Thiền – Triết học?
Không ít người đã ngộ nhận thiền như một thứ triết lý siêu hình. Điều
không thể phủ nhận là thiền thực sự có liên quan đến rất nhiều yếu tố
triết học phương Đông, nhưng điều đó không có nghĩa là có thể xem thiền
như một loại hình triết học.
Điều chắc chắn là thiền không phải một hệ thống được xây dựng trên cơ sở
phân tích lý luận. Trong thực tế, thiền đối lập hoàn toàn với kiểu lý
luận phân tích chia tách chủ thể và đối tượng. Thiền xem trọng sự sáng
suốt của lý trí, bởi vì yếu tố này là một phần trong toàn bộ tâm thức.
Nhưng thiền không chấp nhận xem tâm thức như một tổng thể kết hợp nhiều
thành tố mà khi chia tách ra sẽ chẳng còn lại gì. Nếu nhìn từ góc độ
phân tích bằng lý trí, thiền chẳng có gì để truyền dạy cả, và cũng chẳng
có bất cứ một hệ thống giáo lý nào để buộc những người tin theo phải
chấp nhận. Về phương diện này, nhiều người có thể nói rằng thiền là một
kiểu học thuyết hỗn tạp, bởi vì mỗi bậc thầy có thể đưa ra những luận
thuyết khác nhau theo nhận thức riêng của mình, dựa vào kinh nghiệm của
chính bản thân mình, và không hề được truyền dạy những điều ấy từ những
người đi trước. Vì thế, Thiền học thực sự không có những “thánh kinh”
hay “giáo điều”, cũng không có bất cứ khuôn mẫu cố định nào để có thể
tuân theo nhằm đạt đến mục đích cuối cùng.
Trong ý nghĩa này, thiền không dạy cho chúng ta bất cứ điều gì cả. Nếu
có bất cứ điều gì được giảng dạy trong nhà thiền, thực ra đều là xuất
phát từ bản tâm mỗi người. Người học thiền chính là tự học. Thiền chỉ là
phương tiện để chỉ ra cho chúng ta một hướng đi. Ngoài ý nghĩa chỉ bày
này ra, không có gì được cố ý dựng lên như là những giáo lý căn bản hay
nền tảng triết lý nào cả.
Chính những gì vừa nói đã giải thích vì sao Thiền học là một tông phái
hình thành từ Phật giáo, nhưng khi đề cập đến mục tiêu tối hậu của người
tu thiền thì tất cả kinh điển, sớ giải của đạo Phật lại bị xem như là
giấy vụn không hơn không kém. Nhưng điều này lại không nên ngộ nhận như
là một biểu hiện của chủ thuyết hư vô. Bởi vì chủ thuyết hư vô chỉ có
thể là sự hủy hoại chính mình và không dẫn đến bất kỳ một kết quả nào
khác.
Sự phủ nhận có vẻ như cũng là một phương thức tiếp cận vấn đề, nhưng sự
thật cuối cùng lại chính là sự khẳng định. Mặc dù thiền không có bất cứ
một triết lý nào và phủ nhận tất cả những học thuyết được truyền dạy,
cũng như xem thường những gì được gọi là kinh điển, giáo lý, nhưng chúng
ta không được quên đi một thực tế là: sự phủ nhận này thật ra là một
thái độ hoàn toàn tích cực và nhắm đến một sự khẳng định rốt ráo. Chúng
ta sẽ làm rõ hơn điều này trong những chương tiếp theo sau đây.