Tháng bảy âm lịch là tháng cô hồn. Rất nhiều quỷ quái
trong âm gian địa phủ xuất hiện ở nhân gian. Vì vậy trong tháng này, việc Phật
sự siêu độ theo đó cũng rất bận rộn.
Một số thắc mắc được đặt ra: “Liệu việc siêu độ rốt cuộc
có hiệu quả hay không? Việc siêu độ có nhất thiết phải do người xuất gia thực
hiện hay không?”
Nhà Phật có phương pháp và lý luận của việc siêu độ rất
hợp tình, hợp lý và hợp pháp. Thế nhưng cách thức siêu độ quy mô lớn này lại
không thường thấy trong Phật giáo nguyên thủy. Ngay trong kinh điển đại thừa
Trung Quốc phiên dịch, ghi chép việc này rất rõ ở “Địa Tạng Bồ tát bổn nguyện
kinh”. Trong kinh cho thấy nữ Bà la môn, nữ Quang Mục đều là người trẻ tuổi
hiếu thảo. Cha mẹ của họ do thiếu tri thức đã tạo nhiều nghiệp tội phải đọa vào
ba đường ác.
Chúng sinh tạo tác nghiệp tội, gieo nhân lúc sinh thời
Đức Phật nói, mười pháp giới là cảnh giới hư huyễn, do
vọng tưởng phân biệt chấp trước của chúng sinh mà biến hiện ra. Cũng giống như
trong mộng, cảnh giới trong mộng tuy không thật, nhưng không thể nói nó không
có. Tình trạng sáu cõi cũng vậy, do vọng tưởng, phân biệt, cộng thêm chấp trước
nghiêm trọng liền biến hiện ra tướng sáu cõi luân hồi. Hay nói cách khác, nếu
chúng sinh không vọng tưởng, phân biệt chấp trước, không những không có lục
đạo, mà mười pháp giới cũng không có. Vì vậy đức Phật nói, những hiện tượng này
như mộng huyễn, và những hư ảo này chỉ tồn tại khoảng thời gian không lâu. Đức
Phật lại nêu ra một ví dụ “Như sương cũng như điện”. Sương là giọt sương tan
biến khi mặt trời xuất hiện, thời gian tồn tại của nó không dài. Điện là tia
chớp, thời gian tồn tại càng ngắn hơn. Trong kinh Bát Nhã, đức Phật cũng đem
chân tướng sự thật này nói rất rõ ràng tường tận. Lý luận và phương pháp siêu
độ cũng không rời khỏi nguyên lý này.
Tất cả nghiệp tội đều do chấp trước mà phát sinh. Trong
sáu cõi lại xuất hiện ra cảnh giới của ba đường ác. Tuy là ảo vọng không thực,
nhưng cảm nhận đau khổ là thật. Ví như người trong mộng thấy mộng, mộng là giả,
trong mộng nếu gặp hổ muốn ăn thịt, thì người nằm mộng cũng sẽ khiếp vía toát
cả mồ hôi. Khi tỉnh mộng, tâm vẫn còn sợ hãi. Cảnh giới hư ảo nhưng cảm thọ lại
thật. Sống trong ác đạo phải thọ những khổ đau này. Kinh điển có ghi chép, A La
Hán là người đắc đạo, không phải phàm phu. Phàm phu chúng ta không thể nhớ được
chuyện quá khứ, nhưng A La Hán có thể nhớ được hành vi tạo tác trong năm trăm kiếp
quá khứ, bao gồm những việc khổ vui đã nhận chịu, hoặc ngay trong năm trăm đời
đã từng đọa địa ngục. Đức Phật giảng kinh thuyết pháp cũng nhắc đến hoàn cảnh
trong địa ngục khiến người ngồi nghe, tâm còn run sợ, thậm chí toàn thân rướm
máu.
Phương thức quy nạp nghiệp nhân trong mười pháp giới
Đức Phật dạy người không vọng ngữ, bản thân ngài tuyệt
nhiên không vọng ngữ, mỗi câu đều là chân tướng sự thật. Do đó phải tin rằng ba
đường ác vô cùng đáng sợ. Người tạo ác nghiệp sẽ chiêu cảm cảnh giới ba đường
ác: địa ngục, ngã quỷ, súc sinh. Không phải Diêm La Vương bắt cũng không phải
Phật Bồ tát trừng phạt. Phật Bồ tát đại từ đại bi, tuyệt đối không trừng phạt
người ác. Đức Phật vẫn nói “tự làm tự chịu”, mỗi người tự tạo loại nghiệp thì
tự nhiên sẽ cảm được quả báo, nhân quả nghiệp báo vô cùng phức tạp. Ngài có thể
giảng rõ ràng, nhưng lý cao sâu, chúng sinh không thể tiếp thu cũng không có
tuổi thọ dài để lĩnh hội. Cho nên ngài dạy chúng sinh chọn lấy phương pháp tự
nhiên đơn giản, đó là phương pháp quy nạp. Đức Phật quy nạp nghiệp nhân trong
mười pháp giới, từ thấp từng bậc từng bậc mà giảng lên cao.
- Nghiệp nhân của địa ngục: là sân hận, tâm sân cảm địa
ngục. Người mang tâm sân hận nặng, chắc chắn sinh đố kỵ, thủ đoạn tàn nhẫn, tạo
tác nghiệp tội cực trọng, chiêu cảm quả báo địa ngục thì tự nhiên biến hiện ra
cảnh giới địa ngục.
- Nghiệp nhân của ngạ quỷ: là tham không chán, tức hưởng
thụ chiếm hữu, giành giựt danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần bất chấp thủ
đoạn, tâm tham sinh bỏn xẻn, không xả cho người khác, liền biến hiện ngạ quỷ
- Nghiệp nhân của súc sinh: là ngu si. Không có năng lực
phân biệt chân vọng, không phân biệt chánh tà, thậm chí thị phi, thiện ác, lợi
hại đều lẫn lộn bất phân. Người ngu si thường đem tà ác cho là việc tốt, đem
chánh pháp xem thành tà pháp. Ngu si là không có trí huệ, không có năng lực
phân biệt, tự nhiên sẽ rơi vào đường súc sinh.
Ba đường ác, sáu cõi luân hồi là cảm thọ từ những việc làm
của chính chúng ta, không phải do sức mạnh nào đó đang chi phối, an bày hay
trừng phạt, mà là chiêu cảm tự nhiên của nghiệp lực.
- Nghiệp nhân của cõi người: là luân thường mà trong Phật pháp gọi là “ngũ
giới”: không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không vọng ngữ, không
uống rượu. Nhà Nho Trung Quốc còn gọi là “Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín” tương đồng với
nội dung ngũ giới của nhà Phật. Con người ngay trong đời, mọi sinh hoạt, lời
nói việc làm đều phải tuân thủ nguyên tắc này thì mới có thể giữ được thân
người trong lục đạo. Hoàn toàn không có ngẫu nhiên.
- Cõi trời: phước báu của cõi trời cao hơn so với cõi
người, do đó điều kiện cũng cao hơn so với cõi người. Muốn đến cõi trời phải tu
mười thiện, tư tưởng hành trì phải tương ứng với mười thiện bao gồm: thân không
sát sinh, trộm cắp, dâm dục; miệng không nói dối, nói hai chiều, nói lời ác,
thêu dệt; ý không tham, sân, si. Ngoài ra còn pháp thiện cũng từ trong mười
điều thiện này mà sinh ra. Người có thể tu mười nghiệp thiện, kết hợp với việc
giữ tứ vô lượng tâm, chắc chắn sẽ sinh thiên. Tứ vô lượng tâm là từ bi hỷ xả
bao gồm: từ vô lượng, bi vô lượng, hỷ vô lượng, và xả vô lượng.
- Cõi A tu la: người tu ngũ giới mười thiện nhưng không có
tứ vô lượng tâm, quả báo của họ biến thành Tu la. Không có tứ vô lượng tâm,
hưởng phước rồi mê hoặc, điên đảo. Trong kinh đức Phật nói, A Tu La không đoạn
được tham sân si. Dùng tâm tham sân si tu mười nghiệp thiện, tu ngũ giới, họ có
phước báu lớn của trời người nhưng lại không có đức của trời người. Vì thế A tu
la có tính cách hung bạo, háo thắng, đố kỵ. Chẳng hạn, người mang tâm háo thắng
mạnh khi đến thắp hương ở pháp hội, họ nhất định giành thắp hương đầu tiên,
không bằng lòng đứng sau người khác. Họ có tu thiện không? Có, họ cũng tu tích
công đức nhưng lại háo thắng. Quả báo luôn rơi vào đường Tu la.
Đức Phật dạy chúng ta tu tâm thanh tịnh, bồ tát đạo, tu
tâm khiêm hạ, khiêm tốn nhường nhịn. Xem trong kinh Hoa Nghiêm thấy được 53 vị
đồng tham, 53 vị pháp thân đại sĩ đều là Phật bồ tát. Thái độ đối nhân xử thế
tiếp vật của họ rất khiêm nhường tôn kính, không một chút ý niệm ngạo mạn,
không háo thắng. Học Phật đoạn ác tu thiện, tích công bồi đức. Ngạo mạn háo
thắng nếu không thể sửa thì kết quả biến thành A tu la. Hướng lên trên là các
thanh văn tu tứ đế, “khổ tập diệt đạo”, bậc duyên giác tu “thập nhị nhân
duyên”, bồ tát tu “lục đạo”, chư Phật tu “bình đẳng”. Thanh tịnh bình đẳng
chính là Phật đạo. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đem nghiệp nhân phức tạp của mười
pháp giới qui nạp lại thành trọng điểm dạy cho chúng ta giúp mọi người hiểu rõ
nguyên nhân của quả báo. Đây là thường thức phổ thông của việc học Phật không thể
không hiểu, không thể không biết.
Công đức siêu độ mẹ được nêu trong kinh Địa tạng
Đối với khởi tâm động niệm, chúng ta sẽ tự biết tương ứng
với đường nào. Không hiểu đạo lý, không biết chân tướng sự thật, làm càng làm
quấy, tạo ác nghiệp đọa vào ác đạo. Dù có con hiền cháu thảo cũng khó lòng giải
trừ được, huống hồ xã hội hiện nay người hiếu thảo càng ngày càng ít. Trong
kinh Địa tạng, nữ Quang Mục, nữ Bà la môn là những hiếu tử, thấy mẫu thân tạo
tác tội nghiệp, rơi vào ác đạo, họ toàn tâm toàn lực nghĩ cách cứu giúp mẹ. Tâm
chân thành liền cảm động Phật bồ tát.
Cần hiểu rõ Phật bồ tát không thể cứu giúp, các ngài chỉ
có thể đem phương pháp lý luận cứu giúp truyền lại cho chúng sinh. Phương pháp
cứu độ chúng sinh là vô lượng vô biên, trong đó niệm Phật là phương pháp hữu
hiệu nhất. Nữ Bà la môn được dạy phương pháp niệm Giác Hoa Định Như Lai, tuy
không niệm Phật A Di Đà, nhưng niệm Giác Hoa Định Như Lai cũng như niệm Phật.
Hiếu nữ này vì muốn cứu khổ nạn cho mẹ, cô thường khuyên nhủ nhưng mẹ cô không
tin, không thể tiếp nhận, cho nên bà gặp quả báo địa ngục. Theo lời Phật dạy,
cô dụng công niệm Phật bằng tâm khẩn thiết. Sau khi nỗ lực hết mình, niệm một
ngày một đêm thì cô được định.
Trạng thái nhất tâm bất loạn trong niệm Phật thuộc về sự
công phu rất cao. Tâm của phàm phu là tán loạn. Niệm đến nhất tâm bất loạn
tương đương với A La hán của tiểu thừa, rất khó đạt được. Kinh Địa Tạng là kinh
đại thừa, nữ Bà la môn không phải là A la hán của tiểu thừa nhưng công phu đoạn
chướng của cô tương đương A la hán, công đức tu tích vượt lên trên A la hán,
ngang hàng bồ tát. Đến cảnh giới định cô liền nhìn thấy địa ngục biến hiện ra.
Trong địa ngục, quỷ vương gác cửa thấy cô liền cung kính gọi bồ tát và lễ phép
chào hỏi. Cô liền hỏi quỷ vương về mẹ cô hiện ở nơi nào trong địa ngục. Quỷ
vương chắp tay kính cẩn chúc mừng rằng nhờ cô phát nguyện siêu độ nên bà ấy đã
thoát khỏi địa ngục, được sinh lên cõi trời. Cách siêu độ rất hiệu nghiệm mà
không cần phải mời pháp sư đến tụng kinh, bái sám. Tự thân niệm Phật, niệm đến
nhất tâm bất loạn, rồi dùng công đức này hồi hướng cho cha mẹ. Chúng ta nhất
định phải thể hội chân thành. Tu hành chứng quả không dễ, tại sao nữ Bà la môn
chỉ trong một ngày một đêm có thể niệm đến nhất tâm bất loạn? Nếu mẹ cô không
đọa địa ngục, không bị những khổ nạn, thì cô sẽ không có động lực tha thiết
niệm Phật đến vậy.
Ngày nay chúng ta niệm Phật nhiều năm tại sao ngay cả công
phu cũng không đạt được huống hồ nhất tâm bất loạn. Đó là do chúng ta không có
áp lực. Chỉ khi người thân yêu rơi vào A tỳ địa ngục, chịu những khổ nạn, chúng
ta mới toàn tâm toàn lực muốn cứu giúp. Đức Phật truyền trao phương pháp này,
chúng ta hãy nỗ lực tu thành. Mẹ của nữ Bà la môn đã làm tăng thượng duyên cho
cô, nếu bà không bị đoạ địa ngục thì cô sẽ không có thành tựu này. Vậy nguồn
gốc sâu xa là mẹ cô đã giúp cô, cô cũng giúp lại mẹ cô. Khi cô trở thành bồ
tát, quỷ thần đối đãi cung kính với mẹ cô, không thể đối đãi như những tội nhân
thông thường. Kinh nói “bảy phần công đức, mình được sáu phần”, phần còn lại
hồi hướng cho thân bằng quyến thuộc. Đôi bên đều được công đức mới thật sự viên
mãn.
Muốn siêu độ cho thân bằng quyến thuộc, chúng ta phải chăm
chỉ tu hành, tích công lũy đức, thật tâm siêu độ. Việc tu hành thành tựu thì
người thân mới được độ. Cũng như ở thế gian, muốn cho cha mẹ tự hào, thân bằng
quyến thuộc và mọi người trong xã hội tôn kính, chúng ta phải thành tựu học
vấn, thành tựu đức hạnh của mình. Đi đến đâu, chúng ta cũng được đặc biệt tôn
trọng, quan tâm, chiếu cố. Đó chính là cảm ứng tự nhiên, là đạo lý. Khi hiểu rõ
đạo lý này, lúc đó chúng ta có thể liên tưởng đến nguyên lý vừa nêu trong kinh
Địa Tạng. Siêu độ nếu có công đức, có thể giúp đỡ vong gia đã tạo tác nghiệp
tội.
Câu chuyện về nữ Quang Mục có chút khác biệt, công phu tu
hành của cô không thù thắng như nữ Bà la môn. Cô cũng niệm Phật, trong thời
gian rất ngắn đạt được cảnh giới định trong mơ. Cảnh giới trong định thù thắng
hơn cảnh giới trong mộng rất nhiều. Cô có được cảnh giới trong mộng cũng được
xem là thành tựu.
Chúng ta hết lòng muốn cứu người thân nên mới liều mạng
dụng công tu học, thành tựu của chúng ta cũng chính là thành tựu của họ, ta
không thành tựu, thì họ cũng không. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch.
Siêu độ trong tự truyện “Cảnh trần hồi ức lục” của pháp sư
Đàm Hư, Trung Quốc
Lão pháp sư Đàm Hư trong tự truyện mang tên “Cảnh trần hồi
ức lục”do đệ tử của ông là Đại Quang pháp sư ghi chép lại, quyển sách này lưu
thông rất phổ biến ở Đài Loan, bên trong có một đoạn nói về việc siêu độ. Vào
lúc đó Đàm lão chưa xuất gia, ông xuất gia rất muộn, hơn 40 tuổi. Trước khi
xuất gia, ông đã học Phật và rất dụng công. Trước lúc xuất gia ở Thiên Tân, ông
cùng mấy vị đồng đạo hợp nhóm cùng nghiên cứu kinh Lăng Nghiêm suốt tám năm
lạnh giá. Trong số các bạn ông, có một vị họ Lưu mở tiệm thuốc Bắc cũng rất tâm
đắc và lĩnh ngộ đối với kinh Lăng Nghiêm. Tuy sự công phu còn kém xa so với nữ
Bà la môn và nữ Quang Mục trong kinh Địa tạng nhưng sự công phu của vị họ Lưu
cũng có hiệu quả. Một buổi trưa nọ, tiệm thuốc vắng khách, buôn bán ế ẩm, ông
Lưu ngủ gục trên quầy. Lúc đang ngủ, ông Lưu mộng thấy có hai người đi đến. Hai
người này vốn trước đây là oan gia trái chủ của ông, họ thiếu nợ ông, và ông
tìm đến họ đòi nợ. Hai người này vì không có khả năng trả nợ nên treo cổ tự tử.
Sau vì việc này, ông Lưu thường cảm thấy rất khó chịu, nếu ông không tìm họ đòi
nợ, thì hai người này sẽ không treo cổ. Ông luôn cảm thấy hối tiếc và ăn năn về
điều đó. Bây giờ nằm mộng gặp lại họ nên ông rất sợ bị gây phiền phức. Tuy
nhiên hai người này vẻ mặt hiền lành, không bày tỏ thái độ muốn đến hại ông.
Cho nên ông hỏi họ: “các người đến làm gì?” Hai người trả lời: “chúng tôi đến
muốn xin ông siêu độ”. Nghe đến đó, tâm ông Lưu liền được an, không lo sợ bị
báo thù. Ông lại hỏi tiếp: “vậy phải siêu độ thế nào cho các người?”. Họ nói: “chỉ
cần ông đồng ý là được”. Ông Lưu gật đầu: “được, tôi đồng ý”. Lập tức hai linh
hồn này đạp vào đầu gối và đạp vào vai ông rồi được sinh lên trời.
Hai người này đi không bao lâu, lại có hai người nữa,
chính là vợ con ông đã qua đời. Họ cũng đến quỳ trước mặt ông cầu xin siêu độ.
Ông liền hỏi: “làm thế nào để siêu độ?”. Cũng như lần trước, ông bằng lòng và
thấy hai hồn ma này đạp lên đầu gối, đạp vai ông mà sinh thiên. “Cảnh trần hồi
ức lục” còn ghi rõ, siêu độ cần phải do chính chúng ta có công phu tu học.
Không có công phu, không thể siêu độ cho người khác. Công phu của ông Lưu là
tám năm lạnh giá học Lăng Nghiêm.
Nguồn gốc hình thức siêu độ quy mô lớn
Chúng ta có thể đem câu chuyện trong “Cảnh trần hồi ức
lục” cùng kinh Địa Tạng hợp lại mà khẳng định, loại Phật sự siêu độ qui mô lớn
thời hiện đại không hề tồn tại vào thời đức Phật. Thời gian đầu học Phật, chúng
tôi cũng có nghi vấn về việc này và đã từng thưa hỏi với pháp sư Đạo An.
Năm xưa chúng tôi có mối quan hệ rất tốt với pháp sư Đạo
An. Pháp sư Đạo An thành lập đại chuyên giảng tòa ở Đài Bắc, mời chúng tôi đảm
nhiệm tổng chủ giảng. Chúng tôi liên lạc qua lại từ lúc ở Tòng Sơn tự sau đó
dời đến cạnh Thiện Đạo tự ở tầng trên của đại giảng đường hội Phật giáo. Mỗi
chủ nhật chúng tôi lên lớp một lần. Khi đó học sinh rất đông, khoảng hơn 800
người, miền Bắc từ Cơ Long, miền Nam từ Tân Trúc. Đó là thời kỳ hưng
thịnh của hội Phật giáo. Pháp sư Đạo An là người phụ trách kiêm chủ tịch giảng
tòa. Vào lúc đó ngoài chúng tôi, còn có pháp sư Ấn Hải, pháp sư Trí Dụ cùng phụ
trách dạy học. Chúng tôi đã thỉnh giáo với lão pháp sư Đạo An rằng: “việc siêu
độ từ đâu mà ra?”. Ngài suy nghĩ một lúc rồi nói đại khái, căn gốc của việc
siêu độ là từ vua Đường Minh Hoàng. Thời loạn An Sử, sau khi Quách Tử Nghĩa
bình định động loạn, triều đình ở mỗi một chiến trường lớn kiến lập một tự miếu
gọi là Khai Nguyên tự, vì xây dựng vào niên hiệu Khai Nguyên. Xây dựng tự miếu
này mục đích chính là truy điệu quân dân tử nạn. Cho nên pháp hội siêu độ đó
cũng giống như lễ truy điệu hiện nay. Mời một số cao tăng đại đức tụng kinh,
bái sám, hồi hướng, truy điệu nhằm mang ý nghĩa kỷ niệm, do quốc gia đề xướng.
Sau này dân gian dần dần bắt chước theo, cũng mời pháp sư, đại đức tụng kinh,
bái sám siêu độ tổ tiên.
Do đây mà biết, trước năm Khai nguyên không có việc này.
Pháp hội siêu độ của Khai nguyên về sau đích thực phát triển nhưng đến nay đã
hoàn toàn biến chất. Trước đây, siêu độ là việc làm phụ của tự viện, mỗi năm
không quá hai lần, chủ yếu là tụng kinh thuyết pháp, dẫn chúng tu hành. Cho nên
chùa miếu gọi là đạo tràng, Phật giáo ở thế gian là độ người chứ không độ quỷ,
độ người sống chứ không độ người chết.
Phương thức tu học xưa và nay
Trước đây tự viện trong Tòng lâm Ấn Độ nhìn chung hoạt
động hai thời giảng kinh, hai thời tu hành. Người Ấn Độ xưa chia một ngày đêm
thành sáu thời khắc, ba thời ban ngày gọi là sơ nhật, trung nhật, hậu nhật; ba
thời ban đêm gọi là sơ dạ, trung dạ, hậu dạ. Trung Quốc xưa sử dụng mười hai
thời: Tý Sửu Dần Mẹo Thìn Tỵ Ngọ Mùi… Còn hiện tại, chúng ta đang dùng đơn vị
thời gian của Tây phương, tức là ngày đêm gồm hai mươi bốn tiếng. Như vậy, hai
tiếng đồng hồ của phương Tây là một thời khắc của Trung Quốc, hai thời khắc của
Trung Quốc mới là một thời khắc của Ấn Độ. Thời xưa, tự viện Tòng lâm giảng
kinh hai thời, tương đương tám tiếng đồng hồ hiện nay.
Tự viện là trường học dành cho người xuất gia và cư sĩ
thường trú. Thời đó, các cư sĩ vào chùa miếu ghi danh nghe kinh. Thông thường
giảng một bộ kinh phải mất ít nhất ba tháng đến một năm. Cư sĩ được đồng ý phê
chuẩn có thể ở lại một năm trong tự viện, cúng dường phí dụng sinh hoạt, đồng
thời làm công quả như quét nhà, dọn dẹp,... Mỗi ngày ngoài tám tiếng nghe
giảng, nghiên cứu, thảo luận, còn phải tu hành. Có rất nhiều phương pháp tu
hành nhưng không ngoài hai loại trọng điểm, đó là niệm Phật và tham thiền. Vì
thế mà có thiền đường, niệm Phật đường. Tám tiếng học thuật, tám tiếng tham
thiền hay niệm Phật, còn lại tám tiếng để nghỉ ngơi sinh hoạt. Đạo tràng huân
tu, con người không vọng tưởng, thậm chí không có thời gian để vọng tưởng,
không có thời gian sinh phiền não. Hiệu quả nổi bật. Sau ba tháng ở đạo tràng,
khí chất con người thay đổi.
Hiện nay, đạo tràng tự viện không còn, giải môn không có,
rất ít giảng kinh, công phu. Người ta chú trọng xây Phật thất, tu sửa thiền
thất, lấy việc siêu độ người chết làm chính, hoàn toàn điên đảo. Tự viện trước
đây độ người sống, bây giờ Phật giáo độ người chết. Trước đây là giáo dục, bây
giờ biến thành tôn giáo. Vì vậy chúng ta cần sáng suốt hiểu rõ để tiếp nhận
giáo dục của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cải thiện cuộc sống, nâng cao cảnh giới
của chính mình trong tương lai. Đó mới là bước đột phá. Mười pháp giới chính là
mười thời, không khác nhau. Đức Phật dạy chúng ta đột phá sáu cõi, mười pháp
giới mới có thể chứng được nhất chân pháp giới.
Siêu độ quy mô lớn có hiệu quả hay không?
Không thể nói không hiệu quả, quan trọng là ở người chủ
pháp hay người chủ trì siêu độ này. Nếu họ có tu, có chứng, sức mạnh được khẳng
định. Giống như Lương Võ Đế ngày xưa rất yêu quí một phi tử đã tạo tác nghiệp
tội, bị đọa vào ác đạo. Trong văn tự Lương Hoàng Sám ghi chép rất rõ, Lương Võ
Đế là đại hộ pháp của Phật môn, mời Bảo Trí công đến chủ trì pháp hội siêu độ.
Bảo Trí công chính là hoá thân của Quan Thế Âm Bồ tát, ngài đem phi tử của
Lương Võ Đế từ ác đạo siêu độ đến trời Đao Lợi. Vì vậy, người chủ pháp đàn cần
có tu, có chứng. Thời đại ngày nay, người có tu, có chứng dường như không còn.
Cả đời chúng tôi không dám làm Phật sự siêu độ vì biết mình chưa đủ năng lực,
chưa đủ đức năng.
Chúng ta hiện nay thường giảng kinh niệm Phật, mặc dù chưa
đạt tiêu chuẩn như thời xưa, tám giờ giảng kinh, tám giờ niệm Phật nhưng chúng
ta thực tập không gián đoạn, cũng thành tựu chút ít. Mỗi năm đến kỳ thanh minh,
trung nguyên, đông chí, chúng tôi tổ chức pháp hội tế tổ, cúng tế tổ tiên. Bài
vị mà chúng tôi cúng là bài vị tổ tiên trăm họ, một mực bình đẳng. Không phân
biệt bài vị lớn, bài vị nhỏ bao nhiêu tiền. Phật tử tùy hỷ cúng, hoàn toàn
không miễn cưỡng. Pháp hội không thu phí cúng dường. Trước đây mỗi năm ba lần
pháp hội. Nhưng gần đây, xã hội động loạn, người chết quá nhiều. Mỗi tháng
chúng tôi làm tam thời hộ niệm một lần, thành tâm thành ý siêu độ cho tất cả
oan hồn chết trong tháng. Đây là những việc Phật sự phụ thêm của đạo tràng. Hy
vọng hàng xuất gia cũng như tại gia hiểu được lý luận và sự thật của việc siêu
độ này để thực hiện tốt, chỉ cần tận tâm tận lực, thành tâm khẩn thiết nhất
định sẽ có cảm ứng.
Pháp Sư
Tịnh Không
Cẩn Dịch:
Vọng Tây Cư Sĩ
Biên Tập:
PT Giác Minh Duyên