(Bài đăng trong Từ Ân Hội Tấn, ngày 01-03-1986)
Hồi tưởng lại, vào năm Giáp Tý, Phân Hội Phật Giáo thành
phố Cao Hùng tổ chức đoàn lễ bái tại chùa Phổ Hiền của Pháp sư Tinh Vân. Trong
buổi họp tôi có phát biểu:
“Phật giáo cần có những hạng người như sau:
Thứ nhất, phải có các bậc đại đức chân chính, vừa biết tu
trì vừa có thể lấy thân mình làm pháp tắc, hiện thân hoá độ chúng sanh.
Thứ hai, phải có những vị cao tăng biết giảng kinh thuyết
pháp, hoằng hoá lợi sanh.
Thứ ba là phải có những người biết hành động vì Đạo Pháp
Nếu như có người không đủ khả năng tu trì, cũng không biết
giảng kinh thuyết pháp, nhưng tự nguyện hiến thân cúng Phật, vì Đạo mà hy sinh
xuất tiền của và sức lực, đó cũng là công đức vô lượng.
Đáng sợ nhất là những con người ăn không ngồi rồi chẳng
biết làm gì ngoài việc bàn chuyện thị phi; như vậy thật là đắc tội với chư
Phật, có lỗi với chúng sanh, và lại còn phụ bạc chính mình”.
Tôi thường nói với những vị sơ cơ mới vào chùa rằng “không nên thắc mắc vì sao
người không cung kính mình mà phải tự hỏi lại ‘chính mình’, xem có gì xứng đáng
để được người ta kính trọng?”
Tinh thần của Đại sư Từ Hàng là gương sáng mà tôi rất vui sướng noi gương. Vị
Bồ-tát ấy đã dạy cho học tăng của Tu viện Di Lặc như vầy: “Phải biết rằng mình
là “tăng” chứ không phải là ‘bảo’”.
Ý Người nói chúng ta không đủ tư cách được tôn xưng là tăng bảo. Sau khi đọc
được lời dạy này tôi tự cảm thấy làm quý vô cùng, nhờ đó tôi thường nhủ lòng làm
sao biết cung kính người, chứ không dám mong người cung kính mình. Tôi cũng
thường nói với đệ tử xuất gia: “Đặc trưng của người xuất gia không nhất thiết ở
chỗ học vấn cao hay thấp; dĩ nhiên học vấn là quan trọng, nhưng thật ra đối với
thân phận người xuất gia, điều quan trọng nhất là có hay không có phẩm chất đạo
đức của kẻ xuất gia, phong cách mẫu mực của nhà tu hành, và lòng từ bi hỷ xả”
Bản thân tôi sống theo nguyện tắc: Người có ơn với mình
mình phải báo ơn họ; người đáng cung kính, mình nhất định phải cung kính họ;
người đáng tôn kính mình nhất định phải tôn trọng họ; và xưa nay tôi không dám
xem thường ai. Tôi hằng mong sao Phật Giáo mãi mãi hưng thạnh, không lạc hậu so
với các tôn giáo khác. Cho nên đối với những vị Đại pháp sư như các Ngài Tinh
Vân, Thánh Ấn, Tịnh Tâm …. Tôi rất mực tôn trọng các Ngài, bởi lẽ các Ngài đã
không ngừng nỗ lực cống hiến cho Đạo pháp. Đặc biệt Pháp sư Tinh Vân đã mở ra
vận hội mới cho Phật giáo. Với phong cách duy tân Ngài đã làm cho tư tưởng linh
hoạt của Phật giáo trở nên năng động, thích nghi với quan niệm sống của thời
đại mới, điều ấy khiến cho tôi không thể không thán phục. Một sự kiện làm cho
tôi cảm thấy rất phấn khởi là những năm gần đây có nhiều vị Bồ-Tát phát tâm hy
sinh phụng sư; số tăng sỹ trẻ trí thức ngày càng nhiều, làm cho Tăng đoàn dần
dần phát triển mạnh, có thêm sức sống mới và niềm hy vọng mới; đó là điều đáng
mừng cho Phật giáo vậy.
Bạch Thánh Đại Sư – vị Trưởng lão duy nhất mà tôi được gần
gũi học và nghe Pháp – là người tôi mang ơn sâu nặng nhất trong các vị Pháp sư,
Người là vị Thầy mà tôi phải tâm niệm báo ân, cho nên tôi thường chân thành bày
tỏ niềm cùng kính sâu xa nhất trong lòng mình với Người, - dĩ nhiên chỉ có Đại
Sư Bạch Thánh hiểu! – người ngoài không thể biết được.
Ấn Thuận Đạo sư cũng là người tôi rất cung kính. Ngài thể
lực suy nhược, nhưng vì Đạo pháp không hề tiếc thân; suốt đời nỗ lực trước tác,
chủ biên hộ Thái Hư Đại sư toàn tập, soạn Diệu Vân tập... khai mở nguồn tri
thức mới, bồi dưỡng trí tuệ và sức sống mới cho hàng phật tử hậu học.
Do lời bình luận của ông Hồ Thích: “LỤC TỔ ĐÀN KINH không phải do tổ Huệ Năng nói
ra” đã gây nên dư luận xôn xao trong giới học thuật và giới Phật tử; không biết
đâu là đúng đâu là sai, đặt biệt làm cho hệ thống Thiền tông và niềm tin bị dao
động mạnh! Trong lòng mọi người bàng hoàng bất an. May mắn thay, có Ngài Ấn
Thuận Đạo Sư không quản thân thể suy nhược (theo như tôi biết, lúc bấy giờ các
ngón tay của Người không còn cử động linh hoạt), trong một thời gian rất ngắn
soạn xong cuốn Trung Quốc Phật Giáo Thiền Tông Sử làm cho “lý luận cao sâu” của
Hồ Thích tiên sinh tan thành mây khói, và khiến cho cuộc tranh luận tức thời
chấm dứt, giáo giới đó lấy lại sự bình tĩnh, đệ tử Phật thêm vững niềm tin, an
tâm hành đạo.
Lòng tư bi vù Đạo-mến Đạo của Đại Sư thật là công đức vô
lượng. Đủ thấy rằng sự trụ thế của các bậc Cao tăng Đại đức là cần thiết như thế
nào, may mắn biết bao nhiêu! Bởi vậy cho nên chúng ta phải tôn kính các bậc
Thiện tri thức, gần gũi các bậc Thiện tri thức
Ngài Ấn Thuận chưa truyền dạy cho tôi điều gì về Phật pháp,
chưa có ân đức gì lớn đối với cá nhân tôi, nhưng có cống hiến cho Giáo Đoàn, có
ân lớn đối với mọi người, do vậy mà tôi vô cùng kính ngưỡng Ngài. Đạo tướng
Ngài trang nghiêm thoát tục là điều làm cho lòng tôi hoan hỷ cung kính, nên tôi
thường khuyến khích đệ tử xem các bộ Thái Hư Đại Sư toàn tập và Diệu Vân tập để
tăng trưởng trí huệ, xây dựng chánh trí, chánh kiến, chánh niệm trong khi học
Phật.
Hoà thựơng Quảng Khâm là vị cao tăng mà tôi càng rất mực cung kính hoan hỷ. Lúc
Đài Loan mới giải phóng, Hoà thượng đến Cao Hùng, tôi được hầu biệt với Ngài
tại chùa Nguyên Hanh nên có duyên đặc biệt với Ngài. Mỗi lần gặp, Ngài nhìn tôi
tươi cười, tôi cũng cười. Đó là vị Trưởng lão đầy đủ phong phạm của bậc cao
tăng đại đức, là Đạo Sư tâm linh của tín đồ Phật giáo, nên ai ai cũng mong được
đảnh lễ, thích được gần gũi, cúng dường.
Tuyệt nhiên chẳng phải vì Ngài có thần thông hay có tài
hùng biện, cũng không phải vì Ngài tuổi cao, mà chính là do đức độ tích luỹ bởi
công phu tu phước – tu đức – tu huệ của Ngài nên mới có sức cảm hoá đến như
vậy, - hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà được. Chỉ cần Ngài ở nơi nào thì Pháp
duyên nơi ấy hưng thạnh! Cũng có nhiều người nghe thanh danh Ngài hiếu kỳ mà
tìm đến, đó cũng là phước báo! Tôi thường nói với các đệ tử: “Đừng sợ không có
tín đồ, chỉ sợ mình không có phước báo và đạo đức. Như Hoà thượng Quảng Khâm
thì mọi người tự động đến cúng dường”.
Tôi thường phân tích: vì sao Hoà thượng có phước báu lớn
như vậy? Rồi phát hiện ra được mấy nguyên nhân: Một là Hoà thượng không tham cầu
danh lợi, và không tạp nhiễm chuyện thế tục cho nên không có “thị phi, phiền
não “. Lại nữa, Hoà thượng suốt đời không ngừng trì chú Đại Bi và niệm Phật cho
nên “ba nghiệp thân, khẩu, ý đều thanh tịnh”. Đã không thị phi phiền não; ba
nghiệp thanh tịnh thì thân tâm trang nghiêm, tinh thần sáng suốt, lúc nào cũng
mang trái tim từ bi của người xuất gia; cho nên chớ lấy làm lạ, lời nói của Hoà
thượng nhiều khi rất linh nghiệm. Ngôn ngữ thường ngày của Ngài đều là những
lời chân thật, không tác ý hư ngụy, không trau chuốt; bất kỳ ai đến thỉnh Pháp
nơi Ngài, Ngài chỉ nói vỏn vẹn một câu:”Thành tâm niệm Phật”
Thực ra các vị Thiện tri thức và các bậc Trưởng lão không
nhất thiết phải biết giảng kinh, nhưng thường thì chỉ cần một câu nói, một bài
kệ, thậm chí một tiếng hét, cũng đủ khiến cho chúng ta dứt trừ phiền não, như được
uống cam lộ! – mát mẻ, an nhiên, tiêu trừ ảo giác, khai mở Phật trí, thọ dụng
suốt đời không hết.
Có khi chẳng cần lời nào, chỉ cần nhìn thấy đức tướng
trang nghiêm, pháp tướng từ tường của các Ngài tự nhiên chúng ta khởi lòng cung
kính, vui mừng mà phát tâm bồ đề. Cũng như khi chúng ta nhìn thấy tượng Phật
trang nghiêm tự nhiên trong lòng vui mừng, cung kính đảnh lễ mà không cần đến
thứ ngôn ngữ gì. Hoà thượng Quảng Khâm cần đến thứ ngôn ngữ gì. Hoà thượng
Quảng Khâm đức độ thấm nhuần quần chúng, ai ai cũng kính mến; bất luận là hạng
người cao quý giàu sang hay nghèo nàn thấp kém đều hướng về để được gần gủi bên
Ngài, tất cả đều được hoá độ như nhau, và đều vô cùng hoan hỷ. Một Thiện tri
thức có khả năng hoá độ muôn ngàn chúng sinh! Hẳn thấy rõ sự trụ thế của bậc
Trưởng lão Đại đức như Ngài là phước báo của chúng sanh, là hạnh vận của Giáo
Hội. Thiện tri thức là bảo vật của Phật giáo, Thiện tri thức nhập diệt quả thật
là sự tổn thất vô cùng lớn lao cho Phật giáo vậy!
Điều làm cho người ta không hình dung nổi là chùa Diệu
Thông được xây cất ở một nơi không thuận tiện cho việc giao thông, thế mà chỉ
trong 3 năm Ngài độ gần cả trăm thanh niên trí thức xuất gia làm đệ tử Ngài, sự
kiện này làm cho mọi người không thể nghĩ bàn.
Lần này chùa Diệu Thông tổ chức Giới Đàn, rất nhiều người
bảo rằng Hoà thượng nói truyền giới xong Ngài đi, nếu muốn thọ giới với Hoà
thượng thì hãy “thọ” nhanh lên, bằng không thì chẳng được kết nhân duyên với
Ngài! Cũng có người cho đây là lời tuyên truyền.
Kết quả, đúng vào lúc 2 giờ chiều ngày mồng 5 tháng giêng
Hoà thượng viên tịch. Nào ai nghỉ tới, một thân thể đang lành mạnh như vậy mà
lại ra đi mau như thế! thật là điều “bất khả tư nghị”
Ngài vốn không chú trọng việc ăn việc mặc và nơi ở, nhưng vào cuối đời vẫn còn
quan tâm xây dựng hai Đạo tràng lớn tại miền Nam và miền Bắc, sắp đặt việc tu
hành cho các nam nữ đệ tử yên tâm học đạo, đó chính là tấm lòng nhân ái của
Ngài đối với đệ tử. Đạo tràng đã dựng xong, giới pháp đã truyền xong, đại
nguyện hoàn thành, Ngài ra đi không chút vấn vương, trở ngại.
Từ khi Giới Đàn hoàn mãn, Hoà thượng đóng cửa ẩn tu không còn tiếp chúng, ngầm
tỏ ý rằng duyện độ chúng đã chấm dứt, sắp nhập cảnh giới Niết-bàn. Trong thời gian
này Ngài bảo với các đệ tử là muốn đi Đài Bắc xem chùa Thừa Thiên ở Thổ Thành
thế nào, cho nên trước tết âm lịch Ngài trở lại chùa Thừa Thiên bàn giao những
công việc trọng yếu cho các đệ tử, đồng thời sắp xếp các việc hậu sự cho mình.
Hoà thượng ở chùa Thừa Thiên vài ngày, sau đó trở về chùa Diệu Thông miền Nam
vào dịp Tết. Đó chẳng phải là:
“Sắp đến lúc lâm chung, biết lúc nào lâm chung đến” hay
sao?
Như thế, quý vị không cho rằng Ngài có thần thông chăng?
Trứơc khi lầm chung Ngài dạy các đệ tử rằng: “Không đến cũng
không đi, chẳng có việc gì “. Đối với vấn đề sống chết Ngài chẳng chút quan ngại,
ấy là công phu chứng đắc: đến đi an nhiên, giữ cũng được buông cũng xong, giải
thoát tự tại. Tôi từng chứng kiến có người sắp chết khóc lóc, đau khổ, bi ai,
khởi sinh vô minh. Quả là cảnh giới bất đồng, Thánh phàm khác biệt.
Trưởng lão Hoà thượng đã đi rồi! Còn vị Cao tăng Đại đức nào làm mô phạm Đạo sư
tâm linh cho hàng đệ tử nương theo?
Một bậc Cao Tăng trụ thế là phước cho Phật giáo, một bậc
Đại đức viên tịch là nỗi đau buồn, là điều bất hạnh cho đạo Phật và chúng sinh.
Hoà thượng Quảng Khâm đã ra đi, khấn cầu Ngài vì tâm nguyện mà trở lại; nguyện
cầu Phật giáo có thêm nhiều vị Cao tăng Đại đức trụ thế cho Phật Pháp hưng
thịnh. Nguyện cầu chư Bồ-Tát quay thuyền từ trở lại cứu độ chúng sinh; La Hán
Thánh Tăng hiện thân Sa-môn trụ thế cho trang nghiêm Tam Bảo, -- ấy là Từ Quang
của Phật Tổ mãi mãi soi sáng trần gian; Cam lộ Chánh Pháp thấm nhuần khắp cõi
chúng sinh, - ấy là hạnh vận vô cùng cho Phật giáo.
Từ Ân Tự, ngày 24/05/1975
Thích Khai Chứng
Nam-mô A-Di-Đà Phật