Phần
2. Nghiệp không thể cầu nguyện van xin
51.
Nghiệp không thể cầu nguyện van
xin
17. ‘Kinh
Già Di Ni’
Thế Tôn bảo rằng: “Này
Già-di-ni, nay ta hỏi ông, tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Này
Già-di-ni, ý ông nghĩ thế nào? Nếu ở trong thôn ấp, hoặc có kẻ nam,
người nữ biếng nhác, không tinh tấn, lại hành ác pháp, thành tựu mười
loại nghiệp đạo bất thiện, là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói
dối, cho đến tà kiến. Người ấy khi mạng chung, nếu có số đông người
đến, thảy đều chắp tay hướng về người đó kêu gọi, van lơn, nói như thế
này: ‘Các người, nam hoặc nữ, biếng nhác, không siêng năng, lại hành ác
pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện là sát sanh, lấy của
không cho, tà dâm nói dối, cho đến tà kiến. Các người nhân việc này,
duyên việc này, khi thân hoại mạng chung chắc chắn đi đến thiện xứ,
sanh lên cõi trời’. Như vậy, này Già-di-ni, những người nam hay nữ
biếng nhác kia, không siêng năng, lại hành ác pháp, thành tựu mười loại
nghiệp đạo bất thiện là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối,
cho đến tà kiến; có thể nào vì được số đông người đều đến chắp tay hướng
về chúng mà kêu gọi, van lơn, nhân việc ấy, duyên việc ấy mà lúc thân
hoại mạng chung lại được đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời không?”
Già-di-ni thưa rằng: “Không thể được, bạch Thế
Tôn”.
Phật khen rằng: “Lành thay, Già-di-ni, vì sao
thế? Những người nam hay nữ kia, biếng nhác, không siêng năng, lại thực
hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện là sát sanh,
lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến. Nếu được số đông
người đến chắp tay hướng về chúng, mà kêu gọi, van lơn, nhân việc ấy,
duyên việc ấy khi thân hoại mạng chung lại được đi đến thiện xứ sanh
lên cõi trời. Việc đó không thể có.
“Này Già-di-ni, cũng như cách thôn không bao
xa, có vực nước sâu, nơi đó có một người ôm tảng đá lớn và nặng ném vào
trong nước. Nếu có số đông người đến đều chắp tay hướng về tảng đá mà
kêu gọi van lơn, nói như thế này: ‘Mong tảng đá nổi lên, mong tảng đá
nổi lên’. Này Già-di-ni, ông nghĩ thế nào? Tảng đá lớn nặng ấy có thể
nào vì được số đông người đến đều chắp tay hướng về nó và kêu gọi van
lơn, nhân việc đó, duyên việc đó mà sẽ nổi lên không?”
Già-di-ni trả lời rằng: “Không thể được, bạch
Thế Tôn!”
“Cũng vậy, này Già-di-ni, những người nam hay
nữ kia biếng nhác, không tinh tấn, lại thực hành ác pháp, thành tựu
mười loại nghiệp đạo bất thiện là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm,
nói dối, cho đến tà kiến, nếu được số đông người đều đến chắp tay hướng
về chúng mà kêu gọi, van lơn, nhân việc đó, duyên việc đó mà lúc thân
hoại mạng chung, được đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời; điều đó không
thể có được.
52. Làm ác đọa địa ngục làm thiện sanh thiên không cần cầu
nguyện
93.
‘Kinh Thủu Tịnh Phạm Chí’
Nếu có hai mươi mốt thứ ô uế làm ô uế tâm thì
chắc chắn đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục.
“Những gì là hai mươi mốt thứ ô uế? Đó là, tâm
uế do tà kiến, tâm uế do phi pháp dục, tâm uế do ác tham, tâm uế do tà
pháp, tâm uế do tham, tâm uế do nhuế, tâm uế do thụy miên, tâm uế do
trạo cử hối quá, tâm uế do nghi hoặc, tâm uế do sân triền, tâm uế do
phú tàng, tâm uế do xan tham, tâm uế do tật đố, tâm uế do khi trá, tâm
uế do dua siểm, tâm uế do vô tàm, tâm uế do vô quý, tâm uế do mạn, tâm
uế do đại mạn, tâm uế do ngạo mạn, tâm uế do phóng dật
“Nếu có hai mươi mốt thứ ô uế này làm ô uế tâm
thì chắc chắn đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục.
“Ví như cái áo bị cáu bẩn đem cho nhà thợ
nhuộm. Người thợ nhuộm nhận áo đó, hoặc dùng tro sạch, hoặc dùng bột
giặt hay dùng nước chắt chà xát thật kỹ cho sạch cái áo dơ bẩn đó. Dù
người thợ giặt dùng tro sạch, hoặc dùng bột giặt hay dùng nước chắt chà
xát thật kỹ cho sạch, nhưng cái áo dơ bẩn ấy vẫn có màu dơ bẩn. Cũng
như vậy, nếu có hai mươi mốt thứ ô uế làm ô uế tâm thì chắc chắn đi đến
ác xứ, sanh vào địa ngục. Những gì là hai mươi mốt thứ ô uế? Đó là,
tâm uế do tà kiến, tâm uế do phi pháp dục, tâm uế do ác tham, tâm uế do
tà pháp, tâm uế do tham, tâm uế do nhuế, tâm uế do thụy miên, tâm uế do
trạo cử hối quá, tâm uế do nghi hoặc, tâm uế do sân triền, tâm uế do
phú tàng, tâm uế do xan tham, tâm uế do tật đố, tâm uế do khi trá, tâm
uế do dua siểm, tâm uế do vô tàm, tâm uế do vô quý, tâm uế do mạn, tâm
uế do đại mạn, tâm uế do ngạo mạn, tâm uế do phóng dật.
“Nếu có hai mươi mốt thứ ô uế này mà không làm
ô uế tâm thì chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Những gì là
hai mươi mốt thứ ô uế? Đó là, tâm uế do tà kiến, tâm uế do phi pháp
dục, tâm uế do ác tham, tâm uế do tà pháp, tâm uế do tham, tâm uế do
nhuế, tâm uế do thụy miên, tâm uế do trạo cử hối quá, tâm uế do nghi
hoặc, tâm uế do sân triền, tâm uế do phú tàng, tâm uế do xan tham, tâm
uế do tật đố, tâm uế do khi trá, tâm uế do dua siểm, tâm uế do vô tàm,
tâm uế do vô quý, tâm uế do mạn, tâm uế do đại mạn, tâm uế do ngạo mạn,
tâm uế do phóng dật. Nếu có hai mươi mốt thứ ô uế này mà không làm ô
uế tâm thì chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời.
“Ví như cái áo trắng sạch của loại vải dệt ở
xứ Ba-la-nại, đem cho nhà thợ nhuộm. Người thợ nhuộm nhận áo đó, dùng
hoặc tro sạch, hoặc dùng bột giặt hay dùng nước chắt chà xát thật kỹ
cho thêm sạch cái áo trắng sạch bằng loại vải Ba-la-nại này. Người thợ
giặt Ba-la-nại chà xát thật kỹ cho thêm sạch, nhưng cái áo trắng sạch
loại vải Ba-la-nại ấy vốn đã sạch lại càng trắng sạch thêm. Cũng vậy,
nếu có hai mươi mốt thứ ô uế mà không làm ô uế tâm thì chắc chắn đi đến
thiện xứ, sanh lên cõi trời. Những gì là hai mươi mốt thứ ô uế? Đó là,
tâm uế do tà kiến, tâm uế do phi pháp dục, tâm uế do ác tham, tâm uế
do tà pháp, tâm uế do tham, tâm uế do nhuế, tâm uế do thụy miên, tâm uế
do trạo cử hối quá, tâm uế do nghi hoặc, tâm uế do sân triền, tâm uế do
phú tàng, tâm uế do xan tham, tâm uế do tật đố, tâm uế do khi trá, tâm
uế do dua siểm, tâm uế do vô tàm, tâm uế do vô quý, tâm uế do mạn, tâm
uế do đại mạn, tâm uế do ngạo mạn, tâm uế do phóng dật. Nếu có hai
mươi mốt thứ ô uế này mà không làm ô uế tâm thì chắc chắn đi đến thiện
xứ, sanh lên cõi trời.
“Nếu ai biết được tà kiến là ô uế của tâm, sau
khi biết liền đoạn trừ. Cũng như vậy, nếu ai biết được tâm uế do phi
pháp dục, tâm uế do ác tham, tâm uế do tà pháp, tâm uế do tham, tâm uế
do nhuế, tâm uế do thụy miên, tâm uế do trạo cử hối quá, tâm uế do nghi
hoặc, tâm uế do sân triền, tâm uế do phú tàng, tâm uế do xan tham, tâm
uế do tật đố, tâm uế do khi trá, tâm uế do dua siểm, tâm uế do vô tàm,
tâm uế do vô quý, tâm uế do mạn, tâm uế do đại mạn, tâm uế do ngạo
mạn; nếu biết phóng dật là tâm uế, sau khi biết liền đoạn trừ.
“Tâm của vị ấy cùng đi đôi với từ, biến mãn
một phương, thành tựu an trụ. Như vậy, cho đến hai phương, ba phương,
bốn phương, tứ duy, trên dưới, trùm khắp tất cả cùng đi đôi với lòng
từ, không kết, không oán, không giận, không tranh, rộng rãi bao la, vô
lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ.
“Này Phạm chí, đó là phương pháp gột rửa nội
tâm chứ không phải gột rửa ngoại thân”.
53. Tu là quán sát 3 nghiệp
14. ‘Kinh
La Vân’
“Cũng vậy, này La-vân, nếu ngươi sắp hành động
với thân nghiệp thì hãy quán sát thân nghiệp ấy rằng: ‘Ta sắp làm thân
nghiệp; thân nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh? Vì mình mà làm hay vì người
khác?’ Này La-vân, nếu khi quán sát như vậy, mà biết rằng: ‘Ta sắp làm
thân nghiệp, vì mình mà làm hay vì người khác. Đó là thân nghiệp bất
thiện, nó sẽ đưa đến khổ quả và phải thọ lấy khổ báo’. Này La-vân,
ngươi nên bỏ thân nghiệp bất thiện sắp được làm ấy đi. Này La-vân, nếu
khi quán sát như vậy mà biết rằng: ‘Ta sắp làm thân nghiệp, vì mình mà
làm hay vì người khác. Đó là thân nghiệp thiện, nó sẽ đưa đến lạc quả và
sẽ thọ lấy lạc báo’. Này La-vân, ngươi hãy thực hiện thân nghiệp sẽ
làm ấy.
“Này La-vân, ngươi hiện đang hành động với
thân nghiệp, hãy quán sát thân nghiệp ấy rằng: ‘Ta đang làm thân
nghiệp; thân nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh? Vì mình làm hay vì người
khác?’ Này La-vân, khi quán sát như vậy mà biết rằng: ‘Ta đang làm thân
nghiệp; thân nghiệp này tịnh, vì mình làm hay vì người khác. Đó là
thân nghiệp bất thiện sẽ đưa đến khổ quả và thọ lấy khổ báo’. Này
La-vân, ngươi nên bỏ thân nghiệp đang làm ấy đi. Này La-vân, nếu khi quán sát như vậy, mà biết rằng: ‘Ta
đang làm thân nghiệp; thân nghiệp ấy bất tịnh, vì mình làm hay vì
người khác. Nghiệp ấy thiện, sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo’.
Này La-vân, ngươi hãy nên thực hiện thân nghiệp đang làm ấy.
“Này La-vân, nếu ngươi đã hành động với thân
nghiệp, hãy quán sát thân nghiệp ấy rằng: ‘Ta đã làm thân nghiệp; thân
nghiệp ấy đã quá khứ, đã diệt tận, đã biến dịch. Nó là tịnh hay bất
tịnh? Vì mình hay vì người khác?’ Này La-vân, nếu khi quán sát như vậy
mà biết rằng: ‘Ta đã làm thân nghiệp; thân nghiệp ấy đã quá khứ, diệt
tận, biến dịch, thân nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh, vì mình làm hay vì
người khác. Nghiệp ấy là bất thiện, sẽ đưa đến khổ quả và phải thọ lấy
khổ báo’. Này La-vân, ngươi hãy đến nơi người phạm hạnh, thiện tri
thức, chí tâm phát lộ thân nghiệp đã tạo ra, xin ăn năn lỗi lầm, cẩn
thận không giấu giếm, rồi phải khéo léo giữ gìn.
“Này La-vân, nếu khi quán sát như vậy, mà
rằng: ‘Ta đã làm thân nghiệp. Thân nghiệp ấy đã quá khứ, diệt tận, biến
dịch, thân nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh, vì mình làm hay vì người khác.
Nghiệp ấy thiện, sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo’. Này La-vân,
ngươi nên ngày đêm vui mừng, an trụ chánh niệm, chánh trí.
“Với khẩu nghiệp cũng lại như vậy.
“Này La-vân, nếu nhân việc làm trong quá khứ
nên đã sanh ý nghiệp, hãy quán sát ý nghiệp ấy rằng: ‘Nếu nhân việc làm
trong quá khứ đã sanh ý nghiệp, ý nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh, là vì
mình làm hay vì người khác?’ Này La-vân, nếu khi quán như vậy, mà biết
nhân việc làm trong quá khứ mà sanh ra ý nghiệp; ý nghiệp đã quá khứ,
diệt tận, biến dịch. Ý nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh, tự mình làm hay vì
người khác. Nếu ý nghiệp ấy là bất thiện sẽ đưa đến khổ quả và phải thọ
lấy khổ báo. Này La-vân, ngươi nên bỏ ý nghiệp trong quá khứ ấy đi.
Này La-vân, nếu khi quán như vậy, mà rằng nhân việc làm trong quá khứ mà
đã sanh ra ý nghiệp; ý nghiệp ấy đã quá khứ, diệt tận, biến dịch; ý
nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh, vì mình hay vì người khác. Nếu ý nghiệp ấy
là thiện sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo. Này La-vân, ngươi đến
thọ nhận ý nghiệp quá khứ ấy.
“Này La-vân, nhân việc làm trong vị lai nên sẽ
sanh khởi ý nghiệp, hãy quán sát ý nghiệp ấy rằng: ‘Nếu nhân việc làm
trong vị lai sẽ sanh ý nghiệp; ý nghiệp ấy là tịnh hay bất tịnh, tự
mình làm hay vì người khác?’ Này La-vân, nếu khi quán như vậy, mà biết
rằng ‘Nhân việc làm trong vị lai mà sẽ sinh ý nghiệp; ý nghiệp ấy tịnh
hay bất tịnh, vì mình làm hay vì người khác. Nếu ý nghiệp ấy là bất
thiện sẽ đưa đến khổ quả và phải thọ lấy khổ báo’. Này La-vân, ngươi
nên xả bỏ ý nghiệp trong vị lai đó đi. Này La-vân, nếu khi quán sát như
vậy, liền biết rằng: ‘Nhân việc làm trong vị lai mà sanh ý nghiệp; ý
nghiệp đó tịnh hay bất tịnh, vì mình làm hay vì người khác. Nếu ý nghiệp
ấy là thiện, sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo. Này La-vân, ngươi
nên nhận lãnh ý nghiệp trong vị lai ấy.
“Này La-vân, nhân việc làm trong hiện tại nên
đang sanh khởi ý nghiệp, hãy nên quán sát ý nghiệp ấy rằng: ‘Nếu nhân
việc đang làm trong hiện tại nên sanh khởi ý nghiệp, ý nghiệp ấy tịnh
hay bất tịnh, vì mình làm hay vì người khác?’ Này La-vân, nếu khi quán
sát như vậy, mà biết rằng: ‘Nhân việc đang làm trong hiện tại nên đang
sanh khởi ý nghiệp; ý nghiệp ấy tịnh hay bất tịnh, vì mình làm hay vì
người khác. Nếu nghiệp ấy là bất thiện, sẽ đưa đến khổ quả và sẽ thọ
lấy khổ báo’. Này La-vân, ngươi nên xả bỏ ý nghiệp trong hiện tại ấy
đi. Này La-vân, nếu khi quán sát như vậy, mà biết rằng: ‘Nhân có việc
đang làm trong hiện tại nên đang sanh khởi ý nghiệp; ý nghiệp ấy tịnh
hay bất tịnh, vì mình làm hay vì người khác. Nếu ý nghiệp ấy là thiện
sẽ đưa đến lạc quả và thọ lấy lạc báo’. Này La-vân, ngươi nên nhận lãnh
ý nghiệp hiện tại ấy.
54. Đức Phật không chấp nhận thuyết định mệnh
13. ‘Kinh
Độ’
“Ở trong đây, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào thấy
như vầy, nói như vầy: ‘Tất cả hành vi của con người đều nhân túc mạng
định đoạt’, Ta liền đến nơi người kia; đến rồi liền hỏi: ‘Này Hiền giả,
có thật Hiền giả thấy như vầy, nói như vầy: Tất cả hành vi của con
người đều nhân túc mạng định đoạt chăng? Người kia trả lời rằng: ‘Thật
vậy’. Ta lại nói với người kia rằng: ‘Nếu quả thật như vậy, các Hiền
giả đều là những kẻ sát sanh cả. Vì sao thế? Bởi vì tất cả đều nhân túc
mạng định đoạt sẵn. Cũng vậy, chư Hiền là những kẻ trộm cắp, tà dâm,
nói láo cho đến tà kiến. Tại sao thế? Bởi vì tất cả đều nhân túc mạng
định đoạt sẵn. Này chư Hiền, đối với kiến chấp rằng: Tất cả đều nhân túc
mạng định đoạt sẵn, mà cho là như thật, thì ở bên trong, nhân bên
trong, những điều nên hay không nên làm, hoàn toàn không có ý dục,
không có phương tiện]. Này chư Hiền, nếu đối với điều nên làm và
không nên làm mà không biết đúng như thật thì sẽ mất chánh niệm, không
có chánh trí], thì không có cách nào giáo hóa đúng theo
pháp của Sa-môn được’. Nói như vậy mới có thể dùng lý để khuất phục các
Sa-môn, Phạm chí kia.
55. Sự
nguy hiểm của người không biết tàm quí
14. ‘Kinh
La Vân’
Phật bảo: “Ta nói đạo của
người kia cũng ít như vậy, nghĩa là đã biết rồi còn nói dối mà không
xấu hổ, không ăn năn, không tàm không quý. Này La-vân, người kia cũng
không có điều ác nào là không làm. Do đó, này La-vân nên học như thế
này, không đùa giỡn và nói dối”……
“Này La-vân, cũng
như nhà vua có thớt voi lớn, khi xông vào trận chiến đấu thì dùng chân
trước, chân sau, đuôi, bộ chân, xương sống, hông, đầu, trán, tai, ngà,
tất cả đều dùng, chỉ giữ gìn chiếc vòi. Tượng sư thấy vậy, rồi suy nghĩ
như thế này: ‘Thớt voi lớn này của nhà vua vẫn còn tiếc mạng sống. Vì
sao thế? Vì thớt voi lớn của nhà vua này khi xông vào trận giặc chiến
đấu, thì dùng cả chân trước, chân sau, đuôi, bộ xương, xương sống,
hông, đầu, trán, tai, ngà, tất cả đều dùng, chỉ gìn giữ chiếc vòi’. Này
La-vân, nếu thớt voi lớn của nhà vua khi xông vào trận giặc chiến đấu
dùng cả chân trước, chân sau, đuôi, bộ xương, xương sống, hông, đầu,
trán, tai, vòi đều dùng tất cả. Tượng sự thấy vậy rồi liền suy nghĩ như
thế này: ‘Thớt voi lớn của nhà vua này không còn tiếc mạng sống nữa. Vì
sao thế? Thớt voi lớn của nhà vua này khi xông vào trận giặc chiến
đấu, dùng cả chân trước, chân sau, đuôi, bộ xương, hông, đầu, ngà, vòi,
tất cả đều đem dùng’. Này La-vân, nếu thớt voi lớn khi xông vào trận
giặc chiến đấu mà dùng cả chân trước, chân sau, đuôi, bộ xương, xương
sống, hông, đầu, ngà, vòi, tất cả đều đem dùng. Này La-vân, Ta nói thớt
voi lớn của nhà vua khi xông vào trận giặc, chiến đấu, không có việc
dữ nào mà không làm, không ăn năn, không tàm, không quý. Này La-vân, Ta
nói rằng: Người kia cũng không có việc ác nào mà không làm. Do đó, này
La-vân, nên học như thế này: Không được đùa giỡn và nói dối”.
56. Ác hạnh Tỷ
kheo
94. ‘Kinh
Hắc Tỷ kheo
“Hoặc có người thường ưa tranh cãi, không khen
việc đình chỉ tranh cãi. Nếu có người thường ưa tranh cãi, không khen
việc đình chỉ tranh cãi, thì đó là pháp không thể ái lạc, không thể ái
hỷ, không thể khiến cho có ái niệm, không thể khiến cho có kính trọng,
không thể khiến tu tập, không thể khiến nhiếp trì, không thể khiến xứng
đáng là Sa-môn, không thể khiến được nhất ý, không thể khiến chứng đắc
Niết-bàn.
“Hoặc có người ác dục, không khen việc đình
chỉ ác dục. Nếu có người ác dục, không khen việc đình chỉ ác dục, thì
đó là pháp không thể ái lạc, không thể ái hỷ, không thể khiến ái niệm,
không thể khiến kính trọng, không thể khiến tu tập, không thể khiến
nhiếp trì, không thể khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến được
nhất ý, không thể khiến chứng đắc Niết-bàn.
“Hoặc có người phạm giới, vượt giới, sứt mẻ
giới, làm rách giới, ô uế giới và không khen việc trì giới. Nếu có
người phạm giới, vượt giới, sứt mẻ giới, làm rách giới, ô uế giới, thì
đó là pháp không thể ái lạc, không thể ái hỷ, không thể khiến ái niệm,
không thể khiến cho có kính trọng, không thể khiến tu tập, không thể
khiến nhiếp trì, không thể khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến
được nhất ý, không thể khiến chứng đắc Niết-bàn.
“Hoặc có người có sân triền, có phú kết, có
bỏn sẻn, tật đố, có dua siểm, dối trá, có vô tàm, vô quý, không khen
tàm quý. Nếu có người có sân triền, có phú kết, bỏn sẻn, tật đố, có dua
siểm, dối trá, có vô tàm, vô quý, không khen tàm quý, thì đó là pháp
không thể ái lạc, không thể ái hỷ, không thể khiến cho có ái niệm,
không thể khiến cho có kính trọng, không thể khiến tu tập, không thể
khiến nhiếp trì, không thể khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến
được nhất ý, không thể khiến chứng đắc Niết-bàn.
“Hoặc có người không tiếp đãi các vị đồng phạm
hạnh, không khen sự tiếp đãi các vị đồng phạm hạnh. Nếu có người không
tiếp đãi các vị đồng phạm hạnh, không khen sự tiếp đãi các vị đồng
phạm hạnh, thì đó là pháp không thể ái lạc, không thể ái hỷ, không thể
khiến ái niệm, không thể khiến cho có kính trọng, không thể khiến tu
tập, không thể khiến nhiếp trì, không thể khiến xứng đáng là Sa-môn,
không thể khiến được nhất ý, không thể khiến chứng đắc Niết-bàn.
“Hoặc có người không quán các pháp, không khen
việc quán các pháp. Nếu có người không quán các pháp, không khen việc
quán các pháp, thì đó là pháp không thể ái lạc, không thể ái hỷ, không
thể khiến ái niệm, không thể khiến cho có kính trọng, không thể khiến
tu tập, không thể khiến nhiếp trì, không thể khiến xứng đáng là Sa-môn,
không thể khiến được nhất ý, không thể khiến chứng đắc Niết-bàn.
“Hoặc có người không tĩnh tọa, không khen tĩnh
tọa. Nếu có người không tĩnh tọa, không khen tĩnh tọa, thì đó là pháp
không thể ái lạc, không thể ái hỷ, không thể khiến cho có ái niệm,
không thể khiến cho có kính trọng, không thể khiến tu tập, không thể
khiến nhiếp trì, không thể khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến
được nhất ý, không thể khiến chứng đắc Niết-bàn.
“Những người như thế tuy nghĩ rằng: ‘Mong các
vị đồng phạm hạnh cúng dường, cung kính, lễ sự ta’, nhưng các vị đồng
phạm hạnh không cúng dường, cung kính, lễ sự người ấy. Vì sao? Vì người
ấy có vô lượng điều ác này. Nhân vì người ấy có vô lượng điều ác này
nên khiến cho các vị đồng phạm hạnh không cúng dường, cung kính, lễ sự
người ấy.
57. Tư cách của vị Tỷ kheo
26. ‘Kinh
Cù Ni Sư’
Bấy giờ Tỳ-kheo Cù-ni-sưcũng trú tại thành
Vương xá, ở tại Vô sự thất, cười đùa kiêu ngạo, tháo động, không chánh
niệm như khỉ vượn Tỳ-kheo Cù-ni-sư vì có chút việc nên đến thành Vương
xá.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử cùng với chúng
Tỳ-kheo sau giờ ngọ thực, vì có chút việc nên vân tập tại giảng đường.
Tỳ-kheo Cù-ni-sư sau khi đã làm xong việc trong thành Vương xá, đi đến
giảng đường. Tôn giả Xá-lê Tử từ đằng xa trong thấy Cù-ni-sư đi đến.
Nhân Cù-ni-sư mà bảo các Tỳ-kheo rằng: “Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô
sự sống ở nơi vô sự, phải học sự kính trọng và biết tùy thuận quán sát.
Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà phần nhiều không
kính trọng, không biết tùy thuận quán sát, thì sẽ bị các Tỳ-kheo thường
hay chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế?...
“Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi
vô sự, nên học hạnh không cười giỡn, không tháo động. Này chư Hiền, nếu
Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà hay cười giỡn, tháo động, thì sẽ bị
các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi
vô sự mà làm gì? Vì sao thế? …
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô
sự, nên học hạnh không nói những đề tài súc sanh. Này chư Hiền, nếu
Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà hay nói những vấn đề súc sanh, sẽ bị
các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà
làm gì? Vì sao thế?...
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô
sự, nên học không kiêu ngạo và ít nói năng. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo
vô sự, sống ở nơi vô sự mà hay kiêu ngạo và nói năng nhiều sẽ bị các
Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì?
Vì sao thế? …
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô
sự, nên học thủ hộ các căn. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi
vô sự mà phần nhiều không chịu thủ hộ các căn, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ
trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế?
…
“Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi
vô sự, nên học biết đủ trong sự ăn uống. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô
sự, sống ở nơi vô sự mà ham ăn quá dư, quá nhiều, không biết đủ, sẽ bị
các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm
gì? Vì sao thế? …
“Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi
vô sự, nên học tinh tấn không giải đãi. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô
sự, sống ở nơi vô sự mà lại thường không tinh tấn, hay giải đãi, sẽ bị
các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm
gì? Vì sao thế?....
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô
sự, nên học chánh niệm và chánh trí. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự,
sống ở nơi vô sự mà không học chánh niệm chánh trí, sẽ bị các Tỳ-kheo
chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao
thế? …
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô
sự, nên học biết thời và đúng thời; không đi vào thôn khất thực quá
sớm, cũng chẳng trở về quá trễ. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở
nơi vô sự mà vào thôn khất thực quá sớm và trở về quá trễâ, sẽ bị các
Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì?
Vì sao thế? …
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô
sự, nên học biết ngồi và ngồi đúng chỗ; không lấn chỗ ngồi của vị
Trưởng lão, bị Tỳ-kheo nhỏ khiển trách. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô
sự, sống ở nơi vô sự mà chiếm chỗ ngồi của bậc trưởng lão, bị các
Tỳ-kheo nhỏ quở trách, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền
giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? …
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô
sự, nên học thảo luận về Luật và A-tì-đàm. Vì sao thế. Này chư Hiền,
khi Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, hoặc có người đến hỏi về Luật và
A-tì-đàm. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà không
biết trả lời về Luật và A-tì-đàm, thì làm cho các Tỳ-kheo khác thường
quở trách cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao
thế? …
“Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi
vô sự, nên học thảo luận về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô
sắc định. Vì sao thế? Này chư Hiền, khi Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự,
hoặc có người đến hỏi về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô sắc
định. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà không biết
trả lời về tịch tĩnh giải thoát và ly sắc cho đến vô sắc định thì làm
cho các Tỳ-kheo khác thường quở trách cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở
nơi vô sự này mà làm gì? Vì sao thế? …
“Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi
vô sự, nên học thảo luận về lậu tận trí thông. Vì sao thế. Này chư
Hiền, khi Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, hoặc có người đến hỏi về lậu
tận trí thông. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà
không biết trả lời về lậu tận trí thông, thì làm cho các Tỳ-kheo khác
thường quở trách cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự này mà làm
gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự nhưng không biết
trả lời về lậu tận trí thông’. Nếu đến ở giữa đại chúng cũng làm cho
các Tỳ-kheo thường chỉ trích cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự
sống ở nơi vô sự nên học thảo luận về lậu tận trí thông”.
58. Những việc cần làm gấp của Tỷ kheo, Tỷ kheo ni
95. ‘Kinh
Trụ Pháp’
“Nếu khi Tỳ-kheo quán mà biết mình sống nhiều
với tham lam, sân nhuế tâm, thùy miên triền, trạo cử và cống cao, nghi
hoặc, thân tránh, ô uế tâm, bất tín, giải đãi, vô niệm, vô định và sống
với nhiều ác tuệ, thì Tỳ-kheo ấy vì muốn diệt trừ các pháp ác bất
thiện này nên gấp rút tìm phương tiện học hỏi, hết sức tinh cần chánh
niệm, chánh trí, nhẫn, không để thoái lui.
“Như người bị lửa cháy đầu, cháy áo, gấp rút
cầu phương tiện cứu đầu cứu áo. Cũng như thế, vì muốn diệt trừ các pháp
ác bất thiện này nên vị Tỳ-kheo ấy gấp rút cầu phương tiện học, hết
sức tinh cần, chánh niệm, chánh trí, nhẫn, không để thoái lui.
59. Thế nào là Tỷ kheo bị suy thối hay tăng trưởng
96. ‘Kinh
V ô’
Tôn giả Xá-lê Tử nói với các thầy Tỳ-kheo:
“Này chư Hiền, nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni không được nghe
pháp chưa từng nghe; pháp đã nghe thì lại quên mất. Giả sử có pháp mà
vị ấy trước kia đã tu hành, đã phát triển, đã tụng và đã được hiểu bởi
tuệ, nhưng vị ấy không nhớ lại và không thấu hiểu. Này chư Hiền, đó gọi
là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni suy thoái tịnh pháp.
“Này chư Hiền, nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni pháp
chưa nghe thì được nghe; pháp đã nghe thì không quên mất. Giả sử có
pháp mà vị ấy trước kia đã tu hành, đã phát triển, đã tụng và đã được
hiểu bởi tuệ, rồi vị ấy thường ghi nhớ và thấu hiểu, thì đó gọi là
Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni tăng trưởng tịnh pháp.
60. Không nên vì người khác làm ác
27. ‘Kinh
Phạm Chí Đà Chiên’
“Này Đà-nhiên, ông không tinh tấn lại phạm vào
các giới cấm. Dựa thế vào vua để dối gạt Phạm chí, Cư sĩ; dựa thế Phạm
chí, Cư sĩ để dối gạt vua”.
Phạm chí Đà-nhiên trả lời rằng: “Xá-lê Tử, nên biết, nay tôi còn sống tại
gia, lấy gia nghiệp làm bổn phận. Tôi còn phải lo cho mình được an ổn,
cung cấp cha mẹ, săn sóc vợ con, cung cấp nô tỳ, phải nộp thuế cho
vua, thờ tự thiên thần, cúng tế tổ tiên, và còn phải bố thí cho các
Sa-môn, Phạm chí để sau này còn được sanh lên các cõi trời, mong được
trường thọ, được quả báo an lạc. Xá-lê Tử, các việc ấy không thể nào bỏ
đi, một mực theo đúng pháp”.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử bảo rằng:
“Này Đà-nhiên, nay tôi hỏi ông,
tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Phạm chí Đà-nhiên, ông nghĩ thế nào?
Nếu có người vì cha mẹ mà tạo các việc ác; vì tạo ác nên khi thân hoại
mạng chung, đi thẳng vào cõi ác, sanh vào địa ngục. Sanh vào địa ngục
rồi, khi ngục tốt bắt trói hành hạ rất khổ sở, người ấy hướùng về phía
ngục tốt mà nói thế này: ‘Ngục tốt, hãy biết cho, chớ hành hạ tôi. Vì
sao thế? Tôi đã vì cha mẹ tạo các nghiệp ác’. Thế nào, Đà-nhiên, người
ấy có thể nào từ ngục tốt mà thoát khỏi sự khổ sở ấy không?”
Phạm chí Đà-nhiên trả lời rằng: “Không
thể”.
61. 4 Vô Lượng Tâm
27. ‘Kinh
Phạm Chí Đà Chiên’
Này Đà-nhiên, Thánh đệ tử đa văn có tâm câu
hữu với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với hai,
ba bốn phương, tứ duy và thượng hạ, thấu khắp tất cả, tâm câu hữu với
từ, không kết, không oán, không sân hận, không não hại, bao la, quảng
đại, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn khắp tất cả thế gian, thành tựu và
an trụ. Cũng vậy, tâm câu hữu với bi, hỷ; với xả, biến mãn một phương,
thành tựu và an trụ. Cũng vậy, với hai, ba bốn phương, tứ duy và
thượng hạ, thấu khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết, không oán,
không sân hận, không não hại, bao la, quảng đại, vô lượng, khéo tu tập,
biến mãn khắp tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Đà-nhiên, đó là Đức
Thế Tôn, là Bậc Tri Kiến, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, có
nói về bốn Phạm thất. Nếu một tộc tánh nam tử hay một tộc tánh nữ nào
tu tập nhiều, đoạn dục, xả niệm tưởng về dục, khi thân hoại mạng chung
sẽ sanh lên cõi Phạm thiên”
62. Thế nào gọi là trí tuệ và trí tuệ có chức
năng gì ?
211.
‘Kinh Đại Câu Hy la’
Tôn giả Xá-lê Tử
khen xong hoan hỷ phụng hành. Lại hỏi: “Hiền
giả Đại Câu-hy-la, trí tuệ có nghĩa gì? Có sự thù thắng gì? Có công
đức gì?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp: “Trí tuệ có nghĩa
yểm ly, có nghĩa vô dục, có nghĩa thấy như thật.”
63. Sự dị biệt giữa bất thiện và căn bản bất thiện
29. ‘Kinh
Đại Câu Si La’
“Thế nào là biết bất thiện? Ác hành của thân
là bất thiện, ác hành của khẩu là bất thiện, và ác hành của ý là bất
thiện. Đó là biết bất thiện.
“Thế nào là biết bất thiện căn? Tham là căn
của bất thiện, nhuế, và si là căn của bất thiện. Đó là biết căn của bất
thiện.
211.
‘Kinh Đại Câu Hy la’
Đại Câu-hy-la đáp: “Thân ác hành, khẩu và ý ác hành, đó là bất
thiện vậy. Tham, nhuế, si, đó là bất thiện căn vậy. Đó là bất thiện và
bất thiện căn.”…
64.
Sự dị biệt giữa thiện và căn bản
thiện
29. ‘Kinh
Đại Câu Si La’
“Thế nào là biết thiện? Diệu hành của thân là
thiện. Diệu hành của ý và khẩu là thiện. Đó là biết thiện.
“Thế nào là biết căn của thiện? Vô tham là căn
của thiện, vô nhuế và vô si là căn của thiện. Đó là biết căn của
thiện.
211.
‘Kinh Đại Câu Hy la’
“Thân diệu hạnh,
khẩu và ý diệu hạnh, đó là thiện vậy. Không tham, không nhuế, không si,
đó là thiện căn vậy. Đó là thiện và thiện căn.”
65. Người bất thiện
89. ‘Kinh
Tỷ kheo Thỉnh’
“Cũng như thế, ai
nhiễm và hành nhiễm, cố ý phú tàng, lường gạt dối trá, xan tham, tật đố,
vô tàm, vô quý, sân tệ ác ý, nói lời phẫn nộ, ha trách Tỳ-kheo ha
trách, ha trách Tỳ-kheo khinh mạn, ha trách Tỳ-kheo phát lồ, nói lãng
ngoài đề để tránh né, che giấu và hờn giận, thù ghét phừng phực, bằng
hữu ác, đồng bọn ác, vong ân, không biết ân.
66. Hữu lậu
29. ‘Kinh
Đại Câu Si La’
Có, thưa Tôn giả Xá-lê Tử. Đó là có Tỳ-kheo
biết như thật về lậu, biết như thật về lậu tập của lậu, diệt của lậu và
diệt đạo của lậu.
“Thế nào là biết như thật về lậu? Có ba lậu là
dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Đó là biết như thật về lậu.
“Thế nào là biết như thật về tập của lậu? Do
vô minh mới có lậu. Đó là biết như thật về tập của lậu.
Thế nào là biết như thật về diệt của lậu? Do
vô minh diệt thì lậu diệt. Đó là biết như thật về diệt của lậu.
“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của lậu?
Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho tới chánh định là tám. Đó là biết
như thật về diệt đạo của lậu.
“Này Tôn giả Xá-lê Tử. Nếu có Tỳ-kheo biết như
thật về lậu, biết như thật về lậu tập của lậu, diệt của lậu và diệt
đạo của lậu như vậy; đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến,
đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.
Tôn giả Câu Si La
67. Định nghĩa các từ Phật học
29. ‘Kinh
Đại Câu Si La’
(Nội dung bài kinh này, Tôn giả Câu Si La
giải thích các từ Phật học)
68.
Ai thấy Duyên người tức thấy pháp
30. ‘Kinh Tượng Tích Dụ’
“Này chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy:
‘Nếu ai thấy duyên khởi tức thấy pháp; nếu thấy pháp tức thấy duyên
khởi’. Vì sao thế? Này chư Hiền, Đức Thế Tôn nói năm thủ uẩn từ nhân
duyên mà sanh. Sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn cũng vậy.
69. Con người nhận thức thế giới ngoại bằng biểu
tượng ?
30. ‘Kinh Tượng Tích Dụ’
“Này chư Hiền, như có người bị hư nhãn xứ
bên trong, nên ngoại sắc không được ánh sáng rọi đến, thành ra không có
niệm và nhãn thức không phát sanh. Này chư Hiền, nếu nội nhãn xứ không
bị hư hoại thì ngoại sắc sẽ được ánh sáng rọi đến và liền có niệm, nên
sanh ra nhãn thức.
“Này chư Hiền, nhãn xứ bên trong và sắc, cùng
với nhãn thức biết ngoại sắc, đó thuộc về sắc uẩn. Nếu có thọ, đó là
thọ uẩn. Nếu có tưởng thì đó là tưởng uẩn. Nếu có tư thì đó là tư uẩn.
Nếu có thức thì đó là thức uẩn. Như vậy quán sát sự hội hợp của các
uẩn.
“Này chư Hiền, Đức Thế Tôn cũng nói như vầy:
‘Nếu ai
thấy duyên khởi tức thấy pháp; nếu thấy pháp tức thấy duyên khởi’. Vì sao thế?
Này chư Hiền, Đức Thế Tôn nói năm thủ uẩn từ nhân duyên mà sanh. Sắc
thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn cũng vậy.
“Này chư Hiền, nếu nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý
xứ bên trong bị hư hoại thì các pháp bên ngoài sẽ không được ánh sáng
rọi đến nên không có niệm, do đó ý thức không sanh khởi được. Này chư
Hiền, nếu nội ý xứ không bị hư hoại thì pháp bên ngoài sẽ được ánh sáng
rọi đến và liền có niệm nên sanh ra ý thức.
“Này chư Hiền, ý thức bên trong và pháp cùng
với ý thức biết sắc pháp bên ngoài, đó thuộc về sắc uẩn. Nếu có thọ, đó
là thọ uẩn. Nếu có tưởng thì đó là tưởng uẩn. Nếu có tư thì đó là tư
uẩn. Nếu có thức thì đó là thức uẩn. Như vậy quán sát sự hội hợp của
các uẩn.
70.
Xuất gia với lý do không chân
chính
132.
‘Kinh Lại Tra Hoà La’
Lại nữa, Lại-tra-hòa-la, có bốn trường hợp suy
vi, do suy vi nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia
đình, sống không gia đình học đạo. Những gì là bốn? Bệnh suy, lão suy,
tài sản suy, thân tộc suy.
“Lại-tra-hòa-la, thế nào là bệnh suy? Hoặc có
người trường kỳ bị bệnh; bệnh tật rất nặng, quá đau đớn, người ấy nghĩ
rằng: ‘Ta trường kỳ bị bệnh; bệnh tật rất nặng, quá đau đớn. Ta thật có
dục vọng nhưng không sống đời dục lạc được. Ta nay nên cạo bỏ râu tóc,
mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo’.
Sau đó, người ấy vì bệnh suy nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín
lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo. Đó gọi là bệnh suy.
“Lại-tra-hòa-la, thế nào gọi là lão suy? Hoặc
có người tuổi già, các căn suy yếu, tuổi thọ gần hết, người ấy nghĩ
rằng: ‘Ta tuổi đã già, các căn suy yếu, tuổi thọ gần hết, ta thật có
dục vọng nhưng không thể sống đời dục lạc, ta nay nên cạo bỏ râu tóc,
mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo’.
Sau đó, người ấy vì lão suy nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín
lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo. Đó gọi là lão suy.
“Lại-tra-hòa-la, thế nào là tài sản suy? Hoặc
có người bần cùng cô thế, người ấy nghĩ rằng: ‘Ta bần cùng cô thế, ta
nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không
gia đình học đạo’. Sau đó, người ấy vì tài sản suy nên cạo bỏ râu tóc,
mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo. Đó
gọi là tài suy.
“Lại-tra-hòa-la, thế nào gọi là thân tộc suy?
Hoặc có người bà con tuyệt tự, chết tuyệt, không còn một ai, người ấy
nghĩ rằng: Ta nay bà con tuyệt tự, chết tuyệt, không còn một ai. Ta nên
cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia
đình học đạo’. Sau đó người ấy vì thân suy nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo
ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo. Đó gọi là
thân suy.
71. Mục đích
xuất gia
77. ‘Kinh
Sa Kê Đế Tam Độc Tánh Tử
Đức Thế Tôn lại hỏi: “Này
A-na-luật-đà, các ngươi lúc còn nhỏ, là những đồng tử ấu thơ, trong
trắng, tóc đen, thân thể thạnh trắng, vui thích trong du hý, vui thích
trong tắm gội, săn sóc nâng niu thân thể. Về sau, bà con thân thích và
cha mẹ đều cùng lưu luyến, thương yêu, khóc lóc thảm thiết, không muốn
cho các ngươi xuất gia học đạo. Các ngươi đã quyết chí cạo bỏ râu tóc,
mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia
học đạo, không phải vì sợ giặc cướp, không phải vì sợ nợ nần, không
phải vì sợ khủng bố, không phải vì sợ bần cùng, cũng không phải vì sợ
không sống được mà phải xuất gia học đạo, mà chỉ vì nhờm tởm sự sanh,
sự già, bệnh tật, sự chết, khóc lóc, sầu khổ, hoặc vì muốn đạt đến tận
cùng của khối khổ đau vĩ đại này nên xuất gia học đạo. Này
A-na-luật-đà, các ngươi vì những tâm niệm này mà xuất gia học đạo
chăng?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp rằng: “Bạch
Thế Tôn, quả thật như vậy”.
72. Nếu cha mẹ không đồng ý thì không được xuất gia
132. ‘Kinh Lại Tra Hoà La’
“Bạch Thế Tôn, như con biết, đối với giáo pháp
mà Phật đã dạy, nếu con sống tại gia bị tù hãm trong những sự phiền
tỏa, không thể trọn đời thanh tịnh tu hành phạm hạnh được. Bạch Thế
Tôn, xin cho con được theo Thế Tôn xuất gia học đạo, thọ giới cụ túc,
được làm Tỳ-kheo tịnh tu phạm hạnh.”
Đức Thế Tôn hỏi: “Này con trai Cư sĩ, cha
mẹ có cho phép ông ở trong Chánh pháp luật này, chí tín, lìa bỏ gia
đình, sống không gia đình học đạo không?”
Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, cha mẹ
chưa cho con ở trong Chánh pháp luật này chí tín, lìa bỏ gia đình, sống
không gia đình học đạo.”
Đức Thế Tôn dạy: “Này con trai Cư sĩ, nếu
cha mẹ không cho phép ông sống trong Chánh pháp luật này, chí tín, lìa
bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo, thì Ta không thể độ ông xuất
gia học đạo, cũng không thể truyền trao giới cụ túc.
73. Ý chí xuất gia dũng mãnh của Lại Tra Hoà La
132. ‘Kinh Lại Tra Hoà La’
Đức Thế Tôn dạy: “Này con trai Cư sĩ, nếu
cha mẹ không cho phép ông sống trong Chánh pháp luật này, chí tín, lìa
bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo, thì Ta không thể độ ông xuất
gia học đạo, cũng không thể truyền trao giới cụ túc.
Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ bạch: “Bạch Thế Tôn, con sẽ
phương tiện xin cha mẹ để con được phép ở trong Chánh pháp luật này chí
tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo.”
Đức Thế Tôn dạy: “Này con trai Cư sĩ, tùy
ước muốn của ông.”
Khi ấy Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ nghe lời
Phật dạy, cẩn thận ghi nhớ, cúi đầu lễ sát chân Phật, đi quanh ba vòng
rồi ra về. Về đến nhà, ông thưa với cha mẹ: “Thưa cha mẹ, như con
biết, đối với giáo pháp mà Phật đã dạy, nếu con sống tại gia đình, bị
tù hãm trong những sự phiền tỏa, không thể trọn đời thanh tịnh tu hành
phạm hạnh được. Cúi xin cha mẹ cho con trong Chánh pháp luật này mà chí
tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo.”
Cha mẹ của Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ bảo: “Lại-tra-hòa-la, cha mẹ
chỉ có một mình con, hết sức yêu thương chiều chuộng, lòng những quyến
luyến không kể xiết. Giả sử con có chết đi, cha mẹ còn không muốn rời
bỏ, huống gì còn sống mà nỡ lìa xa, không nhìn thấy được mặt sao?”
Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ lại thưa đến lần
thứ ba: “Thưa
cha mẹ, như con biết, đối với giáo pháp mà Phật đã dạy, nếu con sống
tại gia đình, bị tù hãm trong những sự phiền tỏa, không thể trọn đời
thanh tịnh tu hành phạm hạnh được. Cúi xin cha mẹ cho con trong Chánh
pháp luật này mà chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo.”
Cha mẹ Lại-tra-hòa-la cũng lại bảo đến lần thứ
ba: “Lại-tra-hòa-la,
cha mẹ chỉ có một mình con, hết sức yêu thương chiều chuộng, lòng
những quyến luyến không kể xiết. Giả sử con có chết đi, cha mẹ còn
không muốn rời bỏ, huống gì còn sống mà nỡ lìa xa, không nhìn thấy được
mặt sao?”
Khi ấy Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ liền vật
mình xuống đất, nói: “Từ
nay con không đứng dậy, không uống, không ăn, cho đến khi nào cha mẹ
cho con ở trong Chánh pháp luật này chí tín lìa bỏ gia đình, sống không
gia đình học đạo.”
Rồi Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ trải qua một
ngày không ăn, cho đến hai ngày, ba ngày, bốn ngày, nhiều ngày không
ăn. Bấy giờ cha mẹ Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ đến bên con bảo rằng: “Lại-tra-hòa-la, người
con mềm mại, thân hình đẹp đẽ, thường nằm ngồi trên giường tốt, nay con
không biết khổ sao? Lại-tra-hòa-la, con hãy mau đứng dậy, sống đời dục
lạc mà bố thí, sung sướng mà tu phước nghiệp. Vì sao? Lại-tra-hòa-la,
cảnh giới của Đức Thế Tôn rất khó, rất khó! Xuất gia học đạo lại càng
rất khó.”
Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ vẫn nằm im lặng
không đáp. Rồi
cha mẹ Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ đi đến thân bằng quyến thuộc và
các quan viên nói rằng: “Mong
quý vị hãy cùng đến chỗ Lại-tra-hòa-la khuyên nó dậy.”
Thân bằng quyến thuộc của Lại-tra-hòa-la và
các quan viên bèn cùng nhau đi đến chỗ Lại-tra-hòa-la bảo rằng: “Này cậu
Lại-tra-hòa-la, người cậu mềm mại, thân hình đẹp đẽ, thường nằm ngồi
trên giường tốt, nay không biết khổ sao? Lại-tra-hòa-la, cậu hãy mau
đứng dậy, sống đời dục lạc mà bố thí, sung sướng tu phước nghiệp. Vì
sao? Lại-tra-hòa-la, cảnh giới của Đức Thế Tôn rất khó, rất khó! Xuất
gia học đạo lại càng rất khó.”
Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ vẫn nằm im lặng
không đáp: Rồi
cha mẹ Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ đi đến các thiện tri thức đồng
bạn đồng lứa với Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ, nói rằng: “Mong các cậu đến chỗ
Lại-tra-hòa-khuyên nó đứng dậy.”
Các thiện tri thức đồng bạn đồng lứa với
Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ, liền cùng nhau đi đến bên Lại-tra-hòa-la
con trai Cư sĩ, nói rằng: “Lại-tra-hòa-la
con trai Cư sĩ, người bạn mềm mại, thân hình đẹp đẽ, thường nằm ngồi
trên giường tốt, nay bạn không biết khổ sao? Lại-tra-hòa-la, bạn hãy
mau đứng dậy sống đời dục lạc mà bố thí, sung sướng tu phước nghiệp. Vì
sao? Lại-tra-hòa-la, cảnh giới của Đức Thế Tôn rất khó, rất khó! Xuất
gia học đạo lại càng rất khó.”
Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ vẫn im lặng
không đáp.
Khi ấy các thiện tri thức đồng bạn, đồng lứa
với Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ đi đến chỗ cha mẹ Lại-tra-hòa-la con
trai Cư sĩ nói rằng: “Hai bác nên cho Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ ở
trong Chánh pháp luật này chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình
học đạo. Nếu anh ấy thích sống như vậy, thì ngay trong đời này còn có
thể gặp nhau. Nếu anh ấy chán sống cảnh ấy thì tự nhiên sẽ trở về với
cha mẹ. Nay nếu không cho anh ấy đi, nhất định anh ấy sẽ chết, không
nghi ngờ gì nữa. Như thế có ích gì?”
Khi ấy, cha mẹ Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ
nghe xong, liền nói với các thiện tri thức đồng bạn đồng lứa với
Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ rằng: “Chúng tôi nay cho Lại-tra-hòa-la ở
trong Chánh pháp luật mà chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình
học đạo. Nếu học đạo mà vẫn trở về cho chúng tôi gặp.”
Rồi các thiện tri thức đồng bạn đồng lứa với
Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ liền cùng nhau đến chỗ Lại-tra-hòa-la con
trai Cư sĩ nói rằng: “Này
bạn, cha mẹ đã cho bạn ở trong Chánh pháp luật mà chí tín lìa bỏ gia
đình, sống không gia đình, học đạo. Khi học đạo rồi, phải trở về thăm
cha mẹ.”
Lại-tra-hòa-la con trai Cư sĩ nghe như vậy,
vui mừng khôn tả, hân hoan, sinh ái, sinh lạc, bèn đứng dậy, dần dần
bồi dưỡng thân thể. Khi thân thể đã bình phục, liền rời khỏi thôn
Thâu-lô -tra, đi đến chỗ Phật, cúi đầu sát chân Phật, bạch rằng: “Bạch Thế Tôn, cha mẹ
đã cho con ở trong Chánh pháp luật này chí tín lìa bỏ gia đình, sống
không gia đình học đạo. Ngưỡng mong Thế Tôn cho con được theo Thế Tôn
xuất gia học đạo, thọ giới Cụ túc, được làm Tỳ-kheo.”
Khi ấy Đức Thế Tôn độ Lại-tra-hòa-la con
trai Cư sĩ xuất gia học đạo, truyền trao giới Cụ túc. Sau khi truyền
trao giới Cụ túc, Đức Thế Tôn ở lại thôn Thâu-lô-tra một thời gian, sau
đó Ngài thâu y mang bát lần lượt du hành đến nước Xá-vệ, trú trong rừng
Thắng, vườn Cấp cô độc.
Tôn giả Lại-tra-hòa-la sau khi xuất gia học
đạo, thọ giới Cụ túc, sống cô độc ở nơi xa vắng, tâm không phóng dật,
tu hành tinh tấn. Do sống cô độc ở nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu
hành tinh tấn, ngài đạt đến mục đích mà một thiện nam tử cạo bỏ râu
tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học
đạo, là chỉ cầu hoàn thành vô thượng phạm hạnh, ở ngay đời này tự tri,
tự giác, tự chứng ngộ, thành tựu an trụ, biết như thật rằng: “Sự sanh
đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh
nữa". Tôn giả Lại-tra-hòa-la biết như pháp rồi, cho đến, chứng đắc quả
A-la-hán.
74. Tỷ kheo cần phải biết hổ thẹn khi
chưa làm trọn bổn phận
30. ‘Kinh Tượng Tích Dụ’
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo kia, nếu do Phật, Pháp
và Chúng, mà vẫn không an trú nơi xả tương ứng với thiện, thì này chư
Hiền, Tỳ-kheo ấy nên hổ thẹn, nên xấu hổ rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà
không có lợi, ở trong đức mà không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật,
Pháp và Chúng mà vẫn không an trụ nơi xả tương ứng với thiện’.
“Này chư Hiền, như người dâu lúc mới rước về,
gặp mặt cha mẹ chồng, hay gặp người chồng của mình thì xấu hổ, thẹn
thùng. Này chư Hiền, nên biết, Tỳ-kheo kia cũng lại như vậy, nên xấu hổ
thẹn thùng rằng: ‘Ta ở trong sự lợi mà không có lợi, ở trong đức mà
không có đức; nghĩa là ta nhân nơi Phật, Pháp và Chúng mà vẫn không an
trụ nơi xả tương ứng với thiện’. Người ấy do hổ thẹn xấu hổ, nên liền
an trú nơi xả tương ứng với thiện. Đó là diệu, là tịnh, là tịch diệt,
nghĩa là xả tất cả hữu lìa ái, vô dục, diệt tận hoàn toàn. Này chư
Hiền, đó là Tỳ-kheo học tất cả đại.
75. Tôn giả Bạc Câu la và đời sống tri túc của Ngài
34. ‘Kinh
Bạc Câu La’
Một thời, sau khi Phật nhập Niết-bàn không
bao lâu, Tôn giả Bạc-câu-la (Bakkula, Bākula, hay Vakkula) du hóa tại thành Vương xá, trong Trúc lâm vườn
Ca-lan-đa.
Bấy giờ có một người dị học, vốn là bằng hữu
thân thiết với Tôn giả Bạc-câu-la khi ngài chưa xuất gia, vào buổi xế,
loanh quanh đi đến chỗ Tôn giả Bạc-câu-la, chào hỏi rồi ngồi sang một
bên. Dị học nói rằng:….
“Hiền giả Bạc-câu-la, ngài đã theo học trong
chánh pháp luật này được bao lâu?”
Tôn giả Bạc-câu-la trả lời: “Này
dị học, tôi theo học trong chánh pháp luật này đến nay đã là tám mươi
năm.”
Lại nữa, Tôn giả Bạc-câu-la nói như vầy:
“Này chư Hiền, tôi đã học đạo trong chánh pháp luật này đến
nay là tám mươi năm, chưa từng khởi dục tưởng.”…
Này chư Hiền, tôi
thọ trì y phấn tảo đến nay là tám mươi năm; tôi nhớ chưa từng thọ y của
người cư sĩ[7], chưa từng
cắt may y, chưa từng nhờ người khác may hộ y, chưa từng dùng kim khâu
y, chưa từng dùng kim khâu túi, dù là một sợi chỉ.”…
“Này chư Hiền, tôi
khất thực đến nay là tám mươi năm; tôi nhớ, chưa hề nhận lời mời của cư
sĩ, chưa hề khất thực vượt thứ tự[8], chưa hề khất
thực nơi các nhà lớn để nhận các thứ đồ ăn loại cứng, loại mềm[9] rất dồi dào,
rất tinh khiết và mỹ vị; chưa hề nhìn ngắm người nữ; chưa hề vào khu
vực Tỳ-kheo-ni, chưa hề cùng Tỳ-kheo-ni hỏi chuyện, cho đến cũng chưa hề
nói chuyện giữa đường.”…
“Này chư Hiền, tôi ở
trong chánh pháp luật này học đạo đã tám mươi năm, chưa hề nuôi Sa-di,
chưa hề thuyết pháp cho bạch y; cho đến chưa hề nói cho họ chỉ bốn câu
tụng.”…
“Này chư Hiền, tôi ở
trong chánh pháp luật này học đạo đã tám mươi năm, chưa hề có bệnh,
cho đến dù chỉ nhức đầu trong khoảng búng ngón tay; chưa hề uống thuốc,
cho đến dù chỉ một Ha-lê-lặc…
“Này chư Hiền,
trong tám mươi năm qua, khi tôi ngồi kiết già, chưa từng dựa vào vách
hay dựa vào cây.”..
76. Điểm đặc thù của biển
35. ‘Kinh A Tu La’
“Trong đại hải của con có tám pháp vị tằng
hữu, khiến cho các A-tu-la thấy vậy nên thích sống trong ấy. Những gì
là tám?
“Bạch Thế Tôn, đại hải của con từ đáy lên
trên, chu vi dần dần rộng hơn, nghiêng chênh chếch lên dần mãi tạo
thành bờ biển. Nước trong ấy luôn luôn đầy, chưa từng chảy ra ngoài.
Bạch Thế Tôn, đại hải của con từ đáy lên trên, chu vi dần dần rộng hơn,
nghiêng chênh chếch lên dần mãi tạo thành bờ biển. Nước trong ấy luôn
luôn đầy, chưa từng chảy ra ngoài; đó là pháp vị tằng hữu thứ nhất
trong đại hải của con. Các A-tu-la thấy vậy bèn thích sống ở trong đó.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, thủy triều trong đại
hải của con chưa từng sai thời. Bạch Thế Tôn, nếu thủy triều trong đại
hải của con chưa từng sai thời, thì đó là pháp vị tằêng hữu thứ hai
trong đại hải của con. Các A-tu-la thấy vậy bèn thích sống trong đó.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, nước trong đại hải của
con rất sâu không có đáy, rất rộng không thấy bờ. Bạch Thế Tôn, nếu
nước trong đại hải của con rất không sâu có đáy, rất rộng không thấy
bờ; thì đó là pháp vị tằêng hữu thứ ba trong đại hải của con, các
A-tu-la thấy vậy bèn thích sống trong đó.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, nước trong đại hải của
con đều cùng một vị. Bạch Thế Tôn, nếu nước trong đại hải của con cùng
một vị; thì đó là pháp vị tằng hữu thứ tư trong đại hải của con, các
A-tu-la thấy vậy bèn thích sống trong đó.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, trong đại hải của con
có rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quí báu lạ mắt; đủ các loại đồ trân
kỳ được chứa đầy trong đó. Tên của các trân bảo đó là vàng, bạc, thủy
tinh, lưu ly, ma ni, trân châu, bích ngọc, bạch kha, loa bích, san hô,
hổ phách, mã não, đồi mồi, đá đỏ, tuyền châu. Bạch Thế Tôn, nếu trong
đại hải của con có rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quí báu lạ mắt; đủ
các loại đồ trân kỳ được chứa đầy trong đó. Tên của các trân bảo đó là
vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, ma ni, trân châu, bích ngọc, bạch kha,
loa bích, san hô, hổ phách, mã não, đồi mồi, đá đỏ, tuyền châu; thì đó
là pháp vị tằêng hữu thứ năm trong đại hải của con, các A-tu-la thấy vậy
bèn thích sống trong đó.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, đại hải là chỗ cư trú
của các vị thần lớn (P:mahatam bhùtanam àvàso; trú xứ củ những sinh vật lớn). Những vị thần đó tên là A-tu-la, Kiền-thấp-hòa (P:
gandhabba), La-sát(P: Rakkha), cá kình (P: makara), rùa, cá sấu, Bà-lưu-nê (P: Vaguni), Đế-nghê (P: timi, một loại cá lớn), Đế-nghê-già-la (P: timingala), Đề-đế-nghê-già-la (P: timiramingala). Lại nữa, trong đại hải, rất kỳ lạ, rất đặc
biệt, có chúng sanh thân thể tới một trăm do-diên, hai trăm do-diên, cho
đến ba trăm do-diên, bảy trăm do-diên mà thân vẫn ở trong đại hải.
Bạch Thế Tôn, nếu có những vị thần cư trú trong đại hải của con; những
vị thần đó tên là A-tu-la, Kiền-thấp-hòa, La-sát, cá kình, rùa, cá sấu,
Bà-lưu-nê, Đế-nghê, Đế-nghê-già-la, Đề-đế-nghê-già-la. Lại nữa, trong
đại hải, rất kỳ lạ, rất đặc biệt, có chúng sanh thân thể tới một trăm
do-diên, hai trăm do-diên, cho đến ba trăm do-diên, bảy trăm do-diên mà
thân vẫn ở trong đại hải; thì đó là pháp vị tằng hữu thứ sáu trong đại
hải của con, các A-tu-la thấy vậy bèn thích sống trong đó.
“Lại nữa, bạch Thế Tôn, đại hải của con thanh
tịnh không dung chứa tử thi. Nếu có người nào mạng chung thì qua một
đêm gió liền thổi tấp vào bờ. Bạch Thế Tôn, nếu đại hải của con thanh
tịnh không dung chứa tử thi. Nếu có người nào mạng chung thì qua một
đêm gió liền thổi tấp vào bờ; thì đó là pháp vị tằêng hữu thứ bảy trong
đại hải của con, các A-tu-la thấy vậy bèn thích sống trong đó.
Lại nữa, bạch Thế
Tôn, trong đại hải của con thuộc về châu Diêm-phù có năm sông lớn, là
Hằng-già (Yamunā),
Diêu-vưu-na, Xa-lao-phù (Sarabhū),
A-di-la-ba-đề (Aciravatī),
Ma-xí (Mahī). Tất cả đều
chảy vào đại hải. Chảy vào đó rồi, thảy đều bỏ tên cũ, gọi chung là đại
hải. Bạch Thế Tôn, nếu trong đại hải của con thuộc về châu Diêm-phù có
năm sông lớn, là Hằng-già, Diêu-vưu-na, Xa-lao-phù, A-di-la-ba-đề,
Ma-xí. Tất cả đều chảy vào đại hải. Chảy vào đó rồi, thảy đều bỏ tên
cũ, gọi chung là đại hải; thì đó là pháp vị tằêng hữu thứ tám trong đại
hải của con, các A-tu-la thấy vậy bèn thích sống trong đó.
77. 8 đặc điểm của Phật pháp
35. ‘Kinh A Tu La’ (Cũng giống 37. ‘Kinh Chiêm Ba’)
“Bạch Thế Tôn, trong Chánh pháp luật của Thế
Tôn có mấy pháp vị tằng hữu, khiến cho các Tỳ-kheo thấy được bèn hoan
lạc trong đó?”
Thế Tôn đáp:
“Này Bà-la-la, trong Chánh pháp luật của ta cũng có tám pháp vị tằng
hữu, khiến cho các Tỳ-kheo thấy được bèn hoan lạc trong đó. Những gì là
tám?
“Này Bà-la-la, giống như đại hải, từ đáy lên
trên, chu vi dần dần rộng hơn, nghiêng chênh chếch lên dần mãi tạo
thành bờ biển. Nước trong ấy luôn luôn đầy, chưa từng chảy ra ngoài.
Này Bà-la-la, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy, dần dần thực
hành, dần dần học tập, dần dần đoạn trừ và dần dần giáo hóa. Này
Bà-la-la, nếu trong chánh pháp Ta dần dần thực hành, dần dần học, dần
dần đoạn trừ và dần dần giáo hóa, thì đó là pháp vị tằng hữu thứ nhất
trong Chánh pháp luật của Ta, khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi thích trụ
trong đó.
“Lại nữa, này Bà-la-la, giống như thủy triều
trong đại hải chưa từng sai thời. Này Bà-la-la, Chánh pháp luật của Ta
cũng giống như vậy, những cấm giới được thi thiết cho Tỳ-kheo,
Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di; các thiện nam tử ấy dù cho đến mạng
chung cũng không phạm giới. Này Bà-la-la, nếu trong Chánh pháp luật của
Ta những cấm giới được thi thiết cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc,
Ưu-bà-di; các thiện nam tử ấy dù cho đến mạng chung cũng không phạm
giới; thì đó là pháp vị tằng hữu thứ hai trong Chánh pháp luật của Ta,
khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi thích trú trong đó.
“Lại nữa, này Bà-la-la, giống như nước trong
đại hải rất sâu không đáy, rộng không thấy bờ. Này Bà-la-la, Chánh pháp
luật của Ta cũng giống như vậy, các pháp rất sâu không đáy, rất rộng
không thấy bờ. Này Bà-la-la, nếu Chánh pháp luật của Ta rất sâu không
có đáy, rất rộng không thấy bờ; thì đó là pháp vị tằng hữu thứ ba trong
Chánh pháp luật của Ta, khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi thích sống
trong đó.
“Lại nữa, này Bà-la-la, giống như nước trong
đại hải cùng một vị mặn. Này Bà-la-la, Chánh pháp của ta cũng giống như
vậy, chỉ có một vị là vị vô dục, vị giác, vị tịch tĩnh và vị đạo. Này
Bà-la-la, nếu Chánh pháp luật của Ta chỉ có một vị là vị vô dục, vị
giác, vị tịch tĩnh và vị đạo; thì đó là pháp vị tằng hữu thứ tư trong
Chánh pháp luật của Ta, khiến các Tỳ-kheo thấy rồi thích sống trong đó.
“Lại nữa, này Bà-la-la, giống như đại hải có
rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quí báu lạ mắt; đủ các loại đồ trân kỳ
được chứa đầy trong đó. Tên của các trân bảo đó là vàng, bạc, thủy
tinh, lưu ly, ma ni, trân châu, bích ngọc, bạch kha, loa bích, san hô,
hổ phách, mã não, đồi mồi, đá đỏ, tuyền châu. Này Bà-la-la, Chánh pháp
luật của Ta cũng giống như vậy, có rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quí
báu lạ mắt; đủ các loại đồ trân kỳ được chứa đầy trong đó. Những pháp
trân bảo đó là: bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm
lực, bảy giác chi, Thánh đạo tám chi. Này Bà-la-la, nếu trong Chánh
pháp luật của Ta cũng có rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quí báu lạ
mắt; đủ các loại đồ trân kỳ được chứa đầy trong đó. Những pháp trân bảo
đó là: bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực,
bảy giác chi, Thánh đạo tám chi; thì đó là pháp vị tằng hữu thứ năm
trong Chánh pháp luật của Ta. Khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi thích trú
trong đó.
“Lại nữa, này Bà-la-la, giống như đại hải là
chỗ cư trú của các vị thần lớn. Những vị thần đó tên là A-tu-la,
Kiền-thấp-hòa, La-sát, cá kình, rùa, cá sấu, Bà-lưu-nê, Đế-nghê,
Đế-nghê-già-la, Đề-đế-nghê-già-la. Lại nữa, trong đại hải, rất kỳ lạ,
rất đặc biệt, có chúng sanh thân thể tới một trăm do-diên, hai trăm
do-diên, cho đến ba trăm do-diên, bảy trăm do-diên mà thân vẫn ở trong
trong đại hải. Này Bà-la-la, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như vậy,
có các thần to lớn, là Thánh chúng, đều cư trú trong đó. Tên của các
thần to lớn đó là: A-la-hán, Hướng A-la-hán, A-na-hàm, Hướng A-na-hàm,
Tư-đà-hàm, Hướng Tư-đà-hàm, Tu-đà-hoàn, Hướng Tu-đà-hoàn. Này Bà-la-la,
nếu trong Chánh pháp luật của Ta, có các thần to lớn, là Thánh chúng,
đều cư trú trong đó. Tên của các thần to lớn đó là: A-la-hán, Hướng
A-la-hán, A-na-hàm, Hướng A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Hướng Tư-đà-hàm,
Tu-đà-hoàn, Hướng Tu-đà-hoàn; thì đó là pháp vị tằng hữu thứ sáu trong
Chánh pháp luật của Ta, khiến các Tỳ-kheo thích trú trong đó.
“Lại nữa, này Bà-la-la, giống như đại hải
thanh tịnh không dung chứa tử thi, nếu có người mạng chung trong biển,
thì qua một đêm, gió sẽ thổi tấp vào bờ. Này Bà-la-la, Chánh pháp luật
của ta cũng giống như vậy, Thánh chúng thanh tịnh không dung chứa tử
thi. Nếu có người nào không tinh tấn, sanh ra điều ác, phi phạm hạnh mà
xưng là phạm hạnh, phi Sa-môn mà xưng là Sa-môn; người ấy dù ở trong
Thánh chúng, nhưng cách Thánh chúng rất xa; Thánh chúng cũng lại cách
người ấy rất xa. Này Bà-la-la, nếu trong Chánh pháp luật của Ta cũng
giống như vậy, Thánh chúng thanh tịnh không dung chứa tử thi. Nếu có
người nào không tinh tấn, sanh ra điều ác, phi phạm hạnh mà xưng là phạm
hạnh, phi Sa-môn mà xưng là Sa-môn; người ấy dù ở trong Thánh chúng,
nhưng cách Thánh chúng rất xa; Thánh chúng cũng lại cách người ấy rất
xa; đó là pháp vị tằng hữu thứ bảy trong Chánh pháp luật của Ta, khiến
cho các Tỳ-kheo thấy rồi thích trú trong đó.
“Lại nữa, này Bà-la-la, giống như đại hải
thuộc về châu Diêm-phù có năm sông lớn, là Hằng-già, Diêu-vưu-na,
Xa-lao-phù, A-di-la-ba-đề, Ma-xí. Tất cả đều chảy vào đại hải. Này
Bà-la-la, Chánh pháp luật của Ta cũng giống như thế; thiện nam tử,
thuộc dòng Sát-lợi, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia
đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; người ấy bỏ tên cũ, có
tên chung là Sa-môn. Thiện nam tử thuộc dòng Phạm chí, dòng cư sĩ, dòng
thợ thuyền, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình,
sống không gia đình, xuất gia học đạo; người ấy bỏ tên cũ, có tên chung
là Sa-môn. Này Bà-la-la, Chánh pháp luật của ta cũng giống như thế;
thiện nam tử, thuộc dòng Sát-lợi, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí
tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; người ấy
bỏ tên cũ, có tên chung là Sa-môn. Thiện nam tử thuộc dòng Phạm chí,
dòng cư sĩ, dòng thợ thuyền, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín,
lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; người ấy bỏ tên
cũ, có tên chung là Sa-môn; thì đó là pháp vị tằng hữu thứ tám trong
Chánh pháp luật của Ta, khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi ưa thích trú
trong đó.
78. Nguyên nhân xảy ra động đất
36. ‘Kinh Địa Động’
Thế Tôn đáp: “Này A-nan, có ba nguyên nhân
khiến cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt
gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả
đều sụp đổ. Những gì là ba?
“Này A-nan, cõi đất này y chỉ trên nước; nước y
chỉ trên gió; gió y vào hư không. A-nan, có khi trong hư không nổi lên
gió lớn. Gió nổi lên thì nước bị khuấy động. Nước bị khuấy động thì
xảy ra động đất. Đó là nguyên nhân thứ nhất khiến cõi đất bị chấn động
mạnh. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn
phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ.….
Thế Tôn nói với Tôn giả A-nan rằng:“Thật vậy,
A-nan! Thật vậy, A-nan! Thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, Đức Như Lai,
Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, thành tựu công đức, có nhiều pháp vị tằng
hữu. Vì sao thế? Vì không bao lâu nữa, sau ba tháng, Như Lai sẽ nhập
Niết-bàn; bấy giờ khiến cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn
động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa,
tường vách, tất cả đều sụp đổ
79. Đức Phật thuyết giảng cho Bà
La Môn, Sát Đế Lợi.., là phương tiện
36. ‘Kinh Địa Động’
“Lại nữa, này A-nan, Ta đi đến vô lượng trăm
ngàn chúng Sát-lợi, cùng đàm luận khiến cho họ hài lòng. Sau khi cùng
ngồi xuống ổn định, giống như sắc tướng của họ, sắc tướng Ta cũng vậy;
giống như âm thanh của họ, âm thanh của Ta cũng như vậy; giống như oai
nghi lễ tiết của họ, oai nghi lễ tiết của Ta cũng như vậy. Nếu họ có
hỏi về ý nghĩa gì, Ta sẽ trả lời họ về ý nghĩa ấy. Lại nữa, Ta thuyết
pháp cho họ, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi dùng
vô lượng phương tiện, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ cho
họ rồi, Ta biến mất khỏi nơi ấy. Khi Ta biến mất rồi, họ không biết Ta
là ai, là người hay phi nhân. Này A-nan, như vậy thật là kỳ diệu, thật
là hy hữu, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, thành tựu công đức,
có được pháp vị tằng hữu. Cũng như vậy, đối với các chúng Phạm chí,
Sa-môn và cư sĩ.
“Này A-nan, Ta đi đến vô lượng trăm ngàn thiên
chúng trời Tứ vương, cùng đàm luận khiến cho họ hài lòng. Sau khi cùng
ngồi xuống ổn định, giống như sắc tướng của họ, sắc tướng Ta cũng vậy;
giống như âm thanh của họ, âm thanh của Ta cũng như vậy; giống như oai
nghi lễ tiết của họ, oai nghi lễ tiết của Ta cũng như vậy. Nếu họ có
hỏi về ý nghĩa gì, Ta sẽ trả lời họ về ý nghĩa ấy. Lại nữa, Ta thuyết
pháp cho họ, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi dùng
vô lượng phương tiện, khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ cho
họ rồi, Ta biến mất khỏi nơi ấy.
80. Tỷ kheo
xúc nhiễu Thế Tôn và Đại chúng
37. ‘Kinh
Chiêm Ba’
Đức Thế Tôn bảo vị Tỳ-kheo kia rằng: “Trong
chúng này có một thầy Tỳ-kheo làm đã việc bất tịnh”…
Vị Tỳ-kheo mà vì vị ấy Đức Thế Tôn nói trong
chúng này có một Tỳ-kheo đã làm việc bất tịnh; con đã đuổi vị ấy đi
rồi. Bạch Thế Tôn, buổi đầu hôm đã qua, phần giữa đêm cũng chấm dứt,
rồi buổi cuối đêm cũng sắp hết, trời gần về sáng, không bao lâu nữa,
mặt trời sẽ mọc; Phật và chúng Tỳ-kheo tập trung ngồi đây đã quá lâu,
mong Đức Thế Tôn thuyết pháp Tùng giải thoát.”
Đức Thế Tôn nói: “Này Đại
Mục-kiền-liên, kẻ ngu si sẽ mắc đại tội nếu gây phiền nhiễu cho Đức Thế
Tôn và chúng Tỳ-kheo. Này Đại Mục-kiền-liên, nếu Đức Như Lai ở giữa
chúng bất tịnh mà thuyết Tùng giải thoát thì đầu người kia sẽ vỡ thành
bảy mảnh. Do đó, này Đại Mục-kiền-liên, từ nay về sau các thầy hãy
thuyết Tùng giải thoát, Đức Như Lai không thuyết Tùng giải thoát nữa.
81. Bốn đôi 8 vị
38. ‘Kinh Úc Già Trưởng Giả’ (A)
Lại nữa, bạch Tôn
giả, khi con ở giữa chúng Tỳ-kheo, hành sự bố thí, thì có chư Thiên trụ
giữa hư không bảo con rằng: ‘Này Trưởng giả, đây là vị A-la-hán, đây là
vị Hướng A-la-hán, đây là vị A-na-hàm, đây là vị Hướng A-na-hàm, đây
là vị Tư-đà-hàm, đây là vị Hướng Tư-đà-hàm, đây là vị Tu-đà-hoàn, đây
là vị Hướng Tu-đà-hoàn. Vị này tinh tấn, vị này không tinh tấn’.
82. Tứ Nhiếp Pháp
40. ‘Kinh Thủ Trưởng Giả’ (A)
Đức Thế Tôn bảo rằng: “Này
Thủ Trưởng giả, nay ông có một chúng rất đông này, Trưởng giả, ông
dùng phương pháp gì để nhiếp hóa đại chúng này?”
Bấy giờ Thủ Trưởng giả thưa rằng: “Bạch Thế Tôn, có bốn sự nhiếp], như Đức Thế Tôn đã dạy. Một là huệ
thí, hai là ái ngôn, ba là dĩ lợi, bốn là đẳng lợi. Bạch Thế Tôn, con
dùng bốn phương pháp ấy để nhiếp hóa đồ chúng này, hoặc là dùng bố thí,
hoặc là dùng ái ngôn, hoặc là dùng lợi, hoặc là dùng đẳng lợi.
83.
Mục đích
của việc giữ giới
42. ‘Kinh Hà Nghĩa’
Bấy giờ vào lúc xế chiều, Tôn giả A-nan từ chỗ
độc cư tĩnh tọa đứng dậy, đến trước Đức Phật, đảnh lễ dưới chân rồi
ngồi sang một bên, thưa rằng: “Bạch
Thế Tôn, giữ giới có ý nghĩa gì?”.
Đức Thế Tôn đáp: “Này
A-nan, giữ giới có ý nghĩa là khiến cho không hối hận. Này A-nan, nếu
ai giữ giới, người ấy được sự không hối hận”.
“Bạch Thế Tôn, không hối hận thì có ý nghĩa
gì?”
“Này A-nan, không hối hận thì có ý nghĩa khiến
cho được hân hoan. A-nan, nếu ai không hối hận, người ấy được sự hân
hoan”.
“Bạch Thế Tôn, hân hoan có ý nghĩa gì?”
“Này A-nan, hân hoan có ý nghĩa là khiến cho
có hỷ. Này A-nan, nếu ai hân hoan, người ấy có hỷ”.
“Bạch Thế Tôn, hỷ có ý nghĩa gì?”
“Này A-nan, hỷ có ý nghĩa là khiến cho tĩnh
chỉ. Này A-nan, nếu ai có hỷ, người ấy có tĩnh chỉ của thân”.
“Bạch Thế Tôn, tĩnh chỉ có ý nghĩa gì?” “Này A-nan, tĩnh chỉ có ý nghĩa là khiến cho lạc. A-nan, nếu ai
tĩnh chỉ người ấy có cảm thọ lạc.
“Bạch Thế Tôn, lạc có ý nghĩa gì?”
“Này A-nan, lạc có nghĩa khiến cho có định.
A-nan, nếu ai có lạc người ấy có định.
“Bạch Thế Tôn, định có ý nghĩa gì?”
“Này A-nan, định có ý nghĩa là khiến cho thấy
như thật, biết như chơn]. A-nan, nếu ai có định người ấy thấy như
thật, biết như chơn.
“Bạch Thế Tôn, thấy như thật, biết như chơn có
ý nghĩa gì?”
“Này A-nan, thấy như thật, biết như chơn có ý
nghĩa là khiến cho yếm ly. Này A-nan, thấy như thật, biết như chơn
người ấy có sự yếm ly.
“Bạch Thế Tôn, yếm ly có ý nghĩa gì?”
“Này A-nan, yếm ly có ý nghĩa là khiến cho vô
dục]. A-nan, nếu ai yếm ly người ấy được vô dục.
“Bạch Thế Tôn, vô dục có ý nghĩa gì?”
“Này A-nan, vô dục có ý nghĩa là khiến cho
giải thoát. Này A-nan, nếu ai vô dục thì người ấy được giải thoát hết
thảy dâm, nộ, si.
“Cho nên, này A-nan, nhân trì giới mà được
không hối hận, nhân không hối hận mà được hân hoan, nhân hân hoan mà
được hỷ, nhân hỷ mà được chỉ, nhân chỉ mà được lạc, nhân lạc mà được
định.
“Này A-nan, Đa văn Thánh đệ tử nhân định mà có
tri kiến như thật, nhân có tri kiến như thật mà có yếm ly, nhân có yếm
ly mà được vô dục, nhân vô dục mà được giải thoát, nhân giải thoát mà
có giải thoát tri kiến, biết đúng như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm
hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.
“Này A-nan, đó chính là các pháp hỗ trợ lẫn
nhau, làm nhân cho nhau. Như vậy, giới này đưa đến chỗ cao tột, tức là
đưa từ bờ này đến tận bờ kia
43. ‘Kinh
Bất Tư’
“Này A-nan, đấy là nhân trì giới mà được không
hối hận, nhân không hối hận mà được hân hoan, nhân hân hoan mà được
hỷ, nhân hỷ mà được chỉ, nhân chỉ mà được lạc, nhân lạc mà được định.
“Này A-nan, Đa văn Thánh đệ tử nhân định mà có
tri kiến như thật, nhân có tri kiến như thật mà có yếm ly, nhân có yếm
ly mà được vô dục, nhân vô dục mà được giải thoát, nhân giải thoát mà
có giải thoát tri kiến, biết đúng như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm
hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.
48. ‘Kinh
Giới’ (B)
Tôn giả Xá-lê Tử nói với các Tỳ-kheo rằng:
“Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo nào phạm giới thì làm tổn hại gìn
giữ các căn. Giữ giới thì không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc,
định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải
thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.
“Này chư Hiền, giống như cây nào mà rễ bị tổn
hại thì thân, lõi, nhánh, cành, hoa, lá không thể thành được. Chư Hiền
nên biết, Tỳ-kheo cũng lại như vậy. Nếu ai phạm giới thì làm tổn hại
gìn giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc,
định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải
thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.
“Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo nào giữ giới thì
thường không có sự hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến
như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát thì liền đắc
Niết-bàn.
“Này chư Hiền, giống như cây nào mà rễ không
hư thì thân, lõi, nhánh, cành, hoa, lá đều thành tựu. Chư Hiền nên
biết, Tỳ-kheo cũng như vậy. Nếu ai giữ giới thì thường không hối hận,
hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục,
giải thoát. Nếu đã giải thoát thì liền đắc Niết-bàn.
84. Tại sao giới càng nhiều thì người chứng quả càng
ít
143.
‘Kinh Thương Ca La’ (tham khảo 194. ‘Kinh Bạt Đà Hoà Lợi’)
“Này Ma-nạp, hôm qua, khi vua và các quần thần
triệu tập đại hội, thảo luận những gì? Vì những duyên cớ nào mà cùng
tập hội?”
Ma-nạp Thương-ca-la đáp: “Ngày
hôm qua, vua và quần thần triệu tập đại hội để thảo luận vấn đề này,
là ‘Do nhân gì, duyên gì mà xưa kia Sa-môn Cù-đàm thiết lập học giới
ít, nhưng các Tỳ-kheo đắc đạo nhiều; và do nhân gì, duyên gì mà ngày
nay khi Sa-môn Cù-đàm thiết lập học giới nhiều thì các Tỳ-kheo đắc đạo
lại ít?’ Bạch Cù-đàm, ngày hôm qua, vua và quần thần triệu tập đại hội
để thảo luận vấn đề này. Do sự kiện này mà triệu tập đại hội.”
85. Liên quan đến giới Tỷ kheo
63. ‘Kinh
Bệ Bà Lăng Kỳ’, (Giống Kinh số 80. ‘Kinh Ca Hi Na’)
Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lấy của
không cho, đoạn trừ việc không cho mà lấy, cái gì cho mới lấy, vui
lòng nhận những gì được cho; thường thích bố thí, hoan hỷ không bỏn
sẻn, không mong báo đáp; đối với tâm niệm không cho mà lấy, vị ấy đã
tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa phi
phạm hạnh, đoạn trừ phi phạm hạnh, siêng tu phạm hạnh, tinh tấn tu diệu
hạnh, thanh tịnh, không ô uế, lìa dục, đoạn dâm; đối với tâm niệm phi
phạm hạnh, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ đồ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nói
dối, đoạn trừ nói dối, nói chân thật, ưa chân thật, an trú nơi sự chân
thật không chút di động, hoàn toàn đáng tin cậy, không lừa dối thế
gian; đối với tâm niệm nói dối, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nói
hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi, tu hạnh không nói hai lưỡi, không phá
hoại ai, không nghe chuyện người này rồi mách lại người kia, xúi dục
phá hoại người này, không nghe chuyện người kia, rồi mách lại người
này, xúi dục phá hoại người kia, ai chia lìa thì làm cho hòa hợp, ai
hòa hợp thì làm cho hoan hỷ, không lập bè đảng, không ưa bè đảng, không
khen ngợi bè đảng; đối với tâm niệm nói hai lưỡi, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lời
nói thô ác, đoạn trừ lời nói thô ác. Nếu có những lời thô bạo, hung ác,
trái tai, khiến mọi người không hoan hỷ, mọi người không thương mến,
khiến người khác khổ não, không được định tĩnh, vị ấy đoạn trừ lời nói
như vậy. Nếu có những lời hòa nhã, nhu thuận, lọt tai, vừa lòng, khiến
được hoan hỷ, được mến thương, khiến người khác an lạc, âm thanh rõ
ràng, không làm người sợ, khiến người khác định tĩnh, vị ấy nói những
lời như vậy; đối với tâm niệm ưa nói thô ác, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa lời
nói thêu dệt, đoạn trừ lời nói thêu dệt, nói đúng lúc, nói chân thật,
nói về pháp, nói về nghĩa, nói về chỉ tức, nói về việc ưa chỉ tức, nói
việc thuận thời, thích hợp, khéo dạy, khéo quở trách; đối với tâm niệm
ưa nói thêu dệt, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc
kinh doanh buôn bán, đoạn trừ việc kinh doanh buôn bán, xả bỏ đong
lường và đấu hộc, xả bỏ việc nhận hàng hóa, không cột trói người, không
trông mong sự đo lường tà vạy, không vì chút lợi nhỏ mà lấn lướt, lừa
dối người; đối với tâm niệm kinh doanh buôn bán, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa nhận
đàn bà góa, đồng nữ, đoạn trừ việc nhận đàn bà góa, đồng nữ; đối với
tâm niệm nhận đàn bà góa, đồng nữ, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc
nhận nô tỳ, đoạn trừ việc nhận nô tỳ; đối với tâm niệm nhận nô tỳ, vị
ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc
nhận voi, ngựa, trâu, dê, đoạn trừ việc nhận voi, ngựa, trâu, dê; đối
với tâm niệm nhận voi, ngựa, trâu, dê vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc
nhận gà, heo, đoạn trừ việc nhận gà, heo; đối với tâm niệm nhận gà,
heo, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc
nhận ruộng đất, quán xá, đoạn trừ việc nhận ruộng đất, quán xá; đối với
tâm niệm nhận ruộng đất, quán xá, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc
nhận nếp, lúa, đậu sống, đoạn trừ việc nhận nếp, lúa, đậu sống; đối với
tâm niệm nhận nếp, lúa, đậu sống, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc
uống rượu, đoạn trừ việc uống rượu; đối với tâm niệm uống rượu, vị ấy
đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc
dùng giường sang, cao rộng, đoạn trừ việc dùng giường sang, cao rộng;
đối với tâm niệm dùng giường sang, cao rộng, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc
đeo vòng hoa, đeo chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn, đoạn trừ việc đeo
vòng hoa, chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn; đối với tâm niệm đeo vòng
hoa, chuỗi ngọc, thoa hương, đánh phấn, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc
ca múa, xướng hát hoặc đến nghe, xem, đoạn trừ việc ca múa, xướng hát
hoặc đến nghe, xem; đối với tâm niệm ca múa, xướng hát và đến xem,
nghe, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la xa lìa việc
nhận vàng, bạc, châu báu, đoạn trừ việc nhận vàng, bạc, châu báu; đối
với tâm niệm nhận vàng, bạc, châu báu, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la lìa việc ăn
quá ngọ, đoạn trừ việc ăn quá ngọ, thường ăn một bữa, không ăn ban đêm,
học hạnh ăn đúng thời; đối với tâm niệm ăn quá ngọ, vị ấy đã tịnh trừ.
“Này A-nan, thợ gốm Nan-đề-bà-la trọn đời tay
không cầm cuốc, không tự tay đào đất, cũng không bảo người khác đào;
nếu đất ở đê chận nước lở ra, hoặc đất do chuột đào lên thì lấy làm đồ
gốm đưa lên và nói với người mua rằng: ‘Các ngài, nếu có đậu oản, gạo
giẻ, lúa mạch, đậu ma lớn nhỏ, đậu bệ và hạt cải, sau khi trút xuống
rồi, ngài cứ mang gốm này mà đi, tùy theo ý muốn’.
86. Cung
kính, oai nghi
49. ‘Kinh
Cung Kính’ (A)
“Tỳ-kheo nên thực hành hạnh cung kính và khéo
quán sát, kính trọng các bậc phạm hạnh. Nếu Tỳ-kheo nào không thực hành
hạnh cung kính, không khéo quán sát, không kính trọng các bậc phạm
hạnh, mà pháp oai nghi đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Pháp oai nghi
không đầy đủ mà học pháp đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Học pháp
không đầy đủ mà giới thân đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Giới thân
không đầy đủ mà định thân đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Định thân
không đầy đủ mà tuệ thân đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Tuệ thân
không đầy đủ mà giải thoát thân đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Giải
thoát thân không đầy đủ mà giải thoát tri kiến thân đầy đủ, điều đó
không thể xảy ra. Giải thoát tri kiến thân không đầy đủ mà Niết-bàn đầy
đủ, điều đó không thể xảy ra.
“Nếu Tỳ-kheo nào thực hành hạnh cung kính và
khéo quán sát, kính trọng các bậc phạm hạnh nên pháp oai nghi đầy đủ,
điều đó chắc chắn xảy ra. Pháp oai nghi đầy đủ nên học pháp đầy đủ,
điều đó chắc chắn xảy ra. Học pháp đầy đủ nên giới thân đầy đủ, điều đó
chắc chắn xảy ra. Giới thân đầy đủ nên định thân đầy đủ, điều đó chắc
chắn xảy ra. Định thân đầy đủ nên tuệ thân đầy đủ, điều đó chắc chắn
xảy ra. Tuệ thân đầy đủ nên giải thoát thân đầy đủ, điều đó chắc chắn
xảy ra. Giải thoát thân đầy đủ nên giải thoát tri kiến thân đầy đủ,
điều đó chắc chắn xảy ra. Giải thoát tri kiến thân đầy đủ nên Niết-bàn
đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra”.
87. Tàm quí
45. ‘Kinh
Tàm Quý’ (A)
Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng: “Nếu
có Tỳ-kheo nào không tàm không quý thì làm tổn hại ái và kỉnh. Nếu
không có ái và kỉnh thì làm tổn hại tín. Nếu không có tín thì làm tổn
hại chánh tư duy. Nếu không có chánh tư duy thì làm tổn hại chánh niệm
chánh trí. Nếu không có chánh niệm chánh trí thì làm tổn hại gìn giữ
các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định,
tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì
làm tổn hại Niết-bàn.
“Nếu Tỳ-kheo nào biết hổ thẹn thì có ái và
kỉnh. Nếu có ái và kỉnh thì thường có tín. Nếu có tín thì thường có
chánh tư duy. Nếu có chánh tư duy thì thường có chánh niệm chánh trí.
Nếu có chánh niệm chánh trí thì thường giữ các căn, giữ giới, không hối
hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô
dục, giải thoát. Nếu giải thoát thì liền được Niết-bàn.
88.
Không
luận là xuất gia hay tại gia đức Phật chỉ khen ngợi người có chánh
hạnh
152.
‘Kinh Anh Vũ’
Đức Phật nói: “Này Ma-nạp,
nếu có kẻ tại gia hoặc xuất gia học đạo nào làm điều tà hạnh, thì Ta
không khen ngợi người đó. Vì sao vậy? Nếu có kẻ tại gia hoặc xuất gia
học đạo làm điều tà hạnh, thì kẻ ấy không được hiểu biết tốt, không
biết đúng như pháp. Do đó, này Ma-nạp, nếu những kẻ tại gia hoặc xuất
gia học đạo làm điều tà hạnh, thì Ta không khen ngợi kẻ ấy.
“Này Ma-nạp, nếu có kẻ tại gia hoặc xuất gia
học đạo nào thực hành chánh hạnh, thì Ta khen ngợi người đó. Vì sao
vậy? Nếu có kẻ tại gia hoặc xuất gia học đạo thực hành chánh hạnh, thì
kẻ ấy chắc chắn được hiểu biết tốt, biết đúng như pháp. Do đó, này
Ma-nạp, nếu kẻ tại gia hoặc xuất gia học đạo thực hành chánh hạnh, thì
Ta khen ngợi kẻ ấy.
“Này Ma-nạp, Ta nói như vậy, nói về hai pháp
ấy, phân biệt như vậy, hiển thị như vậy. Nhưng nếu có Sa-môn, Phạm Chí
nào có năng lực, thâm nhập kiên cố, chấp chặt theo một chiều, vị ấy sẽ
nói rằng, ‘Đây là chân thật, ngoài ra là hư vọng’.”
89. Nhân quả không phân biệt là người
tại gia hay xuất gia
152.
‘Kinh Anh Vũ’
Đức Phật nói: “Này Ma-nạp,
nếu sống tại gia có tai hoạn lớn, có đấu tranh lớn, có oán ghét lớn,
nhưng lại làm điều tà hạnh, thì sẽ không được quả báo lớn, không được
công đức lớn. Ví như người làm ruộng, có tai hoạn lớn, có đấu tranh
lớn, có oán ghét lớn, lại làm điều tà hạnh, thì sẽ không được quả báo
lớn, không được công đức lớn. Như vậy, này Ma-nạp, người sống tại gia
cũng lại như thế.
“Này Ma-nạp, người xuất gia học đạo ít có tai
hoạn, ít có đấu tranh, ít có oán ghét, nhưng lại làm điều tà hạnh, thì
sẽ không được quả báo lớn, không được công đức lớn. Ví như người buôn
bán, ít có tai hoạn, ít có đấu tranh, ít có oán ghét, nhưng lại làm
điều tà hạnh, thì sẽ không được quả báo lớn, không được công đức lớn.
Như vậy, này Ma-nạp, người xuất gia học đạo cũng lại như thế.
“Này Ma-nạp, người sống tại gia có tai hoạn
lớn, có đấu tranh lớn, có oán ghét lớn, nhưng lại thực hành chánh hạnh,
thì sẽ được quả báo lớn, được công đức lớn. Ví như người làm ruộng có
tai hoạn lớn, có đấu tranh lớn, có oán ghét lớn, nhưng lại thực hành
chánh hạnh, thì sẽ được quả báo lớn, được công đức lớn. Như vậy, này
Ma-nạp, người sống tại gia cũng lại như thế.
Này Ma-nạp, người
xuất gia học đạo ít có tai hoạn, ít có đấu tranh, ít có oán ghét, nhưng
lại thực hành chánh hạnh, thì được quả báo lớn, được công đức lớn. Ví
như người buôn bán, ít có tai hoạn, ít có đấu tranh, ít có oán ghét,
nhưng lại thực hành chánh hạnh, thì sẽ được quả báo lớn, được công đức
lớn. Như vậy, này Ma-nạp, người xuất gia học đạo lại cũng như thế.
90. Qúa trình hình thành phiền não và
đoạn trừ phiền não
51. ‘Kinh
Bổn Tế’, (giống như Kinh số 52, 53: ‘Kinh Thực’)
“Hữu ái có tập chứ không phải không tập. Tập
của hữu ái là gì? Vô minh là tập. “Vô minh cũng có tập chứ không phải
không tập. Tập của vô minh là gì? Năm triền cái là tập. “Năm
triền cái cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của năm triền cái
là gì? Ba ác hành là tập. “Ba ác hành cũng có tập chứ
không phải không tập. Tập của ba ác hành là gì? Không thủ hộ các căn là
tập.“Không thủ hộ các căn cũng có
tập chứ không phải không tập. Tập của không thủ hộ các căn là gì? Không
chánh niệm chánh trí là tập. “Không chánh niệm chánh trí cũng có tập
chứ không phải không tập. Tập của không chánh niệm chánh trí là gì?
Không chánh tư duy là tập.“Không chánh tư duy cũng có tập chứ
không phải không tập. Tập của không chánh tư duy là gì? Không có tín là
tập. “Không có tín cũng có tập chứ không phải không
tập. Tập của không có tín là gì? Nghe pháp ác là tập.“Nghe pháp ác cũng
có tập chứ không phải không tập. Tập của nghe điều ác là gì? Gần gũi
ác tri thức là tập.“Gần gũi ác tri thức cũng có tập chứ không phải
không tập. Tập của gần gũi ác tri thức là gì? Người ác là tập.
“Như thế, có đủ người ác liền có đủ sự gần gũi
ác tri thức. Có đủ sự gần gũi ác tri thức rồi liền có đủ sự nghe pháp
ác. Có đủ sự nghe pháp ác rồi, liền có đủ sự sanh lòng bất tín. Có đủ
sự sanh lòng bất tín rồi, liền không chánh tư duy. Có đủ sự không chánh
tư duy rồi, liền có đủ sự không chánh niệm chánh trí. Có đủ sự không
chánh niệm chánh trí rồi, liền có đủ sự không thủ hộ các căn. Có đủ sự
không thủ hộ các căn rồi, liền có đủ ba ác hành. Đủ ba ác hành rồi,
liền có đủ năm triền cái. Đủ năm triền cái rồi, liền có đủ vô minh. Có
đủ vô minh rồi, liền đầy đủ hữu ái.
Minh giải thoát cũng có tập, chứ không phải
không tập. Tập của minh giải thoát là gì? Bảy giác chi là tập. Bảy giác
chi cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của bảy giác chi là gì?
Bốn niệm xứ là tập. Bốn niệm xứ có tập chứ không phải không tập. Tập
của bốn niệm xứ là gì? Ba diệu hành là tập. Ba diệu hành cũng có tập
chứ không phải không tập. Tập của ba diệu hành là gì? Thủ hộ các căn là
tập. Thủ hộ các căn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của sự
thủ hộ các căn là gì? Chánh niệm chánh trí là tập. Chánh niệm chánh trí
cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh niệm chánh trí là
gì? Chánh tư duy là tập. Chánh tư duy cũng có tập chứ không phải không
tập. Tập của chánh tư duy là gì? Tín là tập. Tín cũng có tập chứ không
phải không tập. Tập của tín là gì? Nghe pháp thiện là tập. Nghe pháp
thiện cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của nghe pháp thiện là
gì? Gần gũi thiện tri thức là tập. Gần gũi thiện tri thức cũng có tập
chứ không phải không tập. Tập của sự gần gũi thiện tri thức là gì?
Người thiệnlà tập.
“Đó là, có đủ người thiện liền có đủ sự gần
gũi thiện tri thức. Đủ sự gần gũi
thiện tri thức liền có đủ sự nghe điều thiện. Có đủ sự nghe điều thiện
liền có đủ tín. Có đủ tín liền có đủ chánh tư duy. Có đủ chánh tư duy
liền có đủ chánh niệm chánh trí. Có đủ chánh niệm chánh trí mới có đủ
sự thủ hộ các căn. Có đủ sự thủ hộ các căn liền có đủ ba diệu hành. Có
đủ ba diệu hành liền có đủ bốn niệm xứ. Có đủ bốn niệm xứ liền có đủ
bảy giác chi. Có đủ bảy giác chi liền đầy đủ minh giải thoát. Như vậy,
minh giải thoát này lần lượt được thành tựu toàn vẹn”
91. Sự lợi ích của việc gần gũi người thiện tri thức
54. ‘Kinh
Tận Trí’
Nếu ai phụng sự thiện tri thức thì điều gì
chưa nghe liền được nghe, điều gì đã nghe liền được bổ ích.
“Như vậy, nếu ai phụng sự thiện tri thức thì
có tập phụng sự. Nếu đã phụng sự thì có tập đi đến. Nếu đã đi đến thì
có tập nghe pháp thiện. Nếu đã nghe pháp thiện thì có tập lỗ tai. Nếu
có lỗ tai thì có tập quán nghĩa của pháp. Nếu đã quán nghĩa của pháp
thì có tập thọ trì pháp. Nếu đã thọ trì pháp thì có tập tụng đọc pháp.
Nếu đã đọc tụng pháp thì có tập quán pháp nhẫn. Nếu đã quán pháp nhẫn
thì có tập tín. Nếu đã có tín thì có tập chánh tư duy. Nếu đã có chánh
tư duy thì có tập chánh niệm chánh trí. Nếu đã chánh niệm chánh trí thì
có tập thủ hộ các căn, thủ hộ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, chỉ,
lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải
thoát thì có tập tận trí”.
57. ‘Kinh
Tức Vị Tỷ Kheo Thuyềt’
Nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức,
cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức,
thì nên biết vị ấy chắc chắn tu tập cấm giới, thủ hộ tùng giải thoát,
lại khéo thâu nhiếp các oai nghi, lễ tiết, thấy tội nhỏ cũng sanh lòng
lo sợ, thọ trì học giới.
“Nếu Tỳ-kheo tự mình là thiện tri thức, cùng
sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì
nên biết, vị ấy nói điều đáng nói, đúng theo nghĩa của bậc thánh, khiến
tâm nhu nhuyến, làm cho tâm chẳng bị ngăn che, tức là nói về giới, nói
về định, nói về tuệ, nói về giải thoát, nói về giải thoát tri kiến,
nói về sự tổn giảm dần dần, nói về việc không ưa tụ họp, nói về thiểu
dục, nói về tri túc, nói về pháp đoạn, nói về pháp diệt, nói về vô dục,
nói về tĩnh tọa, nói về duyên khởi. Có được những điều được nói như
vậy của Sa-môn, được trọn đủ, dễ được chứ không khó.
“Nếu Tỳ-kheo tự mình là thiện tri thức, cùng
sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức, thì
nên biết rằng, vị ấy chắc chắn thường tu hành tinh tấn, đoạn các pháp
ác bất thiện, thường khởi tâm chuyên nhất kiên cố, vì mục đích tìm cầu
gốc rễ thiện mà không xả bỏ phương tiện.
“Nếu Tỳ-kheo nào tự mình là thiện tri thức,
cùng sống chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức,
thì nên biết rằng, vị ấy chắc chắn tu hành về trí tuệ, quán sát sự hưng
thịnh và suy vi của các pháp; chứng trí như vậy, bằng Thánh tuệ minh
đạt, phân biệt thấu hiểu, mà chân chánh diệt tận khổ đau.
92. Lộ trình đi đến Niết Bàn
55. ‘Kinh
Niết bàn’
“Niết-bàn có tập chứ không phải không tập. Tập
của Niết-bàn là gì? -Giải thoát là tập. “Giải thoát
cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của giải thoát là gì? Vô dục
là tập…. Tập của vô dục là gì? Yếm ly là tập….Tập của yếm ly là gì?
Thấy như thật, biết như chơn là tập…. Tập của thấy như thật, biết như
chơn là gì? Định là tập…Tập của định là gì? Lạc là tập…. Tập của lạc là
gì? Chỉ là tập….. Tập của chỉ là gì? Hỷ là tập…. Tập của hỷ là gì? Hân
hoan là tập… Tập của hân hoan là gì? Không hối hận là tập…. Tập của
không hối hận là gì? Hộ giới là tập…. Tập của hộ giới là gì? Thủ hộ các
căn là tập….Tập của thủ hộ các căn là gì? Chánh niệm chánh trí là
tập….. Tập của chánh niệm chánh trí là gì? Chánh tư duy là tập…. Tập
của chánh tư duy là gì? Tín là tập…Tập của tín là gì? Khổ là tập…Tập
của khổ là gì? Già chết là tập…. Tập của già chết là gì? Sanh là tập….
Tập của sanh là gì? Hữu là tập…Tập của hữu là gì? Thủ là tập. … Tập của
thủ là gì? Thọ là tập…. Tập của thọ là gì? Xúc là tập…. Tập của xúc là
gì? Sáu xứ là tập…. Tập của sáu xứ là gì? Danh sắc là tập…. Tập của
danh sắc là gì? Thức là tập…Tập của thức là gì? Hành là tập… Tập của
hành là gì? Vô minh là tập.
“Như vậy, duyên vô minh có hành; duyên hành có
thức; duyên thức có danh sắc; duyên danh sắc có sáu xứ; duyên sáu xứ
có xúc; duyên xúc có thọ; duyên thọ có ái; duyên ái có thủ; duyên thủ
có hữu; duyên hữu có sanh; duyên sanh có già chết; duyên già chết có
khổ. Tập khổ mới có tín; tập tín mới có chánh tư duy; tập chánh tư duy
mới có chánh niệm chánh trí; tập chánh niệm chánh trí mới có thủ hộ các
căn, hộ trì giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, lạc, định, tri kiến như
thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Có tập giải thoát mới chứng đắc
Niết-bàn”
93.
Cùng là đệ tử của Thế Tôn,
nhưng tại sao có người chứng Niết bàn và có người không chứng Niết bàn
144. ‘Kinh Toán Số Mục Kiền Liên’
Toán số Mục-kiền-liên lại hỏi: “Sa-môn Cù-đàm, đối với
tất cả đệ tử răn dạy như vậy, khiển trách như vậy, tất cả đều đạt đến
cứu cánh trí, nhất định đến Niết-bàn chăng?”
Thế Tôn đáp: “Này Mục-kiền-liên,
không phải nhất định đạt đến. Hoặc có người đạt được, hoặc có người
không “.
Toán số Mục-kiền-liên lại hỏi: “Cù-đàm, trong đó nhân
duyên gì khi có Niết-bàn, có Niết-bàn đạo và Sa-môn Cù-đàm hiện tại là
Đạo Sư đó, mà có Tỳ-kheo được răn dạy như vậy, được khiển trách như
vậy, thì đạt đến cứu cánh Niết-bàn, nhưng một số khác lại không đạt
đến?”
Thế Tôn nói: “Này Mục-kiền-liên, Ta
muốn hỏi lại ông, hãy tùy theo sự hiểu biết mà trả lời.
“Này Mục-kiền-liên, ý ông nghĩ sao? Ông biết
rõ thành Vương xá ở đâu, am tường các con đường đến đó chăng?”
Toán số Mục-kiền-liên đáp: “Thật vậy, tôi biết rõ
thành Vương xá ở đâu và cũng am tường các con đường đến đó.”
Thế Tôn hỏi: “Này Mục-kiền-liên, nếu
có một người muốn đi đến thành Vương xá để yết kiến vua, người ấy hỏi
rằng: ‘Tôi muốn đi đến thành Vương xá để gặp vua, Toán số Mục-kiền-liên
biết rõ thành Vương xá ở đâu, am tường các đường lộ và đường tắt, có
thể chỉ cho tôi chăng?’ Ông nói với người ấy rằng ‘Từ đây đi về phía
Đông, đến thôn kia, rồi từ thôn ấy đến ấp kia, lần lượt như vậy đi đến
thành Vương xá. Những gì ở ngoại thành Vương xá, những khu vườn xinh
đẹp, đất bằng phẳng, những lầu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con
sông dài, lại có dòng suối trong, sẽ được thấy hết, được biết hết’.
Người ấy sau khi nghe ông chỉ dẫn rồi, đi chưa bao lâu bèn bỏ con đường
chánh mà đi theo con đường lầm lẫn để trở lui lại. Những gì ngoại
thành Vương xá, rừng cây xinh đẹp, đất bằng phẳng, lâu đài, ao tắm, đủ
loại cây cối, bông hoa, có con sông dài, có dòng suối trong, người ấy
hoàn toàn không thấy, không biết gì hết.
“Lại có một người khác muốn đi đến thành Vương
xá để yết kiến vua. Người ấy hỏi ông rằng: ‘Tôi muốn đi đến thành
Vương xá để gặp vua, Toán số Mục-kiền-liên biết rõ thành Vương xá ở
đâu, am tường các đường lộ và đường tắt, có thể chỉ cho tôi chăng?’
Ông nói với người ấy rằng: ‘Từ đây đi về phía
Đông, đến thôn kia, rồi từ thôn ấy đến ấp kia, lần lượt như vậy đi đến
thành Vương xá. Những gì ở ngoại thành Vương xá, những khu vườn xinh
đẹp, đất bằng phẳng, những lầu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con
sông dài, lại có dòng suối trong, sẽ được thấy hết, được biết hết’.
Người ấy sau khi nghe ông chỉ dẫn, bèn từ đây
đi về hướng Đông, đến thôn kia, từ thôn ấy đi đến ấp kia, lần lượt như
vậy cho đến thành Vương xá. Những gì ở ngoại thành Vương xá, những khu
vườn xinh đẹp, đất bằng phẳng, lâu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có
con sông dài, có dòng suối trong đều được thấy hết, biết hết.
“Này Mục-kiền-liên, trong đó do nhân gì duyên
gì, trong khi có thành Vương xá, có con đường đến thành Vương xá và có
ông hiện tại là đạo sư đó, nhưng người thứ nhất nghe lời ông chỉ dẫn,
chẳng bao lâu đã bỏ con đường chánh mà đi theo con đường lầm lẫn trở
lui lại, rồi những gì ở ngoài thành Vương xá, những khu vườn xinh đẹp,
đất bằng phẳng, lâu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con sông dài, có
dòng suối trong, tất cả người ấy đều không thấy, không biết? Còn người
thứ hai khi nghe theo lời ông chỉ dẫn, từ con đường chánh lần lượt đi
đến thành Vương xá, những gì ở ngoại thành Vương xá, những khu vườn xinh
đẹp, đất bằng phẳng, lâu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con sông
dài, có dòng suối trong, thảy đều được thấy hết, được biết hết?”
Toán số Mục-kiền-liên đáp: “Này Cù-đàm, tôi hoàn
toàn vô sự. Có thành Vương xá đó, có con đường dẫn đến thành Vương xá
đó, tôi chỉ làm đạo sư. Người thứ nhất không tùy theo sự chỉ dẫn của
tôi, bỏ con đường chánh mà đi theo con đường lầm lẫn để trở lui lại.
Những gì ở ngoài thành Vương xá, những khu vườn xinh đẹp, đất bằng
phẳng, lâu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con sông dài, có dòng suối
trong, tất cả người ấy đều không thấy, không biết. Người thứ hai khi
nghe theo lời tôi chỉ dẫn, từ con đường chánh lần lượt đi đến thành
Vương xá, những gì ở ngoại thành Vương xá, những khu vườn xinh đẹp, đất
bằng phẳng, lâu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con sông dài, có
dòng suối trong, thảy đều được thấy hết, được biết hết.”
Thế Tôn nói rằng: “Cũng vậy, này
Mục-kiền-liên, Ta cũng vô sự. Có Niết-bàn đó, có con đường dẫn đến
Niết-bàn đó, Ta chỉ là Đạo Sư, giáo huấn các Tỳ-kheo như vậy, khiển
trách các Tỳ-kheo như vậy, nhưng có người đạt đến cứu cánh Niết-bàn, có
người lại không. Này Mục-kiền-liên, nhưng tùy theo sở hành của mỗi
Tỳ-kheo mà Thế Tôn ghi nhận sở hành ấy, tức là cứu cánh lậu tận vậy.”
94. 5 pháp khiến cho tâm Tỷ kheo được an tịnh
57. ‘Kinh
Tức Vị Tỷ Kheo Thuyềt’
Tỳ-kheo, tự mình là thiện tri thức, cùng sống
chung với thiện tri thức và cùng hòa hợp với thiện tri thức. Tâm giải
thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ
nhất.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, tu tập cấm giới, thủ hộ
tùng giải thoát, lại phải khéo thâu nhiếp oai nghi lễ tiết, thấy tội
lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh lòng lo sợ, thọ trì học giới. Tâm giải
thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập thứ
hai.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, nên nói điều đáng nói, phù
hợp nghĩa của bậc Thánh, khiến tâm nhu nhuyến, làm cho tâm không bị che
lấp, tức là nói về giới, nói về định, nói về tuệ, nói về giải thoát,
nói về giải thoát tri kiến, nói về sự tổn giảm lần lần, nói về việc
không ưa tụ họp, nói về thiểu dục, nói về tri túc, nói về pháp đoạn
trừ, nói về vô dục, nói về pháp diệt, nói về tĩnh tọa, nói về duyên
khởi. Có được những điều được nói như vậy của Sa-môn, được trọn đủ, dễ
được chứ không khó. Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần
thục thì đó là pháp tu tập thứ ba.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, thường tu hành tinh tấn,
đoạn trừ pháp ác bất thiện, tu các pháp thiện, thường tự khởi ý, chuyên
nhất kiên cố; vì mục đích tìm cầu gốc rễ thiện mà không xả bỏ phương
tiện. Tâm giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là
pháp tu tập thứ tư.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, tu hành về trí tuệ, quán
sát sự hưng thịnh và suy vi của các pháp; chứng trí như vậy, bằng Thánh
tuệ minh đạt, phân biệt thấu hiểu, mà chân chánh diệt tận khổ đau. Tâm
giải thoát chưa thuần thục mà muốn cho thuần thục thì đó là pháp tu tập
thứ năm.
95.
7 báu của chuyển luân thánh vương
58. ‘Kinh
Thất Bảo’, 65. ‘Kinh Ô Điểu Dụ’, 66. ‘Kinh Thuyết Bổn’
Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: “Nếu
lúc Chuyển luân vương ra đời thì nên biết rằng liền có bảy báu xuất
hiện ở đời. Những gì là bảy? Xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ
báu, cư sĩ báu và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Nếu lúc Chuyển luân vương ra đời thì nên
biết rằng liền có bảy báu này xuất hiện ở đời.
96. 7 Giác Chi
58. ‘Kinh
Thất Bảo’
Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: “Nếu
lúc Chuyển luân vương ra đời thì nên biết rằng liền có bảy báu xuất
hiện ở đời. Những gì là bảy? Xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ
báu, cư sĩ báu và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Nếu lúc Chuyển luân vương ra đời thì nên
biết rằng liền có bảy báu này xuất hiện ở đời. Giống như vậy, lúc Như
Lai, Bậc Vô Sở Trước, Chánh Đẳng Chánh Giác ra đời, thì nên biết rằng
cũng có bảy báu giác chi xuất hiện ở thế gian. Những gì là bảy? Niệm
giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, tức giác
chi, định giác chi và xả giác chi. Đó là bảy. Lúc Như Lai, Bậc Vô Sở
Trước, Chánh Đẳng Chánh Giác ra đời, thì nên biết rằng, có bảy báu giác
chi ấy xuất hiện ở thế gian.”
97. 4 Châu
60. ‘Kinh
Tứ Châu’
Phật bảo A-nan: “Đúng như
vậy, đúng như vậy! Người đời thật hiếm, ít ai có thể thỏa mãn đối với
dục; ít ai có sự nhờm tởm, ghê sợ dục cho đến chết. Người đời mà đối
với dục có sự thỏa mãn, nhàm tởm, ghê sợ cho đến chết, quả là quá khó
kiếm!
“Nhưng này A-nan, trong thế gian, những người
đối với dục mà không thỏa mãn, không nhờm tởm, ghê sợ cho đến chết thì
thật quá nhiều! Thật quá nhiều! Vì sao? Này A-nan, trong đời quá khứ,
có nhà vua tên là Đảnh Sanh (Pāli: Muddhāvasitta)
làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân, ngự trị
thiên hạ, tự do tự tại, là pháp vương hành động theo chánh pháp, thành
tựu bảy báu. Bảy báu ấy là: xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ
báu, cư sĩ báu và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Vị ấy có đủ một ngàn
người con trai, mặt mày khôi ngô, dõng mãnh, không khiếp sợ, nhiếp phục
được người khác. Vị ấy thống lãnh khắp cả cõi đất này cho đến biển cả,
không dùng đao gậy, chỉ dùng pháp giáo hóa, khiến cho an lạc.
“Này A-nan, một thời gian hết sức lâu xa về
sau, vua Đảnh Sanh ấy nghĩ rằng: ‘Ta có châu Diêm-phù giàu có, hoan lạc
cùng cực, nhân dân đông đúc. Ta có bảy báu; đầy đủ một ngàn người con.
Ta muốn ngay ở cung điện này mưa báu bảy ngày, dâng đến tận đầu gối’.
Này A-nan, vua Đảnh Sanh có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước
hựu, có đại oai thần, nên vừa khởi tâm ưa thích như vậy, tức thì ở
trong cung mưa báu bảy ngày, dâng đến đầu gối.
“Này A-nan, một thời gian hết sức lâu xa về
sau, vua Đảnh Sanh kia lại nghĩ rằng: ‘Ta có châu Diêm-phù giàu có,
hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc. Ta có bảy báu, đầy đủ một ngàn
đứa con, và ở trong cung này, mưa báu bảy ngày, dâng đến đầu gối. Ta
nhớ đã từng nghe nơi người xưa nói rằng, ở phương Tây có châu tên là
Cù-đà-ni (tức Tây ngưu
hóa châu), giàu có, hoan lạc cùng cực,
nhân dân đông đúc. Nay ta muốn đến xem châu Cù-đà-ni. Sau khi đến, ta
sẽ thống trị’. Này A-nan, vua Đảnh Sanh có đại như ý túc, có đại oai
đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nên vừa khởi tâm ưa thích như
vậy, liền dùng như ý túc cưỡi lên hư không mà đi, cùng với bốn loại
quân. Này A-nan, vua Đảnh Sanh trong phút chốc liền đến trú ở châu
Cù-đà-ni kia.
“Này A-nan, sau khi đến ở, nhà vua đã ngự trị
châu Cù-đà-ni suốt vô lượng trăm ngàn vạn năm.
“Này A-nan, một thời gian hết sức lâu xa về
sau nữa, vua Đảnh Sanh kia lại nghĩ: ‘Ta có châu Diêm-phù giàu có, hoan
lạc cùng cực, nhân dân đông đúc. Ta có bảy báu, đầy đủ một ngàn đứa
con, và ở trong cung này, mưa báu bảy ngày, dâng đến đầu gối. Ta lại có
thêm châu Cù-đà-ni. Ta đã từng nghe người xưa có nói rằng, ở phương
Đông có châu tên là Phất-bà-bệ-đà-đề (Pāli: pubbavideha, châu Thắng thân ở phương
Đông.) giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân
đông đúc. Nay ta muốn đến xem châu Phất-bà-bệ-đà-đề. Sau khi đến, ta
sẽ thống trị’. Này A-nan, vua Đảnh Sanh có đại như ý túc, có đại oai
đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nên vừa khởi tâm ưa thích như
vậy, liền dùng như ý túc cưỡi lên hư không mà đi, cùng với bốn loại
quân. Này A-nan, vua Đảnh Sanh trong phút chốc liền đến trú ở châu
Phất-bà-bệ-đà-đề kia. Này A-nan, sau khi đến ở, nhà vua ngự trị châu
Phất-bà-bệ-đà-đề suốt vô lượng trăm ngàn vạn năm.
“Này A-nan, một thời gian hết sức lâu xa về
sau nữa, vua Đảnh Sanh kia lại nghĩ: ‘Ta có châu Diêm-phù giàu có, hoan
lạc cùng cực, nhân dân đông đúc. Ta có bảy báu, đầy đủ một ngàn người
con, và ở trong cung mưa báu bảy ngày dâng đến đầu gối. Ta lại có thêm
châu Cù-đà-ni, có thêm châu Phất-bà-bệ-đà-đề. Ta lại từng nghe người
xưa có nói rằng, ở phương Bắc có châu tên là Uất-đơn-viết (Bắc Câu-lô châu. Pāli: Uttara-kura.), giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc,
họ tuy không có ngã tưởng, không có thọ dụng riêng],
nhưng ta muốn cùng quyến thuộc đi xem châu Uất-đơn-viết, để thống trị’.
Này A-nan, vua Đảnh Sanh có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước
hựu, có đại oai thần, nên vừa khởi tâm ưa thích như vậy, liền dùng như
ý túc cưỡi hư không mà đi cùng với bốn loại quân.
98.
4 châu là 4 phương của nước Ấn Độ
136.
‘Thương Nhân Cầu Tài ( Trong
Kinh này xác định rõ cõi Nam Điêm Phù Đề là phía Nam Ấn Độ, và phía
Tây tức chỉ cho Tây Ngưu Hoá Châu)
99. Tất cả mọi pháp đều biến hoại
61. ‘Kinh
Ngưu Phấn Dụ’
“Này Tỳ-kheo, ngươi hãy quán sát rằng, tất cả
những gì sở hữu đều phải tiêu diệt, cả đến như ý túc cũng phải mất. Này
Tỳ-kheo, ngươi nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?”
Đáp: “Bạch Thế Tôn, vô
thường.”
Lại hỏi: “Vô thường là khổ
hay không phải khổ?”
Đáp: “Bạch Thế Tôn, là khổ và
biến dịch.”
Lại hỏi: “Nếu là pháp vô
thường, khổ, biến dịch, thì Đa văn Thánh đệ tử có nên cho rằng: ‘Cái
này là ta, cái này là sở hữu của ta; ta là sở hữu của cái kia’ chăng?”
Đáp:“Bạch Thế Tôn, không.” (Th
ọ, t ư ởng, h
ành, th ức)
Lại hỏi: “Nếu là pháp vô
thường, khổ, biến dịch, thì Đa văn Thánh đệ tử có nên cho rằng: ‘Cái này
là ta, cái này là sở hữu của ta; ta là sở hữu của cái kia’ chăng?”
Đáp: “Bạch Thế Tôn,
không.”
“Vậy thì, này Tỳ-kheo, ngươi nên học như vầy:
‘Những gì có sắc, hoặc quá khứ,
hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế,
hoặc đẹp, hoặc xấu, hoặc gần hoặc xa; tất cả những cái ấy chẳng phải là
ta, chẳng phải là sở hữu của ta, ta phải là sở hữu của cái kia’. Hãy
dùng trí tuệ quán sát, biết đúng như thật. ‘Những gì có giác, tưởng,
hành, thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc
ngoài, hoặc thô, hoặc tế, hoặc đẹp, hoặc xấu, hoặc xa, hoặc gần; tất cả
những cái ấy chẳng phải là ta, chẳng phải là sở hữu của ta, ta phải là
sở hữu của cái kia’. Hãy dùng trí tuệ quán sát, biết đúng như thật.
“Này Tỳ-kheo, nếu
Đa văn Thánh đệ tử quán như thế thì liền nhàm chán sắc, nhàm chán giác,
tưởng, hành, thức. Do nhàm chán mà vô dục; do vô dục nên giải thoát;
sau khi giải thoát thì biết là giải thoát, biết đúng như thật rằng: Sự
sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái
sanh nữa.”
100. Duyên khởi
62. ‘Kinh Tần Bệ Sa La Vương nghinh
Phật’
“Nếu chúng sanh nào thành tựu ác hạnh nơi
thân, ác hạnh nơi khẩu, ý, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến và thành tựu
nghiệp tà kiến, thì do nhân duyên kia, khi thân này hoại diệt, mạng
chung, chúng sanh ấy chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Nếu
chúng sanh nào thành tựu thiện hạnh nơi thân, thiện hạnh nơi khẩu, ý,
không phỉ báng Thánh nhân, có chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến;
thì do nhân duyên đó, khi thân này hoại diệt, mạng chung, chúng sanh ấy
chắc chắn đi lên chỗ thiện, cho đến cõi trời. Ta biết chúng sanh kia
như vậy nhưng không nói rằng: Đó là ngã, có thể cảm giác, có thể nói
năng, làm và sai làm, đứng dậy và khiến đứng dậy, ở nơi này hay nơi kia
thọ nhận nghiệp báo thiện ác. Ở đây, hoặc có suy nghĩ như vầy: Điều đó
không hợp lý, điều đó không đứng vững, việc làm ấy đúng như pháp; nhân
cái này mà cái kia sanh, nếu không nhân cái này thì cái kia không
sanh; cái này có thì cái kia có, cái này diệt thì cái kia diệt. Tức là
duyên vô minh có hành cho đến duyên sanh mà có già, chết. Nếu vô minh
diệt thì hành diệt, cho đến sanh diệt thì già, chết diệt.
86. ‘Kinh Thuyết Xứ’
A-nan, trước kia Ta
đã nói cho ông nghe về nhân duyên khởi và nhân duyên khởi sở sanh
pháp: ‘Nếu có cái này thì có cái kia, nếu không có cái này thì không có
cái kia. Nếu sanh cái này thì sanh cái kia, nếu diệt cái này thì diệt
cái kia. Duyên vô minh, hành. Duyên hành, thức. Duyên thức, danh sắc.
Duyên danh sắc, sáu xứ. Duyên sáu xứ, xúc. Duyên xúc, thọ. Duyên thọ,
ái. Duyên ái, thủ. Duyên thủ, hữu. Duyên hữu, sanh. Duyên sanh, già
chết. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức
diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, sáu xứ diệt thì
xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ
diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì già
chết diệt. A-nan, nhân duyên khởi và nhân duyên khởi sở sanh pháp này,
ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các
Tỳ-kheo niên thiếu về nhân duyên khởi và nhân duyên khởi sở sanh pháp
này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền
nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
97. ‘Kinh Đại Nhân’ (Giải
thích 12 nhân duyên)
[1]
Pāli: svākkhato bhagavato
dhammo suppaṭipanno sāvakasaṅgho, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, Tăng đệ tử của Thế
Tôn khéo thực hành.
[2]
Danh tánh chủng, chỉ Tỳ-kheo
chỉ có danh tự, chứ không có thực chất (?). Pāli: Gotrabhuno.
[3]
Tức bốn hành: không an ổn, an
ổn, điều phục và tịch tịnh. Chúng đệ tử Phật hành ba loại sau. Tham
chiếu Pāli, D. 33. Saṅgīti-suttanta: catasso paṭipadā: akkhamā paṇipadā (không
kham nhẫn), khamā paṭipadā (kham nhẫn), damā paṭipadā (điều phục), samā paṭipadā (tịch tĩnh).
[4]
Trừ sự, trong kinh 215, tám thắng xứ được
gọi là tám trừ xứ, nhưng ở đây trừ sự có thể chỉ cho bốn thông hành
(xem kinh số 215 ở sau).
[5]
Hành lai du, tham khảo Pháp Uẩn 3 (No.1537,
Đại 26, trang 463 b), được gọi là Pháp tùy, tức tám chi
Thánh đạo. Chúng đệ tử của Phật tùy thuận du lịch thiệp hành trong
đó.
[6]
Mười sự thành tựu trên đây,
trừ những thành tựu: nhu nhuyến, nhẫn và lạc,
còn lại có thể so với những đức tánh Tăng bảo thường được tán
thán, mà theo văn của Tập Dị và Pháp Uẩn như vầy: “Cụ túc diệu
hành, chất trực hành, pháp tùy pháp hành, hòa kỉnh hành, tùy pháp
hành”.
[7]
Kiến lai kiến quả; Xem Tập Dị (No.1536, Đại 26, trang
402): hữu y kiến, hữu quả kiến.
[8]
Thị xứ phi xứ:
trường hợp đúng và trường hợp
sai.
[9]
Pāli: thānāthānakusala (xứ phi
xứ thiện xảo).
[10]
Kiến đế nhân, đây chỉ vị
Tu-đà-hoàn.
[11]
Mạng hành thanh tịnh, sinh
hoạt, hay sự nuôi sống, thanh tịnh. Pāli: parisuddho ājīvo.
[12]
Vị phẫn tránh cố 謂
忿 諍 故; vì sự phẫn nộ và tranh cãi. Pāli: yatvādhikaraṇam enam…, do nguyên nhân gì
mà… Trong bản Hán, adhikaraṇa,
nguyên nhân, được hiểu là sự tranh cãi
[13]
Thú hướng bỉ cố 趣 向 彼 故; Pāli: (akusalā dhammā) anvāssaveyyṃ, (các pháp bất thiện) có thể khởi lên (trôi chảy vào
tâm).
[14]
Yển tọa 燕 坐; ngồi nơi chỗ vắng vẻ. Pāli:
patisallāna.
[15]
Nội hành chỉ 內 行 止. Pāli:
ajjhattaṃ cetosamathānuyutto.
[16]
Chỉ Tỳ-kheo A-lan-nhã, tu theo
hạnh chỉ sống trên rừng. Pāli: araññaka.
[17]
Pāli: cittaṃ vasaṃ vatteti, no... cittassa vasena
vatteti, (Tỳ-kheo chế ngự tâm chứ không phải bị tâm chế ngự).
[18]
Hành chân thật không bất điên
đảo. Pāli: Yathābhuccā avipallatthā parisuddhā sunnatāvakkam. Thâm
nhập không tánh, chân thật, thanh tịnh, không điên đảo. Bốn từ này ở
đây được coi là đồng nghĩa.
[19]
Hán: niệm nhất vô sự tưởng
念 一 無 事 想. Pāli:
araññasaññaṃ paṭicca manasi
karoti ekattaṃ, duyên vào ý tưởng về khu rừng mà
tác ý cái một. Duyên vào ý tưởng rừng mà tập trung trên một đối
tượng duy nhất, nhất tánh.
[20]
Phiền sư, Pāli:
ācariyūpaddava, bất hạnh, hay nguy hại cho thầy.
[21]
Mâu-lê-phá-quần-na
牟 犁 破 群 那. Pāli: Moliyaphagguna.
[22]
Ngũ
ngôn đạo 五 言 道 hay
ngũ ngữ lộ 五 語 珞.
Xem Tập Dị 13, No.1536, Đại 26, tr.421c). Pāli: Pañca Vacanapathā.
[23]
Ca-la-lại 迦 羅 賴. Pāli: Kīṭagiri.
[24]
Câu giải thoát tức Câu phần
giải thoát 俱 分 解 脫. Gọi là Cu phần vì có hai phần
chướng, phiền não phần chướng và giải thoát phần chướng (xem Tập Dị
Môn Luận 17, Đại 26 tr.436a). Pāli: Ubhatobhāgavimutta.
[25]
Thân xúc 身 觸; Tập Dị (đd.,nt.): Thân dĩ chứng 身 已 證. Pāli:
santā vimokhā atkkama rūpe āruppā te kāyena phassitvā viharati, tịch
tịnh giải thoát, vượt qua các sắc và vô sắc, sau khi thể nghiệm bằng
thân, vị ấy an trụ.
[26]
Tuệ kiến, Pāli: paññāya cassa
divā, sau khi thấy bằng tuệ.
[27]
Kiến đáo 見 到, cũng gọi là kiến chí. Pāli: diṭṭhipatto.
[28]
Tức là bậc Thánh này căn cứ
trên địa vị tùy pháp hành (xem dưới) chứng đắc Đạo loại trí, với sự
bén nhạy của tuệ (Tập Dị đd., tr.435c Cu-xá đd., nt.). Pāli:
paññāya vodiṭṭhā honti vocaritā, do tuệ mà quán
sát và thấu triệt.
[29]
Sa-di Châu-na 沙 彌 周 那. Pāli: Cunda samaṇuddesa. Được
đồng với Mahā-Cunda em ruột ngài Sāriputta và đắc quả A-na-hàm trong
lúc là Sa-di.
[30]
Đạo và đạo tích. Pāli: magge
vā hi patipadāya, tranh chấp trong các vấn đề liên hệ Thánh đạo và
sự tu tập Thánh đạo.
[31]
Có 18 tránh sự, theo các Luật
tạng. Trong đây chỉ nêu 16. Hai điều thuyết và phi thuyết đề cập
riêng.
[32]
Chỉ tránh 止 諍 hay nói là diệt tránh pháp 滅 諍 法; Pāli:
adhikaraṇa-samathā.
[33]
Thuật ngữ theo Luật Tứ Phần:
1. Hiện tiền tì-ni (Pāli: sammukhāvinaya), 2. Ức niệm tì-ni
(sativinaya), 3. Bất si tì-ni (amūḷhavinaya), 4.
Tự ngôn trị (paṭiññayā kāretabbaṃ), 5. Đa nhân ngữ (yebhuyyasikā), 6. Tội xứ sở
(tassapāyikā), 7. Như thảo phú địa (tiṇavatthāraka)ø.
[34]
Thánh bát chi trai
聖 八 支 齋. Pāli: atthaṅga samannāgato upasatho hay
ariyūposatha.