LUẬT TÔNG
Khai tổ: Đạo Tuyên Luật sư ở Trung Hoa
Giám
Chân[23] ở Nhật vào thế kỷ 8.
Giáo lý căn bản: Ba tác phẩm của Đạo Tuyên về Tạng Luật, nhất là Tứ phần
luật của phái Đàm-vô-đức bộ.
Tông chỉ: Giới luật là yếu tố quan trọng nhất. Người tu phải bắt đầu từ
việc nghiêm trì giới luật thì mới có thể tu chứng được bất kỳ pháp môn
nào khác.
LỊCH SỬ
Luật tạng là một phần trong giáo lý nguyên thủy từ thời đức Phật, nhưng
không được thuyết giảng trọn vẹn một lần. Trong suốt thời gian hành hóa
khắp nơi trên xứ Ấn Độ, tùy theo từng hoàn cảnh phát sinh cụ thể mà đức
Phật chế ra từng điều luật và dạy đệ tử phải lưu truyền về sau. Cho đến
khi Phật nhập Niết-bàn, ngài có căn dặn lại hàng tăng chúng về sau nhất
thiết phải xem giới luật là bậc thầy để nương theo trên đường tu học.
Vâng theo lời dạy của Phật, các vị đại đệ tử của ngài đều rất chú trọng
đến giới luật. Ngay sau khi Phật nhập diệt, ngài Ưu-ba-ly được giáo hội
ủy thác trùng tuyên lại phần giới luật trong khi kết tập kinh điển lần
thứ nhất. Những gì ngài nhắc lại đều được ghi vào Luật tạng.
Tại Ấn Độ, không có một bộ phái riêng biệt chuyên về giới luật, mà tất
cả các bộ phái đều vâng giữ theo giới luật do Phật đã chế định. Tuy
nhiên, do thời gian và sự chia tách, nên mỗi bộ phái cũng có những sự
khác biệt nhất định.
Khoảng 100 năm sau Phật nhập diệt, năm vị đệ tử của ngài Ưu-ba-cúc-đa
[24]
phân chia thành năm bộ phái riêng, đều soạn lại phần giới luật cho bộ
phái của mình. Các bộ phái ấy là:
1. Pháp tạng bộ
[25]
2. Nhất thiết hữu bộ
3. Âm quang bộ
4. Hóa địa bộ
5. Khả trụ tử bộ
Trong các bộ phái này, phần Luật tạng của Pháp tạng bộ được các ngài
Trúc Phật Niệm và Phật-đà-da-xá dịch sang chữ Hán vào khoảng đầu thế kỷ
thứ 5, đời Hậu Tần, với tên là Tứ phần luật, gồm 60 quyển.
[26]
Vào đời Tam Quốc, khoảng thế kỷ 3, ngài Đàm-ma-ca-la,
[27]
một vị tăng Ấn Độ sang Trung Hoa khởi sự việc dạy luật. Cho đến đời nhà
Đường (620 – 906), bộ Tứ phần luật đã được hầu như tất cả chư tăng ở
Trung Hoa chấp nhận và vâng theo.
Người có công lớn nhất trong việc thúc đẩy sự hình thành Luật tông là
ngài Đạo Tuyên (596 – 667), còn có danh hiệu là Nam Sơn Đại sư, khoảng
thế kỷ 7, trong đời nhà Đường. Vì vậy ngài được xem là khai tổ sáng lập
Luật tông ở Trung Hoa. Ngài ẩn cư trên đỉnh núi Nam Sơn, tinh thông cả
ba tạng Kinh, Luật và Luận, nhưng chú trọng nhất vào tạng Luật.
Ngài biên soạn và dịch rất nhiều kinh sách, hiện nay trong Đại Tạng Kinh
còn lưu giữ được 20 bộ, gồm 110 quyển. Riêng về bộ Tứ phần luật, ngài có
soạn ra ba tập sách giá trị để người học dùng kèm theo. Đó là bộ Tứ phần
luật San phồn bổ khuyết hành sự sao, gồm 12 quyển; bộ Tứ phần luật San
bổ tùy cơ yết-ma, gồm 2 quyển; và bộ Tứ phần luật Tỳ-kheo hàm chú giới
bản, gồm 2 quyển.
Sau ngài Đạo Tuyên, còn có một vị nữa cũng có công lớn trong việc xiển
dương Luật tông. Vị này là tổ thứ 15 của Luật tông, hiệu là Nguyên Chiếu
(1048 – 1116). Ngài thông minh, học rộng, nên người đời xưng tụng là Đại
Trí Thiền sư. Ngài có soạn bộ Tứ phần luật Hành sự sao tư trì ký, gồm 16
quyển, giúp cho việc nghiêm trì giới luật được thúc đẩy mạnh mẽ hơn
nhiều. Vì thế, nhiều người vẫn xem ngài là Tổ sáng lập thứ hai, chỉ đứng
sau ngài Đạo Tuyên mà thôi.
Trong thế kỷ 8, ngài Giám Chân[28]
(688 – 763)
truyền Luật tông sang Nhật, trở thành vị khai tổ của Luật tông ở nước
này. Ngài là người Dương Châu, Trung Hoa. Năm 14 tuổi theo cha vào chùa,
nhìn thấy tượng Phật nên cảm động mà phát nguyện xuất gia. Ngài học
thông thạo ba tạng kinh điển, nhưng đặc biệt chú trọng việc nghiêm trì
giới luật. Năm ngài 55 tuổi, có 2 vị tăng người Nhật Bản khẩn thiết
thỉnh cầu ngài sang hoằng hóa ở Nhật Bản. Ngài nhận lời và lập chí
nguyện sang Nhật. Môn đồ rất nhiều người ngăn cản, vì vào lúc ấy đường
sang Nhật rất gian nan, nguy hiểm. Ngài nói với môn đồ rằng: “Đây là vì
việc rộng truyền chánh pháp, dù có hy sinh tính mạng cũng chẳng hề gì.
Nếu không có ai cùng đi thì một mình ta đi vậy.”
Nghe như vậy, có 21 vị đệ tử cùng xin đi theo, nhưng thất bại, không đến
được Nhật Bản. Ngài vẫn kiên trì tiếp tục tổ chức thêm nhiều chuyến đi
khác nữa. Đến lần thứ 6, sau 11 năm gian khổ, ngài mới đến được Nại
Lương,[29]
Nhật Bản vào năm 754, thuộc thời đại
Thiên Bình, mang theo được rất nhiều kinh sách. Trong suốt các cuộc hành
trình, có tổng cộng 36 vị tỳ-kheo bỏ mạng dọc đường, và chính ngài cũng
bị mù hai mắt.
Lúc bấy giờ, Nhật hoàng và cả nước Nhật đều ngưỡng mộ, tôn sùng ngài,
nên việc hoằng hóa vô cùng thuận lợi. Ngài được Nhật hoàng phong tặng là
Truyền Đăng Đại pháp sư. Trong thời gian hoằng pháp, ngài cũng đồng thời
giúp phát triển rất nhiều cho ngành y học của Nhật Bản, vì ngài vốn rất
tinh thông y học. Sau 10 năm hoằng hóa với những thành quả vô cùng to
lớn, ngài thị tịch tại Nhật vào năm 763.
Trong thời gian hoằng hóa của ngài, nhiều giới đàn được lập ra ở khắp
nơi, và số người xin thọ giới ngày càng đông hơn, khiến cho Luật tông
trở thành một chi phái được nhiều người sùng tín.
HỌC THUYẾT
Luật tông ngay từ thời đức Phật tuy không hề được xem là một bộ phái
riêng biệt, nhưng rất được chú trọng. Một trong những lời di huấn của
Phật trước khi nhập Niết-bàn là dặn dò chư tỳ-kheo nhất thiết phải lấy
giới luật làm thầy. Học thuyết của Luật tông về sau phát triển quan điểm
ấy, cho rằng người ta trước hết phải chuyên giữ giới luật cho thật
nghiêm mật, thì mới có thể nhờ đó mà đạt được sự an định thân tâm. Từ
chỗ an định thân tâm, mới phát sinh trí huệ.
[30]
Đạo Phật được bảo tồn lâu dài là nhờ giới luật. Hàng tăng ni xuất gia
được tôn trọng sùng bái là nhờ các vị nghiêm giữ giới luật. Thậm chí cư
sĩ mà giữ trọn được 5 giới của mình cũng chính là nguồn gốc của sự an
vui, thanh thản. Từ xưa đến nay, tất cả các tông phái khác nhau, dù
không phải là Luật tông nhưng hết thảy cũng đều xem trọng giới luật.
Trong lễ bố-tát, tức là nghi thức tụng giới mỗi tháng hai lần, có đoạn
mở đầu nói rõ ý nghĩa quan trọng của việc giữ giới như sau:
Như người bị què chân,
Không thể đi đứng được.
Cũng vậy, người phạm giới,
Không sanh cõi trời, người.
[31]
Người muốn sanh cõi trời,
Hoặc trong chốn nhân gian,
Phải thường giữ giới luật,
Không để cho hủy phạm.
Như xe vào đường hiểm,
Bị mất chốt, gãy trục.
Người phạm giới cũng vậy,
Giờ sắp chết lo sợ.
[32]
Như người tự soi gương,
Đẹp, xấu sinh ưa, chán.
[33]
Nghe thuyết giới cũng vậy,
Không hủy phạm, vui mừng.
[34]
Như đôi bên giao chiến,
Mạnh tiến, yếu phải lùi.
Nghe thuyết giới cũng vậy,
Trong sạch được an ổn.
[35]
Phần lớn kinh điển Phật giáo đều được phân chia thành một trong hai
khuynh hướng, Đại thừa hoặc Tiểu thừa. Riêng đối với những phần thuộc về
giới luật thì cả hai khuynh hướng Đại thừa và Tiểu thừa đều tin nhận và
vâng theo không hề có sự phân biệt, chia tách. Người ta chỉ thấy có sự
khác biệt về quan điểm, về phương thức hành trì giới luật, chứ không
thấy có những phần giới luật riêng biệt cho Đại thừa hoặc Tiểu thừa.
Tuy nhiên, trong nội dung giới luật có sự phân chia thích hợp cho các
mức độ tu tập khác nhau. Như đối với cư sĩ tại gia có 5 giới, hoặc có
thể tùy ý phát nguyện thọ Bát quan trai gồm 8 giới; đối với sa-di hoặc
sa-di ni cũng có sự khác biệt về giới luật, và đơn giản hơn nhiều so với
phần giới luật của các vị tỳ-kheo; và giới luật của tỳ-kheo ni lại còn
nghiêm ngặt hơn nữa...
Khác với các phần trong giáo pháp như tạng Kinh, tạng Luật, vốn được
truyền bá rộng rãi không giới hạn, phần giới luật được truyền dạy với sự
chọn lựa chỉ dành cho các đối tượng thích hợp. Và hơn thế nữa, người
muốn thọ giới phải được sự truyền dạy chính thức của các vị thầy có đủ
đức độ, phẩm hạnh, và phải được truyền giới thông qua một nghi lễ nghiêm
trang tổ chức tại giới đàn.
Tuy rằng giới luật giữ một vai trò rất quan trọng trong Phật giáo, như
Luật tông với tư cách là một tông phái độc lập lại không tạo được ảnh
hưởng lớn lắm, và cũng không tồn tại lâu. Điều này xét cho cùng cũng có
thể hiểu được, bởi vì giới luật tuy là một phần quan trọng, nhưng không
thể xem là một học thuyết hay giáo lý duy nhất để giúp người tu tập đạt
đến sự giải thoát. Người ta cần có những phương thức tu tập cụ thể để
thực hành song song với việc giữ giới thì mới có thể đạt được kết quả
mong muốn trong sự tu tập.