Phật học cơ bản
Những Bài Giảng Của HT Tịnh Không
Tịnh Không
14/12/2554 10:52 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Xin mời mở kinh văn, tờ thứ 49, kinh văn hàng thứ nhất, Phẩm thứ 24 - Ba bậc vãng sanh. Phẩm kinh này cùng phẩm 25 - Chánh nhân vãng sanh - trong bộ kinh này là nói đến cần phải chuẩn bị những điều kiện gì để vãng sanh. Hay nói cách khác, hai phẩm này chuyên nói về phương pháp niệm Phật vãng sanh, nên rất là quan trọng. Nếu như chúng ta ở ngay trong một đời này mong cầu vãng sanh, thì phải đặc biệt chú ý đến phẩm kinh này.

Mời xem kinh văn: “Phật cáo A Nan, thập phương thế giới, chư thiên nhân dân, kỳ hữu chí tâm, nguyện sanh bỉ quốc, phàm hữu Tam bối”. Đây là đoạn thứ nhất, nói chung về ba bậc vãng sanh. Ba bậc chính là ba đẳng cấp khác nhau. Phật gọi A Nan để nói cho ông nghe, phàm hễ gọi đến tên thì kinh văn phía sau sẽ đặc biệt quan trọng. Đây là Phật nhắc nhở ngài A Nan và chúng ta. Ngài A Nan là đại biểu cho mọi người, gọi đến A Nan cũng chính là gọi đến chúng ta. Trong đây có phần của chúng ta hay không? Có. Bạn thấy mười phương thế giới chư thiên nhân dân, chúng ta ở ngay trong mười phương thế giới chư thiên nhân dân. Hiện tại thì sao? Vấn đề chính là chúng ta có chí thành nguyện sanh hay không? Chân thật phát tâm nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ thì phải biết cái thế gian này rất khổ.

Có một đồng tu vừa nói với tôi, em trai của ông – người ở đối diện với tòa nhà chúng ta - đã nhảy lầu tự sát; Ngoài ra còn có người nói với tôi, ở nơi đây đã có hai ba lần xảy ra sự việc này rồi. Người học Phật chúng ta biết được, người tự sát nhất định phải tìm người thế thân. Vậy thì sự việc này sẽ liên tục không ngừng xảy ra, cho nên phải nên siêu độ cho họ. Đạo tràng Cư Sĩ Lâm đối diện với họ, tối hôm nay chúng ta giảng kinh, sẽ đem công đức giảng kinh này hồi hướng cho những người tự sát đó. Tự sát rất là thống khổ, việc này ở trên kinh nói, trước khi họ chưa tìm được người thế thân, họ tự sát như thế nào thì việc tự sát này của họ sẽ diễn ra cứ 7 ngày một lần cho đến khi họ tìm được thế thân thì họ mới có thể giải thoát. Họ vô cùng khổ sở. Việc này rất nhiều người không hiểu rõ chân tướng sự thật.

Cho nên chúng ta ở thế gian, cho dù gặp phải rất nhiều chướng ngại cũng phải bình tâm, phải tuỳ thuận. Tại sao vậy? vì trong đời này của chúng ta, trong cuộc sống thường ngày dù bạn gặp phải hoàn cảnh gì, không luận là thuận cảnh hay nghịch cảnh, đều là trong mạng đã có, đều do nghiệp lực trong đời quá khứ chiêu cảm đến. Sự việc này trong kinh Phật đã nói rất rõ ràng, tất cả chúng sanh có hai loại nghiệp lực:

- Loại nghiệp lực thứ nhất gọi là dẫn nghiệp, tức là nghiệp dẫn dắt bạn đi đến cõi nào để thọ thai.
- Loại nghiệp lực thứ hai là mãn nghiệp. Mãn nghiệp chính là thiện và bất thiện trong đời quá khứ chúng ta đã tạo ra. Trong một đời này của chúng ta, nghèo giàu sang hèn, tất cả những chuyện gặp phải đó là mãn nghiệp. Đã là nghiệp trong đời quá khứ đã tạo ra thì làm sao không nhận chịu chứ? Ngay trong khi nhận chịu, nếu thuận cảnh, thiện duyên chúng ta không khởi tham ái; nghịch cảnh, ác duyên cũng không sanh sân hận, thì nghiệp của chúng ta liền tiêu hết, nghiệp quá khứ đã tạo nhất định được tiêu hết. Nếu bạn không tiêu hết nghiệp quá khứ thì không ra khỏi ba cõi.

Tu học pháp môn niệm Phật là có thể mang nghiệp vãng sanh, nhưng chúng ta cũng tận lực, hy vọng có thể mang đi ít một chút. Cho nên có được cơ duyên này để tiêu nghiệp là việc tốt, không phải việc xấu. Càng nhẫn những việc khó nhẫn thì nghiệp của bạn tiêu được càng nhiều, tiêu được cành nhanh, việc này phải nên biết. Không luận chịu nhục mạ dày vò thế nào, thảy đều là tiêu nghiệp chướng của chính mình. Gặp phải loại hoàn cảnh này, nếu tất cả buông bỏ, không nghĩ tưởng bất cứ thứ gì, một lòng niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thì ngày giờ nào vãng sanh sẽ có Phật Bồ Tát an bài, không cần chính ta phải bận tâm, cũng không cần phải vội vàng. Nên gọi là công phu đủ rồi thì tự nhiên liền thành tựu. Trong phẩm kinh này đã nói, đó là việc quan trọng hơn bất cứ thứ gì.

Phía trước, chúng ta đọc qua mười phương Phật tán thán nên phẩm kinh này rất trọng yếu, nếu như không có mười phương Phật giới thiệu thì chúng ta làm sao biết được có Thế Giới Cực Lạc, làm sao có thể biết được có đức Phật A Di Đà. Cho nên người giới thiệu không phải ai khác mà là mười phương chư Phật Như Lai. Việc này chúng ta phải thấy tường tận, phải thấu đáo, không phải là A La Hán giới thiệu, không phải Bồ Tát giới thiệu, mà là chư Phật Như Lai giới thiệu, không phải một vị Phật mà là mười phương ba đời bao gồm tất cả chư Phật giới thiệu cho chúng ta. Vậy thì có thể giả được hay sao? Việc như thế này chúng ta gặp được mà không tin tưởng vậy bạn còn tin cái gì? Tất cả chư Phật đến giới thiệu mà bạn không tin tưởng, vậy thì bạn tin cái gì? Cho nên việc này đáng được chúng ta tin cậy. Sau khi nghe rồi, biết được giữa vũ trụ này có được một nơi chốn tu hành tốt đến như vậy, thì phải nên phát tâm.

Có rất nhiều đồng tu thường hay viết thư cho tôi nói họ phát tâm muốn xuất gia. Quý vị nên đến Thế giới Cực Lạc xuất gia tốt hơn, ở thế gian này xuất gia đều không dễ gì thành tựu. Cho nên chúng ta một lòng một dạ, không luận xuất gia tại gia, chỉ cần bạn chí tâm nguyện vãng sanh, thì bạn quyết định được sanh. Phật tổ nói với chúng ta, pháp môn này là vạn người tu vạn người vãng sanh. Then chốt ở đâu vậy? chính ở bốn chữ “chí tâm nguyện sanh”, một lòng một dạ cầu sanh Tịnh Độ, không có ý niệm thứ hai. Chúng ta là một phàm phu, tuy nhiên lại có được duyên phận thù thắng là nghe được chư Phật Như Lai xúc tiến giới thiệu cho chúng ta. Thế nhưng mỗi một người chúng ta, đích thực là tín nguyện có sâu cạn không như nhau, có người vừa nghe thì liền tin sâu không nghi, có người sau khi nghe rồi nửa tin nửa nghi, mỗi người không như nhau.

Vào đầu năm dân quốc, lão Hoà Thượng Đế Nhàn có một học trò làm nghề vá nồi (câu chuyên này có ghi chép trong “Ảnh Trần Hồi Ức Lục”, pháp sư Đàm Hư khi mở Phật thất ở Hong Kong có giảng, ông có băng ghi âm, tôi từ nghe băng ghi âm này mà biết được, tôi đã nghe băng ghi âm này từ lâu rồi), là người thợ vá nồi, không hề đi học, không biết chữ, cả đời cuộc sống rất là nghèo khổ. Pháp sư Đế Nhàn là bạn thời thơ ấu với ông, họ cùng sanh ở một thôn trang cho nên lúc nhỏ cùng chơi chung với nhau. Vào lúc đó, thấy pháp sư Đế Nhàn xuất gia làm pháp sư rồi, ông rất ngưỡng mộ, cho nên ông liền đi tìm pháp sư Đế Nhàn mong cầu xuất gia. Pháp sư Đế Nhàn liền khuyên ông không nên xuất gia, tại vì sao vậy? vì tuổi tác lớn rồi, đã hơn 40 tuổi, vào thời trước hơn 40 tuổi thì gần đến tuổi già. Ngài nói ông không có đi học, học kinh giáo thì không kịp, người cũng ngu độn, xuất gia thời khoá sớm tối ông cũng không thể học thuộc, vậy ông ở trong chùa nhất định bị người khác xem thường, người ta sẽ khinh khi ông, ông sẽ khó mà sống qua ngày. Dù Pháp sư nói với ông như vậy nhưng ông nài nỉ là ông không xuất gia không được. Sau cùng Lão pháp sư Đế Nhàn thương lượng với ông, ngài nói nếu như ông chân thật muốn xuất gia, vậy thì ông phải nghe lời của ngài nói. Ông ấy nói việc đó thì không vấn đề gì, ông đã lạy ngài làm sư phụ, ngài nói việc gì thì ông đều nghe. Thế là Pháp sư cạo đầu cho ông, sau khi cạo đầu rồi, đưa xuống dưới quê, tìm một cái chùa hoang (lúc đó vào đầu năm dân quốc, quân phiệt tàn phá, xã hội không an định, cho nên rất nhiều chùa nhỏ không có người ở), rồi tìm mấy cư sĩ chăm sóc cho ông, đưa chút đồ ăn đến cho ông, bảo ông ở nơi đó và chỉ dạy ông một câu Nam Mô A Di Đà Phật. Pháp sư nói với ông, ông nên một ngày từ sớm đến tối chỉ niệm câu Phật hiệu này, niệm mệt rồi thì ông nghỉ ngơi, nghỉ ngơi khoẻ rồi thì phải mau niệm tiếp.

Ông thật biết nghe lời, phương pháp này tốt không có áp lực. Niệm được hơn ba năm thì công phu của ông thành tựu, ông đứng mà vãng sanh. Chuyện này cách chúng ta không bao lâu, cũng chỉ là sự việc bảy mươi – tám mươi năm trước, chân thật không hề giả. Con người này thế nào? Con người này tín tâm sâu dày, ông có thể tin sâu, không có một chút hoài nghi, Lão sư dạy ông thế nào thì ông chân thật làm theo. Ba ngày sau khi ông vãng sanh thì lão Hoà thượng Đế Nhàn mới đến cái chùa đó để lo hậu sự cho ông. Ngài rất là tán thán ông, ngài nói, thiên hạ (ngài nói thiên hạ chính là nói toàn nước Trung Quốc), pháp sư giảng kinh nói pháp cũng không thể sánh được ông, tòng lâm tự viện trụ trì cũng không thể so bì được ông. Đây là ngài nói về sự thành tựu. Sau khi vãng sanh, ông đứng ở nơi đó ba ngày. Thành tựu được điều này không có gì ngoài “tin sâu nguyện thiết, thành thật niệm Phật”.

Những người như chúng ta là không thành thật, cho nên ta không thể thành tựu. Người thành thật thì quyết định có thành tựu, vì người thành thật không có tạp niệm, người thành thật không có phân biệt chấp trước, cho nên tâm của họ là thanh tịnh. Tâm của chúng ta không thanh tịnh, tại vì sao không thanh tịnh? Vì chúng ta có phân biệt, có chấp trước, nên tâm của chúng ta không thanh tịnh. Do đó trên Kinh Kim Cang nói phá bốn tướng “vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”. Tâm bình thì khí hoà, thuận cảnh thiện duyên tâm sẽ không dao động, nghịch cảnh ác duyên tâm cũng không dao động. Tâm của họ là định, tâm của người thợ vá nồi là định, ba năm không phải là thời gian quá dài thì ông liền có thành tựu, hơn nữa thành tựu lại thù thắng đến như vậy. Ông biết trước giờ ra đi. Sự việc này trong lúc giảng giải chúng tôi cũng đã nhắc đến rất nhiều lần, rất nhiều đồng tu đều rất quen thuộc.

Tín nguyện mỗi một người chúng ta có sâu cạn khác nhau, phát tâm cũng có lớn nhỏ không đồng. Có người phát tâm rất nhỏ, chỉ biết chính mình, chỉ lo gia đình thân bằng quyến thuộc của chính mình, hoặc giả là lo một đoàn thể; Có người phát tâm rất lớn, có một số người phát tâm chân thật nghĩ đến thế gian có rất nhiều chúng sanh khổ nạn, cái tâm lượng này thì lớn. Tu hành thì có người rất tinh tấn, có người giải đãi lười biếng. Việc trì danh, tụng kinh có như pháp không? Như pháp là một lòng chuyên chú, không như pháp là đọc kinh nghe kinh vẫn còn khởi vọng tưởng, vậy thì không như pháp. Cho nên người học Phật rất nhiều, chân thật là ngàn vạn khác biệt, tình huống của mỗi một người không như nhau. Đây là nói hiện tiền, nếu hướng chiều sâu mà nói thì thiện căn, phước đức, nhân duyên trong đời quá khứ của mỗi một người đều không như nhau, thế nên phẩm vị vãng sanh sẽ có khác biệt rất lớn.

Trên kinh nói ba bậc chín phẩm là nêu ra một thí dụ. Trong cái đoạn kinh văn này chúng ta có thể thấy được ba bậc là bậc thượng, bậc trung, bậc hạ. Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ thì nói được rõ ràng hơn: trong bậc thượng có thượng phẩm thượng sanh, thượng phẩm trung sanh, thượng phẩm hạ sanh; trong bậc trung có trung phẩm thượng sanh, trung phẩm trung sanh, trung phẩm hạ sanh; trong bậc hạ có hạ phẩm thượng sanh, hạ phẩm trung sanh và hạ phẩm hạ sanh. Cho nên ba bậc liền có chín phẩm. Phật nói đến chỗ này thì chúng ta liền có thể hiểu rõ, liền biết được nói một nêu lên ba, trong chín phẩm, mỗi một phẩm còn có thượng trung hạ, ba lần chín là hai mươi bảy, hai mươi bảy trong mỗi một phẩm lại có thượng trung hạ. Cái đạo lý này phải nên hiểu. Cho nên phẩm loại khác biệt rất nhiều. Phật vì chúng ta giới thiệu chỉ lượt nói một cách đại khái là được rồi, cái tỉ mỉ này thì chúng ta phải tự mình thể hội.

Đại đức xưa chú giải, cũng chú giải rất tốt cho chúng ta. Thí dụ như nói, Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói chín phẩm, trong mỗi một phẩm lại có chín phẩm, vậy thì chín lần chín tám mươi mốt phẩm, và nếu như uyển chuyển diễn bày ra thì cái phẩm cấp này là vô lượng vô biên. Cho nên ngay trong vô lượng vô biên phẩm bậc, chỉ nói ba bậc vì ba bậc này đã hàm chứa tất cả người vãng sanh khác nhau. Nhân duyên vãng sanh phức tạp đến như vậy, khác biệt nhau rất xa, cũng không phải là việc người thông thường chúng ta có thể tưởng tưởng ra được. Thế nhưng chúng ta thường hay hỏi trong vô lượng vô biên nhân duyên thì nhân duyên quan trọng nhất là gì? Điểm này rất quan trọng. Thí dụ như ở trên Phật thường hay nói với chúng ta mười pháp giới, thành tựu trong mỗi một pháp giới là có vô lượng nhân duyên. Vậy thì nhân duyên nào quan trọng nhất? Tôi trong lúc giảng kinh nói pháp thường hay dùng loại phương tiện, thí dụ nói trong mười pháp giới, một cái nhân quan trọng nhất trong pháp giới Phật chính là tâm bình đẳng, bình đẳng là Phật. Có vô lượng nhân duyên thành tựu quả Phật và đây là cái nhân thứ nhất. Cái tâm này của chúng ta thường hay bất bình, bất bình thì rất phiền não, cho nên nếu bạn chân thật muốn cầu đạo thành Phật, thì cần phải ở ngay trong tất cả cảnh giới tu tu tâm bình đẳng. Tâm bình đẳng là trực tiếp thành Phật.

Nhân thứ nhất của Bồ Tát là Lục Độ; nhân thứ nhất của Bích Chi Phật là mười hai nhân duyên; nhân thứ nhất của A La Hán là Tứ Đế; nhân thứ nhất của Thiên nhân là tứ vô lượng tâm, thượng phẩm mười thiện; nhân của cõi người là năm giới; nhân thứ nhất của cõi súc sanh là ngu si; nhân thứ nhất cõi ngạ quỷ là tham ái, lòng tham làm ngạ quỷ; nhân thứ nhất cõi địa ngục là sân hận. Đây là Phật nói với chúng ta về cái nhân thứ nhất.

Ngày nay chúng ta cầu vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, vậy thì cái nhân duyên thứ nhất để vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ là gì? Việc này trên kinh rõ ràng nói với chúng ta là “Phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm A Di Đà Phật”. Đây là nhân duyên thứ nhất để vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, nên bạn cần phải ghi nhớ “Phát tâm bồ đề, một lòng chuyên niệm”. Hiện tại có rất nhiều người niệm Phật, niệm được cả đời nhưng không thể vãng sanh, đó là do nguyên nhân gì? Là do họ hiểu sai cái nhân này, họ quên mất đi phát tâm Bồ Đề, chỉ chú trọng ở một lòng chuyên niệm, cho nên họ chỉ có phân nửa, phân nửa còn lại thì họ không có. Họ không biết được Phật cùng tổ sư thường hay dạy bảo chúng ta rằng: Có thể vãng sanh hay không là do có tín nguyện hay không. Cái tín nguyện này chính là tâm Bồ Đề. Do đây có thể biết có thể vãng sanh được hay không, cái nhân thứ nhất là bạn có phát tâm Bồ Đề hay không. Tâm Bồ Đề chính là tín nguyện, chân tín nguyện thiết. Trong Kinh A Di Đà Yếu Giải, Đại sư Ngẫu Ích đã nói được rất hay về việc này, cho nên Đại sư Ấn Quang tán thán đối với Kinh A Di Đà Yếu Giải là “cho dù cổ Phật tái lai chú giải cho Kinh A Di Đà cũng không thể nào vượt hơn được lời chú giải này”. Đây là lời tán thán đến cực điểm.

Năm xưa, khi tôi vừa đến Singapore hoằng pháp, lúc đó pháp sư Diễn Bồi vẫn còn, ông là bạn già của tôi, khi tôi chưa xuất gia, tôi thường hay nghe ông giảng kinh, tôi rất quen thuộc với ông bởi vì khi tôi đến nghe kinh tôi đều ngồi ngay hàng thứ nhất đối diện với ông. Lão pháp sư lớn hơn tôi mười tuổi, nhưng khi tôi đến Singapore thì ông đến phi trường đón tôi, khi tôi đi ông đến phi trường đưa tôi đi. Đây là vì pháp sư giảng kinh không nhiều nên ông rất là ưu ái tôi. Từng có một lần tôi đến đạo tràng của ông để thăm viếng ông, ông mời tôi ăn cơm, ông hỏi tôi: pháp sư Ấn Quang tán thán đối với Kinh A Di Đà Yếu Giải có phải là quá đáng hay không? Tôi đã trả lời ông là chính tôi tu Tịnh Độ nhiều năm như vậy, Kinh A Di Đà cũng đã giảng qua rất nhiều lần, tôi cảm thấy lời nói của lão pháp sư Ấn Quang rất là chính xác, không có chút nào quá đáng cả. Thực tế mà nói Kinh A Di Đà Yếu Giải rất hy hữu và thật sự đem nghi hoặc nhiều năm của chúng ta phá trừ hết. Nghi cái gì vậy? rõ ràng trên Kinh Vô Lượng Thọ nói “phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”, thế nhưng có rất nhiều người thật sự niệm Phật vãng sanh giống như người thợ vá nồi kia. Người thợ vá nồi có phát tâm Bồ Đề hay không? cái gì gọi là tâm Bồ Đề ông còn không biết, từ trước đến giờ chưa từng nghe nói qua, vậy ông làm sao có thể vãng sanh?

Chúng ta ở ngay trong một đời này chính mắt nhìn thấy, chính tai nghe được có những người vãng sanh tướng tốt hy hữu là đứng mà ra đi, ngồi mà ra đi, biết trước giờ ra đi, tướng lạ hy hữu, tổng cộng có mười mấy hai mươi người. Những người này có thể làm minh chứng cho chúng ta. Tìm hiểu trong số những người đó phần nhiều đều không biết chữ, nhưng hành nghi của họ thì đều là người tốt, con người đều rất lương thiện từ bi, đó là người tốt chân thật trong xã hội, thế nhưng họ không biết chữ, rất nhiều người chưa nghe qua kinh, người ta dạy họ niệm Phật thì họ thành thật trung thực mà niệm, niệm hai - ba năm thì họ thật có thành tựu, cho nên chúng ta liền cảm nhận được về phát tâm Bồ Đề một lòng chuyên niệm, đại khái họ chỉ có một lòng chuyên niệm, mà không có phát tâm Bồ Đề.

Đọc Kinh Di Đà Yếu Giải của Đại sư Ngẫu Ích rồi mới bỗng nhiên hiểu ra, thì ra là chân tín nguyện thiết chính là tâm Vô Thượng Bồ Đề. Đây là Đại sư Ngẫu Ích trong chú giải đã nói: “phát tiền nhân chi sở vị phát”, phát là phát minh, tổ sư đại đức xưa nay không có nói qua lời nói này cho chúng ta biết, nên bạn không biết là bạn vừa khuyên họ, họ liền tin sâu thì tin sâu chính là tâm Bồ đề, tin sâu phát nguyện chính là tâm Bồ Đề. Chính họ đã phát ra tâm vô thượng Bồ Đề nhưng chính họ tuyệt nhiên không hề biết. Nếu bạn hỏi họ tâm Bồ Đề là cái gì thì họ không hiểu, họ không biết được, thế nhưng họ tín tâm đối với Tịnh Tông kiên định không dao động. Hiện tại người niệm Phật chúng ta thật đúng như người xưa nói: “lộ thủy đạo tâm”, lộ thủy tức là sương sớm, lúc sáng sớm thì có, khi mặt trời lên một lát thì liền mất, bị nắng khô hết, tức là đạo tâm như sương sớm, nghe được người khác nói một pháp môn gì đó tốt, phương pháp hay, tín tâm lập tức liền bị dao động. Hiện tại nghe nói trong đại lục có một vị pháp sư trẻ, tuổi tác đại khái không quá lớn, đề xướng ngũ hội niệm Phật, nói niệm một ngàn vạn danh hiệu liền có thể chứng Tam Thân Phật quả. Niệm một ngàn vạn danh hiệu không khó, một ngày niệm mười vạn danh hiệu, mười ngày thì một trăm vạn, không đến một năm sẽ niệm được một ngàn vạn danh hiệu. Mọi người đến hỏi tôi, tôi nói bạn có thể thử nghiệm, sau khi niệm xong một ngàn vạn danh hiệu trong thời gian không đến một năm, xem bạn có chứng được Tam Thân Phật không. Nếu như không chứng được thì sao? Vậy thì chính là giả, không phải là thật, điều này có thể làm thử nghiệm.

Do đây có thể biết bạn nghe việc này rồi thì cho là pháp môn này tốt, tín tâm của bạn dao động, như vậy có thể vãng sanh hay không? Theo tôi thấy bạn không thể vãng sanh, vì vãng sanh phải có tín tâm thanh tịnh, nguyện tâm kiên định, loại người này khẳng định vãng sanh, loại tâm hời hợt bất định như bạn thì bạn làm sao có thể vãng sanh, làm gì có loại đạo lý này. Ông ấy nói Bồ Tát gì đó dạy cho ông ấy phương pháp, ngoài ra nếu có người khác nói Phật dạy tôi phương pháp còn cao hơn Bồ Tát thì bạn phải làm sao? Bạn liền bỏ cái này để học cái kia à. Cho nên có rất nhiều đồng tu hỏi tôi là phải nên dùng thái độ gì để đối diện với những người này. Tôi liền nói với họ, ngày trước chúng ta đã từng giảng qua Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, trong Chương Thượng Phẩm Thượng Sanh đã giảng rất tường tận, rất thấu triệt. Chương Thượng Phẩm Thượng Sanh chúng tôi đã có giảng qua, đều có lưu thông băng ghi âm.

Lời răn dạy sau cùng trước khi Thế Tôn diệt độ là dạy cho chúng ta mấy câu quan trọng hơn bất cứ thứ gì, Ngài đã dạy bảo chúng ta phải “lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy”, hai câu nói này rất quan trọng. Ngoài ra, Đức Phật còn dạy chúng ta Tứ Y Pháp, gồm:

- Thứ nhất là Y Pháp Bất Y Nhân: pháp là kinh điển, phải y theo trên kinh điển đã nói, không thể nói một người nào đó truyền lại.

- Thứ hai là Y Nghĩa Bất Y Ngữ: chúng ta phải y theo đạo lý nghĩa lý trên kinh điển đã nói, ngôn ngữ không quan trọng, nói nhiều nói ít, nói cạn nói sâu cũng không quan hệ gì, Phật nói câu nói này, dụng ý rất là sâu, bởi vì Phật biết được, tương lai Phật pháp lưu truyền bốn phương tám hướng, vậy thì quốc gia khác nhau, chủng tộc khác nhau sẽ có văn tự khác nhau. Ngôn ngữ khác nhau nên nhất định cần phải dựa vào phiên dịch, phiên dịch thế là liền dẫn đến sự hoài nghi là họ phiên dịch có giống y như trên kinh đã nói hay không. Cho nên Phật dạy “y nghĩa bất y ngữ”, tức là chỉ cần ý nghĩa đúng, ngôn ngữ không quan trọng, văn tự không quan trọng, chỉ cần ý nghĩa đúng. Việc này phá trừ đi nghi hoặc này của chúng ta. Ở Trung Quốc có rất nhiều kinh được phiên dịch nhiều lần, như các vị đều biết Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật ở Trung Quốc có sáu loại bản dịch, chính là có sáu người phiên dịch khác nhau, nguyên bản chỉ có một, sáu loại bản dịch này chúng ta lấy xem qua, câu cú lời dịch không như nhau, thế nhưng ý nghĩa như nhau, vậy thì được rồi, bạn nương vào một quyển nào cũng đều được.

Bản dịch Kinh Vô Lượng Thọ thì còn nhiều hơn, việc này trên lịch sử đã ghi chép, Kinh Vô Lượng Thọ từ nhà Hán, từ hậu Hán mãi đến triều Tống, khoảng 800 năm tổng công có 12 lần phiên dịch, thế nhưng các vị có thể xem thấy trong lời tựa của cư sĩ Mai Quang Hy, nội dung các bản dịch Kinh Vô Lượng Thọ này khác biệt quá lớn, quyết định không phải chỉ có một nguyên bản, không phải quyển kinh mà những người phiên dịch dùng để dịch là cùng một quyển văn tiếng Phạn. Hiện tại mọi người phán đoán, chí ít có đến ba nguyên bản tiếng Phạn, ba loại khác nhau. Điều này thể hiện rõ Thế Tôn năm xưa ở đời đã nhiều lần tuyên giảng bộ kinh này, mỗi lần giảng mọi người ghi chép lại không giống nhau, nhiều lần tuyên giảng mới có tình trạng này. Điều này rất đặc thù, tất cả kinh Phật nói chưa từng có bộ kinh nào nói qua đến hai lần, chỉ riêng bộ kinh này ít nhất giảng qua ba lần. Khác biệt lớn nhất giữa các bản kinh là gì vậy? Chính là nguyện, số tự của nguyện, việc này phiên dịch như thế nào cũng không thể có sai biệt lớn đến như vậy, bạn xem có 48 nguyện, có 36 nguyện, có 24 nguyện, vậy thì khác biệt quá lớn. Cho nên từ chỗ này mà thấy, đó là nhiều lần tuyên giảng. Ở Trung Quốc chúng ta cũng đã nhiều lần phiên dịch, thế nhưng 12 loại bản dịch này hiện tại chỉ còn lại 5 loại, thâu tập trong Đại Tạng Kinh chỉ có 5 loại, ngoài ra 7 loại khác bị thất truyền. Cho nên Phật dạy “y nghĩa bất y ngữ” để đoạn trừ đi cái nghi hoặc của chúng ta. Chúng ta phải tin tưởng đại đức xưa phiên dịch nhất định không có sai lầm, phải có loại tín tâm này.

- Thứ ba là Y Liễu Nghĩa Bất Y Bất Liễu Nghĩa: cái gì gọi là liễu nghĩa vậy? Ngay trong một đời này của chúng ta nhất định có được lợi ích, đó là liễu nghĩa, ngay trong một đời này ta học tập mà không có được lợi ích, đối với tôi mà nói đó không phải là liễu nghĩa. Cho nên liễu nghĩa của mỗi người không giống nhau, nhưng nhất định phải được lợi ích chân thật. Lợi ích chân thật này là gì? Đích thực là có thể giúp chúng ta siêu vượt sáu cõi luân hồi, giúp chúng ta chân thật thấy được Phật A Di Đà, vậy thì liễu nghĩa đối với ta.

- Câu sau cùng là Y Trí Bất Y Thức: điều này rất là quan trọng. Phàm phu chúng ta luôn luôn dùng cảm tình để làm việc nên chỗ này Phật đặc biệt dạy bảo chúng ta phải dùng lý trí, không nên dùng cảm tình, dùng cảm tình thì bạn nhất định sẽ đi sai đường nên nhất định phải dùng lý trí. Lời nói này không những Phật thường nói, mà ngay đến giáo học của thế gian, nhà Nho cũng rất là xem trọng. Nhà Nho nói khi Nghĩa và Lợi bày ra ngay trước mắt ta, chúng ta chọn lợi hay là chọn nghĩa sẽ cho thấy được sự tu dưỡng của một người, thấy được đức hạnh của một người. Nghĩa và lợi bày ra ngay trước mắt, nếu chỉ lấy lợi mà không màng đến nghĩa thì sai rồi. “Khổng viết thành nhân, Mạnh viết thủ nghĩa”, con người nhất định phải hiểu được nhân nghĩa đạo đức, không nên đem lợi hại để trên hàng đầu, nếu đem lợi hại của mình để lên hàng đầu, thì đã quên mất đi nhân nghiã, đó là bỏ mất đi điều kiện làm người, hay nói cách khác, đời sau bạn không thể có lại được thân người. Các vị thử nghĩ xem, thân người cũng không thể có được thì họ làm sao có thể gặp được Phật pháp? Làm sao có thể vãng sanh Thế Giới Cực Lạc? Việc này chúng ta không thể nào không hiểu rõ.

Cho nên phải y lý trí, không nên dùng cảm tình mà làm việc. Điều này nghĩa là gì vậy? Nghĩa chính là nên làm hay không nên làm, cách làm này của chúng ta có nên làm hay không, không nên làm thì không được làm.

Phật dặn bảo chúng ta như vậy, dạy bảo chúng ta như vậy, chúng ta nhất định phải hiểu được, phải y theo giáo huấn của Phật. Cho nên mỗi một người nếu như tường tận Tứ Y Pháp thì sẽ không bị những tà sư nói pháp này mê hoặc. Trên Kinh Lăng Nghiêm nói: “thời kỳ mạt pháp, tà sư nói pháp như cát sông Hằng”, đặc biệt là thời đại hiện đại này, thật sự gọi là thiên hạ đại loạn. Chúng ta thường hay nói đến tôn giáo, tôi nghe người phương tây báo cáo, ở vào thế kỷ này, có rất nhiều tôn giáo mới thành lập, toàn thế giới đại khái có đến bao nhiêu tôn giáo vậy? Khoảng hơn hai ngàn tôn giáo, không phải chỉ có chín tôn giáo như Singapore chúng ta, tôi thật không thể ngờ có hơn hai ngàn tôn giáo. Cho nên việc này chân thật như Phật nói “tà sư nói pháp như cát sông Hằng”. Chúng ta không thể không cẩn trọng, không thể không thận trọng. Cho nên gặp được Phật pháp đó là việc vô cùng may mắn, gặp được Phật pháp thật không dễ dàng gì.

Phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm A Di Đà Phật là tổng cương lĩnh tu hành của bộ kinh này, là tổng nguyên tắc, là then chốt vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc. Ba bậc vãng sanh, chúng ta thảy đều có phần. Then chốt là ở đâu? Ở nguyện, ở hành, ở công đức, ba điều này là quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Nguyện, hành, công đức ở chỗ nào vậy? Ở ngay trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, ở ngay trong công việc, ở ngay trong đối nhân xử thế tiếp vật. Cho nên chúng ta đối với kinh giáo không thể không thuần thục. Trên kinh Phật thường hay dạy chúng ta phải thâm giải nghĩa thú, chúng ta hiểu kinh điển được cạn thì không được, hiểu cạn thì bạn vãng sanh phẩm vị không cao, bạn phải hiểu sâu, càng sâu càng tốt, phải giải được thấu triệt, như vậy thì vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc phẩm vị sẽ cao. Phẩm vị cao thấp quan hệ rất lớn, vãng sanh đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc phẩm vị thấp thì thời gian chứng được Phật quả cứu cánh dài, nếu như vãng sanh đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc phẩm vị cao thì tương lai thời gian thành Phật sẽ ngắn, quan hệ chính ngay chỗ này. Thế nhưng cho dù cách nói thế nào đi chăng nữa, chỉ cần có thể vãng sanh thì đều là nhân duyên hy hữu, cho dù là hạ hạ phẩm vãng sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư.

Chúng ta xem thấy ở trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, từ thời điểm đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc cho đến khi hoa nở thấy Phật cần phải mất bao nhiêu thời gian? Là mười hai kiếp. Mười hai kiếp theo cách nhìn của chúng ta mà nói là rất dài, thế nhưng ở ngay trong tầm mắt thông thường của Bồ Tát tu hành mà thấy, thì là quá ngắn. Bạn thấy trong Kinh Hoa Nghiêm, pháp thân Bồ Tát thường nói “Viên Giáo sơ trụ”, chứng được Viên Giáo sơ trụ, pháp thân Bồ Tát rồi, thông qua 51 giai đoạn để phá 41 phẩm vô minh, chứng được cứu cánh Phật quả, cần phải bao nhiêu thời gian? Là ba đại A Tăng Kỳ kiếp. Bạn ở Thế Giới Tây Phương Cực Lạc chỉ có 12 kiếp thì thành tựu rồi. Như vậy thì bạn có thể biết được sự thù thắng của Thế Giới Tây Phương, bạn có thể biết được tại sao Chư Phật Như Lai tán thán Tây Phương Tịnh Độ. Thật quá hy hữu. Bạn không vãng sanh thì không còn cách nào. Nếu bạn vãng sanh được, Thế giới Cực Lạc so với tất cả thế giới khác là lớp cấp tốc, thành tựu không thua kém với những người trải qua ba A Tăng Kỳ kiếp tu tập, thành thật mà nói là chỉ có cao minh hơn. Bạn nói xem thù thắng dường nào?

Cho nên cơ hội này, đích thực là như trên kệ khai kinh đã nói: “Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp”. Ngay đời này của chúng ta được thân người, gặp Phật pháp, gặp được kinh điển tốt đến như vầy là hy hữu không gì bằng, phải nên đáng được vui mừng, phải nắm chặt cái cơ duyên tốt này, vạn nhất không thể để lỡ qua, phải nên biết sự việc ngay trong đời này gặp được là không dễ dàng. Cư sĩ Bàng Tế Thanh nói: “…Một ngày mà từ vô lượng kiếp đến nay hy hữu khó gặp”, nhưng chúng ta đã gặp được rồi. Chúng ta tu học cái pháp môn này, cũng gặp phải không ít khổ nạn. Mấy năm trước, âm thanh phản đối bổn hội tập này vang dội tận mây xanh, họ nêu tên hủy báng nhục mạ bằng miệng, trên văn tự, trên báo chương tạp chí, có một số đồng tu gởi đến cho tôi xem. Còn có một số đồng tu có lòng tốt muốn thành lập một nhóm nhỏ để phản bác, đến nói với tôi, tôi liền ngăn cản họ, tôi nói quyết định không được như vậy, họ mắng cứ để cho họ mắng, mắng mệt rồi họ sẽ không mắng nữa, viết cứ để họ viết, viết mệt rồi thì họ sẽ không viết nữa, vạn nhất không nên đối đầu với họ. Khi tranh cãi, hai người mắng nhau càng mắng càng hăng sẽ không có điểm dừng, nếu như một người mắng, một người không nói một câu nào thì mắng hai giờ đồng hồ sẽ không mắng nữa; đánh nhau cũng là như vậy, hai người đánh nhau càng đánh càng dữ, nếu như một người đánh một người nằm xuống đất thì họ còn có thể đánh được hay sao? Cho nên tôi dạy người, là bị mắng không trả lời, bị đánh không đánh lại, cứ mặc tình họ. Đến hiện tại âm thanh này không còn nữa, người viết mắng cũng đã viết mệt rồi nên họ cũng không viết nữa.

Mỗi người tu là việc của mỗi người, bạn không tin tưởng thì tôi tin tưởng, vô lượng pháp môn ưa thích một pháp môn nào cũng được, không có thứ nào không tốt. Chúng ta phải giữ lấy một nguyên tắc mà Thế Tôn đã dạy là quyết không phê bình pháp môn khác. Điều này học được ở đâu vậy? Học được từ Kinh Hoa Nghiêm. Bạn thấy Thiện Tài Đồng Tử 53 lần tham học, pháp môn mà 53 vị thiện tri thức đã tu đều không như nhau, không hề giống nhau, thế nhưng thái độ tu hành của những vị thiện tri thức này đều là chính mình khiêm tốn, tán thán người khác, đó là làm điển hình, làm ra tấm gương cho chúng ta xem. Cho nên chúng ta phải khiêm tốn đối với pháp môn chính mình đã tu. Người ta hỏi tại sao bạn tu Tịnh Độ? Bạn nói tôi rất ngu, không được thông minh, tôi không thông minh trí tuệ để nghiên cứu giáo lý, cũng không có thiện căn sâu dày để tham thiền, nên đành phải niệm A Di Đà Phật, tán thán đối với pháp môn của người khác, chúng ta tự thấy không bằng. Lời nói này là đều thật, không phải là giả, thành thật trung thực tu pháp môn này, hy vọng có thể ở trong thời gian không quá dài, khoảng 3 năm hoặc 5 năm chúng ta liền có thể lấy được phần vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ.

Chân thật nắm chắc được phần vãng sanh có nghĩa là bạn có thể vãng sanh, điều kiện vãng sanh đã chín muồi. Điều kiện vãng sanh chín muồi rồi bạn có nên đi hay không? Vậy thì bạn cần phải có trí tuệ của bạn, lúc này có nên đi hay không không phải do nghiệp nhân nào khác, mà là có duyên với chúng sanh nữa hay không? Có duyên với chúng sanh thì bạn phải ở thêm vài năm, bạn phải giúp đỡ chúng sanh; không có duyên thì phải mau đi, không một chút lưu luyến, đó là hiểu được cái đạo lý này. Người chân thật có điều kiện vãng sanh, nhân tố khảo lượng của họ chính ngay chỗ này. Cái gì gọi là có duyên? Là thế gian này còn có người chịu theo học với bạn, còn có người bằng lòng nghe theo bạn, đây chính là có duyên. Bạn không thể không giúp cho họ, nếu bạn không giúp họ thì có lỗi với họ, bạn không thể chỉ lo cho chính mình mà phải lo cho người khác. Vì sao gọi là không có duyên? Là người thế gian này không bằng lòng nghe theo bạn, khởi lên tâm chán ghét bạn, ở trong tình huống này thì bạn phải nên ra đi rồi, quyết định không có lưu luyến gì đối với thế gian này.

Đến Thế giới Cực Lạc thân cận A Di Đà Phật để tấn tu, nâng cao đức hạnh của chính mình, nâng cao trí tuệ của chính mình, đợi đến nhân duyên chín muồi như trong Phật pháp thường nói “thừa nguyện tái lai” thì liền lại đến. Phật, Bồ Tát không giống như người phàm chúng ta, người phàm nếu như là đã đắc tội rồi, hai người gây lộn nhau rồi thì lần sau bạn mời họ đến họ sẽ không đến, Phật, Bồ Tát thì không như vậy. Phật Bồ Tát sau khi ồn ào rồi, bạn nói tôi thích ngài đến vậy thì Phật, Bồ Tát liền đến. Đây gọi là đại từ đại bi, là lý trí, không phải dùng cảm tình, phàm phu chúng ta dùng cảm tình nên giận dữ sẽ giận rất lâu, Phật Bồ Tát không vậy. Việc này chúng ta phải hiểu rõ, chúng ta cũng phải học tập. Cho nên tất cả phải tuỳ duyên, không được phan duyên.

Cẩn Dịch: Cư Sĩ Vọng Tây
Biên tập: Cư sĩ Diệu Hiền