Phật học cơ bản
Những vấn đề cốt lõi trong Kinh Trung A Hàm
Thích Hạnh Bình
05/08/2554 04:46 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phần 3. Nếu ngũ uẩn là vô thường vô ngã thì ai thọ nhận quả báo

101. Nếu ngũ uẩn là vô thường vô ngã thì ai thọ nhận quả báo

 

62. ‘Kinh Tần Bệ Sa La Vương nghinh Phật’

Bấy giờ, những người xứ Ma-kiệt-đà nghĩ rằng: “Nếu như sắc là vô thường; giác, tưởng, hành, thức là vô thường, thì ai làm, ai thọ nhận khổ, lạc?”

Đức Thế Tôn biết ý nghĩ của những người xứ Ma-kiệt-đà, liền bảo các Tỳ-kheo rằng: “Hàng phàm phu ngu si không học, thấy ngã là ngã mà đắm trước nơi ngã, nhưng thực ra không có ngã, không có ngã sở. Ngã vốn không, ngã sở vốn không; pháp sanh thì sanh, pháp diệt thì diệt; thảy đều do nhân duyên hội tụ mà sanh khổ. Nếu không có nhân duyên thì các khổ liền diệt. Chúng sanh do duyên tụ hội liên tục mà sanh các pháp. Như Lai sau khi thấy chúng sanh liên tục sanh ra nên nói ‘có sanh có tử’. Ta dùng thiên nhãn thanh tịnh hơn hẳn người thường, thấy đúng như thật về chúng sanh này, lúc tử lúc sanh, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ, hoặc bất thiện xứ, đều tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo, và thấy đúng như thật.

 

102. Đức Phật dùng thuyết nhân quả giáo dục xã hội

 

63. ‘Kinh Bệ Bà Lăng Kỳ’

  Nội dung, Nan đề Bà la xa là người giữ giới, biết bố thí cúng dường Tam bảo, do đó trong đời đã được nhiều phước báo.

64. ‘Kinh Thiên Sứ’

  Nội dung, dùng những hình ảnh trị tội trong ngục để khuyến khích người trong xã hội làm phước thiện.

 

103. Tỷ kheo thụ hưởng vật chất phi pháp

 

65. ‘Kinh Ô Điểu Dụ’

Giả sử có Tỳ-kheo nào nương vào thôn ấp mà sống. Vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo mang y ôm bát vào thôn khất thực mà không thủ hộ thân, không thủ hộ các căn, không an trụ chánh niệm, nhưng vị ấy lại thuyết pháp; những pháp hoặc do Phật thuyết, hoặc do Thanh văn thuyết. Nhờ đó vị ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn, thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy càng đắm trước xúc chạm mềm mại[11], không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình sử dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở nên tệ mạt, hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn.

 

104. Vấn đề khất thực và lợi dưỡng

 

83. ‘Kinh Trưởng Lão Thượng Tôn Thụy Miên’

“Này Đại Mục-kiền-liên, nếu ngươi đi vào làng khất thực, hãy nhàm tởm sự lợi lộc, nhàm tởm sự cúng dường, cung kính. Đối với lợi lộc, cúng dường, cung kính, tâm ngươi đã phát khởi sự nhàm tởm rồi mới vào làng khất thực.

“Này Đại Mục-kiền-liên, đừng đem ý cao đại mà vào làng khất thực. Vì sao? Vì nhà trưởng giả có công việc gì đó, Tỳ-kheo đến khất thực khiến trưởng giả không chú ý. Tỳ-kheo liền nghĩ rằng: ‘Ai phá hoại ta ở nhà trưởng giả? Vì sao? Vì ta vào nhà trưởng giả khất thực mà trưởng giả không chú ý”. Nhân đó sanh ưu sầu, nhân ưu sầu mà sanh trạo cử, nhân trạo cử mà tâm không tịch tĩnh, nhân tâm không tịch tĩnh nên tâm rời xa định.

 

105. Tỷ kheo thụ hưởng sự cúng dường đúng pháp

 

65. ‘Kinh Ô Điểu Dụ’

Giả sử có Tỳ-kheo nương vào thôn ấp mà sống. Vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo ấy mang y cầm bát vào thôn khất thực, khéo thủ hộ thân, gìn giữ các căn, vững vàng chánh niệm. Từ thôn ấp khất thực rồi, ăn xong. Sau khi thu xếp y bát, rửa tay chân xong vắt Ni-sư-đàn lên vai, đi đến nơi vô sự, hoặc đến dưới gốc cây, hoặc vào nhà trống, trải Ni-sư-đàn mà ngồi kiết già, chánh thân, chánh nguyện, chuyên niệm hướng nội, đoạn trừ tham lam, muốn cho mình được tâm không não hại; thấy của cải và vật dụng sinh tồn của người khác không móng khởi tâm tham lam mong sẽ được về mình. Đối với tâm tham lam vị ấy đã tịnh trừ. Cũng vậy, đối với sân nhuế, thùy miên, trạo hối, đoạn nghi, độ hoặc, ở trong thiện pháp không còn do dự. Đối với tâm nghi hoặc, vị ấy đã tịnh trừ. Vị ấy đã tịnh trừ năm triền cái này, chúng làm cho tâm ô uế, trí yếu kém; ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến, chứng đắc quả thiền thứ tư, thành tựu và an trụ. Vị ấy chứng đắc định tâm như vậy, thanh tịnh không uế, không phiền, nhu nhuyến, bất động, hướng đến chứng ngộ lậu tận trí thông, rồi vị ấy liền biết như thật rằng: ‘Đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt và đây là khổ diệt đạo’. Biết như thật rằng: ‘Đây là lậu, đây là lậu tập, đây là lậu diệt và đây là lậu diệt đạo’. Sau khi đã biết như vậy, đã thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, tâm giải thoát vô minh lậu. Sau khi giải thoát, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

 

106. Cách việc truyền thừa vương vị và dùng chánh pháp cai trị của các vua Ấn Độ

 

67. ‘Kinh Đại Thiên Nại Lâm’

“– Này Thái tử, hãy biết rằng Thiên sứ đã đến, đầu mọc tóc bạc. Này Thái tử, ta đã hưởng lạïc dục thế gian, nay lại muốn cầu dục lạc thiên thượng. Này Thái tử, nay ta muốn cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này Thái tử, nay ta muốn đem bốn châu thiên hạ này phó thác cho con. Con hãy trị vì, giáo hóa đúng như pháp, chớ dùng phi pháp; không để cho trong nước có những người tạo ác nghiệp, phi phạm hạnh. Này Thái tử, về sau nếu con thấy Thiên sứ đến, đầu mọc tóc bạc, thì con nên đem việc quốc chính của nước này trao lại cho Thái tử của con, khéo dạy bảo nó và trao đất nước lại cho nó, rồi con cũng nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này Thái tử, nay ta chuyển giao pháp kế thừanày cho con. Con cũng phải chuyển giao lại pháp kế thừa này, chớ để cho nhân dân trở thành cực biên. Này Thái tử, tại sao nay ta chuyển trao pháp kế thừa này cho con, bảo con cũng phải chuyển trao pháp kế thừa này, chớ để cho nhân dân trở thành cực biên địa. Này Thái tử, nếu trong nước này sự truyền trao bị dứt tuyệt, không được tiếp nối, thì đó là nhân dân trở thành cực biên. Vì thế cho nên, này Thái tử, nay ta chuyển trao cho con. Này Thái tử, ta đã chuyển trao pháp kế thừa này cho con thì con phải chuyển trao pháp kế thừa ấy lại, chớ để cho nhân dân trở thành cựïc biên.

70. ‘Kinh Chuyển Luân Vương’

Vua Kiên Niệm nghe xong, bảo rằng: “– Này thái tử, thiên luân báu của ta di chuyển, rời khỏi chỗ cũ. Thái tử, chính ta từng nghe cổ nhân nói rằng ‘Nếu thiên luân báu của Chuyển luân vương di chuyển, rời khỏi chỗ cũ, thì vua ấy chắc chắn không còn sống lâu, mạng vua không tồn tại lâu nữa. Này thái tử, ta đã hưởng dục lạc nhân gian, nay ta sẽ cầu dục lạc thiên thượng. Này thái tử, ta muốn cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Này thái tử, nay ta đem bốn châu thiên hạ này giao phó cho con, con hãy chỉnh trị giáo hóa đúng như pháp, chớ dùng phi pháp, không để trong nước có người tạo ác nghiệp và phi phạm hạnh. Này thái tử, về sau nếu con thấy thiên luân báu rời khỏi chỗ cũ một ít thì con cũng phải đem việc quốc chính của nước này giao phó cho con của con, khéo dạy bảo và ủy thác giang sơn lại cho nó, rồi con cũng phải cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo.

“Bấy giờ vua Kiên Niệm giao phó đất nước lại cho thái tử. Khéo dạy bảo xong, vua liền cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Sau khi vua Kiên Niệm xuất gia học đạo bảy ngày, thiên luân báu ấy biến mất, không thấy.…..

“– Con phải học pháp tương thừa. Nếu học pháp tương thừa thì vào ngày rằm thuyết Tùng giải thoát, sau khi tắm rửa và đi lên chánh điện, thiên luân báu ấy chắc chắn sẽ từ phương Đông hiện đến, có ngàn căm và đầy đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời.

“Vua Sát-lợi Đảnh Sanh lại thưa cha rằng: “– Tâu Thiên vương, pháp tương thừa như thế nào mà Thiên vương muốn bảo con học, để lúc học rồi, vào ngày rằm, thuyết Tùng giải thoát, sau khi tắm rửa và lên chánh điện, thiên luân báu ấy sẽ từ phương Đông hiện đến, có ngàn căm và đầy đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời?

“Vua Kiên Niệm bảo con rằng: “– Con hãy quán pháp như pháp, thực hành pháp đúng như pháp. Hãy vì thái tử, hậu phi, thể nữ và các thần dân, Sa-môn, Phạm chí, cho đến loài côn trùng mà phụng trì trai giới vào những ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm, tu hạnh bố thí. Bố thí cho những người nghèo khốn, Sa-môn, Phạm chí, kẻ bần cùng, người cô độc từ các phương xa lại xin; đem đồ ăn thức uống, áo chăn, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, đệm lông, khăn quấn và cung cấp đèn dầu đầy đủ. Nếu trong nước con có các bậc Thượng tôn danh đức, Sa-môn, Phạm chí, thì con phải tùy thời đi đến chỗ của các vị đó để hỏi pháp, thọ pháp như thế này: ‘Thưa chư tôn, thế nào là pháp thiện, thế nào là pháp bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là phước? Thế nào là diệu, thế nào là phi diệu? Thế nào là hắc, thế nào là bạch? Pháp hắc bạch từ đâu sanh? Thế nào là mục đích của cuộc đời này? Thế nào là mục đích của đời sau? Làm thế nào để thọ thiện, không thọ ác?’ Khi được nghe xong, phải thực hành đúng như lời các vị đã dạy. Nếu trong nước của con có kẻ bần cùng thì hãy lấy của cải cung cấp đầy đủ. Này con, đó là pháp tương thừa, con nên khéo học. Con đã khéo học thì vào ngày rằm, thuyết Tùng giải thoát, sau khi tắm rửa và lên chánh điện, chắc chắn Thiên luân báu ấy sẽ từ phương Đông hiện đến, có ngàn căm và đầy đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời.

“Vua Sát-lợi Đảnh Sanh sau đó liền quán pháp đúng như pháp, thực hành pháp đúng như pháp, đã vì thái tử, hậu phi, thể nữ và các thần dân, Sa-môn, Phạm chí, cho đến loài côn trùng mà phụng trì trai giới vào các ngày mồng tám, mười bốn và mười lăm, tu hạnh bố thí. Bố thí cho những người nghèo khốn, Sa-môn, Phạm chí, kẻ bần cùng, người cô độc từ các phương xa lại xin; đã đem cho đồ ăn thức uống, y, mền, xe cộ, tràng hoa, bột hoa, bột hương, nhà cửa, giường nệm, đệm lông, khăn quấn và cung cấp dầu đèn đầy đủ. Nếu trong nước của vua có các bậc Thượng tôn danh đức, Sa-môn, Phạm chí thì vua tùy thời đích thân đến chỗ các vị hỏi pháp, thọ pháp thế này:

“ Thưa chư tôn, thế nào là pháp thiện, thế nào là pháp bất thiện? Thế nào là tội, thế nào là phước? Thế nào là diệu, thế nào là phi diệu? Thế nào là hắc, thế nào là bạch? Pháp hắc bạch từ đâu sanh? Thế nào là mục đích của đời này? Thế nào là mục đích của đời sau? Làm thế nào để thọ thiện mà không thọ ác?

“Nghe xong, nhà vua thực hành đúng như pháp những lời các vị đã dạy. Nếu trong nước của vua có kẻ bần cùng, nhà vua liền lấy của cải tùy thời cung cấp đầy đủ. Sau đó, vua Sát-lợi Đảnh Sanh vào ngày rằm, thuyết Tùng giải thoát; sau khi tắm rửa và lên chánh điện, Thiên luân bảo ấy từ phương Đông hiện đến, có ngàn căm và đầy đủ các bộ phận, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải do người tạo, màu sắc như ánh lửa, chói lọi sáng ngời. Nhà vua đã được làm Chuyển luân vương, cũng thành tựu bảy báu, cũng được bốn đức như ý của con người…..

 

107. Sau khi Thế Tôn nhập diệt ai là người kế thừa

 

145. ‘Kinh Cù Mặc Mục Kiền Liên’

Một thời, sau khi Đức Phật Bát-niết-bàn chưa bao lâu, Tôn giả A-nan du hóa tại thành Vương xá…....

“Bạch A-nan, có Tỳ-kheo nào sánh ngang với Sa-môn Cù-đàm chăng?”

Tôn giả A-nan đáp:“Này Vũ Thế, hoàn toàn không một Tỳ-kheo nào sánh ngang với Thế Tôn được.”

Đại thần Vũ Thế, nước Ma-kiệt-đà lại hỏi: “Vâng, A-nan, không một Tỳ-kheo nào sánh ngang với Thế Tôn được. Nhưng có Tỳ-kheo nào được Sa-môn Cù-đàm trong lúc tại thế lập nên và nói rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Ta Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa của các Tỳ-kheo’, và vị ấy nay là nơi nương tựa của các người?”

Tôn giả A-nan đáp: “Này Vũ Thế, hoàn toàn không một Tỳ-kheo nào được Thế Tôn, Bậc Tri Kiến, được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác trong lúc tại thế lập lên và nói rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Ta Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ và ngày nay đang là chỗ nương tựa cho chúng tôi.”

Đại thần Vũ Thế, nước Ma-kiệt-đà lại hỏi: “Vâng, A-nan, không một Tỳ-kheo nào sánh ngang với Sa-môn Cù-đàm, cũng không một Tỳ-kheo nào được Sa-môn Cù-đàm trong lúc tại thế lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Ta Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo và ngày nay đang là chỗ nương tựa cho các Tỳ-kheo’ và vị ấy nay là nơi nương tựa cho các người. Nhưng có Tỳ-kheo nào được chúng Tăng hòa hiệp và bái lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Thế Tôn Niết-bàn là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’, và vị ấy nay đang là nơi nương tựa của các người?”

Tôn giả A-nan đáp: “Này Vũ Thế, cũng không có Tỳ-kheo nào được chúng Tăng hòa hiệp bái lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Thế Tôn Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ và vị ấy nay đang là chỗ nương tựa cho chúng tôi.”

Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà lại hỏi: “Vâng, A-nan, không một Tỳ-kheo nào sánh ngang với Sa-môn Cù-đàm, cũng không một Tỳ-kheo nào được Sa-môn Cù-đàm trong lúc tại thế lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Ta Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ để vị ấy nay đang là nơi nương tựa cho các người. Cũng không Tỳ-kheo nào được Tăng chúng hòa hiệp bái lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Thế Tôn Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ để vị ấy nay đang là nơi nương tựa cho các người. Này A-nan, nếu vậy các người hiện tại không có ai để nương tựa, nhưng cùng sống hòa hiệp, không tranh chấp, an ổn, đồng nhất một giáo pháp, cùng hiệp nhất như nước với sữa, khoái lạc du hành như trong lúc Sa-môn Cù-đàm tại thế chăng?”

Tôn giả A-nan đáp: “Này Vũ Thế, ông đừng nói rằng chúng tôi không có ai để nương tựa. Vì sao vậy? Thật sự chúng tôi có nơi nương tựa.”

Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà đáp rằng: “Bạch A-nan, những điều được nói trước và sau sao lại không phù hợp nhau? A-nan vừa nói như vầy ‘Không một Tỳ-kheo nào sánh ngang Thế Tôn, cũng không một Tỳ-kheo nào được Thế Tôn, Bậc Tri Kiến, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác trong lúc tại thế lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Ta Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ để vị ấy nay đang là nơi nương tựa cho chúng tôi. Cũng không có Tỳ-kheo nào được chúng Tăng hòa hiệp bái lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Thế Tôn Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ để vị ấy nay là nơi nương tựa cho chúng tôi’. Nhưng này A-nan, do nhân gì, duyên gì, nay lại nói rằng ‘Thật sự chúng tôi có nơi nương tựa’?”

Tôn giả A-nan đáp: “Này Vũ Thế, chúng tôi không nương tựa nơi người, nhưng nương tựa nơi pháp. Này Vũ Thế, nếu chúng tôi nương tựa nơi thôn ấp mà sống, vào ngày mười lăm là ngày thuyết Tùng giải thoát, cùng tập họp ngồi tại một chỗ. Nếu có Tỳ-kheo nào hiểu biết pháp, chúng tôi thỉnh vị ấy thuyết pháp cho chúng tôi. Nếu chúng Tăng ấy được thanh tịnh, chúng tôi hoan hỷ phụng hành pháp mà Tỳ-kheo ấy đã nói. Nếu chúng Tăng ấy không thanh tịnh, tùy theo pháp được nói, chúng tôi khuyên dạy làm cho đúng.”

Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà bạch rằng: “Bạch A-nan, không phải các ngài khuyên dạy làm cho đúng, nhưng chính là pháp khuyên dạy làm cho đúng. Như vậy, A-nan, một ít pháp hay có nhiều pháp thảy đều có thể được tồn tại lâu dài, và như vậy A-nan, các ngài sống hòa hiệp không tranh chấp, an ổn, đồng nhất một giáo pháp, cùng hiệp nhất như nước với sữa, khoái lạc du hành như lúc Sa-môn Cù-đàm tại thế.”

Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà lại hỏi: “Này A-nan, có vị nào đáng tôn kính chăng?”

Tôn giả A-nan đáp: “Này Vũ Thế, có vị xứng đáng được tôn kính.”

Vũ Thế bạch rằng: “Bạch A-nan, những điều được nói sao lại trước sau không phù hợp nhau? A-nan vừa nói như vầy ‘Không một Tỳ-kheo nào sánh ngang Thế Tôn, cũng không một Tỳ-kheo nào được Thế Tôn trong lúc tại thế lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Ta Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo” để vị ấy nay đang là nơi nương tựa cho chúng tôi. Cũng không có một Tỳ-kheo nào được chúng Tăng hòa hiệp bái lập lên rằng ‘Tỳ-kheo này sau khi Thế Tôn Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo’ để nay vị ấy đang là nơi nương tựa cho chúng tôi. Nhưng này A-nan, do nhân gì, duyên gì nay lại nói rằng ‘Có vị xứng đáng được tôn kính’?”

Tôn giả A-nan đáp: “Này Vũ Thế, Thế Tôn, bậc Tri kiến, là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đã có dạy về mười pháp đáng tôn kính. Nếu chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào có mười pháp này, chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, lễ sự Tỳ-kheo ấy.”

“Những gì là mười?

“Này Vũ Thế, Tỳ-kheo tu tập cấm giới, thủ hộ Tùng giải thoát, lại khéo thu nhiếp oai nghi lễ tiết, thấy tội lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh lòng lo sợ, thọ trì học giới. Này Vũ Thế, nếu chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào tích cực hành trì tăng thượng giới thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.

“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo học rộng nghe nhiều, ghi nhớ không quên, tích lũy sự bác văn, đối với những pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, cụ túc thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh, đối với các pháp như vậy, học rộng nghe nhiều, tụng thuộc cho đến hằng nghìn, chuyên ý tư duy quán sát, thấy rõ, hiểu sâu. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào tích cực đa văn thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.

“Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo ấy xứng đáng là thiện tri thức, xứng đáng là thiện bằng hữu, xứng đáng là người bạn đồng hành tốt. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào thật sự xứng đáng là thiện tri thức, thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.

 

108. Truyền thừa chánh pháp

 

67. ‘Kinh Đại Thiên Nại Lâm’

“Này A-nan, vua Đại Thiên thuở xưa ấy ông cho là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. Nên biết vị ấy chính là Ta.

“Này A-nan, thuở xưa, Ta từ đời con đến đời con, từ đời cháu đến đời cháu, từ dòng họ đến dòng họ, lần lượt có đến tám vạn bốn ngàn Chuyển luân vương, từng cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, học Tiên nhân vương, tu hành phạm hạnh, tại Di-tát-la này trú trong rừng xoài Đại Thiên. Bấy giờ Ta tự làm lợi ích cho mình, cũng làm lợi ích cho kẻ khác, làm lợi ích cho mọi người. Ta thương xót thế gian, vì trời và vì người mà cầu nghĩa, lợi ích và an ổn khoái lạc. Khi ấy, Ta thuyết pháp không đến chỗ rốt ráo, không rốt ráo bạch tịnh, không rốt ráo phạm hạnh. Vì không rốt ráo phạm hạnh, lúc ấy Ta không thoát ly khỏi sự sanh, tuổi già, bệnh tật, sự chết, khóc than, áo não; cũng chưa thể thoát ra ngoài mọi khổ đau.

“Này A-nan, nay Ta xuất hiện ở đời, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, gọi là Phật[, Chúng Hựu. Nay Ta làm lợi ích cho mình, cũng làm lợi ích cho người khác, làm lợi ích cho mọi người. Ta thương xót thế gian, vì trời và người mà cầu nghĩa và lợi ích, cầu an ổn khoái lạc. Nay Ta thuyết pháp đã đến chỗ rốt ráo bạch tịnh, rốt ráo phạm hạnh. Vì đã rốt ráo phạm hạnh, nay Ta lìa khỏi sự sanh, tuổi già, bệnh tật, sự chết, khóc than, áo não. Nay Ta đã thoát mọi khổ đau.

“Này A-nan, nay Ta chuyển trao pháp kế thừa này cho ông, ông cũng phải chuyển trao pháp kế thừa này lại, chớ để cho Phật pháp dứt đoạn.

“Này A-nan, thế nào là pháp kế thừa mà nay Ta chuyển trao cho ông và bảo ông cũng phải chuyển trao lại pháp kế thừa ấy, chớ để cho Phật pháp dứt đoạn? Đó chính là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Này A-nan, đó chính là pháp kế thừa mà nay Ta đã chuyển trao cho ông, và ông cũng phải chuyển trao lại pháp kế thừa ấy, chớ để cho Phật chủng đứt đoạn.”

70. ‘Kinh Chuyển Luân Vương’

“Này Tỳ-kheo, các ngươi cũng phải như vậy, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, đi lại trong cảnh giới của chính mình mà phụ vương đã truyền lại, nên tuổi thọ không giảm xuống, hình sắc không thô xấu, chưa từng mất an lạc, thế lực cũng không suy.

“Thế nào gọi là Tỳ-kheo đi lại trong cảnh giới của chính mình mà phụ vương đã truyền lại? Đó là Tỳ-kheo quán nội thân như thân, nội giác, nội pháp như pháp Như thế gọi là Tỳ-kheo đi lại trong cảnh giới của chính mình mà phụ vương đã truyền lại.

“Thế nào gọi là tuổi thọ của thầy Tỳ-kheo? Tỳ-kheo ấy tu dục định như ý túc, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, hướng dẫn đến xuất yếu, tu tinh tấn định, tu tâm định, tu tư duy định, như ý túc, y viễn ly, y vô dục, y diệt tận, hướng đến xuất yếu. Đó là tuổi thọ của Tỳ-kheo.

“Thế nào là sắc của Tỳ-kheo? Đó là Tỳ-kheo tu tập cấm giới, thủ hộ giải thoát giới, lại khéo thu nhiếp các oai nghi lễ tiết, thấy tội nhỏ cũng thường canh cánh lo sợ, thọ trì học giới. Đó là sắc của Tỳ-kheo.

“Thế nào là lạc của Tỳ-kheo? Đó là Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc cảnh thiền thứ tư, thành tựu và an trú. Đó là lạc của Tỳ-kheo.

“Thế nào là lực của Tỳ-kheo? Đó là Tỳ-kheo diệt sạch các lậu, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, trong đời hiện tại tự tri tự giác, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Đó là lực của Tỳ-kheo.“Này Tỳ-kheo, Ta không thấy có lực nào không thể hàng phục được như lực của Ma vương, cho nên lậu tận Tỳ-kheo phải dùng lực của vô thượng trí tuệ mới hàng phục được.”

 

109. Sau khi Như Lai diệt độ, Tỷ kheo lấy ‘giới’ làm thầy hay lấy ‘pháp’ làm thầy ?

 

145. ‘Kinh Cù Mặc Mục Kiền Liên’

Này Vũ Thế, chúng tôi không nương tựa nơi người, nhưng nương tựa nơi pháp. Này Vũ Thế, nếu chúng tôi nương tựa nơi thôn ấp mà sống, vào ngày mười lăm là ngày thuyết Tùng giải thoát, cùng tập họp ngồi tại một chỗ. Nếu có Tỳ-kheo nào hiểu biết pháp, chúng tôi thỉnh vị ấy thuyết pháp cho chúng tôi. Nếu chúng Tăng ấy được thanh tịnh, chúng tôi hoan hỷ phụng hành pháp mà Tỳ-kheo ấy đã nói. Nếu chúng Tăng ấy không thanh tịnh, tùy theo pháp được nói, chúng tôi khuyên dạy làm cho đúng[8].”

 

110. Tỷ kheo nên thừa tự pháp không nên thừa tự tài vật

 

88. ‘Kinh Cầu Pháp’

Đức Thế Tôn bảo các thầy Tỳ-kheo: “Các ngươi nên thực hành sự cầu pháp, đừng thực hành sự cầu ẩm thực. Vì sao? Vì Ta thương tưởng các đệ tử, muốn các đệ tử nên thực hành sự cầu pháp, chứ không thực hành sự cầu ẩm thực. Nếu các ngươi thực hành cầu ẩm thực, không thực hành sự cầu pháp, không những các ngươi tự xấu xa, mà Ta cũng không được danh dự gì. Nếu các thầy thực hành sự cầu pháp, chứ không thực hành sự cầu ẩm thực, không những các thầy đã tự tốt đẹp mà Ta cũng được danh dự.

 

111. Thế giới cực lạc (Có liên quan đến Kinh A Di Đà)

 

68. ‘Kinh Đại Thiện Kiến Vương’

Lúc ấy Tôn giả A-nan đang cầm quạt hầu Phật. Tôn giả chắp tay hướng về Đức Phật thưa rằng: “Bạch Thế Tôn, còn có những thành lớn khác. Một là Chiêm-bà (Pāli: Campā), hai là Xá-vệ (Sāvatthi), ba là Bệ-xá-ly (Vesali), bốn là Vương xá (Rājagaha), năm là Ba-la-nại (Bārānasi), sáu là Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu). Sao Thế Tôn không nhập Niết-bàn ở các nơi ấy, mà quyết định tại thành bằng đất nhỏ hẹp này, một thành nhỏ hẹp nhất trong các thành?”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo: “Này A-nan, ngươi chớ nói rằng đây là thành đất nhỏ hẹp, là thành nhỏ nhất trong các thành. Vì sao? Vì thuở quá khứ, thành Câu-thi-na này tên là Câu-thi vương thành (Pāli: Kūsavati), giàu có cùng tột, dân chúng đông đúc.

“A-nan, Câu-thi vương thành dài mười hai do-diên, rộng bảy do-diên.

“A-nan, ở đây dựng tháp canh cao bằng một người, hoặc hai, ba, bốn..., cho đến bảy người.

“A-nan, ở chung quanh bên ngoài Câu-thi vương thành, có bảy lớp hào. Hào ấy được xây bằng gạch bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Đáy hào cũng trải cát bằng bốn loại báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh.

“Này A-nan, Câu-thi vương thành có bảy lớp tường thành bao bọc bên ngoài. Những lớp tường thành ấy cũng được xây bằng gạch bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh.

“Này A-nan, Câu-thi vương thành có bảy lớp hàng cây Đa-la (Pāli: tāla,)bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh bao bọc xung quanh. Cây Đa-la bằng vàng thì hoa, lá và trái bằng bạc. Cây Đa-la bằng bạc thì hoa, lá và trái bằng vàng. Cây Đa-la bằng lưu ly thì hoa, lá và trái bằng thủy tinh. Cây Đa-la bằng thủy tinh thì hoa, lá và trái bằng lưu ly.

“Này A-nan, ở giữa những cây Đa-la có đào nhiều hồ sen; hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen đỏ và hồ hoa sen trắng.

“Này A-nan, bờ hồ hoa ấy được đắp bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Ở đáy hồ thì rải cát bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Trong thành hồ ấy có thềm cấp bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh. Thềm cấp bằng vàng thì bậc chân bằng bạc, thềm cấp bằng bạc thì có bậc chân bằng vàng. Thềm cấp bằng lưu ly thì có bậc chân bằng thủy tinh. Thềm cấp bằng thủy tinh thì có bậc chân bằng lưu ly.

“Này A-nan, xung quanh hồ ấy có câu lan bằng bốn báu, lưỡi câu là vàng bạc, lưu ly, thủy tinh. Lan can bằng vàng thì lưỡi câu bằng bạc. Lan can bằng bạc thì lưỡi câu bằng vàng. Lan can bằng lưu ly thì lưỡi câu bằng thủy tinh. Lan can bằng thủy tinh thì lưỡi câu bằng lưu ly.

“Này A-nan, hồ ấy được trùm bởi màn lưới có chuông treo ở giữa. Chuông ấy làm bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Chuông bằng vàng thì quả lắc bằng bạc. Chuông bằng bạc thì quả lắc bằng vàng. Chuông bằng lưu ly thì quả lắc bằng thủy tinh. Chuông bằng thủy tinh thì quả lắc bằng lưu ly.

“Này A-nan, trong hồ ấy trồng nhiều loại hoa dưới nước như hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen đỏ, hoa sen trắng; thường có nước, có hoa, không có người trông giữ ngăn cấm vì thuộc về tất cả mọi người.

“Này A-nan, ở bờ hồ ấy có trồng nhiều loại hoa như hoa Tu-ma-na, hoa Bà-sư, hoa Chiêm-bặc, hoa Kiện-đề, hoa Ma-đầu-kiện-đề, hoa A-đề-mâu-đa, hoa Ba-la đầu.

“Này A-nan, bên các bờ hồ sen ấy, có nhiều người nữ thân thể nõn nà, sạch sẽ, trong sáng, sắc đẹp hơn người, chẳng kém thiên nữ, tư dung đoan chánh, ai nhìn cũng thấy vui thích, được trang sức đầy đủ các loại ngọc báu; những người nữ ấy bố thí tùy theo nhu cầu của mọi người như đồ ăn thức uống, áo, chăn, xe cộ, nhà cửa, giường nệm, đệm lông ngũ sắc, tôi tớ, đèn dầu... đem cung cấp đầy đủ.

“Này A-nan, lá cây Đa-la ấy lúc gió thổi thì phát ra âm thanh cực kỳ vi diệu, cũng như năm loại kỹ nhạc được nhạc sư tài ba tấu lên thì có âm thanh hết sức hài hòa, tuyệt diệu. Này A-nan, lá cây ấy lúc gió thổi cũng lại như vậy.

“Này A-nan, trong thành Câu-thi ấy giả sử có người tồi tệ thấp hèn hạ, muốn được thưởng thức năm loại kỹ nhạc, nếu cùng đến giữa những cây Đa-la thì đều được thưởng thức thỏa thích.

“Này A-nan, Câu-thi vương thành thường có mười hai loại tiếng không bao giờ gián đoạn, là tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng đi bộ, tiếng tù và, tiếng trống, tiếng trống bạc lạc], tiếng trống kỷ, tiếng ca, tiếng vũ, tiếng ăn, tiếng bố thí.

“Này A-nan, trong thành Câu-thi có vua tên là Đại Thiện Kiến, là vị Chuyển luân vương thông minh trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại; là vị Pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu, được bốn đức như ý của con người.

“Này A-nan, bấy giờ các Phạm chí, cư sĩ trong Câu-thi vương thành mang các loại châu báu, kiềm-bà-la báu], chở đến chỗ vua Đại Thiện Kiến, thưa rằng: “Tâu Thiên vương, các loại châu báu, kiềm-bà-la báu này, mong Thiên vương vì lòng từ mẫn mà nạp thọ.

…..

“Này A-nan, đại chánh điện ấy xung quanh có câu lan bằng bốn báu, vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Lan can bằng vàng thì lưỡi câu bằng bạc. Lan can bằng bạc thì lưỡi câu bằng vàng. Lan can bằng lưu ly thì lưỡi câu bằng thủy tinh. Lan can bằng thủy tinh thì lưỡi câu bằng lưu ly.

“Này A-nan, đại chánh điện ấy được che bằng màn lưới, trong đó treo các thứ chuông lắc. Chuông ấy làm bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Chuông bằng vàng thì quả lắc bằng bạc. Chuông làm bằng bạc thì quả lắc bằng vàng. Chuông bằng lưu ly thì quả lắc bằng thủy tinh. Chuông bằng thủy tinh thì quả lắc bằng lưu ly.

“Này A-nan, đại chánh điện ấy sau khi được kiến trúc đầy đủ, bốn vạn tám ngàn vua các tiểu quốc đi ra cách đại chánh điện không xa, xây ao sen lớn.

“Này A-nan, ao sen lớn ấy dài một do-diên; rộng một do-diên.

“Này A-nan, ao sen lớn ấy được đắp gạch bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Đáy ao được rải cát bốn thứ báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh.

“Này Na-nan, ao sen lớn ấy có thềm cấp bằng bốn thứ báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Tầng cấp bằng vàng thì thềm bằng bạc. Tầng cấp bằng bạc thì thềm bằng vàng. Tầng cấp bằng lưu ly thì thềm bằng thủy tinh. Tầng cấp bằng thủy tinh thì thềm bằng lưu ly.

“Này A-nan, chung quanh ao sen lớn có câu lan bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Lan can bằng vàng thì lưỡi câu bằng bạc. Lan can bằng bạc thì lưỡi câu bằng vàng. Lan can bằng lưu ly thì lưỡi câu bằng thủy tinh. Lan can bằng thủy tinh thì lưỡi câu bằng lưu ly.

“Này A-nan, ao sen lớn ấy được che bởi màn lưới, trong đó treo các thứ chuông lắc. Chuông ấy làm bằng bốn báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Chuông bằng vàng thì quả lắc bằng bạc. Chuông bằng bạc thì quả lắc bằng vàng. Chuông bằng lưu ly thì quả lắc bằng thủy tinh. Chuông bằng thủy tinh thì quả lắc bằng lưu ly.

“Này A-nan, trong ao sen lớn ấy có nhiều loại thủy hoa như hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen trắng, hoa sen đỏ, thường có nước ở hoa, có người gìn giữ, không thuộc về tất cả mọi người.

“Này A-nan, trong ao sen lớn ấy có nhiều loại lục hoa, như hoa Tu-ma-na, hoa Bà-sư, hoa Chiêm-bặc, hoa Tu-kiền-đề, hoa Ma-đầu-kiẹân-đề, hoa A-đề-mâu-đa, hoa Ba-la-lại……

 

112. Bằng cách nào trang nghiêm thân để báo ân Phật ?

 

69. ‘Kinh Tam Thập Dụ’

“Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có đầy đủ các thứ trang sức, lụa, tơ, gấm, len, nhẫn tay, xuyến cườm tay, chuỗi ngọc khuỷu tay, kiềng đeo cổ, vàng bạc, châu ngọc cài mái tóc. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni cũng giống như thế, dùng giới đức để làm đồ trang sức. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu giới đức để dùng làm đồ trang sức thì đều có thể xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có năm nghi trượng, kiếm, lọng, thiên quan, phất trần cán bằng ngọc và giày cẩn ngọc để bảo vệ thân cho được an ổn. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng sự giữ gìn cấm giới để bảo vệ phạm hạnh, cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu cấm giới để bảo vệ phạm hạnh thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có người giữ cửa. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni lấy sự thủ hộ sáu căn làm người giữ cửa cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni nào thành tựu sự thủ hộ sáu căn thì liền xả được điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có tướng giữ cỗng thành thông minh, có trí tuệ, có sự phân biệt rõ ràng. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng chánh niệm làm tướng giữ cổng cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu chánh niệm thì liền xả được điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có hồ tắm đẹp, trong mát, tràn đầy. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni cũng dùng tĩnh tâm làm hồ tắm mát, cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu tĩnh tâm làm hồ tắm mát thì xả được điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có người hầu tắm, thường phục vụ tắm rửa. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni lấy thiện tri thức làm người hầu tắm cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu việc lấy thiện tri thức làm người hầu tắm, thì có thể xả được điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có bột hương thoa thân, mộc cây, trầm thủy, chiên đàn, tô hợp, kê thiệt], đô lương. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng giới đức làm bột hương cũng lại như vậy. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu giới đức để làm bột hương thì xả bỏ được điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có y phục tốt đẹp, như áo sơ-ma, áo gấm lụa, áo bạch điệp, áo da sơn dương. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng sự hổ thẹn làm y phục cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu sự hổ thẹn làm y phục thì xả bỏ được điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có giường ghế rất rộng, cao lớn. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng Tứ thiền làm giường ghế cũng giống như vậy. Này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu Tứ thiền thì liền xả bỏ được điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có thợ hớt tóc rành nghề, thường phục vụ tắm gội, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng chánh niệm làm thợ hớt tóc cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào dùng chánh niệm làm thợ hớt tóc thì có thể xả bỏ được điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có đồ ăn ngon lành mỹ diệu, đủ các mùi vị đặc biệt; này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng hỷ làm thức ăn, cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu hỷ làm thức ăn thì có thể tiêu diệt được điều ác, tu tập thiện pháp.

“Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có các thức uống như nước trái xoài], nước chiêm-ba], nước mía, nước nho, nước mạt-ta-đề; này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni cũng dùng pháp vị làm thức uống, cũng như vậy. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu pháp vị dùng làm thức uống thì liền xả bỏ được điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có tràng hoa đẹp, như tràng hoa sen xanh, tràng hoa Chiêm-bặc, tràng hoa Tu-ma-na, tràng hoa Bà-sư, tràng hoa A-đề-mâu-đa, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng ba định là Không, Vô nguyện, Vô tướng làm tràng hoa cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu ba định Không, Vô nguyện, Vô tướng làm tràng hoa thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

 “Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có phòng ốc, nhà cửa, lầu quán, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng ba thất là Thiên thất, Phạm thất và Thánh thất làm nhà cửa, cũng giống như thế. Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu ba thất dùng làm nhà cửa thì liền xả bỏ đựợc điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có người điển thủ, tức người giữ nhà], thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng trí tuệ làm người giữ nhà cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào dùng trí tuệ làm người giữ nhà thì liền xả bỏ được điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có bốn loại thuế của các quốc ấp. Phần thứ nhất để cung cấp vua và hoàng hậu, cùng các thể nữ trong cung. Phần thứ hai cung cấp cho thái tử và quần thần. Phần thứ ba cung cấp cho toàn dân. Phần thứ tư cung cấp cho Sa-môn, Phạm chí. Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni cũng dùng bốn niệm làm tô thuế, giống như vậy. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu bốn niệm xứ dùng làm thuế thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có bốn loại quân là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân; này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng bốn chánh đoạnlàm bốn loại quân cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu bốn chánh đoạn làm bốn loại quân thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có bốn loại xe tải, như xe tải bằng voi, xe tải bằng ngựa, xe tải bằng xe, xe tải bằng người; này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng bốn như ý túc làm xe tải cũng giống như vậy. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu bốn như ý túc dùng làm xe tải, thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có các loại xe trang hoàng bằng các loại da vằn tốt của sư tử, cọp, beo dệt thành những thứ màu sắc lẫn lộn; thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng chỉ quán làm xe cũng giống như vậy. Này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu chỉ quán dùng làm xe có thể xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có giá ngự, tức là người đánh xe, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng chánh niệm làm kẻ giá ngự cũng lại như vậy. Này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu chánh niệm dùng làm giá ngự thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có cây phướn cực cao, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đem tâm mình làm cây phướn cao, cũng giống như vậy. Này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào đem tâm mình làm cây phướn cao thì liền có thể xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có đường đi tốt đẹp, bằng phẳng, ngay ngắn, trực chỉ đến các công viên, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng Thánh đạo tám chi làm con đường bằng phẳng, ngay ngắn, trực chỉ Niết-bàn cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu Thánh đạo tám chi dùng làm con đường bằng phẳng, ngay ngắn, trực chỉ Niết-bàn, thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có tướng quân thông minh, trí tuệ, có sự phân biệt rõ ràng, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng trí tuệ làm tướng quân cũng giống như vậy. Này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu trí tuệ dùng làm tướng quân thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có đại chánh điện cao rộng, sáng sủa, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng trí tuệ làm đại chánh điện cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu trí tuệ làm đại chánh điện thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần bước lên trên điện cao, quán sát những người dưới thấp qua lại, chạy nhảy, đi, đứng, ngồi, nằm, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đem vô lượng trí tuệ thăng lên cao điện để quán sát tâm mình, làm cho tâm trùm khắp, nhu nhuyến, hoan hỷ, viễn ly. này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu vô lượng trí tuệ làm cao điện để tự quán tâm mình, làm cho trùm khắp, nhu nhuyến, hoan hỷ, viễn ly, thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có Tông chánh khanh, thành am hiểu tông tộc, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni khi dùng bốn Thánh chủng làm Tông chánh khanh cũng giống như vậy. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu bốn thánh chủng dùng làm Tông chánh khanh thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có lương y danh tiếng trị được các bệnh, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng chánh niệm làm lương y cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu chánh niệm dùng làm lương y thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có chánh ngự sàng, trải lên bằng các thứ chăn nệm, đệm lông năm sắc, phủ lên bằng các thứ gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm lót hai đầu để gối và trải thảm quý bằng da sơn dương, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng vô ngại định làm chánh ngự sàng cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu vô ngại định làm chánh ngự sàng thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần có ngọc báu danh tiếng, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dùng bất động tâm giải thoát làm ngọc báu danh tiếng cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu bất động tâm giải thoát làm ngọc báu danh tiếng thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện.

“Này Xá-lê Tử, cũng như vua và đại thần tắm nước trong mát, thoa bột hương tốt khiến thân thể thơm sạch, thì này Xá-lê Tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni tự quán tâm mình, khiến cho thân tịch tịnh, cũng giống như thế. Này Xá-lê Tử, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào thành tựu việc quán tâm mình, khiến cho thân tịch tịnh thì có thể kính trọng, phụng sự Thế Tôn, Pháp và chúng Tỳ-kheo, cùng với giới, bất phóng dật, bố thí và định.”

 

113. Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi

 

70. ‘Kinh Chuyển Luân Vương’

Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng: “Này các Tỳ-kheo, hãy tự mình thắp lên ngọn đèn Chánh pháp. Hãy nương tựa nơi pháp của chính mình, chớ đừng thắp lên ngọn đèn khác, đừng nương tựa một pháp khác (Pāli: Attadìpà bhikkhàve viharatha atta-saranà anañña-saranà. Dhammadìpà dhamma-saranà anañña-saranà.).

“Này chư Tỳ-kheo, nếu ai tự mình thắp lên ngọn đèn chánh pháp, tự nương tựa nơi pháp của chính mình, không thắp lên ngọn đèn khác, không nương tựa một pháp khác, thì có thể cầu học, được lợi và phước vô lượng.

 

114. Có hay không có đời sau

 

71. ‘Kinh Bệ Tứ’

Vua Bệ-tứ nghe xong, liền bảo người hầu: “Ngươi hãy đến các Phạm chí, cư sĩ ở Tư-hòa-đề ấy, nói rằng ‘Vua Bệ-tứ bảo các Phạm chí, cư sĩ xứ Tư-hòa-đề: ‘Này các ngươi hãy đợi, ta sẽ cùng các ngươi đến yết kiến Cưu-ma-la Ca-diếp ấy. Các người ngu si đừng để Sa-môn ấy lừa gạt nói rằng có đời sau, có chúng sanh hóa sanh. Ta thấy như vầy, chủ trương như vầy: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.’ ……

“Này Ca-diếp, tôi nay muốn hỏi, thầy có nghe chăng?”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp: “Vua Bệ-tứ, muốn hỏi điều gì thì cứ hỏi. Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.”

Bấy giờ vua Bệ-tứ liền hỏi: “Này Ca-diếp, tôi quan niệm thế này, chủ trương thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh sanh’. Ý Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp nghĩ sao?”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp: “Vua Bệ-tứ, tôi nay hỏi vua, vua hiểu thế nào trả lời thế ấy. Ý vua thế nào, mặt trời, mặt trăng này thuộc về thế giới này hay thế giới khác?”

Vua Bệ-tứ đáp: “Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng: “Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp: “Đúng như vậy, Ca-diếp, còn có sự ác. Này Ca-diếp, tôi có người thân bị bệnh trầm trọng. Tôi đi đến chỗ bệnh nhân; đến nơi, nói rằng: ‘Bạn nên biết, ta quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’. Này bạn, trái lại có Sa-môn, Phạm chí quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Có đời sau, có chúng sanh hóa sanh’. Ta thường không tin chủ trương của những kẻ ấy. Những kẻ ấy lại bảo rằng: ‘Nếu có kẻ nam nữ làm việc ác, không tinh tấn, lười biếng, ganh ghét, bỏn sẻn, tham lam, không đại lượng, không thi ân, đắm trước của cải; do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, kẻ ấy chắc chắn đi vào ác xứ, sanh vào địa ngục’. Này bạn, nếu Sa-môn, Phạm chí ấy nói như vậy mà đúng thì bạn là người ruột thịt của ta, đã làm việc ác, không tinh tấn, biếng nhác, ganh ghét, bỏn sẻn, tham lam, không đại lượng, không thi ân, đắm trước của cải; nếu thân hoại mạng chung, bạn chắc chắn sẽ sanh đến ác xứ, sanh vào địa ngục, thì bạn hãy trở lại tin cho ta hay thế này: ‘Này Bệ-tứ, trong địa ngục ấy khổ như thế này, đúng như bấy giờ tôi đã chứng kiến’. Này Ca-diếp, người thân ấy nghe tôi nói đã nhận lời, thế mà không bao giờ trở lại nói tin cho tôi hay như thế này: ‘Này vua Bệ-tứ, trong địa ngục kia, khổ như thế này’. Ca-diếp, nhân sự kiện này nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo: “Vua Bệ-tứ, tôi lại hỏi vua. Vua hiểu thế nào trả lời thế ấy. Nếu có thuộc hạ của vua bắt trói một tội nhân, đem đến trước vua, thưa rằng: ‘Tâu Thiên vương, người này có tội, xin Thiên vương trừng trị’. Vua bảo, ‘Các khanh hãy đem trói chặt hai tay ra đằng sau, bỏ nó lên lừa chở đi, đánh trống lớn tiếng như tiếng lừa kêu, tuyên bố cho khắp nơi biết, rồi đưa ra cổng thành phía Nam, bắt ngồi dưới cây nêu cao rồi chém đầu nó’. Thuộc hạ vâng lời, liền trói tay tội nhân ra đằng sau, bỏ lên lừa chở đi, đánh trống lớn tiếng như lừa kêu, tuyên bố cho khắp nơi biết xong, đưa ra cổng thành hướng Nam, bắt ngồi dưới cây nêu cao, muốn chém đầu nó. Tội nhân sắp chết nói với đao phủ rằng: ‘Ông hãy hoãn cho tôi một lúc. Tôi muốn gặp cha mẹ, vợ con, tớ gái, người đưa tin. Hãy để tôi tạm thời ra đi’. Ý vua nghĩ sao? Người đao phủ có thể để cho tội nhân ấy tạm thời ra đi ít lâu không?”

Vua Bệ-tứ đáp: “Không thể, Ca-diếp.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp lại bảo: “Người thân của vua cũng lại như thế, đã làm việc ác, không tinh tấn, biếng nhác, ganh ghét, bỏn sẻn, tham lam, không thi ân, không đại lượng, đắm trước của cải. Do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Lúc ngục tốt bắt ra hành hạ đau đớn, người thân của vua nói với ngục tốt rằng: ‘Nàøy các ngục tốt, các ông hãy khoan một lúc, chớ hành hạ ta đau đớn. Ta muốn tạm thời đi đến vua Bệ-tứ để báo cho vua hay rằng ‘Trong ngục tốt kia khổ như thế này, như thế này, mà tôi đã chứng kiến’.’ Ý vua thế nào? Ngục tốt kia có thể thả cho người thân của vua tạm thời ra đi không?”

Vua Bệ-tứ đáp: “Không thể, Ca-diếp.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp bảo rằng: “Vua hãy quán sát về đời sau cũng lại như vậy, chớ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này Bệ-tứ, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào đoạn tuyệt dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, thú hướng ly si; vị ấy dùng thiên nhãn thanh tịnh, hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh này lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hay bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo, vị ấy đã thấy hiện tượng ấy đúng như thật.”

Vua Bệ-tứ lại nói: “Sa-môn Cưu-ma-la Ca-diếp, tuy Sa-môn nói như thế nhưng tôi vẫn quan niệm như thế này, chủ trương như thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp đáp rằng: “Vua Bệ-tứ, còn có sự ác nào mà qua cái này chăng?”

Vua Bệ-tứ đáp: “Đúng như vậy, Ca-diếp, lại còn có sự ác này. Này Ca-diếp, tôi có người thân lâm bệnh trầm trọng, tôi đến chỗ bệnh nhân; đến rồi nói rằng: ‘Bạn nên biết, tôi quan niệm thế này, chủ trương thế này: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’. Này bạn thân yêu, trái lại có Sa-môn, Phạm chí quan niệm thế này, chủ trương như thế này: ‘Có đời sau, có chúng sanh hóa sanh’. Tôi thường không tin những kẻ kia về chủ trương của họ. Họ cho rằng: ‘Nếu có kẻ nam người nữ nào có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, không tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, cung cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, làm cho họ thường an lạc, bố thí, không tham đắm của cải; kẻ kia do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời’. Này bạn thân yêu, nếu Sa-môn, Phạm chí nói như vậy mà đúng thì bạn là người thân ruột thịt của tôi, có diệu hạnh, tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, tham lam, có đại lượng, có thi ân, sống cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, làm cho họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải. Nếu khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời thì bạn hãy trở lại tin cho ta hay như thế này: ‘Này vua Bệ-tứ, trên cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này, đúng như bấy giờ tôi đã chứng kiến’.’ Này Sa-môn, người thân ấy nghe tôi nói và đã nhận lời, thế mà không bao giờ trở lại tin cho tôi hay, ‘Này vua Bệ-tứ, trên cõi trời hoan lạc như thế này, như thế này’. Ca-diếp, nhân sự kiện đó cho nên tôi nghĩ rằng: ‘Không có đời sau, không có chúng sanh hóa sanh’.”

Tôn giả Ca-diếp bảo: “Vua Bệ-tứ, hãy nghe tôi nói thí dụ. Người trí nghe thí dụ này thì hiểu được nghĩa. Này vua Bệ-tứ, ví như ngoài thôn ấp kia có một hầm xí công cộng, sâu quá đầu người, đầy phẩn ở trong. Có một người rơi xuống, chìm tận đáy hầm ấy. Nếu có người khác thương xót, mong cầu sự phước lợi và hữu ích, sự an ổn khoái lạc cho người mắc nạn, liền thong thả kéo nạn nhân từ hầm xí lên; gạt phẩn bằng thanh tre, chùi bằng lá cây, tắm bằng nước ấm. Sau khi tắm rửa sạch sẽ, đem bột hương thoa khắp thân thể, mời lên chánh điện cho vui hưởng ngũ dục. Ý vua nghĩ sao? Há kẻ nạn nhân ấy lại tưởng nhớ hầm xí trước đây, hoan hỷ ngợi khen và muốn trở lại hay sao?”

Vua Bệ-tứ trả lời: “Không thể, Ca-diếp. Nếu có một kẻ nào khác tưởng tới hầm xí kia, hoan hỷ ngợi khen và muốn thấy thì nạn nhân kia cũng không thể ưa kẻ này, huống là chính nạn nhân lại tưởng nhớ hầm xí trước đây, hoan hỷ ngợi khen, muốn thấy lần nữa. Điều đó không thể xảy ra.”

“Vua Bệ-tứ, nếu vua có người thân có diệu hạnh, có tinh tấn, tinh cần, không biếng nhác, không ganh ghét, không bỏn sẻn, không tham lam, có đại lượng, có thi ân, cởi mở, phóng xả, chu cấp cho người cô độc, kẻ bần cùng, khiến cho họ được an lạc, bố thí, không đắm trước của cải; người ấy do nhân duyên đó, khi thân hoại mạnh chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Sau khi sanh lên cõi trời được vui hưởng ngũ dục ở đó. Ý vua nghĩ sao? Há lại thiên tử ở cõi trời kia bỏ ngũ dục ở đó, tưởng nhớ ngũ dục ở nhân gian này? Hoan hỷ ngợi khen, muốn thấy lại nữa sao?”

Vua Bệ-tứ đáp: “Không thể, Ca-diếp. Vì sao? Vì ngũ dục nhân gian xú uế, ở nơi bất tịnh, rất đáng ghét, không thể hướng đến, không thể ưa thích, thô sáp bất tịnh. Này Ca-diếp, so với ngũ dục nhân gian thì ngũ dục cõi trời là hơn, là tối thắng, là tối hảo, là tối thượng. Nếu thiên tử cõi trời kia, xả bỏ ngũ dục ở đó, tưởng đến ngũ dục nhân gian, hoan hỷ ngợi khen, muốn thấy lại; điều đó không thể xảy ra.”

“Vua Bệ-tứ, vua nên quán sát về đời sau cũng giống như thế, chứ đừng giống như cái thấy của con mắt thịt. Này vua Bệ-tứ, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào đoạn dục, ly dục, thú hướng ly dục; đoạn tuyệt nhuế, ly nhuế, thú hướng ly nhuế; đoạn tuyệt si, ly si, thú hướng ly si; vị ấy dùng thiên nhãn thanh tịnh, hơn hẳn người thường, thấy chúng sanh này lúc sanh lúc tử, khi đẹp khi xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ hoặc bất thiện xứ, tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo. Vị ấy đã thấy sự kiện ấy đúng như sự thật.”………(Xin xem toàn bội nội dung kinh này)

 

115. Tăng đoàn bị rạn nứt chia rẽ

 

72. ‘Kinh Trường Thọ Vương Bổn Khởi’

Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ cho vị ấy, Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến rừng Hộ tự (16). Vào rừng Hộ tự, đến dưới gốc cây Ngài trải Ni-sư-đàn ngồi kiết già. Lúc ấy, Đức Thế Tôn lại nghĩ rằng: “Ta đã thoát được nhóm Tỳ-kheo ở Câu-xá-di, một nhóm luôn luôn tranh chấp nhau, chèn ép nhau, thù nghịch nhau, giận hờn nhau, cãi vã nhau. Ta không hoan hỷ nghĩ đến phương ấy, nơi mà nhóm Tỳ-kheo Câu-xá-di đang trú”.

 

116. Cách đối xử với nhau

 

72. ‘Kinh Trường Thọ Vương Bổn Khởi’

“Bạch Thế Tôn, con nghĩ rằng, con có thiện lợi, có đại công đức, nghĩa là con được cùng tu hành với các vị đồng phạm hạnh như thế. Bạch Thế Tôn, con thường hướng về các vị đồng phạm hạnh ấy, thực hành hạnh từ nơi thân nghiệp, trước mặt hay vắng mặt đều như nhau; thực hành hạnh từ nơi khẩu nghiệp, hạnh từ nơi ý nghiệp, trước mặt hay vắng mặt đều như nhau không khác. Bạch Thế Tôn, con nay có thể tự nghĩ rằng: ‘Tự xả bỏ tâm con, tùy thuận tâm chư Hiền’. Bạch Thế Tôn, con liền xả bỏ tâm con, tùy thuận tâm chư Hiền. Bạch Thế Tôn, con chưa từng có một điều nào là không vừa lòng. Bạch Thế Tôn, con thường an ổn, không có gì thiếu thốn là như thế”.

 

117. Nguồn gốc của chứng đắc (8 điều giác ngộ của đại nhân ?)

 

74. ‘Kinh Bát Niệm’

Đức Thế Tôn đến giảng đường, trải chỗ ngồi trước chúng Tỳ-kheo và nói: “Này chư Tỳ-kheo, Ta nói cho các ngươi nghe về tám suy niệm của bậc Đại nhân. Các ngươi hãy lắng nghe và khéo suy tư, ghi nhớ.

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe. Đức Thế Tôn nói rằng: “Đây là tám pháp suy niệm của bậc Đại nhân:

Đạo từ vô dục chứ không phải từ hữu dục mà chứng đắc.

Đạo từ tri túc chứ không phải từ không nhàm tởm mà chứng đắc.

Đạo từ viễn ly chứ không phải từ chỗ ưa tụ hội, không phải từ sự sống chỗ tụ hội, không phải từ sự sống hội họp tụ hội mà chứng đắc.

Đạo từ tinh cần chứ không phải từ biếng nhác mà chứng đắc.

Đạo từ chánh niệm, chứ không phải từ tà niệm mà chứng đắc.

Đạo từ chỗ định ý chứ không phải từ loạn ý mà chứng đắc.

Đạo từ trí tuệ chứ không phải từ ngu si mà chứng đắc.

Đạo từ chỗ không hý luận, ưa sự không hý luận, hành sự không hý luận; chứ không phải từ hý luận, không phải từ sự ưa hý luận, không phải từ sự hành hý luận, mà chứng đắc.

 

118. Dục là nguồn gốc của khổ đau

 

75. ‘Kinh Tịnh Bất Động Đạo’

Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng: “Dục là vô thường, hư ngụy, giả dối. Đã là pháp giả dối thì huyễn hóa, khi cuống, ngu si.. Dầu là dục của đời nay hay là dục của đời sau. tất cả đều là cảnh giới của ma, là miếng mồi của ma. Nhân những thứ ấy mới sanh ra vô lượng pháp ác bất thiện, tham lam, sân nhuế và đấu tranh, làm chướng ngại cho sự tu học của Thánh đệ tử.

“Đa văn Thánh đệ tử nên quán như vầy, ‘Thế Tôn nói rằng dục là vô thường, hư ngụy, giả dối, huyễn hóa, khi cuống, ngu si. Dù là dục của đời này hay dục của đời sau, dù là sắc của đời này hay sắc của đời sau, tất cả đều là cảnh giới của ma, là miếng mồi của ma. Nhân những thứ ấy, tâm mới sanh ra vô lượng pháp ác bất thiện, tham lam, sân nhuế và đấu tranh, làm chướng ngại sự tu học của Thánh đệ tử’.

77. ‘Kinh Sa Kê Đế Tam Tộc Tánh Tử

Đức Thế Tôn bảo: “Này A-na-luật-đà, các lậu ô uế là gốc của sự hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo, của sanh, già, bệnh, chết; Như Lai không phải vì không diệt tận, không phải vì không biến tri mà có cái phải đoạn trừ, có cái phải thọ dụng, có cái phải kham nhẫn, có cái phải đình chỉ, có cái phải nhả bỏ. Này A-na-luật-đà, Như Lai chỉ vì nhân nơi thân này, nhân nơi sáu xứ, nhân nơi thọ mạng mà có cái phải đoạn trừ, có cái phải thọ dụng, có cái phải kham nhẫn, có cái phải đình chỉ, có cái phải nhả bỏ. Này A-na-luật-đà, Như Lai vì những nghĩa này mà có cái phải đoạn trừ, có cái phải thọ dụng, có cái phải kham nhẫn, có cái phải đình chỉ, có cái phải nhả bỏ”.

 

119. Bản chất của dục vọng

 

99. ‘Kinh Khổ Ấm’ (A), 100. ‘Kinh Khổ Ấm’ (B)

Đức Phật lại hỏi: “Thế nào là vị ngọt của dục? Đó là, nhân bởi năm công đức của dục mà phát sanh lạc và hỷ. Vị ngọt của dục chỉ tột cùng đến đó chứ không thể hơn nữa, nhưng tai họa của nó thì rất nhiều.

“Thế nào là tai họa của dục? Một thiện gia nam tử, tùy kỹ thuật riêng mà tự mưu sinh; hoặc làm ruộng, hoặc buôn bán, hoặc học sách, hoặc giỏi toán thuật, biết công số, khéo in khắc, làm văn chương, tạo thủ bút, hoặc hiểu kinh thơ, hoặc làm võ tướng, hoặc phụng sự vua. Người ấy khi gặp lạnh phải chịu lạnh, gặp nóng phải chịu nóng, bị đói khát nhọc mệt, bị muỗi mòng châm chích; nó phải làm nghề nghiệp như thế để mong kiếm được tiền của. Thiện nam tử bằng những phương tiện như thế, làm các công việc như vậy để mong cầu như vậy, nếu không kiếm được tiền của thì sinh khổ sở, lo buồn rầu rĩ, tâm thành si dại, nói rằng ‘Luống công làm lụng khổ nhọc vô ích mà những điều mong cầu không có kết quả’. Trái lại, thiện nam tử ấy bằng những phương tiện như vậy để mong cầu như vậy, nếu kiếm được tiền của nó sanh yêu quý, giữ gìn, chôn giấu. Vì sao vậy? Nó nghĩ: ‘Tài vật này của ta, đừng để cho vua đoạt, giặc cướp, lửa thiêu, hư hại, mất mát, hoặc xuất tài mà vô lợi, hoặc làm việc mà không thành tựu’. Kẻ đó giữ gìn, chôn giấu như vậy nhưng nếu rủi bị vua đoạt, hoặc giặc cướp, lửa thiêu hư hại mất thì sinh khổ sở, lo buồn rầu rĩ, tâm thành si ám, nói rằng: ‘Vật ta yêu quý, nhớ nghĩ suốt đêm ngày, nay đã không còn’. Đó là những nỗi thống khổ ở đời này, nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc. 

“Lại nữa, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên mẹ tranh cãi với con, con tranh cãi với mẹ, cha con, anh em, chị em, bà con dòng họ tranh cãi lẫn nhau. Vì tranh cãi lẫn nhau như vậy nên mẹ nói xấu con, con nói xấu mẹ. Cha con, anh em, chị em, bà con dòng họ nói xấu lẫn nhau. Thân thích còn vậy, huống nữa là người dưng. Đó là những nỗi thống khổ ở đời này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc

 

 

120. Hạnh phúc của sự thụ hưởng dục lạc cũng giống như hạnh phúc của người gãi ghẻ ngứa

 

153. ‘Kinh Man Nhàn Đề’

“Này Man-nhàn-đề, cũng như người bị bệnh cùi, thân thể lở lói, bị trùng đục khoét. Người ấy gãi, cào rách các mụt ghẻ, hơ lên bếp lửa. Này Man nhà đề, ông nghĩ thế nào? Nếu người bị bệnh cùi thân thể lở lói, bị trùng đục khoét mà lấy tay gãi các mụt, cào rách, rồi hơ lên bếp lửa, như vậy liệu trừ bệnh có kết quả, không làm hại các căn, thoát khỏi cùi hủi, thân thể khỏe mạnh, hòan toàn bình phục như cũ được chăng?”

Man-nhàn-đề đáp: “Dạ không, thưa Cù-đàm. Vì sao? Vì người mắc bệnh cùi, thân thể lở lói, bị trùng đục khoét mà lấy tay gãi, cào rách các mụt, hơ trên bếp lửa, như vậy chỉ làm cho các mụt lở lói hơn trước mà thôi, nhưng bệnh nhân thì lại lấy ghẻ cùi làm sự thích thú.”

“Này Man-nhàn-đề, cũng như người mắc bệnh cùi, thân thể lơ ûlói, bị trùng đục khoét mà lấy tay gãi, cào rách các mụt rồi hơ lên bếp lửa, như vậy chỉ làm cho các mụt lở lói hơn trước mà thôi, nhưng bệnh nhân thì lại lấy ghẻ cùi làm sự thích thú. Này Man nhà đề, cũng như thế, chúng sanh chưa ly dục, bị ham muốn dục nhai nuốt, bị hơi nóng của dục thiêu đốt, mà cứ chạy theo dục. Này Man-nhàn-đề, chúng sanh ấy, vì chưa ly dục, bị ham muốn dục nhai nuốt, bị hơi nóng của dục thiêu đốt, mà cứ chạy theo dục, thì chỉ làm cho dục tăng trưởng, làm cho ái bành trướng thêm mà thôi; nhưng chúng sanh ấy thì lại lấy ái dục làm sự khoái lạc. Nếu chúng sanh đó không đoạn dục, không ly dục ái mà đã an trụ, sẽ an trụ hay đang an trụ với nội tâm tịch tĩnh, thì điều đó không thể xảy ra. Vì sao? Vì đó không phải là đạo lý để đọan dục, để ly dục ái, mà là chạy theo dục.

“Này Man-nhàn-đề, cũng như vua và đại thần hưởng năm công đức của dục, dễ được, ù không khó. Nếu các vị ấy không đoạn dục, không lý dục ái mà đã an trụ hay đang an trụ với nội tâm tịch tĩnh, thì điều đó không thể có được. Vì sao? Vì đó không phải là đạo lý để đoạn dục, để ly dục ái mà là chạy theo dục. Cũng vậy, Này Man-nhàn-đề, chúng sanh chưa ly dục, bị ham muốn dục nhai nuốt, bị hơi nóng của dục thiêu đốt, mà chạy theo dục, thì Này Man-nhàn-đề, chúng sanh ấy chỉ làm cho dục tăng trưởng, làm chó dục ái bành trướng thêm mà thôi; nhưng chúng sanh ấy thì lại lấy dục ái làm sự hoan lạc. Nếu chúng sanh không đoạn dục, không ly dục ái mà đã an trụ, đang an trụ và sẽ an trụ với nội tâm tịch tĩnh, thì điều ấy không thể xả ra được. Vì sao? Vì đó không phải là đạo lý để đoạn dục, để ly dục ái mà là chạy theo dục.

“Này Man-nhàn-đề, cũng như người mắc bệnh cùi, thân thể lở lói, bị trùng đục khoét, lấy tay gãi, cào rách các mụt, hơ lên bếp lửa; có người xót thương, mưu cầu thiện lợi và hữu ích, an ổn và khoái lạc nên cho một thứ thuốc hay nào đó. Khi được cho thứ thuốc hay nào đó, trị bệnh có hiệu quả, không làm hư hoại các căn, người bệnh khỏi được bệnh cùi, thân thể tráng kiện, bình phục như cũ. Sau khi lành bệnh, nếu thấy ai mắc bệnh cùi, thân thể lở lói, bị trùng đục khoét, lấy tay gãi, cào rách các mụt, hơ lên bếp lửa, này Man-nhàn-đề, thấy vậy, người ấy có hoan hỷ ngợi khen chăng?”

Man-nhàn-đề đáp: “Dạ không, thưa Cù-đàm. Vì sao? Vì có bệnh mới cần thuốc, chứ không bệnh thì không cần.”

 

121. 8 ví dụ về dục

 

200. ‘Kinh A Lê Tra’

“Bạch Thế Tôn, chúng con hiểu Thế Tôn nói pháp như vầy, ‘Dục có chướng ngại, Thế Tôn nói dục có chướng ngại. (1) Dục như bộ xương khô, Thế Tôn nói dục như bộ xương khô, (2) dục như miếng thịt, Thế Tôn nói dục như miếng thịt. (3) Dục như bó đuốc, Thế Tôn nói dục như cây đuốc trong tay. (4) Dục như hầm lửa, Thế Tôn nói dục như hầm lửa. (5) Dục như rắn độc, Thế Tôn nói dục như rắn độc. (6) Dục như mộng, Thế Tôn nói dục như mộng. (7) Dục như đồ vay mượn, Thế Tôn nói dục như đồ vay mượn. (8) Dục như trái cây, Thế Tôn nói dục như trái cây.’ Chúng con hiểu Thế Tôn nói pháp như vậy.”

203. ‘Kinh Bô Ly Da’

“Này Cù-đàm, thế nào nói là trong Thánh pháp luật còn có Tám chi đoạn tuyệt tục sự khác đạt đến chứng ngộ?”

Thế Tôn đáp rằng: “Này Cư sĩ, cũng như một con chó đói, gầy ốm, mệt mỏi, đến bên chỗ mổ bò. Người đồ tể hay đệ tử của người đồ tể quăng cho con chó một khúc xương đã rút tỉa hết thịt. Con chó lượm được khúc xương rồi chạy đến chỗ này chỗ kia mà gặm, rách môi, mẻ răng, hoặc gây thương hại cuống họng, nhưng con chó không vì vậy mà đoạn trừ được đói. Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Dục vọng như bộ xương khô. Thế Tôn nói dục vọng như bộ xương khô, hoan lạc ít mà khổ não lại nhiều, đầy dẫy nguy hiểm, nên xa lánh đi. Nếu ai có sự xả ly dục, ly ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi sự vật dục của thế gian đều vĩnh viễn đoạn tận không dư tàn. Hãy tu tập điều đó.

“Này Cư sĩ, cũng như cách thôn không xa, có một miếng thịt rơi trên khoảng đất trống; hoặc quạ hoặc diều mang miếng thịt ấy đi. Rồi những quạ diều khác đuổi theo để tranh giành. Ý Cư sĩ nghĩ sao? Nếu quạ diều ấy không chịu xả bỏ tức khắc miếng thịt này, các quạ diều khác vẫn đuổi theo để dành giựt chăng?”

Cư sĩ đáp: “Thật sự như vậy, Cù-đàm.”

“Ý Cư sĩ nghĩ sao, nếu quạ diều ấy xả bỏ tức khắc miếng thịt này, các quạ diều khác có còn đuổi theo để dành giựt chăng?”

Cư sĩ đáp: “Không vậy, Cù-đàm.”

“Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Dục vọng như miếng thịt. Thế Tôn nói dục vọng như miếng thịt; hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm, hãy nên xa lìa đi’. Nếu ai có sự xả ly dục, ly ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi vật dục thế gian đều vĩnh viễn đoạn tận không dư tàn. Hãy nên tu tập điều này.

“Này Cư sĩ, cũng như một người tay cầm một bó đuốc đang cháy, ngược gió mà đi. Ý Cư sĩ nghĩ sao? Giả sử người ấy không liệng bỏ tức khắc, nhất định có cháy tay và các chi thể khác chăng?”

Cư sĩ đáp: “Thật sự như vậy, Cù-đàm.”

“Ý Cư sĩ nghĩ sao? Giả sử người ấy liệng bỏ tức khắc, sẽ còn bị cháy tay hay các chi thể khác nữa chăng?”

Cư sĩ đáp: “Không vậy Cù-đàm.”

“Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Dục vọng như bó đuốc đang cháy; Thế Tôn nói dục vọng như bó đuốc đang cháy, hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm hãy xa lánh đi’. Nếu ai có sự xả ly dục, ly ác bất thiện pháp này, thì ở đây, tất cả mọi dục vọng thế gian, vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập điều này.

“Này Cư sĩ, cũng như cách thôn không xa có một hầm lửa lớn, trong đó đầy những lửa nhưng không có khói, không có ngọn. Nếu một người đi đến, không ngu, không si, cũng không điên đảo, tự chủ với tâm mình, tự do tự tại, muốn hoan lạc chớ không muốn đau đớn, rất ghét sự đau đớn; muốn sống chớ không muốn chết, rất ghét sự chết. Ý Cư sĩ nghĩ sao? Người ấy lại nhảy vào hầm lửa này chăng?”

Cư sĩ đáp: “Không phải vậy, Cù-đàm. Vì sao vậy? Vì người ấy thấy hầm lửa liền nghĩ rằng, ‘Nếu rơi xuống hầm lửa, nhất định chết chớ không nghi ngờ. Dù không chết, nhất định chịu đựng đau đớn vô cùng’. Người ấy thấy hầm lửa bèn nghĩ đến việc xa lìa, ước mong xa lìa, xả ly.

“Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử lại tư duy như vầy, ‘Dục vọng như hầm lửa. Thế Tôn nói dục vọng như hầm lửa, hoan lạc ít mà khổ não nhiều đầy những nguy hiểâm, hãy nên xa lánh đi’. Nếu ai có sự xả ly dục, ly ác bất thiện pháp, thì ở đây tất cả mọi vật dục thế gian vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập điều này.

“Này Cư sĩ, cũng như cách thôn không xa, có một con rắn độc to lớn, rất dữ, rất độc địa, màu đen dễ sợ. Nếu một người đi đến, không ngu, không si, cũng không điên đảo, tự chủ với tâm mình, tự do tự tại, muốn hoan lạc, chớ không muốn đau đớn, rất ghét đau đớn; muốn sống chớ không muốn chết, rất ghét sự chết. Ý Cư sĩ nghĩ sao, người ấy há lại thò tay cho con rắn cắn, hay các chi thể khác và nói rằng, ‘Này, mổ đi! Này mổ đi!’ Như vậy chăng?”

Cư sĩ đáp: “Không phải vậy, Cù-đàm. Vì sao vậy? Người ấy thấy con rắn bèn nghĩ rằng, ‘Nếu ta thò tay và các chi thể khác cho con rắn nó mổ, nhất định phải chết chớ không nghi ngờ. Dù không chết thì nhất định phải chịu đau đớn vô cùng’. Người ấy thấy con rắn bèn nghĩ đến sự lánh xa, ước mong xả ly.

“Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử lại tư duy như vầy, ‘Dục vọng như rắn độc. Thế Tôn nói dục vọng như con rắn độc, hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm, hãy xa lánh đi. Nếu ai có sự xả ly dục, ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi dục vọng thế gian vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập điều này.

“Này Cư sĩ, cũng như một người nằm mộng, thấy mình sung túc, năm thứ dục lạc thỏa thích. Nhưng khi tỉnh dậy, một thứ cũng không thấy. Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Dục vọng như giấc mộng. Thế Tôn nói dục vọng như giấc mộng, hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm, hãy xa lánh đi’. Nếu ai có sự xả ly dục, ác bất thiện pháp này, thì ở đây, tất cả mọi vật dục thế gian, vĩnh viễn đoạn tận, không dư tàn. Hãy nên tu tập sự kiện này.

“Này Cư sĩ, cũng như một người vay mượn vật dụng hưởng lạc, hoặc cung điện, lầu các, hoặc vườn hào, ao tắm, hoặc voi ngựa, xe cộ, hoặc chen gẩm mùng mền, hoặc nhẫn, vòng, xuyến, hoặc hương, anh lạc, vòng cổ, hoặc tràng hoa vàng báu, hoặc danh y thượng phục, rồi nhiều người trông thấy bèn ca ngợi rằng, ‘Như vậy, tốt lành thay! Như vậy, sung sướng thay! Nếu có tài vật gì thì nên hưởng thụ thỏa thích cho đến cùng như vậy’. Nhưng chủ nhân có thể tước đoạt hay sai người tước đoạt bất cứ lúc nào muốn, bèn tự mình tước đoạt hay sai người tước đoạt, những người khác trông thấy, bèn nói với nhau rằng, ‘Nó là người vay mượn; thật sự là lừa gạt chớ không phải vay mượn. Vì sao? Vì chủ nhân của sở hữu có thể tước đoạt hay sai người tước đoạt bất cứ lúc nào muốn. Và rồi đã tự mình tước đoạt hay sai người tước đoạt’. Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vầy, ‘Dục vọng như vay mượn. Thế Tôn nói dục vọng như vay mượn hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm, hãy xa lánh đi’. Nếu ai có sự xả ly dục, ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi vật dục thế gian vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập điều này.

“Này Cư sĩ, cũng như cách thôn không xa, có một gốc cây ăn trái to lớn. Cây ấy thường có nhiều trái ngon lành đẹp mắt. Một người đi đến, đói, mệt mỏi, gầy ốm, muốn được ăn trái. Người ấy nghĩ rằng, ‘Cây này thường có nhiều trái ngon lành đẹp mắt. Ta đang đói, gầy ốm, mệt mỏi, muốn được ăn trái. Nhưng dưới gốc không có trái rụng để có thể ăn cho no và mang về. Ta biết leo cây. Bây giờ ta có nên leo lên cây này chăng?’ Nghĩ xong, bèn leo lên. Lại cũng có một người khác, đói, gầy ốm, mệt mỏi, muốn được ăn trái, cầm một cái búa rất lớn, bèn nghĩ rằng: ‘Cây này thường có nhiều trái ngon lành đẹp mắt nhưng dưới gốc cây không có trái rụng để có thể ăn cho no và mang về, ta không biết leo cây. Bây giờ ta có nên đốn ngã cây này chăng?’, bèn đốn ngã cây ấy. Ý Cư sĩ nghĩ sao? Người trên cây nếu không xuống nhanh khi cây ngã xuống đất, có bị gãy tay hoặc các chi thể khác chăng?”

Cư sĩ đáp: “Thật sự như vậy, Cù-đàm.”

“Ý Cư sĩ nghĩ sao, nếu người trên cây leo xuống nhanh, khi cây ngã xuống đất, há lại bị gãy tay hay các chi thể khác chăng?”

Cư sĩ đáp: “Không vậy, Cù-đàm.”

“Này Cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử lại tư duy như vầy, ‘Dục vọng như trái cây. Thế Tôn nói dục vọng như trái cây, hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm hãy lánh xa đi’. Nếu ai có sự xả ly dục ly ác bất thiện pháp này, thì ở đây tất cả mọi vật dục thế gian, vĩnh viễn đoạn tận không dư tàng. Hãy tu tập sự kiện này.

 

122. Không bệnh là đệ nhất Niết bàn là tối thượng

 

153. ‘Kinh Man Nhàn Đề’

Dị học Man-nhàn-đề thưa: “Thưa Cù-đàm, tôi cũng đã từng nghe các bậc kỳ cựu tôn trưởng lão, học Phạm hạnh đã lâu, nói rằng: Không bệnh là thiện lợi bậc nhất, Niết-bàn là an lạc tối thượng."

Đức Thế tôn hỏi: “Nếu ông đã từng nghe các bậc kỳ cựu tôn đức trưởng lão học Phạm hạnh đã lâu nói rằng: Không bệnh là thiện lợi bậc nhất, Niết-bàn là sự an lạc tối thượng; thì Man nhàn đề, thế nào là không bệnh, thế nào là Niết-bàn?”

Bấy giờ,Man-nhàn-đề dị học, đối với thân là bệnh hoạn, là ung nhọt, là mũi tên, là rắn độc, là vô thường, là khổ, là không, là chẳng phải tự ngã, nhưng lại dùng hai tay xoa bóp mà nói rằng: “Thưa Cù-đàm, cái này không bệnh, cái này là Niết-bàn.”

Đức Thế Tôn bảo: “Này Man-nhàn-đề, cũng như người mù bẩm sinh, nghe người có mắt nói rằng: ‘Trắng tinh, không bẩn! Trắng tinh, không bẩn!’ Nghe như vậy, người mù đi tìm cái trắng tinh. Có người lừa đối, không mưu cầu thiện lợi hữu ích, an ổn khoái lạc cho người mù, nên đem chiếc áo cáu ghét nhơ bẩn, đến nói với người mù rằng: ‘Ông nên biết, đây là chiếc áo trắng tinh, không bẩn. Ông hãy cung kính đưa hai tay nhận lấy mà khoác lên thân.’ Người mù ấy liền hoan hỷ đưa hai tay cung kính thọ nhận, khoác lên thân mà nói rằng: ‘Trắng tinh, không bẩn! Trắng tinh không bẩn!’ Này Man-nhàn-đề, người mù ấy tự mình biết mà nói lên như thế, hay không tự mình biết mà nói lên như thế? Tự mình thấy mà nói lên như thế, hay không tự mình thấy mà nói lên như thế?”

Man-nhàn-đề dị đạo đáp: “Thưa Cù-đàm, người ấy nói như vậy nhưng quả thật không biết, không thấy gì cả.”

Đức Thế Tôn nói: “Cũng vậy, Này Man-nhàn-đề, ông như người mù không có mắt. Thân chính là bệnh, là ung nhọt, là mũi tên, là rắn độc, là vô thường, là khổ, là không, là không phải tự ngã. Thế mà ông dùng hai tay xoa bóp và nói rằng: ‘Thưa Cù-đàm, cái này không bệnh, cái này là Niết-bàn.’ Này Man-nhàn-đề, thế nào là không bệnh, ông còn không biết, há lại thấy biết Niết-bàn, được Niết-bàn chăng? Nói rằng thấy Niết-bàn thì quả không thể được. Này Man-nhàn-đề, Như Lai, bậc Vô sở srước Đẳng chánh giác nói rằng:

Không bệnh, lợi bậc nhất,

Niết-bàn, lạc tối thượng,

Chỉ con đường Bát chánh,

Đến an ổn cam lồ.

 

123. Mục đích sống trong rừng núi của đức Phật

 

77. ‘Kinh Sa Kê Đế Tam Tộc Tánh Tử

Đức Thế Tôn bảo: “Này A-na-luật-đà, không phải vì muốn đạt được những gì chưa đạt đến, vì muốn thu hoạch những gì chưa thu hoạch, vì muốn chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ mà Như Lai sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng tăm, xa lánh, không sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa. Này A-na-luật-đà, Như Lai chỉ vì hai mục đích sau đây nên mới sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng tăm, xa lánh, không sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa. Một là, sống an lạc ngay trong đời hiện tại. Hai là, vì thương xót chúng sanh đời sau. Đời sau hoặc có chúng sanh học theo Như Lai, sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng người, tùy thuận tĩnh tọa. Này A-na-luật-đà, vì những mục đích ấy mà Như Lai sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng tăm, xa lánh, không sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa”.

 

124. Phật tán thán Tỷ kheo sống nơi vắng vẻ

 

83. ‘Kinh Trưởng Lão Thượng Tôn Thụy Miên’

Này Đại Mục-kiền-liên, nếu pháp đạo và tục mà cùng hợp hội thì có nhiều điều phải nói. Nếu có nhiều điều phải nói thì có trạo cử. Nếu có trạo cử thì tâm không tịch tĩnh. Này Đại Mục-kiền-liên, nếu tâm không tịch tĩnh thì tâm rời xa định. Này Đại Mục-kiền-liên, do đó Ta nói là không thể hợp hội.

“Này Đại Mục-kiền-liên, Ta nói pháp gì có thể cùng hợp hội? Này Đại Mục-kiền-liên, ở nơi rừng vắng kia, Ta nói pháp này có thể cùng hợp hội: núi rừng, dưới cây, chỗ an tĩnh không nhàn, núi cao, hang đá, vắng bặt âm thanh, viễn ly, không ác, không người, có thể tùy thuận mà tĩnh tọa. Này Đại Mục-kiền-liên, Ta nói pháp này có thể cùng hợp hội.

 

125. Bình đẳng trong việc xuất gia tu học Phật pháp

 

154. ‘Kinh Bà La Bà Đường’

Bấy giờ, có hai người thuộc dòng Phạm chí là Bà-tư-tra (Pāli: Vāsettha.)và Bà-la-bà (Pāli: Bhāradvāja.), cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Các Phạm chí khác thấy vậy, chỉ trích họ dữ dội, nói những lời rất gay gắt và cay đắng, rằng: “Dòng Phạm chí là hơn hết, không dòng nào bằng; dòng Phạm chí là da trắng, ngoài ra đều là da đen; Phạm chí được thanh tịnh, không phải Phạm chí thì không được thanh tịnh; Phạm chí con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh từ Phạm thiên. Các ông bỏ nơi thù thắng mà đi theo chỗ thấp hèn, bỏ trắng theo đen. Bọn Sa-môn đầu trọc kia bị trói buộc vào da đen, nên tuyệt tự, không con cái. Cho nên, các ông đã làm chuyện đại cực ác, phạm việc đại sai lầm."

Đức Thế Tôn nói: “Này Bà-tư-tra, những lời của các Phạm chí quá độc ác, hết sức vô lại. Vì sao? Vì họ ngu si, không khéo hiểu rõ, không biết ruộng tốt, không thể tự biết mình, dó đó mới nói như thế này, ‘Phạm chí chúng ta là con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh từ Phạm thiên.’ Vì sao? Này Bà-tư-tra, chính Ta, với sự chứng đắc Minh Hạnh vô thượng này không chủ trương thọ sanh ưu thắng, không chủ trương chủng tộc, không chủ trương kiêu mạn, nói rắng ‘Nó đẹp lòng Ta; nó không đẹp lòng Ta,’ không vì chỗ ngồi, không vì nước, không vì sở học kinh sách.

“Này Bà-tư-tra, chỗ nào có hôn nhân, nơi đó mới có thể nói về thọ sanh, về chủng tộc, về kiêu mạn, nói, ‘Nó đẹp lòng Ta, không đẹp lòng Ta; vì chỗ ngồi, vì nước uống và vì sở học kinh sách.

“Này Bà-tư-tra, nếu ai chủ trương thọ sanh, chủ trương chủng tộc, chủ trương kiêu mạn, người ấy cách biệt quá xa đối với sự chứng đắc Minh Hạnh vô thượng của Ta.

Này Bà-tư-tra, nói về thọ sanh, về chủng tộc, về kiêu mạn, nói: ‘Nó đẹp lòng Ta, không đẹp lòng ta,’ vì chỗ ngồi, vì nước uống và vì sở học kinh sách thì cách biệt với sự chứng đắc Minh Hạnh vô thượng của ta.

 

126. Nơi nào là nơi sống thích hợp cho người xuất gia ?

 

107. ‘Kinh Lâm’ (A) và (B)

Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: “Tỳ-kheo nương vào một khu rừng để ở. Vị ấy nghĩ rằng: ‘Ta nương vào khu rừng này để ở. Hoặc không có chánh niệm sẽ được chánh niệm; tâm chưa định sẽ được định; nếu chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu chưa diệt tận sẽ được diệt tận; chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì sẽ chứng đắc Niết-bàn. Điều người học đạo cần như áo, chăn, uống, ăn, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống, tìm cầu tất cả một cách dễ dàng, không khó khăn’.

“Rồi Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào khu rừng này để ở, nếu không có chánh niệm vẫn không được chánh niệm, tâm chưa được định vẫn không được định, chưa giải thoát vẫn không được giải thoát, các lậu chưa hết vẫn không đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn vô thượng vẫn chưa chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo, chăn, uống, ăn, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống, tìm cầu tất cả một cách dễ dàng, không khó khăn, vị Tỳ-kheo ấy nên quán như vầy, ‘Ta xuất gia học đạo không phải vì áo chăn, không phải vì ăn uống, giường chõng, thuốc thang, cũng không phải vì các vật dụng cho đời sống. Nhưng ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm vẫn không được chánh niệm, tâm chưa định vẫn không được định, chưa giải thoát vẫn không được giải thoát, các lậu chưa hết vẫn không đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng vẫn chưa chứng đắc Niết-bàn. Nhưng những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn’.

“Tỳ-kheo ấy đã quán như vậy rồi, phải từ bỏ khu rừng này để đi nơi khác”.

 “Tỳ-kheo nương vào một khu rừng để ở. Vị ấy nghĩ rằng: ‘Ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm sẽ được chánh niệm, tâm chưa được định sẽ được định, chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn’.

“Rồi Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào khu rừng để ở, hoặc không có chánh niệm liền được chánh niệm, tâm chưa định liền được định, chưa giải thoát liền được giải thoát, các lậu chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách rất khó khăn, vị Tỳ-kheo ấy nên quán như vầy, ‘Ta xuất gia học đạo không phải vì áo chăn, không phải vì ăn uống, giường chõng, thuốc thang, cũng không phải vì vật dụng cho đời sống. Nhưng ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm thì liền được chánh niệm, tâm chưa định liền được định, chưa giải thoát liền được giải thoát, các lậu chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách rất khó khăn’.

“Tỳ-kheo ấy đã quán như vậy rồi, phải ở lại khu rừng này”.

“Tỳ-kheo nương vào một khu rừng để ở. Vị ấy nghĩ rằng: ‘Ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm sẽ được chánh niệm, tâm chưa định sẽ được định, chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu chưa hết sẽ được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì sẽ chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn’. 

“Rồi vị Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm vẫn không có chánh niệm, tâm chưa được định tĩnh vẫn không được định tĩnh, nếu chưa được giải thoát vẫn không được giải thoát, các lậu chưa hết vẫn không đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng vẫn chưa chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách rất khó khăn. Vị Tỳ-kheo ấy nên quán như vầy, ‘Ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm vẫn không được chánh niệm, tâm chưa được định tĩnh vẫn không được định tĩnh, nếu chưa giải thoát vẫn không được giải thoát, các lậu chưa hết vẫn không đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng vẫn chưa chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như: áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách khó khăn’.

“Tỳ-kheo quán như vậy rồi, phải lập tức từ bỏ khu rừng này ngay trong đêm mà đi, chớ có cùng người cáo biệt”.

“Tỳ-kheo nương vào một khu rừng để ở. Vị ấy nghĩ: ‘Ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm liền được chánh niệm, tâm chưa định liền được định, chưa giải thoát liền được giải thoát, các lậu chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền chứng đắc Niết-bàn. Và những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn’.

“Rồi Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Đã nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm liền được chánh niệm, tâm chưa định liền được định, chưa giải thoát liền được giải thoát, các lậu chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn. Tỳ-kheo ấy nên quán như vầy, ‘Ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm liền được chánh niệm, tâm chưa định tĩnh liền được định tĩnh, nếu chưa giải thoát liền được giải thoát, các lậu chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn’.

“Tỳ-kheo đã quán như vậy rồi phải nương vào khu rừng này để ở trọn đời cho đến lúc mạng chung.

132. ‘Kinh Lại Tra Hoà La’

Khi ấy, vua Câu-lao-bà với Tôn giả Lại-tra-hòa-la cùng chào hỏi nhau rồi ngồi sang một bên. Vua nói với Tôn giả Lại-tra-hòa-la: “Có phải ngài vì gia đình suy sụp mà xuất gia học đạo chăng? Nếu vì không có tài vật nên sống đời học đạo, thì này Lại-tra-hòa-la, trong nhà của Câu-lao-bà vương gia này có nhiều tài vật, tôi sẽ xuất tài vật cho Lại-tra-hòa-la, khuyên Lại-tra-hòa-la xả giới bỏ đạo, sống đời dục lạc mà bố thí, tùy ý tu phước nghiệp. Vì sao như vậy? Lại-tra-hòa-la, giáo pháp của Tôn sư rất khó, xuất gia học đạo lại càng khó hơn”.

Tôn giả Lại-tra-hòa-la nghe xong, nói rằng: “Đại vương nay bằng sự bất tịnh mời tôi, không phải bằng sự thanh tịnh mà mời.

 

127. Tại sao đức Phật thọ ký đệ tử việc thọ sanh

 

77. ‘Kinh Sa Kê Đế Tam Tộc Tánh Tử

Đức Thế Tôn bảo: “Này A-na-luật-đà, không phải vì xu hướng của người mà nói, cũng chẳng phải vì lừa gạt người, cũng chẳng phải vì muốn vui lòng người mà khi đệ tử lâm chung, Như Lai ghi nhận vị này sẽ sanh chỗ này, vị kia sanh chỗ kia. Này A-na-luật-đà, chỉ vì những thanh tín thiện nam hay thanh tín thiện nữ với tín tâm nhiệt thành, với ái lạc cao độ, với hỷ duyệt cùng cực, sau khi đã nghe Chánh Pháp Luật, tâm nguyện tu tập theo như vậy, cho nên lúc lâm chung của các đệ tử, Như Lai đã ghi nhận vị này sanh chỗ này, vị kia sanh chỗ kia. Nếu Tỳ-kheo nào nghe Tôn giả ấy lâm chung nơi ấy, được Phật ghi nhận đã đắc cứu cánh trí, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Hoặc nhiều lần trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Tôn giả ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Tỳ-kheo kia nghe xong nhớ rằng Tôn giả kia có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Chánh Pháp Luật này, Tỳ-kheo kia có thể tâm nguyện tu tập như vậy, như vậy. Này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo ấy chắn chắc được phần nào sống trong sự an lạc thoải mái.

 

128. Ma Ba Tuần khuyên Thế Tôn không nên trái ý Phạm Thiên

 

78. ‘Kinh Phạm Thiên Thỉnh Phật’

Đức Thế Tôn bảo: “Này Phạm thiên, cái không thường, ông bảo là thường; cái không hằng, ông bảo là hằng; cái không trường tồn, ông bảo là trường tồn; cái không quan yếu, ông bảo là quan yếu; cái hoại diệt, ông bảo là không hoại diệt; cái không xuất yếu, ông bảo là xuất yếu mà ngoài sự xuất yếu ấy, không còn xuất yếu nào khác nữa để có đấng Tối thắng, Tối diệu, Tối thượng. Phạm thiên, ông có cái vô minh ấy! Phạm thiên, ông có cái vô minh ấy!”

Lúc đó, có ma Ba-tuần ở trong chúng, ma Ba-tuần nói với Đức Thế Tôn rằng: “Này Tỳ-kheo, chớ nên trái điều Phạm thiên nói, chớ nên nghịch điều Phạm thiên nói. Tỳ-kheo, nếu ông trái điều Phạm thiên nói, nghịch điều Phạm thiên nói thì, Tỳ-kheo, cũng như người gặp vận may mà lại xua đuổi đi. Lời Tỳ-kheo nói ra, lại cũng như vậy. Cho nên, Tỳ-kheo, tôi bảo ông rằng ông chớ trái điều Phạm thiên nói, chớ nên nghịch điều Phạm thiên nói. Này Tỳ-kheo, nếu ông trái lời Phạm thiên, chống đối thuyết của Phạm thiên thì, Tỳ-kheo, cũng như người từ núi cao rơi xuống, tuy dang tay chân quờ quạng hư không nhưng không bám víu được gì. Lời Tỳ-kheo nói ra lại cũng như vậy. Cho nên, Tỳ-kheo, tôi bảo ông rằng ông chớ trái điều Phạm thiên nói, chớ nên nghịch điều Phạm thiên nói. Này Tỳ-kheo, nếu ông trái điều Phạm thiên nói, nghịch điều Phạm thiên nói thì, Tỳ-kheo, cũng như người từ trên cây cao rơi xuống, tuy dang tay chân quờ quạng lá cành nhưng chẳng bám víu được gì. Lời Tỳ-kheo nói ra lại cũng như vậy. Cho nên, này Tỳ-kheo, tôi bảo ông rằng ông chớ nên trái điều Phạm thiên nói, chớ nên nghịch điều Phạm thiên nói. Vì sao? Vì Phạm thiên là đấng Phước hựu, là Hóa công, là đấng Tối tôn, là đấng Năng tác, là đấng Sáng tạo, là Tổ phụ của tất cả chúng sanh đã sanh và sẽ sanh. Tất cả đều do Ngài sanh ra. Những gì Ngài biết là trọn biết, những gì Ngài thấy là trọn thấy.

 

129. 6 thông

80. ‘Kinh Ca Hi Na’

“Này chư Hiền, tôi đã được định tâm như vậy, thanh tịnh không ô uế, không buồn phiền, nhu nhuyến, khéo an trụ, được tâm bất động, học chứng nghiệm Như ý túc trí thông.

“Này chư Hiền, tôi đã được vô lượng Như ý túc; đó là, phân một thành nhiều, hợp nhiều thành một, một thời trụ một, có tri có kiến, không trở ngại bởi vách đá, chẳng khác nào đi giữa hư không, vào đất như vào nước, đi trên nước như đi trên đất, ngồi kiết già mà bay lên không trung như chim bay. Ngay mặt trời này, mặt trăng này có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, tôi sờ bắt được, thân tôi cao đến Phạm thiên.

“Này chư Hiền, khi tôi đã được định tâm như vậy, thanh tịnh, không tạp uế, không buồn phiền, nhu nhuyến, khéo an trụ, được tâm bất động, tôi học chứng nghiệm Thiên nhĩ trí thông. Này chư Hiền, tôi dùng thiên nhĩ nghe âm thanh loài người và không phải loài người, gần xa, hay và không hay.

“Này chư Hiền, khi tôi đã được định tâm như vậy, thanh tịnh không ô uế, nhu nhuyến, khéo an trụ, được bất động tâm, tôi học chứng nghiệm Tha tâm trí thông. Này chư Hiền, chúng sanh khác suy nghĩ, hành động, tôi dùng tha tâm trí biết được tâm của họ đúng như thật. Tâm có dục, tôi biết đúng như thật là tâm có dục. Tâm không dục, tôi cũng biết đúng như thật là tâm không dục. Nếu có giận, có nghi, không giận, không nghi, có uế, không uế, định tâm, tán loạn, cao thấp, lớn nhỏ, tu hay không tu, định hay không định, tôi đều biết đúng như thật. Không có tâm giải thoát, tôi biết không có tâm giải thoát. Có tâm giải thoát tôi cũng biết đúng như thật có tâm giải thoát.

“Này chư Hiền, tôi đã được định tâm như vậy, thanh tịnh không ô uế, không buồn phiền, nhu nhuyến, khéo an trụ, được tâm bất động, tôi học Ức túc mạng trí thông. Này chư Hiền, có hạnh nghiệp, có tướng mạo, tôi đều nhớ xưa kia trải qua vô lượng, nào là một đời, hai đời, trăm đời, ngàn đời, thành kiếp, hoại kiếp, vô số thành hoại kiếp. Chúng sanh đến đó, đã từng sanh chỗ đó, tên họ như vậy, danh tự như vậy, sống như vậy, ăn uống như vậy, chịu khổ được vui như vậy, sống lâu như vậy, sống lâu rồi chết như vậy, chết đây sanh kia, chết kia sanh đây. Tôi sanh chỗ này, họ như vậy, tên như vậy, sống như vậy, ăn uống như vậy, chịu khổ như vậy, vui sướng như vậy, sống lâu như vậy, sống lâu rồi chết như vậy.

“Này chư Hiền, tôi đã được định tâm như vậy, thanh tịnh không ô uế, không buồn phiền, nhu nhuyến, khéo an trụ, được tâm bất động, tôi học Sanh tử trí thông. Này chư Hiền, tôi dùng thiên nhãn thanh tịnh, nhìn xa hơn người, thấy chúng sanh này lúc chết lúc sanh, sắc đẹp sắc xấu, vi diệu hoặc không vi diệu, qua lại chỗ thiện, chỗ bất thiện, tùy chỗ tạo nghiệp của chúng sanh này mà thấy họ đúng như thật. Nếu chúng sanh nào thành tựu ác hạnh về thân, ác hạnh về khẩu, ác hạnh về ý, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thành tựu nghiệp tà kiến, thì chúng sanh ấy, bởi nhân duyên này, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Nếu chúng sanh nào thành tựu diệu hạnh về thân, diệu hạnh về khẩu và diệu hạnh về ý, không phỉ báng Thánh nhân, chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì chúng sanh ấy, bởi nhân duyên này, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn sanh lên cõi thiện, sanh lên thiên giới.

“Này chư Hiền, tôi với định tâm như vậy, thanh tịnh, không ô uế, không phiền nhiệt, nhu nhuyến, khéo an trụ, chứng đắc tâm bất động, bèn hướng đến sự tác chứng lậu tận trí thông. Tôi liền biết như thật rằng: ‘Đây là Khổ’, ‘Đây là Khổ tập’, ‘Đây là Khổ diệt’, ‘Đây là Khổ diệt đạo’. Cũng biết như thật: ‘Đây là lậu’, ‘Đây là lậu tập’, ‘Đây là lậu diệt’, ‘Đây là lậu diệt đạo’. Tôi đã biết như vậy, thấy như vậy rồi, tâm giải thoát dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Giải thoát rồi liền biết là mình đã giải thoát, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’

“Này chư Hiền, như con voi lớn của vua, hoặc có bảy báu, hoặc giảm tám, lấy lá đa-la mà che đi, như tôi che phủ nơi lục thông này.

“Này chư Hiền, đối với sự chứng đắc của tôi về Như ý túc trí thông, nếu có gì nghi ngờ thì cứ hỏi tôi, tôi sẽ trả lời.

“Này chư Hiền, đối với Thiên nhĩ thông của tôi, nếu có điều gì nghi ngờ thì cứ hỏi tôi, tôi sẽ trả lời.

“Này chư Hiền, đối với Tha tâm trí thông của tôi, nếu có điều gì nghi ngờ thì cứ hỏi tôi, tôi sẽ trả lời.

“Này chư Hiền, đối với Túc mạng ý thông của tôi, nếu có điều gì nghi ngờ thì cứ hỏi tôi, tôi sẽ trả lời.

“Này chư Hiền, đối với Sanh tử trí thông của tôi, nếu có điều gì nghi ngờ thì cứ hỏi tôi, tôi sẽ trả lời.

“Này chư Hiền, đối với Lậu tận trí thông của tôi, nếu có điều gì nghi ngờ thì cứ hỏi tôi, tôi sẽ trả lời”.

 

130. Thế Tôn hiện thần thông

 

78. ‘Kinh Phạm Thiên Thỉnh Phật’

Lúc ấy, Đức Phật nghĩ rằng: “Ta hãy như vậy mà hóa hiện như ý túc, phóng hào quang cực sáng, chiếu rọi cùng khắp cõi trời Phạm thiên, rồi ẩn hình trong đó, khiến cho Phạm thiên và quyến thuộc của Phạm thiên chỉ nghe tiếng mà không thấy hình Ta”.

Nghĩ xong, Đức Thế Tôn hiện như ý túc như vậy, phóng hào quang cực sáng, chiếu rọi khắp cõi trời Phạm thiên. Phạm thiên và quyến thuộc chỉ nghe tiếng mà không thấy hình Ngài. Bấy giờ Phạm thiên và quyến thuộc mới nghĩ rằng: “Sa-môn Cù-đàm thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao? Vì đã phóng hào quang chiếu sáng, chiếu rọi khắp cả trời Phạm thiên, rồi tự ẩn hình trong đó, khiến cho chúng ta chỉ được nghe tiếng mà không thấy hình”.

 

131. Thần thông là một trong 3 cách giáo dục của Phật

 

143. ‘Kinh Thương Ca La’

“Có ba thị hiện là, như ý túc thị hiện, chiêm niệm thị hiện, giáo huấn thị hiện.

“Ở đây, nếu có một Sa-môn, Phạm chí có đại như ý túc, đại oai đức, đại phước hựu, đại oai thần, đối với như ý túc, tâm được tự tại, hành vô lượng công đức của như ý túc như vầy; nghĩa là phân một làm thành nhiều, hợp nhiều làm thành một, một thì trụ trên một, được biết, được thấy; không bị trở ngại bởi vách đá, cũng như đi trong hư không; chìm xuống đất như chìm xuống nước, đi trên nước như đi trên đất; ngồi xếp kiết già mà bay trên không như chim bay liệng; với mặt trời và mặt trăng này vốn có đại như ý túc, đại phước hựu, đại oai thần mà có thể đưa tay bắt nắm, thân cao đến trời Phạm thiên. Này Ma-nạp, đó là thị hiện bằng như ý túc.

“Này Ma-nạp, thế nào là chiêm niệm thị hiện? Hoặc có một Sa-môn, Phạm chí do nơi tướng trạng của người khác mà chiêm đoán được ý tưởng của họ, rằng ‘Nó có ý nghĩ như thế này, nó có ý nghĩ như thế kia, nó thật sự có ý nghĩ’; vô lượng chiêm đoán thì không ít chiêm đoán, nhưng tất cả thảy đều chắc thật, chứ không phải là những giả thiết viễn vông. Hoặc giả không do nơi tướng trạng của người khác để đoán biết ý tưởng của họ, nhưng do nghe tiếng của chư Thiên và loài phi nhân mà đoán biết được ý tưởng của người khác rằng ‘Nó có ý nghĩ như thế này, nó có ý nghĩ như thế kia, thật sự nó có ý nghĩ như vậy’ vô lượng chiêm đoán, không ít chiêm đoán, nhưng tất cả thảy đều chắc thật, chứ không phải là những giả thiết viễn vông. Hoặc không do nơi tướng dạng của người khác để đoán biết ý tưởng của họ, cũng không nghe tiếng của chư Thiên và các loài phi nhân, nhưng do tâm niệm của người khác, tâm tư của người khác, ngôn thuyết của người khác. Sau khi nghe tiếng rồi đoán biết được ý tưởng của người khác rằng ‘Nó có ý tưởng như thế này, nó có ý tưởng như thế kia, nó thật sự có ý tưởng như vậy’ vô lương chiêm nghiệm đoán, không ít chiêm đoán, nhưng tất cả thảy đều chắc thật, chứ không phải là những giả thuyết viễn vông. Hoặc không do nơi tướng dạng của người khác để đoán biết ý tưởng của người khác, cũng không nghe tiếng của chư Thiên và loài phi nhân để đoán biết ý tưởng của người khác, cũng không do nơi tâm niệm của người khác, nhưng do nơi tâm tư, nơi ngôn thuyết của người khác để sau khi nghe rồi, đoán biết ý tưởng của người khác, nhưng do thấy người khác nhập vào định không giác không quán, sau khi thấy bèn nghĩ rằng ‘Như Hiền giả này thì không có niệm, không có tư, sở nguyện như ý. Hiền giả kia ra khỏi định này với niệm như vậy. Vị ấy ra khỏi định này sẽ có tâm niệm như vậy, như vậy’. Người này cũng đoán biết việc quá khứ, cũng đoán biết việc tương lai, cũng đoán biết việc hiện tại, những điều được làm từ lâu, những điều được nói từ lâu, cũng đoán biết những nơi yên tĩnh, sống nơi yên tĩnh, cũng đoán biết tất cả pháp tâm và tâm sở hữu. Đó gọi là thiện bằng sự chiêm niệm.

“Này Ma-nạp, thế nào là giáo huấn thị hiện? Ở đây có một Sa-môn, Phạm chí tự hành đạo như vậy, tích như vậy, và sau khi hành đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Rồi vị ấy giảng thuyết lại cho người khác rằng ‘Ta tự hành đạo như vậy, tích như vậy, và sau khi hành đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Rồi người đó cũng tự hành đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa. Rồi người đó cũng lại thuyết giảng cho người khác. Cứ như vậy... lần lượt truyền đi cho đến vô lượng trăm ngàn. Này Ma-nạp, đó gọi là sự thị hiện bằng giáo huấn.

 

132. 4 vô lượng tâm

 

79. ‘Kinh Hữu Thắng Thiên’

“Thế nào là đại tâm giải thoát? Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào ở chỗ vô sự hoặc đến gốc cây, chỗ yên tịnh, y trên một gốc cây, ý cởi mở, đại tâm giải thoát biến mãn, thành tựu an trụ, chỉ với giới hạn bằng chừng đó, tâm giải thoát không vượt hơn chỗ đó. Nếu không y trên một cây, thì hãy y trên hai, hay ba gốc cây, ý cởi mở, đại tâm giải thoát biến mãn, thành tựu an trụ, với giới hạn bằng chừng đó, tâm giải thoát không vượt hơn chỗ đó. Nếu không y trên hai, hay ba gốc cây thì hoặc y trên một khu rừng. Nếu không y trên một khu rừng thì hoặc y trên hai, ba khu rừng. Nếu không y trên hai, ba khu rừng, nên y trên một thôn. Nếu không y trên một thôn thì nên y trên hai, ba thôn. Nếu không y trên hai, ba thôn thì hoặc y trên một nước. Nếu không y trên một nước, thì nên y trên hai, ba nước. Nếu không y trên hai, ba nước thì hoặc y vào đại địa, cho đến đại hải, ý cởi mở, đại tâm giải thoát biến mãn, thành tựu an trú, với giới hạn bằng đó, tâm giải thoát không vượt hơn chỗ đó. Đó là đại tâm giải thoát.

“Tài Chủ, thế nào là vô lượng tâm giải thoát? Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào ở chỗ vô sự, hoặc đến gốc cây, chỗ yên tịnh trống trải, tâm đi đôi với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trú. Như vậy, hai, ba, bốn phương, trên dưới cùng khắp nơi, tâm đi đôi với từ, không kết không oán, không giận không tranh, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian. Cũng như vậy, tâm đi đôi với hỷ, bi, xả, không kết không oán, không giận không tranh, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian. Đó là vô lượng tâm giải thoát”

 

133. Thời kỳ Trung A hàm chư Tăng đã sống định cư, có phòng ốc

 

80. ‘Kinh Ca Hi Na’

Bấy giờ, Tôn giả A-nan khất thực, sau khi vào Xá-vệ, ăn xong, sau buổi trưa, rửa tay chân, lấy Ni-sư-đàn vắt lên vai, tay cầm chìa khóa cửa, đến khắp các phòng gặp các Tỳ-kheo, liền nói rằng:….

 

134. Thời đức Phật các Tỷ kheo tự may y

 

80. ‘Kinh Ca Hi Na’

Bấy giờ Đức Thế Tôn dẫn Tôn giả A-nan qua núi Sa-la-la nham, ngồi trước mặt chúng Tỳ-kheo. Lúc ấy trong núi Sa-la-la nham có tám trăm Tỳ-kheo và Đức Thế Tôn cũng ngồi chung may y cho Tôn giả A-na-luật-đà.

Lúc đó, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng có trong chúng. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo: “Đại Mục-kiền-liên, Ta có thể vì A-na-luật-đà trải rộng khuôn khổ tấm y, cắt rọc rồi khâu may lại thành y”.

Lúc đó, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai hữu, chắp tay hướng về Đức Thế Tôn mà bạch rằng: “Cúi mong Đức Thế Tôn trải rộng khuôn khổ tấm y, các vị Tỳ-kheo sẽ cùng nhau cắt rọc, khâu vá, may chung lại thành y”.

Bấy giờ Đức Thế Tôn liền vì Tôn giả A-na-luật-đà trải rộng khuôn khổ tấm y, các vị Tỳ-kheo cùng nhau cắt rọc, khâu vá, may chung lại. Ngay trong ngày hôm ấy may xong ba y cho Tôn giả A-na-luật-đà. Đức Thế Tôn lúc ấy biết ba y của Tôn giả A-na-luật-đà đã may xong, liền bảo rằng:

 

135. Phóng dật là nhân của khổ đau

 

141. ‘Kinh Dụ’

Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: “Nếu có vô lượng thiện pháp mà có thể đạt được thì tất cả đều lấy sự không phóng dật làm căn bản, không phóng dật làm tập khởi, nhân không phóng dật mà phát sanh, không phóng dật làm đầu. Trong các thiện pháp, không phóng dật là tối đệ nhất.

“Cũng như làm ruộng, tất cả đều nhân nơi đất, y cứ trên đất, thiết lập trên đất mới làm được ruộng. Cũng vậy, nếu có vô lượng thiện pháp mà có thể đạt được thì tất cả đều lấy sự không phóng dật làm căn bản, không phóng dật làm tập khởi, nhân không phóng dật mà phát sanh, không phóng dật làm đầu. Trong các thiện pháp, không phóng dật là tối đệ nhất.

“Cũng như hạt giống, các loại hạt giống, các loại thảo mộc, trăm giống lúa, cây thuốc được phát sanh, trưởng dưỡng, tất cả đều nhân nơi đất, y cứ trên đất, thiết lập trên đất mới được sanh trưởng. Cũng vậy, nếu có vô lượng thiện pháp mà có thể đạt được thì tất cả đều lấy sự không phóng dật làm căn bản, không phóng dật làm tập khởi, nhân không phóng dật mà phát sanh, không phóng dật làm đầu. Trong các thiện pháp, không phóng dật là tối đệ nhất.

 

136. 4 thiền

 

157. ‘Kinh Hoàng Lô Viên’ (Xem 168. ‘Kinh Ý Hành’; 177. ‘Kinh Thuyết’)

“Này Phạm chí, Ta ôm cỏ khô đi đến cây Giác thọ, rãi cỏ xuống gốc cây, trải ni-sư-đàn lên mà ngồi kiết già, quyết ngồi ngay ngắn, thề cho đến khi dứt sạch các lậu mới thôi. Rồi Ta ngồi ngay ngắn cho đến khi dứt sạch các lậu. Sau khi ngồi ngay ngắn, Ta ly dục, ly pháp ác, bất thiện, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, đạt được Thiền thứ nhất, thành tựu an trú; nghĩa là lúc bấy giờ Ta chứng đắc Tâm tăng thượng thứ nhất, đạt được sự an lạc ngay trong hiện tại, chứng đắc dễ dàng, không khó, sống an lạc, không sợ hãi, an ổn khoái lạc, khiến lên đến Niết-bàn.

“Lại nữa, này Phạm chí, sau khi Ta giác quán dứt sạch, bên trong tịch tĩnh, nhất tâm, không giác không quán, có hỷ lạc do định sanh, đạt được Thiền thứ hai, thành tựu an trú; nghĩa là lúc bấy giờ Ta chứng đắc Tâm tăng thượng thứ hai, đạt được sự an lạc ngay trong hiện tại, chứng đắc dễ dàng, không khó, sống an lạc, không sợ hãi, an ổn khoái lạc, khiến lên Niết-bàn.

“Lại nữa, này Phạm chí, Ta ly hỷ, ly dục, xả, vô cầu, an trú chánh niệm, chánh trí mà thân giác lạc, điều mà bậc Thánh nói là Thánh xả, có niệm, an trụ lạc, đạt được Thiền thứ ba, thành tựu an trú; nghĩa là lúc bấy giờ chứng đắc Tâm tăng thượng thứ ba, đạt được sự an lạc ngay trong hiện tại, chứng đắc dễ dàng, không khó, sống an lạc, không sợ hãi, an ổn khoái lạc, khiến lên Niết-bàn.

“Lại nữa, này Phạm chí, Ta diệt lạc, diệt khổ, hỷ và ưu vốn có cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, đạt được Thiền thứ tư, thành tựu an trú; nghĩa là lúc bấy giờ Ta chứng đắc Tâm tăng thượng thứ tư, đạt được sự an lạc ngay trong hiện tại, chứng đắc dễ dàng, không khó, sống an lạc, không sợ hãi, an ổn khoái lạc, khiến lên Niết-bàn.

 

137. 4 loại thiền khác nhau

 

176. ‘Kinh Hành Thiền’

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng: “Trong thế gian quả thật có bốn loại hành thiền. Những gì là bốn? Hoặc (1) có hành thiền xí thạnh mà gọi là suy thoái. Hoặc (2) có hành thiền suy thoái mà gọi là xí thạnh. Hoặc (3) có hành thiền suy thoái thì biết như thật là suy thoái. Hoặc (4) có hành thiền xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

(1)   “Tại sao gọi là người hành thiền xí thạnh mà cho là suy thoái?

“Người hành thiền kia ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, hỷ và lạc phát sanh do ly dục, chứng Sơ thiền, thành tựu an trụ. Tâm người đó tu tập chánh tư duy, đang từ Sơ thiền hướng đến Nhị thiền, đó là sự tịch tịnh thù thắng. Người hành thiền đó lại nghĩ rằng, ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Sơ thiền và diệt mất định’. Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Sơ thiền hướng đến Nhị thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền, giác và quán đã tịch tịnh, nội tĩnh, nhất tâm, không giác không quán, có hỷ và lạc phát sanh do định, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ Nhị thiền hướng đến Tam thiền, đó gọi là tịch tịnh thù thắng. Nhưng người hành thiền ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Sơ thiền và diệt mất định’. Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Nhị thiền hướng đến Tam thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền ly hỷ và dục, xả, an trụ vô cầu, chánh niệm, chánh trí mà thân có cảm giác lạc, điều được Thánh nói là được Thánh xả, niệm, an trú lạc, chứng đắc đệ Tam thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ đệ Tam thiền hướng đến đệ Tứ thiền, đó là tịch tịnh thù thắng. Nhưng người hành thiền đó lại nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Sơ thiền và diệt mất định’. Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Tam thiền hướng đến Tứ thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền định, khổ diệt, lạc diệt, hỷ và ưu vốn đã diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ đệ Tứ thiền hướng đến Vô lượng không xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Nhưng vị hành thiền ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Sơ thiền và diệt mất định’. Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Tứ thiền hướng đến Vô lượng không xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu tưởng, không tư duy bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, thành tựu an trụ nơi Vô lượng không xứ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ Vô lượng không xứ hướng đến Vô lượng thức xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Nhưng vị hành thiền ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Sơ thiền và diệt mất định’. Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Vô lượng không xứ hướng đến Vô lượng thức xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền vượt qua tất cả Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, thành tựu an trụ Vô lượng thức xứ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ Vô lượng thức xứ hướng đến Vô sở hữu xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Nhưng vị hành thiền ấy lại nghĩ ‘Tâm ta lìa bổn tướng mà hướng đến chỗ khác, làm mất Sơ thiền và diệt mất định’. Người hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Vô lượng thức xứ hướng đến Vô sở hữu xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

“Lại nữa, người hành thiền vượt qua tất cả thức vô lượng xứ, nhập Vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ Vô sở hữu xứ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, từ Vô sở hữu xứ hướng đến phi tưởng phi vô tưởng xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Nhưng vị hành thiền ấy lại nghĩ rằng: “Tâm ta lìa bốn tướng mà hướng đến chỗ khác, nên mất vô xứ Vô sở hữu xứ, diệt mất định”. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Vô sở hữu xứ hướng đến phi tưởng phi vô tưởng xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị đó do không biết như thật như vậy, nên đối với sự như thật mà thoái chuyển ý, bèn mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh mà nói là thoái chuyển vậy.

(2)   “Thế nào là hành thiền suy thoái mà cho là xí thạnh?

“Vị hành thiền ấy ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác, có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Nhị thiền, nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Sơ thiền hướng đến Nhị thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Sơ thiền, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Nhị thiền. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền với giác và quán đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Tam thiền. Nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Nhị thiền hướng đến Tam thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Nhị thiền, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Tam thiền. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Vị hành thiền ly hỷ, ly dục, xả, an trụ vô cầu, chánh niệm, chánh trí mà thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là được Thánh xả, niệm an trụ lạc, chứng đệ Tam thiền, thành tựu và an trụ. Vị ấy tư duy trong những tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Tứ thiền. Nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Tam thiền hướng đến Tứ thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Tam thiền, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Tứ thiền. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền với lạc diệt, khổ diệt, hỷ ưu vốn cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Vô lượng không xứ, nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Tứ thiền thiền hướng đến Vô lượng không xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Tứ thiền, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Vô lượng không xứ. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không tư duy bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, chứng Vô lượng không xứ ấy, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Vô lượng thức xứ, nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Vô lượng không xứ hướng đến Vô lượng thức xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Vô lượng không xứ, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Vô lượng thức xứ. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền vượt qua Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, chứng Vô lượng thức xứ ấy, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tư tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Vô sở hữu xứ, nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Vô lượng thức xứ hướng đến Vô sở hữu xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Vô lượng thức xứ, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào Vô sở hữu xứ. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền vượt qua tất cả Vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, chứng Vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ. Vị ấy tư duy trong những tư tưởng hạn hẹp khác mà tu tập con đường dẫn đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, nhưng vị ấy lại nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, từ Vô sở hữu xứ hướng đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị hành thiền ấy không biết như thật rằng chỉ nên tư duy bằng tưởng tương ưng với yểm ly mà nhập Vô sở hữu xứ, nhưng không nên bằng tư duy về những tưởng hạn hẹp khác mà vào đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ. Vị ấy do không biết như thật nên không biết rõ tâm mình, vị ấy vì vậy mà mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái mà cho là xí thạnh.

(3)   “Thế nào là hành thiền suy thoái thì biết như thật là suy thoái?

“Vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, vượt qua tất cả Vô sở hữu xứ, nhập Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, chứng Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thành tựu an trụ, nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng Vô sở hữu xứ, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng, ‘Tâm ta lìa khỏi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ; diệt định vậy’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, vượt qua tất cả Vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, chứng Vô sở hữu xứ ấy, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng Vô lượng thức xứ, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng, ‘Tâm ta lìa khỏi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Vô sở hữu xứ; diệt định vậy’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, vượt qua tất cả Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, chứng Vô lượng thức xứ, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng Vô lượng không xứ, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy bèn nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Vô lượng thức xứ; diệt định vậy’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, vượt qua tất cả các sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không suy niệm bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, chứng Vô lượng không xứ ấy, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng sự ái lạc sắc, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Vô lượng không xứ; diệt định vậy’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định.      Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, lạc diệt, khổ diệt, hỷ ưu vốn có cũng đã diệt, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng đệ Tam thiền, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất đệ Tứ thiền; diệt định vậy’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, ly hỷ, ly dục, xả, an trụ vô cầu, chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi được Thánh xả, niệm, an trú lạc trụ, chứng đệ Tam thiền, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng đệ Nhị thiền, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất đệ Tam thiền; diệt định’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, giác và quán đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, mà chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng Sơ thiền, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất đệ Nhị thiền; diệt định’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với sở hành, với đối tượng và mục tiêu, ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác, có quán, có hỷ lạc do định sanh, chứng Sơ thiền, thành tựu an trụ. Nhưng vị ấy không chấp thọ hành ấy, không suy niệm về đối tượng và mục tiêu ấy, chỉ hành trên niệm tưởng tương ưng sự ái lạc dục, bèn thối thất trở lại đó. Vị ấy nghĩ rằng ‘Tâm ta lìa khởi bổn tướng, lại hướng đến chỗ khác, mất Sơ thiền, diệt định vậy’. Vị ấy biết như thật rồi, đối với sự như thật không thoái ý, không mất định. Hành thiền như vậy là suy thoái thì biết như thật là suy thoái.

(4)   “Thế nào là hành thiền mà xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh?

“Vị hành thiền ấy ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác, có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Sơ thiền hướng đến Nhị thiền, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như vầy ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Sơ thiền hướng đến đệ Nhị thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy giác quán đã dứt, nội tĩnh nhất tâm, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Nhị thiền hướng đến Tam thiền, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị ấy bèn nghĩ rằng ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Nhị thiền hướng đến Tam thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy ly hỷ, ly dục, xả, vô cầu, an trụ, chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc, điều được Thánh gọi là được Thánh xả, niệm, an trụ lạc trụ, chứng đệ Tam thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Tam thiền hướng đến Tứ thiền, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Tam thiền hướng đến Tứ thiền, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy với lạc diệt, khổ diệt, hỷ ưu vốn có cũng đã diệt, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Tứ thiền hướng đến Vô lượng không xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như vầy ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Tứ thiền hướng đến Vô lượng không xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không làm mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không tư duy bất cứ loại tưởng nào, nhập vô lượng không, chứng, Vô lượng không xứ ấy, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Vô lượng không xứ hướng đến Vô lượng thức xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như vầy ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Vô lượng không xứ hướng đến Vô lượng thức xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy vượt qua Vô lượng không xứ, nhập vô lượng thức, chứng Vô lượng thức xứ ấy, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Vô lượng thức xứ hướng đến Vô sở hữu xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như vầy ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Vô lượng thức xứ hướng đến Vô sở hữu xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi, bèn biết rõ tâm ấy mà không mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

“Lại nữa, vị hành thiền ấy vượt qua tất cả Vô lượng thức xứ, nhập vô sở hữu, chứng Vô sở hữu xứ, thành tựu an trụ. Tâm vị ấy tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Vô sở hữu xứ hướng đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, đó là tịch tịnh thù thắng. Vị hành thiền ấy bèn nghĩ như vầy ‘Tâm ta tu tập chánh tư duy, khoái lạc tịch tịnh, rồi từ Vô sở hữu xứ hướng đến Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, đó là tịch tịnh thù thắng’. Vị ấy biết như thật rồi bèn biết rõ tâm ấy mà không làm mất định. Hành thiền như vậy là xí thạnh thì biết như thật là xí thạnh.

 

138. Pháp môn tu tập Tứ niệm xứ

 

98. ‘Kinh Niệm Xứ’

“Có một con đường tịnh hóa chúng sanh, vượt qua lo sợ, diệt trừ khổ não, chấm dứt kêu khóc, chứng đắc Chánh pháp. Đó là Bốn niệm xứ.

“Các Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác ở quá khứ đều đoạn trừ năm triền cái, tâm ô uế, tuệ yếu kém, lập tâm chánh trụ nơi Bốn niệm xứ, tu Bảy giác chi mà chứng quả giác ngộ Vô thượng chánh tận.

“Các Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác ở vị lai cũng đều đoạn trừ năm triền cái là thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, lập tâm chánh trụ nơi Bốn niệm xứ, tu Bảy giác chi mà chứng quả giác ngộ.

“Ta nay trong hiện tại, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Ta cũng đều đoạn trừ năm triền cái làm tâm ô uế, tuệ yếu kém. Ta cũng lập tâm chánh trụ nơi Bốn niệm xứ, tu Bảy giác chi mà chứng quả giác ngộ Vô thượng chánh tận.

“Bốn niệm xứ là những gì? Đó là, quán thân như thân, quán thọ như thọ, quán tâm như tâm và quán pháp như pháp.

“Thế nào gọi là niệm xứ quán thân như thân?

“Tỳ-kheo khi đi thì biết mình đi, đứng thì biết mình đứng, ngồi thì biết mình ngồi, nằm thì biết mình nằm, ngủ thì biết mình ngủ, thức thì biết mình thức, ngủ say thì biết mình ngủ say. Tỳ-kheo như vậy, quán nội thân như thân; quán ngoại thân như thân; lập niệm tại thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo biết rõ chính xác khi vào lúc ra, khi co lúc duỗi, khi cúi lúc ngẩng, nghi dung chững chạc, khéo khoác tăng-già-lê và cầm bát; đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói năng, im lặng đều biết rõ chính xác. Tỳ-kheo như vậy, quán nội thân như thân; quán ngoại thân như thân; lập niệm tại thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo-niệm hơi thở vào thì biết niệm hơi thở vào, niệm hơi thở ra thì biết niệm hơi thở ra. Thở vào dài thì biết thở vào dài, thở ra dài thì biết thở ra dài. Thở vào ngắn thì biết thở vào ngắn, thở ra ngắn thì biết thở ra ngắn. Học toàn thân thở vào, học toàn thân thở ra. Học thân hành tĩnh chỉ thở vào, học khẩu hành tĩnh chỉ thở ra. Tỳ-kheo như vậy, quán nội thân như thân; quán ngoại thân như thân; lập niệm tại thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.…..

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo tùy theo những chỗ trong thân, tùy theo tính chất tốt xấu từ đầu đến chân quán thấy thảy đều đầy dẫy bất tịnh, ‘trong thân này của ta có tóc, lông, móng, răng, da dày, da non, thịt, gân, xương, tim, thận, gan, phổi, ruột già, ruột non, lá lách, dạ dày, phân, não và não căn, nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước miếng, mủ, máu, mỡ, tủy, đờm dãi, nước tiểu’. Như một cái bồn chứa đủ hạt giống, ai có mắt sáng thì thấy rõ ràng, ‘đây là hạt lúa, hạt gạo, kia là hạt cải, cỏ, rau’; cũng vậy, Tỳ-kheo tùy theo những chỗ trong thân, tùy theo tính chất tốt xấu, từ đầu đến chân, quán thấy thảy đều đầy dẫy bất tịnh: ‘Trong thân này của ta có tóc, lông, móng, răng, da dày, da non, thịt, gân, xương, tim, thận, gan, phổi, ruột già ruột non, lá lách, dạ dày, phân, não và não căn, nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước miếng, mủ, máu, mỡ, tủy, đờm dãi, nước tiểu’. Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. Tỳ-kheo như vậy, quán nội thân như thân; quán ngoại thân như thân; lập niệm tại thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo quán sát giới trong thân rằng: ‘Trong thân này của ta có địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới’. Như gã đồ tể mổ bò, lột hết bộ da, trải lên mặt đất, phân thành sáu đoạn; cũng vậy, Tỳ-kheo quán các giới trong thân rằng ‘Trong thân này của ta có địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới’. Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. Tỳ-kheo như vậy, quán nội thân như thân; quán ngoại thân như thân; lập niệm tại thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo quán xác chết, mới chết từ một hai ngày đến sáu bảy ngày, đang bị quạ diều bươi mổ, sài lang cấu xé, hoặc đã được hỏa thiêu, hay đã được chôn lấp, đang bị rửa nát hư hoại. Quán rồi tự so sánh: ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. Tỳ-kheo như vậy, quán nội thân như thân; quán ngoại thân như thân; lập niệm tại thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo như từng thấy trong nghĩa địa, hài cốt xám xanh, rữa nát gần hết, xương vải khắp đất. Quán rồi tự so sánh: ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi,’ Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. Tỳ-kheo như vậy, quán nội thân như thân; quán ngoại thân như thân; lập niệm tại thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo như từng thấy trong nghĩa địa, da, thịt, máu, huyết tiêu cả, chỉ còn xương dính gân. Quán rồi tự so sánh: ‘Thân ta cũng thế, đều có trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. Tỳ-kheo như vậy, quán nội thân như thân; quán ngoại thân như thân; lập niệm tại thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo như từng trong nghĩa địa thấy xương rời từng đốt, tản mác khắp nơi, xương chân, xương đùi, xương đầu gối, xương bắp vế, xương sống, xương vai, xương cổ, xương sọ, mỗi thứ một nơi. Quán rồi tự so sánh: ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. Tỳ-kheo như vậy, quán nội thân như thân; quán ngoại thân như thân; lập niệm tại thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.        

 “Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân; Tỳ-kheo như từng thấy trong nghĩa địa, xương trắng như vỏ ốc, xanh như lông chim bồ câu, đỏ như màu máu, mục nát bể vụn. Quán rồi tự so sánh: ‘Thân ta rồi cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Tỳ-kheo khéo giữ tướng trạng tu quán, khéo nhớ điều niệm, cũng giống như vậy. Tỳ-kheo như vậy, quán nội thân như thân; quán ngoại thân như thân; lập niệm tại thân, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.   

“Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni từng chi tiết quán thân như thân như vậy, đó gọi là niệm xứ quán thân như thân.

“Thế nào gọi là niệm xứ quán thọ như thọ? Tỳ-kheo khi thọ nhận cảm giác lạc liền biết đang thọ nhận cảm giác lạc, khi thọ nhận cảm giác khổ liền biết đang thọ nhận cảm giác khổ, khi thọ nhận cảm giác không lạc không khổ liền biết đang thọ nhận cảm giác không lạc không khổ. Khi thân thọ nhận cảm giác lạc, thân thọ nhận cảm giác khổ, thân thọ nhận cảm giác không lạc không khổ; khi tâm thọ nhận cảm giác lạc, tâm thọ nhận cảm giác khổ, tâm thọ nhận cảm giác không lạc không khổ; cảm giác lạc khi ăn, cảm giác khổ khi ăn, cảm giác không lạc không khổ khi ăn; cảm giác lạc khi không ăn, cảm giác khổ khi không ăn, cảm giác không lạc không khổ khi không ăn; cảm giác lạc khi có dục, cảm giác khổ khi có dục, cảm giác không khổ không lạc khi có dục; cảm giác lạc khi không có dục, cảm giác khổ khi không có dục, cảm giác không lạc không khổ khi không có dục. Tỳ-kheo như vậy, quán nội thọ như thọ, quán ngoại thọ như thọ, lập niệm tại thọ, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.

“Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni từng chi tiết quán thọ như thọ như vậy, gọi là niệm xứ quán thọ như thọ.

“Thế nào gọi là niệm xứ quán tâm như tâm? Tỳ-kheo có tâm tham dục thì biết đúng như thật có tâm tham dục, có tâm vô dục thì biết đúng như thật là có tâm vô dục. Khi có sân hay không sân, có si hay không si, có ô uế hay không ô uế, có hợp hay có tan, có thấp hay có cao, có nhỏ hay có lớn; tụ hay không tụ, định hay không định, giải thoát hay không giải thoát. Cũng như vậy, có tâm giải thoát thì biết đúng như thật có tâm giải thoát; có tâm không giải thoát thì biết đúng như thật là có tâm không giải thoát. Tỳ-kheo như vậy, quán nội tâm như tâm, lập niệm tại tâm, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy là Tỳ-kheo quán tâm như tâm.

“Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni từng chi tiết quán tâm như tâm như vậy, đó gọi là niệm xứ quán tâm như tâm.

“Thế nào gọi là niệm xứ quán pháp như pháp? Khi con mắt duyên sắc, sanh nội kết, nếu Tỳ-kheo bên trong thật có kết thì biết đúng như thật là bên trong có kết; bên trong thật không có kết thì biết đúng như thật là bên trong không có kết. Nội kết chưa sanh, bây giờ sanh, biết đúng như thật. Nội kết đã sanh và được đoạn trừ, không sanh lại nữa, biết đúng như thật. Với tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng giống như vậy. Khi ý duyên pháp, sanh nội kết, nếu Tỳ-kheo bên trong thật có kết thì biết đúng như thật là bên trong có kết, bên trong không có kết thì biết đúng như thật là bên trong không có kết, nội kết chưa sanh bây giờ sanh; biết đúng như thật nội kết đã sanh và đã được đoạn trừ, không sanh lại nữa, biết đúng như thật. Tỳ-kheo như vậy quán nội pháp đúng như pháp, quán ngoại pháp đúng như pháp, lập niệm tại pháp, có tri, có kiến, có minh, có đạt. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán pháp như pháp, nghĩa là quán sáu xứ bên trong. …

 

139. Tu tập pháp môn niệm thân

 

81. ‘Kinh Niệm Thân’

Đức Phật nói: “Tỳ-kheo tu tập niệm thân như thế nào? Tỳ-kheo khi đi thì biết mình đang đi, đứng thì biết mình đang đứng, ngồi thì biết mình đang ngồi, nằm thì biết mình đang nằm, ngủ thì biết mình đang ngủ. Như vậy, Tỳ-kheo tùy thân hành mà biết đúng như thật như vậy. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo biết rõ mình khi vào, khi ra, khéo quán sát phân biệt, khi co, lúc duỗi, khi cúi, lúc ngước; nghi dung chững chạc, khoác Tăng-già-lê ngay ngắn và ôm bát chỉnh tề; đi đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói năng, im lặng, đều biết rõ như thực. Như vậy, Tỳ-kheo tùy thân hành mà biết đúng như thật như vậy. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo khi sanh niệm ác, bất thiện, liền bằng niệm thiện pháp để đối trị, đoạn trừ, tiêu diệt, tĩnh chỉ. Như người thợ mộc hoặc học trò thợ mộc kéo thẳng dây mực, búng thẳng lên thân cây, rồi dùng búa bén mà đẽo cho thẳng. Cũng vậy, Tỳ-kheo khi sanh niệm ác bất thiện, liền niệm thiện pháp để đối trị, đoạn trừ, tiêu diệt, tĩnh chỉ. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo răng ngậm khít lại, lưỡi ấn lên trên khẩu cái, dùng tâm trị tâm, đối trị, đoạn trừ, tiêu diệt, tĩnh chỉ. Như hai lực sĩ bắt một người yếu mang đi khắp nơi, tự do đánh đập; cũng vậy, Tỳ-kheo răng ngậm khít lại, lưỡi ấn lên khẩu cái, dùng tâm trị tâm, đối trị, đoạn trừ, tiêu diệt, tĩnh chỉ. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo-niệm hơi thở vào thì biết niệm hơi thở vào; niệm hơi thở ra thì biết niệm hơi thở ra; thở vào dài thì biết thở vào dài, thở ra dài thì biết thở ra dài; thở vào ngắn thì biết thở vào ngắn, thở ra ngắn thì biết thở ra ngắn. Học toàn thân thở vào, học toàn thân thở ra. Học thở vào thân hành tĩnh chỉ, học thở ra khẩu hành tĩnh chỉ. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo có hỷ lạc do ly dục nhuần thấm thân, phổ biến sung mãn. Khắp trong thân thể, hỷ lạc sanh do ly dục, không đâu không có. Như người hầu tắm, bỏ bột tắm đầy chậu, nước hòa thành bọt, nước thấm vào thân, phổ biến sung mãn, không đâu không có. Cũng vậy, Tỳ-kheo có hỷ lạc do ly dục nhuần thấm vào thân, phổ biến sung mãn, khắp trong thân thể hỷ lạc sanh do ly dục, không đâu không có. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo có hỷ lạc do định sanh nhuần thấm thân, phổ biến sung mãn. Khắp trong thân thể, hỷ lạc do định sanh không đâu không có. Cũng như suối trên núi trong sạch không nhơ, nước từ bốn phương chảy đến, đổ vào một cách tự nhiên, tức thì đáy suối nước tự phun lên, chảy tràn ra ngoài, thấm ướt cả núi, phổ biến sung mãn, không đâu không có. Cũng vậy, Tỳ-kheo có hỷ lạc do định sanh nhuần thấm thân, phổ biến sung mãn. Khắp trong thân thể, hỷ lạc do định sanh không đâu không có. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo có lạc do ly hỷ thấm nhuần thân, phổ biến sung mãn. Khắp trong thân thể, lạc do ly hỷ không đâu không có. Như các thứ sen xanh, hồng, đỏ, trắng sanh ra từ nước, lớn lên trong nước, ở dưới đáy nước, rễ, cọng, hoa, lá đều nhuần thấm, phổ biến sung mãn, không đâu không có. Cũng vậy, Tỳ-kheo có lạc do ly hỷ nhuần thấm vào thân, phổ biến sung mãn; khắp trong thân thể, lạc do ly hỷ không đâu không có. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo ở trong thân này biến mãn với tâm thanh tịnh, ý cởi mở, thành tựu an trụ; ở trong thân này với tâm thanh tịnh, không chỗ nào là không biến mãn. Như có một người trùm một cái áo dài bảy hay tám khuỷu tay, từ đầu đến chân, không chỗ nào là không phủ kín; cũng vậy, Tỳ-kheo ở trong thân này, biến mãn với tâm thanh tịnh, ý cởi mở, thành tựu an trụ; ở trong thân này với tâm thanh tịnh, không chỗ nào là không biến mãn. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo-niệm quang minh tưởng, khéo thọ, khéo trì, nhớ rõ điều niệm; như phía trước, phía sau cũng vậy; như phía sau, phía trước cũng vậy; ngày cũng như đêm, đêm cũng như ngày; dưới cũng như trên, trên cũng như dưới. Như vậy, tâm không điên đảo, tâm không bị ràng buộc, tâm tu quang minh, không khi nào còn bị bóng đen che lấp. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo quán sát tướng, khéo tiếp thu, khéo ghi nhớ, khéo được tư niệm bởi ý. Như người ngồi quán sát kẻ nằm, người nằm quán sát kẻ ngồi. Cũng vậy, Tỳ-kheo quán sát tướng, khéo tiếp thu, khéo ghi nhớ, khéo được tư niệm bởi ý. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo tùy theo những chỗ trong thân, tùy theo tính chất tốt xấu, từ đầu đến chân, quán thấy thảy đều đầy dẫy bất tịnh. Tức là, trong thân này có tóc, lông, móng, răng, da dày, da non, thịt, gân, xương, tim, thận, gan, phổi, ruột già, ruột non, lá lách, dạ dày, phân, não và não căn, nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước miếng, mủ, máu, mỡ, tủy, đờm giải, nước tiểu. Như một cái bồn chứa đủ loại hạt giống, ai có mắt sáng thì thấy rõ ràng, ‘Đây là hạt lúa, gạo; kia là hạt cải, cỏ, rau’. Cũng vậy, Tỳ-kheo tùy theo những chỗ trong thân, tùy theo tính chất tốt xấu, từ đầu đến chân, quán thấy thảy đều đầy dẫy bất tịnh. Tức là, trong thân này có tóc, lông, móng, răng, da dày, da non, thịt, gân, xương, tim, thận, gan, phổi, ruột già, ruột non, lá lách, dạ dày, phân, não và não bộ, nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước miếng, mủ, máu, mỡ, tủy, đờm giải, nước tiểu. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo quán các giới trong thân rằng ‘Trong thân này của ta có địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới’. Như gã đồ tể mổ bò, lột hết bộ da, trải lên mặt đất, phân thành sáu đoạn. Cũng vậy, Tỳ-kheo quán các giới trong thân rằng: ‘Trong thân này của ta có địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới’. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo quán xác chết mới chết, từ một, hai ngày đến sáu, bảy ngày, đang bị quạ, diều bươi mổ, sài lang cấu xé; hoặc đã được hỏa thiêu hay đã được chôn lấp, đang bị rữa nát hư hoại. Quán sát rồi, tự so sánh: ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo như đã từng thấy trong nghĩa địa, hài cốt sắc xanh, rửa nát, bị chim thú ăn một nửa, xương cốt nằm rải rác trên mặt đất. Tỳ-kheo thấy rồi, tự so sánh, ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo như đã từng thấy ở trong nghĩa địa, thây chết không còn da thịt, máu, mà chỉ còn gân nối liền với xương. Thấy rồi, tự so sánh, ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo như đã từng thấy trong nghĩa địa, xương rời từng đốt, tản mác khắp nơi, xương chân, xương đùi, xương đầu gối, xương bắp vế, xương sống, xương vai, xương cổ, xương sọ, mỗi thứ một nơi. Thấy rồi tự so sánh, ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo như đã từng thấy ở trong nghĩa địa, xương trắng như vỏ ốc, xanh như lông chim bồ câu, đỏ như màu máu, mục nát, bể vụn. Thấy rồi tự so sánh, ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.

 

140. Quán bất tịnh

 

139. ‘Kinh Tức Ch ỉ Đạo’

Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo: “Tỳ-kheo niên thiếu vừa mới thành tựu giới hãy thường xuyên đi đến một nghĩa địa mà quán sát các tướng trạng tử thi: tướng xương, tướng xám xanh, tướng rữa nát, tướng bị thú ăn, tướng bộ xương khô. Vị ấy sau khi ghi nhận kỹ những tướng trạng tử thi này rồi trở về trụ xứ của mình, rửa sạch tay chân, trải ni-sư-đàn trên giường, ngồi kiết già và suy niệm về các tướng trạng này: tướng xương, tướng xám xanh, tướng rữa nát, tướng bị thú ăn, tướng những đốt xương dính liền. Vì sao vậy? Nếu Tỳ-kheo tu tập bằng các tướng trạng này sẽ đoạn trừ nhanh chóng những bệnh tham dục, sân nhuế trong tâm.”

141. Các Tỷ kheo tranh luận về lời Phật dạy

 

82. ‘Kinh Chi Li Di Hê’

Bấy giờ một số đông các Tỳ-kheo sau giờ ăn trưa, có ít việc cần làm nên tụ họp ngồi ở giảng đường để quyết định sự tranh luận. Tức là bàn luận những vấn đề về pháp luật, về lời Phật dạy. Lúc bấy giờ Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử (Pāli: Citta-Hathisāriputta) cũng hiện diện trong chúng.

Trong khi một số đông các Tỳ-kheo đang bàn luận những vấn đề về Pháp Luật, về lời Phật dạy, thì ngay trong lúc đang bàn luận ấy, Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử không đợi cho các Tỳ-kheo nói pháp xong, mà cứ nói xen ào vào, lại không có thái độ cung kính, không quan sát cẩn thận để thưa hỏi các bậc Tỳ-kheo Thượng tôn Trưởng lão.

 

142. Nguyên tắc tham gia thảo luận Phật pháp

 

82. ‘Kinh Chi Li Di Hê’

Trong khi một số đông các Tỳ-kheo đang bàn luận những vấn đề về Pháp Luật, về lời Phật dạy, thì ngay trong lúc đang bàn luận ấy, Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử không đợi cho các Tỳ-kheo nói pháp xong, mà cứ nói xen ào vào, lại không có thái độ cung kính, không quan sát cẩn thận để thưa hỏi các bậc Tỳ-kheo Thượng tôn Trưởng lão.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Câu-hi-la (Pāli: Mahā-kotthika)cũng có mặt trong chúng, nói với Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử rằng: “Hiền giả nên biết, trong khi một số đông Tỳ-kheo đang nói những vấn đề về Pháp Luật và về lời Phật dạy này, thì Hiền giả chớ nói xen vào ở khoảng giữa. Đợi các Tỳ-kheo nói xong, nhiên hậu Hiền giả mới nói. Hiền giả hãy có thái độ cung kính và quán sát cẩn thận để thưa hỏi các bậc Tỳ-kheo Thượng tôn Trưởng lão. Chớ đem sự không cung kính, không khéo quán sát để thưa hỏi các ngài”.

119. ‘Kinh Thuyết Xứ’

Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo: “Ở đây có ba thuyết xứ, chứ không phải bốn hay năm. Nếu Tỳ-kheo sau khi thấy, nhân sự thấy đó nói mà nói rằng: ‘Ta thấy, nghe, hiểu, biết’, Tỳ-kheo nói mà nói rằng: ‘Đây là điều tôi biết’.

“Những gì là ba? Tỳ-kheo nhân vấn đề quá khứ nói mà nói như vầy: ‘Trong thời quá khứ có’. Tỳ-kheo nhân vấn đề vị lai nói mà nói như vầy: ‘Trong thời vị lai có’. Tỳ-kheo nhân vấn đề hiện tại nói mà nói như vầy: ‘Trong thời hiện tại có’.

“Đó gọi là ba thuyết xứ chứ không phải bốn hay năm. Nếu Tỳ-kheo sau khi thấy, nhân sự thấy đó nói mà nói rằng: ‘Ta thấy, nghe, hiểu biết’. Tỳ-kheo nói mà nói rằng: ‘Đây là điều tôi biết’. Do điều được thuyết, khéo tập được nghĩa, do không thuyết, không khéo tập được nghĩa.

“Hiền Thánh đệ tử với hai tai nhất tâm nghe pháp. Vị ấy sau khi với hai tai nhất tâm nghe pháp, đoạn một pháp, tu một pháp, tự thân chứng đắc một pháp. Vị ấy sau khi đã đoạn được một pháp, tu một pháp, tự thân chứng đắc một pháp rồi, liền được chánh định. Hiền Thánh đệ tử sau khi đã được chánh định, liền đoạn trừ hết tất cả dâm, nộ, si. Như vậy là Hiền Thánh đệ tử chứng đắc tâm giải thoát, giải thoát rồi liền biết mình đã giải thoát, biết đúng như thật rằng: ‘Sự sanh của ta đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Do điều được nói nên có bốn trường hợp để quan sát người, rằng Hiền giả này có thể cùng nói, hoặc không thể cùng nói. Nếu Hiền giả này với câu hỏi xác quyết mà không trả lời xác quyết, với câu hỏi phân biệt mà không trả lời phân biệt, với câu hỏi phản vấn mà không trả lời phản vấn, với câu hỏi xả trí vấn mà không trả lời xả trí. Như vậy, Hiền giả này không thể cùng nói, cũng không thể cùng thảo luận.

“Nếu Hiền giả này với câu hỏi xác quyết mà trả lời xác quyết, với câu hỏi phân biệt mà trả lời phân biệt, với câu hỏi phản vấn mà trả lời phản vấn, với câu hỏi xả trí vấn mà trả lời xả trí. Như vậy, Hiền giả này có thể cùng nói, cũng có thể cùng thảo luận.

“Lại nữa, do điều được nói nên lại có bốn trường hợp để quan sát người, rằng Hiền giả này có thể cùng nói, hoặc không thể cùng nói. Nếu Hiền giả này không an trụ trên xứ phi xứ, không an trụ trên sở tri, không an trụ trên thuyết dụ, không an trụ trên đạo tích; như vậy thì Hiền giả này không thể cùng nói, cũng không thể cùng thảo luận.

“Nếu Hiền giả này an trụ trên xứ phi xứ, an trụ trên sở tri, an trụ trên thuyết dụ, an trụ trên đạo tích; như vậy thì Hiền giả này có thể cùng nói, cũng có thể cùng thảo luận.

“Do điều được nói, với (1) lời nói trầm tĩnh, (2) xả bỏ sở kiến của mình, (3) xả bỏ ý kết oán, (4) xả bỏ tham dục, (5) xả bỏ sân nhuế, (6) xả bỏ si ám, (7) xả bỏ kiêu mạn, (8) xả bỏ bất ngữ, (9) xả bỏ tật đố, (10) không háo thắng, (11) không ép người, (12) không chấp chặt khuyết điểm, (13) nói nghĩa nói pháp. Sau khi nói nghĩa nói pháp, khuyên dạy, rồi lại khuyên dạy cho bỏ], tự mình hoan hỷ, khiến người kia cùng hoan hỷ. Thuyết nghĩa như vậy, thuyết sự như vậy, là Thánh thuyết nghĩa, là Thánh thuyết sự; nghĩa là đã cứu cánh tận diệt hết lậu.”

 

143. Chê trách người dua nịnh

 

82. ‘Kinh Chi Li Di Hê’

“Này chư Hiền, nếu không biết tâm của kẻ khác thì đừng vội nói là người ấy xứng đáng hay không xứng đáng. Lý do vì sao? Vì hoặc có một người lúc ở trước Đức Thế Tôn và trước các bậc phạm hạnh Thượng tôn Trưởng lão, khả tàm, khả quý, khả ái, khả kính, thì người ấy khéo léo thủ hộ, nhưng sau đó, khi không còn ở trước Đức Thế Tôn và trước các bậc phạm hạnh Thượng tôn Trưởng lão khả tàm, khả quý, khả ái, khả kính, thì người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện, rồi tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo.

87. ‘Kinh Uế Phẩm’

“Cũng như thế, Tôn giả Xá-lê Tử, nếu như có kẻ dua nịnh, dối trá, ganh tị, không tín, giải đãi, không chánh niệm, không chánh trí, không định, không tuệ, tâm nó cuồng mê, không giữ các căn, không tu hạnh Sa-môn, không hiểu biết phân biệt; Tôn giả Xá-lê Tử vì biết tâm của nó nên nói pháp này.

“Tôn giả Xá-lê Tử, nếu có người không dua nịnh, không dối trá, không ganh tị, có tín, có tấn, không giải đãi, có chánh niệm, chánh trí, tu định, tu tuệ, tâm không cuồng mê, giữ gìn các căn, tu tập rộng rãi hạnh Sa-môn và phân biệt khéo léo thì người ấy nghe Tôn giả Xá-lê Tử nói pháp giống như kẻ đói muốn được ăn, khát muốn được uống, tức thì được ăn và uống như ý vậy.

 

144. Phương pháp trừ bịnh buồn ngủ

 

83. ‘Kinh Trưởng Lão Thượng Tôn Thụy Miên’

“Này Đại Mục-kiền-liên, ngươi đang đắm trước thụy miên. Này Đại Mục-kiền-liên, ngươi đang đắm trước thụy miên.”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên bạch Thế Tôn: “Quả thật vậy, bạch Đức Thế Tôn”.

Phật lại nói: “Này Đại Mục-kiền-liên, nếu như sở tướng nào gây buồn ngủ, ngươi chớ tu tập tướng ấy và cũng đừng phát triển nó. Như vậy, thụy miên mới có thể được diệt trừ.

“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy theo giáo pháp đã được nghe, tùy theo đó mà thọ trì, quảng bá và tụng đọc. Như vậy thụy miên mới có thể được diệt trừ.

“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy theo giáo pháp đã được nghe, tùy theo đó mà thọ trì, rồi diễn rộng ra cho người khác nghe. Như vậy thụy miên mới có thể được diệt trừ.

“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy theo giáo pháp đã được nghe, tùy theo đó mà thọ trì, tâm suy niệm, tâm suy tư. Như vậy, thụy miên mới có thể được diệt trừ.

“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy dùng hai tay day hai lỗ tai. Như vậy, thụy miên mới có thể được diệt trừ.

“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy lấy nước lạnh rửa mặt và dội ướt thân thể. Như vậy, thụy miên mới có thể được diệt trừ.

“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy đi ra ngoài thất, xem khắp bốn phương, ngước nhìn các vì sao. Như vậy, thụy miên mới có thể được diệt trừ.

“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy đi ra ngoài thất, đến khoảng đất trống phía đầu thất mà kinh hành, thủ hộ các căn, tâm an trụ bên trong, khởi hậu tiền tưởng]. Như vậy, thụy miên mới có thể được diệt trừ.

“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy bỏ con đường đang kinh hành, đến đầu con đường ấy, trải Ni-sư-đàn, ngồi kiết già. Như vậy, thụy miên mới có thể được diệt trừ.

“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy trở vào thất, gấp tư y Ưu-đa-la-tăng, trải trên giường, gấp Tăng-già-lê làm gối, nằm hông bên phải, hai chân chồng lên nhau, khởi minh tưởng, lập chánh niệm chánh trí và luôn luôn khởi ý tưởng muốn trỗi dậy. Này Đại Mục-kiền-liên, đừng ham lạc thú giường nệm, đừng ham lạc thú ngủ nghỉ, đừng ham tài lợi, đừng đắm trước danh dự.

 

145. Những vấn đề cần tránh khi thuyết pháp

 

83. ‘Kinh Trưởng Lão Thượng Tôn Thụy Miên’

“Này Đại Mục-kiền-liên, khi ngươi thuyết pháp, đừng vì tranh luận. Nếu có tranh luận thì có nhiều lời, nhân nhiều lời mà có trạo cử, nhân trạo cử mà tâm không tịch tĩnh, nhân tâm không tịch tĩnh nên tâm rời xa định.

“Này Đại Mục-kiền-liên, khi ngươi thuyết pháp đừng nói to, nói mạnh, như sư tử. Này Đại Mục-kiền-liên, khi ngươi thuyết pháp hãy hạ ý mà thuyết pháp, không ráng sức, tiêu diệt sức, dẹp bỏ sức, hãy thuyết pháp bằng sự không dùng cường lực, như sư tử.

 

146. Pháp chân nhân và pháp không chân nhân

 

85. ‘Kinh Chân Nhân’

“Ta sẽ nói cho các ngươi nghe về pháp chân nhân, và pháp không phải chân nhân (Pāli: Sappurisa-dhamma). Hãy lắng nghe, hãy khéo tư niệm”.

Các Tỳ-kheo thọ giáo lắng nghe.

Phật nói: “Thế nào là pháp không phải chân nhân? Ở đây có một người thuộc dòng dõi hào quý, xuất gia học đạo và những người khác thì không như vậy. Người ấy nhân vì dòng dõi hào quý mà quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải nhân bởi dòng dõi hào quý mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không phải dòng dõi hào quý mà xuất gia học đạo, thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng đến pháp và thứ pháp, do đó mà được cúng dường, cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có người đoan chánh, khả ái, những người khác không được như vậy. Người kia nhân vì mình đoan chánh, khả ái mà quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do vẻ đoan chánh khả ái này mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không đoan chánh khả ái nhưng thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng pháp, thứ pháp, do đó được cúng dường cung kính’. Như vậy vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có một người hùng biện, luận giỏi, những người khác không được như vậy. Người kia nhân vì hùng biện, luận giỏi mà quý mình khinh người. Đó gọi là điều của kẻ không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do tài hùng biện, luận giỏi này mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không có tài hùng biện, luận giỏi, nhưng người ấy thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng pháp, thứ pháp, do đó mà được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có người thuộc hàng Trưởng lão, quen biết với vua, nổi tiếng với mọi người và có đại phước, những người khác không được như vậy. Người kia nhân vì là Trưởng lão, vì quen biết với vua, vì nổi tiếng với mọi người và có đại phước mà quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do Trưởng lão, không phải do quen biết với vua, nổi tiếng với mọi người và có đại phước mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không phải là Trưởng lão, không quen biết với vua, không nổi tiếng với mọi người và cũng không có đại phước, nhưng người ấy thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng pháp, thứ pháp, do đó mà được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có người tụng kinh, trì luật, học A-tỳ-đàm, thuộc làu A-hàm, học nhiều kinh sách, người khác không được như vậy. Người kia nhân vì thuộc làu A-hàm, học nhiều kinh sách nên quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do thuộc làu A-hàm, học nhiều kinh sách mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không thuộc làu A-hàm, cũng không học nhiều kinh sách, nhưng người ấy thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng pháp, thứ pháp, do đó mà được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có người mặc y phấn tảo, nhiếp ba pháp phục, trì y bất mạn, người khác không được như vậy. Người kia nhân vì trì y bất mạn nên quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do trì y bất mạn này mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không trì y bất mạn nhưng thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng pháp, thứ pháp, do đó mà được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có người thường đi khất thực, cơm chỉ ngang bằng năm thăng, chỉ khất thực hạn cuộc nơi bảy nhà, chỉ ăn một bữa, quá giờ ngọ không uống nước trái cây, người khác không được như vậy. Người kia nhân vì quá giờ ngọ không uống nước trái cây mà quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp thượng nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do sự quá giờ ngọ không uống nước trái cây này mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không dứt bỏ sự quá giờ ngọ uống nước trái cây, nhưng người ấy thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng pháp, thứ pháp, do đó mà được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có người ở chỗ rừng vắng sơn lâm, dưới gốc cây, hoặc ở núi cao hay nơi đất trống, hoặc nơi gò mả, hoặc có thể biết thời; người khác không được như vậy. Người kia nhân vì biết thời mà quý mình khinh người. Đó không phải là pháp chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do sự biết thời này mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không biết thời nhưng người ấy thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng pháp, thứ pháp, do đó mà được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có người vừa được Sơ thiền; người kia nhân vì được Sơ thiền mà quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Về Sơ thiền, Đức Thế Tôn nói là vô lượng chủng loại, nếu có kế chấp thì gọi là ái vậy. Do đó người ấy được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Lại nữa, hoặc có người được đệ Nhị, đệ Tam, đệ Tứ thiền; được Không xứ, Thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, người khác không được như vậy. Người kia nhân vì được phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ nên quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Phi hữu tưởng phi vô tưởng, Đức Thế Tôn nói là vô lượng chủng loại, nếu có kế chấp thì gọi đó là ái, do đó người ấy được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.

“Các ngươi hãy nhận biết pháp chân nhân và pháp không phải chân nhân. Sau khi biết được pháp thượng nhân và pháp không phải chân nhân rồi, hãy dứt bỏ pháp không phải chân nhân và hãy học pháp chân nhân”.

 

147. Uẩn, xứ, giới

 

86. ‘Kinh Thuyết Xứ’ (Cần tham khao kinh số 163. ‘Kinh Phân biệt sáu xứ’

Đức Thế Tôn bảo rằng: “A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về năm thủ uẩn: sắc thủ uẩn, thọ, tưởng, hành và thức thủ uẩn. Này A-nan, năm thủ uẩn này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về năm thủ uẩn này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về sáu nội xứ: nhãn xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ. A-nan, sáu nội xứ này ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về sáu nội xứ này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về sáu ngoại xứ: sắc xứ, thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ. A-nan, sáu ngoại xứ này ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về sáu ngoại xứ này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được hoan lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về sáu thức thân: nhãn thức, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức. A-nan, sáu thức thân này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về sáu thức thân này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

163. ‘Kinh Phân biệt sáu xứ’

Đức Phật, bảo rằng: “Này các thầy Tỳ-kheo, sáu xứ, nên biết, là bên trong vậy; sáu xúc xứ nên biết bên trong; mười tám ý hành nên biết bên trong; ba mươi sáu đao kiếm nên biết bên trong. Trong đó đoạn trừ cái kia, thành tựu cái này, vô lượng thuyết pháp nên biết bên trong. Có ba ý chỉ, là những điều mà bậc Thánh phải tu tập. Sau khi tu tập mới có thể giáo hóa đồ chúng, đó là bậc Vô thượng Điều ngự con người, là điều ngự người thú hướng tất cả phương’. Như vậy là phân biệt lục xứ.

“Nói rằng, ‘sáu xứ nên biết bên trong’, do nhơn gì mà nói như thế? Đó là xứ là mắt; xứ là tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Nói rằng ‘sáu xứ nên biết bên trong’ là nhơn đó mà nói.

“Nói rằng ‘Sáu xúc xứ nên biết bên trong’, do nhơn gì mà nói như vậy? Đó là xúc con mắt thì thấy sắc, xúc lỗ tai thì nghe tiếng, xúc của mũi thì ngửi mùi, xúc của lưỡi thì nếm vị, xúc của thân thì cảm giác, xúc bởi ý thì biết pháp. Nói rằng ‘sáu xúc xứ nên biết bên trong’ là nhơn đó mà nói.

164. ‘Kinh Phân Biệt quán pháp’

“Này chư Hiền, vậy hãy nghe tôi nói.“Này chư Hiền, thế nào là tâm Tỳ-kheo hướng ra bên ngoài, bị phân rải, tán loạn? –Chư Hiền, với con mắt, Tỳ-kheo con mắt thấy sắc, thức ăn tướng của sắc, thắc đắm trước vị lạc của tướng của sắc, thức bị trói buộc bởi vị lạc của tướng của sắc; vị ấy bị vị ngọt của sắc tướng cột chặt tâm nên hướng ra ngoài, bị phân rải, tán loạn. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; với ý vị ấy nhận thức pháp, thức chạy theo pháp tướng, thức đắm trước vị lạc của pháp tướng, thức bị trói buộc bởi vị lạc của pháp tướng, vị ấy bị vị của vị ngọt của pháp tướng cột chặt tâm nên hướng ra bên ngoài, bị phân rải, tán loạn.

“Này Chư Hiền, như vậy gọi là tâm Tỳ-kheo hướng ra bên ngoài, bị phân rải, tán loạn.

“Này chư Hiền, thế nào gọi là tâm Tỳ-kheo không hướng ra ngoài, không bị phân rải, tán loạn?

“Này chư Hiền, với con mắt, Tỳ-kheo thấy sắc, thức không chạy theo sắc tướng, thức không đắm trước lạc của sắc tướng, thức không bị trói buộc bởi lạc của sắc tướng, vị ấy không bị vị ngọt của sắc tướng cột chặt tâm nên không hướng ra ngoài, không bị phân rải, tán loạn. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; với ý Tỳ-kheo nhận thức pháp, thức không chạy theo pháp tướng, thức không đắm trước lạc của pháp tướng, thức không bị trói buộc bởi lạc của pháp tướng. Vị ấy không bị vị ngọt của pháp tướng cột chặt tâm nên không hướng ra ngoài, không bị chi phối, tán loạn.

 

148. 4 quả Sa môn

 

86. ‘Kinh Thuyết Xứ’

“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn quả Sa-môn, Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, tối thượng A-la-hán quả. A-nan, bốn quả Sa-môn này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn quả Sa-môn này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.

 

149. Người ô uế và người không ô uế

 

87. ‘Kinh Uế phẩm’

Tôn giả Xá-lê Tử nói với các thầy Tỳ-kheo: “Này chư Hiền, thế gian có bốn hạng người. Những gì là bốn?     Hoặc có một hạng người bên trong thật có ô uế mà không tự biết, không biết như thật bên trong có ô uế. Hoặc có một hạng người bên trong thật có ô uế nhưng tự biết, biết như thật bên trong có ô uế. Hoặc có một hạng người bên trong thật không có ô uế mà không tự biết, không tự biết bên trong thật không có ô uế. Hoặc có một hạng người bên trong thật không có ô uế và tự biết, biết như thật bên trong thật không có ô uế.

“Chư Hiền, nếu một người bên trong thật có ô uế mà không tự biết, không biết như thật bên trong có ô uế, thì trong loài người, người này là tối hạ tiện.

Nếu một người bên trong thật có ô uế nhưng tự biết như thật, biết như thật bên trong thật có ô uế, thì trong loài người, người này là tối thắng. Nếu có một người bên trong thật không có ô uế mà không tự biết, không biết như thật bên trong thật không có ô uế, thì trong loài người, người này là tối hạ tiện.

Nếu có một người bên trong thật không có ô uế mà tự biết, biết như thật bên trong thật không có ô uế, thì trong loài người, người này là tối thắng”.

Lúc ấy, có một thầy Tỳ-kheo liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai phải, chắp tay hướng về Tôn giả Xá-lê Tử bạch rằng: “Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, vì nhân gì, duyên gì mà hai hạng người trước đều có ô uế, tâm ô uế, mà một người được nói là tối hạ tiện và một người được coi là tối thắng? Và do nhân gì, duyên gì mà hai hạng người sau không có ô uế, không làm ô uế tâm, nhưng một người được nói là tối hạ tiện và một người được coi là tối thắng?”

Khi đó, Tôn giả Xá-lê Tử trả lời vị Tỳ-kheo kia rằng:

“Hiền giả, nếu có một người bên trong thật có ô uế mà không tự biết, không biết như thật bên trong thật có ô uế, thì nên biết, người ấy không muốn đoạn trừ ô uế, không cầu phương tiện, không tinh cần học. Người ấy khi mạng chung, với ô uế làm ô uế tâm, do mạng chung với ô uế làm ô uế tâm, nó chết không an lành, sanh vào chỗ bất thiện. Vì sao? Vì người ấy do mạng chung với ô uế làm ô uế tâm.

“Này Hiền giả, cũng như có một người từ chợ, quán, hoặc từ nhà làm đồ đồng mua về một cái mâm đồng bị bụi dơ làm dơ. Người ấy mang về nhưng không năng rửa bụi, không năng lau chùi, cũng không phơi nắng, lại để chỗ nhiều bụi bặm nên đồng càng dính thêm bụi bặm dơ bẩn. Hiền giả, cũng vậy, nếu có một người bên trong thật có ô uế mà không tự biết, không biết như thật bên trong thật có ô uế, thì nên biết, người ấy không muốn đoạn trừ ô uế, không cần phương tiện, không tinh cần học, nó mạng chung với sự ô uế làm ô uế tâm. Do mạng chung với sự ô uế làm ô uế tâm, nó chết không an lành, sanh vào chỗ bất thiện. Vì sao? Bởi vì nó mạng chung với ô uế làm ô uế tâm.

“Này Hiền giả, nếu có một người biết như thật rằng: ‘Trong ta có ô uế, trong ta quả thật có ô uế này’, thì nên biết, người ấy muốn đoạn trừ ô uế đó, cầu phương tiện và tinh cần học. Người ấy mạng chung mà không có ô uế, không làm ô uế tâm. Do mạng chung không có ô uế, không làm ô uế tâm, người ấy chết an lành, sanh vào cõi thiện. Vì sao? Vì người ấy mạng chung mà không có ô uế, không làm ô uế tâm.

“Này Hiền giả, cũng như có người từ chợ, quán, hoặc từ nhà người làm đồ đồng mua về một cái mâm đồng bị bụi bặm làm dơ bẩn. Người ấy mang mâm về, thường năng rửa bụi bặm, thường năng lau chùi, thường năng phơi nắng và không để chỗ nhiều bụi bặm. Như vậy, mâm đồng hết sức sạch bóng. Hiền giả, cũng vậy, nếu có một người biết như thật rằng: ‘Trong ta có ô uế; trong ta quả thật có ô uế này’, thì nên biết, người ấy muốn đoạn trừ ô uế đó, cầu phương tiện và tinh cần học. Người ấy mạng chung mà không có ô uế, không làm ô uế tâm. Do mạng chung không có ô uế, không làm ô uế tâm, người ấy chết an lành, sanh vào cõi thiện. Vì sao? Vì người ấy mạng chung mà không có ô uế, không làm ô uế tâm.

“Hiền giả, nếu một người không biết như thật rằng: ‘Trong ta không có ô uế; trong ta quả thật không có ô uế này’, thì nên biết người ấy không giữ gìn được những pháp mắt thấy tai nghe. Do không giữ gìn được những pháp mắt thấy tai nghe, nó bị dục tâm ràng buộc. Nó sẽ mạng chung với dục tâm, với ô uế làm ô uế tâm. Do mạng chung với dục tâm, với ô uế làm ô uế tâm, nó chết không an lành, sanh vào cõi bất thiện. Vì sao? Vì nó mạng chung với dục tâm, với ô uế làm ô uế tâm.

“Hiền giả, cũng như có một người từ chợ, quán, hoặc từ nhà làm đồ đồng, mua về một cái mâm đồng không có bụi dơ. Người ấy mang mâm về nhưng không năng rửa bụi, không năng lau chùi, không thường phơi nắng, để chỗ nhiều bụi bặm. Như vậy, mâm đồng chắc chắn dính bụi bặm dơ bẩn. Hiền giả, cũng vậy, nếu một người không biết như thật rằng: ‘Trong ta không có ô uếâ; trong ta thật không có ô uế này’, thì nên biết, người kia không giữ gìn được những pháp mắt thấy tai nghe. Do không giữ gìn được những pháp mắt thấy tai nghe, nó bị dục tâm ràng buộc. Nó sẽ mạng chung với dục tâm, với ô uế làm ô uế tâm. Nó chết không an lành, sanh vào cõi bất thiện. Vì sao? Vì nó mạng chung với dục tâm, với ô uế làm ô uế tâm.

“Hiền giả, nếu một người biết như thật rằng: ‘Trong ta không có ô uế; trong ta quả thật không có ô uế này’, thì nên biết, người ấy giữ gìn được những pháp mắt thấy tai nghe. Do vì giữ gìn được những pháp mắt thấy tai nghe nên người ấy không bị dục tâm ràng buộc. Người ấy mạng chung mà không có dục tâm, không có ô uế, không làm ô uế tâm. Do mạng chung mà không có dục tâm, không có ô uế, không làm ô uế tâm, người ấy chết an lành, sanh vào nẻo thiện. Vì sao? Vì người ấy không có dục tâm, không có ô uế, không làm ô uế tâm.

“Hiền giả, cũng như có người hoặc từ chợ, quán, hoặc từ nhà làm đồ đồng mua về một cái mâm đồng không có bụi dơ, sạch bóng. Người ấy mang mâm về, thường năng rửa bụi, thường năng lau chùi, thường năng phơi nắng, không để chỗ bụi bặm. Như vậy, cái mâm đồng hết sức sạch bóng. Hiền giả, cũng vậy, nếu một người biết như thật rằng: ‘Trong ta không có ô uế; trong ta quả thật không có ô uế này’, thì nên biết người ấy giữ gìn được những pháp mắt thấy tai nghe. Do vì giữ gìn được những pháp mắt thấy tai nghe nên người ấy không bị dục tâm ràng buộc. Người ấy mạng chung mà không có dục tâm, không có ô uế, không làm ô uế tâm. Do mạng chung mà không có dục tâm, không có ô uế, không làm ô uế tâm, người ấy chết an lành, sanh vào cõi thiện. Vì sao? Vì người ấy không có dục tâm, không có ô uế, không làm ô uế tâm.

“Hiền giả, do nhân này, duyên này mà hai hạng người trước mặc dù đều có ô uế làm ô uế tâm, nhưng một người được nói là tối hạ tiện, và một người được coi là tối thắng. Và cũng do nhân này, duyên này mà hai hạng người sau mặc dù đều không có ô uế, không làm ô uế tâm, nhưng một người được nói là tối hạ tiện, và một người được coi là tối thắng”.

…..

Bạch Tôn giả Xá-lê Tử, Ngài nói ô uế; những gì là ô uế?”

Tôn giả Xá-lê Tử đáp rằng: “Này Hiền giả, vô lượng pháp ác bất thiện từ dục mà sanh, đó là ô uế. Vì sao? giả sử có một người tâm sanh ước muốn như vầy, ‘Ta đã phạm giới, mong rằng người khác đừng biết ta phạm giới’. Hiền giả, nhưng có người khác biết nó phạm giới, bởi vì người khác biết nó phạm giới, nên người ấy tâm sanh ác. Nếu người ấy tâm sanh ác và tâm sanh dục thì cả hai đều là bất thiện.

“Hiền giả, giả sử có người tâm sanh ước muốn như vầy, ‘Ta đã phạm giới, mong người khác quở trách ta ở chỗ kín đáo, chứ đừng quở trách ta phạm giới ở trong chúng’. …

“Hiền giả, giả sử có người tâm sanh ước muốn như vầy, ‘Ta đã phạm giới, mong rằng bị người hơn mình trách mắng, chứ đừng bị người kém mình trách mắng ta phạm giới’. …

“Hiền giả, giả sử có người tâm sanh ước muốn như vầy: ‘Mong rằng ta ngồi trước mặt Đức Thế Tôn, thưa hỏi Đức Thế Tôn về giáo pháp để Ngài nói cho các Tỳ-kheo nghe, chứ không phải vị Tỳ-kheo khác ngồi trước mặt Đức Thế Tôn thưa hỏi Đức Thế Tôn về giáo pháp để Ngài nói cho các Tỳ-kheo nghe’….

“Hiền giả, giả sử có người tâm sanh ước muốn như vầy: ‘Lúc các Tỳ-kheo vào làng, mong rằng ta đi trước nhất, các Tỳ-kheo theo sau ta mà vào làng, đừng để một Tỳ-kheo nào khác mà khi các Tỳ-kheo vào làng đi trước nhất, và các Tỳ-kheo đi theo sau mà vào’. …

“Hiền giả, giả sử có người tâm sanh ước muốn như vầy, ‘Khi các Tỳ-kheo đã vào trong, thì mong rằng ta ngồi chỗ cao hơn hết, được chỗ ngồi bậc nhất, được nước rửa bậc nhất, được thức ăn bậc nhất, chứ đừng có vị Tỳ-kheo nào khác mà khi các Tỳ-kheo đã vào trong lại ngồi chỗ cao hơn hết, được chỗ ngồi bậc nhất, được nước rửa bậc nhất, được thức ăn bậc nhất’….

“Hiền giả, giả sử có người tâm sanh ước muốn như vầy: ‘Các Tỳ-kheo ăn xong, sau khi thu dọn đồ ăn, lau rửa rồi, mong ta nói pháp cho cư sĩ nghe để khuyến phát khát ngưỡng và thành tựu hoan hỷ; đừng có Tỳ-kheo nào khác sau khi các Tỳ-kheo ăn xong thu dọn đồ ăn, lau rửa rồi, nói pháp cho cư sĩ nghe để khuyến phát khát ngưỡng và thành tựu hoan hỷ’….

“Hiền giả, giả sử có người tâm sanh ước muốn như vầy: ‘Khi các cư sĩ đi đến chúng viên, mong rằng ta với họ cùng tụ hội, cùng tụ tập, cùng ngồi, cùng đàm luận, đừng có Tỳ-kheo nào khác khi các cư sĩ đi đến chúng viên cùng tụ hội, cùng tụ tập, cùng ngồi, cùng đàm luận với họ’….

“Hiền giả, giả sử có người tâm sanh ước muốn như vầy: ‘Mong rằng ta được nhà vua quen biết, được các Đại thần, Phạm chí, cư sĩ và nhân dân trong nước biết đến và kính trọng’. …

“Hiền giả, giả sử có người tâm sanh ước muốn như vầy: ‘Mong rằng ta được bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di kính trọng, đừng có Tỳ-kheo nào khác được bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di kính trọng’….

“Hiền giả, giả sử có người tâm sanh ước muốn như vầy: ‘Mong ta được các dụng cụ sinh hoạt như quần áo, đồ ăn uống, giường nệm, thuốc thang, đừng có Tỳ-kheo nào được các dụng cụ sinh hoạt như quần áo, đồ ăn uống, giường nệm, thuốc thang’. Này Hiền giả, nhưng có Tỳ-kheo khác được các dụng cụ sinh hoạt như quần áo, đồ ăn uống, giường nệm, thuốc thang. Do bởi có Tỳ-kheo khác được các dụng cụ sinh hoạt như: quần áo, đồ ăn uống, giường nệm, thuốc thang, nên người ấy tâm sanh ác. Nếu người ấy tâm sanh ác và tâm sanh dục thì cả hai đều là bất thiện.

 

150. Ví dụ tấm gương

 

89. ‘Kinh Tỷ kheo Thỉnh’

Này chư Hiền, nếu khi Tỳ-kheo quán sát mà biết được ta có ác dục, niệm dục thì không thể vui mừng. Do đó mong cầu đoạn trừ dục.

“Này chư Hiền, nếu lúc Tỳ-kheo quán sát mà biết mình không có ác dục, niệm dục tức thì vui mừng, rằng: ‘Ta tự thanh tịnh, cầu học pháp tôn quý’, cho nên vui mừng.

“Này chư Hiền, như người có mắt, lấy gương tự soi thì thấy được mặt mình là sạch hay dơ. Chư Hiền, nếu người có mắt thấy mặt mình bẩn thì không vui mừng và mong muốn rửa sạch. Chư Hiền, nếu người có mắt thấy mặt mình không bẩn thì vui mừng rằng: ‘Mặt ta sạch’, nên vui mừng. Chư Hiền, cũng như vậy, nếu khi Tỳ-kheo quán sát mà biết được ta có ác dục, niệm dục thì không vui mừng và mong cầu đoạn trừ dục. Chư Hiền, nếu lúc Tỳ-kheo quán sát mà biết được mình không có ác dục, niệm dục thì vui mừng rằng ‘Ta tự thanh tịnh, cầu học pháp tôn quý’ nên vui mừng. Cũng như thế, ta nhiễm và hành nhiễm hay không nhiễm và hành nhiễm? Cố ý phú tàng hay không cố ý phú tàng? Lường gạt dối trá hay không lường gạt dối trá? Xan tham tật đố hay không xan tham tật đố? Vô tàm vô quý hay không vô tàm vô quý? Sân tệ ác ý hay không sân tệ ác ý? Nói lời phẫn nộ hay không nói lời phẫn nộ? Ha trách Tỳ-kheo ha trách hay không ha trách Tỳ-kheo ha trách? Ha trách Tỳ-kheo khinh mạn hay không ha trách Tỳ-kheo khinh mạn? Ha trách Tỳ-kheo phát lồ hay không ha trách Tỳ-kheo phát lồ? Nói lãng ngoài đề để tránh né hay không nói lãng ngoài đề để tránh né? Che giấu và hờn giận hay không che giấu và hờn giận? Thù ghét phừng phực hay không thù ghét phừng phực? Bằng hữu ác và đồng bọn ác hay không bằng hữu ác và đồng bọn ác? Vong ân không biết ân hay không vong ân không biết ân? Chư Hiền, nếu khi Tỳ-kheo quán sát mà biết được ‘ta có vong ân không biết ân’ thì không vui mừng và mong muốn đoạn trừ. Chư Hiền, nếu lúc Tỳ-kheo quán sát mà biết được mình không có vong ân không biết ân thì được vui mừng rằng ‘Ta tự thanh tịnh, cầu học pháp tôn quý’, cho nên vui mừng.

“Này chư Hiền, như người có mắt, lấy gương tự soi thì thấy được mặt mình là sạch hay dơ. Chư Hiền, nếu người có mắt thấy mặt mình bẩn thì không vui mừng và mong muốn rửa sạch. Chư Hiền, nếu người có mắt thấy mặt mình không bẩn thì được vui mừng rằng ‘Mặt ta sạch sẽ’, cho nên vui mừng. Chư Hiền, cũng vậy, nếu khi Tỳ-kheo mà biết được ta có vong ân không biết ân, thì không vui mừng và mong muốn đoạn trừ. Chư Hiền, nếu khi Tỳ-kheo quán sát mà biết được mình không có vong ân không biết ân thì được vui mừng rằng ‘Ta tự thanh tịnh, cầu học tôn pháp’, cho nên vui mừng. Do vui mừng cho nên có hỷ, nhân hỷ nên thân khinh an, do thân khinh an nên được cảm thọ lạc, do cảm thọ lạc nên được định tâm.

“Này chư Hiền, Đa văn Thánh đệ tử do định tâm nên thấy như thật, biết như thật; do thấy như thật, biết như thật nên được yểm ly, do yểm ly nên được vô dục, do vô dục nên được giải thoát, do giải thoát mà được tri giải thoát, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều đáng làm đã làm xong, không còn tái sanh’.”

 

 


[1] Pāli: svākkhato bhagavato dhammo suppaipanno sāvakasagho, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, Tăng đệ tử của Thế Tôn khéo thực hành.

[2] Danh tánh chủng, chỉ Tỳ-kheo chỉ có danh tự, chứ không có thực chất (?). Pāli: Gotrabhuno.

[3] Tức bốn hành: không an ổn, an ổn, điều phục và tịch tịnh. Chúng đệ tử Phật hành ba loại sau. Tham chiếu Pāli, D. 33. Sagīti-suttanta: catasso paipadā: akkhamā paipadā (không kham nhẫn), khamā paipadā (kham nhẫn), damā paipadā (điều phục), samā paipadā (tịch tĩnh).

[4] Trừ sự, trong kinh 215, tám thắng xứ được gọi là tám trừ xứ, nhưng ở đây trừ sự có thể chỉ cho bốn thông hành (xem kinh số 215 ở sau).

[5] Hành lai du, tham khảo Pháp Uẩn 3 (No.1537, Đại 26, trang 463 b), được gọi là Pháp tùy, tức tám chi Thánh đạo. Chúng đệ tử của Phật tùy thuận du lịch thiệp hành trong đó.

[6] Mười sự thành tựu trên đây, trừ những thành tựu: nhu nhuyến, nhẫnlạc, còn lại có thể so với những đức tánh Tăng bảo thường được tán thán, mà theo văn của Tập Dị và Pháp Uẩn như vầy: “Cụ túc diệu hành, chất trực hành, pháp tùy pháp hành, hòa kỉnh hành, tùy pháp hành”.

[7] Kiến lai kiến quả; Xem Tập Dị (No.1536, Đại 26, trang 402): hữu y kiến, hữu quả kiến.

[8] Thị xứ phi xứ: trường hợp đúng và trường hợp sai.

[9] Pāli: thānāthānakusala (xứ phi xứ thiện xảo).

[10] Kiến đế nhân, đây chỉ vị Tu-đà-hoàn.

[11] Mạng hành thanh tịnh, sinh hoạt, hay sự nuôi sống, thanh tịnh. Pāli: parisuddho ājīvo.

[12] Vị phẫn tránh cố 忿 ; vì sự phẫn nộ và tranh cãi. Pāli: yatvādhikaraam enam…, do nguyên nhân gì mà… Trong bản Hán, adhikaraa, nguyên nhân, được hiểu là sự tranh cãi

[13] Thú hướng bỉ cố ; Pāli: (akusalā dhammā) anvāssaveyy, (các pháp bất thiện) có thể khởi lên (trôi chảy vào tâm).

[14] Yển tọa ; ngồi nơi chỗ vắng vẻ. Pāli: patisallāna.

[15] Nội hành chỉ . Pāli: ajjhatta cetosamathānuyutto.

[16] Chỉ Tỳ-kheo A-lan-nhã, tu theo hạnh chỉ sống trên rừng. Pāli: araññaka.

[17] Pāli: citta vasa vatteti, no... cittassa vasena vatteti, (Tỳ-kheo chế ngự tâm chứ không phải bị tâm chế ngự).

[18] Hành chân thật không bất điên đảo. Pāli: Yathābhuccā avipallatthā parisuddhā sunnatāvakkam. Thâm nhập không tánh, chân thật, thanh tịnh, không điên đảo. Bốn từ này ở đây được coi là đồng nghĩa.

[19] Hán: niệm nhất vô sự tưởng . Pāli: araññasañña paicca manasi karoti ekatta, duyên vào ý tưởng về khu rừng mà tác ý cái một. Duyên vào ý tưởng rừng mà tập trung trên một đối tượng duy nhất, nhất tánh.

[20] Phiền sư, Pāli: ācariyūpaddava, bất hạnh, hay nguy hại cho thầy.

[21] Mâu-lê-phá-quần-na . Pāli: Moliyaphagguna.

[22] Ngũ ngôn đạo hay ngũ ngữ lộ . Xem Tập Dị 13, No.1536, Đại 26, tr.421c). Pāli: Pañca Vacanapathā.

[23] Ca-la-lại . Pāli: Kīagiri.

[24] Câu giải thoát tức Câu phần giải thoát . Gọi là Cu phần vì có hai phần chướng, phiền não phần chướng và giải thoát phần chướng (xem Tập Dị Môn Luận 17, Đại 26 tr.436a). Pāli: Ubhatobhāgavimutta.

[25] Thân xúc ; Tập Dị (đd.,nt.): Thân dĩ chứng . Pāli: santā vimokhā atkkama rūpe āruppā te kāyena phassitvā viharati, tịch tịnh giải thoát, vượt qua các sắc và vô sắc, sau khi thể nghiệm bằng thân, vị ấy an trụ.

[26] Tuệ kiến, Pāli: paññāya cassa divā, sau khi thấy bằng tuệ.

[27] Kiến đáo , cũng gọi là kiến chí. Pāli: diṭṭhipatto.

[28] Tức là bậc Thánh này căn cứ trên địa vị tùy pháp hành (xem dưới) chứng đắc Đạo loại trí, với sự bén nhạy của tuệ (Tập Dị đd., tr.435c Cu-xá đd., nt.). Pāli: paññāya vodiṭṭhā honti vocaritā, do tuệ mà quán sát và thấu triệt.

[29] Sa-di Châu-na . Pāli: Cunda samauddesa. Được đồng với Mahā-Cunda em ruột ngài Sāriputta và đắc quả A-na-hàm trong lúc là Sa-di.

[30] Đạo và đạo tích. Pāli: magge vā hi patipadāya, tranh chấp trong các vấn đề liên hệ Thánh đạo và sự tu tập Thánh đạo.

[31] Có 18 tránh sự, theo các Luật tạng. Trong đây chỉ nêu 16. Hai điều thuyết và phi thuyết đề cập riêng.

[32] Chỉ tránh hay nói là diệt tránh pháp ; Pāli: adhikaraa-samathā.

[33] Thuật ngữ theo Luật Tứ Phần: 1. Hiện tiền tì-ni (Pāli: sammukhāvinaya), 2. Ức niệm tì-ni (sativinaya), 3. Bất si tì-ni (amūhavinaya), 4. Tự ngôn trị (paiññayā kāretabba), 5. Đa nhân ngữ (yebhuyyasikā), 6. Tội xứ sở (tassapāyikā), 7. Như thảo phú địa (tiavatthāraka)ø.

[34] Thánh bát chi trai . Pāli: atthaga samannāgato upasatho hay ariyūposatha.