Mi
Tiên Vấn Ðáp
(Milinda Panha)
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm
(Maha Thera Thita Silo)
Tỳ kheo Giới
Ðức hiệu đính, ấn bản 2003
49. Có Phật không?
Đức vua hỏi:
- Đại đức đã thấy Phật chưa?
- Thưa chưa.
- Thầy hòa thượng, thầy tiếp dẫn của đại
đức đã thấy chưa?
- Thưa, cũng chưa thấy.
- Nếu thế thì rõ ràng không có Phật trên
đời này, vì chính mắt đại đức không thấy mà các bậc thầy của đại đức cũng
chẳng thấy.
Ngài Na-tiên bèn hỏi:
- Trên núi Hy-mã có một con sông tên là
Dhànadì, đại vương đã thấy con sông đó chưa?
- Thưa chưa.
- Thế thì thân phụ và các bậc tiền bối của
đại vương có thấy không?
- Cũng chưa.
- Vậy thì rõ ràng con sông Dhànadì là
không có, vì đại vương không thấy mà các bậc tiền bối của đại vương cũng
chẳng thấy.
- Thưa, quả là có con sông Dhànadì, vì mặc
dầu trẫm không thấy, các bậc tiền bối của trẫm không thấy nhưng các sách
có ghi chép và những người đã từng thấy họ nói lại.
- Cũng vậy, tâu đại vương ! Bần tăng dầu
chưa thấy Đức Phật; các bậc thầy của bần tăng cũng không thấy Phật; nhưng
Đức Phật vẫn có, vì kinh sách, bia ký còn ghi chép sử tích và giáo pháp
của ngài, lại còn nhiều vị Thánh tăng A-la- hán kể lại nữa.
- Hay lắm.
* * *
50. Phật là tối thượng tôn bảo
- Các vị sa môn thường giáo giới đến đệ tử
rằng: Phật là bậc tối thượng, tối thắng, cao quý vô ngần, thế gian không
ai bì được! Điều ấy có đúng chăng?
- Tâu đại vương, đúng thế.
- Tại sao đại đức biết? Đại đức vừa xác
nhận là chưa thấy ngài kia mà!
- Ví dụ như đại vương chưa từng thấy biển,
nhưng có thể biết rằng là biển sâu thẳm và rộng mênh mông chăng?
- Có thể biết được.
- Tại sao?
- Vì năm con sông lớn như Gangà, Yanumà,
Acìravatì, Sarabhù, Mahìnadì... mang một lượng nước vô tận, thế mà chúng
tuôn chảy ngày đêm về biển, biển vẫn không đầy tràn. Do vậy, nên biết biển
sâu thẳm, mênh mông.
- Cũng như thế ấy, các hàng đệ tử của
Phật, nhất là các bậc Thánh từ Dự lưu quả đến A-la-hán quả đều thành tựu
giới đức, định đức, tuệ đức; họ đông vô số, và là những bậc đáng tôn quý,
nhưng họ đều là đệ tử của Đức Đạo Sư. Nhờ vậy nên biết Đức Phật là bậc Tối
thượng Tôn bảo.
- Thật là chí lý!
* * *
51. Phật tối thắng như thế nào?
Đức vua lại hỏi:
- Đồng ý Phật là tối thượng, tối thắng;
nhưng tối thượng, tối thắng như thế nào mới được chứ?
- Tối thượng, tối thắng là vượt người, là
vượt trời; là thầy của chư thiên và loài người, tâu đại vương !
- Làm sao biết?
- Nghe mười danh hiệu của Đức Phật mà
chúng sanh đã xưng tán là đủ biết, lại nữa, các vị Đại phạm thiên, những
bậc có uy lực nhất trong tam giới, vốn là đệ tử của Đức Phật, đủ chứng
minh điều đó, tâu đại vương .
- Ai nói điều đó?
- Kinh sách còn ghi lại, tâu đại vương .
- Làm sao tin điều đó được?
- Nghe nói đại vương rất giỏi toán học,
đại vương học được của ai?
- Có sách còn để lại.
- Sách ấy của ai?
- Của nhà toán học tên là Tissa.
- Vị ấy còn sống không?
- Đã chết rồi.
- Cũng như thế ấy, kinh sách còn để lại
mặc dầu Đức Phật đã nhập diệt rồi. Các vị Thánh đệ tử lưu truyền và hiện
giờ chúng ta đang học giáo pháp ấy, gồm pháp học và chín pháp xuất thế
gian [*] nên nói Đức Thế Tôn là tối thắng, tâu đại vương
- Rất chính xác, cảm ơn đại đức .
[*] Bốn đạo, bốn quả và một Niết bàn.
* * *
52. Thấy Phật
- Pháp mà Đức Chánh Đẳng Giác đã thuyết,
pháp ấy như thế nào?
- Pháp mà Đức Thập Lực Tuệ đã thuyết, ai
nghe và thực hành đúng đắn pháp ấy, chứng đắc pháp ấy được gọi là Thinh
Văn đệ tử của Phật . Và ai thấy pháp ấy tức là thấy Phật, tâu đại vương!
- Đúng như thế sao?
- Chính Đức Thế Tôn đã thuyết: "Ai thấy
pháp tức thấy Như Lai, ai thấy Như Lai tức thấy Pháp." Và khi ấy,
người ấy sẽ không còn hoài nghi và đặt những câu hỏi về Niết bàn, về sự
hiện thân của Đức Phật, về đức hạnh, trí tuệ và sự tối thắng, vô thượng
của ngài nữa, tâu đại vương!
- Trẫm cũng hy vọng như vậy! Nhưng đại đức
chớ nên mắng xéo trẫm như thế.
- Không dám đâu, tâu đại vương !
* * *
53. Khi chết ngũ uẩn diệt theo
Đức vua hỏi:
- Khi một chúng sanh chết ở đây, tái sanh
chỗ khác thì thức của chúng sanh ấy có lìa khỏi ngũ uẩn này để tái sanh
chăng?
- Chúng sanh chết thì ngũ uẩn diệt và thức
cũng diệt theo, tâu đại vương .
- Thế tại sao Đức Thế Tôn có thuyết rằng,
chúng sanh hằng đi theo nghiệp của mình và thức sẽ đi tìm cảnh thú tái
sanh theo nghiệp ấy.
- Đúng là như thế.
- Xin đại đức giảng cho nghe.
- Thức tái sanh ấy được gọi là kết sanh
thức, tức là thức nối liền từ kiếp này sang kiếp kia. Khi chết,
thức diệt, không đi theo, nhưng nó tác động, chuyển hướng trong nháy mắt
là kết sanh thức đi sang cảnh giới khác liền. Ví như người ta mồi lửa từ
cây đèn này sang cây đèn khác. Lửa từ cây đèn bên này không đi sang cây
đèn bên kia như thế nào, thì thức cũng không đi theo như thế ấy, tâu đại
vương .
- Xin cho nghe thêm ví dụ.
- Thuở nhỏ đại vương có học toán số, văn
phạm, sử truyện với các thầy phụ đạo phải chăng?
- Đúng thế.
- Thế thì toán số, văn phạm, sử truyện...
ấy nó có chạy ra từ miệng, từ óc của thầy phụ đạo sang miệng và óc của đại
vương chăng?
- Không có chạy qua.
- Và khi đại vương học giỏi, thì kiến
thức, hiểu biết của các thầy phụ đạo chắc là cạn hết vì đã truyền sang tất
thảy cho đại vương rồi?
- Không phải như thế. Kiến thức và hiểu
biết của các vị ấy còn y nguyên.
- Vậy là không có cái gì đi qua cả sao?
- Không có.
- Tái sanh cũng y cũng như thế. Khi chết
ngũ uẩn diệt, thức cũng diệt, chẳng có thức đi theo, nhưng thức ấy tác
động, hướng tâm, trong một niệm là duyên theo cảnh giới tái sanh liền, tâu
đại vương .
- Trẫm đã rõ.
* * *
54. Vedagù?
- Có một chữ mà các bậc trí thức trong
thời đại này thường dùng là Vedagù, nghĩa đen là bậc thông hiểu,
thâm đạt Phệ đà; nghĩa bóng là người thông đạt thế gian. Từ ấy có hàm
nghĩa là người đã thông hiểu, thâm đạt hữu vi pháp và vô vi pháp không,
đại đức?
- Theo Phật giáo thì Vedagù ấy
chẳng có ý nghĩa thâm diệu gì cả, chẳng diễn đạt được gì về giáo pháp cao
siêu cả, tâu đại vương! Tuy nhiên, vì Vedagù là thuật ngữ của đạo
bà-la-môn, đã trở thành phổ thông, nên thỉnh thoảng Đức Thế Tôn cũng dùng
từ ấy để chỉ những bậc đã thâm đạt pháp.
- À ra thế!
* * *
55. Nếu chết mà diệt hết thì thoát khỏi nghiệp
Đức vua hỏi:
- Cho trẫm trở lại câu hỏi trước. Đại đức
nói là khi chết, ngũ uẩn diệt, nghĩa là cả thân tâm này diệt hết, không
còn gì?
- Đúng vậy.
- Chẳng có bất cứ cái gì ở thân này đi
sang cảnh giới tái sanh cả?
- Tạm thời có thể nói như vậy.
- Vậy thì tiện lắm, khỏe lắm rồi. Nếu trên
đời này mà trẫm có làm ác, giết người vô số; khi chết, tất cả nghiệp cũng
diệt theo; sang cảnh giới mới, trẫm sẽ không bị trả quả do ác nghiệp của
mình đã tạo!
- Chẳng phải thế đâu, đại vương! Chỉ có
người chấm dứt mọi nguyên nhân sanh tử, kẻ ấy mới chấm dứt được nghiệp;
còn tất cả mọi chúng sanh, không ai thoát được nghiệp đã gieo!
- Thế tại sao đại đức bảo là diệt hết!
- Đại vương có nhớ chuyện xử phạt người
trộm xoài không?
- Có nhớ.
- Kẻ trộm xoài ấy đã ngụy biện ra sao?
- Y nói rằng, tôi hái trái ở trên cành còn
xoài của người trồng ở trong đất đã bị diệt mất tiêu.
- Rồi đại vương phán tội ra sao?
- Trái dưới đất nó diệt nhưng nó nảy mầm,
lớn lên, ra hoa ra trái. Trái mà ngươi hái cũng do từ trái dưới đất mà
sanh ra.
- Nghiệp cũng như thế, tâu đại vương! Thân
tâm tuy diệt, nhưng nghiệp đã tạo giống như mầm cây, nó sẽ ra hoa kết trái
ở thân tâm mới. Người hái trộm xoài không thoát khỏi tội như thế nào thì
chúng sanh cũng chẳng thể tránh khỏi nghiệp khi nó đã trổ quả, tâu đại
vương !
- Hay thay! Đại đức đúng là bậc Đại trí
tuệ.
- Dạ không dám!
* * *
56. Nghiệp trú ở đâu?
Đức vua hỏi:
- Thế thì các nghiệp thiện, ác ấy nó trú ở
đâu?
- Trú ở chỗ nào thì rất khó nói, nhưng
nghiệp hằng đi theo chúng sanh từ cảnh giới này sang cảnh giới kia như
bóng với hình vậy.
- Không thể chỉ rõ thiện ở chỗ này hay ác
ở chỗ kia sao?
- Thưa không.
- Đại đức có ví dụ nào về điều ấy không?
- Ví dụ một cái cây lớn sẽ có trái, đại
vương có thể nào chỉ cho bần tăng rõ là trái nó sẽ nằm tại chỗ này, tại
chỗ kia ở trên cành hay chăng?
- Không thể.
- Cũng như thế ấy là các nghiệp mà chúng
sanh hằng gánh chịu, nó luân lưu từ đời này sang kiếp kia, chẳng biết thời
gian nào, chẳng biết không gian nào nó sẽ trổ quả, nhưng chắc chắn nó sẽ
trổ quả. Thiện thì an vui mà ác thì đau khổ, tâu đại vương !
- Thật là tuyệt!
* * *
57. Biết còn tái sanh?
- Người còn tái sanh có biết chắc là mình
còn tái sanh chăng, đại đức ?
- Biết rõ chứ.
- Làm sao mà biết?
- Một người làm ruộng lo cày bừa, gieo
hạt, cấy mạ, bỏ phân, chăm sóc chu đáo lại gặp mưa thuận, gió hòa nữa; thì
người ấy có biết chắc mình gặt được lúa, sẽ có cơm ăn không, đại vương ?
- Vâng, biết chắc.
- Người còn tạo nghiệp thiện ác biết chắc
là còn tái sanh cũng y như thế đó, tâu đại vương !
* * *
58. Phật ở đâu?
- Đại đức có nói là Phật có thật?
- Đúng thế!
- Vậy hiện giờ Phật ở đâu?
- Tâu đại vương , hiện giờ Đức Thế Tôn đã
tịch diệt Niết bàn rồi, bần tăng không thể nói cho đại vương rõ là ngài ở
đâu được.
- Tại sao?
- Ví dụ ngọn lửa đã tắt, Đại vương có thể
chỉ cho bần tăng rõ ngọn lửa ấy đi đâu chăng?
- Không thể.
- Đức Thế Tôn tịch diệt Niết bàn cũng y
như thế. Tuy nhiên, giáo pháp mà Đức Thế Tôn đã thuyết, pháp ấy bần tăng
có thể chỉ cho đại vương được.
- Trẫm hiểu rồi.
* * *
59. Thương yêu cái thân?
Đức vua hỏi tiếp:
- Các vị tỷ kheo dường như là nâng niu,
chăm sóc, thương yêu cái thân của mình quá lắm, tại sao lại như thế?
- Đại vương nhận xét như vậy là không đúng
rồi!
- Các vị tỳ kheo từ chối khổ hạnh, không
nhịn ăn, không mặc y bó tử thi, không còn ở trong nghĩa địa, không còn ngủ
trên đất; họ ăn ngày một bữa đầy đủ do thí chủ mời thỉnh, mặc y do thí chủ
dâng cúng nên phước tướng đẹp đẽ, da thịt hồng hào. Lại nữa, họ cạo râu
tóc sạch sẽ, móng tay, móng chân cắt sạch sẽ, ngủ có điều độ, tắm rửa điều
độ, giữ gìn từng bước đi, giữ gìn tay chân, thân khẩu. Một đời sống như
vậy không phải là bảo trọng, thương yêu cái thân là gì?
- Đại vương trước đây đã từng cầm quân ra
trận nhiều lần, phải chăng?
- Đúng thế.
- Và quân lính của đại vương có rất nhiều
người bị thương, phải chăng?
- Đúng thế.
- Đại vương đã làm gì với những người lính
bị thương ấy?
- Dĩ nhiên là cho họ lui tuyến sau, cử
thầy thuốc chăm sóc vết thương.
- Họ thường chăm sóc ra sao?
- Họ chùi rửa vết thương cẩn thận, lấy
thuốc đắp lên, lấy vải nhuyễn mịn băng bó lại.
- Người ta làm như thế có bảo trọng, nâng
niu, thương yêu vết thương quá chăng?
- Không phải thế, chỉ mong cho vết thương
chóng lành.
- Cũng như thế đó, các vị sa môn trong
giáo pháp của Đức Thế Tôn chăm sóc cái thân không phải là vì thương yêu,
nâng niu, bảo trọng cái thân - mà vì muốn dùng cái thân ấy để tu tập, phát
triển giới hạnh. Cho nên, có ba việc mà thế gian lấy làm trọng là ăn, mặc,
ngủ - thì các vị sa môn chỉ cần vừa đủ, biết đủ mà thôi. Ngoài ra, các vị
sa môn còn quán tưởng khi ăn, khi mặc, chỗ ở và thuốc men. Lại còn quán
tưởng cái thân là vật bất tịnh, gồm có cửu khiếu ngày đêm tuôn chảy các
mùi hôi thối dơ uế, luôn quán tưởng cái thân là đáng nhờm gớm v.v... Như
vậy thì có phải vì thương yêu, bảo trọng, nâng niu cái thân không đại
vương ?
- Nếu vậy thì quá hay, cao thượng lắm!
* * *
60. Bậc toàn giác biết tất cả?
- Thưa đại đức ! Đức Phật là bậc Toàn giác
(Sabbannù), tức là ngài biết tất cả (Sabbadassàvì) phải
không?
- Đúng thế, ngài là bậc Toàn giác nên ngài
có tuệ biết tất cả (Sabbannutannàna), tâu đại vương!
- Đức Thế Tôn có tuệ biết tất cả, tại sao
ngài không chế định giới luật trước mà đợi đến khi các vị tỳ khưu có giới
phạm mới cấm chế sau?
- Đại vương biết trên thế gian này có
nhiều thầy thuốc tài giỏi chứ?
- Có biết, rất nhiều thầy giỏi.
- Họ làm như thế nào? Họ chế thuốc trước
cho người vô bệnh uống hay đợi đến khi có bệnh, tùy bệnh nặng nhẹ, cân đo
liều lượng mới chế thuốc cho uống sau?
- Dĩ nhiên pha chế thuốc phải sau chứ.
-Cũng như thế đó, có giới phạm của chư tỳ
kheo, mới chế định giới luật, như trị bệnh cho thuốc vậy, tâu đại vương !
- Dễ hiểu quá, cảm ơn đại đức.
* * *
61. Tại sao Phật không giống cha mẹ ngài?
Đức vua lại hỏi:
- Thưa đại đức ! phải chăng Đức Thế Tôn có
ba hai quý tướng và tám mươi vẻ đẹp của bậc đại nhân? Ví dụ như nước da
của ngài tươi sáng như vàng ròng, có hào quang tỏa chiếu xung quanh kim
thân ngài chừng độ một sải tay?
- Đúng như thế, tâu đại vương .
- Thế phụ hoàng và mẫu hậu ngài có phước
tướng sang cả như vậy chăng?
- Thưa không.
- Thật kỳ lạ. Con không giống cha thì
giống mẹ, đấy là lẽ thường tình. Ở đây, Đức Thế Tôn có đầy đủ các phước
tướng mà phụ hoàng và mẫu hậu thì không, như vậy chứng tỏ rằng người ta
nói hơi quá chăng? Đức Phật chắc gì có các phước tướng ấy?
Na-tiên tỳ khưu chợt hỏi:
- Đại vương thấy hoa sen chưa?
- Thấy rồi.
- Hoa sen được sanh ra từ đâu?
- Thưa, từ bùn.
- Hoa sen sinh ra trong bùn, lớn lên trong
nước, khi trổ hoa thì sắc hương nó giống bùn, giống nước không, đại vương
?
- Thưa không.
- Đức Phật cũng thế. Ngài sinh ra do phụ
hoàng và mẫu hậu mà không giống phụ hoàng và mẫu hậu vì trong tự thân ngài
có mầm mống giống khác, đó là Phật chủng. Hạt mầm Phật chủng này
được tựu thành do công năng ba la mật mà ngài đã tích lũy trong vô lượng
kiếp nên phước tướng vượt trội và khác hẳn bất cứ ai trong thế gian, tâu
đại vương!
- Cái ví dụ về sen mọc trong bùn của đại
đức thì không tương hợp lắm nhưng mà cái "hạt mầm Phật chủng" thì
thật là hay! Cảm ơn đại đức, trẫm đã hiểu.
* * *
62. Thực hành phạm hạnh (Brahmacàri)
- Đức Thế Tôn thường thực hành phạm hạnh
giống như các vị phạm thiên phải không, đại đức?
- Đúng vậy.
- Nếu thế thì Phật là học trò của phạm
thiên rồi.
- Theo ý của đại vương , sự giống nhau ấy
là thầy trò của nhau sao?
- Đúng vậy.
- Bần tăng nghe rằng đại vương có một con
voi chúa mà đại vương đặt tên là "con voi hạnh phúc" phải chăng?
- Đúng vậy.
- Và người ta nói rằng tiếng rống của con
voi ấy giống như tiếng kêu của loài chim Thứu trên Tuyết sơn?
- Đúng như vậy.
- Như thế có lẽ con voi hạnh phúc của đại
vương là học trò của loài chim Thứu kia rồi!
- Thưa, không phải thế.
- Thế phạm hạnh của Đức Phật sao đại vương
bảo là học trò của phạm thiên? Lại nữa, Đức Phật tự mình giác ngộ Chánh
pháp, phạm thiên không tự mình giác ngộ Chánh pháp mà học hỏi Chánh pháp
từ Đức Thế Tôn. Lẽ ra, ai thầy ai trò đại vương phải tự biết chứ?
- Phải ! Trẫm đã đặt câu hỏi lẩm cẩm mất
rồi!
- Không phải lẩm cẩm đâu mà vì quá sắc bén
đó thôi, tâu đại vương!
Đức vua chợt cười vui:
- Không dám đâu, thưa đại đức !
* * *
63. Ai truyền cụ túc giới cho Đức Phật?
Đức vua hỏi:
- Phải cần có những điều kiện nào để cho
những người tu lên bậc trên được gọi là thành tựu cụ túc giới, thưa đại
đức?
- Phải cần có đủ thầy yết ma, thầy hòa
thượng tế độ và số Tăng hội chứng minh, tâu đại vương .
- Đức Thế Tôn có cụ túc giới không?
- Ngài là bậc có cụ túc giới viên mãn
nhất.
Đức vua hỏi tiếp:
- Vậy ai là thầy yết ma, thầy hòa thượng
tế độ cho Đức Phật? Và tăng chúng chứng minh có bao nhiêu vị, không thấy
đâu nói tới?
- Tâu đại vương! Đức Thế Tôn cụ túc giới
viên mãn nhất, nhưng ngài không có ai là thầy, lấy đâu ra Tăng hội!
Đức vua quay qua mọi người:
- Xin chư vị có mặt đây làm chứng cho câu
nói của đại đức Na-tiên! Khi trẫm hỏi những điều kiện tựu thành cụ túc
giới, đại đức bảo là phải có đủ thầy yết ma, thầy hòa thượng tế độ cùng số
Tăng hội chứng minh. Trẫm hỏi là Đức Thế Tôn có cụ túc giới không, đại đức
bảo là Đức Phật cụ túc giới viên mãn nhất, thế nhưng lại bảo là cụ túc
giới của Đức Phật không có yết ma, hòa thượng, không có Tăng hội! Một vị
sa môn như đại đức tại sao trước sau bất nhất, lời nói sau phủ nhận lời
nói trước là thế nào?
Na-tiên tỳ khưu im lặng.
Đức vua tấn công tiếp:
- Như thế, rõ ràng Đức Phật chưa có cụ túc
giới, đang tu bậc thấp, chưa tu lên bậc cao!
Đại đức Na-tiên bây giờ mới hỏi:
- Đại vương, bần tăng thấy đại vương có
khí độ trầm tĩnh, ăn nói trầm tĩnh; những cách nói thô tháo, cộc cằn,
phùng mang, trợn mắt không có nơi đại vương; đại vương cũng không vung
tay, múa chân như những kẻ say rượu... Bần tăng không rõ tại sao đại vương
lại được như thế?
- Có gì đâu, vì trẫm thấy những điều ấy là
xấu, là biểu hiện một nhân cách tầm thường, nông nổi... nên tự chế và bỏ
dần những tính xấu ấy đi.
- Có nhiều người cũng tự chế, cũng biết
đấy là xấu nhưng sao không bỏ được?
- Có lẽ họ huân tập quá sâu dày, và có
những tính xấu không phải chỉ một vài kiếp mà bỏ xong!
- Đại vương hãy nghe cho rõ đây! Giới
luật, ban đầu là để ngăn ngừa những vọng động thô tháo của thân và khẩu
rồi dần dần đi sâu vào ý. Đức Thế Tôn sở dĩ cụ túc giới viên mãn bởi vì
ngài đã rèn luyện thân khẩu ý từ vô lượng kiếp; bởi ngài đã huân tập các
công hạnh, nhất là ba mươi ba la mật rốt ráo và viên mãn nhất. Lại nữa,
ngài là bậc Toàn Giác, có tuệ biết tất cả thế gian pháp; biết rõ cái nào
xấu cần phải ngăn ngừa, loại bỏ; biết rõ cái nào là tốt cần phải phát huy,
tăng trưởng. Mọi giới luật cũng từ đấy mà ra. Nói cách khác, Đức Phật giác
ngộ giới luật, sống với giới luật ở trong tâm, nên những biểu hiện ra bên
ngoài của ngài về đi, đứng, nằm, ngồi, mặc y, thọ thực, đối nhân, xử
thế... đều mẫu mực, đoan nghiêm, từ hòa, chín chắn, mô phạm... một cách
tuyệt hảo và toàn bích.
Sở dĩ Đức Thế Tôn cụ túc giới viên mãn,
không có ai là thầy, vì ngài đã cùng với cụ túc giới ấy là một; ngài giác
ngộ cụ túc giới, đem ra giáo giới Tăng chúng, rồi Tăng chúng y cứ vào giới
luật ấy để tu tập, để đi đến chỗ không còn lỗi lầm, không còn cả một tính
xấu nhỏ. Các tầng Thánh quả là các cấp độ tu tập dần dần đến chỗ hoàn mỹ
là vậy đó, tâu đại vương. Ví như đại vương biết những tính xấu để tự
chế... là đại vương cũng bắt đầu đi theo con đường như Đức Phật đã đi;
nhưng lộ trình của Đức Phật sâu dày hơn, lâu xa hơn, đã vô lượng kiếp rồi,
thế thôi!
- Trẫm đã có hiểu được chút ít, mong đại
đức giảng thêm: tại sao cụ túc giới của Đức Phật là không ai hơn được?
- Điều này bần tăng nói rồi - là ba mươi
pháp ba la mật của ngài như bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn,
nhẫn nại, chơn thật, quyết định, tâm từ, tâm xả của Đức Phật đã trọn vẹn
và toàn hảo trên thế gian không ai bằng được; nên ngài đã tự thành tựu cụ
túc, nghĩa là pháp chưa từng sanh được sanh lên, là pháp phi thường mà thế
gian chưa từng có. Không ai có đủ đức để ở trên, ở cao hơn cụ túc giới của
Đức Phật, tâu đại vương .
- Cho xin nghe ví dụ được chăng?
- Đại vương là bậc tối thượng trong một
nước, có ai trong nước này oai lực hơn đại vương chăng?
- Không có.
- Nếu có kẻ đòi ngồi lên đầu lên cổ của
đại vương thì đại vương làm sao?
- Trẫm sẽ chém đầu.
- Cũng như thế đó là cụ túc giới của Đức
Thế Tôn. Cụ túc giới của Đức Thế Tôn là có oai lực nhất. Ai có ý nghĩ
truyền cụ túc giới cho Đức Phật, thì kẻ đó, vì thiếu giới đức, định đức,
tuệ đức nên đầu của y sẽ bị vỡ thành bảy mảnh.
- Vậy là trẫm hiểu rồi, trên thế gian này
chẳng có nhóm Tăng hội nào có đủ uy đức, oai lực để truyền giới cho Đức
Thế Tôn cả.
- Không phải vậy đâu, đại vương !
Đức vua ngạc nhiên:
- Tại sao?
- Có cả thảy ba nhóm Tăng, tâu đại vương!
Chính có ba nhóm Tăng này cu hội mà truyền giới cụ túc đến cho Đức Thế Tôn
, đó là:
1. Nhóm ba-la-mật Tăng (Paramì sangha)
2. Nhóm thiện Tăng (Kusala sangha)
3. Nhóm quả Tăng (Phala sangha)
Cho nên Đức Thế Tôn có thuyết rằng: "Người
nào có tâm chơn chánh, trực hạnh, thực hiện giới, định, tuệ, đi trên con
đường bốn đạo và thành tựu bốn quả - người ấy được Như lai gọi là Tăng"
- Hay lắm vậy!
* * *
64. Nước mắt nào là thuốc? Nước mắt nào là độc dược?
- Thưa đại đức, trẫm có nghe các bậc hiền
trí nói rằng, trên thế gian này có hai loại nước mắt. Một loại nước mắt có
khả năng trị bệnh như một liều thần dược vì nó làm cho mát mẻ và sảng
khoái tinh thần. Một loại nước mắt khác thì như độc dược, nguy hiểm vô
cùng. Việc ấy có không, và nếu có, thì tại sao lại có chuyện lạ lùng như
thế?
- Chuyện có đấy, tâu đại vương !
- Xin đại đức giảng cho nghe.
- Nước mắt do uất ức, hận thù, do sầu bi
khổ ưu não...; là loại nước mắt được xúc cảm, bị thiêu đốt bởi tham luyến,
sân hận và si mê... mà tiết ra, trào vọt ra; nước mắt ấy chẳng khác gì độc
được. Nhưng nước mắt ứa ra được xúc cảm bởi các trạng thái tâm cao thượng,
như nghe pháp, như phỉ lạc trong thiền định, niềm hỷ hoan tinh thần, tâm
bi mẫn đối với đau khổ của chúng sanh...; thì đó là loại nước mắt mát mẻ
do hỷ, phỉ, bi mà có, nên nó đúng là liều thần dược, tâu đại vương!
- Thật là hay, thật là bổ ích.
* * *
65. Tham luyến và dứt tham luyến
- Thưa đại đức , người còn tham luyến và
người đã dứt trừ tham luyến, hai hạng người ấy khác nhau ở chỗ nào?
- Người còn tham luyến là người còn dính
mắc, người không còn tham luyến là người không còn dính mắc, tâu đại
vương!
- Trẫm nghĩ rằng sống trên đời này ai cũng
ưa ăn sung, mặc sướng; ai cũng muốn thọ dụng ngũ dục khả ái, khả ý; thế
thì chuyện dính mắc hoặc không dính mắc làm sao biết được, làm sao phân
biệt được?
- Đúng là cả hai bên đều thọ dụng giống
nhau, đều phải ăn, mặc giống nhau. Nhưng với kẻ còn tham luyến thì họ đắm
say, hưởng thụ, tìm thỏa mãn trong ngũ dục, lại còn suốt đời miệt mài đeo
đuổi ngũ dục nữa. Trái lại, người không còn tham luyến, họ ăn, mặc, ngủ
rất chừng mực, điều độ. Ăn, mặc, ngủ đối với họ chỉ để nuôi mạng sống, duy
trì thân thể để tu tập, để hành phạm hạnh. Như vậy được gọi là dính mắc và
không dính mắc, tâu đại vương .
- Trẫm đã lãnh hội được điều ấy.
* * *
66. Trí tuệ ở đâu?
- Thưa đại đức , trí tuệ nó nằm ở đâu?
- Nó không có trú xứ làm sao mà chỉ nó ở
đâu, đại vương!
- Ngài nói vậy e rằng không có trí tuệ
rồi.
Tỳ khưu Na-tiên bèn hỏi lại:
- Thế gió nó ở đâu, tâu đại vương ?
- Không thể chỉ được.
- Đại vương nói vậy thì e rằng không có
gió rồi!
Đức vua Mi-lan-đà chợt cười ha hả:
- Đại đức lanh trí lắm!
* * *
67. Luân hồi
(Samsara)
- Luân hồi là thế nào, thưa đại
đức?
- Luân hồi sinh tử là sự sống chết lui tới
quẩn quanh của chúng sanh. Nghĩa là chúng sanh sanh ra trong thế gian, rồi
lại chết trong thế gian. Chết trong thế gian, cấu sanh trở lại cũng trong
thế gian, rồi sẽ chết lại trong thế gian nữa. Và cứ thế, tử sanh sanh tử
mãi mãi đến vô cùng, chẳng bao giờ ra khỏi thế gian được. Luân hồi tử sanh
là vậy, tâu đại vương!
- Xin cho nghe ví dụ.
- Người ta ăn trái xoài, lấy hạt gieo, mọc
lên thành cây, có hoa, có trái. Lấy trái ăn rồi gieo nữa, mọc lên cây
khác, trái khác. Lại ăn nữa, lại gieo nữa. Như thế, trái xoài đầu tiên
không biết đâu tìm, mà trái xoài cuối cùng cũng kéo dài đến vô tận, không
có điểm cuối. Sự sống chết, chết sống của chúng sanh trong vòng luân hồi
cũng như thế đó, tâu đại vương!
- Trẫm đã hiểu rồi!
* * *
68. Trí nhớ
- Thưa đại đức, nếu mình nhớ lại được một
việc làm từ lâu xưa, không biết là do gì?
- Do trí nhớ, tâu đại vương .
- Thế mà trẫm nghĩ, nhớ được là do tâm.
- Nếu đại vương nghĩ là do tâm, vậy có
việc gì trong quá khứ mà đại vương quên chăng?
- Có rất nhiều chuyện đã quên.
- Đã nhớ là do tâm mà sao lại quên? Hay
khi làm những việc ấy, đại vương làm với vô tâm ?
- Không phải vậy, làm với hữu tâm.
- Đã "có tâm" mà sao tâm lại không
nhớ ?
Suy nghĩ một hồi, đức vua nói:
- Hay là ký ức chăng?
- Đúng thế, trí nhớ là do ký ức, ký ức
chính là nơi ghi chép chuyện quá khứ giúp cho trí nhớ làm việc. Chức năng
của trí nhớ là làm công việc nhớ lại các việc trong quá khứ; còn tâm có
chức năng nhận thức, suy nghĩ, nhận biết, chụp bắt, gom thâu mà thôi, tâu
đại vương !
- Rõ ràng lắm rồi!
* * *
69. Ai cũng có trí nhớ
Đức vua hỏi tiếp :
- Trí nhớ này chỉ có đối với người trí
thức, người có học, hay nó phổ cập cho mọi hạng người, kể cả người lao
động chân tay?
- Tất cả mọi người trên thế gian đều có
trí nhớ cả. Có trí nhớ mới có thể học các môn học, tu tập các đề mục thiền
định, học hỏi các công nghệ hoặc sống và làm việc trên đời này, tâu đại
vương !
* * *
70. Có bao nhiêu loại trí nhớ
- Vậy có bao nhiêu loại trí nhớ, thưa đại
đức ?
- Có tất cả mười bảy loại trí nhớ, tâu đại
vương .
- Xin cho nghe?
- Vâng, xin đại vương hãy nghe:
Một là trí nhớ phi thường.
Hai là trí nhớ do cất đặt của cải, tài sản.
Ba là trí nhớ các ngày trọng đại hay hạnh phúc lớn.
Thứ tư, trí nhớ do kỷ niệm vui.
Thứ năm, trí nhớ do từng bị khổ đau.
Thứ sáu, trí nhớ do những hình ảnh quen thuộc.
Bảy là trí nhớ được tái hiện do mùi vị, âm thanh v.v...
Tám, trí nhớ do được nhắc lại.
Chín, trí nhớ do làm dấu, dấu hiệu.
Mười, trí nhớ do nhắc nhở nguyên nhân.
Mười một, trí nhớ do nhìn mặt chữ.
Mười hai, trí nhớ do ghi chép.
Mười ba, trí nhớ lâu xa do đắc túc mạng minh.
Mười bốn, trí nhớ do từ kinh sách, sử sách.
Mười lăm, trí nhớ do nhớ ý nghĩa.
Mười sáu, trí nhớ do huân tập, thói quen
Mười bảy, trí nhớ do nhờ học thuộc lòng.
Đức vua hỏi tiếp:
- Thế nào là trí nhớ phi thường?
- Đây là loại trí nhớ của ngài Ànada, chỉ
nghe Đức Thế Tôn thuyết một lần là có thể thuyết lại giống y như thế; như
sao y nguyên văn các kệ ngôn, đoản ngôn, ví dụ, so sánh v.v... Lại còn nhớ
lâu, không quên. Đây cũng là trí nhớ của cận sự nữ Khujjutarà, chỉ nghe
Đức Đạo Sư thuyết một lần là thuyết lại được, tâu đại vương .
- Thế nào là loại
trí nhớ do cất đặt của cải tài sản?
- Đây là loại trí nhớ của những người giàu
có quen chu đáo, cẩn thận; họ chôn dấu, cất đặt tài sản, vật quý chỗ này
chỗ kia, nhưng khi cần lấy để sử dụng, họ nhớ ngay, tâu đại vương!
- Thế nào là
trí nhớ bởi những ngày trọng đại, hạnh phúc
lớn?
- Ví dụ như đức vua nhớ ngày đăng quang
của mình, người xuất gia nhớ ngày thọ đại giới, bậc thánh nhớ lại hạnh
phúc đầu tiên khi đắc quả Tu-đà-hườn v.v...
- Tức là những kỷ niệm trọng đại ở trong
đời, bất kể xuất gia hay tại gia?
- Đúng vậy.
- Nó khác gì với loại trí nhớ thứ tư: tức
là do kỷ niệm vui?
- Loại thứ ba là kỷ niệm trọng đại, loại
thứ tư là niềm vui bình thường với huynh đệ, gia đình, bè bạn; do gặp lại
những niềm vui đã từng có trước đây mà nhớ lại.
- Còn
trí nhớ do từng bị đau khổ
?
- Là những người từng bị đau khổ, lao
lung, hoạn nạn trong khoảng đời nào đó đã hằn sâu trong tâm khảm, bây giờ
dễ dàng nhớ lại mỗi lần hồi ức, hồi tưởng.
- Thế nào là trí nhớ do hình ảnh quen
thuộc?
- Đây là do những người mình đã từng quen
mặt như cha mẹ, anh em, nay thấy lại hình ảnh những người hao hao như vậy
nên sực nhớ. Thảng hoặc là thấy nhà cửa, cây cối, súc vật tương tự, nó gợi
lại hình ảnh quá khứ đã từng quen biết, tâu đại vương !
- Trẫm đã hiểu! Ví dụ như hồi còn nhỏ, ở
quê, trẫm hay thấy loài ngựa cao thồ chở hàng, sang đây mỗi lần thấy ngựa
chở hàng liền nhớ lại quê cũ, có phải thế không?
- Đúng vậy.
- Thế thì trí nhớ do tái hiện mùi vị,
âm thanh?
- Không những mùi vị, âm thanh mà cả màu
sắc nữa, nói rộng ra là cả ngũ trần; nếu ta đã từng cảm xúc, thích thú từ
quá khứ, nay gặp lại màu sắc ấy, mùi vị ấy, âm thanh ấy... thì cả một trời
liên tưởng lại hiện ra mà phát sanh trí nhớ, tâu đại vương .
- Vâng, còn
trí nhớ được nhắc lại?
- Dễ hiểu thôi, ví dụ một bài toán mà đại
vương đã quên, sau đó nhờ người khác nhắc, đại vương làm được bài toán
ấy...
- Loại trí nhớ thứ chín, thưa đại đức ?
- Có những người buôn bán nhỏ, họ không
biết chữ, biết viết nhưng họ lại làm dấu bằng son, bằng than nơi tường
nhà. Nhờ làm dấu, họ biết rõ ai còn nợ bao nhiêu, ai đã trả bao nhiêu
v.v... Ví dụ những tỷ kheo làm dấu trên y của mình, ví dụ những chủ trâu
bò thường làm dấu nơi trâu, nơi bò của mình để khỏi lẫn lộn với đàn trâu
bò khác, v.v...
- Loại trí nhớ do nhắc nhở nguyên nhân
là gì?
- Đây là trường hợp những người có trí
nhưng hay quên. Khi được nhắc nhở, không cần nhắc nhở toàn bộ sự việc, chỉ
nhắc nhở nguyên nhân là họ có thể biết, tâu đại vương!
- Cho xin nghe ví dụ.
- Ví dụ, người kia cầm bó đuốc trên tay đi
qua một xóm nhà lá, có người thấy vậy nói rằng: "Coi
chừng bó đuốc trên tay kìa!". Chỉ
cần nghe vậy là người kia sực nhớ rằng: "Ông
A vì sơ ý nhen lửa mà làm cháy cả cánh đồng. Ông B vì đốt đèn sơ ý mà cháy
nhà, cháy lan cả xóm v.v...". Đây
là loại trí nhớ nhắc nhở nguyên nhân, tâu đại vương!
- Còn trí nhớ do nhìn mặt chữ là vì
viết hoài nên quen tay, quen mặt chữ, sau này chỉ nhìn mặt chữ là biết
viết, biết luôn cả nghĩa của nó, phải thế chăng, đại đức?
- Đúng vậy.
- Trí nhớ do ghi chép là của người
làm thư ký, làm sổ sách kế toán với những con số nhỏ, con số lớn. Nhờ ghi
chép vào sổ sách cụ thể, rõ ràng mới nhớ được, phải không đại đức? Còn
trí nhớ lâu xa do đắc túc mạng minh
là thế nào?
- Đây là trí nhớ do đắc túc mạng: nhớ được
một kiếp, hai kiếp... cho đến trăm ngàn kiếp trước của mình, tâu đại
vương!
- Còn trí nhớ có từ kinh sách, sử sách
là trí nhớ do đọc kinh sử của nhiều đời, nhiều thời đại trước viết
lại, chép lại ở trong kinh sử ấy?
- Đúng thế, tâu đại vương!
- Còn trí nhớ do ý nghĩa?
- Đây là loại trí nhớ của người thông
minh, sáng láng, đọc kinh sách họ có thể quên hết câu, chữ mà chỉ nhớ ý
nghĩa của câu, chữ ấy. Khi cần viết lại câu, chữ họ sẽ từ ý nghĩa ấy mà
viết ra theo cách diễn đạt của mình.
- Thế trí nhớ do huân tập, thói quen
là gì?
- Bất cứ môn học nào, dù trí thức hay chân
tay, mà chúng ta học mãi, làm hoài; lâu nó sẽ huân tập thành thói quen -
là loại trí nhớ này, tâu đại vương!
- Vâng, còn trí nhớ do học thuộc lòng
thì trẫm biết rồi. Vậy là có tất cả mười bảy loại trí nhớ!
- Thật ra, nó còn nhiều loại nữa, tâu đại
vương! Nhưng mười bảy loại trí nhớ này đủ để tóm thâu tất cả mọi loại trí
nhớ trên đời này.
- Trẫm hiểu rồi. Vậy là quá đầy đủ. Tri ân
đại đức nhiều lắm.
* * *
71. Tương quan phước và tội
Đức vua hỏi:
- Trong hàng ngũ sa môn của Đại đức, có
người thuyết rằng, có kẻ trọn đời làm ác nhưng đến khi lâm tử, họ tưởng
nghĩ đến Phật, ân đức hoặc tướng hảo quang minh sáng chói của ngài thì có
thể sanh lên cõi trời. Điều ấy thật khó tin! Lại nữa, các vị ấy còn thuyết
rằng, người nào đã lỡ tạo nghiệp sát sanh, không cần phải nhiều lần, dù
chỉ một lần, người ấy phải bị đọa địa ngục chẳng sai. Điều ấy lại càng
không thể tin được!
- Tâu Đại vương! Đại vương nghĩ thế nào,
nếu có người ném một viên đá nhỏ độ bằng hột bắp hay hột tiêu xuống mặt
nước, viên đá ấy sẽ nổi hay chìm?
- Chắc chắn phải chìm.
- Nếu có một người chất vài trăm viên đá
lớn vào một chiếc ghe rất to, có sức chở rất lớn - thì vài trăm viên đá ấy
có chìm không, Đại vương?
- Thưa không.
- Cũng vậy là tội và phước cùng sự tương
quan giữa phước và tội, tâu Đại vương! Một viên đá dù bé như hạt tiêu nó
vẫn bị chìm xuống nước. Tương tự vậy, có người làm việc ác, dù chỉ một
lần, như giết sanh mạng loài hữu tình; thì ác nghiệp ấy có sức nặng đưa
chúng sanh đầu thai vào các cảnh giới đau khổ như địa ngục, ngạ quỉ, súc
sanh, a-tu-la. Vài trăm viên đá lớn mà không chìm là nhờ có ghe lớn chở.
Cũng giống thế, một người làm việc ác trọn đời nhưng nhờ tưởng nghĩ đến ân
đức của Phật, tâm người ấy trú vững chắc và hoan hỉ ở trong ân đức ấy; nhờ
vậy, chính nhờ thiện tâm nâng đỡ - như chiếc ghe lớn - người ấy được sanh
thiên cũng là điều hiển nhiên thôi.
- Trẫm đã hiểu.
- Lại nữa, ác nghiệp nặng thường đưa chúng
sanh đi xuống, thiện nghiệp nhẹ thường đưa chúng sanh đi lên. Tuy nhiên,
nếu đã lỡ tạo ác nghiệp rồi thì phải siêng năng, tinh tấn làm việc lành;
chính nhờ việc lành, nhờ thiện nghiệp, nó có khả năng nâng đỡ cho tất cả
chúng sanh. Tuy nhiên, Đức Thế Tôn còn dạy rằng: "
Ghe, thuyền hằng chuyên chở đồ đạc qua sông
lớn, qua biển lớn; nhưng nếu ghe, thuyền ấy chở quá mức độ cho phép, ghe
thuyền ấy sẽ bị chìm. Cũng vậy, thiện nghiệp nâng đỡ ác nghiệp, nhưng nếu
ác nghiệp quá nặng, thiện nghiệp cũng sẽ bị chìm theo! Lại nữa, ghe thuyền
ấy phải được vững chắc, kiên cố không bị rò rỉ; nếu bị rò rỉ, thấm nước
thì phải tát cạn, phải bịt chặt các lỗ rò rỉ đi. Cũng vậy, đừng để ác
nghiệp xen vào, nếu ác nghiệp đã rò rỉ vào tâm thì phải bịt chặt lại, tát
cạn lần hồi ác nghiệp ấy đi. Nhờ vậy ghe, thuyền thiện pháp kia sẽ đến
được bến bờ an vui nhất định."
- Trẫm không còn nghi ngờ gì điều ấy nữa.
* * *
72. Diệt khổ chưa đến?
(Tương tự câu 43)
Đức vua hỏi:
- Thưa đại đức, những vị sa môn của đại
đức tu hành tinh tấn là để nhằm diệt trừ những nỗi thống khổ, phải chăng?
- Đúng thế!
- Những cái khổ ấy từ quá khứ chăng?
- Có thể từ quá khứ nhưng quá khứ thì đã
qua rồi.
- Vị lai chăng?
- Có thể là vị lai nhưng vị lai cũng chưa
đến.
- Thế thì hiện tại chăng?
- Có thể là hiện tại nhưng hiện tại không
có điểm dừng, luôn chảy trôi.
Đức vua Mi-lan-đà nhíu mày:
- Thế thì cái khổ ấy nó nằm ở đâu?
- Nơi nào tương quan phát sanh, nơi nào
lục căn tiếp xúc với lục trần, nơi ấy xem chừng đau khổ sẽ hiện khởi.
- Vậy là đau khổ ấy sẽ có mặt từ thời hiện
tại đến thời tương lai?
- Cả quá khứ nữa, thưa đại vương!
- Như đại đức nói là quá khứ đã qua rồi!
- Đúng thế, nhưng nếu chúng ta hồi ức, hồi
tưởng, nó sẽ có mặt ngay tức khắc. Lại nữa, do chúng ta cố ý lưu giữ ở
trong tâm.
- Vậy muốn nói cho chính xác thì đau khổ
luôn luôn là có, sẽ có, sẽ tới khi lục căn tiếp xúc với lục trần?
- Có thể nói như vậy.
- Cũng có thể nói là diệt cái khổ nhưng mà
cái khổ ấy sẽ có, sẽ đến?
- Đúng thế.
Đức vua Mi-lan-đà mỉm cười:
- Thế là đại đức tu hành tinh tấn là nhằm
tiêu diệt những cái khổ chưa đến, chưa có? Thật là kỳ lạ! Cái khổ chưa
phát sanh thì làm sao mà diệt nó được.
Đại đức Na-tiên cũng mỉm cười:
- Hiện nay, đức vua là đấng chí tôn của
một quốc gia; có khi nào đức vua nghĩ đến trường hợp một nước cừu địch nào
đó sẽ lăm le xâm chiếm lãnh thổ của đại vương chăng?
- Có chứ.
- Vậy thì đức vua sẽ chờ đến lúc quân giặc
công phá thành trì mới lo tập luyện binh mã, rèn đúc khí giới hay sao?
- Không, trẫm lo toan dự phòng những công
việc ấy từ trước.
- Dự phòng khi quân giặc chưa đến hay sao?
- Đúng thế.
- Giặc chưa đến mà đã lo việc diệt giặc
nhỉ?
- Đúng thế! Bởi không biết giặc sẽ đến lúc
nào nên phải luôn luôn phòng vệ, phòng thủ.
- Cũng như thế đó, tâu đại vương! Đau khổ
chưa đến nhưng thình lình đau khổ sẽ đến như quân giặc kia vậy, đợi đến
khi đau khổ đến mới tìm cách diệt là đã muộn rồi. Các sa môn Thích tử tu
hành tinh tấn, phòng hộ các căn, giữ gìn thu thúc thân khẩu ý, giới luật
nghiêm cẩn là để phòng thủ thành trì như thế đó, tâu đại vương!
- Trẫm đã hiểu, nhưng cho nghe thêm ví dụ.
- Đại vương đợi đến khi khát nước mới bảo
quân binh đào giếng, đào hồ hay sao?
- Đợi đến khi khát mới đào giếng thì đâu
có kịp.
- Cũng thế, đợi đau khổ đến mới tìm cách
diệt thì đâu còn kịp nữa!
- Đúng vậy, xin cho nghe ví dụ nữa.
- Đại vương đợi đến khi đói bụng mới cho
người cày ruộng, bừa rồi gieo hạt lúa hay sao?
- Ai lại làm thế bao giờ.
- Vậy thì đại vương nghĩ rằng các sa môn
Thích tử tu hành tinh tấn nhằm diệt cái khổ chưa đến là chuyện không đúng
chăng?
- Hoàn toàn chính xác.
Đại đức Na-tiên chợt hỏi:
- Đại vương hỏi câu này đến hai lần, tại
sao vậy?
- Trẫm muốn thử sự thấy biết nhất quán của
đại đức vậy thôi!
- Cảm ơn đại vương!