THÀNH THẬT TÔNG
Khai tổ: Ha-lê-bạt-ma ở Ấn Độ, thế kỷ 4.
Cưu-ma-la-thập truyền sang
Trung Hoa vào thế kỷ 5.
Huệ Quán[15] và
Khuyến Lặc ở Nhật Bản vào thế kỷ 7.
Giáo lý căn bản: Thành thật luận của ngài Ha-lê-bạt-ma vào thế kỷ 4.
Tông chỉ: Tất cả tâm thức và đối tượng của tâm thức đều là trống rỗng.
Ngã và pháp đều là không. Bản ngã vốn không thật, mà các pháp tạo thành
nó cũng đều là hư dối.
LỊCH SỬ
Cũng như Câu-xá tông, Thành thật tông ngày nay không còn, nhưng giáo lý
chính là bộ Thành thật luận vẫn còn lưu hành và được nhiều người học
Phật để tâm nghiên cứu. Bộ luận này đã được đưa vào Đại tạng kinh,
[16]
do ngài Ha-lê-bạt-ma soạn vào khoảng thế kỷ thứ tư bằng chữ Phạn. Qua
đầu thế kỷ thứ năm thì được ngài Cưu-ma-la-thập, một cao tăng Ấn Độ sang
truyền pháp ở Trường An, Trung Hoa, dịch sang chữ Hán. Từ đó, bộ luận
này trở thành một tác phẩm giá trị được lưu hành dần dần khắp miền Viễn
Đông. Căn cứ vào giáo lý trong bộ luận này, Thành thật tông ra đời.
Ngài Ha-lê-bạt-ma là người Ấn Độ, đệ tử của ngài Cưu-ma-đa-la, thuộc
Nhất thiết hữu bộ. Tên chữ Phạn của ngài là Harivarman, Hán dịch nghĩa
là Sư Tử Khải, dịch theo âm là Ha-lê-bạt-ma. Ngài sinh trong một gia
đình Bà-la-môn, lớn lên bắt đầu học theo ngoại đạo, nhưng sau nhận ra sự
sai lầm nên từ bỏ và theo học với ngài Cưu-ma-la-đa. Chẳng bao lâu, ngài
nhận ra quan điểm giáo lý của mình không phù hợp với giáo lý truyền
thống của Nhất thiết hữu bộ, nên ngài từ bỏ luôn bộ phái này và tự mình
nghiên cứu kinh điển Tiểu thừa. Ngài học tinh thông giáo lý Tiểu thừa,
nhưng vẫn thấy chưa hoàn toàn thỏa mãn, nên về sau ngài đến thành Hoa
Thị tiếp tục học giáo lý Đại thừa với các vị tăng thuộc Đại chúng bộ.[17]
Chính trong thời gian này ngài soạn ra bộ Thành thật luận, phát triển tư
tưởng về tánh không theo nhận thức của mình.
Bộ Thành thật luận gồm 16 quyển, 202 chương. Sau đó được ngài
Cưu-ma-la-thập dịch sang chữ Hán, lại được các đệ tử của ngài truyền dạy
khắp Trung Hoa. Trong số đó nổi bật nhất là 2 vị Tăng Đạo và Tăng Khải,
có thể xem là những người có công làm cho Thành thật tông trở nên hưng
thịnh.
Ngài Cưu-ma-la-thập là khai tổ của Thành thật tông tại Trung Hoa, vì
ngài là người đầu tiên dịch và giảng giải giáo lý chính của tông này.
Ngài là người xứ Quy Tư (Kucha) thuộc vùng Tân Cương ngày nay, sinh năm
344, xuất thân trong một gia đình quý tộc. Cha ngài là người Ấn Độ đến
sinh sống ở Dao Tần. Tên Phạn ngữ của ngài là Kumrajỵva, Hán dịch nghĩa
là Đồng Thọ, dịch âm là Cưu-ma-la-thập. Ngài được tôn xưng là một trong
bốn đại dịch giả hàng đầu của Trung Hoa trong việc phiên dịch kinh điển
sang Hán ngữ.[18]
Cha mẹ ngài lần lượt xuất gia tu
học, đều là các bậc đạo hạnh.
Từ nhỏ ngài đã có tư chất thông minh, năm ngài lên 7 tuổi cũng theo mẹ
học đạo, rồi sang du học Ấn Độ, tham học với hầu hết các bậc danh túc.
Sau khi đi khắp xứ Ấn Độ, ngài lại trở về nước cũ, được vua Quy Tư bái
kính tôn làm thầy. Năm 383, vua Tiền Tần là Phù Kiên nghe danh ngài nên
sai Lã Quang mang quân sang đánh Quy Tư để đón ngài về. Lã Quang thắng
trận, đón được ngài Cưu-ma-la-thập, nhưng về giữa đường, Quang nghe nhà
Tiền Tần đã mất, Hậu Tần lên thay, liền không về nữa mà đóng quân lại ở
Lương Châu, tự lên ngôi vua, lập ra nhà Lương. Ngài Cưu-ma-la-thập cũng
bị giữ ở đó trong khoảng 17 năm.
Về sau, vua Hậu Tần là Diêu Hưng sai Diêu Thạc Đức mang quân đánh dẹp
nhà Lương, dùng lễ quốc sư mà thỉnh ngài về Trường An vào khoảng năm
401, nhằm vào niên hiệu Long An thứ 5 triều Đông Tấn. Vua hết sức tôn
kính, phong ngài làm quốc sư, thỉnh ở tại vườn Tiêu Dao và hỗ trợ mọi
điều kiện cho ngài chủ trì việc phiên dịch kinh điển tại kinh đô, cùng
với các ngài Tăng Triệu, Tăng Nghiêm...
Kể từ tháng 4 niên hiệu Hoằng Thủy thứ 5 nhà Hậu Tần (403), ngài bắt đầu
dịch các bộ Trung luận, Bách luận và Thập nhị môn luận, gọi chung là Tam
luận, sau là giáo lý căn bản của Tam luận tông. Ngài thông thạo cả hai
ngôn ngữ Phạn, Hán, lại được sự trợ giúp của rất nhiều vị cao tăng uyên
bác, nên kinh điển chẳng những dịch được rất nhiều mà còn có độ chính
xác cao so với nguyên tác. Hơn thế nữa, nhờ sự am hiểu nên ngài cũng
mạnh dạn diễn đạt một cách uyển chuyển trong bản dịch để đạt được sự rõ
ràng dễ hiểu mà vẫn không sai lệch nguyên bản.
Tương truyền ngài có phương pháp dịch kinh rất khác biệt với nhiều người
khác. Thay vì đối chiếu song song hai ngôn ngữ để dịch, ngài tổ chức
giảng nghĩa kinh 2 lần bằng tiếng Trung Hoa cho những người tham gia
phiên dịch nghe. Sau đó, họ thảo luận với nhau và ghi chép lại bằng Hán
ngữ. Cuối cùng, ngài đối chiếu bản ghi chữ Hán của họ với nguyên bản chữ
Phạn và sửa chữa, điều chỉnh thành bản dịch cuối cùng.
Ngài mất năm 413, sau 12 năm dồn hết tâm lực vào việc phiên dịch kinh
điển. Cũng có thuyết khác cho rằng ngài sinh năm 350 và mất năm 409.
Thành thật tông phát triển rất mạnh ở Trung Hoa trong khoảng thế kỷ 6 -
7, và tồn tại mãi cho đến thế kỷ 10, tức là vào các triều đại nhà Tùy và
nhà Đường. Trong thời gian về sau, Thành thật tông chịu sự công kích rất
mạnh mẽ của những người theo Tam luận tông, cho rằng họ đã hiểu sai về ý
nghĩa của tánh không. Vì thế, tông này suy yếu dần và cuối cùng mất hẳn.
Vào cuối thế kỷ 6, thuộc thời đại Bạch Phụng ở Nhật Bản, có ngài Thánh
Đức Thái Tử ra đời. Ngài là con vua Vĩnh Mê, học đạo Phật với các vị cao
tăng Triều Tiên sang du hóa ở Nhật, và chính ngài đã góp phần phát triển
nhiều khuynh hướng giáo lý rất sớm tại Nhật. Ngài đã trước tác các bản
chú giải cho kinh Thắng Man, kinh Pháp Hoa, kinh Duy-ma-cật...
Về sau, ngài có gửi nhiều phái bộ sang Trung Hoa để mang thêm kinh điển
về Nhật Bản. Ngài cũng xây dựng rất nhiều tự viện, trong đó có chùa Tây
Thiên Vương, chùa Trung Cung, chùa Quất,[19]
chùa
Trì Cừu,[20]
chùa Quế Mộc.[21]
Thái tử đã thỉnh vào triều 2 vị cao tăng Triều Tiên là Huệ Quán và
Khuyến Lặc. Hai vị này đến Nhật Bản vào năm 625, tinh thông giáo lý
Thành thật tông, nên nhân khi thuyết giảng cho thái tử nghe, các ngài
cũng truyền dạy giáo lý Thành thật tông ra khắp nơi. Thành thật tông
hình thành và phát triển rất mạnh ở Nhật trong thế kỷ thứ bảy, xem 2 vị
Huệ Quán và Khuyến Lặc là khai tổ. Tuy nhiên, tông này về sau ở Nhật
cũng không còn tồn tại nữa.
Do sự tương đồng một phần về giáo lý, nên nhiều người cho rằng Thành
thật tông không phải là một tông phái độc lập, mà chỉ là một phần của
Tam luận tông. Mặt khác, cho dù là xuất phát từ Kinh lượng bộ là một
trong 18 bộ Tiểu thừa của Ấn Độ, nhưng việc nhấn mạnh về tánh không của
vạn pháp cũng như tâm thể của giáo lý tông này đã tiến rất gần đến giáo
lý Đại thừa, nên nhiều người cho rằng đây là một tông thuộc Đại thừa.
HỌC THUYẾT
Giáo lý Thành thật tông cũng có vẻ gần giống với Câu-xá tông, vì sự phủ
nhận bản ngã là không thật. Tuy nhiên, nếu như Câu-xá tông thừa nhận sự
hiện hữu tạm thời của các pháp, thì Thành thật tông lại phủ nhận tất cả.
Do đặc điểm này, nên một số người cũng gọi tên tông này là Nhất thiết
không.
Giáo lý Thành thật tông lại cũng có vẻ gần giống với Tam luận tông. Tuy
nhiên, những người theo Tam luận tông diễn giải tánh không khác với
Thành thật tông, và cho rằng Thành thật tông đã hiểu sai về tánh không.
Nhưng sự tương đồng này cũng giải thích lý do vì sao ngài Huệ Quán cũng
được xem là Khai tổ Tam luận tông ở Nhật Bản.
Sự khác biệt giữa Thành thật tông và Tam luận tông được làm rõ qua sự
thuyết giảng của ngài Pháp Lãng, người đã hiển dương giáo lý Tam luận
tông và công kích mạnh mẽ các nhược điểm của Thành thật tông. Cùng với
Pháp Lãng là ngài Cát Tạng, thầy của Huệ Quán, cũng là người công kích
Thành thật tông. Sự phê phán của hai luận sư danh tiếng này đã làm cho
Thành thật tông suy yếu dần và đi vào quên lãng.
Thành thật tông được xem là một tông Tiểu thừa, vì sự chuyên tâm nghiên
cứu những lời dạy của Phật ghi trong các kinh văn nguyên thủy Tiểu thừa.
Tông chỉ chính của tông này là phủ nhận mọi sự hiện hữu. Tông này cho
rằng cả tâm thức và vật chất đều không thực sự hiện hữu.
Giáo lý Thành thật tông cho rằng có hai loại chân lý là chân lý thế gian
và chân lý tuyệt đối. Chân lý thế gian là những sự thật có tính cách quy
ước. Theo đó, sự hiện hữu của các pháp được thừa nhận trong ý nghĩa phụ
thuộc lẫn nhau, biến đổi vô thường và chịu sự hoại diệt. Chân lý tuyệt
đối là sự thật rốt ráo, cuối cùng, mà theo đó thì hết thảy mọi pháp đều
là trống rỗng, không không. Như vậy, Thành thật tông xem cả bản ngã lẫn
các pháp đều là không thật.
[22]
Sự nhấn mạnh về tánh không làm cho tông này có vẻ như gần giống với một
tông Đại thừa. Tuy nhiên, sự khác biệt ở đây là các tông Đại thừa nói về
một tánh không diệu hữu, làm nền tảng sinh khởi các pháp, trong khi
Thành thật tông thì lại phủ nhận tất cả. Chính khác biệt này làm cho
Thành thật tông vướng mắc vào sự phủ định, xa rời hẳn quan điểm của Tam
luận tông.
Nội dung bộ Thành thật luận giảng giải rất rõ về tính chất không thật
của “bản ngã” và các pháp hợp thành năm uẩn. Khi nhận rằng các pháp là
có, thì Câu-xá tông đồng thời cũng phải thừa nhận sự hiện hữu của chúng
trong thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai. Ngược lại, Thành thật
tông phủ nhận ngay cả sự hiện hữu tạm thời của các pháp, nên cho rằng
không có quá khứ, không có tương lai, vì chúng đều là không thật. Còn
đối với hiện tại, tuy nhìn thấy được trước mắt mà hết thảy đều là hư
dối, vừa thấy đó thì đã qua mất rồi. Hết thảy các pháp đều sinh khởi,
biến đổi và diệt mất đi trong từng khoảnh khắc. Cuộc đời con người cũng
giống như thế, chỉ là sự tiếp nối của những khoảnh khắc không thật, như
bóng chớp, như hạt sương sa, không thường tồn chân thật!
Do nơi sự đối đãi giữa vật này với vật kia, người ta định nên tên gọi,
nên tên gọi cũng chỉ là tương đối và hư dối, không thật.
Các pháp đều là những hiện tượng sinh khởi, đều chỉ là bóng dáng, không
thật. Cũng như bọt nước tuy hiện hữu mà không bền chắc, tan biến trong
chốc lát, chẳng còn để lại gì.
Do sự phủ nhận tất cả các pháp, nên người tu không còn mê đắm, không còn
bị dắt dẫn theo chúng nữa. Nhờ đó mà có thể dứt bỏ các mối tham dục, ái
luyến, cũng không còn sân hận, si mê nữa.
Tuy rằng xét cho cùng thì giáo lý Thành thật tông chưa đạt đến chỗ rốt
ráo, có thể dẫn người ta rơi vào chỗ chấp không, cực đoan, nhưng trong
một thời gian dài, giáo lý này cũng đã giúp cho không ít người thoát
khỏi sự mê đắm vào vật chất thế gian. Nhờ đó mà họ mới có khả năng tiếp
nhận những giáo lý sâu xa, mầu nhiệm hơn của Phật pháp. Nếu xét theo
quan điểm tùy bệnh mà cho thuốc, thì giáo lý Thành thật tông quả thật đã
là một bài thuốc hay trong suốt thời hưng thạnh của tông này.
HỌC THUYẾT
Giáo lý Thành thật tông cũng có vẻ gần giống với Câu-xá tông, vì sự phủ
nhận bản ngã là không thật. Tuy nhiên, nếu như Câu-xá tông thừa nhận sự
hiện hữu tạm thời của các pháp, thì Thành thật tông lại phủ nhận tất cả.
Do đặc điểm này, nên một số người cũng gọi tên tông này là Nhất thiết
không.
Giáo lý Thành thật tông lại cũng có vẻ gần giống với Tam luận tông. Tuy
nhiên, những người theo Tam luận tông diễn giải tánh không khác với
Thành thật tông, và cho rằng Thành thật tông đã hiểu sai về tánh không.
Nhưng sự tương đồng này cũng giải thích lý do vì sao ngài Huệ Quán cũng
được xem là Khai tổ Tam luận tông ở Nhật Bản.
Sự khác biệt giữa Thành thật tông và Tam luận tông được làm rõ qua sự
thuyết giảng của ngài Pháp Lãng, người đã hiển dương giáo lý Tam luận
tông và công kích mạnh mẽ các nhược điểm của Thành thật tông. Cùng với
Pháp Lãng là ngài Cát Tạng, thầy của Huệ Quán, cũng là người công kích
Thành thật tông. Sự phê phán của hai luận sư danh tiếng này đã làm cho
Thành thật tông suy yếu dần và đi vào quên lãng.
Thành thật tông được xem là một tông Tiểu thừa, vì sự chuyên tâm nghiên
cứu những lời dạy của Phật ghi trong các kinh văn nguyên thủy Tiểu thừa.
Tông chỉ chính của tông này là phủ nhận mọi sự hiện hữu. Tông này cho
rằng cả tâm thức và vật chất đều không thực sự hiện hữu.
Giáo lý Thành thật tông cho rằng có hai loại chân lý là chân lý thế gian
và chân lý tuyệt đối. Chân lý thế gian là những sự thật có tính cách quy
ước. Theo đó, sự hiện hữu của các pháp được thừa nhận trong ý nghĩa phụ
thuộc lẫn nhau, biến đổi vô thường và chịu sự hoại diệt. Chân lý tuyệt
đối là sự thật rốt ráo, cuối cùng, mà theo đó thì hết thảy mọi pháp đều
là trống rỗng, không không. Như vậy, Thành thật tông xem cả bản ngã lẫn
các pháp đều là không thật.[22]
Sự nhấn mạnh về tánh không làm cho tông này có vẻ như gần giống với một
tông Đại thừa. Tuy nhiên, sự khác biệt ở đây là các tông Đại thừa nói về
một tánh không diệu hữu, làm nền tảng sinh khởi các pháp, trong khi
Thành thật tông thì lại phủ nhận tất cả. Chính khác biệt này làm cho
Thành thật tông vướng mắc vào sự phủ định, xa rời hẳn quan điểm của Tam
luận tông.
Nội dung bộ Thành thật luận giảng giải rất rõ về tính chất không thật
của “bản ngã” và các pháp hợp thành năm uẩn. Khi nhận rằng các pháp là
có, thì Câu-xá tông đồng thời cũng phải thừa nhận sự hiện hữu của chúng
trong thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai. Ngược lại, Thành thật
tông phủ nhận ngay cả sự hiện hữu tạm thời của các pháp, nên cho rằng
không có quá khứ, không có tương lai, vì chúng đều là không thật. Còn
đối với hiện tại, tuy nhìn thấy được trước mắt mà hết thảy đều là hư
dối, vừa thấy đó thì đã qua mất rồi. Hết thảy các pháp đều sinh khởi,
biến đổi và diệt mất đi trong từng khoảnh khắc. Cuộc đời con người cũng
giống như thế, chỉ là sự tiếp nối của những khoảnh khắc không thật, như
bóng chớp, như hạt sương sa, không thường tồn chân thật!
Do nơi sự đối đãi giữa vật này với vật kia, người ta định nên tên gọi,
nên tên gọi cũng chỉ là tương đối và hư dối, không thật.
Các pháp đều là những hiện tượng sinh khởi, đều chỉ là bóng dáng, không
thật. Cũng như bọt nước tuy hiện hữu mà không bền chắc, tan biến trong
chốc lát, chẳng còn để lại gì.
Do sự phủ nhận tất cả các pháp, nên người tu không còn mê đắm, không còn
bị dắt dẫn theo chúng nữa. Nhờ đó mà có thể dứt bỏ các mối tham dục, ái
luyến, cũng không còn sân hận, si mê nữa.
Tuy rằng xét cho cùng thì giáo lý Thành thật tông chưa đạt đến chỗ rốt
ráo, có thể dẫn người ta rơi vào chỗ chấp không, cực đoan, nhưng trong
một thời gian dài, giáo lý này cũng đã giúp cho không ít người thoát
khỏi sự mê đắm vào vật chất thế gian. Nhờ đó mà họ mới có khả năng tiếp
nhận những giáo lý sâu xa, mầu nhiệm hơn của Phật pháp. Nếu xét theo
quan điểm tùy bệnh mà cho thuốc, thì giáo lý Thành thật tông quả thật đã
là một bài thuốc hay trong suốt thời hưng thạnh của tông này.