Đời sống
Hạnh Phúc Trong Tầm Tay
Thích Nhật Từ Nhà Xuất Bản Phương Đông
22/10/2554 13:16 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Chương 6. Sống hạnh phúc

Giảng tại Trung tâm Thanh thiếu niên III, Q. Gò Vấp, ngày 31-03- 2004

 

Quan niệm hạnh phúc

Hạnh phúc thể hiện trên hai phương diện: Phương diện tinh thần ám chỉ trạng thái thoải mái, vui vẻ, phấn chấn vươn lên sống một cách có ý nghĩa; và phương diện vật chất mang tính chất hỗ trợ cho đời sống hàng ngày. Mức độ khác nhau của đời sống được gọi là hạnh phúc thể hiện qua năm tình huống sau:

Năm người đàn ông buồn thất thểu tìm đến bác sỹ tâm lý mong được giúp làm thế nào để sống một cuộc sống hạnh phúc và an vui. Bác sĩ hỏi người đàn ông thứ nhất: “Tại sao anh cần phải sống?”.

Anh thứ nhất trả lời: “Vì tôi sợ cái chết, tôi không muốn chết nên tôi phải sống”.

Tương tự, bác sĩ hỏi bốn người còn lại.

Anh thứ hai trả lời: “Tôi sống là bởi vì tôi muốn nhìn thấy ngày mai như thế nào? Bản thân tôi ra sao? Con cháu của tôi lớn lên có thành đạt hay không v.v…

Anh thứ ba nói: “Gia đình tôi đông con, tôi cần có trách nhiệm. Tôi sống để lo cho chúng”.

Anh thứ tư thưa: “Vì trong cuộc đời này có nhiều thứ rất hấp dẫn, rất nhiều phương tiện hưởng thụ. Tôi muốn sống để hưởng niềm vui sướng đó”.

Đến lượt anh thứ năm. Anh không trả lời nhưng hai hàng nước mắt chảy dài trên má.

Năm người tới phòng mạch với năm lý do khác nhau. Người muốn sống vì trách nhiệm với những người thân, người thương; người muốn sống vì nỗi sợ hãi cái chết đang đeo đuổi; người muốn sống vì muốn hưởng thụ, giải trí; người muốn sống vì muốn nhìn thấy tương lai của con cháu mình, thấy được những người thân của mình như thế nào; và người còn lại bật khóc do cảm thấy đời mình quá khổ, không còn nhìn thấy hạnh phúc bất cứ nơi đâu. Đối với loại người thứ năm này, cuộc đời gần như mất hết ý nghĩa, dù họ có thể hiểu, thấy được hạnh phúc của người khác, nhưng vì nỗi buồn khống chế cho nên họ không còn thu nhận và thấy được ý nghĩa trong cuộc đời.

Năm cách trả lời cho thấy hạnh phúc không phải là cái gì đó cao xa, nhà cao cửa rộng, điều kiện vật chất đủ đầy, hay hoàn thành những công việc vĩ đại, những công trình to lớn đóng góp cho cuộc đời, mà hạnh phúc bắt nguồn từ chính niềm vui rất nho nhỏ. Chẳng hạn trong tập thể, những người xa lạ đến từ các tỉnh thành, quận huyện tập trung về sống quây quần bên nhau. Đầu tiên họ là những người bạn. Nhưng thời gian và hoàn cảnh nối kết họ với nhau để trở thành anh em thân thiết. Người lớn bỗng dưng cảm thấy thương người nhỏ hơn mình, họ chăm sóc lo lắng, an ủi, nâng đỡ tinh thần cho nhau như người trong gia đình. Người nhỏ xem người lớn nhưng bậc cha mẹ, ông bà, luôn bảo ban dạy dỗ những điều đạo đức và cũng là nơi để bày tỏ tấm lòng hiếu kính. Niềm vui từ bản thân tỏa từ trường mang đến niềm vui cho những người tiếp xúc và giao lưu. Đó cũng là cách để có được hạnh phúc. Hạnh phúc còn có mặt trong những buổi sinh hoạt tập thể. Những trò chơi vui nhộn để tất cả thành viên nam nữ đều có thể làm quen, học hỏi, tôn trọng lẫn nhau, rồi thương yêu, chia sẻ.

Như vậy, hạnh phúc đòi hỏi chủ yếu ở thái độ. Thái độ đó thuộc về tinh thần. Nó bắt nguồn từ cách chúng ta nhìn, đánh giá vấn đề trong cuộc sống liên hệ đến quan điểm hay cá tính của bản thân. Muốn có hạnh phúc, trước nhất phải tránh tình huống thứ năm của người trong câu chuyện, đó là chỉ biết khóc, không còn hy vọng gì vào cuộc đời này nữa.

Thực tế, chúng ta thấy rằng cách nhìn nhận vấn đề của anh thứ năm là không chính xác. Bất cứ ai, ít nhất cũng có một mái ấm gia đình, có những người thân, những người thương yêu giúp đỡ, nhưng vì đặt nặng nỗi khổ đau và nhân rộng nó lên nên anh không còn nhớ những gì mình đang có, nghĩ rằng cuộc đời mình bất hạnh, không còn ý nghĩa để sống. Khi ai đụng đến nỗi khổ thì anh bật lên tiếng khóc, và chỉ biết khóc mà thôi.

Rơi vào trạng thái thứ năm này, chúng ta sẽ khó có thể nhìn thấy được hạnh phúc. Hãy tập sống một cuộc sống hạnh phúc bằng cách trước nhất là thay đổi cách nhìn, kế đến là cách suy nghĩ. Cách nhìn và cách suy nghĩ này phải đặt trên yếu tố lạc quan. Tương lai tươi sáng đang ở phía trước. Quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy cây cỏ cũng có hạnh phúc của nó. Nó trổ những bông hoa rực rỡ, dù phải hứng cái nắng chói chang của mùa hè, hay bầm dập qua những ngày mưa gió. Hầu như các loại thảo mộc đều có niềm vui, dù sống trong môi trường nhiệt độ không thuận lợi. Cây đứng sừng sững ngoài trời, dầm mưa dãi nắng. Ấy thế mà nó vẫn trổ hoa, kết trái ngọt ngào.

Con người có nhận thức, hiểu biết, có tình bạn, tình thân, nhưng hầu như không nghĩ đến những hạnh phúc đó. Cho nên đừng ứng xử theo anh thứ năm, đừng để những giọt nước mắt chảy dài trên má. Khi buồn, chúng ta có thể rơi vài giọt nước mắt mà mình không kiềm chế được, nhưng sau đó phải hiểu rằng bên cạnh chúng ta còn rất nhiều người thân. Thấy được điều đó, chúng ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc. Hãy sống lạc quan, làm việc và học tập chăm chỉ, nghỉ ngơi thư giãn thoải mái, ứng xử chân thành,… Tất cả sẽ mang lại niềm vui. Mọi phương tiện vật chất không phải là hạnh phúc đích thực. Nó chỉ mới là niềm vui khi hưởng thụ, còn hạnh phúc thực sự phải vượt lên trên rất nhiều.

Thử liên tưởng đến câu trả lời của người thứ nhất. Anh ta nói rằng vì đã sinh ra trên cuộc đời nên anh ta phải sống, sự sống đó chính là hạnh phúc. Câu trả lời này có thể rất tích cực, nhưng ngược lại có thể khó được nhiều người chấp nhận. Tại sao phần lớn con người sinh ra đời nhưng họ lại không hạnh phúc? Bởi vì họ không có được những niềm vui, những cách sinh hoạt tích cực. Do đó, bằng cách thay đổi suy nghĩ và cách nhìn, chúng ta phải tạo niềm vui cho bản thân của chính mình.

Niềm vui của cá

Hai nhà tư tưởng lỗi lạc Trung Hoa, đồng thời cũng là đôi bạn thân thiết, Trang Tử và Huệ Tử. Một hôm, họ cùng đến bên con sông có rất nhiều cá. Như chúng ta đã biết, thông thường dòng sông càng sạch, nước sông càng trong vắt thì càng ít cá. Sông nhiều phù sa, nước sông đục, nhiều hiểm hóc, khúc khuỷu mới là nơi đàn cá quy tụ và sinh sôi nảy nở. Hai nhà tư tưởng đã mượn hình ảnh dòng sông liên hệ đến con người để cho chúng ta một bài học đáng quý. Đó là: “Nếu muốn có thật nhiều tình bạn chân thành, tình thân thuộc thì đừng xét nét quá mức, đừng khắt khe để ý và chấp nhặt”. Với đôi mắt độ lượng, vị tha, hãy nhìn tất cả những người xung quanh là người thân thuộc, bỏ qua cho nhau những xung đột không đáng, lúc bấy giờ chúng ta sẽ tạo cơ hội cho tình thâm càng trở nên lớn mạnh.

Hai nhà triết lý cho rằng, nếu sống khắt khe, chúng ta sẽ không bao giờ có được những niềm vui giống như niềm vui của cá. Dĩ nhiên sông to, sông sâu cũng có cá, nhưng không nhiều bằng những con sông phù sa khúc khuỷu. Cuộc sống cũng vậy, muốn có nhiều niềm vui thì phải sống làm sao để trong tinh thần có nhiều chất phù sa: Phù sa của tình thương yêu, tôn trọng, thái độ tương trợ, giúp đỡ, tùy hỷ…. Mỗi yếu tố là chất phù sa cho con sông mình được tươi tốt.

Hai nhà tư tưởng quan sát con sông, thấy đàn cá bơi tung tăng, chúng vẫy đuôi rối rít, lượn tới lượn lui, sau đó nhô đầu lên khỏi mặt nước đớp không khí.

Trang Tử nói: “Này Huệ Tử, tôi đang thấy được niềm vui của cá”.

Huệ Tử thắc mắc: “Tại sao huynh nói rằng con cá đang vui?”.

Trang Tử giải thích: “Hãy nhìn xem. Hai con cá bơi tung tăng cạnh nhau, sau nó là một đàn cá. Một con nghiêng mình, cả đoàn nghiêng theo. Một con tiến phía trước, cả đoàn cùng theo sau với cùng vận tốc. Cứ thế, nhịp điệu di chuyển của chúng đều đều. Khi sôi nổi, lúc sâu lắng, nhẹ nhàng như nhịp điệu âm nhạc làm trạng thái con người hưng phấn hơn”.

Tương tự, trong các sinh hoạt tập thể của con người, mỗi người một động tác giống nhau, tạo ra vẻ đẹp chung của đội hình, đồng thời cũng tạo ra niềm vui. Đó là niềm vui chung, niềm vui lan tỏa, nhờ vậy con người được an lạc, hạnh phúc. Hoạt động nào được đông đảo quần chúng hưởng ứng, thì hoạt động đó càng lớn mạnh. Sức mạnh tập thể luôn là yếu tố dẫn đến thành công.

Lúc đó Huệ Tử mới hỏi: “Này Trang Tử, anh không phải là cá. Làm sao anh biết được niềm vui của cá?”.

Câu hỏi đặt ra vấn đề cần suy gẫm. Không phải là người đó, làm sao ta biết người đó vui hay buồn. Phương pháp thông thường nhất là dựa vào cử chỉ. Chúng ta có thể dựa vào ánh mắt, nụ cười, dáng đi, điệu bộ, cử chỉ để biết được phần nào tâm trạng của người khác. Trang Tử cũng vậy, ông dựa vào những động tác mà biết cá đang vui. Chúng cũng vẫy đuôi, ngoi lên hít thở không khí trong lành để đạt sức khỏe và tinh thần sảng khoái.

Có hai loại không khí. Một loại không khí là khí ôxy, thứ chúng ta thở ra hít vào, cần thiết cho buồng phổi, thông qua mũi, đi vào thanh quản, và buồng phổi. Sự thở ra hít vào giúp máu lưu thông, thay đổi trở nên tươi mới hơn. Bên cạnh đó, các nơ ron thần kinh được tái tạo, tế bào được làm mới, sức khỏe được trưởng thành. Loại không khí thứ hai là môi trường sinh hoạt. Mỗi môi trường tạo ra một loại không khí khác nhau: Không khí ấm cúng, không khí yêu thương hay không khí khổ đau nặng trĩu.

Cái không khí mà muôn loài cần đến vì sự sống không chỉ là không khí để hít thở mà còn là môi trường sống. Không khí ấm cúng trong sinh hoạt tập thể, cách sống thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, trở thành dưỡng khí cho hạnh phúc của cuộc đời. Cái dưỡng khí ấy không chỉ có loài cá, mà loài người cũng cần nỗ lực ngoi lên để đạt được.

Tương tự, hãy học hạnh của cây rừng. Rừng có tác dụng lọc và điều hòa không khí, có khả năng chống lũ lụt. Rừng cung cấp gỗ quý, những sản phẩm chế tạo từ gỗ, hoa lá, cây trái,… nói chung rất nhiều tác dụng cho con người. Trong chữ Hán, “rừng” được đọc là “lâm”, chữ “lâm” được viết mô tả hình thái cây rừng, hai cây ráp lại với nhau tạo thành rừng. Để đời sống tránh được những thác lũ của khổ đau, hoặc những xói mòn buồn bã của giọt nước mắt, con người cần phải sống liên kết với nhau.

Mỗi cá nhân như cây trong rừng. Tất cả cây phải sống làm sao để mức độ trưởng thành đồng đều với nhau. Và muốn đồng đều thì phải xem nhau như người thân ruột thịt. Con người đôi lúc có thể giành giựt lẫn nhau. Những lúc đó, hãy nhớ đến hạnh của cây rừng. Chúng ta không dành đất sống mà hãy nhường nhau để đứng.

Mỗi người là một cây vươn mình phát triển vững chãi trong cuộc đời, bất chấp phong ba bão táp. Bản thân đóng góp gỗ quý cho cuộc đời. Tập hợp những cá thể riêng lẻ tạo nên khu rừng rậm rạp, không những ngăn cản lũ lụt, xói mòn, sạt lở mà còn thanh lọc không khí, tạo oxy.

Nghề gác đêm

Tại Ấn Độ có một nghề gọi là “nghề gác đêm” dành cho phái nam từ 20 đến 60 tuổi. Người làm nghề gác đêm thường cầm cây đi tuần vào ban đêm. Qua từng ngôi nhà, ông chống gậy xuống nền “cốc, cốc, cốc,…” sao cho chủ nhà phải thức giấc mà nghe được tiếng gõ cùng lời cảnh báo “Khuya rồi hãy ngủ đi, hãy ngủ đi” hoặc “Cẩn thận củi lửa, cẩn thận củi lửa”,…

Nếu đêm hôm đó, chủ nhà không nghe những tiếng gõ như vậy, ông ta sẽ bị trừ tiền lương, vì làm việc không nghiêm túc. Tiếng cảnh báo phải được chủ nhà nghe thấy để tạo cảm giác yên tâm mình được an toàn. Đó là nghề canh giữ cho giấc ngủ người khác. Trung Quốc và Việt Nam, xưa cũng có nghề này. Người làm nghề này không mấy khi được để ý, tán thán. Không ai dòm ngó đến họ. Công việc thầm lặng, tẻ nhạt và bạc bẽo, phải lang thang khắp thôn xóm, qua hàng trăm ngôi nhà dưới điều kiện khí hậu khi thì oi bức, lúc dầm mưa lạnh lẽo, ấy thế mà vẫn mang đến cho họ niềm vui, niềm vui phục vụ.

Hãy thử hình dung vào giờ đêm ai cũng cần phải ngủ. Nhưng người ta phải thuê một người chuyên đi canh chừng ban đêm, vì sợ ăn trộm. Liệu mỗi lần nghe “cốc, cốc, cốc”, “hãy ngủ đi”, chúng ta có ngủ được không? Không. Nhưng tại sao người ta vẫn cần người làm công việc đó? An toàn. Như vậy tính chất chủ yếu của công việc gác đêm là tạo sự an toàn.

Chúng ta vẫn biết người làm nghề gác đêm luôn nhắc nhở người khác coi chừng cháy, khuya rồi hãy ngủ đi… Thế nhưng, mỗi lần nghe nhắc nhở, có mấy ai để ý đến công sức bảo vệ sự an toàn cho mình, hầu như không ai để ý, thậm chí cũng chẳng ai hé cửa sổ nhìn ra và tán thán một câu. Họ chỉ chờ hôm nào không nghe tiếng nhắc nhở sẽ liền quở trách hoặc trừ lương. Ấy thế mà người gác đêm vẫn làm, bởi vì họ biết tìm ra được niềm vui trong việc giúp dân. Ngoài giúp dân, nó còn là cách thức nhận thấy ý nghĩa công việc làm của mình, thấy được ý nghĩa ngành nghề mình đang gắn bó.

Vậy nên, nếu ai cũng so đo, nghĩ rằng phải làm nghề nào đó quan trọng hơn, nhiều tiền lương hơn và được nhiều người tôn trọng thì còn ai làm những nghề thông thường đó. Mỗi ngành nghề đều có giá trị như nhau. “Lao động là vinh quang”. Cứ quan niệm mỗi nghề là một cơ hội để lao động. Mỗi loại hình lao động là một cách thức mang lại cho mình niềm vui và hạnh phúc, đặc biệt khi thấy được giá trị của nghề, giá trị của sự đóng góp.

Ấn Độ cách Việt Nam trên hai ngàn cây số. Người Ấn Độ khỏe mạnh, với nước da ngăm đen. Ấy thế mà họ không bao giờ mặc cảm với những người da trắng. Hạnh phúc là cái chúng ta có và thỏa mãn với nó. Không chấp nhận hiện tại mà tìm kiếm những cái cao hơn thì sẽ rơi vào khổ đau. Người Ấn Độ đa phần là những người sống rất hạnh phúc.

Mỗi hình thức lao động là dịp vui chơi giải trí hoặc khi giúp đỡ người khác, nói cách khác là thực hiện điều hay lẽ phải, việc công ích thì lúc bấy giờ chúng ta sẽ có được những niềm vui, có được rất nhiều hạnh phúc. Sống như vậy được xem là sống có ý nghĩa, sống tích cực.

Cũng cùng công việc, nhưng có người thực hiện với tâm trạng hân hoan, người khác lại thực hiện với tâm trạng chán nản. Cho nên, muốn có niềm vui thì bản thân chúng ta cần thay đổi thái độ. Đó là thái độ xung phong, không ganh tỵ, không so đo tính toán. Và muốn vậy, phải xem tất cả những người xung quanh là anh em ruột thịt, thì chúng ta mới khởi tâm thương yêu và giúp đỡ.

Cũng giống như người làm nghề gác đêm, nếu họ không coi những ngôi nhà mà họ đi qua như người thân của mình thì họ không thể gắn bó công việc một cách lâu dài, không thể phục vụ với niềm an lạc thật sự được.

Cái vỏ ốc

Có hai mẹ con ốc sên sống với nhau. Ốc sên con có thân thể mềm hơn ốc sên mẹ. Vỏ của nó cũng không cứng nên mỗi khi gió lớn hay mưa to, mỗi giọt mưa dội lên thân thể tạo cho nó nỗi đau. Khi gió thổi mạnh, ốc sên con cũng bị rớt bởi chất keo tiết ra từ miệng không đủ sức giúp nó bám chặt một cách an toàn ở bất cứ nơi đâu. Cho nên, ốc sên con luôn cần sự chăm sóc của ốc sên mẹ.

Hôm nọ, ốc sên con nói với mẹ: “Mẹ ơi, con biết rằng cái vỏ ốc này rất cần thiết, bởi vì nó giúp con tránh được mưa, đá giội lên mình. Nhưng tại sao chú sâu rọm cũng mềm mà lại không có cái vỏ như mình? Con mang cái vỏ trên thân thể này cảm thấy mệt nhọc, vì nó quá nặng và cứng. Đi đâu cũng phải vác trên lưng. Mẹ con mình hãy bỏ cái vỏ này đi”.

Ốc sên mẹ mới trả lời: “Con à, mặc dù cái vỏ này rất nặng, cứng, cồng kềnh, khó chịu nhưng thiếu nó thì những cơn mưa lớn, đặc biệt mưa đá,…, con sẽ đau nhức gấp nhiều

lần, thậm chí có thể chết. Cho nên con hãy giữ nó. Đừng bắt chước chú sâu rọm. Dòng họ sâu rọm thân thể nhẹ, có nhiều chân nên bò rất nhanh. Ngoài ra, họ có khả năng bám ngửa người xuống mà không bị rớt. Chỉ cần bám vào một chiếc lá, một thân cây và nằm cuộn tròn, họ có thể tránh được mưa hay những tình huống nguy hiểm”.

Ốc sên con chưa hài lòng: “Tại sao con giun sống dưới đất, thân hình nó cũng mỏng, mềm nhũn như mình, nhưng lại sống được?”.

Ốc sên mẹ lại nói “Con ơi, đừng tị nạnh. Giun có hang nằm dưới lòng đất. Mỗi khi bị con vật lớn hơn tấn công thì nó chui xuống hang và được an toàn. Chúng ta có vỏ ốc, hãy vui vẻ xem nó như căn nhà của mình, là nơi ấm để mình nương náu. Nó có thể thay thế cho cái hang dưới lòng đất của chú giun hay lá cây, thân cây phủ trùm che chở cho chú sâu rọm khỏi mưa nắng”.

Như vậy, ốc sên mẹ đã kết luận hai điều. Thứ nhất, con sâu rọm nhờ khả năng bám chắc, nhờ cây lá che chắn nên nó sống an toàn mà không cần cái vỏ. Thứ hai, con giun, con trùng nhờ lòng đất che chở nên nó cũng được an lành mà không cần vỏ. Còn loài ốc không có hai may mắn này thì phải sống bằng cái vỏ. Chúng ta có thể liên hệ nó như một căn nhà. Căn nhà có thể thay thế cái hang dưới lòng đất, thay thế cho thân cây phủ trùm với những chiếc lá giúp tránh mưa, tránh nắng.

Ốc sên mẹ ý thức được rằng “Dù không được bầu trời, lá cây che chắn như sâu rọm hay được đất bao bọc như con giun thì loài ốc vẫn may mắn còn có lớp vỏ cứng bảo vệ. Chúng ta có quyền tự hào về điều đó, và hơn hết là khả năng tồn tại lâu dài”.

Cuộc sống cũng vậy, chúng ta tự lực, tự vươn lên gầy dựng cho bản thân một ngôi nhà kiên cố để không bao giờ phải sợ hãi hiểm nguy, sống an vui hạnh phúc. Vỏ ốc được hiểu theo nghĩa vật chất như vậy. Nghĩa thứ hai thuộc về tinh thần. Con người sống dưới mái che của tình thương yêu, đùm bọc, san sẻ lẫn nhau thì cuộc sống trở nên êm đềm an lạc, cảm giác sợ hãi bị đe dọa, sẽ mất dần để thay vào đó là niềm tin vươn đến hạnh phúc.

Kinh nghiệm để có được hạnh phúc là chúng ta phải nương tựa vào một cái gì đó. Như loài sâu rọm nương tựa vào thân cây, chiếc lá; con giun đất nương tựa vào hang sâu; còn ốc sên phải nương tựa vào cái vỏ. Con người muốn có hạnh phúc lâu dài thì cần biết nương tựa, nương tựa vào cha mẹ, bạn bè, người thân, hoặc nương tựa vào bản thân, nếu hoàn cảnh không cho chúng ta có được sự nương tựa như ý muốn.

Lời cha dạy

Một gia đình nọ, người mẹ vì bệnh đã qua đời. Người cha một mình “gà trống nuôi con”. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, người cha phải lao động vất vả nuôi con khôn lớn. Đến năm cô con gái tròn mười sáu tuổi, người cha lâm bệnh không còn khả năng làm việc nữa. Khó khăn chồng chất khó khăn, không còn cách nào khác, cô con gái hiếu thảo phải bỏ học để đi xa tìm việc làm thuê.

Ngày chia tay cha tại sân ga, cô đã khóc sướt mướt khi nghe cha dặn dò chuẩn bị một cuộc sống tự lập, không có cha bên cạnh nâng đỡ, vỗ về, phải vững niềm tin vào cuộc sống, biết tự đứng dậy đối mặt với gian nan thử thách và sống trải rộng tình thương như tình thương mà cha mẹ đã dành cho cô trong suốt cuộc đời. Tất cả những lời khuyên của cha dành cho cô con gái không ngoài mục đích duy nhất là mong muốn cô trưởng thành.

Dấu hiệu của sự trưởng thành không nhất thiết liên hệ đến tuổi tác, chẳng hạn mười tám hay hai mươi tuổi trở lên, mà liên hệ đến cách thức sống, lý tưởng sống của mỗi người. Khi chúng ta sống có lập trường, có lý tưởng cao đẹp, có giá trị đóng góp là chúng ta đã trưởng thành.

Giới thanh thiếu niên thường quan niệm sai lầm rằng trưởng thành thể hiện qua hình ảnh của rượu chè, thuốc lá, trai gái… Đó không phải trưởng thành mà là những thói hư. Chính những thói hư đó sau này sẽ quay lại tạo phản, gây khổ đau ghê gớm cho chủ nhân của nó. Phải tập làm sao nuôi cho mình một đức tính trưởng thành.

Người cha nói tiếp: “Con sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi lần con ngã quỵ thì đừng bao giờ nhờ tới cây gậy của người khác để chống, mà hãy tự mình đứng lên”.

Lời dạy này rất ấn tượng. Chúng ta chỉ nên đỡ người khác đứng lên, nhưng phải hết sức thận trọng trong việc nhờ vả sự nâng đỡ từ người khác, vì trong sự nâng đỡ ấy có thể có yếu tố lợi dụng. Không nên khóc và cũng đừng tỏ ra mình đang bị đau. Phải tập thái độ bình tĩnh, tự chống tay đứng dậy.

Tự đứng dậy bằng đôi bàn tay và đôi chân của mình, bằng chính sức lực, trí khôn ngoan để tự vươn lên trong cuộc sống. Đừng lệ thuộc vào người mà đôi lúc chúng ta chưa hề quen biết, không biết người đó tốt hay xấu, thật sự thương cảm chúng ta hay ẩn chứa mục đích lợi dụng sau đó. Cho nên trong cuộc sống, phải thật sự thận trọng.

Cuối cùng, người cha không quên dặn con: “Hãy viết thư thường xuyên để cha yên tâm rằng con vẫn được bình yên”.

Thời gian đầu, cô con gái liên tục gửi thư thăm hỏi cha và kể lể về cuộc sống, công việc và học tập mà cô đang theo

đuổi, cũng gặp nhiều khó khăn nhưng cô vẫn cố gắng vượt qua. Năm tháng trôi qua, những lá thư thưa dần đến khi cô không còn thói quen viết thư cho cha nữa.

Một ngày nọ, cô trở về quê thăm cha, người cha không hề trách móc con mình. Ông bảo con vào nhà và ngồi lên ghế. Sau đó ông đặt ba cái nồi nhỏ đựng ít nước lên ba cái bếp lửa, rồi yêu cầu con: “Con hãy cho củ cà rốt vào nồi thứ nhất, quả trứng vào nồi thứ hai, và thìa bột cà phê vào nồi thứ ba để nấu”.

Cô gái làm theo lời cha dù cô chưa hiểu ý cha muốn nói điều gì. Cô cố kiên nhẫn cùng cha ngồi đợi trong ba mươi phút. Đến khi không chịu nổi vì đói, cô hỏi cha: “Cha ơi, cha hãy ngừng lại cho con ăn đi. Đừng nấu thêm nữa”.

Lúc này, người cha, mới lấy thìa múc củ cà rốt ra ngoài, lấy quả trứng đặt trên đĩa, và rót cà phê vào tách. Sau đó, ông nói với cô con gái: “Con hãy ăn củ cà rốt này xem có ngon không?”.

Củ cà rốt nấu trong ba mươi phút không còn vị ngọt nữa, vị ngọt đã được hòa vào nước nên chỉ còn lại xác củ nhạt nhẽo, vô vị. Nhưng vì thương cha nên cô gái giả vờ ăn ngon lành và khen cà rốt rất ngọt. Biết con mình nói dối, người cha cau mày: “Con đã nói dối cha, con phải chịu hình phạt để từ nay đừng nói dối cha như thế nữa”. Nói rồi, người cha cầm quả trứng va vào trán cô con gái. Quả trứng không vỡ nhưng trán cô gái bị đau. Bấy giờ người cha mới nói: “Đó không phải là điều cha muốn dạy con, điều mà cha muốn dạy con sâu sắc hơn là bây giờ con hãy cầm quả trứng gà này ném xuống đất”.

Chúng ta đã biết, quả trứng luộc trong ba mươi phút sẽ trở nên rất cứng, không dễ vỡ như quả trứng sống chưa đun. Trải qua thời gian đun nấu, vỏ trứng trở nên chai cứng như hòn đá cuội.

Cũng vậy, người cha nói với con gái: “Ai trong cuộc đời cũng gặp phải rất nhiều sóng gió. Vật lộn với khó khăn sóng gió của cuộc đời, đôi lúc làm tâm con người chai đá, nhận thức đóng băng, không còn niềm khao khát để sống. Trạng thái chán nản, thất vọng làm con người có thái độ ứng xử như hòn đá cuội, đôi lúc làm tổn thương cho người khác, như cách thức quả trứng làm cho trán con đau nhức”.

Cuối cùng, người cha yêu cầu: “Hãy uống tách cà phê”. Nhấm hương vị ngon đậm đà từ tách cà phê, cô gái khẽ mỉm cười hài lòng. Khi đó người cha nói tiếp: “Con thấy đó, cùng nhiệt độ 100oC, nấu trong 30 phút liên tục thì củ cà rốt trở nên mềm nhũn vô vị, trứng gà trở thành hòn đá cuội, nhưng cà phê lại trở nên ngon đậm đà”.

Câu chuyện muốn nói, chúng ta đừng bao giờ tủi phận trước hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Cần nỗ lực tự tìm lấy niềm vui, có nghĩa là phải cố gắng trở thành cái tách cà phê, đừng trở thành hòn đá cuội của quả trứng gà, cũng đừng nhạt nhẽo vô vị như củ cà rốt ninh nhừ. Cuộc sống bấy giờ mới ý nghĩa, giá trị theo đó cũng tăng lên. Biến mình trở thành hòn đá cuội trơ trơ trước những khó khăn thử thách của cuộc đời, nếu không khéo bản thân mình sẽ khổ đau trong những chặng đường đời kế tiếp.

Câu chuyện này dạy chúng ta một bài học rất sâu sắc. Đó là trong mọi tình huống khó khăn, trong các thử thách, trong những cái không thuận lợi, tất cả chúng ta phải tình nguyện trở thành ly cà phê, dĩ nhiên không phải là ly cà phê đắng mà là một ly cà phê đậm đà, có hương sắc, có giá trị, uống vào rất ngon lành.

Hãy sống có giá trị như tách cà phê đậm đà hương vị, càng nấu càng ngon, rèn giũa bản thân theo thời gian và bằng thử thách, con người chúng ta tích lũy nhiều kinh nghiệm, vốn sống càng được bồi đắp và người đó trở nên vững chãi, thâm thúy, làm chủ cuộc đời mình.

Năm câu chuyện liên hệ đến cái gọi là sống thế nào để có được hạnh phúc. Mong rằng tất cả chúng ta sống làm sao thương yêu những người bạn của mình, những người xung quanh như anh chị em ruột thịt.