Thiền học
Vô Môn Quan
Huệ Khai
08/07/2555 06:21 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TẮC 25

TÒA THỨ BA NÓI PHÁP

CÔNG ÁN

Hòa thượng Ngưỡng Sơn nằm mơ thấy đến chỗ Phật Di Lạc, ngồi tòa thứ ba. Có một tôn giả bạch chùy thưa

- Hôm nay đến phiên tòa thứ ba thuyết pháp.

Sư liền đứng dậy bạch chùy nói

- Pháp Ma Ha Diễn ly tứ cú, tuyệt bách phi, lắng nghe, lắng nghe.

LỜI BÀN

Thử hỏi đó là nói pháp hay không nói pháp? Mở miệng là sai, ngậm miệng là mất. Không mở, không ngậm, mười vạn tám ngàn

TỤNG

Bạch nhật thanh thiên

Mộng trung thuyết mộng

Niết quái, niết quái

Cuồng hô nhất chúng

Ban ngày ban mặt

Trong mông nói mơ

Nghĩ bậy nghĩ bạ

Lừa bác gạt cô

CHÚ THÍCH:

Ma Ha Diễn là Đại Thừa

Tứ cú: bốn câu xác định gồm: có, không, vừa có vừa không, chẳng phải có chăng phải không

Bách phi: Trăm lối phủ định

BÌNH BÌNH

Nếu là pháp Đại Thừa, mở miệng đã là sai rồi, nói gì đến phải bảo "Ly tứ cú, tuyệt bách phi"

TẮC 26

HAI TĂNG CUỐN RÈM

CÔNG ÁN

Trước giờ trai, các học tăng đến tham hỏi ngài Đại Pháp Nhãn ở chùa Thanh Lương. Sư giơ tay trỏ bức rèm. Có hai ông tăng cùng ra cuốn rèm. Sư nói

- Một được, một mất.

LỜI BÀN

Thử hỏi ai được, ai mất? Nếu thấy được chỗ này thì thấy được chỗ lải nhải của Quốc sư Thanh Lương. Tuy vậy, kỵ nhất là việc so đo chỗ được, chỗ mất.

TỤNG

Quyện khởi minh minh triệt thái không

Thái không do vị hợp ngô tông

Tránh tự tùng không đô phóng hạ

Miêm miêm mật mật bất thông phong.

Rèm cuốn trông vời chốn thái không

Thái không vẫn chửa hợp nguồn tông

Chi bằng gạt hết từ nơi ấy

Một mạch liền liền gió thẳng thông.

BÌNH BÌNH

Chẳng phải hai ông tăng, một ông được, một ông mất. Dù chỉ có một ông tăng lên cuốn rèm cũng vẫn là một được, một mất.

TẮC 27

KHÔNG PHẢI TÂM, KHÔNG PHẢI PHẬT

CÔNG ÁN

Một ông tăng hỏi hòa thượng Nam Tuyền

- Có pháp nào dạy nữa không?

- Có

- Pháp chưa dạy là pháp gì vậy?

- Không phải tâm, không phải Phật, không phải vật.

LỜI BÀN

Nam Tuyền bị hỏi một câu như thế, phải dốc hết vốn liếng, thiệt là lận đận.

TỤNG

Đinh ninh tổn quân đức

Vô ngôn chân hữu công

Nhậm tùng thương hải biến

Chúng bất vị quân thông

Dặn kỹ làm mất đức

Không lời mới có công

Dù cho dâu bể đổi

Đành quyết chẳng khai thông.

BÌNH BÌNH

Đúng như bài tụng nói, dặn kỹ, chỉ kỹ thì người học ngộ không sâu. Chỉ bằng vô ngôn ngộ mới sâu. Vì vậy các tổ sư quyết chẳng chịu mở miệng khai thông cho trò. Vì nếu khai thông, họ chỉ nhận được kiến giải mà thôi.

TẮC 28

CÂY ĐUỐC CỦA LONG ĐÀM

CÔNG ÁN

Ngài Đức Sơn tham hỏi ngài Long Đàm cho đến tối. Sư nói

- Đã khuya sao ông chưa về đi?

Đức Sơn vái chào, vén rèm mà ra, thấy bên ngoài tối đen liền quay trở vào thưa:

- Bên ngoài tối quá.

Sư thắp một cây đuốc giấy trao cho. Đức Sơn toan cầm lấy, sư liền thổI tắt mất. Đức Sơn tỉnh ngộ sụp lạy. Sư nói

- Ông thấy được ý nghĩa chi?

Đức Sơn đáp:

- Tôi từ nay trở đi hết nghi hoặc những lời dạy của chư hòa thượng trong thiên hạ.

Hôm sau sư thăng đường nói

- Trong đây có một kẻ răng như rừng gươm, miệng như chậu máu, bị đánh một hèo mà chẳng quay đầu lại, mai kia, mốt nọ leo lên đỉnh cao dựng đạo của ta.

Đức Sơn liền đem mấy bộ sớ sao, đến trước pháp đường, cầm một bó đuốc giơ lên nói:

- Hết thẩy mọi biện giải cao thâm chỉ như một cái lông tơ nơi thái hư, hết thẩy mọi yếu quyết chỉ như một giọt nước đổ xuống vực.

Bèn đốt hết các bộ sớ sao rồi vái lạy mà đi.

LỜI BÀN

Đức Sơn trước khi ra cửa, tâm hừng hực, miệng hằm hằm, dong ruổi về nam, quyết tâm dập tắt yếu chỉ “Giáo ngoại Biệt Truyền”. Trên đường đến Lễ Châu, Đức Sơn hỏi một bà lão để mua đồ ăn điểm tâm. Bà lão hỏi “Trong xe của Đại Đức có chở sách vở gì đó?” Đức Sơn đáp

“Mấy bộ sớ sao kinh Kim Cương”. Bà lão nói “ Cứ như trong kinh dạy, Tâm quá khứ bắt không được, tâm hiện tại bắt không được, tâm vị lai bắt không được vậy Đại Đức điểm tâm là điểm cái tâm nào? “. Đức Sơn bị hỏi một câu như vậy mà không chịu chết quách đi trước câu hỏi của bà lão, lại còn hỏi bà “ Gần đây có tông sư nào không?” Bà lão đáp “ Cách đây ngoài năm dặm có hòa thượng Long Đàm”. Đức Sơn bèn tới Long Đàm, dở hết trò bê bối, cà kê, dê ngỗng. Long Đàm thực như người thương con không sợ dơ xấu, thấy kẻ kia có đôi chút lửa, vội lấy nước dơ dập tắt liền. Bình tĩnh xét lại, thực đáng nực cười.

TỤNG

Văn danh bất như kiến diện

Kiến diện bất như văn danh

Tuy nhiên cứu đắc tỵ khổng

Tránh nại hạt khước nhãn tinh

Nghe tên chẳng bằng thấy mặt,

Thấy mặt chẳng bằng nghe tên.

Dẫu đã khai thông đường mũi

Ngặt rằng mắt ấy đui liền.

TẮC 29

PHI PHONG, PHI PHIÊN

CÔNG ÁN

Nhân gió lay phướn, có hai ông tăng tranh luận. Một ông nói

- Phướn động

Ông kia nói

- Gió động

Cãi qua cãi lại không ra lẽ. Lục Tổ nói

- Không phải gió động, không phải phướn động, tâm các ông động đấy.

Hai ông tăng giật mình run sợ.

LỜI BÀN

Không phải gió động, không phải phướn động, không phải tâm động, thấy Tổ sư ở đâu? Nếu thấy chỗ này cho được xác thiết, mới biết hai ông tăng đổi sắt được vàng. Lục tổ nhịn không được, phải một phen lận đận.

TỤNG

Phong, phiên, tâm động,

Nhất trạng lĩnh quá

Chỉ tri khai khẩu

Bất giác thoại đọa

Gió phướn, tâm động

Nhận liền một hơi

Chỉ hay mở miệng

Nào ngờ lời rơi.

BÌNH BÌNH

Nếu tâm động thì đã chẳng phải tổ sư.

TẮC 30

TỨC TÂM TỨC PHẬT

CÔNG ÁN

Ngài Đại Mai hỏi Mã Tổ

- Phật là gì?

Tổ đáp

- Tức tâm tức Phật

LỜI BÀN

Nếu thấy liền được như vậy thì mặc áo Phật, ăn cơm Phật, nói lời Phật, làm việc Phật. Tức là Phật vậy. Tuy như thế, Đại Mai đã khiến bao người nhận lầm phương hướng. Đâu biết rằng nói một chữ Phật, phải ba ngày xúc miệng. Nếu là người có trí, nghe nói tức tâm tức Phật thì bịt tai mà chạy.

TỤNG

Thanh thiên bạch nhật,

Thiết kỵ tầm mịch

Cánh vấn như hà

Bảo tang khiếu khuất.

Sự việc vốn rõ ràng

Đừng tìm kiếm lang bang

Còn hỏi han này nọ

Cầm tang vật kêu oan.

BÌNH BÌNH

Mặc dù biết rằng tâm tức là Phật, nhưng quan trọng là phải biết tâm đó là tâm nào? Thường thì người ta chấp cái tâm phan duyên là tâm mình.