Chương
2. Hạnh phúc của kiếp người
Giảng
tại chùa Giác Ngộ, ngày 18-09- 2009
Nhu
cầu hạnh phúc
Trong nhà Phật, ngày tưởng niệm
các vị tôn sư khác ngày giỗ của người tại gia. Lễ giỗ tại gia thường phản ánh
những tình cảm gắn bó bị chia cắt trong sinh ly tử biệt, nỗi niềm tiếc luyến vô
hạn của người sống khiến người ra đi nếu không được huấn luyện kỹ năng buông xả
sẽ bị vướng dính trong tiến trình luân hồi. Trong khi đó, việc tưởng niệm theo
Phật giáo chủ yếu là ghi nhớ công đức và những đóng góp to lớn của bậc tiền
nhân mà thế hệ kế thừa cần quyết tâm duy trì và phát triển truyền thống tốt đẹp
đó.
Nhân lễ giỗ tổ Hòa thượng viện
chủ chùa Giác Ngộ, chúng tôi xin chia sẻ đề tài “Những điều an vui”, còn được gọi là hạnh phúc của kiếp
người. Chủ đề này sẽ được hiểu rất khác với các quan niệm dân gian cho rằng đạo
Phật tố cáo nỗi khổ niềm đau của con người một cách quá cường điệu khi liệt kê
những phạm trù khổ đau vào nhóm sự thật bế tắc và nó là nhóm đầu tiên.
Tiến trình trị liệu khổ đau của
đức Phật, rất nhiều lần chúng tôi xác định rõ là kỹ năng giúp chúng ta đối diện
với những bế tắc. Trong kỹ năng đối diện này, chúng ta có thể tìm được nguyên
nhân, hướng đến hạnh phúc và con đường chuyển hóa khổ đau. Như vậy trong tiến
trình trị liệu, đức Phật đã thừa nhận có các cấp độ hạnh phúc, đối diện và vượt
lên khổ đau mà chúng ta gặp phải ở quá khứ, hiện tại hay tương lai. Rất tiếc
một số nhà phê bình Phật giáo không để ý đến yếu tố diệt khổ và hướng đến hạnh
phúc, nên đã hiểu sai đạo Phật như là con đường tiêu cực.
Đề tài này được trích từ ý tưởng
chính của kinh Tăng Chi quyển
hai, trang 69 bản Pali. Trong bản kinh, đức Phật nêu ra hạnh phúc của kiếp
người gồm có năm phương diện. Tùy từng phương diện mà ta có thể đong đo tính
đếm chiều sâu và chất lượng của hạnh phúc mà mình đã có hoặc đang kỳ vọng. Cho
nên tiêu chí lớn nhất là làm thế nào để đạt được trọn vẹn cả năm phương diện
hạnh phúc đó.
Hạnh phúc không phải là những ý
niệm trừu tượng mà là kết quả của sự làm chủ cảm xúc và hành động gieo trồng
phước báu. Cũng giống như việc đầu tư vào ngân hàng công đức, tạo một tài khoản
dành dụm bởi các hành động đạo đức và phước báu, để bất cứ lúc nào có nhu cầu
chúng ta có thể rút ra chi tiêu cho những mục đích thiết thực.
Sở dĩ nhiều người không nhìn
thấy những phước đó là vì mỗi nỗi khổ niềm đau có mặt đã làm cho họ choáng
váng, ám ảnh và nghĩ rằng hạnh phúc khó có thể đến lần thứ hai. Ôm nỗi ám ảnh
đó trong cuộc đời thì nó sẽ trở thành bạn bè, và hạnh phúc dù không có cánh
nhưng vẫn bay xa. Theo bài kinh này, đức Phật xác định rõ chúng ta cần sống với
hạnh phúc và tìm ra nguyên nhân tạo ra những hạnh phúc đó để tất cả những bế
tắc sẽ không bao giờ níu kéo chúng ta và biến chúng ta trở thành nạn nhân.
Một khác biệt rõ giữa khái niệm
an vui và hạnh phúc trong tiếng việt, đó là khi nói đến hạnh phúc, người ta
hiểu đến những phản ứng giác quan: Mắt thấy màu sắc, hình thái; tai nghe các
loại âm thanh; mũi ngửi; lưỡi nếm các vị, thân xúc chạm và ý hình dung, cái gì
dẫn đến sự hợp ý tạo phản ứng hài lòng, sự hài lòng đó được đánh giá là hạnh
phúc. Trong khi đó, khái niệm an vui được đạo Phật đề cập lại vượt lên trên. An
vui là trạng thái hỷ lạc nội tại, phần lớn không bị lệ thuộc vào phản ứng mang
tính điều kiện. Hạnh phúc giác quan lệ thuộc vào tính điều kiện rất cao, mắt
tai mũi lưỡi ý không hợp gu đồng nghĩa hạnh phúc biến mất, còn sự an vui luôn
có mặt tĩnh tại, dù trong hoàn cảnh thuận hay nghịch, nó vẫn hiện hữu như đang
là. Như vậy, hướng đến mục đích an vui có giá trị cao hơn rất nhiều so với mục
đích của hạnh phúc.
Không có an vui nào mà không có
hạnh phúc trong nó. Trong khi đó có rất nhiều hạnh phúc nhưng không chứa chất
liệu an vui. Chẳng hạn người nam mê rượu và nghiện không khí của quán rượu, tâm
sự giải bày để quên đi nỗi buồn, tạm thời cho nó là niềm vui, nhưng như thế lại
hoàn toàn không có chất liệu gì của an vui. Rất nhiều người nghiện cờ bạc, ma
túy, mỗi lần được thỏa mãn thì cảm thấy sung sướng vô cùng nhưng thực chất
trong đó hoàn toàn không có bóng dáng của an vui. Do đó, đích đến của người
Phật tử là làm sao tiến đến an vui chứ không đơn thuần là thỏa mãn hạnh phúc
giác quan.
Có
con cái hiếu thảo
Hạnh phúc vì có sở hữu là chuyện
đã đành, nhưng trong sở hữu mà có được an vui là một thách đố. Bởi vì, đức Phật
đã xác định rõ, chấp tất cả tính sở hữu, vật sở hữu, người sở hữu sẽ làm cho
chúng ta trở thành nô lệ cho tư duy của chính mình, do đó khó có thể buông xả
mỗi khi vô thường hoặc những điều không như ý diễn ra. Người mẹ khi mang trong
cơ thể một mầm sống hoa trái của tình yêu đích thực thì niềm mơ ước của cả hai
vợ chồng là làm thế nào để mầm sống đó được trọn vẹn hình thù, sức khỏe và mạng
sống. Tuy nhiên không phải ai cũng đạt được điều an vui đó.
Kinh Báo Ân Phụ Mẫu, chúng ta thường đọc tụng từ mồng một đến
rằm tháng bảy, nói rất rõ mười ân đức của mẹ. Về nhiều phương diện khác nhau,
hầu như không có ân đức nào, người mẹ không sống với nỗi lo sợ con mình không
được vẹn toàn. Ở đây đức Phật muốn dạy chúng ta một kỹ năng, trong sở hữu, nếu
biết hài lòng với nó ít hay nhiều, bản chất của sự hài lòng và hiểu biết đó
giúp chúng ta không bị lao đao và bế tắc. Trong những quốc gia với nền văn hóa
trọng nam khinh nữ, bậc cha mẹ luôn luôn có kỳ vọng rằng hoa trái của tình yêu
mình tạo ra bằng một mầm sống mới phải là người nam. Ấn Độ là quốc gia rất tai
tiếng về vấn đề giết các bào thai có giới tính nữ, bởi quan niệm xã hội cho
rằng “nữ nhi ngoại tộc”. Một
gia đình sinh khoảng năm bé gái, thay vì được xem là “ngũ long công chúa” ở các quốc gia
khác, thì Ấn Độ xem là mạt rệp. Thiếu nữ Ấn Độ khi lập gia đình phải đóng tiền
hồi môn cho phía nhà chồng. Bao nhiêu tiền bạc làm lụng, dành dụm suốt cả quãng
đời chỉ cần lo vài lần đám cưới cho những đứa con gái là hết sạch, nếu muốn con
gái có được tấm chồng để nương tựa bình an trong đời. Chồng thuộc bậc lương
hạng một, giai cấp cao, bảnh trai, nhà giàu thì tiêu chí các chị em đáp ứng hồi
môn và các nhu cầu xã hội cũng phải cao tương ứng. Sở hữu lớn nhất mà con người
bị quyến luyến khó có thể cách ly đó là con cái. Dĩ nhiên, sinh một đứa con bất
hiếu, phá nhà, hại đời, làm giảm uy danh gia tộc cũng khiến cha mẹ phải mặc
cảm, mang tiếng với đời, cùng nỗi đau tâm lý đè nặng.
Đức Phật khuyên hãy nắm giữ an
vui trong sở hữu. Chẳng lẽ khi đối diện với tình trạng đứa con hư, chúng ta bán
đứng hạnh phúc của bản thân? Đức Phật khuyên hãy thể hiện trọn vẹn trách nhiệm
của bậc làm cha mẹ với sự cam kết, với phương pháp giáo dục, với sự chăm sóc,
theo dõi khuyến tấn, khích lệ, giữ gìn kỷ luật ở mức độ áp dụng đạt kết quả cao
nhất cho đứa con trở thành người hữu dụng. Nếu tất cả những nỗ lực đó không
thành công thì cũng đừng vì thế mà bi lụy, bởi vì mỗi người ngoài nghiệp chung
sinh ra trong một gia tộc, thừa hưởng gen di truyền về vóc dáng, có mặt trong
một bối cảnh lịch sử, chịu chung phước và nghiệp của họ tộc, quốc gia đó thì họ
còn có những nghiệp riêng. Nghiệp riêng là nghiệp so le giữa người A với người
B, đó là cá tính, lý tưởng, khuynh hướng, nghề nghiệp, cái tốt, cái xấu không
ai giống ai.
Chúng ta sẽ sống đúng đắn, chuẩn
mực khi hiểu được những điều vừa nêu. Việc không nên người của con em sẽ không
còn là lỗi của mình nữa, chúng ta vẫn có thể chăm chút hạnh phúc, an lạc cho
bản thân. Nhiều bà mẹ khi đối diện trước tình trạng đứa con bị tật nguyền, hầu
như suốt cuộc đời không còn được hạnh phúc. Một số người cha tận tụy lo cho con
như thể chúng là oan gia đòi nợ, do đó phải trả cho hết sự vay mượn ở một kiếp
nào đó. Những quan niệm sai lầm của Nho giáo đã ảnh hưởng rất nhiều đến các
Phật tử vùng Châu Á. Do đó, ứng xử và chăm sóc trong gia đình ít khi làm cho
các bậc cha mẹ được hạnh phúc thật sự.
Có
tài sự nghiệp
Gia tài, sự nghiệp, tên tuổi,
tài sản, tiền bạc nói chung là những thứ vật chất chúng ta có được từ mồ hôi,
nước mắt, công sức hợp pháp, hợp đạo đức, và hợp với tôn chỉ Phật dạy. Những sự
thu hoạch đưa chúng ta đến với cuộc sống tương đối đầy đủ, nhưng thực tế không
phải ai cũng biết sử dụng cái sở hữu đó. Rất nhiều người càng có nhiều sở hữu
càng bán đứng hạnh phúc của mình bởi nỗi lo, những thói quen xấu, những khuynh
hướng hưởng thụ và bởi tâm lý sợ mất nó, tất cả đều dẫn đến hệ lụy nhất định.
Đạo Phật dạy chúng ta gieo trồng phước báu, nhờ đó có được sở hữu hợp pháp,
tuổi thọ. Sự bền lâu của nó đối với chúng ta mới được đảm bảo. Nếu việc sở hữu
hóa không hợp pháp dẫn đến thường trực những nỗi lo. Trong kinh, đức Phật đề
cập đến bốn tình huống về vấn đề tài sản và sự xử lý nó:
1. Người giúp đỡ có nghiệp đen,
người tiếp nhận có nghiệp trắng.
2. Người giúp đỡ có nghiệp
trắng, người tiếp nhận có nghiệp đen.
3. Người giúp đỡ và người tiếp
nhận có nghiệp đen.
4. Người giúp đỡ và người tiếp
nhận có nghiệp trắng.
Sử dụng các sở hữu vật chất dẫn
đến bốn tình huống nếu chúng ta xem đối tượng tặng biếu và đối tượng tiếp nhận
là một mối tương quan xã hội. Tình huống một, người tặng biếu các sở hữu vật
chất có nguồn gốc từ những nghề nghiệp và hành động phi pháp, thì việc hiến
cúng hay giúp đỡ này được xem là không hợp luật pháp nhà Phật. Dĩ nhiên nó vẫn
tương đối tốt hơn so với tình trạng kẻ có tài sản sở hữu phi pháp mà chỉ biết
ăn chơi, không biết làm phước cho cộng đồng nói chung.
Tình huống thứ hai là tài sản sở
hữu hợp pháp và người hiến cúng nó phát tâm nhưng không may do vì thiếu tư vấn
cho nên hiến cúng, biếu tặng cho những đối tượng, những nơi mà người tiếp nhận
hầu như không có đời sống đạo đức, không sử dụng những phương tiện này vào mục
đích chân chính thì quả phúc báo của nó cũng không đảm bảo.
Tình huống thứ ba, những tài sản
phi pháp làm một cách lừa dối, lách luật và người hiến cúng không có đời sống
phẩm hạnh đạo đức, người tiếp nhận cũng như thế thì việc hiến cúng này hoàn
toàn không có kết quả. Mặc dù nhân quả của nó vẫn trổ bình thường, nhưng kết
quả về phương diện xã hội được xem là không có.
Tình huống thứ tư là tình huống
lý tưởng. Sử dụng tài sản hợp pháp cho mục đích hợp pháp với đối tượng được
giúp đỡ cũng hợp pháp thì số tài sản sở hữu đó sẽ biến thành nguồn phước báu
cho bản thân. Đây là quy chuẩn rất tốt cho tất cả chúng ta cùng noi theo. Nói
cách khác, thông qua lời dạy này, chúng ta có thể thấy đức Phật luôn khích lệ
những người tại gia cần có nhiều phước báu sở hữu, nhưng đừng nên chấp sở hữu.
Do đó, có mọi phương tiện đủ đầy đồng nghĩa có phước báu, vấn đề ở chỗ chúng ta
sử dụng phước báu này như thế nào để ngày càng lớn mạnh, chứ không nên để nó
ngày càng bị hủy diệt. Tài sản tạo ra khó, nhưng mất thì rất dễ. Cũng trong
kinh Tăng Chi, đức Phật nêu
ra bốn cửa ngõ làm cho tài sản bị sụp đổ một cách nhanh chóng:
1. Sắc dục vô độ, đa thê, đa
phu, không thỏa mãn hài lòng với khế ước hôn nhân hợp pháp, có những mối quan
hệ ngoài hôn thú. Tài sản chu cấp cho người thứ ba luôn cao, do đó xác suất phá
sản cũng tỷ lệ thuận.
2. Rượu chè, ma túy, hay nhiều
hình thức biến dạng của chúng. Tiền chi tiêu vào nỗi đam mê này khá cao, ngay
cả khi nhận thức, hồi đầu cũng rất tốn kém cho quá trình cai nghiện nhưng không
phải ai cũng dễ dàng thành công.
3. Cờ bạc, trong kinh không dùng
từ “Bác thằng bần” nhưng lại
dùng hình ảnh hết sức ấn tượng, đó là hố sâu của sự sụp đổ. Trong cờ bạc, tất
cả đều thua, có điều là thua trước hay thua sau, nhanh hay chậm. Vốn nhiều thua
sau, vốn ít thua trước. Vực thẳm này không có điểm tựa để vươn lên trong cuộc
đời. Tình trạng thua lỗ nhiều dẫn đến trộm cắp, và các hành động phạm pháp,
thậm chí quyên sinh vì chán nản thất vọng.
4. Tiêu xài một cách hoang phí
Tóm lại, có sở hữu tài sản, có
con cái, gia đình sự nghiệp mà không biết giữ, đồng nghĩa làm cho đời sống hạnh
phúc này mất đi những giá trị về chất lượng. Cho nên tu theo Phật thì cố gắng
làm sao duy trì hạnh phúc và niềm an vui. Muốn như thế, chúng ta phải hiểu rõ
nguyên lý về vô ngã và vô thường.
Vô
thường vô ngã
Vô thường là sự thay đổi thông
qua tiến trình của thời gian. Mọi thứ không còn ở ngay điểm mà chúng ta mong
ước. Tùy vào tính điều kiện, nó có thể thay đổi tốt hơn hay tiêu cực hơn. Thấy
rõ được như thế thì khi những biến thiên xảy ra trong cuộc đời ảnh hưởng đến
tài sản và bản thân mình, chúng ta không khổ đau và biết tìm cách khống chế, cụ
thể hơn là làm chủ được cảm xúc, không để lại bất kỳ phản ứng tiêu cực nào do
sự đè nén hay do gắng gượng mà vốn nó không phải là giải pháp.
Vô ngã là mọi thứ diễn ra trong
cuộc đời như một dòng chảy, như phản ứng của nghiệp, và như một quy luật tất
yếu trong tự thân. Chúng ta không cần bận tâm nó đến với mình, mặc dù dĩ nhiên
về phương diện luật pháp, hiện thực, nó đang đến với chúng ta, người thân, gia
tài, sự nghiệp, sở hữu nhưng chúng ta vẫn nghĩ rằng, quy luật đó là của chính
nó. Không nên để mình vướng kẹt vào tiến trình này, mặc dù chúng ta vẫn là
người rất có trách nhiệm. Nhà cháy, tài sản lụt trôi, hoa màu bị thời tiết phá
hoại v.v… tất cả những thiên tai hay tai nạn do chính con người tạo ra ảnh
hưởng đến bản thân và sở hữu không làm cho chúng ta khổ đau, bởi vì sự khổ đau
trong tình huống này đồng nghĩa với nhân bế tắc, bất hạnh gấp nhiều lần.
Cho nên vô thường, về phương
diện thời gian, đối với vật sở hữu nên được khép kín lại tại đó, đừng để nó ảnh
hưởng đến dòng cảm xúc và bản chất hạnh phúc của chúng ta. Đức Phật nói làm
được như thế là chúng ta đang sống với hạnh an vui trong sở hữu. Sở hữu nhiều
hay ít không quan trọng, nó tồn tại hay không tồn tại cũng không phải là vấn đề
quá bận tâm đến độ như là nỗi ám ảnh. Phước nhiều chừng nào chúng ta sử dụng
cho việc thiện, việc tích cực nhiều chừng đó. Nếu nó không còn thì cũng không
vì thế mà thất điên bát đảo.
Nếu biết áp dụng phương pháp trị
liệu này trong khủng hoảng tài chính toàn cầu, từ tháng 07/2007 đến tháng
01/2009, thì có lẽ rất nhiều người đã không chết oan, chết tuyệt vọng, hay trở
thành người điên dại lao đầu vào những cuộc ăn chơi, vì nghĩ rằng cuộc đời của
mình kết thúc.
Hưởng
phước đúng cách
Sở hữu tài sản là một loại phước
báu, con cái là một loại phước báu. Trong khi đó, Nho giáo lại cho rằng “con là nợ, vợ là oan gia”. Nhiều phụ nữ
khổ đau vì mất quyền làm mẹ do bệnh, phải chạy vạy rất nhiều phương pháp thậm
chí mang thai hộ hay tạo mầm sống bằng ống nghiệm mà vẫn không có kết quả.
Trong khi đó rất nhiều người nghèo khó không hề muốn có con, lại có đến hàng
chục đứa. Có vẻ quy luật của sự sống không đáp ứng lại nguyện vọng của con
người, nó đi theo quy luật nghiệp chung và riêng của nó.
Nhiều người trách trời bất công,
trách như thế là oan cho trời, vì trời có mặt đâu mà bất công. Nếu có mặt, ông
trời cũng bế tắc. Sự vận hành nghiệp chung và riêng tự trổ quả trong tiến trình
của nó, không ai có thể can thiệp được. Do đó, có phước và biết cách hưởng
phước là một điều an vui.
Phước báu, ngoài sở hữu tài sản
còn là sự thuận lợi khi được sinh ra trong bối cảnh lịch sử hòa bình; kinh tế,
văn hóa, nghệ thuật, giáo dục phát triển. Sự lạm phát về kinh tế tài chính hầu
như vắng mặt, cho nên chúng ta đầu tư ít mà lại gặt hái thành quả cao. Đó gọi
là có phước, không phải do chúng ta giỏi hay không được ai tư vấn. Sự khác biệt
rất lớn về bản chất sinh hoạt liên hệ đến có phước hoặc kém phước có thể được
minh chứng bằng một thử nghiệm nhỏ sau, chúng ta hãy đến tham quan những khu
vực bán cùng một mặt hàng, sự trang hoàng nội thất trong khu vực này giống
nhau, người bán hàng cũng rất lịch thiệp, vì cùng được huấn luyện kỹ năng bán hàng,
chất lượng món hàng đồng đều nhau. Ấy thế mà, có tiệm vắng, tiệm bán mệt tay
không kịp. Chúng ta có thể lý giải đó là sự chênh lệch về phước báu. Nhiều
người bán hàng không biết ăn nói, chèo kéo nhưng khách đến mua rất đông. Hiện
tượng này phổ quát hóa.
Trong cơn khủng hoảng tài chánh
toàn cầu hai năm qua, các đại gia bất động sản và thị trường chứng khoán trở
nên trắng tay, nguồn tài chính và sự gượng dậy nếu không có những gói kích cầu
và viện trợ từ chính phủ thì không biết khi nào mới có thể tái hồi phục. Tuy
nhiên, trong giai đoạn đó, có người lại bỗng dưng giàu có không thể tưởng
tượng. Nếu hiện tượng lở bồi là quy luật của thế giới tự nhiên, thì trong phước
báu, hiện tượng này liên hệ đến biệt nghiệp và cộng nghiệp, nó cũng diễn ra
theo thế tương tự. Sự thất bại của người A, cộng đồng A, khu vực A có thể trở
thành điều kiện thuận lợi cho đối tượng B, cộng đồng B, khu vực B làm giàu.
Năm 1930, khủng hoảng tài chính
cũng từng diễn ra kéo dài suốt năm năm. Một số người trở thành đại gia nổi cộm
vì có cơ hội mua tất cả những công ty, xí nghiệp bên bờ vực phá sản với giá chỉ
bằng 1/4, thậm chí 1/10. Nhật trở thành tập đoàn giàu có từ khủng hoảng tài
chính vào thời điểm ấy.
Năm 1980, một lần nữa, Nhật cũng
trở thành đại gia hứng lấy những tập đoàn bị thua lỗ phá sản. Đến hai năm vừa
qua, báo chí đưa tin Trung Quốc bắt đầu trở thành đại gia mới. Các đại gia
Trung Quốc mua lại rất nhiều công ty thua lỗ lớn. Sau một năm họ trở nên vô
cùng giàu có. Do đó, phước báu là hộ pháp bảo hộ chúng ta trong những tình huống
khó khăn. Muốn gặp nhiều thuận lợi trong cuộc đời để thăng tiến, thành công,
phát triển thì phải gieo trồng phước báu. Cầu nguyện không có tác dụng, nếu
không có phước báu. Có phước, khi cầu nguyện, phước sẽ tự động theo tiến trình
tự nhiên của nhân quả, làm cho người ta có cảm giác nhờ sự cầu nguyện mà thành
tựu kết quả như ý muốn. Thực ra, tất cả đều do phước của chúng ta tạo ra. Không
có phước thì không cách gì chúng ta đạt được.
Đức Phật dạy nghệ thuật để tạo
phước là làm phước, nghệ thuật sống phước để duy trì và phát triển phước. Cũng
như tiền, nếu để không thì tiền chết, tiền đầu tư có phương pháp thì tiền đẻ ra
tiền. Phước báu cũng như thế. Sự thành công, được người quý mến, có uy đức,
thẩm quyền, biết tiêu thụ tài sản mình có, có uy tín với tha nhân và cộng đồng
đều được xem là phước. Phước nếu không biết giữ sẽ suy sụp rất nhanh. Đường đi
của phước là nước chảy xuống thấp. Do đó, tạo phước là làm sao để nước chảy lên
cao. Nước chảy xuống thấp là tiến trình tự nhiên, nếu chúng ta theo khuynh hướng
chỉ biết hưởng, sau một thời gian nước sẽ cạn. Dân gian có câu “Tọa thực sơn băng”, ngồi không hưởng
thì núi phước cũng sụp lở.
Người Việt Nam khi có mặt
ở các châu lục sau năm 1975, trong giai đoạn đầu họ đã phải phấn đấu rất nhiều
để tạo dựng sự nghiệp mới. Trong số đó cũng có nhiều thành phần lợi dụng vào
các lỗ hổng của luật pháp phương Tây để gom góp về mình. Chế độ an sinh xã hội
vốn chu cấp cho những người thất nghiệp. Nhiều người Việt Nam lanh trí,
không ký bất cứ hợp đồng lao động nào khi đi làm. Dĩ nhiên nếu không ký hợp
đồng lao động, họ sẽ chỉ nhận đồng lương rẻ hơn 10% so với những lao động ký
hợp đồng, nhưng bù lại họ lại được nhận khoản trợ cấp thất nghiệp từ chính phủ.
Làm ca một chưa đủ, họ làm ca hai, ca ba. Khoảng mười năm sau họ có được căn
nhà, xe hơi, phương tiện, tiện nghi vật chất đủ đầy. Họ cho rằng như thế là
mình đang dành dụm phước, nhưng thực ra họ đang vay nợ phước. Chế độ an sinh xã
hội được thiết lập ở các quốc gia nhằm mục đích hỗ trợ người lâm nạn, không còn
khả năng tự lập, trợ cấp để tệ nạn xã hội không có cơ hội diễn ra ở mức độ nguy
cơ. Tuy nhiên, nhiều người lợi dụng vào đó để làm giàu.
Năm 2003, khi chúng tôi có mặt
tại Úc Châu, các đài truyền hình và báo chí đưa một tin tức đau lòng: “Một người Việt Nam đi máy bay để ăn trợ cấp”.
Vì hệ thống lỏng lẻo, họ đăng ký cư trú ở nhiều bang và xin trợ cấp ở nhiều
bang. Đến ngày lãnh lương trợ cấp, họ bay từ tiểu bang này sang tiểu bang kia
để nhận. Hành động đó là vay nợ mà cứ tưởng rằng mình đang hưởng phước.
Lệ thuộc vào tấm lòng thương yêu
và sự chăm sóc của những người thân thương như cha mẹ, bạn bè, họ hàng trong
khi bản thân có năng lực, sức khỏe để lao động, đó cũng là sự vay nợ chứ không
phải hưởng phước. Nghệ thuật biết sống với phước là một thách đố. Phước luôn
luôn là cái ban tặng đến người chứ không phải gom góp về cho chính bản thân
mình. Khi ban tặng, chúng ta ban tặng hợp pháp, có nghệ thuật, chúng ta mang
lại niềm nui cho rất nhiều người thì phước đó không bao giờ cạn kiệt. Còn sử
dụng nó như nguồn tài nguyên thì sẽ đến lúc nó không còn nữa. Và sự suy sụp sẽ
đẩy chúng ta rơi từ đỉnh cao xuống vực thẳm.
Trong kinh, đức Phật thường nói,
chư thiên khó có thể tu vì phước báu của họ rất lớn. Sống trên núi phước khiến
họ có cảm giác hạnh phúc của mình là tuyệt đỉnh, do đó không cần tu để trở
thành người an vui thật sự. Khi có những biểu hiện suy phước báu thì mới vỡ lẽ,
khi ấy đã quá muộn màng, khó có thể gầy dựng lại được. Cũng như người bị ung
thư giai đoạn cuối, khó có thể phục hồi, vấn đề còn lại là thời gian, những
tích tắc đồng hồ trôi qua và sự kết liễu kéo theo sau.
Các dấu hiệu của sự kém phước,
đó là mồ hôi ra nhiều, nỗi buồn lo, phiền não xuất hiện trên nét mặt. Trạng
thái đi, đứng, nằm, ngồi, sinh hoạt không còn thảnh thơi, luôn có cái gì đó
cuống quít. Tất cả dấu hiệu này cho thấy phước bắt đầu giảm. Dĩ nhiên, chúng ta
đừng lẫn lộn tình trạng trong một giai đoạn mà mọi sự đầu tư của chúng ta bị bế
tắc, những khó khăn nhất thời nào đó đồng nghĩa như sự suy sụp phước, không hẳn
thế. Thăng và trầm như một đường sin, lệ thuộc rất nhiều vào tính điều kiện.
Tổng thể phước nếu không mất đi thì trong những giai đoạn nghịch cảnh, phước đó
vẫn còn và trở thành tiềm năng, một lúc nào đó sẽ phát triển giúp chúng ta vực
dậy như một sự phục hồi.
Từ trong chùa nhìn ra, ngôi nhà
sát vách phía bên phải chùa Giác Ngộ, vốn của một đại gia Phật tử. Gia đình ông
sở hữu đến sáu căn nhà trong khu vực quận năm và quận mười. Những năm 1970, gia
đình phải bỏ cả sáu căn nhà để ra đi, thậm chí không dám vào chùa từ giã Hòa
thượng viện chủ, mặc dù là đệ tử của Hòa thượng. Nghĩa là “bỏ của lấy thân”, sẵn sàng chấp nhận,
nếu hết phước làm mồi cho cá, họ cũng hoan hỷ. Bế tắc giai đoạn đó, họ muốn
thoát để đi tìm một thế giới đầy đủ đời sống vật chất, tự do để phát triển, có
những thứ để họ đầu tư và có công bằng xã hội để có thể sống hạnh phúc. Vượt
biên sang Hoa Kỳ, cả gia đình làm việc rất vất vả. Sau hai mươi năm lập nghiệp
bằng nghề nghiệp chân chính, hiện nay họ có được hơn mười căn nhà. Mất đi sáu
căn nhà ở Việt Nam để có hơn
mười căn nhà ở Hoa Kỳ, bao gồm hòn đảo rất lớn ở Sacramento,
thuộc thủ phủ bang California,
trị giá hàng triệu đô la. Tình huống đó gọi là phước đã nuôi, làm cho gia đình
này vượt qua khốn khó. Những nghịch cảnh diễn ra với họ chỉ là hoàn cảnh tạm
thời.
Dựa vào cấu trúc này, mỗi khi
chúng ta đối diện với những thách đố, đừng chán nản tuyệt vọng mà hãy cố phấn
đấu vì phước đã gieo trồng không bao giờ mất. Nó khác hoàn toàn với lúa. Lúa bỏ
lâu trên mặt đất, không có sự sống sẽ chết, hoặc bị gia súc ăn. Còn phước, nếu
không dùng hết sẽ còn mãi mãi. Cũng như số tiền trong tài khoản, không rút tiền
thì vốn và lời ngày càng gia tăng. Khi làm các công tác xã hội, từ thiện, phát
tâm, hiếu kính với cha mẹ, giúp đỡ người hiền lành,... một số có cảm giác bị
cướp công, mình làm người khác hưởng. Thực ra phước đó vẫn còn nguyên, do đó
đừng phiền não, chán nản. Ai cướp công là đang mượn nợ và họ phải đền trả bằng
nhân quả, vấn đề là thời gian sự trổ quả đó sẽ diễn ra như thế nào.
Hiểu được nguyên lý hoạt động
của phước, người tại gia lẫn xuất gia không nên thất vọng rằng tại sao mình làm
nhiều Phật sự, đóng góp cho xã hội mà cuộc đời lận đận, phong ba, chao đảo, từ
đó thoái tâm. Có người còn hiểu sai lầm rằng trì kinh Pháp Hoa nên đổ nghiệp, từ đó bỏ việc
tu tập, nghĩa là vẫy tay chào với phước báu, vì hiểu sai bản chất của nhân quả.
Không
có nợ nần
Mượn nợ là một nỗi khổ và người
cho mượn nợ cũng khổ. Đức Phật dạy đừng bao giờ cho mượn nợ, vì chúng ta không
phải là ngân hàng, cũng không phải là dịch vụ cầm đồ. Ai sai lầm tự biến mình thành
ngân hàng hoặc dịch vụ cầm đồ sẽ có ngày mất hết tài sản. Nhiều Phật tử hoang
mang không biết việc đảm trách nghề cầm đồ với lãi suất cao có hợp với đời sống
chánh mạng không? Câu trả lời là không. Bởi nhiều người vì hoàn cảnh bế tắc
không có những cơ sở pháp lý để vay nợ ngân hàng, do vậy, ở cấp quốc gia hay
quốc tế, họ bị ép vào tình thế trả lãi cao hơn số lãi được ngân hàng quy định.
Chúng ta lại làm lời trên sự khổ nạn của một người bất hạnh, đồng nghĩa việc
đẩy họ vào ngõ bế tắc.
Tuy nhiên, cho mượn mà không lấy
lãi cũng là một việc làm liều. Đức Phật chưa bao giờ khuyên chúng ta làm như
thế. Vì tình huống giựt nợ nếu xảy ra sẽ đốt cháy tình thân. Do đó, chỉ nên
giúp đỡ, nếu không, đừng cho mượn. Việc vay mượn chỉ nên được thực hiện tại
ngân hàng, hay các dịch vụ hợp pháp. Ở đó có những cam kết về lãi suất để người
mượn nợ có trách nhiệm thanh toán đúng với khế ước xã hội mà luật pháp cho
phép.
Trước đây giảng tại Hoa Kỳ bốn
lần, chúng tôi được biết có một gia đình thuộc về hàng triệu phú Việt Nam, vì
muốn dang tay giúp đỡ những người thân còn ở Việt Nam được định cư sang Hoa Kỳ
và có công ăn việc làm ổn định ngay từ ban đầu, họ đã nghĩ cách làm ăn. Tiền có
trong ngân hàng khoảng hai triệu đô la, họ rút ra đầu tư một cây xăng giá
khoảng 1,3 triệu, mấy trăm ngàn còn lại mở một quán ăn. Nhưng vì thiếu tư vấn
và kinh nghiệm, cây xăng trải qua sáu năm liên tục ế khách, vì nằm trên tuyến
đường vắng vẻ. Lúc mua thì giá thị trường rất cao, trong lúc túng thiếu muốn
bán lại chỉ hai trăm ngàn đô la mà không ai mua. Quán thực phẩm họ đầu tư cũng
trong khu vực vắng nên mỗi tháng phải bù lỗ để trả lương nhân viên, thuế má,
điện nước. Tình trạng này kéo dài gần năm năm, khiến gia đình đứng trước bờ vực
phá sản.
Thương người thân, muốn giúp nhưng
thiếu phương pháp thì dù có phước trong quá khứ, dù sống rất đạo đức hiền
lương, vẫn có thể trở thành những người trắng tay. Trong hoàn cảnh đó, chúng
tôi rất khó khuyên những người Phật tử này không bị thoái thác niềm tin. Họ
nghĩ rằng quá khứ đã từng phát tâm cúng dường, xây dựng chùa chiền, làm công
đức, phước báu biết bao nhiêu, nay chỉ vì muốn giúp người thân có chỗ an cư lạc
nghiệp lâu dài, mà phải trắng tay như ngày hôm nay. Trắng tay chưa đủ, bằng uy
tín giàu có của mình trong quá khứ, họ gượng dậy để tiếp tục làm ăn, phải đi
vay nợ, mượn hết chùa A đến chùa B, C, người A đến người B… Khủng hoảng kinh tế
tài chính toàn cầu của Mỹ ảnh hưởng đến toàn thế giới trong vòng hai năm qua đã
làm cho việc đầu tư của họ trắng tay thêm một lần nữa.
Khi mang gánh nợ trên vai, người
ta đi một cách rất ì ạch, mệt mỏi, rất may mắn họ chưa đến chỗ tuyệt vọng. Tuy
nhiên, những người đầu tư vào họ đều khổ lây. Chúng ta phải hiểu rõ, người
không có khả năng vay nợ ngân hàng đồng nghĩa không có khả năng để thanh toán
và thanh lý.
Suy thoái tài chính toàn cầu của
Hoa Kỳ ở phố Wall ảnh hưởng toàn thế giới là do đâu? Do họ khai thác lòng tham
một cách thiếu phương pháp. Kinh tế thị trường bản chất phát triển từ lòng
tham. Hệ thống khuyến mãi phát triển trên lòng tham, các quảng cáo cũng trên lòng
tham. Những hình thức làm hài lòng khách hàng: “2 trong 1”, “3 trong
1”, “4 trong 1”
…, “sử dụng hàng trong một tháng, không
hài lòng trả lại không tính tiền” cũng khai thác lòng tham. Cho vay
mượn nợ một cách vô tội vạ, không tính đến khả năng thanh lý, chính là lòng
tham tuyệt đối của các chủ đầu tư ngân hàng. Kết quả chỉ cần hai tháng thất
nghiệp, con nợ mất khả năng chi trả, ngân hàng phải dỡ nhà bán đấu giá, dẫn đến
tình trạng phá sản.
Nhiều người nghĩ đơn giản rằng
đầu tư cho bạn bè, người thân mượn nợ để mình có tiền lãi nhiều hơn. Rốt cuộc
khi họ lâm nạn mình cũng chết theo. Một triệu phú có thể trở thành một con nợ
lớn. Khi mắc nợ, tâm lý sợ hãi, mặc cảm, chán nản xuất hiện. Do đó, không nợ
nần là niềm hạnh phúc.
Cách đây khoảng một tháng, báo
chí đưa tin, nhiều chị em phụ nữ ngoại hình đẹp, chỉ vì hoàn cảnh xuất thân
nghèo khó muốn có cơ hội đổi đời, họ liên hệ các dịch vụ môi giới để được làm
vợ người Hàn Quốc đến nỗi đôi lúc làm mất luôn giá trị của bản thân. Mỗi lần từ
quê lên TP. Hồ Chí Minh, tiền xe, tiền ăn ở, son phấn khá tốn kém. Ấy thế mà
rất nhiều cô mất cả chục lần vẫn chưa được chọn. Họ phải thoát y trình diễn để
những người đàn ông Hàn Quốc xem ngoại hình có vừa ý hay không. Nhân phẩm người
phụ nữ Việt Nam
bị chà đạp chưa từng thấy. Cũng có thể Việt Nam bị ảnh hưởng từ những cuộc mua
bán của những kẻ giàu có ở những nước phát triển như Đài Loan, Hàn Quốc… trong
rất nhiều năm qua. Đó là một nỗi đau. Khi bị bắt, chị em trả lời họ nuôi mộng
đẹp, không ngờ bây giờ trở thành ác mộng.
Viễn cảnh trở thành người vợ của
Hàn Quốc chưa thấy, trước mắt họ là khoản nợ vài chục triệu, vì cả chục lần lên
xuống TP. Hồ Chí Minh. May mắn là họ bị bắt, bằng không, có thể họ sẽ bị chủ nợ
ép phải làm nghề lầu xanh. Đó là chưa kể đến tình trạng làm vợ những ông chồng
Hàn Quốc mà phần lớn đều có chứng bệnh tâm thần, nghề nghiệp không ổn định hoặc
bị phụ nữ Hàn Quốc chán chê, nói chung họ thuộc thành phần không thành công, bế
tắc, nhưng cái nghèo của họ dù sao vẫn khá hơn so với cái nghèo của Việt Nam.
Chị em ở những tỉnh lẻ được hứa hẹn nhận trợ cấp mỗi tháng một khoản tiền là họ
mừng rỡ, nghĩ rằng cơ hội đổi đời đã đến, họ sẵn sàng bỏ tiền làm lễ cưới linh
đình để nở mặt nở mày với hàng xóm, quê hương, nhưng khi qua đó sống khổ đau
phải ngậm bồ hòn làm ngọt, vì sợ xấu hổ. Một số trường hợp phụ nữ Việt Nam trở nên tâm
thần khi sống tại Hàn Quốc. Nguyên nhân vì không biết chi tiêu tiền, quản trị
tài chánh, bị đối xử tệ bạc.
Đua đòi là một trong những
nguyên nhân dẫn đến tình trạng mắc nợ lớn. Nhiều người đi mượn nợ để bố thí.
Đức Phật không hề dạy như thế. Họ lý giải rằng, vì đã hiểu vô ngã sở hữu, tất
cả mọi thứ đều là tạm bợ nên không có gì phải giữ. Trong khi người thân đang
nghèo khổ thì không giúp, đi giúp thiên hạ, làm như vậy, người ta nhìn vào sẽ
hiểu nhầm đạo Phật dạy đệ tử làm chuyện viễn vông. Phải hiểu rằng đức Phật
khuyên lãi trong lợi nhuận, không phải lãi trong doanh thu nên được chia làm
bốn phần bằng nhau: Một phần làm từ thiện, một phần hiếu thảo, một phần chi
dùng cá nhân và phần còn lại để tiết kiệm. Kinh doanh không có lãi, chúng ta
không nên làm từ thiện vì từ thiện là việc làm lâu dài. Hiểu rõ lời Phật dạy để
có thể ứng dụng hợp lý.
Thời gian qua, một số Việt kiều
về nước thể hiện mình là đại gia, muốn có bạn tình ở Việt Nam nên phải vung tay
chi tiền như nước, khiến người bạn tình được chu cấp mừng rỡ nghĩ rằng gá được
cây to, cuộc đời từ đây được thoải mái, không ngờ chàng đại gia kia là kẻ đang
vay nợ ở hải ngoại trốn về. Do đó, thà nghèo không thiếu nợ vẫn hạnh phúc hơn
giàu mà mang nợ nần. Nếu đặt trong bối cảnh lớn ở xã hội phương Tây, theo cơ
chế thị trường, thì người giàu nào cũng thiếu nợ. Ai thiếu nợ nhiều chừng nào
và có khả năng thanh toán tương thích chừng đó, thì đó là người có uy tín. “Credit card” là thẻ uy tín, dịch là thẻ
tín dụng, có nghĩa sử dụng uy tín để tạo uy tín trong vay nợ. Nền kinh tế thị
trường vốn khích lệ lòng tham, thúc đẩy người có mười đồng vốn sẵn sàng chi
tiêu hai mươi đồng để rồi phải bỏ công làm ngày làm đêm trả nợ, mười hai con
giáp, con nào cũng là con trâu. Nhờ đó mà kinh tế quốc gia phát triển, nhưng
người dân phương Tây, không ai không thiếu nợ.
Nỗi căng thẳng luôn luôn ám ảnh
họ, cuộc sống của họ trở nên tất bật, bộn bề thiếu vắng phong thái thảnh thơi
an nhàn. Do đó, chúng ta phải sống chi tiêu một cách hợp lý để không phải thiếu
nợ, và cũng đừng vì hám lợi nhất thời mà cho vay nợ những người thân, cuối cùng
tiền vốn mất mà tình thương cũng không còn.
Không
có lỗi lầm
Đây là niềm an vui mang tính đạo
đức rất quan trọng mà đức Phật khuyên tất cả mọi người cần phải thực hiện.
Hạnh phúc đời sống vật chất, sở
hữu, không thiếu nợ, phước báu chỉ mang tính điều kiện và bị quy luật vô thường
chi phối. Trong khi đó, an vui do không có tội là vĩnh hằng. Kẻ tạo tội lúc nào
cũng nơm nớp lo âu, sợ bị luật pháp phát hiện, bị người truy tố, bị xã hội cô
lập, lên án, nguyền rủa, trả thù. Nếu luật pháp không đòi nợ thì nhân quả cũng
bắt đền. Tội lỗi là mối nợ rất lớn. Rất nhiều người phàm kẻ tục không hiểu,
nghĩ rằng cuộc đời mình đến đây là hết, “cùi
không sợ lở”, “điếc không sợ
súng”, càng dấn sâu vào vũng lầy tội lỗi. Từ việc thiếu nợ dẫn đến
tội lỗi đôi lúc chỉ là một khoảng cách rất ngắn.
Mấy tháng vừa qua, tòa án phán
xử vụ án một con nợ bị chủ nợ đòi. Không những không trả nợ mà còn dàn xếp giết
chủ nợ, sau đó chặt xác thành nhiều khúc, bỏ vào thùng xốp thả xuống sông. Cuối
cùng kẻ phạm tội bị phát hiện và bị tuyên án tử hình. Mặc dù khóc lóc van xin,
được gia đình nạn nhân tha thứ, luật pháp tha thứ nhưng tòa án vẫn kiên quyết
tuyên án tử hình để làm gương.
Tội lỗi có nhiều gốc rễ của xã
hội, gia đình, tâm lý, cá tính, nói chung dù bất cứ điều kiện gì, tình huống
nào, nếu chúng ta không làm chủ được tâm thức của mình thì mỗi hành động, lời
nói, việc làm là một phương tiện dẫn đến tội lỗi. Nghi thức sám hối sáu căn mà chúng
ta có dịp đọc tụng trong mấy năm qua tại chùa Giác Ngộ vẽ nên bức tranh tội lỗi
mà hầu như con người khi sinh ra và nhiều kiếp trước cho đến lúc qua đời không
tạo tội này cũng tạo lỗi khác. Rất nhiều tội lỗi từ mắt, tội lỗi phát xuất từ
tai, do mũi và lưỡi, có tội lỗi do thân, và do tâm lý. Mỗi lần đọc lại bản văn
sám pháp, lòng chúng ta cảm thấy rung động, sợ hãi và nêu quyết tâm không tái
phạm trong tương lai. Cho nên trong các chùa Bắc tông, nghi thức sám hối được
áp dụng nửa tháng một lần nhằm mục đích nhắc nhở. Nó như tấm gương phản chiếu.
Ai cũng có thói quen soi gương mỗi ngày vài lần để xem gương mặt mình có đẹp,
sạch, ăn mặc có chỉnh trang chưa, có thể nhờ đó mà điều chỉnh. Nếu chúng ta
biết lấy tấm gương đạo đức để soi mình cũng vài ba lần như thế trong một ngày,
chắc chắn cuộc sống sẽ rất an vui. Đừng đợi đến lúc bị luật pháp truy tố hay bị
người khác phê phán mới bắt đầu suy nghĩ lại.
Trên tinh thần này, người con
Phật không nên kỳ vọng trong các tương quan xã hội nhận xét về mình bao giờ cũng
phải là lời khen tặng. Có rất nhiều lời khen tặng thuộc về adua, cười lấy lòng,
xã giao. Cũng có rất nhiều lời phê bình nặng, nhưng lại mang tính góp ý và xây
dựng.
Người sáng suốt là người biết sử
dụng các nguồn phê bình góp ý xây dựng, dù xuất phát từ động cơ tốt hay xấu, để
làm mới chính bản thân mình. Nhờ đó tội lỗi được tách ly. Kinh mô tả A Xà Thế
sau khi giết cha, trải qua chuỗi thời gian điên loạn về tâm thần, suýt chết.
Nhờ y sĩ Kỳ Bà là trợ thần, cũng là đệ tử đức Phật, dẫn ông đến gặp đức Phật.
Ngài đã khuyên vua một câu ngắn gọn có giá trị trị liệu rất cao: “Trong đời có hai hạng người, một là từ lúc sinh ra
đến lúc nhắm mắt chưa từng tạo tội, họ là những bậc thánh từ thuở lọt lòng. Hai
là sinh ra không có lỗi chỉ có tội hoặc vừa có lỗi vừa có tội, nhưng sau khi
được nhắc nhở, giáo dục, khuyên răn, họ ý thức và cam kết không tái phạm trong
tương lai”. Đức Phật kết luận: “Loại
người thứ hai cũng là một bậc thánh”.
Giữa hai bậc thánh, bậc thứ hai
đáng trân trọng hơn cả. Đức Phật nói, bậc thứ nhất không có trong cuộc đời, đó
chỉ là lý tưởng, hay nói cách khác, lỗi lầm và sai sót của con người là thuộc
tính, thói quen, tình trạng thiếu kiểm soát tâm hay nhiều nguyên nhân khác có
thể thông cảm. Luật pháp luôn có khung hình phạt nhất định, nếu không thể thông
cảm thì phải xử lý đối với những tội phạm quá nặng nề nhằm răn đe làm gương.
Còn đạo đức thì cho phép có sự thay đổi. Nếu tâm không thay đổi, chết đầu thai
sang kiếp sau sẽ tiếp tục làm người của thế giới xã hội đen. Nhân quả luôn tiếp
nối. Do đó, theo tinh thần Phật dạy, không nên tử hình mà chỉ nên chung thân là
đủ. Trong lúc bị quản thúc chung thân, kẻ phạm tội sẽ học những điều hay lẽ
phải, sống thay đổi bằng sự sám hối, làm mới, trở thành một con người hoàn toàn
khác.
Sống với tội lỗi luôn đau khổ,
vì tâm bị lương tri dằn vặt. Tuy nhiên, tâm lý nhà Phật dạy chúng ta nhận thức
lỗi lầm, đó là con đường để trở thành thánh. Đừng để mặc cảm tội lỗi trở thành
đà cản sự tiến bộ và chuyển biến của bản thân. Ấy thế mà, nhiều người lại rơi
vào tâm lý này. Kể từ khi gây nên một lỗi lầm nào đó, họ ray rứt suốt cả cuộc
đời.
Hai tháng trước, khi chúng tôi
thuyết giảng tại một trường hạ ở Cần Thơ, một người mẹ do vì chậm phản ứng khi
đứa con trai bị ngộ độc thực phẩm, thay vì đưa đến bệnh viện cấp cứu, bà lại cho
uống thuốc bắc, phản ứng ngộ độc thực phẩm dẫn đến cái chết của cậu con trai
bà. Gần mười lăm năm trôi qua, nỗi đau đó vẫn còn ám ảnh. Vì nghĩ rằng cái chết
của con do chính mình tạo ra nên bà dằn vặt, khóc lóc thường xuyên khiến gương
mặt gần như người điên loạn. Trên thực tế do phản ứng sai, sơ suất chứ không
phải bà dụng ý. Bà đi nghe tư vấn ở rất nhiều Hòa thượng, Thượng tọa, giảng sư
bao năm qua mà vẫn không an lòng. Chúng tôi giải thích đến bốn năm lần, bà cũng
không an tâm. Vì vấn đề ở chỗ trạng thái ray rứt bà không chịu buông bỏ, trong
khi có hiểu biết về Phật pháp, nhân quả, duyên nghiệp, lại được bao nhiêu thầy
hướng dẫn. Bà không tự tin rằng nhân quả sẽ không ảnh hưởng đến bà. Cảm giác
mình là kẻ tội đồ, nên mười lăm năm qua bà chưa từng được hạnh phúc. Đây là sự
vô tình mà còn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, huống hồ những tình huống cố ý.
Cho nên tránh tội bằng chuyển nghiệp, sống đạo đức, làm việc tốt, dấn thân
phụng sự vô ngã, vị tha sẽ là nguồn dẫn đến niềm an vui thật sự.
Có
trí tuệ lớn
Đức Phật kết luận trong bản
kinh, trong năm điều an vui, điều an vui thứ tư thuộc về nền tảng, và điều an
vui thứ năm mang tính quyết định. Người có trí tuệ không thể nào chấp vào sở
hữu, tiêu phí phước báu, vay mượn nợ; người có trí tuệ cũng không thể dấn thân
vào các hành động nghề nghiệp, sứ mạng, mục đích tiêu cực ảnh hưởng xấu cho
người. Vì thế trí tuệ là nền tảng quan trọng nhất để quyết định.
Là kiến thức và đời sống đạo
đức. Đó là định nghĩa ngắn gọn nhất, bao quát nhất. Kiến thức về nhân quả là
một loại trí tuệ. Có kiến thức về nhân quả, chúng ta không còn mê tín dị đoan,
không còn tin rằng vũ trụ do một Thượng đế sắp đặt, sáng tạo, mọi vận hành diễn
ra theo hướng tích cực, tiêu cực, thế này hay thế kia, mà tất cả là quy luật tự
nhiên của nhân quả. Do vậy, chúng ta không còn tin vào nguyên nhân đầu tiên;
không còn tin vào những yếu tố may rủi, hên xui; không tin vào những hiện tượng
ngẫu nhiên. Tất cả là quy luật trong tự thân, có điều, nhờ kiến thức khoa học,
kiến thức phương pháp, kiến thức phân tích của chúng ta còn giới hạn nên chưa
thấy được mối quan hệ biện chứng giữa nhân và quả ở hiện tại, quá khứ trong mối
tổng hòa giữa chúng với nhau. Sự ngộ nhận đó dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm
trọng.
Đọc kinh là một trong những
phương pháp tốt. Vừa qua chúng tôi chủ trương dịch nhiều bản kinh, đọc tụng
thường xuyên từ những bản kinh thấp đến bản kinh cao bên cạnh những bản kinh
nghi thức được sử dụng trong các chùa Việt Nam và Trung Hoa mấy mươi thế kỷ
qua. Sở dĩ làm như thế là vì mỗi bài kinh là một nguồn trí tuệ khác nhau. Hiểu
theo thực phẩm học, nó là dưỡng chất tâm linh. Đức Phật trong suốt cuộc đời
giáo hóa bốn mươi chín năm, đã thuyết giảng gần ba trăm ngàn bài kinh. Rất
tiếc, khi tổ sư thiết lập các pháp môn, đã giới hạn ngắn gọn. Mỗi pháp môn chỉ
còn có hai hoặc ba bài kinh. Như vậy hành giả của các pháp môn lâm vào tình
cảnh suốt một đời tu tập chỉ có thể nạp vào cơ thể tâm linh một số dưỡng chất.
Còn lại rất nhiều dưỡng chất trong hàng trăm ngàn bài kinh, chúng ta không có
cơ hội để tiếp xúc. Đó là một sự thiệt thòi.
Quanh năm suốt tháng, nếu mỗi
ngày chúng ta đọc một bản kinh khác nhau, thì dưỡng chất đó sẽ được sung túc và
chúng ta sẽ trở nên khỏe mạnh về trí tuệ. Khi khỏe mạnh về trí tuệ, chúng ta
sống thọ trong đạo đức và không có sự chết yểu, không có tai nạn về đời sống
nhân thân, tư cách nói chung.
Chúng tôi rất hy vọng và mong
mỏi tất cả chúng ta, dù theo pháp môn nào, thì bên cạnh những bản kinh thuộc về
kinh tông chỉ, chúng ta nên đọc càng nhiều các bản kinh càng tốt. Phát xuất từ
quan điểm nêu trên, từ năm 2000, chúng tôi đã nỗ lực đưa các bản kinh Pali của
Hòa thượng Minh Châu dịch, các bản kinh A Hàm do Hòa thượng Thiện Siêu, Hòa
thượng Thanh Từ dịch và gần đây là Hòa thượng Tuệ Sĩ dịch, các bản kinh đại
thừa do các vị tôn đức dịch như Hòa thượng Trí Tịnh, Trí Nghiêm và nhiều Hòa
thượng khác truyền lên mạng miễn phí để mọi người có thể hạ tải và tiếp cận.
Sáu năm trở lại đây, chúng tôi cũng đã thực hiện âm thanh hóa đại tạng kinh
Việt Nam
để mọi người có nghe miễn phí trên mạng hoặc dưới hình thức mp3. Bất cứ lúc
nào, chẳng hạn trong khi lái xe từ nhà đến công sở, từ công sở về nhà, trong
những giờ vệ sinh cá nhân, sinh hoạt gia đình, thậm chí tập thể dục trong nhà,
chúng ta vẫn có thể nghe được giáo pháp để nạp vào đời sống tâm thức những hạt
giống dưỡng chất của trí tuệ. Chúng tôi đã nỗ lực làm rất công phu, vấn đề còn
lại là người tiếp nhận biết quản lý thời gian để sử dụng phước báu của thế kỷ
hai mươi mốt này.
Người sống có trí tuệ rất bản
lĩnh, có tự lực và tin chắc mình sẽ thành công bằng nỗ lực chân chính. Bao
nhiêu thất bại không làm cho họ nản chí sờn lòng. Họ vẫn thẳng bước tiến, đến
lúc sự nỗ lực không còn điểm gì để tiến tới nữa thì mới tạm dừng, và không bao
giờ thỏa mãn trên thành quả của những gì đã đạt được để không rơi vào tình
trạng ngủ quên trong chiến thắng.
Ứng xử đạo đức là một kiến thức
trí tuệ ứng dụng. Người không ứng xử đạo đức thì không thể gọi là có trí tuệ mà
chỉ là một nhà trí thức, một bác học, một nhà tập kết kiến thức giống như kho
thư viện hoặc một từ điển bách khoa sống, do đó đôi lúc sẽ là một trở ngại lớn.
Còn ứng xử đạo đức thuộc về phản ứng chỉ có những người trí tuệ mới thật sự
vượt lên những kiến thức thông thường, mới thống nhất từ đầu chí cuối, và dưới
mọi tình huống dù áp lực, dù hoàn cảnh, điều kiện ngang trái thế nào đi nữa họ
vẫn giữ vững lập trường. Do đó, an vui vì có trí tuệ là điểm quan trọng nhất mà
tất cả người tại gia và xuất gia cần phải hướng về.
Tóm lại, thông qua bài kinh Tăng Chi, đức Phật dạy chúng ta niềm
tin về hạnh phúc mà tất cả mọi người có thể đạt được, nếu biết nỗ lực có phương
pháp và đầu tư chân chính. Nhờ sống với quan niệm này, con người sẽ không còn
chán nản, thất vọng, bế tắc vì những điều không may cứ níu kéo, xuất hiện dưới
hình thức này hay hình thức khác, dẫn đến tâm lý muốn bỏ cuộc nửa chừng. Hãy
sống theo năm điều an vui mà bản kinh đức Phật đã tặng hiến. Sống trong an vui
đó để cuộc đời luôn là niềm hân hoan thật sự.