Thiền học
Chín Yếu Tố Phát Triển Thiền Quán
Thiền sư Kundalàbhivamsa Việt dịch: Tỳ kheo Thiện Minh, 1998
13/10/2554 08:27 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Chương III

Yếu Tố Thứ Hai

 

 

* Yếu tố thứ nhất giúp phát triển ngũ quyền của hành giả là hướng tâm đến phương diện diệt của danh pháp và sắc pháp.

* Yếu tố thứ hai giúp phát triển ngũ quyền của hành giả là: trong khi hướng tâm đến phương diện diệt của pháp, hành giả phải chú niệm một cách cẩn trọng và thấu suốt để có thể thấy ra sự diệt thật sự. Xin hãy đọc 3 lần:

Yếu Pháp:

"Ðể mà quán chiếu
Ðòi hỏi một tâm
Có thuộc tính là
Cẩn trọng, thấu suốt".

 

a. Làm thế nào để chú niệm một cách cẩn trọng và thấu suốt?

Chú niệm một cách cẩn trọng nghĩa là thực hiện các hoạt động của thân một cách lặng lẽ, điềm đạm và khoan thai. Những cử động như ngồi xuống, đứng, co duỗi, cầm nắm, ăn uống v.v... nên được thực hiện một cách điềm đạm, khoan thai.

Chú niệm một cách thấu suốt nghĩa là chú tâm ở ngay hiện tại và thấy Paramattha (sự thật rốt ráo hay đệ nhất nghĩa đế).

 

b. Làm thế nào để chú tâm ở ngay trong hiện tại?

Ðiều này đòi hỏi một sự tinh tế và trầm tĩnh khi thực hiện các hành động của thân ngay trong hiện tại. Nếu các cử chỉ của hành giả vẫn cứ nhanh như phong cách sinh hoạt bình thường hàng ngày trước khi đến trường thiền này thì hành giả không thể bắt kịp cử động của thân vì các cử động quá nhanh trong khi tâm quán niệm còn chưa đủ định tĩnh.

Hành giả không thể chú tâm ở ngay hiện tại và do đó không còn thấy được bản chất của pháp.

Thật ra, danh pháp và sắc pháp chỉ hiện hữu ngay trong hiện tại. Lúc hành thiền, nếu sự chú niệm chỉ cần sớm hơn hoặc muộn hơn một giây, chỉ cần sai chệch một kẽ tóc so với sự xuất hiện của danh pháp và sắc pháp, điều đó có nghĩa là danh pháp và sắc pháp không còn nữa. Vì chúng không còn nữa, nên mặc dầu hành giả đang quán niệm, có vẻ như hành giả không có quán niệm, và không hề có sự chú tâm. Quán niệm cái không hiện hữu nghĩa là không có quán niệm. Hành giả không thể thấy pháp.

Sự phát sanh của sắc pháp và danh pháp có thể ví như sự phóng tia lửa điện của hai đám mây tạo nên tia chớp. Tia chớp xuất hiện vì có sự va chạm điện của hai đám mây. Nó xuất hiện ngay lúc va chạm và tức thì biến mất. Tìm kiếm tia chớp điện giữa hai đám mây trước lúc va chạm là vô nghĩa. Sau khi đã thấy ánh sáng của tia chớp mà tìm kiếm tia chớp giữa hai đám mây cũng là vô ích.

Tương tự như vậy, danh pháp và sắc pháp ở trong ngũ uẩn, trước khi chúng phát sanh, không thể tìm thấy chúng. Sau khi phát sanh do hội đủ nhân duyên, chúng lại biến mất rất nhanh. Hỏi chúng đi đâu và tìm kiếm chúng trong ngũ uẩn chẳng ích lợi gì. Không thể tìm thấy chúng được. Chúng chỉ hiện hữu ngay trong giây phút hiện tại khi chúng phát sanh. Vì vậy hành giả chỉ có thể thấu suốt bản chất của danh pháp và sắc pháp nếu hành giả có thể chú niệm ngay trong giây phút hiện tại. Xin hãy đọc 3 lần:

Yếu Pháp:

"Từ vô hình chúng hiện
Rồi trở lại vô hình
Cũng giống như tia chớp
Danh sắc hiện rồi tiêu".

Do đó, khi hành thiền, để có thể chú tâm ngay nơi hiện tại, hành giả phải sinh hoạt hết sức nhẹ nhàng, khoan thai, chậm rãi như một người đang bị bệnh. Thiền sư Mahàsi khuyên rằng, trong các loại bệnh, hành giả nên chọn cách cử động như người đang bị đau lưng vậy. Người đau lưng thì vẫn còn mạnh khỏe như thường, nhưng vì sợ lưng bị đau, nên:

- Khi ngồi xuống, họ ngồi nhẹ nhàng và chậm rãi.
- Khi đứng lên, họ đứng rất nhẹ nhàng và chậm rãi.
- Khi cầm hay lấy cái gì, họ cũng làm rất nhẹ nhàng và chậm rãi.

Vì sao vậy? Vì họ biết rằng họ đang bị đau lưng. Hành giả cũng phải thực hiện các cử chỉ của mình một cách nhẹ nhàng và chậm rãi như vậy. Có thể cử động nhẹ nhàng như người bệnh, hành giả mới có thể sống trong giây phút hiện tại và thấy pháp.

 

c. Làm thế nào để thấy pháp chơn đế (Paramattha)?

Hành thiền theo sự hướng dẫn của Thiền sư Mahàsi, thì khi niệm "phồng, xẹp, ngồi, đụng, giở, bước, đạp, co duỗi v.v..." hành giả phải tách tâm mình ra khỏi Pannatti (tên, khái niệm, sự thật chế định) và phải quan sát Paramattha (sự thật tuyệt đối, đệ nhất nghĩa đế) mà thôi. Pannatti là gì? Là những gì có thể thấy bằng mắt, như bụng, đầu, thân, tay, chân, những hình dáng, tư thế v.v... Paramattha là những gì mắt thường không thấy được. Như yếu tố kết dính, yếu tố chuyển động, yếu tố nóng lạnh và yếu tố cứng mềm. Pannatti và Paramattha không tồn tại riêng biệt mà luôn kết hợp với nhau. Paramattha ở ngay trong Pannatti.

Khi hành giả niệm phồng, xẹp, ngồi, đụng thì hình dáng của bụng đang phồng lên, hình dáng của bụng đang xẹp xuống, hình dáng ở đầu, thân, tay, chân và hình dáng của mông đang đụng, tất cả đều có thể nhìn thấy bằng mắt. Những cái đó gọi là Pannatti.

Ngược lại, khi niệm phồng, sự căng phồng tăng lên từ từ, bản chất của sự căng phồng đó là Phong đại (Vàyo-paramattha). Khi niệm xẹp, sự căng phồng giảm xuống từ từ, bản chất của sự co rút đó gọi là Phong đại (Vàyo-paramattha).

Khi niệm ngồi, tính căng phồng là Phong đại (Vàyo-paramattha).

Khi niệm đụng, tính cứng là Ðịa đại (Pathavi-paramattha), tính nóng là Hỏa đại (Tejo-paramattha). những pháp Paramattha này không thể thấy bằng mắt thường mà chỉ có thể thấy bằng Tuệ nhãn.

Khi niệm phồng, hành giả không nên chú ý đến Pannatti là hình dáng của bụng mà phải soi chiếu để thấy Paramattha là bản chất của sự căng phồng liên tục từ bên trong bụng.

Hành giả phải ghi nhớ rằng để bắt kịp pháp hiện tại thì tâm chú niệm phải xảy ra cùng lúc với sự căng phồng liên tục.

Khi niệm xẹp, hành giả không nên chú ý đến Pannatti là hình dáng của bụng mà phải quán chiếu Paramattha là bản chất của sự xẹp dần bên trong. Hành giả cũng phải nhớ chú niệm kịp thời với pháp hiện tại.

Khi niệm ngồi, hành giả không nên chú ý đến Pannatti (đầu, thân , tay, chân)mà thay vào đó phải chú tâm vào Paramattha tức là sự nâng đỡ được thúc đẩy bởi luồng khí phát sanh do ý muốn ngồi. Hành giả phải chú niệm kịp thời với tiến trình đang diễn ra.

Khi niệm đụng hành giả không nên chú ý đến Pannatti là hình dáng của bàn tọa mà phải chú tâm vào Paramattha nghĩa là tính cứng và tính nóng.

Khi đi, hành giả niệm "giở, bước, đạp". Khi niệm "giở", Pannatti là hình dáng của chân phải được lờ đi, trong khi Paramattha, tính chất chuyển động của sự giở phải được hành giả chuyên tâm chú niệm. Chuyển động nhấc lên từ từ phải được quán niệm ngay khi đang diễn ra.

Khi niệm bước, cũng không nên quan tâm đến Pannatti là hình dáng của chân mà chỉ chuyên chú vào Paramattha là chuyển động bước tới. Sự chú niệm phải đồng thời với chuyển động bước tới trong hiện tại.

Khi niệm đạp, Pannatti là hình dáng của chân nên bỏ qua mà chỉ chú tâm quan sát chuyển động đưa xuống của chân. Chuyển động đưa xuống đó phải được chú niệm ngay khi đang xảy ra. Xin đọc lại 3 lần:

Yếu Pháp:

"Ðể chú niệm đúng đắn
Chế định phải lờ đi
Chỉ quan sát chơn đế".

Khi chúng ta có thể chú niệm kịp thời trong hiện tại, và có thể thấy được thực tánh Paramattha, khởi đầu từ sự thấy rõ Tứ đại, chúng ta sẽ thấy được pháp. Bằng cách nào? Khi niệm giở, nếu có thể tách sự chú niệm khỏi Pannatti là hình dáng của chân và quán niệm bắt kịp chuyển động đang diễn ra, hành giả không chỉ thấy được bản chất của chuyển động giở lên mà còn thấy được tính nhẹ trong đó. Thấy được tính nhẹ là thấy được Hỏa đại và Phong đại.

Khi niệm bước, nếu có thể tách sự chú niệm khỏi Pannatti là hình dáng của chân và quán niệm bắt kịp chuyển động đang diễn ra, hành giả sẽ thấy được tính chuyển động liên tục và tính nhẹ càng lúc càng tăng, tức là thấy được Hỏa đại và Phong đại.

Hỏa đại là động năng, là yếu tố lửa và yếu tố nhẹ. Phong đại là yếu tố gió và yếu tố nhẹ. Hành giả thấy được thực tánh của tứ đại là nhờ sự quán niệm cẩn trọng và thấu suốt. Xin hãy đọc lại 3 lần:

Yếu Pháp

"Trong hai yếu tố
Hỏa đại và Phong đại
Nổi bật là nhẹ".

Khi niệm đạp nếu có thể tách sự chú niệm khỏi Pannatti là hình dáng của chân và quán niệm bắt kịp chuyển động đạp, hành giả sẽ thấy được tính chuyển động liên tục và tính nặng càng lúc càng tăng, tức là thấy được Ðịa đại và Thủy đại.

Ðịa đại là yếu tố cứng, yếu tố đất và yếu tố nặng. Thủy đại là yếu tố lỏng và yếu tố nặng. Hành giả thấy được hai yếu tố này là nhờ chú niệm cẩn trọng và thấu suốt. Xin hãy đọc lại 3 lần:

Yếu Pháp

"Trong hai yếu tố
Ðịa đại, Thủy đại
Nổi bật là nặng".

 

d. Thiền chỉ và thiền quán.

Tôi sẽ nói về sự khác biệt của thiền chỉ và thiền quán, một điều rất hữu ích cho các hành giả.

Quý vị ở đây hành thiền chỉ hay thiền quán? Vâng, quý vị hành thiền quán. Nhưng để hành thiền quán một cách đúng đắn, quý vị phải biết được bản chất của thiền chỉ và thiền quán.

Người hành thiền định tập trung tâm vào một đề mục cụ thể và hướng tâm theo một ý niệm chuyên nhất về Pannatti. Họ chuyên chú cho đến mức Pannatti trở thành một cái tưởng lưu lại trong tâm suốt cả thời gian định niệm. Như vậy, đối tượng làPannatti và phương pháp định niệm là chú trọng vào tính chất không thay đổi của đối tượng. Ðó là thiền chỉ. Hành giả có duy trì phương pháp chuyên niệm như vậy, mới có thể đắc định một cách hoàn hảo.

Chẳng hạn, hành giả muốn thực hành đề mục đất, trước hết phải nắn đất thành một dụng cụ hình tròn cỡ cái mâm. Sau đó đặt nó trước mặt, nhìn không chớp mắt, và niệm "đất, đất...". Ngay cả khi nhắm mắt, hành giả vẫn có thể thấy hình ảnh đó trong tâm. Ðiều cần thiết là phải duy trì cái tưởng về đất ở trong tâm một cách liên tục suốt cả thời gian hành thiền. Dụng cụ bằng đất bằng cỡ cái mâm đó, là Pannatti. Khi định niệm, hành giả phải hướng tâm vào hình ảnh hiện diện thường xuyên trong tâm ở mọi lúc, nghĩa là hướng tâm vào phương diện lâu dài. Lối chú niệm với đối tượng là Pannatti và định hướng tâm tập trung vào hiện tượng kéo dài đó-gọi là thiền chỉ. Xin hãy đọc lại 3 lần:

Yếu Pháp:

"Chuyên chú pháp chế định
Thấy nó là lâu dài
Ðó chính là thiền chỉ".

Trái lại, người hành thiền quán chỉ duy trì sự chú tâm trên Paramattha và quán chiếu thuộc tánh Paramattha. Tâm hướng về phương diện diệt và thuộc tính vô thường của các pháp chỉ khi đó hành giả mới đạt được minh sát tuệ và thấy pháp.

Chẳng hạn, trong niệm "phồng xẹp", khi niệm "phồng", hành giả phải bỏ qua Pannatti mà chỉ chuyên chú vào tính căng phồng, tính bành trướng và tính chuyển động (Paramattha). Hành giả phải luôn luôn ghi nhớ rằng tính căng phồng này, chính là Paramattha, diệt ngay khi vừa được chú niệm. Nó đã biến mất. Và hành giả phải hướng tâm vào sự diệt, vào thuộc tính vô thường của nó. Hành giả đạt được Diệt trí (Bhaga Nàna) sẽ thấy rõ sự diệt và vô thường bằng chính sự thể nghiệm của mình.

Khi niệm xẹp, hành giả không nên quan tâm tới hình dáng của bụng là Pannatti, mà phải chuyên tâm chú niệm tính chuyển động, tính co rút. Hành giả sẽ thấy rằng tính chuyển động, chính là Paramattha, diệt ngay khi vừa được chú niệm. Nó đã biến mất. Hành giả phải hướng tâm vào sự diệt, vào thuộc tính vô thường của nó. Như vậy, với đối tượng là Paramattha, và sự chú niệm hướng vào thuộc tính vô thường, phương pháp này gọi là thiền quán. xin hãy đọc lại 3 lần:

Yếu Pháp:

"Quán niệm tính vô thường
Của các pháp chơn đế
Ðó chính là thiền quán".

Trong tu tập thiền quán, chúng ta nên bỏ qua Pannatti để thấy rõ Paramattha càng nhiều càng tốt. Thực tế, chúng tồn tại song song với nhau. Khi Pannatti nổi bật thì Paramattha không rõ ràng, ngược lại khi Paramattha trội hẳn lên thì Pannatti không còn rõ ràng nữa mà chìm xuống.

Ở giai đoạn đầu của thiền quán, khi trí tuệ của hành giả còn yếu kém, thì Pannatti - như hình dáng của đầu, bụng, chân, tay - rất rõ ràng, ngược lại Paramattha - như tính căng phồng, tính chuyển động, tính nóng, tính lạnh, tính cứng, tính mềm-không rõ ràng mà chìm xuống. Xin hãy đọc lại 3 lần:

Yếu Pháp:

"Khi chế định nổi bật
Chơn đế sẽ chìm xuống"

Khi hành giả đạt đến Diệt trí, thấy ra bản chất diệt của các pháp, và khi minh sát tuệ đã mạnh mẽ, thì Pannatti không còn nổi bật nữa mà nhường chỗ cho Paramattha.

Khi niệm "phồng", hình dáng của bụng không còn rõ ràng, mà chỉ có sự căng phồng là nổi bật. Khi niệm xẹp, hình dáng của bụng cũng không rõ ràng mà chỉ có tính chuyển động, tính co rút, tức Paramattha là nổi bật.

Vì tuệ quán của hành giả đã phát triển nên Paramattha trội hẳn lên và Pannatti chìm xuống. Xin hãy đọc 3 lần:

Yếu Pháp:

"Khi chơn đế nổi bật
Chế định sẽ chìm xuống".

Chỉ khi nào phân biệt rõ ràng thiền chỉ và thiền quán, hành giả mới có thể hành thiền quán một cách đúng đắn và đắc pháp nhanh chóng.

Bàn về yếu tố thứ hai giúp phát triển ngũ quyền - là quán niệm cẩn trọng và thấu suốt - tôi đã giải thích khá đầy đủ trong pháp niệm thân, như quán niệm "phồng, xẹp, ngồi, đụng, giở, bước, đạp". Bây giờ tôi sẽ nói về phương pháp niệm thọ một cách cẩn trọng và thấu suốt.

Thực hành thiền quán, hành giả thường gặp ba loại cảm thọ. Ba cảm thọ này thường đi kèm với ba khuynh hướng bất thiện (Akusala anusayà). Chỉ khi loại bỏ được ba khuynh hướng bất thiện này, hành giả mới có thể đạt được mục đích tối thượng là Ðạo, Quả và Niết-bàn.

Theo thứ tự trong kinh điển thì có thọ lạc, thọ khổ và thọ xả. Nhưng theo thực nghiệm của hành giả thì thứ tự đó là thọ khổ, thọ lạc và thọ xả.

- Trong thọ khổ thường phát sanh tâm sân (Dosa)
- Trong thọ lạc thường phát sanh tâm tham (Lobha)
- Trong thọ xả thường phát sanh tâm si (Moha).

Khi thọ khổ phát sanh, nếu hành giả không khéo quán niệm, thì trong suốt tiến trình xuất hiện của thọ khổ, sân - do không chịu đựng nổi, và ưu - do khó chịu, bực mình - sẽ phát sanh lên mãi.

Khi thọ lạc phát sanh, nếu hành giả không khéo quán niệm, thì trong suốt tiến trình diễn ra của thọ lạc, Tham - do quá thích thú - phát triển sanh lên mãi.

Khi thọ xả phát sinh, nếu hành giả không khéo quán niệm thì trong suốt tiến trình hiện diện của thọ xả, Si - do mơ hồ - sẽ phát sanh lên mãi.

Trong ba cảm thọ, hành giả sẽ bắt gặp thọ khổ trước tiên. Trong thọ khổ thường phát sanh tâm sân. Ðể loại bỏ tâm sân, hành giả cần chú niệm cho đến khi khắc phục được khổ thọ - giống như nhổ cái gai ra.

 

e. Phương pháp quán niệm để khắc phục thọ khổ.

Trong thiền quán, khắc phục thọ khổ là một trong những mục tiêu chính. Làm được điều này nghĩa là hành giả đã loại bỏ được tâm sân, và việc hành thiền coi như đã thành công được 50%.

Khi đạt được Danh sắc phân tích trí (Nàma-rùpa pariccheda Nàna), trí tuệ có thể phân biệt danh pháp và sắc pháp, thọ khổ không rõ ràng lắm. Với Duyên nhiếp thủ trí (Paccaya pariggha Nàna), trí tuệ thấy rõ nhân duyên của danh sắc, hành giả cũng không phải đối diện nhiều với thọ khổ. Phải đến Tư duy trí (Sammasana Nàna), trí tuệ thấy rõ tam tướng Vô thường, Khổ não, Vô ngã, thọ khổ mới nổi bật.

Theo sự chỉ dẫn cũa Thiền sư Mahàsi, trong khi ngồi, hành giả niệm "phồng, xẹp, ngồi, đụng". Ở giai đoạn đầu, mặc dù vẫn niệm liên tục, nhưng do thiếu định tâm, hành giả chưa phân biệt Danh và Sắc.

Khi niệm "phồng", hành giả nghĩ rằng cái phồng cũng như tâm chú niệm đều bắt nguồn từ trong mình. Khi niệm "xẹp". bụng "của ta"đang xẹp và "ta" đang chú niệm.

Tương tự, khi "ngồi, đụng", "ta" đang chú niệm và thân "của ta" đang ngồi hay đụng. Hành giả chỉ nhận ra rằng đó chỉ là Danh và Sắc.

Sau ba hay bốn ngày hành thiền, khi niệm "phồng" hành giả nhận ra rằng bản thân "phồng" là một hoạt động riêng biệt và tâm chú niệm là một hoạt động hoàn toàn khác hẳn.

Khi niệm "xẹp", hành giả thấy rằng "xẹp" là một thứ và tâm chú niệm là một thứ khác. Cũng vậy, khi niệm "ngồi, đụng", hành giả thấy rằng thân ngồi và đụng khác hẳn với tâm chú niệm.

Phồng, xẹp, ngồi, đụng là sắc pháp vô tri trong khi sự nhận biết về phồng xẹp, ngồi, đụng là danh pháp hữu thức.

Hành giả phân biệt được Danh và Sắc. Trí tuệ này gọi là Danh Sắc phân tích trí. Tuy nhiên đến đây thọ khổ vẫn chưa rõ rệt lắm.

Tiếp tục chú niệm, khi định tâm đã phát triển, hành giả bắt đầu thấy nhân duyên của danh sắc. Phồng, xẹp, ngồi, đụng là những pháp phát sanh lên trước, tâm chú niệm theo sau để ghi nhận.

Những pháp phát sanh trước - tức là phồng, xẹp, ngồi, đụng-là nhân pháp theo sau tức là "tâm chú niệm" - là quả. Ở giai đoạn Duyên nhiếp thủ trí này, thọ khổ cũng chưa nổi bật lắm.

Bằng sự tinh tấn liên tục, khi hành giả đạt đến Tư duy trí, các thọ khổ như đau nhức, ngứa ngáy, kích thích, hồi hộp, buồn nôn và tất cả các dao động khác, xuất hiện rất rõ ràng. Hành giả phải chú niệm để khắc phục các thọ khổ này giống như nhổ cái gai bị đâm vào trong người.

Có ba thái độ hành giả thường gặp khi cố gắng chú niệm để vượt qua thọ khổ:

1. Ðể thoát khỏi thọ khổ, hành giả chú niệm nhằm loại bỏ nó.

2. Ðể hoàn toàn thoát khỏi thọ khổ ngay khi đang ngồi, hành giả duy trì thái độ trấn áp.

3. Hành giả quán niệm để thấy ra thực tánh của thọ khổ.

Khuynh hướng thứ nhất, muốn loại bỏ thọ khổ, nghĩa là hành giả muốn có sự thoải mái. Quý vị hành thiền là để loại bỏ tham hay tăng trưởng lòng tham? Vâng, chúng ta hành thiền để loại bỏ tham. Nhưng nếu hành giả hành theo cách đó thì chỉ làm cho tâm tham bành trướng thêm. Mỗi một sự chú niệm đều có kèm theo phiền não. Hành giả khó lòng thấy được pháp và trí tuệ cũng khó mà phát triển. Vì vậy không nên theo khuynh hướng này.

Trong Kinh dạy rằng, khi có thọ khổ, hành giả nên chú niệm đang cảm nhận thọ khổ. Nếu hành giả chú niệm, đừng có lo lắng, mà chỉ giữ thái độ trầm tĩnh, ôn hòa. "Cảm thọ sẽ gây nên đau khổ, vì bản chất của nó là vậy. Nhưng bổn phận của tôi là phải chú niệm."

Do cảm thọ trở nên mãnh liệt hơn, đôi lúc hành giả vô tình làm cho thân và tâm căng thẳng. Không nên làm như vậy. Ngược lại, khi cảm thọ quá mãnh liệt, nên thư giãn cả thân lẫn tâm một lát. Sau đó phải đặt tâm chú niệm ngay trên thọ khổ, để tìm xem thọ khổ thực sự đang ở đâu: ngay nơi da, hay trong thịt, trong gân, trong xương, trong tủy.

Hành giả phải quán chiếu thật thấu suốt để thấy cảm thọ đến như thế nào, và ở mức độ nào? Vừa quan sát vừa niệm "đau..., đau...", "ngứa...,ngứa...", "nhức..., nhức...", hành giả cứ niệm một lần, hai lần, ba lần v.v...

Khi đã chú niệm ngay trên cảm thọ và thấy rõ mức độ của cảm thọ lúc đó hành giả mới được xem là đã đạt đến một trình độ định tâm thích hợp đủ để làm nền tảng liễu tri bản chất của cảm thọ. Hành giả không nên quán triệt một cách qua loa, hời hợt bên ngoài mà phải quán chiếu thật sâu để thấy được bản chất thay đổi liên tục không ngừng của cảm thọ.

Khi định tâm đã vững vàng, sau 4 hoặc 5 niệm, hành giả sẽ thấy rằng cơn đau càng lúc càng dữ dội hơn. Vẫn tinh tấn duy trì chánh niệm, sau khi đã lên đến cực điểm, cơn đau sẽ dần dần giảm đi. Hành giả cảm thấy cảm giác đau lắng dịu đi một chút. Tuy nhiên, hành giả không nên ngừng hay buông lỏng sự chú niệm mà vẫn phải chú tâm một cách xuyên suốt như trước.

Cảm nhận được cơn đau tăng dần trong 4 hay 5 niệm và sau đó giảm dần đi, tức là đã thấy được bản chất của thọ khổ.

Vẫn chú niệm liên tục và phát triển định tâm, hành giả sẽ thấy rằng chỉ trong một niệm, cơn đau tăng lên dữ dội. Và khi đã đạt đến cực điểm, cơn đau giảm dần, nên hành giả thấy rằng chỉ trong một niệm, cơn đau giảm đi đáng kể hay là thay đổi sang vị trí khác. Như vậy là đã thấy được bản chất của cảm thọ.

Với định tâm tăng trưởng nhờ sự tinh tấn liên tục, mà trong một niệm hành giả thấy được thọ khổ phát sanh và trong niệm tiếp theo thấy được thọ khổ diệt mất. Ðó là thấy được sinh diệt của thọ khổ, cũng tức là bắt đầu vượt qua được thọ khổ.

Tiếp tục quán niệm, định tâm phát triển, khi quan sát một cơn đau, hành giả không thấy sự bắt đầu hay sự xuất hiện của cơn đau, mà chỉ thấy sự chấm dứt hay sự hoại diệt của cơn đau.

Như vậy, trong một sự chú niệm, thọ khổ chấm dứt, thọ khổ biến mất, và do đó hành giả không còn phải chịu đựng một thọ khổ nào nữa.

Tâm chú niệm đã vượt qua thọ khổ. Sân và Ưu, sự bực mình và khó chịu do thọ khổ gây nên, sẽ không phát sanh lại.

Như vậy là đã hoàn tất công việc loại bỏ tâm sân đi kèm với thọ khổ. Xin hãy đọc 3 lần:

Yếu Pháp:

"Trong thọ khổ
Phát sanh sân
Phải loại bỏ
Mới thành công."

Khi định tâm tăng trưởng do sự tinh tấn không ngừng, một hành giả thông tuệ sẽ thấy rằng khi chú niệm thọ khổ, hành giả thấy được sự diệt của thọ khổ cũng như sự diệt của tâm chú niệm. Hành giả thấy rằng thọ khổ là vô thường và tâm chú niệm cũng vô thường. Hành giả thấy được tướng Vô thường.

Vì sự diệt xảy ra quá nhiều, quá nhanh, hành giả thấy rằng đó là Khổ.

Hành giả tự hỏi xem làm thế nào để có thể tránh né hay ngăn chặn thọ khổ, nhưng không được, vì chúng diễn tiến theo ý riêng của chúng và hành giả không thể nào điều khiển được. Hành giả thấy ra tướng Vô ngã.

Khi hành giả có đầy đủ trí tuệ thấy rõ Vô thường, Khổ não, Vô ngã, tâm sân vẫn thường đi kèm với thọ khổ coi như đã được loại bỏ hoàn toàn và hành giả sẽ đạt được Ðạo, Quả, Niết bàn, điều mà hành giả đã phát tâm một cách đúng đắn.

Tôi đã giải thích khá đầy đủ về phương pháp đoạn trừ tâm sân bằng cách quán niệm thọ khổ.

 

f. Làm thế nào để vượt qua thọ lạc?

Bây giờ tôi sẽ đề cập đến phương pháp đoạn trừ tâm tham bằng cách quán niệm thọ lạc một cách cẩn trọng và thấu suốt.

Khi đã thấy rõ thọ khổ bằng Tư duy trí, nếu tiếp tục hành theo chỉ dẫn của thiền sư, chẳng bao lâu hành giả sẽ đạt đến tuệ thứ tư là Sinh diệt trí, trí tuệ thấy rõ sự sinh diệt của các pháp.

Hành giả vừa mới đạt được Sinh diệt trí, sẽ thấy thân và tâm đều nhẹ nhàng, nhu nhuyến và thích ứng. Người nào trước đây có thể ngồi một giờ phải thay đổi tư thế hai hay ba lần, bây giờ có thể ngồi suốt không thấy mỏi. Người nào trước đây có thể ngồi một giờ thì bây giờ có thể ngồi hai, ba hay thậm chí bốn giờ.

Ðạt được Sinh diệt trí, thân và tâm của hành giả đều thuần thục. Ðối tượng Sắc tự động phát sanh lên và tâm chú niệm cũng tự động làm việc. Việc hành thiền trở nên rất dễ dàng. Hành giả chưa bao giờ cảm thấy an lạc và thoải mái như vậy trong đời sống hàng ngày trước đây, một cảm giác thanh thản, bình yên mà hành giả chưa từng trải qua bao giờ. Nhờ phỉ lạc của thiền mà hành giả có được sự an ổn dễ chịu của cả thân lẫn tâm, một thọ lạc mà trong cuộc sống hàng ngày hành giả chưa từng thưởng thức.

Do đó hành giả phát sanh tâm dính mắc với thọ lạc. Ðây gọi là sự phát sanh của tâm tham trong thọ lạc. Ðể đoạn trừ tâm tham này, đòi hỏi hành giả phải quán niệm cho đến khi thấy thọ lạc như là khổ. Xin hãy đọc 3 lần:

Yếu Pháp:

"Khi thọ lạc phát sanh
Thấy như là thọ khổ
Ðó là chú niệm đúng."

Chú niệm thọ lạc của thân và của tâm bằng cách nào? Chúng ta phải chú niệm vào cái nào nổi bật nhất. Nếu thọ lạc của thân nổi bật, thì ta phải chú niệm vào thọ lạc của thân một cách sâu sắc để thấy nó thật rõ. Khi đạt đến giai đoạn chín chắn của Sinh diệt trí, hành giả sẽ thấy thọ lạc bị gián đoạn, cảm giác gọi là "lạc" đó không liên tục mà có khoảng ngừng ở giữa.

Hành giả thấy rằng một thọ lạc phát sanh lên rồi biến mất; sau đó một thọ lạc mới lại phát sanh lên rồi thọ lạc mới đó cũng biến mất.

Khi trí tuệ mạnh mẽ hơn nữa, hành giả thấy tốc độ sanh diệt càng lúc càng nhanh hơn. Do chúng sanh quá nhanh và diệt quá nhanh, nên có cảm giác như chúng bức bách hành giả. Hành giả nghĩ đến nó như một dạng của thọ khổ. Bấy giờ, do thấy thọ lạc như là thọ khổ, hành giả đã hoàn thành phận sự đoạn trừ tâm tham vẫn thường phát sanh lên trong thọ lạc.

Ở giai đoạn chín chắn của Sinh diệt trí, hành giả thấy rằng thọ lạc thuộc về tâm cũng không phải là một tiến trình liên tục. Hành giả thấy có khoảng trống ở giữa.

Hành giả thấy rằng một thọ lạc của tâm phát sanh lên rồi diệt mất, sau đó một thọ lạc khác của tâm lại phát sanh lên rồi cũng diệt mất.

Khi trí tuệ càng vững vàng hơn, thì tốc độ sanh diệt cũng nhanh hơn. Có cảm giác như đó là một sự bức bách, và hành giả nhận ra rằng đó cũng là một hình thức của đau khổ. Do thấy thọ lạc của tâm như là thọ khổ, hành giả đã hoàn thành phận sự đoạn trừ tâm tham vẫn thường là nguyên nhân gây ra sự dính mắc trong thọ lạc. Xin hãy đọc 3 lần:

Yếu Pháp:

"Khi thọ lạc phát sanh
Thấy như là thọ khổ
Ðó là chú niệm đúng".

 

g. Phương pháp chú niệm để vượt qua thọ xả

Bằng sự chú niệm liên tục, hành giả sẽ từng bước đạt đến:

- Diệt trí (Bhanga Nàna): trí tuệ thấy rõ bản chất hoại diệt của các pháp hữu vi.
- Bố úy trí (Bhaya Nàna): trí tuệ thấy sợ đối với các pháp hữu vi.
- Quá hoạn trí (Ădinava Nàna): trí tuệ thấy sự nguy hiểm trong các pháp hữu vi.
- Yếm ly trí (Nibbida Nàna): trí tuệ có cảm giác nhàm chán đối các pháp hữu vi.
- Dục thoát trí (Mùncita-kamyata Nàna): trí tuệ muốn thoát ly ra khỏi các pháp hữu vi.
- Giản trạch trí (Patisànkha Nàna): trí tuệ phát sanh do sự quán chiếu sâu xa hơn.
- Hành xả trí (Sankhàupekhà Nàna): trí tuệ phát sanh từ sự bình thản trầm tĩnh.

Hành giả đã đạt đến Hành xả trí, khi gặp những đối tượng đáng sợ hãi hay đáng lo lắng trong đời sống hàng ngày, hoặc khi gặp những đối tượng trở ngại trong việc hành thiền, sẽ không bị xáo trộn nhiều. Hành giả có thể bỏ qua chúng. Ngược lại, khi gặp những đối tượng hấp dẫn, vừa lòng trong đời sống hàng ngày, hoặc khi gặp những đối tượng thoải mái, dễ chịu trong việc hành thiền, hành giả cũng không bị lôi cuốn và thỏa thích. Hành giả có thể lướt qua chúng rất nhẹ nhàng.

Ðạt đến Hành xả trí, do có thể tự tại với các hành pháp, nên hành giả chú niệm rất dễ dàng.

Sự phồng xẹp của bụng dường như diễn ra theo ý chúng và tâm chú niệm dường như làm việc một cách tự động.

Vì sự chú niệm quá dễ dàng, nên hành giả cảm thấy mình chỉ ngồi đó để ngắm nhìn. Sự tinh tấn của hành giả trở nên lỏng lẻo, và vì vậy ở đây tâm Si thường dễ phát sanh.

Ðó chính là sự phát sanh của tâm Si ở trong thọ xả. Xin hãy đọc 3 lần:

Yếu Pháp:

"Trong thọ xả
Phát sanh Si
Phải đoạn diệt
Mới thành công".

Hành giả cần phải chú niệm cho đến khi thấy rằng tâm Si phát sanh trong thọ xả là vô thường.

Mặc dầu hành giả biết rằng cần phải đoạn trừ tâm Si bằng cách chú niệm trên thọ xả, nhưng vì thọ xả quá vi tế khó có thể quan sát, nên tốt nhất hành giả trở lại quán niệm trên sự diệt của phồng xẹp.

Một người đã đạt đến Hành xả trí, tức là đã có nền tảng của Diệt trí-trí tuệ thấy rõ bản chất hoại diệt của các pháp hữu vi-nên ngay khi vừa trở về để chú niệm sự phồng xẹp với mức độ hết sức cẩn trọng và thấu đáo, hành giả sẽ thấy rõ tính cách diệt nhanh chóng của phồng xẹp cũng như của tâm chú niệm.

Hành giả nhận ra rằng phồng xẹp là vô thường mà tâm chú niệm cũng vô thường. Do thấy được thuộc tánh vô thường, hành giả đã hoàn thành phận sự đoạn trừ tâm Si phát sanh trong thọ xả. Và do đã đoạn trừ tâm Si mà hành giả chứng ngộ được giáo pháp cao thượng.

Như vậy chúng ta đã thảo luận xong hai vấn đề:

- Làm thế nào để chú niệm một cách cẩn trọng và thấu suốt trên thân, tức là trên phồng, xẹp, ngồi, đụng, giở, bước, đạp v.v...

- Làm thế nào để đoạn trừ ba thứ phiền não tùy miên là tham sân si khi quán niệm một cách cẩn trọng và thấu suốt trên 3 loại cảm thọ.