(Trích từ Nguyệt san Liên hợp số 54)
Do hoàn cảnh hạn chế mà ở Đài Loan
số người xuất gia không nhiều. Theo lệ mỗi năm một ngôi chùa tổ chức Giới đàn
một lần. Trước hết phải xin phép Giáo hội Phật giáo Trung ương rồi chuyển lên
Bộ Nội Chính phê duyệt, sau đó các chùa lần lượt tổ chức Giới đàn.
Cuối năm 1985 đến lượt chùa Thừa
Thiên, huyện Thổ Thành, Đài Bắc tổ chức Giới đàn, nhưng vì chùa không đủ điều
kiện vật chất cho một số lớn giới tử đến thọ giới nên phải chuyển sang phân
viện của chùa Thừa Thiên là chùa Diệu Thông ở huyện Cao Hùng tổ chức.
Lần này giới tử đến thọ giới ở chùa
Diệu Thông khoảng 2700 người, trong đó chúng xuất gia khoảng 500 người. Trong
thời gian truyền giới người lên núi rất đông nên đa số giới tử phải ngủ trong
những lều vải dựng tạm. Mỗi ngày có tới hai ba chục chiếc xe du lịch chở đầy
tín chúng lên núi lễ bái. Sau khi Đài Loan giải phóng, bắt đầu từ năm 1952 chùa
Đại Tiên trên núi Quan Tử là chùa đầu tiên tổ chức Giới đàn, đến nay đã được 34
năm.
Giới đàn lần này đông người nhất.
Nguyên nhân chính là vì có một bậc đại đức cao tăng của thời đại - Hoà thượng
Quảng Khâm – lần đầu tiên truyền giới. Tín chúng vì muốn gần gủi với Ngài Quảng
Khâm, mong được Hoà thượng truyền giới cho, do đó mà giới đàn mới long trọng
như vậy.
95 tuổi tinh thần vẫn minh mẫn sáng
suốt
Đại lão Hoà thượng Quảng Khâm người
đất Huệ An, huyện Chương Châu tỉnh Phúc Kiến, năm nay 95 tuổi, răng chẳng còn
cái nào, đỉnh đầu gồ lên, hai bên đỉnh lõm xuống như rãnh, đôi mắt đỏ tím sáng
ngời khiến ai cũng không dám nhìn thẳng. Ngài mắt rất tinh tai rất thính, bước
đi thanh thoát nhẹ nhàng. Trong thời gian truyền giới mỗi ngày Ngài đều ngồi
trên chiếc ghế mây cho tín chúng đảnh lễ; có lúc Ngài khoát tay bảo họ đứng dậy
đi “thọ trai”, Ngài thì chỉ dùng nước trái cây hoặc sữa. Khi lên xuống cầu
thang, Ngài không muốn cho ai dìu đỡ mình; nhiều khi giống như một cậu bé tự
quyết làm nư đứng trên đầu bậc thềm giương mắt nhìn người, như thách thức ai
dám tới nâng đỡ, đợi thị giả rụt tay Ngài mới tự bước xuống các bậc cấp một
cách nhanh nhẹn nhẹ nhàng.
Trong số tín chúng tới đảnh lễ
Ngài, có người đến để sám hối, vừa trông thấy Ngài họ tủi thân khóc ròng; có
người đến cầu gia hộ, đem tràng hạt để trước mặt Ngài xin Ngài trì chú cho tăng
thêm tín tâm niệm Phật; cũng có người đến xin trị bệnh hoặc đến thỉnh cầu Ngài
chỉ dạy. Kẻ đến trị bệnh thì mang nước trong đến xin Ngài trì chú Đại bi vào
đó. Như ai nấy đều biết, nước chú Đại bi trong chùa lúc nào cũng sẵn có, nhưng
họ vẫn cứ muốn xin Ngài trì chú thêm lần nữa mới yên tâm. Những điều mà tín
chúng xin Hoà thượng chỉ dạy thường thì họ có thể tự mình giải quyết được,
nhưng vẫn muốn đến trình bày để Ngài chứng minh.
Trong thời gian truyền giới, mỗi
ngày tín chúng được 20 – 30 chiếc xe du lịch chở đến. Hoà thượng ngồi trên ghế
mây, suốt ngày tiếp xúc các đoàn khác nhau, trước sau Ngài vẫn không lộ vẻ mệt
mỏi. Lúc nào Ngài cũng trang nghiêm từ bi đối với mọi người khiến ai nấy đều
hết sức cảm động; họ từ xa xôi đến chỉ mong được nhìn thấy Hoà thượng. Điều duy
nhất đáng tiếc là Ngài nói không còn rõ tiếng, nhưng tín chúng vẫn hiểu được
lời Ngài. Mỗi lần khai thị Ngài nói ngắn gọn, chẳng chút rườm rà nhưng ngụ ý
thì rất sâu sắc.
Nghe nói Ngài chứng đạo từ lúc 55
tuổi, hoằng hoá đã 40 năm. Ngày tháng thoi đưa... ai theo Ngài đã thọ lãnh được
gì? và Ngài đã ban cho ai những gì? Nói theo nhà Phật: “Như người uống nước,
nóng lạnh tự hay”. Một ngày nào đó Ngài cũng phải ra đi, và cái ngày ấy mỗi lúc
càng gần.
Có người lo lắng Hoà thượng Quảng
Khâm trụ thế không lâu, nhưng chẳng biết có ai lo lắng mình không chịu tinh tấn
tu hành?
Nhập định 4 tháng suýt bị lửa thiêu
Có rất nhiều truyền tụng về sự tu
khổ hạnh và những linh ứng liên quan đến Hoà thượng Quảng Khâm. Sự kiện mà mọi
người thích thú kể lại là lúc Ngài 42 tuổi một thân một mình tu khổ hạnh suốt
13 năm trong động núi Thanh Nguyên, tỉnh Phúc Kiến. Ngày ngày ngồi thiền, từng
bị mãnh hổ quấy nhiễu nhưng rồi hổ bị khuất phục bởi đức độ của Ngài. Người dân
Phúc Kiến gọi Ngài là “Hòa thượng phục hổ” chứ không gọi tên.
Ở trong động, Hoà thượng chỉ sống
nhờ vào 5 – 6 cân củ rễ cây. Khi Ngài nhập thiền rồi, chuyện gì xảy ra cũng
chẳng chú ý, xuất định xong mới cắt một mảnh củ rễ cây ăn, tự cho là mình “đánh
lừa bao tử”. Ăn no lại vùi củ xuống đất, trở lại nhập định, khi xuất định thì củ
rễ đã mọc ra thêm một khối; cứ xoay vần như thế, củ rễ cây chẳng bao giờ cạn
kiệt. Có lần Ngài nhập định quá lâu, ước chừng 4 tháng, các tiều phu lầm tưởng
rằng Hoà thượng đã vãnh sanh, vội vàng thông báo về chùa. Sư trụ trì vội dẫn đệ
tử đến và bảo người chuẩn bị củi lửa để hoả táng. Nhưng trước một sự tình như
vậy đâu dám bất cẩn vội vàng, Sư trù trì thận trọng viết thư thỉnh cao tăng Hoằng
Nhất Đại Sư đến giám định sanh tử. Lúc bấy giờ Đại Sư Hoằng Nhất đang hoằng
pháp tại chùa Vĩnh Xuân, Phúc Kiến; hay tin Ngài lập tức chỉ thị không được
vọng động làm liều.
Sau khi đến nơi quan sát xung quanh
chỗ Ngài Quảng Khâm tham thiền, Đại Sư thốt lời tán thán: “Cảnh định như vầy,
ngay các bậc Đại Đức xưa nay cũng hiếm có!” Tiếp đó Đại Sư khẻ búng ngón tay ba
lần trước mặt Hoà thượng, chỉ một lát sau Hoà thượng xuất định và hội kiến với
mọi người.
Đại Sư Hoằng Nhất thấy Ngài Quảng
Khâm đã xuất định, vội tỏ lời xin lỗi, sau đó dẫn chúng xuống núi. Thế là Đại
sư đã kịp thời ngăn tránh cho Hoà thượng khỏi kiếp nạn hỏa thiêu.
Sau 13 năm tu khổ hạnh, Hoà thượng
Quảng Khâm thấy rằng làm người tự giác vẫn chưa đủ, phải xuống núi hoằng hoá
quảng độ quần mê, lúc đó Ngài 55 tuổi. Hai năm sau, tự biết có nhân duyên với
tín đồ Phật giáo Đài Loan; từ Trung Quốc Đại Lục Ngài vượt biển qua Đài Loan,
cập bến cảng Cơ Long. Lúc đầu Ngài tạm trú trong một ngôi nhà kiểu Nhật bỏ
trống gần nghĩa trang Không Quân Tân Điếm, sau đó đến một vách núi nằm bên con
đường sau Tân Điếm, đục đá làm thành động Quảng Minh -- tức chùa Quảng Minh
ngày nay. Rồi gần đấy Ngài tạc đá thành một tượng Phật A-Di-Đà, lập ra chùa
Quảng Chiếu, hiện nay trên vách đá vẫn còn hàng chữ “Thích Quảng Khâm xướng
kiến” (Thích Quảng Khâm đề xướng xây dựng).
Năm 1952 Ngài rời Tân Điếm trở về
với cuộc sống ẩn tu, tìm được ở núi Phước Sơn (Thổ Thành) một động đá thiên
nhiên -- nay là Động Nhật Nguyệt – và ngồi thiền trong đó. Vì động nằm trên
đỉnh núi nên trước giờ không có nước; nhưng từ sau khi Ngài vào ngồi thiền thì
trong động nước chảy ra thành giọt, trong mát và ngọt miệng, thế là vấn đề nước
uống được giải quyết. Cho đến bây giờ dòng nước nơi đây vẫn chảy quanh năm bất
tuyệt. Hiện nay thầy Đạo Nhất đệ tử hàng cháu của Ngài đang thường trú.
Vào năm 1955, các nữ phật tử ở Bản
Kiều mua một hòn núi ở Thổ Thành – vị trí Thừa Thiên Thiền Tự hiện nay – cúng
dường Ngài, trước kia người ta gọi nó là Núi lửa. Hoà thượng kết tre thành
sàng, ngày ngày ngồi thiền trên đó, đêm khuya vẫn ngồi ngoài trời. Sáng sớm
chung quanh đẵm ướt sương mai, nhưng theo như người ta kể lại thì chỉ riêng chỗ
Ngài ngồi là khô ráo mát mẻ.
Sau khi Phật nhập diệt, lấy giới
làm Thầy
Truyền giới là truyền “Tam đàn cụ
túc giới” cho người xuất gia, và “Ngũ giới, Bồ-tát giới “cho người tại gia. Tam
đàn đại giới gồm có đàn thứ nhất là Giới sa-di và sa-di-ni; đàn thứ hai là Giới
tỳ-kheo; đàn thứ ba là giới Bồ-tát. Mỗi người xuất gia phải trải qua ba giai
đoạn thọ giới ấy, do giới sư lần lượt truyền thụ trong giới kỳ. Do vậy mà gọi
là “Tam đàn đại giới”. Sa-di và tỳ-kheo là chỉ người nam xuất gia; sa-di-ni và
tỳ-kheo-ni chỉ người nữ xuất gia. Người xuất gia thọ giới sa-di rồi mới thọ
giới tỳ-kheo, đối với sa-di-ni cũng vậy; riêng giới Bồ-tát thì nam hay nữ đều
thọ được
Các thiện nam tín nữ tại gia thọ
Ngũ giới và Bồ-tát giới tùy theo phát nguyện. Người thọ ngũ giới phải tuân thủ:
không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu;
nhưng có thể ăn tam tịnh nhục (ấy là ba loại thịt chúng sinh mà mình không thấy
giết, không vì mình mà giết, không tự mình giết lấy; tuy nhiên khi đã thọ giới
Bồ-tát rồi phải ăn chay hoàn toàn và ngoài giữ 5 giới ra còn giữ thêm 28 giới
nữa.
Người xuất gia thọ giới phải đủ 32
ngày mới hoàn mãn, người tại gia thọ giới theo nguyên chế là 7 ngày, về sau vì
số người đông nên đổi thành 5 ngày và phân làm hai giai đoạn; đồng thời phải
phát tâm về sau cũng phải giữ giới. – sự việc có thể nói tương đối không giản
dị.
Việc truyền giới có ý nghĩa gì đặc
biệt?
Nguyên là khi Đức Phật Thích Ca sắp
Niết–Bàn, các đệ tử lo âu không còn chỗ nương tựa mới xin Ngài chỉ dạy, hỏi: “Sau
khi Thế Tôn viên tịch, lấy ai làm Thầy?” Đức Phật dạy: “Phải lấy giới làm Thầy”.
Do đó truyền giới cũng như truyền lại quy củ và lời giáo huấn của Đức Phật.
Trước hết phải giữ quy củ và giáo huấn ấy, rồi mới có thể học theo Phật.
Trong kinh có ghi chép một chuyện
cổ như sau: Xưa kia có một người ngoại đạo muốn phá hoại Phật pháp, nêu ra rất
nhiều điều xấu xa, đức Thích Ca thản nhiên bảo rằng: “Phật pháp không thể bị
phá hoại”. Cuối cùng người ngoại đạo nói: “Ta sẽ giả danh làm đệ tử của ông,
mặc y phục giống hệt như họ, nhưng không làm theo đạo ông” Đức Phật nghe vậy
không cầm được nước mắt nói rằng: “Nếu đúng như thế thì ta cũng chẳng còn biện
pháp nào!”.
Phật pháp cần dựa vào giới luật mà
tồn tại. Nếu người xuất gia mà không giữ giới thì có khác gì người ngoại đạo
kia, cũng giống như “trùng trên thân sư tử tự nuôi sống bằng thịt sư tử”. Trước
đã có người đề nghị nên giảm bớt giới luật cho hàng xuất gia, thậm chí kiểu như
các hoà thượng Nhật Bản có thể lấy vợ, như thế số người xuất gia sẽ tăng rất
nhanh, nhưng đề nghị này không được chấp nhận.
Phật giáo Đài Loan khi truyền giới
hoàn toàn không có thành kiến về gốc gác. Phật tử đến từ khắp nơi, không cùng
quy y một Thầy, môn phái y chỉ khi xuất gia cũng khác nhau. Nhưng chùa nào tổ
chức truyền giới cũng phải theo đơn xin mà thu nhận; thậm chí có người trước đã
thọ giới rồi mà muốn thọ giới lần nữa chùa cũng không được từ chối, đây gọi là “tăng
ích giới”, ấy cũng là cơ hội để giới tử ôn lại giới pháp. Nếu như đem tinh thần
đoàn kết trong kỳ giới đàn phát huy thêm nữa thì Phật giáo Đài Loan sẽ có được
một gương mặt mới.
Khi truyền giới, việc làm cho người
ta chú ý nhất là đốt “sẹo giới” (giới ba). Bất luận là chúng tại gia hay chúng
xuất gia, thông thường ai cũng muốn được đốt “sẹo giới” mới cảm thấy viên mãn.
Chúng xuất gia thì đốt trên đầu, chúng tại gia đốt trên cánh tay trái. Đốt bằng
loại hương nhang (nhiên) đặc chế.
Phẩm Bồ–Tát Giới Bổn trong kinh
Phạm Võng của Đại thừa có ghi rằng: “Nếu không đốt thân, cánh tay, ngón tay
cúng dường chư Phật thì không phải là Bồ-tát xuất gia”. Nghi thức đốt “sẹo
giới” là từ trong kinh này mà ra.
Hiện nay, khi truyền giới vẫn xem
việc đốt “sẹo giới” là sự kiện quan trọng. Nếu như giới tử đem việc này để khoe
khoang với người mà không giữ giới trong tâm, sẽ làm mất đi ý nghĩa chân thật
của nó. Trong thực tế, có những sư phụ đốt cho đệ tử mà bản thân mình không đốt,
tuy vậy sự tu trì của họ không có gì phải hoài nghi.
Cái gọi là “đốt thân, cánh tay,
ngón tay cúng dường chư Phật” có ý nghĩa rằng “toàn tâm toàn ý quy y chư Phật”.
Nếu chỉ giải thích đơn thuần theo nghĩa đen của văn tự, e rằng có người không
đồng ý.
(Hiện nay
không thấy hoặc nghe nói có sư phụ nào đốt “sẹo giới”
cho đệ tử mà bản thân mình không đốt –
Lời người viết).