Bắc truyền
Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật
Hán Dịch: Pháp Sư Cưu-Ma-La-Thập Việt Dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh
23/07/2554 13:01 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật
Mục lục
Xem toàn bộ

QUYỂN THỨ MƯỜI MỘT

PHẨM PHÁP THÍ 
THỨ BA MƯƠI TÁM 
(Phần Trên)

Đức Phật nói với Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhơn: “Nầy Kiều Thi Ca! Nếu có thiện nam, thiện nữ dạy người một Diên Phù Đề thật hành thập thiện đạo. Người nầy được phước nhiều chăng?”

Thiên Đế thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Người nầy được phước rất nhiều”.

Đức Phật nói: “Nầy Kiều Thi Ca! Vẫn không bằng phước của người biên chép, thọ trì quyển kinh Bát nhã ba la mật rồi đem cho người khác bảo đọc, tụng giải thuyết.

Tại sao vậy?

Trong Bát nhã ba la mật nói rộng các pháp vô lậu. Các thiện nam, thiện nữ từ trong đây tu học, đã học, sẽ học, hiện đương học, đã được, sẽ được, hiện được nhập trong chánh pháp vị, đã được, sẽ được, hiện được quả Tu Đà Hoàn nhẫn đến quả A La Hán. Người cầu Bích Chi Phật đạo cũng vậy.

Chư đại Bồ Tát cầu Vô thượng Bồ đề đã nhập, sẽ nhập, hiện nhập trong chánh pháp vị, đã được, sẽ được, hiện được Vô thượng Bồ đề.

Nầy Kiều Thi Ca! Những gì là pháp vô lậu?

Chính là tứ niệm xứ đến mười tám pháp bất cộng.

Thiện nam, thiện nữ học pháp nầy, đã được, sẽ được, hiện được Vô thượng Bồ đề.

Nầy Kiều Thi Ca! Nếu có thiện nam, thiện nữ dạy cho một người quả Tu Đà Hoàn, người nầy được phước nhiều hơn dạy người một Diêm Phù Đề thật hành thập thiện đạo.

Tại sao vậy? Vì dạy người một Diêm Phù Đề thật hành thập thiện đạo, chẳng xa rời hẳn khổ ba ác đạo.

Còn dạy một người cho quả Tu Đà Hoàn thời xa rời hẳn khổ Địa ngục, Ngạ quỷ, Ngạ quỷ, Súc sanh.

Nhẫn đến quả A La Hán và đạo Bích Chi Phật cũng vậy.

Nầy Kiều Thi Ca! Nếu thiện nam, thiện nữ dạy người một Diêm Phù Đề cho được quả Tu Đà Hoàn, Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật đạo, chẳng bằng dạy một người cho được Vô thượng Bồ đề được phước rất nhiều.

Tại sao vậy?

Do nhơn duyên Bồ Tát mà xuất sanh Tu Đà Hoàn đến Bích Chi Phật. Do nhơn duyên Bồ Tát mà xuất sanh chư Phật.

Nầy Kiều Thi Ca! Vì thế nên biết rằng thiện nam, thiện nữ chép quyển kinh Bát nhã ba la mật đem cho người khác đọc tụng, giải thuyết được phước rất nhiều.

Tại sao vậy?

Vì trong Bát nhã ba la mật nầy nói rộng các pháp thiện. Học các thiện pháp nầy bèn xuất sanh những đại tộc ở nhơn gian và chư Thiên các cõi trời nhẫn đến Phi Phi Tưởng Thiên.

Học các thiện pháp nầy bèn xuất sanh tứ niệm xứ đến nhứt thiết chủng trí, bèn có Tu Đà Hoàn đến Bích Chi Phật, bèn có chư Phật.

Lại nầy Kiều Thi Ca! Không luận dạy người một Diêm Phù Đề. Nếu có thiện nam, thiện nữ dạy cả chúng sanh trong bốn thiên hạ thật hành thập thiện đạo, chẳng bằng người chép quyển kinh Bát nhã ba la mật đem cho người khác đọc tụng, giải thuyết, được phước rất nhiều. Những điều khác như trên đã nói.

Không luận bốn thiên hạ. Nếu có thiện nam, thiện nữ dạy cả chúng sanh trong Tiểu thiên thế giới, Trung thiên thế giới, Đại thiên thế giới, nhẫn đến dạy cả chúng sanh trong hằng sa thế giới thật hành thập thiện đạo, chẳng bằng người chép quyển kinh Bát nhã ba la mật đem cho người khác đọc tụng, giải thuyết, được phước rất nhiều. Những điều khác như trên đã nói.

Lại nầy Kiều Thi Ca! Có người dạy cả chúng sanh trong một Diêm Phù Đề cho họ đứng vững nơi tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, ngũ thần thông. Người nầy được phước nhiều chăng?

Thiên Đế thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Người nầy được phước rất nhiều”.

Đức Phật nói: “Vẫn chẳng bằng thiện nam, thiện nữ chép quyển kinh Bát nhã ba la mật đem cho người khác đọc tụng, giải thuyết, được phước rất nhiều.

Tại sao vậy? Vì trong Bát nhã ba la mật nầy nói rộng các thiện pháp. Những điều khác như trên đã nói. Nhẫn đến dạy cả chúng sanh trong hằng sa thế giới ở trong mười phương thật hành thập thiện đạo, so sánh phước đức cũng như vậy.

Lại nầy Kiều Thi Ca! Nếu có thiện nam, thiện nữ thọ trì, đọc tụng, giài thuyết, chánh ức niệm Bát nhã ba la mật.

Người nầy được phước hơn người dạy cả chúng sanh trong Diêm Phù Đề thật hành thập thiện đạo cùng an lập nơi tứ thiền đến ngũ thần thông.

Người chánh ức niệm, thọ trì, thân cận nhẫn đến chánh ức niệm Bát nhã ba la mật chẳng do nhị pháp cũng chẳng co bất nhị pháp.

Thọ trì, thân cận nhẫn đến chánh ức niệm Thiền na ba la mật, Tỳ lê gia ba la mật, Sằn đề ba la mật, thi la ba la mật, Đàn na ba la mật, chẳng do nhị pháp.

Vì Vô thượng Bồ đề nên chánh ức niệm nội không đến nhứt thiết chủng trí, chẳng do nhị pháp.

Lại nầy Kiều Thi Ca! Nếu có thiện nam, thiện nữ dùng nhiều nhơn duyên vì người khác mà diễn thuyết nghĩa Bát nhã ba la mật, phân biệt, khai thị cho hạ được hiểu biết.

Những gì là nghĩa Bát nhã ba la mật?

Nghĩa Bát nhã ba la mật là:

Chẳng nên dùng nhị tướng để quán, chẳng phải tướng có, chẳng phải tướng không, chẳng nhập, chẳng xuất, chẳng tăng, chẳng tổn, chẳng cấu, chẳng tịnh, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng thủ, chẳng xả, chẳng trụ, chẳng bất trụ, chẳng phải, chẳng thiệt, chẳng phải hư, chẳng phải hiệp, chẳng phải tan, chẳng phải trước, chẳng phải bất trước, chẳng chơn, chẳng phải chẳng chơn, chẳng phải pháp, chẳng phải bất pháp, chẳng phải như, chẳng phải bất như, chẳng phải thiệt tế, chẳng phải chẳng thiệt tế.

Thiện nam, thiện nữ đem nghĩa Bát nhã ba la mật nầy dùng nhiều nhơn duyên diễn thuyết phân biệt, khai thị cho người khác được hiểu biết. Người nầy được phước đức rất nhiều, hơn là tự mình thọ trì, đọc tụng đến chánh ức niệm.

Lại nầy Kiều Thi Ca! thiện nam, thiện nữ tự thọ trì đến chánh ức niệm Bát nhã ba la mật cũng dùnh nhiều nhơn duyên diễn thuyết, phân biệt, khai thị cho người khác được hiểu biết, người nầy được công đức rất nhiều”.

Thiên Đế thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ phải diễn thuyết, khai thị, phân biệt nghĩa Bát nhã ba la mật như vậy làmcho được hiểu biết?”

Đức Phật nói: “Đúng như vậy. Nầy Kiều Thi Ca! Thiện nam, thiện nữ diễn thuyết, khai thị, phân biệt nghĩa Bát nhã ba la mật như vậy làm cho người khác được hiểu biết, được vô lượng vô biên phước đức.

Nếu có người cúng dường vô lượng vô số chư Phật mười phương theo chỗ cần dùng mà cung kính, tôn trọng, tán thán, cúng dường hoa hương nhẫn đến phan lọng.

Nếu lại có người dùng nhiều nhơn duyên giảng rộng nghĩa Bát nhã ba la mật, khai thị, phân biệt làm cho người khác được hiểu biết, được công đức rất nhiều.

Tại sao vậy?

Vì quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật học trong Bát nhã ba la mật nầy mà đã được, sẽ được, hiện được Vô thượng Bồ đề.

Lại nầy Kiều Thi Ca! Nếu thiện nam, thiện nữ trong vô lượng vô biên vô số kiếp thật hành Đàn na ba la mật, chẳng bằng thiện nam, thiện nữ diễn nói nghĩa Bát nhã ba la mật, khai thị, phân biệt cho người khác được hiểu, phước đức rất nhiều.

Tại sao vậy? Vì vô sở đắc vậy.

Thế nào gọi là hữu sở đắc?

Nầy Kiều Thi Ca! Nếu đại Bồ Tát dùng hữu sở đắc mà bố thí. Lúc bố thì, quan niệm tôi cho, người nhận, của vật để cho. Đây gọi là được Đàn na mà chẳng được ba la mật.

Lúc trì giới, quan niệm tôi trì giới, đây là giới. Đó gọi là được Thi la mà chẳng được ba la mật.

Lúc nhẫn nhục, quan niệm tôi nhẫn nhục, vì người ấy mà nhẫn nhục. Đây gọi là được Sằn đề mà chẳng được ba la mật.

Lúc tinh tấn, quan niệm tôi tinh tấn, vì sự đó mà siêng năng tinh tấn. Đây gọi là được Tỳ lê gia mà chẳng được ba la mật.

Lúc tu thiền, quan niệm tôi tu thiền, chỗ tu là thiền. Đây gọi là Thiền na mà chẳng được ba la mật.

Lúc tu huệ, quan niệm tôi tu huệ, chỗ tu là huệ. Đây gọi là được Bát nhã mà chẳng được ba la mật.

Thiện nam, thiện nữ thật hành như vậy thời chẳng được đầy đủ Đàn na ba la mật, nhẫn đến chẳng được đầy đủ Bát nhã ba la mật”.

Thiên Đế thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát tu thế nào được đầy đủ Đàn na ba la mật, nhẫn đến đầy đủ Bát nhã ba la mật?”

Đức Phật nói: “Nầy Kiều Thi Ca! Lúc bố thí, đại Bồ Tát chẳng thấy người cho, chẳng thấy người thọ, chẳng thấy của vật đem cho. Người nầy được đầy đủ Đàn na ba la mật.

Nhẫn đến lúc tu huệ, đại Bồ Tát chẳng thấy huệ, chẳng thấy huệ bị tu tập. Người nầy được đầy đủ Bát nhã ba la mật.

Thiện nam, thiện nữ thật hành Bát nhã ba la mật như vậy, nên vì người khác mà diễn thuyết nghĩa Bát nhã ba la mật, khai thị, phân biệt cho họ được hiểu biết. Năm ba la mật kia cũng như vậy.

Tại sao vậy?

Vì đời vị lai có người muốn nói Bát nhã ba la mật mà nói tương tợ Bát nhã ba la mật.

Có thiện nam, thiện nữ phát tâm Vô thượng Bồ đề, vì nghe tương tợ Bát nhã ba la mật nầy mà thất chánh đạo.

Thế nên đại Bồ Tát phải vì người nầy mà diễn nói đủ nghĩa Bát nhã ba la mật, khai thị, phân biệt cho họ hiểu biết”.

Tiêu điểm: