Thiền học
Thiền Tịnh song tu
Thích Chân Quang
10/06/2556 23:37 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


8. 1 . Chiếc nôi của Liên tông Tịnh độ Non bồng

Trước khi nói đến pháp tu của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, phải nói đến veà ngôi cổ tự, chiếc nôi của môn phong, một ngôi chùa rêu phong khép kính dưới những tàng cây cổ thụ râm mát vạn niên, cộng với một kiến trúc vĩ đại đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời cũng là cội nguồn của một môn phong pháp phái thịnh hành hôm nay.

"Kể từ sau khi rời khỏi Đức Sư Ông thượng Bửu hạ Đức, Tôn sư về cầu pháp với Hòa Thượng Hồng Ân-Hoằng Thông, Long Sơn cổ tự dòng Lâm tế Gia phổ thứ 40. Tôn sư được truyền thừa thuộc dòng thứ 41, huý Nhựt Ý. Từ đó đến nay pháp môn tu của Hòa Thượng Thiện Phước-Nhựt Ý rất thịnh hành và lập tông phái riêng gọi là Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.

Do nguyên nhân nầy mà Ban Nghiên Cứu Sử Liệu Phật giáo Bình Dương, do Thượng Tọa Thích Huệ Thông chủ biên đã nói về Long sơn cổ tự, chiếc nôi của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.

Long Sơn cổ tự thuộc xã Thái Hòa, Tân Uyên được xây dựng vào năm Nhâm Thân 1872 do Thiền sư Như Tường – An Tịch khai sơn. Sư thuộc thế hệ thứ 39 dòng Lâm Tế Gia Phổ. Đến năm Quý Mẹo (1903) Hòa Thượng Hồng Ân – Quảng Chánh đệ tử của Hòa Thượng Như Tường lên kế thế trụ trì.

Hòa Thượng Hồng Ân trong thời gian trụ trì và hành đạo nơi đây Hòa Thượng đã quy y và độ nhiều tăng chúng cũng như Phật tử ở vùng này. Đến năm 1941 kế thế trụ trì là Hòa Thượng Trí Châu – Hồng Thông. Hòa Thượng Trí Châu – Hồng Thông sanh năm Kỷ Dậu (1909) tại làng Thới Hòa – Tân Uyên. Trong thời gian Hòa Thượng trụ trì đã tạo được rất nhiều uy tín trong cũng như ngoài tỉnh. Vào năm 1956 nhà sư Lê Minh Ý nghe danh Hòa Thượng Trí Châu là bậc cao tăng thật học nên Sư Lê Minh Ý đến cầu pháp và tu học tại chùa Long Sơn. Sư Lê Minh Ý được Hòa Thượng Trí Châu đặt pháp hiệu là Nhựt Ý – Thiện Phước thuộc thế hệ 41 dòng Lâm Tế Gia Phổ. Trong thời gian ẩn dật tu hành nơi đây sư Thiện Phước thay thầy hoằng dương Phật pháp và độ nhiều đệ tử xuất gia cũng như tại gia trong và ngoài tỉnh. Cũng trong thời gian này, Sư Lê Minh Ý bị tình nghi hoạt động cách mạng nên chính quyền lúc bấy giờ trục xuất ra khỏi chùa. Sau này sư Thiện Phước vân du hành đạo và lập nhiều đạo tràng cũng như cô nhi viện ở nhiều nơi. Sư tham gia vào tổ chức Tịnh Độ Tông, sau làm Phó Hội trưởng của Hội Tịnh Độ Tông Việt Nam, sư Nhật Ý – Thiện Phước còn là Tông chủ Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng (Mẫu Trầu), tổ chức này sau được phát triển rất thịnh ở vùng miền Đông và Tây Nam Bộ. Ngài Nhật Ý – Thiện Phước là vị sư có công lao lớn trong việc xiển dương Phật pháp chùa Long Sơn trong thời gian sư trụ trì chùa. Ngài cũng là nhà sư có nhiều công đức đưa tinh thần đạo Phật vào cuộc đời qua nhiều việc làm thiết thực như mở rất nhiều cô nhi viện, mở rất nhiều đạo tràng tu tập và khai sơn trên 100 cơ sở thờ tự thuộc phái Tông môn, Ngài đã đào tạo nhiều đệ tử xuất gia, trong đó có Ni Trưởng Huệ Giác hiện là Viện chủ Quan ÂM Tu Viện (Biên Hòa – Đồng Nai) và nơi đây cũng là ngôi Tổ Đình thuộc hệ phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng do Hòa Thượng sáng lập, và Ngài trở thành một vị cao tăng trong giới tăng ni của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Ngài là vị chân tu có tinh thần yêu nước mạnh mẽ đã cống hiến nhiều công sức cho sự nghiệp bảo vệ và giải phóng đất nước. Với công lao mà Hòa Thượng đã cống hiến cho sự nghiệp đạo pháp và dân tộc, Nhà Nước Việt Nam tặng thưởng cho Hòa Thượng 2 huân chương kháng chiến.

Sau khi Hòa Thượng Trí Châu viên tịch năm Tân Sửu (1961). Kế thế trụ trì là Thiền sư Định Trí – Nhật Khánh. Thiền sư Nhật Khánh là đệ tử trực tiếp của Hòa Thượng Trí Châu – Hồng Thông, cũng là sư đệ thiền sư Nhật Ý. Trong thời gian sư Nhật Khánh trụ trì, do có tinh thần yêu nước, nuôi giấu cán bộ cách mạng nên sư bị giặc Pháp sử bắn. Sau khi sư Nhật Khánh hi sinh, sư Nhật Quang là sư đệ của Thiền sư Nhật Khánh lên kế thế trụ trì đến năm 1968 sư Nhật Quang viên tịch.

Kế thế trụ trì chùa Long Sơn là Hòa Thượng Trung Độ – Huệ Tâm, sư Trung Độ thuộc thế hệ thứ 43 dòng Lâm Tế. Trong thời gian sư trụ trì chùa được trùng tu khang trang hơn và độ nhiều tăng ni tu học. Cũng trong thời gian này, chùa được sự ủng hộ của Ni Sư Huệ Giác viện chủ Quan Âm Tu Viện (Đồng Nai) trong nhiều công tác Phật sự. Vào năm 1989, Ban Đại Diện Phật giáo Tân Uyên mở lớp dạy giáo lý cho Tăng ni Phật tử tại chùa Long Sơn.

Hòa Thượng Huệ Tâm viên tịch vào năm Bính Tý (1996). Đến tháng 7 năm 1999 Tỉnh hội bổ nhiệm Đại đức Thiện Trang làm trụ trì.

Đến năm 2003 do nhu cầu Phật sự nên Tỉnh hội điều Đại đức Thiện Trang về trụ trì chùa Quan Âm thuộc xã Thới Hòa và cũng vào năm này Tỉnh hội bổ nhiệm Ni Sư Diệu Thường đệ tử của Ngài Huệ Tâm – Trung Độ làm trụ trì chùa cho đến nay.

Chùa Long Sơn là một trong những ngôi chùa cổ ở Bình Dương còn giữ được khá nguyên vẹn như ban đầu cả về mặt kiến trúc lẫn cách bày trí tôn thờ. Thiết trí trên chánh điện của chùa gian giữa tầng trên thờ bộ tam thế: Di Đà, Quan Âm, Thế Chí với tư thế tọa thiền, tầng kế là Đức Từ Phụ Thích Ca và Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền, tượng Đản Sanh và tầng kế là long vị Ngọc Hoàng và Tứ Thiên Vương. Đặc biệt chùa còn thờ linh vị: Đương Kim Hoàng Đế Thánh Thọ Vạn Vạn Tuế (long vị này các ngôi chùa xưa thường thờ để tôn kính tri ân vị vua anh minh, hiện nay hầu hết các chùa không còn thờ long vị này). Trước điện Phật chùa còn tôn trí các bộ tượng Di Lặc, Chuẩn Đề, Nhập diệt và bộ Ngũ hiền. Hai bên gian chánh điện bên trái là bộ Quan Công (Già Lam), Ngũ Điện Diêm Vương, Địa Tạng Bồ Tát. Bên phải thờ Đạt Ma tư thế ngồi, Thập Điện Diêm Vương, phần tiền điện được tôn trí Hộ pháp, Tiêu Diện và Đức Dược Sư. Hậu tổ là bàn thờ các long vị của các vị trụ trì chùa và Đạt Ma Tổ Sư, giảng đường là Ngài Chuẩn Đề, Giám Trai và sau cùng là linh khánh thờ bà Linh Sơn Thánh Mẫu (tín ngưỡng dân gian). Các bộ tượng được thờ tại chùa Long Sơn hầu hết là những bộ tượng làm bằng gỗ mít và đất nung có niên đại cùng thời với năm khai sơn chùa, chỉ có một ít tượng được thỉnh sau này làm bằng thạch cao. Ngoài các bộ tượng chùa còn giữ lại các bao lam, đại hồng chung và các cặp liễn đối, trong đó có cặp liễn đối xưa tại chánh điện:

Tham Tán Thiên Địa Hóa Dục Minh Minh Thương Hải Phiếm Từ Thuyền

Chung Ngưng Sơn Nhạc Tinh Anh Cảnh Cảnh Kim Đài Nghiêm Diệu Tướng

Tạm dịch:

Muôn Vật Biến Hóa Chan Hòa Cùng Trời Đất Trong Cơn Mê Có Chiếc Thuyền Từ Giữa Biển Khơi

Âm Vang Tiếng Chuông Như Đọng Lại Trên Đỉnh Núi Làm Sáng Rực Tướng Trang Nghiêm Nơi Điện Phật.

Câu liễn đối này do tín chủ Nguyễn Văn Chức tặng nhân dịp khánh thành trùng tu chánh điện vào năm 1905.

Tổng thể xây dựng gồm: tiền điện, chánh điện, hậu tổ, giảng đường, đông lang và tây lang, tất cả được làm bằng chất liệu gỗ quý theo kiến trúc cổ ba gian hai chái được nối liền nhau từ hậu tổ với trai đường cách khoảng sân trong hai bên để tạo thêm ánh sáng bên trong, đây là loại kiến trúc thường được các chùa cổ Việt Nam sử dụng. Trước sân chùa là cây bồ đề cổ thụ, tàng cây che phủ kín sân chùa. Và một điện đài thờ Bồ Tát Quán Thế Âm cùng các ngôi tháp của các thiền sư trụ trì. Bên trái ngôi chánh điện trước sân là điện thờ Hòa Thượng Nhật Ý – Thiện Phước (Mẫu Trầu).

Từ lộ chính chợ Tân Ba về trung tâm huyện Tân Uyên khoảng 1 km nằm bên phải ta thấy một ngọn đồi cao thoáng. Chùa nằm trên một ngọn đồi có diện tích khá rộng thoáng mát bởi những tán cây cổ thụ che phủ không gian của ngôi chùa. Thiên nhiên nơi đây đã tạo thêm cho ngôi chùa có một không gian yên tĩnh, u tịch như cảnh non bồng tại chốn trần gian.

Đến với chùa Long Sơn hiện nay, ta cảm giác như đang sống trong thiền lâm quy củ của tổ sư, bởi nơi đây còn như nguyên vẹn những gì mà các bậc tiền bối năm xưa đã để lại. (Hội Khoa hoc Lịch Sử Bình Dương Bình Dương Danh Lam cổ tự, TT Thích Huệ Thông biên soạn, XB ngày 22/01/2008 HT Thích Giác Quang trích lượïc 12/12/2011

8.2 . Pháp môn Sám hối của Tôn sư Thiện Phước - Nhựt Ý:

Một lạy con nhớ tội lỗi đã qua, con gây tạo quá nhiều, vô biên, vô lượng, nay con xin sám hối ăn năn cho tội chướng tiêu trừ đoạn dứt

Hai lạy con thành tâm cảm tạ những ai là người lân cận hoặc trong đạo ngoài đời, hằng nhắc nhở các tội lỗi của con, hoặc bằng thân khẩu ý, hoặc vô tình hay cố ý con đều sữa đổi và sám hối.

Ba lạy con đau khổ và xót thương tình nhơn loại, cả thế đời hoặc ở xa ở gần con cũng là huyết mạch mà hôm nay chưa hồi tâm trở về đường thiện duyên và con hằng cầu nguyện cho tất cả người người hữu duyên lành đồng tu niệm như con.

Bốn lạy con hằng ngày, hằng đêm, hằng giờ, con không quên xét lấy thân tâm của con để ngăn lòng sữa tánh trọn đời chẳng dám quên và con nguyện thành thật tha thứ, hỷ xả lỗi lầm cho những kẻ làm nghịch ý con hằng ngày .

Năm lạy con hằng tinh tấn cả thân tâm vì đạo trọn đời, để khỏi phụ lòng Thầy Tổ giáo dạy nhủ khuyên rất cực nhọc, con nguyện chí tâm hành đạo quên mình chung thỉ.

Sáu lạy con nguyện xét tội mình hữu tội quấy mà ăn năn, con quyết không đổ lỗi tội cho người thứ hai mà che dấu cái thói hư tật xấu của con hoặc là thân khẩu ý tạo ra, mà con lo vun bồi đức hạnh trọn đời chẳng quên, con xin hứa rằng chẳng tự dối lòng mình là dối gian với Phật.

Bảy lạy con nguyện chừa bỏ cái tham giận buồn vui, khi người, mà trọng cái riêng tư tánh ý của con, mà quên tình đồng loại, tình đồng đạo, tình bằng hữu xa gần để phụ lòng người lân cận chẳng mát tâm sanh ra phiền não.

Tám lạy con chẳng tiếc thân mạng của con, trọn đời phụng sự cho sự lợi ích của đạo Phật, chẳng hề than trách hay là kể công lao ít nhiều, con chỉ muốn cho chánh pháp Như Lai Phật Đạo trường tồn mãi mãi đời đời bất hoại.

Chín lạy con xin vâng chịu trọn đời thân tâm hồn xác, để làm người phật tử chân tu của nhơn thế, trọn đời chẳng so hơn tính quấy phân biệt với tất cả nhơn tâm cõi đời, con chẳng hề quên.

Mười lạy con xin giữ trọn đời xa lánh tất cả các điều ác chẳng phạm hoặc bằng thân khẩu ý xin chừa, con xin giữ trọn chung thỉ viên mãn các điều thiện chẳng hề quên và con thương xót muôn loài vạn vật hữu thân cũng là hữu khổ như con vậy .

Mười một lạy con xin trọn đời giữ đạo hạnh trang nghiêm, kính bậc bề trên niên cao kỷ trưởng và quí mến người còn thơ ấu không phân nam nữ trẻ già đời hay đạo, con xin nhớ trọn đời như vậy chẳng hề bạc đải với tất cả tình nhơn loại, không phân biệt ai là oán thù hờn giận mà thương mến chung như huyết mạch của con thành thật như vậy.

Mười hai lạy con hằng nhớ đến cửu huyền thất tổ của con, còn tội lỗi chưa siêu sanh Tịnh Độ, chưa về Tây Phương Phật mà con xót thương hằng ngày và con quyết chí tu hành cho đạo quả viên thành, mà cứu vớt cho Ông Bà Cha Mẹ của con và con nhớ bao nhiêu người khác chưa tu chưa siêu, muôn loài vạn vật chưa tu, con không bao giờ bỏ qua việc đạo đức là con quyết cứu vớt tất cả giống nòi, âm dương đồng siêu thoát như con vậy.

Mười ba lạy con còn nhớ nay con được hữu duyên hữu phước tu hành, có bao nhiêu tình đồng đẳng đồng loại như con còn bị đau khổ việc đời hoặc bị tù đày bị đói khát, bị cô thân và nhiều tai ách mà con chưa đủ đức hạnh cứu vớt kẻ tâm hồn thân xác như con, hằng ngày con nhớ mãi những hạng người ấy mà cảm động xót thương và con nguyện cầu Tam Bảo chư Phật chứng minh, con quyết tu thành đạo để rồi thượng báo tứ trọng ân hạ tế tam đồ khổ, đặng vậy con mới đắc kỳ hạnh nguyện tu của con.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật .

Con nhứt tâm đảnh lễ tam cõi Phật Trời Thánh Tiên Thần, Cha Mẹ Ông Bà cảm ứng chứng minh, con sám hối mười ba lạy Tam Bảo đạo tràng, trọn đời thân tâm hồn xác chẳng quên chung thỉ của con trong cuộc đời tu hành viên mãn .

Nguyện thân tâm của con là. . . . . . . . . .pháp danh . . . . . . thành tâm cầu nguyện đạo đời an lạc trường tồn phước hạnh nhơn trần toàn thiện, đồng tu Phật siêu sanh tịnh độ, trang nghiêm Phật quốc, Phật địa nhơn nhơn Phật.

Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát cảm ứng chứng minh



Những bài phát nguyện trên xuất phát từ kim ngôn của Đức tôn sư trong những năm còn hành đạo tại núi Bồng Lai, trung tâm thành lập Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng và những năm tại trần thế. Những bài phát nguyện tụng đọc ở non núi, lời văn mộc mạc, không sắp sẳn không sọan đi sọan lại như các nhà văn, chỉ có ý tứ là dồi dào, cho những người muốn học đạo giải thóat, không còn phân vân, khi người tụng đọc không nghi ngờ, mà còn thêm phát tâm tinh tấn ký gởi trọn niềm tin nơi lời nguyện và cảm thấy được gần gủi Đức tôn sư. Xin mời gọi các bạn thử tụng đọc và nghiên cứu.

Trong sám văn Phát bồ đề tâm của Đại sư Thiệt Hiền, hiệu Tư Tề, đệ Thập tổ của Tịnh Độ Tông, ngài có trứ thuật lại lời kinh dạy:

”Yếu môn nhập đạo

Phát tâm làm trước

Yếu vụ tu hành,

Lập nguyện làm đầu

(Đường về Cực Lạc, Liên tông chư tổ, trang 185)

Pháp sám hối trong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng lời văn thâm thiết, truyền cảm, giúp cho hành giả tự nghĩ đến thân khẩu ý của mình mà sám văn sám hối tội lỗi. Văn tuy mộc mạc đơn sơ, nhưng nội dung giúp cho chư liên hữu trong Tịnh Độ Non Bồng từ trên 60 năm qua tu hành bất thối chuyển, hiệu quả cao.

8.3 . Pháp môn lễ bái niệm Phật:

Là tông chỉ thứ hai của người tu ở non núi; vì tu ở non núi nên lễ Phật, lễ Pháp, lễ Tăng, lễ các vị giáo chủ, lễ những người có công với nước non, quốc vương, khai quốc công thần, lễ cầu nguyện lục châu thế giới hòa bình, lễ cầu quốc thới dân an, nước nhà thái bình thịnh trị. Trong những năm 1959 đến 1965, chư Tăng Ni, Phật Tử Non Bồng thường xuyên thực tập “lễ bái niệm Phật”.

Lễ bái theo phong cách Tịnh Độ Non Bồng, là gieo năm vóc thành tâm kính lễ; có khi đứng lạy, quỳ lạy, người già yếu thì ngồi lạy. Chư liên hữu khi lạy xuống thì niệm câu : “Nam mô A Di Đà Phật”, khi đứng lên cũng niệm câu: “Nam mô A Di Đà Phật”. Người tu phát nguyện lạy như thế từ 3 lạy (lạy Tam Bảo) đến 12 lạy (12 câu nguyện Nam mô An Dưỡng Quốc, 12 câu nguyện Quán Thế Âm…), 48 lạy (lạy 48 lời nguyện của Phật A Di Đà),108 lạy (vừa lạy vừa niệm Phật).

Khi thực hành khóa tu lạy Phật, thì có vị duy na điểm chuông gia trì thật chậm cho liên hữu lạy Phật. Tư thế “đứng lạy” của Liên hữu Tịnh Độ Non Bồng như sau: hai bàn chân phải khép sát vào nhau, không đứng hình chữ “bát”, hai bàn tay chắp vào nhau, hai ngón tay cái xếp lên nhau. Đôi bàn chân đứng theo hình chữ “nhất” biểu hiện cho nội lực vững vàng, không ngã nghiêng, ngã ngữa, dễ dàng đưa hành giả đạt đến chổ nhất tâm, nghiêm túc giữ gìn giới pháp Phật, hai ngón tay cái xếp lên nhau biểu hiện cho sự tinh tấn, kiên tâm trì chí, tâm chí vững bền, tu hành bất thối chuyển.

Liên hữu Tịnh Độ Non Bồng, thường xuyên lễ sám Kinh Dược Sư, lạy Vạn Phật, lễ Pháp Hoa, lễ Tam Thiên Phật, lễ sám Ngũ Bách Danh Quán Âm Bồ Tát, lạy Thù Ân, lễ bái Tôn Sư, Thầy Tổ, lễ bái quý Sư Lớn, lễ bái những người già cả (trong ngày lễ Vu Lan)… lễ xong xá ba xá, lui ba bước rồi mới đi ra ngoài.

Thời gian tại Non Bồng, trong một ngày Tăng Ni, Phật Tử lễ bái hai lần, buổi sáng và buổi chiều, thường là lễ bái tập thể, từ một trăm đến năm trăm người trở lên, đứng lạy, không quỳ hay ngồi mà lễ lạy. Hoặc từng cá nhân chư Tăng Ni, tín đồ Phật tử lập hạnh: sáng, trưa, chiều đều mặc áo tràng lễ bái Phật, Bồ tát, lễ bái Tổ Sư. Ngày nay, đã trên năm mươi năm rồi nhưng chư Tăng Ni, Phật tử kể cả tác giả biên sọan quyển sách nầy vẫn còn thực hành “lễ bái niệm Phật” hằng đêm như xưa, hoặc kiết thất 7 ngày, 21 ngày, 49 ngày hay 3 tháng 10 ngày mà lễ bái niệm Phật.

8.4 . Lễ bái Kinh Diệu Pháp Liên Hoa:

Tại Việt Nam có rất ít người tu lạy (lễ bái) Kinh Pháp Hoa, những nơi có chư Tăng Ni phát tâm lạy kinh Pháp Hoa, như ở Chùa Vạn Đức, Vạn Hạnh (Thủ Đức). Một vài vị Tăng Ni xưa ở miền Tây Nam phần Việt Nam cũng từng tu hạnh lành lễ kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Năm 1964, Cụ Bà Diệu Âm, liên hữu Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, quản lý các Tăng Ni sinh tại Tổ Đình Linh Sơn phát tâm lạy từng chữ kinh Diệu Pháp Liên Hoa trong thời gian ba tháng, Cụ Bà lạy xong bộ kinh Pháp hoa.

Pháp tu lạy Pháp Hoa, tức là hành giả nhứt tâm cung kính lạy từng chữ trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, từ chữ đầu tiên của tựa Kinh đến chữ cuối cùng của "Phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện".

Năm 1962 khi vào Phật Học Đường tu học, được Đức tôn sư ban cho quyển kinh Diệu Pháp Liên Hoa có phần Âm-Nghĩa bản dịch năm 1947 của HT Thích Trí Tịnh, in vào năm 1961 để hộ thân. Ngày mùng 10 tháng bảy năm Đinh Mùi (1966) đến Liên Tông Tự, đường Đề Thám, Quận Nhì, Saigon (nay là Tp.Hồ Chí Minh) phát nguyện thọ giới Tỳ kheo, nhìn thấy bản song ngữ Hán-Việt do Cụ Đoàn Trung Còn biên dịch vào năm 1937 nằm trong tủ sách lớn của Hội sở Trung Ương Tịnh Độ Tông Việt Nam nhưng chưa được đủ duyên để cầm đến đọc tụng. Cuối năm 1969, có nhơn duyên xem được bản dịch Kinh Diệu Pháp Liên Hoa của Hòa Thượng Trương Văn Đó, in trên giấy vàng (dịch giả không xưng pháp danh, pháp hiệu) trú xứ Kiên giang, Rạch giá. Năm 1971 học “Pháp Hoa huyền nghĩa” của Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền; năm 1972 đọc “Pháp Hoa giảng diễn lục” của ngài Thái Hư Đại sư, do Hòa thượng Thích Trí Nghiêm biên dịch. Gần đây nghiên cứu Pháp Hoa thông nghĩa của Đại sư Đức Thanh, bản dịch và giảng giải Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, nhà xuất bản tôn giáo ấn hành năm 2007.

Đầu tháng Tư, năm Kỷ dậu (1969), tại Quan Âm Tu Viện dưới sự hộ trì của Đức Tôn Sư, Sư Bà Thích Nữ Huệ Giác và Sư huynh Hòa Thượng Trụ trì Thích Thiện Chơn, Hòa thượng Thích Giác Quang phát nguyện nhập thất lạy kinh Diệu Pháp Liên Hoa tại Tịnh thất Bảo Tịnh.

Nội dung trong kinh tụng có giảng "hơn sáu muôn lời thành bảy cuốn", tức là kinh có trên 60.000 chữ ( trên thực tế có khoãng 76.460 chữ). Muốn lạy được kinh Pháp Hoa, hành giả phải thực hiện nhập thất 100 ngày trong năm; trong 100 ngày đó, mỗi ngày thực hiện sáu thời lạy, mỗi thời lạy 125 lạy và lạy đứng.

Điều cần thiết là trong thời khóa tu phải có hai người hộ trì chính yếu: một là Thầy Bổn sư hay một tu sĩ có phước đức trí tuệ cao viễn hơn hành giả để cân nhắc đến giờ lễ bái; cầu thỉnh long thiên hộ pháp bát bộ kim cang lai hộ trì gia hộ giữ gìn lực nội tại; hai là vị Thị giả thân tín, phục vụ ăn mặc ở bệnh, canh giữ bên ngoài không cho người lạ ngoài trú xứ xâm phạm nội giới (số lượng 160 lạy như thế, ngày bốn thời, trong quá trình tu tập sẽ có dư thời giờ trong ngày và dư thời gian cả khóa tu). Thời gian lễ bái mỗi ngày bốn thời, ngoài bốn thời chính thức đó, cần gia hạnh thêm chương trình tu niệm Phật, niệm chú Đại bi, chú Vãng sanh…nghiên cứu, đọc học một vài bộ kinh đại thừa phương quảng.

Ngày khai kinh, hành giả mặc y áo tề chỉnh trang nghiêm, thật chậm rãi đến trước bàn Phật đảnh lễ Tam Bảo, đọc bài Chiên đàn hải ngạn…, tụng chú Đại bi…, niệm khai kinh kệ…, rồi đứng chắp tay, tiếp tục đọc câu:

“Nam mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Nam mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát, nhứt tự “DIỆU”, điểm chuông rồi lạy 1 lạy”.

“Nam mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Nam mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát, nhứt tự “PHÁP”, điểm 1 tiếng chuông rồi lạy 1 lạy”

“Nam mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Nam mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát, nhứt tự “LIÊN”, điểm 1 tiếng chuông rồi lạy 1 lạy”

“Nam mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Nam mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát, nhứt tự “HOA”, điểm 1 tiếng chuông rồi lạy 1 lạy”…cứ như thế tiếp tục lạy từng chữ trong Kinh…

Trong 100 ngày lạy kinh Diệu Pháp Liên Hoa sức khỏe phải đầy đủ, chỉ trừ tắm rữa, vệ sinh, các việc còn lại tuyệt đối cắt đứt muôn duyên, không công tác Phật sự, không thuyết pháp, không còn tiếp xúc với ngọai nhân, nếu còn tiếp xúc thì không lạy, không lạy thì không còn gọi là lạy kinh Diệu Pháp Liên Hoa nữa!

Trong thời khóa tu, ở nơi am thất phải thông thoáng, đóng kín cửa thất chính, mở cửa sổ phía không bóng người lai vãng; không sắm vật chất nhiều trong am thất, các vật dụng như radio, tivi, cassette, tập sách, chén bát, ly tách (chỉ để lại một cái), thức ăn vặt. Thu dọn đem những giấy mực, những tranh ảnh dán trên tường (trừ ảnh Phật), vứt đi những bao nylon và các vật dụng không cần thiết.

Năm Canh dần (2010), Sư Minh Chiêu, Tu sĩ Quan Âm Tu Viện nhập thất tại Lộc Ninh, Bình Phước phát tâm lạy Kinh Pháp Hoa từ ngày mùng 01/11 đến 25/11/Canh dần, mỗi ngày lạy 6 thời: sáng, trưa, chiều, tối, nữa đêm và công phu khuya (một đôi khi Sư lạy cả mười lần trong ngày). Với trên 60.000 chữ, từ khi khai kinh, Sư phát tâm lạy chỉ có 25 ngày là hoàn mãn hồi hướng. Đây cũng là kỷ lục tu hành tinh tấn trong các Tự Viện Tịnh độ Non bồng tại Việt nam. Ngoài ra, trong năm 2011 còn có các Cư sĩ Pháp Hạnh, Quận 3; Cư sĩ Thiện Tâm, Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh theo gương của các bậc tu hành của Liên tông Tịnh độ Non bồng phát tâm và đang lạy từng chữ kinh Pháp Hoa.

8. 5. Lễ bái Ngũ bách danh Quán Thế Âm:

Vào năm 1967, chư Tăng Quan Âm Tu Viện, chư Ni tại Tịnh xá Thắng Liên Hoa là những tập thể tu tịnh độ niệm Phật, được đức Tôn Sư và Sư bà Huệ Giác hướng dẫn lạy Ngũ bách danh Quán Thế Âm. Cách lạy, liên hữu sử dụng theo nghi thức phổ thông; khi bước vào lạy danh hiệu Đức Bồ tát, liên hữu niệm danh hiệu đức Bồ tát, điểm một tiếng chuông, đứng lạy, hai tay hiệp chưởng đưa lên trán thành tâm gieo năm vóc mà đảnh lễ. Lạy Ngũ bách danh Quán Thế Âm mang lạy hiệu quả làm cho liên hữu sau khi thực tập tam nghiệp nhẹ nhàng, hóa giải hôn trầm, chấm dứt những thụy miên, tâm chí bần thần dã dượi, tăng trưởng sự tinh tấn, trí tuệ phát sanh, lòng từ xuất hiện.

Nhìn chung, lễ bái của Nhà Phật có nhiều cách: lạy theo hạnh lành Bồ tát Thường Bất Khinh (diệt ngã, thọ ký cho chúng sanh), lạy theo hạnh Nhà Sư Bắc tông (khi lạy, một tay để ngực, một tay lạy, khi quỳ đến sát đất, hai tay mới đồng lạy, hai bàn tay ngữa lên, đầu chấm sát đất) , lạy theo hạnh Tịnh Độ, lạy theo hạnh Mật tông (kết chú ấn), lạy theo Luật tông (xá ba xá lui ra ba bước rồi mới đi ra), lạy theo hạnh Đạo Phật Khất sĩ, và các giáo phái Khất sĩ tại Việt Nam (như hạnh Luật tông) lạy theo hạnh Tịnh Độ Non Bồng (đứng lạy)… Nhưng tất cả đều hướng về đạo lý giải thóat, mỗi mỗi pháp môn tu đều có phong cách riêng, nhằm để giúp cho đại chúng của môn phái mình lập hạnh tu tập.

8. 6. Pháp môn Bá Nhựt Trì Danh hiệu Phật, cầu sanh Tịnh Độ:

Là hạnh tu của Tăng Ni, Phật tử Tịnh Độ Non Bồng. Pháp môn nầy, đầu tiên được Đức Pháp Chủ Đại lão Hòa Thượng Thích Khánh Anh khai sơn tại Phật Học Đường Lưỡng Xuyên, Trà Ôn, Việt Nam. Về sau, năm 1960 Đức Tôn Sư Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước tiếp tục mở khóa tu dành cho Tăng Ni, Phật tử nam nữ trẻ già cả nước tinh chuyên tu hành cho đến hôm nay.

Về pháp tu nầy có phổ biến tại Việt Nam; tuy nhiên trong những thập niên năm mươi, sáu mươi ít có các Tự Viện tiếp nhận cho tứ chúng tu hành. Năm 1960, Hòa Thượng Thích Hành Trụ cũng mở khóa tu tại chùa Chánh Giác, Gia Định dành cho chư Tăng và Phật tử tu hành cho đến khi ngài hành đạo về tại chùa Đông Hưng, Thủ Thêm.

Gần đây tại huyện Củ chi, Tp.Hồ Chí Minh, chùa Hoằng Pháp, Thượng tọa Thích Chân Tín thường xuyên mở khóa tu niệm Phật trong một ngày, một tuần lễ, một tháng hay mở khóa tu mùa hè thật thích hợp cho giới trẻ tham dự tu niệm Phật.

Kể từ khi hoằng hóa pháp tu cho đến nay chỉ có tông phong Liên tông Tịnh Độ Non Bồng của Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước vẫn còn được truyền đăng và hành trì. Ngòai hạnh phát nguyện niệm danh hiệu Phật A Di Đà, lễ bái niệm Phật là tông chỉ chính yếu, Đức Tôn Sư còn tiếp nhận thêm pháp tu Bá Nhựt Trì Danh nầy làm tông chỉ chính yếu trong Tịnh Độ Non Bồng.

Kinh hành niệm Phật trong pháp Bá Nhựt Trì Danh theo kinh Bát Chu Tam Muội, “bát chu” là đi vòng quanh, đi chầm chậm, bước đi chấm chậm vững vàng, nhẹ nhàng thanh thản, khoan thay mà mạnh mẽ theo hướng tay phải, đầu hành giả chỉ hơi hơi cúi xuống, mắt ngó ngay chớp mủi, rồi tập trung ngay đầu ngón tay giữa đang hiệp chưởng (2 ngón tay cái chồng lên nhau), vừa bước đi xung quanh bàn thờ Phật.

Ngày xưa chư Thinh văn, Sa nôn, đệ tử Phật khi muốn thưa thỉnh một việc Phật sự hay thỉnh Phật giảng một bài pháp, thì người ấy đứng lên trịch áo bày vai hữu, bước đi xung quanh Phật ba vòng rồi mới đến trước Phật quỳ gieo năm vóc thưa thỉnh sự việc; cung cách đi như thế gọi là “đi hữu nhiễu”. “Đi hữu nhiễu” trở thành một trong những nền tảng của pháp tu đi kinh hành… Đi kinh hành cũng là nền nếp có từ thời Đức Phật, chính ngài đã từng thực hiện; sau mỗi buổi “thọ thực nhựt thời trung”, thường là đức Phật đi kinh hành niệm Phật ba vòng rồi mới chỉ tịnh và thuyết pháp cho đệ tử thọ học. Các chùa lớn của các hệ phái xưa, có tập thể Tăng Ni tu hành, các Trường Hạ; nhất là trong các Tự Viện của Liên tông Tịnh độ Non bồng, ngày nay dù có tổ chức an cư kiết hạ hay không, sau mỗi buổi thọ thực trưa vẫn có đi kinh hành vòng quanh chính điện, tổ đường niệm Phật.

Đi kinh hành niệm Phật có nhiều cách đi niệm Phật:

Cách một:

Liên hữu nhập chúng, đi theo người hướng dẫn chúng, do Hòa Thượng hay một vị Thượng tọa, Đại đức, Ni sư, Sư cô, hoặc một vị Phật tử “đứng tuổi” hiểu biết pháp tu hướng dẫn. Khi đi kinh hành phải đi theo nhịp kiểng, nhịp mõ nhỏ để giữ nền nếp cho đại chúng bước đi tham dự niệm Phật. Liên hữu niệm NAM MÔ chân trái …A chân phải …DI ĐÀ chân trái …PHẬT… chân phải... và cứ như thế mà bước đi chầm chậm… theo tiếng kiểng, tiếng mõ.

Cách hai:

Đi kinh hành theo phong cách của Tịnh độ Non bồng là mỗi bước chân trái niệm NAM… bước chân phải niệm MÔ… bước chân trái niệm A… bước chân phải niệm DI… bước chân trái niệm ĐÀ… bước chân phải niệm PHẬT… Cứ như thế mọi người chậm rãi hòa nhịp từng bước đi… Đến ba mươi phút kế tiếp các liên hữu cùng đứng lại theo thứ lớp niệm Phật, những tiếng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”.

Khóa tu bá nhựt trì danh, thường là chú trọng đến pháp đi kinh hành niệm Phật. Ở Nhứt Nguyên Bửu Tự được sắp xếp có đi kinh hành, có đứng, ngồi, quỳ niệm Phật. Mỗi liên hữu, mỗi chúng tham dự vào khóa niệm, mỗi thời 120 phút, trong đó có 30 phút đi kinh hành, 30 phút quỳ niệm Phật (người lớn tuổi thì ngồi cũng không sao), 30 phút ngồi niệm Phật và 30 phút sau cùng, trong đó 15 phút tiếp tục ngồi niệm Phật, còn 15 phút cuối chuẩn bị thay đổi người niệm Phật trong hai giờ kế tiếp… Theo phép niệm Phật thì dù đi kinh hành hay đứng, quỳ, ngồi niệm Phật đều niệm danh hiệu Phật A Di Đà, mọi người đồng niệm, âm thanh thật hòa điệu, phong cách thật uy nghiêm với những chiếc áo giải thoát, tạo nên dáng vẽ oai vệ như “voi chúa” trong mỗi tâm niệm người con Phật đang tham dự khóa tu.

Người dự niệm Phật bao giờ cũng phải chấp tay, gọi là “hiệp chưởng”, “hiệp chưởng” là phong cách chính của người Phật Tử, cũng là tính cách đặc biệt của người Phật giáo. Theo phong cách hiệp chưởng của Tịnh Độ Non Bồng thì “hai ngón tay cái xếp lên nhau” ngón cái phải hay ngón cái trái xếp lên nhau đều được; đấy là phong cách riêng của người Phật Tử Non Bồng biểu hiện : “một niềm tin vững vàng, không lùi bước”, trước những trở ngại khó khăn gian khổ .

Suốt thời gian ba tháng mười ngày chư Tăng Ni, Phật tử tề tựu luân phiên niệm Phật ngày đêm “hai mươi bốn giờ trên hai mươi bốn giờ”. Khóa tu “Bá nhựt trì danh hiệu Phật” của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng thường thì được khai mạc vào lúc 21 giờ ngày mùng 8 tháng 8 âm lịch hằng năm, đến 21 giờ, ngày 17 tháng 11 âm lịch lễ vía Phật A Di Đà thì mãn khóa tu , tức là đúng 100 ngày, nên gọi “Bá nhựt Trì Danh niệm Phật”.

Trong thập niên 1970, 1980 mỗi lần khóa niệm Phật được khai mở, tại Nhứt Nguyên Bửu Tự có một vị Hòa thượng người Trung Hoa đến dự niệm Phật, hướng dẫn nhiều Phật tử Trung Hoa đi kinh hành niệm Phật. Các vị đi kinh hành có lúc chậm khoan thay, có lúc nhanh, có lúc vừa gỏ mõ, vừa gỏ kiểng vừa đi nhanh, vừa niệm Phật, không tính đến việc bước đi theo tiếng mõ nữa. Mới nhìn vào thì tưởng là các vị vừa chạy vừa niệm Phật; phương pháp nầy làm cho liên hữu tham dự dễ vào chánh niệm.

“Bá Nhựt Trì Danh niêm Phật” là phương pháp niệm thể theo lời Phật dạy cho Ngài Bồ Tát Hiền Hộ, trong Kinh Bát Chu Tam Muội. Phật dạy như sau : “Nầy Hiền Hộ ! Có bốn pháp thành tựu niệm Phật Tam Muội Hiện Tiền : một là không có tư tưởng chúng sanh dù trong khoảnh khắc – hai là thức trọn ba tháng không ngủ, dù là tạm thời đôi chút – ba là kinh hành niệm Phật trọn ba tháng – bốn là trong lúc ăn, bố thí pháp không mong danh lợi, không mong đáp ơn…”. Bốn pháp nầy nếu người tu thành tựu, sẽ đắc Tam Muội Hiện Tiền (kinh Bát Chu Tam Muội, quyển 2, phẩm 3, Tam Muội Hành, trang 113, bản dịch Minh Lễ, phát hành năm 1968 – HT Giác Quang thuyết giảng tại Quan Âm Tu Viện năm 2003).

Phương pháp niệm danh hiệu Phật A Di Đà, kinh hành niệm Phật là pháp dẫn tâm hành giả đến “nhất tâm bất loạn”, người phước mỏng nghiệp dầy, chướng sâu tội nặng, nếu tinh chuyên thì cũng có thể chứng được, bất niệm tự niệm, vãng sanh Tây phương Cực lạc.

Xin trích dẫn trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, Đại chính 2, trang 532, lời Phật dạy cho chư Tôn giả:”

Hãy tu hành một pháp

Hãy quảng bá một pháp

Đã tu hành một pháp rồi

Liền có danh dự

Thành tựu quả báo lớn

Các điều thiện đủ cả

Được vị cam lồ

Đến chổ vô vi

Liền được thần thông

Trừ các lọan tưởng

Được quả Sa môn

Tử đến Niết bàn

Một pháp ấy là gì:

“Đó là niệm Phật”

(Đại chính 2, trang 532, bản dịch Thích Nguyên Hùng)

Phật dạy tiếp: “Nếu có Tỳ kheo nào chánh thân chánh ý, ngồi bắt tréo chân, chuyên tinh niệm Phật, không có niệm tưởng nào khác. Quán hình của Như Lai, mắt không hề rời. Trong khi mắt không rời, niệm tưởng công đức như Lai” (sđd, tr 554).

8. 7 . Niệm Phật công cứ

Vấn đề "niệm công cứ", về sau khi đến trú xứ Quan Âm Tu Viện, Biên Hòa năm 1968, nơi đây hoằng hóa pháp môn niệm Phật, truyền đạt phép "niệm công cứ", công là công phu tu tập, cứ là tính đếm, niệm bằng cách:

1/. Liên hữu niệm 01 chuổi tràng hạt niệm Phật (108 câu Phật hiệu), lấy chưn hương bẻ một đoạn ngắn, niệm đúng 01 chuổi bẻ một đoạn ngắn... cứ như thế 01 cây chưn hương có thể được bẻ 10 đoạn, tức là niệm 10 chuổi tràng niệm Phật. Một ngày liên hữu có thể niệm lên đến 100 chưn hương, tức niệm Phật đạt đến 108.000 câu danh hiệu Phật.

2/. Liên hữu dùng cọng sóng dừa thật cứng cát, cắt từng đoạn một, mỗi đoạn khoãng 10 phân để vào một hộp nhôm 108 cọng, khi đến giờ niệm công cứ liên hữu đến trước bàn Phật, trải đệm chiếu ngồi ngay thẳng bán già hoặc kiết già, hoặc ngồi trên ghế tô-nê, trút hết 108 cọng sóng dừa ra khỏi ống nhôm, bắt đầu niệm công cứ, niệm hết một chuổi tràng hạt, dùng tay phải lấy cọng sóng dừa bỏ vào hộp nhôm, chuổi thứ hai, chuổi thứ ba, cứ như thế cho đến khi 108 cọng sóng dừa nằm gọn trong chiếc hộp nhôm. Như vậy ngày đó liên hữu hoàn thành việc công cứ niệm Phật của mình.

3/. Tại các Hội niệm Phật, các Đạo tràng niệm Phật thường là có in sẳn một quyển sách nhỏ gọi là Sổ Công Cứ, mỗi Sổ có 32 trang, mỗi trang có 01 Đức Phật A Di Đà đứng, xung quanh có đài sen có vô lượng cánh. Liên hữu có Sổ đó trong tay, mỗi ngày khi đến giờ niệm công cứ, đến trước bàn Phật niệm đúng 1000 chuổi tràng hạt, tức là được 108.000 câu niệm Phật liền tô đậm vào cánh sen, mỗi ngày niệm như thế rồi tô đậm vào cánh sen, niệm như thế rồi tô đậm vào cánh sen và cứ như thế cho đến khi không còn một cánh sen nào trống nữa thì kết khóa hồi hướng, đem trình lên Bổn sư chứng minh.

8. 8 . Niệm Phật là nghe pháp:

Hòa Thượng Giác Quang giảng: - Niệm Phật thì niệm Phật, nghe pháp thì nghe pháp - niệm Phật là một hạnh, nghe pháp là một hạnh – tổ chức khóa tu niệm Phật thì không tổ chức thuyết pháp – tổ chức thuyết pháp thì không tổ chức niệm Phật – theo Kinh nghĩa đại thừa của Phật thì niệm Phật là tu, mà nghe pháp cũng là tu, mà tu chính là sữa đổi, làm mới lại những lối mòn xưa cũ, kiến tạo môi trường sống đạo, thay xấu thành tốt, thay lành bỏ dữ, thay đổi cái chưa tốt thành tốt tòan diện, thay những cố chấp thành phá chấp để đi đến thiện mỹ… đã nói là tu hành thì phải hướng đến công trình tu thật nghiêm khắc với chính mình, đừng buông lung dễ dải thái quá. Người chuyên tu trong đời cần trải nghiệm qua pháp tu “nhứt hạnh tam muội”; phải tu nhiều khóa, người có tu pháp môn nhứt hạnh tam muội mới thấy được giá trị của liên hữu tịnh độ tông. Cũng ví như người đi biển tìm của quý, nhất định phải có được của quý nằm trong tay mới vào đất liền.

Thế nào là Nhứt Hạnh tam muội ? Nhứt hạnh là không tạp hạnh, tạp loạn tâm trí, phiền não tham sân si không nhiểu nhương, không có nhiều hạnh xen vào, mà tạp hạnh thì khó tập trung, không tập trung được thì làm gì có tam muội (định) – không định thì sanh tạp niệm, tức là không niệm chi cả, không còn chánh niệm nữa rồi.

Trong kinh Văn Thù Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh, Ngài Văn Thừ Sư Lởi là bậc đại trí tối tôn tối thượng hỏi Phật “Bạch Đức Thế Tôn ! Thế nào là tam muội Nhứt Hạnh ? – Phật dạy: “Pháp giới nhứt tướng, chăm chú theo dõi (niệm danh hiệu Phật là đề mục giữ chánh niệm) gọi là tam muội Nhứt Hạnh...

…Đức Phật nói tiếp: “Thiện nam thiện nữ nào muốn thể nhập tam muội Nhứt Hạnh nên ở chổ thanh vắng, xả bỏ những ý nghĩ lọan động không giữ lại bóng dáng ngọai cảnh, nhiếp tâm chuyên nhứt hướng về Đức Phật một lòng xưng danh hiệu Phật, tùy theo phương hướng đức Phật mình xưng danh đang ngự ngồi ngay ngắn lại mặt hướng về phương đó, nếu chuyên chú theo dõi nơi một niệm, niệm được liên tục tức trong niệm đó có thể thấy các Đức Phật quá khứ, vị lai, hiện tại… thành tựu niệm Phật. (Niệm Phật Viên Đốn, trang 50,51, bản dịch Minh Lễ, PL 2512)

Thầy Tổ xưa đã giáo hóa cho Tăng Ni Phật tử tập trung “tinh chuyên niệm Phật”, niệm danh hiệu “Nam mô A Di Đà Phật”, đi kinh hành niệm Phật, đứng, ngồi, quý niệm Phật, suốt 24 giờ, mỗi chúng đăng lâm niệm 01 giờ 45 phút, rồi thay chúng khác cứ như thế suốt 100 ngày, không hạnh nào xen tạp (tư huệ), cũng là việc khó làm, mà thầy Tổ đã dạy Tăng Ni, Phật Tử thực hành, thực hành được thì thành tựu niệm Phật (tu huệ)

Hòa Thượng nói: Nói về hạnh tu “nghe thuyết pháp” cũng là hạnh lành gia cố cho người phát tâm tu Phật (văn huệ).

8. 9. Thiền Tịnh Đồng Hạnh Đồng Tu

Năm 1959, Ông Sáu (Ni Trưởng Huệ Giác) hướng dẫn quý vị Tịnh nhơn, quý cô chú trên núi ngồi rất trang nghiêm, vị nào cũng thẳng lưng ngồi bán già, có vị ngồi kiết già, đặc biệt đôi bàn tay kiết ấn tín, hoặc hiệp chưởng, các vị nói Tôn sư cho phép, không ảnh hưởng đến việc giữ chánh niệm. Những chiếc áo màu nâu, màu lam của chư Tịnh nhơn sao mà đẹp đẽ đáng kính yêu, vì phong cách của các vị tuy tu đông (500 vị) nhưng nhiều người mà như một, chừng ấy các vị nghe vị giám thiền từng bước đi chậm rãi niệm: Nam... Mô... A... Di... Đà... Phật... Cách niệm nầy mọi người đồng niệm bằng ý, "Nam" thuộc về vùng trán, "Mô" ở đôi mắt, "A" ở chóp mủi, "Di" ở miệng, "Đà" ở cổ, "Phật" ở vùng chấn thủy...

Niệm ở vùng trán: xóa tan những niệm trần.

Niệm ở vùng mắt: mở 1/3 nhìn thẳng, tập trung tư tưởng

Niệm ở vùng chóp mũi: chuyên nhứt, giữ chánh niệm.

Niệm ở vùng miệng: xả tạp niệm.

Niệm ở vùng cổ: tạp niệm không sanh.

Niệm ở vùng chấn thủy: niệm vong bặt.

Xem ra Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng có chất liệu ngọt ngào của Thiền trong lúc tịnh niệm Pháp niệm nầy chư Tăng Ni thế hệ thứ nhất chúng tôi trong Tông phong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng cho đến ngày nay vẫn còn giữ niệm. Chuẩn mực và truyền đạt cho đại chúng các Đạo tràng các Tự Viện, Đạo tràng Bát Quan Trai Quan Âm Tu Viện giữ truyền thống thực tập.