Chương
4. Hạnh phúc trong tầm tay
Giảng
tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tân Hiệp, tỉnh Bình Phước,
ngày 04-12- 2008
Bản
chất hạnh phúc
Hạnh phúc không phải là ga chúng
ta đã đến, đang đến hay sẽ đến mà là cách thức chúng ta đến đó như thế nào.
Việc đến này liên hệ động tác đi, đi liên hệ đến các phương tiện giao thông.
Người giàu đi bằng máy bay, trực thăng, hoặc các phương tiện cao tốc; người
nghèo đi xe máy, xe đạp, tùy trường hợp có những người rất giàu lại đi bộ để
sức khỏe cường tráng… Do đó chúng ta không nên dựa vào phương tiện giao thông
trên con đường mà đánh giá hạnh phúc hay không hạnh phúc, mà hãy dựa vào cách
đi như thế nào, tâm mình ra sao trên tiến trình của sự đi đó.
Cũng vậy, sống trong cuộc đời
hướng về một mục đích và đi một cách có nghệ thuật trên mục đích đó thì chúng
ta mới thật sự hạnh phúc trong những cái rất bình dị ngang tầm với, mà đôi lúc
chúng ta bỏ quên, cho rằng hạnh phúc là thiên đường hay Tây phương cực lạc. Tất
cả những trạng thái sống hàng ngày, hàng giờ, hiện tại trong chúng ta, quanh
chúng ta chính là những cái có thể tạo dựng hạnh phúc đích thực.
Có hai loại hạnh phúc giác quan
và hạnh phúc nội tại. Hạnh phúc giác quan thể hiện qua nụ cười, ánh mắt hớn hở,
thái độ lạc quan, sinh hoạt vui chơi giải trí, thưởng thức, hưởng thụ mà nếu
không biết cách làm chủ, người ta dễ dàng trở thành nô lệ. Cứ mỗi một khao khát
được hưởng thụ, vô tình chúng ta đánh mất hạnh phúc mà tưởng rằng đang với tới
tầm hạnh phúc.
Còn hạnh phúc nội tại sâu lắng
bên trong là trạng thái làm chủ được tâm. Sống một cách nhẹ nhàng thư thái,
thoải mái, thảnh thơi, bình an dù có hay không có các phương tiện vật chất. Cho
nên hướng đến mục đích đẹp dù đơn giản nhưng có thể tạo hạnh phúc rất thiết
thực hàng ngày. Ví dụ, mục đích của con người là làm thế nào để khỏe mạnh,
không bệnh tật, sống với người thân hòa thuận, không gây gổ, ẩu đả, hờn ghét,
bất mãn, mất lòng với nhau, và sống với những nụ cười. Mục đích đó tuy rất gần
gũi, nhưng lại mang đến niềm hạnh phúc lâu dài.
Bản chất cuộc đời như con thuyền
ngoài biển khơi, có lúc sóng yên gió lặng, thuyền đi êm ả và đích đến dễ dàng
đạt được. Nhưng phần lớn thời gian trên sông nước, con thuyền đã không may mắn
như thế, mà gặp phải ba đào sóng dậy. Con thuyền đã phải đấu tranh vật vã để có
thể vượt qua sóng gió. Có nhiều con thuyền chông chênh, mạng sống bấp bênh
không được đảm bảo.
Mỗi người là một thuyền trưởng
tự định và vạch ra hướng đi cho bản thân và phải tự lèo lái con thuyền của
mình. Ba đào sóng táp ở đâu cũng có, không phải chỉ những người cơ nhỡ bất hạnh
không người thân mới gặp phải, mà những người giàu sang phú quý tột đỉnh vẫn
không tránh khỏi ba đào. Người nghèo thường bị ba đào về kinh tế, người giàu bị
ba đào về sức ép công việc, tình cảm, tình thân, tình thương, tình yêu và nhiều
sóng gió khác.
Thống kê xã hội học Hoa Kỳ cho
biết, trên đất nước họ, mỗi ngày trung bình có khoảng năm mươi người giàu tự tử
và chết. Ở Pháp, một xứ được xem là văn minh hiện đại, mỗi ngày trung bình
khoảng ba mươi ba người tự tử, vì họ không vượt qua được cơn ba đào trong cuộc
đời. Tất cả chúng ta đều đối diện với cuộc sống ba đào. Rất may mắn phần lớn
chúng ta là người thuyền trưởng khôn khéo, lèo lái con thuyền không bị chìm xuống
biển mà vẫn duy trì cuộc sống như ngày hôm nay, mặc dù có khó khăn chật vật,
nhưng vẫn hạnh phúc hơn rất nhiều người đã không có định hướng để về đến bờ.
Quan niệm cuộc đời không có khổ
trọn vẹn và không có hạnh phúc hoàn toàn. Khổ là khổ tương đối và hạnh phúc
cũng là hạnh phúc tương đối. Theo các nhà khoa học, nỗi khổ và niềm hạnh phúc
chỉ tồn tại với con người trong vài chục giây, diễn ra như phản ứng tất yếu
trên não bộ. Nhưng vì không muốn quên đi, cứ bị ám ảnh bởi những cảm giác bất
hạnh, nên nhiều người tưởng suốt cả cuộc đời mình là bất hạnh, rồi tự trôi lăn
trong nỗi khổ và niềm đau. Đó là thái độ cường điệu hóa về thực tại mà bản chất
của nó không đến nỗi như thế.
Do vậy, vì theo đạo Phật, khi
nhìn thấy bản chất của hạnh phúc và khổ đau là tương đối, chúng ta không nên
quá than thân trách phận về cuộc đời bèo dạt mây trôi của mình. Hạnh phúc là sự
thăng bằng cảm xúc. Trong lúc thuận duyên hay trong nghịch cảnh, ai làm chủ
được cảm xúc của mình thì người đó vẫn đạt hạnh phúc như bao nhiêu người có sự
tu tập và chuyển hóa khác. Giàu sang phú quý chưa hẳn được hạnh phúc, nếu không
làm chủ được dòng cảm xúc của bản thân. Do đó, hãy vứt bỏ những cảm giác chán
chường, thất vọng về cuộc đời ba chìm bảy nổi.
Quên
đi quá khứ
Cần hướng tâm đến mục đích tốt
như một chất xúc tác đẩy chúng ta đến phía trước. Do vậy, hãy quên đi những khổ
đau lặt vặt bên đường. Đời người trung bình sáu mươi năm cho đến bảy mươi năm.
Những quãng năm tháng nhọc nhằn ai cũng có. Có người quên đi, có người nhớ, có
người bị ám ảnh. Mỗi nỗi nhớ hay sự ám ảnh sẽ làm cho nỗi đau có khuynh hướng
tái hiện lại và sống lại lần thứ hai.
Theo tinh thần Phật dạy, để có
được hạnh phúc trong tầm tay là hãy quên đi quá khứ của mình, tin vào hiện tại,
sống với hiện tại một cách trọn vẹn thì niềm hạnh phúc dù đơn sơ nhưng đầy ý
nghĩa. Có ai nghĩ rằng mình vẫn còn phước báu có buồng phổi tốt, có trái tim
mạnh, có lục phủ ngũ tạng hoàn hảo để hít thở không khí trong lành của trời
đất, để ăn, để uống. Nhiều người giàu sang phú quý, tiền rừng biển bạc nhưng
quả thận không lành, dù chạy vạy khắp trong nước đến nước ngoài vẫn không mua
được mạng sống. Cho nên, có mạng sống toàn vẹn là một phước báu.
Thấy được điều đó dù rất tầm
thường, đôi lúc chúng ta không mơ tưởng lại cảnh nhà cao cửa rộng, phương tiện
vật chất đủ đầy. Những thứ đó chỉ là phương tiện rất nhỏ tạo thành hạnh phúc,
nếu biết cách. Còn không khéo thì chính chúng dẫn đến sự tranh chấp vật lộn rất
mỏi mệt trong cuộc đời. Quên đi những chuyện tầm thường vặt vãnh trong cuộc đời
để tâm không đầy ắp những nỗi đau, không bị vẩn đục bởi những điều bất hạnh,
những điều không như ý đã từng diễn ra.
Cần
nỗ lực xây dựng lại những gì đã làm
Khi nói nỗ lực lần thứ hai,
chúng tôi thừa nhận rằng trong cuộc đời dù giàu hay nghèo, không mấy ai may mắn
thành công trong lần đầu tiên nỗ lực. Nhiều người đạt vương miện hoa hậu hay
quán quân trong các trò chơi, thủ khoa trong các kỳ thi, làm giám đốc này hay
chủ tịch Hội đồng quản trị nọ, chúng ta cứ tưởng cuộc đời của họ rất yên ả;
trên thực tế, họ đã vượt qua rất nhiều gian truân thử thách. Giờ phút vinh
quang nhất của họ mà chúng ta biết được là ở thời điểm họ thành công, còn thời
điểm họ phấn đấu vươn lên trong cuộc đời, ít người kể chúng ta nghe. Không có
cái gì không phải trả giá. Do đó nỗ lực lần thứ hai, thứ ba, thứ tư, trong cuộc
đời là điều rất cần thiết và không thể thiếu.
Có hai anh em cùng làm giám đốc.
Sau một năm rưỡi, từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn đến khủng hoảng
tài chính tại Việt Nam,
rất nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản và nhiều loại hình kinh
doanh khác bị phá sản. Tiền trong tay vài chục tỷ nhưng qua biến cố khủng hoảng
tài chính toàn cầu làm cho họ chỉ còn con số 0. Nhiều người đã phải tự tử hoặc
ngồi tù, vì không có tiền chi trả cho những khoản nợ. Tình yêu, hạnh phúc gia
đình,… những đổ vỡ khác kéo theo sau.
Hai anh em giám đốc, mỗi người
quản lý một công ty. Trong khủng hoảng chung, họ trở thành tay trắng. Người anh
không phải là Phật tử, mặc dù quý kính Phật pháp, nhưng vì không có người tư
vấn, trong lúc đổ nợ đã vương vào chứng bệnh trầm cảm nghiêm trọng, mượn rượu
tìm quên. Bế tắc ngày càng bế tắc, cuối cùng anh đã uống thuốc ngủ, và vĩnh
viễn trở thành kẻ tâm thần.
Trong khi đó, người em ở phương
xa cũng bị thua lỗ tương tự. Nhưng ý niệm và chí hướng của người em có phần
tích cực lạc quan hơn. Khi bị khủng hoảng tinh thần, anh đã tìm đến các nhà sư
nhờ tư vấn, được thực tập thiền, làm lắng dịu dòng cảm xúc, biết rõ quy luật vô
thường trong cuộc đời, thành công thất bại như những áng mây trôi, có đó rồi
mất đó. Nhờ vậy, anh làm chủ được dòng cảm xúc của mình, hiểu được thất bại là
mẹ của thành công trong tương lai, thất bại là phương tiện, một mặt bằng tốt để
phấn đấu làm mới trong cuộc đời. Dù cũng trắng tay như bao người khác, nhưng
anh vẫn sống hạnh phúc và bình an, thừa nhận những bất hạnh diễn ra xung quanh,
và không lấy đó là quan trọng. Khi còn sức khỏe, mạng sống, lý chí, lý tưởng,
ai cũng có thể gầy dựng lại từ đầu, và thực tế cho thấy rất nhiều người đã gầy
dựng một cách thành công.
Nỗ lực trong sự thất bại là tiền
đề dẫn đến thành công có nền tảng hơn trong tương lai. Lúc đó, chúng ta mới quý
trọng hơn sức lao động, mồ hôi, nước mắt, và sự khôn ngoan của bản thân. Cho
nên đừng chán nản, thất vọng, hay bỏ cuộc nửa chừng mà hãy tin tưởng về một
tương lai tốt đẹp, như những chiếc lá màu xanh vào mùa xuân, mặc dù trong mùa
thu nó chỉ còn trơ trọi những cành khô, nhưng không vì thế mà bảo rằng cây kia
đã chết. Cây vẫn sống, nhựa và sức sống vẫn còn tiềm ẩn bên trong. Ba tháng của
mùa thu trôi qua, sức sống lại tiếp tục vươn mầm trỗi dậy.
Con người chúng ta còn mạnh hơn
các cây của bốn mùa. Đời người có những thăng trầm, khi lên voi lúc xuống chó.
Khi sống mất lý tưởng, lúc vững tâm tin tưởng vào chính mình, lúc khác gần như
buông trôi như lục bình. Nhưng hãy luôn nhớ đến những thời khắc thành công và
mong mỏi nhân bản sự thành công đó trong hiện tại và tương lai. Với niềm tin
sắt đá thì sự nỗ lực ở những lần kéo theo, sau lần thất bại sẽ bù đắp cho chúng
ta một cách xứng đáng.
Ngạn ngữ Anh có câu: “Freedom is not free”. Đích điểm của sự
tự do, hay hạnh phúc của sự thành công trong cuộc đời không bao giờ là miễn
phí. Chúng ta phải tốn tiền, công sức, trí tuệ để có được nó. Do vậy, cứ mỗi
lần nỗ lực lần thứ hai, chúng ta mong mỏi hạnh phúc trong tầm tay mình phải đạt
được, với quyết tâm cao độ, trước sau gì cũng làm chủ được tương lai của mình.
Đạo Phật dạy rất rõ, quá khứ đã qua, không nên nhớ tưởng, vì nhớ tưởng là hâm
nóng sự khổ đau; tương lai nằm trong hiện tại, hãy sống, đầu tư và tin tưởng
hết mình ở hiện tại thì tương lai sẽ có mặt.
Đừng mơ tưởng những hạnh phúc
quá lớn vượt ngoài tầm với. Chướng ngại lớn nhất của hạnh phúc là mơ tưởng hạnh
phúc quá lớn. Những ai rơi vào thái độ nhận thức vừa nêu sẽ khinh thường và
không quan trọng những điều nho nhỏ có thể vun đắp được. Dân gian Việt Nam thường nói
“góp gió thành bão”, tích tụ
những cái nho nhỏ một cách tăng dần đều và không gián đoạn, chúng ta sẽ có cả
một tương lai. Điều này ai cũng có thể làm được không nhất thiết người giàu và
thành công.
Trước tiên, muốn có hạnh phúc
thật sự thì hãy buông bỏ những hạnh phúc quá cao sang. Dĩ nhiên trong nỗ lực,
chúng ta phải nhón chân, với tay nhưng đừng với quá xa. Hãy xây dựng hạnh phúc
bằng những điều đơn giản, có ý nghĩa trong cuộc đời mình.
Nhiều người trong chúng ta sống
và hạnh phúc đã có mặt như những tiếng vang tạo thành những âm vọng có thể nghe
được, còn nắm được âm thanh đó và giữ nó lại với mình một cách lâu dài thì hầu
như vượt ngoài tầm với. Nếu cứ giữ khoảnh khắc của quá khứ thì chúng ta sẽ đánh
mất hiện tại trong khi năng lượng đời sống nằm ở hiện tại. Hạnh phúc của đời
sống được xây dựng trên hiện tại nên mơ tưởng về tương lai hay chạy về quá khứ,
hiện tại sẽ không còn.
Đừng biến hạnh phúc thành những
tiếng vang vọng trong không gian mà phải là những cái ta có thể nghe được bằng
tai mình. Đừng mơ tưởng hạnh phúc là bình dưỡng khí, nếu thiếu nó ta không sống
được mà phải thấy hạnh phúc như không khí mà ta đang hít thở. Cũng đừng mơ
tưởng hạnh phúc cao xa, cao lương mỹ vị mà chỉ cần ước muốn mỗi ngày ta có bát
cơm ngon miệng, có được giấc ngủ khi nằm xuống không chịu quá nhiều trằn trọc
băn khoăn. Những nho nhỏ như thế dễ dàng trong tầm với của chúng ta. Hạnh phúc
giống như một chiếc đồng hồ mà sự giản đơn của nó nhiều chừng nào thì độ bền
của nó cao chừng đó. Những điều bình dị nhưng ý nghĩa là cần nhất chứ không
phải những điều chúng ta mơ tưởng.
Trở ngại lớn nhất của hạnh phúc
là thái độ trông chờ những hạnh phúc mà mình chưa hề có. Hãy sống với nhân và
quả. Đạo Phật dạy, muốn có ăn thì phải gieo trồng, dân gian cũng nói theo cách
thức tương tự “muốn ăn phải lăn xuống bếp”.
Muốn có thì phải làm, làm nhiều có nhiều, làm ít có ít. Cuộc đời sẽ trở nên vô
vị, buồn chán, tẻ nhạt nếu chúng ta không nỗ lực làm gì cả. Làm cho bản thân,
làm cho tha nhân, làm cho cuộc đời là hành động gầy dựng hạnh phúc cho bản thân
mình. Hãy ít nhất một lần ghé thăm bệnh viện để thấy rất nhiều người muốn làm
nhưng không còn đủ sức. Cuộc đời của họ gắn liền với sự hỗ trợ trọn vẹn của tha
nhân. Đa số chúng ta dẫu bất hạnh cũng chưa đến nỗi như thế. Người khác có
phước báu về tài sản, sự nghiệp thì chúng ta có phước báu về thân thể khỏe mạnh
và nhiều thứ khác. Chưa chắc phước nào hơn phước nào. Hạnh phúc nào hơn hạnh
phúc nào.
“Đứng núi này trông núi nọ” thuộc tâm lý phổ biến. Cái
không có thì kỳ vọng, cái ta đang có thì hất hủi, bỏ đi, nghĩ rằng nó không có
giá trị. Khi đối diện với cảnh già bệnh và hấp hối trước cái chết, hầu như đời
sống con người rất mỏng manh, giả tạm, lúc đó chúng ta mới thấy sức khỏe là quý
trọng hơn hết chứ không phải gia tài sự nghiệp. Từ vua, quan, khanh tước xuống
người bình dân trong xã hội đều đến với cuộc đời này bằng hai bàn tay trắng.
Khi vẫy chào cuộc đời, chúng ta cũng đi bằng hai bàn tay trắng. Càng luyến tiếc
của cải gia tài sự nghiệp nhiều chừng nào thì càng bị trở ngại trong tái sinh
chừng đó. Do đó, không có nhiều tài sản chưa hẳn là bất hạnh. Nếu biết cách,
chúng ta vẫn có được những hạnh phúc bù đắp những gì ta không có. Hãy sống và
nghĩ đến những điều thiết thực hằng ngày.
Hạnh
phúc từ cái bình dị
Quan niệm hạnh phúc là những gì
hết sức đơn sơ mình có được. Biết cách đứng dậy sau những lần vấp ngã là một
hạnh phúc rất lớn. Ai dám cam đoan, hãnh diện tự hào rằng trong
cuộc đời chưa từng lầm lỗi, chưa
từng thất bại. Chỉ có những bậc thánh vốn đã qua đời. Chúng ta là phàm, do đó
đứng dậy sau vấp ngã là điều đáng tán thán. Hạnh phúc đó rất đơn sơ mà chúng ta
có thể làm được.
Quên đi nỗi đau thì hạnh phúc có
mặt trong tầm tay. Nỗi đau về cảm xúc, thân quyến, bệnh tật, nỗi đau về sự nỗ
lực mà không thành công… hàng trăm nghìn nỗi đau hầu như ai cũng có. Hạnh phúc
là làm sao quên được những nỗi đau đó để không gian trong tâm chứa đựng niềm
vui của cuộc đời.
Năm 2008, nữ diễn viên nổi tiếng
Triều Tiên Choi Jil Sil tự tử chết. Cô vốn là một diễn viên tỷ phú tài sắc vẹn
toàn, đã thành công sau hàng trăm bộ phim truyền hình và rất được khán giả hâm
mộ. Chỉ vì sự thất bại trong tình yêu với chồng. Ly dị năm 2004, suốt bốn năm
sống độc thân, bao nhiêu búa rìu dư luận, truyền thông báo chí nhắm vào đời tư
của cô. Cảm thấy cô đơn, chán nản, cô tìm đến cái chết, bỏ lại hai đứa con thơ
cho bà ngoại chăm sóc. Mấy ngày sau, hiện tượng tự tử tập thể từ cái chết của
Choi Jil Sil dẫn đến rất nhiều cái chết, vì không tìm thấy được niềm vui.
Đức Phật dạy, quên nỗi đau như
cách thức chúng ta mở ống khói của căn nhà để tất cả khí CO2 thoát
ra, bằng không chúng ta sẽ bị ngạt thở. Phần lớn khổ đau không phải vì thiếu
tài sản mà do không giải quyết được bế tắc mà mình đang gặp phải trong cuộc
đời. Biết tiến về phía trước là một hạnh phúc. Đứng tại chỗ là lạc hậu, vì thế
giới này thay đổi đến chóng mặt. Cách đây vài chục năm, vài trăm năm, để có
kiến thức người ta phải mất năm, mười năm. Hiện nay chỉ cần một giờ trên các
phương tiện truyền thông, chúng ta có thể thu nạp kiến thức của cả một giai
đoạn lịch sử. Hầu như kiến thức hiện nay nằm trong lòng bàn tay chúng ta. Chỉ
cần tiến phía trước, bỏ lại sau lưng những bóng tối, những ám ảnh, chúng ta sẽ
có cả một tương lai. Cứ hướng đến hạnh phúc và tương lai, tự khắc chúng ta sẽ
quên quá khứ với những khổ đau. Muốn vậy thì không nên quan trọng hóa nó, thay
thế nó bằng việc khác có ý nghĩa hơn, dù đơn sơ mộc mạc chân thành, nhưng có
thể chu cấp được hạnh phúc. Càng với cao lại càng khổ đau nhiều.
Thay đổi thái độ, từ bi quan yếm
thế, chán chường thất vọng trở thành lạc quan. Người lạc quan thấy rất rõ mình
có thể làm được tất cả, chỉ cần nghĩ trong cuộc đời này có bao nhiêu người
thành công, sống bằng nỗ lực chân chính thì mình cũng có thể làm được như thế.
Đừng tự khinh bản thân mà bỏ cuộc, biến mình trở thành kẻ mặc cảm tự ti dẫn đến
tình trạng an phận thủ thường. Trạng thái tâm lý mặc cảm tự ti giống như bánh
xe không hề có hơi trong đó. Chiếc xe dù có các chi phần hoạt động tốt nhưng nó
vẫn không thể đưa người ngồi trên đi đến đích điểm. Khi đánh mất sự lạc quan và
yêu đời, chúng ta hãy kịp thời nạp vào nó năng lượng cần thiết để hướng đến
niềm hạnh phúc. Nhờ bạn bè khích lệ hướng dẫn với những lời khuyên và hãy nghĩ
tới những người thành công để bản thân không chán nản trong cuộc đời.
Hãy thực tập sự so sánh điểm
tích cực của người thành công, với tới ở một phương diện tích cực nào đó, bản
thân chúng ta sẽ đạt được ít nhiều. Ví dụ muốn có giọng hát cải lương ngọt ngào
như Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, chúng ta chỉ mở băng tập hát theo những nghệ sỹ tài
danh này. Kiên trì bền bỉ, trước sau gì chúng ta cũng giống được 60%, 70%, thậm
chí vượt trội hơn. Không có gì không làm được. Hãy thực tập với những tấm gương
đã thành công. Nhận xét bản thân có sở trường, sở thích nào thì tìm người thành
công trong lĩnh vực đó để làm dấu mốc phấn đấu.
Bình dị hơn là hãy tìm một cái
gì đó để làm. Không nên suy nghĩ tiêu cực theo cách, lao động không lương thì
lao động làm gì để người khác hưởng. Mặc dù không có việc để làm, thì hãy tìm
cỏ mà nhổ, tìm đất mà cuốc, tìm chỗ mà trồng khoai… Những việc làm tuy đơn sơ
nhưng rất ý nghĩa vì đó là cơ hội vận động, sức khỏe theo đó được tăng trưởng.
Thái độ tâm lý con người lệ thuộc rất nhiều vào hành động. Trong khi cuộc sống
của cỏ cây hoa lá trời mây non nước vốn rất tẻ nhạt, thì con người có ý thức,
đôi bàn tay, truyền thông chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, vậy tại sao
không tìm việc gì đó để làm. Nói theo đạo Phật, khi dấn thân bằng tâm hoan hỷ
để phục vụ thì phước báu gia tăng rất nhiều, đừng nghĩ rằng phải có lương bổng mới
làm. Dấn thân như cách thức phục vụ người thân của mình, ý nghĩ đó giúp chúng
ta sống lạc quan yêu đời hơn.
Hãy tìm ai đó để yêu thương,
chăm sóc và chia sẻ. Tình yêu, tình thương ở đây không chỉ giới hạn trong giới
tính mà có thể những người lớn tuổi thương những đứa cháu của mình như con
ruột, truyền cho chúng kinh nghiệm, khích lệ chúng có tương lai vững chắc và
thành công hơn. Hoặc người trẻ thương yêu các bác lớn tuổi như ông bà cha mẹ
mình. Thể hiện lòng thương yêu với sự chăm sóc vô cùng đơn giản và có ý nghĩa.
Nhân quả sẽ có mặt, giúp người tất sẽ có người giúp ta. Sống thương người tất
sẽ có người thương yêu trở lại.
Hạnh phúc không phải được người
thương yêu mà ta biết cách thương yêu và chăm sóc người khác. Đây là cách nỗ
lực gieo nhiều hạt giống để có được kết quả ngay hiện tại và tương lai. Đức
Phật nói, thay vì ngồi mơ có một đàn gà thì tốt nhất hãy mơ có một con gà mẹ đẻ
trứng, sau đó nỗ lực cho gà mẹ ấp. Bỏ bớt những ước muốn không thiết thực. Thay
thế bằng những hành động cụ thể, làm những việc cụ thể, chúng ta sẽ gặt hái
được thành công.
Chấp
nhận sự thay đổi
Thay đổi là tiến trình diễn ra
từng giây phút. Không có cái gì trong cuộc đời này không thay đổi với thời
gian. Chiều thời gian cũng là một tiến trình thay đổi. Cho nên, thay vì tức tối
bực dọc với những chuyện đổi thay, thì hãy thực tập thói quen mới là sống chung
với chúng để tự thay đổi nhận thức và thái độ của chính mình. Nói cách khác,
nếu không chọn sự thay đổi tích cực thì đến lúc nào đó những sự thay đổi sẽ
chọn lựa chúng ta. Lúc đó chúng ta sẽ trở thành kẻ hoàn toàn bị động và nô lệ
vào chúng.
Thay đổi tích cực như thế nào,
hãy quan sát những chiếc lá lục bình trôi bồng bềnh trên sông nước không bao
giờ đứng yên một chỗ, nay chỗ này mai chỗ khác. Sự thay đổi đó là sự thay đổi
tiêu cực, vì nó chạy theo vận mệnh không làm chủ được bản thân. Còn thay đổi
tích cực là biết nhìn thấy sự thay đổi diễn ra như một quy luật, làm quen, sống
chung và hòa mình với nó, chấp nhận nó một cách tích cực để tìm cách thoát ly,
tìm mọi cách làm mới và khắc phục những cái không mang lại hạnh phúc.
Đời không hoàn toàn buồn chán
khổ đau như người ta thường nghĩ. Chỉ có bản thân mình buồn rồi quy kết cuộc
đời là buồn chán. Nguyễn Du đã viết “Người
buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Khi thái độ tâm lý trở nên tiêu cực
thì những cảnh vật xung quanh, mặc dù rất vui, như hoa nở, gió thổi, thông reo,
chim hót cũng không được người đó thừa nhận. Bất cứ cái gì diễn ra trước mặt
cũng tạo cảm giác buồn chán và không thiết sống. Hãy thấy rõ trên đời có khổ
lẫn vui. Bên cạnh thất bại có thành công, bên cạnh bóng tối vẫn còn ánh sáng.
Phải có cái nhìn khách quan để vươn tới hạnh phúc, bỏ qua những chán nản thụ
động. Trạng thái tiêu cực của tâm lý tạo tiền đề dẫn đến bệnh tật vật lý mà y
học ngày nay không thể phủ định.
Vào năm 2003, chúng tôi tham
quan các trung tâm AIDS tại Thailand.
Có người chỉ vương vào chứng bệnh này ba năm mà đã không thể ngồi dậy nổi.
Trong khi đó, một số người khác vương vào chứng bệnh này mười năm nhưng vẫn
khỏe mạnh, mập mạp vì nụ cười luôn hiện diện trên môi. Như vậy, thái độ lạc
quan, tích cực, yêu đời sẽ làm tâm chúng ta trẻ hơn, sức khỏe nhờ đó có được đề
kháng chống lại chứng bệnh vật lý khác. Do đó, đừng để trạng thái bực bội chán
nản tạo ra bệnh hoạn hành hạ bản thân.
Đừng vì chán nản bực dọc mà sống
với thái độ nguyền rủa cuộc đời, con người và bản thân. Tất cả sự nguyền rủa,
đổ lỗi không phải là giải pháp. Theo đạo Phật, thất bại chỗ nào, chúng ta phải
quán sát tìm kiếm nguyên nhân gốc rễ sâu xa của nó. Thay vì trút đổ cơn giận,
thì hãy suy nghĩ cặn kẽ nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp, tìm sự bình an sáng
suốt để có một tương lai với giải pháp trong lòng bàn tay. Có rất nhiều trường
hợp thất bại nhiều lần, sống trong trạng thái giới hạn, dù nỗ lực đến đâu chăng
nữa cũng không thể vượt qua, chẳng hạn người bệnh bán thân bất toại. Đừng để
trạng thái giới hạn đó ám ảnh khống chế bản thân.
Ngay cả khi bị bệnh cũng hãy luôn để tâm trạng khỏe mạnh
hoạt động, có như vậy, khi gặp thầy thuốc giỏi, chứng bệnh vật lý sẽ được khắc
phục rất nhanh. Người giữ trạng thái tâm lý quá tiêu cực thì dù thầy hay thuốc
giỏi cũng không thể chữa trị được. Do đó, tâm lý đóng vai trò rất quan trọng
trong mọi nỗ lực để hướng tới hạnh phúc. Hãy thay đổi từ bên trong. Nếu sau khi
nỗ lực nhiều lần mà chúng ta không thay đổi được môi trường, hoàn cảnh, điều
kiện xung quanh thì hãy hoan hỷ chấp nhận nó, vì kháng cự nó làm cho chúng ta
tổn tâm hao trí, mất sức khỏe. Chấp nhận nó, hòa mình với nó, sống chung với nó
và tìm hạnh phúc từ nó. Đó là sự thay đổi nội tại một cách tích cực, khác hoàn
toàn với chiếc lục bình vốn không làm chủ được mình.
Hài
lòng tích cực
Hài lòng tiêu cực thủ thường, dù
có khả năng nhưng lại không tin vào khả năng của chính mình. Thay vì nỗ lực để
thành công, người đó sẽ không làm gì cả, nghĩ rằng số phận đã an bày, thân phận
như thế thì chấp nhận sống với nó. Ai có quan niệm này là sai lầm.
Chúng ta hài lòng vì đã nỗ lực
một cách chân chính, còn kết quả ra sao thì cứ ra, đừng quá bận tâm mà hãy bận
tâm về phương pháp nỗ lực. Chẳng hạn khi được phân công trồng lúa, trồng cây,
trồng đậu thì chúng ta nỗ lực có phương pháp, làm hết mình. Nếu vụ mùa năm nay
không thuận lợi, không ai có thể quở trách, vì chúng ta đã làm hết trách nhiệm
và tấm lòng. Hãy tập thói quen hài lòng và chấp nhận thành quả mà mình đang có.
Như vậy là chúng ta đánh tất cả tiêu cực ra ngoài, không để nỗi buồn vì sự
không thành công ám ảnh, lúc đó chúng ta mới có tâm sức để hướng đến những điều
tốt đẹp hơn. Làm việc cùng với người không có tâm lý hiểu biết này, chúng ta có
bị la rầy chửi mắng thì cũng đừng vì thế mà buồn, vì không ai là hoàn hảo.
Đừng đòi hỏi quá nhiều, cũng
đừng cay cú với những gì mình không có. Hận đời, trả thù đời sẽ làm nghiệp tội
ngày càng nặng hơn. Ai có lỗi với chúng ta, nếu luật pháp không nghiêm trị thì
trước sau gì nhân quả cũng không tha thứ. Chúng ta hãy sống, quý trọng hạnh
phúc của mình. Không nên tự ý thay thế luật pháp, tòa án, người phán xét để
hành xử và biến mình xấu giống người kia.
“Một đứa cộc cằn thêm đứa nữa
Thì hai
đứa cộc cũng như nhau.
Vì thế
nên ta phải nhịn người
Dù ai
mắng chửi cũng vui tươi”.
Đó là thái độ hài hòa trong sự
bình an, hài hòa trong hạnh phúc. Như thế, chúng ta không phải là kẻ bạc nhược
yếu hèn mà là người có bản lĩnh. Người chịu đựng được là người có bản lĩnh.
Người hung hăng bên ngoài lại là người quá kém, không có sức chịu đựng, phải
dùng bạo lực để vượt qua nỗi sợ hãi bên trong. Người bản lĩnh sẽ thản nhiên
vững chãi trong cuộc đời.
Nếu đến vườn bách thú thử nghiệm
một phản ứng nho nhỏ của con cọp hoặc con báo, chúng ta sẽ thấy, dù cầm dao
chĩa ngay trước mắt con cọp với thái độ hung tợn, thì con cọp hay con báo vẫn
đứng yên không chớp mắt. Cầm gạch chọi ngay cạnh nó, nó vẫn thản nhiên đứng tại
chỗ. Nhưng với một con chó, chỉ cần giậm chân là nó sẽ sủa vang. Hành động sủa
đó biểu hiện sự sợ hãi. Chúng ta cần tập bản lĩnh như loài sư tử, cọp, thản
nhiên trước mọi thách thức, hãm hại của người khác. Điều này ai cũng có thể
thực tập được, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.
Ta phải thấy rõ sự sai biệt
trong cuộc đời, người giàu kẻ nghèo, người mạnh kẻ ốm yếu, người sống thọ kẻ
chết yểu,… không phải tự nhiên mà có, mà đều do hành động, lời nói việc làm, tư
duy của chúng ta hiện đời và nhiều đời trước. Tin sâu nhân quả để sống có trách
nhiệm với bản thân. Nếu đời này chúng ta không đi đến hạnh phúc, không làm lại
cuộc đời thì đời sau sinh ra cũng tiếp tục như thế. Bởi vì hiện tại là nhân cho
kết quả ở tương lai. Xây dựng đời này hạnh phúc thì tương lai ta mới có hạnh
phúc. Chán nản bỏ cuộc giữa chừng thì tương lai sẽ chẳng là gì. Cho nên, đừng bao
giờ cho phép bản thân mình chán nản, thất vọng hay có ý niệm tự tử. Vì không ai
giống ai nên không cần phải ghen tỵ, so bì mà hãy làm tất cả có thể để xây dựng
hạnh phúc cho chính bản thân.
Rộng
mở tấm lòng
Ai cũng có thể mở tấm lòng vì
tấm lòng, là không biên giới. Tâm hướng về tha nhân ở phương diện tích cực 5%,
có nghĩa là chúng ta mở được năm cánh cửa, hướng 100% là chúng ta mở được một
trăm cánh cửa. Hướng trọn vẹn bằng cả trái tim và tấm lòng, nghĩa là chúng ta
trọn vẹn với cuộc đời. Hướng mở như thế sẽ giúp chúng ta hạnh phúc.
Bản chất của hạnh phúc là sự
chia sẻ, thậm chí chia sẻ chỉ bằng lời chào hỏi vào mỗi buổi sáng gặp nhau, kể
nhau nghe những chuyện vui để nỗi buồn quá khứ không kéo đến. Thấy ai làm việc
tốt cũng không tiếc lời khen tặng, vì ai cũng thích được khen. Thực tập cười
tươi với cảnh vật và mọi người xung quanh. Khi cười, sự phấn chấn tạo ra kháng
thể làm cho ta sống lạc quan hơn, khỏe mạnh hơn. Thực tập trở thành người mang
ơn và người chia sẻ những gì mình đang có, dù đơn giản, chúng ta sẽ cùng hạnh
phúc. Bảo vệ môi trường sinh thái, gìn giữ đất, nước, cỏ cây thì cuộc sống sẽ
quý trọng chúng ta. Đó là nhân quả, là sự bù trừ thích đáng. Hãy nghĩ đến hạnh
phúc bằng cách ban phát hạnh phúc, chia sẻ hạnh phúc, nhận thức hạnh phúc thì hạnh
phúc sẽ có mặt. Ai ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân, người đó sẽ không bao giờ được
hạnh phúc.
Như vậy hạnh phúc có mặt trong
lúc chúng ta sống tích cực ban cho hơn là hưởng thụ nó. Đời đã quá khổ, bỏn xẻn
cho mình thì đời sẽ khổ hơn. Sống được như thế là chúng ta đang xây dựng hạnh
phúc trong tầm tay và đang cùng chia sẻ hạnh phúc trong tầm tay đó. Nó rất có ý
nghĩa và mang đến niềm vui một cách lâu dài.