TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 41-42
Sàleyyaka - Veranjaka
I. TOÁT YẾU
The brahmins of Sàla and of Veranja.
In these two nearly identical suttas, the Buddha explains to the
groups of brahmin householders the courses of conduct leading to rebirth
in lower realms and the courses leading to higher rebirth and
deliverance.
Các bà la môn ở Sàla và ở Veranja.
Trong hai kinh gần giống nhau này, Phật giảng cho các nhóm gia chủ Bà
la môn về các nghiệp đạo đưa đến tái sinh ở
các cõi thấp, và các nghiệp đạo đưa
đến tái sinh cao cấp và đưa đến giải
thoát.
II. TÓM TẮT
Phật giảng tại thôn Sàla cho dân chúng nước Kosala, và tại Xá vệ cho
dân Veranja đến viếng, về mười ác nghiệp và
10 thiện nghiệp, khi được hỏi do nhân gì
sau khi chết có hữu tình sinh vào đọa xứ,
có hữu tình vào cõi lành. Sinh vào
đọa xứ là do ba ác nghiệp về thân: sát sinh, trộm cắp, tà dâm;
bốn ác nghiệp về khẩu: nói láo, nói hai lưỡi, nói thô ác, nói lời vô
ích; và ba ác nghiệp về ý: tham, sân, tà kiến. Ai từ bỏ mười ác nghiệp
này, hành đúng chính đạo, thì tùy ý
muốn, có thể sinh vào các dòng họ cao quý trong loài người, hoặc sinh
vào các cõi trời dục giới hay sắc giới, vô sắc giới.
III. CHÚ GIẢI
Có tà kiến "Không có bố thí" nghĩa là tà kiến phủ nhận quả báo
của bố thí. "Không đời này,
đời sau" phủ nhận tái sinh. "Không mẹ,
không cha" phủ nhận quả báo của sự bất hiếu hay có hiếu với cha mẹ.
"Không có sa môn..." phủ nhận hiện hữu của Phật và các bậc A la
hán. Đây toàn là những loại chấp
"không tưởng" của chủ nghĩa duy vật.
"Hành đúng pháp, đúng chính đạo"
được nói trong Kinh, là
điều kiện cần
để tái sinh vào các cõi trời và diệt
tận lậu hoặc, nhưng chưa phải là đủ.
Ví dụ, muốn tái sinh vào cõi Phạm thiện trở lên, cần phải
đắc các thiền chứng. Muốn tái sinh vào
các cõi Tịnh cư [ngũ tịnh cư thiên] thì phải
đắc quả Bất hoàn. Muốn tái sinh vào
các cõi vô sắc, phải đắc các thiền chứng vô
sắc tương ứng, như Không vô biên, Thức vô biên, vv. Muốn
đạt đến Diệt tận lậu hoặc, cần phải thực hành
trọn vẹn thánh đạo tám ngành cho
đến A la hán đạo.
IV. PHÁP SỐ
Ba thân hành, ba ý hành, bốn khẩu hành, mười ác nghiệp, mười thiện
nghiệp, 28 cõi trời.
V. KỆ TỤNG
Phật đến làng Sa la
Trong xứ Kosala
Dân chúng nghe tin đồn
Đi đến yết kiến Phật
- Bạch tôn giả, nhân gì
Hữu tình sinh cõi dữ
Lại do nhân duyên gì
Được sinh cõi tốt lành?
- Do nhân hành phi pháp
Hữu tình sinh cõi ác
Do nhân hành đúng pháp
Một số sinh cõi lành.
Ba thân hành phi pháp
Là sát sinh, trộm cắp
Tà hạnh trong dâm dục.
Bốn khẩu hành phi pháp
Nói láo và hai lưỡi
Lời thô, lời vô ích.
Ba ý hành phi pháp
Là tham, sân, tà kiến.
Từ bỏ mười ác pháp
Sống đúng theo chính đạo
Biết thương xót hữu tình
Không trộm cắp tài vật
Không tà hạnh dâm dục:
Ba thân hành đúng pháp.
Tránh nói dối, hai lưỡi,
Tránh lời ác, phù phiếm:
Bốn ngữ hành đúng pháp.
Không tham lam sân hận
Và lại có chính kiến:
Ba ý hành đúng pháp.
Ai loại trừ mười ác
Và thực hành mười thiện
Có thể tùy ý muốn
Sinh vào các cõi lành.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 43
Đại kinh Phương quảng
I. TOÁT YẾU
Mahàvedalla Sutta - The greater series of questions and answers.
These two discourses take form of discussions on various subtle
points of Dhamma, the former between the venerable Mahà Kotthila and the
venerable Sàriputta, the latter between the bhikkhunì Dhammadinnà and
the lay follower Visàkha.
Tập hợp lớn các vấn đáp.
Hai kinh này mang hình thức đàm
luận những điểm tế nhị về Pháp. Kinh trước
là giữa hai tôn giả Câu thi la và Xá lợi phất, kinh sau giữa tỳ
kheo ni Dhammadinnà và cư sĩ Visàkha.
II. TÓM TẮT
Tôn giả Xá lợi phất luận đàm với
Ma ha Câu thi la về các điểm:
1. Liệt tuệ và trí tuệ: Liệt tuệ là không tuệ tri bốn chân lý;
trí tuệ là có tuệ tri 4 chân lý. Trí tuệ là thắng tri, liễu
tri và đoạn tận.
2. Khác nhau giữa Tuệ tri và Thức tri: Tuệ tri là do tu
tập và từ bỏ. Thức tri là biết các cảm thọ lạc, khổ và trung
tính. Giữa tuệ và thức có tương quan, nghĩa là cái gì thức biết thì tuệ
cũng biết, nên rất khó phân biệt.
3. Giữa Thức, tưởng, thọ có tương quan, nên rất khó phân biệt;
vì cái gì được cảm tho, cũng được nhận
thức, và cái gì được nhận thức thì
cũng được liễu biệt.
4. Ý thức biệt lập 5 giác quan thì thế nào: có thể
đưa đến Không vô biên xứ, Thức vô
biên xứ, Vô sở hữu xứ.
5. Các điều kiện [duyên] cho
chính tri kiến: có hai, là tiếng người khác, và như lý tác
ý. Làm thế nào để chính tri kiến đưa
đến hai quả giải thoát - tâm và tuệ giải thoát - cùng công
đức của hai giải thoát ấy: cần 5 yếu tố là
Giới, Văn, Thảo luận, Chỉ và Quán.
6. Có bao nhiêu hữu: có ba, là dục, sắc và vô sắc.
7. Tái sinh tương lai xảy ra thế nào: do vô minh và tham ái,
thích thú chỗ này chỗ kia. Nếu xả ly vô minh và tham ái thì tái sinh
không xảy ra.
8. Thiền thứ nhất từ bỏ gì, thành tựu gì: Ly dục, ly bất thiện
pháp, từ bỏ 5 triền cái: tham, sân, hôn trầm, trạo hối, và nghi; thành
tựu 5 thiền chi là tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm.
9. Năm căn: có
đối tượng sai khác, có ý làm
chỗ nương, ý lãnh thọ các cảnh giới của 5 căn,
5 căn lại do duyên tuổi thọ mà trú. Tuổi thọ lại do duyên
hơi ấm, và hơi ấm do duyên tuổi thọ, cũng như do ánh sáng mà thấy
tim đèn, do tim
đèn mà ánh sáng hiện.
10. Thọ hành và cảm thọ là một hay khác: khác, vì nếu là một
thì một vị chứng Diệt thọ tưởng định sẽ
chết luôn, nhưng sự thực là vị ấy có thể xuất
định và có cảm giác trở lại.
11. Sự chết: Lúc nào thì thân xác
được xem là đã chết: lúc ba
pháp được từ bỏ: tuổi thọ,
hơi ấm và thức. Khác nhau giữa thây chết và tỳ kheo nhập Diệt
thọ tưởng định: nơi tỳ kheo nhập Diệt thọ
tưởng định, tuổi thọ và thức vẫn còn an trú nên còn hơi ấm, nơi
người chết, hai thứ ấy đã chấm dứt.
12. Điều kiện để chứng nhập tâm
Giải thoát bất khổ bất lạc có 4: xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu
đã cảm thọ trước, chứng trú thiền
thứ tư với xả niệm thanh tịnh.
13. Điều kiện để chứng nhập tâm
Giải thoát Vô tướng: có hai, là tác ý vô tướng giới và không tác
ý tất cả pháp.
14. Vô lượng TGT, vô sở hữu TGT, không TGT và
vô tướng tâm giải thoát: những pháp này có khi khác nghĩa, có khi
đồng nghĩa. Khác nghĩa khi nói về nhân tu,
như:
Vô lượng tâm giải thoát là do tu bốn phạm trú từ bi hỷ xả;
Vô sở hữu là do vượt trên Thức vô biên xứ, chứng trú Vô sở hữu
xứ;
Không tâm giải thoát là thiền quán về sự trống rỗng, không có
ngã hay ngã sở;
Vô tướng tâm giải thoát là do không tác ý tất cả tướng, an trú
định vô tướng.
Cả bốn tâm giải thoát đồng nghĩa, vì
nó là đặc tính của quả chứng, tức
tâm giải thoát bất động,
không bị động vì tham sân si. Tham
sân si là nguyên nhân của giới hạn, nên không tham sân si là tâm giải
thoát vô lượng; tham sân si là chướng ngại, nên không tham sân si
là Không tâm giải thoát và vô sở hữu tâm giải thoát; tham
sân si là cái tạo ra các tướng, nên không tham sân si gọi là giải
thoát vô tướng.
III. CHÚ GIẢI
Tôn giả Ma ha Câu thi la được Phật tuyên
bố là đệ nhất về trí phân tích, tài
biện thuyết.
Trong thiền định, thân hành
là hơi thở ra vào; khẩu hành là tầm tứ; ý hành là thọ,
tưởng. Luận nói, bình thường, các căn bị ô
nhiễm vì đối tượng giác quan, như
một tấm gương đặt tại ngã tư đường
cái; nhưng các căn của một vị ở trong Diệt định thì trong sáng
như một tấm gương đặt trong hộp.
Thọ hành, àyusankhàrà, theo Luận, chỉ sinh khí, khác với
cảm thọ, vì nó giữ cho thân xác một vị đã
chứng Diệt thọ tưởng vẫn sống. Thiền chứng này, trong
đó mọi tâm hành
đều ngưng, chỉ được chứng đắc bởi một vị đã
đắc quả Bất hoàn hay A la hán mà
đồng thời cũng đã làm chủ tám thiền
về tịnh chỉ.
Vô tướng tâm giải thoát là quả chứng. Tướng là sắc, vv.; vô tướng
giới là Niết bàn, trong đó vắng bóng mọi
tướng hữu vi sinh diệt. Luận giải Không tâm giải thoát,
sunnatà cetovimutti, là tuệ chứng nhân và pháp
đều vô ngã, không tự tính. Trong bốn
tâm giải thoát, chỉ có Vô tướng giải thoát là thuộc siêu thế. Ba
giải thoát trước đấy, vô lượng
là Bốn phạm trú, Vô sở hữu là định
vô sắc thứ ba trong bốn vô sắc, và Không giải thoát - tuệ
thấy rõ các hành là không - đều thuộc thế
gian.
Tham, sân, si làm nên những hạn lượng, pamànakarana, vì
chúng áp đặt giới hạn trên phạm vi
và chiều sâu của tâm thức. Nhưng theo Luận giải, vì nó khiến người ta
đo lường một người nào là phàm phu,
Dự lưu, Nhất lai hay Bất hoàn.
Luận nói có 12 tâm giải thoát là: 4 phạm trú, 4
đạo, 4 quả. Tâm giải thoát bất động là
quả A la hán. Nói tâm trống rỗng tham, sân, si, là tâm giải thoát siêu
thế nhờ không tướng vì tham sân si tạo ra các tướng.
Có chín tâm giải thoát nhờ không tướng: vô sở hữu xứ và 4
đạo, 4 quả.
Theo Luận, những cái tạo nên tướng, nimittakarana, là tham sân si vì
chúng dán nhãn hiệu lên một người là phàm hay thánh, là tham hay sân hay
si. Nhưng cũng có thể hiểu rằng ô nhiễm tham sân si này khiến tâm gán
cho sự vật các đặc tính sai lạc như trường
tồn, khả ái, có tự ngã, đẹp đẽ.
Luận giải: có 13 vô tướng tâm giải thoát là: tuệ, vì nó tẩy trừ các
tướng thường, lạc, ngã; 4 định vô sắc, vì
chúng không có tướng vật chất; và 4 đạo 4
quả, vì chúng không có ô nhiễm.
Cả 4 tâm giải thoát đều đồng nghĩa
vì chúng đều ám chỉ quả A la hán, và
vì bốn tên vô lượng, không, vô tướng, vô sở hữu
đều là tên khác của Niết bàn.
IV. PHÁP SỐ
Ba thọ, bốn chân lý, bốn phạm trú, bốn không, bốn tâm giải thoát, năm
pháp trợ duyên cho chính kiến
đưa đến giải thoát: giới, văn, thảo luận, chỉ, quán.
V. KỆ TỤNG
Tôn giả Xá lợi phất
Định nghĩa và phân biệt
Chỗ tế nhị các pháp
Với Đại Câu thi la.
Không biết bốn chân lý
Thị gọi là Liệt tuệ
Trí tuệ là thắng tri,
Liễu tri và đoạn tận.
Tuệ tri do tu tập
Thức tri biết cảm thọ
Lạc, khổ và trung tính.
Tuệ, thức có tương quan.
Ý thức biệt lập căn:
Chứng Không vô biên xứ
Từ đấy Thức vô biên
Và Vô sở hữu xứ.
Có hai điều kiện này
Đưa đến chính tri kiến:
Là tiếng của người khác,
và như lý tác ý.
Đạt Tâm, tuệ giải thoát
Nhờ chính kiến kèm thêm:
Giới, Văn, và Thảo luận,
Tịnh chỉ và Tuệ quán.
Tái sinh trong tương lai
Do vô minh, tham ái,
Thích thú các khoái lạc
Ở chỗ kia chỗ này.
Thiền thứ nhất bỏ gì:
Ác dục, bất thiện pháp,
Cùng với 5 triền cái
Tham sân ngủ hối nghi
Thành tựu 5 thiền chi
Tầm, tứ, hỷ, lạc, định.
Năm căn
đối tượng khác
Nhưng cùng nương vào Ý
Do tuổi thọ mà trú
Tuổi thọ do hơi ấm,
Hai thứ duyên lẫn nhau
Như đèn với bấc, dầu.
Thọ hành khác cảm thọ:
Thọ hành là sinh mạng
Chứng Diệt thọ tưởng định
Dứt cảm thọ, còn mạng
Nên không phải chết luôn
Xuất định, lại cảm giác.
Thân chết khi từ bỏ
Thọ mạng, hơi ấm thức.
Muốn đạt tâm giải thoát
Vượt ngoài khổ và lạc
Phải xả lạc, xả khổ,
diệt hỷ ưu đã thọ,
chứng trú thiền thứ tư
với xả niệm thanh tịnh.
Muốn giải thoát Vô tướng
Cần có hai điều kiện:
Tác ý vô tướng giới
Và không tác ý gì.
Bốn tâm giải thoát này
Khác nghĩa do nhân tu
Đồng nghĩa do quả chứng:
Vô lượng do phạm trú
Quán từ bi hỷ xả;
Vô sở hữu giải thoát
Do quán Thức là không.
Đạt Không tâm giải thoát
Do quán ngã ngã sở
Trống rỗng, không có gì.
Vô tướng tâm giải thoát
Do đắc định vô tướng.
Bốn tâm ấy đồng nghĩa
Chỉ quả vị La hán
Vì ám chỉ bất động,
Không động tham sân si
Vì chính tham sân si
Mới làm nên hạn lượng,
Mới làm nên chướng ngại
Và tạo ra các tướng.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 44
Tiểu kinh Phương quảng
I. TOÁT YẾU
Cùlavedalla Sutta - The shorter series of questions and answers.
Tập hợp ngắn các vấn đáp.
(Xem kinh 43.)
II. TÓM TẮT
Ni sư Dhammadinna giảng cho nam cư sĩ Visakha về những
điểm:
1. Tự thân: năm thủ uẩn là
tự thân. Tập khởi của tự thân là khát ái câu hữu hỉ, tham, tìm cầu hỉ
lạc chỗ này chỗ khác. Tự thân diệt là đoạn
diệt khát ái. Con đường đoạn diệt là thánh
đạo tám ngành.
2. Thủ và uẩn: có dục tham đối
với năm uẩn thì gọi là thủ uẩn.
3. Thân kiến là sự chấp trước của phàm phu, xem 5 uẩn
là tự ngã, hay xem tự ngã có năm
uẩn, hay xem 5 uẩn ở trong tự ngã, hay xem tự ngã ở
trong 5 uẩn. Phi thân kiến là không có những quan
điểm như vậy.
4. Tám thánh đạo và ba uẩn.
Thánh đạo là hữu vi, không phải vô
vi; Ba uẩn thâu nhiếp tám thánh đạo: Giới
uẩn là chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng; Ðịnh uẩn là chính
tinh tấn, chính niệm, chính định; Tuệ uẩn là
chính kiến, và chính tư duy.
5. Ðịnh, định tướng, định cư tụ, và
định tu tập: Nhất tâm là
định; 4 niệm xứ là tướng của
định, bốn chính cần là tư cụ của
định, tu tập các pháp ấy gọi là tu
tập định.
6. Ba hành là thân, khẩu, ý. Thở vô thở ra là thân hành vì lệ
thuộc thân; tầm tứ là khẩu hành vì do suy tư mà có lời nói; tưởng, thọ
là ý hành vì hai pháp này tùy thuộc về tâm.
7. Nhập và xuất Diệt thọ tướng định:
Một người nhập định này không khởi
lên ý nghĩ tôi sẽ nhập, đang nhập hay đã
nhập, chỉ do tu tập nên đưa đến trạng thái
ấy. Khi nhập định này, thứ tự diệt ba hành là khẩu, thân, ý.
Khi xuất, thứ tự sinh khởi trở lại ba hành là ý, thân, khẩu. Khi
xuất Diệt định, vị ấy cảm thọ ba loại xúc là
không, vô tướng, vô nguyện. Tâm vị ấy hướng về
độc cư.
8. Ba thọ: đối với lạc thọ, thì
trú là lạc, biến hoại là khổ. Ðối với khổ thọ, thì trú là khổ, biến hoại
là lạc. Ðối với bất khổ bất lạc, thì có trí là lạc, vô trí là khổ. Trong
lạc thọ, có tham tùy miên; trong khổ thọ có sân tùy miên; trong bất khổ
bất lạc có si tùy miên. Tuy nhiên, ba thọ này ở trong thiền
định thì không có tùy miên tham,
sân, si. Ví dụ lạc thọ ở sơ thiền không có tham tùy miên; ưu tư muốn
đạt các cảnh giới cao thượng là một
loại khổ thọ nhưng không có sân tùy miên; và xả niệm thanh tịnh ở tứ
thiền là bất khổ bất lạc thọ nhưng không có vô minh tùy miên.
9. Minh và vô minh;
10. Giải thoát và niết bàn.
III. CHÚ GIẢI
Visàkha là một thương gia giàu có ở thành Vương xá. Dhammadinnà
khi còn tại gia, là vợ ông ta. Sau khi xuất gia làm tỳ kheo ni, bà
đắc quả A la hán, được Phật công bố là
đệ tử ni xuất sắc nhất về giảng Pháp.
Năm thủ uẩn là toàn bộ chân
lý về Khổ, nên bốn câu hỏi đặt ra đầu tiên
về Bốn chân lý liên hệ đến bản ngã
hay Khổ.
Thủ ở đây chỉ tham ái, là một
phần của hành uẩn, nên nó không phải năm
uẩn; nhưng vì nó không tách rời 5 uẩn, nên cũng không có thủ ở
ngoài năm uẩn.
Kiến chấp bản ngã có 20 kiểu. Luận dẫn 4 hình thức chấp ngã liên
hệ đến sắc uẩn như sau. Hoặc chấp
hình chất là ngã, như ngọn lửa là một với màu sắc ngọn lửa. Hoặc
chấp ngã có một hình chất như cây có cái bóng cây. Hoặc chấp
hình chất ở trong ngã, như mùi hương ở trong hoa. Hoặc chấp ngã ở
trong hình chất, như viên ngọc nằm trong cái hộp.
Thứ tự diệt và tái sinh khởi ba hành trong thiền
định: tầm tứ hay khẩu hành diệt
trước, trong nhị thiền; kế đến là
hơi thở hay thân hành diệt ở tứ thiền; và cuối cùng thọ và tưởng hay ý
hành diệt khi chứng nhập Diệt định. Khi
xuất diệt định, trước hết là tâm hành, tức ý thức về sự
đắc quả khởi lên, cùng với nó là
thọ và tưởng tương ứng; kế tiếp là khi hữu phần tâm khởi lên, thì hơi
thở hay thân hành bắt đầu trở lại. Cuối cùng,
khi thiền giả trở về với sinh hoạt bình thường, thì khẩu hành khởi lên.
Tương đương, patibhàga, chỉ
sự tương quan giữa hai pháp vừa đối nghịch
vừa phụ thuộc vào nhau, như sáng với tối.
Vô minh là tương đương với bất khổ
bất lạc, vì cảm thọ này rất vi tế khó nhận diện.
Niết bàn cũng có cái đối nghịch là
các pháp hữu vi, nhưng theo nghĩa tuyệt
đối, nó không có pháp phụ thuộc vì làm sao có cái gì phụ thuộc
vào Niết bàn là pháp vô vi, vô điều kiện?
IV. PHÁP SỐ
Ba hành, ba thọ, ba tùy miên, ba uẩn [giới
định tuệ], bốn chân lý, năm triền cái, năm
thiền chỉ, năm uẩn, tám thánh đạo.
V. KỆ TỤNG
1. Cư sĩ Visakha
Hỏi Dhammadinna
Về tập khởi của thân
Và đoạn diệt của nó.
Năm uẩn là tự thân
Có ra vì khát ái
Câu hữu với hỉ, tham
Tìm hỉ lạc khắp chỗ.
Sự chấm dứt tự thân
Là xả ly ái, thủ
Con đường dứt ái thủ
Là thánh đạo tám ngành.
2. Thủ khác với năm uẩn
Hay thủ, uẩn là một?
Thủ không khác năm uẩn
Vì ở trong năm uẩn
Thủ thuộc về hành uẩn.
Nhưng khi có dục tham
Ðối với thân năm uẩn
Mới gọi là thủ uẩn.
3. Thân kiến nghĩa là gì
Kẻ phàm phu chấp trước
Xem sắc là tự ngã,
Hoặc tự ngã có sắc,
Hoặc sắc ở trong ngã,
Hoặc ngã ở trong sắc
Với thọ, tưởng, hành, thức
Thành hai mươi thân kiến.
4. Tám thánh đạo, ba uẩn.
Thánh đạo là hữu vi
Bao gồm trong ba uẩn
Giới uẩn là chính ngữ,
Chính nghiệp và chính mạng;
Ðịnh uẩn chính tinh tiến,
Chính niệm cùng chính định;
Tuệ uẩn là chính kiến
Cùng với chính tư duy.
5. Gì là Ðịnh, định tướng,
Tư cụ và tu tập?
Nhất tâm gọi là định;
Tướng định: 4 niệm xứ;
Tư cụ: bốn chính cần;
Tu tập các pháp ấy
Gọi là tu tập định.
6. Ba hành nghĩa là gì?
Thân, khẩu, và ý hành.
Thân hành là hơi thở
Vì do thân sinh ra;
Khẩu hành là tầm tứ
Vì nghĩ trước, nói sau.
Ý hành là tưởng, thọ
Vì do tâm mà có.
7. Trạng thái nhập Diệt định
Xảy ra do tu tập
Không do móng khởi tâm
"Ta sẽ nhập, trú, xuất"
Tỳ kheo nhập định này
Ngữ hành tầm tứ diệt
Rồi thân hành, ý hành.
Khi xuất Diệt tận định
Ý khởi, đến thân, khẩu.
Cảm thọ ba loại xúc:
Vô tướng, vô nguyện, không.
8. Ðối với cảm thọ lạc,
Trú lạc, biến hoại khổ.
Ðối với cảm thọ khổ,
Trú khổ, biến hoại lạc.
Với bất khổ bất lạc,
Trí lạc, vô trí khổ.
Trong lạc, tham tùy miên,
Trong khổ, sân tùy miên,
Trong xả, si tùy miên.
Tuy vậy trong các thiền
Có thọ, không tùy miên:
Hỉ lạc ở sơ thiền
Không có tham tùy miên;
Ưu tư muốn đắc thiền
Là khổ thọ không sân
Xả niệm ở tứ thiền
Không vô minh tiềm ẩn.
Lạc lấy khổ làm đối
Khổ lấy lạc đắp đổi
Bất khổ bất lạc thọ
Là vô minh gần kề.
9. Vô minh lấy gì đối?
- đối xứng và đối nghịch -
Lấy "Minh" làm tương đương
Minh lấy gì để đối?
Giải thoát là tương đương.
Giải thoát lấy gì đối?
Giải thoát đối Niết bàn
Ðến đây là hết
đối.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 45
Tiểu kinh Pháp hành
I. TOÁT YẾU
Cùladhammasamàdàna Sutta - The shorter discourse on ways of
undertaking things.
The Buddha explains, differently in each of the two suttas, four ways
of undertaking things, distinguished according to whether they are
painful or pleasant now and whether they ripen in pain or pleasure in
the future.
Bản kinh ngắn về những lối hành xử.
Phật giải thích trong hai kinh này, bốn cách thọ lãnh các pháp, khác
nhau ở chỗ hiện tại chúng là lạc hay khổ và trong tương lai, chúng kết
thành quả báo vui hay khổ.
II. TÓM TẮT
Có bốn pháp hành: hiện tại lạc, vị lai khổ; hiện tại khổ, vị lai cũng
khổ. Hiện tại khổ, vị lai lạc; và hiện tại lạc, vị lai cũng an lạc.
Loại 1 là pháp hành của các sa môn bà la môn tham
đắm dục lạc, tương lai bị quả báo ở ba
đường ác.
Loại 2 là khổ hạnh thuộc giới cấm thủ của ngoại
đạo.
Loại 3 là những người bẩm sinh nhiều tham sân si, nhưng chịu khó tu
hành một cách vất vả, sống phạm hạnh trong sạch, khi thân hoại mạng
chung sinh vào cõi lành.
Loại 4 là những người bẩm sinh ít tham sân, có trí tuệ, lại ly dục,
ly bất thiện, chứng và trú thiền thứ nhất
đến thiền thứ tư, khi chết sinh thiên giới.
III. CHÚ GIẢI
IV. PHÁP SỐ
Ba độc, ba thọ, bốn thiền, bốn loại pháp
hành, năm thiền chi.
V. KỆ TỤNG
Phật dạy chư tỳ kheo
Có bốn loại pháp hành:
Hiện giờ vui, sau khổ,
Như tham đắm dục lạc,
Chết đọa ba đường ác.
Hiện khổ, sau cũng khổ
Như ngoại đạo khổ hạnh
Tà kiến sa địa ngục.
Hiện khổ về sau vui
Như nặng về tham ái
Vẫn cố sống phạm hạnh
Mạng chung sinh cõi lành
Hiện vui, sau cũng vui
Như kẻ ít tham sân
Ly dục, ly bất thiện
Chứng và trú các thiền
Khi chết sinh thiên giới.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 46
Ðại kinh pháp hành
I. TOÁT YẾU
Mahàdhammasamàdàna Sutta - The greater discourse on ways of
undertaking things.
Bản kinh dài về những lối hành xử. (Xem kinh 45)
II. TÓM TẮT
Phật dạy, chúng sinh phần lớn đều mong
bớt khổ, thêm vui, nhưng chỉ gặp ít vui, nhiều khổ. Nguyên nhân
là phàm phu không tu học thánh pháp, chuyên làm những việc không
đáng làm và tránh né những việc
đáng làm, khiến cho khổ pháp tăng
trưởng, lạc pháp giảm thiểu.
Có bốn pháp hành: hiện tại khổ, tương lai khổ; hiện tại vui, tương
lai khổ; hiện tại khổ, tương lai vui; hiện tại vui, tương lai vui.
Hiện tại khổ, tương lai khổ, là trường hợp người hiện tại làm mười
nghiệp ác trong tâm trạng đau khổ, khi thân
hoại mạng chung sinh vào cõi xấu. Như thuốc
đã đắng
mà lại độc, làm chết người
uống.
Hiện tại vui, tương lai khổ, là trường hợp làm 10 nghiệp ác trong tâm
trạng hân hoan, khi chết đọa vào cõi
dữ. Như thuốc độc bỏ vào
đồ uống ngon ngọt.
Hiện tại khổ, tương lai vui, là trường hợp người từ bỏ 10 nghiệp ác
với tâm trạng đau khổ; do duyên từ
bỏ ác nghiệp, khi thân hoại mạng chung được
sinh vào cõi lành. Như thuốc đắng
nhưng làm khỏi bệnh.
Hiện tại vui, tương lai vui, là trường hợp người từ bỏ 10 nghiệp ác
với tâm trạng hân hoan, do duyên ấy khi chết tái sinh vào cõi lành. Như
thuốc ngon ngọt, lại làm khỏi bệnh.
III. CHÚ GIẢI
Những điều nên làm và không nên
làm được đề cập đầy đủ trong kinh số 114
Trung bộ (tập 3).
IV. PHÁP SỐ
Bốn pháp hành, Mười ác nghiệp.
V. KỆ TỤNG
Hữu tình đều mong mỏi
Giảm khổ và tăng lạc
Nhưng gặp điều ngược lại
Là vui ít, khổ nhiều.
Giai do vì phàm phu
Ngu si không hiểu biết
Không tu học thánh pháp
Chuyên làm chuyện không đáng
Tránh né việc đáng làm
Khiến khổ tăng, lạc giảm.
Hiện tại khổ, sau khổ
Là kẻ làm việc ác
Trong tâm trạng đau khổ
Khi thân hoại mạng chung
Sinh vào cõi bất an
Như thuốc đắng lại độc
Làm chết người uống ăn.
Hiện tại vui, sau khổ
Là làm 10 nghiệp ác
Trong tâm trạng hân hoan
Chết đọa vào cõi dữ
Như thuốc độc giấu ngầm
Trong đồ uống ngọt ngon.
Hiện tại khổ, sau vui,
Là từ bỏ 10 ác
Với tâm trạng đau khổ
Khi thân hoại mạng chung
Ðược sinh vào cõi lành
Như thuốc đắng, khỏi bệnh.
Hiện tại vui, sau vui
Là từ bỏ 10 ác
Với tâm trạng hân hoan
Chết sinh vào cõi lành
Như thuốc ngon lại bổ.
Lại như mặt trời lên
Tan mây mù hắc ám
Pháp hành hiện tại lạc
Quả tương lai cũng vui
Do Như Lai giảng dạy
Phá tan mọi tà thuyết.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 47
Kinh tư sát
I. TOÁT YẾU
Vìmamsaka Sutta - the inquirer.
The Buddha invites the bhikkhus to maek a thorough investigation of
himself in order to find out whether or not he can be accepted as fully
enlightened.
Người tìm hiểu.
Phật khuyên các tỳ kheo nên làm một cuộc tra tầm toàn diện về bản
thân Ngài để tìm hiểu xem Ngài có
đáng được chấp nhận là hoàn toàn
giác ngộ hay không.
II. TÓM TẮT
Phật dạy các tỳ kheo cần phải tìm hiểu về Như Lai xem Ngài có thực là
Chính đẳng giác hay không. Có bảy việc đáng
tìm hiểu.
1. Những pháp ô nhiễm do mắt tai nhận thức có còn hiện khởi nơi Ngài
không.
2. Những tạp pháp khi nhiễm khi tịnh do mắt tai nhận thức, có hiện
khởi không.
3. Những pháp hoàn toàn thanh tịnh do mắt tai nhận thức, có hiện khởi
không.
4. Thiện pháp này thành tựu nơi Ngài trong một thời gian dài hay
ngắn.
5. Khi nổi danh, một số nguy hiểm có xảy ra cho Ngài không.
6. Xét Ngài do sợ hãi tiếng xấu mà từ bỏ hay vì
đã đoạn
diệt tham ái mà từ bỏ; để nhận rằng
Ngài do vô úy mà từ bỏ, vì dù ở giữa chúng hay ở một mình Ngài
vẫn vậy; và Ngài không chỉ trích những người theo ác giới, chuyên trọng
tài vật.
7. Sau khi tìm hiểu, phải hỏi lại Phật chính những
điều ấy. Một đệ tử cần phải đến gần một bậc
đạo sư như vậy để nghe pháp, chứng tri pháp ấy, đạt đến cứu cánh, và
khi ấy sẽ khởi lòng tịnh tín: "Thế tôn là bậc Chính
đẳng giác, Pháp được Ngài khéo
giảng, chư tăng khéo hành trì." Lòng
tin như thế được gọi là căn
cứ trên chính kiến, không thể bị phá hoại bởi bất cứ ai trên thế
giới với chư thiên, ma, Phạm, sa môn, bà la môn…
III. CHÚ GIẢI
Do mắt tai nhận thức: Thân hành và ngữ hành là những pháp do mắt
tai nhận thức. Cũng như thấy sóng gợn, bọt nổi mà biết trong nước có cá,
do hành vi hay lời nói nhiễm ô, người ta có thể biết cái tâm phát sinh
ra những hành vi và lời nói ấy cũng nhiễm ô.
Tạp pháp, vìtimissà dhammà, ám chỉ hành vi của người
đang thanh lọc hành vi mình, nhưng
không thể kiên trì giới hạnh, khi Phật khi ma.
Nguy hiểm là kiêu căng ngã
mạn, vv. Một vài người, khi chưa nổi danh thì những nguy hiểm này không
rõ rệt, họ có vẻ an tịnh; nhưng khi nổi tiếng, có
đồ chúng, họ lại cư xử bất đáng, đả kích
người khác như một con báo vồ đàn nai.
IV. PHÁP SỐ
Ba loại pháp: nhiễm, tịnh, và hỗn tạp.
V. KỆ TỤNG
Phật dạy các tỳ kheo
Cần tìm hiểu Như Lai
Ðúng bậc Chính đẳng giác
Theo bảy cách tư sát.
1. Một là những ô nhiễm
Do mắt tai nhận thức
Còn khởi lên nơi Ngài
Hay là không hiện khởi.
2. Ðược biết không hiện khởi
Lại xét những tạp pháp
Có khi nhiễm khi tịnh -
Cũng không còn hiện khởi
3. Rồi xét những tịnh pháp
- Pháp hoàn toàn thanh tịnh -
Do mắt tai nhận thức
Có khởi nơi Như Lai.
4. Kế đến, hãy tìm hiểu
Phật thành tựu việc này
Trong thời gian ngắn, dài
Ngài thành tựu từ lâu.
5. Lại xét khi nổi danh
Có nguy nào xảy đến
Phật không gặp nguy nào
Như là tham, mạn, kiến…
6. Lại xét do nhân gì
Ngài tu hạnh viễn ly
Thấy Ngài do diệt ái
Mà tu hạnh viễn ly.
Giữa chúng hay một mình
Ngài vẫn không đổi khác
Không khinh kẻ ác giới
Chuyên chú trọng tài vật.
7. Sau khi tìm hiểu qua
Lại xin Phật xác minh
Về những điều tìm thấy
Ðể biết thực không ngoa.
Ðệ tử phải đến gần
Một đạo sư như vậy
Ðể nghe pháp, suy tư
Và chứng tri pháp ấy
Ðạt đến chỗ cứu cánh
Và khởi lên tịnh tín
Ðối với đức Thế tôn
"Là bậc Chính đẳng giác
Pháp được Ngài khéo giảng
Chư tăng khéo hành trì."
Lòng tin ấy đáng gọi
Căn cứ trên chính kiến
Không thể bị phá hoại
Bởi một ai trên đời".
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 48
Kosambiya
I. TOÁT YẾU
Kosambiya Sutta - The kosambians.
During the period when the bhikkhus at Kosambi are divided by a
dispute, the Buddha teaches them the six qualities that create love and
respect and conduce to unity. He then explains seven extraordinary
knowledges possed by a noble disciple who has realised the fruit of
stream-entry.
Những người xứ Câu diệm bì.
Trong thời gian chư tỳ kheo ở Câu diệm bì chia rẽ vì một cuộc tranh
cãi, Phật giảng dạy cho họ sáu đức tính tạo
nên tình thương yêu và tương kính,
đưa đến hòa hợp. Rồi Ngài giải thích bảy thắng trí mà một vị
thánh đệ tử có được khi chứng quả Dự lưu.
II. TÓM TẮT
Nhân các tỳ kheo ở Kosambi chia rẽ vì cãi nhau, Phật giảng sáu pháp
hòa thuận và bảy yếu tố của Dự lưu quả.
1. Từ thân hành đối với nhau trước mặt
như sau lưng.
2. Từ khẩu hành;
3. Từ ý hành;
4. San sẻ lợi lộc vật chất;
5. Cùng nhau thành tựu giới luật;
6. Cùng nhau thành tựu tri kiến bậc thánh. Trong
đây, tri kiến bậc thánh là nòng
cốt của lục hòa.
Bảy yếu tố của quả Dự lưu là bảy yếu tố của tri kiến bậc thánh:
1. Thiền định để gột trừ năm triền
cái.
2. Ðạt đến tịnh chỉ.
3. Quán sát bằng tri kiến này không có trong giới luật ngoại
đạo.
4. Phát lộ khi phạm giới.
5. Giúp đỡ bạn đồng tu.
6. Lóng tai nghe Pháp.
7. Thành tựu nghĩa tín thọ, pháp tín thọ, và hân hoan liên hệ Pháp.
III. CHÚ GIẢI
Kinh này bắt nguồn từ cuộc tranh cãi ở Câu diệm bì, khởi từ sự hiểu
lầm một tiểu giới nhưng đã nhanh
chóng bùng lên và lan rộng, chia đại đa số
tăng chúng và tín đồ ở địa phương thành
hai phe thù nghịch.
IV. PHÁP SỐ
Năm triền cái, sáu hòa, bảy yếu
tố của Dự lưu quả [trừ 5 triền cái, tịnh chỉ; trí quán sát; phát lộ
ngay khi phạm tiểu giới; giúp đỡ đồng tu;
lóng tai nghe pháp; hiểu rõ ý nghĩa và hân hoan trong Pháp].
V. KỆ TỤNG
1. Chúng ở Kosambi
Chia rẽ vì cãi nhau
Không chấp nhận hòa giải
Phật giảng pháp lục hòa.
Cùng với bảy yếu tố
Ðưa đến Dự lưu quả.
2. Một là từ thân hành
Hai là từ khẩu hành
Ba là từ ý hành
Sau lưng như trước mặt
Bốn, san sẻ lợi lộc
Năm, cùng thành tựu giới
Sáu, cùng tri kiến thánh
- Nòng cốt của lục hòa.
Bảy yếu tố Dự lưu
Là tri kiến bậc thánh:
Một bỏ năm triền cái,
Dứt trừ sự tranh cãi;
Hai là đạt tịnh chỉ;
Ba là trí quán sát
Thấy rõ tri kiến này
Không có trong ngoại đạo.
Bốn phát lộ lỗi lầm;
Năm giúp đỡ đồng tu;
Sáu lóng tai nghe Pháp;
Bảy thành tựu sức mạnh
Nghĩa và Pháp tín thọ
Hân hoan liên hệ Pháp.
Thành tựu bảy chi này
Là đắc quả Dự lưu.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 49
Phạm thiên cầu thỉnh
I. TOÁT YẾU
Brahmanimantanika Sutta - The invitation of a brahmà.
Baka the Brahmà, a high divinity, adopts the pernicious view that the
heavenly world over which he presides is eternal and that there is no
higher state beyond. The Buddha visits him to dissuade him from that
wrong view and engages him in a contest of Olympian dimensions.
Sự mời mọc của Phạm thiên.
Vị trời Baka cõi Phạm thiên, có tà kiến rằng cõi trời mà ông làm chủ
là trường cửu, không có cõi nào cao hơn. Phật viếng thăm
ông ta để giải trừ tà kiến ấy nơi ông, và
đưa ông vào một cuộc tranh tài có
tầm cỡ thế vận hội.
II. TÓM TẮT
Phạm thiên Baka khởi lên tà kiến chấp cõi trời của ông là trường tồn,
toàn diện, không có giải thoát nào cao hơn thế. Phật viếng thăm
và nói ông ta đã sai lầm. Khi
ấy Ác ma nhập vào một vị trời để bảo Phật
chớ can thiệp, và xác nhận Phạm thiên là số một trên thế gian, ai
phỉ báng sẽ phải đọa, ai tán dương Phạm thiên,
khi thân hoại mạng chung sẽ được sung
sướng. Khi ấy Phật bảo Ác ma Ngài biết rõ Phạm thiên cũng trong
tay Ác ma, nhưng Phật thì không, Ngài đã
thoát khỏi tầm tay của ma.
Phạm thiên lặp lại tà kiến cho rằng cõi trời ấy trường cửu, toàn
diện, không biến hoại, và nói nếu Phật nương vào 4
đại, chúng sinh… cho đến các cõi
trời, thì Phật sẽ ở trong lãnh địa ông ta.
Phật xác nhận uy quyền của Phạm thiên trong giới hạn ấy, nhưng
Ngài còn biết nhiều cõi trời cao hơn cõi Phạm thiên, như cõi Quang âm
thiên, Biến tịnh thiên, Quảng quả thiên… tuy vậy Ngài không chấp thủ bốn
đại và bất cứ một pháp nào. Do vậy
Ngài vượt xa Phạm thiên.
Ðể trổ tài, Phạm thiên nói ông sẽ biến mất trước Phật, nhưng ông
không biến được. Trái lại, Phật hiện thần
thông khiến thiên chúng không thấy
được Ngài, nhưng nghe tiếng Ngài nói "Do thấy nguy hiểm của hữu,
Như Lai tìm phi hữu; và đối với hữu, Như
Lai không tôn trọng, không chấp thủ." Thiên chúng tán dương thần
lực của Phật.
Ác ma nhập vào một vị trời để khuyến cáo
Phật đừng giảng Pháp, vì xưa kia có những vị xuất gia do nói
pháp, hướng dẫn đệ tử mà khi chết
phải đọa. Phật nhận diện ác ma và
nói Ngài biết ác ma đang nghĩ: "Những ai
được sa môn Gotama thuyết pháp, sẽ thoát ngoài tầm ảnh hưởng của
ta."
III. CHÚ GIẢI
Kinh số 1, Pháp môn căn bản,
cũng được giảng khi Phật ở rừng Subhaga tại
Ukkatthà. Ðề tài tương đồng giữa hai
kinh này rất đáng chú ý. Có thể nói
kinh này là một trình diễn có kịch tính những ý tưởng
đã nêu trong kinh Pháp môn căn
bản dưới hình thức triết lý trừu tượng. Vậy, Phạm thiên Baka
tiêu biểu tự ngã trong hình thức trổi nhất, mù quáng trong tưởng tri với
những ảo tưởng về thường, lạc, ngã. Bên dưới là khát ái, tượng trưng bởi
Ác ma - không lộ liễu giữa chúng hội, nhưng lại là tác giả thực sự của
mọi tưởng, chính ác ma nắm toàn thể vũ trụ trong tay.
IV. PHÁP SỐ
Bốn đại.
V. KỆ TỤNG
Phạm thiên tên Baka
Khởi lên ác tà kiến
Chấp cõi mình trường tồn
Không cõi nào cao hơn.
Biết tâm tư vị này
Phật xuất hiện nơi đây
Bảo ông đã lầm sai
Có tà kiến điên
đảo.
Ác ma nhập thân trời
Bảo Phật chớ can thiệp
Phạm thiên là Sinh chủ
Số một trên thế gian
Ai phỉ báng phải đọa
Ai tôn sùng được an.
Phật bèn bảo Ác ma
"Ta biết rõ Phạm thiên
Cũng trong tầm tay ngươi
Nhưng Như Lai không vậy
Ðã thoát khỏi lưới ma."
Phạm thiên lại nói rằng
Cõi trời ấy thường hằng
Toàn hảo, không biến hoại
Ai y cứ bốn đại
Sẽ được gần gũi ta.
Phật xác nhận như vậy
Uy quyền của Phạm thiên
Nằm trong giới hạn ấy.
Nhưng Như Lai còn biết
Những cõi trời cao hơn
Như cõi Quang âm thiên
Biến tịnh và Quảng quả…
Tuy vậy Phật không chấp
Bốn đại và tất cả
Nên vượt xa Phạm thiên.
"Nếu Ngài không lãnh thọ
Bất cứ một pháp nào
Thức Ngài sẽ trống không
Và không có giới hạn.
Nay tôi sẽ biến mất
Ngay trước mặt tôn giả."
"Ðược, ông hãy biến đi."
Phạm thiên không biến được
Trái lại, thần thông Phật
Khiến chúng không thấy Ngài
Chỉ nghe tiếng Như Lai
"Do thấy nguy của hữu
Như Lai tìm phi hữu
Như Lai không tôn trọng
Cũng không chấp thủ hữu."
Trước thần lực của Phật
Thiên chúng rất tán dương.
Lo sợ Phật thuyết pháp
Ác ma lại khuyên Ngài
Ðừng có giảng Phật pháp,
Có những vị xuất gia
Giảng pháp, độ đệ tử
Mà khi chết phải đọa.
Phật nhận diện ác ma:
Ta biết ngươi đang nghĩ
"Ai nghe Gotama,
Sẽ thoát ảnh hưởng ta."
Nhưng này hỡi ác ma
Như Lai đấng Lậu tận
Dù nói pháp, không nói
Thì vẫn là Như Lai.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 50
Hàng ma
I. TOÁT YẾU
Màratajjanìya Sutta - The rebuke to Màra.
Màra attempts to harass the venerable Moggallàna, but the latter
relates a story of the distant past to warn Màra of the dangers in
creating trouble for a disciple of the Buddha.
Hàng phục Ác ma.
Ác ma cố quấy nhiễu tôn giả Mục kiền liên, Ngài bèn thuật lại một câu
chuyện từ quá khứ lâu xa để cảnh cáo cho Ác
ma biết những nguy hiểm xảy đến khi quấy rối một đệ tử của Phật.
II. TÓM TẮT
Trong vườn Lộc uyển, tôn giả Mục kiền liên
đang kinh hành ngoài trời, bỗng dưng
cảm thấy bụng nặng. Ngài trở vào ngồi thiền quán, thấy ác ma
đang ở trong bao tử. Ngài bảo ác ma
không nên quấy nhiễu đệ tử Phật, sẽ mang
họa lâu dài. Khi ác ma đi ra, tôn
giả kể cho nghe thuở xa xưa, dưới thời đức Phật Câu lưu tôn [Kakusandha]
Ngài cũng là ác ma tên Dusi, còn ác ma bây giờ thuở ấy là con
trai của chị Ngài, gọi Ngài bằng cậu. Phật Câu lưu tôn có hai
đệ tử xuất sắc tên Vidhura giỏi
thuyết pháp và Sanjiva giỏi chứng thiền. Ác ma Dusi nhập vào các gia
chủ, dùng những lời thô ác để thóa mạ những
tỳ kheo giới đức. Phần lớn gia chủ này sau khi chết phải
đọa vào cõi dữ. Các tỳ kheo
được Phật Câu lưu tôn dạy biến mãn
tâm từ không hận không sân, nên không bị ảnh hưởng bởi những lời phỉ
báng. Khi ấy ác ma Dusi đổi phương pháp,
nhập vào các gia chủ đến đảnh lễ tôn
trọng cúng dường các tỳ kheo giới đức, hầu mong chi phối những vị này.
Các gia chủ ấy sau khi chết được sinh vào
cõi lành. Còn các tỳ kheo được Phật Câu lưu
tôn dạy tu thiền quán bất tịnh, vô thường để sinh tưởng nhàm
chán, nên không bị chi phối vì cung kính lợi dưỡng. Ác ma Dusi không hại
được tôn giả Vidhura bằng phỉ báng cũng như
tán dương, nên nhập vào một đứa trẻ
khiến nó liệng đá vỡ đầu tôn giả, máu chảy đầm đìa, trong khi
Ngài đang đi sau lưng đức Phật. Khi Phật
quay lại nhìn, nghĩ rằng ác ma này thật sự
đã làm
điều quá đáng, liền khi ấy ác ma Dusi mạng chung, đọa vào
đại địa ngục cọc sắt, bị nấu sôi hàng
vạn năm.
Tôn giả Mục kiền liên kể xong, Ác ma thất vọng biến mất tại chỗ.
III. CHÚ GIẢI
Dùsì tên của ác ma, có nghĩa là kẻ hư hỏng, hoặc kẻ làm hư hỏng.
Vidhura có nghĩa là Vô song.
Sanjìva là Người sống sót. Những mục
đồng thấy Ngài nhập Diệt định ở giữa
rừng, tưởng là thây chết, đốt thân
Ngài bằng cỏ khô và phân bò rồi bỏ
đi. Sau khi xuất định, Ngài ôm bát
đi khất thực, chúng tưởng Ngài sống lại.
IV. PHÁP SỐ
Bốn phạm trú.
V. KỆ TỤNG
Trong ngôi rừng Lộc uyển,
Tôn giả Mục kiền liên
Ðang kinh hành lui tới
Bỗng cảm thấy bụng nhói.
Ngài trở vào tọa thiền
Quan sát thấy ác ma
Ðã chui vào bao tử
Liền khuyên hãy đi ra.
Ngài kể chuyện đời trước
"Thời Phật Câu lưu tôn
Ta cũng là ác ma
Với tên "Kẻ xấu xa"
Còn ngươi vào thuở ấy
Là con trai chị ta
Vậy ngươi là cháu ta
Có họ hàng ruột thịt.
Hai đệ tử xuất sắc
Của Phật Câu lưu tôn
Một là Vidhura
Vô song về thuyết pháp
Vị kia Sanjiva
Giỏi nhập Diệt thọ tưởng.
Dusi, Kẻ Xấu Xa
Nhập vào các gia chủ
Dùng toàn lời thô ác
Thóa mạ đệ tử Phật.
Phần lớn gia chủ này
Chết đọa vào
địa ngục.
Các tỳ kheo bị nhục
Biến mãn mười phương cõi
Từ tâm không hận sân
Nên không bị chi phối.
Ma nhập vào gia chủ
Ðến đảnh lễ cúng dường
Các tỳ kheo giới đức
Ðể phá hạnh sa môn.
Các gia chủ cúng dường
Chết sinh vào cõi tốt.
Tỳ kheo được lợi dưỡng
Quán bất tịnh, vô thường
Sinh nhàm chán, yểm ly
Tâm không hề lay động.
Tôn giả Vidhura
Ðang theo sau đức Phật
Ác ma tiền thân ta
Liền nhập vào đứa trẻ
Liệng đá làm bể đầu
Máu chảy ra lai láng.
Khi Phật quay lại nhìn
Và nghĩ "thật quá quắc
Là ác ma Dusi"
Ta mạng chung tức thì
Ðọa vào đại địa ngục
Bị nấu hàng vạn năm."
Mục kiền liên kể xong
Ác ma bèn ẩn mất.