II.Một cuộc vấn đáp đạo lý
Những nội dung vấn đáp sau đây được trích ra từ cuốn
Kinh Na-tiên tỳ-kheo. Đây là những nội dung hỏi và đáp giữa một vị quốc
vương tài trí hơn người và một bậc cao tăng đạo cao đức trọng. Hai người
đã đề cập đến hầu hết các vấn đề thiết thực, cốt lõi nhất trong giáo lý
đạo Phật. Qua những nội dung vấn đáp này, độc giả có thể thấy được
những cách diễn đạt rất sinh động, với nhiều ví dụ minh họa rất cụ thể
và sâu sắc, giúp người ta dễ dàng tiếp thu được những ý nghĩa sâu xa
huyền diệu. Vì là lược trích, nên chúng tôi không thể trình bày đầy đủ
mọi vấn đề. Quý vị nào quan tâm, có thể tìm đọc bản kinh Na-tiên tỳ-kheo
mà chúng tôi đã có dịch và xuất bản.
Vua Di-lan-đà tuy chưa từng được gặp tỳ-kheo Na-tiên trước đó, nhưng
ngài Na-tiên phong thái khác thường, nổi bật lên trong cả nhóm đông
người, vua từ xa nhìn thấy đã có thể ngầm đoán biết ai là Na-tiên. Vua
lại tự nghĩ rằng: “Ta xưa nay đã từng gặp qua rất nhiều hạng người, đã
từng đến dự rất nhiều cuộc thuyết giảng, nhưng chưa từng tự thấy sợ sệt,
lo lắng như giờ đây sắp đối mặt với vị tỳ-kheo Na-tiên này. Hôm nay
Na-tiên nhất định là sẽ thắng ta rồi, nên trong lòng ta mới bồn chồn
không an ổn như vậy.”
Khi ấy, vị cận thần là Triêm-di-lỵ đến trước mặt vua tâu rằng: “Na-tiên đã đến.”
Na-tiên đến rồi, vua liền hỏi: “Người nào là Na-tiên?” Triêm-di-lỵ liền
giới thiệu với vua. Vua vui mừng nói: “Quả là đúng như ta đã nhận biết.”
Hai bên gặp nhau chào hỏi xong, vua rất lấy làm hoan hỷ, mời Na-tiên
cùng ngồi xuống. Na-tiên bảo vua rằng: “Kinh Phật có dạy: Mối lợi lớn
nhất của người ta là được yên ổn. Sự giàu sang lớn nhất của người ta là
biết chán, biết đủ. Niềm vui lớn nhất của người ta là đạt đến Niết-bàn.”
1. KHÔNG CÓ TA
Vua hỏi Na-tiên: “Bạch đại đức, tên ngài là gì?”
Na-tiên đáp: “Cha mẹ đặt tên tôi là Na-tiên, nhân đó mọi người đều gọi
là Na-tiên. Nhưng cho dù cha mẹ có đặt cho là Duy-tiên, Thủ-la-tiên hay
Duy-ca-tiên... cũng chỉ là một phương tiện dùng để nhận biết, phân biệt
mà thôi. Tên gọi của mọi người ở thế gian cũng đều chỉ là có ý nghĩa như
vậy mà thôi.”
Vua liền hỏi: “Nếu đại đức nói thế, xin hỏi tên gọi Na-tiên ấy thật ra là chỉ vào cái gì? Cái đầu là Na-tiên chăng?”
Na-tiên đáp: “Không phải, đầu chẳng phải là Na-tiên.”
Vua lại hỏi: “Mắt, tai, mũi, lưỡi là Na-tiên chăng?”
Na-tiên đáp: “Mắt, tai, mũi, lưỡi chẳng phải là Na-tiên.”
Vua lại hỏi: “Thế thì cổ, gáy, vai, cánh tay, tay chân, đó là Na-tiên chăng?”
Na-tiên đáp: “Không phải Na-tiên.”
Vua lại hỏi: “Thế thì như bắp đùi, bàn chân... phải là Na-tiên chăng?”
Na-tiên đáp: “Không phải Na-tiên.”
Vua hỏi: “Vậy nhan sắc nhìn thấy đó có phải là Na-tiên chăng?”
Na-tiên đáp: “Không phải Na-tiên.”
Vua hỏi: “Như vậy sự cảm thọ vui, khổ là Na-tiên chăng?”
Na-tiên đáp: “Không phải Na-tiên.”
Vua lại hỏi: “Vậy phân biệt thiện ác, đó là Na-tiên chăng?”
Na-tiên đáp: “Không phải Na-tiên.”
Vua lại hỏi: “Như vậy, thân xác là Na-tiên chăng?”
Na-tiên đáp: “Không phải Na-tiên.”
Vua hỏi: “Vậy hết thảy các cơ quan trong nội tạng là Na-tiên chăng?”
Na-tiên đáp: “Không phải Na-tiên.”
Vua lại hỏi: “Như vậy, hợp cả năm điều là hình sắc, cảm thọ khổ vui, thiện ác, thân, tâm, đó là Na-tiên chăng?”
Na-tiên đáp: “Không phải Na-tiên.”
Vua hỏi: “Giả sử như không có năm điều ấy, có thể đó là Na-tiên chăng?”
Na-tiên đáp: “Không phải Na-tiên.”
Vua lại hỏi: “Như vậy âm thanh, tiếng vọng, cho đến hơi thở ra vào, có phải là Na-tiên chăng?”
Na-tiên đáp: “Không phải Na-tiên.”
Vua liền hỏi: “Như thế, thật ra đâu mới là Na-tiên?”
Na-tiên không đáp, hỏi lại vua rằng: “Đại vương gọi tên chiếc xe, thật ra đâu mới là xe? Cái trục xe là xe chăng?”
Vua đáp: “Trục xe chẳng phải là xe.”
Na-tiên hỏi: “Vậy vành bánh xe là xe chăng?”
Vua đáp: “Vành bánh xe cũng chẳng phải là xe?”
Na-tiên lại hỏi: “Vậy nan bánh xe là xe chăng?”
Vua đáp: “Nan bánh xe chẳng phải là xe.”
Na-tiên hỏi: “Vậy bánh xe là xe chăng?”
Vua đáp: “Bánh xe cũng chẳng phải là xe.”
Na-tiên hỏi: “Vậy càng xe là xe chăng?”
Vua đáp: “Càng xe chẳng phải là xe.”
Na-tiên hỏi: “Vậy cái ách có phải là xe chăng?”
Vua đáp: “Ách chẳng phải là xe.”
Na-tiên lại hỏi: “Chỗ ngồi có phải là xe chăng?”
Vua đáp: “Chỗ ngồi chẳng phải là xe.”
Na-tiên hỏi tiếp: “Chỗ gác chân có phải là xe chăng?”
Vua đáp: “Chỗ gác chân chẳng phải là xe.”
Na-tiên hỏi: “Vậy mui xe là xe chăng?”
Vua đáp: “Mui xe chẳng phải là xe.”
Na-tiên lại hỏi: “Vậy hợp đủ tất cả các món ấy lại là xe chăng?”
Vua đáp: “Dù hợp đủ tất cả các món ấy lại cũng không phải là xe.”
Na-tiên hỏi: “Giả sử như không hợp tất cả các món ấy lại, vậy là xe chăng?”
Vua đáp: “Không hợp các món ấy lại, cũng không phải là xe.”
Na-tiên hỏi: “Vậy âm thanh phát ra là xe đó chăng?”
Vua đáp: “Âm thanh cũng chẳng phải là xe.”
Na-tiên liền hỏi: “Nói như vậy thì thật ra đâu mới là xe?”
Vua lặng thinh không đáp được.
Đại đức Na-tiên bấy giờ mới thong thả nói: “Kinh Phật dạy rằng, nếu hợp
tất cả các yếu tố ấy lại mà làm xe, người ta sẽ được cái vật gọi là xe.
Con người cũng vậy. Như hòa hợp tất cả các yếu tố đầu, mặt, tai, mũi,
lưỡi, cổ, gáy, vai, tay chân, xương, thịt, nội tạng, nhan sắc, âm thanh,
tiếng vọng, hơi thở ra vào, cảm thọ khổ vui, phân biệt thiện ác... sẽ
hình thành một thực thể gọi là con người.
Vua hiểu ra, tán thán rằng: “Hay thay, hay thay!”
2. CON SỐ
“Bạch đại đức, ngài xuất gia được mấy năm rồi?”
“Bảy năm.”
“Bạch đại đức, ngài nói ngài xuất gia được bảy năm, bảy đó là gì? Ngài là bảy hay con số là bảy?”
Khi vua hỏi câu ấy, bóng vua hiện trong chén nước, nhìn thấy áo quần, các món trang sức đều hiện rõ.
Tỳ-kheo Na-tiên chỉ vào bóng vua trong chén nước, hỏi:
“Thưa bệ hạ, đây là cái bóng của bệ hạ hiện trong chén nước. Vậy bệ hạ là vua hay cái bóng này là vua?”
Vua đáp: “Chính trẫm là vua, không phải cái bóng. Sở dĩ có cái bóng là do có trẫm đây.”
“Cũng như vậy đó, thưa bệ hạ. Số năm mà bần tăng xuất gia là bảy, không
phải bần tăng đây là bảy. Nhưng có số năm ấy, là do bởi bần tăng đây mà
có.”
Vua khen rằng: “Hay thay, chính xác lắm thay!”
3. TRANH BIỆN
Khi ấy, vua liền nói: “Bạch đại đức, trẫm có điều muốn hỏi.”
Na-tiên đáp: “Xin đại vương cứ hỏi.”
Vua nói: “Trẫm đã hỏi rồi.”
Na-tiên đáp: “Ta đã đáp rồi.”
Vua hỏi: “Ngài đáp điều gì vậy?”
Na-tiên hỏi: “Đại vương hỏi ta điều gì vậy?”
Vua nói: “Trẫm không có chỗ hỏi.”
Na-tiên nói: “Ta không có chỗ đáp.”
4. PHƯƠNG THỨC TRANH BIỆN
Vua lại hỏi: “Bạch đại đức, ngài có thể cùng với ta đối đáp về nghĩa lý trong kinh điển hay chăng?”
Đại đức Na-tiên đáp: “Nếu như đại vương theo cách nói chuyện của bậc trí
giả mà cùng ta vấn đáp thì có thể được. Bằng như theo cách nói chuyện
của hàng vương giả kiêu ngạo thì không thể được.”
Vua hỏi: “Cách nói chuyện của bậc trí giả là như thế nào?”
Na-tiên đáp: “Bậc trí giả khi nói chuyện thì chất vấn lẫn nhau đến cùng
cực, giải thích cho nhau để cùng hiểu được vấn đề, khi tranh luận sẵn
lòng chấp nhận có hơn có kém, có thắng có bại, có đúng có sai, tự biết
nhận ra lý lẽ đúng đắn nhất, sáng suốt nhất. Bậc trí giả không hề có sự
giận dữ, nóng nảy khi tranh luận. Cách nói chuyện của bậc trí giả là như
thế.”
Vua lại hỏi: “Còn cách nói chuyện của hàng vương giả là như thế nào?”
Na-tiên đáp: “Hàng vương giả khi nói chuyện thì hoàn toàn theo ý mình,
chẳng cần biết đến luật lệ. Nếu không theo với ý mình, tất sẽ dùng sức
mạnh mà đàn áp, trừng phạt. Cách nói chuyện của hàng vương giả là như
thế.”
Vua liền nói: “Vậy trẫm xin chọn cách nói chuyện của bậc trí giả, không
theo cách nói chuyện của hàng vương giả. Xin đại đức cũng đừng nên nghĩ
là mình đang nói chuyện với một vị vua chúa quyền uy, hãy xem như là
ngài đang nói chuyện với các vị sa-môn, với các vị đệ tử, hoặc với hàng
cư sĩ học đạo, lại như đang dạy dỗ cho hàng sa-môn vậy. Xin đừng sanh
tâm lo sợ, xin lấy tâm chân chánh mà chỉ bày cho trẫm.”
Đại đức Na-tiên khen rằng: “Thật tốt đẹp biết bao.”
5. MỤC ĐÍCH XUẤT GIA
Vua hỏi: “Theo ngài thì chuyện gì là cốt yếu nhất? Vì muốn cầu điều chi mà các ngài xuất gia làm sa-môn?”
Na-tiên đáp: “Chúng tôi xuất gia làm sa-môn là muốn trừ hết những khổ
não ở thế gian này, cũng không muốn đời sau phải chịu khổ não nữa. Vì
những mục đích ấy, chúng tôi xuất gia làm sa-môn. Chúng tôi xem đó là
điều cốt yếu nhất, tốt đẹp nhất vậy.”
Vua lại hỏi: “Có phải hết thảy các vị sa-môn đều vì muốn diệt khổ não đời này và đời sau nên mới xuất gia làm sa-môn hay chăng?”
Na-tiên đáp: “Không phải vậy. Thật ra, những người xuất gia làm sa-môn có bốn hạng khác nhau.”
Vua hỏi: “Thế nào là bốn hạng khác nhau?”
Na-tiên đáp: “Có những người vì nợ nần mà xuất gia để trốn tránh, có
những người vì phạm vào luật lệ của vua quan mà xuất gia để trốn tránh,
có những người vì quá nghèo khó mà xuất gia để tìm cuộc sống không phải
lo cơm áo, và có những người xuất gia vì muốn trừ hết những khổ não ở
thế gian này, cũng không muốn đời sau phải chịu khổ não nữa. Đó là lược
nói bốn hạng người xuất gia khác nhau.”
Vua hỏi: “Như vậy thì việc đại đức xuất gia làm tỳ-kheo là hoàn toàn vì cầu đạo, có phải chăng?”
Na-tiên đáp: “Bần tăng khi xuất gia còn ấu thơ, quả thật chưa biết mục
đích. Sau nhờ thông hiểu đạo lý của Phật dạy trong ba tạng kinh điển,
lại nhờ có chư sa-môn giáo hóa cho, nên mới thấy ra mục đích chính đáng
của mình. Vì vậy nên bần tăng dốc lòng thoát khỏi sự khổ trong đời này
và trong các đời sau.”
Vua tán thán rằng: “Hay thay! Chân thật lắm thay!”
6. VÌ SAO LUÂN HỒI
“Bạch đại đức! Có ai thác rồi mà không sanh trở lại chăng?”
“Có người sanh trở lại đời sau, cũng có người không sanh nữa.”
“Ai sanh trở lại đời sau? Và ai không sanh ra nữa?”
“Những ai còn luyến ái thì còn sanh trở lại đời sau. Và những ai dứt được luyến ái thì không sanh ra nữa.”
“Như vậy đại đức có phải sanh ra nữa chăng?”
“Bần tăng đây cũng thế, nếu không dứt được luyến ái, thì vẫn phải còn luân hồi.”
7. PHƯƠNG PHÁP GIẢI THOÁT
“Bạch đại đức! Người nào nhất tâm thiền định có thoát khỏi luân hồi chăng?”
“Người nào nhất tâm thiền định, đạt được trí huệ và các điều thiện thì thoát khỏi luân hồi.”
“Nhất tâm và trí huệ, giống nhau hay khác nhau?”
“Nhất tâm và trí huệ không giống nhau. Mỗi thứ có nghĩa khác nhau.”
“Các loài vật như bò, ngựa... có trí huệ không?”
“Không, chúng có thể đạt được nhất tâm, nhưng không có trí huệ.”
“Bạch Đại đức! Nhất tâm là thế nào? Trí huệ là thế nào?”
“Nhất tâm là thông hiểu, biết rõ; trí huệ là đoạn tuyệt, dứt sạch.”
“Xin ngài so sánh cho trẫm hiểu.”
“Bệ hạ có thấy những người thợ gặt lúa chăng?”
“Có, trẫm có thấy.”
“Họ cắt lúa như thế nào?”
“Tay trái họ gom lúa thành nắm, và tay mặt họ cầm lưỡi hái mà cắt.”
“Cũng như thế đó, thưa bệ hạ. Người tu hành dùng sự nhất tâm mà gom các
tư tưởng, vọng niệm lại, và dùng trí huệ mà cắt đứt các phiền não, ái
dục. Bỡi vậy, nhất tâm có tánh cách là nhận biết, và trí huệ thì đoạn
tuyệt, dứt sạch.”
“Bạch đại đức! Ngài có nói đến các điều thiện, chẳng hay là những điều gì?”
“Đó là đức hạnh, thành tín, nghị lực, ý niệm và định tâm.”
“Bạch đại đức, thế nào là đức hạnh?”
“Đức hạnh là nền tảng. Đó là nền tảng của sự thanh bạch, quý giá và chân chính trong tâm tưởng.”
“Xin ngài so sánh cho trẫm rõ.”
“Như các thứ cây cỏ đều sanh ra và lớn lên từ đất, lấy đất làm nền tảng.
Mọi sự ứng xử của người tu hành cũng đều là dựa trên đức hạnh, lấy đức
hạnh làm nền tảng. Do đó mà nảy sanh được sự thành tín, nghị lực, ý
niệm, định tâm và trí huệ.”
“Xin ngài cho một ví dụ khác nữa.”
“Như người muốn xây dựng thành thị, trước hết phải dọn sạch chỗ đất: san
dọn cho bằng phẳng, nhổ bỏ sạch cây cỏ, phác họa những nơi sẽ làm
đường, làm chợ búa, chỗ trống trải, chỗ ngã tư... Người tu hành cũng
vậy, mọi sự ứng xử đều là dựa trên đức hạnh, lấy đức hạnh làm nền tảng.
Do đó mà nảy sanh được sự thành tín, nghị lực, ý niệm, định tâm và trí
huệ.”
“Xin ngài cho một ví dụ khác nữa.”
“Như người muốn biểu diễn võ thuật, trước hết phải chon chỗ bãi đất bằng
phẳng, dọn cho sạch những gai góc, đá sỏi... rồi sau mới có thể nhào
lộn, biểu diễn tài nghệ của mình trên chỗ đất ấy. Người tu hành cũng
vậy, muốn phát sanh được sự thành tín, nghị lực, ý niệm, định tâm và trí
huệ, thì trước hết phải dọn mình cho vững chắc trên nền đức hạnh.”
“Bạch đại đức, thế nào là sự thành tín?”
“Thành tín là trở nên trong sạch và tinh tấn mà vươn lên.”
“Thế nào là trở nên trong sạch?
“Khi thành tín thì không còn nghi nan, ngần ngại. Thành tín tức là tin
vào Phật, Pháp, Tăng, tin có quả A-la-hán, tin có đời này và đời sau,
tin vào sự thuận thảo với cha mẹ, tin rằng làm lành thì hưởng phước và
làm ác thì phải chịu quả báo. Tin như vậy, lòng dạ trở nên trong sạch và
diệt được năm tội ác. Năm tội ấy là chi? Một là tham dâm, hai là giận
hờn, ba là lười biếng và mê ngủ, bốn là thích việc đàn địch, xài phá ăn
chơi, năm là hay nghi kỵ. Khi con người chưa diệt được năm tội ác ấy thì
lòng dạ còn dơ bẩn, mà diệt được rồi thì lòng dạ trở nên trong sạch.”
“Xin ngài so sánh cho trẫm hiểu.”
“Như một vị đại vương trong thiên hạ, vượt qua một con sông, dẫn theo
tất cả những xe cộ, ngựa, voi và binh lính. Khi người qua sông rồi, nước
liền trở nên vẩn đục. Khi ấy vua khát, muốn uống nước. Vua có một viên
ngọc quý có thể làm nước lắng trong, vua liền ném viên ngọc xuống nước.
Tức thì nước trở nên trong sạch và vua có nước trong mà uống. Lòng dạ
của người ta chất chứa năm tội ác cũng giống như nước đục. Lòng thành
tín có thể diệt được năm tội ác, cũng như viên ngọc quý kia có thể làm
cho nước trong. Người ta diệt được tội ác rồi, thì lòng trở nên sáng
suốt và thanh tịnh.”
“Bạch đại đức, ngài có dạy rằng: thành tín cũng là tinh tấn mà vươn lên. Nghĩa ấy là như thế nào?
“Người tu hành nhìn thấy các bậc giải thoát chứng đắc thánh quả, nên ra
ra sức tinh tấn vượt lên để tự mình chứng đắc các thánh quả và đạt được
giải thoát. Thành tín cũng là tinh tấn mà vươn lên là như thế đó.”
“Xin ngài so sánh cho trẫm hiểu.”
“Như một trận mưa to đổ xuống trên một hòn núi. Nước mưa theo triền núi
mà chảy xuống, tràn lấp những hang, nghách, rồi chảy xuống các khe,
suối, làm ngập cả hai bên bờ. Khi ấy có một số người đi đến. Họ không
hiểu được nước sâu đến mức nào, nên chỉ đứng bên bờ mà nhìn, lấy làm lo
ngại. Bỗng có một người tài trí từ xa đến, người này nhìn mặt nước có
thể đoán biết sự rộng hẹp và sâu cạn của con suối, lại tự biết sức lực
của mình, bèn mạnh dạn lội xuống nước và vượt qua con suối. Thấy vậy
rồi, cả nhóm người kia mới cùng nhau vượt qua. Người tu hành cũng vậy.
Nhờ trông thấy các bậc tiền bối tài trí đã làm cho tâm ý trở nên trong
sạch mà chứng đắc các thánh quả, bèn tự mình tinh tấn mà vượt lên để
cũng được đắc quả như các vị ấy. Trong kinh Samyuttanikya, Phật có dạy
rằng: “Người tu hành dùng lòng thành tín mà vượt qua khỏi dòng nước sanh
tử, dùng tinh tấn mà qua biển luân hồi, dùng nghị lực mà vượt qua các
nạn khổ, dùng trí huệ mà tự làm thanh tịnh lấy chính mình.”
“Bạch đại đức, thế nào là nghị lực?”
“Nghị lực là sức chống chịu. Nhờ nương theo nó, các mối thiện tâm không thể bị lay chuyển.”
“Xin ngài so sánh cho trẫm hiểu.”
“Cũng như một căn nhà xiêu vẹo sắp sụp đổ, nhờ dùng một cây trụ chống
lại nên khỏi đổ. Nghị lực là sự chống chịu như thế. Nhờ có nghị lực, các
mối thiện tâm không ngã đổ.”
“Xin ngài so sánh thêm cho trẫm hiểu.”
“Như có toán quân binh ít, sắp phải thua trận. Vua bèn sai thêm quân
tiếp chiến, nhờ vậy mà chiến thắng. Người tu hành cố giữ cho được điều
lành thì tất trừ được điều ác. Cũng như vua cho tăng thêm quân binh mà
thắng được giặc. Nghị lực cũng thế, làm tăng thêm điều lành nên thắng
được điều ác.”
“Bạch đại đức, ý niệm là thế nào?”
“Là sự phân biệt và hiệp lại.”
“Thế nào là phân biệt?”
“Ý niệm giúp phân biệt những sự tốt hoặc xấu, thanh tịnh hoặc uế trược,
đáng khen hoặc đáng chê, đen hoặc trắng... Nhờ phân biệt mà thấy rõ Bốn
niệm xứ, Bốn Chánh cần, Bốn Như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi,
Tám chánh đạo. Như vậy, người ta gọi là ý niệm tưởng sự lành, niệm
tưởng đạo lý, rồi nhờ nương theo đạo lý mà thoát khỏi luân hồi. Tâm ý có
niệm tưởng đạo lý, người ta mới biết ra điều lành hay điều ác, điều nào
nên làm và điều nào chẳng nên làm. Ý niệm phân biệt là như vậy đó.”
“Xin ngài so sánh cho trẫm hiểu.”
“Như một vị quan giữ kho vua, ngày ngày thường nhắc nhở với vua về những
voi, ngựa, quân binh, châu báu, của cải... để vua luôn luôn biết rõ
được mình đang có những gì. Ý niệm cũng vậy, nó giúp con người tỉnh thức
nhận biết những điều thiện đã làm và những điều thiện chưa làm được, để
người ta luôn cố gắng hoàn thiện hơn nữa.”
“Còn ý nghĩa hiệp lại là thế nào?”
“Sau khi phân biệt rõ những điều tốt và xấu, thiện và bất thiện, người
tu hành trừ bỏ những điều xấu, điều bất thiện, và gom góp lấy những điều
tốt, điều thiện. Vì thế gọi là hiệp lại.”
“Xin ngài so sánh cho trẫm hiểu.”
“Như có viên quan hầu nơi đền vua, biết rõ những ai có ích lợi cho vua
và những ai là vô ích. Những ai có ích lợi thì người thỉnh vào, còn
những ai vô ích thì người chẳng cho vào. Bỏ những điều xấu mà chọn lấy
những điều tốt, ý niệm cũng thế.”
“Bạch đại đức, thế nào là định tâm?”
“Là chỗ cao hơn hết trong các chỗ tu tập. Mọi đức hạnh đều do nơi định
tâm làm chủ. Định tâm là đỉnh cao, mọi sự tu tập đều là bên dưới.”
“Xin ngài so sánh cho trẫm hiểu.”
“Như ngôi nhà có nóc nhọn thì đỉnh nhọn là cao nhất. Những rui, mè, kèo
cột đều thấp hơn đỉnh, đều là từ đỉnh mà phân xuống. Định tâm đối với
các pháp khác cũng như vậy đó. Vì thế, Phật có dạy rằng: Tỳ-kheo phải
chăm lo việc tham thiền định tâm, chỉ khi định tâm mới có thể thấy được
chân lý.”
“Bạch đại đức, thế nào là trí huệ?”
“Ấy là sự đoạn dứt và giác minh. Người tu hành được trí huệ thì đoạn dứt
những chỗ nghi ngờ và làm sáng rõ các điều lành. Như vậy là trí huệ.”
“Xin Ngài so sánh cho trẫm hiểu.”
“Như khi người ta đi vào phòng tối mà có cầm ngọn đèn. Ánh sáng của ngọn
đèn soi khắp phòng, sự tối liền tan đi và trong phòng sáng lên, hiện rõ
các thứ đồ vật trong ấy. Cũng như thế, trí huệ soi sáng cho người hiểu
rõ mọi việc.”
“Bạch đại đức, các điều thiện mà ngài đã giảng giải tường tận. Tuy khác nhau mà hiệu lực có giống nhau chăng?
“Có giống nhau. Tất cả đều có công năng chung là diệt trừ phiền não, mê dục.”
“Vì sao vậy? Xin ngài so sánh cho trẫm hiểu.”
“Như các đoàn quân của vua tuy khác nhau, quân cưỡi voi, quân cưỡi ngựa,
quân đi xe, quân đánh bộ... nhưng tất cả đều có chung một mục đích là
chiến thắng kẻ địch. Cũng như thế, các điều thiện tuy có khác nhau,
nhưng đều có chung một mục đích là diệt trừ phiền não.”
8. LA-HÁN BIẾT THOÁT LUÂN HỒI
“Bạch đại đức! Những ai không còn phải luân hồi nữa, có tự biết rằng mình không còn luân hồi nữa hay không?”
“Có thể biết.”
“Làm thế nào mà biết?”
“Những vị ấy tự biết mình không còn trìu mến, không còn ham muốn, không
còn ái luyến, không còn phiền não. Do đã dứt sạch hết nhân duyên, nên
không còn nghiệp lực, tự biết là mình không còn phải chịu luân hồi.”
“Xin ngài so sánh cho trẫm hiểu.”
“Ví như người làm ruộng kia, cày bừa, gieo giống, rồi đến mùa gặt rất
nhiều lúa và cho vào vựa. Qua năm sau, người ấy không cày bừa, không
gieo giống nữa. Vậy người ấy có biết rằng mình sẽ không gặt lúa nữa
chăng?
“Thưa, có thể biết.”
“Làm thế nào mà biết?”
“Bởi không cày nữa, không gieo giống nữa, tức nhiên chẳng có lúa mà gặt.
Cày bừa, gieo giống là những nhân duyên để có lúa mà gặt. Nay đã dứt
những nhân duyên ấy, nên biết không còn có lúa mà gặt.”
“Cũng như vậy đó, đại vương. Một vị tu hành đắc đạo, đã dứt bỏ ái luyến,
tham dục, phiền não, vị ấy không còn tạo ra nghiệp duyên gì nữa, thì tự
nhiên biết rằng mình chẳng còn phải tái sanh trong luân hồi.
9. TRÍ HUỆ VÀ SỰ THÔNG MINH
“Bạch đại đức, những bậc tu chứng ấy, đã thoát vòng luân hồi, ngay ở đời này có được trí huệ khác với kẻ thế tục hay chăng?”
“Tâu bệ hạ, các vị ấy quả được trí huệ khác với kẻ thế tục tầm thường.”
“Bạch đại đức, trí huệ và sự thông minh có giống nhau không?”
“Có. Trí huệ và sự thông minh là như nhau.”
“Người có trí huệ và thông minh có thể lầm lạc hay chăng?”
“Có những chỗ có thể lầm lạc, có những chỗ không thể lầm lạc.”
“Chỗ nào có thể lầm lạc?”
“Là khi nói về những môn chưa học, những xứ chưa đến, những nghĩa lý nào chưa nghe, thì có thể lầm lạc.”
“Chỗ nào không thể lầm lạc?”
“Là những chân lý được nhận biết bởi trí huệ, như vô thường, khổ, không, vô ngã.”
“Khi lầm lạc thì thế nào?”
“Ngay vào lúc sự thông minh phát khởi thì những lầm lạc tự biến mất.”
“Xin ngài so sánh cho trẫm hiểu.”
“Ví như người kia cầm cây đuốc sáng đi vào một căn phòng tối, trọn cả
căn phòng liền sáng ra, sự tối tăm tiêu tan đi mất. Sự thông minh cũng
như vậy. Khi vừa phát khởi thì sự si mê u ám liền tiêu tan đi mất.”
“Rồi trí huệ trở nên thế nào?”
“Sau khi làm tròn phận sự, trí huệ cũng không còn nữa. Song những điều
mà cái trí huệ đã tạo ra, như sự thông hiểu về vô thường, khổ, không, vô
ngã, đều không mất.
“Xin ngài so sánh cho trẫm hiểu.”
“Như có người kia đang đêm muốn viết thơ, bèn cho gọi người thư ký và kẻ
cầm đèn. Người đọc cho thư ký viết, thơ viết xong, tắt đèn. Dù đèn đã
tắt, nhưng cái thơ vẫn còn. Cũng như trí huệ không còn, nhưng sự thông
hiểu mà nó tạo ra vẫn còn đó.”
“Đã tạo ra sự thông hiểu rồi lại không còn nữa là nghĩa thế nào? Xin ngài so sánh cho trẫm hiểu.”
“Như những người muốn phòng nạn cháy nhà nên sắp sẵn trước nhà một hàng
năm cái lu đựng nước để dành chữa lửa. Khi có hỏa hoạn xảy ra, họ bèn
lấy nước trong năm cái lu ấy mà chữa lửa. Nước làm tắt lửa rồi, họ có
còn đem năm cái lu mà sắp lại như trước không?”
“Không, họ sẽ bỏ năm cái lu ấy đi, vì chẳng còn ích lợi gì nữa.”
“Cũng như vậy đó. Lòng tin, nghị lực, ý niệm, định tâm và trí huệ, cũng
như năm cái lu đựng nước kia, dùng để dập tắt ngọn lửa dữ là phiền não.
Lửa đã tắt rồi, không cần đến những lu ấy nữa. Nhưng kết quả đã tạo ra
thì vẫn còn, chẳng mất.”
“Xin ngài so sánh thêm cho trẫm hiểu.”
“Ví như một thầy thuốc, muốn chữa một người bệnh bèn lấy năm thứ rễ dược
thảo mà bào chế và cho người bịnh uống. Uống xong, người bịnh mạnh. Sau
khi ấy, ông thầy còn muốn đem năm thứ thuốc đã bào chế ấy mà cho người
kia uống nữa không?”
“Không, vì không còn có ích gì nữa.”
“Năm điều thiện trong tâm giống như năm thứ rễ dược thảo để bào chế
thuốc. Người tu giống như thầy thuốc. Phiền não cũng như bệnh tật. Kẻ si
mê u ám cũng như người đang mang bệnh. Cũng như bệnh tật bị năm thứ
thuốc diệt mất đi và làm cho người bệnh được khỏe mạnh, phiền não bị năm
điều thiện diệt mất đi. Và một khi đã bị đoạn dứt, không còn có thể
sanh nảy trở lại. Trí huệ đã làm tròn phận sự, đã giúp người ta đắc đạo,
thoát khỏi luân hồi, sau khi ấy nó không còn nữa. Song những sự thông
hiểu mà nó tạo ra đều còn.”
“Xin ngài so sánh thêm cho trẫm hiểu.”
“Ví như một vị tướng ra trận, cầm cung tên và xông vào quân địch. Người
bắn ra năm mũi tên, giết được quân địch và thắng trận. Vậy sau khi đó,
người còn có ý dùng năm mũi tên ấy chăng?”
“Không, vì chẳng còn có ích gì.”
“Năm điều thiện giống như năm mũi tên. Người tu giống như vị tướng ra
trận. Phiền não giống như quân địch. Vị tướng nhờ bắn ra năm mũi tên mà
thắng quân địch, người tu nhờ có năm điều thiện mà thắng được phiền não.
Và một phen đã đoạn dứt, không còn có thể sanh nảy lại. Trí huệ đã làm
tròn phận sự, giúp người ta đắc đạo, thoát luân hồi. Sau khi ấy nó không
còn nữa, nhưng những sự thông hiểu mà nó tạo ra đều vẫn còn.”
10. DANH SẮC
“Bạch đại đức, khi phải tái sanh thì ai sanh trở lại trong luân hồi?”
“Đó là danh sắc.”
“Có phải danh sắc hiện tại sẽ tái sanh hay chăng?”
“Không. Với tên gọi và hình sắc thân thể của đời này, người ta sống mà
làm các việc thiện ác. Rồi do nơi những sự thiện ác ấy, sau khi thác,
một cái tên gọi và thân sắc khác sẽ sanh ra.”
“Nếu không phải là danh sắc của đời này tái sanh, thì có thể xem như đời
này làm ác mà đời sau không phải chịu quả báo. Như vậy, có thể nói
người ta đã thoát khỏi luân hồi rồi vậy.”
“Nếu người ta chỉ trọn đời làm làmh, dứt sạch được mê dục, phiền não, ái
luyến, thì sau khi thác người ta có thể chẳng sanh ra nữa. Song, thường
thì người ta tuy có làm điều lành, mà cũng phạm nhiều điều ác, nên theo
đó phải sanh trở lại. Đã có sanh trở lại thì phải chịu lấy quả báo,
không thể không có được.”
“Xin ngài so sánh cho trẫm hiểu.”
“Ví như một người kia ăn trộm xoài của kẻ khác. Chủ xoài bắt được giải
đến chỗ vua, thưa rằng: Tên này ăn trộm xoài của tôi. Người ấy nói rằng:
Tôi không có ăn trộm xoài của ông này. Cây xoài ông ta trồng ngày trước
là cây xoài nhỏ. Còn trái xoài mà tôi lấy đây, tôi hái trên một cây
xoài rất to lớn. Như vậy, tôi đâu có phạm tội ăn trộm, tôi đâu có hái
trái xoài của ông ấy. Hai người cãi lý với nhau như vậy. Bệ hạ sẽ xử cho
ai đúng, ai sai?”
“Trẫm sẽ xử người trồng xoài được kiện. Vì trước kia nhờ ông có ra công
trồng cây, nên nay mới có cây xoài đơm trái. Thế thì kẻ ăn trộm dẫu chối
cãi thế nào, cũng không khỏi phạm tội.”
“Đại vương, người ta sanh trở lại cũng như vậy đó. Với cái tên gọi và
thân sắc này, người ta sống đời mà làm việc thiện ác. Rồi do nơi sự
thiện ác ấy, qua đời sau một cái tên gọi và thân sắc khác sanh ra. Cũng
như khi ta ra công trồng cây, có đào lỗ, bỏ hạt, vun phân, tưới nước,
nên về sau mới có một cây xoài đơm trái đầy cành. Làm việc thiện ác đời
này, cũng như lấy hạt mà gieo xuống đất. Cho nên nói làm ác đời này mà
đời sau không trả quả thì không đúng.”
“Xin ngài so sánh thêm cho trẫm hiểu.”
“Ví như một người kia gặt lúa lén của kẻ khác. Chủ ruộng bắt được giải
đến chỗ vua, thưa rằng: Tên này gặt trộm lúa của tôi. Người ấy nói rằng:
Tôi không có gặt trộm lúa của ông này. Ngày trước ông ta cấy chỉ là
những tép mạ mảnh mai, bé nhỏ. Những bông lúa mà tôi gặt lấy đây là từ
những cây lúa cao quá nửa thân người. Như vậy, tôi đâu có phạm tội ăn
trộm, tôi đâu có gặt lúa của ông ấy. Hai người cãi lý với nhau như vậy.
Bệ hạ sẽ xử cho ai đúng, ai sai?”
“Trẫm sẽ xử người chủ ruộng được kiện. Vì trước kia nhờ ông có ra công
cấy trồng, nên nay mới có ruộng lúa đơm bông. Thế thì kẻ ăn trộm dẫu
chối cãi thế nào, cũng không khỏi phạm tội.”
“Đại vương, người ta sanh trở lại cũng như vậy đó. Với cái tên gọi và
thân sắc này, người ta sống đời mà làm việc thiện ác. Rồi do nơi sự
thiện ác ấy, qua đời sau một cái tên gọi và thân sắc khác sanh ra. Cũng
như khi ta ra công cấy trồng, bón phân, nhổ cỏ, nên về sau mới có một
ruộng lúa đơm bông. Làm việc thiện ác đời này, cũng như cấy mạ xuống
ruộng. Cho nên nói làm ác đời này mà đời sau không trả quả thì không
đúng.”
“Xin ngài so sánh thêm cho trẫm hiểu.”
“Ví như một người kia chặt mía trộm của kẻ khác. Chủ mía bắt được giải
đến chỗ vua, thưa rằng: Tên này chặt trộm mía của tôi. Người ấy nói
rằng: Tôi không có chặt trộm mía của ông này. Ngày trước ông ta chỉ
trồng xuống những hom mía nhỏ. Những cây mía mà tôi chặt lấy đây đều cao
lớn, to mập. Như vậy, tôi đâu có phạm tội ăn trộm, tôi đâu có chặt mía
của ông ấy. Hai người cãi lý với nhau như vậy. Bệ hạ sẽ xử cho ai đúng,
ai sai?”
“Trẫm sẽ xử người chủ mía được kiện. Vì trước kia nhờ ông có ra công
trồng hom mía xuống, rồi chăm bón, nên nay mới có một đám mía cao tốt.
Thế thì kẻ ăn trộm dẫu chối cãi thế nào, cũng không khỏi phạm tội.”
“Đại vương, người ta sanh trở lại cũng như vậy đó. Với cái tên gọi và
thân sắc này, người ta sống đời mà làm việc thiện ác. Rồi do nơi sự
thiện ác ấy, qua đời sau một cái tên gọi và thân sắc khác sanh ra. Cũng
như khi ta ra công trồng xuống, chăm bón, giữ cỏ, nên về sau mới có một
đám mía tốt tươi. Làm việc thiện ác đời này, cũng như trồng mía xuống
ruộng. Cho nên nói làm ác đời này mà đời sau không trả quả thì không
đúng.”
“Xin ngài so sánh thêm cho trẫm hiểu.”
“Như có một người kia, về mùa đông, đốt lửa trong đồng trống để sưởi ấm.
Người ấy không dập tắt đi, để lửa cháy lan qua đồng kẻ khác. Chủ bị hại
bắt lấy người ấy giải đến trước vua, buộc tội đã đốt cháy đồng mình.
Người ấy nói rằng: Tâu bệ hạ, không phải tôi đốt đồng của ông ấy. Tôi
chỉ đốt một đống lửa nhỏ để sưởi ấm mà thôi. Còn đám lửa dữ thiêu trọn
cánh đồng của ông ấy là khác. Con không có tội. Như vậy bệ hạ xử ai có
tội?”
“Cố nhiên là kẻ đã đốt lửa để sưởi mà bất cẩn không dập tắt.”
“Vì sao vậy?”
“Vì nguồn gốc là từ nơi đó. Dù ông ta không chịu nhận, nhưng quả thật lửa sau là theo nơi lửa trước mà sanh ra đó thôi.”
“Này đại vương, tên gọi và thân sắc cũng như vậy đó. Danh sắc đời sau
chính là theo nơi danh sắc đời trước mà sanh ra. Cho nên nói làm ác đời
này mà đời sau không trả quả thì không đúng.”
“Xin ngài so sánh thêm cho trẫm hiểu.”
“Như có người kia cầm đuốc lên gác mà ăn cơm. đuốc bắt cháy lên nóc nhà,
cháy cả nhà và lan ra khắp cả làng. Dân làng bắt lấy người ấy, hỏi
rằng: “Tại sao anh đốt cả làng?” Người ấy đáp: “Tôi không có đốt làng.
Tôi chỉ đốt đuốc ăn cơm mà thôi. Lửa ở đuốc của tôi là khác, lửa cháy
thiêu trọn cả làng là khác. Họ cãi nhau như vậy rồi đem nhau đến trước
bệ hạ. Vậy bệ hạ xử ai đúng, ai sai?
“Cố nhiên là dân làng đúng, người kia sai.”
“Vì sao vậy?”
“Vì nguồn gốc, nguyên nhân là do người ấy. Vì đốt đuốc ăn cơm mà không
cẩn thận nên mới sanh ra hỏa hoạn. Dù người ấy có không nhận, nhưng rõ
ràng lửa cháy làng là theo từ trong đuốc của người ấy mà bắt ra, có chối
cãi thế nào, cũng không khỏi phạm tội.”
“Tên gọi và thân sắc cũng như vậy đó. Người sanh ra về sau có vẻ như
khác với người chết, nhưng là theo nơi người chết mà sanh ra. Vậy nên
nói không nhận tội trước là không đúng.”
“Xin ngài so sánh thêm cho trẫm hiểu.”
“Ví như một người kia mang đủ sính lễ đến đính hôn với một cô gái từ lúc
còn bé. Gia đình cô gái đã nhận đủ lễ. Rồi người ấy có việc phải đi xa.
Về sau, cô bé lớn lên vừa đúng tuổi lấy chồng. Có người khác đến hỏi,
mang đủ sính lễ và cưới cô gái ấy làm vợ. Khi người kia trở về, đến
trách anh kia vì sao đi cưới vợ mình. Anh kia đáp: Tôi nào có cưới vợ
anh. Người mà anh đính hôn chỉ là một đứa bé. Còn tôi cưới một cô gái đã
đến tuổi lấy chồng kia mà. Họ cãi nhau rồi dẫn đến chỗ bệ hạ. Vậy bệ hạ
xử ai đúng, ai sai?”
“Người đã đính hôn trước là đúng.”
“Vì sao vậy?”
“Vì chính ra chỉ là một người, trước thì còn bé, sau mới lớn lên. Cô gái
bây giờ là theo nơi thân thế đứa bé ngày trước. Cho nên dù người đến
sau có chối cãi thế nào, cũng không khỏi phạm tội cưới vợ người khác. Cô
gái ấy phải thuộc về người đã nộp lễ cưới đầu tiên.”
“Tên gọi và thân sắc cũng như vậy đó. Dù là người thác rồi sanh ra lại
với một danh sắc khác, nhưng cũng là tùy theo thân thế, việc thiện ác
của đời này. Vậy nên nói không nhận tội trước là không đúng.”
“Xin ngài so sánh thêm cho trẫm hiểu.”
“Ví như có người kia mua một bình sữa của kẻ nuôi bò. Ông ta gởi sữa lại
và đi, cho hay rằng hôm sau sẽ trở lại lấy sữa. Hôm sau, sữa bị chua.
Người ấy trở lại, chủ bò đưa bình sữa chua ra. Ông ta phàn nàn rằng: Ông
đã nhầm rồi, sữa chua này không phải sữa tôi đã mua. Họ cãi nhau rồi
đưa nhau đến chỗ bệ hạ. Vậy bệ hạ xử ai đúng, ai sai?”
“Cố nhiên là người chủ bò đúng.”
“Xin ngài so sánh thêm cho trẫm hiểu.”
“Vì sao vậy?”
“Là vì nguồn gốc do người mua sữa. Sữa tươi mà để dưới đất cho đến hôm
sau, bị chua thì phải chịu, chứ người chủ bò nào có tội gì?”
“Đại vương, người sanh trở lại đời sau cũng như vậy đó. Với cái tên gọi
và thân sắc này, người ta sống đời mà làm việc thiện ác. Rồi do nơi sự
thiện ác ấy, qua đời sau một cái tên gọi và thân sắc khác sanh ra. Làm
việc thiện ác đời này tức là vun trồng sự tội phước cho đời sau. Cho nên
nói làm ác đời này mà đời sau không trả quả thì không đúng.”
11. NGUYÊN NHÂN BẤT BÌNH ĐẲNG
“Bạch đại đức, người ta sanh ra ở đời vốn dĩ hình thể đều như nhau,
nhưng tại sao có kẻ sống lâu, người chết yểu, kẻ được sức khỏe, người
phải ốm đau, kẻ tốt tướng, người xấu hình, kẻ có oa thế, người yếu hèn,
kẻ cao sang, người thấp kém, kẻ thông minh, người ngu dại... Tại sao tất
cả mọi người đều không giống nhau?”
“Này đại vương, ấy cũng như các thứ trái cây. Tại sao có thứ thì ngọt ,
thứ lại chua, thứ thì chát, thứ lại đắng, lại có thứ ngon ngọt. Tại sao
đều là trái cây mà chúng nó lại chẳng giống nhau?”
“Bạch đại đức, trẫm nghĩ là do nơi hạt giống khác nhau.”
“Tâu bệ hạ, người ta cũng như thế đó. Bởi duyên nghiệp của họ chẳng
giống nhau, bởi sở tâm sở hành từ trước của họ chẳng giống nhau, nên địa
vị và căn tánh của họ phải khác nhau. Vì thế mới có kẻ sống lâu, người
chết yểu, kẻ được sức khỏe, người phải ốm đau, kẻ tốt tướng, người xấu
hình, kẻ có oa thế, người yếu hèn, kẻ cao sang, người thấp kém, kẻ thông
minh, người ngu dại...
“Tâu Bệ hạ! Phật có dạy rằng: Do nơi sự lành hay dữ mà mỗi người đã làm
từ trước, đều có sự báo ứng về sau. Trước đã làm lành thì nay được sống
lâu, sức khỏe, tốt tướng, oai thế, cao sang, thông minh, trí huệ. Còn
trước đã làm ác thì nay phải chết trẻ, ốm đau, xấu hình, yếu hèn, thấp
kém, ngu dại. Thật như vậy, không sai lệch chút nào. Trong vòng luân
hồi, duyên nghiệp luôn dắt dẫn chúng sanh. Chính nó ban thưởng hoặc
trừng trị người, rất công bằng không hề có sự thiên vị hay sai sót.
12. ĐỊA NGỤC
“Bạch đại đức, sa-môn các ngài thường dạy rằng: Lửa địa ngục nóng hơn
lửa thường nhiều lắm. Một cục đá nhỏ ném vào lửa thường trọn một ngày
vẫn không tiêu đi, nhưng khối đá lớn bằng cái nhà ném vào lửa địa ngục
trong chốc lát thì tiêu mất. Trẫm lấy làm hoài nghi điều này, khó tin
lắm vậy.
“Các ngài lại dạy rằng: Những kẻ mắc đọa trong địa ngục, bị thiêu cả
ngàn năm mà không tiêu mất. Đối với cái lý nầy trẫm lại càng hoài nghi
hơn nữa. Xin đại đức giảng giải cho.”
“Này đại vương, có những loài rắn biển, rồng biển, rùa biển, cua biển
rất lạ, khi con cái có thai thì dùng cả cát đá làm thức ăn. Ngài có nghe
nói đến điều ấy hay không?”
“Bạch đại đức, trẫm có nghe.”
“Những cát đá ấy, vào trong bụng chúng có tiêu hóa được không?”
“Bạch đại đức, chúng được tiêu hóa hết.”
“Đại vương, còn trứng trong bụng các loài ấy có tiêu đi không?”
“Bạch đại đức, không.”
“Vì sao vậy?”
“Vì là cùng một loại với nhau, nên đương nhiên là không thể tiêu hóa đi.”
“Người bị ác nghiệp phải bị thiêu ở địa ngục cũng như vậy đó. Dù bị
thiêu trong lửa dữ cả ngàn năm mà vẫn không tiêu, là vì lửa ấy vốn cũng
do nghiệp lực sanh ra. Những nghiệp ác chưa trả dứt thì chưa thể tiêu
mất đi được.”
“Xin ngài so sánh thêm cho trẫm hiểu.”
“Những loài sư tử, cọp, beo, chó cái, khi có thai ăn xương thịt các loài
khác vào bụng, những món ấy có tiêu trong bụng của chúng nó không?”
“Bạch đại đức, chúng được tiêu hóa hết.”
“Đại vương, còn cái thai trong bụng các loài ấy có tiêu đi không?”
“Bạch đại đức, không.”
“Vì sao vậy?”
“Vì là cùng một loại với nhau, nên đương nhiên là không thể tiêu hóa đi.”
“Người bị ác nghiệp phải bị thiêu ở địa ngục cũng như vậy đó. Dù bị
thiêu trong lửa dữ cả ngàn năm mà vẫn không tiêu, là vì lửa ấy vốn cũng
do nghiệp lực sanh ra. Những nghiệp ác chưa trả dứt thì chưa thể tiêu
mất đi được.”
“Xin ngài so sánh thêm cho trẫm hiểu.”
“Các phụ nữ nhà giàu có, trưởng giả, mỗi khi có thai đều ăn nhiều thịt cá. Vậy những thứ ấy có tiêu trong bụng họ không?”
“Bạch đại đức, chúng được tiêu hóa hết.”
“Đại vương, còn cái thai trong bụng các phụ nữ ấy có tiêu đi không?”
“Bạch đại đức, không.”
“Vì sao vậy?”
“Vì là cùng một loại với nhau, nên đương nhiên là không thể tiêu hóa đi.”
“Người bị ác nghiệp phải bị thiêu ở địa ngục cũng như vậy đó. Dù bị
thiêu trong lửa dữ cả ngàn năm mà vẫn không tiêu, là vì lửa ấy vốn cũng
do nghiệp lực sanh ra. Những nghiệp ác chưa trả dứt thì chưa thể tiêu
mất đi được.”
13. TẠI SAO BIẾT NIẾT-BÀN LÀ VUI
“Bạch đại đức, những ai chưa chứng đắc Niết-bàn có thể biết Niết-bàn là cảnh vui chăng?”
“Có thể biết.”
“Làm sao có thể biết?”
“Đại vương, có những người chưa từng bị chặt tay, chặt chân, họ có thể biết bị chặt tay chân là đau đớn, khổ não hay không?”
“Thưa, có thể biết.”
“Làm sao có thể biết?”
“Vì tuy họ không bị chặt tay chân, nhưng họ đã được nghe những kẻ bị
chặt tay chân kêu la, than khóc, nên họ biết đó là đau đớn khổ não vậy.”
“Cũng như thế, đại vương. Người chưa chứng đắc Niết-bàn cũng có thể biết
Niết-bàn là cảnh vui sướng, vì được nghe những vị đã đắc đạo thuật lại
những sự an ổn, thanh thản ở cảnh Niết bàn.”
14. CÓ PHẬT RA ĐỜI HAY KHÔNG?
“Bạch đại đức, ngài có được nhìn thấy Phật không?”
“Không.”
“Những vị thầy của ngài có thấy không?”
“Không.”
“Thế thì Phật không có ra đời. Bởi vì ngài không nhìn thấy, và những vị thầy của ngài cũng không nhìn thấy.”
“Đại vương, ngài có nhìn thấy sông U-hà trên miền Hy-mã-lạp sơn hay không?”
“Không.”
“Vậy các tiên đế có nhìn thấy không?”
“Không.”
“Thế thì có thể nói là không có sông U-hà được chăng? Vì ngài cũng không được thấy, mà các tiên đế cũng không được thấy.”
“Không được, không thể nói như thế được. Vì tuy trẫm không nhìn thấy
sông U-hà, các tiên đế cũng không nhìn thấy, nhưng sông ấy từ bao đời
nay vẫn chảy trên miền Hy-mã-lạp sơn.”
“Cũng như thế đó, đại vương. Tuy bần tăng không thấy Phật, các vị thầy
của bần tăng cũng không thấy Phật, nhưng Phật cũng đã ra đời từ bao năm
trước rồi!”
15. PHẬT LÀ CAO THƯỢNG
“Bạch đại đức, Phật có phải là cao thượng hơn hết hay không?”
“Phải, đúng vậy.”
“Làm sao ngài có thể biết được, khi ngài chưa hề được thấy Phật lần nào?”
“Đại vương, có một người kia, chưa từng thấy biển, nhưng vì nhìn thấy
năm con sông lớn là sông Hằng, sông Tín-tha, sông Tư-tha, sông
Tể-xoa, sông Thi-phi-di, ngày đêm chảy ra biển mãi mà mặt biển cũng
không hề dâng cao, vậy người ấy có thể biết được rằng biển sâu rộng mênh
mông và không thể đo lường được hay không?”
“Thưa, có thể biết được.”
“Cũng như vậy, bởi vì thấy tất cả các vị đạo nhân đã từng đắc đạo, không
có ai luận thuyết hơn được Phật, nên biết là Phật cao thượng hơn hết.”
16. DO ĐÂU BIẾT PHẬT CAO THƯỢNG
“Bạch đại đức, có thể nào biết Phật là cao thượng hơn hết không?”
“Có thể biết.”
“Làm sao có thể biết?”
“Ngày trước có một vị thầy sáng tạo ra chữ viết. Đại vương có biết chăng?”
“Thưa, có biết. Đó là thầy Tý-xa.”
“Thầy đã mất lâu rồi, làm sao đại vương biết?”
“Là vì thầy có để chữ viết ấy lại.”
“Cũng như vậy đó, đại vương. Biết được Phật là cao thượng, là vì có Giáo
pháp của Phật để lại. Thấy Giáo pháp tức là thấy Phật, vì chính Phật đã
truyền Giáo pháp lại cho tín đồ. Giáo pháp mà ngài để lại rất vi diệu,
cao siêu, cho nên thấy Giáo pháp của Phật thì biết Phật là cao thượng
hơn hết.”
17. VÌ SAO LO CHO THÂN MÌNH
“Bạch đại đức, người tu hành có thương mến cái thân mình không?”
“Không.”
“Vì sao trẫm thấy các vị tỳ-kheo cũng chăm sóc cho thân thể mình một
cách yêu thương, trìu mến? Ví như khi nằm nghỉ thì chọn chỗ êm ấm, kín
đáo, ăn uống thì chọn món ngon lành, bổ dưỡng.”
“Đại vương, đã có khi nào cầm binh ra trận mà bị thương chăng?”
“Thưa, đã có.”
“Trong khi bị thương, đại vương có lấy thuốc mà đắp, lấy dầu mà thoa và lấy vải băng bó chỗ vết thương ấy chăng?”
“Quả có như vậy.”
“Đại vương, có phải ngài yêu thương, trìu mến vết thương nên mới săn sóc nó kỹ lưỡng như vậy hay không?”
“Không phải, chỉ vì trẫm muốn cho nó mau lành đó thôi.”
“Cũng như vậy đó, đại vương. Những người tu hành không thương yêu, trìu
mến cái thân. Dù các vị săn sóc, nuôi dưỡng nó, nhưng không trìu mến nó.
Săn sóc, nuôi dưỡng nó là vì còn phải dùng nó mà hành đạo từ bi. Đức
Phật so sánh thân thể như một cái ghẻ lở, nên các tỳ-kheo săn sóc nó mà
không trìu mến.”
18. PHẬT CHẾ ĐỊNH GIỚI LUẬT
“Bạch đại đức, đức Phật có biết hết, thấy hết không?”
“Có.”
“Vậy tại sao Phật chế định giới luật dần dần từng điều, mà không cùng lúc đưa ra tất cả?”
“Này đại vương, vị lương y giỏi có thể biết hết các vị thuốc không?”
“Thưa, có vậy.”
“Vị lương y ấy bảo bệnh nhân dùng thuốc khi cần, hay bảo dùng trước khi có bệnh?”
“Phải bảo dùng khi cần.”
“Cũng như thế đó, đại vương. Đức Phật phải chờ dịp thích hợp mới ban
hành giới luật cho hàng đệ tử, để các vị ấy trọn đời ghi nhớ và giữ theo
cho hợp với đạo hạnh của người xuất gia.”
19. PHẬT KHÔNG GIỐNG CHA MẸ
“Bạch đại đức, Phật có ba mươi hai tướng tốt trang nghiêm, để cho
thấy rằng ngài là đấng Toàn giác. Lại có tám mươi vẻ đẹp, nước da màu
vàng ròng, có hào quang lớn bao quanh trên đầu. Có thật vậy chăng?”
“Quả có vậy.”
“Bạch đại đức, cha và mẹ của Phật có đủ những phước tướng ấy chăng?’
“Không có.”
“Bạch đại đức, tại sao lại như thế? Phàm là con, thì phải hoặc giống mẹ
hay bà con bên mẹ, hoặc giống cha hay bà con bên cha. Nay tại sao Phật
lại không giống cha, cũng không giống mẹ?”
“Này đại vương, ngài có biết loại hoa sen trăm cánh chăng?”
“Thưa ngài, trẫm có biết.”
“Hoa sen ấy sanh ra từ đâu?”
“Nó sanh ra từ dưới bùn và lớn lên ở trong nước.”
“Đại vương, màu sắc và mùi vị của nó có giống bùn với nước không?”
“Thưa không.”
“Đại vương! Đức Phật cũng như thế đó, tuy cha mẹ không có, mà ngài có
đầy đủ phước tướng của bậc Như Lai. Ngài sanh trong cõi thế, lớn lên ở
cõi thế, nhưng không giống những nhân vật ở chốn trần thế nầy.”
20. TRÍ NHỚ
“Bạch đại đức, do nơi đâu mà người ta có thể nhớ được những việc đã qua, những việc đã làm từ trước kia?”
“Đó là nhờ có trí nhớ.”
“Thế không phải là do suy tưởng sao?”
“Có khi nào bệ hạ quên mất một việc gì bệ hạ đã từng làm không?”
“Có.”
“Vậy lúc đó bệ hạ có bị mất suy tưởng không?”
“Không, lúc đó trẫm mất trí nhớ.”
“Vậy bệ hạ không thể nói rằng người ta nhớ là do suy tưởng chứ không phải do trí nhớ.”
“Bạch đại đức, khi người ta ghi nhớ một việc gì, ấy là bởi nội lực tự nhiên hay do có sự kích thích từ bên ngoài?”
“Do bởi sức mình, và cũng do sự kích thích từ bên ngoài nữa.”
“Nếu người ta không thể nhớ hết thảy mọi việc, thì không thể nói là nhớ được do nơi sự kích khích.”
“Nếu không có sự nhớ do nơi kích thích, thì những nhà mỹ thuật chẳng cần
học hỏi chuyên môn, kỹ thuật, và người ta cũng không cần cầu học nơi
thầy, vì như vậy đều vô ích.”
“Bạch đại đức, có bao nhiêu cách khiến người ta nhớ được việc đã qua?”
“Đại vương, có mười sáu cách khiến người ta nhớ được việc đã qua. Đó là:
1. Do tự nhiên mà ghi nhớ. Như trường hợp ngài A-nan, Cưu-thù-đan-la và
nhiều vị thánh tăng khác, các vị có khả năng tự nhiên ghi nhớ những gì
đã được nghe, thấy.
2. Do sự nhắc nhở từ bên ngoài. Như trường hợp người hay quên, phải nhờ những kẻ khác nhắc nhở thường xuyên thì mới nhớ.
3. Do ảnh hưởng của một sự việc vinh quang. Như trường hợp nhà vua nhớ ngày lên ngôi, người tu nhớ ngày quy y thế độ của mình.
4. Do ảnh hưởng một dịp may. Người ta nhớ những lúc nào người ta được may mắn lớn lao.
5. Do ảnh hưởng một dịp rủi ro. Người ta nhớ lúc nào người ta bị khốn đốn.
6. Do sự mường tượng giống nhau giữa một sự vật với sự vật khác mà mình
đã nhớ. Như trường hợp nhìn thấy người giống cha, mẹ, chị, em... mình
thì mình nhớ.
7. Do ảnh hưởng của một việc nổi bật. Người ta nhớ đến những sự vật nào
nổi bật hơn hết trong cùng nhóm của nó. Như thầy giáo nhớ đứa học trò
giỏi nhất lớp.
8. Do ảnh hưởng của lời nói. Như người ta nhớ những điều thường nghe những người quanh mình nhắc đến.
9. Do những dấu hiệu đặc biệt. Như người đến một thành phố lạ, ghi nhớ
những nơi thắng tích, đều là nhờ những dấu hiệu đặc biệt.
10. Do có sự thúc giục. Như trường hợp người ta bị thúc bách, buộc phải
nhớ một điều gì đó, vì nó gây ảnh hưởng lớn cho họ, hoặc do những người
chung quanh muốn như vậy nên thúc giục họ. Như trường hợp người đi thi
phải ghi nhớ bài học.
11. Do ảnh hưởng của thói quen. Như người tập viết, nhờ luyện tập nhiều lần mới quen thuộc các đường nét của chữ viết.
12. Do sự suy tính theo nguyên tắc. Như người học toán, ghi nhớ những công thức nhờ áp dụng để tính toán theo nguyên tắc.
13. Do học thuộc lòng. Như khi cần ghi nhớ một điều gì, người ta học cho
thuộc lòng những điều ấy, rồi thì có thể ghi nhớ được một thời gian sau
nữa.
14. Do sự chuyên tâm chú ý. Như những người tu hành nhờ thiền định mà
nhớ ra nghiệp đời trước của mình. Người ta chuyên tâm chú ý vào chuyện
gì thì có thể ghi nhớ được chuyện ấy.
15. Do đọc thấy trong sách vở. Như người siêng năng tụng đọc kinh điển có thể nhớ được những lời dạy trong kinh.
16. Do sự cất giấu trước đây, nay nhìn thấy lại cho nên nhớ. Như người
nhìn thấy một vật cất giấu, liền nhớ lại lúc mang cất giấu nó.
17. Do sự tương hợp. Như khi ngửi một mùi hương, nhìn thấy một màu sắc,
nghe một âm thanh... có sự tương hợp, giống nhau với những mùi hương,
màu sắc, âm thanh... mà mình đã nếm trải trước đây, liền nhớ lại.
21. NHÂN QUẢ
“Bạch đại đức, sa-môn các ngài có dạy rằng kẻ nào làm ác trọn đời mà
lúc lâm chung tưởng Phật, niệm Phật, liền được sanh về cõi Phật. Trẫm
không tin được điều ấy. Các ngài lại nói dạy rằng kẻ nào giết hại, dù
chỉ một sanh mạng, cũng đủ sa xuống địa ngục. Trẫm càng không tin được
như vậy. Xin ngài giảng giải cho.”
“Đại vương, như có người ném một cục đá nhỏ xuống nước, cục đá ấy nổi hay chìm?”
“Thưa, cố nhiên là chìm.”
“Như người ta chất đến cả xe đá lên ghe lớn, đá ấy nổi hay chìm?”
“Nhờ có ghe, tất nhiên là nổi.”
“Cũng vậy đó, đại vương. Nhờ sức chiếc ghe nên cả xe đá nặng vẫn không
chìm. Cũng như nhờ sức Phật nên một người đã từng sa ngã cũng được sanh
về cõi Phật.”
22. CÕI TRỜI CÓ XA KHÔNG?
“Bạch đại đức, từ cõi đất này lên đến cảnh trời của đức Phạm-thiên có xa không?”
“Như có một hòn đá lớn từ cảnh trời của đức Phạm-thiên rơi xuống, mỗi
ngày rơi được 48.000 do tuần, như vậy trong bốn tháng mới tới mặt đất.”
“Bạch đại đức, thế mà sa-môn các ngài lại nói rằng: Người đắc đạo có
phép thần thông, làm chủ tâm ý, có thể đi từ cõi Diêm-phù-đề này lên đến
cảnh trời của đức Phạm thiên, nhanh như một người lực sĩ co duỗi cánh
tay. Trẫm không tin vị ấy có thể quãng đường ấy mau như vậy.”
“Đại vương, ngài quê quán ở đâu?”
“Ở đảo A-lệ-tán.”
“Cách đây bao xa?”
“Hai trăm do-tuần.”
“Bây giờ đại vương có thể nhớ đến một việc gì đã làm ngày còn ở quê cũ không?”
“Thưa, có thể.”
“Vậy đại vương hãy nhớ đi.”
“Trẫm đã nhớ rồi.”
“Đại vương, ngài đã vượt qua hai trăm do tuần rồi đó.”
23. KHÔNG BIẾT CÀNG NẶNG TỘI
“Bạch đại đức, như có hai người làm việc ác, một người biết, một người không biết. Người nào nặng tội hơn?”
“Người không biết nặng tội hơn.”
“Bạch đại đức, không có lý như vậy. Theo luật mà trẫm đây trị nước, nếu
một viên quan phạm tội thì bị hình phạt nặng. Còn hàng dân dã mà phạm
tội thì xử nhẹ hơn. Vì viên quan ấy là người hiểu biết mà cố tình phạm
tội, còn kẻ dân dã chỉ vì không biết nên mới phạm tội. Vì thế, trẫm cho
rằng kẻ có trí mà làm ác thì mắc tội nặng hơn.”
“Đại vương, như có một hòn sắt cháy đỏ, có hai người phải sờ vào. Một
người biết đó là viên sắt cháy đỏ, còn người kia thì không biết. Vậy
người nào sẽ bị bỏng nặng hơn?”
“Người không biết bị bỏng nặng hơn.”
“Cũng như vậy đó, đại vương. Người ngu làm ác không biết hối lỗi, cho
nên mang họa nhiều hơn. Kẻ trí làm ác thì biết đó là việc ác, nên có sự
hối lỗi, nhờ vậy mà mắc tội nhẹ hơn.
24. CÓ THỂ PHI HÀNH ĐƯỢC KHÔNG?
“Bạch đại đức, có thể nào mang thân thể này mà bay đến cõi Bắc Câu Lô
châu, hoặc lên đến cõi trời của đức Phạm Thiên, hay một cõi nào khác
được không?”
“Có thể.”
“Làm thế nào có thể bay được như thế?”
“Đại vương, có khi nào đại vương nhảy lên cao được chừng mấy thước không?”
“Có, trẫm có thể nhảy lên cao được tám thước.”
“Khi ấy đại vương làm thế nào để nhảy lên cao đến tám thước?”
“Trẫm nghĩ tưởng trong trí rằng: Sẽ nhảy cao đến chỗ đó. Nhờ tưởng như vậy, nên cất mình nhảy lên liền đến được mức ấy.”
“Cũng như vậy đó, đại vương. Người tu hành đắc đạo, được phép huyền
diệu, làm chủ tâm thần, khi nghĩ tưởng đến nơi nào liền cất mình bay đến
nơi ấy, không có khó khăn.”