Chương V
Yếu Tố Thứ Ba
(Phần 2)
a. Lời chỉ dẫn tỉnh
giác thứ tư.
"Sanghàti patta cìvara
dhàrane sampajànakàrì-hoti"
Ðức Phật dạy rằng:
"Khi cầm y nội, y vai trái,
y tăng-già-lê và bình bát, hành giả phải cầm với sự chú tâm trọn vẹn."
Khi sờ vào y trái, đưa về phía
mình và đắp lên người, tất cả những hành động đó phải được làm với sự chú tâm
trọn vẹn.
Khi đụng vào bình bát, đưa về
phía mình, cầm và giữ nó trong tay, tất cả những hành động đó phải được làm với
sự chú tâm trọn vẹn.
Khi chạm vào y tăng-già-lê, đưa
về phía mình và đắp lên người, tất cả những hành động đó phải được làm với sự
chú tâm trọn vẹn.
Khi chạm vào y nội, đưa về phía
mình và quấn lên người, tất cả những hành động đó phải được làm với sự chú tâm
trọn vẹn. Xin hãy đọc 3 lần:
Yếu Pháp:
Y, bát, vật phụ tùng
Mỗi khi cầm nắm lấy
Phải chú tâm trọn vẹn
Ðó chính là tỉnh giác.
Khi đưa tay lấy y, hành giả niệm
"đưa tay..., đưa tay..."
Khi đưa tay đụng vào y, niệm
"đụng..., đụng..."
Khi cầm y lên, niệm "cầm
lên..., cầm lên..."
Khi mặc y, niệm "mặc...,
mặc..."
Khi đụng, cầm lên và mặc y, hành
giả đều làm với chánh niệm. Ðó là dành cho chư tăng.
Các hành giả ở đây, tất cả quý
vị cũng vậy, phải làm tất cả mọi hành động với chánh niệm. Khi cầm lấy quần áo
và mặc vào, mọi hành động đều phải có chánh niệm. Khi hành giả đã hình thành
được thói quen làm mọi việc với chánh niệm, hành giả có thể làm tất cả mọi thứ
với sự chú tâm trọn vẹn. Chỉ cần hình thành cho được thói quen thôi. Ðiều quan
trọng nhất không phải là nhìn thật xa, chỉ cần giữ tầm mắt trong một phạm vi ngắn
và luôn nhìn xuống, hành giả duy trì tâm của mình trên thân một cách chuyên
chú.
Nếu làm được như vậy thì tỉnh
giác không phải là một việc khó. Nhưng nếu hành giả vẫn cứ nhìn xa như trước
đây và không duy trì chánh niệm trên thân một cách liên tục thì tỉnh giác là
một công việc rất khó khăn. Một khi hành giả đã thành công trong chánh niệm
tỉnh giác, chắc chắn hành giả cũng thành công trong thiền quán. Do đó hành giả
phải cố gắng chánh niệm tỉnh giác.
b. Lời chỉ dẫn tỉnh
giác thứ năm
"Asite pìte khàyite sàyita
sampajànakàrì hoti".
Ðức Phật dạy rằng:
"Khi ăn, khi uống, khi nhai,
khi nuốt, tất cả phải được thực hiện với sự chú tâm trọn vẹn".
Khi ăn cơm, uống nước, nhai thức
ăn hay nuốt xuống, tất cả phải được làm với chánh niệm, các hành giả muốn hành
thiền để chứng đắc đạo quả thì phải chú niệm hết thảy mọi hành động không bỏ
xót. Xin hãy đọc 3 lần:
Yếu Pháp:
Khi ăn hoặc khi uống
Ðều chú tâm trọn vẹn
Ðó chính là tỉnh giác.
Có 3 cách ăn có ích và thành tựu
thiện pháp:
1. Ăn với giới
2. Ăn với định
3. Ăn với tuệ
1. Ăn với giới: Khi ăn
hành giả phải quán xét với trí tuệ.
Tỳ kheo và Sa di khi ăn phải
quán xét như vầy:
- Ta ăn không phải để vui đùa như trẻ con.
- Ta ăn không phải để tăng thêm sức mạnh và tự hào về sức mạnh của mình như các
lực sĩ, võ sĩ.
- Ta ăn không phải để làm đẹp thân mình như các nghệ sĩ, vũ nữ...
Tỳ kheo và sa di ăn để:
- Thân được mạnh khỏe
- Sự mệt nhọc giảm bớt
- Có thể tu tập Tứ Niệm Xứ để chứng đắc đạo quả.
Nếu có thể được, thì mỗi miếng
cơm đều phải quán xét như vậy. Nếu không, mỗi ngày phải quán xét ít nhất là một
lần. Cách ăn với sự quán xét như vậy gọi là Quán tưởng vật dụng giới (paccaya
sannissita sìla). Các hành giả ở đây khi hành thiền với mục đích đạt được các
tầng tuệ giác đều cần phải quán tưởng như vậy.
Ngay khi hành giả quán tưởng
rằng mình ăn vật thực này là để hành thiền, để tu tập Tứ Niệm Xứ, thì hành giả
đã tạo được thiện pháp.
Khi đã quen quán tưởng thì không
còn thấy khó khăn nữa. Hành giả có thể làm được điều này. Quán tưởng như vậy,
hành giả có được quán tưởng vật dụng giới (paccaya sannissita sìla) và thiện
giới (sìla kusala). Ðó gọi là ăn với giới. Xin hãy đọc 3 lần:
Yếu Pháp:
Hành thiền, có quán tưởng
Gọi là "ăn với giới".
2. Ăn với định: Khi ăn,
hành giả nên quán xét với tâm từ rằng: Cầu chúc cho những người đã bố thí vật
thực này, những người đã nấu nướng những thức ăn này và các hành giả đồng tu
được mạnh khỏe, an vui. Cầu cho tất cả chúng sanh trong mười phương được mạnh
khỏe, an vui.
Ðề mục tâm từ là một trong nhiều
đề mục của thiền định. Ăn với sự quán tưởng như vậy, hành giả đạt được thiện
pháp hành thiền định. Xin hãy đọc 3 lần:
Yếu Pháp:
Ăn với tâm từ ái
Gọi là ăn với định.
Ăn với tâm từ là một đề mục
thiền định, vì vậy trong khi ăn hành giả đạt được Ðịnh thiện (Samatha kusala).
3. Ăn với tuệ: Hành
giả phải hành thiền quán trong khi ăn. Chú niệm tất cả các cử động của thân
trong khi ăn chính là ăn với tuệ.
Ngay khi hành giả thấy bàn ăn,
hành giả phải làm gì? Hành giả niệm "thấy..., thấy..."
Khi đưa tay đến thức ăn,
niệm:đưa tay..., đưa tay..."
Khi đưa tay đụng vào thức ăn,
niệm"đụng..., đụng..."
Khi nắm một nắm cơm để đưa lên
miệng, niệm "nắm..., nắm..."
Khi đưa thức ăn lên miệng, niệm
"đưa..., đưa..."
Khi đầu cúi xuống gần thức ăn,
niệm "cúi..., cúi..."
Khi há miệng, niệm "há...,
há..."
Khi đút thức ăn vào miệng, niệm
"đút..., đút..."
Khi ngẩng đầu lên, niệm
"ngẩng..., ngẩng..."
Khi nhai niệm "nhai...,
nhai..."
Khi nhận ra mùi vị, niệm
"biết..., biết..."
Khi nuốt thức ăn, niệm
"nuốt..., nuốt..."
Ðó là cách mà Ngài Thiền sư
Mahàsi chú niệm trong khi ăn một miếng cơm. Nó cũng rất có ích cho các hành giả
muốn chú niệm cẩn thận và thấu đáo để cho chánh niệm được duy trì liên tục.
Ban đầu, hành giả không thể chú
niệm được tất cả, nhưng đừng có nản lòng. Khi định tâm mạnh hơn, hành giả sẽ có
thể ghi nhận hết thảy. Khi định tâm còn yếu, hành giả nên chú tâm vào động tác
nào nổi bật nhất. Ðộng tác nào nổi bật nhất đối với hành giả?
Nếu động tác "đưa tay"
là nổi bật, hành giả nên chú niệm các động tác đưa tay, không bỏ sót.
Nếu động tác "cúi đầu"
là nổi bật nhất, hành giả nên chú niệm các động tác cúi đầu, không bỏ sót.
Nếu động tác "nhai" là
nổi bật nhất, hành giả nên cố gắng chú niệm tất cả các động tác nhai, không bỏ
sót.
Ngài Thiền sư Mahàsi thường hỏi
các hành giả xem họ chú niệm động tác nhai như thế nào. Ngài hỏi để biết rằng
hành giả có biết các chú niệm hay không. Ngài hỏi hành giả là khi chú niệm động
tác nhai, là hàm trên hay hàm dưới, hàm nào chuyển động. Quý vị ở đây có biết
hàm nào chuyển động hay không? Vâng, hàm dưới.
Vài hành giả trả lời rằng cả hai
hàm đều chuyển động. Họ bảo tôi rằng cả hàm trên và hàm dưới đều chuyển động?
Có thật vậy không? Không. Vì hàm trên gắn liền với đầu, nên nó không chuyển
động. Chỉ khi hành giả nhai với sự chú tâm trọn vẹn thì mới nhận ra được chuyển
động của hàm dưới.
Ngài Thiền sư Mahàsi nhận ra
điều đó vì Ngài đã chú niệm với sự chú tâm trọn vẹn. Nếu một người chỉ quan sát
thân một cách hời hợt bề ngoài thì không thể biết được điều đó, vì tâm của
người đó chỉ nghĩ tới hương vị của thức ăn. Chuyển động của hàm dưới nên được
hành giả chú niệm là "nhai..., nhai..." Ðiều chủ yếu là hành giả biết
được chuyển động đó nên được chú niệm là "đưa lên, đưa xuống..." hay
"chỉ là chuyển động..." Ðiều quan trọng nhất là biết được tính cách
chuyển động.
Khi hành giả có thể chú niệm
tính cách của các chuyển động một cách rõ ràng, thì hành giả đó bắt đầu có Ðịnh
phát sinh do sức chú niệm, và Ðịnh vẫn tiếp tục trong các động tác khác. Ban
đầu hành giả phải chú niệm để có Ðịnh. Khi Ðịnh tăng dần thì Tuệ sẽ tự động
phát sinh. Ngay khi Ðịnh phát sinh do chú niệm các động tác của thân, minh sát
tuệ sẽ soi chiếu các động tác đó ngay lập tức.
Tiếp tục chú niệm, Ðịnh càng
mạnh mẽ thì Tuệ càng thấu suốt , hành giả nhận ra rằng các động tác đưa tay,
đụng, nắm cơm, đưa cơm lên, cúi đầu xuống, há miệng, đút cơm, ngẩng đầu lên,
nhai thức ăn, biết hương vị hay nuốt thức ăn là một việc, còn tâm chú niệm các
động tác đó là một việc khác. Lúc nào cũng tồn tại hai thứ khác nhau như vậy.
Các động tác khi ăn, thể cách
chuyển động là những pháp vô tri gọi là sắc pháp.
Tâm chú niệm cũng như thức nhận
biết gọi là danh pháp.
Quý vị có thể phân biệt hai pháp
này không? Vâng, có thể. Khả năng phân biệt danh pháp và sắc pháp là một trí
tuệ gọi là danh sắc phân tích trí. Khi Ðịnh tăng dần, hành giả sẽ thấy rằng
minh sát tuệ tự động xuất hiện.
Thậm chí nếu hành giả không thấy
rõ kinh nghiệm của mình trong trí tuệ đó, thì khi Thiền sư giải thích như vậy,
quý vị cũng có thể hiểu rõ, phải không? Vâng. Tất cả các động tác đều là sắc
pháp vô tri. Tâm chú niệm đi theo sau các động tác để chú niệm là danh pháp.
Tùy theo mức độ định tâm mà sự nhận thức cũng khác nhau.
Ðến những giai đoạn sau, hành
giả sẽ thấy được nhiều biểu hiện khác nhau của trí tuệ đó. Vài hành giả có thể
chú niệm cả tác ý. Khi tôi hỏi đó là động tác gì, cô trả lời không có tác ý khi
nuốt thức ăn vì thức ăn nó tự trôi thẳng xuống dạ dày rồi.
Tôi (Thiền sư) bảo cô ta:
"Thật vậy sao? Có thể như vậy sao? Hành giả hãy cố gắng chú niệm lại đi.
Không có tác ý muốn nuốt thìụ làm sao có thể nuốt được. Hãy cố gắng chú niệm
lần nữa đi."
Hôm sau, hành giả đó đến thưa
rằng: "Bạch Ngài, Ngài nói đúng rồi ạ, chỉ khi con có tác ý muốn nuốt thì
con có mới có thể nuốt được.
Quý vị có thể nuốt nếu không có
tác ý muốn nuốt không? Vâng, không thể. Quý vị chú niệm tác ý muốn nuốt là
"muốn nuốt..., muốn nuốt..." và sau đó quý vị chú niệm động tác nuốt
"nuốt..., nuốt...". Dần dần, tùy theo mức độ của Ðịnh tâm, quý vị có
thể chú niệm bất cứ cái gì nổi bật nhất khi nó phát sinh. Vài hành giả còn có
thể chú niệm nhiều hơn nữa.
Có một hành giả thường hay nghe
băng giảng của Ngài Thiền sư Mahasi về các tầng tuệ giác. Cô vẫn thường đến
trường thiền để giúp đở một số công việc. Trong suốt thời gian hành thiền, cô
hành rất tốt. Vì là một hành giả lâu năm và quen biết với tôi, nên cô rất hay
trình pháp. Khi tôi hỏi cô có chú niệm trong khi ăn không, cô bảo là cô có thể
làm được, nhưng thực sự cô chỉ chú niệm khi nào thức ăn không ngon thôi. Khi
nào thức ăn ngon thì cô không chú niệm. Như vậy có đúng không? Tôi hỏi cô tại
sao cô không chú niệm khi thức ăn ngon. Cô trả lởi rằng khi thức ăn không ngon
thì cô không muốn ăn, do vậy khi cô chú niệm, trước khi cô nhận ra thì bụng đã
no rồi.
Tôi nghĩ rằng ý kiến cô ta cũng
lạ khi thức ăn ngon thì có tham khởi lên trong chúng ta. Khi thức ăn không ngon
thì có sân và ưu khởi, nhưng lại cho phép tham sinh khởi. Cách của cô ta có vẻ
như vậy, phải không? Vâng.
Phương pháp cô ta không phải là
một điển hình tốt để noi theo. Các hành giả phải chú niệm cả khi thức ăn ngon
lẫn thức ăn không ngon. Dù ngon hay dở thì hành giả vẫn phải chú niệm, tức là
có tham. Khi thức ăn giở mà không chú niệm, thì sân và ưu khởi lên trong hành
giả. Tuy nhiên nếu hành giả có thể chú niệm trong khi ăn, dù thức ăn ngon hay
giở, thì hành giả có thể đắc pháp ngay đây và bây giờ. Ðã có nhiều người đắc
pháp bằng cách như vậy.
Có một vị tỳ kheo lớn tuổi và
một vị sa di sống chung với nhau trong một tu viện. Vị tỳ kheo đó là chú của vị
sa di, tên là Sangha Rakkhita. Vào giờ đi khất thực, khoảng 8:30 đến 9:00 sáng,
vị sa di đi khất thực. Trở về lúc 10:30 hay 11:00, vị sa di đi độ ngọ.
Khi vị sa di đang độ ngọ thì vị
tỳ kheo chú đến và nhắc nhở rằng: "Này con đừng để cho lưỡi con bị bỏng vì
cơm nóng và cà ri nóng".
Nghe lời khuyên của chú, vị sa
di suy nghĩ: "Sao thế nhỉ? Lúc 11:00 thì thức ăn đã nguội lạnh hết rồi.
Tại sao chú mình lại khuyên như vậy khi mình đang ăn cơm nguội và cà ri nguội
nhỉ? Tại sao chú mình lại khuyên mình đừng để bị bỏng bởi cơm nóng và cà ri
nóng? Lời khuyên đó có ý nghĩa gì?"
Vị sa di có nên suy nghĩ như vậy
không? Vâng, rất nên. Vị sa di này đã chín chắn trong các pháp ba-la-mật nên
mới cân nhắc như vậy. Vị ấy nhận ra rằng không phải lưỡi bị bỏng do cơm nóng và
cà ri nóng, mà là do lửa tham và lửa sân, và vị trưởng lão đã khuyên mình đừng
để bị bỏng những ngọn lửa này. Lời khuyên đó chính là để nhắc nhở vị sa di phải
ăn với sự quán tưởng, với sự chú niệm, và vị sa di đó phải làm như vậy.
Khi thức ăn ngon thì các vị tỳ
kheo và sa di đôi lúc cũng thấy dính mắc với nó. Họ muốn có thức ăn đó vào ngày
hôm sau. Họ có thể kiếm nó ở đâu? Ngày mai nhà nào sẽ dâng cúng thức ăn loại
đó? Và những hôm sau nữa, thức ăn đó có hay không? Khởi lên những mong muốn như
vậy thì điều gì đang xảy ra cho vị tỳ kheo? Vâng đó chính là sự sinh khởi của
tham. Ðối với người tại gia, thì hôm sau họ có thể nấu món ăn đó để thưởng thức
thêm một lần nữa, đó cũng chính là sự sinh khởi của tham. Vì thức ăn ngon mà
tham sinh khởi nên có thể nói rằng lưỡi đã bắt lửa, lửa đó chính là Tham.
Khi thức ăn dở, họ cảm thấy bực
mình và khiển trách người nấu ăn đó, phải vậy không? Những người thích ăn ngon
thậm chí sẽ nổi giận. Có người thấy thức ăn bèn đứng dậy và bỏ đi khỏi phòng
ăn. Ðôi lúc họ nghĩ ra cớ gì đó để đứng dậy và bỏ đi. Lửa gì đang thiêu đốt họ
vậy? Vâng, đó là lửa sân. Có lý do cho tham khi thức ăn ngon hay có lý do cho
sân khi thức ăn dở, tất cả những điều đó xảy ra là do hành giả không ăn với
chánh niệm. Thiếu chánh niệm, hành giả có thể bị bỏng do lửa tham và lửa sân
thiêu đốt.
Vị sa di kia, đến cuối bửa ăn,
đã chứng đắc bốn đạo và trở thành một vị A-la-hán. Rõ ràng là ngũ quyền của vị
ấy đã trở nên mạnh mẽ và pháp của vị ấy đã tiến xa rồi, phải vậy không? Vâng
điều đó rất rõ ràng.
Không nên nói rằng nếu căn cứ
trên các pháp ba-la-mật thì các hành giả ở đây không thể đắc pháp được. Nếu
hoàn cảnh thuận tiện, nếu sự chú niệm đúng mức và liên tục, và nếu ba-la-mật đã
chín chắn thì ngay trong khi ăn, hành giả có thể đắc pháp. Vì vậy trong khi ăn
chúng ta cần phải chú niệm, ăn trong chánh niệm một mặt đem lại lợi ích và
phước đức cho thí chủ, mặt khác chính hành giả cũng có được sự chú niệm liên
tục và do vậy có thể đắc pháp ngay đây và bây giờ.
"Ratthapitopi tena bhutto
mahapphalo". Các Luận sư giải thích rằng: "Người nào cúng
dường vật thực đến những người hành thiền liên tục và có chánh niệm trọn vẹn,
sự cúng dường đó sẽ đem lại phước báu to lớn đến cho thí chủ."
Các hành giả ở đây đã quán niệm
liên tục với sự chú tâm trọn vẹn khi được dâng vật thực, nên sẽ đem lại phước
báu lớn lao cho những người đã dâng cúng cho mình. Bởi vì, ngay khi chú niệm,
hành giả không còn, tham, sân, si, ngã mạn, đố k� và bỏn
sẻn. Thời điểm đó, sự cúng dường ví như gieo hạt giống tốt trên mảnh đất màu
mỡ. Thật vậy, lợi ích vô cùng! Lợi ích cho cả người thọ dụng lẫn bố thí, vì đó
là lúc không còn có mặt của tham, sân, si.
Một lần nữa, vua nước Kosala đến
gặp Ðức Phật và hỏi về lợi ích của việc bố thí. Ðức vua là người cùng tuổi với
Ðức Phật và hỏi về lợi ích của việc bố thí. Hai người là bạn thời còn thơ ấu và
Ðức vua rất tôn kính Ðức Phật và thường đến đàm đạo với Ngài. Vua nước Kosala đặt
câu hỏi như sau:
"Bạch Ðức Thế Tôn, khi trẫm
muốn bố thí, thì nên bố thí cho ai?"
Ðức Phật trả lời:
"Ðại vương nên bố thí đến
người nào mà Ðại vương tôn kính với tâm hoan hỷ, việc làm đó rất có nhiều quả
lành, phải không?"
"Dạ vâng, bạch Ðức Thế
Tôn." Rất hài lòng với câu trả lời của Ðức Phật, vua hỏi tiếp:
"Bạch Ðức Thế Tôn, để có
nhiều phước báu hơn, con nên bố thí như thế nào?"
Ðức Phật hỏi lại:
"Này Ðại vương! Ðại vương
thấy rằng câu hỏi trước và câu hỏi này khác nhau sao? Nếu Ðại vương muốn có
nhiều phước báu thì nên chọn một vị A-la-hán là những người đã đoạn trừ tất cả
lậu hoặc phiền não (kilesa àsavo)."
Nếu không gặp được một vị
A-la-hán thì nên cúng dường ai? Nên tìm đến những người đang tu tập để trở
thành một vị A-la-hán. Các hành giả ở đây, mặc dầu không thể nói là quý vị đang
hành trình tinh tấn để trở thành một vị A-la-hán, nhưng ít nhất quý vị cũng
đang cố gắng để đạt đến quả Nhập Lưu, phải vậy không? Trong khi tinh tấn để
chứng đắc quả Nhập Lưu, ngay trong mỗi chú niệm, quý vị đã thoát khỏi tham, sân,
si. Cúng dường ở thời điểm đó là cao thượng nhất. Ðức phật dạy rằng điều đó
cũng giống như những hạt giống tốt vải trên mãnh đất màu mỡ. Bắt đầu từ kiếp
này và trong những kiếp về sau, nó sẽ mang lại những kết quả không lường được.
Trong khi niệm "nhai...,
nhai..." hành giả không thể ao ước hay mong muốn điều gì Tâm không thể
cùng một luùc làm hai công việc. Vì vậy ngay khi chú niệm, Tham bị đoạn diệt.
Cũng không thể có trường hợp quý vị đang chú niệm mà lại thấy những cảnh hấp
dẫn và ham thích nó. Hai tâm không thể xảy ra cùng một lúc. Khi chú niệm sân và
ưu không thể phát sinh.
Khi chú niệm, hành giả cũng
thoát khỏi si. Khi niệm "nhai..., nhai..." hành giả biết rằng động
tác nhai thức ăn là sắc pháp, tâm chú niệm là danh pháp. Tâm hành giả hoàn toàn
chỉ nhận thức trên đối tượng là danh pháp và sắc pháp nên si không có mặt nơi
hành giả. Si có nghĩa là mê mờ. Nghĩ rằng "tôi đang ăn..., tôi đang ăn...,"
là si hay vô minh. mà không ý thức được động tác nhai thức ăn cũng là si. Ăn
với chánh niệm tỉnh giác là thoát khỏi Si hay Vô minh. Cúng dường vào thời điểm
giải thoát đó sẽ mang lại phước báu lớn lao. Lúc nào hành giả có được vô tham,
vô sân, vô si, lúc đó dâng cúng sẽ có nhiều lợi ích. Vì vậy, nếu hành giả muốn
đem lại phước đức cho thí chủ, hành giả chỉ cần duy trì chánh niệm.
Các vị trưởng lão vẫn thường
chia phước cho thí chủ bằng cách này. Khi có ai đến cúng dường cho Ngài Thiền
sư Mahàsi, Ngài nhận bằng chánh niệm. Rồi Ngài đặt vật đó xuống trong khi vẫn
duy trì chánh niệm. Nếu vật đó là một tấm vải, một bộ y hay một cái khăn, thì
lập tức ngài chú niệm vào đó.
Theo giới luật thì khi chú
nguyện vào vật thí như vậy. Ngài mới không phạm giới. Nếu một vị tỳ kheo nhận
một bộ y mà trong vòng 10 ngày quên chú nguyện thì khi đụng vào bộ y đó, vị tỳ
kheo đã phạm giới. Ngài Thiền sư Mahàsi luôn luôn rất thận trọng trong chuyện
này nên ngay khi người ta mới cúng dường Ngài liền chú nguyện để cho giới của
Ngài luôn trong sạch.
Dĩ nhiên Ngài thiền sư Mahàsi là
một vị tỳ kheo có uy tín, có rất nhiều đệ tử và thọ nhận nhiều sự cúng dường.
Nếu Ngài không chú nguyện ngay khi nhận, sau đó có thể Ngài sẽ quên. Biết vậy
Ngài thường chú nguyện ngay lập tức. Ðó thật là tấm gương cho chúng ta phải
không?
Ðối với đệ tử, một vị tỳ kheo có
thể chia phước bằng sự tu tập, sự hành trì giới luật của mình. Các Ngài không
thể chia phước bằng cách biếu tặng họ vật chất. Ngày xưa, các vị Trưởng Lão
cũng cư xử như vậy. Ngài Xá-lợi-phất, mỗi khi đi vào thành thị hay làng xóm để
khất thực, thường nhập vào Diệt tận định, và với tâm đó Ngài đi khất thực. Một
vị khác tên là Subbu, thường nhập thiền với đề mục tâm từ để đi vào thành hay
vào làng khất thực. Lý do vì các ngài muốn chia phước đến cho các thí chủ. Ðối
với những vị Thánh A-la-hán, bản thân các Ngài dĩ nhiên không cần phải tích lũy
thiện pháp nữa.
Các hành giả ở đây, nếu muốn
theo gương các Ngài để chia phước đến cho các thí chủ, mặc dù quý vị chưa đắc
thiền định, thì với chánh niệm tỉnh giác, quý vị vẫn có thể nhận sự cúng dường.
Các thí chủ có được phước đức là do quý vị không còn tham, sân, si. Ðồng thời
sự chú niệm của quý vị cũng tiến bộ, ngũ quyền tăng trưởng và pháp được thành
tựu. Như vậy một người có nền tảng Tứ Niệm Xứ chẳng phải là kỳ diệu lắm sao?
Trong 9 yếu tố phát triển ngũ
quyền của hành giả, chúng ta đang bàn đến yếu tố thứ ba, là chánh niệm tỉnh
giác.
c. Lời chỉ dẫn tỉnh
giác thứ sáu.
Hành chánh niệm tỉnh giác, hành
giả không chỉ phải chú niệm những hành vi thanh nhã, mà còn phải chú niệm những
động tác bình thường nhất.
"Uccàra passàva kamme
sampajànakàrì hoti."
Ðức Phật dạy rằng:
"Ngay cả khi đại tiện, tiểu
tiện hành giả cũng phải chú tâm trọn vẹn."
Xin hãy đọc 3 lần:
Yếu Pháp:
Ðại tiện hay tiểu tiện
Ðều chú tâm trọn vẹn
Ðó chính là tỉnh giác.
Ðức Phật dạy rằng các hành giả
nên bắt đầu chú niệm từ những đặc điểm nổi bật nhất. Vì vậy, khi hành giả đã có
định tâm làm nền tảng, mỗi khi sắp đại tiểu tiện, trước hết tác ý nổi bật nhất.
hành giả nên niệm "muốn đại tiểu tiện..., muốn đại tiểu tiện..."
Sau đó luồng khí phát sinh do
tác ý sẽ đẩy chất thải xuống dần dần. hành giả chú niệm chuyển động đó, và niệm
"thải ra..., thải ra...,"
Trong lúc đó nếu cảm thấy đau,
hành giả niệm "đau..., đau...,".
Nếu hành giả thực hành theo lời
chỉ dẫn của Ðức Phật một cách nghiêm túc, trong khi đại tiểu tiện vẫn chú tâm
trọn vẹn, thì sự chú niệm của hành giả đã tiến bộ rất nhiều. Ngược lại, nếu
hành giả không chú niệm khi đại tiểu tiện, thì sự chú niệm không liên tục và bị
gián đoạn. Hành giả sẽ có một giờ thiếu chú niệm trong một ngày. Càng lớn tuổi
thì thời gian càng bị gián đoạn càng dài hơn vì họ phải đại tiểu tiện dài nhiều
lần hơn.
Khi đại tiểu tiện, hành giả có
bao nhiêu loại phước báu? Vâng, 3 loại. Do chú niệm tác ý, hành giả có phước
báu của việc niệm, tâm.
Do chú niệm động tác đại tiểu
tiện của thân, hành giả có phước báu của việc niệm thân. Do chú niệm của giác
đau, hành giả có phước báu của việc niệm thọ. Thực hành theo lời dạy của Ðức
phật thì sẽ có nhiều phước báu và thoát khỏi bốn đường ác đạo.
Thật là tuyệt vời và thú vị phải
không? Nếu người nào có nền tảng định tâm như các hành giả ở đây, người đó có
thể chú niệm rất tốt ngay cả khi đại tiểu tiện.
d. Lời chỉ dẫn tỉnh
giác thứ bảy
"Gate thite nisinne sutte
jàgatite bhàsite tunhibhàve sampajànakàrì hoti."
Ðức Phật dạy rằng:
"Khi đi, khi đứng, khi ngồi,
khi nằm, khi ngủ, khi thức, khi nói năng, khi im lặng, tất cả phải được làm với
sự chú tâm trọn vẹn".
Khi Ðức Phật sắp thuyết pháp cho
người nào, trước hết Ngài vận dụng tâm bi. Sau đó Ngài thuyết pháp bằng trí tuệ,
chỉ dẫn phương pháp chánh niệm tỉnh giác, Ngài tóm tắt rằng bất cứ làm việc gì
cũng phải có tâm chú niệm đi kèm.
1. Khi đi (gate).
Khi hành giả đi kinh hành, nếu
hành giả định ra rằng định tâm phát triển thì điều đó cũng giúp cho sự chú niệm
tất cả sự và sự chú niệm cho động tác ngồi.
Có 4 loại kinh hành:
- Một sự chú niệm trong mỗi bước: niệm "chân trái
bước..., chân phải bước..."
- Hai sự chú niệm trong mỗi bước: niệm "giở..., đạp."
- Ba chú niệm trong mỗi bước đi: niệm "giở... bước..., đạp."
- Sáu chú niệm trong mỗi bước đi: niệm " bắt đầu..., giở..., đạp...,dứt
giở...,bắt đầu bước..., chấm dứt bước..., bắt đầu đạp..., chấm dứt đạp."
Các nhà chỉ dẫn có một phương
pháp khác, niệm "bắt đầu giở..., giở..., bước..., đạp..., đụng..,
ấn...".
Phương pháp này hình như khó hơn
một chút. Chỉ khi hành giả thuộc lòng các bước đó thì mới có thể chú niệm dễ
dàng.
Bắt đầu giở là khi chỉ có gót
chân giở lên. Giở là cả bàn chân kể cả các ngón chân đều nâng lên.Bước chỉ được
chú niệm trong một niệm.Ðạp là bắt đầu đạp xuống. Ðụng là khi lòng bàn chân
chạm đất hay nền nhà. Ấn là chân này ấn mạnh xuống đểụ chân kia giở lên, và
hành giả cảm nhận được chuyển động đạp khi ấn mạnh hơn.
Ở giai đoạn cuối gọi là
"ấn", nếu hành giả thấy được cảm giác nặng, thì chắc chắn là định tâm
của hành giả đã tăng trưởng. Những giai đoạn tiếp theo sẽ giúp định tâm vững
vàng thêm, và hành giả thấy việc chú niệm dễ dàng và thú vị hơn.
Nhờ phương pháp này nhiều hành
giả đã tiến bộ rất nhanh. Các Thiền sư thời nay đã sửa đổi đôi chút để người
thời nay có thể hiểu dể dàng hơn.
Khi định tâm do kinh hành được
hành, hành giả cũng có thể chú niệm tất cả sự và khi ngồi thiền, tâm chú niệm
của hành giả mạnh mẽ hơn, hành giả có thể ngồi dể dàng và thoải mái, không cần
phải thay đổi tư thế trong suốt cả giờ. Xin hãy đọc 3 lần:
Yếu Pháp:
- Có thể đi xa
- Mạnh khỏe
- Không đau ốm
- Dễ tiêu hóa
- Ðịnh không gián đoạn
Cả 5 điều này là lợi ích của việc đi kinh hành.
- Có thể đi xa: hành giả nào đạt
được định tâm khi đi kinh hành thì có thể đi đường xa mà không cảm thấy mệt.
- Mạnh khỏe: khi mới hành thiền,
hành giả thường phải thay đổi tư thế một hoặc hai lần mỗi khi ngồi. Khi định
tâm trong kinh hànhđã tốt, hành giả có thể ngồi suốt cả giờ đồng hồ không cần
thay đổi tư thế. Năng lực và sự tinh tấn của hành giả ngày càng mạnh hơn.
- Không đau ốm: Có định tâm khi
đi kinh hành, hành giả có thể chữa khỏi các bệnh như đau đầu gối, đau lưng ,
đau đầu,v.v...
- Dễ tiêu hóa: Tất cả các loại
thức ăn đều có thể tiêu hoá dễ dàng.
- Ðịnh đạt được do kinh hành rất
lâu dài: Do định đạt được trong khi đi nên nó rất lâu dài và khó bị hoại diệt.
Ðịnh đạt được trong khi ngồi trong trạng thái tĩnh dễ bị phá vỡ nếu hành giả
đứng dậy hay bước đi. Ðịnh đạt được trong khi nằm hay đứng cũng dễ bị mất khi
hành giả đứng dậy hay bước đi. Còn định đạt được khi đi kinh hành, trong
trạngthái động thì dù hành giả có đứng lại hay ngồi hoặc nằm xuống thì định vẫn
có thể duy trì tiếp tục, nó không dễ bị phá vỡ.
Hành giả nào đạt được định trong
khi kinh hành sẽ có tiến bộ trong sự chú niệm. Vì vậy các hành giả nên cố gắng
hết sức để đi kinh hành cho tốt. Trong thời gian đầu, khi chưa có định trong
khi kinh hành hổ trợ, thì ngồi thiền cũng như chú niệm tất cả mọi sự đều rất
khó khăn, vì sự chú niệm không bắt kịp với hiện tại. Vì vậy nên chú trọng đến
việc đi kinh hành để đạt được định tâm ấy.
2. Trong khi đứng (Thite)
Nếu hành giả thật sự chú tâm,
thì gần cuối đường đi, khi chỉ còn một hay hai ba bước, hành giả sẽ chú ý đến
tác ý muốn dừng lại và đứng yên. Vì vậy hành giả niệm "muốn đứng..., muốn
đứng..." Nếu đã đắc định, hành giả sẽ thấy rằng khi chú niệm từ đầu đến
chân, có cảm giác như mình càng lúc càng thấp xuống. Ngược lại, nếu niệm từ
chân lên đầu, thì lại có cảm giác người mình càng lúc càng cao hơn. Tùy theo
mức độ định tâm mà hành giả sẽ thấy được nhiều thứ.
3. Trong khi ngồi (Nisinne)
Khi đang đứng mà định ngồi xuống
tác ý muốn ngồi rất nổi bật, hành giả niệm "muốn ngồi..., muốn
ngồi...." Quý vị không làm được điều đó sao? Vâng, quý vị có thể chú niệm
được. Vì quý vị chú tâm trọn vẹn, nên quý vị có thể thấy được điều đó. Khi oai
nghi ngồi của thân diễn ra, hành giả niệm "ngồi..., ngồi..." Hành giả
không nên chú ý đến hình dáng và tư thế của đầu, thân, tay, chân mà phải chú
niệm để thấy bản chất của động tác ngồi xuống thật rõ.
Hình dáng của đầu, thân, tay,
chân là Pannatti, không nên chú niệm. Thiền quán không liên quan gì đến
Pannatti, Nếu hành giả quan sát Pannatti, thì còn lâu mới thấy pháp.
Ai cũng có nhiều công việc để
làm phải cố gắng lắm ácác hành giả mới có thể đến đây và ở lại dự khóa thiền 10
ngày. Cho nên lẽ tự nhiên là ai cũng muốn mau đắc pháp. Muốn vậy, hành giả phải
tách tâm chú niệm khỏi Pannatti, và cố gắng để thấy thực tánh thật thấu suốt.
Khi niệm "ngồi..., ngồi..." hành giả phải thấy paramattha là tính
cách động tác ngồi xuống dần dần.
Pannatti và Paranattha có phải
là hai thứ tách biệt nhau phải không? Không, chúng cũng tồn tại và Paramattha
chìm xuống dưới hình dáng Pannatti. Mới đầu, khi định tâm còn yếu, hành giả nên
ngồi và nhắm mắt lại để thấy được Paramattha. Sau đó hành giả có thể thấy được
thực tánh của pháp rất rõ ràng.
Ðịnh tâm bị mất phần lớn là do
mắt. Ngồi thiền mà mở to mắt thì không thể thấy thực tánh rõ ràng. Nhìn xuống
hay nhắm mắt khi ngồi thiền mới đúng cách. Tính cách của động tác ngồi xuống
dần dần nên được niệm là "ngồi xuống..., ngồi xuống..."
Khi đã tách khỏi hình dáng của
đầu, thân, tay, chân, khi đã có thể quan sát thấu đáo tính cách chuyển động,
khi đó có thể chú niệm bắt kịp với hiện tại, thì mỗi lần niệm "ngồi...,
ngồi...", hành giả không thể thấy chuyển động dần dần mà còn thấy cảm giác
nặng gia tăng đi kèm với chuyển động đó.
Khi định tâm mạnh hơn nữa, ngay
lúc niệm "muốn ngồi..., muốn ngồi..." hành giả thấy tác ý muốn ngồi
phát sinh nhiều lần. Khi niệm "ngồi..., ngồi...", hành giả thấy động
tác ngồi xuống một cách chi tiết rõ ràng hơn. Nếu định tâm tiến xa hơn nữa, thì
khi niệm "muốn ngồi..., muốn ngồi..."tác ý muốn ngồi không phải là
một thực thể đơn lẻ, mà là nhiều tác ý cách quãng.
Một tác ý sinh lên rồi diệt, một
tác ý khác sinh lên rồi diệt, đến một tác ý khác cũng sinh lên rồi diệt, v.v...
rất nhiều giai đoạn. Những giai đoạn đó gọi là gì? Ðó là sự sinh và diệt của
tác ý.
Khi niệm "ngồi...,
ngồi...", các giai đoạn đó không phải nối tiếp nhau mà luôn có khoảng
cách. Khoảng cách xuất hiện giữa sự sinh diệt của tác ý trước với sự sinh diệt
của tác ý sau.
Khi ngồi xuống và đụng nền nhà,
hành giả niệm "đụng.., đụng..". Tiếp theo, hành giả niệm
"Phồng..., xẹp..., ngồi..., đụng...,".
Do giữa tác ý có những khoảng
cách, nên dần dần hành giả thấy rõ đó chính là những sinh diệt. Khi định tâm
phát triển hơn nữa, sự sinh trở nên không rõ ràng mà chỉ có sự diệt mới nổi
bật.
Nếu hành giả đạt đến Diệt trí,
thì khi niệm "muốn ngồi..., muốn ngồi...", hành giả không chỉ thấy sự
diệt của tác ý muốn ngồi mà còn thấy sự diệt của tâm chú niệm ; khi niệm
"ngồi..., ngồi...", hành giả thấy sự diệt của oai nghi ngồi và sự
diệt của tâm chú niệm. Cả đối tượng và tâm chú niệm đều diệt. Hành giả thấy ra
rằng đối tượng, hay sắc pháp, và tâm chú niệm, hay danh pháp, đều không thường
hằng. Hành giả đó nhận ra điều đó bằng chính sự thể nghiệm của mình không?
Trạng thái vô thường đó tiếng Pàli gọi là "Anicca".
Hành giả thấy rằng sự hoại diệt
này diễn ra quá nhanh, làm cho mình khó chịu, như bị áp bức, đau khổ, và do đó
thể nghiệm được trạng thái Khổ, tiếng Pàli gọi là "Dukkha".
Trạng thái hoại diệt, bức bách
đó, làm sao có thể ngăn cản được? Hành giả không có cách nào ngăn cản, mà chúng
xảy ra theo cách riêng của chúng. Hành giả hoàn toàn không thể làm chủ trong
vấn đề này. Tình trạng không thể làm chủ đó, tiếng Pàli gọi là
"Anatta".
Do thấy sự diệt mà trong khi chú
niệm oai nghi ngồi, hành giả thấy rõ thực tánh vô thường, khổ, và vô ngã. Ngay
khi ngồi, cũng như ngay khi đứng, hành giả đều có thấy pháp.
4. Trong khi nằm xuống để ngủ
(Sutte)
Khi nằm xuống, hành giả phải nằm
với sự chú tâm trọn vẹn. Từ tư thế ngồi, muốn nằm xuống, hành giả phải chú
niệm. Với các hành giả đã có định tâm làm nền tảng, thì khi nằm xuống, quý vị
đều thấy tác ý muốn nằm nổi bật nhất, phải không? Vâng. Vì vậy hành giả niệm
"muốn nằm..., muốn nằm..."
Do tác ý muốn nằm đó, khí phát
sinh đầy thân hướng xuống giường từ từ từng chút một. Và hành giả niệm
"nằm xuống..., nằm xuống..."
Khi niệm như vậy, hành giả không
nên chú ý đến hình dáng của đầu, thân, tay, chân mà chỉ nên cố gắng chú niệm
thật rõ ràng tính cách chuyển động nằm xuống. Hành giả có thể niệm gì cũng được
"chuyển động..., chuyển động...", hay "nằm..., nằm...",
hoặc "ngủ..., ngủ". Ðiều chủ yếu là phải biết thực tánh của chuyển
động đó.
Khi thân hạ xuống thấp hơn, và
khi đầu đụng gối, hành giả niệm "đụng..., đụng".
Khi lưng đụng mặt giường, niệm
"đụng..., đụng...".
Khi trở mình, hành giả niệm
"trở..., trở...".
Khi đã nằm thoải mái, hành giả
niệm "phồng..., xẹp..., nằm..., đụng...," và với sự chú niệm đó hành
giả đi vào giấc ngủ.
5. Khi ngủ (Jàgarite)
Người đã quen chú niệm thường dễ
ngủ phải không? Vâng, rất dễ. Có người trước đây vẫn thường phải uống thuốc ngủ,
khi đã chú niệm tốt, thì không cần uống thuốc ngủ nữa.
Khi định tâm phát triển thì ngủ
rất dễ. Người chú niệm đứng đắn và vững vàng, thậm chí không cần phải ngủ, nhưng
nếu khi buồn ngủ thì họ ngủ rất nhanh.
Các hành giả ở đây, đã hành
thiền liên tục suốt ngày, khi niệm "muốn ngủ..., muốn ngủ...", và
"ngủ..., ngủ..." chẳng bao lâu sau là ngủ ngay. Khi đầu đã đụng gối,
hành giả khó lòng mà niệm "phồng..., xẹp..., nằm..., đụng..." thật
lâu hành giả sẽ ngủ liền. Thật là khỏe, phải không? Chẳng cần uống thuốc ngủ
làm gì.
Khi niệm "ngủ..." đừng
chú ý đến hình dáng của đầu, thân, tay, chân và chỉ chuyên chú tâm trên tính
chất của chuyển động để bắt kịp với hiện tại, thì khi nằm xuống, hành giả thấy
được chuyển động cũng như tính chất nặng rất rõ ràng.
Nếu định tâm mạnh hơn nữa, thì
khi niệm "muốn ngủ..., muốn ngủ..." hành giả thấy rõ diễn biến từ từ
của tác ý muốn ngủ, và khi niệm "ngủ..., ngủ", hành giả thấy rõ diễn
biến từ từ của động tác nằm xuống. Và nếu định tâm phát triển vững vàng hơn,
thì khi niệm "muốn ngủ.., muốn ngủ" tâm muốn ngủ cũng có nhiều khoảng
ngưng ở giữa.
Một tác ý nảy sinh lên rồi diệt,
đến một tác ý khác sinh lên rồi diệt, và một tác ý khác nữa cũng sinh lên rồi
diệt, v.v.... Chúng là cái gì vậy? Chúng được gọi là sinh và diệt. Xin hãy đọc
3 lần:
Yếu Pháp:
Chỉ khi thấy thực tánh
Mới thấy được sinh diệt
Khi đã thấy được thực tánh của
nặng, thì dần dần, diễn biến từ từ của nặng cũng trở nên sinh và diệt. Thấy
được tính cách của chuyển động nằm xuống dần dần của thân đi kèm với cảm giác
nặng gia tăng tức là thấy được thực tánh. Khi đã thấy được thực tánh, mới thấy
được sinh diệt. Do đó muốn thấy được sinh diệt và diệt của các pháp, trước hết
phải thấy được thực tánh.
Khi hành giả đả thấy được sinh
và diệt, thì với định tâm tăng trưởng sự sinh khởi của các pháp đang còn mà chỉ
có sự diệt mới nổi bật.
Khi niệm "muốn ngủ..., muốn
ngủ", tất cả những gì hành giả thấy được đó là một chuổi sự diệt của tác ý
muốn ngủ.
Khi niệm "ngủ...,
ngủ..." hành giả thấy sự diệt của oai nghi nằm xuống hay tư thế ngủ. Hình
dáng của đầu, thân, tay, chân không còn rõ ràng nữa. Ở giai đoạn này, hành giả
không cần phải cố ý tách tâm khỏi những hình dáng Pannatti. Khi minh sát tuệ đã
mạnh mẽ thì tất cả tướng Pannatti đều tự biến mất. Thiền quán và Pannatti hoàn
toàn đối lập nhau.
Khi minh sát tuệ còn yếu,
Pannatti rất rõ ràng đối với hành giả phải tách tâm ra khỏi chúng. Nhưng nếu
minh sát tuệ vững vàng hơn, và khi hành giả đạt đến Diệt trí, thì Pannatti tự
động biến mất. Nếu hành giả muốn biết xem minh sát tuệ của mình đã mạnh mẽ chưa,
nên dùng Pannatti như một cái cân để đo lường.
Nếu vẫn còn hình dáng của
Pannatti , hành giả có thể tự biết rằng minh sát tuệ của mình còn yếu kém lắm.
Hành giả có cần phải đi hỏi thiền sư không? Không cần, phải vậy không? Tuy
nhiên các hành giả muốn hỏi và rất hay hỏi. "Bạch Ngài, con có thể biết
được con đang ở tầng tuệ giác nào không? " Thiền sư có thể bảo cho họ biết
điều đó, nhưng hành giả chỉ muốn nghe bảo rằng mức độ tuệ giác của mình là cao.
Nếu thiền sư nói rằng tuệ giác của họ vẫn còn thấp lắm, thì họ nản lòng. Nhưng
dĩ nhiên thiền sư phải nói sự thật thôi. Dù gì chúng ta cũng phải chân thật.
Do vậy, nếu hành giả muốn biết
tuệ giác của mình chín chắn tới đâu, thì phải xét đến Pannatti. Pannatti còn
quá nhiều, và còn phải cố gắng tách khỏi chúng, tức là minh sát tuệ vẫn còn quá
thấp. Nó được gọi là Taruna Vipassanà - minh sát tuệ non nớt và yếu ớt.
Ngay khi định tâm tăng trưởng,
Pannatti chìm dần và biến mất, hành giả chỉ còn chú niệm trên thực tánh, tức là
minh sát tuệ đã chín chắn, vững vàng - gọi là Balavant Vipassanà. Ðến giai đoạn
này, hành giả chú niệm rất dễ dàng. Hành giả niệm cái gì, cái đó liền diệt. Sự
diệt này nối tiếp sự diệt khác khiến hành giả nhận ra thực tánh vô thường rất
rõ ràng. Sự diệt đó quá nhanh, như là một sự bức bách đó chính là khổ não. Hành
giả không thể làm chủ được, không thể ngăn chặn được. Chúng cứ diệt theo cách
riêng của chúng. Ðó là vô ngã. Trí tuệ thấy vô thường, khổ não, vô ngã đã được
hành giả chứng nghiệm có thể nói rằng hành giả đã thấy pháp.
Ngay khi nằm xuống với chánh
niệm tỉnh giác, hành giả có thể đạt được pháp bảo cao thượng. Ngài Ănanda một
ví dụ điển hình nhất.
Khi Ngài Mahàkassapa (Maha
Ca-diếp) lãnh đạo tăng đoàn chọn ra một hội đồng để kết tập Tam Tạng lần thứ
nhất, gồm 500 vị có 2 điều kiện mới được chọn vào trong Ðại hội:
- Phải thuộc lòng Tam Tạng
- Phải là bậc A-la-hán có tứ vô ngại giải.
Ngài Mahàkassapa đã tìm được 499
vị. Ngài không thể tìm thêm được một vị sau cùng, vì đó là vị trí của Ngài
Ănanda. Ngài Ănanda là người đã nghe được toàn bộ mọi lời giảng dạy của Ðức
Phật, Ðại Hội này không thể thiếu được Ngài.
Lúc bấy giờ, Ngài Ănanda chỉ mới
là bậc Thánh Nhập
Lưu. Ngài thuộc lòng Tam Tạng,
nhưng Ngài chưa phải là bậc A-la-hán, nên Ngài không thể được chọn, thì mọi
người sẽ cho rằng Ngài Mahàkassapa chọn Ngài Ănanda do thiên vị. Tuy vậy, sau
cùng, chư tăng cùng biểu quyết và nhất trí chọn Ngài Ănanda.
Ðược chọn là một thành viên của
Ðại hội, ngài Ănanda hết sức tinh tấn để chứng quả A-la-hán trước khi Ðại hội
bắt
đầu. Nhưng chỉ còn một ngày nữa,
mà ngài vẫn chưa thành công. Vì vậy, đêm cuối cùng trước khi Ðại hội bắt đầu,
ngài đã hành thiền liên tục không gián đoạn, hết ngồi thiền lại đi kinh hành,
nhưng vẫn không kết quả.
Ngài thấy rằng mình đã tinh tấn
quá mức. Ngài bèn bước vào phòng ngủ. Từ tư thế ngồi trên giường, ngài chầm
chậm nghiêng người xuống trong tư thế nằm, niệm "nằm xuống..., nằm
xuống..." Ngay khi hai chân ngài vừa nhắc khỏi mặt đất, trước khi đầu chạm
gối, từ một vị thánh Nhập Lưu, ngài tiến qua cả ba đạo, ba quả, chứng đắc đạo
và quả A-la-hán.
Có phải ngài Ănanda đạt được đạo
quả A-la-hán do ngồi thiền không? Không. Có phải ngài đạt được đạo quả A-la-hán
do đi kinh hành không? Không. Ngài đạt được đạo quả A-la-hán là do tu tập chú
niệm tất cả sự, bằng cách niệm "nằm xuống..., nằm xuống...". Vì vậy
các hành giả phải tinh tấn thực hành chú niệm tất cả sự.
Chúng ta đã thảo luận xong yếu
tố thứ ba giúp phát triển thiền quán và bốn lời chỉ dẫn chánh niệm tỉnh giác.