Mi
Tiên Vấn Ðáp
(Milinda Panha)
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm
(Maha Thera Thita Silo)
Tỳ kheo Giới
Ðức hiệu đính, ấn bản 2003
21. Cái
gì dẫn dắt đi tái sanh?
Đức vua hỏi:
- Cái gì dẫn dắt chúng sanh đi tái sanh,
thưa đại đức?
- Là danh, sắc, tâu đại vương!
- Nghĩa là danh sắc của con người cũ này
sanh trở lại?
- Không phải vậy, tâu đại vương! Chính
danh sắc này làm các việc thiện ác; và chính do năng lực của nghiệp thiện
ác ấy mà một danh sắc khác kế tục được sanh ra để nhận lãnh quả phước hoặc
tội đã tạo tác.
- Nếu danh sắc cũ mà không sanh trở lại,
thì đời này làm ác, đời sau đâu có chịu tội báo? Và như thế có nghĩa là
mình đã thoát khỏi luân hồi sinh tử sao?
- Không phải vậy, tâu đại vương! Chỉ có
người không còn gây nhân thiện ác mới chấm dứt tái sanh, chứ nếu còn gây
nhân thiện ác thì sẽ sanh trở lại để thọ nhận quả báo, vòng sinh tử vì thế
sẽ tiếp nối mãi không ngừng. Danh sắc cũ và danh sắc mới cũng chính là
mình đấy chứ không phải ai khác.
- Xin đại đức hãy cho ví dụ.
- Ví như kẻ trộm xoài, chủ nhà bắt được
quả tang dẫn đến đại vương nhờ xử trị. Bị cáo cãi rằng: "Hạ
thần không hái xoài của người ấy. Trái xoài của anh ta trồng hồi trước chỉ
là hạt mầm ở dưới gốc còn trái mà hạ thần hái là trái to ở trên cành. Hạ
thần không có ăn trộm." Tâu đại
vương! Với lý lẽ như thế, đại vương có xử phạt y được không?
- Thưa đại đức, dẫu có ngụy biện hay ho,
trẫm vẫn xử phạt tên ăn trộm kia như thường!
- Sao lại thế được? Y đâu có hái cắp trái
của người kia trồng đâu mà xử tội, hở đại vương?
- Đành rằng thế, nhưng mà trái cây y hái
trộm ấy cũng do từ trái kia sanh ra, nó nẩy mầm, tăng trưởng mà thành. Cho
nên người kia cũng không thoát khỏi tội.
Tỳ khưu Na-tiên gật đầu:
- Cũng như thế đó là danh sắc cũ và danh
sắc mới, tâu đại vương . Việc tái sanh từ đời này sang đời kia cũng vậy.
Các nghiệp thiện ác trong đời giống như đã gieo hạt giống, nẩy mầm, tăng
trưởng, mai sau tất có quả báo.
Đức vua Mi-lan-đà cũng gật đầu:
- Trẫm đã hiểu, nhưng xin Đại đức cho một
ví dụ nữa.
- Có thể được. Ví dụ có người đốt lửa sưởi
ấm bên bờ ruộng, lửa ấy cháy lan sang một đám ruộng, người chủ ruộng bắt
dẫn đến đại vương xử trị. Người đốt lửa tâu rằng: "Lửa
của hạ thần đốt lên là lửa khác, lửa cháy ruộng ấy là lửa khác, không phải
là lửa của hạ thần." Người kia nói
lý như vậy, đại vương có bắt tội chăng?
- Dĩ nhiên là bị tội rồi.
- Vì cớ sao, tâu đại vương?
- Vì lửa cháy ruộng ấy cũng do từ lửa anh
ta sưởi ấm trên bờ ruộng mà sanh ra, nên y không thể chạy tội được.
- Cũng vậy, ngon lửa trước là danh sắc cũ,
ngọn lửa cháy ruộng tức là danh sắc mới, có được cũng từ danh sắc cũ mà
ra.
- Xin cho nghe một ví dụ nữa.
- Ví như người đốt đuốc ngoài sân để ăn
cơm, vô ý để tàn lửa bay sang đống rơm, lan sang nhà hàng xóm rồi thiêu
rụi cả làng. Dân làng bắt y dẫn đến cho đại vương xử tội. Y cãi cố rằng,
lửa cháy nhà là lửa khác còn lửa của y là ở nơi bó đuốc dùng để ăn cơm mà
thôi! Đại vương có trị tội được y chăng?
- Trị tội được chứ!
- Vì cớ sao?
- Vì lửa cháy nhà có được là do từ lửa nơi
bó đuốc của y.
- Cũng như thế đó là ngũ uẩn cũ và ngũ uẩn
mới, tâu đại vương! Ngũ uẩn này (danh sắc cũ) tuy đã tắt nhưng cũng bởi nó
mà tạo nên ngũ uẩn mới (danh sắc mới).
- Cho nghe một ví dụ nữa.
- Có người đàn ông nạp lễ vật dạm hỏi một
cô gái còn nhỏ, đợi lớn lên hẳn cưới, nhưng sau đó ông ta đi làm ăn xa. Cô
gái lớn lên, có người đàn ông khác đem lễ vật hậu hỉ đến cưới đem đi.
Người đàn ông đi làm ăn xa trở về vác đơn thưa kiện. Người kia cãi rằng: "Vợ
cũ của anh chỉ là một cô bé, còn vợ của tôi đây là một thiếu nữ."
Vậy thì trường hợp ấy, đại vương xử cho ai thắng?
- Dĩ nhiên là cho người đàn ông trước
thắng kiện.
- Tại sao lại như thế?
- Vì thiếu nữ kia cũng từ cô bé mà trưởng
thành chứ có phải là người khác đâu.
- Cũng như thế đó là thân này và thân kia,
danh sắc cũ và danh sắc mới, tâu đại vương!
- Đại đức còn có ví dụ nào nữa chăng?
- Có thể được, tâu đại vương! Ví như có
người đến một chủ nuôi bò mua sữa. Mua xong, anh ta gởi bình sữa lại hẹn
lát sau đến lấy, nhưng vì bận việc, hôm sau mới tới lấy sữa. Nhưng sữa đã
chua, anh ta bảo rằng, anh không mua sữa chua và yêu cầu chủ bò đổi bình
sữa mới. Người chủ bò không chịu, bảo rằng sữa chua là vì để cách đêm chứ
không phải là sữa khác. Thế rồi hai người cãi vả nhau. Trường hợp đại
vương thì đại vương xử cho ai được kiện?
- Chủ nuôi bò.
- Tại sao?
- Sữa để cách đêm thì nó chua chứ có phải
là sữa khác đâu.
- Danh sắc cũ tạo nghiệp thiện ác nên có
được danh sắc mới cũng y như thế, tâu đại vương .
- Trẫm hoàn toàn lãnh hội rồi, cảm ơn đại
đức!
* * *
22. Không nên hỏi lại câu đã hỏi
Đức vua Mi-lan-đà chợt hỏi:
- Đại đức hiện nay có còn tái sanh nữa
chăng?
- Câu này, đại vương đã hỏi rồi mà bần
tăng cũng đã trả lời rồi: rằng, nếu bần tăng còn tham sân si phiền não,
còn ham muốn sự sống thì bần tăng còn tái sanh, bằng ngược lại, bần tăng
sẽ vô sanh.
Tuy nhiên, đại vương nghĩ như thế nào, nếu
có kẻ hết lòng trung thành với đại vương, lập nhiều chiến công cho đại
vương, đã được đại vương ban thưởng trọng hậu, thế mà người ấy cứ than
phiền với người khác rằng, đại vương chẳng hề cho y cái gì cả! Lời nói của
người ấy là lời nói đáng hay không đáng nói, hở đại vương?
- Thật không nên nói như thế.
- Cũng vậy là câu hỏi của đại vương! Câu
hỏi ấy thật không đáng hỏi một tí nào.
Đức vua Mi-lan-đà cười, nói nhũn nhặn:
- Trẫm đã lĩnh ý, cảm ơn sự quở trách khéo
léo của đại đức.
* * *
23. Danh sắc tương quan liên hệ
Vua hỏi:
- Đại đức đã nói đến danh sắc, vậy cái gì
là danh, cái gì là sắc?
- Thưa, phàm vật gì mắt thấy được, sờ nắm
được, xúc chạm được, cái ấy được gọi là sắc pháp; cái gì có tính trừu
tượng như tâm vương, tâm sở... thuộc ý niệm, tư tưởng... thì gọi là danh
pháp.
- Tại sao các danh pháp thì có tạo tác đến
đời sau còn sắc pháp thì không?
- Chẳng phải thế đâu, tâu đại vương! Hai
pháp danh sắc này tương quan tương liên với nhau. Danh phải nương gá vào
sắc, sắc phải nhờ danh mới hiện hữu để cấu tạo thành một sanh mạng. Chúng
luôn luôn nương nhau, không từng lìa nhau bao giờ.
- Xin cho nghe ví dụ.
- Ví như một cái phôi trứng, ban đầu nó
trong và ướt, sau đó nó đặc sệt, dần dần tượng hình thành quả trứng rồi nở
thành chim, thành con gà. Cái phôi thai ban đầu ấy sở dĩ có được là do nhờ
thức tái sanh (danh) nương gá vào sắc chất (sắc) của gà mà tạo nên mầm
sống. Trong mầm sống ấy đã có danh và sắc nương gá lẫn nhau, tương quan
tương liên với nhau, đồng sanh, đồng hiện hữu đã từ vô thỉ đến nay rồi,
trải qua thời gian dài vô tận.
- Hay lắm!
* * *
24. Thời gian và không còn thời gian
Đức vua lại hỏi tiếp:
- Đại đức vừa nói đến thời gian, rồi lại
còn nói thời gian dài vô cùng tận, điều ấy được hiểu như thế nào?
- Thưa, thời gian thường trải qua ba thì:
quá khứ, hiện tại, vị lai. Quá khứ thì vô thỉ (không
có khởi đầu) vị lai thì vô chung (không
có chấm dứt), nên nói quá khứ, vị lai đều vô cùng, vô tận; còn hiện
tại thì chỉ là cái chớp mắt thoáng trôi, đại vương nên có ý niệm về thời
gian như vậy.
- Cả ba thì quá khứ, hiện tại, vị lai tức
là thời gian; và thời gian này luôn luôn hiện hữu và chi phối tất cả chúng
hữu tình, có phải vậy không thưa đại đức?
- Có khi có, có khi không, tâu đại vương!
- Trường hợp nào không có thời gian, không
còn thời gian?
- Trường hợp những người đã dập tắt tất cả
pháp hành, tức là pháp hữu vi, tạo tác, đã chấm dứt mọi nguyên nhân sanh
tử thì không còn diễn tiến trong thời gian, không còn bị quy định trong
thời gian, không còn bị chi phối bởi thời gian. Nói cách khác, các vị
Thánh nhân đắc đạo họ sống không có thời gian. Họ vô sanh vậy.
- Trường hợp nào là có?
- Trường hợp tạo tác, còn pháp hành, còn
gây nhân thiện ác; nghĩa là còn thọ nhận quả báo từ đời này sang kiếp kia
là còn thời gian. Nói cách khác, thời gian đồng nghĩa với tử sinh và luân
hồi vô tận vậy.
- Rõ ràng lắm, tri ân đại đức.
* * *
25. Nguyên nhân của thời gian
Đức vua hỏi:
- Thưa đại đức! Phàm cái gì có quả thì
phải có nhân. Vậy nguyên nhân đâu mà có thời gian quá khứ, hiện tại và vị
lai?
Na-tiên tỳ khưu nói:
- Đại vương đặt câu hỏi hay lắm! Trước khi
trả lời, đại vương cho phép bần tăng được hỏi lại ít câu.
- Đại đức cứ hỏi!
- Muốn chấm dứt thời gian thì phải làm
sao?
- Là phải chấm dứt pháp hành (Sankhàra),
pháp hữu vi, pháp tạo tác, pháp cấu sanh... như đại đức đã trả lời trong
câu hỏi trước.
- Đúng thế. Vậy muốn chấm dứt pháp hành ấy
thì phải làm sao nữa?
- Thì phải chấm dứt vô minh, vì "vô minh"
sinh "hành" như Đức Thế Tôn đã thuyết.
- Đúng thế. Và như vậy, câu hỏi của đại
vương đã được đại vương tự trả lời rồi.
Đức vua cười ha hả:
- Khéo lắm, nhưng xin đại đức giảng giải
cho rõ ràng hơn một tí.
- Có thể được, tâu đại vương! Có thời gian
là vì còn bị pháp hành chi phối, pháp hành là do vô minh mà có. Vậy muốn
chấm dứt thời gian thì phải chấm dứt vô minh. Từ vô minh, chúng ta sẽ lần
theo tiến trình sanh tử ấy như sau:
Vô minh là tình trạng bất giác, thiếu tỉnh
thức, thiếu sáng suốt nên khởi tâm vọng động, tạo nên hành, và hành chính
là ái, thủ, hữu quá khứ. Do hành nghiệp mà phát sanh năng lực đưa tâm
nương gá nơi bào thai [kết sanh thức (danh) + tinh trùng và noãn
châu (sắc)]. Kết hợp danh sắc hiện rõ chức năng sáu căn để nhận thức
sáu trần (lục nhập). Khi có sáu giác quan của một chúng sanh ra
đời, tùy đối tượng nhận thức mà phát sanh nhãn xúc, nhĩ xúc...ý xúc (xúc).
Từ đây có các cảm thọ khổ ưu, hỷ lạc và xả (thọ). Có thọ liền có
tham sân si (ái). Có ái, chấp thủ, tạo nên các thủ (dục thủ,
kiến thủ, ngã thủ và giới cấm thủ). Thủ là sức mạnh tạo thành
nghiệp (hữu) thiện, bất thiện và bất động. Hữu là lực tạo tác để
trở thành (bhava), nghĩa là tạo năng lực để hiện hữu trong tương
lai. Rồi thức tái sanh kết hợp với sắc pháp (tinh trùng + noãn châu)
tạo tác nên một chúng sanh mới, chịu sự chi phối của già chết và sầu bi
khổ ưu não...; và tiến trình của mười hai duyên khởi này chính là tiến
trình sinh tử không đầu, không đuôi kéo dài đến vô tận, chẳng thể phanh ra
đầu mối. Tìm kiếm nguồn gốc đầu tiên của chúng sanh, của thời gian là một
việc làm không thể được, tâu đại vương!
- Cảm ơn đại đức đã giảng giải rất tận
tường.
* * *
26. Thời gian tối sơ?
Đức vua hỏi tiếp:
- Đại đức vừa nói là không thể phanh ra
nguồn gốc của thời gian, tức là không thể tìm ra thời gian tối sơ. Điều ấy
trẫm hiểu, nhưng trẫm muốn nghe ví dụ.
- Ví dụ như trái cây. Trái chín rụng, hạt
rơi xuống thành cây khác, trái khác; và cứ thế tiếp tục đến vô cùng, vô
tận. Đại vương có thể nào tìm ra gốc nguồn của trái cây kia chăng?
- Không thể được.
- Cũng thế là thời gian tối sơ của chúng
sanh, chẳng thể tìm được, tâu đại vương.
- Cho nghe ví dụ khác.
- Ví dụ trứng gà ấp nở ra gà. Gà con thành
gà mẹ, lại đẻ trứng, ấp nở ra bầy gà con. Gà con lớn lên đẻ trứng, ấp nở
ra gà nữa và cứ thế tiếp tục đến vô cùng vô tận. Đại vương có thể nào tìm
ra gà sinh trứng hay trứng sinh gà? Có thể tìm ra nguồn gốc của con gà kia
chăng?
- Không thể được.
- Cũng thế là thời gian tối sơ của chúng
sanh, chẳng thể phanh tìm được, tâu đại vương.
- Cho nghe ví dụ nữa.
Na-tiên tỳ khưu vẽ theo cái hình bánh xe
rồi nói:
- Đại vương có thể chỉ cho bần tăng thấy
chỗ nào là điểm khởi đầu trên cái hình bánh xe này chăng?
- Thưa, chẳng thể.
- Cũng như thế đó là điểm bắt đầu của
chúng sanh, chẳng thể tìm ra, tâu đại vương! Trong vòng tử sanh, sanh tử
ấy, giống như bánh xe này, không đầu không đuôi; chúng sanh lui tới, vần
xoay mãi mãi không ngừng. Đức Thế Tôn đã giải thích về điều ấy như sau:
"Khi có mắt và có sắc thì có nhãn xúc. Có
nhãn xúc liền có các cảm thọ. Khổ, lạc và xả. Có các cảm thọ liền có ái
phát sanh. Có ái liền có thủ. Có thủ liền có hữu, tức là tạo nghiệp. Có
tạo nghiệp nên phải sanh trở lại để nhận quả báo.
Khi có tai và có âm thanh thì có nhĩ xúc.
Có nhĩ xúc liền có các cảm thọ. Có thọ liền có ái, có thủ, có hữu, tức là
tạo nghiệp thiện ác hoặc bất động. Có tạo nghiệp nên phải sanh trở lại để
thọ nhận quả báo. Cũng giống như thế với mũi và hương, lưỡi và vị, thân và
vật xúc chạm, ý và pháp. Tất cả chúng là những tác động, là nhân, là duyên
đưa đến tái sanh, tương tục vần xoay không gián đoạn, vô thỉ, vô chung".
Như thế thì làm thế nào tìm ra được đầu
mối của sinh tử, thời gian tối sơ, nguyên nhân đầu tiên của chúng sanh
được, hở đại vương?
- Thưa, quả vậy.
* * *
27. Có rồi không, Không rồi có!
Đức vua hỏi:
- Thời gian tối sơ không thể phăng tìm
được, điều đó thì trẫm lãnh hội rồi, nhưng thời gian tối sơ ấy có thể nào
khi có, khi không chăng, hở đại đức?
- Đúng là như thế, tâu đại vương!
- Xin đại đức nói cho rõ hơn.
- Ví như có một giống cây, chưa mọc thì
chưa có, đến khi người ta đem giống ấy, trồng tỉa nên cây, hoa, lá, trái.
Như thế được hiểu trước đây là không mà bây giờ là có vậy, tâu đại vương!
- Thế còn từ có mà trở thành không?
- Cũng tương tự thế, có một giống cây
trước đây mọc đầy rừng, đầy đất, không biết có mặt từ bao giờ nhưng bây
giờ thì hoàn toàn mất hẳn, diệt hẳn. Vậy là có mà trở thành không đấy, tâu
đại vương!
* * *
28. Pháp hành thì sao?
Đức vua hỏi:
- Thế còn pháp hành (Sankhàra) thì
sao, hở đại đức?
- Pháp hành, pháp hữu vi đã sanh rồi thì
nó cứ sanh mãi, tương tục mãi như thế.
- Xin đại đức giảng cho rõ.
- Pháp hành này phải được hiểu là những
pháp cấu tạo ở trong tâm. Đại vương đã từng hiểu mười hai duyên khởi rồi
thì cứ từ cái duyên khởi ấy mà suy ra. Khi có lục căn, lục trần thì có lục
xúc. Có xúc thì có thọ, ái, hữu, sinh, lão tử, sầu bi khổ ưu não. Khi thọ
mạng chấm dứt thì nghiệp lực tạo sức mạnh cho thức tái sanh đi tìm cảnh
giới mới. Như thế thì pháp hành (Ai, thủ, hữu) đã sanh rồi thì sanh
sanh đến vô tận theo vòng luân hồi tử sanh của chúng sanh vậy.
- Trẫm hiểu. Nhưng đại đức có nói là có
thể chấm dứt pháp hành ấy, nghĩa là có thể từ có mà trở thành
không?
- Đúng thế.
- Xin đại đức giảng giải.
- Điều ấy đại vương hiểu rồi mà! Nghĩa là
nếu không có vô minh thì không có hành, chấm dứt hành thì không có thức đi
tìm cảnh thú tái sanh để cấu tạo nên danh sắc mới... cứ thế mà suy diễn
ra, nếu mười hai duyên khởi không còn tồn tục được thì vòng luân hồi tử
sanh ấy sẽ chấm dứt. Pháp hành từ có mà trở thành không là vậy, tâu đại
vương.
- Hay vậy thay!
* * *
29. Tự nhiên sanh?
- Thế có vật gì mà do tự nhiên sanh, hở
đại đức?
- Không có vật gì trên thế gian này mà do
tự nhiên sanh cả, tâu đại vương .
- Thế sao đại đức bảo có vật từ không mà
thành có?
Tỳ khưu Na-tiên mỉm cười:
- Trước đây khi dẫn quân đi chinh chiến,
đại vương có ở trong cung điện này chưa?
- Thuở ấy chưa có cung điện này!
- Rồi sau sao lại có?
- Khi lập kinh đô, trẫm mới làm cung điện.
- Đại vương làm như thế nào?
- Trẫm cho người san bằng đất, chở đá sỏi
từ nơi khác đến, cho lấy gỗ trong rừng và để thợ mộc làm cột, kèo, đòn
tay, chạm trổ v.v... Sau đó làm thành quách, cửa ngõ, lối đi, trồng cây,
đào ao hồ, nuôi chim, thả ca v.v...
- Thế thì cung điện này đâu phải do tự
nhiên sanh mà do chính công kiến tạo, tập kết vật liệu, sức người làm, đá,
sỏi, vôi, đường v.v... Tất cả chúng kết hợp lại mới thành cung điện, phải
thế chăng?
- Đúng như thế.
- Cũng thế, không có thể trở thành
có, nhưng có ấy không phải tự nhiên sanh mà do sự cấu tạo, kết hợp
nhiều yếu tố, nhiều phụ liệu khác mà thành, tâu đại vương .
- Xin cho ví dụ.
- Ví như hạt lúa có thể trở thành cây lúa
không, hở đại vương, nếu như nó không có đất, nước, ánh sáng, phân, công
chăm sóc, thời gian và ý niệm trồng lúa của người chủ ruộng?
- Không thể thành cây lúa được nếu thiếu
các yếu tố, điều kiện đi sau.
- Cũng như thế, chẳng có vật gì do tự
nhiên sanh, do tự nó sanh mà do sự kết hợp nhiều yếu tố, nhiều điều kiện
khác, tâu đại vương .
- Xin cho ví dụ nữa.
- Ví như đất sét có thể trở thành đồ gốm
không, hở đại vương?
- Không thể được. Đất sét mang về phải lấy
nước nhồi cho nhuyễn, xong rồi phải nặn thành cái nồi, niêu, chén, bát
v.v...; kế nữa phải có củi, lửa, bỏ vào lò nung cho chín v.v...Ây mới
thành đồ gốm dùng được.
- Thế rõ ràng là nó chẳng do tự nhiên sanh
mà do sự kết hợp của nhiều yếu tố, nhiều điều kiện vậy.
- Đại đức còn ví dụ nào nữa chăng?
- Có thể được. Ví dụ như người gãy đàn.
Nếu không có dây, phím, da bịt, thùng gỗ v.v... thì âm thanh có thể vang
tiếng được không, tâu đại vương?
- Cây đàn, âm thanh như thế cũng không
phải tự nhiên sanh, nó cần nhiều yếu tố và điều kiện vậy.
- Có người muốn cưa cây lấy lửa, nhưng y
không có hai thanh gỗ, không có bùi nhùi, không có cả người cưa thì có thể
tạo ra lửa không hở đại vương?
- Thưa không.
- Ví như người có kính thủy tinh, có ánh
nắng mặt trời, lại có người cầm kính ấy chiếu lên đống cỏ khô, rơm khô...
thì có thể tạo ra lửa được chăng?
- Thưa được.
- Ví như có gương soi, có người đứng trước
gương, có ánh sáng thì có hình người hiện ra trong gương không, tâu đại
vương?
- Thưa có.
- Hết thảy mọi sự mọi vật trong thế gian
đều y như thế, chẳng có cái gì do tự nhiên sanh, phải cần các yếu tố, điều
kiện, kết hợp lại mà thành. Nói cách khác, vạn pháp, muôn loài đều do nhân
duyên sanh vậy, tâu đại vương!
- Hay lắm! Trẫm đã hoàn toàn lãnh hội.
* * *
30. Tự ngã trong thân?
Đức vua hỏi:
- Tất cả mọi nhận thức, hiểu biết dường
như là do một tự ngã ở trong thân, phải vậy không, đại đức?
- Đại vương hiểu điều đó như thế nào, có
thể nói rộng ra được chăng?
- Trẫm nhận thấy thế này. Tất cả chúng
sanh có sanh mạng, phải có một chủ thể nhận thức nương gá ở trong thân,
nhờ thế mới có thể thấy sắc bằng mắt, nghe tiếng bằng tai, ngửi hương bằng
mũi v.v...Nghĩa là tự ngã ấy có thể thấy được ngoại cảnh bên ngoài qua sáu
cửa sổ giác quan vậy. Ví như chúng ta đang ngồi trong bảo điện này, nếu
muốn nhìn thấy cảnh phía đông, ta mở cửa phía đông, muốn nhìn cảnh phía
tây, phía nam, phía bắc thì ta mở cửa phía tây, phía nam, phía bắc. Mở bốn
cửa sổ ở bốn hướng ta nhìn thấy ngoại vật như thế nào, thì tự ngã ở trong
thân nhìn thấy ngoại vật qua sáu giác quan cũng y như thế. Đấy là ví dụ
của trẫm, không biết có đúng chăng?
- Bần tăng đã hiểu. Như bốn cửa sổ ở bốn
hướng này, ta muốn xem hướng nào thì mở hướng ấy?
- Đúng thế.
- Nếu tự ngã muốn thấy sắc thì nó mở nhãn
môn để thấy sắc?
- Đúng thế.
- Vậy thì tự ngã ấy có thể thấy sắc bằng
nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý môn được chăng?
- Không thể.
- Có thể nghe âm thanh bằng mắt, mũi,
lưỡi, thân và ý chăng?
- Không thể.
- Có thể ngửi được mùi hương bằng mắt,
tai, lưỡi, thân và ý chăng?
- Không thể.
- Tương tự như thế, nếm vị bằng mắt, tai,
thân và ý? Xúc chạm bằng mắt, tai, mũi, lưỡi và ý? Và suy nghĩ bằng mắt,
tai, mũi, lưỡi và thân?
- Không thể.
- Vậy tại sao đại vương lại bảo là muốn
thấy hướng nào thì mở cửa hướng ấy bằng ví dụ những cửa sổ? Sáu giác quan
mà ví dụ là sáu cửa sổ, ấy là thí dụ không thích đáng, không tương hợp
chút nào cả. Đại vương có thấy như thế chăng?
- Trẫm đã thấy.
- Các cửa sổ ở cung điện này nếu được mở
rộng ra thì ta có thể thấy ngoại cảnh xa rộng hơn. Nhưng mắt mà được khoét
rộng ra thì có thể thấy ngoại cảnh xa rộng hơn chăng?
- Không thể.
- Tương tự như thế ấy. Nếu tai, mũi, lưỡi,
thân, ý mở rộng ra thì ta có thể nào nghe xa rộng , ngửi xa rộng, nếm xa
rộng, xúc xa rộng, suy nghĩ xa rộng được chăng?
- Thật không thể được.
- Như vậy chứng tỏ luận cứ của đại vương
là không tương hợp, không thích đáng. Lại nữa, ví dụ đại vương đứng ở cổng
thành bố thí cho dân nghèo, một người ở hướng đông đến, nhận vật bố thí
rồi đi, đại vương có thấy chăng?
- Dĩ nhiên là trẫm thấy.
- Một người ở hướng tây lại, nhận của bố
thí xong, người ấy không đi mà đứng yên trước mặt đại vương, thế đại vương
có thấy chăng?
- Có thấy.
- Tương tự như vậy, khi lưỡi nếm vị, cái
lưỡi biết rõ ấy là vị chua, ngọt, béo, bùi chăng?
- Dĩ nhiên là biết.
- Nhưng nếu cái vị ấy chưa đến lưỡi, còn
đứng ở ngoài lưỡi, thì đại vương có thể nào biết nó là đắng, chát, ngọt,
bùi không?
- Không thể biết được.
- Như vậy, rõ ràng là lối ví dụ so sánh
của đại vương là không tương hợp, không thích đáng. Lại nữa, nếu ta đem
mật ong đổ đầy trong lu lớn, bắt một người nằm vào trong và bịt kín miệng
người đó lại, thì y có thể nào biết được cái ngọt của mật chăng?
- Không nếm thì làm sao biết được.
- Như vậy, thêm một lần nữa, đại vương
biết rõ đâu là không tương hợp, không thích đáng.
Đức vua Mi-lan-đà suy nghĩ hồi lâu:
- Bây giờ trẫm đã thấy rõ sự kém cỏi, nông
cạn của mình, xin đại đức giảng giải cặn kẽ cho trẫm nghe thêm.
Na-tiên tỳ khưu bèn thuyết như sau:
- Tâu đại vương! Con mắt tiếp xúc với sắc
nhưng chưa chắc con mắt ấy biết rõ sắc ấy là xanh, đỏ, trắng, vàng đâu,
nếu không có nhãn thức. Và nhãn thức ấy cũng không phải là một tự ngã, một
chủ thể. Nhãn thức sanh lên khi căn xúc với trần, nhưng nó không phải sanh
khởi một mình, nó có những tâm sở đồng sanh khác, gọi là biến hành tâm
sở: xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư, nhất tâm, mạng căn.
- xúc là xúc
chạm trần cảnh,
- tác ý là khởi ý đến trần cảnh,
- thọ là cảm giác,
- tưởng là tri giác, nhận biết,
- tư là tư tác do tham sân hoặc bất động,
- nhất tâm làm cho các tâm sở được liên tục
-
mạng căn duy trì mạng sống của một tiến trình tâm.
Và nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân
thức và ý thức cũng được hiểu như thế. Tất cả căn, trần, thức, và những
tâm sở đồng sanh ấy chúng tương quan tương duyên với nhau. Như vậy thì
thức, cái nhận biết, đâu phải là chủ thể, đâu phải là cái độc lập, đâu
phải là tự ngã thường hằng nương gá ở trong thân? Đại vương có biết rằng
luận cứ của đại vương đã rơi vào thường kiến, một tà kiến nguy hiểm
cho những người học Phật chăng?
- Cảm ơn đại đức, cái tự ngã ấy chỉ là ảo
giác, ảo tưởng, trẫm đã rõ rồi.
* * *
31. Nhãn thức và tâm thức (Cakkhu vinnana - Mano vinnana)
- Bạch đại đức! Khi nhãn thức sanh khởi
thì tâm thức có cùng sanh khởi không?
- Thưa, có.
- Vậy cái nào trước, cái nào sau?
- Nhãn thức sanh trước, tâm thức sanh sau,
tâu đại vương!
- Điều này trẫm nghi ngờ lắm! Phải chăng
nhãn thức và tâm thức quen biết nhau, hoặc giả nhãn thức có nói với tâm
thức rằng: "Nếu tôi sanh tại chỗ nào thì anh cũng sanh tại chỗ ấy."
Hoặc tâm thức nói với nhãn thức rằng: "Anh
hãy sanh trước đi, tôi sẽ nương theo anh mà sanh sau."
- Chúng không giao hẹn với nhau như thế
đâu, tâu đại vương.
- Nếu không có sự kết ước của hai bên, sao
anh thì đi trước, anh thì đi sau luôn luôn như thế được?
- Ây là bởi có bốn tính chất sau đây khiến
chúng cùng sanh một chỗ, đi liền nhau chứ không có ký kết, giao ước gì
hết.
Một là hành trình theo chỗ thấp, xuôi
chiều.
Hai là hành trình theo một hướng, một cửa.
Ba là hành trình theo dấu cũ, đường cũ.
Bốn là hành trình theo thói quen, theo huân tập, theo quán tính.
- Hành trình theo chỗ thấp, xuôi chiều là
như thế nào, hở đại đức?
- Nước mưa trên trời rơi xuống, nó chảy về
đâu, hở đại vương?
- Chảy vào chỗ đất thấp.
- Nếu có đám mưa khác nữa?
- Cũng chảy vào chỗ đất thấp ấy thôi.
- Thế trận mưa trước có nói với trận mưa
sau rằng: "Hễ tôi chảy chỗ nào thì
anh chảy chỗ đó." Hoặc đám mưa sau
nói với đám mưa trước: " Chỗ nào anh chảy xuống thì chỗ ấy tôi sẽ chảy
theo" không?
- Chúng không hề giao ước như vậy. Nước
chảy xuống chỗ thấp là chuyện tự nhiên thôi.
- Nhãn thức sanh khởi trước, tâm thức sanh
khởi sau cũng y như thế, chẳng giao ước gì cả, tâu đại vương .
- Trẫm đã hiểu ví dụ ấy. Còn hành trình
theo một hướng, một cửa là thế nào?
- Ví như có một tòa trấn thành tường cao,
hào sâu nhưng vào ra chỉ có một hướng, một cổng thành duy nhất. Vậy người
bên trong muốn đi ra bên ngoài phải làm thế nào, đại vương?
- Phải đi ra bằng cổng lớn.
- Thế người thứ hai, thứ ba?
- Cũng từ cổng ấy mà ra.
- Những người ấy có hò hẹn gì với nhau
chăng mà họ đi ra cùng một cửa?
- Thưa không.
- Người ra trước có nói với người ra sau,
người ra sau có nói gì với người ra trước mà họ lại cùng đi chung một
hướng, một cửa như thế?
- Thưa không.
- Nhãn thức đi trước và tâm thức đi sau
cùng ra một hướng, một cửa là thế đó, tâu đại vương .
- Thế còn hành trình theo dấu cũ, đường cũ
là sao?
- Ví như có chiếc xe đi qua cánh rừng để
lại một dấu vết, chiếc xe theo sau có theo dấu vết đó mà đi hay tự mở con
đường mới?
- Dĩ nhiên là theo dấu vết, theo đường cũ
mà đi.
- Họ có hẹn ước gì với nhau chăng?
- Thưa không.
- Nhãn thức và tâm thức cũng thường theo
dấu vết cũ, đường cũ mà sanh khởi y như thế đó, tâu đại vương .
- Tính chất thứ tư của chúng là theo thói
quen, huân tập, quán tính là thế nào, đại đức?
- Ví như các môn học tập viết, làm toán
v.v... ban đầu ai cũng vụng về, chậm chạp. Nhưng về sau do sự cố gắng, tập
luyện, làm nhiều, viết quen tay...; từ vụng về, chậm chạp đã trở nên mau
lẹ, nhậm lẹ, tính nhanh, viết thạo. Đấy chính là thói quen, là huân tập,
lâu ngày trở thành quán tính, như phản xạ tự nhiên vậy. Nhãn thức và tâm
thức cùng sanh khởi trước sau cũng mau lẹ, theo thói quen, theo quán tính
như vậy đó, tâu đại vương!
- Trẫm đã hiểu.
- Không những nhãn thức mà cho chí nhĩ
thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức cũng phải được hiểu như
trên, cũng có đầy đủ những tính chất nêu trên, tâu đại vương .
- Trẫm đã hết nghi về điều ấy rồi.
* * *
32. Hành tướng của Xúc (Phassalakkhana)
Đức vua Mi-lan-đà hỏi tiếp:
- Còn xúc tâm sở thì thế nào? Khi
nhãn thức sanh khởi thì xúc tâm sở có cùng sanh khởi chăng?
- Cũng cùng sanh khởi. Khi nhãn thức sanh,
không phải chỉ có xúc tâm sở cùng sanh mà những tâm sở khác cùng biến hành
sanh khởi: thọ, tưởng, tư, nhất tâm v.v... như bần tăng đã trình bày cho
đại vương nghe rồi.
- Đúng vậy, trẫm có nghe rồi nhưng chưa
nắm vững lắm. Đại đức hãy giảng cho trẫm nghe về hành tướng của xúc ấy là
thế nào?
- Xúc là đụng chạm, chạm nhau, giao
nhau...
- Đại đức cho xin ví dụ?
- Như hai con dê đấu nhau, hai cái sừng
của chúng đụng nhau. Cái sừng của con này là nhãn căn, sừng của con kia là
sắc trần; và chỗ mà hai cái sừng của chúng chạm nhau chính là xúc. Ví như
hai bàn tay vỗ vào nhau, chỗ mà hai bàn tay chạm vào nhau là xúc. Ví như
cái nồi mới chồng lên cái nồi cũ, chỗ tiếp giáp hai cái nồi là xúc.
Nói tóm lại, con mắt giao tiếp với sắc thì
có nhãn xúc. Lỗ tai giao tiếp với âm thanh thì có nhĩ xúc.
Cái mũi giao tiếp với mùi hương thì có tỷ xúc. Cái lưỡi giao tiếp
với vị thì có thiệt xúc. Cái thân giao tiếp với vật trơn, nhám thì
có thân xúc. Cái ý giao tiếp với pháp thì có ý xúc. Xúc là
cái giao tiếp, là cái gạch nối, là cái va chạm, cái đụng nhau giữa
căn
và trần, tâu đại vương .
- Hay lắm. Thật rõ ràng.
* * *
33. Hành tướng của Thọ (Vedanalakkhana)
- Thế Thọ tâm sở có hành tướng thế
nào, ra sao, để dễ nhận biết, thưa đại đức?
- Khi nào có khổ, lạc, xả, thì đấy
được gọi là Thọ tâm sở, tâu đại vương .
- Xin cho nghe ví dụ.
- Ví như đại đức thuở mới lập quốc, đã ban
thưởng trọng hậu cho các bậc công thần, tức là những người đã từng xông
pha trận mạc lập được nhiều chiến công hiển hách cho đại vương. Vị công
thần ấy sau khi được đại vương ban cho chức vị, phẩm hàm, bổng lộc nên y
đã sống một đời vinh hoa phú quý. Sống đời vinh hoa phú quý, được cảm thọ
rất nhiều lạc thú về ngũ dục - chính là Thọ đấy, tâu đại vương!
Lại nữa, ví như có người, thuở bình sanh
ưa làm việc lành, tích lũy điều hành, biết giữ giới, biết bố thí, sau khi
thân hoại mạng chung được sanh lên cõi trời, cảm thọ năm loại dục lạc đó
là thiên sắc, thiên thanh, thiên hương v.v...Cảm thọ năm loại thiên lạc
ấy là thọ đấy, tâu đại vương!
- Cảm ơn đại đức .
* * *
34. Hành tướng của Tưởng (Sannalakkhana)
- Vậy thì Tưởng tâm sở? Đức vua
hỏi.
- Là ghi nhận, chụp bắt cái tướng tổng
quát của vật, ấy là Tưởng, tâu đại vương .
- Xin cho ví dụ.
- Ví như đại vương có một vị quan giữ kho
siêng năng và cần mẫn trong bổn phận của mình. Tất cả những tài sản quý
giá, ngọc ngà, châu báu... y đều nắm vững số lượng một cách tổng quát...
chính xác, rõ ràng và không bao giờ nhầm lẫn. Nhận biết, chụp bắt, ghi
nhận cái tổng quát ấy là chức năng của Tưởng, tức là tri giác đấy, tâu đại
vương!
* * *
35. Hành tướng của Tác Ý (Cetanalakkhana)
- Đại đức cho biết luôn về Tác ý tâm sở?
- Tác ý là khởi ý, khởi ý làm việc gì đó
cho mình (tự tác) hoặc cho người (tha tác).
- Trẫm muốn nghe thí dụ.
- Ví như có người chế tạo độc dược, tự
mình uống rồi ép người khác uống theo. Như vậy, không những tự làm khổ
mình mà còn làm khổ kẻ khác.
Trong thế gian này, có một số người tác ý
làm điều ác, xui khiến kẻ khác làm điều ác; đến khi chấm dứt thọ mạng, họ
đọa vào bốn đường khổ và những người làm ác kia cũng rơi vào bốn đường khổ
giống nhau.
Lại nữa, ví như có người chế tạo một loại
nước ngọt, ngon ngọt bổ dưỡng, tự mình uống rồi mời người khác cùng uống.
Uống xong, tự mình cảm nghe sảng khoái, thích thú mà người được mời uống
cũng cảm thấy thích thú, sảng khoái. Cũng vậy, có người làm việc lành,
khuyến hóa kẻ khác làm việc lành; đến khi chấm dứt thọ mạng, cả mình và
người đều được hóa sanh đến cảnh trời an vui, sung sướng.
Như vậy, Tác ý này chính là nghiệp
đấy, tâu đại vương!
- Hay lắm.
* * *
36. Hành tướng của Thức (Vinnanalakkhana)
- Còn Thức? Đức vua hỏi - hành
tướng và chức năng của nó là thế nào, đại đức?
- Thức có chức năng thứ nhất là nhận thức,
chức năng thứ hai là thu thập kinh nghiệm của lộ trình tâm, tâu đại vương!
- Xin cho nghe ví dụ.
- Như người lính đứng canh cổng thành của
đại vương. Người ấy thấy rõ những người đến cung điện từ hướng đông, tây,
nam, bắc; biết rõ người ra kẻ vào, biết rõ là vua, quan hay dân, nam hay
nữ, tâu đại vương. Ví dụ ấy như thế nào thì thức biết rõ sắc, thanh,
hương, vị, xúc pháp cũng như thế ấy.
- Còn thu thập kinh nghiệm của lộ trình
tâm?
- Ví như người lính canh cổng thành ấy,
nhờ thói quen, nhờ kinh nghiệm mà biết rõ những người vào ra, đến đi, kẻ
nào gian kẻ nào ngay; biết rõ người nào đáng kính trọng, người nào cần
phải nghi ngờ, người nào mình thích và người nào mình ghét v.v... Các cảm
giác (thọ), tri giác (tưởng) tham sân (hành) ở trong
các tiến trình của tâm sở ấy; Thức ghi nhận, thu thập, lưu giữ kinh nghiệm
cũng y như thế, tâu đại vương!
* * *
37. Hành tướng của Tầm (Vitakkalakkhana)
- Đại đức giảng luôn cho nghe về Tầm
tâm sơ?
- Tầm chính là tìm kiếm. Đi tìm kiếm đối
tượng là Tầm, tâu đại vương .
- Xin cho nghe ví dụ.
- Ví như con ong bay đi tìm kiếm đóa hoa
để hút mật, nó thấy đóa hoa, bay quanh đóa hoa, tìm chỗ để đậu xuống trên
đóa hoa - Đấy là Tầm tâm sở, thưa đại vương .
- Rõ lắm.
* * *
38. Hành tướng của Tứ (hay Sát) (Vicaralakkhana)
- Còn Tứ tâm sở?
- Tứ chính là quan sát, soát xét, kiểm
soát và bắt dính đối tượng, tâu đại vương!
- Xin cho nghe thí dụ.
- Con ong sau khi tìm kiếm được hoa (tầm),
nó đậu trên đóa hoa, quan sát đóa hoa, rà soát đóa hoa, ấy là Tứ. Như thế,
Tứ tâm sở luôn luôn đi theo tầm tâm sở, như con ong tìm hoa (tầm) rồi đậu
trên hoa (tứ); như vang và tiếng, tiếng đi trước (tầm), vang đi sau (tứ);
như bóng và hình, có hình (tầm) là có bóng (tứ). Hai tâm sở ấy luôn luôn
đi liền nhau, tâu đại vương .
- Trẫm đã hiểu.
* * *
39. Lại hỏi về "Chú tâm" (Manasikàra)
Đức vua lại hỏi:
- Đại đức đã có nói về manasikàra
rồi! Nhưng khi thì nó có nghĩa là tác ý đến đối tượng, khi được hiểu là
Chú tâm, khi được hiểu là quan sát đối tượng; vậy manasikara khác nhau như
thế nào với các tâm sở: tác ý, tầm và tứ tâm sở? Nó có gần giống với
nhất tâm chăng?
- Đại vương hỏi rất hay. Manasikàra
nó có nghĩa là khởi tâm đến, hướng tâm đến - nên nó đồng nghĩa với tác ý.
Nhưng khi khởi tâm, hướng tâm đã thuần thục sẽ phát sanh chú tâm, giai
đọan này tương đương với tầm và tứ tâm sở. Nhưng khi Chú tâm thuần thục,
nó sẽ dẫn đến nhất tâm. Vậy cho nên khi nói Manasikàra - là hàm
nghĩa, nó đã tự tác ý, qua tầm, qua tứ (Chú tâm) để đi đến nhất tâm. Như
thế, Chú tâm đưa đến nhất tâm, tâu đại vương .
- Thật khó nhận biết vậy thay!
- Vâng, rất khó, vì danh pháp là cái trừu
tượng, lại nữa, nếu không tu tập thiền quán thì không dễ gì mà thấy chúng
một cách rõ ràng được .
* * *
40. Những tâm sở đồng sanh
- Bạch đại đức! Những tâm sở mà đại đức
vừa trình bày như: xúc, thọ, tưởng, tác ý... đều là những tâm sở đồng sanh
trong một lúc hay sao?
- Thật ra, nó có trước có sau, nhưng vì
tiến trình ấy diễn ra nhanh quá nên trí tuệ ta không theo dõi được, không
phân tích được.
Ví dụ: Tiến trình của ngũ uẩn: sắc, thọ,
tưởng, hành, thức. Khi thấy đóa hoa, biết đóa hoa ấy đẹp và thích đóa hoa
ấy thì nó đã đi suốt tiến trình ấy rồi. Mà khi thấy đóa hoa ấy đẹp, thích
đóa hoa ấy thì trong nhãn thức cũng có bảy tâm sở khác đồng sanh: xúc, tác
ý, thọ tưởng, tư, nhất tâm, mạng căn... và khi thích đóa hoa ấy cũng là
tiến trình mười hai duyên khởi đã vận hành rồi. Nó nhanh quá phải không
đại vương!
- Vâng, nhanh quá. Nhanh quá, nhưng ta
cũng có thể phân tích được, đây là xúc, thọ, tưởng v.v... được chứ?
- Không thể được.
- Đại đức có thể cho nghe thí dụ?
- Vâng, ví như viên quan ngự trù dâng cho
đại vương một món ăn nhiều gia vị lạ lùng, rất ngon. Đại vương ăn món ấy,
biết ngon, nhưng đại vương có thể nào bảo viên quan ngự trù rằng: ngươi
hãy lấy ra cho trẫm xem từng mùi vị một như mặn, ngọt, bùi, thơm, béo...
được chăng?
- Không thể được.
- Các mùi vị ấy không thể lấy ra được một
cách riêng rẽ như thế nào thì các tâm sở đồng sanh cũng y như thế đó, tâu
đại vương rõ.
- Trẫm chưa rõ đâu, đại đức hãy giảng
thêm.
- Vâng, khi đại vương biết vật kia là
muối, đại vương biết bằng gì?
- Bằng mắt, trẫm có thể biết được?
- Có chắc biết muối bằng mắt không, đại
vương?
- Chắc chắn chứ!
- Thế nếu trước đây, đại vương chưa từng
nếm muối, thì hiện giờ đại vương có thể nào biết được muối mặn chăng?
- Đồng ý là thế, nhưng giả dụ có một xe
chở đầy muối đi qua trước mặt, đại đức nhận biết xe muối ấy bằng mắt hay
bằng lưỡi? Nếu là bằng lưỡi thì số lượng muối bằng sức mạnh của năm con bò
kéo - thì lưỡi làm thế nào nếm cho hết được đại đức?
- Chẳng cần nếm hết cả xe muối mà cũng
biết được đấy là muối, tâu đại vương .
- Đại đức biết bằng gì?
- Bần tăng biết bằng mắt.
- Lời nói của đại đức trước sau rất mâu
thuẫn, trước thì bác bỏ lời của trẫm, sau thì chấp nhận lời của trẫm. Té
ra chúng ta đều biết muối bằng mắt.
- Không phải thế đâu, đại vương! Trước
tiên phải dùng lưỡi nếm muối, mới biết rõ vị mặn của muối; nhưng sau do
kinh nghiệm, do đã từng thấy muối có hình dáng như vậy, màu sắc như vậy,
nên khi thấy biết muối ngay, chẳng cần phải nếm. Như thế chứng tỏ gì? Khi
lưỡi nếm vị, khi mắt thấy sắc, bên trong nó khởi lên biết bao kinh nghiệm
trước đây, biết bao nhiêu là tâm sở khởi sanh...; thì thử hỏi làm thế nào
để phân tích được đây là tâm sở gì, kia là tâm sở gì? Có phải thế không,
hở đại vương?
- Đúng thế! Đại đức giảng điều ấy rất hay!
- Lại nữa, đại vương hãy nghe tiếp đây:
Người ta có thể dùng cân để cân được vị mặn của muối chăng?
- Không thể cân được!
- Ngay chính những vị như ngọt, mặn, béo,
bùi...; tức là chỉ một cảm thọ, chúng ta cũng không thể đem ra mà phân
tích, mà cân đo được, huống hồ là hằng chuỗi tâm sở, hằng chuỗi cái vi tế?
Những danh pháp ấy biến đổi, sanh diệt nhanh gấp mười bảy lần sắc pháp -
thì chúng ta có thể nào mang ra để biết rõ đây là thọ tâm sở, đây là tưởng
tâm sở... hở đại vương!
- Thật là tuyệt vời, chẳng có gì rõ ràng
hơn thế nữa!
* * *
41. Về năm giác quan
Đức vua Mi-lan-đà lại hỏi:
- Thưa đại đức! Ngũ căn tức là năm giác
quan của con người, phát sanh do nghiệp khác nhau hay là nghiệp chung
nhau?
- Có cái chung, có cái riêng, tâu đại
vương .
- Xin cho nghe thí dụ.
- Ví như người ta trồng ngũ cốc trên một
cánh đồng, khi các loại giống nẩy mầm, lớn lên, tăng trưởng, ra hoa, kết
hạt, thì giống nào hiện ra giống ấy không thể lẫn lộn nhau được. Như vậy,
đất nước, ánh sáng, phân là cái chung mà lúa, đậu, mè, bắp, kê lại là cái
riêng. Cũng như thế, thân tâm là cái chung nhau nhưng năm giác quan sanh
ra từ đấy, nó có những chức năng riêng biệt, khác nhau, tâu đại vương!
* * *
42. Bất bình đẳng sai khác của chúng sanh là do nghiệp
- Bạch đại đức! Cái chung và cái
riêng ấy trẫm đã hiểu rồi, nhưng trong cái chung, riêng ấy dường như
có chung, riêng khác nữa, không hiểu tại sao? Ví như cùng là con người, ai
cũng đầy đủ thân tâm, ai cũng đủ ngũ quan, nhưng không hiểu do đâu mà có
sự sai khác, bất đồng như vậy.
Có người trường thọ, ít bệnh tật, không
mấy khi đau ốm, lại có người chết yểu, nhiều bệnh tật? Có người sắc thân
đẹp đẽ, sáng sủa, ai cũng ưa nhìn; lại có người sắc thân xấu xí, đen đúa,
dị hợm, ai cũng muốn xa lánh?
Có người phúc phận to lớn, quyền uy sang
cả, ai cũng kính nể, phục tùng; lại có người bần tiện, hạ liệt, ai cũng rẻ
rúng, coi khinh?
Có người thông minh, mẫn tuệ, tài cao xuất
chúng; lại có người ngu dốt, si mê, đần độn?
Có người luôn gặp may mắn, tài vận hanh
thông; lại có người suốt đời rủi ro, bế tắc, luôn luôn gặp tai ương, hoạn
nạn?
Có người ăn nói hiền lành, dịu ngọt, từ
hòa; lại có người ăn nói cộc cằn, thô lỗ, ác khẩu?
Có người thật thà, tốt bụng; lại có người
chua ngoa xảo trá, lươn lẹo?
Nói ra sự sai khác nữa thì nó không cùng,
nhưng tạm phân ra bảy đôi tức mười bốn nhóm người như vậy, đại đức hãy
giảng giải lý do tại sao cho trẫm nghe?
- Dễ dàng thôi, tâu đại vương: Bần tăng
không rõ tại sao nơi khu vườn thượng uyển của đại vương, cũng cùng chất
đất ấy, khí hậu, thời tiết ấy, mà cây cối, thảo mộc, muôn hoa lại vô vàn
sai khác? Cây lá đều xanh nhưng trái thì có trái ngọt, trái chua, trái
béo, trái bùi; hoa thì hoa to, hoa nhỏ, màu sắc sai khác, hương thơm sai
khác?
- Vì chủng loại bất đồng, hạt giống khác
nhau, thưa đại đức .
- Vậy thì sự sai khác giữa các loại chúng
sanh, sự bất đồng giữa con người là do chúng đã tạo trữ những hành nghiệp
khác nhau. Nghiệp khác nhau chính là những hạt giống khác nhau, tâu đại
vương .
- Xin đại đức giảng rộng cho nghe.
- Vâng , Đức Thế Tôn đã thuyết về nghiệp
ấy như sau: "Này thiện nam tử, tất
cả chúng sanh đều được sanh ra bởi nghiệp, nghiệp là của mình, phải thọ
quả của nghiệp; nghiệp là tạo tác, là chủ tể muôn loài, nghiệp là giống
dòng tông chủng, nghiệp tìm đến nhau, nghiệp dẫn dắt nhau đi."
Thế nào là được sanh ra bởi nghiệp? Tất cả
chúng sanh đời trước làm những việc thiện, ác, tốt, xấu. Những việc làm
thiện, ác, tốt, xấu ấy huân tập thành nghiệp nhân; tạo nên sức mạnh đưa
chúng sanh đầu thai vào hiện tại này để thọ nhận nghiệp quả của thiện, ác,
tốt, xấu. Như vậy là do nghiệp sanh chứ không phải Thượng đế sanh hay tự
nhiên sanh!
Thế nào là nghiệp của mình? Khi chúng sanh
đã tạo nghiệp rồi, thì nghiệp ấy đi liền theo như bóng không lìa hình;
nghiệp ấy đưa ta lên thiên đường, đưa ta xuống địa ngục; nghiệp ấy là tư
lương, là hành trang của chúng sanh mang theo khắp ba cõi, sáu đường; vui
khổ cùng thọ nhận, họa phúc phải chung phần, quý tiện cùng chia xẻ, vinh
nhục đều chung ở v.v... Vậy nghiệp dù tốt xấu cũng là của mình, chứ của
ai?
Thế nào là phải thọ quả của nghiệp? Nghiệp
mà chúng sanh đã tạo tác rồi thì phải sanh ra để thọ nhận quả báu ấy.
Chẳng thể trốn trong động thẳm hang sâu, dưới đáy biển, giữa hư không...
hầu tránh thoát được nghiệp đã gieo.
Tại sao nói nghiệp là tạo tác, là chủ tể?
Tại sao thế? Vì rằng trên đời này, nghiệp làm ra mọi sự, nghiệp tạo nên
hoàn cảnh, nghiệp xây dựng nên quốc độ, nghiệp tạo ra cây lành trái ngọt,
nghiệp tạo tác chiến tranh, nghiệp xây dựng hòa bình, nghiệp làm ra sum la
vạn tượng, nghiệp phá hoại cho đổ nát điêu tàn v.v...Thế không gọi nghiệp
là tạo tác, là chủ tể là gì?
Nghiệp là giống dòng tông chủng nghĩa là
thế nào?
Phàm chúng sanh đã sanh ra trên đời này
đều có giống dòng, chủng tộc, thân bằng, quyến thuộc, quốc độ, quê hương
v.v... Tự chúng sanh lựa chọn chăng? Ngẫu nhiên chăng? Không, tất thảy do
nghiệp đấy. Tại sao? Những người tâm ý giống nhau thường tạo nghiệp giống
nhau, tạo nghiệp giống nhau thì cảnh giới giống nhau. Từ cảnh giới giống
nhau, nếu còn ưa thích, quyến luyến nhiều đời nên bây giờ trở thành cha
con, chồng vợ, họ hàng, quyến thuộc của nhau. Từ đó suy ra, nghiệp không
là giống dòng, tông chủng là gì?
Thế nào là nghiệp tìm đến nhau, dẫn dắt
nhau đi? Vì rằng chúng sanh đã tạo nghiệp, khi trở thành thói quen, thì
thói quen thường đưa chúng sanh đi tìm thói quen ấy, dẫn dắt chúng sanh đi
theo nghiệp ấy. Lại nữa, người lành thường đi tìm người lành, người ác
thường đi tìm người ác; kẻ xấu bạn với kẻ xấu, người tốt bạn với người
tốt. Như chúng ta thường nói: "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu"
là vậy. Đại vương còn thắc mắc, nghi nan gì về sự sai khác dị đồng của
chúng sanh trong thế gian này nữa chăng?
- Trẫm đã hoàn toàn lãnh hội , mắt trẫm đã
sạch bớt một lớp bụi mù. Cảm ơn đại đức nhiều lắm!
- Không có gì!
* * *
43. Sớm ngăn ngừa điều ác
Đức vua hỏi:
- Trẫm có nghe rằng, người tu hành trong
Phật giáo thường ngăn ngừa điều ác, ngăn ngừa nguyên nhân sanh khổ, tại
sao không đợi nó đến để dập tắt luôn?
- Không những ngăn ngừa điều ác, mà tất cả
các thiện pháp cần phải nên tu tập càng sớm càng tốt mới thu được nhiều
lợi ích, nếu để muộn thì thật là nguy hiểm, tâu đại vương!
- Tại sao thế?
- Ví dụ đại vương đợi đến khi khát nước
cháy cổ mới sửa soạn sai người đào giếng? Việc làm ấy có thích đáng không,
có kịp có nước để uống không?
- Phải đào giếng từ trước.
- Phàm tu hành cũng vậy, nếu khi sự khổ
đến mới lo tu thì muộn rồi. Lại nữa, ví như đại vương đợi đến khi đói bụng
mới sai người cày ruộng, gieo mạ... thì đến lúc gặt lúa có còn cứu kịp cơn
đói của đại vương chăng?
- Chẳng thể cứu kịp.
- Ví như đại vương bảo vệ hoàng thành này,
nhưng đại vương lại suy nghĩ: "Đợi khi giặc đến ta sẽ luyện tập quân
sĩ, rèn đúc khí giới, huấn
luyện ngựa voi v.v...". Sự suy
nghĩ ấy có đúng thời chăng?
- Thì hoàng cung này giặc sẽ chiếm mất.
- Cũng vậy, người tu hành phải biết lo
toan từ trước, sớm làm điều lành, sớm ngăn ngừa điều ác, đợi đến khi nước
đến chân thì không kịp nữa. Nên Đức Thế Tôn có dạy rằng: "Người
có trí tuệ hằng tìm lợi ích an vui cho mình, đừng như kẻ buôn thóc kia,
lối đi bằng phẳng, dễ dàng thì không chịu đi; lại lựa chọn con đường gập
ghềnh, hiểm trở mà đánh xe đi, đến khi gãy trục, gãy vành, ngồi khóc lóc,
thở than! Kẻ ngu bỏ lành làm ác cũng y như thế, có hối cũng đã muộn màng."
* * *
44. Lửa địa ngục
Đức vua Mi-lan-đà lại hỏi:
- Có nhiều vị tỳ kheo đã thuyết cho trẫm
nghe rằng: lửa địa ngục nóng hơn
lửa thế gian hằng vạn lần. Lại còn
đưa ra ví dụ rằng, quăng một cục đá vào đống lửa thế gian, lửa cháy trọn
ngày đêm, cục đá vẫn trơ trơ. Nhưng nếu quăng một tảng đá lớn vào lửa địa
ngục, trong giây lát tảng đá kia sẽ bị cháy tiêu mất. Đấy là điều khó tin
thứ nhất.
Lại nữa, các vị ấy còn thuyết rằng: Những
chúng sanh làm ác, đọa vào địa ngục sẽ bị lửa địa ngục thiêu đốt cả ngàn
vạn năm mà vẫn không chết, vẫn không bị cháy thành tro. Tảng đá thì bị lửa
địa ngục đốt cháy, còn chúng sanh thì vẫn sống nhăn răng! Đấy là điều khó
tin thứ hai!
Tỳ khưu Na-tiên lại đáp bằng cách hỏi:
- Tâu đại vương! Đại vương học rộng biết
nhiều, thế đại vương biết con vật gì ăn được đá sỏi chăng?
- Các con công, kỳ đà, rùa, gà... có ăn
sạn sỏi hoặc thỉnh thoảng có nuốt sạn, sỏi vào bụng.
- Còn ở dưới nước? Các loài thủy tộc?
- Thì cá sấu, trạnh, cua, thuồng
luồng...Khi chúng có chửa, chúng cũng thường ăn sạn, sỏi.
- Thế sạn, sỏi có tiêu không?
- Thưa, hẳn là phải tiêu chứ.
- Vậy thì trứng trong bụng chúng có tiêu
không?
- Thưa, không.
- Đại vương nói thế bần tăng nghi ngờ lắm.
Tại sao sạn, sỏi cứng thế mà lại tiêu, còn trứng dễ vỡ thế mà lại không
tiêu?
- Có gì lạ đâu đại đức! Bởi chức năng của
bao tử là co bóp nên sạn, sỏi sẽ tiêu, còn chức năng của buồng trứng là
nuôi dưỡng nên trứng không tiêu. Một bên sinh, một bên diệt, hai bên có
hai sức mạnh khác nhau, công dụng khác nhau.
- Cũng như thế ấy là
lửa ở địa ngục,
tâu đại vương! Tảng đá thì cháy tiêu còn chúng sanh không cháy là do hai
bên có hai năng lực khác nhau, công dụng khác nhau, bị chi phối bởi các
định luật khác nhau.
- Xin đại đức nói rõ hơn.
- Tảng đá lớn bị lửa cháy tiêu là do định
luật vật lý, chúng sanh mà không bị cháy là bởi định luật của nghiệp duy
trì. Nghiệp ác tạo nên sức mạnh duy trì mạng sống chúng sanh cho đến khi
chúng sanh ấy trả hết quả đã gieo.
- Nếu nghiệp chưa hết thì chưa bị cháy
tiêu?
- Đúng thế.
- Đại đức cho nghe thêm ví dụ nữa.
- Bần tăng có nghe rằng các loài vật như
sư tử cái, cọp cái, beo cái, chó sói cái...; lúc có chửa, chúng rất thích
ăn xương của các loài thú khác, nhưng không biết xương ấy có tiêu không?
- Tiêu chứ.
- Thế tại sao cái thai của chúng lại không
tiêu?
- Là do sức mạnh của nghiệp duy trì.
- Hàng phụ nữ quý phái, các vị mệnh phụ
phu nhân, các công nương sang trọng lúc có thai thường thích ăn cá thịt,
sơn hào hải vị để tẩm bổ thai nhi. Như vậy là làm tiêu hết cái này để nuôi
cái kia? Sao kỳ lạ vậy nhỉ?
- Chắn hẳn do nghiệp, thưa đại đức .
- Chúng sanh làm ác, đọa vào địa ngục,
chúng sinh ra trong lửa thiêu, già trong lửa thiêu nhưng sẽ không bị cháy
tiêu. Như thế, tất cả đều do nghiệp, tâu đại vương!
- Thật là thỏa đáng vô cùng.
* * *
45. Nước dựa khí
Vua hỏi:
- Các vị sa môn trong hàng ngũ của đại đức
thường thuyết lý rằng: đất dựa nước, nước dựa khí, khí dựa hư không. Điều
ấy sao khó tin đến vậy?
Khi ấy, đại đức Na-tiên có cái bình lược
nước mang sẵn, ngài đưa cái bình lược nước lên cao, nói rằng:
- Đại vương! nước trong bình này không do
khí duy trì, nâng đỡ là gì! [*]
- Vâng, đúng thế!
[*] Ngày nay, các thể đặc, lỏng, hơi,
chân không nương tựa nhau là điều mà ai cũng có thể biết.
* * *
46. Niết bàn
- Thưa đại đức! Tại sao Niết bàn thường
được nói là diệt (nirodha), là tịch diệt? Trẫm nghi ngờ điều đó
lắm!
- Xin thưa, Niết bàn chính là diệt, là
tịch diệt, một trạng thái ngưng nghỉ và vắng lặng, đại vương hãy nghe đây,
bần tăng sẽ nói.
Chúng sanh hằng chịu thế lực của căn trần
chi phối, mãi trôi dạt giữa biển đời sanh tử, mãi quẩn quanh trong lục đạo
luân hồi, mãi chìm đắm giữa dòng ái dục; nên chẳng bao giờ thoát ly được
sự bủa vây của phiền não do sanh, già, bệnh, chết, ưu sầu, bất bình, uất
ức, thống khổ v.v... Các bậc Thinh văn A-la- hán, do nhờ có tu tập, do nhờ
có trí tuệ nên các ngài đã thoát khỏi sự chi phối của căn trần; đã liễu
ngộ sinh tử, không còn trôi dạt trong ba cõi, sáu đường, đã chấm dứt ái
dục! Khi ái dục đã diệt tận thì mọi chấp thủ tiêu vong [*]; thủ diệt thì
ba hữu [**] đâu có còn? Ba hữu không còn thì lấy đâu ra sanh, già, bệnh,
chết, sầu bi khổ ưu não? Như vậy, mọi nguyên nhân của phiền não đau khổ
thảy đều ngưng nghỉ, vắng lặng; nếu không gọi là diệt, là tịch diệt thì
gọi là gì hở đại vương?
- Hay lắm! Chính xác lắm!
[*] Có bốn thủ: dục thủ, kiến thủ, ngã
thủ và giới cấm thủ.
[**] Dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu.
* * *
47. Ai sẽ đắc Niết bàn?
Đức vua hỏi:
- Ai tu hành đều đắc quả Niết bàn như nhau
cả chứ?
- Không chắc như vậy. Người nào thực hành
đúng chánh pháp, giác ngộ những pháp mà bậc trí tuệ đã giác ngộ, biết chắc
những pháp mà bậc trí tuệ đã biết chắc, dứt bỏ những pháp mà bậc trí tuệ
dứt bỏ, tiến hành những pháp mà bậc trí tuệ tiến hành, thấy rõ những pháp
mà những bậc trí tuệ đã thấy rõ; người ấy mới đắc được Niết bàn, tâu đại
vương .
* * *
48. Làm sao biết Niết bàn là tối thượng lạc?
- Chưa đắc Niết bàn thì làm sao biết được
Niết bàn là tối thượng lạc, đại đức ?
- Thưa, biết chứ. Ví như một người chưa
từng bị chặt tay, chặt chân có biết rằng bị chặt tay chặt chân là khổ
không?
- Thưa, biết.
- Làm sao mà biết được?
- Nghe tiếng kêu la, than khóc quằn quại
đau đớn của những nạn nhân ấy nên biết.
- Cũng như thế ấy, dầu chưa chứng đắc Niết
bàn, nhưng nghe những vị Thánh nhân A-la-hán nói lại và thấy đời sống
thanh tịnh, nhàn lạc, an vui của họ nên biết Niết bàn là tối thượng lạc.
- Đúng lắm.