II. NIẾT BÀN LÀ GÌ
Trong quyển “Pháp giáo nhà Phật”, tôi đã có giải về
Niết-bàn, gom góp tư liệu trong nhiều kinh sách. Về phần Niết-bàn trong
sách này, tôi xin trình bày đôi chỗ cần thiết, chứ không trích dẫn các
tư liệu nữa.
Niết-bàn, cảnh hoàn toàn sung sướng, an lạc đời đời, cảnh cao vời, cảnh
tuyệt đích của người tu hành đắc đạo. Những nhà tu trì có công hạnh,
tham thiền rất sâu về Tứ diệu đế, đủ tự giải thoát ra ngoài Tam giới,
bèn chứng quả A-la-hán và đắc ngay Niết-bàn trong khi sanh tiền. Còn
những ai đắc quả thứ ba, hoặc là người cố sức tưởng Phật lắm thì khi
thác cũng đến cõi Niết-bàn, được gần chư Phật. Đức Thích-ca Mâu-ni từng
giảng công đức cảnh Niết-bàn, những sự tốt đẹp, thanh tịnh nơi cõi
Niết-bàn. Mấy ông thánh xưa đắc quả, cũng mặc tình thường cảnh Niết-bàn,
thường nói ra với đại chúng. Đức Phật và thánh chúng đều nhận có
Niết-bàn; các ngài hạnh đức đủ đầy, hoàn toàn trong sạch, thì các ngài
đâu có nói sai. Vậy ta chớ có phân vân mà khi nói có lúc nói không, ta
hãy tin lời của Phật thánh mà nhận rằng có một cái thế giới rất trong
sạch dành riêng cho các bạn lành.
Những ai giữ mình tinh khiết, bỏ sự đời, chẳng màng công danh phú quí ở
dương thế này, mà muốn qua cảnh tịnh của chư Phật thì thế nào cũng qua
được. Xưa nay, biết bao người thành A-la-hán, đắc đạo, nhập Niết-bàn, số
ấy nhiều hơn số cát cả trăm, cả ngàn sông Hằng!
Niết-bàn, ai cũng biết là cảnh tuyệt tốt, tuyệt lành; còn tả rõ ra thì
không ai tả được. Chư Phật và chư thánh chỉ có nói sơ là nơi an lạc vô
cùng mà thôi. Có chứng từ quả A-la-hán, bậc thứ tư sắp lên, mới thấu nỗi
Niết-bàn, vì đó là những hạng đắc nhập Niết-bàn.
Song bậc A-la-hán chưa được Niết-bàn trọn vẹn. Trong những năm đầu mới
truyền đạo, vì phương tiện Phật tạm dạy Tiểu thừa, ngài khuyên học trò
cố sức giải thoát để chứng tới quả A-la-hán, nhập Niết-bàn. Nhiều vị đệ
tử chuyên cần tu tập, tham thiền có tinh tấn, đắc quả A-la-hán. Có nhiều
vị, khi thành A-la-hán, không muốn ở lại cõi trần. Các ngài mới tịch
vào Niết-bàn.
Về sau, Phật mở rộng các pháp môn, giảng ra Đại thừa, Nhất thừa. Ngài
khuyên chư vị A-la-hán chớ tham chấp lấy Niết-bàn của A-la-hán, và hãy
mong cầu Niết-bàn của chư Phật. Ngài dạy rằng Niết-bàn của A-la-hán và
Duyên giác là Niết-bàn tạm, một chỗ nghỉ ngơi của hạng người đã mỏi mệt
sau khi cố sức tu hành. Ngài chỉ rõ cảnh Niết-bàn thật, Niết-bàn trọn
vẹn ấy là Niết-bàn của chư Phật. Nghe theo ngài, chư đệ tử đắc A-la-hán
không tham chấp Niết-bàn của A-la-hán, bèn hướng đến cảnh cao của Phật
Như Lai sẽ hưởng Niết-bàn hoàn toàn của bậc Như Lai. Chư đệ tử ấy rất
dõng mãnh, tin sâu lời Phật. Các ngài bèn tu hạnh Bồ-tát, các ngài vào
thừa duy nhất tức là Phật thừa. Các ngài tự do, tự tại mà dạo khắp mười
phương, ba cõi, tỷ như những gã trai tráng con nhà giàu nương mình trên
cỗ xe đạp thắng bằng bò trắng to lớn, mà dạo chơi từ thành thị đến thôn
quê, các ngài dùng mọi bề phương tiện hành đạo Bồ-tát, chờ ngày lên bậc
Như Lai, Phật Thế Tôn. Vinh hạnh thay! Cao thượng thay! Công đức thay!
Trong bộ kinh “Diệu Pháp Liên Hoa” mà tôi đã dịch và xuất bản, nơi phẩm
bảy, nhân phân biệt Niết-bàn, Phật có dạy một ví dụ, tôi xin tóm lược ra
dưới đây:
“Thuở xưa, có một đoàn bộ hành đi qua một đám rừng kia để đến cù lao
châu báu. Có một tay chủ đoàn dắt đường là người biết rõ nẻo đi. Trong
khi băng ngang đám rừng sâu, bọn bộ hành đều mệt chán, uể oải, bèn đồng
nhau than van và đòi trở lại. Người chủ đoàn định dùng phương tiện để
đối phó với họ. Người hóa phép biến ra một cảnh thị tứ trước mặt đoàn
buôn. Người chỉ rằng: ‘Kìa, tới chợ búa, chúng ta hãy vào đó mà nghỉ,
rồi sẽ tính.’ Đoàn bộ hành thấy cảnh phồn hoa náo nhiệt, người lại kẻ
qua, thiên hạ lăng xăng thì họ bằng lòng lắm. Họ vào đó, tắm rửa, ăn
uống nghỉ ngơi, chơi bời. Đến chừng người chủ đoàn thấy cả bọn khỏe
khoắn, tươi tỉnh, phấn chấn lại rồi, người bèn biến mất cảnh thị tứ đi.
Và người nói rằng: ‘Hôm trước, ta dùng phép thần thông mà hóa ra cảnh
đền đài cho các ngươi đỡ mệt. Chớ ở đây toàn là rừng rú mà thôi. Bây giờ
các ngươi khỏe rồi, hãy cố sức đi tới nữa. Cù lao châu báu không xa.’
Rồi người dắt đoàn bộ hành ấy đi tới nơi tới chốn.
“Đoàn bộ hành kia, tức là mấy vị đệ tử vì mệt mỏi nên ưa chịu cảnh
Niết-bàn của A-la-hán. Niết-bàn của A-la-hán có khác nào cảnh thị tứ ở
giữa rừng. Tức là cảnh tạm. Còn hòn châu báu, mục đích của đoàn buôn,
mới là cảnh Niết-bàn chân thật của chư Phật, mục đích của những người tu
hành tinh tấn.”
Theo Đại thừa, người ta không tham chấp Niết-bàn của A-la-hán mà hướng
đến Niết-bàn của chư Phật. Cho nên các ngài thực hành đạo hạnh Bồ-tát
trong bao nhiêu đời chẳng kể, thường từ bi bố thí, thí tài vật, thí thân
mạng, thí pháp lý. Các ngài chuyên cần giữ tịnh giới, khổ hạnh đúng
mức, xả thân vì chúng sanh, nhẫn nhục vô cùng, chịu sỉ ố, thóa mạ, đánh
đập, chịu lao tù, chịu oan ức, và cam lãnh các tai ương nạn ách để hóa
độ chúng sanh. Các ngài tinh tấn hết sức, chẳng hề giải đãi bỏ nẻo lành.
Các ngài hằng suy xét, thiền định, nhập phép Tam-muội bất động, hàng
trăm năm ngồi yên một chỗ, cho đến chim chóc làm tổ trên đầu, cây cối
bao phủ trên mình. Các ngài tu đắc trí huệ vô cùng vô tận, trí huệ thông
suốt, minh mẫn hơn hết. Như vậy đặng cầu quả Phật vì chúng sanh.
Những bậc ấy rất từ tâm. Các ngài cao thượng cho đến không màng nhập
cảnh Niết-bàn, không đành vui hưởng nơi ấy. Cho nên thường giáng thế,
hóa thân trong các hạng chúng sanh đặng tùy tiện mà độ họ quay về nẻo
lành. Các ngài du hành đến các nơi, đi lại các cảnh giới, tiếp dẫn và
cứu vớt những người có căn lành cội phúc trong cơn nguy khốn. Các ngài
còn đi giải thoát cho những kẻ sám hối, ăn năn, mong nhờ sức từ bi của
Phật.
Chúng ta đây, người học Phật, sao chúng ta lại không làm theo các ngài?
Không nhiều cũng ít, ta hãy giữ lấy đức hạnh cứu giúp chúng sanh, đỡ khổ
cho đời. Ít ra ta cũng tìm dịp mà hộ trợ những kẻ đồng loại, đồng bào.
Hay là sẵn lòng giúp đỡ những kẻ quanh ta, tùy theo sức của ta. Không
nữa, ta cũng tiếp tay cho những người đồng đạo thọ trì pháp Phật như ta.
Những ai ăn ở có hạnh và ra công với đời thì càng gần với cõi lành,
Niết-bàn, cảnh Phật. Những hạng tạo ơn tác phước với đời, dẫu không mong
cầu, cũng sẽ hưởng được cảnh phước lành, cảnh an lạc nơi thiên thượng.
Ở ngay cõi này, các ngài đã hòa nhã, thanh tịnh, an lạc rồi. Thì đối với
các ngài, cõi này cũng là cõi tiên, cõi thánh, cõi Phật. Lại nữa, các
ngài vì giúp đời mà sống, vì thương người xót vật mà sống, cố sức mà
khuyên lơn, an ủi, khuyến khích, để cho chúng sanh ở cõi này trở nên
thuần hậu, thảo thuận, thì đối với các ngài cảnh trần thế có khác gì
cảnh Niết-bàn đâu?
Thật ra, nếu biết suy xét kỹ, cảnh trần thế cũng là cảnh Niết-bàn đó.
Lắm người tuy sống giữa nhân gian, mà tạo ra được một cái cảnh ngộ thuần
lạc, một bầu thế giới thanh bai, một cảnh xã hội giao tế êm đềm, nhã
nhặn. Trong lòng tưởng Phật, niệm Phật, họ giao tiếp với những người
hiền lương trung hiếu, họ đi lại với những người sống trong vòng hào
quang của Phật, ăn ở với bà con phải thế, đối xử với chúng bạn nhu hòa;
há không phải họ ở vào cảnh trong sạch đáng yêu sao?
Lắm người tin ở sức lành của mình, hòa cái sức lành ấy với tấm lòng từ
bi của Phật, bèn đứng ra mà giúp người độ thế, đưa chúng sanh lên đường
phong hóa, đạo đức; như vậy họ không phải thấy ra là một cảnh thuần túy
đáng thích sao?
Lắm người tưởng nhớ Phật, chắc ý vào sự tiếp dẫn của đức A-di-đà, bèn
vui vẻ, tỉnh táo mà sống đời. Trong sạch trong sự giao tiếp, hằng bố đức
cho người mà chính mình không tạo ra nợ nần, không thiếu hụt ai, không
để ai phiền trách; trong khi tươi tỉnh mà chờ ngày cuối cùng để về cảnh
Phật, họ không phải tạm ở vào cảnh nhàn lạc đáng kính sao?
Lắm người phong lưu nhàn hạ, nhà cửa thì rộng mở rước mời, mà bước chân
vào toàn là kẻ xuất gia mến đạo, người cư sĩ thâm nghiêm, hay là kẻ hiền
lành tích đức, như vậy há không phải là họ ở vào cảnh sung sướng khoái
lạc hay sao?
Những hạng người như vậy tuy ở đời này, mà cũng như ở cảnh Niết-bàn rồi
vậy. Quanh mình toàn là người trì kinh, niệm Phật, gần mình toàn là
người giữ gìn phong hóa đạo hạnh, mình tạo ra được một cái xã hội lành,
quý biết bao!
Những ai ở đời này mà vững lòng, chắc ý, hiểu mình, tin Phật, ắt là không xa cảnh Niết-bàn vậy.