QUYỂN THỨ BA MƯƠI
PHẨM CHÚC LỤY
THỨ CHÍN MƯƠI
Bấy giờ Đức Phật bảo Ngài A Nan: “Này A Nan! Ý ông nghĩ sao? Ðức Phật có phải là đại sư của ông chăng? Còn ông có phải là đệ tử của Đức Phật chăng?”
Ngài A Nan thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Ðức Phật là đại sư của tôi. Ðấng Thiện Thệ là đại sư của tôi. Tôi là đệ tử của Đức Phật”.
- Ðúng như vậy. Ðức Phật là đại sư của ông. Ông là đệ tử của Đức Phật.
Nếu như chỗ phải làm của hàng đệ tử thì ông đã làm rồi.
Này A Nan! Ông dùng nghiệp thân,khẩu, ý nhơn từ cúng dường, hầu hạ Đức Phật, cũng thường đúng theo ý của Đức Phật, không có trái lỗi.
Này A Nan! Thân ta hiện tại đây, ông ái kính, cúng dường, cung cấp, hầu hạ, tâm ông thường thanh tịnh.
Sau khi ta diệt độ, tất cả sự ái kính, cúng dường, cung cấp ấy ông phải dành cho Bát nhã ba la mật.
Nhẫn đến lần thứ hai, lần thứ ba, đưc Phật đem Bát nhã ba la mật chúc lụy cho ông.
Này A Nan! Ông chớ có quên, chớ để mất, chớ làm người đoạn Phật chủng tối hậu.
Này A Nan! Tùy bao nhiêu thời gian mà Bát nhã ba la mật còn tại thế gian, phải biết là bao nhiêu thời gian có Phật ở đời thuyết pháp.
Này A Nan! Nếu có ai biên chép Bát nhã ba la mật, rồi thọ trì, đọc tụng, chánh ức niệm, rộng giảng thuyết cho người, lấy các thứ hoa hương,phan lọng, bửu Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý, đèn đuốc cung kinh, tôn trọng, ca ngợi, cúng dường, phải biết người ấy chẳng rời thấy Phật, chẳng rời nghe pháp, được thường gần bên Phật”.
Ðức Phật nói Bát nhã ba la mật rồi, Di Lặc Bồ Tát v.v… chư Thiên Ðế Thích, Huệ Mạng Tu Bồ Ðề, Huệ Mạng Xá Lợi phất, Ðại Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp, Phú Lâu Na Di Ða La Ni Tử, Ma Ha Câu Si La, Ma Ha Ca Chiên Diên, A Nan v.v… cùng tất cả đại chúng và tất cả thế gian, chư Thiên, nhơn chúng, Càn thát bà, A tu la v.v..nghe lời Đức Phật nói đều rất vui mừng.
TRỌN BA MƯƠI QUYỂN
Dịch xong ngày Phật Ðản 2517
Rằm tháng tư năm Quý Sửu
(17-5-1973)
Tỳ Kheo THÍCH TRÍ TỊNH
LỜI BẠT
của Dịch giả
Phật lịch 2511 (1967), tôi bắt đầu phiên dịch bộ Ma ha bát nhã ba la mật Kinh ba mươi quyển trong Hán Tạng ra việt văn và được đại đức trụ trì chùa Hải Tuệ ở chợ Trương Minh Giảng lo ấn hành. Cứ mười bộ ở quyển chữ Hán được dịch ra Việt văn thì in thành một tập. Bổn thảo Việt dịch tập lần thứ nhất đưa cho nhà in Sen vàng, lo ấn loát chưa xong thì bị đại nạn Tết Mậu Thân, phần lên khuôn bị cháy mất, may mà mấy tập bổn thảo còn sót lại. Vì biến cố ấy mà tập thứ nhất đến năm Phật lịch 2513 (1969) mới in xong và đến tay đọc giả.
Lúc sắp in tập thứ hai, biến cố thứ hai lại xảy ra, người đứng lo ấn hành, Ðại đức trụ trì chùa hải Tuệ bị đại nạn mất tích.
Ðến năm Phật lịch 2515 (1971), Ðại đức Thông Phương tiếp nối công trình dở dang của Ðại đức trụ trì chùa Hải Tuệ phụ trách, và đầu năm Phật lịch 2516 (1972), tập kinh thứ hai mới đến tay chư Phật tử, và Ðại đức Thông Phương cũng viên tịch vì bạo bệnh cách vài tháng sau cùng năm.
Ðầu năm nay, Phật lịch 2517 (1973), Ðại đức Thích Hồng Minh tiếp nối đảm nhận ấn hành tập thứ ba, và bộ kinh Ma ha bát nhã ba la mật ba mươi quyển (30) Việt dịch này được lưu hành trọn vẹn bốn ngàn bộ (mỗi bộ gồm ba tập).
Bao cam go, bao trở ngại, bộ kinh Việt văn mới được hoàn thành. Nhưng xét lại cũng chưa bằng muôn một sự hi sanh vì chánh pháp, vì Bát nhã ba la mật của chư Phật, chư Ðại Bồ Tát, từ nhiều kiếp nhiều đời.
Xin ghi lại nguyên thủy cội ngành của bộ kinh Việt văn này hầu chư quý đọc giả nay và mai.
Ngưỡng vọng Tam Bảo oai thần, Bát nhã công đức gia hộ cho mọi người tất cả chúng sanh: tội chướng tiêu trừ, căn lành tăng trưởng, đồng được đầy đủ Bát nhã ba la mật, đồng viên thành Phật đạo.
PHẬT LỊCH 2517 (1973)
Ngày tiền an cư năm Quý Sửu
Dịch giả: Tỳ Kheo THÍCH TRÍ TỊNH
Kính ghi
THÍCH NGHĨA SÁM PHÁP
1.- Phiền não, nghiệp nhơn, quả báo, ba món đều hay làm chướng ngại đường giải thoát nên gọi: “Ba món chướng”.
2.- Ðem thân mạng về nương, giao phó cho Phật, Pháp, Tăng, chính là nghĩa của hai chữ “Nam Mô”.
3.- Nói đủ là sám ma hối quá. “Sám ma” là tiếng Phạm, nghĩa là “hối quá” tức là ăn năn tội trước, ngừa giữ lỗi sau.
4.- Nhãn, nhĩ, tỷ, thiện, thân, ý, sáu căn và ba nghiệp” thân, khẩu, ý.
5.- Giết Cha, giết Mẹ, giết Thánh nhơn, ác tâm làm thân Phật ra máu, phá hòa hiệp Tăng, gọi là năm tội nghịch, nếu phạm sẽ bị đọa vào ngục Vô gián nên nói là tội Vô gián. Ngục Vô gián là chỗ thọ khổ không có lúc nào ngừng ngớt.
6.- A tu la, Súc sanh, Ngạ quỷ, Ðịa ngục, các đường đó vui ít khổ nhiều, do nghiệp dữ cảm ra.
7.- Bày lộ tội lỗi ra trước chúng Nhơn, không chút giấu che thời gọi là phát lồ, trái với phú tàng (che giấu). Có phát lồ thời tội mới tiêu, như bịnh cảm mà đặng phát hạn (ra mồ hội).