Lịch sử Đức Phật & Thánh chúng
Lược Thuật Hành Trạng Hòa Thượng Quảng Khâm
Dịch giả: Ni chúng Tự Viện Vĩnh Minh Lâm Đồng Hiệu đính: Giáo sư. Phạm Phú Thành & Đại Đức. Thích Giải Hiền
Đã cập nhật: 0 phút
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Chín năm trước, tiến sỹ Châu có người bạn Mỹ – tiến sỹ King, ở Hollywood – đến Đài Loan để tham vấn giáo sư Nam vài vấn đề liên quan đến Phật pháp. Tiến sỹ King tương đối trẻ, - tuổi chừng trên ba mươi, xuất thân từ một gia đình Cơ Đốc giáo. Anh học ngành âm nhạc, nhưng đặc biệt rất thích nghiên cứu Phật pháp. Anh đã xem qua nhiều sách của các nhà thiền học, kinh Đại Bát Nhã và một số kinh điển Tiều Thừa bằng tiếng Anh, và đã tu tập thiền định trên một năm ở Tích Lan. Anh là một trong số những thanh niên Phật tử phương Tây, đã từng hấp thụ nền giáo dục cao đẳng hiện đại.

Trong thời gian ở Đài Bắc anh ta có cùng với thính chúng đến nghe giáo sư Nam thuyết giảng, thông qua phiên dịch của tiến sỹ Châu. Vì ngôn ngữ bất đồng, anh phải hết sức cố gắng mới tiếp thu được nội dung bài giảng. Sau đó anh nhờ tiến sỹ Châu đưa đi thăm các bậc thiện tri thức am hiểu đạo ở Đài Loan. Lúc bấy giờ tiến sỹ Châu vì rất bận việc không đưa đi được nên đến tìm tôi, nhờ tôi dẫn anh ngoại kiều này đi tìm sư hỏi đạo và du ngoạn đó đây. Tôi bảo tôi không biết ai là thiện tri thức am hiểu đạo làm sao mà giúp được. Tiến sỹ Châu năn nỉ nhiều lần, không thể từ chối, tôi đành miễn cưỡng nhận lời.

Tôi nói: “Biết tìm ai đây?” Tiến sỹ Châu bảo: “Tuỳ ý”. Tôi lại hỏi ý kiến King, anh ta nói rất thích gặp hoà thượng tu thiền và muốn làm quen với những phật tử, không cứ là tại gia hay xuất gia. Lúc ấy tôi cảm thấy bối rối, biết ai là người tu thiền đây? Tôi hỏi anh ta: “Anh sinh trưởng trong gia đình Cơ đốc giáo phương tây, sao lại thích thú về vấn đề này?” Anh ta cười đáp: “Tôi cũng không biết, có lẽ kiếp trước tôi cũng đã thích như vậy.” Tôi hỏi: “Người Mỹ các anh cũng tin có kiếp trước sao?” Anh trả lời một cách nghiêm túc: “Sao lại không?”

Chuyện trò bâng quơ với nhau như vậy, thế rồi đôi bên hiểu biết nhau. Hôm sau, tôi định đưa anh đến bái kiến Hoà thượng Ấn Thuận ở Gia Nghĩa, nhưng vì nơi đó quá xa nên lại thôi, cuối cùng quyết định đến gặp nhà thơ Chu Mộng Điệp ở cửa hàng sách đường Vũ Xương, rồi sẽ đến chùa Thừa Thiên bái kiến Hoà thượng Quảng Khâm.

Tiến sỹ King và nhà thơ gặp nhau, chẳng biết “khế cơ” hay “không khế cơ” mà đôi bên chẳng trao đổi với nhau điều gì. Ba chúng tôi đứng nơi hành lang trước tiệm cà phê Minh Tinh, giữa dòng người xuôi ngược, cùng yên lặng …, được non nửa giờ, tôi và King cáo từ.

Chúng tôi lên xe buýt đi Thổ Thành …, xuống xe buýt xong lại thuê taxi lên núi. King nói để anh trả tiền taxi, tôi bảo tôi cũng cùng đi, để tôi trả một nửa, anh liền bảo tiền xe buýt hồi nãy anh cũng phải chịu một phần.

Lên đến núi, tới Đại Điện thấy Hoà thượng đang ngồi trên tọa cụ hình hoa sen ở trong chánh điện. Tôi vốn quen mỗi khi gặp Hoà thượng là đảnh lễ, liền đến trước Hoà thượng cung kính cúi lạy; không ngờ rằng anh chàng ngoại quốc trẻ tuổi này cũng vội vàng quỳ theo tôi mà lạy. Hoà thượng vẫn ngồi yên chẳng nói lời nào, sau đó Người đến ngồi trên chiếc ghế mây gần cửa sổ, chúng tôi cùng đi theo sau Người. Thấy có mấy ni sư đứng quanh bên Người, chuẩn bị phiên dịch, tôi nói với họ là tiếng Phúc Kiến tôi cũng hiểu được chút ít, có thể phiên dịch được, khỏi phiền đến các vị.

Đầu tiên tôi giới thiệu sơ lược tiến sỹ King với Hoà thượng, rồi thưa rằng chuyến sang Đài Loan đặc biệt của anh lần này là để tìm học Phật pháp, xin Sư phụ khai thị cho anh.

Hoà thượng nghe xong, hỏi anh King:

- Anh bao nhiêu tuổi? - King đáp:

- Ba mươi lăm tuổi. (Tôi cố gắng dịch thật nhanh).

- Anh có vấn đề gì cần hỏi?

- Con không có vấn đề gì, chỉ đến thăm Ngài.

- Anh thích gì trong Phật pháp?

- Thiền tông.

- Tịnh độ cũng rất tốt, Tịnh độ cũng là thiền.

 Mọi người yên lặng giây lát …, có ni sư thị giả mang đến mấy cốc trà mời chúng tôi uống. Tôi và King mỗi người nhận lấy một cốc.

 Nhân dịp, lúc ấy Hoà thượng mới hỏi:

- Anh đang cầm cái gì trong tay vậy?

- Trà.

 Tiếp đó Hoà thượng bảo King không nên do dự, hãy trả lời ngay, 

“cái gì làm cho anh uống trà?”

 Tiến sĩ King đáp: “Khát!” Tôi thì trả lời: “Miệng khô!”

- “Không đúng! Không đúng!”

Hoà thượng tự nhiên chẳng chút khách sáo, ngay phút đầu Người đã “giáng cho một gậy”, làm anh King bối rối không nói được lời gì.

Ai cũng cứ nghĩ cái làm cho mình uống là “khát” mà!.

Hoà thượng thấy King không nói gì, an ủi anh ta:

- Thường ai đến đây tôi cũng đều để họ niệm Phật, không nói chuyện gì khác. Trước khi anh đến đây, tôi không biết anh đến; anh đi rồi, tôi cũng không biết anh đi đâu. Hiện giờ anh đang uống trà, tôi hỏi anh về uống trà, uống trà chẳng phải là do khát, khát chỉ là một hiện tượng.

Nói xong Hoà thượng lặp lại một lần nữa rồi bảo:

- Tôi nghe cư sỹ Vân nói anh có tu ở Tích Lan nên tôi chỉ nói đùa với anh cho vui vậy thôi.

Im lặng một lát, tiến sỹ King lại hỏi:

- Con xem trong kinh sách có thấy nói “niệm Phật tam-muội” điều ấy có thật hay không? Hoà thượng đã đạt đến cảnh giới đó chưa?

Hòa thượng lại nói: “Trước khi anh đến đây, tôi không biết anh đến, anh đi rồi tôi không biết anh đi đâu; bây giờ anh hỏi tôi, tôi nhớ lại để trả lời cho anh: khoảng 50 năm về trước tôi có một lần ở vào trạng thái mà tôi cho rằng đó là niệm Phật tam-muội, anh bảo làm sao mà tôi không biết. 

King nghe vậy, lấy làm phấn khởi nói anh rất thích nghe. Tôi liền phiên dịch:Anh ấy xin Sư phụ khai thị cho”. – Người nói:

- Khoảng 50 năm trước, khi tôi ở Cổ Sơn - PHÚC CHÂU, có một lần cùng với tăng chúng vào chánh điện hành hương niệm Phật kinh hành. Mọi người đều theo nhịp mõ niệm Nam- mô A-Di-Đà Phật, Nam- mô A-Di-Đà Phật... Tay tôi bắt ấn, vừa đi vừa niệm, đột nhiên tôi đốn...

Lời Hoà thượng nói tôi dịch lại từng câu, đến tiếng “đốn”, đầu tôi căng ra, gượng dịch thành “once suddenly a stop” [thình lình dừng lại]. Hoà thượng liền bảo tôi: “Anh đừng dịch sai, không phải là “đình chỉ” [dừng lại] đâu. “Tiến sỹ King thấy Hoà thượng ra dấu giải thích, anh tỏ vẻ hiểu được ý Hoà thượng; tôi biết mình dịch sai, cảm thấy thật xấu hổ.

Rồi Hoà thượng cho biết, lúc bấy giờ tiếng niệm “Nam-mô A-Di-Đà-Phật” lúc đầu vang vọng trên nền chánh điện, về sau dần dần chuyển lên cao. Hoà thượng vừa nói tay vừa từ từ uyển chuyển diễn tả, miệng thì niệm Phật … giọng thâm trầm hồn hậu. Người nói lúc ấy không còn cảm giác gì về chùa, về người và sự vật chung quanh, chỉ còn nghe hòa âm tiếng niệm Phật bất tuyệt từ dưới vần chuyển lên cao, đến tận không trung, khắp Pháp Giới vang vọng danh hiệu đức Phật A-Di-Đà.

Tôi hỏi: “Thưa, lúc ấy Sư phụ có hành hương [kinh hành] không?”

Hoà thượng nói lúc đó không biết mình đang hành hương hay không hành hương, cũng chẳng rõ mình đang ở đâu, chỉ còn tiếng “Nam-mô A-Di-Đà-Phật” mà thôi. Đến khi thầy tri sự gõ khánh báo hiệu mãn thời công phu, mọi người trở về liêu phòng mà Người vẫn “Nam-mô A-Di-Đà-Phật …”, cứ như thế suốt trong đi, đứng, nằm, ngồi …, khi lên chánh điện qua đường … hoàn toàn hoà nhập vào âm thanh “Nam-mô A-Di-Đà-Phật” trong tiếng chim hót và trầm hương. Trạng thái như vậy kéo dài trong ba tháng.

Hoà thượng cười nói tiếp: “Thật là tuyệt vời, chẳng qua tôi thể nghiệm lại bằng ký ức. Ấy có phải là niệm Phật tam-muội hay không, tôi chỉ kể ra cho anh tham khảo. Tôi thì cho rằng đó là niệm Phật tam-muội, còn anh nghĩ phải hay không phải đó là phần của anh” 

Hoà thượng chân tình thổ lộ như vậy vì muốn đem thực tế kinh nghiệm tu trì của mình giải nghi cho người. Tiến sỹ King xong cảm thấy được lợi lạc khôn xiết, lòng tràn đầy pháp hỷ, vô cùng phấn khởi. Lúc ấy các ni sư thị giả sợ Hoà thượng mệt liền mời Người đi nghỉ. Tôi nghĩ bụng, lên núi lần này thật lợi ích, không hoài công leo núi, rồi bèn đứng lên xin cáo từ lui ra, không ngờ anh Mỹ kiều vừa được hưởng hương vị Phật Pháp lại cung kính quỳ trước Hoà thượng cúi đầu lạy.

Chúng tôi ra khỏi điện, nhân dịp thời gian còn sớm, đi dạo trong các lan can quanh điện, thưởng ngoạn cảnh non xanh núi biếc của chùa Thừa Thiên. Tôi giới thiệu với King, phía trước điện là động Nhật Nguyệt, nghe kể Hoà thượng lúc đầu mới tới Đài Loan đã từng đóng cửa động ẩn tu, Người có thể từ bên này Đại Điện bay qua bên kia, - không biết có thật hay không. Lúc hai chúng tôi đang đi dạo không để ý... quay đầu lại thấy Hoà thượng từ đàng sau đi tới. Tôi vụt kêu lên: “Sư phụ, sao Ngài lại ra đây?” Hoà thượng tươi cười cởi mở: Cũng đi chơi đây mà!”

Dạo ấy Hoà thượng rất ít khi ra ngoài, tôi thấy mấy ni sư đứng trước cửa điện nhìn về phía chúng tôi có vẻ rất quan tâm, chắc là sợ Hoà thượng đi xa, lại được dặn trước nên không tiện đến gần.

Tôi bổng cao hứng hỏi về lời đồn Hoà thượng từng bay từ núi này sang núi kia. Hoà thượng đáp:” Làm gì có! đừng nói nhảm.”

Tôi quay sang tiến sỹ King: “Hôm nay anh thật có duyên may! Hoà thượng thường ngày ít khi ra ngoài”. Và tôi nói với Hoà thượng: “Con thấy Sư phụ hợp ý anh ấy”. Hoà thượng cười:

- Không! không phải! Tôi chỉ cùng với các anh đi dạo chơi thôi. 

Ba người cùng đứng lại, không trao đổi thêm lời gì... Tôi nói với King đây chính là lúc nên cùng niệm Phật, và tôi bắt đầu niệm …, King không niệm. Hoà thượng đứng bên, nhìn tôi … rồi nhìn King …, khoảng ba phút; tôi thấy như vậy là đủ, lại một lần nữa xin cáo từ. Hoà thượng đưa chúng tôi một đoạn đường, tôi thỉnh Người trở lui.

Khi xuống nuí, xe taxi chúng tôi chạy dọc theo đường núi quanh co, ánh nắng hiền hoà lung linh khắp núi rừng. Tôi cảm thấy thân tâm vô cùng sảng khoái. Tiến sỹ King quay sang hỏi tôi bản nguyên văn hoá Trung Hoa có nói về Tam-muội hay không? Tôi chẳng có chút hiểu biết gì, tùy tiện bằng thứ tiếng Anh luộm thuộm dịch đại câu trong sách Luận Ngữ đã ghi chép được: “Quân tử vô chung thực (nhật) chi gian vi nhân, tháo thứ tất ư thị, điên bái tất ư thị.”

君子无终食(日)之间违仁,造次必於是,颠沛不必於是)

Và câu “Tử tại Tề văn Thiều, tam nguyệt bất tri nhục vị.”

子在齐闻韶,三月不知肉味)
-- cho anh ta tham khảo.

[ Nghĩa hai câu trên đây:

* Người quân tử không bao giờ làm trái điều nhân dù trong khoảng một bữa ăn (một ngày) [?], dù trong cơn vội vàng cũng giữ lấy điều nhân, dù trong lúc ngữa nghiêng cũng giữ lấy điều nhân.
* Đức Khổng Tử tại nước Tề nghe nhạc Thiều, ba tháng Ngài không biết đến mùi vị thịt. – ND].

Nghe xong King vô cùng thích thú, nói:

- Ấy hẳn phải là một thứ Tam-muội đấy chứ!

Tôi cười:

- Đó là một vấn đề lớn, tôi cũng chẳng biết nũa!

Nam-mô A-Di-Đà phật!