Phần
1. Cuộc đời Đức Phật
1. Cuộc đời đức Phật
204. ‘Kinh La Ma’
Ta trước kia khi chưa chứng Vô thượng Chánh
đẳng chánh giác cũng suy nghĩ như vầy, ‘Ta thực sự lệ thuộc tật bệnh,
không bỏ tìm cầu sự tật bệnh. Ta thực sự lệ thuộc già, chết, sầu bi ưu
não, tạp uế, nhưng không bỏ tìm cầu cái không già, không chết, không
sầu bi ưu não, không tạp uế. Vậy ta có nên tìm cầu cái không bệnh, vô
thượng an ổn Niết-bàn. Tìm cầu cái không già, không chết, không sầu bi
ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn chăng?
“Ta vào thời thiếu niên trong trắng, mái tóc
xanh mướt, cho đến thời tráng niên năm hai mươi chín tuổi, bấy giờ
sống cực kỳ hoan lạc, vui đùa, trang sức, du hành. Ta vào lúc ấy mặc dù
cha mẹ khóc lóc, thân thuộc không ai vui, nhưng Ta cạo bỏ râu tóc, mặc
áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, để học đạo;
thủ hộ thân mạng thanh tịnh, thủ hộ khẩu và ý mạng thanh tịnh. Ta đã
thành tựu giới thân ấy rồi, lại muốn tìm cầu sự không bệnh, vô thượng
an ổn Niết-bàn; sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không
tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn, cho nên lại tìm nơi A-la-la Già-la-ma
(Pāli: Ālāra Kālāma), hỏi rằng, ‘Thưa
A-la-la, tôi muốn theo pháp của người để tu học phạm hạnh được chăng?’
A-la-la trả lời rằng, ‘Này Hiền giả, không có gì là không được. Hiền
giả muốn hành thì hành’. Ta lại hỏi, ‘Người làm thế nào để tự tri, tự
giác, tự tác chứng pháp này?’ A-la-la đáp, ‘Ta vượt qua tất cả thức xứ,
đạt được vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ. Do đó, pháp của ta được tự
tri, tự giác, tự tác chứng’. Ta lại suy nghĩ như vầy, ‘Không chỉ riêng
A-la-la mới có niềm tin này. Ta cũng có niềm tin này. Không chỉ riêng
A-la-la mới có tinh tấn này, Ta cũng có sự tinh tấn này. Không chỉ
riêng A-la-la mới có tuệ này, Ta cũng có tuệ này’. A-la-la đối với pháp
này đã tự tri, tự giác, tự tác chứng. Ta muốn chứng pháp này nên sống
cô độc, viễn ly, tại một nơi trống vắng, yên tĩnh. Sau khi tâm không
phóng dật, tu hành tinh cần, không bao lâu Ta chứng pháp ấy. Sau khi
chứng pháp ấy rồi, Ta lại tìm đến chỗ A-la-la Già-la-ma, hỏi rằng,
‘Thưa A-la-la, phải chăng pháp này được tự tri, tự giác, tự tác chứng,
nghĩa là vượt qua tất cả vô lượng thức xứ, đạt được vô sở hữu xứ, thành
tựu an trụ?’ A-la-la trả lời Ta rằng, ‘Hiền giả, đó là pháp ta tự tri,
tự giác, tự tác chứng, nghĩa là vượt qua tất cả vô lượng thức xứ, đạt
được vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ’. A-la-la lại nói với Ta rằng,
‘Hiền giả, ấy là cũng như sự tác chứng của ta đối với pháp này, Hiền
giả cũng vậy. Cũng như sự tác chứng của Hiền giả đối với pháp này, ta
cũng vậy. Hiền giả, người hãy đến đây, cùng ta lãnh đạo đồ chúng này’.
Đó là A-la-la đối xử với Ta với địa vị Tôn sư, coi Ta ngang hàng, tối
thượng cung kính, tối thượng cúng dường, tối thượng hoan hỷ.
“Ta lại suy nghĩ như vầy, ‘Pháp này không đưa
đến trí; pháp này không đưa đến giác, không đưa đến Niết-bàn. Vậy Ta
hãy xả bỏ pháp này, để cầu thêm nữa, sự không bệnh, vô thượng an ổn
Niết-bàn; tìm cầu sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không
tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn’. Ta bèn bỏ pháp này đi tìm cầu sự
không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn.
“Rồi Ta đi đến chỗ Uất-đà-la La-ma Tử (Pāli: Udduka Rāmaputta), hỏi rằng, ‘Thưa Uất-đà-la, tôi muốn ở trong pháp của người
mà học hỏi, có thể được chăng?’ Uất-đà-la La-ma Tử trả lời Ta rằng,
‘Hiền giả, không có gì là không được. Người muốn học thì học’. Ta lại
hỏi, ‘Thưa Uất-đà-la, cha ngài là La-ma (Rāma), người tự tri, tự giác, tự tác chứng pháp gì?’ Uất-đà-la
La-ma Tử đáp, ‘Hiền giả, ta vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, đạt được phi
hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thành tựu an trụ. Hiền giả, pháp mà cha ta
La-ma tự tri, tự giác, tự tác chứng, là pháp này’. Ta lại suy nghĩ như
vầy, ‘Không chỉ riêng La-ma mới có niềm tin này, Ta cũng có niềm tin
này. Không chỉ riêng La-ma mới có sự tinh tấn này, Ta cũng có sự tinh
tấn này. Không chỉ riêng La-ma mới có tuệ này, Ta cũng có tuệ này.
La-ma đã tự tri, tự giác, tự tác chứng pháp này, tại sao ta lại không tự
tri, tự giác, tự tác chứng pháp này?’ Vì Ta muốn chứng pháp này, cho
nên sống cô độc tại một nơi xa vắng, không nhàn, yên tĩnh, tâm không
phóng dật, tu hành tinh cần. Sau khi Ta sống cô độc, viễn ly, tại một
nơi trống vắng, yên tĩnh, không bao lâu chứng được pháp ấy. Khi chứng
pháp ấy rồi, Ta lại đến Uất-đà-la La-ma Tử hỏi rằng, ‘Thưa Uất-đà-la
La-ma Tử, cha ngài là La-ma, phải chăng pháp này được tự tri, tự giác,
tự tác chứng, nghĩa là vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, đạt được phi hữu
tưởng, phi vô tưởng xứ, thành tựu an trụ?’ Uất-đà-la La-ma Tử trả lời Ta
rằng, ‘Hiền giả, cha ta là La-ma, đây là pháp được tự tri, tự giác, tự
tác chứng, nghĩa là vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, đạt được phi hữu
tưởng, phi vô tưởng xứ, thành tựu an trụ’. Uất-đà-la lại nói với Ta
rằng, ‘Cũng như cha ta tác chứng pháp này, Hiền giả cũng vậy. Cũng như
Hiền giả tác chứng pháp này, cha ta cũng vậy. Hiền giả hãy đến đây cùng
ta lãnh đạo đồ chúng này’. Uất-đà-la đối xử với Ta ngang địa vị Tôn
sư, coi Ta cũng như bậc Tôn sư, tối thượng cung kính, tối thượng cúng
dường, tối thượng hoan hỷ. Ta lại suy nghĩ như vầy, ‘Pháp này không đưa
đến trí, không đưa đến giác, không đưa đến Niết-bàn. Vậy Ta hãy xả bỏ
pháp này để đi tìm cầu thêm nữa, sự không bệnh, vô thượng an ổn
Niết-bàn; tìm cầu sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không
tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn’. Ta liền xả bỏ pháp ấy để đi tìm cầu
sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn; tìm cầu sự không già, không
chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn.
“Rồi Ta đi về phía nam núi Tượng đỉnh (Pāli: Gayāsisa),
đến tại Uất-bệ-la (Pāli: Uruvelā),
một ngôi làng của Phạm chí tên gọi là Tư na (Pāli: Senā), đây là một khoảng đất xinh xắn, khả ái, núi
rừng sầm uất, sông Ni-liên-thuyền (Pāli: Nerañjarā)với dòng nước trong xanh chảy lên bờ. Ta thấy
khoảnh đất ấy bèn nghĩ rằng, ‘Nếu một thiện nam tử muốn học đạo, nên ở
nơi này mà học, Ta cũng học đạo; vậy Ta hãy ở nơi này mà học. Rồi Ta ôm
cỏ đến cây giác thọ (cây bồ-đề).
Đến nơi, Ta rải cỏ xuống, trải ni-sư-đàn lên và ngồi kiết già, kỳ hạn
sẽ không rời khỏi chỗ ngồi cho đến khi nào chứng đắc Lậu tận. Và Ta
không rời khỏi chỗ ngồi cho đến khi chứng đắc Lậu tận.
“Ta tìm cầu sự không bệnh, vô thượng an ổn
Niết-bàn, liền đạt được sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn. Tìm
cầu sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô
thượng an ổn Niết-bàn. Liền đạt được sự không già không chết, không ưu
bi sầu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn, sanh tri, sanh
kiến, định đạo phẩm pháp, ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần
làm đã làm xong, biết như thật không còn tái sanh nữa’.
“Khi Ta vừa chứng Vô thượng Chánh đẳng chánh
giác, liền nghĩ như vầy, ‘Ta sẽ thuyết pháp cho ai trước nhất?’ Rồi Ta
lại nghĩ rằng, ‘Ta có nên đi đến thuyết pháp cho A-la-la Già-la-ma
trước chăng?’
“Lúc bấy giờ có Thiên thần trụ trong hư không
nói với Ta rằng: “Đại Tiên nhân, xin biết cho, A-la-la Già-la-ma vừa
mạng chung đến nay đã được bảy ngày’. Ta cũng tự biết A-la-la Già-la-ma
đã mạng chung được bảy ngày. Ta lại nghĩ như vầy, ‘A-la-la Già-la-ma,
thiệt thòi thay cho người ấy, không nghe được pháp này. Nếu được nghe
pháp này, người ấy sẽ nhanh chóng biết rõ pháp tùy pháp.
“Khi Ta vừa chứng Vô thượng Chánh đẳng chánh
giác, liền nghĩ như vầy, ‘Ta sẽ thuyết pháp cho Uất-đà-la La-ma Tử
trước nhất chăng?” Thiên thần lại trụ trong hư không nói với Ta rằng,
‘Đại Tiên nhân, xin biết cho, Uất-đà-la La-ma Tử mạng chung đến nay đã
hai tuần thất’. Ta cũng tự biết Uất đầu la La-ma Tử mạng chung đã hai
tuần thất. Ta lại nghĩ như vầy, ‘Uất-đà-la La-ma Tử thiệt thòi thay cho
người ấy, không nghe được pháp này. Nếu nghe được pháp này, người ấy
sẽ nhanh chóng biết rõ pháp tùy pháp’.
“Khi Ta vừa chứng Vô thượng Chánh đẳng chánh
giác, Ta liền suy nghĩ như vầy, ‘Ta sẽ thuyết pháp cho ai trước nhất?’
Rồi Ta lại nghĩ rằng, ‘Xưa kia, năm Tỳ-kheo theo hầu hạ Ta, giúp Ta
nhiều điều hữu ích. Khi Ta tu hành khổ hạnh, năm Tỳ-kheo ấy đã thừa sự
Ta, nay Ta có nên thuyết pháp cho năm Tỳ-kheo trước kia chăng?’ Rồi Ta
lại nghĩ rằng, ‘Năm Tỳ-kheo thuở xưa ấy, bây giờ đang ở đâu?’ Bằng
thiên nhãn thanh tịnh vượt hẳn người thường, Ta thấy năm Tỳ-kheo đang ở
tại Ba-la-nại (Pāli:
Bārāṇasi Isipatanaṃ Migadāyo), Tiên nhân trú xứ, trong vườn Lộc giả.
“Ta tùy thuận trụ dưới gốc cây Giác thọ. Sau
đó Ta thu vén y, ôm bát đi về Ba-la-nại, đến đô ấp Gia-thi . Bấy giờ Dị
học Ưu-đà (Pāli:
Upaka), từ xa trông thấy Ta đi đến, bèn nói
với Ta rằng, ‘Hiền giả Cù-đàm, các căn thanh tịnh, hình sắc thù diệu,
khuôn mặt ngời sáng. Hiền giả Cù-đàm, ai là Tôn sư? Theo ai học đạo?
Tin tưởng pháp của ai?’ Lúc bấy giờ Ta liền nói bài kệ để trả lời Ưu-đà
rằng:
Ta tối thượng,
tối thắng;
Nhiễm trước
pháp đã trừ;
Giải thoát, ái
diệt tận;
Tự giác, ai tôn
sư?
Bậc Vô đẳng,
Đại hùng,
Tự giác, Vô
thượng giác,
Như Lai, Thầy
thiên, nhơn,
Biến tri, thành
tựu lực.
“Ưu-đà hỏi
rằng: “–Hiền giả Cù-đàm tự cho là tối thắng chăng?”
“Ta lại nói bài
kệ trả lời rằng:
Đấng Tối thắng
như vậy
Các lậu đã tận
trừ.
Ta sát hại ác
pháp,
Nên tối thắng
là Ta.
“Ưu-đà lại hỏi
Ta rằng: “–Hiền giả Cù-đàm, bấy giờ muốn đi về đâu?”
“Bấy giờ Ta nói
bài kệ rằng:
Ta đến
Ba-la-nại,
Dóng trống diệu
cam lồ,
Chuyển pháp
luân vô thượng
Chưa ai chuyển
trong đời.
“Ưu-đà lại nói
với Ta rằng: “Hiền giả Cù-đàm, hoặc có thể là như vậy.”
“Rồi vị ấy bước
sang con đường tắt mà đi trở lui.
“Ta một mình đi đến Tiên nhân trụ xứ, trong
vườn Lộc dã. Bấy giờ năm Tỳ-kheo từ xa trông thấy Ta đi đến, ai cũng
lập giao ước với nhau rằng, ‘Chư Hiền, nên biết đó là Sa-môn Cù-đàm
đang đi đến. Người ấy đa dục, đa cầu, ăn với loại ẩm thực thù diệu,
bằng cơm gạo trắng ngon lành, cùng với bột, tô, mật, và bôi xoa thân
thể bằng dầu mè nay lại đến đây. Các người cứ ngồi. Chớ nên đứng dậy
đón tiếp, cũng đừng làm lễ. Dành sẵn cho một chỗ đó, nhưng đừng mời
ngồi, hãy nói rằng ‘Nếu bạn muốn ngồi, xin cứ tùy ý’. Rồi Ta đi đến chỗ
năm Tỳ-kheo. Bấy giờ năm Tỳ-kheo không kham nổi uy đức tối thắng thù
diệu của Ta, tức thì rời chỗ ngồi đứng dậy, người thì ôm y bát của Ta,
người thì trải chỗ ngồi, người thì lấy nước cho Ta rửa chân. Ta nghĩ
rằng, ‘Những người ngu si này sao lại không bền chí, đã tự mình thiết
lập điều ước hẹn, rồi lại làm trái điều giao hẹn’. Ta biết như vậy rồi
bèn ngồi trên chỗ ngồi mà năm Tỳ-kheo đã dọn sẵn. Khi ấy năm Tỳ-kheo
gọi thẳng tên họ Ta và xưng hô với Ta là “Bạn”.
“Ta nói với họ rằng, ‘Ta là Như Lai, Vô Sở
Trước, Đẳng Chánh Giác, các người đừng gọi thẳng tên họ Ta, cũng đừng
gọi Ta là ‘Bạn’. Vì sao vậy? Ta vì tìm cầu sự không bệnh, vô thượng an
ổn Niết-bàn, và đạt được sự không bệnh, vô thượng an ổn Niết-bàn. Ta
tìm cầu sự không già, không chết, không sầu bi ưu não, không tạp uế, vô
thượng an ổn Niết-bàn, và đạt được sự không già, không chết, không sầu
bi ưu não, không tạp uế, vô thượng an ổn Niết-bàn. Đã sanh tri, sanh
kiến, định đạo phẩm pháp, ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần
làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Họ nói với Ta rằng: “–Này bạn
Cù-đàm, trước kia bạn hành như vậy, đạo tích như vậy, khổ hạnh như vậy
mà còn chưa chứng được pháp thượng nhân, gần kề với Thánh tri, Thánh
kiến, huống là ngày hôm nay đa dục, đa cầu, ăn với thực phẩm thù diệu
với gạo trắng ngon lành, cùng với bột, tô, mật, bôi xoa thân thể bằng
dầu mè chăng?
“Ta lại nói rằng: “Này năm Tỳ-kheo, các ngươi
trước kia có bao giờ thấy Ta như vậy, với các căn thanh tịnh, rạng rỡ
sáng ngời chăng?
“Bấy giờ năm Tỳ-kheo lại trả lời với Ta rằng:
“Trước kia chúng tôi chưa từng thấy bạn với các căn thanh tịnh, rạng rỡ
sáng ngời. Này bạn Cù-đàm, nay bạn với các căn thanh tịnh, hình sắc
thù diệu khuôn mặt sáng ngời.
“Ta lúc ấy nói với họ rằng: “Này năm Tỳ-kheo, có hai lối sống cực
đoan mà những người học đạo không nên học. Một là đắm trước dục lạc,
nghiệp hèn hạ, là lối sống của phàm phu. Hai là tự gây phiền, tự gây
khổ, không phải là pháp Hiền Thánh, không tương ưng với cứu cánh. Này
năm Tỳ-kheo, xả bỏ hai cực đoan ấy, có con đường giữa, thành minh,
thành trí, thành tựu định, đạt đến tự tại, đưa đến trí, đưa đến giác,
dẫn đến Niết-bàn. Đó là tám con đường chân chánh, từ chánh kiến cho đến
chánh định là tám.
….đây là Khổ, biết như thật đây là Khổ tập,
biết như thật đây là Khổ diệt, đây là Khổ diệt đạo. Biết như thật đây
là lậu, đây là lậu tập, đây là lậu diệt, đây là lậu diệt đạo. Vị ấy
biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu
lậu, vô minh lậu. Giải thoát rồi biết mình đã giải thoát, biết như thật
rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong,
không còn tái sanh nữa’. Vị ấy bây giờ tự tại đi, tự tại đứng, tự tại
ngồi, tự tại nằm. Vì sao vậy? Vị ấy đã tự mình thấy rõ vô lượng pháp ác
bất thiện đã diệt tận. Cho nên, vị ấy tự tại đi, tự tại đứng, tự tại
ngồi, tự tại nằm….
2. Cuộc
sống của đức Phật trước khi xuất gia
117.
‘Kinh Nhu Nhuyến’
Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo: “Chính
Ta ngày trước ra đi xuất gia học đạo là ra đi từ chỗ ưu du, từ chỗ
thong dong nhàn nhã, từ đời sống cực kỳ êm dịu. Khi Ta còn ở nhà, phụ
vương Duyệt-đầu-đàn tạo cho Ta đủ thứ cung điện; cung điện để ở vào mùa
Xuân, cung điện để ở vào mùa Hạ, cung điện để ở vào mùa Đông.
“Bởi Ta thích du ngoạn nên cách điện không xa,
người lại tạo không biết bao nhiêu là ao sen: ao hoa sen xanh, ao hoa
sen hồng, ao hoa sen đỏ, ao hoa sen trắng. Trong các ao đó trồng đủ các
loại hoa dưới nước: hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen đỏ và hoa sen
trắng. Nước luôn luôn đầy, hoa luôn luôn trổ, mà những người sai dịch
chăm sóc không thông suốt được hết.
“Bởi Ta thích du ngoạn nên trên bờ ao trồng
các loại hoa: hoa Tu-ma-na, hoa Bà-sư, hoa Chiêm-bặc, hoa Tu-kiền-đề,
hoa Ma-đầu-kiền-đề, hoa A-đề-mưu-đa, hoa Ba-la-đầu.
“Bởi Ta thích du ngoạn nên người sai bốn người
tắm rửa cho Ta. Tắm rửa cho Ta rồi lại xoa hương chiên-đàn đỏ vào khắp
thân Ta. Xoa hương vào thân Ta rồi lại khoác vào mình Ta chiếc áo lụa
thật mới. Trên, dưới, trong, ngoài đều mới mẻ. Suốt ngày đêm luôn luôn
cầm lọng che cho Ta, không để cho Thái tử đêm phải nhiễm sương, ngày bị
nắng háp.
“Như nhà dân thường được ăn đại mạch thô, cơm
gạo tẻ, cháo đậu, gừng, cho đó là đồ ăn bậc nhất, nhưng người sai dịch
thấp nhất của phụ vương Duyệt-đầu-đàn của Ta lại cho như vậy là rất dở,
chỉ ăn nếp trắng và hào soạn mới cho là đồ ăn bậc nhất.
“Lại nữa, nếu có cầm thú nơi đồng ruộng, loại
cầm thú ngon nhất như Đề-đế-la-hòa-tra, Kiếp-tân-xà-la, Hề-mễ-hà,
Lê-nê-xa, Thi-la-mễ. Các loại cầm thú nơi đồng ruộng, loại cầm thú ngon
nhất như vậy Ta thường được ăn.
“Ta nhớ khi xưa, lúc còn ở với phụ vương
Duyệt-đầu-đàn, suốt bốn tháng hạ, mỗi khi lên trên chánh điện đều không
có người nam; chỉ toàn là kỹ nữ để cùng vui chơi, không hề trở xuống.
“Rồi khi Ta muốn đến viên quán thì liền có ba
mươi danh kỵ thượng thặng được tuyển chọn với những hàng đại thuẫn đi
dẫn đường hộ tống trước sau, không kể những tiểu tiết khác.
“Ta có như ý túc đó và sự êm dịu cực kỳ này.
“Ta còn nhớ khi xưa, lúc Ta thăm ruộng, người
làm ruộng nghỉ ngơi trên đám ruộng, Ta đi đến dưới gốc cây Diêm-phù
ngồi kiết già, ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, hỷ lạc
do viễn ly sanh, chứng đắc được Sơ thiền, thành tựu và an trụ. Ta nghĩ
rằng: ‘Phàm phu ngu si không đa văn, tự có sẵn tật bệnh, không thoát
khỏi tật bệnh, nhưng thấy người tật bệnh thì ghê tởm, khinh bỉ, không
yêu, không thích, mà không tự quán sát mình’.
“Rồi Ta lại nghĩ: ‘Ta tự có sẵn tật bệnh,
không thoát khỏi tật bệnh. Nếu Ta thấy người tật bệnh mà ghê tởm, khinh
bỉ, không yêu, không thích, Ta không nên như vậy, vì Ta cũng có trường
hợp này’. Quán sát như vậy rồi thì tâm cống cao phát khởi do không có
tật bệnh liền tự tiêu diệt.
“Ta lại nghĩ rằng: ‘Phàm phu ngu si không đa
văn, tự có sẵn sự già, không thoát khỏi sự già, nhưng thấy người già cả
thì ghê tởm, khinh bỉ, không yêu, không thích, mà không tự quán sát
mình’.
“Rồi Ta lại nghĩ: ‘Ta tự có sẵn sự già,
không thoát khỏi sự già. Nếu Ta thấy người già cả mà ghê tởm, khinh bỉ,
không yêu, không thích, Ta không nên như vậy, vì Ta cũng có trường hợp
này’. Quán sát như vậy rồi thì tâm cống cao phát khởi do chưa đến tuổi
già liền tự tiêu diệt.
3. Đức
Phật được mô tả dưới góc độ thần thoại
32. ‘Kinh
Vị Tằng Hữu Pháp’
Bấy giờ, vào lúc xế chiều, Tôn giả A-nan rời
tĩnh tọa đứng dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, rồi
đứng qua một bên, thưa rằng: “Bạch Thế Tôn, con nghe rằng, Đức Thế Tôn vào thời
Phật Ca-diệp (Kassapa) bắt đầu phát
nguyện Phật đạo, tu hành phạm hạnh. Nếu Thế Tôn vào thời Phật Ca-diệp
bắt đầu phát nguyện Phật đạo, tu hành phạm hạnh; con xin thọ trì pháp
vị tằêng hữu ấy của Thế Tôn.
“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn vào thời Phật
Ca-diệp bắt đầu phát nguyện Phật đạo, tu hành phạm hạnh và sinh lên cõi
trời Đâu-suất (Tusita). Nếu Đức Thế Tôn vào thời
Phật Ca-diệp bắt đầu phát nguyện Phật đạo, tu hành phạm hạnh và sinh
lên cõi trời Đâu-suất; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế
Tôn.
“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn vào thời Phật
Ca-diệp bắt đầu phát nguyện Phật đạo, tu hành phạm hạnh và sinh lên cõi
trời Đâu-suất. Thế Tôn sinh lên sau nhưng có ba việc thù thắng hơn các
vị trời sinh trước. Đó là thọ mạng, dung sắc và vinh dự nhà trờiDo đó
nên các vị trời Đâu-suất vui mừng hớn hở, tán thán rằng: ‘Kỳ diệu thay,
hy hữu thay, vị thiên tử này có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại
phước hựu, có đại oai thần. Vì sao vậy? Vì vị ấy sinh đến đây sau nhưng
có ba việc thù thắng hớn những vị trời Đâu-suất đã sinh đến trước; đó
là thọ mạng, dung sắc và vinh dự nhà trời. Nếu Đức Thế Tôn vào thời
Phật Ca-diệp bắt đầu phát nguyện Phật đạo, tu hành phạm hạnh và sinh lên
cõi trời Đâu-suất. Thế Tôn sinh lên sau nhưng có ba việc thù thắng hơn
các vị trời sinh trước. Đó là thọ mạng, dung sắc và vinh dự nhà trời.
Do đó nên các vị trời Đâu-suất vui mừng hớn hở, tán thán rằng: ‘Kỳ diệu
thay, hy hữu thay, vị thiên tử này có đại như ý túc, có đại oai đức,
có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao vậy? Vì vị ấy sinh đến đây
sau nhưng có ba việc thù thắng hớn những vị trời Đâu-suất đã sinh đến
trước; đó là thọ mạng, dung sắc và vinh dự nhà trời. Thế thì con xin
thọ trì pháp vị tằêng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn mạng chung ở trời
Đâu-suất, biết sẽ vào thai mẹ, lúc ấy chấn động tất cả đất trời, có
ánh sáng vi diệu quảng đại chiếu khắp thế gian cho đến chỗ u tối, cũng
không có gì ngăn che được; nghĩa là nơi nào mặt trời, mặt trăng này dù
có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần,
cũng không chiếu rọi ánh sáng đến được, thì tất cả nơi ấy đều được
chiếu ngời. Chúng sanh ở các nơi ấy do thấy ánh sáng nhiệm mầu này đều
mỗi mỗi phát sanh nhận thức rằng: ‘Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra
đời! Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời!’ Nếu Đức Thế Tôn mạng
chung ở trời Đâu-suất, biết sẽ vào thai mẹ, lúc ấy chấn động tất cả đất
trời, có ánh sáng vi diệu quảng đại chiếu khắp thế gian cho đến chỗ u
tối, cũng không có gì ngăn che được; nghĩa là nơi nào mặt trời, mặt
trăng này dù có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại
oai thần, cũng không chiếu rọi ánh sáng đến được, thì tất cả nơi ấy
đều được chiếu ngời. Chúng sanh ở các nơi ấy do thấy ánh sáng nhiệm mầu
này đều mỗi mỗi phát sanh nhận thức rằng: ‘Có một chúng sanh kỳ diệu,
hy hữu ra đời! Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời!’ Thì con xin
thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn biết mình trụ
trong thai mẹ, tựa vào hông bên phải. Nếu Đức Thế Tôn biết mình trụ
trong thai mẹ, tựa vào hông bên phải, thì con xin thọ trì pháp vị tằêng
hữu này của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn hình thể duỗi dài
trụ trong thai mẹ. Nếu Đức Thế Tôn hình thể duỗi dài trụ trong thai mẹ,
thì con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn, được bao che,
trụ trong thai mẹ, không bị máu dơ làm cho ô uế, cũng không bị tinh khí
các thứ bất tịnh khác làm cho ô uế. Nếu Đức Thế Tôn, được bao che, trụ
trong thai mẹ, không bị máu dơ làm cho ô uế, cũng không bị tinh khí bất
tịnh khác làm cho ô uế; thì con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu ấy của
Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn biết mình ra khỏi
thai mẹ, lúc ấy chấn động tất cả đất trời, có ánh sáng vi diệu quảng
đại chiếu khắp thế gian cho đến chỗ u tối, cũng không có gì ngăn che
được; nghĩa là nơi nào mặt trời, mặt trăng này dù có đại như ý túc, có
đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, cũng không chiếu rọi
ánh sáng đến được, thì tất cả nơi ấy đều được chiếu ngời. Chúng sanh ở
các nơi ấy do thấy ánh sáng nhiệm mầu này đều mỗi mỗi phát sanh nhận
thức rằng: ‘Có một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời! Có một chúng sanh
kỳ diệu, hy hữu ra đời!’ Nếu Đức Thế Tôn biết mình ra khỏi thai mẹ,
lúc ấy chấn động tất cả đất trời, có ánh sáng vi diệu quảng đại chiếu
khắp thế gian cho đến chỗ u tối, cũng không có gì ngăn che được; nghĩa
là nơi nào mặt trời, mặt trăng này dù có đại như ý túc, có đại oai đức,
có đại phước hựu, có đại oai thần, cũng không chiếu rọi ánh sáng đến
được, thì tất cả nơi ấy đều được chiếu ngời. Chúng sanh ở các nơi ấy do
thấy ánh sáng nhiệm mầu này đều mỗi mỗi phát sanh nhận thức rằng: ‘Có
một chúng sanh kỳ diệu, hy hữu ra đời! Có một chúng sanh kỳ diệu, hy
hữu ra đời!’ Thì con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn thân thể duỗi dài
mà ra khỏi thai mẹ. Nếu Đức Thế Tôn thân thể duỗi dài mà ra khỏi thai
mẹ thì con xin thọ trì pháp vị tằng hữu này của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn được bao che khi
ra khỏi thai mẹ, không bị máu dơ làm cho ô uế, cũng không bị tinh khí
và các vật bất tịnh khác làm cho ô uế. Nếu Đức Thế Tôn được bao che khi
ra khỏi thai mẹ, không bị máu dơ làm cho ô uế, cũng không bị tinh khí
và các thứ bất tịnh khác làm cho ô uế; thì con xin thọ trì pháp vị
tằêng hữu này của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, khi Đức Thế Tôn mới sanh ra,
có bốn vị thiên tử, tay cầm tấm vải rất mịn đứng trước thai mẹ, làm cho
người mẹ hoan hỷ, tán thán rằng: “Đồng tử này rấy kỳ diệu, rất hy hữu,
có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hữu, có đại oai thần’.
Nếu như Đức Thế Tôn mới sanh ra, có bốn vị thiên tử, tay cầm tấm vải
rất mịn đứng trước thai mẹ, làm cho người mẹ hoan hỷ, tán thán rằng:
“Đồng tử này rấy kỳ diệu, rất hy hữu, có đại như ý túc, có đại oai đức,
có đại phước hữu, có đại oai thần’. Thì con xin thọ trì pháp vị tằêng
hữu này của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, khi Đức Thế Tôn vừa mới sanh
ra, liền đi bảy bước không khiếp sợ, không kinh hãi, quan sát các
phương. Nếu Thế Tôn vừa mới sanh ra, liền đi bảy bước không khiếp sợ,
không kinh hãi, quan sát các phương; thì con xin thọ trì pháp vị tằêng
hữu này của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, khi Đức Thế Tôn vừa mới sanh
ra, thì ngay phía trước người mẹ bỗng hiện một hồ nước lớn, nước đầy
tràn bờ, làm cho người mẹ ở nơi ấy được thọ dụng thanh tịnh. Nếu Thế
Tôn vừa mới sanh ra, thì ngay phía trước người mẹ bỗng hiện một hồ nước
lớn, nước đầy tràn bờ, làm cho người mẹ ở nơi ấy được thọ dụng thanh
tịnh; con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, khi Đức Thế Tôn vừa mới sanh
ra, từ trên hư không nước mưa rưới xuống, một ấm, một lạnh, để tắm thân
thể của Thế Tôn. Nếu khi Đức Thế Tôn vừa mới sanh ra, từ trên hư không
nước mưa rưới xuống, một ấm, một lạnh, để tắm thân thể của Thế Tôn;
con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, khi Đức Thế Tôn vừa mới sanh
ra, chư Thiên ở trên hư không tấu lên âm nhạc của trời; hoa sen xanh,
hoa sen hồng, hoa sen đỏ, hoa sen trắng và hoa Văn-đà-lacủa trời, và
bột hương chiên-đàn được rải lên Đức Thế Tôn. Nếu khi Đức Thế Tôn vừa
mới sanh ra, chư Thiên ở trên hư không tấu lên âm nhạc của trời; hoa
sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen đỏ, hoa sen trắng và hoa Văn-đà-la của
cõi trời, và bột hương chiên-đàn được rải lên Đức Thế Tôn; con xin thọ
trì pháp vị tằêng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, Đức Thế Tôn, ở tại nhà của cha
là Bạch Tịnh vương, vào một ngày đi dự lễ hạ điền, ngồi dưới gốc cây
Diêm-phù, ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác có quán, có lạc phát
sanh do viễn ly, nhập Sơ thiền, thành tựu và an trụ. Bấy giờ là buổi
xế, tất cả bóng của các cây khác đều đã ngả dần, chỉ có cây Diêm-phù là
bóng cây không ngả, che mát thân của Đức Thế Tôn. Lúc đó, Thích Bạch
Tịnh đến quan sát công tác hạ điền, đi đến chỗ người làm ruộng hỏi
rằng: ‘Này nông phu, Vương tử ở chỗ nào?’
Người ấy trả lời rằng: ‘Vương tử hiện đang ở
dưới gốc cây Diêm-phù.” Rồi Thích Bạch Tịnh đi đến cây Diêm-phù, bấy
giờ là xế trưa, Thích Bạch Tịnh thấy bóng của tất cả các cây khác đều
đã ngả, chỉ có bóng cây Diêm-phù là không ngả, để che mát thân thể của
Thế Tôn, liền nghĩ như vầy: ‘Vương tử này thật là kỳ diệu, rất hy hữu,
có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì
sao thế? Vì vào lúc xế trưa tất cả các bóng cây đều ngả, chỉ có bóng
cây Diêm-phù là không ngả, để che mát thân của vương tử’. Nếu vào buổi
xế trưa tất cả cây đều ngả bóng, chỉ có bóng cây Diêm-phù không ngả, để
che mát thân thể của Đức Thế Tôn; con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu ấy
của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng có một thời Đức Thế Tôn du hóa
tại Bệ-xá-li, trong Đại lâm Bấy giờ, khi đêm đã qua, vào lúc sáng sớm,
Đức Thế Tôn khoác y cầm bát vào thành Bệ-xá-li khất thực. Sau khi khất
thực xong, xếp y, cất bát, rửa tay chân, vắt Ni-sư-đàn lên vai, đi vào
rừng, đến dưới một gốc cây Đa-la, trải Ni-sư-đàn, ngồi kiết-già. Bấy
giờ là lúc xế bóng, tất cả các bóng cây khác đều ngả, chỉ có bóng cây
Đa-la là không ngả để che mát thân thể của Đức Thế Tôn. Bấy giờ vào lúc xế bóng, Thích
Ma-ha-nam
(Mahānāma) ung dung đi đến Đại lâm. Thích
Ma-ha-nam thấy rằng, vào buổi xế, tất cả bóng cây đều ngả chỉ trừ bóng
cây Đa-la là không ngả để che mát thân thể của Đức Thế Tôn, liền nghĩ
như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm rất là kỳ diệu, rất là hy hữu, có đại như ý
túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao vậy? Vì
vào buổi xế, tất cả bóng cây đều ngả, chỉ có bóng cây Đa-la là không
ngả để che mát thân thể Cù-đàm’. Nếu lúc xế bóng, tất cả các bóng cây
khác đều ngã, chỉ có bóng cây Đa-la là không ngả để che mát thân thể
của Đức Thế Tôn; con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, một thời Thế Tôn du hóa tại
nước Bệ-xá-li, trong Đại lâm. Bấy giờ các Tỳ-kheo để bát ngoài chỗ đất
trống, bát của Thế Tôn cũng có trong số ấy, có một con khỉ ôm bát của
Thế Tôn mà đi. Các thầy Tỳ-kheo la ó, sợ nó làm bể bát của Thế Tôn.
Nhưng Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng: ‘Hãy để yên. Hãy để yên. Đừng la.
Nó không làm bể bát đâu’. Thế rồi khỉ ôm bát của Thế Tôn mà đi, đến một
cây Sa-la, chậm rãi leo lên, lấy đầy bát mật nơi cây Sa-la, rồi chậm
rãi leo xuống, trở về chỗ Đức Phật, đem dâng bát mật ấy lên Đức Phật.
Đức Thế Tôn không thọ nhận. Lúc ấy khỉ liền ôm bát qua một bên, dùng đũa
gắp bỏ sâu. Sau khi nhặt bỏ sâu, nó ôm bát trở lại dâng lên Thế Tôn.
Thế Tôn lại không nhận. Khỉ lại ôm qua một bên, múc nước đổ vào trong
mật, rồi ôm trở lại dâng lên Thế Tôn. Thế Tôn liền thọ nhận. Khỉ thấy
Thế Tôn lấy bát mật rồi liền vui mừng hớn hở, múa may nhảy nhót rồi bỏ
đi. Nếu Đức Thế Tôn khiến con khỉ kia, khi thấy Đức Thế Tôn lấy bát mật
rồi vui mừng hớn hở múa may nhảy nhót, rồi đi; con xin thọ trì pháp vị
tằêng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng một thời Đức Thế Tôn du hóa
Bệ-xá-li, ở tại ngôi lầu cao, bên bờ ao Di hầu. Bấy giờ Thế Tôn đang
phơi tọa cụ, rũ bụi, phủi đất. Lúc ấy có một đám mây đến trái thời che
kín khắp hư không muốn mưa nhưng dừng lại chờ Đức Thế Tôn phơi tọa cụ,
rũ bụi, phủi đất, xếp cất một nơi, rồi mang cất chổi; vào đứng trong
nền nhà. Bấy giờ đám mây lớn ấy thấy Đức Thế Tôn xếp cất tọa cụ rồi mới
đổ mưa xuống rất lớn, từ cao cho đến thấp, nước ngập tràn lai láng.
Nếu Đức Thế Tôn làm cho đám mây lớn kia thấy Thế Tôn xếp cất tọa cụ
rồi, mới mưa xuống thật to và từ đất cho đến thấp nước ngập tràn lai
láng; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe một thời Đức Thế Tôn du hóa tại
Bạt-kỳ (Vajji.), ngồi dưới cây Sa-la thọ vương, trong rừng Ôn
tuyền. Bấy giờ là buổi xế trưa, tất cả bóng cây khác đều ngả, chỉ trừ
bóng cây Sa-la thọ vương là không ngả, để che mát thân thể Đức Thế Tôn.
Khi ấy chủ vườn La-ma đi dạo xem vườn, thấy rằng vào buổi xế, tất cả
bóng cây khác đều ngả, chỉ trừ bóng cây Sa-la thọ vương là không ngả để
che mát thân thể của Thế Tôn, liền nghĩ như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm thật là
kỳ diệu, thật là hy hữu, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại
phước hựu, có đại oai thần. Vì sao vậy? Vì sao buổi xế tất cả bóng cây
khác đều ngả, chỉ trừ cây Sa-la thọ vương là không ngả bóng để che mát
thân thể của Sa-môn Cù-đàm. Nếu Đức
Thế Tôn vào buổi xế tất cả bóng cây khác đều ngả, chỉ trừ bóng cây
Sa-la thọ vương là không ngả để che mát thân thể của Thế Tôn; con xin
thọ trì pháp vị tằêng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng có một thời Đức Thế Tôn ở trong
miếu thần A-phù (Ātumā). Bấy giờ khi đêm đã tàn, vào lúc sáng sớm, Đức
Thế Tôn khoác y ôm bát vào thôn A-phù để khất thực. Sau khi khất thực
xong, xếp y, cất bát, rửa chân tay xong, Ngài vắt Ni-sư-đàn lên vai,
vào miếu thần ngồi thiền tịnh. Bấy giờ trời mưa đá rất to; sấm sét đánh
chết bốn con trâu và hai người cày. Lúc chôn cất hai người chết ấy, đám
đông ồn ào, âm thanh cao và to, tiếng dội chấn động. Bấy giờ vào lúc
xế chiều, Đức Thế Tôn rời chỗ ngồi tĩnh tọa đứng dậy, từ trong miếu
thần đi ra, đến chỗ đất trống để kinh hành. Trong đám đông có một người
thấy Đức Thế Tôn vào lúc xế trưa
rời chỗ tĩnh tọa đứng dậy, ở trong miếu thần đi ra, đến chỗ đất trống để
kinh hành, liền đi đến chỗ Phật cúi đầu làm lễ rồi đi kinh hành theo
sau Đức Phật. Đức Phật thấy người ấy ở phía sau nên hỏi rằng: ‘Vì cớ gì
mà đám đông ồn ào, âm thanh cao và to, tiếng dội chấn động vậy?’ Người
ấy thưa rằng: ‘Bạch Thế Tôn khi trưa, trời mưa đá rất to; sấm sét đánh
chết bốn con trâu và hai người cày. Lúc chôn cất hai người chết ấy,
đám đông ồn ào, âm thanh cao và to, tiếng dội chấn động. Bạch Thế Tôn
vừa rồi Ngài không nghe gì hết sao?
“Thế Tôn trả lời rằng: ‘Ta không nghe các âm
thanh ấy’.
“Lại hỏi rằng: ‘Vừa rồi Ngài ngủ hay sao?’
“Thế Tôn trả lời: ‘Không phải’.
“Lại hỏi Đức Thế Tôn: ‘Lúc ấy Ngài tỉnh mà
không nghe các âm thanh ấy sao?’
“Thế Tôn đáp: ‘Quả thật vậy’.
“Bấy giờ người kia liền suy nghĩ rằng: ‘Rất là
kỳ diệu, rất là hy hữu, sở hành của Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh
Giác, rất là vắng lặng, rất là tịch tĩnh. Vì sao vậy? Vì lúc tỉnh mà
vẫn không nghe các âm thanh to lớn ấy. Nếu Đức Thế Tôn tỉnh thức mà vẫn
không nghe các âm thanh to lớn ấy; con xin thọ trì pháp vị tằêng hữu
ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng, một thời Đức Phật trú tại
Uất-bệ-la (Uruvelā.) bên bờ sông Ni-liên-nhiên (Nerañjarā), ngồi dưới cây A-xà-hòa-la Ni-câu-loại (Ajapāla-Nigrodha), lúc mới chứng đắc Phật đạo. Bấy giờ mưa lớn
đến bảy ngày, từ cao đến thấp đều bị ngập nước, từng luồng nước lớn
chảy xoáy ngang dọc, trong vùng đất trống đó, Đức Thế Tôn đi kinh hành,
đến nơi nào thì nơi đấy có bụi bay lên. Nếu Đức Thế Tôn ở trong vùng
có luồng nước xoáy ngang dọc, mà đi kinh hành, đến chỗ nào thì chỗ ấy
có bụi bay lên; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng Ma vương trong suốt sáu năm
theo Phật để tìm chỗ sơ suất mà không được, liền chán nản nên bỏ về.
Nếu Đức Thế Tôn bị Ma vương trong suốt sáu năm theo tìm chỗ sơ suất mà
không được, liền chán nản nên bỏ về; con xin thọ trì pháp vị tằng hữu
ấy của Đức Thế Tôn.
“Con nghe rằng Đức Thế Tôn, trong suốt bảy
năm suy niệm về thân, luôn luôn suy niệm không gián đoạn. Nếu Đức Thế
Tôn trong suốt bảy năm suy niệm về thân, luôn luôn không gián đoạn; con
xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Đức Thế Tôn.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo rằng: “Này
A-nan, ngươi hãy nghe Như Lai nói mà thọ trì thêm pháp vị tằng hữu này
nữa. Này A-nan, Như Lai biết thọ sanh, biết trụ, biết diệt, luôn luôn
biết, chẳng có lúc nào chẳng biết. Này A-nan, Như Lai biết tư và tưởng
sanh, biết trụ, biết diệt, luôn luôn biết. Không lúc không biết. Cho
nên, này A-nan hãy nên từ nơi Như Lai mà thọ trì thêm pháp vị tằng hữu
này.”
4.
Như
Lai sanh ra và lớn lên từ thế gian nhưng không bị nhiễm pháp của thế
gian
92. ‘Kinh Thanh Bạch Liên Hoa Dụ’
“Giống như hoa sen
xanh, hồng, đỏ, trắng sanh từ trong nước, lớn lên trong nước, vượt lên
khỏi mặt nước, không bị dính nước. Cũng như thế, Như Lai sanh từ trong
thế gian, lớn lên trong thế gian, tu hành vượt trên thế gian, không đắm
trước pháp thế gian. Vì sao? Vì Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác,
vượt khỏi tất cả thế gian”.
5. Ngoại đạo cho rằng
Như Lai là người có phép huyễn thuật làm mê hoặc thế gian
133. ‘Kinh Ưu Ba Li’
Ni-kiền Trường Khổ Hạnh thưa với Ni-kiền Thân
Tử: “Con không muốn để cho Cư sĩ Ưu-ba-ly đi đến chỗ
Sa-môn Cù-đàm. Vì sao như vậy? Vì Sa-môn Cù-đàm biết chú huyễn hóa, có
thể dùng chú thuật biến hóa làm đệ tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc,
Ưu-bà-di. Con sợ Cư sĩ Ưu-ba-ly bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa, hóa làm đệ
tử.”
6. Thế Tôn là người nói với làm đi đôi với nhau
207.
‘Kinh Tiễn Mao’ (A)
“Những gì là năm? Này Ưu-đà-di, Ta có đệ tử do
giới vô thượng, khen ngợi Ta rằng, ‘Thế Tôn có giới, đại giới, lời nói
đúng theo việc làm, việc làm đúng theo lời nói’. Ưu-đà-di, nếu đệ tử
Ta nhân giới vô thượng mà khen ngợi Ta thì vị ấy nhân điều này mà cung
kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự thường theo Ta không rời.
7. Thế Tôn vì có 5 pháp khiến cho người khác
tôn trọng
22. ‘Kinh Thành Tựu Giới’
Tôn giả Bạch Tịnh thưa rằng: “Bạch Thế Tôn,
Tỳ-kheo trưởng lão nếu có năm pháp sẽ được các vị phạm hạnh khác tôn
trọng, kính mến. “Những gì là năm?
“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo trưởng lão tu tập các
giới cấm, thủ hộ biệt giải thoát luật nghi, lại còn khéo thâu nhiếp các
oai nghi lễ tiết, thấy những tội lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh tâm lo
sợ, thọ trì học giới. Bạch Thế Tôn, vị Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn có
cấm giới ấy sẽ được các vị phạm hạnh kính mến tôn trọng.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo trưởng lão học
rộng, nghe nhiều, ghi nhớ không quên, tích lũy kiến thức rộng rãi;
những pháp nào mà khoảng đầu hoàn hảo, khoảng giữa hoàn hảo, khoảng
cuối cùng hoàn hảo, có nghĩa lý, có văn từ, hiển hiện phạm hạnh, thanh
tịnh trọn đủ, vị ấy học rộng nghe nhiều các pháp như vậy, học tập nhuần
nhuyễn cả ngàn lần, tâm ý tư duy quán sát, thấy rõ ràng và hiểu thấu
sâu xa. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn đa văn ấy sẽ được
các vị phạm hạnh kính mến tôn trọng.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo trưởng lão
thượng tôn có bốn tâm tăng thượng, sống an lạc trong đời hiện tại, dễ
được chớ không khó. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn có
thiền tư ấy sẽ được các vị phạm hạnh kính mến tôn trọng.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo trưởng lão tu
hành trí tuệ, quán sát sự hưng khởi và suy tàn của các pháp],
chứng đắc như thật trí],
được sự sáng suốt của Thánh tuệ, phân biệt rõ ràng, chân chánh dứt hết
khổ. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn có trí tuệ sẽ được các
vị phạm hạnh kính mến tôn trọng.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo trưởng lão đã
dứt sạch các lậu, không còn kết sử, tâm giải thoát, tuệ giải thoát,
ngay trong đời hiện tại tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an
trụ, ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong,
không còn tái sanh nữa’. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn đã
lậu tận ấy sẽ đưọc các vị phạm hạnh kính mến tôn trọng”.
8. Những nguyên nhân khiến vua Ba Tư
Nặc cung kính Thế Tôn
213.
‘Kinh Pháp Trang Nghiêm’
Sau ba lần tự xưng tên họ, vua Ba-tư-nặc đảnh
lễ dưới chân Phật và lui ngồi một bên. Đức Thế Tôn hỏi: “Đại
vương, Đại vương thấy Ta có những nghĩa lợi nào mà tự hạ mình đảnh
lễ dưới chân và cúng dường cung kính như vậy?”
Vua Ba-tư-nặc thưa: “Bạch Thế
Tôn, con có sự loại suy về pháp đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ
rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy
thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật khéo thú hướng[1].’
“Bạch Thế Tôn, khi con ngồi trên đô tọa, con
nhìn thấy mẹ tranh chấp với con, con tranh chấp với mẹ; cha tranh chấp
với con, con tranh chấp với cha; cho đến anh em, chị em, thân bằng quyến
thuộc tranh chấp lẫn nhau. Trong khi tranh chấp, mẹ nói con xấu, con
nói mẹ xấu, cha con, anh em, chị em, thân bằng quyến thuộc nói xấu lẫn
nhau. Người thân thích trong nhà còn như thế, huống nữa là người ngoài.
Còn ở đây, con thấy chúng Tỳ-kheo, đệ tử của Thế Tôn theo Thế Tôn tu
hành phạm hạnh. Hoặc nếu có Tỳ-kheo nào gây ra ít nhiều tranh chấp, xả
giới bỏ đạo cũng không nói xấu Phật, không nói xấu pháp, không nói xấu
chúng Tăng, mà chỉ tự chê trách rằng, ‘Tôi xấu xa, thiếu đức hạnh. Tại
sao như vậy? Vì tôi không thể theo Thế Tôn trọn đời tu hành phạm hạnh’.
Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng,
‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là
toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng’.
“Bạch Thế Tôn, lại nữa, con thấy một Sa-môn
Phạm chí khác đã ít nhiều học hành phạm hạnh, hoặc chín tháng, hoặc
mười tháng, nhưng lại xả bỏ để theo sắc phục trước kia, rồi lại bị
nhiễm ô bởi dục vọng, nhiễm dục, dính trước dục, bị dục trói chặt, kiêu
ngạo, chấp thủ, thâm nhập, sống hoan lạc trong sự hành dục mà không
thấy tai họa, không thấy xuất yếu. Bạch Thế Tôn, con thấy ở đây chúng
Tỳ-kheo đệ tử của Thế Tôn tự nguyện trọn đời tu tập phạm hạnh, cho đến
ức số. Ngoài đây ra con không thấy ở đâu có phạm hạnh thanh tịnh như
vậy, như mái nhà của Thế Tôn. Đó là sự loại suy về pháp của con đối
với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp của Đức Như Lai, Bậc Vô Sở
Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của
Thế Tôn thật là khéo thú hướng’.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy một Sa-môn
Phạm chí thân thể gầy còm tiều tụy, tướng mạo xấu xí, thân nổi vẩy
trắng[9] không ai muốn nhìn. Con tự nghĩ rằng, ‘Các Tôn giả này vì sao
thân thể lại gầy còm, tiều tụy, tướng mạo xấu xí, thân nổi vẩy trắng,
không ai muốn nhìn. Các Tôn giả này ắt không tu phạm hạnh, hoặc vì bệnh
hoạn hay lén lút làm việc xấu xa, cho nên các Tôn giả này thân hình gầy
còm, tiều tụy, hình sắc xấu xa, mình nổi vẩy trắng không ai muốn nhìn’.
Con đến hỏi họ, ‘Các Tôn giả vì sao thân hình tiều tụy gầy còm, tướng
mạo xấu xí, mình nổi vẩy trắng, không ai muốn nhìn? Có phải các Tôn giả
không thích tu hành phạm hạnh chăng? Hoặc vì bệnh hoạn hay lén lút làm
việc xấu xa, cho nên các Tôn giả thân thể gầy còm tiều tụy?’ Những vị ấy
đáp, ‘Đại vương, đây là bệnh trắng! Đại vương, đây là bệnh trắng (Pāli: bandhukarogo, bệnh truyền nhiễm)’.
“Bạch Thế Tôn, con thấy chúng Tỳ-kheo đệ tử
của Thế Tôn, sống hân hoan đoan chánh, sắc mặt vui tươi, hình thể tịnh
khiết, vô vi vô cầu sống đời tịnh hạnh, ăn uống như loài nai rừng, tự
mình trọn đời tu hành phạm hạnh. Thấy vậy, con nghĩ rằng, ‘Các Tôn giả
này vì sao được hân hoan, đoan chánh, sắc mặt vui tươi hình thể tịnh,
khiết, vô vi, vô cầu, sống đời tịnh hạnh, ăn uống như loài nai rừng?
Tự mình trọn đời tu hành phạm hạnh? Các Tôn giả hoặc đã đạt đến ly dục,
hoặc chứng đắc tăng thượng tâm, đối với hiện pháp lạc trụ chứng đạt
dễ dàng không khó. Cho nên các Tôn giả này mới được hân hoan, đoan
chánh, sắc mặt vui tươi, hình thể tịnh, khiết, vô vi, vô cầu, sống đời
tịnh hạnh, ăn uống như loài nai rằng, tự mình trọn đời tu hành phạm
hạnh. Nếu sống trong dục lạc mà được hân hoan, đoan chánh, thì chính
ta phải được đời sống hân hoan đoan chánh ấy. Vì sao? Vì ta hưởng thụ
năm thứ diệu dục, một cách dễ dàng không khó. Nhưng các Tôn giả này đạt
đến sự ly dục, chứng đắc tăng thượng tâm, đối với hiện pháp lạc trú
thành tựu dễ dàng không khó. Vì vậy cho nên các Tôn giả này sống hân
hoan, đoan chánh, sắc mặt vui tươi, hình thể tịnh khiết, vô vi vô cầu,
sống đời tịnh hạnh, ăn uống như loài nai rừng, tự mình trọn đời tu
hành phạm hạnh. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn, do
đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh
Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo
thú hướng’.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy một Sa-môn
Phạm chí thông minh trí tuệ, tự xưng mình thông minh trí tuệ, bác văn
quyết định, thuộc làu các kinh, chế phục cường dịch, đàm luận thông
suốt, danh tiếng đồn khắp, mọi người ai cũng đều nghe biết, đi đến nơi
nào thảy đều đả phá tông chủ của người mà tự lập luận điểm của mình,
và nói rằng, ‘Chúng ta hãy đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, mà hỏi ông những
điều như vầy, như vầy. Nếu ông trả lời được như thế này, thì ta vặn
hỏi thế kia. Nếu ông không trả lời được thì ta cũng vặn hỏi rồi bỏ đi’.
Họ nghe Thế Tôn du hóa tại làng nọ, vị này liền tìm đến, nhưng khi gặp
Phật thì lại chẳng dám hỏi lời nào huống nữa là vấn nạn. Đó là sự loại
suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp
được Như Lai Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn
thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng’.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy một Sa-môn
Phạm chí, thông minh trí tuệ, tự xưng là thông minh trí tuệ, bác văn
quyết định, thuộc làu các kinh, chế phục cường địch, đàm luận thông
suốt, danh tiếng đồn khắp, mọi người đều nghe biết, đi đến chỗ nào
thảy đều đả phá tông chỉ người khác mà tự lập luận điểm của mình. Và
nói rằng, ‘Chúng ta hãy đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm để hỏi ông những điều
như vầy như vầy. Nếu ông trả lời được thế này, ta lại vặn hỏi ông
cách kia. Nếu ông trả lời không được, ta cũng vặn hỏi rồi bỏ đi’. Họ
nghe Thế Tôn du hóa tại làng nọ, vị này liền đến tìm hỏi, được Thế Tôn
trả lời rõ ràng. Nghe xong Sa-môn Phạm chí này vui mừng hớn hở, cúi đầu
lễ sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui. Đó là sự loại suy về
pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó, con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như
Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện.
Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng’.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy một Sa-môn
Phạm chí khác, thông minh trí tuệ, tự xưng là thông minh trí tuệ, bác
văn quyết định, thuộc làu các kinh, chế phục cường địch, đàm luận
thông suốt, danh tiếng đồn khắp, mọi người đều nghe biết, đi đến nơi
nào thảy đều đả phá chủ trương tông chỉ của người mà tự lập luận điểm
của mình và nói rằng, ‘Chúng ta hãy đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm để hỏi
ông những điều như vầy, như vầy. Nếu ông trả lời được như thế này, ta
lại vặn hỏi ông cách khác. Nếu ông không trả lời được, ta cũng vặn hỏi
ông rồi bỏ đi’. Họ nghe Thế Tôn du hóa tại làng nọ, vị này liền đến
hỏi, được Thế Tôn trả lời rõ ràng. Nghe xong, Sa-môn Phạm chí này liền
vui mừng phấn khởi, liền tự quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo; được Thế
Tôn thọ nhận làm Ưu-bà-tắc; trọn đời quy y cho đến tận mạng. Đó là
sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó, con nghĩ rằng,
‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là
toàn thiện; chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng’.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy một Sa-môn
Phạm chí khác thông minh trí tuệ, tự xưng là thông minh trí tuệ, bác
văn quyết định, thuộc làu các kinh, chế phục được cường địch, đàm
luận thông suốt, danh tiếng đồn khắp mọi người đều nghe biết, đi đến
nơi nào thảy đều đả phá chủ trương tông chỉ của người mà lập luận điểm
của mình mà nói rằng, “Chúng ta hãy đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm để hỏi
ông những điều như vầy, như vầy. Nếu ông trả lời được như thế này, ta
lại vặn hỏi ông cách kia. Nếu ông trả lời không được, ta cũng vặn hỏi
ông rồi bỏ đi’. Họ nghe Thế Tôn du hóa tại làng nọ, vị này liền tìm đến
hỏi, được Thế Tôn trả lời rõ ràng. Nghe xong, Sa-môn Phạm chí này vui
mừng phấn khởi bèn theo Thế Tôn cầu xin xuất gia thọ giới Cụ túc, đắc
pháp Tỳ-kheo. Thế Tôn bèn độ cho và truyền trao giới Cụ túc, đắc pháp
Tỳ-kheo. Khi các Tôn giả ấy xuất gia học đạo, thọ giới Cụ túc, đắc
pháp Tỳ-kheo rồi, sống cô độc một nơi xa vắng, tâm không buông lung,
tinh cần tu tập. Vị ấy sau khi sống cô độc tại một nơi xa vắng, tâm
không phóng dật, tinh cần tu tập, đạt đến mục đích mà một thiện nam tử
cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia
đình, xuất gia học đạo, là duy chỉ để thành tựu vô thượng phạm hạnh,
ngay trong đời hiện tại mà tự tri, tự giác, tự thân chứng ngộ an trú,
biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều
cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Khi các Tôn giả ấy biết
pháp rồi, cho đến chứng đắc A-la-hán; chứng đắc A-la-hán rồi, bèn nói
rằng, ‘Này chư Hiền, trước kia tôi gần bị suy vong gần bị hủy diệt. Vì
sao vậy? Trước kia tôi không phải là Sa-môn tự xưng là Sa-môn; không
phải phạm hạnh tự xưng phạm hạnh, không phải A-la-hán tự xưng A-la-hán.
Bấy giờ chúng ta mới thực sự là Sa-môn, thực sự là phạm hạnh, thực sự
là A-la-hán’. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do
đó, con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh
Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo
thú hướng’.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con tự do trong quốc
thổ của mình, muốn giết kẻ không lỗi lầm thì ra lệnh giết, muốn giết kẻ
có lỗi lầm ra lệnh giết; nhưng khi con ngồi trên đô tọa, con vẫn
không được tự do mà nói như vầy, ‘Các khanh hãy giữ im. Không ai hỏi
việc nơi các khanh, mà chính là hỏi việc nơi ta. Các khanh không thể
quyết đoán việc này, chỉ có ta mới có thể quyết đoán việc này’. Nhưng ở
trong đó vẫn có người bàn cãi việc khác, không đợi người trước nói
xong. Con đã nhiều lần thấy Thế Tôn thuyết pháp với đại chúng vây
quanh. Bấy giờ có một người ngủ gật mà ngáy, thấy gây tiếng động, một
người khác bèn nói rằng, ‘Ngài chớ có ngáy gây tiếng động. Ngài không
muốn nghe pháp được Thế Tôn nói như cam lồ chăng?’ Người ấy nghe rồi
tức thì im lặng. Con nghĩ rằng, ‘Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh
Giác, là Bậc Điều Ngự đại chúng. Thật kỳ diệu thay! Thật hy hữu thay!
Vì sao vậy? Vì Ngài không cần dùng dao, dùng gậy, nhưng tất cả đều
đúng như pháp mà được an ổn khoái lạc’. Đó là sự loại suy về pháp của
con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc
Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử
của Thế Tôn thật là khéo thú hướng’.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, hai viên thần tá Tiên
Dư (Pāli: Isidatta) và Túc Cựu (Pāli: Purāna)được con ban phát tiền tài, và con thường khen
ngợi họ; đời sống họ do nơi con. Nhưng con không thể khiến cho hai vị
thần tá này hạ ý cung kính, cúng dường, phụng sự con như họ hạ ý cung
kính tôn trọng cúng dường phụng sự Thế Tôn. Đó là sự loại suy về pháp
của con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai,
Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ
tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng.’
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, thuở xưa trong lúc
xuất chinh, ngủ đêm trong một ngôi nhà nhỏ, con muốn thử hai viên thần
tá Tiên Dư và Túc Cựu khi ngủ quay đầu về phía nào, quay về phía con
hay quay về phía Thế Tôn ở. Rồi hai vị thần tá Tiên Dư và Túc Cựu, vào
lúc đầu hôm, ngồi kiết già im lặng tĩnh tọa. Đến nửa hôm nọ nằm ngủ,
đầu hướng về phía mà họ biết Thế Tôn đang ở, còn chân thì quay về phía
con. Thấy thế con suy nghĩ, ‘Hai viên thần tá Tiên Dư và Túc Cựu này
không quan tâm đến sự thù thắng trước mắt, cho nên họ không hạ ý cung
kính tôn trọng cúng dường phụng sự ta như hạ ý cung kính tôn trọng,
cúng dường phụng sự Thế Tôn’. Đó là sự loại suy về pháp của con đối
với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở
Trước, Đẳng Chánh Giác, giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của
Thế Tôn thật là khéo thú hướng.’
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, con là quốc vương, Thế
Tôn cũng là Pháp vương. Con thuộc dòng Sát-lợi, Thế Tôn cũng thuộc
dòng Sát-lợi. Con là người nước Câu-tát-la, Thế Tôn cũng người nước
Câu-tát-la. Con đã tám mươi tuổi, Thế Tôn cũng tám mươi tuổi. Con có
thể trọn đời hạ ý cung kính, tôn trọng, cúng dường phụng sự Thế Tôn.
9. Thế Tôn có 5
điểm đặc thù cho nên được mọi người cung kính cúng dường, (5 điểm
đó không phải là những vấn đề ăn ít hay ăn nhiều, là những điểm có liên
quan đến trí tuệ)
207.
‘Kinh Tiễn Mao’ (A)
Thế Tôn nghe rồi liền hỏi Tiễn Mao rằng:
“Ưu-đà-di, ông thấy Ta có bao nhiêu pháp khiến cho các đệ tử
hầu hạ cung kính, tôn trọng và cúng dường, thường theo Ta không rời?”
Dị học Tiễn Mao đáp rằng: “Tôi thấy Cù-đàm có
năm pháp khiến đệ tử hầu hạ, cung kính, tôn trọng, cúng dường phụng sự,
thường theo không rời. Những gì là năm? Sa-môn Cù-đàm trí túc về thô
y, khen ngợi tri túc về thô y. Bởi vì Sa-môn Cù-đàm tri túc về thô y,
khen ngợi tri túc về vải thô, nên tôi thấy tri túc đó là pháp thứ nhất
mà Sa-môn Cù-đàm có thể khiến cho hàng đệ tử phụng sự cung kính, tôn
trọng cúng dường, thường theo không rời.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm tri túc về ăn uống đạm
bạc, khen ngợi về tri túc đạm bạc. Bởi vì Sa-môn Cù-đàm tri túc về ăn
uống đạm bạc, khen ngợi về tri túc ăn uống đạm bạc, nên tôi thấy Sa-môn
Cù-đàm có pháp thứ hai khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng cúng
dường, phụng sự thường theo không rời.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm ăn ít, khen ngợi sự ăn
ít. Vì Sa-môn Cù-đàm ăn ít và khen ngợi sự ăn ít, nên tôi thấy Sa-môn
Cù-đàm có pháp thứ ba khiến các đệ tử cung kính tôn trọng, cúng dường
phụng sự, thường theo không rời.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm tri túc về chỗ nghỉ
ngơi và giường chõng thô sơ, khen ngợi tri túc về chỗ nghỉ ngơi và
giường chõng thô sơ. Vì Sa-môn Cù-đàm tri túc như vậy, nên tôi thấy đó
là pháp thứ tư mà Sa-môn Cù-đàm có thể khiến các đệ tử cung kính, tôn
trọng, cúng dường, thường theo không rời.
“Lại nữa Sa-môn Cù-đàm tĩnh tọa và ngợi khen
tĩnh tọa. Vì vậy tôi thấy đó là pháp thứ năm mà Sa-môn Cù-đàm có thể
khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng hành thường theo
không rời.
“Đó là năm pháp mà tôi thấy Sa-môn Cù-đàm có
thể khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng hành,
thường theo không rời.”
Thế Tôn bảo rằng: “Này Ưu-đà-di, Ta không phải
do năm pháp ấy mà khiến các đệ tử cung kính tôn trọng, cúng dường thừa
sự, thường theo không rời. Này Ưu-đà-di, áo ta mặc được cắt theo con
dao Thánh và nhuộm màu sắc xấu xa. Như vậy, y Thánh được nhuộm màu sắc
xấu xa. Ưu-đà-di! Nhưng đệ tử Ta cũng có người trọn đời chỉ mặc áo phấn
tảo do người ta bỏ, và cũng nói thế này, ‘Thế Tôn ta tri túc về thô
y’, khen ngợi sự tri túc về thô y. Này Ưu-đà-di, nếu đệ tử ta nhận sự
tri túc về thô y mà khen ngợi Ta, thì người đó do sự kiện này đã không
cung kính tôn trọng, cúng dường phụng sự Ta, cũng không theo Ta.
“Lại nữa, này Ưu-đà-di, Ta ăn đồ ăn gạo nếp,
nấu chín và không có hạt xép, vô lượng tạp vị. Ưu-đà-di, nhưng đệ tử
Ta có người trọn đời khất thực, ăn đồ ăn đã bỏ, cũng lại nói rằng, ‘Thế
Tôn ta tri túc về thô thực’, khen ngợi tri túc về thô thực. Ưu-đà-di,
nếu đệ tử Ta nhân sự tri túc về ăn uống thô sơ, mà khen ngợi Ta, người
ấy nhân sự kiện này đã không cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự
Ta, cũng không theo Ta.
“Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta chỉ ăn bằng một trái
cây bệ-la (Pāli: veḷuvāhāra, thức ăn bằng trái cây veḷuva, một loại dưa) hoặc bằng nửa bệ-la.
Nhưng đệ tử của Ta có người ăn bằng một câu-tha (kosāhāra, một
bát cơm), hoặc bằng
nửa câu-tha, cũng nói như vầy, ‘Thế Tôn ăn ít, khen ngợi sự ăn ít’.
Nếu đệ tử Ta nhân sự ăn ít mà khen ngợi Ta, người ấy do sự kiện này đã
không cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự và theo Ta.
“Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta hoặc ở trên lầu cao,
hoặc trên nhà rạp. Ưu-đà-di, nhưng đệ tử của Ta có người trải qua chín
mười tháng, suốt đêm ngủ ngoài trời, cũng nói như vầy, ‘Thế Tôn của Ta
tri túc về chỗ nghỉ ngơi và giường chõng thô sơ, khen ngợi tri túc về
chỗ nghỉ ngơi và giường chõng thô sơ’. Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta khen ngợi
tri túc về chỗ nghỉ ngơi và giường chõng thô sơ nên khen ngợi Ta, thì
người ấy do sự kiện này đã không cung kính, tôn trọng, cúng dường phụng
sự Ta và cũng không theo Ta.
“Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta thường sống trong sự
náo nhiệt giữa Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Nhưng đệ tử
của Ta có người quá nửa tháng mới nhập chúng một lần vì pháp thanh tịnh
cũng nói như vầy, ‘Thế Tôn của Ta tĩnh tọa và khen ngợi sự tĩnh tọa’.
Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta nhân sự tĩnh tọa mà khen ngợi Ta, vị ấy do sự
kiện này đã không cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, cũng
không theo Ta.
“Ưu-đà-di, Ta không có năm pháp này, khiến
hàng đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự, thường theo
không rời. Ưu-đà-di, Ta lại có năm pháp khác, khiến các đệ tử cung
kính, tôn trọng, cúng dường phụng sự, thường theo không rời.
(1) “Những gì là năm? Này Ưu-đà-di, Ta có đệ
tử do giới vô thượng, khen ngợi Ta rằng, ‘Thế Tôn có giới, đại giới,
lời nói đúng theo việc làm, việc làm đúng theo lời nói’. Ưu-đà-di, nếu
đệ tử Ta nhân giới vô thượng mà khen ngợi Ta thì vị ấy nhân điều này mà
cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự thường theo Ta không rời.
(2) “Lại
nữa, này Ưu-đà-di, Ta có đệ tử, do vô thượng trí tuệ, khen ngợi Ta,
‘Thế Tôn có trí tuệ, cực đại trí tuệ, nếu có ai đến bàn luận hay đối
đáp, Ngài đều khuất phục được. Nghĩa là đối với Chánh pháp luật, họ
không thể nói. Đối với điều chính mình nói, họ cũng không thể nói’.
Ưu-đà-di, nếu đệ tử nhân vô thượng trí tuệ, mà khen ngợi Ta, vị ấy nhân
sự kiện này mà cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, theo Ta
không rời.
(3) “Lại
nữa, Ưu-đà-di, Ta có đệ tử do vô thượng tri kiến, khen ngợi Ta rằng,
‘Thế Tôn biết khắp chứ không phải không biết; thấy khắp chứ không phải
không thấy. Ngài nói pháp cho đệ tử có nhân chứ không phải không nhân,
có duyên chớ không phải không duyên, có thể đáp chứ không phải không
thể đáp, có xả ly chứ không phải không xả ly’. Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta
nhân vô thượng tri kiến mà khen ngợi Ta, người ấy nhân sự kiện này mà
cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự, thường theo ta không rời.
(4) “Lại
nữa, Ưu-đà-di, Ta có đệ tử, do nhờm tởm mũi tên ái dục mà đến hỏi Ta
về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo. Ta liền trả lời về
khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo. Ưu-đà-di, nếu có đệ
tử đến hỏi Ta được trả lời xứng ý, khiến được hoan hỷ, người đó nhân sự
kiện này mà cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, thường theo
Ta không rời.
(5) “Lại
nữa, Ưu-đà-di, Ta vì các đệ tử hoặc nói Túc mạng trí thông, tác chứng,
hoặc nói Lậu tận trí thông tác chứng minh đạt. Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta
trong Chánh pháp luật này được thọ được độ, được đến bờ bên kia, không
nghi không hoặc, ở trong thiện pháp không có do dự, người ấy nhân sự
kiện này mà cung kính, cúng dường, tôn trọng, phụng sự Ta, thường theo
ta không rời.
“Này Ưu-đà-di, Đó là năm pháp Ta có khiến cho
các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, thường theo
không rời.”
10. Ngoại
đạo cho rằng Như Lai là người phá
hoại sự sống
153. ‘Kinh Man Nhàn Đề’
Lúc ấy vào buổi xế trưa, dị học Man-nhàn-đề (Pāli: Māgandiya-paribbājaka, du sī Māgandiya) thong dong, tản bộ đến Đệ nhất tịnh thất của
Bà-la-bà. Từ xa dị học Man-nhàn-đề thấy trên sàn rải cỏ ở tịnh thất ấy
có dấu nằm một bên hông, như chỗ nằm của sư tử, của Sa-môn, của bậc
Phạm hạnh. Trông thấy vậy, dị học Man-nhàn-đề hỏi Bà-la-bà:
“Trong Đệ nhất tịnh thất ấy, sàn
cỏ có dấu nằm một bên hông này của ai mà giống như chỗ nằm của sư tử,
của Sa-môn, của bậc Phạm hạnh như thế?”
Phạm chí Bà-la-bà đáp: “Này
Man-nhàn-đề, có Sa-môn Cù-đàm con dòng họ Thích, từ bỏ Thích tộc, cạo
bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia
đình, xuất gia học đạo, đắc quả Vô thượng Chánh đẳng giác. Ở trong tịnh
thất đó, sàn cỏ có dấu nằm một bên hông đó, như chỗ nằm của sư tử, của
Sa-môn, của bậc Phạm hạnh chính là của Sa-môn Cù-đàm.”
Dị học Man-nhàn-đề nói: “Này Bà-la-bà, tôi nay phải thấy cảnh không đáng thấy, phải
nghe theo điều không đáng nghe; nghĩa là phải thấy chỗ nằm của Sa-môn
Cù-đàm. Vì sao? Vì Sa-môn Cù-đàm ấy là kẻ phá hoại. Kẻ phá hoại là kẻ vô
dụng….
11. 32 tướng tốt
59. ‘Kinh
Tam Thập Nhị Tướng’ ( giống như kinh số 161. ‘Kinh Phạm Ma’)
Đức Thế Tôn dạy: “Này các
Tỳ-kheo, các ngươi muốn Như Lai nói về ba mươi hai tướng không? Bậc Đại
nhân mà thành tựu ba mươi hai tướng thì chắc chắn có hai trường hợp,
chân thật, không hư dối. Nếu ở tại gia thì chắc chắn vị ấy làm Chuyển
luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ,
tự do tự tại, là pháp vương hành động theo Chánh pháp, thành tựu bảy
báu. Bảy báu ấy là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ
báu, tướng quân báu. Vị ấy có đủ một ngàn con trai dung mạo đẹp đẽ, dõng
mãnh, không sợ, nhiếp phục được địch quân. Vị ấy thống lãnh toàn thể
cõi đất này cho đến biển cả; không dùng đao gậy mà dùng pháp giáo hóa
khiến cho an lạc. Nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ
bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, thì chắc chắn chứng đắc quả
Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm vang dội, mười
phương đều nghe.”…
Phật nói: (1). “Bậc Đại nhân
có lòng bàn chân bằng phẳng. (2). “Lại nữa, lòng bàn
chân của Đại nhân có hình bánh xe. Bánh xe có đầy đủ ngàn tăm..(3).
“Lại nữa, ngón chân của Đại nhân thon dài. (4). “Lại
nữa, mu bàn chân Đại nhân thì ngay ngắn. (5). “Lại
nữa, ở phía sau hai bên mắt cá của gót chân Đại nhân thì đầy đặn bằng
phẳng. (6). “Lại nữa, hai mắt cá nơi bàn chân thì nhô
cao và đầy. (7). “Lại nữa, lông trên thân thể của Đại
nhân mọc hướng lên. (8). “Lại nữa, ở chân tay Đại nhân
có màng lưới giống như của chim nhạn chúa. (9). “Lại
nữa, chân tay Đại nhân rất đẹp, mềm mại, xòe ra như hoa Đâu-la (10).
“Lại nữa, da thịt của Đại nhân mịn màng, bụi nước không dính
được. (11). “Lại nữa, từng sợi lông trên thân của Đại
nhân, từng sợi lông một mọc ở lỗ chân lông, màu xanh lóng lánh như màu
của ốc, xoay tròn về hướng phải. (12). “Lại nữa, bắp
đùi như bắp đùi của nai chúa. (13). “Lại nữa, âm mã
tàng của Đại nhân giống như của ngựa chúa tốt.(14). “Lại nữa, thân hình Đại nhân cân xứng
đẹp đẽ, giống như cây Ni-câu-loại, trên dưới tương xứng hoàn toàn. (15).
“Lại nữa, thân thể của Đại nhân không gù còng. Thân không
còng nghĩa là đứng thẳng mà duỗi tay, sờ tận đầu gối. (16). “Lại
nữa, thân của Đại nhân màu hoàng kim giống như vàng ròng tía.
(17). “Lại nữa, thân của Đại nhân có bảy chỗ đầy đặn. Bảy chỗ
đầy đặn là hai bàn tay, hai bàn chân, hai vai và cổ. (18). “Lại
nữa, thân của Đại nhân phần trên lớn giống như thân sư tử.
(19). “Lại nữa, quai hàm của Đại nhân như sư tử.(20). “Lại
nữa, xương sống thẳng bằng. (21). “Lại nữa, trên hai
vai liên tiếp qua cổ đầy đặn bằng phẳng. (22). “Lại
nữa, Đại nhân có bốn mươi cái răng. Răng đều đầy đặn, không khuyết lở,
trắng, trong, láng bậc nhất. (23). “Lại nữa, tiếng nói
đáng ưa như tiếng trời Phạm thiên, âm thanh như tiếng chim
Gia-la-tỳ-già. (24).
“Lại nữa, Đại nhân có lưỡi rộng dài. Lưỡi rộng dài là lưỡi khi
lè ra trùm khắp cả mặt. (25).“Lại nữa, mí mắt của Đại
nhân rộng như của trâu chúa. (26). “Lại nữa, mắt Đại nhân màu xanh biếc.
(27). “Lại nữa, đỉnh đầu Đại nhân có nhục kế tròn cân đối,
tóc xoáy ốc về hướng phải.. (28). “Lại nữa, giữa hai
lông mày của Đại nhân có sợi lông trắng mọc xoáy tròn về hướng phải. Đó
là tướng của bậc Đại nhân.
12. Một trong hai con đường mà thái
tử Tất Đạt Đa phải lựa chọn
161.
‘Kinh Phạm Ma’
Lại nghe rằng:
‘Sa-môn Cù-đàm thành tựu ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân. Nếu ai
thành tựu tướng của Đại nhân, thì chắc chắn có hai trường hợp chân thực
không sai lầm. Đó là, nếu vị ấy ở tại gia thì chắc chắn làm Chuyển
luân vương, thông minh, trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ,
tự do, tự tại, là pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu đó là
xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân
báu. Đó là bảy báu. Nhà vua có đủ một ngàn người con, dung mạo khôi
ngô, dõng mãnh, không sợ, hàng phục được địch quân, chắc chắn thống
lãnh toàn cõi đất này, cho đến bể cả, không dùng đao gậy, chỉ đem pháp
giáo hóa, khiến dân an ổn. Và nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa,
chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì
chắc chắn đắc quả Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm
lan khắp, mười phương đều nghe.’
13. Ma Ba Tuần yêu cầu đức Phật không nói pháp
78. ‘Kinh
Phạm Thiên Thỉnh Phật’
Bấy giờ Ma vương liền bạch Thế Tôn rằng:
“Đại Tiên nhân, ông thật khéo thấy, khéo biết, khéo thông
suốt, nhưng ông chớ nên giáo huấn, chớ nên dìu dắt đệ tử, chớ nói pháp
cho đệ tử nghe, chớ luyến ái đệ tử. Chớ vì luyến ái đệ tử mà khi thân
hoại mạng chung sẽ sanh vào nơi thấp kém, sanh trong loại thần kỹ nhạc.
Hãy sống vô vi mà hưởng thụ an ổn khoái lạc trong đời hiện tại. Vì
sao? Đại Tiên nhân, vì đó là tự gây phiền nhiệt vô ích. Đại Tiên nhân,
xưa có Sa-môn, Phạm chí giáo huấn đệ tử, dìu dắt đệ tử, nói pháp cho đệ
tử nghe, luyến ái đệ tử. Vì luyến ái đệ tử nên khi thân hoại mạng
chung, vị ấy đã sanh vào những nơi thấp kém, sanh làm thần kỹ nhạc. Đại
Tiên nhân, vì thế tôi bảo ông chớ nên giáo huấn đệ tử và dìu dắt đệ
tử, cũng đừng nói pháp cho đệ tử nghe, chớ luyến ái đệ tử. Vì luyến ái
đệ tử, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào nơi thấp kém, làm thần
kỹ nhạc. Hãy sống vô vi mà hưởng thụ khoái lạc trong đời hiện tại. Vì
sao? Vì đó là tự gây phiền nhọc vô ích mà thôi”.
Khi ấy, Phật bảo rằng: “Ma
Ba-tuần, ngươi chẳng phải vì mong cầu nghĩa lợi cho Ta, chẳng phải vì
mong cầu sự hữu ích, chẳng phải vì mưu cầu hoan lạc, cũng chẳng phải
mưu cầu sự an ổn cho Ta mà nói với Ta rằng: ‘Đừng giáo huấn, dìu dắt đệ
tử, đừng nói pháp cho đệ tử nghe, đừng luyến ái đệ tử. Vì sao? Vì
luyến ái đệ tử thì sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào nơi thấp
kém, sanh làm thần kỹ nhạc. Hãy sống mà hưởng thụ khoái lạc ngay trong
đời hiện tại. Vì sao vậy? Đại Tiên nhân, vì đó là sự gây phiền nhọc vô
ích mà thôi’. Ma Ba-tuần, Ta biết ngươi đang nghĩ rằng ‘Sa-môn Cù-đàm
này nói pháp cho đệ tử nghe, sau khi nghe xong, các đệ tử ấy sẽ ra khỏi
cảnh giới của ta’. Này ma Ba-tuần, vì thế cho nên ngươi nói với Ta
rằng: ‘Đừng giáo huấn, dìu dắt đệ tử, đừng nói pháp cho đệ tử nghe,
cũng đừng luyến ái đệ tử, thì sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào
cảnh giới thấp kém, sanh làm thần kỹ nhạc. Hãy sống vô vi mà hưởng thụ
khoái lạc an ổn ngay trong đời hiện tại. Vì sao vậy? –Này Đại Tiên
nhân, vì đó là sự gây phiền nhiệt vô ích mà thôi’.
“Ma Ba-tuần, nếu quả có Sa-môn, Phạm chí nào
đã giáo huấn đệ tử, dìu dắt đệ tử, nói pháp cho đệ tử nghe và luyến ái
đệ tử; vì luyến ái đệ tử nên thân hoại mạng chung đã sanh vào nơi thấp
kém, làm thần kỹ nhạc thì Sa-môn, Phạm chí ấy chẳng phải là Sa-môn mà
tự xưng là Sa-môn, chẳng phải là Phạm chí mà tự xưng là Phạm chí, chẳng
phải A-la-hán mà tự xưng là A-la-hán, chẳng phải Đẳng chánh giác mà tự
xưng Đẳng chánh giác.
“Này ma Ba-tuần, Ta là Sa-môn thực nên mới
xưng là Sa-môn, thực là Phạm chí nên mới xưng là Phạm chí, thực là
A-la-hán nên mới xưng là A-la-hán, thực là Đẳng chánh giác nên mới xưng
là Đẳng chánh giác. Này ma Ba-tuần, nếu Ta có nói pháp hay không nói
pháp cho đệ tử nghe thì ngươi cũng nên đi đi. Nay Ta tự biết nên nói
pháp cho đệ tử nghe hay không nên nói pháp cho đệ tử nghe.
“Đó là sự thỉnh cầu Phạm thiên, sự chống đối
của ma Ba-tuần, sự tùy thuận thuyết pháp của Đức Thế Tôn, cho nên kinh
này gọi là “Phạm thiên thỉnh Phật”.
14. Sự kiện Thế Tôn nhập Niết bàn
68. ‘Kinh Đại Thiện Kiến Vương’
Một thời, Phật du hóa tại thành Câu-thi (Pāli: Kusinārā),
trú trong rừng Sa-la của Hòa-bạt-đơn lực sĩ (Pāli:
Upavattana-Mallā, bộ tộc Mallā ở Upavattana).
Bấy giờ, vào lúc tối hậu, sắp nhập Niết-bàn,
Đức Thế Tôn bảo:
“Này A-nan, hãy đến giữa hai cây
Sa-la song thọ (Pāli: yamaka-sālā)] trải chỗ nằm cho Như Lai, đầu quay về hướng
Bắc. Như Lai vào giữa đêm nay sẽ nhập Niết-bàn.”
Tôn giả A-nan vâng lời Đức Như Lai, liền đến
giữa hai cây song thọ trải chỗ nằm cho Như Lai, đầu quay về hướng Bắc.
Sau khi trải chỗ nằm xong, trở lại chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới
chân Ngài rồi đứng sang một bên, bạch rằng: “Bạch
Thế Tôn, con đã trải chỗ nằm cho Như Lai, đầu quay về hướng Bắc. Cúi
mong Thế Tôn tự biết thời.”
Bấy giờ Thế Tôn cùng Tôn giả A-nan đến giữa
hai cây song thọ, xếp tư y uất-đa-la-tăng trải lên chỗ nằm, gấp y
tăng-già-lê làm gối. Ngài nằm nghiêng về hông bên phải, hai chân chồng
lên nhau. Đây là lúc tối hậu, Phật sắp Niết-bàn.
15.
Kinh nghiệm tu tập của đức Thế
Tôn
72. ‘Kinh
Trường Thọ Vương Bổn Khởi’
Này A-na-luật-đà, thuở xưa lúc Ta chưa đắc đạo
giác ngộ vô thượng chánh chân, cũng nhận được ánh sáng mà thấy sắc.
Giây lát, sắc được thấy kia và ánh sáng liền biến mất. A-na-luật-đà, Ta
nghĩ: ‘Trong tâm Ta có tai hoạn nào khiến cho Ta mất định mà con mắt
diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây
lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt?’ A-na-luật-đà, Ta hành
tinh tấn, không biếng nhác, thân tĩnh chỉ an trú, có chánh niệm chánh
trí, không có ngu si, được tĩnh chỉ nhất tâm. Này A-na-luật-đà, Ta nghĩ
rằng: ‘Ta hành tinh tấn, không biếng nhác, tĩnh chỉ nơi thân, có chánh
niệm chánh trí, an trú, không có si, được định tĩnh nhất tâm. Phải
chăng trong đời không có gì để Ta thấy, để Ta biết chăng?’ Trong tâm Ta
sanh tai hoạn về hoài nghi ấy. Nhân tai hoạn của hoài nghi ấy nên mất
định mà con mắt diệt. Con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để
thấy sắc; giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt.
A-na-luật-đà, nay Ta nên nghĩ rằng: ‘Trong tâm Ta không sanh tai hoạn
của hoài nghi’. A-na-luật-đà, vì Ta muốn không sanh tai hoạn này nên
sống cô độc viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống
cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên nhận
được ánh sáng mà thấy sắc; giây lát, sắc dược thấy kia và ánh sáng liền
biến mất.…..
“Này A-na-luật-đà, có lúc Ta biết ánh sáng
rộng rãi, cũng thấy sắc rộng rãi. A-na-luật-đà, Ta nghĩ rằng: ‘Do duyên
nào, do nhân nào Ta biết ánh sáng rộng rãi, cũng thấy ánh sáng rộng
rãi’. Ta lại nghĩ: ‘Nếu Ta nhập định rộng rãi, nhờ nhập định rộng rãi
nên nhãn căn thanh tịnh rộng rãi. Nhờ nhãn căn thanh tịnh rộng rãi nên
Ta biết ánh sáng rộng rãi, cũng thấy sắc rộng rãi’. A-na-luật-đà, Ta
biết như thế rồi nên suốt ngày suốt đêm, suốt ngày lẫn đêm biết ánh
sáng rộng rãi, cũng thấy sắc rộng rãi. Này A-na-luật-đà, bấy giờ Ta
thực hành hạnh an trú tĩnh chỉ này.
“Này A-na-luật-đà, nếu trong tâm ta sanh tai
hoạn về nghi, đối với tai hoạn ấy trong tâm Ta đã đoạn trừ, được thanh
tịnh. Với vô niệm, thân bệnh tưởng, thụy miên, tinh cần thái quá, giải
đãi thái quá, sợ hãi, hỷ duyệt, tâm tự cao, đa dạng tưởng, và sanh tai
hoạn về không quán sắc, đối với những tai hoạn ấy tâm được thanh tịnh.
Tu học, cực tu học về định có giác có quán; tu học, cực tu học về định
không giác ít quán; tu học, cực tu học về định không giác không quán;
tu học, cực tu học về định thuần nhất; tu học, cực tu học về định hỗn
hợp; tu học, cực tu học về định một phần ít; tu học, cực tu học về định
quảng vô lượng. Ta có trí và kiến thanh tịnh, sáng suốt vô cùng, hướng
đến an trú vào định, tinh cần tu tập đạo phẩm, biết như thật rằng: ‘Sự
sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái
sanh nữa’. Này A-na-luật-đà, bấy giờ Ta thực hành trụ chỉ ấy”.
16. Đức Phật không
phải là nhà huyễn thuật
20. ‘Kinh Ba La Lao’
Tôi nghe Sa-môn Cù-đàm biết huyễn thuật, là
nhà huyễn thuật. Thưa Cù-đàm, nếu ai nói như vậy: ‘Sa-môn Cù-đàm biết
huyễn thuật, là nhà huyễn thuật’, người ấy không hủy báng Sa-môn Cù-đàm
chăng? Người ấy có nói đúng sự thật không? Người ấy nói có đúng pháp
chăng? Người ấy nói đúng pháp và như pháp chăng? Đối với như pháp,
không có sai lầm và không bị chỉ trích chăng?”
Đức Thế Tôn đáp: “Này Già-di-ni, nếu có ai nói
như vầy, ‘Sa-môn Cù-đàm biết huyễn thuật, là nhà huyễn thuật’, thì
người ấy không hủy báng Sa-môn Cù-đàm, người ấy nói chân thật, ngươi ấy
nói đúng pháp, người ấy nói pháp như pháp, đối với pháp không có lỗi
lầm, không bị chỉ trích. Vì sao thế? Này Già-di-ni, Ta biết huyễn thuật
ấy, nhưng chính Ta không phải là nhà huyễn thuật”.
17. Mười hiệu
8.‘Kinh Thất Nhật’, 16. ‘Kinh Già
Lam’, 20. ‘Kinh Ba La Lao’,
“Này các Tỳ-kheo,
Ta nay xuất hiện ở đời, là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác,
Minh Hạnh Túc, Thiên Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự
Thiên Nhân Sư, gọi là Phật, là Đấng Chúng Hựu.
18. Mục đích đức Phật ra đời
8.
‘Kinh Thất Nhật’
“Ta nay đã làm lợi
ích cho chính mình, cũng làm lợi ích cho kẻ khác, làm lợi cho mọi người,
cảm thương thế gian, vì trời và người mà tìm nghĩa và sự lợi ích, tìm
sự an ổn khoái lạc. Nay Ta thuyết pháp đã đạt được chỗ rốt ráo, rốt ráo
bạch tịnh, rốt ráo phạm hạnh. Do rốt ráo phạm hạnh, ta nay đã lìa khỏi
sanh, lão, bệnh, tử, khóc than, buồn rầu. Nay Ta đã được giải thoát
mọi khổ não”.
19. Nội dung giáo dục của Phật
115. ‘Kinh Mật Hoàn Dụ’
“Sa-môn Cù-đàm, Ngài lấy gì làm tông chỉ? Và
thuyết giảng những pháp gì?”
Đức Thế Tôn đáp: “Này
người họ Thích, nếu tất cả chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ
ngườøi đến trời trên thế gian này đều không đấu tranh, tu tập ly dục,
thanh tịnh phạm hạnh, lìa bỏ siểm khúc, dứt trừ hối, không đắm trước
nơi hữu, phi hữu, cũng không có tưởng. Đó là tông chỉ của Ta. Pháp Ta
thuyết giảng cũng như vậy”.
20. Lòng bao dung của đức Phật
133.
‘Kinh Ưu Ba Li’
Bạch Thế Tôn, con đã biết. Bạch Thiện Thệ,
con đã hiểu. Hôm nay con xin quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo. Cúi xin
Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc. Từ nay về sau, trọn đời con quy y cho
đến khi chết”.
Đức Thế Tôn bảo: “Cư sĩ, ông
hãy im lặng mà làm, không nên lớn tiếng tuyên bố. Sự im lặng của người
thù thắng như vậy là tốt đẹp.”
Cư sĩ Ưu-ba-ly bạch: “Bạch
Thế Tôn, với sự kiện này, đối với Thế Tôn con lại bội phần hoan hỷ. Vì
sao như vậy? Vì Thế Tôn đã nói như thế này: “Cư sĩ, ông hãy im lặng mà
làm, không nên lớn tiếng tuyên bố. Sự im lặng của người thù thắng như
vậy là tốt đẹp’.
“Bạch Thế Tôn, nếu như con mà làm đệ tử của
các Sa-môn, Phạm chí khác thì họ đã cầm tràng phan, dù lọng đi tuyên bố
khắp nơi Na-nan-đà, nói như thế này: ‘Cư sĩ Ưu-ba-ly đã làm đệ tử ta!
Cư sĩ Ưu-ba-ly đã làm đệ tử ta!’ Nhưng Thế Tôn lại nói như thế này: ‘Cư
sĩ, ông hãy im lặng mà làm, không nên lớn tiếng tuyên bố. Sự im lặng
của người thù thắng như vậy là tốt đẹp’.”
Cư sĩ Ưu-ba-ly lại bạch rằng: “Bạch
Thế Tôn, từ nay về sau con không cho các Ni-kiền đi vào nhà con. Chỉ
có bốn chúng đệ tử Thế Tôn, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di
vào mà thôi.”
Đức Thế Tôn bảo: “Cư sĩ, các
Ni-kiền kia cùng với gia đình ông trong một thời gian dài đã tôn kính
nhau. Nếu họ có đến thì ông nên tùy theo khả năng của mình mà cúng
dường họ.”
Ưu-ba-ly bạch: “Bạch Thế Tôn, với sự kiện này, đối với
Thế Tôn con lại bội phần hoan hỷ. Vì sao như vậy? Vì Thế Tôn đã nói như
thế này: ‘Cư sĩ, các Ni-kiền kia đối với gia đình ông trong một thời
gian dài đã tôn kính nhau. Nếu họ có đến thì ông nên tùy theo khả năng
của mình mà cúng dường họ’. Bạch Thế Tôn, ngày trước con nghe nói Thế
Tôn dạy như thế này: ‘Nên cho Ta, đừng cho người khác. Nếu cho Ta sẽ
được phước lớn, nếu cho người khác thì không được phước lớn. Cho đệ tử
Ta thì sẽ được phước lớn, cho đệ tử người khác thì không được phước
lớn’.”
Đức Thế Tôn bảo: “Cư sĩ, Ta
không nói như thế. Ta không nói rằng: ‘Nên cho Ta chứ đừng cho người
khác. Cho đệ tử Ta chứ đừng cho đệ tử người khác. Nếu cho Ta thì phước
lớn, nếu cho người khác thì không được phước lớn. Cho đệ tử Ta sẽ được
phước lớn, nếu cho đệ tử người khác thì không được phước lớn’. Cư sĩ,
Ta nói như thế này: ‘Hãy cho tất cả tùy theo tâm hoan hỷ. Nhưng cho
người không tinh tấn không được phước lớn. Cho người tinh tấn sẽ được
phước lớn’.”
Cư sĩ Ưu-ba-ly bạch: “Bạch
Thế Tôn, xin nguyện không làm vậy]. Con tự biết nên cho Ni-kiền hay không nên
cho Ni-kiền. Bạch Thế Tôn, hôm nay một lần nữa con xin tự quy y Phật,
Pháp và chúng Tỳ-kheo. Cúi xin Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc. Từ nay
về sau, trọn đời quy y cho đến khi chết.”
21.
Những
điều kiện Tỷ kheo phải có trước khi tu tập hay hoằng dương Phật pháp
1. ‘Kinh Thiện pháp’
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng: “Nếu có Tỳ-kheo
thành tựu bảy pháp tất được hoan hỷ an lạc trong pháp Hiền thánh, thẳng
tiến đến lậu tận. Bảy pháp đó là gì? Đó là biết pháp, biết nghĩa, biết
thời, biết tiết độ, biết mình, biết chúng hội và biết sự hơn kém của
người.
“Thế nào gọi là Tỳ-kheo biết pháp? Nghĩa là
Tỳ-kheo biết chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn
lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết
nghĩa. Ấy là Tỳ-kheo biết pháp. Nếu Tỳ-kheo không biết pháp, tức không
biết chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản
khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa.
Tỳ-kheo như vầy là không biết pháp. Nếu có Tỳ-kheo khéo biết rõ pháp,
đó là biết chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn
lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết
nghĩa. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ pháp.
“Thế nào gọi là Tỳ-kheo biết nghĩa? Nghĩa là
Tỳ-kheo biết nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia, biết điều
này có nghĩa như thế kia, biết điều kia có nghĩa như thế này. Đó là
Tỳ-kheo biết nghĩa. Nếu Tỳ-kheo không biết nghĩa tức là Tỳ-kheo không
biết nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia; không biết điều này
có nghĩa như thế kia, điều kia có nghĩa như thế này. Tỳ-kheo như vậy
là không biết nghĩa. Nếu có Tỳ-kheo khéo biết rõ nghĩa, đó là biết
nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia, biết điều này có nghĩa
như thế kia, biết điều kia có nghĩa như thế này. Đó là Tỳ-kheo khéo biết
rõ nghĩa.
“Thế nào gọi là Tỳ-kheo biết thời? Đó là
Tỳ-kheo biết thời nào nên tu phương pháp thấp, thời nào nên tu phương
pháp cao, thời nào nên tu phương pháp xả. Ấy là Tỳ-kheo biết thời. Nếu
có Tỳ-kheo không biết thời tức là không biết thời nào nên tu phương
pháp thấp, thời nào nên tu phương pháp cao, thời nào nên tu phương pháp
xả. Tỳ-kheo như vậy là không biết thời. Nếu có Tỳ-kheo khéo biết rõ
thời, đó là biết thời nào nên tu phương pháp thấp, thời nào nên tu
phương pháp cao, thời nào nên tu phương pháp xả. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết
rõ thời.
“Thế nào là Tỳ-kheo biết tiết độ? Đó là
Tỳ-kheo biết tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói
năng, im lặng, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí. Ấy là Tỳ-kheo biết
tiết độ. Nếu có Tỳ-kheo không biết tiết độ tức là Tỳ-kheo không biết
tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng,
đại tiểu tiện, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí. Tỳ-kheo như vậy là
không biết tiết độ. Nếu có Tỳ-kheo khéo biết rõ sự tiết độ, đó là biết
tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng,
giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ sự tiết
độ.
“Thế nào là Tỳ-kheo biết mình? Tỳ-kheo tự biết
mình có mức độ ấy tín, giới thí, tuệ, biện, a-hàm và sở đắc. Tỳ-kheo
như vậy là biết mình. Nếu có Tỳ-kheo không biết mình tức là không tự
biết mình có mức độ ấy tín, giới, văn, thí, tuệ, biện, a-hàm và sở đắc.
Tỳ-kheo như vậy là không biết mình. Nếu có Tỳ-kheo khéo tự biết rõ
mình, đó là biết mình có mức độ ấy tín, giới thí, tuệ, biện, a-hàm và
sở đắc. Tỳ-kheo như vậy là khéo biết rõ mình.
“Thế nào là Tỳ-kheo biết chúng hội? Tỳ-kheo
biết đây là chúng hội Sát-lợi, đây là Phạm chí, đây là chúng hội Cư sĩ,
đây là chúng hội Sa-môn. Ở nơi các chúng hội ấy, ta nên đi như vậy,
đứng như vậy, ngồi như vậy, nói như vậy, im lặng như vậy. Ấy là Tỳ-kheo
biết chúng hội. Nếu có Tỳ-kheo không biết chúng hội tức là không biết
đây là chúng hội Sát-lợi, đây là chúng hội Phạm chí, đây là chúng hội
Cư sĩ, đây là chúng hội Sa-môn. Ở nơi các chúng hội ấy, ta nên đi như
vậy, đứng như vậy, ngồi như vậy, nói như vậy, im lặng như vậy. Tỳ-kheo
như vậy là không biết chúng hội. Nếu có Tỳ-kheo khéo biết rõ chúng hội,
đó là biết đây là chúng hội Sát-lợi, đây là Phạm chí, đây là chúng hội
Cư sĩ, đây là chúng hội Sa-môn. Ở nơi các chúng hội ấy, ta nên đi như
vậy, đứng như vậy, ngồi như vậy, nói như vậy, im lặng như vậy. Ấy là
Tỳ-kheo khéo biết rõ chúng hội.
“Thế nào là Tỳ-kheo biết sự hơn kém của ngườ?
Đó là Tỳ-kheo biết có hai hạng người: có tín và có bất tín, người có
tín là hơn, người bất tín là kém. Người có tín lại có hai hạng: Thường
đến gặp Tỳ-kheo và không thường đến gặp Tỳ-kheo. Người đến gặp thấy
Tỳ-kheo là hơn, người không thường đến gặp Tỳ-kheo là kém. Người thường
đến gặp Tỳ-kheo lại có hai hạng: có lễ kính và không lễ kính. Người có
lễ kính là hơn; người không lễ kính là kém. Người có lễ kính lại có
hai hạng: có hỏi kinh và không hỏi kinh. Người có hỏi kinh là hơn,
người không hỏi kinh là kém. Người có hỏi kinh lại có hai hạng: nhất tâm
nghe kinh và không nhất tâm nghe kinh. Người nhất tâm nghe kinh là
hơn, người không nhất tâm nghe kinh là kém. Người nhất tâm nghe kinh có
hai hạng: nghe rồi thọ trì pháp và nghe rồi không thọ trì pháp. Người
nghe rồi thọ trì pháp là hơn, người nghe rồi không thọ trì pháp là kém.
Người nghe rồi thọ trì pháp lại có hai hạng: nghe pháp có quán sát
nghĩa và nghe pháp không quán sát nghĩa. Người nghe pháp có quán sát
nghĩa là hơn, người nghe pháp không quán sát nghĩa là kém. Hạng nghe
pháp quán sát nghĩa lại có hai: biết pháp, biết nghĩa, hướng về pháp và
thứ pháp, tùy thuận pháp, thực hành đúng như pháp; và hạng không biết
pháp, không biết nghĩa, không hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp
và thực hành đúng như pháp. Người biết pháp, biết nghĩa, hướng về pháp
và thứ pháp, tùy thuận pháp, thực hành đúng như pháp là hơn; người
không biết pháp, không biết nghĩa, không hướng về pháp và thứ pháp,
không tùy thuận pháp, không thực hành đúng như pháp là thấp kém. Hạng
biết pháp, biết nghĩa, hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp, thực
hành như pháp lại có hai hạng: Tự làm ích lợi cho mình và cũng làm ích
lợi cho người khác, làm ích lợi cho mọi người, xót thương thế gian, cầu
nghĩa và lợi, an ổn khoái lạc cho trời và người; và hạng không tự làm
lợi ích cho mình và cũng không làm lợi ích cho người, không xót thương
thế gian không cầu nghĩa và lợi, an ổn khoái lạc cho trời và người. Nếu
người nào tự làm lợi ích, cũng làm lợi ích cho người, làm lợi ích cho
mọi người, xót thương thế gian, cầu nghĩa và lợi, an ổn và khoái lạc
cho trời người. Người ấy là bậc nhất là lớn, là trên, là tối cao, là
hơn hết, là tôn quí, là tuyệt diệu giữa mọi người khác. Ví như từ bò có
sữa, từ sữa có lạc, từ lạc có sinh tô, từ sinh tô có thục tô, từ thục
tô có tô tinh. Tô tinh là thứ bậc nhất, là lớn, là trên, là tối cao, là
hơn hết, là tôn quí, là tuyệt diệu đối với những loại kia. Cũng vậy,
nếu người nào tự làm lợi ích cho mọi người, xót thương thế gian, cầu
nghĩa và lợi, an ổn khoái lạc cho trời người, thì trong hai hạng người
như trên đã nói, đã phân biệt, đã thi thiết, người ấy là bậc nhất, là
lớn, là trên, là tối cao, là hơn hết, là tôn quí, là tuyệt diệu. Ấy là
Tỳ-kheo biết sự hơn kém của người.
22. Lộ trình tu tập
2. ‘Kinh Trú Đạc Thọ’
Theo ý nghĩa như
thế, vị Thánh đệ tử cũng vậy. Khi suy nghĩ đến việc xuất gia, lúc đó vị
Thánh đệ tử như là chiếc lá úa vàng, cũng giống như lá cây Trú đạc ở
cõi Tam thập tam thiên vàng úa.
“Lại nữa, khi vị
Thánh đệ tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, với chí tín, từ bỏ gia đình,
sống không gia đình, học đạo; lúc đó vị Thánh đệ tử được gọi là lá rụng,
như lá cây Trú đạc ở Tam thập tam thiên rụng xuống.
“Lại nữa, khi vị
Thánh đệ tử ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ và lạc
phát sinh do viễn ly, thành tựu và an trụ Sơ thiền; lúc đó vị Thánh đệ
tử được gọi là sanh trở lại như lá cây ở Tam thập tam thiên sanh trở
lại.
“Lại nữa, khi vị
Thánh đệ tử giác và quán đã dứt, nội tâm tịch tịnh, không giác không
quán, có hỷ lạc do định sanh thành tựu và an trụ Nhị thiền. Lúc đó Thánh
đệ tử được gọi là sanh màng lưới như cây Trú đạc ở Tam thập tam thiên
sanh mạng lưới.
“Lại nữa, khi vị
Thánh đệ tử lìa hỷ dục, an trụ xả, vô cầu, chánh niệm chánh trí, thân
cảm giác lạc, điều mà bậc Thánh gọi là được xả bởi Thánh, có niệm và
lạc, an trụ không, thành tựu an trụ Tam thiền. Lúc đó Thánh đệ tử được
gọi là nở nụ như mỏ chim, cũng như cây Trú đạc ở Tam thập tam thiên nở
nụ như mỏ chim.
“Lại nữa, khi vị
Thánh đệ tử diệt lạc, diệt khổ; ưu và hỷ từ trước cũng đã diệt, không
khổ không lạc, xả và niệm thanh tịnh thành tựu an trụ Tứ thiền. Vị
Thánh đệ tử lúc đó được gọi là nở hoa như cái bát vậy. cũng như cây Trú
đạc ở Tam thập tam thiên nở hoa như cái bát.
“Lại nữa, khi vị
Thánh đệ tử các lậu đã tận, tâm giải thoát, tuệ giải thoát ngay trong
đời này mà tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ; vị ấy biết
một cách như thật rằng ‘Sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã
xong, không còn tái sanh nữa’. Lúc đó vị Thánh đệ tử được gọi là hoa
nở tròn trịa, cũng giống như cây Trú đạc ở Tam thập tam thiên nở hoa
tròn trịa. Đó là vị Tỳ-kheo lậu tận A-la-hán, được Tam thập tam thiên
tập hội tại chánh điện Thiện pháp hỏi han khen ngợi rằng: ‘Vị Thánh đệ
tử tôn quý đó, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình,
sống không gia đình, học đạo, các lậu đã hết, tâm giải thoát, tuệ giải
thoát, ngay trong đời này tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an
trụ, biết một cách như thật rằng, sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững,
điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Đó là sự tập hội của
các A-la-hán lậu tận, như Tam thập tam thiên cùng tập hội dưới cây Trú
đạc vậy”.
23. Bảy thiện pháp
3. ‘Kinh
Thành Dụ’
“Lại nữa, Thánh đệ
tử thường thực hành tàm sỉ, điều đáng xấu hổ thì biết xấu hổ, xấu hổ
pháp ác bất thiện, phiền não ô ế, là thứ khiến thọ các ác báo, gây nên
gốc rễ sanh tử. Đó là thiện pháp thứ hai mà Thánh đệ tử có được.
“Lại nữa, Thánh đệ
tử thường thực hành xấu thẹn, điều đáng xấu thẹn biết xấu thẹn, xấu
thẹn pháp ác bất thiện, phiền não ô uế là thứ khiến thọ các ác báo, tạo
gốc sanh tử. Đó là thiện pháp thứ ba mà Thánh đệ tử có được.
“Lại nữa, Thánh đệ
tử thường thực hành tinh tiến, đoạn trừ các ác bất thiện pháp, tu các
thiện pháp, luôn gắng sức bền chí, chuyên nhất kiên cố, làm các điều
thiện, không bỏ phương tiện Đó là thiện pháp thứ tư mà Thánh đệ tử có
được.
“Lại nữa, Thánh đệ
tử học rộng nghe nhiều, ghi nhớ không quên, tích lũy sự học rộng. Các
pháp nào là toàn thiện ở khoảng đầu, toàn thiện ở khoảng giữa, toàn
thiện ở khoảng cuối, có nghĩa có văn, thanh tịnh trọn đủ, phạm hạnh
hiển hiện[15], học rộng
nghe nhiều các pháp như vậy; học đến cả ngàn lần, chú ý chuyên tâm quán
sát, thấy rõ hiểu sâu[17]. Đó là thiện
pháp thứ năm mà Thánh đệ tử có được.
“Lại nữa, Thánh đệ
tử thường thực hành nơi niệm, thành tựu chánh niệm; những điều đã học
tập từ lâu, đã từng nghe từ lâu[18], nhớ luôn
không quên. Đó là thiện pháp thứ sáu mà Thánh đệ tử có được.
“Lại nữa, Thánh đệ
tử tu hành trí tuệ, quán sát pháp hưng suy. Do có trí như vậy, có thánh
tuệ, có sự thấu hiểu, phân biệt rõ ràng, mà diệt tận hoàn toàn sự khổ.
Đó là thiện pháp thứ bảy mà Thánh đệ tử có được.
“Những gì là bốn
tăng thượng tâm, dễ được không khó mà Thánh đệ tử đạt được? Đó là Thánh
đệ tử ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ và lạc phát
sinh do viễn ly, thành tựu và an
trụ Sơ thiềân. Đó là tăng thượng tâm thứ nhất dễ được không khó mà
Thánh đệ tử đạt đến.
“Lại nữa, Thánh đệ
tử giác và quán đã dứt, nội tâm tịch tịnh, không giác không quán, có hỷ
lạc do định sanh thành tựu và an trụ Nhị thiền. Đó là tăng thượng tâm
thứ hai dễ được không khó mà Thánh đệ tử đạt đến.
“Lại nữa, Thánh đệ
tử lìa hỷ dục, an trụ xả, vô cầu, chánh niệm chánh trí, thân cảm giác
lạc, điều mà Thánh gọi là được xả bởi Thánh, có niệm và lạc, an trụ
không, thành tựu an trụ tâm. Đó là tăng thượng tâm thứ ba dễ được không
khó mà Thánh đệ tử đạt đến.
“Lại nữa, Thánh đệ
tử diệt lạc, diệt khổ; ưu và hỷ từ trước cũng đã diệt, không khổ không
lạc, xả và niệm thanh tịnh thành tựu an trụ Tứ thiền. Đó là tăng thượng
tâm thứ tư dễ được không khó mà Thánh đệ tử đạt đến.
“Như vậy, Thánh đệ
tử được bảy thiện pháp, đạt đến bốn tâm tăng thượng dễ được không khó,
không bị ma vương lung lạc, cũng không theo pháp ác bất thiện, không bị
nhiễm bởi nhiễm ô, không còn thọ sanh trở lại.
24. 7 loại phước của thế gian và xuất thế gian
7. ‘Kinh Thế Gian Phước’
Thế Tôn nói: “Có
thể, này Châu-na, có bảy loại phước thế gian, có phước hựu lớn, có quả
báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn. Những gì là bảy?
“Này Châu-na, có
tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm cúng thí phòng xá, nhà gác cho
đại chúng Tỳ-kheo. Đó là loại phước thế gian thứ nhất, có phước hựu lớn,
có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.
“Lại nữa, Châu-na,
có tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm, ở trong các phòng xá, cúng
thí giường nằm, đồ ngồi, đệm lông, thảm dệt, chăn len, ngọa cụ trong các
phòng xá. Châu-na, đó là loại thế gian phước thứ hai, có phước hựu
lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.“Lại nữa, Châu-na,
có tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm, ở trong các phòng xá, cúng
thí y phục mới mẽ, sạch sẽ, đẹp đẽ. Châu-na, đó là loại thế gian phước
thứ ba, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức
lớn.
“Lại nữa, Châu-na,
có tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm, ở trong các phòng xá,
thường xuyên cúng thí chúng tăng cháo buổi sáng, thức ăn buổi trưa, lại
cung cấp người làm vườn để sai bảo; hoặc gió, mưa, tuyết, lạnh, tự mình
thân đến khu vườn mà cúng thí chu cấp thêm. Các Tỳ-kheo sau khi ăn,
không lo gió, mưa, tuyết lạnh khiến y phục bị ướt át, mà ngày đêm yên
vui, tư duy thiền tọa vắng lặng. Châu-na, đó là loại thế gian phước thứ
bảy, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức
lớn. …
“Có thể được
Châu-na, lại có bảy loại phước xuất thế gian, có phước hựu lớn, có quả
báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn. Những gì là bảy? Châu-na, có
tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm, nghe Như Lai hoặc đệ tử Như
Lai đang trú ở nơi nào đó. Sau khi nghe, liền hoan hỷ, trong lòng rất
phấn khởi. Châu-na, đó là loại phước xuất thế gian thứ nhất, có phước
hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.
“Lại nữa, Châu-na,
có tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm, nghe Như Lai hoặc đệ tử Như
Lai sẽ từ nơi kia đến đây, nghe rồi vui vẻ, trong lòng rất phấn khởi.
Châu-na, đó là loại phước xuất thế gian thứ hai, có phước hựu lớn, có
quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.
“Lại nữa, Châu-na,
có tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm, nghe Như Lai hoặc đệ tử Như
Lai sẽ từ nơi kia đến đây, nghe rồi vui vẻ, trong lòng rất phấn khởi.
Với tâm thanh tịnh, đích thân tới thăm viếng, lễ kính, cúng dường. Sau
khi cúng dường, thọ pháp ba tự quy, đối với Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo
mà thọ giới cấm[11]. Châu-na, đó là loại
phước xuất thế gian thứ bảy, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh
dự lớn, có công đức lớn.
“Châu-na, tộc tánh
nam hay tộc tánh nữ có tín tâm, nếu tạo được bảy loại phước thế gian
này và lại có bảy loại phước xuất thế gian, thì phước của người kia
không thế tính được, có chừng ấy phước, có chừng ấy kết quả của phước,
có chừng ấy phước báo. Chỉ có thể nói là không thể hạn, không thể
lượng, và không thể biết được con số đại phước.
“Châu-na, ví như từ
châu Diêm-phù có năm con sông: Một là Hằng-già, hai là Dao-vưu-a, ba
là Xá-lao-phù, bốn là A-di-la-bà-đề và năm là Ma-xí[12],
đều chảy về đại hải. Ở khoảng giữa của chúng, không thể tính được số
nước của bao nhiêu thăng hộc. Chỉ có thể nói là số nước nhiều không thể
hạn, không thể lượng, và không thể biết được.
“Cũng vậy, Châu-na, tộc tánh nam hay tộc tánh
nữ có tín tâm, nếu tạo được bảy loại phước thế gian này và lại có bảy
loại phước xuất thế gian, thì phước của người kia không thế tính được,
có chừng ấy phước, có chừng ấy kết quả của phước, có chừng ấy phước
báo. Chỉ có thể nói là không thể hạn, không thể lượng, và không thể
biết được con số đại phước”.
25. Ngã và vô
ngã sở
6. ‘ Thiện Nhân Vãng’
Phật dạy: “Những gì
là bảy? Tỳ-kheo nên thực hành như vầy: ‘Ta không có ta, cũng không có
cái của ta. Trong tương lai không có ta, cũng không có cái của ta. Cái
đã có thì đoạn’. Sau khi đoạn, chứng đắc xả. Có lạc mà không nhiễm,
hiệp hội mà không đắm trước. Thực hành như thế, sẽ do tuệ mà thấy được
đạo lộ tịch tĩnh vô thượng, nhưng vẫn chưa được chứng ngộ. Tỳ-kheo thực
hành như thế sẽ đi đến đâu? Ví như đốt trấu, vừa nhen đã tắt. Nên
biết, Tỳ-kheo kia cũng thế, chút ít mạn chưa trừ hết, nhưng năm hạ phần
kết đã đoạn hết, chứng Trung Bát-niết-bàn. Đó là nơi đi đến của bậc
thiện nhân thứ nhất, thế gian quả thực có người như vậy.
26. Có Ngã hay không có ngã
97. ‘Kinh
Đại Nhân’
“A-nan, nếu không có nhãn xúc, tất cả đều
không có nhãn xúc thì giả sử tách rời nhãn xúc sẽ có duyên nhãn xúc mà
sanh ra lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, nếu không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý
xúc, tất cả đều không có ý xúc, thì giả sử tách rời ý xúc sẽ có duyên ý
xúc mà sanh ra lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, cho nên biết rằng nhân của thọ, tập
khởi của thọ, bản của thọ, duyên của thọ, gọi đó là xúc. Vì sao? Vì
duyên xúc nên có thọ vậy.
“A-nan, nếu có người hỏi ‘Xúc có duyên không?’
thì nên đáp rằng ‘Xúc có duyên’. Nếu có người hỏi ‘Xúc có duyên gì?’
thì nên đáp rằng ‘Duyên danh sắc’. Nên biết rằng duyên danh sắc có xúc.
“A-nan, sở hành, sở duyêncó danh thân. Rời
hành này, ly duyên này thì có hữu đối xúc chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”. “A-nan,
sở hành, sở duyên có sắc thân. Rời hành này, ly duyên này thì có tăng
ngữ xúc chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“Giả sử rời danh thân và sắc thân thì sẽ có
xúc, thi thiết xúc chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, cho nên biết rằng nhân của xúc, tập
khởi của xúc, bản của xúc, duyên của xúc, gọi đó là danh sắc. Vì sao?
Vì duyên danh sắc nên có xúc.
“A-nan, nếu có người hỏi ‘Danh sắc có duyên
chăng?’ thì nên đáp rằng ‘Danh sắc có duyên’. Nếu có người hỏi ‘Danh
sắc có duyên gì?’ thì nên đáp rằng ‘Duyên thức’. Nên biết rằng duyên
thức có danh sắc.
“A-nan, nếu thức không vào thai mẹ mà chỉ có
danh sắc, thì có thành thân này chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, nếu thức mới vào thai, liền ra tức
khắc thì danh sắc hợp với tinh chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, nếu thức của trẻ nhỏ, con trai hay con
gái, bị đoạn hoại không còn, thì danh sắc tăng trưởng dần được chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, cho nên biết rằng nhân của danh sắc,
tập khởi của danh sắc, bản của danh sắc, duyên của danh sắc, gọi đó là
thức. Vì sao? Vì duyên thức nên có danh sắc.
“A-nan, nếu có người hỏi ‘Thức có duyên
chăng?’ thì nên đáp rằng ‘Thức có duyên’. Nếu có người hỏi ‘Thức có
duyên gì?’ thì nên đáp rằng ‘Duyên danh sắc’. Nên biết rằng duyên danh
sắc có thức.
“A-nan, nếu thức không có danh sắc, nếu thức
không an lập, không dựa vào danh sắc thì thức có sanh, có già, có bệnh,
có chết chăng? Có khổ chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, cho nên biết rằng nhân của thức, tập
khởi của thức, bản của thức, duyên của thức, gọi đó là danh sắc. Vì
sao? Vì duyên danh sắc nên có thức.
“A-nan, đó là duyên danh sắc có thức; duyên
thức cũng có danh sắc; do đó có tăng ngữ, do tăng ngữ có truyền thuyết,
do truyền thuyết mà có thể thi thiết là có, nghĩa là thức và danh sắc
cùng đi đôi vậy.
“A-nan, thế nào là có một loại kiến chấp có
thần ngã?”
Tôn giả A-nan bạch Đức Thế Tôn: “Thế
Tôn là Pháp bản, Thế Tôn là Pháp chủ, Pháp do Thế Tôn, cúi xin Thế Tôn
nói điều đó. Con nay nghe xong, được biết ý nghĩa một cách rộng rãi”.
Phật nói: “A-nan, hãy lắng
nghe kỹ. Hãy khéo tư niệm kỹ. Ta sẽ phân biệt cho thầy nghe ý nghĩa một
cách rộng rãi”.
Tôn giả A-nan vâng lời dạy, lắng nghe.
Phật nói: “A-nan, Hoặc có
kiến chấp thọ là ngã Hoặc lại có kiến chấp không cho rằng thọ là ngã,
nhưng thần ngã có cảm thọ, mà tính cách của ngã là khả năng cảm thọ.
Hoặc lại có kiến chấp không cho rằng thọ là ngã và cũng không cho rằng
ngã có cảm thọ, vì tính cách của ngã là khả năng cảm thọ, mà chỉ cho
rằng ngã không cảm thọ gì cả.
“A-nan, Nếu có người cho rằng ‘thọ là thần
ngã’, thì nên hỏi người ấy rằng ‘Ông có ba cảm thọ, lạc thọ, khổ thọ và
không khổ không lạc thọ; trong ba cảm thọ này, ông cho thọ nào là
ngã?’ A-nan, nên nói tiếp với người ấy ‘Nếu lúc có cảm thọ về lạc thọ,
thì ngay lúc ấy hai cảm thọ kia, khổ thọ và không khổ không lạc thọ,
diệt mất. Lúc ấy chỉ có cảm thọ về lạc thọ, nhưng lạc thọ là pháp vô
thường, khổ, hoại diệt’. Nếu khi lạc thọ diệt rồi thì người ấy há không
nghĩ rằng ‘Chẳng phải là ngã diệt chăng?’ A-nan, nếu chỉ có cảm thọ về
khổ thọ, thì lúc ấy hai cảm thọ kia, lạc thọ và không khổ không lạc
thọ, diệt mất. Người ấy lúc đó chỉ có cảm thọï về khổ thọ, nhưng khổ thọ
là pháp vô thường, khổ, hoại diệt. Nếu khổ thọ đã diệt thì người ấy há
không nghĩ rằng ‘Chẳng phải là ngã diệt chăng?’ A-nan, nếu chỉ có cảm
thọ về bất khổ bất lạc thọ thì lúc ấy cả hai cảm thọ kia, lạc thọ và
khổ thọ, diệt mất. Người ấy lúc đó chỉ có cảm giác về không khổ không
lạc thọ, nhưng không khổ không lạc thọ là pháp vô thường, khổ, hoại
diệt. Nếu không khổ không lạc thọ đã diệt thì người ấy há không nghĩ
rằng ‘Chẳng phải là ngã diệt chăng?’ A-nan, thọ là pháp vô thường như
vậy, chỉ xen lẫn khổ, lạc thì lại còn chấp rằng thọ là ngã chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, thọ vô thường như vậy, chỉ xen lẫn
khổ, lạc thì không nên chấp rằng thọ là ngã.
“A-nan, nếu lại có một loại kiến chấp không
cho rằng thọ là ngã, nhưng ngã có cảm thọ vì tính cách của ngã là khả
năng cảm thọ, thì nên nói với người ấy ‘Nếu ông không có thọ, thì thọ
không thể có, không thể nói rằng cái này là sở hữu của tôi’. A-nan,
người kia còn chấp như vầy ‘Thọ không phải là ngã, nhưng ngã có cảm
thọ, vì tính cách của ngã là khả năng cảm thọ’ nữa chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, cho nên người kia không nên chấp như
vầy ‘Thọ không phải là ngã, nhưng ngã có cảm thọ, vì tính cách của ngã
là khả năng cảm thọ’.
“A-nan, nếu lại có một loại kiến chấp không
cho rằng thọ là ngã, cũng không cho rằng ngã có cảm thọ, vì tính cách
của ngã là khả năng cảm thọ, mà chỉ chấp rằng ngã không cảm thọ gì cả,
thì nên nói với người ấy ‘Nếu ông không có cảm thọ, hoàn toàn không có
cảm thọ, nhưng nếu ngã ở ngoài cảm thọ thì không thể nói ngã thanh
tịnh’. A-nan, người kia còn chấp ‘Thọ không phải là ngã, cũng không
chấp ngã có cảm thọ, tính cách của ngã là khả năng cảm thọ, mà chỉ chấp
ngã hoàn toàn không có cảm thọ’ nữa chăng?”
“Bạch Thế Tôn, không”.
“A-nan, cho nên người kia không nên chấp như
vầy ‘Thọ không phải là ngã, cũng không chấp ngã có cảm thọ, tính cách
của ngã là khả năng cảm thọ, mà chỉ chấp ngã hoàn toàn không có cảm
thọ’. Đó gọi là một loại kiến chấp có ngã.
“A-nan, Thế nào là có loại kiến chấp không cho
rằng có ngã?”
Tôn giả A-nan bạch Đức Thế Tôn:
“Thế Tôn là Pháp bản, Thế Tôn là
Pháp chủ, Pháp do Thế Tôn. Cúi xin Thế Tôn nói điều đó. Con nay nghe
rồi được biết ý nghĩa rộng rãi”.
Phật bảo: “A-nan, Hãy lắng
nghe kỹ. Hãy khéo tư niệm kỹ. Ta sẽ phân biệt cho thầy nghe ý nghĩa một
cách rộng rãi”.
Tôn giả A-nan vâng lời dạy, lắng nghe.
Phật nói: “A-nan, nếu có
người không cho rằng ‘Thọ là ngã, cũng không cho rằng ngã có cảm thọ,
vì tính cách của ngã là khả năng cảm thọ và cũng không cho rằng ngã
hoàn toàn không có cảm thọ’. Người ấy do không chấp như vậy nên không
còn thọ sanh ở thế gian này. Người ấy do không còn thọ sanh nên không
còn phiền lụy. Do không phiền lụy mà Bát-niết-bàn, biết một cách như
thật rằng ‘Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong,
không còn tái sanh nữa’.
“A-nan, đó gọi là tăng ngữ, do tăng ngữ có
truyền thuyết, do truyền thuyết mà thi thiết là có. Biết như vậy thì
không còn gì để chấp thủ.“A-nan, nếu Tỳ-kheo chánh giải thoát như vậy
thì không có kiến chấp rằng Như Lai còn hay Như Lai không còn sau khi
chết; chấp Như Lai vừa còn, vừa không còn; Như Lai không phải còn hay
không còn. Đó gọi là có một loại không thấy có ngã….
27. Cuộc đời là vô thường
8. ‘Kinh Thất Nhật’
Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng: “Tất cả các
hành đều vô thường, là pháp không vĩnh cửu, pháp chóng đổi thay, pháp
không thể nương tựa[4]. Các hành như vậy không nên tham
đắm mà phải ghê sợ nhờm tởm, nên tìm sự xả ly, nên tìm giải thoát. Vì
sao thế, vì có lúc không mưa[5]. Ngay khi không mưa ấy tất cả cây
cối, trăm thứ lúa, thảy đều khô héo, đổ nát, chết cả, không thể thường
trụ. Vì thế tất cả các hành đều vô thường, là pháp không vĩnh cửu,
pháp chóng đổi thay, pháp không thể nương tựa. Các hành như vậy không
nên tham đắm mà phải nhờm tởm, ghê sợ, nên tìm sự xả ly, nên tìm giải
thoát.
160.
‘Kinh A Lan Na’
Nghe Đức Thế Tôn hỏi như vậy, các Tỳ-kheo
thưa: “Bạch Thế Tôn, chúng Tỳ-kheo chúng con, sau bữa ăn trưa, tụ tập
ngồi tại giảng đường, bàn luận thế này: ‘Thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ!
Sanh mạng con người quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó,
cần phải làm các việc lành, cần tu Phạm hạnh, vì đã sanh ra thì không
thể không chết. Nhưng người đời này đối với việc làm đúng pháp, việc
làm hợp lẽ, việc lành, việc tốt lại không thực hành, cũng chẳng cầu
mong.’ Bạch Đức Thế Tôn, chúng con đã bàn luận với nhau như vậy. Vì
việc ấy, nên chúng con đã tụ tập ngồi ở giảng đường.”
28. 10 ví
dụ về tính vô thường
160.
‘Kinh A Lan Na’
Bấy giờ, Tôn sư A-lan-na thuyết pháp cho đệ
tử: “– Này các Ma-nạp ma, thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ? Sanh mạng
con người thực quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó, cần
phải làm các việc lành, cần tu Phạm hạnh, vì đã sanh ra thì không thể
không chết. Thế nhưng người đời nay đối với việc làm đúng pháp, việc làm
hợp lẽ, việc thiện, việc tốt lại không thực hành, cũng không cầu
mong.”
Bấy giờ, Tôn sư A-lan-na thuyết pháp cho đệ
tử: “– ‘Này các Ma-nạp ma, thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ! Sanh mạng
con người thực quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó, cần
phải làm các việc lành, cần tu phạm hạnh, vì đã sanh ra thì không thể
không chết. Thế nhưng người đời nay đối với việc làm đúng pháp, việc làm
hợp lẽ, việc thiện, việc tốt lại không thực hành, cũng không cầu
mong.’
“Lại nữa, Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho
đệ tử: “– ‘Này các Ma-nạp ma, giống như hạt sương mai trên ngọn cỏ,
lúc mặt trời mọc thì tan mất, tồn tại tạm thời không thể trường cửu;
cũng vậy, này Ma-nạp ma, sanh mạng con người như hạt sương mai, rất khó
giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ tai hoạn lại lớn, tai hoạn
quá nhiều!’
“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như
vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:
“– ‘Này các Ma-nạp ma, cũng
như lúc trời mưa lớn, nước giọt tạo thành bong bóng, thoạt hiện thoạt
biến; cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng người cũng như bọt nước, rất khó
giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ tai hoạn rất lớn, tai hoạn
quá nhiều!’
“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như
vây. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:
“– ‘Này các Ma-nạp ma,
giống như cây gậy ném xuống nước, nó sẽ trồi trở lên rất nhanh; cũng
vậy, này Ma-nạp ma, mạng người cũng như cây gậy ném xuống nước, trồi
lên rất nhanh, rất khó giữ được rất ít, quá ít vị ngọt, mà tai hoạn,
khổ đau lại lớn, tai hoạn quá nhiều!’
“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như
vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:
“– ‘Này các Ma-nạp ma,
giống như viên ngói mới được nhúng vào bồn nước, rồi đem ra ngay, để ở
nơi có gió và nóng thì khô ráo liền; cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng
người cũng như viên ngói mới được nhúng vào bồn nước, rồi khô ráo ngay,
rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ tai hoạn lớn, tai
hoạn quá nhiều!’
“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như
vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:
“– ‘Này các Ma-nạp ma,
giống như một miếng thịt nhỏ được bỏ vào nồi nước lớn, bên dưới lửa
cháy hừng hực, sẽ tiêu tan rất nhanh; cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng
người cũng như miếng thịt tiêu tan kia, rất khó giữ được, rất ít, quá
ít vị ngọt, mà đau khổ, tai hoạn lại lớn, tai hoạn rất nhiều!’
“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như
vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:
“–‘Này các Ma-nạp ma, giống
như trói tên ăn cướp dẫn đến dưới gốc cây nêu để giết ; mỗi bước chân
đi là một bước tiến gần chỗ chết, là một bước rời xa sự sống; cũng vậy,
này Ma-nạp ma, mạng sống con người cũng như tên cướp bị trói dẫn đến
dưới cây nêu để sát hại, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt mà
đau khổ, tai hoạn lại lớn, tai hoạn quá nhiều!’
“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như
vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:
“– ‘Này các Ma-nạp ma,
giống như gã đồ tể dẫn bò đi làm thịt; mỗi bước chân đi là một bước
tiến gần đến chỗ chết, là một bước rời xa sự sống; cũng vậy, này Ma-nạp
ma, mạng sống con người cũng như con bò bị dẫn đi làm thịt, rất khó
giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ, tai hoạn lại lớn, tai
hoạn quá nhiều!’
“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như
vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:
“– ‘Này các Ma-nạp ma,
giống như dệt vải, thêm một hàng chỉ ngang là thêm một phần gần thành,
gần xong; cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng sống con người như vải dệt gần
xong, khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ, tai hoạn lại
lớn, tai hoạn quá nhiều!’
“Tôn sư A-lan-na thuyết pháp cho đệ tử như
vậy. Và Tôn sư A-lan-na thuyết pháp cho đệ tử: “– ‘Này các Ma-nạp ma, giống như dòng nước trên
núi đổ xiết, chảy nhanh, cuốn trôi các thứ, nước chảy ào ạt không phút
nào ngừng; cũng vậy này Ma-nạp ma, mạng sống con người quá nhanh, không
phút nào ngừng. Này Ma-nạp ma, mạng sống con người cũng như giòng nước
chảy nhanh, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ, tai
hoạn lại lớn, tai hoạn quá nhiều!’
“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như
vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:
“– ‘Này các Ma-nạp ma,
giống như lúc đêm tối mà liệng gậy xuống đất, hoặc đầu dưới đụng đất,
hoặc đầu trên đụng đất hoặc rơi ngay xuống đất, co khi trúng chỗ đất
sạch, có khi trúng chỗ đất không sạch; cũng vậy, này Ma-nạp ma, chúng
sanh bị vô minh phủ kín, bị ái dục cuốn chặt, hoặc sanh vào địa ngục,
sanh vào súc sanh hay loài ngạ quỷ, hoặc sanh cõi trời, hoặc sanh cõi
người. Cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng sống con người như trong tối mà
liệng gậy xuống đất, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau
khổ, tai hoạn lại lớn, tai hoạn quá nhiều!’
29. Chuyện
tiền thân
8.
‘Kinh Thất Nhật’
“Này các Tỳ-kheo,
các ngươi nghĩ sao? Xưa kia đại sư Thiện Nhãn được hàng tiên nhân ngoại
đạo tôn kính là bậc thầy, xả ly dục ái, chứng như ý túc, các ngươi cho
là người nào khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. Nên biết, đó là Ta vậy. Vào
thời đó, Ta là Thiện Nhãn đại sư, được tiên nhân ngoại đạo tôn kính là
bậc thầy, xả ly dục ái, chứng như ý túc; lúc đó ta có vô lượng trăm
ngàn đệ tử. Ta dạy Phạm thế pháp cho các đệ tử. Khi Ta dạy Phạm thế
pháp, trong số các đệ tử có người phụng hành không đầy đủ pháp ấy.
Người ấy sau khi mạng chung hoặc sanh lên cõi trời Tứ vương hoặc trời
Tam thập tam, hoặc trời Diệm-ma, hoặc trời Đâu-suất-đà, hoặc sanh lên
trời Tha hóa. Khi Ta dạy Phạm thế pháp, nếu có người phụng hành đầy đủ
pháp ấy, người ấy tu bốn Phạm thất, xả ly các dục, sau khi mạng chung
người ấy sanh lên trời Phạm thiên. Lúc đó Ta nghĩ như vầy: ‘Ta không
nên cùng với các đệ tử cùng sanh chung một nơi nào vào đời sau. Nay ta
hãy tu thêm tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung sẽ
được sanh lên trời Hoảng dục’. Sau đó, Ta lại tu thêm tăng thượng. Sau
khi tu tăng thượng từ, mạng chung được sanh lên trời Hoảng dục. Thời ấy
Ta và các đệ tử học đạo không hư uổng, được quả báo lớn.
30. Mục đích của việc xuất gia tu tập là giải thoát
9. ‘Kinh
Thất Xa’
Tôn giả Xá-lê Tử
vào lúc xế chiều, rời chỗ thiền tọa, đi đến chỗ Mãn Từ Tử, cùng chào
hỏi nhau rồi ngồi sang một bên, và hỏi Tôn giả Mãn Từ Tử rằng: “Này Hiền
giả, phải chăng Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh?”
Đáp rằng: “Đúng
vậy”
“Này Hiền giả, vì
lý do gì, có phải vì giới thanh tịnh nên ngài theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm
hạnh chăng?”
Đáp rằng: “Thưa,
không phải vậy”.
“Vì tâm thanh tịnh,
vì kiến thanh tịnh, vì nghi thanh tịnh, vì phi đạo tri kiến thanh
tịnh, vì đạo tích tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích đoạn trí thanh tịnh
nên Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh chăng?”
Đáp: “Không phải
vậy”
Lại hỏi: “Tôi vừa
hỏi Hiền giả rằng: ‘Phải chăng Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm
hạnh?’ Hiền giả đáp: ‘Đúng vậy’. Rồi tôi hỏi Hiền giả: ‘Có phải vì giới
thanh tịnh nên Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh chăng?’ thì
Hiền giả đáp: ‘Không phải vậy’; ‘Có phải vì tâm thanh tịnh, vì kiến
thanh tịnh, vì nghi thanh tịnh, vì phi đạo tri kiến thanh tịnh, vì đạo
tích tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích đoạn trí thanh tịnh nên Hiền giả
theo Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh chăng?’ thì Hiền giả cũng lại đáp rằng
‘Không phải vậy’. Nhưng theo ý nghĩa nào mà Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm
tu phạm hạnh?”
Đáp: “Này Hiền giả,
vì Vô dư Niết-bàn vậy”.
Lại hỏi: “Thế nào,
này Hiền giả, có phải vì giới thanh tịnh nên Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô
dư Niết-bàn chăng?”
“Đáp: “Không phải
vậy”.
Lại hỏi: “Vì vì tâm
thanh tịnh, vì kiến thanh tịnh, vì nghi thanh tịnh, vì đạo phi đạo tri
kiến thanh tịnh, vì đạo tích tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích đoạn trí
thanh tịnh nên Hiền giả theo Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn
chăng?”
“Đáp: “Không phải
vậy”.
Lại hỏi: “Tôi vừa
hỏi Hiền giả, ‘Thế nào, này Hiền giả, có phải vì giới thanh tịnh nên
Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn chăng?’ Hiền giả đáp: ‘Không phải
vậy’. ‘Vì tâm thanh tịnh, vì kiến thanh tịnh, vì nghi thanh tịnh, vì
đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích tri kiến thanh tịnh, vì
đạo tích đoạn trí thanh tịnh nên Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn
chăng?’ Vậy những điều Hiền giả nói có ý nghĩa gì? Làm thế nào để biết
được?”
Đáp rằng: “Này Hiền
giả: Nếu vì giới thanh tịnh mà Thế Tôn, Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư
Niết-bàn, thì đó là lấy hữu dư mà gọi vô dư. Nếu vì tâm thanh tịnh, vì
tri kiến thanh tịnh, vì nghi cái thanh tịnh, vì đạo phi đạo tri kiến
thanh tịnh, vì đạo tích tri kiến thanh tịnh, vì đạo tích đoạn trí thanh
tịnh mà Đức Thế Tôn Sa-môn Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn, thì tức là
lấy hữu dư mà gọi là vô dư.
“Này Hiền giả, nếu
lìa pháp đó mà Đức Thế Tôn thi thiết Vô dư Niết-bàn thì phàm phu cũng
sẽ Bát-niết-bàn, bởi vì phàm phu cũng lìa pháp đó.
“Này Hiền giả,
nhưng vì giới thanh tịnh, nên tâm thanh tịnh; vì tâm thanh tịnh nên kiến
thanh tịnh; vì kiến thanh tịnh nên nghi cái thanh tịnh; vì nghi cái
thanh tịnh nên đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh; vì đạo phi đạo tri kiến
thanh tịnh nên đạo tích tri kiến thanh tịnh; vì đạo tích tri kiến
thanh tịnh nên đạo tích đoạn trí thanh tịnh, nên Đức Thế Tôn Sa-môn
Cù-đàm thi thiết Vô dư Niết-bàn.
31. Tôn giả
Mãn Từ Tử
9. ‘Kinh
Thất Xa’
“Bạch Thế Tôn, Tôn
giả Mãn Từ Tử ở nơi sinh quán của mình, được các Tỳ-kheo khen ngợi
rằng: ‘Tự mình thiểu dục, tri túc và khen ngợi thiểu dục tri túc; tự
mình nhàn cư và khen ngợi nhàn cư; tự mình tinh tấn và khen ngợi tinh
tấn; tự mình chánh niệm và khen ngợi chánh niệm; tự mình nhất tâm và
khen ngợi nhất tâm; tự mình có trí tuệ và khen ngợi trí tuệ; tự mình
lâu tận và khen ngợi lâu tận; tự mình khuyến phát khát ngưỡng, thành
tựu hoan hỷ và khen ngợi khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ’.”
32. A nan là thị giả của
Phật và những vấn đề liên quan đến việc này
33. ‘Kinh
Thị Giả’
Một thời Phật du hóa tại thành Vương xá.
Bấy giờ, có các đại đệ tử, là các Tỳ-kheo
trưởng lão thượng tôn danh đức, được nhiều người biết đến; đó là Tôn
giả Câu-lân-nhã (Añña-Kondañña).), A-nhiếp-bối (Assaji), Tôn giả Thích-ca Vương Bạt-đề (Bhaddiya),
Tôn giả Ma-ha-nam Câu-lệ (Mahānāma
Kolita), Tôn giả Hòa-phá (Vappa), Tôn giả Da-xá (Yasa), Tôn giả Bân-nậu(Punna),
Tôn giả Duy-ma-la (Vimala), Tôn giả
Già-hòa-ba-đề (Gavampati), Tôn giả Tu-đà-da, Tôn giả Xá-lê Tử (Sāriputta)., Tôn giả A-na-luật-đà (Anurudha), Tôn giả Nan-đề (Nandiya), Tôn giả Kim-tì-la (Kimbila), Tôn giả Lệ-ba-đá (Revata), Tôn giả Đại Mục-kiền-liên
(Mahā-Moggallāna), Tôn giả Đại Ca-diếp
(Mahā-Kassapa), Tôn giả Đại Câu-hi-la
(Mahā-Kotthita), Tôn giả Đại Châu-na
(Mahā-Cunda), Tôn giả Đại Ca-chiên-diên (Mahā-Kaccāyana),
Tôn giả Bân-nạâu-da-nậu-tả trưởng lão, Tôn giả Da-xá Hành Trù trưởng
lão, rất nhiều các vị Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn danh đức, đại đệ
tử, được mọi người biết đến, tương tự như vậy, cũng ở thành Vương xá,
tất cả đều trú gần ngôi nhà lá của Phật.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Hiện nay tuổi của Ta đã già; thân thể ngày càng suy yếu,
tuổi thọ đã quá già rồi, nên Ta cần có thị giả. Các thầy hãy cử cho Ta
một thị giả, làm sao để chăm sóc Ta, xứng ý chớ không phải không xứng
ý, ghi nhớ lời Ta nói mà không quên mất ý nghĩa.”
Lúc ấy Tôn giả Câu-lân-nhã liền từ chỗ ngồi
đứng dậy, trịch vai sửa y, chắp tay hướng về Đức Phật thưa rằng: “Bạch
Thế Tôn, con xin nguyện hầu hạ, xứng ý chớ không phải không xứng ý, ghi
nhớ những lời Ngài nói mà không quên mất ý nghĩa.”
Đức Thế Tôn bảo rằng: “Này
Câu-lân-nhã, thầy cũng tuổi đã già, thân thể ngày càng suy yếu, tuổi
thọ đã qua dài rồi. Chính thầy cũng cần có thị giả. Này Câu-lân-nhã,
thầy nên lui về chỗ ngồi đi.”
Bấy giờ Tôn giả Câu-lân-nhã đảnh lễ chân Phật
rồi lui về chỗ ngồi.
Cũng như vậy, lần lượt Tôn giả A-nhiếp-bối,
Tôn giảû Thích-ca Vương Bạt-đề, Tôn giả Ma-ha-nam Câu-lệ, Tôn giả
Hòa-phá, Tôn giả Da-xá, Tôn giả Bân-nậu, Tôn giả Duy-ma-la, Tôn giả
Già-hòa-ba-đề, Tôn giả Tu-đà-da, Tôn giả Xá-lê Tử, Tôn giả
A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la, Tôn giả Lệ-ba-đá, Tôn
giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả Đại Ca-diếp, Tôn giả Đại Câu-hi-la, Tôn
giả Đại Châu-na, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Tôn giả Bân-nạâu-da-nậu-tả
trưởng lão.
Tôn giả Da-xá Hành Trù trưởng lão, liền từ chỗ
ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo, chắp tay hướng về Đức Phật thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, con xin nguyẹân hầu hạ xứng ý chớ không phải không xứng
ý, ghi nhớ những lời Ngài dạy mà không quên ý nghĩa.”
Đức Thế Tôn bảo rằng: “Này Da-xá, thầy cũng
tuổi đã già, thân thể ngày càng suy yếu, tuổi thọ đã qua dài rồi. Chính
thầy cũng cần có thị giả. Này Da-xá, thầy nên lui về chỗ ngồi đi.”
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đang ở
trong đại chúng ấy, liền suy nghĩ như vầy: ‘Đức Thế Tôn muốn tìm vị nào
làm thị giả? Ýù nghĩ đặt vào Tỳ-kheo nào? Muốn cho ai chăm sóc Ngài,
xứng ý chớ không phải không xứng ý, và ghi nhớ những lời Ngài dạy mà
không quên mất nghĩa? Có lẽ ta nên nhập định có hình tượng như thế,
quan sát tâm của chúng Tỳ-kheo’. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền nhập
định có hình tượng như thế, biết Thế Tôn muốn chọn Hiền giả A-nan làm
thị giả, ý Ngài đặt vào A-nan, muốn A-nan chăm sóc, xứng ý chớ không
phải không xứng ý, ghi nhớ lời dạy mà không quên ý nghĩa.
Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền xuất
định, thưa với chúng Tỳ-kheo rằng: “Chư Hiền biết
không, Đức Thế Tôn muốn chọn Hiền giả A-nan làm thị giả. Ý Ngài đặt vào
A-nan; muốn A-nan chăm sóc, xứng ý chớ không phải là không xứng ý, ghi
nhớ lời dạy mà không quên ý nghĩa. Bây giờ chúng ta nên cùng nhau đến
chỗ Hiền giả A-nan khuyến dụ thầy ấy làm thị giả của Thế Tôn.”
Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cùng các
Tỳ-kheo cùng nhau đến chỗ Tôn giả A-nan, chào hỏi nhau rồi ngồi sang
một bên. Lúc ấy Tôn giả Đại Mục-kiền-liên ngồi xong, nói rằng: “Hiền
giả A-nan, thầy có biết không, Đức Thế Tôn muốn chọn thầy làm thị giả; ý
Ngài đặt vào A-nan, muốn A-nan chăm sóc Ngài, vì thầy xứng ý Ngài chớ
không phải không xứng ý, ghi nhớ lời dạy của Ngài mà không quên mất ý
nghĩa. A-nan, cũng như ngoài thôn xóm không bao xa, có một tòa lâu đài
to lớn, cửa sổ mở ra ở phía Đông, thì khi mặt trời mọc lên, ánh sáng sẽ
rọi thẳng vào vách phía Tây. Này
Hiền giả A-nan, Đức Thế Tôn cũng vậy, muốn chọn A-nan làm thị giả, ý
Ngài đặt vào A-nan, muốn A-nan chăm sóc Ngài, xứng ý chớ không phải
không xứng ý, ghi nhớ lời dạy của Ngài mà không quên mất ý
nghĩa. Này Hiền giả A-nan, bây giờ thầy nên làm thị giả Đức Thế Tôn.”
Tôn giảû A-nan thưa rằng: “Bạch Tôn giả Đại
Mục-kiền-liên, tôi không thể lãnh trách nhiệm hầu hạ Đức Thế Tôn nổi. Vì
sao thế? Vì với các Đức Phật Thế Tôn khó xứng ý, khó hầu hạ;ï nghĩa là
khó làm thị giả. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, cũng như đối vớiù một con
voi rất hùng mạnh, đã hơn sáu mươi tuổi, kiêu ngạo, sức mạnh cường
thạnh, đủ ngà, đủ vóc, khó làm xứng ý, khó gần gũi; nghĩa là khó coi
sóc.
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, với Đức Như Lai, Vô
Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, cũng lại như vậy, khó xứng ý, khó gần gũi;
nghĩa là khó làm thị giả. Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, vì vậy tôi
không thể lãnh trách nhiệm làm thị giả được.”
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, nói rằng: “Này
Hiền giả A-nan, thầy hãy nghe tôi nói ví dụ, người có trí nghe ví dụ
liền hiểu ý nghĩa của nó. Này Hiền giả A-nan, cũng như hoa
Ưu-đàm-bát-la đúng thời mới xuất hiện thế gian. Này Hiền giả A-nan, Đức
Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác cũng lại như vậy. Đúng thời mới
xuất thế. Này Hiền giả A-nan, thầy nên mau làm thị giả Đức Thế Tôn rồi
sẽ được kết quả lớn.”
Tôn giả A-nan lại bạch: “Thưa Tôn giả Đại
Mục-kiền-liên, nếu Đức Thế Tôn chấp thuận ba điều nguyện của tôi thì tôi
mới có thể làm thị giả. Những gì là ba? Tôi nguyện không đắp y của Thế
Tôn, dù cũ hay mới; nguyện không ăn thực phẩm biệt thỉnh của Phật;
nguyện không gặp Thế Tôn phi thời. Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, nếu
Đức Thế Tôn cho phép tôi nguyện ba điều ấy, tôi mới làm thị giả Đức Thế
Tôn.”
Bấy giờ, sau khi khuyên Tôn giả A-nan làm
thị giả rồi, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đứng dậy đi quanh Tôn giả A-nan
rồi trở về; đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật rồi ngồi sang
một bên, bạch rằng: “Bạch Thế Tôn, con đã khuyến dụ Hiền giả
A-nan làm thị giả Phật. Bạch Thế
Tôn, Hiền giả A-nan, xin nơi Phật ba lời nguyện, nói rằng: ‘Những gì là
ba? Nguyện không đắp y của Thế Tôn, dù cũ hay mới; nguyện không ăn
thực phẩm biệt thỉnh của Phật; nguyện không gạêp Thế Tôn phi thời. Thưa
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, nếu Đức Thế Tôn cho phép tôi nguyện ba điều
ấy, tôi mới làm thị giả Đức Thế Tôn’.”
Đức Thế Tôn nói: “Này Đại
Mục-kiền-liên, Tỳ-kheo A-nan thông minh trí tuệ, biết trước sẽ có những
lời hiềm tỵ, hoặc có vị đồng phạm hạnh sẽ nói như vầy: ‘Tỳ-kheo A-nan
vì y áo nên hầu hạ Đức Thế Tôn’. Này Đại Mục-kiền-liên, nếu Tỳ-kheo
A-nan thông minh trí tuệ, biết trước sẽ có những lời hiềm tỵ hoặc các
đồng phạm hạnh, nói như vầy: ‘Tỳ-kheo A-nan vì y áo nên hầu hạ Đức Thế
Tôn’. Thì đó là pháp vị tằêng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
“Này Đại Mục-kiền-liên, Tỳ-kheo A-nan thông
minh trí tuệ, biết trước sẽ có những lời hiềm tỵ, hoặc có vị đồng phạm
hạnh sẽ nói như vầy: ‘Tỳ-kheo A-nan vì đồ ăn nên hầu hạ Đức Thế Tôn’.
Này Đại Mục-kiền-liên, nếu Tỳ-kheo A-nan thông minh trí tuệ, dự đoán sẽ
có những lời hiềm tỵ hoặc các đồng phạm hạnh nói như vầy: ‘Tỳ-kheo
A-nan vì đồ ăn nên hầu hạ Đức Thế Tôn’. Thì đó là pháp vị tằêng hữu của
Tỳ-kheo A-nan.
“Này Đại Mục-kiền-liên, Tỳ-kheo A-nan khéo
biết thời, khéo phân biệt được thời, biết lúc nào là thời nên đến gặp
Như Lai, lúc nào không phải là thời đến gặp Như Lai; biết lúc nào là
thời chúng Tỳ-kheo và chúng Tỳ-kheo-ni nên đến gặp Như Lai, lúc nào
không phải là thời chúng Tỳ-kheo và chúng Tỳ-kheo-ni nên đến gặp Như
Lai; biết lúc nào là thời chúng Ưu-bà-tắc và chúng Ưu-bà-di nên đến gặp
Như Lai, lúc nào không phải là thời chúng Ưu-bà-tắc và chúng Ưu-bà-di
nên đến gặp Như Lai; biết lúc nào các hàng Sa-môn, Phạm chí dị học nên
đến gặp Như Lai, biết lúc nào các hàng Sa-môn, Phạm chí dị học không nên
đến gặp Như Lai; biết lúc nào các hàng Sa-môn, Phạm chí dị học không
nên đến gặp Như Lai; biết các hàng Sa-môn, Phạm chí dị học nào có thể
bàn luận với Như Lai; biết các hàng Sa-môn, Phạm chí dị học nào không
thể bàn luận với Như Lai; biết thức ăn loại cứng hay loại mềm nào Đức
Như Lai dùng rồi sẽ an ổn, có lợi ích, loại cứng hay loại mềm nào Đức
Như Lai dùng rồi sẽ không được an ổn, có lợi ích; thức ăn loại cứng hay
loại mềm nào Đức Như Lai dùng rồi sẽ được biẹân tài thuyết pháp. Biết
thức ăn loại cứng hay loại mềm nào Đức Như Lai dùng rồi sẽ không được
biện tài thuyết pháp; đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
“Này Đại Mục-kiền-liên, mặc dù Tỳ-kheo A-nan
không có tha tâm trí, nhưng có thể khéo biết trước được Đức Như Lai sẽ
thuyết pháp cho ai khi Như Lai rời tĩnh tọa đứng dậy vào buổi xế, hôm
nay Đức Như Lai sẽ làm như vậy, sẽ hiện pháp lạc trụ như vậy, nhận xét
đúng lời Ngài nói, chắc thật không thể sai khác. Đó là pháp vị tằng hữu
của Tỳ-kheo A-nan.
Khi Tôn giả A-nan nói như vầy: ‘Thưa chư Hiền,
tôi đã hầu Đức Thế Tôn đã hai mươi lăm năm, nếu do đó mà khởi tâm cống
cao, không thể có sự kiện như vậy’. Nếu Tôn giả A-nan nói như thế, thì
đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
Tôn giả A-nan lại nói như vầy: “Thưa chư Hiền,
tôi đã hầu Đức Thế Tôn trong hai mươi lăm năm, cho đến nay chưa hề gặp
Đức Thế Tôn phi thời.” Nếu Tôn giả A-nan nói như thế, thì đó là pháp
vị tằêng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
Tôn giả A-nan lại nói như vầy: “Thưa chư Hiền,
tôi đã hầu Đức Thế Tôn trong hai mươi lăm năm, chưa từng một lần bị
Phật khiển trách, trừ có một lỗi, lỗi đó cũng vì người khác.” Nếu Tôn
giả A-nan nói như vậy thì đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
Tôn giả A-nan lại nói như vầy: “Thưa chư Hiền,
tôi thọ tám văn pháp tụ từ Đức Như Lai, thọ trì không quên; nếu nhân
điều đó mà khởi cống cao, sự kiện như vậy không thể có.” Nếu Tôn giả
A-nan nói như vậy thì đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
Tôn giả A-nan lại nói như vầy: “Thưa chư
Hiền, tôi thọ tám văn pháp tụ từ Đức Như Lai, chưa hỏi lần thứ hai, trừ
có một câu, câu ấy như vậy cũng không dễ. Nếu Tôn giả A-nan nói như vậy
thì đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
Tôn giả A-nan lại nói như vầy: “Thưa chư
Hiền, tôi thọ tám văn pháp tụ từ Đức Như Lai, chưa hề thọ pháp từ người
khác.” Nếu Tôn giả A-nan nói như vậy thì đó là pháp vị tằng hữu của
Tỳ-kheo A-nan.
Tôn giả A-nan lại nói như vầy: “Thưa chư
Hiền, tôi thọ tám văn pháp tụ từ Đức Như Lai, khởi đầu chưa có tâm này,
rằng ‘Tôi thọ trì pháp ấy để dạy lại người khác’. Này chư Hiền, tôi chỉ
muốn tự chế ngự, tự tịch tịnh, tự Bát-niết-bàn thôi.” Nếu Tôn giả
A-nan nói như vậy thì đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
Tôn giả A-nan lại nói như vầy: “Thưa chư Hiền,
có điều rất kỳ lạ này. Đó là có bốn bộ chúng đi đến chỗ tôi để nghe
pháp. Nếu tôi vì thế mà khởi cống cao, điều ấy không thể có được. Tôi
cũng không hề tác ý trước rằng: ‘Nếu có ai đến hỏi, ta sẽ trả lời như
vầy’. Này chư Hiền, tôi ngay trên chỗ ngồi tùy theo nghĩa người kia hỏi
mà trả lời.” Nếu Tôn giả A-nan nói như vậy thì đó là pháp vị tằêng hữu
của Tỳ-kheo A-nan.
Tôn giả A-nan lại nói như vầy: “Thưa chư Hiền,
có điều rất kỳ lạ này. Đó là có số đông Sa-môn, Phạm chí dị học đến
hỏi tôi sự việc gì, nếu vì thế mà tôi sợ sệt, hãi hùng, lông tóc dựng
đứng; không thể có sự kiện ấy. Tôi cũng không hề tác ý trước rằng: ‘Nếu
có ai đến hỏi, ta sẽ trả lời như vầy’. Này chư Hiền, tôi ngay trên chỗ
ngồi tùy theo nghĩa người kia hỏi mà trả lời.” Nếu Tôn giả A-nan nói
như vậy thì đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
Lại nữa, có một thời, Tôn giả Xá-lê Tử, Tôn
giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả A-nan trú tại nước Xá-vệ, trong núi
Bà-la-la. Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử hỏi rằng: Này Hiền giả A-nan, thầy
hầu hạ Đức Phật cho đến nay là hai mươi lăm năm, thầy nhớ có lần nào
khởi dục tâm không?”
Tôn giả A-nan thưa rằng: “Thưa
Tôn giả Xá-lê Tử, tôi còn là hàng hữu học chưa ly dục.”
Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi rằng: “Này
Hiền giả A-nan, tôi không hỏi thầy là bậc hữu học hay vô học. Tôi chỉ
hỏi, trong hai mươi lăm năm qua hầu hạ Đức Thế Tôn, thầy nhớ có lần nào
khởi dục tâm không?”
Tôn giả Xá-lê Tử ba lần lặp lại câu hỏi: “Này
Hiền giả A-nan, hai mươi lăm năm qua thầy hầu hạ Đức Thế Tôn, thầy nhớ
có lần nào khởi dục tâm không?”
Tôn giả A-nan cũng ba lần lặp lại câu trả lời
rằng: “Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, tôi còn là hàng hữu học
chưa ly dục.”
Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi rằng: “Này
Hiền giả A-nan, tôi không hỏi thầy là bậc hữu học hay vô học. Tôi chỉ
hỏi, trong hai mươi lăm năm qua hầu hạ Đức Thế Tôn, thầy nhớ có lần nào
khởi dục tâm không?”
Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói rằng:
“Này Hiền giả A-nan, đáp nhanh đi, đáp nhanh đi, này A-nan,
thầy đừng xúc nhiễu đến bậc thượng tôn trưởng lão.”
Lúc đó Tôn giả A-nan trả lời rằng: “Thưa
Tôn giả Xá-lê Tử, hai mươi lăm năm qua, tôi đã hầu hạ Đức Phật, tôi
nhớ lại chưa hề có lần nào phát khởi dục tâm. Vì sao vậy? Vì tôi thường
hướng đến Thế Tôn và các vị đồng phạm hạnh với tâm niệm hổ thẹn.” Nếu
Tôn giả A-nan nói như thế, thì đó là pháp vị tăng hữu của Tôn giả
A-nan.
Lại nữa, có một thời Đức Thế Tôn du hóa thành
Vương xá, trú trong Nham sơn. Bấy giờ Thế Tôn bảo rằng: “Này
A-nan, ngươi nên nằm như cách nằm của sư tử.”
Tôn giả A-nan bạch rằng: “Bạch
Thế Tôn, sư tử, chúa tể của loài thú, nằm theo cách nào?”
Đức Thế Tôn đáp: “Này A-nan, sư tử, chúa tể của loài thú,
ban ngày đi tìm ăn, xong rồi vào hang; khi muốn ngủ, bốn chân xếp chồng
lên nhau, ngay đuôi ra sau, nằm bằng hông bên phải; qua đêm đến sáng
hôm sau, quay lại sau nhìn thân thể. Nếu sư tử chúa tể của loài thú, mà
thân thể không ngay thẳng, thì khi thấy rồi, nó không vui. Nếu sư tử
chúa tể của loài thú, mà thân thể được ngay ngắn khắp mọi phía, thì khi
thấy rồi nó liền vui mừng. Nó từ chỗ nằm đứng dậy, ở trong hang đi ra;
đi ra rồi gầm gừ; gầm gừ rồi tự ngắm thân thể; tự ngắm thân thể rồi
nhìn khắp bốn hướng, xoay nhìn khắp bốn hướng rồi liền rống lên ba lần,
rống ba lần rồi liền đi tìm ăn. Cách thức nằm của sư tử chúa là như
vậy.”
Tôn giả A-nan bạch rằng: “Bạch
Thế Tôn, cách thức nằm của sư tử, chúa tể của loài thú, là như vậy.
Còn cách nằm của Tỳ-kheo phải như thế nào?”
Đức Thế Tôn đáp rằng: “Này A-nan, nếu Tỳ-kheo sống nơi thôn ấp,
khi đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, khoác y ôm bát, đi vào thôn khất
thực, khéo hộ trì thân thể, nhiếp thủ các căn, trụ với chánh niệm. Vị
ấy từ thôn ấp khất thực xong, xếp y cất bát, rửa sạch tay chân, vắt
Ni-sư-đàn lên vai đi đến chỗ rừng vắng, hoặc đến dưới bóng cây, hoặc
vào trong nhà trống, hoặc kinh hành, hoặc tọa thiền, tịnh trừ những
pháp chướng ngại trong tâm. Ban ngày hoặc kinh hành hoặc tọa thiền để
tịnh trừ những pháp chướng ngại trong tâm rồi. Lại vào đầu hôm hoặc
kinh hành, hoặc tọa thiền, để tịnh trừ những pháp chướng ngại trong tâm.
Sau khi hoặc kinh hành, hoặc tọa thiền để tịnh trừ những pháp chướng
ngại trong tâm vào lúc đầu hôm rồi, đến nữa đêm đi vào tĩnh thất để
nằm, xếp làm tư Ưu-đa-la-tăng, trải lên giường, gấp y tăng-già-lê làm
gối, nằm xuống phía hông bên phải, hai chân xếp chồng lên nhau, buộc ý
vào ấn tượng ánh sáng, chánh niệm, chánh trí, hằng hướng tâm niệm đến ý
tưởng sẽ trỗi dậy. Sau đêm ấy liền nhanh chóng ngồi dậy, hoăc kinh
hành, hoặc tọa thiền, để tịnh trừ những pháp chướng ngại trong tâm. Như
thế là pháp nằm như sư tử của Tỳ-kheo.”
Tôn giả A-nan bạch rằng: “Bạch
Thế Tôn, cách nằm như sư tử của Tỳ-kheo là như vậy.”
Tôn giả A-nan lại nói như vầy: “Này
chư Hiền, Đức Thế Tôn dạy tôi cách nằm giống như sư tử; từ đó trở đi chưa hề có lần nào tôi nằm
nghiêng về bên hông trái.” Nếu Tôn giả A-nan nói như thế thì đó là pháp
vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
Lại nữa, có thời Đức Thế Tôn du hóa
Câu-thi-na-kiệt (Kusināra), trụ
trong rừng Sa-la của Hòa-bạt-đan lực sĩ. Bấy giờ là lúc tối hậu, Thế
Tôn sắp nhập Bát-niết-bàn, Ngài bảo rằng: ‘Này A-nan, ngươi hãy đi đến
giữa hai cây Song thọ, trải giường đầu quay về hướng Bắc, cho Như Lai.
Nửa khuya đêm nay Như Lai sẽ Bát-niết-bàn.”
Tôn giả A-nan vâng lời dạy của Như Lai, liền
đến giữa hai cây Song thọ trải giường nằm, đầu quay về hướng Bắc cho
Đức Như Lai. Trải giường rồi trở về nơi Đức Phật, cúi đầu lễ chân Phật,
đứng sang một bên, thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, con đã trải giường nằm, đầu
quay hướng Bắc, cho Đức Như Lai, ở giữa hai cây Song thọ. Kính mong Đức
Thế Tôn tự nên biết thời.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn dẫn Tôn giả A-nan đến
giữa hai cây Song thọ, xếp làm tư Ưu-đà-la-tăng trải lên giường, gấp y
tăng-già-lê làm gối, nằm về hướng hông bên phải, hai chân xếp chồng lên
nhau. Lúc tối hậu sắp Bát-niết-bàn, Tôn giả A-nan quạt hầu Phật, đưa
tay gạt nước mắt, rồi nghĩ như vầy: ‘Trước kia, có chúng Tỳ-kheo ở các
nơi muốn đến thăm viếng Đức Thế Tôn để cúng dường lễ bái, thì đều có
thể tùy lúc mà được thăm viếng Đức Thế Tôn để lễ bái cúng dường. Nếu họ
nghe Đức Thế Tôn đã Bát-niết-bàn thì họ sẽ không còn đến để được thăm
viếng Đức Thế Tôn mà cúng dường lễ bái. Ta cũng không còn tùy lúc mà
thăm viếng Đức Thế Tôn để cúng dường lễ bái’.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo
rằng:“Tỳ-kheo A-nan bây giờ ở đâu?”
Lúc ấy các Tỳ-kheo bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, Tôn giả A-nan đang
cầm quạt hầu Phật, đưa tay gạt nước mắt rồi nghĩ thế này: ‘Trước kia,
có chúng Tỳ-kheo ở các nơi muốn đến thăm viếng Đức Thế Tôn để cúng
dường lễ bái, thì đều có thể tùy lúc mà được thăm viếng Đức Thế Tôn để
lễ bái cúng dường. Nếu họ nghe Đức Thế Tôn đã Bát-niết-bàn thì họ sẽ
không còn đến để được thăm viếng Đức Thế Tôn mà cúng dường lễ bái. Ta
cũng không còn tùy lúc mà thăm viếng Đức Thế Tôn để cúng dường lễ
bái’.”
Bấy giờ Thế Tôn bảo rằng: “Này A-nan, ngươi chớ khóc lóc, cũng chớ buồn
rầu. Vì sao vậy? Này A-nan, ngươi hầu hạ Ta, thân hành từ hòa, khẩu và ý
hành từ hòa, chưa từng có hai lòng, an lạc vô lường, vô biên, vô hạn.
Này A-nan, nếu các Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, trong đời quá
khứ, có người thị giả nào hầu hạ cũng không thể hơn ngươi được. Này
A-nan, nếu các Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, trong đời vị lai,
có người thị giả nào hầu hạ cũng không thể hơn ngươi được. Này A-nan,
Ta, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, trong đời hiện tại, nếu có
người nào làm thị giả, cũng không thể hơn ngươi được. Vì sao vậy? A-nan
khéo biết thời, khéo phân biệt được thời, biết lúc nào là thời nên đến
gặp Như Lai, lúc nào không phải là thời đến gặp Như Lai; biết lúc nào
là thời chúng Tỳ-kheo và chúng Tỳ-kheo-ni nên đến gặp Như Lai, lúc nào
không phải là thời chúng Tỳ-kheo và chúng Tỳ-kheo-ni nên đến gặp Như
Lai; biết lúc nào là thời chúng Ưu-bà-tắc và chúng Ưu-bà-di nên đến gặp
Như Lai, lúc nào không phải là thời chúng Ưu-bà-tắc và chúng Ưu-bà-di
nên đến gặp Như Lai; biết lúc nào các hàng Sa-môn, Phạm chí dị học nên
đến gặp Như Lai, biết lúc nào các hàng Sa-môn, Phạm chí dị học không
nên đến gặp Như Lai; biết lúc nào các hàng Sa-môn, Phạm chí dị học
không nên đến gặp Như Lai; biết các hàng Sa-môn, Phạm chí dị học nào có
thể bàn luận với Như Lai; biết các hàng Sa-môn, Phạm chí dị học nào
không thể bàn luận với Như Lai; biết thức ăn loại cứng hay loại mềm nào
Đức Như Lai dùng rồi sẽ an ổn, có lợi ích loại cứng hay loại mềm nào
Đức Như Lai dùng rồi sẽ không được
an ổn, có lợi ích; thức ăn loại cứng hay loại mềm nào Đức Như Lai dùng
rồi sẽ được biện tài thuyết pháp. Biết thức ăn loại cứng hay loại mềm
nào Đức Như Lai dùng rồi sẽ không được biẹân tài thuyết pháp.
“Lại nữa, này A-nan, ngươi tuy không có tha
tâm trí, nhưng có thể khéo biết trước được Đức Như Lai sẽ thuyết pháp
cho ai khi Như Lai rời tĩnh tọa đứng dậy vào buổi xế, hôm nay Đức Như
Lai sẽ làm như vậy, sẽ hiện pháp lạc trụ như vậy, nhận xét đúng lời
Ngài nói, chắc thật không thể sai khác.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn muốn làm cho A-nan vui vẻ,
bảo với các thầy Tỳ-kheo ấy rằng: “Vị Chuyển luân
Thánh vương có bốn pháp vị tằng hữu. Những gì là bốn? Đó là chúng
Sát-lợi đến yết kiến Chuyển luân vương, nếu lúc ấy im lặng, họ thấy vậy
liền vui vẻ, nếu lúc ấy có nói gì, họ nghe rồi liền vui vẻ. Tỳ-kheo
A-nan cũng giống như vậy, nghĩa là có bốn pháp vị tằng hữu. Những gì là
bốn? Đó là chúng Tỳ-kheo khi đến gặp A-nan, nếu lúc ấy im lặng, thấy
vậy liền vui vẻ, nếu lúc ấy có nói gì, họ nghe rồi liền hoan hỷ. Chúng
Tỳ-kheo-ni, chúng Ưu-bà-tắc, chúng Ưu-bà-di, nếu gặp A-nan, gặp lúc im
lặng, thấy vậy liền hoan hỷ, nếu lúc ấy có nói gì, nghe rồi liền hoan
hỷ.
“Lại nữa, A-nan thuyết pháp cho đại chúng, có
bốn pháp vị tằng hữu. Những gì là bốn? Tỳ-kheo thuyết pháp cho chúng
Tỳ-kheo bằng chí tâm, không phải không chí tâm. Chúng Tỳ-kheo kia cũng
nghĩ như vầy: ‘Mong Tôn giả A-nan thường thuyết pháp, không dừng lại
nửa chừng. Chúng Tỳ-kheo kia nghe Tôn giả A-nan thuyết pháp, hoàn toàn
không chán nản. Nhưng Tỳ-kheo A-nan tự nhiên ngồi im lặng’. Tỳ kheo
A-nan thuyết pháp cho chúng Tỳ-kheo-ni, chúng Ưu-bà-tắc, chúng
Ưu-bà-di, bằng chí tâm, không phải không chí tâm. Chúng Ưu-bà-di ấy
cũng nghĩ như vầy: ‘Mong Tôn giả A-nan thường thuyết pháp, không dừng
lại nửa chừng. Chúng Ưu-bà-di kia nghe Tôn giả A-nan thuyết pháp, hoàn
toàn không chán nản. Nhưng Tỳ-kheo A-nan tự nhiên ngồi im lặng’.”
Lại nữa, một thời sau khi Thế Tôn Bát-niết-bàn
không bao lâu, Tôn giả A-nan du hóa tại Kim cang trú ở thôn Kim cang.
Bấy giờ Tôn giả A-nan thuyết pháp cho vô lượng trăm ngàn đại chúng vây
quanh trước sau. Bấy giờ, Tôn giả Kim Cang Tử cũng đang ở trong đại
chúng ấy. Tôn giả Kim Cang Tử trong tâm suy nghĩ như vầy: ‘Tôn giả
A-nan này vẫn còn là bậc hữu học chưa ly dục sao? Ta nên như vậy, và
bằng định ấy mà quan sát tâm của Tôn giả A-nan’. Thế rồi Tôn giả Kim
Cang Tử nhập định, và bằng định như vậy mà quan sát tâm của Tôn giả
A-nan. Tôn giả Kim Cang Tử biết Tôn giả A-nan vẫn còn là hữu học nên
chưa ly dục. Bấy giờ Tôn giả ra khỏi tam muội, hướng về Tôn giả A-nan
nói bài tụng rằng:
Núi rừng vắng tư duy,
Khiến tâm trụ Niết-bàn,
Cù-đàm Thiền không loạn,
Sẽ sớm chứng tịch tĩnh.
Bấy giờ Tôn giả A-nan vâng theo lời của Tôn
giả Kim Cang Tử, rời bỏ chỗ đông mà sống một mình, tinh tấn, không tán
loạn. Tôn giả rời bỏ chỗ đông, sống một mình, tinh tấn, không tán loạn,
để đạt mục đích vì đó là một thiện nam tử đã cạo bỏ râu tóc, khoác áo
ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo;
chỉ vì mục đích là thành tựu phạm hạnh vô thượng, ngay trong đời hiện
tại, tự tri tự giác, tự chứùng nghiệm, thành tựu và an trụ, biết như
thật rằng: ‘Sự sanh đã đứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã xong,
không còn tái sanh nữa’.
Tôn giả A-nan biết pháp rồi, cho đến, chứng
đắc A-la-hán. Tôn giả A-nan nói vầy: “Này chư Hiền,
tôi ngồi trên giường, ngả đầu chưa đụng gối, liền đoạn tất cả lậu,
chứng tâm giải thoát.” Nếu Tôn giả A-nan nói như thế; thì đó là pháp vị
tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
Tôn giả A-nan lại nói: “Này
chư Hiền, tôi sẽ ngồi kiết già để Bát-niết-bàn.” Tôn giả A-nan liền
ngồi kiết già mà Bát-niết-bàn. Nếu Tôn giả A-nan ngồi kiết già mà
Bát-niết-bàn; thì đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
56. ‘Kinh
Di Hê’
Một thời, Phật du hóa tại nước Ma-kiệt-đà,
trong một cái hang trong rừng Mãng nại, thôn Xà-đấu.
Bấy giờ Tôn giả Di-hê làm thị giả Phật….
Đức Thế Tôn cũng ba lần nói rằng: “Này Di-hê,
ngươi nay có biết chăng? Ta một mình không có ai, không có thị giả.
Ngươi có thể ở lại ít lâu, đợi có Tỳ-kheo khác đến làm thị giả cho Ta
rồi ngươi có thể đến chỗ yên tĩnh khu rừng xoài kia mà học pháp đoạn
trừ”.
33. Xá Lợi Phất
9. ‘Kinh
Thất Xa’
“Hôm nay tôi đã bàn
luận với vị đệ tử ngang hàng Đức Thế Tôn mà không biết, cùng với bậc
Đệ nhị tôn luận bàn mà không biết, cùng với bậc Đệ nhị tôn luận bàn mà
không biết, cùng luận bàn với vị đệ tử tiếp tục vận chuyển pháp luân đã
được vận chuyển mà không biết. Nếu tôi biết ngài là Xá-lê Tử thì tôi
đã không trả lời nổi một câu, huống chi lại luận bàn sâu xa như thế.
Lành thay! Lành thay! Tôn giả Xá-lê Tử, là đệ tử của Đức Như Lai, trí
biện hoàn hảo, thông minh, quyết định, an lạc vô úy, thành tựu sự chế
ngự, đạt đến đại biện tài, được phướn cam lồ, ở trong cam lồ giới tự
mình đã chứng ngộ, thành tựu và an trụ. Vì Hiền giả đã hỏi những ý
nghĩa vô cùng sâu xa. Hiền giả Xá-lê Tử, những người phạm hạnh sẽ được
nhiều lợi ích, nếu gặp được Tôn giả Xá-lê Tử, tùy thời mà thăm viếng,
tùy thời mà lễ bái. Nay tôi cũng được lợi ích, tùy thời mà thăm viếng,
tùy thời mà lễ bái. Những người phạm hạnh nên quấn y trên đầu để đội
Hiền giả Xá-lê Tử, vì để được nhiều lợi ích. Nay tôi cũng được nhiều
lợi ích, tùy thời mà thăm viếng, tùy thời mà lễ bái”.
31. ‘Kinh Phân biệt Tứ đế’
Tỳ-kheo Xá-lê Tửlà bậc thông tuệ, tốc tuệ,
tiệp tuệ, lợi tuệ, quảng tuệ, thâm tuệ, xuất yếu tuệ, minh đạt tuệ,
biện tài tuệ. Tỳ-kheo Xá-lê Tử thành tựu thật tuệ. Vì sao vậy? Vì ta
nói sơ lược về bốn Thánh đế thế này, thì Tỳ-kheo Xá-lê Tử có thể vì
người khác mà giáo hóa toàn diện, quán chiếu toàn diện, phân biệt, phơi
mở, mở bày, thi thiết hiển thị, thú hướng.
“Khi Tỳ-kheo Xá-lê Tử giáo hóa toàn diện, quán
sát toàn diện, phân biệt, phơi mở, mở bày, thi thiết, hiển thị, thú
hướng, làm cho vô lượng người đạt đến chánh quán. Tỳ-kheo Xá-lê Tử có
khả năng hướng dẫn bằng chánh kiến vậy.
“Tỳ-kheo Mục-kiền-liên có khả năng làm cho
đứng vững nơi chân tế tối thượng, nghĩa là cứu cánh lậu tận. Tỳ-kheo
Xá-lê Tử sanh ra các bậc phạm hạnh, cũng như sanh mẫu; Tỳ-kheo
Mục-kiền-liên trưởng dưỡng các bậc phạm hạnh cũng như dưỡng mẫu. Do đó
các bậc phạm hạnh nên phụng sự, cung kính cúng dường, lễ bái Tỳ-kheo
Xá-lê Tử và Mục-kiền-liên. Vì sao vậy? Vì Tỳ-kheo Xá-lê Tử và Đại
Mục-kiền-liên mong cầu phước lợi và thiện ích, cũng cầu sự an ổn và
khoái lạc cho các vị phạm hạnh”.
34. Xá Lợi Phất giải thích câu: Sanh đã tận….
23. ‘Kinh Trí’
Tôn giả Xá-lê Tử trả lời rằng: “Bạch Thế Tôn, nếu có vị phạm hạnh đến hỏi con rằng: ‘Thưa Tôn
giả Xá-lê Tử, biết thế nào, thấy thế nào, để có thể tự tuyên bố là
chứng đắc trí, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững,
việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa?’ Bạch Thế Tôn, nếu có
người phạm hạnh đến hỏi con như vậy, con sẽ trả lời như vầy: ‘Chư
Hiền, sanh có nhân. Nhân của sự sanh ấy diệt tận, thì biết nhân của sự
sanh diệt tận; tôi tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật rằng:
‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn
tái sanh nữa?’ Bạch Thế Tôn nếu có người phạm hạnh đến hỏi con như
vậy, con sẽ trả lời như thế”.
35. Xá Lợi Phất đi các nơi để giáo hoá chúng
sinh
24. ‘Kinh Sư tử Hống’
“Bạch Thế Tôn, con an cư mùa mưa ở nước Xá-vệ
vừa xong. Bạch Thế Tôn, bây giờ con muốn du hành trong nhân gian”.
Đức Phật nói rằng: “Này Xá-lê Tử, Thầy hãy đi
đến nơi nào theo ý muốn. Những người nào chưa được hóa độ hãy khiến cho
được hóa độ. Những người nào chưa được giải thoát hãy khiến cho họ
được giải thoát. Những người nào chưa chứng Niết-bàn hãy cho chứng đắc
Niết-bàn. Này Xá-lê Tử, Thầy hãy đi đến nơi nào theo ý muốn”.
36. Tỷ kheo vu khống Xá Lợi Phất
và lời giải thích của Xá Lợi Phất
24. ‘Kinh Sư tử Hống’
Sau khi Tôn giả Xá-lê Tử ra đi chẳng bao
lâu, có một vị phạm hạnh ở trước Đức Phật phạm vào pháp tương vi, vị ấy
bạch Thế Tôn:
“Hôm nay Tôn giả Xá-lê Tử sau khi
khinh mạn con rồi đi du hành trong nhân gian”……
Tôn giả Xá-lê Tử bạch rằng: “Bạch Thế Tôn, nếu người nào không có niệm thân trên thân thì
người ấy mới khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian.
Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn
một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?
“Bạch Thế Tôn, như một con trâu gãy sừng, rất
nhường nhịn, hiền lành, dễ sai khiến, dễ chế ngự. Nó từ thôn này đi đến
thôn khác, từ xóm này đi đến xóm khác; những nơi nó đi qua, không có
gì bị xâm phạm. Bạch Thế Tôn, con cũng vậy. Tâm con như con trâu gãy
sừng, không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô
biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch
Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh
mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con
khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh
rồi đi du hành trong nhân gian?
“Bạch Thế Tôn, như con của một người
Chiên-đà-la bị chặt hai tay, tâm ý rất thấp hèn. Nó từ thôn này đi đến
thôn khác, từ xóm này đi đến xóm khác, những nơi nó đi ngang qua không
có gì bị xâm phạm. Bạch Thế Tôn con cũng như thế. Tâm con như con của
mọât người Chiên-đà-la bị chặt hai tay, không kết, không oán, không sân
nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả
thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân
trên thân thì người ấy mới khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành
trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao
con lại khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?
“Bạch Thế Tôn, cũng như mặt đất dung nạp tất
cả đồ sạch, đồ dơ, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Đất không
phải vì thế mà khởi sự thương ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa,
không hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như
mặt đất kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại,
rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và
an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy
mới khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch
Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một
vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?
“Bạch Thế Tôn, cũng như dòng nước rửa sạch tất
cả các đồ sạch, đồ dơ, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Nước
ấy không vì thế mà có sự yêu ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa,
không hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như
nước kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại,
rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và
an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy
mới khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế
Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị
phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?
“Bạch Thế Tôn, cũng như ngọn lửa đốt cháy tất
cả các đồ sạch, đồ dơ, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Lửa
không vì thế mà có sự yêu ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không
hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như lửa
kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng
lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an
trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới
khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế
Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị
phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?
“Bạch Thế Tôn, cũng như ngọn gió thổi bay đi
đồ sạch đồ dơ, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Gió cũng
không vì thế mà có sự yêu ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không
hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như gió
kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng
lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an
trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới
khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế
Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị
phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?
“Bạch Thế Tôn, cũng như cây chổi quét sạch đồ
dơ, đồ sạch, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Chổi vẫn không
vì thế mà có sự yêu ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng
không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như cây chổi kia,
không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô
biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch
Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh
mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con
khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh
rồi đi du hành trong nhân gian?
37.
Xá Lợi Phất giảng cho Tôn giả Cấp Cô Độc khi lâm trọng bệnh
28.
‘Kinh Giáo Hóa Bị nh’
“Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, Trưởng giả Cấp Cô Độc
cúi đầu đảnh lễ dưới chân ngài, xin thăm hỏi Tôn giả Thánh thể có được
an khang, khỏe mạnh, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực có được
bình thường không? Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, Trưởng giả Cấp Cô Độc đang
mang bệnh tật rất hiểm nghèo, nay đã đến hồi nguy kịch. Trưởng giả Cấp
Cô Độc với tâm chí thiết rất muốn được gặp Tôn giả Xá-lê Tử, nhưng cơ
thể quá yếu đuối, không còn chút khí lực để đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử
được. Lành thay, Tôn giả Xá-lê Tử, xin ngài hãy vì lòng từ, mong ngài
đến nhà Trưởng giả Cấp Cô Độc”.
Tôn giả Xá-lê Tử liền im lặng nhận lời. Bấy
giờ sứ giả biết Tôn giả Xá-lê Tử đã im lặng nhận lời, liền từ chỗ ngồi
đứng dậy, đi quanh ba vòng rồi ra về.
Sau khi đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, Tôn giả
Xá-lê Tử khoác y, ôm bát đi đến nhà Trưởng giả Cấp Cô Độc. Trưởng giả
Cấp Cô Độc thấy Tôn giả Xá-lê Tử từ đàng xa đi đến, muốn từ giường ngồi
dậy. Tôn giả Xá-lê Tử thấy Trưởng giả Cấp Cô Độc muốn từ giường ngồi
dậy, liền cản lại rằng: “Này Trưởng giả, chớ ngồi
dậy. Còn giường khác đây, tôi sẽ ngồi riêng”.
Tôn giả Xá-lê Tử liền ngồi lên giường ấy, rồi
hỏi rằng: “Bệnh trạng của Trưởng giả hôm nay thế nào? Ăn
uống được nhiều ít? Sự đau đớn giảm dần không đến nỗi tăng thêm chăng?”
Trưởng giả Cấp Cô Độc trả lời rằng: “Bệnh
tình của con rất nguy kịch, ăn uống chẳng được gì cả. Sự đau đớn chỉ
tăng thêm chứ không thấy giảm bớt chút nào”.
Tôn giả Xá-lê Tử bảo rằng: “Này
Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si, thành tựu
bất tín, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào
địa ngục. Còn Trưởng giả ngày nay không hề có sự bất tín, mà chỉ có sự
thượng tín. Do thượng tín ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ
sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do thượng tín ấy sẽ chứng quả
Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.
“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ
phàm phu ngu si do ác giới, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng
đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có ác giới, mà
Trưởng giả chỉ có thiện giới. Do thiện giới ấy Trưởng giả sẽ diệt được
sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do thiện giới
ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì trưởng giả vốn đã chứng
quả Tu-đà-hoàn.
“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ
phàm phu ngu si không có đa văn, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi
thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có sự không
đa văn. Do đa văn ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại
sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do đa văn ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay
quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn.
“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ
phàm phu ngu si nhân có sự xan tham, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi
thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có xan
tham mà chỉ có huệ thí. Do huệ thí ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau
nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do huệ thí ấy sẽ chứng
quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả
Tu-đà-hoàn.
“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ
phàm phu ngu si nhân có ác tuệ, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi
thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có ác tuệ
mà chỉ có thiện tuệ. Do thiện tuệ ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau
nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do thiện tuệ ấy sẽ
chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả
Tu-đà-hoàn.
“Này Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu
là kẻ phàm phu ngu si nhân có tà kiến, thì khi thân hoại mạng chung sẽ
đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có tà
kiến mà chỉ có chánh kiến. Do chánh kiến ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự
đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do chánh kiến ấy
sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả
Tu-đà-hoàn.
“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ
phàm phu ngu si nhân có tà chí, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi
thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có tà chí
mà chỉ có chánh chí. Do chánh chí ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau
nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do chánh chí ấy sẽ
chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả
Tu-đà-hoàn.
“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ
phàm phu ngu si nhân có tà giải, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi
thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có tà giải
mà chỉ có chánh giải. Do chánh giải ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau
nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do chánh giải ấy sẽ
chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả
Tu-đà-hoàn.
“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ
phàm phu ngu si nhân có tà thoát, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi
thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có tà thoát
mà chỉ có chánh thoát. Do chánh thoát ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự
đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do chánh thoát ấy
sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả
Tu-đà-hoàn.
“Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ
phàm phu ngu si nhân có tà trí, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi
thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có tà trí
mà chỉ có chánh trí. Do chánh trí ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau
nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do chánh trí ấy sẽ
chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì trưởng giả vốn đã chứng quả
Tu-đà-hoàn”.
Bấy giờ bệnh trạng của Trưởng giả Cấp Cô Độc
liền được thuyên giảm, bình phục như cũ, từ chỗ nằm ngồi dậy, khen Tôn
giả Xá-lê Tử rằng: “Lành thay! Lành thay! Ngài thuyết pháp cho bệnh
nhân, thật kỳ diệu, thật hy hữu. Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, khi con nghe
xong bài pháp giáo hóa cho bệnh nhân ấy liền chấm dứt thống khổ, lại
sanh khoái lạc vô cùng.
38. Xá Lợi Phất dùng Tứ Đế giải thích
Ngũ Uẩn (giống Abhidhamma)
30. ‘Kinh Tượng Tích Dụ’
Tôn giả Xá-lê Tử nói với các Tỳ-kheo rằng: “Này
chư Hiền, nếu có vô lượng thiện pháp, thì tất cả các thiện pháp ấy đều
thu nhiếp vào bốn Thánh đế, đi vào trong bốn Thánh đế. Nghĩa là, trong
tất cả pháp, bốn Thánh đế là tối thượng bậc nhất. …
“Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập,
Khổ diệt và Khổ diệt đạo Thánh đế.
“Này chư Hiền, thế nào là Khổ Thánh đế? Đó là,
sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, oán ghét mà tự hội là khổ,
thương yêu mà biệt ly là khổ, mong cầu mà không được là khổ, nói tóm
lược năm thủ uẩn là khổ.
“Này chư Hiền, những gì là năm thủ uẩn? Đó là
sắc thủ uẩn, thọ, tưởng hành và thức thủ uẩn.
“Này chư Hiền, cái gì là sắc thủ uẩn? Những gì
có sắc, tất cả đều là bốn đại và bốn đại tạo.
“Này chư Hiền, những gì là bốn đại? Đó là
địa giới, thủy giới, hỏa giới và phong giớ. “Này
chư Hiền, cái gì là địa giới? Chư Hiền, địa giới có hai, có nội địa
giới và có ngoại địa giới.
“Này chư Hiền, những gì là nội địa giới? Đó
là, những gì ở trong thân, được thâu nhiếp trong thân như vật cứng, có
tính chất cứng, được chấp thọ bên trong. Đó là những gì? Đó là tóc,
lông, móng, răng, da thô và mịn, thịt, gân, xương, tim, thận, gan,
phổi, lá lách, ruột, bao tử, phẩn và những thứ khác tương tự như vậy ở
trong thân, được thâu nhiếp bên trong, có tính chất cứng, bị chấp thủ
bên trong. Đó là nội địa giới.
“Này chư Hiền, ngoại địa giới, đó là lớn, là
tịnh, là không đáng tởm. “Này chư Hiền, có lúc bị thủy tai, khi ấy
ngoại địa giới tiêu diệt.
“Này chư Hiền, ngoại địa giới này cực kỳ lớn,
cực kỳ tịnh, cực kỳ không đáng tởm. Đó là pháp vô thường, pháp cùng
tận, pháp suy vong, pháp biến dịch, huống là xác thân tạm thời đình
trú, được duy trì chấp thủ bởi tham ái này. Nghĩa là kẻ phàm phu ngu
si, không đa văn, suy nghĩ như vầy: ‘Đây là ta, đây là của ta, ta là
của cái kia’. Đa văn Thánh đệ tử không nghĩ như vậy: ‘Đây là ta, đây là
của ta, ta là của cái kia’. Vị ấy vì sao nghĩ như vậy? Nếu có người
khác mắng chửi, đánh đập, giận giữ, quở trách, thì vị ấy nghĩ như vầy:
‘Ta sanh ra khổ này là từ nhân duyên, chứ không phải không có nhân
duyên. Cái gì là duyên? Duyên vào khổ xúc’. Vị ấy quán xúc là vô
thường; rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm vị ấy
duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không
lay động. Sau đó có người đến nói với vị ấy bằng lời lẽ dịu dàng, vị ấy
suy nghĩ như vầy: ‘Ta sanh ra sự lạc này là từ nhân duyên chớ không
phải không nhân duyên. Cái gì là duyên? Duyên vào lạc xúc’. Vị ấy quán
xúc là vô thường, rồi quán thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường. Tâm
vị ấy duyên nơi giới mà trụ, mà chỉ, mà hiệp, mà nhất tâm, mà định, mà không lay động. Sau đó hoặc có người
thơ ấu, niên thiếu, trung niên hay trưởng lão đến làm việc không xứng ý
với vị ấy; hoặc nắm tay thoi, hoặc lấy đá ném, hoặc dao, hoặc gậy đập.
Vị ấy suy nghĩ thế này: ‘Ta thọ thân này vốn là sắc pháp, thô chất,
thuộc bốn đại chủng, do cha mẹ sanh, được nuôi lớn bằng ăn uống, được
che kín bởi y phục, được chăm sóc bằng tắm rửa, nằm ngồi bồng bế; nó là
pháp phá hoại, pháp diệt tận, pháp ly tán. Ta vì thân này mà đến nỗi bị
tay thoi, đá ném, dao gậy đập’. Do lẽ đó vị kia rất siêng năng, không
biếng nhác, chánh thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an
định. Vị ấy nghĩ như vầy: ‘Ta rất siêng năng, không biếng nhác, chánh
thân, chánh niệm, không nhuế, không si, nhất tâm an định. Ta thọ thân
này đáng để cho tay thoi, đá ném, dao gậy đập, chỉ nên siêng
năng học giáo pháp của Đức Thế Tôn’.
“Này chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy:
‘Giả sử có giặc cướp đến cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể ra.
Nếu ngươi khi bị giặc cướp cầm cưa hay dao bén, xẻ manh mún thân thể
ra, mà tâm ngươi hoặc biến dịch, hoặc nói năng hung dữ, tức các ngươi
đã suy thối. Các ngươi nên nghĩ như vầy: giả sử có kẻ giặc cầm cưa hay
dao bén, xẻ manh mún thân thể ta ra, mong sao nhân đó mà tâm ta không
biến dịch, không nói năng hung dữ, sẽ khởi tâm thương xót đối với người
đến xẻ manh mún thân thể ta ra; vì người đó mà tâm ta câu hữu với từ,
biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế với hai, ba, bốn
phương, tứ duy, thượng hạ, biến mãn tất cả, tâm câu hữu với từ, không
kết, không oán, không nhuế, không tránh, quảng đại, vô biên, vô lượng,
kéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ’.
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo kia, nếu do Phật, Pháp
và Chúng, mà vẫn không an trú nơi xả tương ứng với thiện, thì này chư
Hiền, Tỳ-kheo ấy nên hổ thẹn, nên xấu hổ rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà
không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật,
Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’.
“Này chư Hiền, như người dâu lúc mới rước về,
gặp mặt cha mẹ chồng, hay gặp người chồng của mình thì xấu hổ, thẹn
thùng. Này chư Hiền, nên biết, Tỳ-kheo kia cũng lại như vậy, nên xấu hổ
thẹn thùng rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà
không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an
trụ nơi xả tương ứng với thiện’. Người ấy do hổ thẹn xấu hổ, nên liền
an trú nơi xả tương ứng với thiện. Đó là diệu, là tịnh, là tịch diệt,
nghĩa là xả tất cả hữu lìa ái, vô dục, diệt tận hoàn toàn. Này chư
Hiền, đó là Tỳ-kheo học tất cả đại.
“Này chư Hiền, cái gì là thủy giớ? Chư Hiền,
thủy giới có hai; có nội thủy giới và có ngoại thủy giới. Chư Hiền,
cái gì là nội thủy giới? Đó là ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong
thân, những gì là nước, thuộc về nước, ẩm ướt, bị chấp thủ bên trong.
Đó là những gì? Đó là mỡ, óc, nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước miếng,
mủ, máu, tủy, nước dãi, nước tiểu, tất cả những chất khác tương tự như
vậy ở trong thân, được thâu nhiếp bên trong thân, những gì là nước,
thuộc về nước, ẩm ướt, bị chấp thủ bên trong. Này chư Hiền, đó là nội
thủy giới.……
“Này chư Hiền, thế nào là hỏa giới? Này chư
Hiền, hỏa giới có hai; có nội hỏa giới và có ngoại hỏa giới. Này chư
Hiền, thế nào là nội hỏa giới? Đó là ở trong thân, được thâu nhiếp ở
trong thân, những gì là lửa, có tính chất nóng, được chấp thủ trong
thân. Đó là những gì? Đó là, thân nóng hấp, thân nóng bức, bức rức, ấm
áp, và sự tiêu hóa ẩm thực, tất cả những chất khác tương tự như vậy ở
trong thân, được thâu nhiếp bên trong thân, thuộc tính nóng, được chấp
thủ bên trong. Này chư Hiền, đó là nội hỏa giới..…….
“Này chư Hiền, thế nào là phong giới? Này chư
Hiền, ở đây phong giới có hai; có nội phong giới và ngoại phong giới.
Này chư Hiền, thế nào là nội phong giới? Đó là ở trong thân, được thâu
nhiếp ở trong thân những gì là gió, thuộc tính chuyển động của gió, bị
chấp thủ bên trong. Đó là những gì? Đó là gió đi lên, gió đi xuống, gió
trong bụng, gió ngang, gió co thắt lại, gió như dao cắt, gió nhảy lên,
gió phi đạo, gió thổi qua tay chân, gió của hơi thở ra, gió của hơi
thở vào, tất cả những chất khác tương tự như vậy ở trong thân, được
thâu nhiếp bên trong thân, những gì là gió, thuộc tính chuyển động của
gió, được chấp thủ bên trong. Này chư Hiền, đó là nội phong giới.…..
“Này chư Hiền, cũng như nhờ cây gỗ, nhờ bùn
đất, nhờ cỏ và nước, che kín trong một khoảng không nên sanh ra cái tên
gọi là ‘nhà’. Chư Hiền, nên biết, thân này cũng lại như vậy, nhờ gân
cốt, nhờ da dẻ, nhờ thịt, máu bao bọc một khoảng không nên sanh ra cái
tên gọi là ‘thân’.
“Này chư Hiền, như có người bị hư nhãn xứ
bên trong, nên ngoại sắc không được ánh sáng rọi đến, thành ra không có
niệm và nhãn thức không phát sanh. Này chư Hiền, nếu nội nhãn xứ không
bị hư hoại thì ngoại sắc sẽ được ánh sáng rọi đến và liền có niệm, nên
sanh ra nhãn thức.
“Này chư Hiền, nhãn xứ bên trong và sắc, cùng
với nhãn thức biết ngoại sắc, đó thuộc về sắc uẩn. Nếu có thọ, đó là
thọ uẩn. Nếu có tưởng thì đó là tưởng uẩn. Nếu có tư thì đó là tư uẩn.
Nếu có thức thì đó là thức uẩn. Như vậy quán sát sự hội hợp của các
uẩn.
“Này chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy:
‘Nếu ai thấy duyên khởi tức thấy pháp; nếu thấy pháp tức thấy duyên
khởi’. Vì sao thế? Này chư Hiền, Đức Thế Tôn nói năm thủ uẩn từ nhân
duyên mà sanh. Sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn cũng vậy.
“Này chư Hiền, nếu nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý
xứ bên trong bị hư hoại thì các pháp bên ngoài sẽ không được ánh sáng
rọi đến nên không có niệm, do đó ý thức không sanh khởi được. Này chư
Hiền, nếu nội ý xứ không bị hư hoại thì pháp bên ngoài sẽ được ánh sáng
rọi đến và liền có niệm nên sanh ra ý thức.
“Này chư Hiền, ý thức bên trong và pháp cùng
với ý thức biết sắc pháp bên ngoài, đó thuộc về sắc uẩn. Nếu có thọ, đó
là thọ uẩn. Nếu có tưởng thì đó là tưởng uẩn. Nếu có tư thì đó là tư
uẩn. Nếu có thức thì đó là thức uẩn. Như vậy quán sát sự hội hợp của
các uẩn.
39. Xá Lợi Phất giải thích Tứ Đế
31. ‘Kinh Phân biệt Tứ đế’
Sau khi Đức Thế Tôn nói như vậy rồi, liền từ
chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh thất tĩnh tọa. Lúc đó, Tôn giả Xá-lê Tử
nói với các Tỳ-kheo:
“Này chư Hiền, Đức Thế Tôn vì
chúng ta mà xuất hiện thế gian, vì mọi người mà giáo hóa, khai thị toàn
diện, phân biệt, phơi mở, mở bày, thi thiết, hiển thị, thú hướng bốn
Thánh đế này.
“Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập,
Khổ diệt, Khổ diệt đạo Thánh đế.
“Này chư Hiền, thế nào là Khổ Thánh đế? Đó là
sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, oắn tắng hội khổ, ái biệt ly
khổ, cầu bất đắc khổ, tóm lại ngũ thủ uẩn là khổ.
“Này chư Hiền, nói sanh là khổ; nói thế là vì
lẽ gì? Này chư Hiền, sanh là chúng sanh kia, với chủng loại sai biệt
của chúng sanh kia, sanh thì sanh, xuất hiện thì xuất hiện, thành hình
thì thành hình, hiện khởi năm uẩn rồi liền có mạng căn. Như vậy gọi là
sanh.
“Này chư Hiền, sanh là khổ, đó là chúng sanh
khi sanh thân cảm nghiệm khổ, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác toàn diện.
Tâm cảm nghiệm khổ, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác khổ, cảm giác toàn
diện. Thân tâm cảm nghiệm khổ, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác khổ, cảm
giác toàn diện. Thân cảm nghiệm nóng, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác
nóng, cảm giác toàn diện. Tâm cảm nghiệm nóng, cảm nghiệm toàn diện;
cảm giác nóng, cảm giác toàn diện. Thân tâm cảm nghiệm nóng, cảm nghiệm
toàn diện; cảm giác nóng, cảm giác toàn diện. Thân cảm nghiệm sự nóng
hực, sự bức rức, ưu sầu buồn bã,
cảm nghiệm toàn diện; cảm giác sự nóng hực, sự bức rức, ưu sầu buồn bã,
cảm giác toàn diện. Tâm cảm nghiệm sự nóng hực, sự bức rức, ưu sầu buồn
bã, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác sự nóng hực, sự bức rức, ưu
sầu buồn bã, cảm giác toàn diện. Thân tâm cảm nghiệm sự nóng hực, sự
bức rức, ưu sầu buồn bã, cảm
nghiệm toàn diện; cảm giác sự nóng hực, sự bức rức, ưu sầu buồn bã, cảm
giác toàn diện. Này chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói sanh là khổ.
“Này chư Hiền, nói già là khổ; nói thế là vì
lẽ gì? Này chư Hiền, già nghĩa là chúng sanh kia, với chủng loại sai
biệt của chúng sanh kia, kẻ kia trở nên già yếu, đầu bạc răng rụng, sự
cường tráng ngày càng suy yếu, thân còng, chân vẹo, cơ thể nặng nề, hơi
thở đưa lên, phải chống gậy mà đi, thịt rút, da nhăn, xù xì như cây
gai, các căn hư hoại, nhan sắc xấu xí. Như vậy gọi là già.
“Này chư Hiền, già là khổ, là chúng sanh khi
già thì thân cảm nghiệm khổ,...(như trên)….Này chư Hiền, vì lẽ ấy mà
nói già là khổ.
“Này chư Hiền, nói bệnh là khổ; nói thế là vì
lẽ gì? Này chư Hiền, bệnh là đầu đau, mắt đau, tai đau, mũi đau, mặt
đau, môi đau, răng đau, lưỡi đau, nướu đau, cổ đau, phong suyễn, ho
hen, ói mữa, cứng họng, bệnh điên, bệnh động kinh, ung thư, mọc bướu,
kinh nguyệt tràn, viêm đỏ, nóng hực, khô héo, bệnh trĩ, mụn nhọt, kiết
lỵ, và tất cả những bệnh tương tự như vậy, từ xúc mà sanh ra, không rời
khỏi tâm, ở ngay trong thân. Như vậy gọi là bệnh. Này chư Hiền, bệnh
khổ là: Chúng sanh khi bệnh thì thâân cảm nghiệm khổ, cảm nghiệm toàn
diện; cảm giác, cảm giác toàn diện. Tâm cảm nghiệm khổ,….(Như trên)…Này chư Hiền, vì lẽ ấy nói bệnh
là khổ.
“Này chư Hiền, nói chết là khổ; nói thế là vì
lẽ gì? Này chư Hiền, chết là chúng sanh kia, với chủng loại sai biệt
của chúng sanh kia, mạng chung, vô thường, chết chôn, tan rã, tuổi thọ
chấm dứt, hủy hoại, mạng căn bế tắc, như vậy gọi là chết. Này chư Hiền,
chết là khổ. Đó là chúng sanh khi chết, thân cảm nghiệm khổ, ….(như
trên)…cảm giác toàn diện. Này chư
Hiền, vì lẽ ấy mà nói chết là khổ.
“Này chư Hiền, nói oán tắng hội là khổ; nói
thế là vì lẽ gì? Này chư Hiền, oán tắng hội, nghĩa là, chúng sanh thật
có sáu nội xứ: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý xứ vốn không khả ái mà
chúng cùng tụ hội ở một chỗ, có sự gắn bó, hòa hợp, tập hợp. Sự hòa hợp
ấy là khổ. Cũng vậy các ngoại xứ: xúc, thọ, tưởng, hành, á, cũng lại
như vậy. Này chư Hiền, chúng sanh thật có sáu giới: đất, nước, lửa,
gió, hư không và thức giới vốn không khả ái mà chúng cùng tụ hội ở một
chỗ, có sự gắn bó, hòa hợp, tập hợp. Sự hòa hợp ấy là khổ. Như vậy gọi
là oán tắng hội khổ. Này chư Hiền, oán tắng hội là khổ, đó là chúng sanh
khi có sự tụ hội của những thứ oán ghét, thân cảm nghiệm khổ, cảm
nghiệm toàn diện; cảm giác khổ, cảm giác toàn diện. Tâm cảm nghiệm khổ,
cảm nghiệm toàn diện; cảm giác khổ, cảm giác toàn diện. Thân tâm cảm
nghiệm khổ, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác khổ, cảm giác toàn diện. Này
chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói oán tắng hội là khổ.
“Này chư Hiền, nói ái biệt ly khổ; nói thế là
vì lẽ gì? Này chư Hiền, ái biệt ly khổ, đó là chúng sanh thật có sáu xứ
bên trong: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý xứ vốn khả ái, nhưng chúng
phân tán thành khác biệt, không tương ứng, biệt ly không tụ hội, không
gắn bó, không tập hợp, không hòa hợp, đó là khổ. Cũng vậy, các ngoại
xứ: xúc, thọ, tưởng, hành, ái, cũng lại như vậy. Này chư Hiền, chúng
sanh quả thực có sáu giới: đất, nước, lửa, gió, hư không và thức giới
vốn nhưng chúng phân tán thành khác biệt, không tương ứng, không gắn
bó, không hòa hợp, không tập hợp, đó là khổ. Như vậy gọi là ái biệt ly.
Này chư Hiền, ái biệt ly là khổ nghĩa là chúng sanh khi xa cách nhau,
thân cảm nghiệm khổ, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác khổ, cảm giác toàn
diện. Tâm cảm nghiệm khổ, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác khổ, cảm giác
toàn diện. Thân tâm cảm nghiệm khổ, cảm nghiệm toàn diện; cảm giác khổ,
cảm giác toàn diện. Này chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói ái biệt ly khổ là
khổ.
“Này chư Hiền, nói sở cầu bất đắc là khổ; nói
thế là vì lẽ gì? Này chư Hiền, nghĩa là chúng sanh lệ thuộc vào sanh
pháp, không thể lìa xa sanh pháp, ước muốn rằng: ‘Mong tôi không sanh
ra’, điều ấy quả thật không thể muốn mà được. Với sự già, sự chết, sự
ưu sầu, buồn lo mà ước muốn rằng: ‘Mong tôi không có buồn lo’. Điều ấy
không thể muốn mà được. Này chư Hiền chúng sanh quả thật sanh là khổ,
không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nghĩ nhớ, người ấy nghĩ thế
này: ‘Nếu ta sanh khổ, không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nghĩ
nhớ, mong sao được đổi thành đáng yêu, đáng nghĩ nhớ’. Điều đó không
thể muốn mà được. Này chư Hiền, chúng sanh nào quả thật sanh lạc đáng
yêu, đáng nghĩ nhớ, người ấy nghĩ như vầy: ‘Nếu ta sanh ra lạc, đáng
yêu, đáng nghĩ nhớ, mong sao nó là pháp thường hằng, vĩnh cữu và không
biến dịch’. Điều ấy không thể muốn mà được.
“Này chư Hiền, chúng sanh nào quả thật sanh ra
tư tưởng mà không đáng vui, không đáng yêu, không đáng nghĩ nhớ, người
ấy suy nghĩ thế này: ‘Nếu ta sanh tư tưởng mà không đáng vui, không
đáng yêu, không đáng nghĩ nhớ, mong sao nó đổi thành mà đáng yêu, đáng
nghĩ nhớ’. Điều ấy không thể muốn mà được. Này chư Hiền, chúng sanh nào
quả thật sanh ra tư tưởng, đáng yêu, đáng nghĩ nhớ, người ấy nghĩ như
vầy: ‘Nếu tư tưởng ta sanh ra đáng yêu, đáng nghĩ nhớ, mong sao nó là
pháp thường hằng, vĩnh cửu và không biến dịch’. Điều ấy không thể muốn
mà được. Này chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói sở cầu bất đắc là khổ.
“Này chư Hiền, nói lược năm thủ uẩn là khổ;
nói thế là vì lẽ gì? Đó là sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn.
Này chư Hiền, vì lẽ ấy mà nói năm thủ uẩn là khổ.
“Này chư Hiền, thời quá khứ là Khổ Thánh đế;
thời vị lai và hiện tại là Khổ Thánh đế. Đó là điều chắc thật không hư
đối, không xa rời sự thật, cũng chẳng phải điên đảo, được thẩm sát một
cách chắc thật. Những gì hợp với sự chắc thật như vậy, là sở hữu của
Thánh, được nhận thức bởi Thánh, được thấu suốt bởi Thánh, được thấy
bởi Thánh, là sự giác ngộ tối thượng chân chánh của bậc Thánh. Do dó
nói là Khổ Thánh đế.
“Cái gì làø ái tập Khổ tập Thánh đế? Nghĩa là
chúng sanh thật có sáu xứ tham ái bên trong: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý
xứ. Trong đó nếu có ái, có cấu bẩn, có ô nhiễm, có đắm trước thì gọi
là tập.
“Này chư Hiền, Đa văn Thánh đệ tử biết rằng:
‘Ta biết pháp như vậy, thấy như vậy, hiểu như vậy, nhận định như vậy và
tri giác như vậy, đó là ái tập Khổ tập Thánh đế.
“Biết như vậy là biết như thế nào? Nếu có
người tham ái vợ con, nô tỳ, kẻ sai bảo, quyến thuộc, ruộng đất, nhà
cửa, quán xá, tài vật xuất vốn và lời lãi, tạo tác những nghiệp có ái,
có cấu bẩn, có nhiễm, có trước, đó gọi là tập. Người kia biết ái tập
Khổ tập Thánh đế này. Cũng vậy, ngoại xứ xúc, thọ, tưởng, hành, ái,
cũng lại như vậy.
“Này chư Hiền, chúng sanh quả thực có sáu giới
tham ái: đất, nước, lửa, gió, hư không, thức giới, trong đó nếu có ái,
có cấu bẩn, có nhiễm, có trước, đó gọi là tập.
“Này chư Hiền, Đa văn Thánh đệ tử biết rằng
‘Ta biết pháp như vậy, thấy như vậy, hiểu như vậy, nhận định như vậy và
tri giác như vậy, đó là ái tập Khổ tập Thánh đế.
“Biết như vậy là biết như thế nào? Nếu có
người tham ái vợ con, nô tỳ, kẻ sai bảo, quyến thuộc, ruộng đất, nhà
cửa, quán xá, tài vật xuất vốn và lời lãi, tạo tác những nghiệp có ái,
có cấu bẩn, có nhiễm, có trước, đó gọi là tập. Người kia biết ái tập
Khổ tập Thánh đế này. Thời quá khứ là khổ Thánh đế; thời vị lai và hiện
tại là Khổ Thánh đế. Đó là điều chắc thật không hư đối, không xa rời
sự thật, cũng chẳng phải điên đảo, được thẩm sát một cách chắc thật.
Những gì hợp với sự chắc thật như vậy, là sở hữu của Thánh, được nhận
thức bởi Thánh, được thấu suốt bởi Thánh, được thấy bởi Thánh, là sự
giác ngộ tối thượng chân chánh của bậc Thánh. Do dó nói là Khổ Thánh
đế.
Này chư Hiền, thế nào là ái diệt Khổ diệt
Thánh đế? Nghĩa là chúng sanh thực có sáu xứ tham ái bên trong: Mắt,
tai, mũi, lưỡi, thân và ý xứ. Chúng sanh ấy giải thoát, không nhiễm,
không đắm trước, đoạn bỏ hoàn toàn, vô dục, diệt tận, tĩnh tịch; đó gọi
là Khổ diệt.
“Này chư Hiền, Đa văn Thánh đệ tử biết rằng
‘Ta biết pháp như vậy, thấy như vậy, hiểu như vậy, nhận định như vậy và
tri giác như vậy, đó là ái diệt Khổ diệt Thánh đế.
“Biết như vậy là biết như thế nào? Nếu có
người nào không tham ái vợ con,
nô tỳ, kẻ sai bảo, quyến thuộc, ruộng đất, nhà cửa, quán xá, tài vật
xuất vốn và lời lãi, đó không phải là tạo tác nghiệp, người ấy nếu giải
thoát, không nhiễm, không đắm trước, đoạn bỏ hoàn toàn, vô dục, diệt
tận, tĩnh tịch; đó gọi là ái diệt, Khổ diệt Thánh đế. Cũng thế, ngoại
xứ xúc, thọ, tưởng, tư, ái, cũng lại như vậy.
“Này chư Hiền, chúng sanh quả thật có sáu giới
tham ái: Đất, nước, lửa, gió, hư không, thức giới; người ấy nếu giải
thoát, không nhiễm, không đắm
trước, đoạn bỏ hoàn toàn, vô dục, diệt tận, tĩnh tịch; đó gọi là ái
diệt, Khổ diệt Thánh đế. Này chư Hiền, Đa văn Thánh đệ tử biết
rằng ‘Ta biết pháp như vậy, thấy như vậy, hiểu như vậy, nhận định như
vậy và tri giác như vậy, đó là ái diệt Khổ diệt Thánh đế.
“Biết như vậy là biết như thế nào? Nếu có
người nào không tham ái vợ con,
nô tỳ, kẻ sai bảo, quyến thuộc, ruộng đất, nhà cửa, quán xá, tài vật
xuất vốn và lời lãi, đó không phải là tạo tác nghiệp, người ấy nếu giải
thoát, không nhiễm, không đắm trước, đoạn bỏ hoàn toàn, vô dục, diệt
tận, tĩnh tịch; đó gọi là ái diệt, Khổ diệt Thánh đế. Thời quá
khứ là khổ Thánh đế; thời vị lai và hiện tại là Khổ Thánh đế. Đó là
điều chắc thật không hư đối, không xa rời sự thật, cũng chẳng phải điên
đảo, được thẩm sát một cách chắc thật. Những gì hợp với sự chắc thật
như vậy, là sở hữu của Thánh, được nhận thức bởi Thánh, được thấu suốt
bởi Thánh, được thấy bởi Thánh, là sự giác ngộ tối thượng chân chánh
của bậc Thánh. Do dó nói là ái diệt Khổ diệt Thánh đế.
“Này chư Hiền, thế nào là Khổ diệt đạo Thánh
đế? Đó là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh
mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
“Này chư Hiền, thế nào là chánh kiến? Đó là
khi vị Thánh đệ tử khi suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là
diệt, đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc
suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn
là tịch tĩnh. Hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm
hoàn toàn giải thoát, trong đó là sự giản trạch, giản trạch toàn diện,
giản trạch quyết định, giản trạch pháp, nhận định, toàn diện nhận
định, quán sát minh đạt. Đó là chánh kiến.
“Này chư Hiền, thế nào là chánh tư duy? Đó là
khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt,
đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học
suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn
là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm
hoàn toàn giải thoát, trong đó là sự tư sát, tư sát toàn diện, tùy
thuận tư sát, điều nào nên niệm thì niệm, điều nào nên hy vọng thì hy
vọng. Đó là chánh tư duy.
“Này chư Hiền, thế nào là chánh ngữ? Đó là khi
vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo
là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy
niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là
tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm
hoàn toàn giải thoát, trong đó ngoài bốn diệu hành thuộc miệng, còn các
ác hành khác nơi miệng đều viễn ly, đoạn trừ, không hành, không tạo
tác, không tập hợp và không tụ hội. Đó là chánh ngữ.
“Này chư Hiền, thế nào là chánh nghiệp? Đó là
khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt,
đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học
suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn
là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm
hoàn toàn giải thoát, trong đó ngoài ba diệu hành thuộc thân, còn các
ác hành khác nơi thân đều viễn ly, đoạn trừ, không hành, không tạo tác,
không tập hợp và không tụ hội. Đó là chánh nghiệp.
“Này chư Hiền, thế nào là chánh mạng? Đó là
khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt,
đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy
niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là
tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm
hoàn toàn giải thoát, trong đó phải là mong cầu vô lý, không do nhiều
tham dục mà không biết vừa đủ, không làm các thứ xảo quyệt bùa chú, để
sinh sống bằng tà mạng. Chỉ theo chánh pháp mà mong cầu y phục, chớ
không phải với phi pháp, cũng theo chánh pháp để mong cầu thực phẩm,
giường chõng, chớ không phải với phi pháp. Đó là chánh mạng.
“Này chư Hiền, thế nào là chánh tinh tấn? Đó
là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt,
đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học
suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy
niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó,
nếu có phương tiện tinh tấn thì quả quyết, tinh cần để mong cầu, có khả
năng để thú hướng, chuyên chú không xả bỏ, cũng không suy thối, quyết
định hàng phục tâm mình. Đó là chánh tinh tấn.
“Này chư Hiền, thế nào là chánh niệm? Đó là
khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt,
đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học
suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn
là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm
hoàn toàn giải thoát, trong đó, nếu tâm tùy thuận niệm, phản chiếu
giải thoát niệm, suy niệm, biến mãn suy niệm, liên tục ức niệm, tâm
niệm không xao lãng. Đó là chánh niệm.
“Này chư Hiền, thế nào là chánh định? Đó là
khi vị Thánh đệ tử suy niệm về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt,
đạo là đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học
suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết-bàn
là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm
hoàn toàn giải thoát, trong đó, nếu tâm trụ, thiền trụ, thuận trụ,
không loạn, không tán, chuyên nhất[. Đó là chánh định.
“Này chư Hiền, thời quá khứ là Khổ diệt đạo
Thánh đế; thời vị lai và hiện tại là Khổ diệt đạo Thánh đế. Đó là điều
chắc thật không hư dối, không xa rời sự thật, cũng chẳng phải điên đảo,
được thẩm sát một cách chắc thật. Những gì hợp với sự chắc thật như
vậy, là sở hữu của Thánh, được nhận thức bởi Thánh, được thấu suốt bởi
Thánh, được thấy bởi Thánh, là sự giác ngộ tối thượng chân chánh của
bậc Thánh. Do dó nói Khổ diệt đạo Thánh đế”.
40. Lợi ích của việc
chánh tư duy và sự nguy hiểm của bất chánh tư duy
10. ‘Kinh Lậu Tận’
Đức Thế Tôn nói với
các Tỳ-kheo: “Do tri, do kiến[4] mà các lậu bị
tận diệt chớ không phải do không tri, không kiến.
“Sao gọi là do tri,
do kiến mà các lậu bị tận diệt? Đó là do có chánh tư duy và không
chánh tư duy[5]. Nếu không
chánh tư duy thì dục lạâu chưa sanh sẽ sanh; đã phát sanh liền tăng
trưởng; hữu lậu, vô minh lậu chưa sanh sẽ phát sanh; đã phát sanh liền
tăng trưởng[6]. Nếu có chánh
tư duy thì dục lạâu chưa sanh sẽ không sanh, đã sanh liền tiêu diệt.
Hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh sẽ không sanh; đã sanh liền tiêu diệt.
“Những người phàm
phu ngu si, không được nghe chánh pháp, không được gặp bậc chơn tri
thức, không biết thánh pháp, không điều ngự thánh pháp[7] không biết
pháp như thật. Nếu không có chánh tư duy, dục lậu chưa sanh sẽ phát
sanh, đã phát sanh liền tăng trưởng; hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh sẽ
phát sanh; đã phát sanh liền tăng trưởng. Nếu có chánh tư duy, dục lậu
chưa sanh sẽ không phát sanh, đã phát sanh liền tiêu diệt; hữu lậu và
vô minh lậu chưa sanh sẽ không phát sanh; đã phát sanh liền tiêu diệt.
Vì không biết pháp như thật do đó pháp không nên niệm lại niệm, pháp
nên niệm lại không niệm. Vì pháp không nên niệm lại niệâm, pháp nên
niệm lại không niệm, nên dục lậu chưa sanh sẽ phát sanh, đã sanh liền
tăng trưởng; hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh liền phát sanh, đã sanh
liền tăng trưởng.
“Thánh đệ tử đa văn
được nghe Thánh pháp, được gặp bậc chơn tri thức, được điều ngự theo
Thánh pháp, biết pháp như thật, nhưng nếu không có chánh tư duy, thì dục
lậu chưa sanh sẽ phát sanh, đã sanh liền tăng trưởng; hữu lậu và vô
minh lậu chưa sanh liền phát sanh, đã sanh liền tăng trưởng. Nếu có
chánh tư duy, dục lậu chưa sanh
sẽ không sanh, đã sanh liền tiêu diệt; hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh
sẽ không phát sanh, đã sanh liền tiêu diệt. Sau khi biết pháp như thật,
pháp không nên niệm thì không niệm, pháp nên niệm liền niệm. Vì không
niệm pháp không nên niệm và pháp nên niệm liền niệm, nên dục lậu chưa
sanh sẽ không phát sanh, đã sanh liền tiêu diệt; hữu lậu và vô minh lậu
chưa sanh sẽ không phát sanh, đã sanh liền tiêu diệt.
41. 7 loại
phiền não
10. ‘Kinh Lậu Tận’
“Có bảy sự đoạn trừ lậu, phiền não, pháp ưu
sầu. Những gì là bảy? Có lậu được đoạn do kiến, có lậu được đoạn do hộ,
có lậu được đoạn do ly, có lậu được đoạn do dụng, có lậu được đoạn do
nhẫn, có lậu được đoạn do trừ, có lậu được đoạn do tư duy.
“Thế nào là lậu được đoạn do kiến? Kẻ phàm
phu không được nghe chánh pháp, không gặp bậc chơn trí thức, không biết
Thánh pháp, không điều ngự Thánh pháp, không biết như thật về pháp,
không có chánh tư duy nên suy nghĩ thế này: ‘Ta có đời quá khứ? Ta
không có đời quá khứ ? Do nhân duyên gì ta có đời quá khứ? Đời quá khứ
ta như thế nào? Ta có đời vị lai? Ta không có đời vị lai? Do nhân duyên
gì ta có đời vị lai? Ta có đời vị lai như thế nào?’ Người ấy hoài nghi
về mình rằng: “Thân ta là gì, nó là thế nào? Nay chúng sanh này từ đâu
đến, và sẽ đi về đâu? Trước kia do nhân gì mà có, và sẽ do nhân gì mà
có?’ Người kia khởi tư duy không chánh như vậy rồi, trong sáu tà kiến,
một tà kiến khởi lên cho rằng ‘Quả thật có thần ngã’. Hoặc một tà kiến
khởi lên cho rằng ‘Quả thật không có thần ngã’. Hoặc một tà kiến khởi
lên cho rằng ‘Thần ngã thấy là thần ngã’. Hoặc một tà kiến khởi lên cho
rằng ‘Thần ngã thấy là phi thần ngã’. Hoặc một tà kiến khởi lên cho
rằng ‘Chính thần ngã ấy có thể thấy, có thể biết, có thể hành động, có
thể sai khiến hành động, có thể đứng dậy, có thể sai khiến đứng dậy,
sanh vào nơi này, nơi kia, thọ lãnh thiện báo, ác báo; quyết không từ
đâu đến, quyết không phải đã có, quyết không phải sẽ có’. Đó tệ của
kiến; bị kiến lay động, bị kết sử của kiến buộc chặt. Kẻ phàm phu ngu
si vì thế mà phải chịu cái khổ của sanh, lão, bệnh, tử.
“Đa văn Thánh đệ tử được nghe Thánh pháp, gặp
bậc chơn tri thức, được chế ngự theo Thánh pháp, biết pháp như thật,
biết như thật về Khổ, biết Khổ tập, biết Khổ diệt và biết như thật Khổ
diệt đạo. Biết như thật như thế rồi, ba kết tận trừ. Khi ba kết là thân
kiến, giới thủ, và nghi đã trừ hết, chứng quả Tu-đà-hoàn, không còn
đọa lạc ác pháp, chắc chắn thăng tiến đến chánh giác, thọ sanh tối đa
bảy đời trong thiên thượng và nhân gian. Sau bảy lần qua lại liền chứng
đắc Khổ đế. Nếu không có tri kiến thì phát sanh phiền não, ưu sầu, có
tri kiến thì không phát sanh phiền não, ưu sầu. Đó là lậu được đoạn trừ
do kiến.
“Có lậu được đoạn trừ do hộ là gì? Tỳ-kheo khi mắt thấy sắc, nếu có
phòng hộ nhãn căn thì sẽ do chánh tư duy mà quán bất tịnh vậy; nếu
không phòng hộ nhãn căn thì sẽ do không chánh tư duy mà quán là tịnh.
Nếu không phòng hộ thì sanh phiền não, ưu buồn. Nếu có phòng hộ thì
không sanh phiền não, ưu buồn. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân và ý biết
pháp mà có phòng hộ ý căn, thì sẽ do chánh tư duy mà quán bất tịnh, nếu
không phòng hộ ý căn thì sẽ do không chánh tư duy mà quán là tịnh. Nếu
không phòng hộ thì sanh phiền não, ưu buồn, nếu có phòng hộ thì không
sanh phiền não, ưu buồn. Đó là có lậu được đoạn trừ do hộ.
“Có lậu được đoạn trừ do ly là gì? Tỳ-kheo khi
thấy voi dữ thì nên xa lánh, ngựa dữ, trâu dữ, chó dữ, rắn độc, đường
hiểm, nhà tiểu, hầm hố, sông ngòi, suối sâu, vách núi, ác tri thức, ác
bằng hữu, ác dị đạo, chòm xóm xấu, nơi cư trú xấu, hoặc Tỳ-kheo ở chung
một chỗ với các người phạm hạnh, người không nghi ngờ mà khiến nghi
ngờ, là những trường hợp phải nên xa lánh. Hãy nên xa lánh tất cả ác
tri thức, ác bằng hữu, ác ngoại đạo, ác dị đạo, chòm xóm xấu, nơi cư
trú xấu, hoặc Tỳ-kheo ở chung một chỗ với các người phạm hạnh, người
không nghi ngờ mà khiến nghi ngờ. Nếu không xa lánh thì khởi sanh phiền
não, ưu sầu. Nếu xa lánh thì không phát sanh phiền não, ưu sầu. Đó là
lậu được đoạn trừ do ly.
“Có lậu được đoạn trừ do dụng là gì? Tỳ-kheo
khi thọ dụng y phục, chẳng phải để cầu lợi, chẳng phải để kiêu hãnh,
chẳng phải để trang sức, mà vì muỗi mòng, gió mưa, lạnh nóng và vì hổ
thẹn. Khi thọ dụng đồ ăn uống chẳng phải vì mưu lợi, chẳng phải để
trang sức, chẳng phải để mập béo mà vì để làm thân thể ở đời lâu dài,
trừ phiền não, ưu buồn, vì để thực hành phạm hạnh, vì muốn để bệnh cũ
tiêu trừ đừng sanh bệnh mới, và vì để sống lâu, an ổn, không bệnh hoạn.
Khi thọ dụng nhà cửa, phòng xá, giường nệm, ngọa cụ, không phải để
kiêu hãnh, chẳng phải để trang sức, mà vì để lúc mệt mỏi có nơi an nghỉ,
để được tĩnh tọa. Khi thọ dụng thuốc thang không phải để mưu lợi,
không phải để kiêu hãnh, không phải để mập béo, mà chỉ để trừ bệnh
hoạn, để điều hòa mạng căn, để an ổn không bệnh. Nếu không thọ dụng
những thứ ấy thì sẽ sanh phiền não, sầu lo, còn thọ dụng thì không sanh
phiền não sầu lo. Đó là hữu lậu được đoạn trừ do dụng.
“Có lậu được đoạn trừ do nhẫn là gì? Tỳ-kheo
tinh tấn đoạn trừ ác, bất thiện, tu tập thiện pháp, nên luôn luôn có ý
tưởng trỗi dậy, chuyên tâm tinh tấn; thân thể, da, thịt, gân, xương,
máu, tủy, thà để khô kiệt tất cả chớ không bỏ tinh tấn. Phải đạt được
mục đích mong muốn mới xả sự tinh tấn. Tỳ-kheo lại phải chịu đựng sự
đói khát, lạnh nóng, muỗi mòng, ruồi, bọ chét, chấy, dù gió hay nắng
bức bách, bị lời dữ, bị đánh đập, cũng đều có thể nhẫn chịu được. Dù
thân mạng bệnh tật rất là đau đớn đến nỗi gần muốn tuyệt mạng, và những
điều không thể ưa vui được, tất cả đều chịu đựng được. Nếu không nhẫn
chịu thì sanh phiền não, ưu buồn, còn nhẫn chịu được thì không sanh
phiền não ưu buồn. Đó là lậu được đoạn trừ do nhẫn.
“Có lậu được đoạn trừ do trừ] là gì? Tỳ-kheo nếu sanh khởi dục niệm mà
không đoạn trừ, hay xả ly; sanh nhuế niệm, hại niệm mà không đoạn trừ
xả ly. Nếu không trừ diệt thì sanh khởi phiền não, ưu buồn; còn nếu trừ
diệt thì không sanh phiền não, ưu buồn. Đó là lậu được đoạn trừ do
trừ.
“Có lậu được đoạn trừ do tư duy] là gì? Tỳ-kheo tư duy về giác chi thứ nhất là
niệm, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, thẳng đến xuất yếu; trạch pháp,
tinh tấn, hỷ, tức, định, cho đến tư duy về giác chi thứ bảy là xả, y
viễn ly, y vô dục, y diệt tận, thẳng đến xuất yếu; nếu không tư duy thì
sanh phiền não, ưu sầu, còn có tư duy thì không sanh phiền não ưu sầu.
Đó là lậu được đoạn trừ do tư duy.
42. 14 vấn đề siêu hìnhđức Phật không giải thích
220.
‘Kinh Kiến’
Dị học Phạm chí bèn hỏi: “Sự
kiện như vầy. Những quan điểm này bị gác lại, bị loại bỏ, không được
giải thích tường tận, đó là, ‘Thế giới hữu thường hay vô thường; thế
giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác
thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt; Như Lai vừa
tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt; hay Như Lai cũng không phải tuyệt
diệt, cũng không phải không tuyệt duyệt?’ Sa-môn Cù-đàm có biết rõ các
quan điểm này đúng như lý ưng phải biết chăng?”
Tôn giả A-nan đáp: “Phạm chí,
sự kiện như vầy. Đối với những quan điểm này, Thế Tôn là Như Lai, Vô
Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, gác qua một bên, loại bỏ, không giải thích
tường tận; đó là, ‘Thế giới hữu thường, hay vô thường; thế giới hữu
biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác;
Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt; hay Như Lai vừa tuyệt
diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt, cũng
không phải không tuyệt diệt?’ Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng
Chánh Giác, biết các quan điểm này đúng như lý ưng phải biết.”
43.
Đức Phật
giải thích lý do tại sao Ngài không trả lời 14 vấn đền vô ký
221.
‘Kinh Tiễn Dụ’
Tôn giả Man Đồng tử vào lúc xế trưa, từ tĩnh
tọa dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ, ngồi qua một bên mà bạch
rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay con sống cô độc
tại một nơi yên tĩnh, thiền tọa tư duy, trong tâm khởi lên ý niệm, ‘Sự
kiện như vầy. Những quan điểm này bị Đức Thế Tôn gác lại, loại bỏ,
không giải thích tường tận; đó là, ‘Thế giới hữu thường hay vô thường,
thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác
thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như
Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải
tuyệt diệt, cũng không phải không tuyệt diệt?’ Ta không hài lòng với
điều này, ta không nhẫn khả với điều này. Nếu Thế Tôn xác quyết rõ
ràng, ‘Thế giới hữu thường’, Bạch Thế Tôn, mong Ngài hãy nói cho con
biết. Còn nếu Thế Tôn không xác quyết rõ ràng ‘Thế giới hữu thường’ thì
Ngài hãy nói thẳng là không biết. Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường; thế
giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác
thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai
vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt
diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Nếu Thế Tôn xác quyết rõ ràng
‘Điều này chơn thật, ngoài ra là hư vọng’, Bạch Thế Tôn, mong Ngài hãy
nói cho con biết. Còn nếu Thế Tôn không xác quyết rõ ràng ‘Điều này là
chơn thật, ngoài ra là hư vọng’, thì Ngài hãy nói thẳng là không
biết’.”
Đức Thế Tôn hỏi: “Này Man
Đồng tử, trước kia Ta có nói như vầy với ngươi rằng, ‘Hãy đến đây! Hãy
theo Ta tu học Phạm hạnh rồi Ta sẽ nói cho nghe, ‘Thế giới hữu
thường’…chăng’?”
Man Đồng tử đáp:“Bạch Thế Tôn, không.”…
Đức Thế Tôn lại hỏi: “Này Man
Đồng tử, trước kia ngươi có nói với Ta rằng, ‘Nếu Thế Tôn xác quyết
nói cho con biết rằng ‘Thế giới hữu thường’ thì con sẽ theo Thế Tôn học
phạm hạnh…’ chăng?”
Man Đồng tử đáp: “Bạch Thế
Tôn, không.”…..
Đức Thế Tôn sau khi khiển trách ngay mặt Man
Đồng tử, rồi nói với các Tỳ-kheo rằng:“Nếu có người ngu si nghĩ như
vầy, ‘Nếu Đức Thế Tôn không xác quyết nói cho Ta biết rằng ‘Thế giới
hữu thường’ thì Ta không theo Đức Thế Tôn tu hành phạm hạnh….’. Những
người ngu si ấy, chưa biết được gì thì nửa chừng mạng chung.
“Ví như một người bị trúng tên độc; do bị
trúng tên độc nên đau đớn cùng cực. Người ấy được các thân thuộc đồng
tình thương xót, mong muốn cho được lợi ích và phước lành, được an ổn
khoái lạc nên tìm cầu y sĩ nhổ tên. Nhưng nó lại nói rằng, ‘Khoan hãy
nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết người bắn tôi đó, họ gì, tên gì,
sanh ở đâu, cao hay thấp, mập hay gầy, da đen hay trắng, hay da không
đen không trắng, thuộc dòng Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ hay Công sư, là
người ở phương Đông, phương Tây, phương Nam hay phương Bắc? Khoan hãy
nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết cây cung ấy làm bằng gỗ chá, bằng
gỗ dâu, bằng gỗ quỳ, hay bằng sừng? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy
cho tôi biết, cần cung làm bằng gân bò, bằng gân hươu, nai hay bằng tơ?
Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết, cây cung đó màu đen,
màu trắng, màu đỏ hay màu vằng? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho
tôi biết dây cung đó làm bằng gân, bằng tơ, bằng sợi gai hay bằng võ
gai? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết cán tên này làm
bằng gỗ hay bằng tre? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết
tên được quấn bằng gân bò, gân hươu nai, hay bằng tơ? Khoan hãy nhổ
tên! Trước tiên hãy cho tôi biết đuôi tên này kết bằng lông phiêu
lằng, lông kên kên, lông gà trống, hay lông hạc? Khoan hãy nhổ tên!
Trước tiên hãy cho tôi biết mũi tên này thuộc loại mũi răng cưa, mũi
nhọn, hay mũi bình phi đao? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi
biết người thợ vót tên này họ gì, tên gì, sanh ở đâu, cao hay thấp,
mập hay gầy, da đen hay trắng, hay da không đen không trắng, ở phương
Đông, phương Nam, phương Tây hay phương Bắc?’ Nhưng nó chưa biết được
gì thì nửa chừng đã mạng chung.
“Cũng vậy, nếu có người ngu si nghĩ như vầy,
‘Nếu Đức Thế Tôn không xác quyết nói cho ta biết rằng ‘Thế giới hữu
thường’ thì ta sẽ không theo Đức Thế Tôn tu học phạm hạnh….’. Nhưng
người ngu si ấy chưa biết được gì thì nửa chừng đã mạng chung….
“‘Thế giới hữu thường’, nhân nơi quan điểm
này mà theo ta tu học phạm hạnh, sự kiện không phải là như vậy. Cũng
vậy, ‘Thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng
khác thân khác, Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt; hay
Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, nay Như Lai cũng không
phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Nhân nơi những quan
điểm này mà theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện này không phải là như
vậy.
“‘Thế giới hữu thường’, vì có quan điểm này mà
theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện này không phải là như vậy. Cũng
vậy, ‘Thế giới vô thường, thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức
là thân hay sinh mạng khác thân khác, Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai
không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay
Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’
Vì có quan điểm này mà không theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện này
không phải là như vậy.
“‘Thế giới hữu thường’, vì có quan điểm này
mà theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện này không phải là như vậy. ‘Thế
giới vô thường; thế giới hữu biên; thế giới vô biên; sinh mạng tức là
thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không
tuyệt diệt hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như
Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Vì
có quan điểm này mà theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện này không phải là
như vậy.
“‘Thế giới hữu thường’, vì không có quan điểm
này mà không theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện không phải là như vậy.
Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường, thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng
tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như
Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt,
hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt
diệt?’ Vì không có những quan điểm này mà không theo Ta tu học phạm
hạnh, sự kiện không phải là như vậy.
“Dù ‘Thế giới hữu thường’, thì vẫn có sanh, có
già, có bệnh, có chết, sầu bi, khóc than, ưu khổ, ảo não, như vậy toàn
vẹn khối lớn khổ đau này phát sanh. Cũng vậy, dù ‘Thế giới vô thường;
thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng
khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay
Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không
phải tuyệt diệt, cũng không phải không tuyệt diệt?’ thì vẫn có sanh, có
già, có bệnh, có chết, sầu bi, khóc lóc, ưu khổ, ảo não; như vậy, toàn
vẹn khối lớn khổ đau này phát sanh.
“‘Thế giới hữu thường’, Ta không xác quyết
điều này. Vì điều này không tương ưng với cứu cánh, không tương ưng với
pháp, không phải căn bản phạm hạnh, không đưa đến trí, không đưa đến
giác, không dẫn đến Niết-bàn. Cho nên Ta không xác quyết điều này.
Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường, thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng
tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như
Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt
hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt
diệt?’ Ta không xác quyết điều này. Vì lý do gì mà Ta không xác quyết
những điều này? Vì những điều này không tương ưng với cứu cánh, không
tương ưng với pháp, không phải là căn bản phạm hạnh, không đưa đến trí,
không đưa đến giác, không dẫn đến Niết-bàn. Cho nên Ta không xác
quyết những điều này.
“Những pháp nào được Ta xác quyết nói đến?
‘Đây là khổ’, Ta xác quyết nói ‘Đây là khổ’, ‘Khổ tập, Khổ diệt, Khổ
diệt đạo tích’ Ta xác quyết nói. Vì những lý do gì mà Ta xác quyết nói
những điều này? Vì những điều này tương ưng với cứu cánh, tương ưng với
pháp, là căn bản phạm hạnh, đưa đến trí, đưa đến giác, dẫn đến
Niết-bàn, cho nên Ta xác quyết nói những điều này.
“Đó là, những gì thể nói thì Ta không nói,
những gì có thể nói thì Ta nói, hãy thọ trì như vậy. Hãy học tập như
vậy.”
44. Nghiệp
15. ‘Kinh
Tư’
Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng. “Nếu kẻ nào cố ý
tạo nghiệp Ta nói rằng kẻ ấy phải thọ lấy quả báo. Hoặc thọ ngay trong
đời hiện tại, hoặc thọ vào đời sau. Nếu tạo nghiệp mà không cố ý, Ta
nói rằng người ấy không nhất thiết phải thọ quả báo.
“Ở đây, thân cố ý tạo ba nghiệp bất thiện, đưa
đến khổ quả, thọ khổ quả. Miệng có bốn nghiệp, ý có ba nghiệp bất
thiện, đưa đến khổ báo, thọ khổ quả.
“Những gì là ba nghiệp do thân cố ý tạo bất
thiện, đưa đến khổ quả, phải thọ khổ báo? Một là sát sanh, quá hung dữ,
uống máu, cứ muốn sát hại, không thương xót chúng sanh, cho đến loài
côn trùng. Hai là lấy của không được cho, đắm trước tài vật của kẻ
khác, chiếm lấy với ý muốn trộm cắp. Ba là tà dâm; người kia chính mình
xâm phạm tới người nữ có cha giữ gìn, hoặc có mẹ gìn giữ, hoặc được cả
cha và mẹ giữ gìn, hoặc được chị em giữ gìn, hoặc được anh em gìn giữ,
hoặc được cha mẹ vợ gìn giữ, hoặc được người thân thuộc gìn giữ, hoặc
được người cùng dòng họ gìn giữ; hoặc được bảo vệ bằng đe dọa hình phạt
hay roi vọt, hoặc đã được thuê, hoặc đã được hứa hôn, cho đến chỉ mới
nhận tràng hoa làm tin. Đó là ba nghiệp do thân cố ý tạo bất thiện, đưa
đến khổ quả, thọ lấy khổ báo.
“Những gì là bốn nghiệp do miệng cố ý tạo bất
thiện, đưa đến khổ quả, thọ lấy khổ báo? Một là nói dối; người kia hoặc
ở giữa đám đông, hoặc trong quyến thuộc, hoặc ở tại vương gia, nếu có
ai kêu mà hỏi rằng: ‘Ngươi có biết thì nói’. Nhưng nó không biết mà nói
là biết, biết nói là không biết; không thấy nói là thấy, thấy nói
không thấy. Vì mình, vì người, hoặc vì của cải, biết rồi mà lại nói
dối. Hai là nói hai lưỡi; muốn ly gián người khác nên nghe nơi người
này đem nói với người kia vì muốn phá hoại người này. Nghe nơi người
kia đem nói với này vì muốn phá hoại người kia. Những kẻ hợp nhau muốn
tạo ly tán; những kẻ đã ly tán lại muốn cho xa rời để kết bè đảng, vui
thích bè đảng, khen ngợi bè đảng. Ba là nói thô ác; người ấy nếu có nói
năng gì thì lời lẽ thô tục, hung bạo, tiếng dữ trái tai, không ai mến
nổi, làm cho người khác phải khổ não, khiến cho không được định tâm.
Bốn là nói lời thêu dệt; người ấy nói không đúng lúc, nói không thành
thật, nói lời không đúng nghĩa, nói lời không đúng pháp, nói không tịch
tĩnh, lại còn khen ngợi sự không tịch tĩnh, trái ngược thời gian mà
lại không khéo dạy dỗ, không khéo la mắng. Đó là bốn nghiệp do miệng cố
ý tạo, bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ lấy khổ báo.
“Những gì ba nghiệp của ý cố ý tạo bất thiện,
đưa đến khổ quả, thọ lấy khổ báo? Một, tham lam; thấy tài vật và các tư
cụ sinh sống của người khác thường tham lam ước muốn sao cho được về
của mình. Hai là sân nhuế; trong ý ôm ấp oán ghét, nghĩ rằng: chúng
sanh kia đáng giết, đáng trói, đáng bắt, đáng loại bỏ, đáng đuổi đi,
mong cho kẻ kia thọ khổ vô lượng. Ba là tà kiến; sở kiến điên đảo, thấy
như vầy, nói như vầy: ‘Không có bố thí, không có trai phước, không có
chú thuyết, không có nghiệp thiện ác, không có nghiệp báo thiện ác,
không có đời này, đời sau; không có cha mẹ, trên đời không có bậc chân
nhân đi đến chỗ chí thiện, khéo vượt qua, khéo hướng đến, ở đời này và
đời sau mà tự chứng tri, tự giác ngộ, tự thân tác chứng, thành tựu và
an trú. Đó là ba nghiệp do ý cố tạo bất thiện, đưa đến khổ quả, thọ ấy
khổ báo.
“Đa văn Thánh đệ tử xả bỏ nghiệp bất thiện của
thân, tu thân thiện nghiệp, xả bỏ nghiệp bất thiện của miệng và ý, tu
thiện nghiệp miệng và ý. Đa văn Thánh đệ tử đầy đủ giới đức tinh tấn
như vậy, thành tựu tịnh nghiệp nơi thân, thành tựu tịnh nghiệp nơi
miệng và ý, lìa sân nhuế, lìa não hại, từ bỏ ngủ nghỉ, không trạo cử và
cống cao, đoạn nghi, vượt kiêu mạn, chánh niệm, chánh trí, không còn
ngu si, tâm vị ấy đi đôi với từ, biến mãn một phương thành tựu và an
trú. Cũng vậy, với hai, ba, bốn phương và tứ duy, thượng, hạ, biến mãn,
tâm đi đôi với từ, không thù không oán, không sân nhuế, không não hại,
quảng đại vô biên vô lượng, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian, thành
tựu và an trụ. Người kia suy nghĩ rằng: ‘Tâm ta xưa kia vốn nhỏ hẹp,
không khéo tu. Tâm ta nay đây khéo tu, quảng đại vô lượng’. Đa văn
Thánh đệ tử đối với tâm vô lường, khéo tu tập như vậy, nếu trước kia
nhân có ác tri thức, vì đã phóng dật mà tạo nghiệp bất thiện, nay những
thứ ấy không thể lôi kéo, không thể làm ô uế, không còn đi theo nữa.
Giả sử có một trẻ thơ hoặc trai hay gái được sanh ra, liền có thể tu
hành từ tâm giải thoát, về sau thân, miệng và ý có còn tạo những nghiệp
bất thiện nữa chăng?”
Các Tỳ-kheo thưa rằng: “Bạch Thế Tôn, không
thể”.
“Vì sao vậy? Tự mình không làm nghiệp ác thì
nghiệp ác ấy do đâu mà sanh? Do đó, người tại gia hay xuất gia, nam hay
nữ, thường phải siêng tu từ tâm giải thoát. Nếu người tại gia hay xuất
gia, nam hay nữ ấy, tu từ tâm giải thoát, thì không còn mang thân này
đi đến đời sau mà chỉ theo tâm đi khỏi cõi này. Tỳ-kheo nên nghĩ như
vầy: ‘Ta vốn vì buông lung mà tạo nghiệp bất thiện. Tất cả nghiệp ấy có
thể thọ báo trong đời này, chớ không thể đi đến đời sau nữa’. Nếu có
người thực hành từ tâm giải thoát rộng lớn vô lượng, khéo tu tập như
vậy, chắc chắn chứng quả A-na-hàm, hoặc chứng cao hơn nữa.
“Cũng vậy, tâm bi và hỷ; tâm câu hữu với xả,
không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại, quảng đại vô
lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ.
Người ấy suy nghĩ như vầy: ‘Tâm ta trước vốn nhỏ hẹp, không khéo tu
tập. Tâm ta nay đây rộng lớn vô lượng, được khéo tu tập’. Đa văn Thánh
đệ tử đối với tâm vô lượng, khéo tu tập như vậy, nếu trước kia nhân có
ác tri thức, vì đã phóng dật mà tạo nghiệp bất thiện, nay những thứ ấy
không thể lôi kéo, không thể làm ô uế, không còn đi theo nữa. Giả sử có
một trẻ thơ hoặc trai hay gái được sanh ra, liền có thể tu hành xả tâm
giải thoát, về sau thân, miệng và ý có còn tạo những nghiệp bất thiện
nữa chăng?”
Các Tỳ-kheo thưa rằng: “Bạch Thế Tôn, không
thể”.
“Vì sao vậy? Tự mình không làm nghiệp ác thì
nghiệp ác ấy do đâu mà sanh? Do đó, người tại gia hay xuất gia, nam hay
nữ, thường phải siêng tu xả tâm giải thoát. Nếu người tại gia hay xuất
gia, nam hay nữ ấy, tu xả tâm giải thoát, thì không còn mang thân này
đi đến đời sau mà chỉ theo tâm đi khỏi cõi này. Tỳ-kheo nên nghĩ như
vầy: ‘Ta vốn vì buông lung mà tạo nghiệp bất thiện. Tất cả nghiệp ấy có
thể thọ báo trong đời này, chớ không thể đi đến đời sau nữa’. Nếu có
người thực hành xả tâm giải thoát rộng lớn vô lượng, khéo tu tập như
vậy, chắc chắn chứng quả A-na-hàm, hoặc chứng cao hơn nữa”.
11.‘Kinh
Diêm Dụ’
Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng: “Nếu
tùy theo nghiệp được tạo tác của mỗi người mà thọ lấy quả báo của nó;
như vậy, không có sự thực hành phạm hạnh, không thể diệt tận khổ. Nếu
nói như vậy: ‘Tùy theo nghiệp được tạo tác của mỗi người mà thọ lấy quả
báo của nó’. Như vậy, có sự tu hành phạm hạnh, có được dự diệt tận
được khổ.
“Vì sao như vậy? Giả sử có người tạo nghiệp
bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo của địa ngục. Thế nào là
người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo của địa
ngục? Nghĩa là, nếu có người không tu thân, không tu giới, không tu
tâm, không tu tuệ, thọ mạng rất ngắn. Đó là người tạo nghiệp bất thiện
tất phải thọ quả khổ là quả báo của địa ngục.
16. ‘Kinh
Già Lam’
Đức Thế Tôn nói rằng: “Này các người Già-lam,
các người chớ sanh lòng ngờ vực. Vì sao vậy? Vì nhân có ngờ vực liền
sanh ra do dự. Này các người Già-lam, các ngươi tự mình không có tịnh
trí để biết có đời sau hay không có đời sau. Này các người Già-lam, các
người cũng không có tịnh trí để biết điều đã làm có tội hay không có
tội. Này các người Già-lam, nên biết các nghiệp vốn sẵn có ba tập nhân.
Những gì là ba? Này các người Già-lam, tham là tập nhân sẵn có của các
nghiệp. Này các người Già-lam, nhuế và si là tập nhân sẵn có của các
nghiệp.
45. Thân không làm ác
miệng không nói ác không đồng nghĩa là người thiện,
quan điểm của đức Phật về 3 nghiệp
179.
‘Kinh Ngũ Chi Vật Chủ’
Dị học Sa-môn Văn-kì Tử nói: “Này Vật chủ, nếu có bốn sự, ta chủ trương rằng
người ấy thành tựu thiện, đệ nhất thiện, là bậc Vô thượng sĩ, chứng đắc
đệ nhất nghĩa, là Sa-môn chất trực. Những gì là bốn? Là thân không tạo
nghiệp ác, miệng không nói ác, không sống bằng tà mạng và không suy
niệm niệm ác. Này Vật chủ, nếu có bốn sự này, ta chủ trương rằng người
ấy thành tựu thiện, đệ nhất thiện, bậc Vô thượng sĩ, chứng đắc đệ nhất
nghĩa, là Sa-môn chất trực”.
Ngũ Chi Vật chủ nghe Dị học Sa-môn Văn-kì Tử
nói, không cho là phải, không cho là trái, từ chỗ ngồi đứng dậy, bước
đi với ý niệm: “Với lời như vậy, ta phải đích thân đi đến Thế Tôn thưa
hỏi nghĩa này”. Rồi ông đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ, ngồi xuống
mộït bên, đem những điều đã bàn luận với Dị học Sa-môn Văn-kì Tử thuật
lại hết với Đức Phật.
Đức Thế Tôn nghe xong, nói rằng: “Này
Vật chủ, theo lời Dị học Sa-môn Văn-kì Tử nói, nếu quả thật như vậy
thì trẻ sơ sanh tay chân mềm yếu, nằm ngửa mà ngủ, cũng sẽ thành tựu
thiện, đệ nhất thiện, là bậc Vô thượng sĩ, chứng đắc đệ nhất nghĩa, là
Sa-môn chất trực. Này Vật chủ, trẻ sơ sanh còn không có tưởng về thân,
huống nữa là tạo nghiệp ác của thân. Nó chỉ có thể cử động thân. Này
Vật chủ, trẻ sơ sanh còn không có tưởng về miệng, huống nữa là nói ác.
Nó chỉ biết khóc. Này Vật chủ, trẻ sơ sanh còn không có tưởng về niệm,
huống nữa là niệm ác duy chỉ biết bập bẹ. Này Vật chủ, trẻ sơ sanh còn
không có tưởng về mạng, huống nữa là sống tà mạng, duy chỉ suy niệm đến
sữa mẹ. Này Vật chủ, theo lời Dị học Sa-môn Văn-kì Tử nói, như vậy thì
trẻ sơ sanh cũng thành tựu thiện, đệ nhất thiện, là bậc Vô thượng sĩ,
chứng đắc đệ nhất nghĩa, là Sa-môn chất trực.
“Này Vật chủ, nếu người nào có bốn sự, Ta chủ
trương rằng người ấy thành tựu thiện, đệ nhất thiện, nhưng không phải
là bậc Vô thượng sĩ, không thể chứng đắc đệ nhất nghĩa, cũng không phải
là Sa-môn chất trực.
“Những gì là bốn? Là thân không tạo nghiệp ác,
miệng không nói ác, không sống tà mạng và không suy niệm niệm ác. Này
Vật chủ, nếu người nào có bốn sự, Ta chủ trương rằng người ấy thành tựu
thiện, đệ nhất thiện, nhưng không phải là bậc Vô thượng sĩ, không thể
chứng đắc đệ nhất nghĩa, cũng không phải là Sa-môn chất trực.
“Này Vật chủ, thân nghiệp, khẩu nghiệp, ta chủ
trương đó là giới.
“Này Vật chủ, niệm, Ta chủ trương đó là tâm sở
hữu đi theo với tâm.
“Này Vật chủ, ta nói nên biết giới bất thiện.
Nên biết giới bất thiện phát sanh từ đâu? Nên biết giới bất thiện bị
diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ
nào. Nên biết đệ tử Hiền thánh làm thế nào để diệt trừ giới bất thiện.
“Này Vật chủ, ta nói nên biết giới thiện. Nên
biết giới thiện phát sanh từ đâu? Nên biết giới thiện bị diệt không còn
dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào. Nên biết đệ
tử Hiền thánh làm thế nào để diệt trừ giới thiện.
“Này Vật chủ, ta nói nên biết niệm bất thiện.
Nên biết niệm bất thiện phát sanh từ đâu? Nên biết niệm bất thiện bị
diệt trừ không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ
nào. Nên biết đệ tử Hiền thánh làm thế nào để diệt trừ niệm bất thiện.
“Này Vật chủ, ta nói nên biết niệm thiện. Nên
biết niệm thiện phát sanh từ đâu? Nên biết niệm thiện bị diệt trừ không
còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào. Nên biết
Hiền Thánh làm thế nào để diệt trừ niệm thiện.
“Này Vật chủ, thế nào gọi là giới bất thiện?
“Thân hành bất thiện, miệng, ý hành bất thiện.
Đó gọi là giới bất thiện.
“Này Vật chủ, giới bất thiện này phát sanh
từ đâu? Ta nói chỗ phát sanh của chúng, nên biết là phát sanh từ tâm.
Thế nào gọi là tâm? Nếu tâm có dục, có nhuế, có si, nên biết giới bất
thiện phát sanh từ tâm này.
“Này Vật chủ, giới bất thiện bị diệt trừ,
không còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào? Đa
văn Thánh đệ tử xả bỏ nghiệp bất thiện về thân, tu tập nghiệp thiện về
thân; xả bỏ nghiệp bất thiện về miệng, ý, tu tập nghiệp thiện về miệng,
ý. Đây là giới bất thiện bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại
không còn dư tàn.
“Này Vật chủ, đệ tử Hiền thánh làm thế nào
diệt trừ giới bất thiện? Nếu Đa văn Thánh đệ tử quán nội thân như thân,
cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp. Như vậy là Hiền thánh đệ tử đã
diệt trừ giới bất thiện.
“Này Vật chủ, thế nào gọi là giới thiện? Thân
hành thiện, miệng, ý hành thiện. Đó gọi là giới thiện.
“Này Vật chủ, giới thiện này phát sanh từ đâu?
Ta nói chỗ phát sanh của chúng, nên biết là phát sanh từ tâm. Thế nào
gọi là tâm? Nếu tâm không có dục, không có nhuế, không có si, nên biết
giới thiện phát sanh từ tâm này.
“Này Vật chủ, giới thiện bị diệt trừ không còn
dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào. Nếu Đa văn
Thánh đệ tử hành trì giới mà không dính trước nơi giới, đây là giới
thiện bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn.
“Này Vật chủ, Hiền thánh đệ tử làm thế nào
để diệt trừ giới thiệïn? Nếu Đa văn Thánh đệ tử quán nội thân như thân,
cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp. Như vậy là Hiền thánh đệ tử đã
diệt trừ giới thiện.
“Này Vật chủ, thế nào gọi là niệm bất thiện?
Suy niệm về niệm dục, niệm nhuế, niệm hại. Đó gọi là niệm bất thiện.
“Này Vật chủ, niệm bất thiện này phát sanh từ
đâu? Ta nói chỗ phát sanh của chúng, nên biết là phát sanh từ tưởng.
Thế nào gọi là tưởng? Ta nói hành trạng của tưởng có nhiều loại, đa
chủng, vô lượng chủng, hoặc dục tưởng, nhuế tưởng, hại tưởng.
“Này Vật chủ, chúng sanh do tưởng dục giới mà
sanh niệm bất thiện tương ưng với dục giới. Nếu có tưởng thì vì nhân
nơi tưởng đó cho nên sanh niệm bất thiện tương ưng với dục giới.
“Này Vật chủ, chúng sanh do tưởng nhuế giới,
hại giới cho nên sanh niệm bất thiện tương ưng với nhuế và hại giới.
Nếu có tưởng thì vì nhân nơi tưởng đó cho nên sanh niệm bất thiện tương
ưng với nhuế, hại giới. Đó là niệm bất thiện phát sanh từ tưởng này.
“Này Vật chủ, niệm bất thiện bị diệt trừ không
còn dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào? Nếu Đa
văn Thánh đệ tử ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ
lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu và an trụ, đây là
niệm bất thiện bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư
tàn.
“Này Vật chủ, Hiền thánh đệ tử làm thế nào để
diệt trừ niệm bất thiện? Nếu Đa văn Thánh đệ tử quán nội thân như thân,
cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp; như vậy là Hiền thánh đệ tử đã
diệt trừ niệm bất thiện.
“Này Vật chủ, thế nào gọi là niệm thiện? Suy
niệm về niệm vô dục, niệm vô nhuế, niệm vô hại. Đó gọi là niệm thiện.
“Này Vật chủ, niệm này phát sanh từ đâu? Ta
nói chỗ phát sanh của chúng, nên biết là phát sanh từ tưởng. Thế nào
gọi là tưởng? Ta nói hành trạng của tưởng có nhiều loại, đa chủng, vô
lượng chủng, hoặc vô dục tưởng, vô nhuế tưởng, vô hại tưởng.
Này Vật chủ, chúng sanh do tưởng trong vô dục
giới cho nên sanh niệm thiện tương ưng với vô dục giới. Nếu có tưởng
thì vì nhân nơi tưởng đó cho nên sanh niệm thiện, tương ưng với vô dục
giới.
“Này Vật chủ, chúng sanh do tưởng trong vô
nhuế, vô hại giới cho nên sanh niệm thiện tương ưng với vô nhuế, vô hại
giới. Nếu có tưởng thì vì nhân nơi tưởng đó cho nên sanh niệm thiện
tương ưng với vô nhuế, vô hại giới. Đó là niệm thiện phát sanh từ tưởng
này.
“Này Vật chủ, niệm thiện bị diệt trừ không còn
dư tàn ở chỗ nào, bị bại hoại không còn dư tàn ở chỗ nào? Nếu Đa văn
Thánh đệ tử diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ vốn đã có, không khổ, không
lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ,
đây là niệm thiện bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn
dư tàn.
“Này Vật chủ, Hiền thánh đệ tử làm thế nào
để diệt trừ niệm thiện? Nếu Đa văn Thánh đệ tử quán nội thân như thân,
cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp, như vậy là Hiền thánh đệ tử đã
diệt trừ niệm thiện.
“Này Vật chủ, nếu Đa văn Thánh đệ tử do tuệ
quán sát biết đúng như thật giới bất thiện, biết đúng như thật giới bất
thiện phát sanh từ đâu, biết đúng như thật giới bất thiện này đã bị
diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không còn dư tàn. Do tuệ mà quán
sát biết đúng như thật như vậy là Hiền thánh đệ tử đã diệt trừ giới
bất thiện.
“Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật giới
thiện, biết đúng như thật giới thiện phát sanh từ đâu, biết đúng như
thật giới thiện này đã bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không
còn dư tàn. Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật như vậy là Hiền thánh
đệ tử đã diệt trừ giới thiện.
“Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật niệm
bất thiện, biết đúng như thật niệm bất thiện phát sanh từ đâu, biết
đúng như thật niệm bất thiện này đã bị diệt trừ không còn dư tàn, bị
bại hoại không còn dư tàn. Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật như
vậy là Hiền thánh đệ tử đã diệt trừ niệm bất thiện.
“Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật niệm
thiện, biết đúng như thật niệm thiện phát sanh từ đâu, biết đúng như
thật niệm thiện này đã bị diệt trừ không còn dư tàn, bị bại hoại không
còn dư tàn. Do tuệ mà quán sát biết đúng như thật như vậy là Hiền thánh
đệ tử đã diệt trừ niệm thiện.
“Vì sao vậy? Vì nhân chánh kiến nên sanh chánh
chí, nhân chánh chí nên sanh chánh ngữ, nhân chánh ngữ nên sanh chánh
nghiệp, nhân chánh nghiệp nên sanh chánh mạng, nhân chánh mạng nên sanh
chánh phương tiện, nhân chánh phương tiện nên sanh chánh niệm, nhân
chánh niệm nên sanh chánh định. Hiền thánh đệ tử đã định tâm như vậy
rồi, liền giải thoát tất cả dâm, nộ, si.
“Này Vật chủ, Hiền thánh đệ tử đã chánh tâm
giải thoát như vậy rồi, liền biết đúng như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt,
phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Đó
gọi là học kiến đạo thành tựu tám chi, và A-la-hán lậu tận đã thành
tựu mười chi.
46.
Lý do nào trong xã hội có
người giàu nghèo, đẹp xấu…khác nhau
170.
‘Kinh Anh Vũ’
“Bạch Cù-đàm, do nhân gì, do duyên gì, chúng
sanh kia đều thọ thân người mà có người cao kẻ thấp, có người đẹp kẻ
xấu. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, tôi thấy có kẻ sống lâu, người chết yểu;
có kẻ nhiều bệnh, người ít bệnh; lại thấy có kẻ thân hình đoan chánh,
có người không đoan chánh; lại thấy có kẻ có oai đức, người không oai
đức; lại thấy có kẻ sanh nhằm dòng dõi tôn quý, có người sanh nhằm dòng
dõi ti tiện; lại thấy có kẻ giàu có, có người nghèo hèn; lại thấy có
kẻ thiện trí, có người ác trí”.
Đức Thế Tôn trả lời: “Chúng
sanh kia do nơi hành nghiệp của chính mình, nhân bởi nghiệp mà thọ báo,
duyên vào nghiệp, y nơi nghiệp, tùy theo nơi nghiệp xứ có cao thấp mà
chúng sanh có tốt đẹp hay không tốt đẹp”.
Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử bạch Thế Tôn rằng:
“Sa-môn Cù-đàm nói vắn tắt quá, không phân biệt một cách rộng
rãi, tôi không thể biết được. Mong Sa-môn Cù-đàm nói một cách rộng rãi
cho tôi nghe để tôi được hiểu rõ ý nghĩa”. …
Đức Phật nói: “Này Ma-nạp, do
nhân gì, do duyên gì mà kẻ nam hay người nữ thọ mạng rất ngắn ngủi?
Nếu có kẻ nam hay người nữ nào sát sanh, hung dữ, cực ác, uống máu, ý
nghĩ ác hại, không có tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh, cho đến các
loài côn trùng. Người ấy lãnh thọ nghiệp này, tạo tác đầy đủ rồi, đến
khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào trong địa
ngục. Mãn kiếp địa ngục rồi, lại sanh vào nhân gian, tuổi thọ rất ngắn
ngủi. Vì sao vậy? Con đường này đưa đến nhận lãnh sự đoản thọ, nghĩa là
kẻ nam hay người nữ sát sanh, hung dữ, cực ác, uống máu. Này Ma-nạp,
nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
“Này Ma-nạp, do nhơn gì, duyên gì mà kẻ nam
hay người nữ thọ mạng rất dài? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào xa lìa
nghiệp sát, đoạn tuyệt nghiệp sát, bỏ hẳn dao gậy, có tâm tàm, có tâm
quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả cho đến loài côn trùng. Người
ấy thọ nghiệp này, tạo tác nghiệp ấy đầy đủ rồi đến khi thân hoại mạng
chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở
cõi trời, lại sanh vào nhân gian, thọ mạng rất dài. Vì sao vậy? Con
đường này đưa đến nhận lãnh sự trường thọ, nghĩa là kẻ nam hay người nữ
xa lìa nghiệp sát, đoạn tuyệt nghiệp sát. Này Ma-nạp, nên biết, nghiệp
này có quả báo như vậy.
47.
Quan điểm khác nhau giữa
người trí và kẻ ngu về luật nhân quả
175.
‘Kinh Thọ Pháp (B) (Xem 174. ‘Kinh Thọ Pháp (A)
Thế gian này chân thật có bốn thọ pháp. Những
gì là bốn? Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc mà tương lai thọ quả báo khổ.
Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo lạc. Hoặc có thọ
pháp hiện tại khổ mà tương lai cũng thọ quả báo khổ. Hoặc có thọ pháp
hiện tại lạc mà tương lai cũng thọ báo lạc.
“Thế nào là pháp thọ hiện tại lạc mà tương lai
chịu quả báo khổ? Hoặc có một người tự mình vui sướng, tự mình vui
thích trong việc sát sanh. Do nhân sát sanh mà sanh lạc, sanh hỷ. Người
đó tự mình, vui sướng, tự mình vui thích trong việc lấy của không cho,
nói láo, cho đến tà kiến, nhân nơi tà kiến mà sanh lạc, sanh hỷ. Như
vậy, thân lạc, tâm lạc, bất thiện, từ bất thiện mà sanh ra, không hướng
đến trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn.
“Đó là thọ pháp hiện tại lạc, tương lai chịu
quả báo khổ.
“Sao gọi là thọ pháp hiện tại khổ mà tương
lai được quả báo lạc? Hoặc có người tự mình khổ, tự mình ưu, đoạn trừ
việc sát sanh, do sự đoạn trừ việc sát hại mà sanh khổ, sanh ưu, người
đó tự khổ, tự ưu; đoạn trừ việc lấy của không cho, tà dâm, nói láo, cho
đến đoạn trừ tà kiến, do đoạn tà kiến mà sanh khổ sanh ưu. Như vậy,
thân khổ, tâm khổ, thiện sanh, hướng đến trí, hướng đến giác, hướng đến
Niết-bàn.
“Đó là thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai thọ
đặng quả báo lạc.
“Sao gọi là thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai
cũng thọ quả báo khổ? Hoặc có người tự khổ, tự ưu và sát sanh, do sát
sanh mà khổ, sanh ưu. Người đó tự khổ, tự ưu và lấy của không cho, tà
dâm, nói láo, cho đến tà kiến mà sanh khổ, sanh ưu. Như vậy, thân khổ,
tâm khổ, bất thiện từ bất thiện mà sanh, không hướng đến giác ngộ,
không hướng đến Niết-bàn.
“Đó gọi là pháp hiện tại khổ mà tương lai cũng
phải thọ quả báo khổ.
“Sao gọi là thọ pháp hiện tại an vui mà tương
lai cũng thọ quả báo an vui? Hoặc có người tự mình vui sướng, tự mình
vui thích, đoạn trừ sát sanh, do đoạn trừ sát sanh mà sanh lạc, sanh
hỷ. Người ấy tự mình vui sướng, tự mình vui thích, đoạn trừ lấy của
không cho, tà dâm, nói láo, cho đến tà kiến. Do đoạn trừ tà kiến cho
nên sanh lạc, sanh hỷ. Như vậy, thân lạc và tâm lạc từ thiện mà sanh,
hướng đến trí, hướng đến giác, hướng đến Niết-bàn.
“Như thế gọi là thọ pháp hiện tại lạc mà tương
lai cũng thọ quả báo lạc.
“Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc, tương lai thọ
quả báo khổ, nhưng người kia do ngu si chẳng biết như thật rằng thọ
pháp ấy hiện tại lạc, nhưng tương lai chịu lấy khổ báo. Do không biết
như thật nên tập hành không đoạn trừ Sau khi tập hành không đoạn trừ,
pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý sanh; pháp không
đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý tiêu diệt. Cũng như thuốc
A-ma-ni-dược, một phần có sắc, có hương, có vị, nhưng có trộn chất độc;
hoặc có người bị bệnh nên uống, khi uống thì sắc, hương và vị ngon
miệng mà không tổn hại cổ họng, nhưng khi uống xong, vào trong bụng rồi
lại chẳng thành thuốc. Cũng vậy, thọ pháp này hiện tại lạc mà tương lai
phải chịu lấy quả báo khổ. Người kia ngu si không biết như thật rằng
pháp thọ này hiện tại lạc mà tương lai phải chịu quả báo khổ. Khi đã
không biết như thật liền tập hành không đoạn trừ. Sau khi tập hành
không đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý lại
sanh; pháp đáng thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt. Đó gọi là pháp
ngu si.
“Nếu có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai
chịu quả báo lạc, song người ấy ngu si không biết như thật rằng thọ
pháp này hiện tại khổ mà tương lai sẽ được quả báo an lạc. Khi đã không
biết như thật liền không tập hành đoạn trừ. Sau khi không tập hành
đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý lại sanh;
pháp đáng thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt. Đó gọi là pháp ngu si.
“Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai
cũng chịu quả báo khổ, song người ngu si không biết như thật rằng thọ
pháp này hiện tại khổ, tương lai cũng chịu quả báo khổ. Khi đã không
biết như thật, liền tập hành không đoạn trừ. Khi đã tập hành không đoạn
trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý lại sanh; pháp
đáng thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt.
“Cũng như đại tiểu tiện lại trộn lẫn độc, hoặc
có người bị bệnh cho nên uống. Khi uống thì nhơ nhớp, hôi thối, không
có mùi vị, không ngon miệng mà lại tổn thương cuống họng, uống vào
trong bụng lại chẳng thành thuốc. Cũng vậy, pháp thọ này hiện tại khổ,
tương lai cũng chịu quả báo khổ. Người kia ngu si không biết như thật
rằng pháp thọ này hiện tại khổ, tương lai cũng chịu quả báo khổ. Đã
không biết như thật, bèn tập hành sự không đoạn trừ. Do tập hành sự
không đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý lại
sanh; pháp đáng thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt. Đó gọi là pháp
ngu si.
“Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc, tương lai cũng
thọ quả báo lạc, nhưng người kia ngu si không biết như thật rằng pháp
thọ này hiện tại lạc mà tương lai cũng thọ báo lạc. Do không biết như
thật nên không tập hành sự đoạn trừ. Do không tập hành sự đoạn trừ nên,
pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý lại sanh; pháp đáng
thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt. Đó gọi là pháp ngu si.
“Người kia không biết như thật pháp nào nên
tập hành, không biết như thật pháp nào không nên tập hành. Do không
biết như thật pháp nào không nên tập hành và không biết như thật pháp
nào nên tập hành, do đó pháp không nên tập hành lại tập hành, pháp nên
hành lại không hành. Do tập hành pháp không nên tập hành và không tập
hành pháp nên tập hành, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không
vừa ý lại sanh; pháp đáng thích, đáng yêu, đáng vừa ý lại diệt. Đó gọi
là pháp ngu si.
“Nếu có thọ pháp hiện tại lạc mà tương lai thọ
quả báo khổ, người có trí tuệ biết như thật rằng pháp thọ này hiện tại
lạc mà tương lai thọ quả báo khổ. Do biết như thật nên không tập hành
nó, mà đoạn trừ nó. Do không tập hành nhưng đoạn trừ, pháp không đáng
thích, không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu,
đáng vừa ý sanh. Đó gọi là pháp tuệ.
“Nếu có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai thọ
quả báo lạc, người có trí tuệ biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại
khổ nhưng tương lai lại được quả báo lạc. Do biết như thật, vị ấy tập
hành nó mà không đoạn trừ. Do tập hành mà không đoạn trừ, pháp không
đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà pháp đáng thích đáng
yêu, đáng vừa ý sanh.
“Cũng như đại tiểu tiện có hòa với nhiều thứ
thuốc, hoặc có người bị bệnh uống; khi uống, sắc xấu, hôi thối, không
mùi vị, không ngon miệng mà hại đau cuống họng, nhưng uống vào trong
bụng lại thành thuốc. Cũng vậy, thọ pháp này hiện tại khổ mà tương lai
thọ quả báo lạc, người trí tuệ biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại
khổ mà tương lai thọ quả báo lạc. Do biết như thật, vị ấy tập hành nó
mà không đoạn trừ. Do tập hành mà không đoạn trừ, pháp không đáng
thích, không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu,
đáng vừa ý sanh. Đó gọi là pháp tuệ.
“Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai
cũng chịu quả báo khổ, người có trí tuệ biết như thật rằng thọ pháp này
hiện tại khổ mà tương lai cũng chịu quả báo khổ. Do trí biết như thật,
vị ấy không tập hành nó, nhưng đoạn trừ. Do không tập hành nó nhưng
đoạn trừ, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà
pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý sanh. Đó gọi là pháp tuệ.
“Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc, tương lai thọ
quả báo lạc, người trí tuệ biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại
lạc, tương lai thọ quả báo lạc. Do biết như thật, vị ấy tập hành chứ
không đoạn trừ. Do tập hành chứ không đoạn trừ, pháp không đáng thích,
không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa
ý sanh. Đó gọi là pháp tuệ.
“Cũng như tô mật hòa với nhiều thứ thuốc,
hoặc có người bị bệnh nên uống, khi uống có sắc đẹp, có hương, có vị,
ngon miệng mà không tổn thương cuống họng, uống vào bụng lại thành
thuốc. Cũng vậy, pháp thọ này hiện tại lạc, tương lai thọ quả báo lạc.
Người trí tuệ biết một cách như thật rằng pháp thọ này hiện tại lạc,
tương lai cũng thọ quả báo lạc. Do biết như thật, vị ấy tập hành chứ
không đoạn trừ; pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý
diệt, mà pháp đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý sanh. Đó gọi là pháp tuệ.
“Người đó biết như thật rằng, đây là pháp
nên tập hành, biết như thật rằng đây là pháp không nên tập hành. Do biết
như thật pháp nào nên tập hành và pháp nào không nên tập hành, vị ấy
tập hành pháp nên tập hành, không tập hành pháp không nên tập hành. Do
tập hành pháp nên tập hành và không nên tập hành pháp không nên tập
hành, pháp không đáng thích, không đáng yêu, không vừa ý diệt, mà pháp
đáng thích đáng yêu, đáng vừa ý sanh. Đó gọi là pháp tuệ.
48. 4 hiện tượng nhân quả khác nhau dẫn đến quan điểm
khác nhau giữa ngoại đạo và đức Phật
171.
‘Kinh Phân Biệt Đại Nghiệp’
Phật nói:
(1) “Này
A-nan, hoặc có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của
không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối,... cho đến không từ
bỏ tà kiến. Với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung
sanh về chỗ lành, sanh lên trời. Này A-nan, hoặc có một người từ bỏ
sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến
từ bỏ tà kiến. Với sự xả ly, sự thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh
về chỗ ác, trong địa ngục.
(2) “Này A-nan, hoặc có một người không từ bỏ
sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ
bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến. Với sự không xả ly, không thủ
hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chỗ ác, trong địa ngục. Này A-nan,
hoặc có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà
dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến. Với sự xả ly và thủ hộ này,
thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, trong cõi trời.
(3) “Này
A-nan, nếu có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của
không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ
tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung,
người ấy sanh về chốn lành, trong cõi trời. Nếu có vị Sa-môn, Phạm chí
chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy người kia, thấy rồi
bèn tự suy nghĩ rằng, ‘Không có thân ác hành, cũng không có quả báo
của thân ác hành. Không có khẩu và ý ác hành, cũng không có quả báo của
khẩu và ý ác hành. Vì sao? Ta thấy người kia không từ bỏ sát sanh,
không từ bỏ sự lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói
dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này,
thân hoại mạng chung sanh về cõi lành, trong cõi trời. Nếu có những
trường hợp khác cũng tương tự như vậy, không từ bỏ sát sanh, không từ
bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến
không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, kia tất cả
khi thân hoại mạng chung nhất định sanh về cõi lành, trong cõi trời. Ai
thấy như vậy gọi là chánh kiến. Ai thấy khác đi, trí họ đi về nẻo tà’.
Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, dều chủ trương theo
một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối’.
(4) “Này
A-nan, nếu có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ
tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này,
thân hoại mạng chung sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Nếu có
Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy
người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ rằng: “Không có thân diệu hạnh,
không có quả báo của thân diệu hạnh, không có khẩu và ý diệu hạnh, cũng
không có quả báo của khẩu và ý diệu hạnh’. Vì sao? Ta thấy người kia
từ bỏ sát sanh, từ bỏ sự lấy của không cho từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói
dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly thủ hộ này, thân hoại mạng
chung sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Nếu có những trường hợp
khác cũng tương tự như vậy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ
bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ
này, kia tất cả khi thân hoại mạng chung nhất định sanh về chốn ác,
sanh trong địa ngục. Ai thấy như vậy gọi là chánh kiến. Ai thấy khác
đi, trí họ đi về nẻo tà’. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò
mẫm, đều chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra
đều hư dối’.
“Này A-nan, nếu có một người không từ bỏ sát
sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói
dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ
này, thân hoại mạng chung sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Nếu có
Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy
người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ: ‘Có thân ác hạnh, có quả báo của
thân ác hạnh, có khẩu và ý ác hạnh, cũng không có quả báo của khẩu và ý
ác hạnh’. Vì sao? Ta thấy kẻ kia không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ
không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không
từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, kia tất cả khi
thân hoại mạng chung nhất định sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Ai
thấy như vậy gọi là chánh kiến; thấy khác đi, trí họ đi về nẻo tà’.
Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, đều chủ trương theo
một chiều rằng: ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’
“Này A-nan, nếu có một người từ bỏ sát sanh,
từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà
kiến. Với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành,
sanh trong cõi trời. Nếu có Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn,
thành tựu thiên nhãn mà thấy người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ: ‘Có
thân diệu hạnh, cũng có quả báo của thân diệu hạnh; có khẩu và ý diệu
hạnh, cũng có quả báo của khẩu và ý diệu hạnh. Vì sao? Ta thấy kẻ kia
từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối,
cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, khi thân hoại mạng
chung nhất định sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Nếu lại có
trường hợp khác tương tợ như vậy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà
lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly,
thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung nhất định sẽ
sanh về nẻo lành, sanh trong cõi trời. Ai thấy như vậy gọi là chánh
kiến; thấy khác đi, trí họ đi về nẻo tà’. Bất cứ sở tri và sở kiến nào
được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng: ‘Đây mới là chân
thật, ngoài ra đều hư dối’.
“Này A-nan, ở trong đó, nếu vị Sa-môn, Phạm
chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói như thế này,
‘Không có thân ác hành, không có quả báo của thân ác hành. Không có
khẩu, ý ác hành, không có quả báo của khẩu và ý ác hành’. Ta không theo
vị ấy. Nếu vị ấy nói như thế này, ‘Ta thấy người kia không từ bỏ sát
sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói
dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ
này, thân hoại mạng chung sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục’. Ta nghe
theo vị ấy. Nếu nói như vầy, ‘Nếu có những trường hợp khác tương tợ
như vậy, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ
bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự
không xả ly, không thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng
chung sanh về chỗ lành, sanh lên trời’. Ta không nghe theo vị ấy. Nếu
có ai nói như vầy, ‘Thấy như vậy mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có
trí tà’. Ta không nghe theo họ. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực
lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài
ra đều hư dối.’ Ta cũng không nghe họ. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết
những người đó là trường hợp khác.
“Này A-nan, trong đó có Sa-môn, Phạm chí chứng
được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói thế này, ‘Không có thân
diệu hạnh, cũng không có quả báo của thân diệu hạnh; không có khẩu, ý
diệu hạnh, cũng không có quả báo của khẩu và ý diệu hạnh’. Ta không
nghe theo vị ấy. Nếu nói thế này, ‘Ta thấy người kia từ bỏ sát sanh, từ
bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà
kiến. Với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác,
sanh trong địa ngục’. Ta nghe theo vị ấy. Nếu có ai nói thế này, ‘Có
những trường hợp khác tương tợ như vầy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của
không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự
xả ly, thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung sanh
về nẻo ác, sanh trong địa ngục’. Ta không nghe theo họ. Nếu kia lại nói
thế này, ‘Thấy như vậy mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà’.
Ta cũng không nghe họ. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò
mẫm, chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều
hư dối.’ Ta cũng không nghe họ. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết những
người đó là trường hợp khác.
“Này A-nan, trong đó nếu có Sa-môn, Phạm chí
chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói như vầy, ‘Có thân ác
hạnh, cũng có quả báo của thân ác hạnh. Có khẩu, ý ác hạnh, cũng có quả
báo của khẩu và ý ác hạnh’. Ta nghe theo vị ấy. Nếu kia nói như thế
này, ‘Ta thấy người kia không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không
cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà
kiến. Với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh
về nẻo ác, sanh trong địa ngục’. Ta nghe theo vị ấy. Nếu nói thế này,
‘Những trường hợp tương tợ như vậy, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ
lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến
không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, tất cả những
người ấy khi thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa
ngục’. Ta không nghe theo họ. Nếu kia lại nói thế này, ‘Thấy như vậy
mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà’. Ta cũng không nghe họ.
Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một
chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối’. Ta cũng không
nghe họ. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết những người đó là trường hợp
khác.
“Này A-nan, trong đó nếu có Sa-môn, Phạm chí
chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói như thế này, ‘Có thân
diệu hạnh, cũng có quả báo của thân diệu hạnh; có khẩu, ý diệu hạnh,
cũng có quả báo của khẩu và ý diệu hạnh’. Ta nghe theo vị ấy. Nếu nói
như vầy, ‘Ta thấy người kia từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ
bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ
này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời’. Ta
nghe theo họ. Nếu nói như vầy, ‘Nếu có những trường hợp tương tợ như
vầy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói
dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, tất cả những người
ấy khi thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời’.
Ta không nghe theo họ. Nếu kia lại nói thế này, ‘Thấy như vậy mới là
chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà’. Ta cũng không nghe họ. Bất cứ
sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều
rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’ Ta cũng không nghe
họ. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết những người đó là trường hợp khác.
“Này A-nan, nếu có một người không từ bỏ sát
sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ
nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ
này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Ấy
là, nếu trước kia nó đã tạo tác nghiệp bất thiện, tác đã thành rồi, do
sự không xả ly, không thủ hộ, cho nên ở trong đời hiện tại thọ báo
xong, họ sanh về nơi đó. Hoặc do hậu báo cho nên người kia không vì
nhơn này, không vì duyên này mà thân hoại mạng chung sanh về chốn lành,
sanh trong cõi trời. Hoặc trước kia đã tạo tác nghiệp thiện, tác đã
thành rồi, do xả ly và thủ hộ nên chưa tiêu hết, cần phải được thọ báo ở
chốn lành; kia do nhơn này, duyên này cho nên thân hoại mạng chung
sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc khi chết khởi các tâm, và
tâm sở hữu pháp thuộc thiện tương ưng với chánh kiến; kia nhờ nhơn này,
duyên này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi
trời. A-nan, Như Lai biết người kia là như vậy.
“Này A-nan, nếu có một người từ bỏ sát sanh,
từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà
kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác,
sanh trong địa ngục. Nếu trước kia họ đã tạo tác nghiệp thiện, tác đã
thành rồi, do sự xả ly, thủ hộ cho nên ở trong đời hiện tại họ thọ báo
xong, cho nên sanh về nơi đó. Hoặc do bởi hậu báo cho nên họ không vì
nhơn này, duyên này mà thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong
địa ngục. Hoặc trước kia đã tạo tác nghiệp bất thiện, tác đã thành rồi,
do không xả ly và không thủ hộ nên chưa tiêu hết, phải thọ báo ở địa
ngục; họ do nhơn này, duyên này cho nên thân hoại mạng chung sanh về
nẻo ác, sanh trong địa ngục. Hoặc khi chết sanh tâm và các tâm sở hữu
pháp bất thiện tương ưng với tà kiến, do nhơn này, duyên này, thân hoại
mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. A-nan, Như Lai biết
người kia là như vậy.
“Này A-nan, nếu có một người không từ bỏ sát
sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ
nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ
này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Kia do
chính nhơn này, duyên này thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh
trong địa ngục. Hoặc trước kia đã tạo tác nghiệp bất thiện, tác đã
thành rồi, do sự không xả ly, không thủ hộ mà chưa tiêu hết, nên phải
thọ báo ở địa ngục; kia do nhơn này, duyên này cho nên thân hoại mạng
chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Hoặc khi chết sanh các tâm và
tâm sở hữu pháp bất thiện tương ưng với tà kiến, kia do nhơn này,
duyên này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục.
A-nan, Như Lai biết người kia là như vậy.
“Này A-nan, nếu có một người từ bỏ sát sanh,
từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà
kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành,
sanh trong cõi trời. Kia nhờ chính nhơn này, duyên này thân hoại mạng
chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc trước kia đã tạo tác
nghiệp thiện, tác đã thành rồi, nhờ có xả ly, có thủ hộ mà chưa tiêu
hết, phải được thọ báo thiện; kia nhờ nhơn này, duyên này cho nên thân
hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc đến lúc
chết sanh các tâm và tâm sở hữu pháp thiện tương ưng với chánh kiến, kia
do nhơn này, duyên này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh
trong cõi trời. A-nan, Như Lai biết người kia là như vậy.
49. Sự khác nhau giữa
quan điểm nghiệp của Phật giáo và Kỳ Na Giáo
133.
‘Kinh Ưu Ba Li’
Đức Thế Tôn bèn hỏi: “Nhà khổ
hạnh Ni-kiền Thân Tử (Niganṭha-Nātaputta) chủ trương có bao
nhiêu hành vi để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp?”
Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đáp: “Thưa
Cù-đàm, Tôn sư của tôi, Ni-kiền Thân Tử, không giảng dạy cho chúng tôi
về những hành vi để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp.
Nhưng người giảng dạy chúng tôi về sự trừng phạt để không hành ác
nghiệp, không tạo tác ác nghiệp.”
Thế Tôn lại hỏi: “Nhà khổ
hạnh Ni-kiền Thân Tử chủ trương có bao nhiêu sự trừng phạt để không
hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp?”
Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đáp rằng: “Thưa
Cù-đàm, Tôn sư của tôi, Ni kiền Thân Tử giảng dạy cho chúng tôi về ba
sự trừng phạt để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp. Những
gì là ba? Đó là sự trừng phạt bằng thân, sự trừng phạt bằng miệng và sự
trừng phạt bằng ý.
Đức Thế Tôn lại hỏi: “Này Khổ
Hạnh, thế nào, thân phạt, khẩu phạt, ý phạt có khác nhau không?”
Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đáp rằng: “Thưa
Cù-Đàm, đối với chúng tôi, thân phạt khác, khẩu phạt khác, ý phạt
khác.”
Đức Thế Tôn lại hỏi: “Này Khổ
Hạnh, các sự trừng phạt này tương tự như vậy. Ni-kiền Thân Tử chủ
trương trừng phạt nào nặng hơn hết để không hành ác nghiệp, không tạo
tác ác nghiệp? Sự trừng phạt của thân chăng? Của khẩu chăng? Của ý
chăng?”
Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đáp rằng: “Thưa
Cù-đàm, các sự trừng phạt này tương tự như vậy. Tôn sư tôi, Ni-kiền
Thân Tử chủ trương thân phạt là nặng hơn hết để không hành ác nghiệp,
không tạo tác ác nghiệp. Khẩu phạt thì không phải vậy, ý phạt thì nhẹ
nhất, không bằng thân phạt vốn “rất lớn lao, rất nặng nề.
Thế Tôn lại hỏi: “Này Khổ
Hạnh, ông nói thân phạt nặng nhất chăng?”
Ni-kiền Trường Khổ Hạnh đáp: “Thưa
Cù-đàm, thân phạt nặng nhất.”
Đức Thế Tôn hỏi lại đến lần thứ ba: “Này
Khổ Hạnh, ông nói thân phạt nặng nhất chăng?”
Ni-kiền Trường Khổ Hạnh cũng ba lần đáp lại:
“Thưa Cù-đàm, thân phạt nặng nhất.”
Đức Thế Tôn thẩm định ba lần Ni-kiền Trường
Khổ Hạnh việc như vậy xong, bèn ngồi im lặng.
Ni-kiền Trường Khổ Hạnh hỏi: “Sa-môn
Cù-đàm chủ trương có bao nhiêu sự trừng phạt để không hành ác nghiệp,
không tạo tác ác nghiệp?”
Bấy giờ Đức Thế Tôn đáp: “Này
Khổ Hạnh, ta không giảng thuyết về những trừng phạt để không hành ác
nghiệp, không tạo tác ác nghiệp. Ta chỉ giảng thuyết về nghiệp để không
hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp.”
Ni-kiền Trường Khổ Hạnh hỏi: “Cù-đàm
chủ trương có bao nhiêu nghiệp để không hành ác nghiệp, không tạo tác
ác nghiệp?”
Thế Tôn lại đáp: “Này Khổ
Hạnh, Ta giảng thuyết về ba nghiệp để không hành ác nghiệp, không tạo
tác ác nghiệp. Thế nào là ba? Là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.”
Ni-kiền Trường Khổ Hạnh lại hỏi: “Cù-đàm,
thân nghiệp khác, khẩu nghiệp khác, ý nghiệp khác chăng?”
Thế Tôn lại đáp: “Ta nói, thân nghiệp khác, khẩu nghiệp
khác, ý nghiệp khác vậy”.
Ni-kiền Trường Khổ Hạnh hỏi: “Thưa
Cù-đàm, ba nghiệp này tương tự như vậy, Ngài chủ trương nghiệp nào
nặng nhất để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp? Là thân
nghiệp chăng? Khẩu nghiệp chăng? Ý nghiệp chăng?”
Thế Tôn lại đáp: “Này Khổ
Hạnh, ba nghiệp này tương tự như vậy, Ta giảng thuyết ý nghiệp là nặng
nhất để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp. Thân nghiệp và
khẩu nghiệp thì không phải vậy.”
Ni-kiền Trường Khổ Hạnh hỏi: “Cù-Đàm
chủ trương ý nghiệp nặng nhất chăng?”
Thế Tôn đáp: “Này Khổ Hạnh,
Ta giảng thuyết ý nghiệp là nặng nhất.”
50. Quan điểm của Phật với vấn đề cầu nguyện, ước nguyện
173. ‘Kinh Phù Di’
Thưa Tôn giả
Phù-di, có Sa-môn Phạm chí đi đến chỗ tôi và nói với tôi rằng, ‘Này
Vương đồng tử, người nào có ước nguyện tu hành phạm hạnh một cách chân
chánh, người ấy tất sẽ chứng quả. Nếu người nào không có ước nguyện,
hoặc vừa có uớc nguyện, vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước
nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách
chân chánh, người ấy tất sẽ chứng quả’. Tôn sư của Tôn giả Phù-di có ý
gì, có thuyết gì chăng?”
Tôn giả Phù-di nói: “Này Vương đồng
tử, tôi chưa được đích thân nghe Đức Thế Tôn nói, cũng chưa được nghe
các vị phạm hạnh nói lại, nhưng này Vương đồng tử, có thể Đức Thế Tôn đã
nói như vầy, ‘Người nào có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân
chánh, người ấy tất sẽ chứng quả. Nếu người nào không có ước nguyện,
hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước
nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân
chánh, người ấy tất sẽ chứng quả”……
Đức Thế Tôn nói: “Này Phù-di, nếu
có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, tà kiến định, người ấy có ước nguyện
nhưng tu hành phạm hạnh một cách tà vạy, nên chắc chắn không thể chứng
quả. Không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện, vừa không có ước
nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện,
tu hành phạm hạnh một cách tà vạy, thì chắc chắn không thể chứng quả.
Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.
“Này Phù-di, ví như có người muốn lấy sữa mà
lại vắt nơi sừng con bò thì chắc chắn không lấy được sữa. Dù không có
ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng
phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, nếu người ấy muốn
lấy sữa mà lại vắt nơi sừng con bò thì chắc chắn không lấy được sữa. Vì
sao vậy? Vì tìm cầu sữa một cách tà vạy, tức là vắt nơi sừng con bò
vậy. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, tà kiến
định, người ấy có ước nguyện nhưng tu hành phạm hạnh một cách tà vạy
nên chắc chắn không thể chứng quả. Không có ước nguyện, hoặc vừa có ước
nguyện, hoặc vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện,
chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy thì
chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách
tà vạy, là không đúng đường lối.
“Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh
kiến, chánh kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một
cách chân chánh nên tất sẽ chứng quả. Không có ước nguyện, hoặc vừa có
ước nguyện, vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện,
chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân chánh,
thì tất sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách chân
chánh, là đúng đường lối.
Này Phù-di, ví như có người muốn lấy sữa, cho
bò ăn uống no nê rồi vắt sữa nơi vú nó thì chắc chắn lấy được sữa. Dù
không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện, vừa không có ước nguyện,
hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, nếu
người ấy muốn lấy sữa, cho bò ăn no nê rồi vắt nơi vú nó, thì chắc chắn
lấy được sữa. Vì sao vậy? Vì tìm cầu sữa một cách chân chánh, là vắt
nơi vú con bò. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí chánh
kiến, chánh kiến định, người ấy có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một
cách chân chánh, chắc chắn sẽ chứng quả. Nếu không có ước nguyện, hoặc
vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước
nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách chân
chánh thì chắc chắn sẽ chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một
cách chân chánh, là đúng đường lối….
[1]
Pāli: svākkhato bhagavato
dhammo suppaṭipanno sāvakasaṅgho, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, Tăng đệ tử của Thế
Tôn khéo thực hành.
[2]
Danh tánh chủng, chỉ Tỳ-kheo
chỉ có danh tự, chứ không có thực chất (?). Pāli: Gotrabhuno.
[3]
Tức bốn hành: không an ổn, an
ổn, điều phục và tịch tịnh. Chúng đệ tử Phật hành ba loại sau. Tham
chiếu Pāli, D. 33. Saṅgīti-suttanta: catasso paṭipadā: akkhamā paṇipadā (không
kham nhẫn), khamā paṭipadā (kham nhẫn), damā paṭipadā (điều phục), samā paṭipadā (tịch tĩnh).
[4]
Trừ sự, trong kinh 215, tám thắng xứ được
gọi là tám trừ xứ, nhưng ở đây trừ sự có thể chỉ cho bốn thông hành
(xem kinh số 215 ở sau).
[5]
Hành lai du, tham khảo Pháp Uẩn 3 (No.1537,
Đại 26, trang 463 b), được gọi là Pháp tùy, tức tám chi
Thánh đạo. Chúng đệ tử của Phật tùy thuận du lịch thiệp hành trong
đó.
[6]
Mười sự thành tựu trên đây,
trừ những thành tựu: nhu nhuyến, nhẫn và lạc,
còn lại có thể so với những đức tánh Tăng bảo thường được tán
thán, mà theo văn của Tập Dị và Pháp Uẩn như vầy: “Cụ túc diệu
hành, chất trực hành, pháp tùy pháp hành, hòa kỉnh hành, tùy pháp
hành”.
[7]
Kiến lai kiến quả; Xem Tập Dị (No.1536, Đại 26, trang
402): hữu y kiến, hữu quả kiến.
[8]
Thị xứ phi xứ:
trường hợp đúng và trường hợp
sai.
[9]
Pāli: thānāthānakusala (xứ phi
xứ thiện xảo).
[10]
Kiến đế nhân, đây chỉ vị
Tu-đà-hoàn.
[11]
Mạng hành thanh tịnh, sinh
hoạt, hay sự nuôi sống, thanh tịnh. Pāli: parisuddho ājīvo.
[12]
Vị phẫn tránh cố 謂
忿 諍 故; vì sự phẫn nộ và tranh cãi. Pāli: yatvādhikaraṇam enam…, do nguyên nhân gì
mà… Trong bản Hán, adhikaraṇa,
nguyên nhân, được hiểu là sự tranh cãi
[13]
Thú hướng bỉ cố 趣 向 彼 故; Pāli: (akusalā dhammā) anvāssaveyyṃ, (các pháp bất thiện) có thể khởi lên (trôi chảy vào
tâm).
[14]
Yển tọa 燕 坐; ngồi nơi chỗ vắng vẻ. Pāli:
patisallāna.
[15]
Nội hành chỉ 內 行 止. Pāli:
ajjhattaṃ cetosamathānuyutto.
[16]
Chỉ Tỳ-kheo A-lan-nhã, tu theo
hạnh chỉ sống trên rừng. Pāli: araññaka.
[17]
Pāli: cittaṃ vasaṃ vatteti, no... cittassa vasena
vatteti, (Tỳ-kheo chế ngự tâm chứ không phải bị tâm chế ngự).
[18]
Hành chân thật không bất điên
đảo. Pāli: Yathābhuccā avipallatthā parisuddhā sunnatāvakkam. Thâm
nhập không tánh, chân thật, thanh tịnh, không điên đảo. Bốn từ này ở
đây được coi là đồng nghĩa.
[19]
Hán: niệm nhất vô sự tưởng
念 一 無 事 想. Pāli:
araññasaññaṃ paṭicca manasi
karoti ekattaṃ, duyên vào ý tưởng về khu rừng mà
tác ý cái một. Duyên vào ý tưởng rừng mà tập trung trên một đối
tượng duy nhất, nhất tánh.
[20]
Phiền sư, Pāli:
ācariyūpaddava, bất hạnh, hay nguy hại cho thầy.
[21]
Mâu-lê-phá-quần-na
牟 犁 破 群 那. Pāli: Moliyaphagguna.
[22]
Ngũ
ngôn đạo 五 言 道 hay
ngũ ngữ lộ 五 語 珞.
Xem Tập Dị 13, No.1536, Đại 26, tr.421c). Pāli: Pañca Vacanapathā.
[23]
Ca-la-lại 迦 羅 賴. Pāli: Kīṭagiri.
[24]
Câu giải thoát tức Câu phần
giải thoát 俱 分 解 脫. Gọi là Cu phần vì có hai phần
chướng, phiền não phần chướng và giải thoát phần chướng (xem Tập Dị
Môn Luận 17, Đại 26 tr.436a). Pāli: Ubhatobhāgavimutta.
[25]
Thân xúc 身 觸; Tập Dị (đd.,nt.): Thân dĩ chứng 身 已 證. Pāli:
santā vimokhā atkkama rūpe āruppā te kāyena phassitvā viharati, tịch
tịnh giải thoát, vượt qua các sắc và vô sắc, sau khi thể nghiệm bằng
thân, vị ấy an trụ.
[26]
Tuệ kiến, Pāli: paññāya cassa
divā, sau khi thấy bằng tuệ.
[27]
Kiến đáo 見 到, cũng gọi là kiến chí. Pāli: diṭṭhipatto.
[28]
Tức là bậc Thánh này căn cứ
trên địa vị tùy pháp hành (xem dưới) chứng đắc Đạo loại trí, với sự
bén nhạy của tuệ (Tập Dị đd., tr.435c Cu-xá đd., nt.). Pāli:
paññāya vodiṭṭhā honti vocaritā, do tuệ mà quán
sát và thấu triệt.
[29]
Sa-di Châu-na 沙 彌 周 那. Pāli: Cunda samaṇuddesa. Được
đồng với Mahā-Cunda em ruột ngài Sāriputta và đắc quả A-na-hàm trong
lúc là Sa-di.
[30]
Đạo và đạo tích. Pāli: magge
vā hi patipadāya, tranh chấp trong các vấn đề liên hệ Thánh đạo và
sự tu tập Thánh đạo.
[31]
Có 18 tránh sự, theo các Luật
tạng. Trong đây chỉ nêu 16. Hai điều thuyết và phi thuyết đề cập
riêng.
[32]
Chỉ tránh 止 諍 hay nói là diệt tránh pháp 滅 諍 法; Pāli:
adhikaraṇa-samathā.
[33]
Thuật ngữ theo Luật Tứ Phần:
1. Hiện tiền tì-ni (Pāli: sammukhāvinaya), 2. Ức niệm tì-ni
(sativinaya), 3. Bất si tì-ni (amūḷhavinaya), 4.
Tự ngôn trị (paṭiññayā kāretabbaṃ), 5. Đa nhân ngữ (yebhuyyasikā), 6. Tội xứ sở
(tassapāyikā), 7. Như thảo phú địa (tiṇavatthāraka)ø.
[34]
Thánh bát chi trai
聖 八 支 齋. Pāli: atthaṅga samannāgato upasatho hay
ariyūposatha.
(Chúng
con chân thành cảm ơn tác giả, đã cho phép chúng con lấy nguồn bài này
từ trang www.tuechung.com)