nó gần như là ngôn ngữ
biểu đạt đời sống nội tại mà không cần thông qua giải thích hay biện hộ.
Cũng một phản ứng hay sự phóng
thích trường tâm linh của mình, mà xuất hiện hai khuynh hướng tùy theo đời sống
nội tâm của từng người. Nếu là người an lạc thật sự, trường sinh học của người
đó tỏa ra bên ngoài tạo thành chất liệu ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống của
những người đang “lâm trận”,
hay những người đang dựa vào chiều thức tâm linh để có được cuộc sống an vui và
hạnh phúc. Cho nên sự phóng thích đời sống nội tâm là một nhu cầu lớn, dù muốn
hay không. Bởi vì điều đó mới tạo ra trường sinh học thật sự hơn là cách thức
gượng gạo, giả vờ an vui hạnh phúc. Phóng thích cảm giác không thoải mái ra
ngoài là một trong những cách thức để mang lại hạnh phúc về nội tại.
Như vậy, hạnh phúc theo cách nào
đó là phải vượt lên trên những điều kiện hóa của sự phóng thích, vì khi phóng
thích, chúng ta phải dựa vào những yếu tố. Nếu các yếu tố đó thiếu vắng thì
hạnh phúc sẽ không lâu dài. Cho nên tìm kiếm hạnh phúc và sống với hạnh phúc là
điều rất khó.
Theo
đuổi ước mơ
Dựa trên nhãn quan, chúng ta thử
khảo sát một vài tình huống thực tế để tìm kiếm nhu cầu hạnh phúc cho bản thân.
Trước nhất là câu chuyện cổ dân gian Phật giáo tại Ấn Độ. Một người nông phu
nghèo khó phải vận chuyển hàng hóa từ địa điểm A sang địa điểm B. Dĩ nhiên,
khoảng cách giữa A và B rất xa. Anh ta chỉ có một phương tiện duy nhất để
chuyên chở, đó là con lừa. Lừa là loài động vật dễ dàng vui với những cảnh bên
đường. Nếu để con lừa vui theo cách mà nó muốn thì hàng hóa từ điểm A sang điểm
B có thể được chuyên chở rất lâu, mất nhiều thời gian. Cho nên anh nông phu
phải nghĩ ra cách thức nào đó để kiểm soát con lừa này, tức là làm cho nó đi
theo hướng mà anh ta muốn. Bấy giờ anh mới đặt một bó lúa, “basmati rice”, loại lúa thơm nổi tiếng
Ấn Độ, ở khoảng cách cố định hai tấc trước mõm con lừa. Mùi hương của lúa sẽ
phảng phất ngay mũi nó, nó cảm thấy hân hoan với niềm ao ước ăn được bó lúa.
Mục đích ăn bó lúa thúc đẩy bốn chân nó tiến lên phía trước, từng bước từng
bước, ngày càng nhanh, càng nhiều, càng thôi thúc hơn.
Khi quan sát, nếu là người bàng
quan hay là ông chủ trong trường hợp này, chúng ta sẽ thấy rằng con lừa đang đi
vào khuynh hướng lao theo một lý tưởng, mà lý tưởng này có khoảng cách rất xa
hiện thực. Khoảng cách đó là khoảng cách cố định mà nó không thể nào đạt đến
được. Nhưng vì hướng tới một đối tượng, cho nên trong nó có sự thôi thúc đi
đến. Cuối cùng, mục đích của ông chủ được thành tựu, có nghĩa là địa điểm A đến
địa điểm B được hoàn tất. Nhưng khoảng cách lý tưởng để con lừa có thể ăn được
bó lúa vẫn vĩnh viễn như vậy.
Người Ấn Độ rất thương yêu các
loài động vật. Ở Ấn Độ, động vật luôn sống gần gũi với con người, hoàn toàn
không có khoảng cách. Vì vậy, nhu cầu phóng sinh hầu như không có. Dĩ nhiên,
người sống bằng nghề chuyên chở phải biết quí trọng con lừa. Nếu con lừa mất
sức hoặc gầy yếu thì khả năng chuyên chở của nó cũng giảm thiểu và tổn thất
thuộc về ông chủ. Cho nên, dù con lừa không ăn được bó lúa trong khi vận
chuyển, nhưng sau khi nó vận chuyển đến đích, ông chủ vẫn phải chăm sóc bằng
cách cho nó ăn những loại mã mạch có năng lượng cao hơn lúa. Thực tế, mã mạch
không thơm, không ngon, nhưng có tác dụng duy trì sức lực cho con lừa về phương
diện chuyên chở trong một ngày, mặc dù nó chỉ ăn một nắm.
Để có hạnh phúc thực sự, câu
chuyện dân gian Phật giáo gợi cho chúng ta một điều là đôi lúc chúng ta phải
sống với lý tưởng, và lý tưởng đó có khoảng cách rất lớn, một khoảng cách cố
định giữa hiện thực và những điều mong đợi. Khi đạt được cái mà chúng ta cho là
lý tưởng, đôi lúc chỉ là một nắm mã mạch cũng làm cho chúng ta hạnh phúc sau
chặng đường phấn đấu khá dài. Phải hiểu rằng ước mơ hay việc theo đuổi ước mơ
là cách thức trước tiên tạo cho chính mình một cảm giác dễ chịu. Ước mơ đó nếu
chúng ta biết cách nhân rộng trở thành một đời sống lý tưởng. Lý tưởng có thể
là một cái gì đó bất hiện thực, nhưng nếu bỏ đi lý tưởng này, mục đích ăn được
bó lúa sẽ không hiện hữu, và dĩ nhiên, ăn được nắm mã mạch lại càng không. Cho
nên chúng ta phải chấp nhận một thực tế đó là lao đến một nhu cầu lý tưởng, mặc
dù nhu cầu này có thể không thật, nhưng nó là một nhu cầu cần thiết.
Đến với đạo Phật hãy nghĩ rằng
những lời Phật dạy là một lý tưởng, dĩ nhiên thực hiện lý tưởng đó không phải
chuyện dễ. Bởi vì, hàng ngày chúng ta làm ăn, luôn phấn đấu để ông chủ hài lòng
với công việc và hiệu năng lao động của mình. Có như vậy, đời sống gia đình mới
được ổn định. Chúng ta lao theo một lý tưởng và lý tưởng đó đôi lúc trở thành
cái gì đó rất phấn chấn. Nhờ phấn chấn mà chúng ta quên đi mọi lao khổ hàng
ngày. Cho nên, quan niệm của câu chuyện vừa nêu, theo đuổi một ước mơ đẹp là
cách thức để có hạnh phúc, mặc dù hạnh phúc này và hạnh phúc chúng ta mong muốn
thực sự khác xa nhau, nhưng nếu thiếu nó, đời sống của chúng ta trở nên vô vị.
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm “hóa thành dụ”, đức Phật sử dụng hình ảnh cung điện tượng
trưng cho những mục đích, thành quả tu tập. Bởi vì con đường từ khổ đau đến
hạnh phúc có khoảng cách cố định. Việc đi trên con đường dài này dễ làm người
ta nản chí, mỏi mệt và bỏ cuộc nửa chừng. Đức Phật dùng phương pháp “hóa thành dụ” dẫn dắt chúng sinh nghĩ
rằng trình độ tâm linh nhất định nào đó mình đã đạt được. Sau thời gian nghỉ
ngơi, thư giãn thoải mái, đức Phật mới nói đây chỉ là một cảnh giới, là một
phần ba con đường hạnh phúc thật sự. Vì sức khỏe đã được phục hồi nên người ta
dễ chấp nhận tiếp tục đi đến chặng thứ hai, thứ ba và cuối cùng đạt đến đích
điểm thật sự lý tưởng.
Lý tưởng tu tập là phương tiện
cần thiết mà nếu thiếu nó, khó có thể đạt hạnh phúc lâu dài. Cần phải đặt ra
những tiêu chí lý tưởng, chẳng hạn người tại gia phải đặt tiêu chí cho người
bạn đời, cho con cái. Nhờ đặt tiêu chí, chúng ta mới có cách đi từng bước vững
chắc, đạt được đến mức độ nào thì hạnh phúc sẽ có mặt ở mức độ đó.
Biết
thỏa mãn ước mơ
Đức Phật thường nói “một trong những nỗi khổ đau lớn nhất của con người
là ‘cầu bất đắc’”. Dù là ước mơ thanh tao, trang nhã và lương
thiện, nhưng đôi lúc không thành tựu, sự thất bại của ước mơ sẽ làm cho con
người chán nản. Nếu sự thất bại cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, bấy giờ con người
có phản ứng trốn chạy. Cho nên, thỏa mãn ước mơ có thể đem lại hạnh phúc, mặc
dù ước mơ đó thấp hay phương tiện, nó cũng biểu hiện bên ngoài, giống như chặng
đường thứ nhất, thứ hai cần vượt qua.
Thực tế vốn phức tạp và nhiều
mâu thuẫn, có những ước mơ khi đạt được lại không làm cho con người hạnh phúc,
mà ngược lại khổ đau sẽ dồn dập nhiều hơn.
Thi hào Goethe là một nhà văn,
nhà thơ nổi tiếng châu Âu. Ông đem lòng thương yêu cô bạn cùng lớp, dù biết
rằng cô đã có chồng. Tình thương yêu một cách chung thủy, đơn phương, khiến anh
ta gần như đặt hết cuộc đời mình vào cô nàng nhưng không được cô đáp lại. Nhiều
lúc anh muốn bộc lộ, thể hiện, truyền đạt thông tin tình yêu của mình nhưng có
khoảng cách gì đó khiến anh chựng lại. Đôi lúc anh mạnh dạn thể hiện tình cảm,
nhưng bị phản ứng. Cô nàng, khi thấy anh bạn vượt mức giới hạn tình bạn, trở
thành tình yêu, cô hoảng hốt về kể với chồng cũng là bạn thân của Goethe.
Anh chồng là người tế nhị, sâu
sắc, đời sống nội tâm phong phú nên đã đến rủ Goethe đi chơi. Trong lúc cùng
ngồi uống cà phê, anh chồng mới nói: “Có
một anh Goethe nào đó đã đem lòng thương vợ tôi. Tôi nghĩ, nếu là Goethe thật
sự thì anh ta sẽ không yêu vợ tôi. Còn nếu yêu vợ tôi, anh ta sẽ không còn là
Goethe nữa”. Khi đó Goethe trả lời: “Anh Goethe đó quá dở! Nếu tôi là anh Goethe đó, tôi chẳng những sẽ yêu
công khai mà còn tìm cách chinh phục biến cô ấy trở thành vợ mình cho anh chồng
biết tay”. Cuộc đối thoại chỉ là cuộc nói chuyện qua loa để hai bên
đỡ ngỡ ngàng với nhau khi cả hai phía đều bật đèn đỏ thầm yêu cầu đối phương
hãy dừng lại. Tuy nhiên, khi trở về, tâm trạng Goethe trở nên buồn rầu đau khổ.
Anh nghĩ rằng anh không còn cơ hội truyền đạt thông tin tình yêu. Anh bèn viết
một tác phẩm mang tên “Nỗi đau của chàng
Werthers”. Werthers, tên nhân vật chính trong truyện, đem lòng
thương yêu một cô gái đã có chồng tên là Lohtéa. Chìm đắm trong những đam mê
tình ái của bản thân, chàng đã sớm tự kết thúc đời mình bằng cái chết bi thảm
và tuyệt vọng.
Câu chuyện vẽ lên một khung cảnh
ảm đạm, một bức tranh lý tưởng, lãng mạn và kết thúc bằng cái chết. Chết vì
tình yêu, chết vì lý tưởng, thể hiện trọn vẹn cho người mình yêu. Thanh niên
châu Âu, sau khi đọc tác phẩm, có khuynh hướng chọn con đường tự tử khi tình yêu
của mình không trọn vẹn. Làn sóng tự tử gây ngạc nhiên với những nhà phê bình
văn học. Họ nói: “Chưa có một cô gái nào
đẹp như Lohtéa trong truyện của Goethe khiến nhiều thanh niên say mê đến độ kết
thúc đời mình. Tuy nhiên, có một điều chúng ta cảm thấy ngạc nhiên, đó là bản
thân cô Lohtéa lại sống đến cả trăm năm”. Goethe muốn chết một cách
chung thủy với người tình đơn phương của mình, và ông đã thể hiện nó qua tiểu
thuyết. Thực tế, ông đã thành công trong việc làm cho hàng loạt thanh niên mới
lớn với mối tình đầu nháng lửa phải chọn lý tưởng thỏa mãn điều ông đưa ra,
nhưng bản thân ông thì không dám thực hiện.
Trong tình yêu, nếu nói theo góc
độ Bồ Tát Đạo, yêu một chiều, yêu trọn vẹn, thủy chung một ai đó là điều tốt,
yêu mà chẳng được yêu, cho thì nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu. Đó là lý tưởng
mà rất nhiều người cho là hạnh phúc. Nhưng nếu phân tích từ chiều sâu của tâm
lý, họ là những người rất khổ đau. Vì tình yêu đó không được nói bằng ngôn ngữ,
không được biểu đạt bằng hành động mà nó bị giam nhốt trong sự khép kín, bị
ràng buộc bởi phong tuc, tập quán, văn hóa, truyền thống và phong cách cá nhân.
Thỏa mãn điều này thì vi phạm luân thường đạo đức, nhưng không thỏa mãn thì đời
sống khổ đau chất chứa.
Bản chất hạnh phúc không lệ
thuộc vào ước mơ, nó lệ thuộc vào bản chất của ước mơ hay nội dung của ước mơ.
Nếu nội dung của ước mơ đẹp cho bản thân và cho người khác, đẹp ở hiện tại và
đẹp ở tương lai, thì nó được đạo Phật quan niệm là hành động thiện. Như vậy,
theo đuổi ước mơ, hoàn thiện ước mơ, biến ước mơ thành hiện thực chính là hạnh
phúc. Ngược lại nó sẽ trở thành khối của phiền não. Thử đặt giả thuyết, nếu
Goethe hay Werthers trong truyện, đạt được ước mơ chinh phục thành công trái
tim của người anh ta yêu thì đồng nghĩa trái tim đó sẽ quay lưng lại với trái
tim của người chồng. Như vậy, hạnh phúc của người A trong trường hợp này sẽ
biến thành nỗi khổ đau của người B, và sự thỏa mãn ước mơ của người A sẽ trở
thành nỗi khát vọng hay một điều gì đó đi ngược lại với thực tế của người B.
Hạnh phúc theo đuổi ước mơ phần
lớn mang những chất liệu của mâu thuẫn, va chạm, xung đột và dẫn đến đổ vỡ
trong cuộc đời. Quan niệm của nhà Phật khác với quan niệm của thế nhân ở chỗ
một ước mơ đẹp được hoàn thiện chưa chắc mang lại hạnh phúc, nếu nội dung của
ước mơ đó đi ngược đạo lý nhân quả mà đức Phật đã đưa ra. Dĩ nhiên, đạo lý nhân
quả mà đức Phật đưa ra với chiều thức rất khách quan, ai cũng có thể chấp nhận
được trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống và mọi thời đại. Nó không bị ảnh hưởng
bởi không gian vật lý và chiều kích của thời gian tâm lý.
Tình
yêu với “chánh pháp”
Hàn Mặc Tử là nhà thơ bất hạnh,
bởi vì ông đem lòng yêu một người Phật tử. Hiện nay cô ấy vẫn sống và khoảng
tám mươi tám tuổi. Hàn Mặc Tử theo Thiên Chúa giáo, nhưng người mà ông lý tưởng
muốn biến thành người bạn đời lại là Phật tử. Các gia đình Huế vốn sống khép
kín và đương nhiên không chấp nhận con gái mình trở thành cô dâu trong một gia
đình khác đạo. Phản ứng của hai gia đình trong trường hợp này làm cho cuộc tình
trở nên lận đận. Khi phải chia tay vĩnh viễn với người tình, ông đã viết hai
câu thơ:
“Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa
hồn kia bỗng dại khờ”.
Thông thường, phản ứng và quan
niệm của người thất tình là cuộc sống dường như vô nghĩa, sự thiếu vắng người
yêu làm cả bầu trời sụp đổ. Tất cả niềm hạnh phúc, sự hy vọng, những gì đẹp
nhất trong cuộc đời mất hết. Cái mất đó diễn ra một cách khổ đau. Nếu linh hồn
của chúng ta được chia làm hai mảnh thì sự ra đi của người yêu làm cho nửa mảnh
linh hồn chúng ta bị mất một cách vô cớ, và nửa còn lại chỉ là sự dại khờ,
nghĩa là trạng thái ngẩn ngơ thơ thẩn đi tìm con đường tự vẫn, hay nói cách
khác là mất đi niềm mơ ước thật sự trong cuộc đời. Quan niệm này được xem là
quan niệm rất thế gian, nó chi phối rất nhiều thế hệ trẻ ở Việt Nam cũng như ở
hải ngoại, những người sống theo chủ nghĩa hiện sinh của Pháp.
Nhìn từ góc độ của nhà Phật,
phải hiểu rằng người từ tuổi vị thành niên trở thành người trưởng thành, dĩ
nhiên điều hạnh phúc lớn nhất khi đó là hạnh phúc giới tính. Họ tìm sức hấp dẫn
từ một người khác giới tính của mình trong điệu cười, giọng nói, dáng đi, dáng
đứng,… tạo niềm đam mê hạnh phúc.
Tuy nhiên, đức Phật khuyên rằng
khi yêu ai phải nhìn người đó với cái nhìn tổng thể bao gồm tình cảm, tâm lý,
tư cách, ứng xử, kiến thức, sự hiểu biết, sự chia sẻ,… lúc đó chúng ta sẽ chọn
được một con người tương đối lý tưởng hơn là nhìn người đó với cái nhìn phiến
diện. Chẳng hạn, người Việt Nam
có quan niệm thẩm mỹ rất khác so với thế giới phương Tây. Đối với phần lớn
người Việt Nam,
răng khểnh của người nữ được xem là nét duyên cuốn hút nhiều chàng trai đeo
đuổi ở bất cứ nơi đâu. Hoặc đôi mắt bồ câu, sống mũi dọc dừa, miệng trái tim,
khuôn mặt dễ thương, nụ cười đẹp, dáng đi yêu kiều, giọng nói truyền cảm,…
khiến nhiều chàng trai thầm thương trộm nhớ hoặc bày tỏ tình thương một cách
công khai. Do đó, nếu thiếu đi những nét đẹp vừa mắt kia, nhiều người cảm thấy
mất cả một cuộc đời. Đó là hạnh phúc lớn nhất của người mới bắt đầu bước vào
tình yêu.
Đức Phật nói, khổ đau lớn dần
khi chúng ta biến yếu tố cá thể thành tổng thể. Nhìn nét đẹp của chiếc răng
khểnh hay nét đẹp của đôi mắt bồ câu mà yêu cả con người đó và mang về nhà. Sau
năm tháng sống chung, sự khác biệt cá tính bắt đầu bộc lộ, trái chiều nhau.
Cuối cùng tình yêu chỉ còn là tình nghĩa, tình nghĩa trở thành tình đời và rồi
tình đời trở thành tình hận chán chường.
Đức Phật lại dạy “tất cả người nam, người nữ cần phải có hai vợ, hai
chồng”, thoạt nghe câu nói này nhiều người có thể hiểu nhầm. Lý
giải câu này đó là vì trong cuộc sống, người bạn đời mà chúng ta cho rằng mang
lại cho mình niềm hạnh phúc nhiều nhất đôi lúc chính là người mang lại khổ đau.
Người bạn đời là một cá thể khác giới tính, cá tính, cách ứng xử, sự hiểu biết,
trí thức... Nếu nỗ lực trong tình yêu để biến hai quả tim thành một thì bản
chất của sự biến đổi đó sai lầm ngay từ nguồn gốc.
Đức Phật cho rằng chúng ta phải
có nhu cầu cưới người bạn đời thứ hai. Người bạn đời hiện tại có thể rất yêu
thương và chung thủy, nhưng vì cả hai là hai cá thể khác biệt nên cách yêu và
cách tiếp nhận tình yêu khác nhau, đó là nguyên nhân dẫn đến bất hòa. “Hãy kết hôn với chánh pháp, ‘người bạn đời’ lý
tưởng”. Ngoài lòng chung thủy với vợ mình, mỗi người nam cần phải
lấy thêm chánh pháp làm vợ; tương tự, với người nữ phải lấy chánh pháp làm
chồng thứ hai của mình. Vì trong những khổ đau xuất phát từ mối quan hệ với
người bạn đời thứ nhất, nếu không có người bạn đời “chánh pháp” bên cạnh, chúng ta sẽ không có chỗ dựa tinh
thần, một nơi quy y thật sự thích đáng, và chúng ta sẽ bị khủng hoảng.
Nếu không biết cách phóng thích
nỗi đau ra bên ngoài, giống như phản ứng vật lý của thân, khi tiêm một giọt
thuốc tiêm chủng nào đó làm cho kháng thể biết cách đánh các loại vi trùng
bệnh, đẩy chúng ra khỏi cơ thể, thì nhu cầu tâm lý của con người cũng có phản ứng
đẩy những cái gì thuộc về khổ đau, không hài lòng, bất mãn, trầm cảm, mang đến
cảm giác đau khổ tột cùng.
Chánh pháp, một trong những đòn
bẩy, giúp đẩy nỗi đau ra ngoài một cách nhẹ nhàng và hiệu quả. Đó trước nhất là
danh ngôn, kế đến là những câu khuôn vàng thước ngọc giúp đạt trạng thái an vui
khi ứng dụng và nếu buông nó đi, chúng
ta có thể bị vấp phải những
phiền não trong cuộc đời. Nhà Phật dạy rằng khi yêu ai đó, đừng nên nhìn vào
những tướng riêng, những biểu hiện rất riêng tư thuộc về cá tính, vì khi tiếp
xúc lâu dài với sự lặp đi lặp lại thường dẫn đến cảm giác nhàm chán, có khuynh
hướng tìm những cảm giác mới. Nếu quan sát tướng riêng của người khác quá
nhiều, lúc bấy giờ chúng ta sẽ thấy cái xấu thành đẹp, đẹp trở nên bình thường
như nhà tư tưởng phương Tây đã từng nói: “Đẹp
là cái nhìn thuộc về đôi mắt”. Con mắt có logic của nó, nó có con
đường riêng để nhận định đánh giá và quyết đoán, mặc dù con mắt không phải là
mấu chốt quan trọng. Nó được điều khiển bởi bộ não trung ương, nói theo nhà
Phật, nó là ý thức hay còn gọi là nhận định, đánh giá, chấp trước, giải quyết
vấn đề theo cách thức mà nó muốn. Cho nên tướng riêng là cái gì đó làm cho con
người có thể đánh mất chính mình.
Đức Phật dạy “để đời sống gia đình được hạnh phúc thì phải bỏ
quên những tướng riêng mà nhìn vào tướng chung của nhau”. Tướng
chung là những biểu hiện, những đặc điểm của một dân tộc, cộng đồng, quốc gia
hay một truyền thống nào đó. Chẳng hạn, khi nói đến người Việt Nam, người ta
nghĩ đến da vàng, mũi tẹt, lùn lùn, bé bé,…
Văn hóa Việt Nam mang sắc
thái rất đặc biệt mà các nền văn hóa khác không có. Có thể hiểu nền văn hóa
Việt Nam
giống như một ngôi nhà trống có nhiều cửa sổ. Gió đi vào cửa này có thể thoát
ra khỏi cửa kia, rốt cuộc ngôi nhà không còn gì hết. Nói như vậy nhiều người có
thể phản đối, vì cho rằng chúng ta như vậy là mất gốc. Hầu như chúng ta không
biết tôn trọng nền văn hóa của mình. Ngoài những cái rất nhỏ bé, rất khó khăn
khi tìm một cái gì đó thuộc chất liệu văn hóa của Việt Nam. Cái gì
cũng nhỏ, nhà Việt Nam
nhỏ, con đường cũng nhỏ, con người cũng lùn, cũng thấp. Rồi đến ngôi chùa vốn
được xem là biểu tượng của nền văn hóa Việt Nam cũng là chùa Một Cột chỉ vỏn
vẹn mấy mét vuông. Tuy nhiên, nó đáng để chúng ta tự hào, hãnh diện.
Cho nên quan niệm thẩm mỹ, quan
niệm về cái đẹp, cái thiện, ác là những quan niệm rất cá nhân, nếu nói theo nhà
Phật, nó là nhãn quan. Cái chúng ta thích thì chúng ta cho là đẹp, cái gì không
thích thì cho là xấu. Đứng từ góc độ này, có thể nói rằng tất cả những tính từ
đẹp, xấu, mập, ốm, thiện, ác,… liên hệ đến con người, sự vật, quốc gia, sự kiện
đều là tương đối. Tất cả chỉ là một cái gì đó rất cá nhân. Cho nên tìm kiếm
hạnh phúc thật sự là việc không bao giờ thành tựu trên đời này. Hạnh phúc đối
với người này cũng có thể là khổ đau của người kia.
Ví dụ, người nông thôn nghèo ở
Việt Nam,
hạnh phúc khi ngày hôm đó anh ta kiếm được khoảng 15.000 VND, tương đương 1USD,
nuôi gia đình gồm vợ và những đứa con. Tuy nhiên, mức thu nhập đặt trong bối
cảnh nền kinh tế cao như ở Mỹ, thì 1USD là quá khổ đau và thà rằng khai mình
thất nghiệp để nhận chế độ an sinh xã hội còn hơn. Cho nên, trong hoàn cảnh
khác, tiêu chí hạnh phúc đạt được của một người trong hoàn cảnh này trở thành
khổ đau không thể chấp nhận ở một người khác. Sự thay đổi về hoàn cảnh, điều
kiện, môi trường làm con người thay đổi quan niệm hạnh phúc. Do đó, tìm kiếm
hạnh phúc thật sự phải nói rất khó khăn.
Chấp
nhận người khác
Trong kinh Đại Bát Niết Bàn đức Phật dạy “một trong những cách để đạt được hạnh phúc là chấp
nhận người khác như là một cá thể bổ sung cho mình”. Tuy nhiên, rất
khó làm được điều này, khi chúng ta là người thích hướng ngoại, thích huyên náo
mà bạn ta lại là người sống nội tâm thì dĩ nhiên những gì chúng ta muốn chia sẻ
sẽ làm cho người kia phiền não, và ngược lại. Những gì người kia muốn được an
tĩnh lại là chướng ngại cho ta. Hai chị em song sinh cùng giờ, cùng tháng, cùng
năm, vẫn có những tính cách hoàn toàn đối lập. Nếu theo quan niệm tử vi, từ
ngày tháng năm sinh của Trung Hoa, Ấn Độ, Hy Lạp hay bất cứ tử vi nào trên thế
giới, thì đây là trường hợp có thể dùng làm minh họa cho lời dạy của đức Phật “không có cá tính hay định mệnh tùy thuộc vào ngày
tháng năm sinh, mà tất cả tùy thuộc vào môi trường giáo dục, cá tính, cách thức
của nội tâm trong từng con người”.
Nhà Phật lý giải trường hợp chị
em song sinh nhưng lại có cá tính khác nhau là do hành vi, giao tiếp mà mỗi
người xây dựng, gieo trồng khác nhau trong kiếp trước, nhưng qua đời cùng lúc
hoặc họ tìm nghiệp cảm tương ứng diễn ra cùng lúc. Khi gặp vợ chồng đang quan
hệ giới tính hoặc một người nữ đang trong giai đoạn mang thai, hai thần thức
cùng ao ước tìm kiếm đời sống mới. Lúc đó nghiệp cảm tương ứng làm cho hai
người giao thoa với nhau và cùng vào một gia đình trở thành chị em song sinh.
Tuy sinh cùng ngày tháng năm, nhưng nghiệp lực và hành vi đạo đức đã gieo trồng
trong quá khứ của hai chị em là hoàn toàn khác biệt, cho nên họ có thể tương
đồng về nhóm vật lý, tức là nhóm phước báu, về tướng mạo giống nhau nhưng cá
tính thì hoàn toàn khác biệt.
Kinh Đại Bát Niết Bàn nêu một câu chuyện buộc chúng ta phải lý
giải. Một hoàng tử đem lòng thương yêu một trong hai chị em sinh đôi. Kinh mô
tả sự kiện đặc biệt đến độ chúng ta có thể hiểu nó là câu chuyện mang tính hư
cấu hơn là chuyện có thật. Cặp song sinh này, người chị thì đẹp tuyệt trần như
hằng nga giáng thế, hoặc đẹp đến “nghiêng
thành đổ nước”; ngược lại, người em lại xấu xí đến độ nếu chúng ta
gặp một lần sẽ không muốn gặp lại lần thứ hai. Nếu có nằm mơ thấy dung nhan đó,
chúng ta cũng không thể có được một giấc ngủ an lành. Sự tương phản giữa đẹp và
xấu trong trường hợp này như giữa trời và đất, giữa thiên đường và địa ngục,
giữa hạnh phúc và khổ đau. Kịch tính trong câu chuyện đức Phật nêu ra rất lớn.
Làm thế nào để có thể hài hòa, chấp nhận người khác như một cá thể thì câu
chuyện diễn tiến như sau.
Cô chị cũng rất thương yêu hoàng
tử. Tuy nhiên, cô có một yêu cầu, đó là nếu thật lòng thương yêu và muốn cô trở
thành vợ thì liệu anh có thể chấp nhận em ruột cô như em ruột của mình. Câu hỏi
cũng là một lời thách thức lớn. Câu chuyện dừng tại đó, và câu trả lời dành cho
mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta rộng lượng thì có thể chấp nhận người em xấu
xí một cách dễ dàng; hoặc nếu chúng ta si tình, bất chấp tất cả những gì lệ
thuộc vào người kia thì chúng ta sẽ thương cả đường đi lối về.
Ca dao Việt Nam có câu “Yêu nhau yêu cả đường đi…” dễ dàng được
chấp nhận, nhưng nếu không cùng thuộc về một cá tính thì liệu chúng ta có đủ
sức chấp nhận người kia hay không, đó là điều tùy thuộc vào sự hiểu biết của
từng người. Một trong những cách tiếp xúc, mổ xẻ câu chuyện đó là, sự khác biệt
giữa người chị và người em về cấu trúc sinh học, gen di truyền, nếu nói theo
thế hệ khoa học ngày nay, là khó chấp nhận, vì hai người cùng gen di truyền thì
không thể có người quá xấu và người quá đẹp, mà nó phải giống nhau. Cá tính có
thể khác, nhưng nhân thể, cái biểu hiện ngoại hình không thể khác nhau được.
Thế thì tại sao đức Phật lại dựng lên câu chuyện về sự khác nhau như vậy?.
Hãy hiểu rằng trong mỗi con
người có đa nhân cách, có những lúc chúng ta rất đẹp, nhưng có những lúc chúng
ta rất xấu, có những lúc chúng ta hoan hỷ, nhưng có khi chúng ta cau có,...
Những cá tính đối lập gần như là những hoạt động, sự tồn tại của chúng ta trong
cuộc đời. Như vậy khi yêu thương ai, chúng ta phải chuẩn bị để chấp nhận sự
khác biệt của người đó đối với mình. Muốn có hạnh phúc, muốn chia sẻ với ai thì
phải chấp nhận người đó như một cá thể bổ sung cho những gì mà chúng ta không
có, bằng không thì sự khác biệt sẽ trở thành đối lập, dẫn đến mâu thuẫn, va
chạm và đổ vỡ.
Quan niệm sự khác biệt của người
khác về cá tính, cách ứng xử, kiến thức,… là một sự bổ sung cho chính mình,
cũng giống như trong vườn hoa với vô vàn loại hoa, đặc điểm của hoa này sẽ làm
hoa kia nổi bật và ngược lại, nhằm tạo nên một tổng thể phong phú đa dạng. Nếu
cố tình loại bỏ những loại hoa cỏ dại thì tổng thể vườn hoa không nổi bật những
loài hoa đẹp. Hay nói cách khác, cái đẹp trong trường hợp này nhờ có sự khác
biệt lẫn nhau, mà nó làm cho nhau nổi bật hơn, hấp dẫn hơn. Sự khác biệt về cá
tính cũng vậy, đức Phật dạy cần có thái độ rộng mở để dễ dàng tiếp xúc với
người khác và lắng nghe ý kiến của họ, lắng nghe những thao thức, những cử chỉ,
lời nói việc làm. Sau đó biến chúng trở thành cái gì đó bổ sung cho bản thân.
Hoàn cảnh là nơi trải tâm để tâm thích ứng với nó chứ không phải hoàn cảnh cần
được diễn ra theo chiều kích mong mỏi cá nhân. Xuôi theo nhà Phật là đặt mình
trong tình huống có thể là xấu hoặc tốt, để thu nạp hạnh phúc, bằng không thì
mỗi sự thay đổi về cảnh huống có thể mang lại khổ đau.
Cách
ứng xử với cuộc đời
Một người Việt Nam vượt biên
sang Pháp. Sau mấy chục năm gian nan lưu lạc, cuối cùng anh cũng có cuộc sống
ổn định và trở về thăm quê hương. Trở về đất nước mà trước đây mình từng hạnh
phúc, nhưng bây giờ hạnh phúc đó không còn nữa. Anh nói rằng anh không thể chấp
nhận hoàn cảnh hiện tại, vì anh cho rằng anh đang sống trong một thế giới rất
tự do và nhân quyền. Tất cả quyền của con người được tôn trọng một cách tuyệt
đối. Thay vì có thái độ thông cảm với bà con, quyến thuộc của mình, anh cảm
thấy ngột ngạt và tìm cách rời khỏi Việt Nam sớm. Như vậy, trong trường hợp
này, ước muốn hạnh phúc được đặt trên tiêu chí nhân quyền, nếu thiếu nhân quyền
thì hạnh phúc sẽ không còn tồn tại.
Quan niệm cuộc đời như vậy khó có
thể được hạnh phúc. Liệu thế giới nhân quyền ở phương Tây có đảm bảo được hạnh
phúc hay không? Ngoài nhân quyền còn có vô vàn loại hạnh phúc thuộc về đời sống
nội tại, nhận thức, ứng xử, cách sống. Nếu không trải tâm để đón nhận những
hoàn cảnh không như ý, hạnh phúc sẽ không bao giờ có mặt.
Để có được hạnh phúc, đôi lúc
phải chấp nhận những hoàn cảnh trái ngược. Chấp nhận trong trường hợp này khác
với cách thức an phận thủ thường, đặt mình trong tình huống gọi là số phận an
bày, giống như quan niệm của Nho giáo, Thiên chúa giáo, Do thái giáo hay Hồi
giáo. Tức là tất cả mọi thứ trên cuộc đời này, từ hạnh phúc đến khổ đau, từ
cảnh huống mà mình sống cho đến những cảnh huống mình mong mỏi đều do một
Thượng đế nào đó sắp đặt, can thiệp, chi phối và mình chỉ cần đặt niềm tin vào
Thượng đế thì mọi thứ trên cuộc đời này sẽ được giải quyết. Sống với thái độ an
phận thủ thường, con người chấp nhận số phận mà không đặt niềm tin vào tương
lai sáng lạng, phản ứng gần như trói buộc mình trong cái mai rùa, khó có thể quán
những hoàn cảnh khác biệt trở thành cảnh huống mang lại hạnh phúc.
Hạnh phúc là cách ứng xử với
cuộc đời. Ứng xử này đòi hỏi sự khôn ngoan, trí tuệ nhận thức, sự sáng suốt hơn
là những tính chất của hoàn cảnh đang diễn ra, vì hoàn cảnh đang diễn ra là quy
luật vật lý hay quy luật của vũ trụ không bao giờ tỷ lệ thuận với qui luật của
tâm.
Hạnh
phúc thuộc về nhận thức
Đời sống vật chất đầy đủ liệu có
thể đảm bảo được hạnh phúc lâu dài hay đời sống vô sản tuyệt đối như các nhà sư
mới thật sự hạnh phúc?
Trong kinh đức Phật kể, một vị
đạo sư nổi tiếng đến độ các vị vua Ấn đều đến học hỏi đời sống tâm linh từ
ngài, hoặc hỏi về những pháp an bang trị quốc bình thiên hạ, cụ thể là cách tổ
chức xã hội, cách giải quyết những vấn đề kinh tế, văn hóa, truyền thống v.v…
nói chung. Theo thông tục của người Ấn Độ, dù là vua quan hay thường dân, khi
đến với vị đạo sư, chúng ta đến với lòng chí thành chí kính hơn là đến với vai
vế xã hội mà mình đang có. Cách biểu hiện lòng chí thành đó, chúng ta phải dừng
cương ngựa ở một khoảng cách khá xa cố định. Sau đó phải đi đơn độc trên đôi
chân trần với lòng tôn kính, nhà vua đã làm theo cách thức đó để đến học hỏi
pháp của vị đạo sư này. Trong lúc học hỏi pháp, nơi nhà vua dừng cương ngựa bị
phát hỏa, tất cả hành lý ngọc ngà châu báu mới thu nhận từ những nước cống nạp
biến thành mây khói theo cơn hỏa hoạn. Nhưng kịch tính chủ chốt lúc này lại
diễn ra trong biểu hiện của hai người, đạo sư và nhà vua.
Trong câu chuyện đức Phật kể,
nhà vua vẫn điềm tĩnh hỏi đạo lý và ông say mê với những điều đạo lý mà đạo sư
trình bày. Ông cảm thấy hạnh phúc, không màng đến đám lửa cháy, không màng đến
những vật quí bị đám lửa thiêu đốt. Ông chỉ màng đến chánh pháp, giá trị của
đời sống tâm linh mà ông đang thiếu thốn. Trong khi đó, vị đạo sư bất chợt nhìn
về phía cánh rừng nơi đám lửa đang cháy, tại sao? Vì đạo sư này chỉ có hai bộ
quần áo. Một bộ ông mặc, còn một bộ đang được phơi ở phía đám cháy. Đạo sư sợ
rằng nếu mất bộ quần áo, ông sẽ không còn bộ nào để thay.
Trong câu chuyện của đức Phật,
mặc dù đạo sư không có tài sản như các nhà sư hiện nay, nhưng cách ứng xử còn
khác, huống hồ các nhà sư hiện nay có chùa, có đoàn thể, có tài sản, thậm chí
có tài khoản riêng. Như vậy, nhận định câu chuyện này, chúng ta thấy liệu đời
sống vô sản thật sự có mang đến cho chúng ta trạng thái hạnh phúc lâu dài hay
không?
Trong câu chuyện, đạo sư là
người vô sản, ông giảng đạo lý rất hay, rất sâu. Từ đạo lý đó, bao nhiêu người
được hạnh phúc nhưng bản thân đạo sư lại không hạnh phúc, bởi vì ông chỉ sống
với kiến thức chứ không sống với sự hành trì. Ông có thể hiểu đạo lý vô thường
và nói về vô thường một cách tâm đắc, thuyết phục nhưng đời sống, sự chứng đắc
về vô thường ở ông không có. Đạo sư tiếc nuối về bộ quần áo, ông mang tâm bám
víu vào nó, mặc dù nó là tài sản tối thiểu mà con người cần phải có.
Đời sống vật chất đầy đủ đôi lúc
tạo phương tiện an vui, nhưng cũng là những phương tiện ràng buộc con người.
Tại sao? Ví dụ, trước đây chúng ta có một tivi trắng đen, cảm thấy rất vui khi
tiếp cận thông tin, du lịch đó đây trên thế giới mà không cần phải mua vé máy
bay. Chỉ cần bật đài là có thể đi từ địa điểm đang ngồi trước tivi đến khắp mọi
nơi. Tuy nhiên, cùng với tốc độ phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, con
người ngày càng được sống trong môi trường tiện nghi hơn, do đó, cơ hội để cơ
thể hoạt động ngày càng giảm.
Tất cả máy móc trong gia đình
đều có thiết bị điều khiển từ xa, chỉ cần ngồi bấm là mọi thứ vận hành theo ý
muốn của chúng ta. Như vậy, những phương tiện đó phục vụ cho hạnh phúc của
chúng ta, thỏa mãn những gì chúng ta muốn, nhưng đồng thời phương tiện đó cũng
sẽ gây cho chúng ta những chứng bệnh khác.
Đó là những hội chứng của sự
nghiệp ngập, đặc biệt đối với người thất nghiệp. Trong hoàn cảnh từ sáng đến
tối không có việc làm, người ta dễ dàng làm bạn với chiếc ti vi. Thói quen dán
mắt trước ti vi từ sáng đến tối, hình thức giải trí này, sẽ biến người đó trở
thành con nghiện. Lúc đó, hạnh phúc lớn nhất với họ là xem tivi. Hoặc những thú
vui giải trí phổ biến, tụ họp thành nhóm la cà trong các phòng gym tập thể dục
dụng cụ hay thể dục thẩm mỹ. Đam mê chạy theo nhu cầu cải thiện ngoại hình đôi
lúc khiến người ta lạc lối, đánh mất mục đích chính là bảo vệ sức khỏe cường
tráng một cách lâu dài.
Trên một phương diện nào đó, đời
sống vật chất dư giả tránh cho chúng ta khỏi lo lắng về những thiếu thốn hằng
ngày. Nhờ vắng bóng của sự lo lắng đó mà chúng ta có được tâm an vui đến chùa
ngồi hai tiếng, thậm chí suốt ngày, mà không cảm thấy bất an. Chúng ta có thể
tạm gác tất cả việc gia đình để dành trọn một ngày an tâm tại chùa, tìm kiếm
giá trị tinh thần và hạnh phúc. Bằng ngược lại, chúng ta có thể có những cái
vướng bận khác. Một căn nhà với đầy đủ tiện nghi, chỉ cần ngồi một chỗ vẫn có
thể điều khiển ti vi, máy lạnh, rèm cửa, đầu đĩa, quạt,… bằng những chiếc điều
khiển từ xa, dần dà con người trở nên lười vận động, tay chân cơ bắp thiếu linh
hoạt. Thêm vào đó là chế độ ăn uống quá dư thừa đạm, gây nên chứng bệnh béo phì
và các chứng bệnh nguy hiểm khác. Hạnh phúc thật sự không liên hệ đến khối
lượng vật chất chúng ta có hay không, mà nó liên hệ đến chất lượng tâm linh
chúng ta quán niệm về cái có và không có này.
Một nhà sư chỉ có ba y một bát,
ngủ dưới gốc cây, đời sống thong dong, rày đây mai đó để chia sẻ những giá trị
tinh thần cho bà con bá tánh, nhưng nếu bản thân nhà sư không buông được tâm
thì sự tu hành không có giá trị gì cả.
Hành giả đến chùa tu, tạm gác
tất cả công ăn việc làm, thậm chí những bận bịu với gia đình, con cái, cháu
chắt. Dĩ nhiên, chúng ta tìm kiếm giá trị tâm linh, nhưng liệu chúng ta có tận
dụng được cơ hội đó hay chỉ đến như thói quen, nhu cầu tìm vui hoặc đến chùa để
tâm sự với những người bạn đạo. Nếu chỉ tìm kiếm giá trị hạnh phúc theo một góc
độ quan niệm đơn thuần như vậy, chúng tôi nghĩ một ngày tu tập đó rất uổng phí,
bởi cái giá trị to lớn nhưng chúng ta đạt được chỉ một phần.
Tóm lại hạnh phúc nói một cách
tuyệt đối nằm ở nhận thức của con người về những gì có và không có. Biết vận
dụng tiền của vào mục đích từ thiện, bố thí, cúng dường, và làm những việc tốt
cho cuộc đời thì phương tiện đó là cơ hội để gia tăng hạnh phúc, bằng ngược lại
nó có thể trở thành khổ đau. Hạnh phúc thuộc về nội tâm, thuộc về nhận thức,
cách ứng xử của chúng ta đối với cuộc đời. Nó là niềm khao khát, là nhu cầu
không thể thiếu. Hãy mở rộng tầm nhìn, mở rộng chân trời và hạnh phúc nó có sẵn
chứ không cần tìm kiếm đâu xa.