Thiền – Thiền định?
Như đã nói, đây là một sự nhầm lẫn rất thường gặp ở nhiều người, ngay
cả ở một số Phật tử. Hầu như tất cả những người học thiền đều thực hành
thiền định như một phương pháp tu tập chính. Tuy nhiên, điều đó hoàn
toàn không có nghĩa là có thể đồng nhất hai danh từ này. Tu tập thiền
định chỉ là một khía cạnh trong cuộc sống của người học thiền, nhưng
không phải là mục đích cuối cùng. Mục tiêu nhắm đến của thiền là nhận ra
và tự mình làm chủ được bản tâm, bằng sự quán sát sâu vào bản chất thực
sự của tâm. Việc nhận ra được bản chất thực sự của tâm thức được nhà
thiền gọi là “kiến tánh”, hay thấy tánh, và được xem là mục tiêu cơ bản
nhất của người học thiền. Vì thế, thiền không đơn thuần là thiền định,
mà trong thực tế chỉ sử dụng thiền định như một trong các phương thức để
đạt đến mục tiêu của mình. Toàn bộ các phương pháp tu tập, rèn luyện
của thiền là nhắm đến việc mở rộng nhận thức nội tâm để có thể nhìn thấu
bản chất của sự hiện hữu.
Khi thực hành thiền định, hành giả tập trung tư tưởng vào một đối tượng
nào đó, chẳng hạn như quán tưởng về lòng từ bi không giới hạn, hoặc về
tính chất vô thường của đời sống. Theo cách nhìn của thiền thì sự quán
tưởng này cũng chỉ là phương tiện, không phải mục đích. Bởi vì thiền
nhấn mạnh sự vượt thoát mọi ràng buộc, mọi nỗ lực phi tự nhiên. Về bản
chất, thiền định cũng là một nỗ lực phi tự nhiên. Trong cách nhìn của
một thiền giả, chim bay giữa trời, cá bơi trong nước, tất cả đều đã là
quá đủ và không cần có bất cứ một nỗ lực thay đổi nào. Tại sao chúng ta
phải bận tâm đến những điều như là sự hợp nhất giữa con người và Thượng
đế, hay tính chất vô nghĩa của đời sống? Tại sao phải phí bỏ thời gian
quý giá trong cuộc sống để bận tâm đến thiên đàng của các vị thần thánh
hay hỏa ngục với lửa dữ thiêu đốt? Vì thế, thiền định cũng chỉ được xem
là một phương tiện giúp hành giả đạt đến một kinh nghiệm tâm linh và mở
rộng nhận thức nội tâm, tiến gần hơn đến việc trực nhận thực tại đời
sống. Trong ý nghĩa đó, việc thực hành thiền định trong nhà thiền rõ
ràng cũng có phần khác biệt mà không hoàn toàn giống như ở các tông phái
khác.
Đối với thiền, thực ra không có đối tượng nào để tâm thức có thể hướng
đến. Thiền là đám mây trắng bềnh bồng trôi giữa bầu trời trong xanh.
Không có gì trói buộc, kiềm hãm nó. Nó trôi đi tùy thích. Đôi khi, thiền
dạy chúng ta suy ngẫm về tính đồng nhất của vạn vật khi mọi sự khác
biệt và bất đồng được soi rọi trong ánh sáng trí tuệ và triệt tiêu hoàn
toàn. Đôi khi, thiền cũng dạy chúng ta biết rằng mỗi bông hoa dại nhỏ
nhoi trên cánh đồng rộng lớn đều phản chiếu ánh sáng hiện hữu huy hoàng
của toàn vũ trụ.
Nhưng điều mà thiền thực sự nêu lên là: “Xét cho cùng, vạn hữu có thể
gom về nhất thể, nhất thể ấy sẽ gom về đâu?” Thiền vốn nhắm đến giải
phóng tâm thức khỏi mọi sự ràng buộc, ngăn ngại, nên đối với thiền thì
ngay cả ý tưởng “một” hay “tất cả” cũng đã là một thứ chướng ngại, một
thứ bẫy rập đe dọa siết chặt sự tự do của tâm thức. Và việc thực hành
công phu thiền định trong nhà thiền không được phép rơi vào những sự
trói buộc đó.