II. NỘI DUNG MI-TIÊN VẤN ĐÁP
(gồm 244 câu hỏi)
1. Danh
Đức vua Mi-lan-đà sau khi đảnh lễ Tăng chúng tám mươi ngàn vị cùng với
đại đức Na-tiên, ngồi một nơi phải lẽ, đức vua khởi chuyện:
- Bạch đại đức, Trẫm muốn đàm luận với
ngài vài điều được chăng?
Tỳ kheo Na-tiên đã quan sát vị vua hữu
danh đã từng làm cho các tôn giáo điên đảo từ bấy lâu nay. Quả thật là
không hư truyền, vì ngài chưa từng gặp một người có tướng mạo phi phàm như
thế. Nhưng với thắng dũng, thắng trí và thắng tuệ, ngài cảm thấy không khó
khăn gì khi nhiếp phục đức vua này.
Khi nghe hỏi, Na-tiên tỳ kheo mỉm cười
đáp:
- Tâu đại vương, ngài cứ hỏi, bần tăng sẽ
nghe.
- Bạch đại đức, trẫm hỏi rồi, ngài hãy
nghe đi.
- Tâu đại vương, bần tăng nghe rồi, ngài
hãy nói đi!
- Bạch đại đức, Trẫm hỏi rồi.
- Tâu đại vương, bần tăng đáp rồi.
- Ngài đáp như thế nào?
- Đại vương hỏi như thế nào?
Chỉ vài câu vấn đáp khởi đầu, cử tọa thính
chúng gồm tám mươi ngàn Tăng chúng, năm trăm tùy tùng của đức vua cùng với
cận sự nam nữ đông đặc bên ngoài giảng đường... đều cảm thấy thú vị, họ
cất tiếng hô "lành thay" vang rền như sấm dội.
Đợi cho không khí yên lặng, nhà vua hỏi tiếp:
- Bạch đại đức, ngài tên gì?
- Tâu đại vương! Bần tăng tên là Na-tiên!
Thầy tổ, huynh đệ, pháp hữu của bần tăng cũng gọi tên bần tăng như thế.
Còn cha mẹ của bần tăng không những gọi tên bần tăng là Na-tiên, mà đôi
khi kêu là Viranasena, Surasena hoặc Sihasena! Tuy nhiên, dù gọi tên gì đi
nữa thì nó cũng chỉ là cái tên, cái tên suông, chẳng liên hệ gì đến bần
tăng cả. Cái tên ấy chỉ để mà phân biệt giữa người này và người kia, thế
thôi, chẳng có gì là "tôi" là "của tôi" như ngã chấp và tà kiến thế gian
thường nhận lầm, tâu đại vương được rõ!
Đức vua Mi-lan-đà ngạc nhiên, đưa tay lên, phân bua với mọi người xung
quanh:
- Xin tất cả các vị hãy làm chứng cho
trẫm. Đại đức Na-tiên vừa nói rằng, cái tên Na-tiên là tên do cha mẹ đặt,
các vị đồng phạm hạnh cũng gọi như thế, nhưng chẳng có cái gì là Na-tiên ở
đấy, chẳng có gì là "tôi" và "của tôi" cả. Mọi người nghe rõ rồi đấy chứ?
Rồi quay sang tỳ kheo Na-tiên , đức vua
phản vấn:
- Bạch đại đức! Nếu không có cái gọi là
"ta" và "của ta" thì những người bố thí cúng dường y bát, vật thực, thất
liêu, chỗ ở, thuốc ngừa bệnh, vật dụng v.v... thì ai là người thọ nhận tứ
sự ấy? Ai trì giới? Ai tham thiền? Ai chứng ngộ đạo quả và Niết bàn? Từ đó
suy ra, những tội ác như sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói lời hư dối, uống
rượu; cho chí những ngũ nghịch đại tội vô gián địa ngục, cũng chẳng có ai
làm gì cả! Và như vậy thì nghiệp lành, nghiệp ác cũng không, chẳng có ai
tạo tội cả, lành dữ đều không có quả báo. Nếu thế có kẻ giết chết đại đức
họ cũng không phạm tội giết người. Và thầy tiếp dẫn, thầy giáo thọ, hòa
thượng tế độ cho đại đức cũng không có. Các vị đồng phạm hạnh gọi tên đại
đức Na-tiên là gì đó cũng không có luôn. Vậy cái gọi là Na-tiên đó là ai?
Mong đại đức giảng giải cho trẫm. Đại đức nghe rõ rồi đấy chứ.
- Tâu đại vương! Bần tăng nghe rõ rồi!
- Người nghe đó có phải là Na-tiên chăng?
- Tâu, không phải.
- Chẳng có gì là Na-tiên cả sao?
- Vâng, chính thế!
- Tóc, lông, móng, răng da... kia là
Na-tiên sao?
- Tâu, đại vương, không phải.
- Thịt, tủy, gân, xương là Na-tiên chăng?
- Thưa, không phải!
- Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là Na-tiên
chăng?
- Tâu, Đại vương, không phải.
- Hay lục căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân,
ý là Na-tiên?
- Tâu, không phải thế.
- Vậy ngũ uẩn họp lại là Na-tiên?
- Tâu, cũng chưa chắc là vậy.
Đến ngang đây chợt đức vua Mi-lan-đà cất giọng nói lớn:
- Bạch đại đức! Hồi nãy giờ trẫm đã cặn kẽ
hỏi về ba mươi hai thể trược, lục căn, ngũ uẩn v.v... có phải là Na-tiên
chăng, tất thảy đều bị đại đức phủ nhận. Và quả thật, trẫm cũng công nhận
như thế. Vì khi quán tưởng một cách tận tường từng phần được nêu ra trong
câu hỏi, thì chẳng có cái gì được gọi là Na-tiên cả. Thế tại sao, trước
đây khi trẫm hỏi, đại đức bảo đại đức là Na-tiên? Té ra là đại đức nói
dối! Này, năm trăm tùy tùng thân tín của trẫm và tám mươi ngàn Tăng chúng
tỳ kheo, xin quý vị hãy làm chứng cho trẫm đấy nhé!
Đại đức Na-tiên là một Thánh nhân A-la- hán đắc thần thông và đắc cả 4
tuệ phân tích: tuệ về nhân, tuệ về quả, tuệ văn tự, ngữ nghĩa, tuệ biện
tài, biện luận. Tâm ngài như đỉnh núi chúa, trí ngài như mặt trời, mặt
trăng, lòng từ của ngài bao la như biển lớn. Do vậy, ngài độ lượng với đức
vua Mi-lan-đà như mẹ đối với con; với tâm nguyện là phải nhiếp phục đức
vua, tế độ đức vua, đặt đức vua trong Chánh đạo; nên dù đức vua có nói gì
ngài cũng chỉ ngồi làm thinh và mở rộng lòng từ.
Để cho ngạo khí và sự xao động trong tâm trí đức vua yên lắng lại một
chút, đại đức Na-tiên mới chậm rãi nói:
- Tâu đại vương! Ngài là một bậc đế vương
nhiều phước báu và nhiều an vui, tháng ngày sống trong hạnh phúc cao sang.
Nhưng vì tâm cầu đạo, ngài chẳng quản đường xa, đến đây giữa cơn nắng nóng
oi bức nên có lẽ ngọc thể cũng bất an. Lại nữa, từ hoàng cung đến đây mà
sao đại vương không đi bằng xe mà lại đi bằng chân cho mệt?
- Bạch đại đức! Trẫm đến chùa bằng xe chứ!
Chỉ đi bộ từ cổng, nhưng vào giảng đường mới đi bằng chân không!
- Thế ra đại vương tới đây bằng xe.
- Vâng, trẫm đến bằng xe.
Đại đức Na-tiên giờ cũng làm như cách của vua Mi-lan-đà , phân bua với
mọi người:
- Năm trăm tùy tùng quan chức, thị vệ của
đức vua và tám mươi ngàn chư tỳ kheo đại chúng hãy xác nhận cho: đức vua
đã nói rằng ngài đến đây bằng xe!
Rồi quay sang đức vua, ngài Na-tiên hỏi
lại:
- Đại vương bảo rằng đạivương đến đây bằng
xe, đấy là lời nói thật chứ?
- Chắc chắn là thật.
- Vậy đại vương hãy nói cho rõ về cái xe
ấy! Cái gì gọi là xe? Cái gọng chăng?
- Không phải.
- Hay cái trục, cái bánh là xe?
- Cũng không phải.
- Cái thùng, cái mui là xe chăng?
- Chẳng phải đâu.
- Hoặc roi, dây cương là xe?
- Chẳng phải.
- Thế chắc cái ách, căm xe?
- Không phải nốt.
- Vậy cái gì là xe?
Đức vua Mi-lan-đà im lặng.
Đại đức Na-tiên cất giọng chậm rãi:
- Tâu đại vương! Bần tăng đã đưa từng bộ
phận một, và hỏi rằng cái gì là xe thì đều bị đại vương phủ nhận. Mà quả
thật, bần tăng cũng thấy vậy, chẳng có cái gì được gọi là xe trong tất cả
các bộ phận chi tiết ấy. Tuy nhiên, đại vương là vị hoàng đế cao cả, là
đấng nhân chủ, là bậc anh minh cai quản một quốc độ mênh mông; quả thật là
không thích đáng khi đạivương nói dối rằng, ngài đến đây bằng xe! Xin tất
cả chư vị và Chư Tăng đại chúng ở đây hãy làm chứng cho!
Mọi người không ngớt lời tán dương ca ngợi
biện tài của đại đức Na-tiên . Riêng năm trăm người tùy tùng thì cung
thỉnh đức vua tìm cách luận thắng đối phương.
Sau một hồi làm thinh, đức vua Mi-lan-đà
nói:
- Đại đức biện luận hay lắm! Nhưng mà hãy
nghe trẫm nói đây! Tất cả những bộ phận chi tiết như thùng, mui, căm,
bánh, trục v.v... nếu nằm riêng lẻ thì không thể gọi là xe, nhưng chúng
kết hợp toàn bộ lại thì giả danh gọi là xe, có phải thế chăng? Vậy trẫm
bảo rằng, trẫm đến đây bằng xe đâu phải lời nói dối?
- Tâu đại vương! Cũng thế, tất cả những
cái gọi là tóc, lông, móng, răng, da, ngũ uẩn, lục căn... nếu chúng nằm
riêng lẻ thì làm sao được gọi là Na-tiên? Nhưng nếu được kết hợp lại thì
giả danh gọi là Na-tiên! Bần tăng nói rằng, bần tăng tên là Na-tiên thì
đâu phải lời nói dối?
Nghe đến đây, đức vua Mi-lan-đà vô cùng
thích thú, hết lòng tán thán đại đức Na-tiên:
- Hay lắm! Hôm nay, lần đầu tiên trong đời
cái lỗ tai của trẫm rất là hoan hỷ, đại đức có biết thế chăng?
Cả đại giảng đường vang lên tiếng "lành
thay, lành thay" làm chấn động cả kinh đô Sàgala.
* * *
2. Con số hạ lạp
Để cho không khí im lắng lại một lúc, đức vua hỏi tiếp:
- Đại đức năm nay được bao nhiêu hạ lạp
rồi?
- Thưa, bần tăng tu mới được bảy hạ.
- Con số 7 ấy là đếm luôn cả đại đức vào
trong, hay là chỉ đếm cái hạ không thôi? Con số 7 ấy là con số của đại đức
hay con số của hạ?
Khi ấy, đức vua đang mặc y phục vương giả
với những đồ trang sức quý báu, cái bóng sáng rỡ của ngài rọi vào trong
chai đựng nước ai cũng trông thấy rõ ràng. Đại đức Na-tiên đưa tay chỉ,
rồi hỏi ngược lại rằng:
- Tâu đại vương! Cái bóng với đồ trang sức
rực rỡ trong chai nước kia là đại vương, hay người đang đối thoại với bần
tăng đây là đại vương?
- Trẫm đây mới thật là trẫm, còn cái bóng
kia nương nơi trẫm mà có. Nó có là bởi trẫm.
- Cũng thế, tâu đại vương! Số 7 kia là số
hạ lạp chứ không phải bần tăng, nhưng nó có được là do nương gá nơi bần
tăng. Nó có là bởi bần tăng.
- Hay lắm! Quả thật đúng như vậy! Cục đá
quăng qua thì cục chì ném lại. Thật thú vị làm sao!
* * *
3. Đàm thoại như một Trí giả hay như một Vương giả?
Sau hai câu hỏi mở đầu, đức vua biết là
gặp được bậc trí tuệ, nên ngài muốn đi sâu vào giáo pháp, bèn ướm lời:
- Bạch đại đức! Trẫm rất thích đàm đạo với
đại đức về nhiều vấn đề khác nữa, nhưng không rõ đại đức có hoan hỷ không?
- Tâu đại vương! Cái đó còn tùy thuộc nơi
đại vương! Nếu đại vương đàm thoại mà lấy tư cách một Trí giả (Panditavàda),
thì bần tăng sẵn sàng hầu đáp. Nhưng nếu đại vương đứng trên tư cách mình
là bậc Vương giả (Ràjavàda), thì xin thưa thẳng, bần tăng sẽ không
thể hầu đối được.
- Tư cách một Trí giả là như thế nào?
- Tâu đại vương! Phàm là Trí giả nói
chuyện với nhau, bao giờ cũng nói lời ngay thật, muốn trao đổi hiểu biết,
soi sáng hiểu biết cho nhau. Trong câu chuyện, nếu có những lý lẽ đưa ra,
dù đúng, dù sai, dù cao, dù thấp, dù phải, dù trái v.v... các bậc Trí giả
không bao giờ vì thế mà phiền lòng hay nóng giận. Họ tôn trọng nhau, dù ý
kiến, tư tưởng có bất đồng chăng nữa. Thắng, bại không hề làm cho họ chau
mày, mà chính chân lý, sự thật mới thuyết phục được họ. Nếu gặp phải đối
phương là tay lợi trí, lợi khẩu, hùng biện đại tài, bậc Trí giả không vì
thế mà tìm cách cản ngăn, áp chế, bắt ngừng nói, đuổi ra khỏi chỗ ngồi;
hoặc lươn lẹo dùng những xảo thuật miệng lưỡi, ngụy biện nhằm tranh thắng
cho kỳ được! Đấy là cốt cách, phong thái đầy hiểu biết của bậc Trí giả,
tâu đại vương!
Đức vua gật đầu mỉm cười:
- Đúng bậc Trí giả là vậy! Còn tư cách của
bậc Vương giả là thế nào, thưa đại đức?
- Tâu đại vương! Bậc Vương giả vì quen
sống trong quyền lực, nhất hô bá ứng, nên khi đối thoại thường quen áp
đảo, bắt buộc kẻ khác chấp thuận quan điểm của mình. Nếu có ai đó nói một
câu không vừa ý, hoặc đối nghịch với tư kiến của mình; bậc vương giả sẽ
không hài lòng, sẵn sàng dùng quyền uy của mình mà bắt tội, chẳng dựa vào
lẽ phải và công bằng. Những cuộc nói chuyện như thế rồi chẳng đi đến đâu,
vì thái độ và lối xử sự của các bậc Vương giả đã tự ngăn chặn con đường về
với sự thật, đốt cháy mối cảm thông và cắt đứt sự hiểu biết. Đối thoại
trong tư thế bậc Vương giả thường rơi vào một chiều, phiến diện và ngõ cụt
như vậy đấy, tâu đại vương!
Đức vua Mi-lan-đà lại gật đầu nữa:
- Hay lắm, thưa đại đức, trẫm đã hiểu rõ
rồi. Trẫm chẳng thích cách nói chuyện của người Vương giả, trái lại, trẫm
sẽ cố gắng xem mình là người Trí giả để hầu chuyện với đại đức. Khi đối
thoại, đại đức hãy quên cái hào nhoáng cao sang bên ngoài của trẫm đi, mà
hãy tiếp xúc với chính con người của trẫm thôi. Đại đức cứ nói chuyện một
cách tự nhiên, bình thường như đại đức nói chuyện với chư tỳ kheo, tỳ kheo
ni, sa di, sa di ni, cận sự nam, nữ v.v...; thậm chí như nói chuyện với
người hộ tự, người quét rác, người nấu ăn trong ngôi chùa này cũng được
vậy, trẫm không bắt lỗi gì đâu!
- Tâu đại vương! Ngài đã phán những lời
rất cao quý, rất hay, rất đúng đắn, đúng là lời của một bậc minh quân vĩ
đại nhất trên thế gian. Bần tăng rất khâm phục, và bần tăng sẽ rất hoan
hỷ, thoải mái để hầu chuyện với Đại vương như là một bậc Trí giả
- Vậy đại đức hãy nghe Trẫm hỏi.
- Tâu, xin ngài cứ hỏi đi?
- Bạch, trẫm đã hỏi xong rồi.
- Thưa, bần tăng đã đáp rồi.
- Đại đức đáp như thế nào?
- Đại vương hỏi như thế nào?
Đức vua Mi-lan-đà vì vui thích mà thử trí tuệ của đại đức Na-tiên đó
thôi, các câu hỏi này chỉ lặp lại, nhưng giảng đường thì mọi người hoan
hô, tán thán vang rân.
* * *
4. Thỉnh mời vào Hoàng cung
Lúc ấy, đức vua nghĩ rằng: "Vị
tỳ kheo này trí tuệ bất khả tư nghì, lại hoàn toàn tự chủ, tự tin. Hiếm có
được một người như thế trên thế gian này. Ôi! Ta còn biết bao nhiêu là câu
hỏi về lẽ tử sinh, về niềm vui, nỗi khổ, về bí mật đằng sau kiếp sống, nó
hằng gậm nhấm ta ngày đêm không nguôi, không dứt. Nhưng hôm nay hỏi thế là
vừa đủ, ngày mai ta sẽ thỉnh ngài vào hoàng cung, thì giờ rộng rãi, tha hồ
mà đàm đạo."
Nghĩ thế, đức vua bảo viên đại thần
Devamantiya đến đảnh lễ đại đức Na-tiên và xin mời ngài vào hoàng cung
ngày mai. Đại đức Na-tiên mỉm cười bằng lòng. Đức vua cúi đầu, chấp tay
chào đại chúng và ngài Na-tiên rồi, rời khỏi chỗ ngồi, theo phái đoàn tùy
tùng hộ giá, từ giã. Ngồi trên long xa mà tâm trí đức vua như để đâu đâu,
cứ vẩn vơ tưởng đến hình bóng của ngài Na-tiên , chẳng khác gì một ám ảnh!
Bất chợt, đức vua thốt thành lời: "Na-tiên ... trí tuệ vô song"!
Sáng hôm sau, trời vừa hửng sáng, 4 viên
đại thần Nemittiya, Antakàya, Mankura và Sappadinna cùng nhau vào hầu đức
vua, đồng tâu rằng:
- Chúng hạ thần nên thỉnh đại đức Na-tiên
như thế nào?
- Thỉnh vào thọ thực và giảng đạo.
- Tâu, cùng bao nhiêu vị tỳ kheo tháp
tùng?
- Bao nhiêu vị cũng được, tùy ý đại đức
Na-tiên.
Vị đại thần Sappadinna vốn là vị quan thủ
khố, muốn tiết kiệm cho hoàng gia, nên tâu rằng:
- Xin đại vương cho phép mời đại đức
Na-tiên với cùng mười vị tỳ khưu nữa là lẽ phải.
- Khanh chớ nhiều lời, trẫm đã bảo là hãy
để đại đức Na-tiên tùy nghi.
- Tâu đại vương, nếu lỡ đại đức Na-tiên
dẫn theo cả trăm ngàn vị thì vật thực tiêu tốn hằng trăm xe và cả hằng
ngàn người phục dịch cũng lo không xuể!
Đức vua chợt nghiêm mặt lại:
- Nhà ngươi thật là bủn xỉn, keo kiệt! Của
tiền, vật thực là của hoàng gia chứ không phải là của ngươi mà tính toán,
so đo như thế! Trẫm là bậc Đế vương, giàu sang bốn biển; lẽ nào trẫm không
lo nổi một bữa ăn cho Tăng chúng chùa Sankheyya hay sao? Các ngươi hãy đi
đi, ai lo việc nấy, nếu công việc không chu toàn sẽ bị tội "khi quân" đấy!
Bốn vị đại thần sợ hãi, khấu đầu rút lui.
Rồi một vị chuẩn bị xuất kho, vị lo lương thực, vị đi huy động người; còn
viên đại thần Antakàya tức tốc lên ngựa đi mời thỉnh đại đức Na-tiên.
Đại đức Na-tiên hỏi:
- Mỹ ý của Đức vua muốn bần tăng cùng đến
với bao nhiêu vị?
Đại thần Antakàya cúi đầu:
- Thưa, hoàng cung rộng rãi, của tiền như
biển, vật thực như rừng; đức vua bảo rằng, hoàng gia hân hạnh được cung
nghinh, cúng dường Tăng chúng đông chừng nào tốt chừng ấy!
Lúc bấy giờ, đại đức Na-tiên đã chuẩn bị
đâu đấy xong, với y bát chỉnh tề, ngài cùng với tám mươi ngàn vị tỳ khưu
trang nghiêm khởi hành. Thế rồi, cả rừng mây vàng như sóng cuộn tràn qua
kinh đô Sàgala, lần lượt tuôn đổ về cung điện. Dân chúng đông nghẹt các
ngả đường, nô nức chen lấn nhau để xem một hiện tượng hy hữu: thời của một
Tăng chúng huy hòang và cực thịnh chưa từng thấy ở châu Diêm phù đề!
Viên đại thần Atakàya trao ngựa cho quân
hầu, đi bên cạnh đại đức Na-tiên, với lòng vô cùng ngưỡng mộ, y lân la hỏi
chuyện:
- Bạch đại đức! Cuộc vấn đáp hôm qua hay
quá chừng nhưng tiếc là đệ tử không nắm được nghĩa lý sâu xa, nên còn lắm
điều thắc mắc. Trước ngài bảo rằng tên ngài là Na-tiên, sau đó ngài lại
phủ nhận Na-tiên ấy, và bảo rằng không hề có Na-tiên?
Đại đức Na-tiên mỉm cười, nói nhỏ:
- Vậy theo ngài, cái gì là Na-tiên?
- Thưa, hơi thở còn là sanh mạng còn, hơi
thở duy trì sự sống. Chẳng hay hơi thở ấy có phải là Na-tiên không?
- Thế hơi thở kia có ra mà không có vô thì
sao?
- Tâu, sẽ chết ạ!
- Những người thổi kèn, thổi sáo, thổi ống
tiêu... họ chỉ thổi ra, mà không thổi vô, là sao nhỉ?
Viên đại thần im lặng.
- Có những đạo sĩ bà-la-môn họ tu phép
nhịn thở năm ngày, bảy ngày ...., chẳng vô mà cũng chẳng ra thì phải giải
thích làm sao?
- Đệ tử quả thật là không biết, mong đại
đức chỉ giáo cho?
- Này Atakàya! Đại đức Na-tiên chậm rãi
thuyết giảng - Hơi thở vào ra kia chỉ làm cái phần việc thở vô thở ra mà
thôi, tương tự như phận việc của con mắt, của lỗ tai, của cái lưỡi ...vậy.
Trong tất cả chúng chẳng có cái gì được gọi là chúng sanh, là thức tánh ở
đấy cả. Chúng chỉ là "thân hành", ngài nên biết như vậy.
- "Thân hành" ấy nó trú ở đâu, bạch ngài?
- Nó trú trong ngũ uẩn, chính xác là trong
"sắc uẩn"! Đi sâu vào toàn bộ sắc uẩn ấy, chúng chỉ là rỗng không, chẳng
có gì được gọi là Na-tiên, ngài nên hiểu như thế! [*]
Đại thần Atakàya nghe xong, tâm trí sáng suốt, vững niềm tin trong sạch
với giáo pháp, thành kính chấp tay nói:
- Bạch đại đức, từ rày xin ngài cho phép
đệ tử được làm một cận sự nam trong Phật giáo!
[*] Không những sắc uẩn mà thọ, tưởng,
hành, thức uẩn cũng trống rỗng như thế. Nhưng khi ngũ uẩn được kết hợp làm
một tiến trình, một "ảo tưởng", có một chúng sanh (một linh hồn, một tự
ngã) ra đời. Thật ra, tiến trình ngũ uẩn ấy sinh diệt liên tục, thay đổi
liên tục ...
* * *
5. Cứu cánh của Sa môn hạnh
Sau buổi cúng dường trọng thể, đức vua
thỉnh tất cả tỳ khưu Tăng về chùa an nghỉ, chỉ xin lưu lại mười vị cùng
với đại đức Na-tiên dự buổi Pháp đàm.
Đức vua thỉnh đại đức Na-tiên cùng mười vị tỳ khưu ngồi cao phía trên,
ngài ngồi bên dưới cùng với quần thần, rồi bạch:
- Thưa, trẫm đã sẵn sàng rồi.
- Tâu, bần tăng cũng đã sẵn sàng rồi, đại
vương hãy tùy nghi.
- Thế thì trẫm xin hỏi đây: Sống đời xuất
gia có gì là lợi ích? Có gì là cao thượng?
- Tâu đại vương! Người sống đời xuất gia
thành tưụ được bốn điều lợi ích:
Thứ nhất là không còn sầu khổ khi một ngũ
uẩn sanh, hay gọi là "khổ sanh".
Thứ hai, không còn sầu khổ khi ngũ uẩn héo
mòn , tiều tụy, hay gọi là "khổ già".
Thứ ba, không còn sầu khổ khi ngũ uẩn đau
đớn, nhức nhối, khó chịu, hay gọi là "khổ bệnh".
Thứ tư, không còn sầu khổ khi ngũ uẩn tàn
hoại, diệt mất, hay gọi là "khổ chết".
Sự thay đổi, biến hoại, tiêu diệt của ngũ
uẩn từ sanh, lão, bệnh, đến tử - người xuất gia hằng suy niệm, hằng quán
tưởng nên sẽ thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não chi phối - là những lợi ích
thù thắng đấy, tâu đại vương!
- Đúng thế! Quả thật là lợi ích to lớn
giữa cõi nhân sinh này. Còn có cái gì là cao thượng, thật sự cao thượng
của người xuất gia, thưa đại đức?
- Thưa, khi người xuất gia không còn bị
sinh lão bệnh tử của ngũ uẩn ma vương ấy chi phối nữa, vị ấy thân chứng
một trạng thái quân bình tuyệt hảo, hạnh phúc tuyệt hảo; vượt cao, vượt
trên tất cả hạnh phúc của trần thế, siêu việt ý niệm, ngữ ngôn: cái ấy giả
danh là Niết bàn; nơi không còn sanh tử, khổ đau và phiền não nữa! Đấy là
sự cao thượng trên tất cả mọi sự cao thượng, tâu đại vương!
Đức vua rất hoan hỷ hỏi tiếp:
- Tất cả sa môn đều có nguyện vọng như thế
sao?
- Tâu đại vương! Cứu cánh sa môn hạnh thì
như thế, nhưng trong hàng Tăng lữ hiện có bảy hạng người xuất gia vì lý do
khác nhau:
1. Có người xuất gia vì muốn trốn luật
vua, phép nước.
2. Có người xuất gia là để được thân cận
giới quyền quý cao sang.
3. Có người xuất gia là mong được quyền
hành trong một ngôi chùa hay lãnh đạo Tăng lữ, đồ chúng.
4. Có người xuất gia vì thất nghiệp, muốn
kiếm miếng cơm manh áo.
5. Có người xuất gia vì cô thế, cô thân,
trốn kẻ thù nghịch.
6. Có người xuất gia vì mang công mắc nợ.
7. Có người xuất gia vì sợ sanh tử luân
hồi, muốn chấm dứt khổ đau, phiền não.
Thấy đại đức Na-tiên trả lời đâu ra đó rất
rõ ràng, minh bạch, lại tự nhiên như hít thở khí trời; ngài phục lắm, thử
ướm hỏi:
- Vậy chắc chắn đại đức vì mục đích cao
thượng của hạng người thứ bảy mà xuất gia làm sa môn?
Đại đức Na-tiên mỉm cười gật đầu:
- Thưa, không phải thế! Bần tăng rời khỏi
gia đình lúc bảy tuổi, còn rất nhỏ thì nào biết gì! Sau dần lớn lên, nhờ
Thầy tổ, nhờ các vị trưởng lão dày công giáo hóa, trí óc mới khơi mở được
chút ít. Hiện giờ thì có thể nói rằng, bần tăng tu là cốt ý để diệt khổ,
đấy không còn là lời nói dối nữa!
Đức vua Mi-lan-đà nghe cách trả lời, cách nói đầy khiêm tốn của đại đức
Na-tiên, ngài kính trọng quá, quỳ xuống vập đầu và nói lớn:
- Ôi lành thay! Cao quý thay!
* * *
6. Tái sanh - Vô sanh
Nghỉ ngơi một lát, vua lại hỏi:
- Có ai chết rồi mà không sanh trở lại
chăng?
- Thưa, có kẻ sanh trở lại và có người
không sanh trở lại.
- Điều kiện nào để một người bị tái sanh?
Và điều kiện nào để một người được vô sanh?
- Tâu, người nào còn tham sân si, phiền
não, người ấy còn tái sanh; người nào tiêu diệt được tham sân si, phiền
não, người ấy sẽ vô sanh.
Nghe trả lời vậy, đức vua lại đâm ra tò
mò:
- Vậy đại đức đã vô sanh chưa?
- Tâu, nếu bần tăng còn phiền não, còn ham
muốn sự sống thì bần tăng còn tái sanh; ngược lại, bần tăng sẽ vô sanh!
Đức vua lại tán thán:
- Tuyệt vời thay là cách trả lời của bậc
trí tuệ!
* * *
7. Chú tâm
- Bạch đại đức, tâm niệm đúng, chú tâm
đúng thì có thể nào thành bậc vô sanh được chăng?
- Tâu đại vương, không phải đơn giản như
thế! Bậc vô sanh phải thành tựu đầy đủ 3 pháp sau đây:
1) Chú tâm đúng.
2) Trí tuệ.
3) Thiện pháp đầy đủ.
Thiếu một trong ba chẳng thể vô sanh
được đâu.
- Vậy chú tâm đúng không phải là trí tuệ
sao?
- Thưa, chú tâm đúng chỉ mới đưa đến chánh
định! Chú tâm thì trâu, bò, heo, ngựa ... các loài súc sanh đều có khả
năng đó, nhưng trí tuệ thì nhơn, thiên mới có!
- Kỳ lạ vậy thay!
* * *
8. Hành tướng
[*]
của chú tâm và trí tuệ cùng sự khác nhau giữa
chúng
[*] Lakkhana: có thể dịch là tướng
trạng, tính chất v.v...
Đức vua hỏi tiếp:
- Xin đại đức cho biết hành tướng
của chú tâm ra sao?
- Thưa, muốn chú tâm phải cần có hai yếu
tố: một là phải có một sự cố gắng, một nỗ lực ở bên trong (ussàhalakkh--ana);
hai là phải nắm bắt, chụp bắt, bắt dính được đối tượng (gaharalakkhana).
- Thế còn trí tuệ (panna)? Hành
tướng của trí tuệ ra sao?
- Ở đây, tâu đại vương, hành tướng của trí
tuệ là sự cắt đứt, sự tiêu diệt, sự phá hoại, sự đốn bỏ; như cắt đứt tham,
sân, si, tiêu diệt phiền não v.v...
- Đại đức làm thế nào đưa ra một ví dụ
thực tiễn, cụ thể về chú tâm (manasikàra) và trí tuệ (panna)
để cho trẫm dễ lãnh hội, được chăng?
- Có thể được, tâu đại vương! Đại vương đã
từng có khi nào quan sát người nông dân cắt lúa chưa?
- Thưa, trẫm biết rõ lắm.
- Họ làm như thế nào hở đại vương?
- Thưa, thợ cắt bước xuống ruộng, tay trái
gom lúa lại, tay phải cầm lưỡi hái rồi cắt!
- Cũng thế, tâu đại vương! Bước xuống
ruộng là một nỗ lực, một cố gắng (ussàha); tay trái gom lúa lại là
nắm bắt, bắt dính (gahara). Bắt dính gì? Bắt dính tham sân si,tùy
miên kiết sử. Còn trí tuệ thì cắt lìa, đọan lìa tất thảy phiền não ấy. Như
vậy được gọi là chấm dứt luân hồi, được vô sanh, Niết bàn, tâu đại vương!
Đức vua lại cảm thán thốt lên:
- Hay quá! Chẳng có ví dụ nào mà sống
động, dễ nghe, dễ thấy, dễ hiểu đến vậy!
* * *
9. Tất cả Pháp lành lấy Giới làm sở y
Đức vua Mi-lan-đà hỏi:
- Trước đây đại đức có nói, muốn thành tựu
Niết bàn, vô sanh, phải đầy đủ 3 pháp: chú tâm đúng, trí tuệ và thiện
pháp. Chú tâm và trí tuệ thì trẫm đã hiểu rồi, nhưng còn thiện pháp,
những gì được gọi là thiện pháp?
- Thiện pháp thì rất nhiều, nhưng Giới
mới chính là nền tảng cho các thiện pháp nảy nở, tăng trưởng, tâu đại
vương!
- Xin đại đức hãy giảng cho rộng ra!
- Vâng, Giới là nơi vững trú, nảy nở, tăng
trưởng của những thiện pháp sau: ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, tứ niệm
xứ, tứ chánh cần, tứ thần túc, bốn thiền, tám pháp giải thoát, một pháp
định, ba pháp nhập định ...
- Đại đức hãy cho ví dụ.
- Vâng, ví dụ như đất là nơi mà các hột
giống nảy mầm và lớn lên; đất là nơi mà các loại củ có thể nứt mộng đâm
nhánh, đâm cây. Cũng như thế ấy, GIỚI là nơi nảy mầm, tăng trưởng của ngũ
căn là tín, tấn, niệm, định, tuệ ... cùng những thiện pháp khác, tâu đại
vương!
- Đại đức có thể cho thêm ví dụ nữa được
chăng?
- Thưa, có thể được! Đại vương hãy đưa mắt
quan sát đời sống của người nông phu trên thửa ruộng của họ! Phải chăng
những người nông phu ấy, họ cày, họ bừa, họ gieo mạ, cấy lúa, gặt hái, ...
ở trênđất! Rồi họ có cơm ăn, áo mặc, cưới vợ, sinh con cũng nhờ đất! Đất
đã nuôi sống họ, đất đã cho họ đời sống có phải chăng?
Lại nữa, đại vương hãy quan sát những
khách thương buôn bán lộ trình xa với một trăm cỗ xe hàng hóa, năm trăm cỗ
xe hàng hóa. Họ phải qua sông, qua biển, qua sa mạc, qua rừng núi, thị
trấn, làng mạc ... Như vậy, rõ ràng là đất đã chuyên chở họ, đất đã nuôi
sống họ. Nếu không có đất không biết hàng hóa di chuyển ở đâu.
Cũng vậy, một hành giả lên đường, đầu tiên
là phải biết nương tựa Giới, lấy Giới làm sở y, phát triển Giới cho sung
mãn, thanh tịnh thì các thiện pháp mới có cơ hội tựu thành. Xin tâu đại
vương rõ!
- Cũng chưa rõ lắm đâu, thưa đại đức! Trẫm
muốn nghe nhiều ví dụ nữa.
- Được thôi, đại vương hãy nghe đây! Đại
vương chắc đã từng thấy người ta tập luyện, biểu diễn các môn thể thao,
các trò vui chơi công cộng chứ?
- Trẫm có thấy!
- Muốn tập luyện hay biểu diễn những nơi
lộ thiên công cộng như thế, đầu tiên người ta phải làm sao?
- Đầu tiên người ta tìm một bãi đất trống,
rồi sau đó người ta phát sạch lùm bụi, dẫy cỏ, dọn sạch gai góc, miểng
sành, miểng chén, đá sỏi v.v..
- Cũng thế, tâu đại vương! Đất làm nơi
nương tựa nhưng cũng phải dọn sạch sẽ, bằng phẳng, phong quang thì các trò
thể thao, du hý, vui chơi mới biểu diễn được, ý nghĩa này như thế nào thì
Giới cũng phải được hiểu như vậy.
- Hay lắm - Đức vua gật - nhưng trẫm muốn
nghe ví dụ nhiều cách, nhiều kiểu khác nhau.
- Bần tăng sẽ cố gắng làm cho đại vương
vừa lòng, nhưng đại vương cũng cho phép bần tăng được hỏi vài câu.
- Rất hoan hỷ - Đức vua nói - Đại đức cứ
hỏi đi!
- Quốc độ của đại vương rộng lớn và đẹp
đẽ, rất nhiều nơi xứng đáng để xây dựng kinh đô, sao đại vương chọn xứ
Sàgala này?
- Vì nó là thượng nguồn của năm con sông
lớn nhất Ấn độ. Nơi đây rừng núi bao quanh, sông xanh uốn khúc, quả thật
là một nơi sơn thủy hữu tình.
- Đại vương trên thông thiên văn, dưới
thông địa lý, lại còn là một nhà chiến lược quân sự nữa; vậy khi xây dựng
kinh đô, ngài bắt đầu công việc như thế nào?
- Đầu tiên, trẫm cho vời một số các vị
kiến trúc, dưới sự hướng dẫn của trẫm, họ lên một bản vẽ tổng quát toàn bộ
hoàng thành: la thành, tường, hào, các lối đi, chính điện, bảo điện, nơi
ngự triều, ngọ môn quan, các kho đụn, nơi khánh tiết, lễ hội, hý trường,
sân thể thao, hội trường v.v.. và v.v..
- Rồi sau đó, lúc bắt đầu xây dựng, phải
làm sao?
- Dĩ nhiên, phải san phẳng tòan bộ mặt
bằng, dọn dẹp mặt bằng mới xây dựng được.
- Cũng thế ấy, tâu đại vương! Toàn bộ lâu
đài, cung điện, thành quách... của đại vương đều được xây dựng trên đất
sau khi đất ấy được làm cho sạch sẽ, phong quang như thế nào thì Giới cũng
như thế ấy, phải được làm cho thanh tịnh thì các lâu đài Thiện pháp mới
xây dựng ở trên đó được. Tứ thanh tịnh giới là chỗ trú mình, chỗ sở
y của người xuất gia để thành tựu
tín, tấn, niệm, định, tuệ cùng các
thiện pháp tối thắng khác.
Đức vua gật đầu:
- Tuyệt vời thay là cách dẫn chuyện của
đại đức, nhưng chưa đâu, trẫm muốn nghe thêm một ví dụ nữa.
- Xin vâng, thế thì cho phép bần tăng được
hỏi.
- Đại đức cứ hỏi tự do.
- Trước đây, đại vương từng là một đại
tướng lãnh bách chiến bách thắng, ngài đã từng chỉ huy bốn loại quân binh
một cách thiện xảo, thiên tài, ngài đã từng chiến thắng những "trận
địa chiến" rất lớn. Bần tăng xin
được hỏi là đại vương thường thiết lập, bố trí "trận địa chiến" ấy ra sao?
- Không dấu gì đại đức, chuyện ấy đối với
trẫm thì dễ dàng như mặc áo, ăn cơm vậy. Đầu tiên trẫm quan sát các thế
núi, sông, rừng, sa mạc, đồng ruộng, thôn làng. Rồi dự định chỗ tấn, chỗ
thoái, chỗ lập đồn lũy, chỗ hư binh, chỗ phục binh v.v.. sau đó, lập sa
bàn, tập trận giả, rồi tập trận thật trên địa thế núi sông tương tự ...;
rồi còn chiến thuật, tâm lý ... và nhiều lãnh vực chuyên môn khác nữa.
- Chừng đó là bần tăng hiểu rồi, tâu đại
vương! Muốn chiến thắng, bách chiến bách thắng, đại vương phải thiết lập
vững vàng trận địa, nơi thế đất này, thế núi kia ... tất cả đều được chuẩn
bị, dự phòng sẵn. Dường thế ấy, từ Giới lập trận thế, từ Giới lập chiến
thuật, chiến lược; từ Giới lập sa bàn; từ Giới mà tiêu diệt đối phương ...
thì mười đội binh ma quân phiền não sẽ cởi giáo quy hàng. Nhờ Giới mà
tín sẽ vững chắc không xao động. Nhờ Giới mà tấn không thối
thất. Nhờ Giới mà niệm không buông lơi. Nhờ Giới mà định tâm
thêm kiên cố. Nhờ Giới mà tuệ càng thêm sáng tỏ.
Tâu đại vương! Đức Phật tổ cũng hằng giáo
giới chư tỳ khưu như vậy. Giới năng sanh thiện pháp. Giới năng sanh
định, định năng sanh tuệ. Có Giới là có tất cả. Nơi
nào có Giới thì nơi ấy có tuệ. Nơi nào có tuệ thì nơi ấy có
Giới.
Quả địa cầu là nơi sanh của các loài thảo
mộc, động vật, long vương, dạ xoa, đại bàng, muôn thú, người ... như thế
nào - thì Giới là nơi sanh trưởng của ngũ căn, ngũ lực ... các cõi trời,
phạm thiên, các tầng Thánh quả; cho chí quả vị tối thượng Chánh đẳng giác
... cũng từ Giới mà sở y, nương tựa, tâu đại vương được rõ!
- Hay lắm! Trẫm không còn có lý do gì mà
nghi ngờ về Giới nữa. Thật là tuyệt hảo!
* * *
10. Hành tướng của Tín
Đức vua lại hỏi tiếp:
- Các thiện pháp đầu tiên lấy GIỚI làm nơi
nương tựa, đại đức có nhắc đến ngũ căn: tín, tấn, niệm, định, tuệ. Vậy
hành tướng của Tín là thế nào? Nhờ đại đức giảng rõ.
- Thứ nhất là, Tín có công năng làm cho
tâm yên lặng, trong sạch (Sampasàdanalakkhana); thứ hai là, Tín có
công năng làm cho tâm luôn có khuynh hướng tiến về phía trước (Sampakkhamdanalakkhana),
tâu đại vương!
- Công năng thứ nhất ấy lợi ích như thế
nào?
- Tâu đại vương, Tín phát sanh trong tâm
rồi thì nó như cái màng chắn các bụi bặm phiền não, không cho lan vào. Các
bụi bặm phiền não ấy thường dấy sinh từ năm pháp cái; tức là năm
pháp che lấp, ấy là hôn trầm thụy
miên, buông lung phóng đật, sân, dục
và nghi. Nhờ vậy, tâm được yên lặng, trong sạch.
- Xin đại đức hãy cho ví dụ để trẫm được
sáng tỏ về lợi ích ấy.
- Ví như đại vương dẫn 4 loại quân binh
vượt qua một con rạch, nước bị quấy lên đục ngầu. Lúc bấy giờ đại vương
muốn uống nước, bèn sai quân hầu lấy lên bình lọc nước đặt xuống lòng
rạch. Bình lọc nước ấy có công năng gạn lọc tất cả bùn dơ đục vẩn, chỉ còn
lại nước trong sạch như thế nào thì Tín cũng có công năng lọc sạch uế
trược phiền não như thế ấy, tâu đại vương.
- Trẫm hiểu điều đó rồi, vậy còn công năng
thứ hai, tại sao lại có khuynh hướng tiến về phía trước?
- Ây là vì người có Tín luôn luôn hướng
theo thiện pháp mà đi tới, tự sách tấn mà vượt qua, vượt lên mãi. Như thấy
người đắc quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A-na-hàm, A-la-hán ... người có Tín
thường nhắc nhở tâm mình làm sao để chạy theo các đạo quả ấy, cố gắng cho
đến lúc giác ngộ, giải thoát mới thôi.
- Đại đức có ví dụ nào chăng?
- Thưa, có chứ! Ví như trận mưa lớn ngập
lụt tất cả đường sá, sông hồ. Một đoàn bộ hành dừng chân, e ngại chẳng dám
vượt qua vì không biết mực nước nông sâu. Chợt một người đàn ông có vẻ
thành thạo ngắm nhìn con rạch, đưa mắt nhìn thế nước, ước lượng dòng chảy,
chỗ cạn, chỗ sâu, rồi xắn quần, vén áo thản nhiên lội qua. Bắt chước người
đàn ông, theo dấu người đàn ông, đoàn bộ hành nhờ vậy mới tiếp tục được lộ
trình. Người có Tín cũng như thế ấy, thấy người đi trước mình lội qua được
dòng sông sinh tử, thì theo dấu người ấy để lội theo. Thấy người trước
mình xắn quần,vén áo lội qua "bờ kia", y cũng cố gắng xắn quần, vén áo
quyết bỏ "bờ mê" bên này cho bằng được . Những quả vị Thánh nhân đều là
mục đích cho người có Tín hằng nỗ lực để vươn tới, lướt tới cho thành tựu
hẳn thôi, tâu đại vương!
- Cảm ơn đại đức! Trẫm hiểu rõ Tín là gì
rồi.
* * *
11. Hành tướng của Tấn
Đức vua Mi-lan-đà lại hỏi:
- Đại đức có nói thiện pháp thứ hai là
Tấn, vậy hành tướng của nó thế nào?
- Tấn có công năng hộ trì, nâng đỡ các
thiện pháp cho được vững chắc, tăng trưởng; không để cho thiện pháp hư
mòn, tiêu hoại hoặc sụp đổ, tâu đại vương!
- Xin đại đức lấy ví dụ cho rõ nghĩa.
- Ví dụ một ngôi nhà muốn được vững bền,
lâu năm không bị xiêu ngã thì các cột, kèo, đòn tay... cần phải được chắc
chắn. Ngôi nhà chính là thiện pháp; cột, kèo, đòn tay chống đỡ là Tấn, tâu
đại vương!
- Trẫm muốn nghe thêm ví dụ.
- Ví như đức vua ra trận mà quân giặc quá
mạnh, phải phái thêm viện binh mới thắng địch được. Quân giặc mạnh ví như
ác pháp mà viện binh chính là Tấn. Như vậy, Tấn có hai công năng, thứ nhất
là hộ trì thiện pháp (ví dụ đầu)
và thứ hai là tiêu trừ ác pháp (ví dụ sau), đúng như kệ ngôn Đức
Thế Tôn đã thuyết:
"Này
các thầy tỳ khưu! Tấn là sức mạnh của bậc Thinh Văn, nó hộ trì thiện pháp
và tiêu trừ ác pháp; làm cho tội lỗi tiêu hoại và phước đức phát triển. Có
Tấn thì chẳng bao giờ lìa xa Chánh pháp."
- Thế là trẫm đã sáng tỏ!
* * *
12. Hành tướng của Niệm
- Còn Niệm là thế nào, thưa đại
đức?
- Niệm cũng có hai chức năng. Thứ nhất là
nhắc nhở tâm, thứ hai là giúp tâm cầm nắm.
- Nhắc nhở tâm như thế nào?
- Thưa, bất cứ một pháp nào phát sanh lên,
Niệm có bổn phận nhắc nhở tâm ghi nhận pháp ấy. Ghi nhận một cách thuần
túy khách quan. Chức năng thứ nhất của Niệm là như vậy đó, tâu đại vương!
- Xin đại đức cho thí dụ.
- Vâng! Ví như người canh cửa của đức vua,
y phải tự nhắc nhở mình thường xuyên là đừng có lơ đễnh nhiệm vụ, người
nào đi vô đi ra phải biết. Như vị quan giữ kho của đức vua, y phải biết rõ
đây là kho lương thực, đây là kho vàng bạc, vải vóc, quân nhu, khí giới
v.v... Như vậy, Niệm như là người canh cửa, như vị quan giữ kho - đấy là
chức năng thứ nhất, tâu đại vương!
- Vậy là trẫm đã hiểu. Còn "cầm nắm"
là thế nào hở đại đức?
- Tâu đại vương! Một pháp phát sanh lên,
niệm không những nhắc nhở tâm ghi nhận pháp ấy mà còn "cầm nắm" trọn vẹn
cái thiện, cái ác ấy nữa. Các pháp như tứ niệm xứ, tứ chánh cần, ngũ căn,
ngũ lực... nghĩa là ba bảy trợ đạo phẩm, tứ vô lượng tâm cũng phải được
hiểu như vậy.
- Trẫm muốn nghe ví dụ để hiểu rõ vấn đề
hơn.
- Được thôi, tâu đại vương! Ví như người
canh cửa của đức vua, sau khi không lơ đễnh nhiệm vụ thấy rõ người nào đi
vô đi ra, mà còn biết đây là quan, đây là dân, đây là người được phép vào,
đây là người không được phép vào. Ví như quan giữ kho của đức vua sau khi
biết đây là kho vàng, kho bạc, kho lương thực mà còn nắm vững tình trạng
của kho ấy, biết kho vàng, kho bạc nhiều hay ít, biết kho lương thực đầy
hay vơi, v.v... Để khi vua cần hỏi, vị quan giữ kho có thể cho đức vua nắm
rõ tài sản, kim ngân trong cung khố của mình. Chức năng thứ hai của Niệm
là có thể trình cho biết các pháp lui tới tâm như thế nào, nó thiện hay
ác, tốt hay xấu như vị quan giữ kho trình lên đức vua vậy tâu đại vương .
- Cảm ơn đại đức. Ví dụ vậy là tuyệt hảo,
trẫm "nắm giữ" được pháp và nghĩa của Niệm rồi.
* * *
13. Hành tướng của Định
- Thế nào là Định? Đức vua hỏi tiếp
- hành tướng của Định là như thế nào, thưa đại đức?
Đại đức Na-tiên đáp:
- Tâu đại vương! Định là quy tâm về một
mối, là cột tâm, là tập trung tâm lại không cho loạn động. Trong
tất cả thiện pháp, Định là chủ trì, Định là nguyên đỉnh, Định là tối
thắng, Định là chỗ hướng về, Định là nơi tụ họp, Định là chỗ tiến tới,
Định là chỗ chảy xuống...!
- Đại đức hãy cho ví dụ.
- Ví như đại vương dẫn 4 loại quân binh ra
trận mạc. Bốn loại quân binh ấy sẽ y cứ nơi đức vua, họ xem đức vua là
lớn, là bậc thống lĩnh tối cao, đức vua là chủ trì, là nguyên đỉnh, là tối
thắng, là chỗ hướng về, là nơi tụ họp, là chỗ tiến tới, là nơi chảy
xuống... tâu đại vương! Ví dụ này như thế nào thì các thiện pháp sẽ y cứ
Định là bậc chủ trì như vậy, do Định mà phát sanh y như thế ấy; đúng như
câu Phật ngôn mà Đức Thế Tôn đã thuyết:
"Này các thầy tỳ khưu! các thầy hãy tinh cần tiến tu thiền định. Người nào
có thiền định rồi, người ấy sẽ dễ dàng chứng đắc đạo quả, giác ngộ ba minh."
- Tâu đại vương! Vậy đại vương có thắc mắc
gì về Định nữa chăng?
- Không. Đức vua đáp - trẫm đã thông suốt
lắm rồi.
* * *
14. Hành tướng của Tuệ
- Xin đại đức giảng giải cho trẫm nghe về
Tuệ?
- Tuệ cũng có hai chức năng, tâu đại
vương! Chức năng thứ nhất là cắt lìa, cắt đứt, đốn bỏ, diệt tận, hủy diệt
như bần tăng đã trình bày. Còn chức năng thứ hai là soi sáng, là chiếu
soi, là tự chiếu..., tâu đại vương!
- Chức năng thứ nhất thì trẫm đã lãnh hội
rồi,vậy hãy cho nghe chức năng thứ hai? Cái gọi là soi sáng tỏ tường ấy là
gì?
- Tâu đại vương! Khi Tuệ tâm sở phát sanh
lên rồi thì nó có công năng soi tỏ cho ta thấy rõ đâu là mê si, đâu là vô
minh, đâu là khổ, đâu là nguyên nhân khổ, đâu là vô thường, đâu là vô ngã,
đâu là con đường thoát khổ ... một cách rõ ràng minh bạch.
- Xin cho nghe ví dụ?
- Ví như người cầm cây đèn sáng đi vào căn
nhà tối tăm; nhờ ngọn đèn soi sáng họ thấy rõ đường đi lối lại, thấy rõ
đây là bàn, ghế, tủ, giường v.v... Ngọn đèn sáng là Trí tuệ mà các vật
dụng trong nhà là các thiện pháp, ác pháp ở trong tâm đấy, tâu đại vương!
- Trẫm đã rõ. Nhờ đèn sáng mà bóng tối tự
lui, cũng vậy, nhờ Tuệ mà vô minh tự diệt. Hay thay!
* * *
15. Ngũ căn - riêng và chung
Đức vua Mi-lan-đà lại hỏi tiếp:
- Đại đức vừa trình bày xong ngũ căn: tín,
tấn, niệm, định, tuệ và gọi đó là những thiện pháp. Những thiện pháp ấy có
tên gọi, chức năng, công dụng khác nhau. Thế chúng đứng độc lập, riêng
biệt; chẳng có cái "chung" gì cả sao?
- Có chứ, tâu đại vương!
- Cái "chung" ấy là gì?
- Cái chung ấy là cùng hướng về một mục
đích, cùng thành tựu một lợi ích, tâu đại vương.
- Mục đích ấy là gì? Lợi ích ấy là gì?
- Mục đích và lợi ích ấy chính là ngăn tất
cả các điều dữ, diệt tất cả các phiền não, tâu đại vương!
- Xin đại đức cho ví dụ.
- Ví như đại vương dẫn bốn loại quân binh:
bộ binh, tượng binh, mã binh, xa binh ra trận. Bốn loại binh ấy có tên gọi
khác nhau, hình tướng, chức năng, công dụng khác nhau nhưng đều thành tựu
chung một lợi ích, một mục đích: ấy là đem về vinh quang và chiến thắng
cho đại vương!
- Đúng thế! Trẫm rất hài lòng về ví dụ ấy.
* * *
16. Tương quan thân trước và sau
- Trẫm có điều thắc mắc. Chúng sanh trong
thế gian này có nhiều loài, nhiều loại; như đàn ông, đàn bà, bàng sanh,
noãn sanh, thấp sanh v.v... Khi chúng chết đi, thác sanh trở lại, thì đàn
ông vẫn làm đàn ông, đàn bà vẫn làm đàn bà; loài hai chân thành loài hai
chân, loài bốn chân thành loài bốn chân... hay sao, thưa đại đức?
- Ý đại vương nói rằng, thân trước thân
sau vẫn mang hình tướng ấy? Con người cũ ấy?
- Đúng là trẫm muốn hỏi như thế!
- Nói con người cũ là không phải, mà nói
chẳng phải con người cũ cũng không phải, tâu đại vương!
- Xin đại đức cho nghe rõ hơn?
- Ngay trong kiếp sống này thôi mà lập
ngôn như thế cũng đã sai rồi. Khi chúng ta sanh ra trên đời này, kể từ khi
thai nhi nằm trong bụng mẹ, hài nhi nằm trong nôi, lớn lên biết bò, biết
đi rồi khôn lớn trưởng thành, trung niên, già lão. Này đại vương! Vậy đứa
bé và ông lão ấy cùng là một con người hay là hai con người?
- Một cũng trật, hai cũng chẳng nhằm!
- Bệ hạ lúc còn là hài nhi, còn ẵm ngữa
trong lòng quốc mẫu với bệ hạ bây giờ có khác gì nhau không?
- Khác chứ sao không! Hồi đó nhỏ dại mà
bây giờ lớn khôn. Thân thể đã khác mà hiểu biết cũng khác nữa.
- Nếu đại vương nói thế thì không những bệ
hạ khác mà mẫu hoàng, phụ hoàng, thầy dạy học của bệ hạ cũng khác nữa. Bần
tăng nghi ngờ lắm. Nghi ngờ rằng, cha mẹ của bệ hạ bây giờ không phải là
cha mẹ thuở xưa của bệ hạ. Phụ hoàng và thầy dạy học của bệ hạ cũng là
người khác rồi. Một kẻ tội đồ, gây ác nghiệp cách đây mấy năm là một người
khác, bây giờ bị cắt tay, cắt chân lại là một người khác nữa hay sao?
- Không phải thế! Ý trẫm không phải là
vậy. Nếu là đại đức thì đại đức trả lời sao?
- Tâu đại vương! Bần tăng sẽ trả lời rằng,
lúc còn bé nhỏ là bần tăng, mà lúc lớn lên cũng là bần tăng chứ không phải
người khác. Cái thân có thay đổi từ bé, trung niên đến già lão, nhưng vẫn
tồn tục một sinh mạng ấy thôi.
- Xin cho ví dụ.
- Ví như cây đèn đốt cháy đầu hôm cho đến
sáng, đầu hôm thì đầy dầu, sáng thì cạn dầu. Tâu đại vương! Vậy thì đầu
hôm, giữa khuya và sáng là ba cây đèn khác nhau chăng?
- Chẳng phải thế. Nó chỉ là một cây đèn ấy
được cháy đỏ liên tục đầu hôm đến sáng.
- Tất cả chúng sanh cũng y như thế đó, tâu
đại vương. Danh và sắc đầu tiên kết hợp thành thân và tâm này tạo nên một
sanh mạng, một đời sống hữu tình; tuy thân và tâm đều vô thường, thay đổi
nhưng nó vẫn duy trì tồn tục sanh mạng cho đến lúc chấm dứt tuổi thọ. Già
lão có thay đổi nhưng vẫn là một con người ấy mà thôi
- Cho xin ví dụ nữa.
- Ví như sữa tươi, để lâu thành sữa chua,
thành sữa đặc, thành sữa trong v.v... Nói sữa tươi là sữa chua thì hẳn
không đúng, nhưng nếu nói sữa chua không do sữa tươi mà ra thì sai. Tương
quan thân lão và thân hài nhi là vậy, cho chí kiếp này qua kiếp kia cũng y
như thế, tâu đại vương!
Đức vua gục gặc đầu:
- Chí lý! Sanh trở lại, bảo là con người
cũ là sai, không phải con người cũ cũng sai nốt. Hay lắm! Chí lý lắm!
* * *
17. Tái sanh và Vô sanh
Đức vua hỏi:
- Thế người không còn tái sanh, có thể tự
mình xác tín, biết rõ điều đó chăng hở đại đức?
- Có thể được, tâu đại vương!
- Bằng cách như thế nào?
- Thưa, ai thấy mình không còn gây nhân
phiền não, cấu sanh; nghĩa là không còn vô minh và ái dục thì người đó
biết chắc mình không còn sanh lại trong ba cõi, sáu đường nữa.
- Trẫm muốn nghe ví dụ.
- Ví như người làm ruộng, đầu mùa lo cày
bừa, gieo mạ thì cuối vụ ông ta gặt lúa, cất lúa vào bồ. Năm sau, vì một
lý do nào đó, người làm ruộng kia không còn cày bừa, gieo mạ nữa - thì ông
ta có còn gặt lúa, cất lúa vào bồ chăng, tâu đại vương?
- Có lúa đâu mà gặt, mà cất!
- Tại sao đại vương biết?
- Vì ông ta có cày bừa và gieo mạ đâu!
- Đúng thế! Cày bừa, gieo mạ là nhân; gặt
lúa cất vào bồ là quả. Cũng thế, chúng sanh có gây nhân cấu sanh, ái dục
nên còn quả tái sanh; người tu hành đắc đạo tự biết mình không gây nhân
cấu sanh, ái dục nên biết chắc rằng không còn tái sanh nữa, tâu đại vương!
- Rất dễ hiểu, thưa đại đức .
* * *
18. Trí và Tuệ (nana-panna)
- Trí và Tuệ khác nhau như thế nào, thưa
đại đức?
- Trí thuộc về nhận thức, kiến thức, hiểu
biết; còn Tuệ là thấy rõ vô thường, khổ não, vô ngã. Trí là thông minh mà
Tuệ là sáng suốt, vậy nó khác nhau, tâu đại vương!
- Thông minh và sáng suốt khác nhau sao?
- Thông minh là học nhanh, hiểu nhanh, học
một biết hai, có thể có kiến thức sâu rộng, nhưng nếu không biết tu tập có
thể đi đến tà trí. Còn người sáng suốt thì tự biết tâm mình, có tu tập,
thấy rõ pháp; nó cũng được gọi là chánh trí hay chánh tuệ, tâu đại vương!
- Người có được Tuệ có thể biết mọi sự,
mọi vật không, thưa đại đức?
- Có điều biết, có điều không biết.
- Tại sao?
- Những gì có học thì biết, những gì không
học thì không biết. Đơn giản có vậy. Trí thuộc phạm trù hiểu và biết, Tuệ
thuộc về cái thấy không còn lầm lẫn như: vô thường cho là thường, vô ngã
cho là ngã, khổ cho là lạc!
- Vậy người có Trí còn si mê, lầm lẫn;
người có Tuệ thì hết si mê, lầm lẫn?
- Đúng vậy!
- Thế khi Tuệ phát sanh thì si mê, lầm lẫn
ấy đi đâu?
- Nó diệt mất.
- Đại đức hãy cho ví dụ.
- Ví như cầm cây đèn rọi vào hóc tối, ánh
sáng hiện thì bóng tối tự tiêu, tâu đại vương.
- Còn Tuệ, nó mất chăng?
- Nó cũng diệt mất, nhưng công việc mà Tuệ
đã làm, như cho ta thấy biết chân tướng của cuộc đời, cho ta thấy rõ lý vô
thường, khổ và vô ngã của pháp thì vẫn còn, tâu đại vương!
- Sao lạ vậy? Điều đó trẫm ngờ lắm. Hãy
cho trẫm nghe ví dụ xem nào?
- Vâng, ví như một người thắp đèn để viết
sách, viết xong, tắt đèn; đèn tuy tắt nhưng chữ vẫn còn lưu lại trên giấy,
tâu đại vương .
- Xin cho một ví dụ nữa.
- Một người đề phòng hỏa hoạn, sắm sẵn năm
chum đầy nước. Khi hỏa tai, người ấy lấy nước trong năm chum đem ra sử
dụng, dập tắt được lửa. Tai qua nạn khỏi, người ấy chẳng cần dùng năm chum
nước ấy nữa, phải thế chăng? Cũng như thế, năm chum nước được ví cho ngũ
căn: tín, tấn, niệm, định, tuệ; khi rưới tắt được lửa tham sân si, phiền
não rồi, xong phận sự rồi nó sẽ tự diệt; nhưng không, vô tướng và giải
thoát thì vẫn còn, tâu đại vương!
- Trẫm muốn nghe ví dụ nữa.
- Ví như vị lương y dùng năm loại dược
thảo, bào chế ra phương thuốc trị bệnh cho bệnh nhân. Uống xong, lành
bệnh, vị lương y có còn dùng lại năm loại dược thảo kia để cho bệnh nhân
uống nữa không, tâu đại vương?
- Không cần thiết nữa.
- Đúng thế, bệnh lành rồi không cần thuốc
như thế nào, các tùy miên kiết sử phiền não đã diệt rồi thì ngũ căn tín,
tấn, niệm, định, tuệ cũng không dùng nữa y như thế ấy. Chỉ còn lại niềm
hạnh phúc chân thật thôi, tâu đại vương!
- Đã rõ lắm rồi nhưng đại đức còn có thể
cho thêm ví dụ nữa chăng?
- Có thể được chứ! Ví như đại vương có lần
cầm quân xuất trận. Cứ mỗi lần đại vương bắn một mũi tên lửa là dấu hiệu
tấn công, bắn năm mũi tên lửa là năm đợt tấn công, quân địch bại trận. Thế
thì sau khi chiến thắng, đại vương có cần bắn năm mũi tên nữa hay chăng?
- Bắn làm gì nữa, đại đức.
- Đúng thế! Năm mũi tên chính là năm đội
quân thiện pháp, quân giặc bại trận ví như ác pháp, vô minh, ái dục. Người
giác ngộ sẽ không còn sử dụng binh khí gì nữa mà chỉ thọ hưởng an lạc siêu
thế thôi, tâu đại vương!
- Hay lắm! Trẫm không còn ngờ gì nữa.
* * *
19. Bậc vô sanh có còn đau khổ không?
Đức vua hỏi:
- Bậc Vô sanh, nghĩa là người đã Niết bàn,
có còn đau khổ chút ít nào không, thưa đại đức?
- Một chút ít thọ khổ ấy cũng không có,
tâu đại vương!
- Vậy thì trong đời này, các ngài chứng
ngộ lý Vô sanh rồi có còn thọ khổ chút ít không?
- Thọ khổ nơi thân thì còn mà thọ khổ
trong tâm thì không, tâu đại vương!
- Tại sao thế?
- Thân còn thọ khổ vì thân còn bị già, bị
bệnh, còn bị sự biến hoại đổi khác do các định luật tự nhiên chi phối như
định luật sinh học, định luật khí hậu, thời tiết, nắng mưa v.v... Tâm
không còn thọ khổ nữa là do tâm ấy đã dập tắt tất cả mọi nguyên nhân tạo
tác đau khổ: ấy là vô minh, ái dục!
- Giác ngộ, giải thoát rồi mà còn đau khổ
nơi thân, thế sao các ngài không Niết bàn đi?
- Tâu đại vương! Các ngài chưa Niết bàn vì
các ngài chẳng tham cầu sự sống mà cũng chẳng bất bình, chán ghét sự sống.
Các bậc A-la-hán ấy họ sống an nhiên, tự tại giữa cuộc đời, còn duyên thì
đến, hết duyên thì đi. Trái cây kia chưa đúng thời, chưa chín thì họ chẳng
mong chín mau, chín vội bao giờ! Cho nên tôn giả Xá-lợi-phất thuở còn sinh
tiền, có câu kệ ngôn sau:
" -
Tịch diệt chẳng ưa thích
Mà sự sống cũng không
Chẳng hy cầu tham luyến
Chẳng trái ý nghịch lòng
Còn duyên, thời thì ở
Hết duyên, thời thì đi
Không, vô tướng, vô tác
Tùy hữu vi, vô vi!"
Đức vua Mi-lan-đà cảm thán thốt lên:
- Hay thay! Tuyệt vời thay! trẫm đã hiểu.
* * *
20. Cảm Thọ
Đức vua lại hỏi tiếp:
- Thưa đại đức! Khi một người cảm thấy vui
thì cái ấy là thiện chăng? Và khi cảm thấy khổ thì cái ấy là ác chăng?
- Cũng tùy trường hợp, tâu đại vương! Thọ
vui thiện cũng có, ác cũng có, mà vô ký cũng có, ngược lại thọ khổ cũng y
như thế.
- Sao lạ vậy? Vui sao có thể là ác? Khổ
sao có thể là thiện? Thiện và khổ có lẽ nào lại tương hợp, đi chung đường?
- Khó nói lắm! Tâu đại vương! Trên thế
gian này biết bao người đắm đuối trong ngũ dục, trong ác pháp, trược pháp
mà họ cứ vẫn nghĩ là vui, là hạnh phúc? Biết bao người làm việc lành, cố
gắng lìa xa ngũ dục mà họ cứ vẫn nghĩ là khổ, và họ bảo rằng đấy là khổ
thanh cao? Các quan niệm vui khổ quả thật tương đối lắm thay! Nếu như đại
vương hiểu rõ về tất cả mọi cảm thọ thì đại vương sẽ không đặt những câu
hỏi tương tự.
- Trẫm vẫn chưa hiểu ra điều ấy.
Đại đức Na-tiên hỏi:
- Có người tay mặt nắm lấy một cục sắt
nóng, tay trái nắm một phiến băng lạnh! Bần tăng hỏi thử đại vương; hai
tay người ấy thọ nhận cảm giác gì? Cả hai tay đều run rẫy chăng?
- Không phải.
- Cả hai tay đều bị nóng đốt chăng?
- Cũng không phải.
- Một tay nóng, một tay lạnh chăng?
- Trong một lúc làm sao có hai cảm giác?
- Vậy thì nóng lạnh giao hòa, đã hòa nhau
thì nóng lạnh triệt tiêu?
- Cũng chẳng phải thế!
Đại đức Na-tiên bèn giảng giải:
- Tâu đại vương! Ngay chính những cảm giác
nóng lạnh thô tháo ở nơi thân mà chúng ta cũng khó nhận biết, huống hồ là
những cảm thọ vi tế thuộc vui, thuộc khổ ở nơi tâm! Vui khổ, thật ra, rất
tương đối vậy!
- Xin đại đức giảng rộng ra cho trẫm được
lãm tường.
- Thưa vâng, có sáu lạc thọ nương sáu trần
cảnh của người thỏa thích trong ngũ dục, đấy gọi là sáu lạc thọ thô trược
của thế gian. Có sáu lạc thọ hành trình trong sáu trần cảnh của người xuất
ly thế gian, có minh sát tuệ, đấy gọi là sáu lạc thọ thanh cao. Có
sáu thọ khổ nương sáu trần cảnh của người đắm say ngũ dục, đấy là sáu khổ
thọ thô trược của thế gian. Có sáu khổ thọ hành trình trong sáu trần cảnh
của người xuất ly thế gian, có minh-sát-tuệ, đấy gọi là sáu khổ thọ thanh
cao. Có sáu xả thọ của người thỏa thích trong ngũ dục, đấy gọi là sáu xả
thọ thô trược của thế gian. Có sáu xả thọ hành trình trong sáu trần cảnh
của người xuất ly thế gian, có hành minh sát tuệ, được gọi là sáu xả thọ
thanh cao. Tất cả mười hai thọ lạc , mười hai thọ khổ, mười hai thọ xả ấy
nhân với ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai, tổng cọng có một trăm lẻ tám
cảm thọ, tâu đại vương! Vậy thì những cảm thọ ấy, ta có thể xác định được
rằng, cảm thọ này là thiện, cảm thọ kia là ác được chăng?
- Khó nói lắm, thưa đại đức .
- Thảng hoặc, có thể xác định được rằng,
thọ khổ chính là ác và thọ lạc chính là thiện chăng?
- Cũng khó nói vậy thay!
Trầm ngâm một lát, đại đức Na-tiên hỏi
tiếp:
- Thế đại vương còn thắc mắc gì về cảm thọ
nữa chăng?
- Còn đấy, thưa đại đức! Tại sao một tay
cầm cục sắt nóng, một tay cầm phiến băng lạnh, ta khó cảm nhận được nóng
hay lạnh?
- Tâu đại vương! Vì khi xúc phát sanh thọ,
thì thọ ấy chỉ có một tâm. Một tâm thì trong một lúc không thể nhận hai
trần cảnh được!
- Trường hợp ấy có thể ví, là nếu đã thọ
khổ thì không thể thọ lạc, đã thọ lạc thì không thể thọ khổ, phải thế
không thưa đại đức?
- Vâng!
- Vậy thì trẫm đã hoàn toàn lãnh hội rồi!