GẬY TRÚC CỦA THỦ SƠN
CÔNG ÁN
TẮC 43
Hòa thượng Thủ Sơn giơ gậy trúc trước chúng mà nói
- Này các ông, nếu gọi là gậy trúc thì xúc phạm, không gọi
là gậy trúc thì trái nghịch. Vậy các ông gọi là gì?
LỜI BÀN
Gọi là gậy trúc thì xúc phạm, không gọi là gậy trúc thì
trái nghịch; không được nói có, không được nói không. Đáp mau, đáp mau.
TỤNG
Niêm khởi trúc bề
Hành sát hoạt lệnh
Bối xúc giao trì
Phật, Tổ khất mệnh.
Gậy trúc giơ ra,
Lệnh ban tha, giết.
Xúc, nghịch cùng hòa
Phật Tổ xin tha.
BÌNH BÌNH
Gọi bằng gậy trúc thì rơi vào danh tướng,
Không được gọi là gậy trúc, nó là cái gì?
Coi lại nơi ông
TẮC 44
CÂY GẬY CỦA BA TIÊU
CÔNG ÁN
Hòa thượng Ba Tiêu nói với tăng chúng:
- Các ông có cây gậy, tôi cho các ông cây gậy. Các ông
không có cây gậy, tôi đoạt cây gậy của các ông.
LỜI BÀN
Để vịn qua khe khi cầu gẫy, để tìm về xóm lúc không trăng.
Nếu gọi đó là cây gậy thì vào địa ngục như tên bắn.
TỤNG
Chư phương thâm dữ thiển
Đô tại chưởng ác trung
Sanh thiên tính trụ địa
Tùy xứ chấn tông phong.
Khắp nơi dầu sâu, cạn
Cũng tùy tay nắm thôi.
Chọc trời cùng chống đất
Nếp nhà rạng nơi nơi.
BÌNH BÌNH
Cái dùng để vịn, để chống, nhưng không phải
là cây gậy.
TẮC 45
KẺ ẤY LÀ AI?
CÔNG ÁN
Ngài Pháp Diễn ở Đông Sơn nói
- Thích Ca, Di Lạc còn là tôi đòi của kẻ ấy. Thử hỏi kẻ ấy
là ai?
LỜI BÀN
Nếu thấy rõ kẻ ấy, ví như ở giữa ngã tư mà gặp ngay phụ
thân mình, chẳng cần phải hỏi người khác xem đó có phải không.
TỤNG
Tha cung mạc vãn
Tha mã mạc kỵ
Tha phi mạc biện
Tha thị mạc tri
Cung người chớ dương
Ngựa người chớ cưỡi
Người lầm chớ vạch
Người hay chớ màng.
BÌNH BÌNH
Uống nước, nóng, lạnh tự biết.
TẮC 46
ĐẦU SÀO TIẾN BƯỚC
CÔNG ÁN
Hòa thượng Thạch Sương nói
- Đầu sào trăm thước làm sao tiến thêm?
Có vị cổ đức lại nói
Bách xích can đầu tọa để nhân
Tuy nhiên đắc nhập vị vi chân
Bách xích can đầu tu tiến bộ
Thập phương thế giới hiện toàn thân
Đầu sào trăm thước đã ngồi lên
Thấy đạo mà chưa thật nhập chân
Trăm thước đầu sào cần bước nữa
Mười phương thế giới hiện toàn thân.
LỜI BÀN
Bước thêm được, nhào thân được, còn ngại chỗ nào mà không
tôn xưng?
Tuy như vậy, thử hỏi đầu sào trăm thước làm sao tiến thêm?
Hừ.
TỤNG
Hạt khước đỉnh môn nhãn
Thác nhận định bàn tinh
Phiên thân năng xả mạng
Nhất manh dẫn chúng manh.
Mù mắt trên chóp trán
Nhận lầm hướng sao soi
Liều thân mà bỏ mạng
Đứa mù dẫn đứa đui.
BÌNH BÌNH
Cần phải có dũng khí cho bước nhẩy cuối
cùng.
Tuy nhiên khi nào mới cần thiết?
không biết thì liều thân mất mạng vô ích
Lại còn làm liên lụy đến con cháu.
TẮC 47
BA CỬA ĐÂU SUẤT
CÔNG ÁN
Hòa thượng Đâu Suất Duyệt đặt ra ba cửa để hạch hỏi người
học rằng“
- Lặn lội tìm học chỉ để thấy tính. Vậy tính ở đâu?
- Biết được tính mình mới thoát sinh tử, vậy khi nhắm mắt
xuôi tay làm sao thoát?
- Thoát được sinh tử mớI biết chỗ mình đi về, vậy khi tứ
đại tan rã, mình đi về đâu?
LỜI BÀN
Nếu nơi này mà hạ được ba câu chuyển ngữ,thì ở đâu cũng
làm chủ được, nơi nào cũng là nhà được. Còn nếu chưa, đồ ăn dở dễ no, nhai kỹ
khó đói.
TỤNG
Nhất niệm phổ quan vô lượng kiếp
Vô lượng kiếp sự tức như kim
Như kim thứ phá cá nhất niệm.
Thứ phá như kim thứ để nhân
Một niệm xem cùng vô lượng kiếp.
Chuyện đời vô lượng chính là đây.
Giờ đây một niệm bằng trông thấy.
Là thấy ai kia thấy niệm này.
BÌNH BÌNH
Phải trông thấy niệm mới thoát sinh tử. Làm sao thấy được
niệm?
Niệm tức là ý, ý tức là tâm, mà tâm là tất cả, là không
gian, là thời gian
Cho nên nói “một niệm xem cùng vô lượng kiếp“
TẮC 48
MỘT ĐƯỜNG CỦA CÀN PHONG
CÔNG ÁN
Một ông tăng hỏi hòa thượng Càn Phong
- Chư Bạc Già Phạm (Phật) mười phương đều chỉ một đương
Niết Bàn, không biết đầu đường ở đâu?
Sư cầm gậy vạch một đường nói
- Đây.
Sau có ông tăng đem chuyện ấy hỏi ngài Vân Môn. Vân Môn
cầm quạt giơ lên bảo
- Quạt nhẩy một cái lên tận tầng trời thứ ba mươi ba, gõ
lỗ mũi Đế Thích. Con lý ngư ngoài biển đông đánh một hèo, trời mưa như
trút.
LỜI BÀN
Một người đi dưới biển sâu, bụi bay mù mịt. Một người đứng
trên đỉnh cao, sóng vỗ ngất trời. Nắm đứng, buông đi, mỗi bên đều trỏ ngón mà
nêu rõ tông phong. Thật giống hai con ngựa chạy đụng vào nhau. Trên đời e chẳng
ai rõ được lẽ đó. Xét kỹ lại cả hai ông lão cũng không biết đầu đường ở
đâu.
TỤNG
Vị cử bộ thời tiên dĩ đáo
Vị động thiệt thời tiên thuyết liễu
Trực nhiêu trước trước tại cơ tiên
Cánh tu tri hữu hướng thượng khiếu
Chưa bước chân đi đã đến rồi,
Môi chưa hé mở đã nên lời.
Cho vì trăm việc đều như thế
Còn một đường lên phải biết noi.
BÌNH BÌNH
Hai vị thiền sư, một người chỉ thể, một người
chỉ dụng. Có lẽ cả hai không biết đầu đường ở đâu, nhưng họ đã đi và đã đến.