Bắc truyền
Kinh Tứ Thập Nhị Chương
Thích Viên Giác dịch và giảng
10/07/2554 14:11 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Kinh Tứ Thập Nhị Chương

Thích Viên Giác dịch và giảng


Lời Giới Thiệu

(Kinh 42 Chương – Ðại Ðức Thích Viên Giác biên soạn)

Ðại đức Viên Giác, tốt nghiệp trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam tại TP. HCM ( nay là Học Viện PGVN tại TP. HCM), khoá 1. Qua nhiều năm giảng dạy ở các trường Cơ Bản Phật Học, Ðại Ðức đã biên soạn tập sách về Kinh 42 Chương nầy rất công phu.

Thiết nghĩ một tập sách giáo khoa dành cho bậc Trung Học Phật Học cần đáp ứng một số yêu cầu cần thiết như:

1) Có phần nguyên văn chữ Hán
2) Có phần phiên âm ra Việt văn
3) Có phần chú thích đúng các thuật ngữ Phật học (qua Từ điển Phật học, hay qua định nghĩa trong các kinh Nikàya hoặc Ahàm)
4) Nêu lên các điểm cương yếu của bản kinh hay đoạn kinh
5) Có phần giảng rộng ( bao gồm phần so sánh, nêu thí dụ..., để học Tăng, học Ni dễ hiểu)
6) Trình bày với ngôn ngữ giản dị, sáng sủa khế hợp với tuổi học viên, nhưng vẫn chuyển tải đầy đủ ý kinh.

Tập sách giáo khoa nầy về mặt hình thức đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nêu trên. Về giá trị nội dung trình bày, mỗi soạn giả có một giá trị riêng. Tôi hi vọng, với nét trình bày mới mẻ của tập sách, soạn giả sẽ đem lại nhiều ý nghĩa bổ ích cho các học Tăng, học Ni của các trường Cơ Bản Phật Học.

Tôi cũng hi vọng rằng, đến lần tái bản với các bổ sung cần thiết, tập sách giáo khoa về Kinh 42 Chương nầy sẽ có ảnh hưởng lớn hơn và sẽ được phổ biến rộng rãi hơn.

Xin chân thành giới thiệu.

Tỳ Kheo Thích Chơn Thiện
(Phó Trưởng Ban Giáo Dục Tăng Ni, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam)

Thiền Viện Vạn Hạnh
Mùa an cư PL. 2543 – 1999


Lời Nói Ðầu

Kinh Tứ Thập Nhị Chương là một bộ kinh tuyển chọn những lời Phật dạy ở rải rác trong kho tàng Kinh điển Phật giáo.

Lịch sử truyền bá bộ kinh, cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn còn chưa thống nhất. Theo sử Phật giáo Trung Quốc thì Kinh Tứ Thập Nhị Chương được hai ngài Ca Diếp Ma Ðằng (Kàsyapamàtanga) và Trúc Pháp Lan (Dharmarakinhsa) dịch từ bản Phạn qua Hán năm 67 Tây lịch tại Lạc Dương. Kinh Tứ Thập Nhị Chương cũng là một bộ kinh được lưu hành tại Giao Châu vào thế kỷ thứ hai.

Về văn bản Kinh Tứ Thập Nhị Chương, theo Hòa thượng Trí Quang, thì có hai bản chính, gọi tắt là bản A và bản B. Bản A là bản xưa nhất nằm trong Ðại Tạng Kinh, bản Ðại Chính, quyển 17, trang 722-724 có khoảng vào thời Hậu Hán hoặc Tam Quốc. Bản B là bản hiện đang lưu hành nằm trong Thái Hư Toàn Thư, tập 6, trang 1-74. Bản B này được sửa chữa từ bản A mà thành, có sớm nhất cũng vào đầu nhà Tống (kinh 42 bài, Trí Quang dịch, T.8,9).

Dĩ nhiên còn khá nhiều bản khác nữa như bản của Ngô Chi Khiêm dịch, bản Hiếu Minh Hoàng đế thời Tiền Tấn. Bản Tống Nhân Tông Hoàng đế chú giải Sa môn Liễu Ðồng bỗ chú các bản thuộc đời nhà Minh v.v... thực ra cũng bắt nguồn từ bản A và B đã nói ở trên.

Bản Kinh Tứ Thập Nhị Chương đang lưu hành nếu bỏ qua một bên phần thêm thắt của người sau về tư tưởng thiền học Ðại thừa thì nội dung rất gần với giáo lý nguyên thủy. Phần lớn nội dung đề cập những vấn đề liên quan đến sự tu tập của giới xuất gia, chú trọng nhiều tiến trình tu tập Giới – Ðịnh – Tuệ. Về giáo lý cốt lõi thì bốn chân lý Khổ – Tập – Diệt – Ðạo được coi là nền tảng của Kinh.

Khi được mời dạy Kinh Tứ Thập Nhị Chương tại Trường Cơ Bản Phật học Long An, chúng tôi căn cứ vào bản Hán văn đã được dịch của Hòa thượng Hoàn Quan (mà Hòa Thượng Trí Quang gọi là bản B đang lưu hành). Ðể cho tăng ni sinh dễ lãnh hội, chúng tôi dịch lại lời Việt và giảng dạy theo từng chương độc lập, không theo hệ thống mà thầy Hoàn Quan đã giảng.

Như đã nói, nội dung nguyên bản, nhất là bản A (Trí Quang dịch) Kinh Tứ Thập Nhị Chương rất gần với tư tưởng nguyên thủy nên khi giảng dạy phần lớn dựa vào các kinh A Hàm và Nikàya - Trong đó có một số bài kinh có liên quan hoặc tương đương với Kinh Tứ Thập Nhị Chương, do đó chúng tôi coi như là xuất xứ của chương Kinh Tứ Thập Nhị Chương - Mục đích của chúng tôi là làm sáng tỏ và phong phú hơn, nghĩa lý của lời Phật dạy trong kinh này vốn rất cô đọng. Về phương thức trình bày, vì là giáo án nên cần phải rõ và cơ bản nên chúng tôi chia ra 4 phần cho một kinh (chương):

phần 1: Chánh văn Việt dịch,
phần 2: Ðại ý,
phần 3: Giảng nghĩa và
phần 4: Nhận xét và Kết luận (như là toát yếu).

Nếu có những từ ngữ, thuật ngữ khó sẽ được giải thích rõ.

Kho tàng tam tạng giáo điển rộng rãi bao la, Kinh Tứ Thập Nhị Chương được coi là một quyển kinh toát yếu nghĩa lý căn bản cho những người xuất gia học Ðạo, có thể làm cẩm nang về đường lối tu tập cho người sơ học.

Qua những tháng ngày giảng dạy choTăng Ni sinh về Kinh Tứ Thập Nhị Chương nầy, chúng tôi nhận thấyTăng Ni sinh thích thú và bày tỏ niềm tin vào giá trị, tác dụng của kinh đối với việc tu tập, chúng tôi mới hiểu được lý do tại sao kinh này được lưu truyền rất sớm trong lịch sử truyền bá tư tưởng Phật Ðà ở nước ta và được chọn dạy trong chương trình Cơ bản Phật học từ xưa cho đến nay.

Trong phạm vi giáo án giảng dạy Trường Cơ bản Phật học và khả năng hạn chế, chắc chắn không khỏi lầm lẫn, thiếu sót, kính mong chư thiện hữu tri thức vui lòng chỉ giáo cho giáo án được hoàn bị.

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Tỳ kheo Thích Viên Giác


www.buddhanet.net

Tiêu điểm: