Phật giáo tuyệt nhiên không phải là
tôn giáo, mà là một giáo dục chí thiện viên mãn, hơn nữa nó cũng không quá cao
cả để người quỳ lạy, mà là đối với đời sống của tôi và bạn kết hợp với nhau một
cách chặt chẽ.
Tôi xem thấy các vị đồng tu nêu ra
một số vấn đề có liên quan tu học, lợi dụng thời gian này, tôi sẽ nói rõ những
việc thiết yếu với các vị.
1. Vấn đề thứ nhất cũng là vấn đề
mà rất nhiều người quan tâm. Họ nói: “Chúng tôi thường thấy rất nhiều hình
tượng Phật Bồ Tát thờ cúng trong các chùa hoặc trong gia đình để mọi người chấp
tay quỳ lạy. Vấn đề muốn hỏi là, cúng hình tượng Phật Bồ Tát và ý nghĩa của
việc lạy Phật Bồ Tát rốt cuộc như thế nào? lạy Phật và lạy Thần có gì khác
biệt? chúng ta phải dùng tâm trạng như thế nào để lạy Phật Bồ Tát và lạy thần
minh mới là đúng?”
Tôi nghĩ, vấn đề này là một vấn đề
nghiêm túc, bởi vì mê tín chỉ mang đến cho xã hội ảnh hưởng phụ. Kính trời,
kính thần là tập tục mấy nghìn năm ở Trung Quốc, có tác dụng lớn đối với giáo
dục xã hội, nhất định không phải là mê tín, việc này chúng ta cần phải phân
biệt cho rõ ràng. Phật pháp là sư đạo, không phải thần đạo, cho nên Phật giáo
là giáo dục chứ không phải là tôn giáo. Phật giáo mấy ngàn năm trước đã biết
được nghệ thuật hóa giáo dục, do đó thấy trong Tự Viện Am đường hình tượng của
Phật Bồ Tát, có tượng đất, tượng vẽ, hình hình sắc sắc, đa dạng chủng loại. Mấy
năm qua ở Đài Loan, có rất nhiều đạo tràng lạy Vạn Phật Danh kinh. Trong bộ
kinh này, Phật đã giảng cho chúng ta nghe hơn một ngàn hai trăm danh hiệu,
không nói đến danh hiệu của chư Phật Bồ Tát. Những danh hiệu đó đều là đức năng
nơi tự tánh của mỗi chúng sanh vốn đầy đủ. Ví dụ danh hiệu của Thích Ca Mâu Ni
Phật, âm tiếng Phạn dịch ra, “Thích Ca” là nhân từ, dịch là năng nhẫn, “Mâu Ni”
dịch là tịch diệt, chính là ý thanh tịnh. Do đây mà biết, nhân từ cùng thanh
tịnh là đức năng trong tự tánh của chúng ta vốn đầy đủ. Cái đức năng này, nhất
định phải dùng danh hiệu để làm cho nó rõ ràng hơn. Chúng ta nghe danh hiệu thì
khi đối nhân xử thế tiếp vật phải nhân từ; đối với chính mình phải thanh tịnh,
dùng tâm thanh tịnh đối đãi chính mình, dùng tâm từ bi đối đãi với người khác.
Cho nên khi nghe danh hiệu hoặc nhìn thấy hình tượng Phật Thích Ca Mâu Ni,
chúng ta liền được nhắc nhở ý niệm này, đó là giáo học, là nghệ thuật biểu thị
mọi lúc mọi nơi, nhắc nhở tánh đức chúng ta phải không ngừng lưu xuất ra ngoài.
Danh hiệu của Bồ tát biểu thị tu
đức, cũng chính là Phật Bồ tát. Đức năng chúng ta vốn đầy đủ, nhưng hiện tại
chúng ta bị mê, tuyệt nhiên không phải mất đi mà chỉ bị mê. Khi mê, tánh đức
của tự tánh không hiển hiện, chẳng hạn bản tánh của chúng ta là đại từ đại bi,
hiện tại chúng ta đối với người với vật, một chút tâm từ bi cũng không có; tự
tánh của chúng ta vốn thanh tịnh, hiện tại một ngày từ sớm đến tối vọng tưởng
lung tung, vọng niệm không ngừng, mang đến biết bao phiền não, vì chúng ta đã
đánh mất đi tánh đức của chính mình, bị mê muội. Nhất định phải dựa vào tu hành
mới có thể hồi phục, do đó Bồ Tát đại biểu tu đức.
Tánh và tu không hai, tu đức cũng
vô lượng vô biên, bởi vì chúng ta mê đã quá sâu, do đó phương pháp lý luận của
tu đức cũng khôn cùng tận. Bồ tát đại biểu tu đức, Phật đại biểu tánh đức, cho
nên danh hiệu hình tượng chư Phật Bồ Tát đều có tác dụng nhắc nhở chúng ta tánh
tu. Chúng ta cúng hình tượng Phật Bồ Tát với mục đích chính như vậy.
Ngày trước trong lúc giảng dạy, tôi
thường hay nói rõ với đại chúng, đệ tử Phật cúng dường hình tượng Phật Bồ Tát
không ngoài hai ý. Ý thứ nhất là kỷ niệm, Phật là lão sư ban đầu của chúng ta,
chúng ta tiếp nhận giáo dục của ngài, đạt được công đức lợi ích thù thắng từ
giáo học này thì đối với vị lão sư sáng lập, chúng ta luôn cảm ân, mỗi niệm
không quên. Đây thuộc về ý kỷ niệm, gọi là trở về nguồn cội. Ý thứ hai là học
tập với ngài, thấy người hiền mà noi theo. Chúng ta nhìn thấy hình tượng phải
học theo ngài. Nghe được danh hiệu, cũng phải học ngài. Chúng ta cúng dường
hình tượng Phật Bồ Tát cần có tâm trạng này. Cho nên sự cúng dường nhất định
không phải là mê tín.
Chúng ta cúng dường Bồ Tát Địa
Tạng, Bồ Tát Địa Tạng đại biểu hiếu kính “hiếu thân tôn sư”. Nhìn thấy “Địa” là
tâm địa, “Tạng” là bảo tạng, Mỗi chúng sanh chúng ta, tâm địa đều đầy đủ vô
lượng trí tuệ, vô lượng đức năng, đó là ý nghĩa của “Địa Tạng”. Do đó thờ cúng
hình tượng Phật Bồ Tát phải khai mở Tâm Địa Bảo Tạng Tự Tánh của chúng ta. Dùng
phương pháp gì để khai mở? dùng giáo dục, mà căn bản của giáo học chính là
“hiếu thân tôn sư”, cho nên kinh Địa Tạng là Hiếu kinh của Phật môn.
Học Phật bắt đầu từ đâu? từ Địa
Tạng mà học, đây là ý nghĩa cúng dường Bồ Tát Địa Tạng. Tuyệt nhiên không thể
nói: “Tôi cúng dường Bồ Tát Địa Tạng, mỗi ngày lạy ngài, ngày ngày cúng dường
ngài. Ngài sẽ đến bảo hộ tôi”, đó là mê tín, tánh đức của bạn vĩnh viễn không
xuất hiện. Chúng ta phải học tập Bồ Tát Địa Tạng, học lý luận trong kinh Địa
Tạng đã dạy. Phải hiểu tường tận lý luận và phương pháp, phải thiết thực làm
cho được những phương pháp đó, có như vậy mới là Bồ Tát Địa Tạng, chân thật gia
trì chúng ta, chân thật bảo hộ chúng ta. Nếu chúng ta không hiểu được ý này,
không y theo phương pháp mà làm, chỉ mê tín, thì một tí lợi ích cũng không có
được. Không những không có được, trái lại còn có lỗi do đem Phật Bồ Tát xem thành
thần minh để cúng vái, để hối lộ đút lót, nịnh hót nhờ họ, cho rằng họ có thể
bảo hộ mình; đem Phật Bồ Tát xem thành tham quan, ô lại để đối đãi. Bạn nghĩ
xem, tâm trạng này chính là tội ác, việc này chúng ta không thể không thông
hiểu, nhất định không được sai lầm, vì sai một li, đi một ngàn dặm.
Việc bái lạy thiên địa, quỷ thần
trong lễ xưa của Trung Quốc đều có. Đây là phép tu kính, chúng ta đối với thiên
thần, quỷ thần không hề cầu mong thứ gì, nhưng vì sao phải bái lạy? chúng ta
nên tôn trọng họ, cung kính họ. Chữ “kính” này là tánh đức. Làm thế nào để bồi
dưỡng tánh đức, làm thế nào mở rộng tánh đức? đối với thiên địa quỷ thần, sự
cung kính của chúng ta phải thật tâm, cung kính với tất cả mọi người, mọi việc,
mọi vật, vậy mới đúng. Cho nên thời xưa, cúng bái thiên địa quỷ thần, ý nghĩa
thiết thực đều thuộc về giáo học, tuyệt đối không có mong cầu gì với quỷ thần.
Có mong cầu với quỷ thần là quan niệm sai lầm, không có trong ý nghĩa của cúng
bái vào thời xưa.
2. Vấn đề thứ hai, thường thấy có
rất nhiều người mua hoa tươi trái cây đồ cúng ở tự viện hoặc ở gia đình để cúng
dường Phật Bồ Tát, đồng thời cũng đốt hương, đốt đèn sáp, đều cầu Phật Bồ Tát
bảo hộ bình an khỏe mạnh, thăng quan phát tài. Vậy dụng ý đúng nghĩa là gì? Có
phải Phật Bồ Tát cần dùng nhũng thứ này chăng?
Xin nói với các vị, Phật Bồ Tát
nhất định không cần những thứ này, vậy ý nghĩa chân thật của những thứ này là
gì? Vẫn là ở giáo học. Nếu dùng lời hiện đại mà nói, tất cả những thứ cúng
dường này chính là công cụ giáo học, để khi chúng ta tiếp xúc liền có thể thức
tỉnh. Ví dụ khi ở trước tượng Phật, ý nghĩa của tượng Phật mọi người đều biết,
cúng Phật đại biểu tánh đức của tự tánh, Bồ Tát đại biểu tu đức, thông thường
chúng ta cúng một vị Phật, hai vị Bồ Tát, bởi vì tánh đức chỉ có một, không có
hai, tu đức thì nhiều phương diện. Nhiều phương diện đem gom lại, không ngoài
hai loại lớn: Tri và Hành, nhà Phật gọi là giải hành, gồm giải môn và hành môn,
cho nên dùng hai vị đại Bồ Tát làm đại biểu, việc này tiên sinh Vương Dương
Minh gọi là “Tri hành hợp nhất”, thực tế mà nói đều từ trong khai thị của Phật
pháp mà có được những linh cảm này.
Giải môn, ví dụ phần đông chúng ta
thường cúng Thích Ca Mâu Ni Phật và Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Văn Thù. Phật biểu
thị tánh đức, Văn Thù, Phổ Hiền biểu thị tu đức. Văn Thù biểu thị giải môn,
ngài đại biểu trí tuệ. Phổ Hiền biểu thị hành môn, ngài đại biểu thực hành. Do
đó hai vị Bồ tát này đại biểu cho tất cả.
Đồng tu tịnh độ, phần nhiều thờ Tây
Phương Tam Thánh. Phật thì thờ Phật A Di Đà. Ý nghĩa của danh hiệu này là vô
lượng giác, A ý nghĩa “vô”, Di Đà ý nghĩa “lượng”, Phật là giác ngộ. Tất cả mọi
người, mọi việc, mọi vật, tận hư không khắp pháp giới đều phải giác ngộ, đây là
tánh đức cứu cánh viên mãn. Bồ tát biểu thị tu đức gồm Quan Âm, Thế Chí. Bồ tát
Quan Âm biểu thị thực hành, đại biểu “hành”, Bồ tát Thế Chí biểu thị trí tuệ,
đại biểu “giải”, cho nên vẫn là vừa hành vừa giải. Thế nhưng pháp môn tịnh độ
lại để “hành” phía trước, “giải” ở phía sau, đây là điểm không giống nhau trong
cúng dường tượng Phật. Chúng ta chú trọng thực hành, nên đem để ở phía trước.
Hiểu rõ ý này, chúng ta sẽ không đến nỗi sanh ra quan niệm sai lầm.
Cúng hoa trước tượng Phật, hoa đại biểu nhân. Thế xuất thế gian pháp đều không
rời nhân quả, Phật thường nói trên các kinh Đại thừa “vạn pháp giai không, nhân
quả bất không”, nhân quả là sự chuyển biến của vạn pháp. Nhân sẽ biến thành
quả, quả sẽ biến thành nhân, nhân quả thay đổi lẫn nhau, tiếp nối không ngừng,
ám chỉ sự thay đổi vô cùng vô tận, do đó nói “nhân quả bất không”. Do vì nở hoa
trước kết quả sau, hoa là nhân, sau đó là quả, nên cúng hoa là đại biểu tu
nhân, hoa tốt thì chúng ta nghĩ quả nhất định sẽ tốt. Thấy hoa, ta liền phải
nghĩ đến việc tu nhân thiện, tương lai mới có thể được quả báo tốt. Hoa biểu
thị ý này.
Cúng quả, quả biểu thị quả báo, là
cái chúng ta mong cầu. Hoa xinh đẹp, nhắc nhở chúng ta phải tu. Trong Phật pháp
Đại thừa, hoa đại biểu lục độ, “bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền
định, bát nhã”, gọi là hoa lục độ, sau đó mới có thể đạt được quả báo viên mãn.
Hoa cúng trước Phật biểu thị ý này, cũng như học sinh trên lớp học hiểu được
hoa biểu thị nhân hành, nhưng sau khi rời khỏi Phật điện, chúng ta ra ngoài
nhìn thấy hoa, có còn nghĩ đến ý này không? đều phải có khái niệm như vậy. Hiểu
Phật pháp, chỉ cần nhìn thấy hoa, liền nhắc nhở chính mình tu nhân thiện, phải
tu nhân tốt. Thậm chí quần áo mặc trên người, khi in lên những hoa văn, nhìn
thấy hoa liền biết chính mình phải tu hành. Giờ giờ khắc khắc, nhắc nhở chính
mình tu nhân thiện mới có thể được quả tốt. Đây là ý nghĩa của việc cúng dường
hoa tươi trái cây.
Còn cúng dường thực phẩm, thực tế
mà nói không ý nghĩa, không quan trọng. Thực phẩm chỉ biểu thị chút lòng thành
của mình. Chúng ta cần thực phẩm ngon, chúng ta cũng đem thực phẩm ngon cúng
dường Phật Bồ tát, đây là ý kỷ niệm, cũng là ý tượng trưng.
Đốt hương, hương đại biểu tín
hương, là một loại tín hiệu, việc này thời xưa ứng dụng rất phổ biến. Nếu các
vị đi du lịch đến Trung Quốc thì nên đến tham quan Trường Thành. Mỗi đoạn
Trường Thành có một phong hỏa đài dùng để truyền tín hiệu. Phong hỏa đài cũng
giống như cái bếp lò, thời xưa việc truyền tín hiệu rất khó, người ta mới nghĩ
cách dùng phong hỏa đài, đốt lửa hun khói. Mật độ của khói không giống bình
thường, gió không dễ thổi tan, do đó khói được giữ lâu, ở nơi rất xa có thể
nhìn thấy và nhận biết nơi đó báo hiệu có biến cố xảy ra. Chúng ta dùng cách
biểu đạt đốt hương phát tín hiệu đến chư Phật Bồ tát, để cảm ứng được thông
nhau. Thế nhưng hàm ý chân thật, chúng ta thường nói: “Giới định chân hương,
ngũ phần pháp thân”, ý này rất sâu. Đốt hương nhắc nhở bạn học nhiều, chúng ta
nhìn thấy khói hương, ngửi được mùi hương, liền nghĩ chính mình phải tu giới,
định, huệ. Cho nên đốt hương đại biểu “giới định chân hương”, đại biểu “ngũ
phần pháp thân”, ngũ phần pháp thân gồm giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát
tri kiến.
Đèn tượng trưng cho trí tuệ quang
minh. Thời xưa dùng đèn dầu, đèn cầy, ý này càng rõ ràng. Đèn dầu chân thật đốt
cháy chính mình để soi sáng người khác, đèn cầy lại càng đặc biệt rõ ràng hơn.
Chúng ta phải cầu trí tuệ, có thể xả mình vì người; lấy trí tuệ, kỹ năng của
chính mình phục vụ xã hội, giúp đỡ tất cả chúng sanh mà không cầu báo đáp, đây
là lời Phật dạy. Cho nên đốt hương đèn cầy đều là biểu pháp, nếu chân thật làm
đúng như vậy, tự nhiên liền được bình an, khỏe mạnh, sống lâu, cho đến thăng
quan phát tài. Đó là do trong mạng của bạn đã có theo mối quan hệ nhân quả. Còn
trong mạng không có thì Phật Bồ tát cũng không ban được.
Nếu trong mạng của bạn không có
tiền tài, Phật Bồ tát có thể giúp bạn phát tài, trong mạng của bạn không có
quan vị, Phật Bồ tát ban cho quan cao, thì định luật nhân quả đã bị đánh đổ,
làm gì có đạo lý này. Chư Phật Bồ Tát trí tuệ có lớn hơn, năng lực có mạnh hơn
cũng không cách nào thay đổi được tí gì nhân quả. Thế gian pháp xây dựng trên
nền tảng của nhân quả, Phật pháp cũng xây dựng trên nền tảng của nhân quả,
chúng ta phải hiểu tường tận. Kinh Pháp Hoa, Nhất Thừa Nhân quả, kinh Hoa
Nghiêm, Ngũ Châu Nhân quả, bạn xem tất cả kinh luận đều không lìa định luật
nhân quả. Phật Bồ Tát có thể giúp chúng ta phát tài không? họ có thể, vì họ dạy
chúng ta lý luận phát tài, dạy chúng ta phương pháp tu học phát tài. Chúng ta
hiểu rõ lý luận, y theo phương pháp này mà tu học, thì tự nhiên đạt được. Không
thể nói họ dạy cho bạn, bạn liền trực tiếp phát tài, mà bạn chính mình phải
làm. Ví dụ bạn muốn ăn dưa, họ dạy bạn làm thế nào để trồng dưa, làm thế nào
chọn hạt giống, làm thế nào để vun xới đất, bón phân cho cây tươi tốt, mau phát
triển, bạn làm theo thì tương lai nhất định có thu họach tốt. Không thể nói bạn
cầu dưa thì họ liền mang dưa đến, không hề có như vậy, đó là mê tín.
Cho đến cầu bình an, cầu khỏe mạnh,
Phật cũng dạy bảo chúng ta làm thế nào mới có thể chân thật đạt tự tại, hạnh
phúc, mỹ mãn, trong đó đã bao hàm bình an, khỏe mạnh, sống lâu. Phật dạy chúng
ta tất cả phải thuận theo tự nhiên, “tự tại tùy duyên”. Ví dụ người hiện đại
nói “hoàn cảnh sinh thái”, mọi người đều biết trên địa cầu này không luận động
vật, thực vật đều hỗ tương lẫn nhau tồn tại, nếu một phương diện nào đó bị phá
hoại, nhất định ảnh hưởng đến thứ khác. Hoàn cảnh sinh hoạt tự nhiên của chúng
ta đang bị phá hoại nghiêm trọng, không chỉ động vật mà thực vật cũng không còn
hoàn cảnh để sinh tồn. Có một số thực vật động vật đã bị tiệt chủng, đây đều do
hoàn cảnh sinh thái không cân bằng. Trên con người chúng ta, nhục thể là một bộ
phận sinh lý, còn một bộ phận nữa là tinh thần, cũng giống như đại tự nhiên
không hề khác nhau. Nếu bạn thuận với đại tự nhiên thì bạn nhất định sẽ khỏe
mạnh sống lâu, bạn sẽ trải qua đời sống an vui. Nhưng nếu trái với tự nhiên,
bạn phá hoại sinh thái tự nhiên, thì bạn sẽ đau khổ bệnh tật cho đến bị một số
tai nạn không thể tránh khỏi.
Phật tâm chúng ta vốn thanh tịnh,
tâm rỗng không. Thế nhưng bạn lại không tìm ra, cho nên Phật pháp dùng bánh xe
để biểu thị. Bánh xe tròn biểu thị tâm phải tròn đầy, nhưng sự tròn đầy của tâm
là bất khả đắc. Bạn nói đến môt điểm thì cái điểm này đã biến thành diện tích,
cho nên điểm chỉ là một khái niệm trừu tượng. Tâm viên là một điểm, nhất định
có, do đó Phật bảo chúng ta tâm phải thanh tịnh vì tâm chính là tâm viên, là
trung tâm vũ trụ, cũng là một trung tâm sinh mạng con người. Tâm tuy nhất định
nhưng có cái không thể được, trong lòng nếu ôm chứa một thứ gì thì tâm liền bị
hư. Trong tâm bạn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, có lo lắng, dính mắc
thì tâm đã hư, bạn đã trái với nguyên tắc của tự nhiên. Còn nếu bạn buông bỏ
tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, lo lắng, dính mắc, tâm của bạn liền
hồi phục bình thường, đây gọi là tùy thuận pháp tắc tự nhiên, do đó tâm phải
thanh tịnh, nhất định không có thứ gì.
Thân thì sao? Thân phải hoạt động,
thân là một vòng tròn, vòng là động, nếu không động thì hư. Thân phải động, tâm
phải tịnh, đây là đạo dưỡng thân, cũng là chân đế dưỡng thân. Thế nhưng hiện
tại đặc biệt là người giàu có thì hoàn toàn trái với đạo này. Bạn xem, tâm phải
thanh tịnh, phải vô nhất vật. Lục tổ thiền tông nói “bổn lai vô nhất vật”, ý
nói cái tâm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, lo lắng, dính mắc là vô lượng vô
biên, hoàn toàn trái ngược với chân tướng sự thật. Vậy thân cần phải động, bạn
muốn sống thì phải động, không động không thể sống. Nhưng nhiều người không
muốn động thân, lại cứ động tâm. Thế là, thân tâm họ làm sao tránh khỏi bệnh
tật. Bệnh tật từ đây mà ra.
Trong Phật pháp có một phương pháp
tu hành là lạy Phật. Mỗi ngày lạy mấy trăm lạy thậm chí mấy ngàn lạy. Người lạy
nhiều nhất đến ba ngàn lạy. Khi lạy Phật, thân đang vận động, tất cả bộ phận
đều vận động là dưỡng thân. Ngoài việc lạy Phật ra, lao động cũng là dưỡng
thân. Tâm thanh tịnh, không vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, không lo lắng,
dính mắc, tự nhiên con người hạnh phúc khỏe mạnh sống lâu. Cho nên Phật pháp
giảng đạo lý, dạy bạn những phương pháp này đều phù hợp với chân tướng sự thật,
tương ưng với hoàn cảnh sinh thái tự nhiên, bạn mới có thể chân thật đạt khỏe
mạnh sống lâu, cho đến phước báu khác. Mỗi người đều có thể đạt đến hạnh phúc
mỹ mãn bất luận giàu có hay bần tiện. Giàu có hay bần tiện là do tu đức. Tiền
của từ bố thí tài mà ra. Bố thí tài là nhân, được tiền của là quả báo. Bạn tu
nhân nhất định được quả báo. Nếu đời quá khứ hoặc hiện tại không tu nhân, bạn
muốn phát tài cũng không thể. Hãy đọc qua Liễu Phàm Tứ Huấn sẽ hiểu, chân thật
là “Một bữa ăn, một ngụm nước đều do tiền định”.
Trong mạng đã có, dù bỏ cũng không
mất; trong mạng không có, dù cầu cũng không được. Phật Bồ Tát, thiên địa quỷ
thần cũng không cách gì. Bạn cầu Phật Bồ tát, cầu quỷ thần, cầu phát tài, quả
nhiên liền phát tài, thành thật mà nói đó là trong mạng của bạn đã sẵn có, vừa
khéo ngay lúc này gặp được cơ duyên, chứ không phải Phật Bồ tát linh hiển. Nếu
quả thật Phật Bồ tát quỷ thần có linh thì một trăm người cầu phát tài, một trăm
người đều phát tài, mới gọi là linh. Một trăm người cầu, mà chín mươi chín
người phát tài, còn một người chưa thì vẫn không linh. Cho nên đầu óc chúng ta
phải bình lặng, không để bị người lừa gạt, càng không nên bị quỷ thần lừa gạt.
Bị người lừa gạt còn có thể tha thứ, nhưng bị quỷ thần lừa gạt là một việc
không thể tha thứ. Phải có lý tánh, có trí tuệ mà quán sát, chúng ta mới có thể
đạt được lợi ích chân thật.
Tóm lại, cúng dường Phật Bồ Tát
những đồ cúng đều là biểu pháp, tuyệt đối không phải vì các ngài cần, mà nhờ
vào những thứ này, mỗi giờ mỗi khắc nhắc nhở chính mình, để sáu căn của mình
tiếp xúc với cảnh giới sáu trần niệm niệm đều có thể đạt được giác không mê,
chánh không tà, tịnh không nhiễm. Chẳng hạn gia đình nghèo khó, không có khả
năng mua sắm đồ cúng, vậy chúng ta ở trước mặt tượng Phật, cúng dường đơn giản
nhất một ly nước. Đây là vật cúng quan trọng nhất trong các đồ cúng, nước biểu
thị cái gì? Nước biểu thị cho tâm, nước trong sạch biểu thị tâm thanh tịnh.
Nước không nổi sóng là bình, biểu thị bình đẳng. Cúng dường một ly nước, nhìn
thấy nước nghĩ ngay đến thanh tịnh bình đẳng, đây là đồ cúng vô cùng quan
trọng. Bạn có thể không cần thắp hương, không đốt đèn nến, cũng không cần hương
hoa trái cây cúng dường, nhưng không thể không cúng một ly nước vì nó đại biểu
tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. Nhìn thấy nước liền nghĩ ngay đến chính mình,
trong tất cả cảnh duyên, hoàn cảnh nhân sự, hoàn cảnh vật chất, phải biết thanh
tịnh bình đẳng. Tâm thanh tịnh bình đẳng là tâm Phật, cũng chính là chân tâm.
3. Vấn đề thứ ba, cũng là một hiện
tượng phổ thông hiện tại. Họ nói: “Người thông thường trước khi chính thức cúng
dường hình tượng Phật Bồ tát đều phải cử hành nghi thức khai quang điểm nhãn. Ý
nghĩa của khai quang là gì? Có cần thiết hay không? Khi khai quang thì tượng
Phật liền linh; không khai quang thì tượng Phật không linh, rốt cuộc người như
thế nào mới đủ tư cách để khai quang cho hình tượng Phật Bồ tát.
Vấn đề này, ngày trước khi tôi
giảng kinh cũng đã nhiều lần nhắc đến. Thông thường khai quang đều hướng đến
hình thức mê tín, làm cho ý nghĩa của sự khai quang hoàn toàn bị sai lệch. Thực
tế, việc khai quang rất quan trọng, ý nghĩa chân thật của nó là nói rõ ý cúng
dường một hình tượng Phật Bồ tát ở đâu. Việc này cũng giống như hình tượng một
vĩ nhân ở thế gian, chúng ta xây dựng xong thì cử hành một đại lễ khai mạc.
Ngay trong đại lễ, nhất định phải thuyết minh rõ cho đại chúng, nói rõ nhân vật
đó khi còn ở đời, sự nghiệp vĩ đại của họ, họ có cống hiến đối với đại chúng
trong xã hội, có cống hiến cho quốc gia dân tộc. Phải giảng giải rõ ràng, tường
tận để xã hội đại chúng thấy được hình tượng liền khởi tâm niệm muốn làm theo,
đây chính là ý nghĩa khai quang của Phật giáo. Ví dụ chúng ta cúng dường Bồ tát
Quán Thế Âm, làm xong hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm, chúng ta phải thờ cúng,
cúng dường lễ lạy. Khi thờ cúng, chúng ta nhất định phải nói rõ với đại chúng,
vì sao chúng ta cúng dường Bồ tát Quán Thế Âm, ý nghĩa của việc cúng dường Bồ
tát Quán Thế Âm là gì? Vậy nhờ vào tôn tượng mà khai mở ánh sáng tự tánh của
chính mình. Cho nên không phải người đến khai quang cho Phật Bồ tát mà nhờ vào hình
tượng của Phật Bồ tát để khai quang cho chúng ta.
Nếu như nói, “Phải mời một vị pháp
sư đến khai quang cho tượng Bồ tát Quán Thế Âm này thì ngài mới linh, không
khai quang thì các ngài không linh”, rất nhiều người cũng tìm đến tôi nhờ khai
quang cho Phật Bồ tát. Tôi liền thành thật nói với họ: “Bạn không cần cúng
dường Phật Bồ Tát”. Họ hỏi vì sao. Tôi trả lời: “Tôi bảo họ linh thì họ linh,
bảo họ không linh thì họ không được linh, vậy thì tôi linh hơn họ, bạn cúng
dường tôi là tốt rồi, cúng dường họ làm gì”. Bạn thử nghĩ xem có đúng không,
đây gọi là mê tín. Nếu tôi làm bộ làm tịch họa họa vẽ vẽ cho họ thì họ liền
linh, các vị thử nghĩ xem, há chẳng phải tôi còn linh hơn họ hay sao? Ngay đến
điểm này mà nghĩ không thông, vậy thì ngu si mê muội của bạn đã lên đến tột
cùng, người đầu óc bình lặng thông minh, vừa nhìn là hiểu rõ mọi việc, liền
thông suốt chân tướng sự thật. Khai quang cho Phật Bồ tát hiển linh là lừa gạt
chúng sanh.
Khai quang là nêu rõ ý nghĩa mà vị
Phật Bồ Tát này biểu thị. Ví dụ cúng dường Bồ tát Quán Thế Âm, đại biểu của Bồ
tát Quán Thế Âm là đại từ đại bi cứu độ tất cả chúng sanh. Chúng ta cúng dường
Bồ tát Quán Thế Âm phải nên học theo loại bi nguyện đại từ đại bi cứu khổ cứu
nạn của Phật Bồ tát. Do đó khi nhìn thấy hình tượng của Bồ tát Quán Thế Âm,
nghe đến danh hiệu ngài, thì tâm đại từ bi của chúng ta được khai mở. Chúng ta
đối với tất cả mọi người, mọi việc, mọi vật, phải dùng đại từ bi chân thật
thương yêu quan tâm giúp đỡ.
Từ danh hiệu và hình tượng Phật Bồ
tát, chúng ta được khai mở ánh sáng từ bi trong tự tánh, đây gọi là khai quang,
ý nghĩa như vậy, nhất định không nên hiểu sai, trở thành mê tín. Mê không thể
giải quyết vấn đề, chỉ có trí tuệ mới có thể giải quyết được, việc này người
học Phật không thể không biết.
Người như thế nào mới có tư cách
khai quang cho tượng Phật? Người đối với kinh luận của Phật Bồ tát, khởi nguồn
lịch sử, ý nghĩa mà các ngài biểu đạt đều có thể thông suốt tường tận, vì mọi
người giải thích rõ ràng, giảng nói minh bạch. Tuyệt đối không ở trên hình thức.
Mỗi hình thức đều có ý nghĩa giáo dục rất sâu, đều phải đem nó giảng giải rõ
ràng, tường tận, mới không đến nỗi đi vào mê tín, xem Phật Bồ tát thành quỷ
thần để tôn thờ, sùng bái, mong cầu ban phước. Đó là quan niệm sai lầm.
4. Vấn đề thứ tư, họ nói thời nay
trên toàn thế giới, mật tông tương đối thịnh hành. Thế nhưng có vài việc khiến
mọi người lo lắng, đó là quán đảnh. Ý nghĩa của việc quán đảnh là thế nào? Tiếp
nhận quán đảnh có thể tiêu trừ nghiệp chướng hay không? Thượng sư mật tông dùng
quán đảnh để tiêu trừ nghiệp chướng cho mọi người? Và làm thế nào mới có thể
mau tiêu trừ nghiệp chướng?
Quán đảnh có ý nghĩa quan trọng mà
chúng ta không thể không biết. Nếu quán đảnh trên hình thức, rưới vài giọt nước
lên đầu bạn, nghiệp chướng của bạn liền được tiêu trừ, bạn có thể tin được hay
không?
Trước tiên tôi muốn hỏi bạn, nghiệp
chướng là gì? Bạn phải hiểu rõ ràng về nghiệp. Nghiệp là tạo tác của bạn, đơn
giản mà nói, bạn đối với vũ trụ nhân sanh có cách nghĩ sai lầm, có cái thấy sai
lầm, cách nói sai lầm, cách làm sai lầm, bạn ở ngay đó tạo tác gọi là “nghiệp”.
Những nghiệp này chướng ngại thanh tịnh của bạn, chướng ngại tự tánh giác của
bạn, gọi là “nghiệp chướng”. Vậy thượng sư quán đảnh cho bạn, nghiệp chướng của
bạn có được tiêu trừ hay không, bạn liền được tâm thanh tịnh hay không? Vọng
tưởng, phân biệt, chấp trước của bạn có thảy đều tiêu hết, bạn đối với vũ trụ
nhân sanh quá khứ, hiện tại, vị lai không gì không biết, không gì không thể?
Được như thế mới chân thật là nghiệp chướng được tiêu trừ. Sau khi được quán
đảnh, bạn thử quán sát xem, vọng tưởng phân biệt chấp trước của bạn có phải đã
được tiêu trừ, hoặc giảm ít cũng là rất tuyệt. Còn nếu sau khi được quán đảnh,
vọng tưởng phân biệt chấp trước không hề giảm, thậm chí còn tăng thêm, thì do
đây mà biết, hoàn toàn không hề có hiệu quả.
Trong chú giải kinh Vô Lượng Thọ
của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã nói rất rõ ràng, minh bạch, bởi vì bản thân ông
là thượng sư của mật tông nên lời ông nói chân thật, không hề gạt người. “Quán”
mang ý từ bi gia trì, sự quan tâm, thương yêu, giúp đỡ bạn, đây là ý nghĩa của
việc quán đảnh. “Đảnh” là đại pháp chí cao vô thượng, nói cách khác, đem đại
pháp chí cao vô thượng truyền thụ cho bạn, gọi là “quán đảnh”. Không phải đem
vài giọt nước rưới lên đầu bạn là “quán đảnh”, nếu quán đảnh như vậy, buổi tối
mỗi ngày bạn vào nhà tắm tắm rửa, vậy thì gọi là đại quán đảnh rồi, thoải mái
dường nào.
Không nên mê tín, đó chỉ là biểu pháp của việc
lấy nước cam lộ để quán đảnh. Cam lộ đại biểu Phật pháp chí cao vô thượng. Nếu
mọi người hiểu được đạo lý này sẽ biết được kinh Vô Lượng Thọ là đại pháp chí
cao vô thượng trong tất cả kinh điển. Bạn đọc qua một lượt từ đầu đến cuối kinh
Vô Lượng Thọ, tức là không chỉ Phật A Di Đà quán đảnh một lần cho bạn mà mười
phương tất cả chư Phật vốn đều hoằng dương pháp môn này, nên mười phương tất cả
chư Phật quán đảnh cho bạn mặc dù bạn không hề biết. Đây là chân thật quán
đảnh, không hề lừa gạt bạn. Bạn không hiểu được đạo lý này mà cứ đi cầu mật
tông thượng sư rảy vài giọt nước lên đầu rồi bạn liền cho rằng có thể tiêu
nghiệp chướng, thực tế nghiệp chướng không hề tiêu, mà còn không ngừng tăng
thêm, bởi vì tâm bạn là tâm mê hoặc, điên đảo; cách làm này của bạn là cách làm
sai lầm, chính bạn hoàn toàn không hề biết. Bạn rơi vào con đường mê tín thì làm
sao có thể được công đức lợi ích, làm sao bạn có thể tiêu nghiệp chướng, việc
này cần phải hiểu rõ.