MẤY LỜI ĐẦU
“Đạo lý nhà Phật, là một nền đạo lý thâm trầm, siêu việt hơn hết”.
Ấy là lời nói của nhiều nhà thông thái xưa nay trên hoàn võ, và cũng là một mối cảm của chúng tôi nữa.
Sau khi lăn lóc nơi trần gian thế sự, mỏi gối chồn chân vì bã lợi danh,
chìm nổi nơi bể ái sóng tình, rồi ngồi nghĩ lại cái đời mình, bao người
lấy làm ngao ngán! Bấy giờ tưởng đạo lý nhà Phật với mình cũng như chiếu
bông gối dựa đối với người buồn ngủ, tha hồ mà ôm ấp lấy!
Sau khi xem kinh sử của các nhà đạo đức Đông Tây, và rõ biết nhiều chủ
nghĩa duy kỷ, hẹp hòi, bó buộc con người vào những nỗi vô vị, khắt khe,
rồi mới thấy được đạo lý Từ Bi Hỷ Xả của Phật, bao người rất lấy làm ưa
chịu, bèn mộ xem kinh Phật, vừa lấy lòng từ mà bủa khắp chúng sanh, lại
vừa tha hồ mà suy xét, thẩm nghĩ các lý thuần!
Sau khi xem sách vở của lắm nhà hiền triết xưa nay, thấy pha lẫn nhiều
phần của đạo Phật, lại thấy lắm nhà thông thái chịu ảnh hưởng văn minh,
triết lý và học thuật nhà Phật mà được vinh danh, bao người lấy làm vui
mà thấy nhân loại hưởng nhờ đạo Phật, một nền đạo đức bao la, siêu việt
thăm thẳm, mênh mông!
Vì các lý ấy cho nên kẻ hèn nầy rất vui lòng mà học Phật. Học Phật, hiện
thời biết bao người nhận rằng mình là người học Phật! Trong mấy năm
nay, từ năm 1930, từng nghiên cứu kinh sách và giao thiệp với các hạng
người học Phật, tôi nhờ đó mà được tấn bước về đường đức hạnh. Và cũng
do nơi đó mà có những cảm tưởng dưới đây để dâng lên các nhà học Phật,
cư sĩ hoặc xuất gia.
Tôi từng gặp lắm nhà đáng trọng, mà cũng từng biết lắm nhà đáng khuyên.
Tôi từng thấy lắm người ít học mà thông, lại cũng từng nhận ra lắm người
cao tài mà dốt. Xét ra, trong những người nhà Phật mà mình biết, kẻ
được bề nầy thì mất bề kia, kẻ được bề kia lại mất bề nọ. Lắm người lại
mất nhiều bề, hoặc là khuyết điểm những bề chánh đáng. Cho nên bước
đường tấn đức vì đó mà hóa ra lâu. Những bề đó, những điều kiện đó, đại
để tôi biên ra dưới đây.
DUNG HÒA - Tôi thấy nhiều người thiếu cái đức dung hòa. Ấy là mất
đi một điều kiện đại khái của người học Phật. Thiếu dung hòa, tức là
hay câu chấp. Thành ra có cái sở kiến hẹp hòi, đạo Phật gọi những người
nầy là kẻ “chấp trước”. Giả như mình trọng cái lý nào, hoặc cách hành
đạo nào mà thấy người khác không theo sở ý, sở hành của mình, thì mình
chẳng bằng lòng, vội cho người ta là kém, thấp. Ta phải dưỡng cho có cái
đức nhu hòa thiện thuận, đặng vừa ý với sự luận biện, lý thuyết, lối
hành đạo của mọi người, miễn các sự ấy có giúp được cho họ thì thôi. Đối
với những người khác tôn giáo, trí lý họ nhiều khi ta còn dung nạp
được, huống hồ đối với người trong đạo Phật ? Vậy tôi mong cho các bạn
tu hành đắc cái đức dung hòa đặng tiện giúp mình trong đời học đạo!
ĐỨC TIN - Tôi lại thấy lắm người, trong khi xem kinh sách, hay
đem lòng nghi. Đức Phật là cha lành của chúng sanh, ngài đắc đạo đến Quả
hoàn toàn thì đâu còn luống dối. Thế mà lắm người xem kinh do ngài
thuyết, thường hay nghi ngờ, có khi chê bai, bài bác nữa. Chư Bồ tát đều
là hạng người thương đời, đâu có dạy sai, thế mà nhiều kẻ chẳng vừa ý
nên nghi kỵ, chẳng tin. Sự nghi kỵ là một cái trở lực lớn của con nhà
đạo Phật. Nhiều lúc, khi đọc ta chưa hiểu; mà về sau ta hiểu cũng có.
Hoặc đang khi đọc ta chưa thấy ra chỗ hay; mà về sau, một đôi năm sau
cũng có, ta nhận ra là những lý huyền vi, bí ẩn. Lắm khi những tích tìm
thường, những vật dễ hiểu, thế mà lại là những biểu hiệu chứa lấy những
chỗ kín đáo cho kẻ hữu tâm. Vậy nên xem qua tích Phật, đọc qua kinh
Phật, các bạn nếu chưa hiểu, chưa thấu, chưa nhận thì hãy để qua một bên
lòng, còn có ngày đắc nhập chớ chẳng không. Chớ nên nghi kỵ, bài bác,
sự ấy làm cho mình chậm bước, lại còn tạo ta chung quanh mình những kẻ
sẽ lầm lộn như mình.
PHƯƠNG TIỆN - Các nhà học Phật cần phải có cái đức bao quát nầy,
tức là phương tiện. Nhiều khi ta phải xét người bằng cái đức ấy. Tu
Phật, học Phật cũng tùy theo cảnh thế; mỗi người tùy hành cái phương thế
tiện cho mình. Vậy các bạn hãy vì cái phương tiện mà rộng xét cho
người. Đạo Phật xoay về bên Đại thừa thì không có bó buộc người ta vào
khuôn mẫu, mỗi người có thể tự tạo ra một cách tu tập cho hợp với địa
vị, thân thế, hoàn cảnh của mình. Miễn sao cho được tiến bước lên đường
Huệ, Phước là đạt mục đích rồi. Bao người học Phật thấy chỗ phương tiện,
bèn cứ giữ phận sự mình, cách sinh hoạt mình, trong lúc ấy họ vẫn lo
trau dồi tâm tánh và giúp ích cho đồng loại, chúng sanh! Bởi thế cho nên
bực xuất gia thong dong nơi am tự, vị cư sĩ nhàn lạc lúc tuổi già, đã
đành là những người học Phật; mà viên quan thiếu niên đang bôn ba trên
hoạn lộ, kẻ cày sâu cuốc bẩm dưới bóng trời hè, người thợ thuyền vất vả
trong buổi khó khăn, cho đến kẻ sanh ra giữa lò thịt, tiệm rượu, lầu
xanh... cũng có thể là những người học Phật được hết! Họ cũng tạo thêm
công đức vô lượng vô biên, độ cho bọn người trụy lạc chung quanh họ. Vì
phương tiện, họ không chê bỏ hoàn cảnh của họ. Như vậy cũng là cao
thượng chớ sao ?
TỪ BI HỶ XẢ - Chúng ta còn phải cho những đức nầy thâm nhập ở
tâm. Chẳng phải ăn chay giữ giới là đủ, mà phải nuôi dưỡng các đức Từ,
Bi, Hỷ, Xả cho bám chặt vào tâm mình, thành ra bản tánh tự nhiên của
mình. Như vậy, mình trông ra vũ trụ một cách thuần nhã, mình ngó lại
chúng sanh một cách yêu thương, mình sẵn lòng mà khuyên dỗ và tha thứ
cho người. Không tức bực về xã hội, lại còn lo bồi bổ những chỗ khuyết
điểm trong xã hội, để giúp sự nhiêu ích cho chúng sanh, bao giờ mình
cũng đưa tay ra mà nắm lấy tay người, để họ cùng bước lên đường lành,
lại cầu cho họ bước mau tới trước mình là khác. Kìa gương đức Phật
Thích-ca đã vui lòng hộ giúp cho bao người được thành Phật trước ngài!
Và đức Văn-thù-sư-lỵ còn là ở địa vị Bồ-tát, song ngài đã từng giáo hóa,
độ cho bao người khác thành Phật rồi!
Kẻ hèn này có những mối cảm tưởng ấy, xin nêu lên cùng độc giả các bài
học Phật, và cầu cho ai nấy đều đắc nhập những đức: Dung hòa, Đức tin,
Phương tiện và Từ Bi Hỷ Xả.
Kính tựa,
Đ . T . C
rongmotamhon.net