Bắc truyền
Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật
Hán Dịch: Pháp Sư Cưu-Ma-La-Thập Việt Dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh
23/07/2554 13:01 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật
Mục lục
Xem toàn bộ

QUYỂN THỨ TÁM

PHẨM THIÊN VƯƠNG 
THỨ HAI MƯƠI BẢY

Bấy giờ trong Đại Thiên thế giới, chư vị Tứ Thiên Thiên Vương cùng vô số trăm ngàn ức chư Thiên đồng đến pháp hội.

Chư vị Đao Lợi Thiên Vương cùng vô số trăm ngàn ức chư Thiên, chư vị Dạ Ma Thiên Vương, chư vị Đâu Suất Thiên Vương cùng vô số trăm ngà ức chư Thiên, chư vị Hóa Lạc Thiên Vương cùng vô số trăm ngàn ức chư Thiên, chư vị Tự Tại Thiên Vương cùng vô số trăm ngàn ức chư Thiên, chư vị Phạm Thiên Vương cùng vô số trăm ngàn ức chư Thiên đồng đến pháp hội.

Thân quang minh do nghiệp báo sanh của chư vị Tứ Thiên Vương nhẫn đến chư vị Đại Tự Tại Thiên so với thường quang của Đức Phật không bằng một phần muôn ức, ở bên Phật khác nào cột cháy nám sánh với đống vàng diêm phù đàn.

Thích Đề Hoàn Nhơn, vị Thiên Vương cõi trời Đau Lợi bạch Ngài Tu Bồ Đề: “Chư vị Thiên Vương đây cùng hòa hiệp đều muốn nghe Đại Đức Tu Bồ Đề nói Bát nhã ba la mật.

Bạch Ngài Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát nên an trụ trong Bát nhã ba la mật thế nào? Những gì là Bát nhã ba la mật của đại Bồ Tát? Thế nào đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật?”

Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nầy Kiều Thi Ca! Tôi sẽ thừa thuận ý của Đức Phật mà nói Bát nhã ba la mật của đại Bồ Tát, như chỗ chư đại Bồ Tát phải an trụ trong Bát nhã ba la mật.

Nay chư Thiên Tử nào chưa phát tâm Vô thượng Bồ đề thời nên phát tâm. Người nào nhập chánh vị Thanh Văn thời chẳng thể phát tâm Vô thượng Bồ đề. Tại sao vậy? Vì chướng cách với sanh tử vậy.

Người nầy nếu phát bồ đề tâm, tôi cũng tùy hỉ. Vì bực thượng nhan phải nên lại cầu thượng pháp. Tôi trọn không dứt tuyệt công đức của họ.

Nầy Kiều Thi Ca! Gì là Bát nhã ba la mật?

Đại Bồ Tát đúng với tâm nhất thiết trí để tư niệm sắc là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã. Tư niệm sắc như bịnh, như mụn nhọt vỡ bể, như mũi tên ghim vào thân, làm cho đau đớn, suy hoại, lo sợ chẳng an, vì vô sở đắc vậy.

Tư niệm thọ, tưởng, hành, thức đến địa, thủy, hỏa, phong không thức, sáu đại chủng cũng như vậy, vì đều vô sở đắc cả.

Bồ Tát lại quán sắc đến thức chủng là tịch diệt, là ly, là bất sanh, là bất diệt, là bất cấu, là bất tịnh, vì vô sở đắc vậy.

Lại nầy Kiều Thi Ca! Đại Bồ Tát đúng với tâm thứ nhứt thiết trí quán vô minh duyên ra các hành nhẫn đến lão tử nhơn duyên tụ tập những sự khổ lớn, vì cũng vô sở đắc vậy.

Đại Bồ Tát quán vì vô minh diệt nên các hành diệt, nhẫn đến vì sanh diệt nên lão tử diệt. Vì lão tử diệt nên nhóm khổ lớn ưu bi khổ não cũng diệt, vì vô sở đắc vậy.

Lại nầy Kiều Thi Ca! Đại Bồ Tát đúng với tâm nhứt thiết chủng trí tu tứ niệm xứ, vì vô sở đắc vậy. Nhẫn đến mười tám pháp bất cộng, vì vô sở đắc vậy.

Lại nầy Kiều Thi Ca! Đại Bồ Tát đúng với tâm nhứt thiết trí thật hành Đàn na ba la mật đến Thiền na ba la mật, vì vô sở đắc vậy.

Lại Kiều Thi Ca! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát quán như vầy: Chỉ có các pháp và các pháp làm nhơn duyên cho nhau mà có thuận ích, tăng trưởng, phân biệt, so tính, trong đây không có ngã và ngã sở.

Tâm hồi hướng của Bồ Tát chẳng ở trong tâm Vô thượng Bồ đề, tâm bồ đề chẳng ở trong tâm hồi hướng.

Ở trong tâm Vô thượng Bồ đề, tâm hồi hướng bất khả đắc.

Ở trong tâm hồi hướng, tâm Vô thượng Bồ đề bất khả đắc.

Đại Bồ Tát dù quán tất cả pháp, nhưng cũng không có pháp khả đắc.

Đây gọi là Bát nhã ba la mật của đại Bồ Tát”.

Thích Đề Hoàn Nhơn hỏi Ngài Tu Bồ Đề: “Thế nào là tâm hồi hướng của Bồ Tát chẳng ở trong tâm Vô thượng Bồ đề, nhẫn đến ở trong tâm hồi hướng, tâm Vô thượng Bồ đề bất khả đắc”.

Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nầy Kiều Thi Ca! Tâm hồi hướng và tâm Vô thượng Bồ đề chẳng phải tâm, là chẳng phải tâm tướng.

Trong chẳng phải tâm tướng chẳng hồi hướng được, chẳng phải tâm tướng nầy thường chẳng phải tâm tướng. Bất khả tư nghì tướng thường bất khả tư nghì tướng. Đây gọi là Bát nhã ba la mật của đại Bồ Tát”.

Đức Phật khen: “Lành thay, lành thay! Tu Bồ Đề vì chư đại Bồ Tát mà nói Bát nhã ba la mật, an ổn tâm của đại Bồ Tát”.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: “Thế Tôn! Con phải báo ân.

Thuở quá khứ, chư Phật và các đệ tử vì hàng đại Bồ Tát nói sáu ba la mật dạy bảo lợi ích vui mừng. Lúc ấy đức Thế Tôn cũng ở nơi đó học được Vô thượng Bồ đề.

Hôm nay cũng phải vì hàng Bồ Tát nói sáu ba la mật, dạy bảo lợi ích vui mừng cho họ được Vô thượng Bồ đề”.

Ngài Tu Bồ Đề nói với Thích Đề Hoàn Nhơn: “Nầy Kiều Thi Ca! Nay Ngài nên nghe chỗ nên an trụ cùng chỗ chẳng nên an trụ trong Bát nhã ba la mật của đại Bồ Tát.

Nầy Kiều Thi Ca! Sắc sắc rỗng không, đến thức thức rỗng không, Bồ Tát Bồ Tát rỗng không.

Sắc không và Bồ Tát không nầy chẳng hai, chẳng khác, đến thức không và Bồ Tát không chẳng hai, chẳng khác.

Nầy Kiều Thi Ca! Trong Bát nhã ba la mật của đại Bồ Tát nên an trụ như vậy.

Lại nhãn nhãn rỗng không, đến ý rỗng không, Bồ Tát Bồ Tát rỗng không.

Nhãn không nhẫn đến Bồ Tát không chẳng hai, chẳng khác.

Lục trần, sắc đến pháp, lục đại, đại địa đến thức đại thức đại rỗng không, Bồ Tát Bồ Tát rỗng không.

Thức đại không và Bồ Tát không chẳng hai, chẳng khác.

Vô minh vô minh rỗng không đến lão tử lão tử rỗng không. Vô minh diệt vô minh diệt rỗng không đến lão tử diệt lão tử diệt rỗng không, Bồ Tát Bồ Tát rỗng không.

Vô minh không đến lão tử diệt không và Bồ Tát không chẳng hai, chẳng khác.

Nầy Kiều Thi Ca! Trong Bát nhã ba la mật của đại Bồ Tát phải an trụ như vậy.

Lại Đàn na ba la mật đến nhứt thiết chủng trí nhứt thiết chủng trí rỗng không, Bồ Tát Bồ Tát rỗng không.

Nhứt thiết chủng trí không và Bồ Tát không chẳng hai, chẳng khác.

Nầy Kiều Thi Ca! Trong Bát nhã ba la mật của đại Bồ Tát phải an trụ như vậy.

Thế nào trong Bát nhã ba la mật chỗ chẳng nên an trụ?

Nầy Kiều Thi Ca! Đại Bồ Tát chẳng nên an trụ trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức, vì có sở đắc vậy. Chẳng nên an trụ trong nhãn đến ý. Chẳng nên an trụ trong sắc đến pháp. Chẳng nên an trụ trong nhãn thức đến ý thức. Chẳng nên an trụ trong nhãn xúc, nhơn duyên, sanh thọ, vì có sở đắc vậy.

Chẳng nên an trụ trong Đàn na ba la mật đến nhứt thiết trí, vì có sở đắc vậy.

Lại nầy Kiều Thi Ca! Đại Bồ Tát đối với sắc là thường, sắc là vô thường, sắc là lạc, là khổ, sắc là tịnh, sắc là bất tịnh, sắc là ngã, sắc là vô ngã, sắc là không, sắc là bất không, sắc là tịch diệt, sắc là chẳng tịch diệt, sắc là ly, sắc là chẳng ly, đều chẳng nên an trụ, vì có sở đắc vậy. Như với sắc, với thọ, tưởng, hànht, thức cũng vậy.

Lại nầy Kiều Thi Ca! Đại Bồ Tát đối với vô vi tướng và phước điền của quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến của Phật đều chẳng nên an trụ, vì có sở đắc vậy.

Ở trong sơ phát tâm: Tôi phải đầy đủ sáu môn ba la mật, sẽ nhập Bồ Tát vị, sẽ ở bực bất thối chuyển, có đủ năm thần thông, đại Bồ Tát đều chẳng nên an trụ, vì có sở đắc vậy.

Có đủ năm thần thông rồi tôi sẽ đến vô lượng vô số cõi Phật để lễ kính cúng dường, nghe Phật thuyết pháp, nghe xong nói lại cho người khác. Tất cả như vậy, đại Bồ Tát đều chẳng nên an trụ, vì có sở đắc vậy.

Như quốc độ nghiêm tịnh của chư Phật, tôi cũng sẽ nghiêm tịnh quốc độ như vậy, sẽ thành tựu chúng sanh khiến họ nhập Phật đạo, sẽ đến chỗ của vô lượng vô số chư Phật để tán thán kính trọng cúng dường phát tâm Vô thượng Bồ đề. Tất cả như vầy, đại Bồ Tát đều chẳng nên an trụ, vì có sở đắc vậy.

Tôi sẽ sanh ngũ nhãn, sẽ sanh tất cả tam muội, tất cả đà la ni, sẽ được nhập lực, tứ vô úy, tứ vô ngại trí, mười tám pháp bất cộng, sẽ đầy đủ đại từ đại bi, ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình. Tất cả như vậy, đại Bồ Tát đều chẳng nên an trụ, vì có sở đắc vậy.

Đây là bát nhơn, là tín hành nhơn, là pháp hành nhơn, Tu Đà Hoàn tột bảy đời, Tu Đà Hoàn mạng chung sạch phiền não, Tu Đà Hoàn trung gian nhập Niết Bàn, người nầy hướng Tư Đà Hàm quả chứng, Tư Đà Hàm nhứt lai nhập Niết Bàn, người nầy hướng A Na Hàm quả chứng, A Na Hàm nơi kia nhập Niết Bàn, người nầy hướng A La Hán quả chứng, A La Hán đời nay nhập vô dư Niết Bàn, người nầy là Bích Chi Phật, trụ Bồ Tát địa, vượt hơn Thanh Văn, Bích Chi Phật, được đạo chủng trí, nhứt thiết chủng trí, đắc Vô thượng Bồ đề, sẽ chuyển pháp luân, làm Phật sự độ vô lượng chúng sanh nhập Niết Bàn. Tất cả như vậy, đại Bồ Tát đều chẳng nên an trụ, vì có sở đắc vậy.

Được tứ như ý túc, trụ trong tam muội nầy sẽ trụ thọ số kiếp như số cát sông Hằng, sẽ được ba mươi hai tướng, mỗi mỗi tướng có trăm phước trang nghiêm, thế giới của ta như hằng sa thế giới mười phương, Đại Thiên thế giới của ta thuần kim cang, cây bồ đề của ta sẽ phát ra mùi thơm làm cho chúng sanh dứt sạch thân bịnh và tâm bịnh, chúng sanh nghe mùi thơm nầy sẽ sạch tham, sân, si, cũng không có tâm Thanh Văn, Bích Chi Phật, tất cả sẽ được Vô thượng Bồ đề. Tất cả như vậy, đại Bồ Tát đều chẳng nên an trụ, vì có sở đắc vậy.

Sẽ khiến trong thế giới của tôi không có danh tự sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không có danh tự Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật, không có danh tự tứ niệm xứ đến bất cộng pháp, cũng không có danh tự Tu Đà Hoàn đến Phật. Tất cả như vậy, đại Bồ Tát đều chẳng nên an trụ, vì có sở đắc vậy.

Tại sao vậy? Vì chư Phật lúc đắc Vô thượng Bồ đề, tất cả pháp đề vô sở đắc vậy.

Nầy Kiều Thi Ca! Thế nên ở trong Bát nhã ba la mật, Bồ Tát chẳng nên an trụ, vì có sở đắc vậy.

Ngài Xá Lợi Phất nghĩ rằng nay đây Bồ Tát phải an trụ trong Bát nhã ba la mật như thế nào?”

Biết tâm niệm của Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nầy Xá Lợi Phất! Cứ theo ý Ngài thời chư Phật an trụ chỗ nào?”

Ngài Xá Lợi Phất nói: “Chư Phật không có chỗ an trụ.

Chư Phật chẳng an trụ trong sắc, chẳng an trụ trong thọ, tưởng, hành, thức, chẳng an trụ trong tánh hữu vi, trong tánh vô vi, chẳng an trụ trong tứ niệm xứ đến bất cộng pháp, chẳng an trụ trong nhứt thiết chủng trí.

Trong Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát phải an trụ như chư Phật an trụ. Nơi tất cả pháp chẳng phải an trụ chẳng phải chẳng an trụ.

Trong Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát phải học như vậy, phải an trụ nơi pháp chẳng trụ”.

Bấy giờ trong pháp hội có chư Thiên Tử nghĩ rằng lời nói câu chữ của hàng Dạ Xoa còn có thế rõ biết được, Đại Đức Tu Bồ Đề luận nói, giải thích Bát nhã ba la mật, chúng tôi trọn chẳng biết chi cả.

Ngài Tu Bồ Đề biết tâm niệm của Chư Thiên Tử nên hỏi rằng: “Các Ngài chẳng hiểu, chẳng biết ư?”

Chư Thiên Tử nói: “Bạch Đại Đức! Chúng tôi chẳng hiểu, chẳng biết”.

Ngài Tu Bồ Đề nói: “Đúng ra thời các Ngài phải nên chẳng biết, còn tôi thì không có luận nói, nhẫn đến tôi không nói đến một chữ, cũng không có người nghe.

Tại sao vậy? Vì những chữ chẳng phải Bát nhã ba la mật. Trong Bát nhã ba la mật không có thích giả.

Vô thượng Bồ đề của chư Phật không có chữ, không có lời.

Nầy các Ngài! Như Đức Phật biến hóa thành hóa nhơn. Hoá nhơn nầy lại biến hóa bốn bộ chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Như-lai-tạng Tiểu thừa, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di. Ở giữa bốn bộ chúng nầy, hóa nhơn thuyết pháp.

Ý các Ngài nghĩ thế nào, trong đó có thuyết giả, có thích giả, có trí giả chăng?“

Chư thiên Tử nói: “Bạch Đại Đức! Không có”.

Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nầy các Ngài! Tất cả pháp đều như biến hóa, trong đó không có thuyết giả, không có thích giả cũng không có tri giả.

Nầy các Ngài! Ví như có người chiêm bao thấy Phật thuyết pháp, ý các Ngài nghĩ thế nào, trong đó có thuyết giả, thính giả và tri giả chăng?”

Chư Thiên Tử nói: “Bạch Đại Đức! Không có”.

Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nầy các Ngài! Tất cả các pháp đều như chiêm bao, không có người nói, không có người nghe, không có người biết.

Nầy các Ngài! Ví như có hai người ở một bên bờ khe sâu lên tiếng ca ngợi Phật, Pháp và Tăng phát ra hai vang.

Ý các Ngài nghĩ thế nào, hai vang ấy có hiểu lẫn nhau chăng?”

Chư Thiên Tử nói: “Bạch Đại Đức! Không”. 
Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nầy các Ngài! Tất cả pháp cũng như vang, không thuyết giả, không thích giả, không tri giả.

Nầy các Ngài! Như nhà ảo thuật giỏi, ở giữa ngã tư đường hóa làm Phật và bốn bộ chúng rồi thuyết pháp. Ý các Ngài nghĩ thế nào, trong đó có người nói, người nghe, người biết không?”

Chư Thiên Tử nói: “Bạch Đại Đức! Không có”.

Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nầy các Ngài! Tất cả pháp như ảo huyễn, trong đó không có thuyết giả, thích giả, cũng không có tri giả”.

Bấy giờ chư Thiên Tử nghĩ rằng Đại Đức Tu Bồ Đề giải nói muốn cho dễ hiểu mà trở lại càng thâm, càng diệu.

Ngài Tu Bồ Đề biết tâm niệm của chư Thiên Tử mà nói rằng: “Nầy các Ngài! Sắc chẳng phải thâm, chẳng phải diệu, thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải thâm, chẳng phải diệu. Sắc tánh đến thức tánh chẳng phải thâm, chẳng phải diệu. Nhãn tánh đến ý tánh, sắc tánh đến pháp tánh, nhãn giới tánh đến ý thức giới tánh, nhãn xúc đến ý xúc, nhãn xúc, nhơn duyên, sanh thọ đến ý xúc, nhơn duyên, sanh thọ đều chẳng phải thâm, chẳng phải diệu.

Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật, nội không đến vô pháp hữu pháp không, tứ niệm xứ đến bất cộng pháp, tất cả tam muội đến tất cả đà la ni, nhứt thiết chủng trí và nhứt thiết chủng trí tánh đều chẳng phải thâm, chẳng phải diệu”.

Chư Thiên Tử nghĩ rằng trong thuyết pháp ấy chẳng phải nói sắc đến chẳng nói nhứt thiết chủng trí, chẳng nói Tu Đà Hoàn quả đến A La Hán quả, chẳng nói Bích Chi Phật đạo, chẳng nói Vô thượng Bồ đề đạo, trong chẳng pháp ấy chẳng nói danh tự ngữ ngôn.

Ngài Tu Bồ Đề biết tâm niệm của chư Thiên Tử nên nói rằng: “Nầy các Ngài! Đúng như vậy, trong pháp ấy, Vô thượng Bồ đề của chư Phật không có tướng nói được, trong ấy không có thuyết giả, không có thính giả, không có tri giả.

Nầy các Ngài! Do đây nên thiện nam tử, thiện nữ nhơn, người muốn an trụ Tu Đà Hoàn quả, muốn y chứng Tu Đà Hoàn quả, người nầy chẳng lìa rời trí nhẫn trên đây. Người muốn an trụ, muốn chứng Tư Đà Hàm quả, A Na Hàm quả, A La Hán quả, Bích Chi Phật đạo và Phật đạo, người nầy chẳng rời lìa trí nhẫn trên đây.

Nầy các Ngài! Đại Bồ Tát từ sơ phát tâm, ở trong Bát nhã ba la mật, phải an trụ như vậy. Vì không có nói, không có nghe vậy”.

Tiêu điểm: