Thiền học
Thiền Tịnh song tu
Thích Chân Quang
10/06/2556 23:37 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

2.1 . Dẫn Nhập:

Phật giáo xuất sanh ở Ấn Độ nhưng khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo mang những đặc điểm khác biệt so với Phật giáo nguyên thủy và Phật giáo đại chúng của các nơi khác trên thế giới. Phật giáo là tôn giáo có ảnh hưởng lâu đời và sâu rộng nhất ở Việt Nam. Theo thống kê của Ban Tôn giáo chính phủ Việt Nam năm 2005, hiện có gần 10 triệu tín đồ Phật giáo, còn theo số liệu thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cả nước có gần 45 triệu tín đồ quy y tam bảo, có 839 đơn vị gia đình Phật tử và khoảng 44.498 Tăng Ni, hơn 14.775 Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường...

Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, ngay từ đầu Công nguyên với truyện cổ tích Chử Đồng Tử (ở Hưng Yên ngày nay) học đạo của một nhà sư Ấn Độ. Luy Lâu (thuộc tỉnh Bắc Ninh) là trị sở của quận Giao Chỉ sớm trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng. Các truyền thuyết về Thạch Quang Phật và Man Nương Phật Mẫu xuất hiện cùng với sự giảng đạo của Khâu Đà La trong khoảng các năm 168-189

Do tiếp thu Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ nên từ Buddha (bậc giác ngộ) được phiên âm trực tiếp thành "Bụt", từ "Bụt" được dùng nhiều trong các truyện dân gian. Phật giáo Việt Nam lúc ấy mang màu sắc của Tiểu thừa, Bụt được coi như một vị thần chuyên cứu giúp người tốt, trừng phạt kẻ xấu. Sau này, vào thế kỷ thứ 4-5, do ảnh hưởng của Đại thừa đến từ Trung Quốc mà từ "Bụt" bị mất đi và được thay thế bởi từ "Phật". Trong tiếng Hán, từ Buddha được phiên âm thành "Phật đà", rồi được rút gọn thành "Phật".

Phật giáo ăn sâu, bám rễ vào Việt Nam từ rất sớm. Đến đời nhà Lý, nhà Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh, được coi là quốc giáo, ảnh hưởng đến tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống. Đến đời nhà Hậu Lê thì Nho giáo được coi là quốc giáo và Phật giáo đi vào giai đoạn suy thoái. Đến đầu thế kỷ 17, vua Quang Trung cố gắng chấn hưng đạo Phật, chỉnh đốn xây chùa, nhưng vì mất sớm nên việc này không có nhiều kết quả. Đến thế kỷ 20, mặc dù ảnh hưởng mạnh của quá trình Âu hóa, Phật giáo Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ khởi đầu từ các đô thị miền Nam với các đóng góp quan trọng của các nhà sư Khánh Hòa và Thiện Chiếu Trên bước đường truyền bá và hội nhập, Phật giáo luôn luôn cố gắng thực hiện hai điều đó là khế lý và khế cơ. Nếu thiếu đi một trong hai yếu tố này Phật giáo sẽ chẳng còn là Phật giáo nữa. Duy trì và phát triển hai yếu tố này, Phật giáo được truyền vào Việt Nam và các nước khác.

Khế lý là nói về mặt tư tưởng nhờ khế lý nên dù ở thời gian và không gian nào, giáo lý Phật-đà vẫn hợp với chân lý, tư tưởng vẫn luôn luôn phong phú, sâu sắc mà vẫn giữ được bản chất của mình và chỉ có một vị đó là vị giải thoát.

Khế cơ thiên trọng về mặt lịch sử nhờ khế cơ nên dù trong hoàn cảnh và quốc độ nào thì sự sinh hoạt, thể hiện, truyền đạt cũng luôn luôn đa dạng. Tùy theo phong tục tập quán của mỗi quốc gia mà vẫn không hề mất gốc (Phật giáo). Nói một cách khác thì có thể tùy nghi phương tiện theo từng vùng miền để truyền bá giáo lý Phật-đà nhưng không làm mất đi bản sắc của Phật giáo là ứng hợp với mọi tầng lớp và căn cơ chúng sanh.

Tên gọi tuy có khác nhưng giáo lý vẫn là một nên gọi là khế lý, dù một mà không phải một, nên có lắm tên Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Tây Tạng, Phật giáo Thái Lan, v.v... tất cả đều có tên chung là Phật giáo, bảo rằng giống cũng được nhưng bảo rằng không thì là sai. Đây gọi là khế cơ là bản địa hóa, hay sắc thái Phật giáo của từng vùng miền.

Khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam đã được các vị thiền sư người Việt bản địa hóa, khiến Phật giáo hòa mình vào lòng dân tộc tạo nên một sắc thái đặc biệt của riêng Việt Nam. Phật giáo đã cùng sinh tồn cùng dân tộc. Điểm này dễ dàng nhận thấy trong những thời đại hưng thịnh của đất nước như Đinh, Lê, Lý Trần đều là những lúc Phật giáo cũng song hành hưng thịnh và các vị thiền sư có vị trí quan trọng trong các triều đại đó. Dù được bản địa hóa để quyện mình vào lòng dân tộc nhưng tam tạng kinh điển Phật giáo Việt Nam vẫn được truyền thừa trong suốt hơn 2000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Phật giáo thờ Phật trong chùa, tín ngưỡng truyền thống Việt Nam là thờ thần trong miếu và thờ Mẫu trong phủ, bốn vị thần được thờ nhiều nhất là Tứ pháp: Mây-Mưa-Sấm-Chớp. Tuy nhiên bốn vị thần này đã được "Phật hóa". Các pho tượng này thường được gọi tượng Phật Pháp Vân, Phật Pháp Vũ, Phật Pháp Lôi và Phật Pháp Điện, trên thực tế các tượng này hoàn toàn điêu khắc theo tiêu chuẩn của một pho tượng Phật. Nghĩa là đầy đủ 32 tướng tốt cùng 80 vẻ đẹp, mà một trong những nét tiêu biểu chính là tướng nhục kế, những khế ấn, và khuôn mặt đầy lòng từ mẫn v.v... Các hệ thống thờ phụ này tổng hợp với nhau tạo nên các ngôi chùa "tiền Phật, hậu thần" hay "tiền Phật, hậu Mẫu". Người Việt Nam đưa các vị Thần, Thánh, Mẫu, thành hoàng thổ địa, anh hùng dân tộc... vào thờ trong chùa. Đa số các chùa còn để cả bia hậu, bát nhang cho các linh hồn đã khuất.

Các tông phái Phật giáo Đại thừa sau khi du nhập vào Việt Nam trộn lẫn với nhau. Dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi pha trộn với Mật giáo. Nhiều vị thiền sư đời Lý như Vạn Hạnh, Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không... đều giỏi pháp thuật và có tài thần thông biến hóa. Thiền tông còn kết hợp với Tịnh Độ tông như là trong việc tụng niệm Phật A Di Đà và Bồ Tát.

Các điện thờ ở chùa miền Bắc có vô cùng phong phú các loại tượng Phật, Bồ tát, La hán của các tông phái khác nhau. Các chùa miền Nam còn có xu hướng kết hợp Tiểu thừa với Đại thừa. Nhiều chùa mang hình thức Tiểu thừa (thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, sư mặc áo vàng) nhưng lại theo giáo lý Đại thừa; bên cạnh Phật Thích Ca Mâu Ni còn có các tượng Phật nhỏ khác, bên cạnh áo vàng còn có áo nâu, áo lam.

Phật giáo Việt Nam còn có một đặc điểm là rất linh hoạt, mà nhà Phật thường gọi là "tùy duyên bất biến; bất biến mà vẫn thường tùy duyên" nghĩa là tùy thuộc vào tình huống cụ thể mà người ta có thể tu, giải thích Phật giáo theo các cách khác nhau. Nhưng vẫn không xa rời giáo lý cơ bản của nhà Phật. Ví dụ: Các vị bồ tát, các vị hòa thượng đều được gọi chung là Phật, Phật Bà Quan Âm (vốn là bồ tát), Phật Di Lặc (vốn là hòa thượng)... Ngoài ra Phật ở Việt Nam mang dáng dấp hiền hòa và dân dã: ông Bụt Ốc (Thích Ca tóc xoăn), ông Nhịn ăn mà mặc (chỉ Thích Ca Tuyết Sơn)... Trên đầu Phật Bà Chùa Hương còn có lọn tóc đuôi gà rất truyền thống của phụ nữ Việt Nam.

Tín ngưỡng truyền thống đã tiếp nhận Phật giáo ngay từ đầu Công nguyên. Sau đó Phật giáo cùng tín ngưỡng truyền thống tiếp nhận Đạo giáo. Rồi tất cả cùng tiếp nhận Nho giáo để làm nên "Tam giáo đồng nguyên" (cả ba tôn giáo có cùng một gốc) và "Tam giáo đồng quy" (cả ba tôn giáo có cùng một mục đích). Ba tôn giáo trợ giúp lẫn nhau: Nho giáo lo tổ chức xã hội, Đạo giáo lo thể xác con người, Phật giáo lo tâm linh, kiếp sau của con người. Trong nhiều thế kỷ, hình ảnh "Tam giáo tổ sư" với Thích Ca Mâu Ni ở giữa, Lão Tử ở bên trái, Khổng Tử ở bên phải đã in sâu vào tâm thức mọi người Việt.



2.2. Phật giáo nhà Hậu Lê 1858

Như chúng ta đã biết Đạo Phật đạt đến cực thịnh vào thời nhà Trần rồi bắt đầu suy thoái vào thời nhà Hậu Lê, mà hai nguyên nhân chính phải kể ra là: nguyên nhân nội tại trong chính đạo Phật, và nguyên nhân ngoại tại từ sự phát triển của Khổng giáo.

Thứ nhất là nguyên nhân nội tại. Khi đạo Phật được vua chúa quý trọng thì các nhà quyền quý và trăm họ đều hướng vào. Chùa chiền càng nhiều thì nếp sống thanh quy càng khó bảo đảm được. Tăng chúng càng đông thì càng có nhiều phần tử bất hảo làm hại thanh danh tăng đoàn, sự kính trọng càng nhiều thì niềm kiêu hãnh càng thêm cao. Sự cúng dường càng hậu thì sự ỷ lại càng tăng. Đây là biểu hiện của sự suy thoái.

Thứ hai, nguyên nhân ngoại tại. Như đã biết, thời Lý Trần nhiều thiền sư tham dự chính sự và có tiếng nói quan trọng với vua quan. Vào cuối thế kỉ 14, Hồ Quý Ly vốn xuất thân Nho học trong quá trình tiếm quyền nhà Trần đã thực hiện một số biện pháp nhằm giảm ảnh hưởng của đạo Phật. Thêm nữa, nhiều nhà Nho vốn trọng từ chương, tự cho mình là độc tôn trí thức nên không ưa đạo Phật vốn trọng tinh thần bao dung. Chẳng hạn các đại thần Lê Quát, Trương Hán Siêu đã công khai chỉ trích đạo Phật.

Ngoài ra, việc nhà Minh xâm lược Đại Việt đầu thế kỉ 15 cùng chính sách tận diệt nền văn hóa độc lập của đất nước đã hủy diệt không chỉ truyền thống của đạo Phật tại Việt Nam mà là cả truyền thống dân tộc. Từ khi nhà Hậu Lê thành lập, và nhất là từ khi vua Lê Thánh Tông suy Khổng giáo làm quốc học thì đạo Phật chính thức suy thoái trong một thời gian kéo dài đến mấy trăm năm.



2.3 . Phật giáo Đàng trong

Doãn Quốc Công Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) sau khi vào trấn thủ đất Thuận Hóa đã để ý đến việc lập chùa. Năm 1601, ông bắt đầu cho xây dựng chùa Thiên Mụ ở xã Hà khê, huyện Hương Trà (thuộc Huế ngày nay). Năm sau, vào ngày Vu Lan, ông đến chùa Thiên Mụ lập trai đàn và làm lễ bố thí, lại cho dựng chùa Sùng Hóa trên nền một ngôi chùa cổ ở xã Triêm Ân, huyện Phú Vang. Năm 1607, cho lập chùa Bảo Châu ở Trà Kiệu, Quảng Nam. Năm 1609, lập chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch, Quảng Bình. Sau khi ông dựng xong dinh Quảng Nam ở xã Cần Húc lại cho lập một ngôi chùa gần đó là chùa Long Hưng. Có thể ý chúa Nguyễn muốn lấy đạo Phật làm chỗ dựa tinh thần cho công trình lập quốc của dòng họ Nguyễn. Cho nên sau này, các chúa Nguyễn đều tỏ vẻ sùng đạo Phật. Còn nhân dân Ðàng Trong cũng nghênh đón các vị du tăng Trung Quốc với một tấm lòng chân thật, mặn nồng. Trong thời đại chuyển tiếp giữa hai triều Minh Thanh, nhiều cao tăng Trung Hoa đã tới Ðàng Trong hành hóa. Một phần quan trọng của những tổ đình hiện nay là do các thiền sư Trung Hoa sáng lập.

Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) là một Phật tử pháp danh Hưng Long, còn có hiệu là Thiên Túng Ðạo nhân do ngài Thạch Liêm, một danh tăng thuộc phái thiền Tào Ðộng Trung Quốc đặt, và được xem là truyền thừa chánh tông đời thứ 30 của dòng thiền này. Bốn năm sau khi lên ngôi chúa, ông thọ Bồ tát giới và thường tự ví mình là Duy Ma Cật. Ông chủ trương lấy tinh thần Phật pháp định hướng cho đời sống dân tộc và có quan hệ mật thiết với sư Thạch Liêm. Ngài Thạch Liêm đã có lần trình bày với chúa quan điểm trị nước theo tinh thần Phật giáo, được giải thích qua ý nghĩa "trai giới" đối với một vị quân vương: "Trai giới là làm cho quốc gia từ trên xuống dưới được thanh lý chỉnh tề, không một người nào không ngồi đúng chỗ, không một việc nào chẳng giải quyết được chính đáng. Làm được như thế mới là sự trai giới viên mãn của một ông vua". Chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho xây dựng và trùng tu nhiều ngôi danh lam tại Thuận Hóa như trùng tu chùa Thúy Vân, chùa Linh Mụ... Sai người sang Trung Quốc thỉnh bộ Ðại tạng kinh, xây Tàng kinh các để bảo quản.

Dòng Lâm Tế, một nhánh Thiền nam tông quan trọng của tổ sư Lâm Tế Nghĩa Huyền từ Trung Hoa truyền vào Việt Nam vào thế kỉ 17 rồi phát triển mạnh tại Đàng Trong. Từ thời điểm này trở đi xuất hiện nhiều cao tăng thuộc dòng này như các sư Viên Minh và Viên Khoan ở Quảng Trị, Minh Hoằng Tử Dung khai sơn chùa Từ Ðàm, sư Giác Phong sáng lập chùa Báo Quốc tại Huế, sư Pháp Bảo lập chùa Chúc Thánh ở Quảng Nam, sư Nguyên Thiều sáng lập các chùa Thập Tháp Di Ðà tại Bình Ðịnh, chùa Quốc Ân và Hà Trung tại Thuận Hóa (Huế), trong đó ngài Nguyên Thiều đã thành lập nên các dòng truyền thừa theo phổ hệ Thập Tháp và Quốc Ân, ngài Pháp Bảo thành lập nên dòng truyền thừa hệ Chúc Thánh. Ngoài các dòng trên, tại Đàng Trong có một hệ truyền thừa ảnh hưởng rất sâu rộng cho đến hôm nay, đó là dòng Liễu Quán, do sư Liễu Quán thành lập.

Dòng truyền thừa theo phổ hệ Tổ sư Nguyên Thiều được truyền đến tận miền Nam Việt Nam từ thế kỷ 18, thành lập Tổ Đình Quốc Ân Kim Cang tại ấp Bình Thảo, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, sau đó hoằng truyền giáo lý thiền tịnh song tu khắp miền Nam nước Việt.