1.1. Dẫn nhập:
Đức Phật ra đời vì để: "Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến", khai thị là làm cho chúng sanh sáng tỏ thấy rõ cội nguồn, ngộ nhập là bước vào con đường giác ngộ, trở về với "Phật tri kiến" bản tánh chân như. Quẳng gánh ra đi theo vết chân xưa, không còn lạc lầm trong lục đạo tam đồ và thoát ly sanh tử luân hồi,
"Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến" là bức thông điệp làm cho chúng sanh sáng tỏ đường lành mà tiếp nhận chơn lý, sáng tỏ những mê lầm, lánh xa những cuộc thăng trầm thống khổ từ trong muôn vạn kiếp, tự mình vạch lối đi tìm đường bước vào Phật đạo.
"Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến" cũng là mở bày, làm cho chúng sanh sáng tỏ chơn lý trở về với tự tánh chân như, thấy biết rõ mặt mày tự tánh các pháp vốn vắng lặng chân không.
Thường thì từ khai thị là dùng lời nói pháp để nói lên những điều tâm quyết của một người với người đối diện, khi người đó mong muốn có cùng một sự hiểu biết về chân lý, nhất là chân lý của Đức Phật. Trường hợp một người Thầy triển khai một pháp nào mà không phải là chân lý của Đức Phật, hay không đủ trình độ triển khai thì dường như người đối diện sẽ từ chối không tiếp nhận vì không thể tâm đắc, không cùng một ý tưởng và không thể chấp nhận được. Đồng thời cũng có thể người đối diện không có khả năng tiếp nhận ý tưởng của vị Thầy, chứ không phải không chấp nhận là vì ý tưởng của người Thầy dỡ. Lòng mong cầu của người đối diện không đủ nhơn duyên thọ pháp để làm cho tâm sáng tỏ.
Tổ sư Nguyên Thiều, Tổ sư Liễu Quán là những bậc long tượng hoằng truyền các pháp môn tu thiền định và tịnh độ, không ngoài ý chỉ đem Phật pháp lưu thông vào đời cứu độ chúng sanh khiến cho hồi đầu giác ngạn ra khỏi sanh tử luân hồi. Bản hoài của các ngài là như vậy, nên dù trải qua bao khó khổ, lâm vào hoàn cảnh khó khăn, dẫn đến tán thân mất mạng các ngài vẫn một lòng trải tâm từ bi đem Đạo vào Đời, trên báo tứ trọng ân, dưới cứu khổ tam đồ, mang đèn huệ thiền tịnh khai thị soi sáng chúng sanh.
Tổ sư Nguyên Thiều là Thiền sư cao Tăng Trung Hoa, thuộc dòng Lâm Tế thứ 33, khi du hóa sang Việt Nam, vì muốn cho chúng sanh tỏ sáng sự nhiệm mầu của Pháp Phật mà Tổ sư khai sơn Thập Tháp Di Đà (Bình Định), Tổ Đình Quốc Ân (Huế); rồi vào Nam khai sơn Tổ Đình Quốc Ân Kim Cang (Đồng Nai) giáo hóa mọi người tu học, siêng niệm danh hiệu Phật A Di Đà bước đi trên hoa sen báu. Pháp tu trên, cho chúng ta thấy Tổ sư hoằng truyền Thiền Tịnh viên dung (một vị Thiền sư hoằng truyền pháp tu Tịnh độ). Có câu: "Có tu thiền, tu tịnh độ, như cọp mọc thêm sừng, hiện tại làn thầy trời người, về sau làm Phật tổ".
Thiền sư Liễu Quán, chùa Thiền Tôn – Huế (1667-1742). Năm Kỹ Mão (1699) Ngài đi khắp Tòng Lâm thăm viếng nhiều Chùa để học hỏi đạo lý, và quyết định hiến thân cho đời sống đạo, chẳng quản gian lao, từ đó Ngài tinh chuyên tu tập. Năm Nhâm ngọ (1702) Ngài đến Long Sơn học đạo với Tử Dung Hòa Thượng, được Tổ sư truyền trao pháp niệm Phật và tham Thiền. Ngài Liễu Quán là vị Thiền sư đắc đạo, nhưng ngài cũng là vị Tổ sư hoằng truyền về pháp niệm Phật, khai sơn pháp môn tu Thiền Tịnh đồng tu mà giáo hóa đồ chúng.
1.2. Tính chất Đạo Phật:
Trải qua mấy nghìn năm từ kinh đô Ca Tỳ La Vệ-Ấn Độ, kể từ khi Bồ tát Sĩ Đạt Ta ra đời, nối gót chư Phật quá khứ, thị hiện sự giác ngộ đi tu, thành đạo, giáo hóa chúng sanh và nhập Niết Bàn. Tiếp bước con đường bát chánh, Tổ sư Ma Ha Ca Diếp, A Nan. Thương Na Hòa Tu...còn có biết bao công trình hoằng hóa vĩ đại, chư Trưỡng lão A La Hán lặn suối trèo non, vượt núi băng ngàn, vượt bể khơi, vượt biên giới mang bức thông điệp "làm cho con người giác ngộ, chuyển mê khai ngộ, thoát khỏi kiếp trầm luân..." đến với các quốc gia ở vùng đại lục tận phương Bắc cũng như các quốc gia vùng biển ở phương Nam. Ngay từ đầu trên "đoạn đường tơ lụa" nhân dân ở vùng Đông Bắc á có các quốc gia Trung Hoa, Mông Cổ, Nhật bản, Triều Tiên, ở vùng Đông Nam Á có Việt Nam, Mã Lai, Phù Nam... tiếp nhận và nhân đôi tinh thần giác ngộ lý chơn đến với mọi người.
Từ thời kỳ con người sống với "đồ đá", lao động chân tay cho đến hôm nay sống với "điện tử" lao động tri thức; Đạo Phật truyền giáo không phân biệt sắc màu dân tộc, không kỳ thị lạc hậu hay văn minh, cụ thể như Bồ Đề Đạt Ma là vị Thái tử nước Hương Chí-Ấn Độ đi tu đắc đạo, đến Ngài Huệ Năng người dân tộc Lãnh Nam-Việt Nam phát tâm đi tu cũng đắc đạo. Tinh thần "nhập Phật tri kiến của giáo pháp Đức Phật" không có phân biệt nhân ngã, bỉ thử, nam bắc, thấp, cao, dốt nát hay biết chữ.
1.3. Tinh thần hộ quốc an dân:
Việt Nam tiếp nhận Đạo Phật từ Ấn Độ qua hai con đường bộ "băng đồng" và con đường biển "hồ tiêu" ngay từ buổi ban đầu khai sơn lập quốc, lúc bấy giờ gọi là kinh đô Luy Lâu có quý đại sư Khưu Đà La, Mâu Bác, Khương Tăng Hội... thế kỷ thứ 10,11 có Thiền sư Khuông Việt, Ngô Chân Lưu, Đổ Thuận, Sư Vạn Hạnh, thế kỷ 14 có Phật hoàng Trần Nhân Tông; thế kỷ 18 có Tổ sư Nguyên Thiều, Liễu Quán; cuối thế kỷ 19 đến năm 1930 có chư vị tiền bối Tổ Vĩnh Nghiêm, Tổ Bích Liên, Tổ Liên Tôn, Tổ Bảo Tạng, Tổ Giác Nhiên, Tổ Tịnh Khiết, Tổ Chí Thiền, Tổ Khánh Hòa, Tổ Huệ Quang, Tổ Phước Huệ, Tổ Khánh Anh, Sư Ông Bửu Đức, Tổ Huệ Đăng...
Năm 1940-1950 có Pháp sư Trí Độ, Tăng thống Bửu Chơn, Tổ sư Minh Đăng Quang, từ năm 1955 có quý tôn túc cao tăng bên Giáo hội như: Hòa Thượng Thiện Hoa, HT Huệ Thành, HT Thiện Hòa, HT Mật Hiển, HT Mật Thể, HT Trí Quang, Trưỡng lão Giác Chánh, HT Minh Nguyệt, HT Thiện Hào, HT Đôn Hậu, Pháp sư Giác Nhiên, HT Trí Thủ, HT Trí Tịnh, HT Trí Quảng, HT Hiển Pháp, Tăng Thống Siêu Việt, cao tăng các môn phong, như: HT Hồng Ân-Hoằng Thông, HT Thanh Từ, Thiền sư Minh Trí, Tôn sư Thiện Phước-Nhựt Ý... Năm 1981 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam có quý ngài HT Thế Long, HT Đức Nhuận, HT Tâm Tuệ, HT Phổ Tuệ, HT Thanh Tứ... ngoài ra còn có các giáo phái, như: Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật Giáo Hòa Hảo, Phật giáo Tứ Ân, Tịnh độ Cư Sĩ... các ngài lúc nào các vị cũng hoằng truyền con thuyền Phật Giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, dù đất nước có thay da đổi thịt đến đâu Đạo Phật cũng không tách rời đời sống tinh thần Lạc Việt, tinh thần yêu nước, tâm linh Phật là tinh thần Việt, Việt Tính tức là Việt Phật, Đạo Phật luôn luôn hộ trì đất nước thái bình nhân dân an cư lạc nghiệp. Đạo Phật hộ trì cho các triều đại phong kiến xa xưa, các triều đại nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, các triều đại chúa Nguyễn trên hành trình mở rộng bờ cõi nơi đất phương Nam suốt hai mươi thế kỷ. Đến thời đại Hồ Chí Minh, Phật giáo cực thịnh được tôn vinh với bốn chữ vàng "hộ quốc an dân" góp phần giữ yên bờ cõi.