QUYỂN THỨ BA
PHẨM HÀNH TƯỚNG
THỨ MƯỜI
Ngài Tu Bồ Ðề bạch Đức Phật: "Bạch
đức Thế Tôn! Ðại Bồ Tát nếu không phương tiện mà muốn thật hành Bát nhã ba la
mật, nếu duyên nơi sắc, nếu duyên nơi thọ, tưởng, hành, thức, thời là hành
tướng, nếu duyên nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức, hoặc thường hay vô thường,
hoặc lạc hay khổ, hoặc hữu hay không, hoặc ngã hay vô ngã, hoặc ly, hoặc tịch
diệt, đây đều là hành tướng cả.
Nếu đại Bồ Tát không phương tiện mà duyên nơi tứ
niệm xứ, nhẫn đến duyên nơi mười tám pháp bất cộng, đây là hành tướng.
Nếu thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát nghĩ
rằng: Tôi có thật hành Bát nhã ba la mật, đây là hành tướng. Hoặc lại nghĩ rằng
có thể thật hành như vậy thời là tu hành Bát nhã ba la mật, đây cũng là hành
tướng. Nên biết đại Bồ Tát nầy không có phương tiện mà thật hành Bát nhã ba la
mật.
Ngài Tu Bồ Ðề lại nói với Ngài Xá Lợi Phất:
"Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, nếu đại Bồ Tát phân biệt duyên nơi sắc,
vì vấn đề sắc mà khởi hạnh. Nếu vì vấn đề sắc mà khởi hạnh, thời chẳng thể
thoát ly sanh, lão, bệnh, tử, ưu bi, khổ não và khổ quả đời sau. Như sắc với
thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy.
Như ngũ ấm với lục căn, lục trần, thập bát giới
với tứ niệm xứ, nhẫn đến mười tám pháp bất cộng cũng vậy. Nếu đại Bồ Tát phân
biệt duyên nơi pháp bất cộng, vì vấn đề pháp bất cộng mà khởi hạnh thời chẳng
thể thoát ly sanh, lão, bịnh, tử, ưu bi, khổ não và quả khổ đời sau
Bồ Tát như đây còn chẳng thể chứng bực Thanh Văn,
Bích Chi Phật huống là có thể được Vô thượng Bồ đề.
Nên biết Bồ Tát như vậy là không phương tiện mà
thật hành Bát nhã ba la mật”.
Ngài Xá Lợi Phất hỏi: "Thế nào biết rằng đại
Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật mà có phương tiện?"
Ngài Tu Bồ Ðề nói: "Lúc muốn thật hành Bát
nhã ba la mật, đại Bồ Tát chẳng duyên nơi sắc, chẳng duyên nơi thọ, tưởng,
hành, thức, chẳng duyên nơi tướng của sắc, chẳng duyên nơi tướng của thọ,
tưởng, hành, thức cũng chẳng duyên nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức là thường,
là vô thường, là lạc, là khổ, là ngã, là vô ngã, là không, là vô tướng, là vô
tác, là ly, là tịnh diệt. Với tất cả, đại Bồ Tát đều chẳng duyên.
Tại sao vậy?
Nầy Xá Lợi Phất! Sắc không đây thời chẳng phải
sắc, rời ngoài không cũng chẳng có sắc, rời ngoài sắc cũng chẳng có không, sắc
tức là không, không tức là sắc. thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.
Nhẫn đến mười tám pháp bất cộng, pháp bất cộng
không thời là chẳng phải pháp bất cộng, rời không chẳng có pháp bất cộng, rời
pháp bất cộng cũng chẳng có không, pháp bất cộng tức là không, không tức là
pháp bất cộng.
Nên biết đây là đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba
la mật có phương tiện vậy.
Thật hành Bát nhã ba la mật mà có phương tiện như
vậy, đại Bồ Tát nầy có thể được Vô thượng Bồ đề.
Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát nầy
chẳng nhận lấy thật hành, chẳng nhận lấy chẳng thật hành, chẳng nhận lấy thật
hành chẳng thật hành, cũng chẳng nhận lấy chẳng phải thật hành chẳng phải chẳng
thật hành. Chẳng nhận lấy, cũng chẳng nhận lấy”.
Ngài Xá Lợi Phất hỏi: "Duyên cớ gì mà đại Bồ
Tát chẳng nhận lấy?”
Ngài Tu Bồ Ðề nói: "Vì tự tánh bất khả đắc
nên chẳng nhận lấy.
Tại sao vậy? Vì không có tánh, chính đó là Bát
nhã ba la mật. Thế nên đại Bồ Tát với tất cả đều chẳng nhận lấy. Với chẳng nhận
lấy, cũng chẳng nhận lấy.
Tại sao vậy? Vì pháp tánh là vô sở hữu nên chẳng
duyên nơi pháp, cũng chẳng nhận lấy các pháp tướng.
Ðây gọi là tác dụng quảng đại của chư pháp vô sở
thọ tam muội của đại Bồ Tát. Tam muội chẳng cùng chung với hàng Thanh Văn, Bích
Chi Phật.
Ðại Bồ Tát thường thật hành tam muội nầy mà chẳng
rời thời mau được Vô thượng Bồ đề”.
Ngài Xá Lợi Phất hỏi: "Chỉ chẳng rời tam
muội nầy mà đại Bồ Tát mau được Vô thượng Bồ đề, hay là còn những tam muội
khác?”
Ngài Tu Bồ Ðề nói: "Những tam muội sau đây
cũng làm cho đại Bồ Tát mau được Vô thượng Bồ đề. Như là thủ lăng nghiêm tam
muội, bửu ấn tam muội, sư tử du hí tam muội, diệu nguyệt tam muội, nguyệt tràng
tướng tam muội, xuất chư pháp ấn tam muội, quán đảnh tam muội, tất pháp tánh
tam muội, tất tràng tướng tam muội, kim cang tam muội, nhập pháp ấn tam muội,
tam muội vương an lập tam muội, vương ấn tam muội, phóng quang tam muội, lực
tấn tam muội, xuất sanh tam muội, tất nhập biện tài tam muội, nhập danh tự tam
muội, quán phương tam muội, đà la ni ấn tam muội, bất vong tam muội, nhiếp chư
pháp hải ấn tam muội, biến phú hư không tam muội, kim cang luân tam muội, bửu
đoạn tam muội, năng chiếu diệu tam muội, bất cầu tam muội, tam muội vô xứ trụ
tam muội, vô tâm tam muội, tịnh đăng tam muội, vô biên minh tam muội, năng tác
minh tam muội, phổ chiếu minh tam muội, kiên tịnh chư tam muội tam muội, vô cấu
minh tam muội, tác nhạc tam muội, điển quang tam muội, vô tịnh tam muội, oai
đức tam muội, ly tận tam muội, bất động tam muội, trang nghiêm tam muội, nhựt
quang tam muội, nguyệt tịnh tam muội, tịnh minh tam muội, tác hành tam muội,
tri tướng tam muội, như kim cang tam muội, tâm trụ tam muội, biến chiếu tam
muội, an lập tam muội, bửu đảng tam muội, diệu pháp ấn tam muội, pháp đẳng tam
muội, lập sanh hỉ tam muội, đáo pháp đảnh tam muội, năng tán tam muội, hoại chư
pháp xứ tam muội, tự đẳng tướng tam muội, ly tự tam muội, đoạn duyên tam muội,
bất hoại tam muội, vô chủng tướng tam muội, vô xứ hành tam muội, ly ám tam
muội, vô khứ tam muội, độ duyên tam muội, tập chư đức tam muội, trụ vô tâm tam
muội, tịnh diệu hoa tam muội, giác ý tam muội, vô lượng biện tam muội, vô đẳng
đẳng tam muội, độ chư pháp tam muội, phân biệt chư pháp tam muội, tán nghi tam
muội, vô trụ xứ tam muội, nhứt tướng tâm muội, bất nhứt hạnh tam muội, diệu
hạnh tam muội, đạt nhứt thiết hữu để tán tam muội, nhập ngôn ngữ tam muội, ly
âm thanh tự ngữ tam muội, nhiên cự tam muội, tịnh tướng tam muội, phá tướng tam
muội, nhứt thiết chủng như túc tam muội, bất hỷ khổ lạc tam muội, bất tận hành
tam muội, đà la ni tam muội, thủ chư tà chánh tướng tam muội, diệt tắng ái tam
muội, nghịch thuận tam muội, tịnh quang tam muội, kiên cố tam muội, mãn nguyệt
tịnh quang tam muội, đại trang nghiêm tam muội, năng chiếu nhứt thiết thế tam
muội, đẳng tam muội, vô tránh hạnh tam muội, vô trụ xứ lạc tam muội, như trụ
định tam muội, hoại thân tam muội, hoại ngữ như hư không tam muội, ly trước như
hư không bất nhiễn tam muội.
Nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát thật hành các môn tam
muội trên đây cùng vô lượng vô số môn tam muội môn đà la ni đều có thể mau được
Vô thượng Bồ đề”.
Thuận theo ý của Đức Phật, Ngài Tu Bồ Ðề nói:
"Nên biết rằng chư đại Bồ Tát thật hành các môn tam muội nầy, thời đã được
chư Phật quá khứ thọ ký. Chư Phật hiện tại ở mười phương cũng thọ ký cho đại Bồ
Tát nầy.
Chư đại Bồ Tát
nầy chẳng thấy, chẳng nghĩ những tam muội ấy, cũng chẳng nghĩ rằng tôi sẽ nhập,
đương nhập, hay đã nhập những tam muội ấy. Chư
đại Bồ Tát nầy hoàn toàn không có quan niệm phân biệt”.
Ngài Xá Lợi Phất hỏi: "Ðại Bồ Tát an trụ nơi
những tam muội nầy, có phải đã được thọ ký từ chư Phật quá khứ chăng?"
Ngài Tu Bồ Ðề nói: "Không phải. Tại sao vậy?
Nầy Xá Lợi Phất! Bát nhã ba la mật chẳng khác những tam muội, . Những tam muội
chẳng khác Bát nhã ba la mật. Bồ Tát chẳng khác Bát nhã ba la mật và tam muội.
Bát nhã ba la mật và tam muội chẳng khác Bồ Tát. Bát nhã ba la mật tức là tam
muội. Tam muội tức là Bát nhã ba la mật. Bồ Tát tức là Bát nhã ba la mật và tam
muội. Bát nhã ba la mật và tam muội tức là Bồ Tát”.
Ngài Xá Lợi Phất hỏi: "Nếu tam muội chẳng
khác Bồ Tát, Bồ Tát chẳng khác tam muội, tam muội tức là Bồ Tát, Bồ Tát tức là
tam muội, thời Bồ Tát thế nào biết tất cả pháp là tam muội?"
Ngài Tu Bồ Ðề nói: "Lúc Bồ Tát nhập tam muội
nầy chẳng nghĩ rằng tôi dùng pháp nầy để nhập tam muội nầy. Do duyên cớ đây nên
đối với các tam muội, Bồ Tát chẳng biết, chẳng nhớ”.
Ngài Xá Lợi Phất hỏi: "Tại sao chẳng biết,
chẳng nhớ ?"
Ngài Tu Bồ Ðề nói: "Vì các tam muội vô sở
hữu nên Bồ Tát chẳng biết, chẳng nhớ”.
Ðức Phật khen: "Lành thay, lành thay! Nầy Tu
Bồ Ðề! Ðúng như lời của Phật từng nói, ông là người thật hành vô tránh tam muội
đệ nhứt được tương ứng với nghĩa nầy.
Ðại Bồ Tát phải y theo nghĩa nầy mà học sáu ba la
mật, tứ niệm xứ nhẫn đến mười tám pháp bất cộng”.
Ngài Xá Lợi Phất thưa: "Bạch đức Thế Tôn!
Ðại Bồ Tát học như vậy có phải là học Bát nhã ba la mật chăng?"
Ðức Phật nói: "Ðại Bồ Tát học như vậy chính
là học Bát nhã ba la mật bì pháp ấy là bất khả đắc. Cũng chính là học năm ba la
mật kia cùng tứ niệm xứ nhẫn đến mười tám pháp bất cộng, vì pháp ấy là bất khả
đắc vậy”.
Ngài Xá Lợi Phất thưa: "Bạch đức Thế Tôn!
Ðại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật như vậy, có phải pháp ấy là bất khả đắc chăng?"
Ðức Phật nói: "Ðại Bồ Tát học Bát nhã ba la
mật như vậy, pháp ấy là bất khả đắc”.
Ngài Xá Lợi Phất thưa: "Bạch đức Thế Tôn!
Những pháp gì là bất khả đắc?"
Ðức Phật nói: "Ngã là bất khả đắc, nhẫn đến
tri giả, kiến giả là bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh vậy. Ngũ ấm, thập nhị
xứ, thập bát giới là bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh vậy. Tứ đế, thập nhị
nhơn duyên là bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh vậy. Dục giới, Sắc giới, Vô
sắc giới là bất khả đắc, vì rốt ráo thanh tịnh vậy. Tứ niệm xứ nhẫn đến mười
tám pháp bất cộng là vô sở đắc, vì rốt ráo thanh tịnh vậy. Sáu ba la mật là vô
sở đắc, vì rốt ráo thanh tịnh vậy. Tu Ðà Hoàn, Tư Ðà Hàm, A Na Hàm, A La Hán,
Bích Chi Phật, Bồ Tát, Phật là vô sở đắc, vì rốt ráo thanh tịnh vậy”.
Ngài Xá Lợi Phất hỏi: "Bạch đức Thế Tôn!
Những gì là rốt ráo thanh tịnh?"
Ðức Phật nói: "Chẳng xuất, chẳng sanh, không
được, không làm, đây gọi là rốt ráo thanh tịnh”.
Bạch đức Thế Tôn! Nếu đại Bồ Tát học như vậy, đó
là học những pháp gì ?
Nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát học như vậy, với các
pháp là vô sở học. Tại sao vậy? Nầy Xá Lợi Phất! Các pháp tướng chẳng phải như
chỗ chấp trước của kẻ phàm phu.
Bạch đức Thế Tôn! Các pháp thiệt tướng thế nào có
?
Nầy Xá Lợi Phất! Các pháp vô sở hữu. Hữu như vậy,
vô sở hữu như vậy, nơi sự nầy mà chẳng biết thời gọi là vô minh.
Bạch đức Thế Tôn! Những gì là vô sở hữu, nơi sự
nầy chẳng biết nên gọi là vô minh?
Nầy Xá Lợi Phất! Ngũ ấm đến thập bát giới là vô
sở hữu, tứ niệm xứ đến pháp bất cộng là vô sở hữu. Tại sao vậy? Vì là nội
không, nhẫn đến vô pháp hữu pháp không vậy.
Ở trong đây, vì sức vô minh làm cho khát ái nên
kẻ phàm phu vọng thấy phân biệt. Ðây gọi là vô minh. kẻ phàm phu nầy bị nhị
biên trói buộc nên chẳng biết, chẳng thấy các pháp vô sở hữu. Do đây mà nhớ
tưởng phân biệt chấp trước nơi sắc, nhẫn đến pháp bất cộng.
Nơi pháp vô sở hữu, vì chấp trước nên người nầy
sanh ra sự phân biệt biết và thấy. Ðây là kẻ phàm phu chẳng biết, chẳng thấy.
Chẳng thấy, chẳng biết những gì ? Chẳng thấy, chẳng biết sắc, nhẫn đến chẳng
thấy, chẳng biết pháp bất cộng. Do cớ nầy mà sa vào hàng phàm phu như trẻ nít.
Người nầy chẳng ra khỏi. Chẳng ra khỏi chỗ nào?
Chẳng ra khỏi Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, chẳng ra khỏi trong pháp của
Thanh Văn, Bích Chi Phật.
Người nầy cũng chẳng tin. Chẳng tin những gì ?
Chẳng tin sắc không, nhẫn đến chẳng tin pháp bất cộng không.
Người nầy cũng chẳng an trụ. Chẳng an trụ nơi
đâu? Chẳng an trụ nơi lục ba la mật, chẳng an trụ bực bất thối chuyển, nhẫn đến
chẳng an trụ pháp bất cộng.
Do duyên cớ nầy mà gọi là phàm phu như trẻ nít.
Cũng gọi là kẻ chấp trước. Chấp trước những gì ? Chấp trước sắc, nhẫn đến ý
thức giới, chấp trước tham, nhẫn đến tà kiến, chấp trước tứ niệm xứ, nhẫn đến
Phật đạo.
Bạch đức Thế Tôn! Ðại Bồ Tát học như vậy, có phải
cũng là chẳng học Bát nhã ba la mật, chẳng được nhứt thiết chủng trí chăng?
Nầy Xá Lợi Phất! Ðại Bồ Tát học như vậy cũng là
chẳng học Bát nhã ba la mật, chẳng được nhứt thiết chủng trí.
Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát nầy không phương tiện
nên nghĩ tưởng phân biệt chấp trước Bát Nhã, Thiền na, Tỳ lê gia, Sằn đề, Thi
la và Ðàn na ba la mật, nhẫn đến nghĩ tưởng, phân biệt, chấp trước pháp bất
cộng và nhứt thiết chủng trí. Vì duyên cớ nầy nên đại Bồ Tát học như vậy cũng
là chẳng học Bát nhã ba la mật, chẳng được nhứt thiết chủng trí.
Bạch đức Thế Tôn! Nếu như vậy thời đại Bồ Tát
phải học Bát nhã ba la mật như thế mới là học Bát nhã ba la mật được nhứt thiết
chủng trí?
Nầy Xá Lợi Phất! Lúc học Bát nhã ba la mật, nếu đại
Bồ Tát chẳng thấy Bát nhã ba la mật thời là học Bát nhã ba la mật được nhứt
thiết chủng trí, vì bất khả đắc vậy.
Bạch đức Thế Tôn! Tại sao gọi là bất khả đắc?
Nầy Xá Lợi Phất! Vì tất cả pháp nội không nhẫn đến vô
pháp hữu pháp không vậy”.