TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 31
Tiểu kinh rừng Sừng bò
I. TOÁT YẾU
Cùlagosinga Sutta - The shorter discourse in gosinga.
The Buddha meets three bhikkhus who are living in the concord,
"blending like milk and water", and inquires how they succeed in living
together so harmoniously.
Bản kinh ngắn tại rừng Gosinga (Sừng bò).
Phật gặp ba tỳ kheo sống chung hòa hợp "như nước với sữa" và hỏi họ
làm cách nào họ sống được hòa hợp
như vậy.
II. TÓM TẮT
Phật đến rừng Gosinga, nơi ba tôn giả
Anuruddha, Nandiya và Kimbila (A na luật, Nan
đề và Kim tỳ la)
đang cư trú, và hỏi thăm
cách sinh hoạt của họ.
1. Trước hết Ngài hỏi họ có sống hòa hợp với nhau như nước với sữa
không? Họ đáp có. Phật hỏi họ làm
thế nào để sống hòa hợp như vậy. Họ
đáp rằng, vì nghĩ
đến lợi ích của sự sống chung, họ đối với
nhau bằng tâm từ với cả ba nghiệp thân, ngữ, ý trước mặt cũng như sau
lưng. Rồi họ quyết định từ bỏ tâm của mình và chỉ sống với tâm
của người khác. Do vậy tuy khác thân nhưng cũng như
đồng một tâm.
2. Kế đến, Ngài hỏi họ có sống
nhiệt tâm tinh cần, không phóng dật hay không. Họ cũng
đáp có. Bằng cách mỗi người tự ý thức để làm
các công việc trong đời sống chung, không
cần so đo tính toán.
3. Cuối cùng, Phật hỏi, sống tinh cần như vậy, nhưng có
đắc các pháp siêu việt con người
không? Tôn giả A na luật, với tâm mình biết tâm của hai vị kia, nên
đáp rằng họ có thể chứng bốn thiền cho đến
Diệt thọ tưởng, không có lạc trú nào cao hơn nữa. Phật xác nhận
họ nói đúng.
Sau đó, Trường quỷ Dạ xoa - Dìgha
Parajana đến đảnh lễ Phật, tỏ sự vui mừng
cho dân chúng Vajji (Bạt kỳ) vì nơi này
đã có
đức Thế tôn cư trú, lại có ba tôn giả ấy cư trú. Lời Trường quỷ Dạ xoa
ca tụng danh đức ba thiện nam tử vang dội khắp tất cả các cung trời cho
đến cõi Phạm thiên, và Phật dạy đúng
thế, gia đình nào, bà con dòng họ nào, làng xóm xứ sở nào từ
đó ba vị tôn giả xuất thân, cũng như bất cứ
người nào nơi nào khác, kể cả chư thiên, nếu biết nghĩ nhớ
đến ba vị tôn giả với tâm hoan hỷ, thì
những người ấy, gia đình ấy, nơi
chốn ấy, sẽ được an lạc hạnh phúc lâu dài.
Vì ba vị ấy sống "vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho
đời, vì hạnh phúc an lạc cho chư
thiên và loài người."
III. CHÚ GIẢI
A na luật là em họ của Phật, Nan đề
và Kim tỳ la là bạn thân của A na luật từ khi còn tại gia.
Từ thân nghiệp, ngữ và ý nghiệp là ba trong sáu nguyên tắc sống
chung gọi là Lục Hòa.
Dạ xoa Luận nói vị này là vua trời trong số 28 tướng Dạ xoa
đề cập trong kinh Trường bộ
số 32.
IV. PHÁP SỐ
Ba nghiệp, bốn thiền, bốn định, chín
định thứ đệ.
V. KỆ TỤNG
Phật thăm A na luật
Cùng hai bạn đồng tu
Trong khu rừng Sừng bò
Hỏi họ có vui hòa?
- Thưa vâng, bạch Thế tôn
Chúng con thật hòa hợp
Vì thấy sự lợi lạc
Được sống chung bạn lành
Chúng con thương kính nhau
Sau lưng như trước mặt
Ai cũng bỏ tâm mình
Sống theo tâm kẻ khác.
Vậy nên, bạch Thế tôn
Chúng con dường như thể
Chỉ có đồng một tâm
Mặc dù khác thân thể.
Lành thay, Phật ngợi khen
Và hỏi A na luật:
"Các ngươi có tinh cần
Hay buông lung biếng nhác?"
- Chúng con không phóng dật
Luôn siêng năng tinh cần
Không so bì công tác
Trong đời sống cộng đồng.
Lành thay, A na luật,
Các ngươi sống tinh cần
Có chứng pháp thượng nhân
Và tri kiến bậc thánh?
- "Bạch Phật, làm sao không?
Chúng con tùy ý muốn
Chứng bốn thiền, bốn không
Cho đến Diệt thọ tưởng.
Tri kiến ấy cao thượng
Lậu hoặc được đoạn trừ
Chỗ chứng của bậc thánh
Không gì an lạc hơn."
Phật khen ngợi cả ba
Rồi trở về tinh xá
Gặp Trường quỷ Dạ xoa
Đến lễ bái chào mừng:
"Lành thay, bạch Thế tôn
Dân chúng ở Bạt kỳ
Được đón đấng Chính giác
Và ba vị thánh tăng."
Lời chúc tụng ngân vang
Xưng tán ba tôn giả
Qua hăm tám tầng trời
Cho đến Phạm thiên giới.
Phật bèn bảo Dạ xoa:
Khắp thế giới Sa bà
Nơi nào có nghĩ đến
Ba thiện nam tử này
Mà ca tụng "lành thay"
Thì trong thế giới ấy
Chư thiên và loài người
Sẽ an lạc lâu dài.
Ba thiện nam tử ấy
Vì hạnh phúc chúng sinh
Vì an lạc muôn loài
Nên đã sống trên
đời.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 32
Đại kinh Rừng Sừng bò
I. TOÁT YẾU
Mahàgosinga Sutta - The greater discourse in Gosinga.
On a beautiful moonlit night a number of senior disciples meet
together in a sàla tree wood and discuss what kind of bhikkhu could
illuminate the wood. After each has answered according to his personal
ideal, they go to the Buddha, who provides his own answer.
Bản kinh dài trong rừng Gosinga.
Vào một đêm trăng
sáng, một số cao đệ của Phật tụ họp trong rừng cây sa la thảo luận về
hạng tỳ kheo nào có thể làm chói sáng khu rừng. Sau khi mỗi người
đã trả lời theo lý tưởng riêng mình,
họ cùng đi đến Phật. Ngài
đưa ra câu trả lời của chính Ngài.
II. TÓM TẮT
Rừng Gosinga, nơi Phật và chúng tăng
đang cư trú, có nhiều cây sa la đang độ trổ bông. Vào một
đêm trăng
sáng, một số đông đệ tử nổi tiếng của Phật đi đến chỗ tôn giả Xá lợi
Phất. Tôn giả lần lượt hỏi quan điểm riêng của mỗi người về một
mẫu tỳ kheo lý tưởng trong đạo Phật, với
cách nói bóng bảy: "Hạng tỳ kheo nào có thể làm chói sáng khu
rừng Gosinga".
A nan trả lời: Hạng đa văn.
Ly bà đa: Hạng độc cư thiền định.
A na luật: Hạng có thiên nhãn.
Ca diếp: Hạng khổ hạnh.
Mục kiền liên: Hạng giỏi luận thuyết.
Khi họ hỏi lại quan điểm của Xá lợi
phất, tôn giả trả lời "hạng có khả năng điều phục tâm".
Tất cả cùng đi đến Phật để xin Ngài
quyết đoán ai đúng ai sai. Phật dạy tất cả
đã khéo trả lời đúng với sở trường mình;
như A nan đa văn nên cho
đa văn là lý tưởng. Rồi Phật dạy
theo Ngài, hạng tỳ kheo lý tưởng là người khất thực về,
ăn xong ngồi kiết già lưng thẳng cho
đến khi tâm giải thoát tất cả lậu hoặc,
không có chấp thủ [tức là vị tỳ kheo
đã chứng quả A la hán].
III. CHÚ GIẢI
Luận thuyết, Abhidhamma: Mặc dù đây
không thể là tạng Luận A tỳ đàm,
sản phẩm Phật giáo xuất hiện sau Nikàyas, nó cũng cho thấy vào thời
Phật, đã có sự phân tích giáo lý làm
nền tảng cho tạng Luận sau này.
Trong khi những câu trả lời của mỗi đệ
tử nêu lên một khía cạnh đặc biệt
của đời sống xuất gia đang tầm cầu giải thoát, thì câu trả lời
của Phật nói ngay cái mục tiêu cuối cùng của
đời sống ấy là
đoạn tận lậu hoặc.
IV. PHÁP SỐ
Năm thành phần của pháp thân:
Giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri
kiến.
V. KỆ TỤNG
Trong rừng Go-sin-ga
Vào một đêm trăng
rằm
Hoa sa la rộ nở
Tỏa hương khắp không gian.
Buổi chiều hôm êm ả
Từ độc cư thiền tịnh
Nhiều tỳ kheo thượng tọa
Viếng Sa-ri-put-ta.
"Lành thay chư tôn giả
Đêm rằm thật khả ái
Rừng sa la hoa nở
Tỏa hương khắp cung trời."
"Hiền giả A-nan-đa
Bạn nghĩ tỳ kheo nào
Có thể làm chói sáng
Khu rừng Go-sin-ga."
Hiền giả Ly bà đa (Revata)
Theo ý kiến của bạn
Tỳ kheo nào chói sáng
Khu rừng Go-sin-ga?
"Thưa ngài Xá lợi phất,
Tỳ kheo thích độc cư
Không gián đoạn thiền định
Chói sáng Go-sin-ga."
Tôn giả A na luật
Đáp Sariputta:
"Tỳ kheo có thiên nhãn
Chói sáng Go-sin-ga."
Đến lượt Đại Ca diếp
Đáp lời Xá lợi phất:
"Người khổ hạnh miên mật
Chói sáng Go-sin-ga."
Tôn giả Mục kiền liên:
"Ai thành tựu biện tài
Tỳ kheo ấy chói sáng
Khu rừng Go-sin-ga."
Chúng tôi đã nói qua
Ý kiến của riêng mình
Hãy nói lên, Hiền giả
Ai chói sáng Gosinga?
Xá lợi phất từ tốn
Bảo Moggallàna:
"Tỳ kheo điều phục tâm
Chói sáng Gosinga.
Nhưng này, chư tôn giả
Ta hãy đến Thế tôn
Thuật lại vấn đề này
Để nghe lời chỉ giáo."
Rồi Sa-ri-put-ta
Bạch hỏi đức Thế tôn
Ai đã khéo trả lời
Câu hỏi được đặt ra?
"Tất cả đều khéo đáp
Đúng với cương vị mình.
Hãy nghe Như lai bảo
Ai sáng chói khu rừng.
Tỳ kheo sau bữa ăn
Khi đi khất thực về
Ngồi kiết già lưng thẳng
Tâm không vấn vương gì.
Giải thoát các lậu hoặc
Hoàn toàn không chấp thủ
Một tỳ kheo như vậy
Sáng chói Go-sin-ga."
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 33
Đại kinh người chăn bò
I. TOÁT YẾU
Mahàgopàlaka Sutta - The greater discourse on the cowherd.
The Buddha teaches eleven qualities that prevent a bhikkhu's growth
in the Dhamma and eleven qualities that contributes to its growth.
Bản kinh lớn về người mục đồng.
Phật dạy 11 tính chất khiến tỳ kheo không lớn mạnh trong Pháp và 11
tính chất đưa đến sự tăng tiến Pháp.
II. TÓM TẮT
Người xuất gia muốn tu hành tiến bộ cần có 11
đức tính như người chăn bò thiện
xảo:
1. Biết sắc, tức biết về bốn đại
và sắc do 4 đại tạo.
2. Biết tướng, là biết phân biệt cách hành xử của kẻ ngu và
bậc trí.
3. Biết trừ bỏ trứng bọ chét, là biết trừ khử ngay trong mầm
mộng các ý niệm dục, sân, hại và những bất thiện khác.
4. Biết băng bó vết thương,
là chế ngự tâm khi căn trần xúc đối.
5. Biết xông khói, là thuyết giảng rộng rãi chính pháp
đã được
nghe.
6. Biết chỗ nước có thể lội qua, là biết cầu học những vị
đa văn về ba tạng kinh điển.
7. Biết chỗ nước uống, là tin hiểu Pháp và Nghĩa, có
được sự hân hoan liên hệ
đến pháp.
8. Biết con đường, là biết
Thánh đạo tám ngành.
9. Biết nơi đàn bò có thể
ăn cỏ, là biết bốn niệm xứ.
10. Biết giữ sữa, không vắt cho
đến khô kiệt, là không lạm dụng sự cúng dường của thí chủ.
11. Biết săn sóc đặc biệt con bò
đầu đàn, là biết kính ái bậc tôn
túc trưởng lão, sau lưng như trước mặt.
III. CHÚ GIẢI
Nghĩa tín thọ: tin nhận ý nghĩa của Pháp.
Pháp tín thọ: tin nhận văn tự trình
bày Pháp.
IV. PHÁP SỐ
Bốn đại, bốn niệm xứ, sáu căn, tám thánh
đạo.
V. KỆ TỤNG
Phật dạy các tỳ kheo:
Đầy đủ mười một pháp
Người chăn giữ đàn bò
Khiến đàn bò hưng thịnh:
Biết sắc và biết tướng
Biết trừ bỏ bọ chét
Biết băng bó vết thương
Và lại biết xông khói.
Biết chỗ để lội qua
Đưa bò qua khe suối
Biết chỗ có nước uống
Và có cỏ non mềm.
Không vắt sữa bò cái
Cho đến nỗi khô kiệt
Biết chăm sóc đặc biệt
Con bò chúa đầu đàn.
Tỳ kheo cũng như vậy
Muốn tu hành hưng thịnh
Trong Pháp và Luật này
Cần đủ mười một pháp.
Biết sắc là tứ đại
Và tứ đại tạo thành
Biết tướng người ngu, trí
Do quan sát ba hành.
Biết bỏ trứng bọ chét
Là trừ khử mầm mộng
Các bất thiện trong tâm
Liên hệ dục, hại, sân.
Biết băng bó vết thương
Là chế ngự tâm mình
Khiến bất thiện không khởi
Khi căn trần xúc đối
Tỳ kheo biết xông khói
Là giảng Pháp rộng rãi
Biết chỗ nước lội qua
Là tham vấn gần xa.
Biết chỗ cho bò uống
Là pháp vị cam lồ
Tỳ kheo thường tỉnh thức.
Biết đường tức bát chính.
Nơi cho bò ăn cỏ
Là trú Bốn niệm xứ
Không vắt sữa cạn khô:
Không lạm dụng tín đồ
Biết chăm sóc đặc biệt
Là đối với bề trên
Thường khởi tâm hiếu kính
Sau lưng như hiện tiền.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 34
Tiểu kinh người chăn
bò
I. TOÁT YẾU
Cùlagopàlaka Sutta - The shorter discourse on the cowherd.
The Buddha explains the types of of bhikkhus who "breast Màra's
stream" and get safely across to the further shore.
Bản kinh ngắn về người chăn bò.
Phật giải thích các hạng tỳ kheo "vượt qua
được sông ma" để vượt qua bờ kia một cách
an ổn.
II. TÓM TẮT
Như kẻ chăn bò vô trí không quan
sát kỹ, lùa bò qua sông tại chỗ không thể lội qua,
đàn bò gặp tai nạn. Cũng thế, có
những tu sĩ không khéo biết đời này
đời sau, không biết ma giới và phi
ma giới, cảnh giới tử thần và cảnh giới bất tử. Những ai nghe và tin
theo những vị ấy sẽ phải bất hạnh, đau khổ
lâu dài. Phật như người chăn có trí,
biết rõ đời này,
đời sau, ma giới và phi ma giới, tử
thần giới và phi tử thần giới, nên Ngài đã
đưa nhiều hạng người an toàn vượt
qua dòng sông sinh tử, cảnh giới của Ma: những bậc A la hán, như con bò
đầu đàn; A na hàm, như bò
đực đã thuận; bậc Nhất lai, như bò
con đã lớn; Dự lưu, như bò con còn
bú; những bậc Tùy pháp hành, tùy tín hành, như bò con mới sinh còn chạy
theo mẹ.
III. CHÚ GIẢI
A la hán có hai hạng: Tâm giải thoát do lúc tu thiền về
Định; Tuệ giải thoát do lúc tu thiền về
Tuệ.
A na hàm hay Bất hoàn: trừ năm
hạ phần kết sử.
Tư đà hàm hay Nhất lai:
trừ ba kết sử và làm suy yếu tham, sân, si.
Dự lưu: trừ ba kết sử là thân kiến [chấp thân này là tôi, của
tôi], nghi [đối với Ba ngôi báu], và
giới cấm thủ [giữ các khổ hạnh không đưa
đến giải thoát].
Tùy tín hành: người đắc Dự lưu đạo
tu nhờ tu quán vô thường. Từ đây trở đi cho đến quả vị A la hán, vị ấy
được gọi là bậc Tín giải thoát.
Tùy pháp hành: người đắc Dự lưu đạo
nhờ tu quán vô ngã. Ở các địa vị trên
Dự lưu đạo, gọi là bậc Kiến chí.
Khi đắc A la hán quả, vị ấy được gọi là
bậc Tuệ giải thoát.
IV. PHÁP SỐ
Bốn quả sa môn.
V. KỆ TỤNG
Kẻ chăn bò vô trí
Không quan sát bờ sông
Lùa bò lội chỗ hiểm
Đàn bò chết giữa dòng.
Người chăn bò có trí
Khéo quan sát bờ sông
Lùa bò qua an ổn
Bò đực dẫn đầu đàn.
Bậc trí khéo trình bày
Đời sau và
đời này
Cảnh giới của ác ma
Và phi-ma cảnh giới.
Bậc Chính giác, Trí giả
Biết rõ mọi thế giới
Cửa bất tử rộng mở
Hành lộ đến Niết bàn.
Những ai tin theo Phật
Cắt đứt các trói buộc
Vượt qua dòng sinh tử
Được an lạc dài lâu:
Hoặc thành bậc La hán
Như bò đực đầu đàn;
Hoặc thành bậc Bất hoàn
Như bò đực khỏe mạnh;
Hoặc thành bậc Nhất lai
Như bò tơ đương độ;
Hoặc thành bậc Dự lưu
Như bê con còn bú.
Tất cả đệ tử Phật
Đều vượt thoát an toàn
Cắt ngang dòng sông Ma
Đạt niết bàn an ổn.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 35
Tiểu kinh Saccaka
I. TOÁT YẾU
Cùlasaccaka Sutta - The shorter course to Saccaka.
The debater Saccaka boast that on debate he can shake the Buddha up
and down and thump him about, but when he finally meets the Buddha their
discussion takes some unexpected turns.
Bản kinh ngắn giảng cho Saccaka.
Saccaka, người giỏi biện luận thuộc phái khổ hạnh Ni kiền tử khoe
khoang rằng ông ta có thể tranh biện với Phật làm Ngài phải run lên, vần
quanh Ngài. Nhưng cuối cùng khi ông gặp Phật, cuộc
đàm luận
đã có những chuyển biến bất ngờ.
II. TÓM TẮT
Ni kiền tử Saccaka, tính ưa tranh luận, thường khoe mình có thể
đánh bại tất cả giáo chủ. Ông cùng
một số đông dân chúng Licchavis đến nơi
Phật, cốt cho những người này chứng kiến tài biện bác của ông.
Mở đầu, ông hỏi Phật dạy đệ tử những gì.
Phật trả lời, Ngài dạy các tỳ kheo rằng 5 uẩn là vô thường, vô ngã. Tất
cả hành vô thường, tất cả pháp vô ngã, đó là
giáo huấn của Ngài.
Saccaka phản bác lời ấy bằng một ví dụ: như
đất là chỗ nương của tất cả cây cỏ,
cũng vậy tự ngã con người nương tựa vào năm
uẩn sắc thọ tưởng hành thức, mà làm các việc thiện hay ác.
Phật gạn hỏi: Có phải ông chủ trương sắc, thọ, tưởng, hành, thức là
tự ngã của ta? Saccaka xác nhận như vậy, và còn thêm rằng tất cả
đại chúng đây ai cũng xác nhận điều ấy
[nghĩ rằng cái gì đa số chấp nhận thì
không thể sai lầm].
Phật hỏi Saccaka, có phải vua có quyền
đối với thần dân của ông ta không? Saccaka đáp phải.
Phật: Ông nói sắc, thọ... là tự ngã của ông, vậy ông có quyền hành gì
đối với sắc, thọ... hay không? Saccaka làm
thinh.
Phật hỏi đến lần thứ hai, thứ ba, ông
buộc lòng phải trả lời không.
Phật dạy ông đã nói trái với lời
trước.
Khi ấy Phật hiển thị cho Sacca thấy:
1. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, cái gì vô thường là khổ,
cái gì đã vô thường, khổ, thì thực
không hợp lý để xem là tôi và của
tôi. Do vậy, 5 uẩn là vô thường, khổ, vô ngã.
2. Ai ái luyến khổ, chấp trước khổ, xem nó là tôi và của tôi, thì
không thể liễu tri khổ, không trừ diệt được
khổ.
3. Như người tìm cầu lõi cây mà chặt về một cây chuối hoàn toàn không
lõi, Sacca cũng vậy, đã tự tỏ ra
trống rỗng.
Saccaka chấp nhận mình bị luận bại, và hỏi Phật
đệ tử Ngài chấp hành giáo lý ấy như
thế nào để đạt giải thoát.
Phật trả lời có hai hạng: Có đệ tử tuệ
tri tất cả sắc, tho, tưởng, hành, thức, quá khứ vị lai hiện tại,
thô hay tế, trong hay ngoài, đều không phải
là tôi, của tôi, hay tự ngã của tôi; hạng ấy thành tựu vô úy.
Có đệ tử sau khi thấy chân chính với trí
tuệ, giải thoát tất cả chấp thủ, thành tựu ba vô thượng
là vô thượng kiến, vô thượng đạo và
vô thượng giải thoát. Vị ấy chỉ kính lễ Như lai, bậc
đã giác ngộ,
đã điều
phục, đã tịch tĩnh, đã vượt
qua, đã chứng niết bàn.
III. CHÚ GIẢI
Thành tựu vô úy, đoạn tận nghi hoặc,
là bậc hữu học.
Giải thoát tất cả chấp thủ chỉ bậc A la hán.
Ba vô thượng: Kiến vô thượng chỉ tuệ thế gian và siêu thế; vô
thượng đạo là sự thực hành tuệ ấy;
và vô thượng giải thoát là kết quả của thực hành.
Hoặc có thể giải thích cả ba hoàn toàn siêu thế:
Vô thượng kiến là cái thấy chân chính thuộc A la hán
đạo;
Vô thượng đạo là bảy địa vị còn
lại;
Vô thượng giải thoát là quả vị A la hán.
Hoặc 1 là tri kiến Niết bàn; 2 là các yếu tố thuộc
đạo; 3 là quả tối cao.
IV. PHÁP SỐ
Ba pháp ấn, Năm uẩn.
V. KỆ TỤNG
Ni kiền tử Sacca
Đến hỏi Gotama
Dạy gì cho đệ tử
Xin Ngài hãy nói ra?
Phật ôn tồn đáp lại:
Tỳ kheo được giảng dạy
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức
Là vô thường, vô ngã.
Tôn giả Go-ta-ma
Như các giống cây cỏ
Đều nương tựa vào
đất
Mà hưng thịnh, tăng trưởng,
Tự ngã của con người
Cũng nương tựa năm uẩn
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức
Làm các nghiệp dữ lành.
Phải chăng ông muốn bảo
Sắc thọ tưởng hành thức
Là tự ngã của ta?
Đúng thế, Gotama.
Không những mình tôi nói
Mà cả đại chúng đây
Cùng có quan điểm ấy:
Năm uẩn là tự ngã.
Không nói tới đại chúng
Hãy nói quan điểm ông.
- Như vầy, thưa tôn giả:
Năm uẩn là tự ngã.
Ông có quyền trên chúng
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức
Bảo nó phải như vầy
Không được như thế khác?
Ni kiền tử ngơ ngác
Phật hỏi lần thứ ba
Ông phải đáp rằng không
Mâu thuẫn lời nói trước.
Này hỡi Ni kiền tử
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức
Là thường hay vô thường?
Vô thường, thưa tôn giả.
Vô thường vui hay khổ?
Là khổ, thưa tôn giả.
Vậy có hợp lý chăng
Xem là tôi, của tôi?
Ai ái luyến tự ngã
Tham đắm đống khổ này
Có thể liễu tri khổ
Và trừ diệt khổ chăng?
Thưa không, bạch tôn giả.
Thật tôi đã sai lầm
Khi đến đây tranh luận
Như xin hỏi Gotama
Đệ tử tuân chỉ giáo
Thành tựu như thế nào?
- Bậc hữu học đoạn nghi
Thấy như thật mọi sắc
Và thọ tưởng hành thức
Không tôi, không của tôi
Không tự ngã của tôi
Thành tựu được vô úy.
Lại có những đệ tử
Nhờ thấy được như trên
Tận trừ các chấp thủ
Đạt vô thượng giải thoát.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 36
Đại kinh Saccaka
I. TOÁT YẾU
Mahàsaccaka Sutta - The greater discourse to Saccaka.
The Buddha meets again with Saccaka and in the course of a discussion
on development of body and development of mind he relates a detailed
narrative on his own spiritual quest.
Bản kinh dài giảng cho Saccaka.
Phật lại gặp Saccaka và trong một cuộc thảo luận về thân tu tập và
tâm tu tập, Ngài thuật lại chi tiết về cuộc tầm
đạo của chính mình.
II. TÓM TẮT
Ni kiền tử Saccaka cho rằng những người tu tập về thân bị
đau đớn về thân, và tâm cũng trở nên
điên loạn, vì tâm không
được tu tập. Ngược lại có người tu tập về
tâm mà không tu tập thân, cũng cảm thọ thống khổ, tâm cuồng vì
thân không được tu tập. Và ông ta
nghĩ chắc chắn đệ tử Phật thuộc hạng thứ
hai, nghĩa là chỉ tu tâm, không tu thân.
Phật hỏi ông nghĩ thế nào là tu thân, ông
đáp đó là các kiểu ép xác của lõa
thể ngoại đạo, tiết chế ăn uống trong thời
gian tu tập. Phật hỏi sau đó thì sao, Ni kiền tử
đáp sau đó họ lại ăn đủ thứ béo bổ để lấy
lại sức. Phật dạy như vậy là họ trở lại với những gì họ từ bỏ,
thì có tu cũng như không. Phật lại hỏi tu tâm là thế nào, Saccaka không
đáp được.
Do đó Phật giảng cho nghe thế nào
là tu thân và tu tâm trong giới luật bậc thánh :
Khi lạc thọ khởi lên vị thánh đệ tử
không tham đắm, theo đuổi lạc ấy.
Khi lạc thọ chấm dứt, khổ thọ khởi lên, vị thánh
đệ tử không sầu muộn than khóc.
Vị ấy không bị lạc thọ chi phối, vì có tu tập về thân.
Vị ấy không bị khổ thọ chi phối, vì có tu tập về tâm.
Khi ấy Saccaka hỏi Phật : có bao giờ lạc thọ khởi lên xâm chiếm tâm
Ngài, có bao giờ khổ thọ khởi lên xâm chiếm tâm Ngài không.
Để trả lời, Phật kể lại, sau khi thoát ly gia đình, Ngài nhận
thấy nếu không xả ly các dục về thân mà tu khổ hạnh, thì cũng vô ích như
cọ xát một khúc cây còn ướt để lấy lửa. Do
đó Ngài từ bỏ các dục, khởi sự tu khổ hạnh. Ngài cảm thọ những
khổ thọ khốc liệt, nhưng khổ thọ ấy không chi phối
được tâm Ngài. Tuy vậy, vì khổ
hạnh đã không giúp Ngài chứng
được pháp thượng nhân, nên Ngài nhớ
lại một kinh nghiệm thiền lạc mà Ngài đã
nếm trải lúc còn thơ ấu. Ngài khởi sự nghĩ không phải tất cả lạc thọ
đều đáng sợ, mà còn có thứ lạc thọ
vô hại này, đó là lạc thọ ly dục, ly
bất thiện pháp, chứng và trú các thiền... Nhưng không thể nào chứng
được các lạc thọ ấy với một thân thể gầy
yếu. Và từ đấy Ngài
ăn uống trở lại để tham thiền, và
đã đắc
đạo. Như vậy lạc thọ của các thiền chứng đã khởi lên nơi Ngài
nhưng Ngài không bị lạc thọ ấy chi phối.
Saccaka hỏi : Ngài có cho phép ngủ ngày không ? Phật dạy có, mỗi khi
khất thực về, cảm thấy mệt mỏi, Ngài cũng
đặt lưng xuống ngủ trong chính niệm tỉnh giác.
Saccaka bảo : Như vậy là Ngài còn trú trong si ám. Phật dạy, si ám là
chưa đoạn trừ lậu hoặc, còn những
phiền não đưa đến sinh, già, chết
trong tương lai.
Saccaka khen Phật dù bị chất vấn công kích mặt vẫn không biến sắc như
các đạo sư khác. Rồi ông cáo từ.
III. CHÚ GIẢI
Theo Luận giải, lần này Saccaka đến gặp
Phật với ý định bài bác giáo lý của Ngài, vì lần trước [kinh số
35] đã bị thất bại. Nhưng lần này
ông đi một mình,
để rủi có bị luận bại cũng không ai biết.
Ông định bài báng Phật với câu hỏi về chuyện ngủ ngày, nhưng
để dành câu hỏi ấy cho
đến đoạn cuối cuộc đàm luận.
Thân tu tập theo Saccaka, là thực hành ép xác khổ hạnh. Vì không
thấy các tỳ kheo của Phật tu khổ hạnh, ông nghĩ họ không tu thân.
Nhưng theo Luận, tu thân trong Phật giáo là thiền quán, còn tu tâm là
thiền tịnh chỉ. Khi thánh đệ tử cảm thọ
lạc, vị ấy không bị xâm chiếm bởi lạc thọ ấy, vì nhờ tuệ quán, vị
ấy biết cảm thọ là vô thường, khổ, không thực chất. Khi cảm thọ khổ, tâm
vị ấy cũng không bị khổ thọ xâm chiếm, vì nhờ tu tập
định, vị ấy có thể thoát khỏi khổ thọ bằng
cách nhập vào một định chứng.
Theo Luận giải, Phật gặp Saccaka đến hai
lần và chịu khó đàm luận với
ông ta mặc dù ông không quy thuận, vì Ngài biết trước ông ta sẽ tái sinh
tại Tích lan, nơi đây ông sẽ thành
vị A la hán với tên Hắc Phật Hộ [Kàla Buddharakkhita].
IV. PHÁP SỐ
Ba lậu, ba minh, bốn thiền, bốn sự thật.
V. KỆ TỤNG
1. Ni kiền tử cho rằng ép xác là tu thân
Sacca nêu vấn đề
Tu thân và tu tâm
Cho rằng đệ tử Phật
Không tu tập về thân
Vì không có khổ hạnh.
Phật giải thích rõ ràng
Về tu thân, tu tâm
Trong giới luật bậc Thánh.
2. Tu thân và tu tâm theo Phật giáo
Khi lạc thọ khởi lên
Không đam mê cuồng nhiệt
Như vậy thánh đệ tử
Gọi là có tu thân
Khi lạc dứt, khổ sinh
Tâm không bị điên
đảo
Vị thánh đệ tử ấy
Được gọi có tu tâm.
3. Khổ, lạc khởi lên nhưng không chi phối tâm Phật
Phật cho biết xưa kia
Ngài từng tu khổ hạnh
Những khổ thọ chết người
Không khiến Ngài nao núng
Nhưng thể xác gầy mòn
Mà không đạt tri kiến
Xứng đáng bậc thượng nhân
Ngài từ bỏ khổ hạnh.
Ngài nhớ thuở ấu thời
Đã nếm qua thiền lạc
Một cảm thọ vô hại
Có thể đây con đường
Dẫn Ngài đến giác ngộ
Can gì phải từ bỏ ?
Bởi vậy Ngài ăn uống
Để lấy sức tu thiền.
Ngài chứng thiền thứ nhất
Hỷ lạc ly dục sinh
Tâm không bị chi phối
Ngài chứng thiền thứ hai
Tâm không hề thay đổi
Cho đến thiền thứ tư
Được xả niệm thanh tịnh
Tâm Ngài vẫn như như.
Hướng đến túc mạng minh
Nhớ nhiều đời quá khứ
Như vậy lạc thọ sinh
Ngài hướng Sinh tử trí
Thấy sống chết chúng sinh
Lạc thọ cũng khởi lên
Tâm Ngài không chướng ngại
Hướng đến trí Lậu tận
Hoàn toàn hết lỗi lầm.
4. Ni kiền tử bác chuyện ngủ ngày
Khi ấy Ni kiền tử
Hỏi trong giáo lý Ngài
Có cho phép ngủ ngày ?
Nếu có, còn si ám.
- Trong giáo pháp Như lai
Ai lậu hoặc chưa trừ
Còn già chết tương lai
Mới gọi là si ám.
Lành thay Gotama
Dầu bị tôi công kích
Sắc mặt vẫn hoan hỷ
Vẫn không đổi màu da.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 37
Tiểu kinh
đoạn tận ái
I. TOÁT YẾU
Cùlatanhàsankhaya Sutta - The shorter discourse on the destruction of
craving.
The venerable Mahà Moggallàna overhears the Buddha give a brief
explanation to Sakka, ruler of gods, as to how a bhikkhu is liberated
through the destruction of craving. Wishing to know if Sakka understood
the meaning, he makes a trip to the heaven of the Thirty-three to find
out.
Bản kinh ngắn về sự diệt ái.
Tôn giả Mục kiền liên nghe lỏm một bài kinh ngắn Phật giảng cho
Đế thích thiên chủ, làm thế nào một
tỳ kheo giải thoát nhờ diệt ái. Vì muốn biết Thiên chủ có hiểu
được ý nghĩa lời dạy ấy không, tôn giả Mục
Liên lên đến cõi trời 33
để tìm hiểu.
II. TÓM TẮT
Thiên chủ Đế thích đến xin Phật giảng
vắn tắt thế nào là một tỳ kheo ái tận giải thoát, thành tựu mục
đích của đời sống phạm hạnh. Phật dạy, sau
khi tỳ kheo được nghe rằng không có gì
đáng chấp thủ, vị ấy biết rõ tất cả
pháp, biết một cách rốt ráo, và nhờ biết rốt ráo tất cả pháp, mỗi khi
một cảm thọ khởi lên, thuộc loại lạc, khổ hay bất khổ bất lạc, vị ấy
đều quán vô thường, ly tham, đoạn diệt, từ
bỏ. Do quán như vậy, vị ấy không chấp trước, do không chấp trước nên
không phiền não, chứng niết bàn. Vị ấy tuệ tri Sinh
đã tận, phạm hạnh
đã thành, những việc cần làm
đã làm, không còn trở lại
đời này nữa.
Đế thích hoan hỷ tín thọ lời Phật dạy rồi biến mất tại chỗ.
Tôn giả Mục liên muốn biết Đế thích có
tín thọ lời Phật dạy hay không, liền bay lên cõi trời 33, gặp
Đế thích đang thụ hưởng thiên lạc
với vô số thiên nữ trong lâu đài
Vejayanta mà ông xây cất sau khi chiến thắng a tu la.
Đế thích rất hãnh diện về thành tích
này. Tôn giả hóa phép khiến cho lâu đài
bị chấn động, thiên chủ hoảng sợ.
Tôn giả yêu cầu thiên chủ nhắc lại lời Phật dạy mà ông
đã được
nghe. Đế thích lặp lại không sai sót. Tôn giả biến mất ở cõi trời
33, trở về bạch Phật. Phật xác nhận đã
giảng cho Đế thích pháp môn giải thoát nhờ
đoạn ái.
III. CHÚ GIẢI
Đế thích hỏi về giai đoạn tu tập chuẩn bị của tỳ kheo hướng đến quả
vị A la hán, do tu tập này mà vị ấy
được giải thoát nhờ đoạn diệt ái.
Tất cả pháp ở đây là 5 uẩn,
12 xứ, 18 giới. Chúng được xem là
không đáng tham lam chấp thủ [ái và
kiến] vì cuối cùng, trên thực tế, chúng hóa ra trái ngược: Chúng
được bám víu vì tưởng là thường, lạc
và ngã, nhưng kỳ thực là vô thường, khổ, vô ngã. Thánh
đệ tử thắng tri chúng là vô thường,
khổ, vô ngã, và liễu tri chúng bằng cách đi
sâu vào vào sự thực ấy. Quán vô thường, vv.
được thực hiện nhờ các loại thắng trí: sinh
diệt trí, hoại trí... Vị ấy không chấp thủ - do ái và
kiến - vào một hành nào, không bị ái lung lạc, tự thân chứng niết
bàn vì đã dập tắt tất cả cấu uế.
Đế thích gọi tôn giả Mục liên là bạn
đồng tu phạm hạnh, vì bản thân ông
trước kia đã chứng quả Dự lưu - theo
kinh Trường bộ số 21, và như vậy trước sau gì ông cũng
đạt đến giải thoát như tôn giả.
IV. PHÁP SỐ
Ba thọ: khổ, lạc, bất khổ bất lạc.
Bốn cách quán các pháp: vô thường, ly tham,
đoạn diệt, từ bỏ.
V. KỆ TỤNG
Trời Đế thích hỏi Phật:
Tỳ kheo làm thế nào
Đạt cứu cánh phạm hạnh
Giải thoát mọi khát ái.
Phật trả lời Đế thích:
Tỳ kheo được giảng giải
Trong tất cả các pháp
Không gì đáng chấp thủ
Vì tất cả các pháp
Vô thường, vô ngã, khổ.
Khi tuệ tri như vậy
Cảm thọ nào khởi lên
Lạc, khổ hay trung tính
Vị ấy quán ngay liền:
Tánh vô thường, ly tham,
Tánh đoạn diệt, từ bỏ
Đối với cảm thọ ấy.
Nhờ vậy không chấp trước;
Nên không có phiền não,
Chứng giải thoát, niết bàn.
Tuệ tri: "Sinh đã tận
Phạm hạnh đã viên thành
Việc cần làm đã làm
Một đi không trở lại."
Tỳ kheo được như vậy
Đạt vô thượng an ổn.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 38
Đại kinh đoạn tận ái
I. TOÁT YẾU
Mahàtanhàsankhàya Sutta - The greater discourse on the destruction of
craving.
A bhikkhu named Sati promulgates the pernicious view that the same
consciousness transmigrates from life to life. The Buddha reprimands him
with a lengthy discourse on dependent origination, showing how all
phenomena of existence arise and cease through conditions.
Bản kinh dài về Đoạn ái dục.
Một tỳ kheo tên Sati tuyên bố tà kiến cho rằng cũng một tâm thức ấy
lưu chuyển đời này sang
đời khác. Phật quở trách ông với một bài
thuyết giảng dài về lý duyên sinh, chỉ rõ tất cả pháp hiện hữu [hiện
tượng] đều sinh và diệt do những
điều kiện.
II. TÓM TẮT
Tỳ kheo tên Sati khởi lên ác tà kiến cho rằng Thức này cứ luân chuyển
qua các cõi luân hồi nhưng không có đổi
khác. Phật cho gọi ông để hỏi có thực ông nghĩ vậy không. Khi Sati xác
nhận ông hiểu đúng như vậy, Phật dạy đấy là xuyên tạc lời Ngài
dạy, và là một kiểu chấp ngã.
Phật thường dạy tất cả pháp do duyên sinh. Thức cũng thế, nếu không
có các duyên hay điều kiện, thì thức
không hiện khởi. Thức được đặt tên
do những điều kiện phát sinh ra nó, như do
duyên mắt và sắc, có tên là nhãn thức; do duyên tai và tiếng, có
tên là nhĩ thức; do duyên mũi và mùi, có tên là tỷ thức; do duyên lưỡi
và vị, có tên là thiệt thức; do duyên thân và xúc, có tên là thân thức;
do duyên ý và pháp, có tên là ý thức. Như lửa
đốt bằng củi thì gọi là lửa củi, lửa
đốt bằng rơm gọi là lửa rơm,
đốt bằng trấu gọi là lửa trấu.
Tất cả các sinh vật tác thành nhờ thức
ăn, nếu thức ăn đoạn diệt, sinh vật cũng đoạn diệt. Có bốn loại thức ăn,
nương vào đấy các hữu tình an
trú, đó là
đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực,
và thức thực. Bốn loại thức ăn này
có nguyên nhân là ái, ái có ra từ thọ, nguyên nhân thọ là xúc, nguyên
nhân xúc là sáu nhập, nhân của sáu nhập là danh-sắc, nhân của danh-sắc
là thức, nhân của thức là hành, nhân của hành là vô minh. Do mê mờ bốn
chân lý nên có sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
Cái này có nên cái kia có, cái này không nên cái kia không; cái này
sinh nên kia sinh; cái này diệt, nên kia diệt. Tỳ kheo biết như vậy sẽ
không truy tầm quá khứ hay theo đuổi vị lai
để đi tìm tự ngã. Họ cũng không thờ một bậc thầy nào khác ngoài
Phật, bậc đạo sư đã công bố Duyên
khởi. Họ cũng không còn có những giới cấm thủ như ngoại
đạo với mục đích tái sinh vào các
cõi. Vị ấy thành tựu Giới, từ bỏ năm triền
cái, chứng và trú bốn thiền, sống với tâm vô lượng. Khi cảm thọ
khởi lên, vị ấy đoạn trừ tâm thuận nghịch,
nghĩa là không còn ưa cái này ghét cái nọ. Nhờ không tham nên thủ
diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sinh diệt, sinh diệt nên già
chết sầu bi khổ não diệt. Đây là sự
chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này, gọi là "Ái tận giải thoát."
III. CHÚ GIẢI
Theo Luận, tỳ kheo Sàti vì lý giải sai lạc sự kiện tái sinh,
đã đi
đến kết luận rằng có một cái thức trường cửu di chuyển từ đời này
sang đời khác mới có thể giải thích được
hiện tượng tái sinh. Phần đầu kinh này lặp lại
đề tài "nắm giữ Pháp một cách sai
lạc" như phần đầu của kinh Bắt
rắn số 22, chỉ khác là kinh Bắt rắn đề
cập kiến chấp về dục [dục thủ], còn kinh này
đề cập kiến chấp về thức [kiến
thủ].
"Chính thức ấy nói, cảm thọ kết quả các hành vi thiện ác chỗ này
chỗ kia..." Đây là một trong sáu
loại kiến chấp về tự ngã nói ở kinh số 2, Tất cả lậu hoặc.
Mục đích của ví dụ này là
để chứng tỏ không có thức lưu chuyển qua
các giác quan [căn môn]. Hệt như lửa đốt bằng củi cháy nhờ củi, và
tắt khi hết củi chứ không lưu chuyển đến
tro để thành lửa tro. Thức cũng vậy, khởi lên do duyên nhãn căn
và hình sắc thành nhãn thức sẽ chấp dứt khi các
điều kiện này chấm dứt, chứ không
chuyển qua lỗ tai, vv. thành nhĩ thức vv. Phật dạy: "Trong sự sinh khởi
của thức, còn không có chuyện lưu chuyển từ căn
môn này qua căn môn khác, thì
làm sao có chuyện lưu chuyển từ đời này
sang đời khác."
Có cảm thọ nào khởi lên, vị ấy không hoan nghênh thọ ấy; ... do dục
hỷ diệt nên thủ diệt: [Kệ: Khi cảm thọ khởi lên,
đoạn trừ tâm thuận nghịch]. Lời
này cho thấy sợi xích duyên sinh bị bẽ gãy tại chỗ nối thọ với ái. Thọ
hay cảm giác đương nhiên phải khởi
lên, vì đã có ra cái thân thể do
nghiệp quá khứ. Nhưng nếu hiện tại, ta không thích thú trong các cảm
thọ, thì ái sẽ không có cơ hội khởi lên kèm theo những phản ứng thuận
nghịch để cung cấp thêm nhiên liệu
cho vòng tái sinh. Chu kỳ tái sinh như vậy sẽ chấm dứt.
IV. PHÁP SỐ
Bốn niệm xứ, bốn thiền, bốn thức ăn, năm
triền cái, Sáu căn, sáu trần, sáu thức, mười hai nhân duyên.
V. KỆ TỤNG
Tỳ kheo tên Sati
Khởi lên ác tà kiến
"Thức này cứ luân chuyển
Nhưng không có khác gì."
Đây là lời xuyên tạc
Vì Phật vẫn thường dạy
Nếu không có các duyên
Thì thức không hiện khởi.
Thức do duyên mà sinh
Duyên nào mang tên ấy
Do duyên mắt và sắc
Có tên là nhãn thức
Do duyên tai và tiếng
Có tên là nhĩ thức
Do duyên mũi và mùi
Có tên là tỷ thức
Do duyên lưỡi và vị
Có tên là thiệt thức
Do duyên thân và xúc
Có tên là thân thức
Do duyên ý và pháp
Có tên là ý thức.
Như lửa đốt bằng củi
Thì gọi là lửa củi
Lửa được đốt bằng rơm
Được gọi là lửa rơm
Duyên trấu mà lửa sinh
Thì gọi là lửa trấu.
Tất cả các sinh vật
Tác thành nhờ thức ăn
Nếu thức ăn đoạn diệt
Sinh vật cũng đoạn diệt.
Có bốn loại thức ăn
Khiến hữu tình an trú
Là đoàn thực, xúc thực
Tư niệm thực, thức thực.
Bốn loại thức ăn này
Có nguyên nhân là ái
Ái có ra từ thọ
Nguyên nhân thọ là xúc
Nguyên nhân xúc, sáu nhập
Nhân sáu nhập, danh-sắc
Nhân danh-sắc là thức
Nhân của thức là hành
Nhân của hành, vô minh
Do mê mờ bốn đế
Đấy là sự tập khởi
Toàn bộ khổ uẩn này.
Cái này có, kia có
Cái này không, kia không
Cái này sinh, kia sinh
Cái này diệt, kia diệt.
Tỳ kheo biết như vậy
Không truy tầm quá khứ
Hay theo đuổi vị lai
Để đi tìm tự ngã.
Không thờ thầy nào khác
Không còn giới cấm thủ.
Vị ấy thành tựu Giới
Từ bỏ năm triền cái.
Chứng và trú bốn thiền
Sống với tâm vô lượng
Khi cảm thọ khởi lên
Đoạn trừ tâm thuận nghịch
Không tham nên Thủ diệt
Thủ diệt nên Hữu diệt
Hữu diệt nên Sinh diệt
Sinh diệt, Già chết diệt
Sầu bi khổ... cũng diệt
Đây là sự chấm dứt
Toàn bộ khổ uẩn này
Gọi "Ái tận giải thoát."
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 39
Đại kinh xóm ngựa
I. TOÁT YẾU
Mahà-assapura Sutta - The greater discourse at assapura.
The Buddha elucidates "the things that make one a recluse" with a
discourse covering many aspects of the bhikkhús training.
Bản kinh dài giảng ở xóm ngựa.
Phật kể ra những "pháp làm nên một sa môn ẩn sĩ" với một bài giảng
bao quát nhiều phương diện tu tập của một tỳ kheo.
II. TÓM TẮT
Tại ấp có tên "Xóm ngựa" của dân Anga [Ương già], Phật dạy chúng tỳ
kheo về các pháp làm nên Sa môn, Bà la môn. Ở
đây hai danh từ này phải hiểu như
định nghĩa của Phật ở cuối kinh: Sa môn là
người đã "dừng lại các ô nhiễm
đáng sợ, đem lại khổ quả tái sinh, già
chết trong tương lai"; còn Bà la môn là người "đã
tắm rửa sạch sẽ tất cả các ác bất thiện pháp, những ô nhiễm
đưa đến tái sinh, già chết."
Khi đã tự xưng và
được người ta gọi là sa môn, tỳ kheo
phải tu tập và thành tựu các sa môn hạnh như sau:
1. Tàm và quý nhưng không khen mình chê người;
2. Thân hành thanh tịnh nhưng không khen mình chê người;
3. Khẩu hành thanh tịnh nhưng không khen mình chê người;
4. Ý hành thanh tịnh nhưng không khen mình chê người;
5. Mạng sống thanh tịnh nhưng không khen mình chê người;
6. Hộ trì các căn nhưng không lấy làm
tự mãn;
7. Tiết độ trong ăn uống nhưng không
tự mãn;
8. Chú tâm cảnh giác vào mọi lúc, tẩy sạch tâm tư khỏi các chướng
ngại nhưng không tự mãn;
9. Chính niệm tỉnh giác trong bốn uy nghi nhưng không tự mãn;
10. Thiền định, gột sạch 5 triền cái
tham, sân, hôm trầm, trạo hối, nghi; nhờ vậy tuần tự chứng đắc bốn
thiền, ba minh, liễu tri bốn chân lý, thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô
minh lậu. Vị ấy đã xa lìa các bất thiện
đưa đến sinh, già, chết trong
tương lai, tuệ tri "Sinh đã tận,
phạm hạnh đã thành, việc cần làm
đã làm xong, sau
đời hiện tại không còn
đời nào khác."
III. CHÚ GIẢI
Tàm [hiri] và quý [otappa]: hai đức
tính bổ túc cho nhau, trong kinh Tăng chi, được Phật gọi là những
vị "hộ trì thế gian" vì đấy là nền
tảng của Giới. Tàm có đặc tính là
ghê tởm trước điều ác, do một ý thức về
tính tự trọng. Tàm được thể hiện là
sự tự trách mình. Quý có đặc tính là
sợ hãi điều quấy, quan tâm đến dư luận.
Sa môn hạnh là con đường bát chính.
Cứu cánh của sa môn hạnh là diệt tận tham sân si.
Tắm rửa ở đây ám chỉ lễ tắm rửa của
một người bà la môn khi thời gian làm
đệ tử một vị thầy đã hoàn tất.
IV. PHÁP SỐ
Bốn vật dụng, bốn thiền, năm triền cái,
năm thiền chi.
V. KỆ TỤNG
Phật dạy các tỳ kheo
Hãy tu tập các pháp
Làm nên bậc sa môn
Xứng với danh xưng ấy.
Pháp tác thành sa môn
Gồm có tàm và quý;
Thân hành phải thanh tịnh;
Khẩu, ý hành cũng vậy.
Cách sinh hoạt thanh tịnh;
Hộ trì các căn môn;
Tiết độ trong ăn uống;
Cảnh giác các chướng ngại
Vào tất cả các thời
Giữ chính niệm tỉnh giác
Trong tất cả uy nghi
Gột trừ 5 triền cái.
Như hết nợ, khỏi bệnh
Ra tù, hết nô lệ
Đến đất lành an ổn
Hết triền cái cũng vậy:
Chứng bốn thiền ba minh;
Biết như thật bốn đế;
Tự thân được giải thoát
Sinh tận, phạm hạnh thành.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 40
Tiểu kinh Xóm ngựa
I. TOÁT YẾU
Cùla-assapura Sutta - The shorter discourse at assapura.
The Buddha explains "the way proper to the recluse" to be not the
mere outward practice of austerities but the inward purification from
defilements.
Bài pháp ngắn giảng tại xóm ngựa.
Phật giải thích "con đường chân chính
của sa môn" để ám chỉ không những chỉ có khổ hạnh bề ngoài, mà
còn sự tịnh hóa những ô nhiễm nội tâm.
II. TÓM TẮT
Sa môn hạnh không chỉ tùy thuộc vào việc mang y ca sa hoại sắc, hay
thực hành các loại khổ hạnh, mà tùy thuộc vào việc
đoạn trừ các ô nhiễm: tham dục, sân hận,
phẫn nộ, thù hằn, giả dối, não hại, tật
đố, xan lẫn, man trá, xảo quyệt, ái dục, tà
kiến. Khi tự ngã đã diệt hết những ô
nhiễm không xứng sa môn hạnh, vị ấy được
giải thoát, từ đấy tuần tự phát sinh theo nhân quả, các tịnh pháp như
sau: hân hoan, hỷ, [thân] khinh an, lạc, định. Với tâm định tĩnh, vị ấy
biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy các phương
khác. Nhờ đoạn trừ các lậu hoặc, vị ấy tự mình
chứng tri ngay trong hiện tại, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát,
thành bậc sa môn chân chính.
III. CHÚ GIẢI
Kinh trước nói về sa môn pháp hay các pháp tác thành bậc sa môn; kinh
này nói về tư cách sa môn. Mười pháp trước trong 12 "cấu uế của sa môn"
cũng được nói trong "16 ấu uế của tâm" ở
kinh số 7.
IV. PHÁP SỐ
Bốn phạm trú hay bốn vô lượng, năm
triền cái.
V. KỆ TỤNG
Xuất gia có kết quả,
Là khi có thực hành
Các pháp của sa môn
Xứng với sa môn hạnh:
Trừ khử tâm tham, sân
Phẫn nộ và hiềm hận
Não hại và giả dối
Xan lẫn và tật đố
Man trá và xảo quyệt
Ác dục và tà kiến.
Đấy là những cấu uế
Tỳ vết của sa môn
Khiến sinh vào đọa xứ
Thọ lãnh các đường dữ.
Dù khoác y ca sa
Cũng không vì như thế
Mà thành hạnh sa môn
Dù tu các khổ hạnh
Cũng không vì như thế
Mà thành hạnh sa môn
Khi các cấu uế tâm
Không chuyên lo trừ diệt.
Như con dao hai lưỡi
Được bọc trong bao nhung
Sa môn còn cấu uế
Khoác vỏ ngoài cũng thế.
Trừ khử cấu uế tâm
Gột sạch bất thiện pháp
Tự ngã được giải thoát
Do vậy, hân hoan sinh.
Do hân hoan, hỷ sinh:
Do hỷ, thân khinh an
Do khinh an, được lạc
Do lạc, tâm định tĩnh.
Nội tâm được an trú
Biến mãn khắp mười phương
Với từ bi hỷ xả
Quảng đại và vô biên.
Như hồ nước mát trong
Có sen thơm ngào ngạt
Người lữ hành bốn phương
Nóng bức, cổ cháy khát
Đi đến hồ sen này
Được giải trừ nóng khát.
Pháp Luật của Như Lai
Cũng như hồ sen ấy
Người từ các dòng họ
Khổ sinh tử bức bách
Thoát ly khỏi gia đình
Thọ lãnh Pháp Như lai
Đoạn trừ các lậu hoặc
Thành tựu bậc Sa môn.