III. PHONG HÓA NHÀ PHẬT
1. Ảnh hưởng của phong hóa.
Trong đạo Phật, phong hóa là một nền đạo có thể giải thoát con người
rồi. Từ xưa tới nay, biết bao người nhờ giữ theo phong hóa mà trở nên
nghiêm trang, có lợi cho thân mạng mình trong đời hiện tại và trong các
đời sau! Phong hóa có ích vô cùng cho những người học Phật, dầu xuất gia
hay là tại gia.
Hạng xuất gia nhờ theo phong hóa, đạo hạnh, mà được danh thơm lành, được
người trọng mộ, được bá tánh cúng dường, được yên ổn ở đời này, và được
nhiều phước đức tùy thân. Hạng người ấy lắm khi cũng đắc đạo ở đời này
và được phép thần thông. Còn không đi nữa, về sau thế nào cũng sanh lên
cõi trời, hoặc vãng sanh về cảnh Phật. Hạng người ấy, đáo lại cõi trần,
thì hóa thân vào nhà quyền quí vọng tộc, sanh ra làm danh nhân, tướng
lãnh, quốc trưởng, vì đã có căn lành, từng giữ theo đức hạnh.
Hạng tại gia, cư sĩ nam và nữ cũng nhờ phong hóa nhà Phật mà được mọi
người kính mến, cha mẹ yêu thương, anh em hòa thuận, bà con khen ngợi,
bạn hữu yêu vì, vợ chồng yên ổn, người đời kính trọng. Những người ấy
không hay gặp sự trở ngại, đến đâu đều được thiên hạ tiếp đãi niềm nở.
Nhờ phong hóa nhà Phật, họ trở nên hiền hòa, thuận thảo, hành xử ở đời
phải phép, đáng yêu. Nếu họ vì chúng sanh mà chen vai sát cánh trong
đường công danh, phú quí thì họ mau có địa vị cao sang, rỡ ràng. Và đạt
mục đích rồi, họ bảo tồn phẩm vị được lâu, nêu gương lành với chúng nhân
trong trường doanh nghiệp hoặc trong chốn quan trường. Những kẻ ấy, nếu
họ ngoảnh mặt đi với thế sự mà hướng lên các cõi trời, họ sẽ thanh tịnh
mà lướt dần trên đường tiến tới. Ở đời này, họ sống như người tiên kẻ
thánh; và khi mạng chung, họ sẽ lên những cõi trời, cõi Phật.
Đệ tử Phật, xuất gia và tại gia đều nhờ phong hóa hết. Phong hóa là cái
gương để soi mặt mày cho rõ, là cỗ xe để đưa lên cõi trời, cõi Phật, là
chiếc thuyền để đưa người đến bến yên lành. Người học Phật mà không theo
phong hóa thì không được. Ấy cũng như người thiếu gương soi, nên chẳng
thể biết mặt mình dơ hay sạch, đẹp hay xấu. Ấy cũng như người thiếu xe,
thiếu thuyền, vì chẳng nương đạo hạnh làm sao lên được cõi trời, cõi
Phật, và đến bờ bến an lành là nơi giải thoát?
Trong đạo Phật, có thể phân ra làm hai nền phong hóa. Phong hóa của hạng xuất gia và phong hóa của hạng tại gia.
2. Phong hóa của hạng xuất gia.
Xuất gia, là hạng người bỏ thế tục, vào qui y nơi giáo hội Tăng già.
Ấy là những vị ở chùa chiền và đi ẩn cư nơi non xa, cảnh lặng. Xuất gia
có hai hạng: sa-di và tỳ-kheo.
a) Sa-di với sa-di ni là những người nam và nữ mới xuất gia, chưa chính
thức được nhận vào hàng tăng sĩ, là những vị chưa đúng hai mươi tuổi.
Sa-di và sa-di ni theo một nền phong hóa, tuy không đầy đủ như của các
vị tỳ-kheo, nhưng đối với tại gia cư sĩ thì đã là thanh cao lắm rồi.
Trong khi tu tập để lên bậc tỳ-kheo, sa-di phải giữ mười giới hạnh này
không hề hủy phạm:
1. Không sát sanh
2. Không trộm cắp
3. Không làm việc dâm dục
4. Không nói dối
5. Không uống rượu
6. Không dùng các loại hương hoa, phấn sáp để trang điểm
7. Không xem các loại ca, vũ, nhạc, kịch
8. Không ngồi, nằm trên giường ghế cao rộng
9. Không ăn trái giờ
10. Không giữ tiền, vàng, các loại châu báu quý giá
Có giữ mười giới hạnh cơ bản ấy, về sau mới được giáo hội nhận cho chính
thức làm tăng sĩ. Ngoài ra, sa-di phải biết phận sự đối với anh em, đối
với thầy, đối với chư tăng, đối với nhà chùa và đối với thiện nam, tín
nữ. Với anh em thì dung hòa, hỷ xả, đồng tâm đồng ý mà kính mến bề trên.
Với thầy thì hầu hạ, cung kính, lo từ miếng ăn, miếng uống, manh quần
tấm áo, vì thầy là người dạy bảo, giảng lý và truyền đạo cho mình. Với
chư tăng thì luôn luôn kính trọng, chào hỏi. Với nhà chùa thì lo hương
đèn nhang khói, cúng nước công phu, và làm các việc cần nơi giáo hội.
Với thiện nam, tín nữ thì cho dè dặt, nghiêm chỉnh, chú nguyện cầu phước
lành cho họ. Một sa-di phấn chấn, tinh tấn sẽ trở nên một vị tỳ-kheo
đúng đắn và có thể đắc đạo trong đời này.
b) Tỳ-kheo với tỳ-kheo ni là các vị tăng, ni đã chính thức thọ đủ giới
luật. Những ai đã giữ trọn mười giới, có thể lên bậc tỳ-kheo. Ngoài ra,
lại còn những điều kiện này nữa: không tin theo tà phái, ngoại đạo;
không nhập đạo vì ý niệm bất chánh; không phải là người khiếm khuyết các
giác quan; không phạm vào bốn trọng tội; không phải là loài thần,
quỷ, thú vật hóa ra người; không phải là bán nam bán nữ; phải được cha
mẹ, vợ (hoặc chồng) thuận cho phép xuất gia; không có thiếu nợ; không có
bệnh truyền nhiễm. Muốn vào địa vị của hạng người xuất gia, muốn tự
giải thoát, hầu lên cõi Phật, không phải dễ dàng gì. Các sư chân chánh
không có thâu nhận càn, các ngài dò đi xét lại kỹ lưỡng, rồi mới nhận
trao giới cụ túc cho.
Trong khi truyền giới, các ngài lại dặn kỹ chớ có phạm Bốn trọng tội,
Bốn trọng cấm. Ai phạm một điều trong bốn điều ấy thì sẽ bị trục xuất
ra khỏi giáo hội Tăng già.
Các ngài nhắc cho kẻ thọ giới nhớ vào trí bốn điều nữa mà chư tăng ngày trước không hề quên:
1. Tỳ-kheo phải gom lượm vải vụn đã thải bỏ, khâu thành áo mà mặc. Song nếu có ai cho thì được nhận.
2. Tỳ-kheo chỉ ăn đồ khất thực mà thôi. Song có ai đem cúng nơi chùa thì được nhận.
3. Tỳ-kheo phải ngủ dưới cội cây. Song có ai cúng chỗ phòng, thất thì được nhận.
4. Tỳ-kheo phải dùng phân uế mà làm thuốc. Song có ai thí thuốc thì nhận.
Làm sư phải nhớ những điều ấy đặng để mà tự giải thoát khỏi vòng Tam
giới. Mỗi tháng hai lần: mồng một và ngày rằm phải xem lại giới luật.
Hoặc là phải tập trung về một ngôi chùa đặng nghe một vị đọc giới luật.
Vì phận sự, đạo hạnh của nhà sư đều ghi trong giới luật hết. Trong đó có
hai trăm năm mươi giới của tỳ-kheo và ba trăm bốn mươi tám giới của
tỳ-kheo ni.
Giữ giới thì dễ sanh định và phát huệ. Tức là có giữ giới thì mới thành
thánh, thành Phật được. Những người thanh tịnh, các bậc hiền nhân,
thánh chúng đều trọng giới hạnh, tuân theo giới hạnh, và không hề chê
bai, bài bác. Còn những kẻ mang áo thầy tu mà xưng mình sống ngoài vòng
giới luật, không cần giới cấm rộn ràng, ấy là những kẻ ngu dốt, giả dối
vậy thôi.
Hạng xuất gia, tỳ-kheo, nhà sư thường được xem như là thầy của bậc cư sĩ
tại gia, là vì các ngài giữ gìn đạo hạnh thanh cao, tự giải thoát ra
ngoài cảnh đời. Trầm tỉnh, khoan hòa, minh mẫn, sáng suốt, các ngài là
tấm gương bia cho thiện nam tín nữ. Trong sạch nhờ theo giới luật, yên
ổn nhờ giữ giới luật, khoái lạc nhờ nương theo giới luật, các vị được
thanh nhàn, tự tại, dứt các sự phiền não ở đời. Trong thiền môn mà có
một số đông người trì trai, giữ giới cho đúng đắn, giữ gìn phong hóa cho
hoàn toàn thì lo gì chẳng bảo tồn được pháp Phật đặng giúp ích cho đại
chúng tăng đồ và cư sĩ tại gia!
3. Phong hóa của hạng tại gia.
Phong hóa của tại gia cư sĩ, gom vào mấy chữ này: Tam qui, Ngũ giới.
Người tu Phật tại gia phần đông đều có chịu lễ thế độ nơi một ngôi chùa.
Một hay là vài vị sư thay mặt cho giáo hội tăng già, nhận cho họ xưng:
Qui y Phật! Qui y Pháp! Qui y Tăng! Vị thầy truyền giới tùy theo nhận
xét mà trao giới cho, hoặc một, hai, ba, bốn giới, hay năm giới, nhưng
thường là năm giới. Năm giới là: 1. Không sát sanh, 2. Không trộm cắp 3.
Không tà dâm 4. Không nói dối 5. Không uống rượu. Vị thầy truyền giới
cũng sẽ đặt cho đệ tử một cái tên đạo, gọi là pháp danh. Từ hôm ấy,
người thọ giới phải trọn đời gởi mình vào đức cả từ bi của Phật; nương
mình nơi đạo pháp quảng đại, từ bi, hỷ xả của Phật; và trao mình vào
giáo hội Tăng già cao thượng mà Phật đã lập ra.
Lại có nhiều người, tuy không làm lễ thế độ với một nhà sư, mà cũng cầm
bằng có qui y thọ giới. Ấy là những người lập tâm phát nguyện với đức
A-di-đà. Đến ngày lành, họ lập bàn thờ Phật A-di-đà, thành tâm mà khấn
nguyện với đức A-di-đà, cầu ngài chứng minh cho họ phát nguyện qui y. Kể
từ ngày ấy, họ được nhập vào hàng đệ tử Phật, họ trì trai giữ giới và
niệm đức A-di-đà. Nếu họ tinh tấn mà tu hành, đến ngày lâm chung họ cũng
sẽ được về Phật quốc theo chí hướng của họ. Dưới đây là mười ngày trong
năm có thể làm lễ phát nguyện tu trì theo tông Tịnh độ.
Tháng giêng, ngày mồng một, lúc tảng sáng.
Tháng hai, ngày mồng chín, lúc năm giờ sáng.
Tháng ba, ngày mồng bảy, lúc mười giờ tối.
Tháng tư, ngày mồng tám, lúc chín giờ rưỡi tối.
Tháng năm, ngày mồng ba, lúc mặt trời lặn.
Tháng sáu, ngày mồng bảy, lúc mười giờ rưỡi tối.
Tháng bảy, ngày mồng tám, lúc giữa trưa.
Tháng chín, ngày mồng chín, lúc giữa trưa.
Tháng mười, ngày mồng một, lúc giữa trưa.
Tháng mười một, ngày mười bảy, vía A-di-đà, suốt ngày.
Tháng chạp, ngày mồng ba, lúc mặt trời lặn.
Những ngày giờ ấy, kẻ chưa phát nguyện thì phát nguyện rất phải lúc, vì thế nào cũng được chư Phật chứng minh.
Làm lễ đức Phật A-di-đà, đứng về hướng Đông mà lạy về hướng Tây, tượng
ngài để về hướng Tây. Sau khi ấy, mình trở nên người tu tại gia, cư sĩ.
Cả đời, bao giờ người cư sĩ cũng nhớ công đức Phật, kính trọng, ngưỡng
mộ Phật, tự phó thác mình vào sự cứu vớt của Phật, nghĩ rằng lúc nào sức
Phật cũng bao bọc, gia hộ cho mình. Ấy là qui y Phật.
Trọn cả đời, siêng năng học pháp Phật, đọc, tụng kinh điển, suy nghĩ cho
thấu đáo và ăn ở theo giáo pháp của Phật. Ấy là qui y Pháp.
Trọn cả đời, ghi nhớ công đức của các vị cao tăng, thường thăm viếng
những vị xuất gia có đức hạnh, tưởng đến chư thánh, chư đại đệ tử của
Phật, tu tập theo các vị đức độ trong giáo hội thanh tịnh, cao cả của
Phật. Ấy là qui y Tăng.
Niệm tưởng đức Phật A-di-đà, nhớ ơn đức Phật Thích-ca, không quên ngôi Tam bảo tức là thọ trì Tam quy y vậy.
Kẻ tại gia thường thường giữ năm giới, có sự châm chế cho phù hợp với đa
số mọi người. Chẳng hạn như giới thứ ba cấm tà dâm, chứ không cấm sự
chung chạ của vợ chồng. Cư gia có người nguyện giữ tám giới trọn đời.
Tám giới là năm giới, cọng thêm vào ba giới nữa: 1. Không dùng các loại
hương hoa, phấn sáp mà trang điểm 2. Không xem các loại ca, vũ, nhạc,
kịch 3. Không ngồi, nằm trên giường ghế cao, rộng và phải ăn chay đúng
ngọ. Lại có người tinh tấn mà giữ luôn mười giới theo hạng xuất gia
sa-di và trì tuyệt dục.
Kẻ qui y giữ giới thường trì trai, như vậy cho tiện bề niệm Phật. Tùy
theo sức, trong tháng họ ăn chay một ngày, hai ngày, bốn ngày, sáu ngày,
mười ngày, hay ăn thường xuyên luôn. Những người ăn luôn, trường trai
càng tốt. Muốn vừa với sức khỏe, nên nguyện dùng chay lần hồi, từ một
ngày, hai ngày, bốn ngày, sáu ngày mà tăng dần lên. Song dầu cho ăn
trường hay ăn kỳ, về những ngày ăn chay, nên niệm nhớ công đức của Phật,
giữ giới lành cho trọn vẹn và lấy lòng từ bi hỷ xả mà đối đãi với chúng
sanh. Chẳng chờ đến ngày chay, mà ngày thường, mình cũng nên niệm Phật
và cư xử hiền lành với mọi người và mọi vật. Kẻ thiện nam tín nữ bao giờ
cũng ăn ở cho hiền hòa, thuận thảo. Cái thân cho trong sạch, lời nói
cho chính đính, cái ý cho thanh bai, cố giữ như vậy thì tạo ra được mười
nghiệp lành về thân, miệng, ý:
1. Không sát sanh hại mạng; cần phải phóng sanh, cứu người.
2. Không trộm cắp; cần phải bố thí.
3. Không tà dâm; cần phải cung kính.
(Ba nghiệp trên đây là về thân)
4. Không nói dối; cần phải nói thật.
5. Không nói sai lệch, dua nịnh, tục tĩu, nhơ nhớp; cần phải nói lời có nghĩa lý, hữu ích.
6. Không nói lời ác độc, thóa mạ, chửi mắng người khác; cần phải nói lời êm ái, dịu dàng.
7. Không nói hai lưỡi, nói đâm thọc hai đầu để gây chia rẽ, thêm bớt không chừng; cần phải nói sự hòa hiệp.
(Bốn nghiệp trên đây là về miệng)
8. Không tham muốn trái lẽ; phải tưởng sự bất tịnh, sáu trần đều chẳng sạch.
9. Không sân hận; phải tưởng sự từ bi, ở cho nhẫn nhục.
10. Không si mê, tin bậy; phải có lòng chánh tín, qui y chánh pháp.
(Ba nghiệp trên đây là về ý)
Những người cư gia thọ Tam qui, Ngũ giới và giữ gìn thân, miệng, ý theo
Mười điều lành thì tạo ra căn lành cũng là vô tận rồi. Tuy ban đầu còn
sai lệch, chớ về sau dần dần cũng quen, và họ sẽ trở nên người thiện
phước.
4. Phong hóa nhà Phật của hạng tại gia với phong hóa nhà Nho.
Phong hóa nhà Phật cho hạng tại gia, Tam qui Ngũ giới, thật là cao
thượng và lợi ích lắm. Nền phong hóa ấy có thể dung hòa, phù hợp với
phong hóa nhà Nho nữa. Và nó có thể thay thế cho phong hóa nhà Nho, thay
thế một cách thích đáng, quý hóa, mạnh mẽ và hiệu nghiệm.
Bên Phật có Tam qui: Qui y Phật, Qui y Pháp, Qui y tăng, thì bên Nho có
Tam cang là: Minh minh đức, Tân dân, Chỉ ư chí thiện. Minh minh đức, là
được thiên lý, cái tánh quý báu, sáng suốt, hiểu rõ muôn vật, tức là phù
hợp với quy y Phật. Tân dân, là bỏ các sự tà vạy xưa nay mình đã quen,
rèn lòng cho trong sạch, nương đạo đức mà sửa mình và sửa người, tức là
phù hợp với quy y Pháp. Chỉ ư chí thiện, là ngưng tụ vào nơi trọn lành,
không cho một mảy gian tà xen vào lòng nhân, tức là phù hợp với quy y
Tăng.
Bên Phật có Ngũ giới, bên Nho có Ngũ thường. Không sát sanh, không trộm
cắp, không tà dâm, không uống rượu, không nói dối; là phù hợp với nhân,
nghĩa, lễ, trí, tín của nhà Nho. Nhân, tức là không sát sanh. Nghĩa tức
là không gian tham, trộm cắp. Lễ tức là điều độ, giữ phẩm cách trong
sạch, không tà dâm, tham sắc dục. Trí tức là không sa ngã vào nơi rượu
thịt mà phạm các điều tội lỗi. Tín tức là không nói dối, nói sai ngoa.
Phong hóa nhà Phật cũng dạy người ứng xử cho phải đạo. Ngũ luân nhà Nho
khuyên người ta rằng: 1. Làm tôi phải trung với bậc quốc trưởng minh
chánh. 2. Làm con phải có hiếu với cha mẹ. 3. Làm vợ phải tùy theo
chồng. 4. Làm em phải kính yêu anh chị. 5. Làm bằng hữu phải giữ sự tín
với nhau. Luật tu tịnh độ đã từng đào tạo cho con người biết giữ trọn
các phận sự đối với nhà cầm quyền, đối với cha mẹ, đối với vợ chồng, đối
với anh em, đối với bầu bạn. Trong kinh Thi-ca-la-việt, đức Phật nhân
thấy ông Thi-ca-la-việt sáng thức dậy lạy tứ phương với phương trên và
phương dưới, ngài bèn dạy cho bài phong hóa hoàn toàn. Lạy phương Đông
là kính cái phận sự của kẻ làm con, kẻ làm cha mẹ. Lạy phương Tây là
kính cái phận sự của kẻ làm chồng, làm vợ. Lạy phương Nam là kính cái
phận sự của kẻ làm học trò, làm thầy. Lạy phương Bắc là kính cái phận sự
của kẻ làm bạn hữu, làm người đối với đồng loại. Lạy phương trên là
kính cái phận sự của kẻ làm tôi tớ, quan, dân, làm thầy, làm chủ, quốc
trưởng. Lạy phương dưới là kính cái phận sự của người học đạo, làm thầy
dạy đạo.
Lại trong nhiều kinh nữa, Phật từng khuyên con người nên ứng xử cho trọn
vẹn những phận sự lớn lao. Như trong kinh Báo Ân, đức Phật dạy tín đồ
bao giờ cũng phải nhớ đến bốn cái ơn lớn này để báo đáp luôn: 1. Ơn cha
mẹ, 2. Ơn tổ quốc, 3. Ơn chúng sanh, 4. Ơn Tam bảo.
Trong kinh Báo hiếu phụ mẫu ân trọng, Phật giảng với A-nan công lao cực
khổ, nhọc nhằn về tâm trí và về thể xác của cha mẹ vì con. Cái công ấy
thật là vô ngần, vô lượng, vô tận. Làm con phải nhớ luôn luôn và lo mà
đền bồi trong phần muôn một. Người nhà Phật rất chú ý đến phận sự làm
con đối với cha mẹ. Trước đã là người có hiếu thảo mới mong bước chân
vào cõi tịnh của chư Phật. Các sư có lệ hỏi người muốn xuất gia nhập đạo
hai câu này: Có được cha mẹ cho phép đi tu chăng? Có sát hại cha mẹ
chăng? Thật vậy, người hiếu nghĩa dễ mà tu thân và lần lên cõi huệ.
Trong đạo Phật, có đủ Tam cang, Ngũ thường và Ngũ luân của đạo Nho, Phật
giáo bao hàm Nho giáo. Tức là phong hóa nhà Nho có đủ ở trong phong hóa
nhà Phật vậy.
Lại nữa, phong hóa nhà Phật thay thế cho phong hóa nhà Nho rất dễ dàng,
hiệu nghiệm. Vì trong Phật giáo, còn có luật nghiệp báo, luân hồi, nên
dễ làm cho chúng sanh hồi tâm hướng thiện, dễ làm cho chúng sanh có lòng
mong mỏi thanh bai, có những mối cao vọng thâm trầm.
Cao hơn phong hóa nhà Phật cho người tại gia, Tam qui Ngũ giới, còn có
Lục độ. Tức là nền phong hóa cao siêu hơn, là sáu đại hạnh của hàng
Bồ-tát. Nền phong hóa này chẳng để riêng cho hạng xuất gia hay hạng tại
gia, mà để chung cho mọi người trong đạo Phật, tinh tấn và dõng mãnh.
Vậy trong đại chúng ai muốn có đại căn, đại lực, muốn mau lên bậc chánh
giác, thì hãy thực hành ngay Lục độ.