V.Chư Tổ sư Đông độ
SÁU ĐỜI TỔ NỐI TRUYỀN Y BÁT
Đức Phật Thích-ca đản sanh vào năm 563 trước Công nguyên. Ngài truyền
Chánh pháp cho Ma-ha Ca-diếp làm Tổ thứ nhất. Từ đó, có sự tiếp nối nhau
giữa chư Tổ sư ở Tây thiên mà gìn giữ và truyền bá mối đạo.
Cho đến đời Tổ thứ hai mươi tám là Bồ-đề Đạt-ma, vị này theo lời phó
chúc của Tổ đời hai mươi bảy, mang ánh sáng Phật pháp truyền sang Trung
Hoa.
Mặc dù đạo Phật lúc bấy giờ đã được người Trung Hoa biết đến khá nhiều.
Chính vua Lương Võ Đế cũng là một Phật tử mộ đạo. Nhưng giáo lý chân
truyền chưa được ai truyền dạy, nên người học Phật chưa thể nắm được yếu
chỉ của Phật pháp, chưa thể thực sự tìm được đến chỗ giải thoát.
Vị Tổ chân truyền đời thứ hai mươi tám của Ấn Độ đặt chân lên đất Trung
Hoa năm 520 Dương lịch, và tịch ở nước ấy vào năm 529, tức là hoằng hóa ở
Trung hoa được chín năm.
Bồ-đề Đạt-ma, theo lịch đại Tổ sư Tây Thiên, là Tổ đời thứ hai mươi tám,
tức là vị Tổ sau rốt được chân truyền. Kể theo lịch đại Tổ sư Đông độ
tiếp nối truyền y bát, thì ngài là vị Sơ Tổ. Và vị Tổ sư Đông độ sau rốt
được truyền y bát là Tổ đời thứ sáu, Đại sư Huệ Năng, tịch diệt năm
713. Sau đời Lục Tổ Huệ Năng, Thiền tông chỉ truyền pháp, không còn lệ
truyền y bát nữa.
Sáu đời Tổ sư ở Trung Hoa được kể ra như sau:
1. Bồ-đề Đạt-ma(菩提達磨)
2. Huệ Khả (慧可)
3. Tăng Xán (僧璨)
4. Đạo Tín (道信)
5. Hoằng Nhẫn (弘忍)
6. Huệ Năng (惠能)
1. SƠ TỔ BỒ-ĐỀ ĐẠT-MA
初祖菩提達磨
Ngài là Tổ sư đời hai mươi tám ở Tây Thiên, và Tổ sư thứ nhất ở Đông độ.
Ngài là hoàng tử thứ ba, con út vua Hương Chí nước Ca-xi ở miền Nam Ấn
Độ, ngài đắc pháp do Tổ đời thứ hai mươi bảy Bát-nhã Đa-la phó truyền.
Sau khi hóa đạo ở Ấn Độ, ngài theo lời di ngôn của thầy sang Trung Hoa
mà truyền pháp. Ngài đi theo đường biển, đến Quảng Đông, Trung Hoa vào
năm 520. Vua Võ Đế nhà Lương ở kinh thành Kiến Khương là người rất sùng
mộ Phật pháp, có thỉnh Tổ sư đến thuyết pháp. Nhưng vua chẳng lãnh hội
được diệu pháp do Tổ truyền giảng.
Bấy giờ ở Trung Hoa người ta cũng thờ Phật trọng Tăng, nhưng chưa có
người đắc đạo chân truyền giáo hóa, nên cách hiểu về Phật pháp còn nhiều
sai lệch. Chính vua Lương Võ Đế là một người rất mộ đạo, nhưng cũng
chưa hiểu đúng được Chánh pháp.
Tuy được gặp Tổ sư nhưng vua Lương Võ Đế và các tăng sĩ Phật giáo lúc bấy giờ ở đó không hội được ý Tổ.
Biết cơ duyên chưa đến, Tổ sư liền bỏ đi lên Tung sơn, vào một hang động
vắng vẻ mà ngồi yên lặng đến chín năm. Người đời không hiểu, gọi ngài
là “Thầy Bà-la-môn ngồi nhìn vách”.
Thuở ấy có một vị tăng tên là Thần Quang, là người học rộng biết nhiều,
trí tuệ sâu rộng. Nghe chuyện Tổ sư ngồi ngó vách, Thần Quang biết là
bậc siêu phàm, liền tìm đến ra mắt.
Thần Quang đến nơi, lễ bái nhiều lần, Tổ vẫn lặng thinh ngồi ngó vách,
không để ý gì đến. Thần Quang tự nghĩ: “Người xưa cầu đạo không tiếc
thân mạng. Nay ta phải tỏ lòng thành mới mong được hỏi đạo.” Thần Quang
liền đứng trước cửa động suốt đêm không ngủ. Khi ấy trời giá lạnh, đến
sáng tuyết rơi phủ đầy người, ngập lên quá đầu gối mà Thần Quang vẫn
đứng yên chắp tay hướng về phía Tổ sư, nét mặt không hề thay đổi.
Tổ sư biết người thật lòng cầu đạo, liền quay ra hỏi:
“Ngươi đứng suốt đêm trong tuyết lạnh, trong lòng muốn cầu chuyện gì vậy?”
“Đệ tử muốn cầu diệu đạo.”
Tổ sư nói:
“Diệu đạo của chư Phật phải trải qua rất nhiều khó khăn mới mong cầu
được. Nay ngươi chỉ qua một đêm chịu lạnh mà muốn được diệu đạo hay
sao?”
Thần Quang biết mình đã gặp được bậc chân truyền, quyết lòng cầu đạo,
liền tự tay dùng dao bén cắt đứt cánh tay trái mà dâng lên trước mặt Tổ
sư.
Tổ Bồ-đề Đạt-ma liền dạy rằng:
“Chư Phật cầu đạo đều vì pháp quên mình. Nay ngươi tự chặt tay cầu đạo,
cũng có thể nói là có thành ý. Lòng ngươi có chỗ nào muốn hỏi, cứ hỏi
đi.”
Thần Quang thưa:
“Tâm con chưa an, xin thầy truyền cho pháp an tâm.”
Tổ sư nói:
“Ngươi hãy đưa tâm đây, ta sẽ an tâm cho.”
Thần Quang thưa:
“Con tìm tâm không thể được.”
Tổ nói:
“Ta an tâm cho ngươi rồi đó.”
Thần Quang nghe xong đại ngộ. Tổ sư liền đổi tên cho là Huệ Khả.
Về sau, Tổ Bồ-đề Đạt-ma truyền y bát cho Huệ Khả. Ngài đến Trung Hoa là
Sơ Tổ, nên Huệ Khả nối tiếp theo ngài mà làm Nhị Tổ của Thiền tông Trung
Hoa. Sơ tổ có bài kệ truyền pháp rằng:
Ngô bổn lai tư độ,
Truyền Pháp cứu mê tình;
Nhất Hoa khai Ngũ Diệp.
Kết quả tự nhiên thành.
吾本來茲土
傳法救迷情
一華開五葉
結果自然成
Dịch nghĩa
Vốn ta lại đất này,
Truyền pháp cứu mê tình;
Một hoa trổ năm cánh,
Kết quả tự nhiên thành.
Sau khi truyền pháp cho Huệ Khả rồi, ngài ngồi an nhiên mà tịch. Vua
nước Ngụy truyền đem kim quang đến khâm liệm thân ngài và an táng tại
núi Hùng Nhĩ.
Ba năm sau, có một người tên Châu Vân, được vua nước Ngụy phái đi sứ về,
gặp Tổ Đạt-ma đi bộ trên đường núi, quảy một chiếc dép nơi đầu gậy. Vân
hỏi rằng: “Thầy đi về đâu?” Tổ đáp: “Đi về Tây Thiên.”
Vân lấy làm lạ, khi về đến triều, đem việc ấy trình lên vua. Ngụy đế bèn
ra lệnh quật mồ của Tổ mà xem. Chỉ thấy lưu lại trong quan tài một
chiếc dép mà thôi. Vua ra lệnh lấy chiếc dép ấy lên, để thờ cúng tại
chùa Thiếu Lâm.
Vì chuyện ấy, nên trong các tranh tượng của Tổ Đạt-ma sau này, đều thấy ngài quảy một chiếc dép trên đầu gậy mà đi.
2. NHỊ TỔ HUỆ KHẢ
二祖慧可
Đại sư Huệ Khả là người Bắc Ngụy, thành Lạc dương, họ Cơ, trước lấy hiệu
là Thần Quang. Sau ngài được pháp của Bồ-đề Đạt-ma ở chùa Thiếu lâm tại
núi Tung. Tổ Đạt-ma đổi hiệu của ngài ra là Huệ Khả.
Trong “Phật Tổ lịch đại thông tải” có chép: Có vị Tăng tên Thần Quang,
đến tham kiến Bồ-đề Đạt-ma tại chùa Thiếu Lâm. Sơ Tổ đang ngồi thiền,
day mặt vào vách. Thần Quang bền chí đứng đợi, chẳng động. Người đứng
giữa trời suốt đêm, tuyết đổ xuống phủ cao hơn đầu gối. Tổ Đạt-ma thấy
vậy hỏi rằng:
“Ngươi đứng đã lâu giữa tuyết, vậy muốn cầu điều gì?”
“Xin Hòa thượng rủ lòng từ bi, mở cửa cam lộ, quảng độ chúng sanh.”
Tổ đáp: “Đạo vô thượng và mầu nhiệm của chư Phật, trải qua nhiều kiếp
cũng khó gặp được. Những kẻ trí đức nhỏ hẹp, tâm ý khinh mạn, há dễ mong
được chân thừa hay sao?”
Thần Quang nghe vậy, muốn tỏ lòng thành, bèn lấy dao bén tự chặt đứt
cánh tay trái của mình dâng lên trước mặt Tổ. Đạt Ma biết là đây là bậc
pháp khí, liền đổi tên Thần Quang ra là Huệ Khả.
Huệ Khả bạch rằng: “Pháp ấn của chư Phật, đệ tử có thể được chăng?”
Tổ đáp: “Pháp ấn của chư Phật chẳng phải do nơi người khác mà được.”
Huệ Khả lại nói: “Tâm đệ tử bất an, xin thầy an tâm cho.”
Tổ bảo: “Đưa tâm của ngươi đây, ta sẽ an tâm cho.”
Một lúc lâu sau, Huệ Khả mới đáp: “Đệ tử tìm tâm không thấy.”
Tổ nói: “Ta an tâm cho ngươi rồi đó.”
Chẳng bao lâu, Sơ Tổ tịch. Huệ Khả được truyền pháp, nối tiếp làm Tổ sư
đời thứ hai. Khi ấy là năm đầu niên hiệu Đại Đồng triều vua Lương Võ Đế,
tức là năm 529 Dương lịch.
Nhị Tổ Huệ Khả về sau lại truyền y bát cho Đại sư Tăng Xán. Ngài tịch
vào năm 107 tuổi, tại Quảng Thành. Vua Đức Tông nhà Đường có thụy phong
cho ngài là Đại Tổ Thiền sư.
Lúc phó Pháp và truyền Y Bát cho Tăng Xán, Tổ có đọc kệ rằng:
Bổn lai duyên hữu địa,
Nhân địa chúng hoa sanh.
Bổn lai vô hữu chủng,
Hoa diệt bất tằng sanh.
本來緣有地
因地種華生
本來無有種
華亦不曾生。
Dịch nghĩa
Xưa nay nhờ nơi mặt đất,
Muôn loài hoa cỏ đều sanh.
Xưa nay chưa từng có giống,
Hoa cũng chưa từng sanh ra.
3. TAM TỔ TĂNG XÁN
三祖僧璨
Đại sư Tăng Xán khi còn làm cư sĩ, thân có bệnh ghẻ lở, đến yết kiến Tổ
Huệ Khả và thưa rằng: “Đệ tử bị bệnh tật từ trước vướng vít theo mãi.
Nay thỉnh Hòa thượng sám hối tội lỗi cho.”
Nhị Tổ đem lý tội tánh vốn không mà giảng cho nghe. Tăng Xán lại hỏi
rằng: “Nay đệ tử được thấy Hòa thượng, tức là Tăng. Nhưng đệ tử thật
chưa biết Phật và Pháp là gì.”
Tổ đáp: “Tâm là Phật, Tâm là Pháp. Phật và Pháp vốn không hai, Tăng bảo lại cũng như vậy.”
Tăng Xán nói: “Nay tôi mới biết tội tánh vốn chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, cũng chẳng ở khoảng giữa. Nó cũng như Tâm vậy.”
Tăng Xán liền lễ Tổ cầu xin xuất gia. Tổ Huệ Khả biết là bậc pháp khí,
bèn thâu nhận và cho thọ giới cụ túc, lại đặt tên hiệu cho là Tăng Xán.
Bệnh tật lâu năm của người dần dần tiêu mất. Ngài làm thị giả cho Nhị Tổ
trong hai năm. Khi thấy tâm đạo của ngài đã thuần thục, Tổ liền pháp và
truyền y bát.
Nhị Tổ lại dạy rằng: “Ngươi được truyền pháp rồi, nên vào núi sâu mà ở.
Lúc này chưa phải thời cơ để hành đạo. Trong nước đang có nạn. Và qua
đến đời Hậu Châu thì sẽ có pháp nạn.”
Sau đó, Tổ Tăng Xán bèn đi vào núi Tư Không, khi ở chỗ này, lúc ở chỗ
khác. Ngài vào núi La-phù, vì chúng mà quảng tuyên chỗ tâm yếu. Ngài lập
Pháp hội, khai hóa nơi cội cây.
Đến triều Huyền Tông (713 – 755) nhà Đường, có Sắc thụy phong cho ngài là Giám Trí Đại Thiền sư.
Trước khi tịch, ngài truyền y bát cho Đại sư Đạo Tín làm Tổ đời thứ tư, có bài kệ truyền pháp rằng:
Hoa chủng tuy nhân địa,
Tùng địa chủng hoa sanh;
Nhược vô nhân hạ chủng,
Hoa Địa tận vô sanh.
華種雖因地
從地種華生
若無人下種
華地盡無生。
Dịch nghĩa
Giống hoa tuy cậy đất điền,
Nương nhờ giống đất, hoa liền sanh ra.
Không nhân, gieo giống chi mà?
Cả hoa với đất đều là không sanh.
4. TỨ TỔ ĐẠO TÍN
四祖道信
Tổ sư Đông Độ đời thứ tư, Đại sư Đạo Tín, sanh tại huyện Quảng Tế, tỉnh
Kỳ Châu, họ Tư mã. Từ lúc bé thơ, ngài tỏ ra khác lạ với đời, sùng mộ
Không tông với các môn giải thoát.
Năm mười bốn tuổi, ngài đến lễ bái Tổ đời thứ ba là Tăng Xán, bạch rằng:
“Xin Hòa thượng mở pháp môn giải thoát.”
Tổ hỏi:
“Có ai buộc trói ngươi sao?”
Đáp rằng:
“Không ai trói buộc cả.”
“Vậy sao lại cầu giải thoát?”
Nghe xong, Đạo Tín liền đại ngộ.
Sau khi được truyền pháp, ngài Đạo Tín giữ bền tâm chí, chẳng hề nằm
ngủ. Ngài có trở về Kỳ Châu, trụ tại núi Phá Đầu, mở mang Phật giáo,
giáo hóa chúng sanh, đạo pháp rất thâm sâu huyền diệu. Vua Thái Tông
nhà Đường nghe danh tiếng ngài, ra thánh chỉ triệu ngài về kinh đô. Ngài
từ tạ một cách khéo léo. Mời đến hai lần, nhưng ngài vẫn không đến. Vua
đành thôi, và gởi trân bảo cùng hàng lụa ban tặng cho ngài.
Tổ viên tịch tại núi Phá Đầu. Đến triều Đại Tông nhà Đường, có sắc thụy
phong ngài là Đại Y Thiền sư và tòa tháp của ngài là Từ Vân Tháp.
Ngài truyền lại cho đệ tử là Hoằng Nhẫn tiếp nối làm Tổ thứ năm, có bài kệ rằng:
Hoa chủng hữu sanh tánh,
Nhân địa, hoa sanh sanh.
Đại duyên dữ tánh hiệp,
Đương sanh sanh bất sanh.
華種有生性
因地華生生
大緣與信合
當生生不生
Dịch nghĩa
Giống hoa vẫn có tánh sanh,
Nhân nơi địa cuộc, hoa sanh sanh thường.
Đại duyên với tánh hiệp nương,
Rồi thì sanh hóa, nhưng dường chẳng sanh.
5. NGŨ TỔ HOẰNG NHẪN
五祖弘忍
Đại sư Hoằng Nhẫn sanh ra tại huyện Hoàng Mai, tỉnh Kỳ Châu, mẹ là người
họ Châu. Ngài hoằng hóa Phật Pháp vào thế kỷ thứ bảy Dương lịch, sau
khi thọ lãnh Chánh pháp làm Tổ đời thứ năm, do Tứ Tổ Đạo Tín phó truyền.
Ngay từ thuở bé, ngài đã có cốt cách đặt biệt, khác lạ hơn những đứa trẻ thường.
Truyện kể rằng: Có một vị đạo nhân già tên là Tài Tùng đến cầu đạo nơi
Tứ Tổ Đạo Tín. Tổ dạy rằng: “Nhà ngươi già rồi. Nếu ta truyền pháp cho
ngươi, thì ngươi làm lợi ích cho đời chẳng được lâu. Như ngươi đầu thai
trở lại, ta sẽ nhẫn mà đợi”. Tài Tùng ưng thuận ra đi. Thấy người con
gái họ Châu đang giặt áo dưới khe, ông gọi mà nói rằng: “Cho tôi ngủ nhờ
một đêm.” Rồi ngay lúc ấy liền mạng chung, gá thành bào thai nơi nàng
ấy. Cha mẹ thấy con mình vô cớ mà có chữa, bèn đuổi đi. Nàng nhẫn nhịn
đối với khổ nhục. Đúng kỳ, sanh ra một trai. Vì không có cha, nên thuở
ấy người trong xứ gọi trẻ ấy là đứa trẻ “không có họ”. Mẹ con đi xin ăn
mà nuôi nhau. Đến bảy tuổi, trẻ ấy nhân đi qua đường, gặp Tứ Tổ. Ngài
gọi:
“Này đứa bé không họ kia.”
Đứa trẻ trả lời:
“Tôi có họ.”
“Vậy ngươi họ gì?”
“Tôi họ Phật.”
Tổ nhớ lại lời hẹn xưa với ông đạo già Tài Tùng. Ngài liền nói với người
mẹ, xin đứa trẻ đem về nuôi. Ngài lại đặt tên cho: vì ông nên Tổ nhẫn
chịu, không chết mà đợi ông, lại vì mẹ ông phải nhẫn chịu khổ nhục mà
sanh ra ông, nên ngài đặt tên cho là Hoằng Nhẫn.
Tổ thu nhận Hoằng Nhẫn làm đệ tử, dạy cho học giáo pháp. Hoằng Nhẫn
thông minh hơn người nên về sau trở thành môn đệ giỏi nhất, được ngài
truyền y bát cho nối tiếp mà làm Tổ đời thứ năm.
Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn thường hóa đạo tại chùa Đông Thiền, huyện Hoàng Mai,
tỉnh Kỳ Châu, môn đồ theo học có hơn ngàn người. Ngài thường khuyên hàng
xuất gia cũng như tại gia nên trì tụng kinh Kim Cang, có thể tự mình
thấy tánh và chứng đạo thành Phật.
Vào năm 661 Dương lịch, đời vua Cao Tông nhà Đường, có ngài Huệ Năng trí
huệ khác thường, hiểu được lý Đốn giáo Chân không, Ngũ Tổ thân truyền y
bát cho Huệ Năng làm Tổ thứ sáu.
Kể từ Lục Tổ Huệ Năng về sau, chỉ còn truyền pháp cho môn đệ, không còn
truyền y bát nữa. Huệ Năng đắc pháp rồi, vâng theo ý Tổ mà ra đi. Ba năm
sau, vào năm 663, Ngũ Tổ viên tịch.
Sau khi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn tịch, đến đời vua Đại Tông nhà Đường, triều
đình ra sắc thụy phong cho ngài là Mãn Thiền sư, và sắc phong tòa tháp
của ngài là Pháp Võ Tháp.
Trong khi truyền pháp cho Huệ Năng, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn có dạy rằng: “Nhà
ngươi làm Tổ đời thứ sáu, khéo tự hộ niệm lấy mình. Hãy rộng độ chúng
sanh, lưu truyền Chánh pháp về sau, đừng để dứt mất. Hãy nghe bài kệ của
ta đây:
Hữu tình lai há chủng,
Nhân địa, quả hoàn sanh.
Vô tình ký vô chủng,
Vô tánh diệc vô sanh.
有情來下種
因地果還生
無情既無種
無性亦無生。
Dịch nghĩa
Có tình lại gieo giống,
Nhân đất, quả lần sanh.
Không tình cũng không giống,
Không tánh cũng không sanh.
6. LỤC TỔ HUỆ NĂNG
六祖惠能
Đại sư Huệ Năng sanh ngày 8 tháng hai năm Mậu Tuất, là năm Trinh Quán
thứ 12 đời Đường Thái tông, tức năm 638 Dương lịch. Cha họ Lư, mẹ họ Lý.
Cha của ngài quê quán tại huyện Phạm Dương, ngày nay thuộc tỉnh Trực
Lệ, làm quan bị giáng chức đày ra xứ Lãnh Nam, làm thường dân ở Tân
Châu. Cha ngài mất sớm. Mẹ con bèn dời đến xứ Nam Hải, nay thuộc tỉnh
Quảng Đông. Nhà nghèo, ngài phải đi đốn củi bán mà nuôi mẹ.
Đến năm hai mươi bốn tuổi, tức là vào năm 661 Dương lịch, ngài Huệ Năng
tới chùa Đông Thiền, huyện Hoàng Mai, tỉnh Kỳ Châu mà tham kiến Ngũ Tổ
Hoằng Nhẫn và được truyền y bát.
Khi Huệ Năng vừa đến chùa, Ngũ Tổ hỏi rằng: “Nhà ngươi là người phương nào? Muốn cầu việc chi?”
Huệ Năng bạch rằng: “Đệ tử là thường dân ở Tân Châu, xứ Lãnh Nam, từ xa
xôi đến đây lễ bái, chỉ cầu làm Phật, chớ chẳng cầu việc chi khác.”
Tổ nói: “Ngươi là người xứ Lãnh Nam, là giống mường mán, mọi rợ, làm sao làm được Phật?”
Huệ Năng bạch rằng: “Người ta có Nam Bắc, Phật tánh chẳng có Bắc Nam.
Thân mường mán này với thân Hòa thượng tuy chẳng đồng, nhưng Phật tánh
có chi là khác biệt.”
Tổ nghe biết là bậc pháp khí, nhưng chỉ thầm lưu tâm mà không nói cho ai biết, vì sợ có sự ghen tỵ trong đồ chúng.
Tám tháng sau, Ngũ Tổ khiến các môn đồ mỗi người làm một bài kệ nói chỗ
sở kiến của mình, trình lên ngài để ngài xét ai có tài đức mà truyền y
bát. Chẳng có ai dám làm kệ, vì nghĩ rằng chỉ có Thượng Tọa Thần Tú, lúc
ấy đang làm Giáo thọ, là xứng đáng với ngôi Tổ mà thôi.
Thần Tú biết không có ai trình kệ, buộc lòng mới làm bài kệ rằng:
Thân thị Bồ-đề thụ,
Tâm như minh kính dài,
Thời thời cần phất thức,
Vật sử nhạ trần ai.
身是菩提樹,
心如明鏡臺。
時時勤拂拭,
勿使惹塵埃。
Dịch nghĩa
Thân là cây Bồ-đề,
Tâm như đài gương sáng.
Thường siêng lau siêng rửa,
Chớ để bám bụi nhơ.
Tổ xem kệ, biết là chưa thấy tánh, chỉ đến ngoài cửa chưa bước được vào trong.
Huệ Năng tuy không biết chữ, nhưng nghe đọc kệ ấy, liền mượn người khác viết thay mình, làm một bài kệ rằng:
Bồ đề bổn vô thụ,
Minh kính diệc phi đài,
Bản lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai?
菩提本無樹,
明鏡亦非臺。
本來無一物,
何處惹塵埃。
Dịch nghĩa
Bồ-đề vốn chẳng phải cây,
Gương sáng cũng chẳng phải đài.
Xưa nay vốn không một vật,
Chỗ nào bám được bụi nhơ ?
Tổ nhận biết Huệ Năng đã ngộ được đạo ý, liền truyền y bát cho làm Tổ thứ sáu. Đó là vào năm 661 Dương lịch.
Mười sáu năm sau, Huệ năng hội kiến với Ấn Tông Pháp sư và được truyền
giới cụ túc. Qua năm sau, ngài đến trụ trì tại chùa Bảo Lâm. Tại chùa
ấy, ngài tuyên dương pháp giáo, đồ chúng theo về số đông vô kể. Đệ tử
đắc pháp của ngài cũng nhiều hơn các vị Tổ sư trước đây, về sau chia ra
khắp các phương mà xiển dương giáo pháp Đại thừa.
Tổ Huệ năng giỏi biện luận, phá chấp cho người, làm cho họ liễu ngộ lẽ
chân không, lẽ trung đạo. Những bài giảng của ngài, sau được môn đệ ghi
chép lại thành quyển kinh “Pháp Bảo Đàn”.
Cuối đời, Tổ sư trở về xứ Tân Châu, trụ tại chùa Quốc Ân và tịch năm 713 Dương lịch, thọ 76 tuổi.
Sau khi ngài tịch, đến đời vua Hiếu Tông nhà Đường, triều đình thụy
phong cho ngài là Đại Giám Thiền sư, tòa tháp của Tổ là Nguyên Hòa Linh
Chiếu Tháp.