Tịnh độ
Ba kinh Tịnh Độ
Tác giả: Thích Thiện Thông
15/02/2553 10:20 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

KINH PHẬT THUYẾT VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT: QUYỂN HẠ

Đức Phật bảo A Nan:

   - Những người vãng sanh về nước An Lạc, tất cả đều trụ vào hàng chánh định. Tại sao vậy? – Vì cõi nước đó chẳng có hạng người tà định, hoặc người loạn tâm. Mười phương Như-lai nhiều như Hằng sa, đều cùng khen ngợi oai thần công đức chẳng thể nghĩ bàn của Phật Vô Lượng Thọ.

   Những chúng sanh nào nghe danh hiệu ngài mà vui mừng tin tưởng, dầu cho một niệm dốc lòng hồi hướng, nguyện sanh  nước ấy, tức được vãng sanh và ở vào bực không còn thoái chuyển, trừ những người nào tạo tội ngũ nghịch hoặc bác chánh pháp.

   - A Nan ! Các hàng trời người trong mười phương cõi, những ai dốc lòng nguyện sanh nước ấy, đại loại tất cả nguyện gồm có ba hạng: Thượng, trung và hạ.

HẠNG SANH BỰC THƯỢNG:

   Những người suất gia dứt hẳn ái dục, làm sạch Sa môn, phát tâm Bồ đề, một mực chuyên niệm Phật Vô Lượng Thọ, kiêm tu các hạnh, nguyện sanh Lạc quốc, thì những người này lúc sắp lâm chung, Phật Vô Lượng Thọ và các thánh chúng hiện trước người ấy, ngay đó hành giả theo sau đức Phật sanh về nước ấy, từ sen bảy báu tự nhiên hóa sanh, ở vào bực không thoái chuyển, trí tuệ dõng mãnh, thần thông tự tại. Thế nên A Nan ! Ngay trong đời này, người nào muốn thấy Phật Vô Lượng Thọ, hãy nên phát tâm vô thượng Bồ đề, tu các công đức và nguyện sanh  về cõi nước An Lạc.

Đức Phật dạy tiếp:

   HẠNG SANH BỰC TRUNG: Các chúng trời người trong các thế giới ở khắp mười phương, nhuwxngai hết lòng nguyện sanh nước ấy, mặc dầu chẳng thể làm hạnh Sa môn, tu công đức lớn, nhưng nên phát tâm vô thượng Bồ đề, một mực chuyên niệm Phật Vô Lượng Thọ, theo khả năng mình mà làm các việc phước đức từ thiện, vâng giữ trai giới, xây tháp cất chùa, in kinh tạo tượng, cúng dường Sa môn, treo phan thắp đèn,  dâng hoa đốt hương cúng dường Tam bảo, dùng những phước ấy hồi hướng phát nguyện, nguyện sanh Lạc quốc. Đến lúc lâm chung, người ấy sẽ thấy hóa thân của Phật, tướng tốt sáng ngời, không khác chơn thân Phật Vô Lượng Thọ, và thấy thánh chúng hiện ra trước mắt, liền đó hành giả theo sau hóa Phật vãng sanh Lạc quốc, ở bực bất thối, sau đó công đức, trí tuệ người ấy sẽ như bực thượng.

Phật bảo A Nan:

   - HẠNG SANH BỰC HẠ: Các chúng trời người trong những thế giới ở khắp mười phương, những ai thành khẩn muốn sanh nước ấy, giả như chẳng thể làm nổi các việc công đức phước thiện, hãy nên phát tâm vô thượng Bồ đề, thường bữa chuyên ý niệm danh Phật Vô Lượng Thọ cho đến mười niệm, mong được sanh về cõi nước của ngài. Nếu được nghe những giáo phát sâu xa, nên mừng tin mộ, chẳng sanh nghi ngờ, thì dầu một niệm, niệm danh Phật ấy, nhờ lòng chí thành, muốn sanh Lạc quốc, đến lúc lâm chung, người đó mộng thấy đức Phật cũng được vãng sanh, công đức trí tuệ người này kế đó như người bực trung.

   - Này A Nam ! Phật Vô Lượng Thọ oai thần vô cực, các đức Như-lai số nhiều vô biên chẳng thể nghĩ bàn trong khắp mười phương, không đức Phật nào mà chẳng ca tụng và nói đến ngài. Hằng sa Phật quốc ở về phương Đông thế giới An Lạc, có những Bồ-tát đông nhiều vô lượng, đều qua đến chỗ Phật Vô Lượng Thọ cung kính cúng dường, cùng các Bồ-tát, Thanh văn tại đó nghe nhận kinh pháp, rồi đi lưu bố giáo pháp các nơi. Các nước phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phương chính giữa, phương trên, phương dưới cũng đều như vậy.

   Bấy giờ đức Thế-tôn liền nói bài tụng:

                           Các nước Phật phương Đông,

                           Số nhiều như Hằng sa,

                           Bồ-tát các cõi đó

                           Qua hầu Vô Lượng Giác.

 

                           Nam, Tây, Bắc, Tứ duy,

                           Phương  trên dưới cũng vậy,

                           Bồ-tát các cõi đó,

                           Qua hầu Vô Lượng Giác.

                           Tất cả các Bồ-tát.

                           Mỗi mỗi mang hoa trời,

                           Hương quí, áo vô giá,

                           Cúng dường Vô Lượng Giác.

                          

                           Thiên nhạc cũng trỗi lên,

                           Phát ra tiếng hòa nhã,

                           Ca ngợi đấng tối tôn,

                           Cúng dường Vô Lượng Giác.

 

                           Thần thông, tuệ rốt ráo,

                           Vào sâu các pháp môn,

                           Đầy đủ tạng công đức,

                           Trí mầu chẳng ai hơn,

 

                           Huệ nhựt sáng thế gian,

                           Tiêu trừ mây sanh tử,

                           Cung kính nhiễu ba vòng,

                           Cúi lạy Vô Thượng Tôn.

 

                           Thấy cõi ấy nghiêm tịnh,

                           Nhiệm mầu khó nghĩ bàn,

                           Nhân phát vô lượng tâm,

                           Mong nước tôi cũng vậy.

 

                           Bấy giờ Vô Lượng Tôn

                           Tươi nhan miệng mỉm cười,

                           Phóng ra vô số quang,

                           Soi các nước mười phương.

 

                           Hồi quanh xoay quanh Phật,

                           Ba vòng vào đảnh đầu,

                           Tất cả chúng trời, người,

                           Đều vui mừng khấp khởi.

 

                           Bồ-tát Quan Tế Âm,

                           Sửa áo cúi đầu hỏi

                           Phật do gì tười cười,

                           Kính xin nghe Phật nói.

                          

                           Tiếng Phạm như sấm động,

                           Tám âm vang hay tuyệt,

                           Sẽ thọ ký Bồ-tát,

                           Nay nói người lóng nghe.

 

                           Bồ-tát mười phương đến,

                           Ta đều biết nguyện họ,

                           Chí cầu cõi nghiêm tịnh,

                           Thọ ký quyết thành Phật.

                          

                           Biết rõ tất cả pháp,

                           Như mộng huyễn, tiếng vang,

                           Đầy đủ các điệu nguyện,

                           Ắt thành cõi như thế.

 

                           Biết pháp như điện chớp,

                           Rốt ráo đạo Bồ-tát,

                           Đầy đủ cội công đức,

                           Nhận chắc sẽ thành Phật.

 

                           Thông suốt các pháp tánh,

                           Tất cả “Không” “Vô ngã”

                           Chuyên cầu tịnh Phật độ

                           Quyết thành cõi như thế.

 

                           Chư Phật bảo Bồ-tát,

                           Hãy hầu Phật An Dưỡng,

                           Nghe pháp vui thực hành,

                           Mau được chỗ thanh tịnh.

                          

                           Đến nước thanh tịnh ấy,

                           Mau chứng được thần thông,

                           Được đức Vô Lượng Tôn,

                           Thọ ký thành chánh giác.

 

                           Bản Thệ, Lực Phật ấy,

                           Nghe tên mong vãng sanh,

                           Đều được đến nước đó,

                           Trở nên bất thoái chuyển.

                          

                           Bồ-tát dáy chí nguyện,

                           Nguyện nước mình không khác,

                           Nghĩ độ khắp tất cả,

                           Danh rạng rỡ mười phương.

 

                           Phụng sự muôn ức Phật,

                           Hóa độ khắp các cõi,

                           Hoan hỷ cung kính lui,

                           Trở về An dưỡng quốc.

                          

                           Nếu người không tâm lành,

                           Chẳng được nghe kinh này,

                           Người thanh tịnh trì giới,

                           Mới nghe được chánh pháp.

 

                           Đã từng gặp Thế-tôn,

                           Mới hay tin việc này,

                           Khiêm kính nghe vâng làm,

                           Lòng vui mừng khấp khởi.

 

                           Kiêu mạn, tệ, lười nhát,

                           Khó tin nỗi pháp này

                           Đời trước gặp chư Phật,

                           Mới ưa nghe giáo này.

 

                           Thanh văn hoặc Bồ-tát,

                           Không ai rõ tâm Phật,

                           Như sanh ra đã mù,

                           Mà muốn dẫn dắt người.

 

                           Biển trí tuệ của Phật,

                           Sâu rộng không bờ đáy,

                           Nhị thừa chẳng thể dò,

                           Duy Phật riêng sáng rõ.

 

                           Giả sử tất cả người,

                           Đều chứng đạo đầy đủ,

                           Huệ sạch rõ “Bổn không”

                           Ức kiếp suy trí Phật

 

                           Dốc lực giảng hết mức,

                           Mãn đời cũng chẳng biết,

                           Huệ Phật không ngằn mé,

                           Sự thanh tịnh cũng thế.

 

                           Mạng người rất khó được,

                           Phật ra đời khó gặp,

                           Người tính, huệ khó có,

                           Được nghe hãy tiến cầu.

 

                           Nghe pháp hãy ghi nhớ,

                           Gặp rồi kính vui mừng,

                           Ấy là thân hữu Phật,

                           Thế nên hãy phát ý.

 

                           Giả sử có lửa lớn,

                           Cháy phừng cả thế giới

                           Vì muốn nghe pháp này,

                           Mà phải vượt qua đó.

                          

                           Cũng nên vui vượt qua,

                           Để được nghe đại pháp,

                           Vì sẽ thành Phật đạo,

                           Rộng độ giòng sanh tử.

Đức Phật bảo A Nan:

   - Các vị Bồ-tát ở cõi An Lạc, rốt ráo tất cả đều trở nên bực Nhất sanh bổ xứ, trừ những vị nào có bản nguyện riêng, lấy công đức hoằng thệ để tự trang nghiêm, độ khắp chúng sanh, làm cho chúng sanh chứng quả giải thoát.

   - A Nan ! Trong nước Phật ấy, các vị Thanh văn thân sáng một tầm, ánh sáng nơi thân các vị Bồ-tát trăm ngàn do tuần. Có hai Bồ-tát tôn đệ nhất. Oai thần, ánh sáng của hai vị này soi khắp toàn cõi đại thiên thế giới.

A Nan bạch Phật:

   - Kính bạch Thế-tôn ! Hai Bồ-tát ấy tôn hiệu là gì ?

Đức Phật dạy rằng:

   - Một là Quán Thế Âm, hai là Đại Thế Chí.

   Hai Bồ-tát nầy ở cõi Ta bà tu Bồ-tát hạnh, mệnh chung chuyển hóa trở về nước ấy. Đức Phật dạy tiếp:

   - A Nan ! Những người vãng sanh về nước An Lạc, tất cả đều đủ ba mươi hai tướng, trí tuệ trọn vẹn, vào sâu các pháp, thấu tỏ chỉ thú thâm yếu vi diệu, thần thông vô ngại, các căn sáng lẹ, người nào chậm chạp, người căn sáng lẹ chứng vô sanh nhẫn chẳng thể kể xiết.

   - Lại nữa A Nan ! Bồ-tát nước ấy từ lúc vãng sanh cho đến thành Phật, chẳng có khi nào trở lại chịu thân trong các đường ác. Các Bồ-tát này thần thông tự tại và đều biết rõ kiếp trước của mình, trừ khi sanh vào thế giới năm trước ở các phương khác, thị hiện đồng với chung sanh nới đó, như thọ sanh đến thế giới Ta Bà của ta chẳng hạn.

   - A Nan ! Bồ-tát nước ấy nương oai thần Phật, trong khoảng bữa ăn, có thể qua đến vô lượng thế giới, trong khắp mười phương, cung kính cúng dường các đức Thế-tôn, tâm vừa nghĩ đến những món cúng dường, tức thì hoa hương, kỹ nhạc, y phục, tàn lọng, phan phướn, vô lượng cúng cụ tự nhiên hóa sanh, ứng niệm liền đến, các cúng vật đó quý lạ khác thường, trên đời không có.

   Bồ-tát dùng các món ấy tung rãi cúng dường chư Phật, các vị Bồ-tát và chúng Thanh văn, những cúng vật đó ở giữa hư không, tự nhiên kết thành tàn lọng tốt đẹp, màu sắc rực rỡ, hương thơm ngạt ngào. Lọng ấy chu vi chừng bốn trăm dặm, rồi cứ gấp bội, gấp bội mãi mãi, cho đến che trùm đại thiên thế giới tùy theo thứ lớp trước sau mỗi món mà lần lượt lặn mất. Các Bồ-tát ấy tâm đầy hân hoan, ở giữa hư không cùng nhau tấu nhạc, dùng tiếng thanh nghe nhận kinh pháp, hoan hỉ vô cùng, cúng dường Phật xong cất mình nhẹ bước, trở về bổn quốc vẫn trước bữa ăn.

Phật bảo A Nan:

   - Phật Vô Lượng Thọ khi ngài tuyên pháp, thì chúng Thanh văn, các vị Bồ-tát và hàng thiên nhơn đều cùng nhóm tại giảng đường thất bảo, Phật vì đại chúng tuyên rộng đại giáo, diễn nói pháp mẫu, tất cả đại chúng vui mừng hớn hở, tất cả đại chúng đều chứng đạo quả.

   Liền đó bốn phương gió nhẹ thổi lên, thổi các cây báu, phát ra năm thứ âm thanh vi diệu, vô lượng hoa quý tung bay theo gió, tự nhiên cúng dường chẳng dứt. Tất cả chư thiên đem các hoa thơm, vạn thứ nhạc hay cúng dường đức Phật và các Bồ-tát cùng chúng Thanh văn. Hoa hương rải khắp, hòa tấu âm nhạc, kẻ trước người sau nhường bước mở đường, khi đó tất cả niềm nở vui sướng, khó thể diễn tả.

   - A Nan ! Các vị Bồ-tát sanh về nước ấy, chỗ giảng thuyết giáo của các vị là: Thường tuyên chánh pháp, thuận với trí tuệ, không trái không mất. Đối với vạn vật trong khắp cõi nước, các chúng Bồ-tát không tâm đắm nhiễm, cũng không thấy có sở hữu của mình, tới lui qua lại tình thức không bị vướng vít vào đâu, tùy ý tự do không màng sự vật, không người không ta, không hơn không thua tranh chấp.

   Đối với chúng sanh, các Bồ-tát ấy sẵn lòng từ bi bao dung quảng đại và tâm nhuần nhuyễn, không tâm giận hờn, lìa chướng, thanh tịnh, không tâm chán lười, chỉ là một tâm bình đẳng, trổi vượt, sâu rộng, an định, một tâm mến pháp, ưa pháp, vui mừng vì pháp.

   Các Bồ-tát này đã diệt phiền não, lìa tâm sa đọa thuộc các nẻo ác, về chỗ tu hành công hạnh Bồ-tát đã được cứu cánh, trọn nên đầy đủ vô lượng công đức, được thiền định sâu, thần thông quảng đại, trí tuệ sáng suốt, và hướng tâm về pháp của quả Phật.

   Nhục nhãn trông suốt, đâu cũng phân biệt.

   Thiên nhãn thông đạt, không lường, không hạn.

   Huệ nhãn thấy rõ chân tánh sáng suốt qua đến bờ giác.

   Pháp  nhãn quán – sát một cách rốt ráo cảnh giói đạo giáo.

   Phật nhẫn đầy đủ, biết suốt pháp tánh, dùng trí vô ngại vì người diễn nói.

   Bình đẳng xem khắp tam giới rỗng rang, không vật sở hữu, chí cầu Phật đạo, đủ tài biện luận, diệt trừ  tai nạn và các phiền não cho các chúng sanh, cùng Như –lai sanh, hiểu pháp như như.Khéo biết tập nhân phiền não và cảnh tịch diệt, biết rõ phương tiện âm thanh ngôn ngữ, chẳng ham thế ngữ, vui với chánh luận, tu các căn lành, sừng phụng Phật đạo. Biết tất cả pháp đều là vắng lặng, hai chướng phiền não đều đã gột sạch, nghe pháp thâm sâu chẳng sanh nghi sợ, thường siêng tu hành tâm bi rộng lớn, sâu xa nhiệm mầu, che chở muôn loài đưa đến bờ giác, rốt ráo nhứt thừa, quyết đoán lưới nghi, tuệ do tâm phát, bao trùm không sót giáo pháp của Phật.

   Trí như biển lớn, định như Tu di, huệ quang sáng sạch vượt khỏi nhật nguyệt, các pháp thanh bạch đầy đủ tràn trề, như rặng núi Tuyết soi các công đức một màu trong sạch. Như cõi đại địa, nhơ sạch tốt xấu không làm thay đổi. Như giòng nước trong gột rửa trần lao và những cấu nhiễm. Như đống lửa hồng thiêu rụi tất cả những củi phiền não. Như trận gió lớn thổi qua thế giới không bị chướng ngại. Như cõi hư không chẳng bị vướng vít các vật hữu tình. Như đóa hoa sen ở giữa thế gian chẳng bị nhiễm ô. Như chiếc xe lớn chuyên chở mọi loài ra khỏi sống chết. Như đám mây dày nỗi sấm pháp lớn đánh thức người mê, như trận mưa to mưa nước ngon ngọt thấm nhuần muôn vật. Như núi Kim cang, chúng ma, ngoại đạo không thể lung lay.

   Như trời Phạm vương là bực thượng thủ trong những người lành. Như cây Ni-câu che rợp mát mẻ. Như hoa Ưu đàm hiếm có khó gặp. Như kim sĩ điểu oai giẹp ngoại đạo. Như đàn chim bay không để dấu tích. Như chứa đàn trâu không con nào hơn. Như chúa đàn voi khéo được luyện tập. Như sư tử chúa không sợ loài nào, Tâm như hư không, đại từ bình đẳng, bẻ dẹp ganh tỵ chẳng còn hơn thua. Chí ưa cầu pháp không thấy chán đủ, thường đem diễn nói chẳng nề mõi nhọc.

   Đánh lớn trống Pháp, dựng cao phướn pháp, nêu tỏ huệ nhựt, phá trừ si ám, tu pháp lục hòa, du hóa thí pháp, dõng cảm tinh tấn, tâm không yếu mềm, làm đèn thế gian, làm ruộng phước tốt, làm người dẫn đường, tấm lòng bình đẳng, không ghét không yêu, vui với chánh đạo không chút mừng lo, nhổ các gai dục cho người được yên, công đức cao tột, ai cũng tôn quý, diệt ba chướng cấu, dạo các thần thông; Nhân lực, duyên lực, ý lực, nguyện lực và phương tiện lực, thường lực, thiện lực, định lực, tuệ lực và đa văn lực. Thí giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ lực. Chánh niệm, chỉ, quán, năng lực lục thông, năng lực tam minh, năng lực như pháp điều phục chúng sanh. Các Bồ-tát ấy đầy đủ năng lực như thế, từ sắc thân, tướng tốt, công đức, biện tài, cho đến đầy đủ những sự trang nghiêm… Không ai sánh bằng.

   Các Bồ-tát ấy cung kính cúng dường vô lượng đức Phật, thường được chư Phật không ngớt khen ngợi. Rốt ráo đầy đủ các ba la mật của Bồ-tát đạo, tu các tam muội Không, Vô Tướng, Vô Nguyện và các tam muội bất sanh, bất diệt, xa lìa địa vị Thanh văn, Duyên giác.

   - A Nan ! Các Bồ-tát ấy thành tựu vô lượng công đức như vậy, ta chỉ nói lược phần nào mà thôi. Nếu nói rộng ra, dầu ngàn muôn kiếp cũng không cùng tận.

   Đức Phật bảo ngài Bồ-tát Di Lặc và chúng trời người:

   - Công đức trí tuệ của Thanh văn, Bồ-tát ở cõi An Lạc của Phật Vô Lượng Thọ chẳng thể nói hết.

   Lại cõi nước ấy nhiệm mầu an vui, thanh tịnh như thế. Sao không gắng sức làm lành, nghĩ đến mối đạo tự nhiên, ở vào nơi không lên xuống, thông suốt chẳng có ngằn mé. Mỗi người nên siêng tinh tấn, ra sức tự cầu cho mình, quyết được siêu thoát đến nơi, vãng sanh về nước An Lạc, chặn ngang qua năm đường ác, ác đạo tự nhiên đóng bít, đường lên vô cùng vô cực, dễ đến mà không người đi. Nước ấy nào có đối nghịch. Tự nhiên do nghiệp dẫn đường. Sao không bỏ bớt việc đời, siêng tu cầu lấy đạo đức,  để được sông lâu vô cùng, tuổi thọ sự vui  vô cực.

   Người đời quen theo thói tục nông nỗi, chỉ cùng tranh chấp những việc không đâu. Sống giữa cảnh ác, sự khổ kịch liệt, con người lại siêng đem thân lo liệu để tự chu cấp. Không luận kẻ trên người dưới, kẻ nghèo người giàu, từ nhỏ đến lớn, từ gái đến trai, cùng nhau chỉ biết lo nghĩ mãi miết lâu ngày, bị tâm sai sử không lúc nào yên. Có ruộng lo ruộng, có nhà lo nhà, trâu ngựa gia súc, của tiền tôi tớ, y phục, uống ăn, vật này món nọ… Lại cũng cùng nhau khổ tâm lo lắng, tư lự chất chồng, nghĩ ngợi bông lông, sầu ưu sợ sệt.

   Chợt đâu vô thườn xảy đến, nào là con hư phá sản, hoặc là chủ nợ phanh phui, lửa cháy, nước trôi, giặc giã cướp đoạt, sự nghiệp tiêu ma, của cải tan nát, gặp lúc như thế lòng dạ xốn xang, phần thì lo buồn, phần thì căm tức không lúc nào nguôi, tâm tình giữ chặt, buông bỏ không xong.

   Hoặc ăn ngồi không phá nát gia nghiệp, thân hoại mạng chung bỏ lại tất cả ra đi một mình. Từ người quyền quý đến kẻ phú hào, ai ai cũng có những hoạn nạn ấy, lo sợ muôn bề, cần khổ biết bao. Bởi vậy kết thành các chứng lạnh nóng, tự mình đau đớn sống trong cảnh ấy.

   Người nghèo hèn kém sự khổ càng hơn, khốn đốn cả đời, túng thiếu quanh năm, không ruộng ước ruộng, không nhà ước nhà, trâu ngựa gia súc, tôi tới, tiền của, áo cơm mọi vật, lo nghĩ ước mong, muốn sao cho có. Lo được thứ này, thấy thiếu thứ khác, có đó thiếu đó, muốn bằng như người nhưng nào dễ được, vừa có sơ sài lại tiêu tan hết, thế rồi khổ sở lo âu, nghĩ cách tìm cầu, mong cầu không được, tư tưởng bâng quơ, thân tâm mệt nhọc, đứng ngồi chẳng yên, lo nghĩ không thôi, đắng cay là thế. Vì vậy kết thành các chứng lạnh nóng, phải sống với cảnh bệnh hoạn đớn đau, kết thúc cuộc đời khi còn son trẻ.

   Lúc còn khỏe mạnh chẳng khứng làm lành, tiến tu đạo đức, thác rồi một mình đến chốn xa xăm, hoặc lên hoặc xuống, lành dữ đôi đường nào ai hay biết.

   Người giữa thế gian, nếu quan hệ nhau trong tình thân thiết, giữa cha với con, giữa anh với em, giữa vợ với chồng, hoặc giữa bà con nội ngoại với nhau, phải nên kính mến đừng ganh ghét nhau. Kẻ có người không cùng nhau cảm thông, cùng nhau san sẻ. Chớ vì của cải mà sanh tham tiếc. Lời nói, sắc mặt thường nên vui hòa, tránh việc bất hòa chống trái lẫn nhau.

   Khi tâm hơn thua, có chỗ tức giận, thì mầm oán thù ngay đó phát sanh. Đời này nuôi mối hận hờn ngấm ngầm, ganh ghét lẫn nhau, đời sau càng thêm sâu sắc quyết liệt, đến đỗi trở thành mối đại oán thù.

   Tại sao như vậy?

   - Bời vì sự đời day dưa không dứt. Những điều tai vạ vẫn tái diễn luôn, tuy chẳng tức thời phá gấp lẫn nhau, nhưng do ngậm độc chứa hờn thắt chặt tinh thần, tự nhiên khắc ghi vào nơi tiềm thức, chẳng thể bỏ lìa, khi sanh đời khác, đối đầu gặp nhau, đôi bên trở lại báo cừu phục hận.

   Sống giữa thế gian, còn vướng trong vòng yêu thương ham muốn, con người sống chết một mình qua lại một thân, cảnh khổ cảnh vui tự mình đi đến, tự mình đương đầu, không người thay thế. Nghiệp lành, nghiệp dữ biến hóa vô cùng, thì tai ương, phước lộc theo đó thay đổi. Những nghiệp dữ trữ từ bao kiếp trước, lúc nào cũng chờ đưa người một mình đến chốn xa xăm, không ai thấy biết.

   Nghiệp lành nghiệp dữ tự nhiên đuổi theo, dẫn dắt thần thức đến chỗ thác sanh, mịt mịt mù mù, một bề tăm tối, ly biệt lâu dài, mỗi người một ngã mong gì gặp lại, khó biết chừng nào !

   Ngày nay cùng nhau gặp gỡ, sao không bỏ bớt các việc, giữa lúc sức khỏe dồi dào, mỗi người gắng tu thiện nghiệp, tinh tấn độ mình độ người, để được sống lâu vô cực, không tìm đến đạo còn  đợi chờ gì, còn thú vui gì ?

   Người đời nghi nan nhiều nỗi, chẳng tin làm lành được lành, chẳng tin tu hành được đạo, chẳng tin người chết lại sanh, chẳng tin bố thí được phước, điều lành điều dữ thảy đều chẳng tin, cho rằng không có lẽ ấy.

   Những người như vậy chỉ ngồi một nơi, tự theo tà kiến, còn bắt chước nhau, kẻ trước người sau, cha truyền con nối. Từ đời tổ phụ vốn chẳng làm lành, chẳng biết đạo đức. Tinh thần tối tăm, ý chí bít lấp, chẳng thể nhận ra nguồn gốc sống chết, chẳng biết phân biệt nẽo dữ đường lành, cũng chẳng có người chỉ nói cho nghe họa phước, lành dữ, đua nhau tạo ác không sợ điều gì. Bởi con đường sống chết cứ mãi xoay vần tiếp nối, nào cha khóc con, nào con khóc cha, anh em, vợ chồng khóc kể lẫn nhau, đảo điên một bề từ trên xuống dưới. Vô thường là gốc, tất cả đều bị lùi về quá khứ, chẳng thể bảo tồn (sự thể là vậy), nhưng dù dạy nói, mở lối dắt dẫn cũng ít người tin, do đó sống chết trôi chảy mênh mang, không hề dừng nghĩ.

   Những người như thế mù mờ chống chế, chẳng tin kinh giáo, chẳng biết nghĩ xa, chỉ muốn khoái ý. Si mê theo ái dục, chẳng hiểu thấu đạo đức, chìm lĩm trong giận hờn, ham hố theo tài sắc, ngồi dững chẳng được gì, chịu khổ nơi đường ác, sống chết mãi không thôi, nghĩ thật đáng thương xót !

   Đến như những người xuất gia học đạo, gặp khi nhà cửa hư hao, hoặc khi cha con, anh em vợ chồng ở vào cảnh huống kẻ còn người mất, lúc ấy trở lại thường nhớ không nguôi, luyến lưu ân ái, lo nghĩ buột ràng, tim gan đau xót, đắp đổi nhớ nhung, quanh năm suốt tháng, giải tỏa không xong. Dầu nghe đạo lý, mà tâm không chút sáng tỏ mở mang, nghĩ ngợi ân nghĩa không ngoài tình dục. Sở dĩ như vậy, là vì si mê che lấp, mờ tối chẳng thông, chẳng siêng thẩm xét suy tìm phương châm chỉnh đốn thâm tâm, tấn tu đạo hạnh để dứt thế sự, loay hoay ráo riết mà hết một đời, đến lúc cuối cùng chẳng thể chứng đạo, khi đó có thể kêu nài được chẳng ? Tóm lại những thứ rối rắm thô hèn như thế,  đều do tham luyến ái dục làm gốc. Phần nhiều những người bỏ tục xuất gia vẫn bị mê hoặc, cho nên ít người ngộ đạo chứng quả. Giòng  đời vội vã, không thể ỷ lại trông chờ.

   Tôn ty nam nữ, kẻ trên người dưới, kẻ nghèo người giàu, kẻ sang người hèn, dầu siêng chịu khổ, cần kíp làm việc, ai cũng ôm lòng giết hại cây độc, hơi độc mịt mù. Vọng thức nổi dậy hành động ngang tàng, trái nghịch trời đất, chẳng thuận lòng người. Bản tánh tự nhiên vốn không phải ác, vì theo người trước tạo các tội dữ, tuổi thọ chưa dứt mà mang đã tuyệt, chết đọa đường ác, nhiều kiếp khổ sầu, xoay vần chịu khổ đến ngàn muôn kiếp không hẹn kỳ ra, thật đáng thương xót, nói không thể cùng !

   Đức Phật lại bảo Bồ-tát Di Lặc và khắp đại chúng :

   - Việc đời như vậy, cho nên con người khó bề đắc đạo, hãy nghĩ chín chắn, tìm phương giải thoát. Tránh các điều dữ, chọn các hạnh lành, siêng đó tiến tu. Ái ân dục tình hoặc cảnh vinh hoa không thể thường còn, tất cả rồi sẽ có lúc biệt ly, không gì vui thích. Gặp khi Phật còn ở đời, hãy siêng tinh tấn. Ai đó chí nguyện sanh nước An Lạc, người ấy có thể chứng huệ sáng suốt công đức thù thắng. Chớ nên buông theo sở dục trong lòng mà trái kinh giới để lùi sau người. Thoảng như có nghi chẳng hiểu nghĩa kinh, cứ việc thưa hỏi, ta sẽ nói rõ.

   Bồ-tát Di Lặc quỳ chẳng bạch Phật:

   - Kính bạch Thế-tôn ! Oai thần của Phật rất đổi cao dày, lời đức Thế-tôn vô cùng chí thiết. Nghe Phật nói kinh và để tâm nghĩ, thực trạng con người rõ ràng như vậy.

   Ngày nay đức Phật từ bi thương xót, chỉ rõ đại đạo, làm cho chúng con tai mắt mở sáng, được sự độ thoát lâu dài. Nghe lời Phật dạy, người người vui mừng. Từ hàng trời người đến loài nhỏ nhít, đều nhờ ân đức của đáng Từ bi mà được cởi mở những mối lo khổ. Lời Phật răn dạy rất sâu rất lành, trí Phật thấy rõ tất cả sự vật mười phương ba đời, việc nào cũng thông đến nơi đến chốn.

   Ngày nay chúng con được nhờ giải thoát, là do đời trước trong lúc cầu đạo, Thế-tôn chịu khổ hạ mình dẫn dắt, chúng con mới được như ngày hôm nay. Ân Đức Thế-tôn che chở khắp nơi, phước lộc cao vời, quang minh soi suốt, thông đạt rỗng rang. Phật vì con người mà mở Niết-bàn, dạy dỗ truyền trao, ân Phật giáo hóa cảm động mười phương vô cùng, vô cực.

   Phật là Pháp vương vượt trên các thánh, là bực đạo sư cho cả trời người, tùy nguyện chúng sanh, Phật đều làm cho chúng đạo giải thoát. Ngày nay chúng con gặp đức Như-lai, lại nghe nói đến Phật Vô Lượng Thọ, ai ai cũng đều khấp khởi vui mừng, tâm được mở sáng.

   Đức Phật bảo ngài Bồ-tát Di Lặc:

   - Lời ông rất đúng ! Nếu người hiền lành hay tôn kính Phật, đó thật là một việc thiện rất lớn, trong chốn thiên hạ thật lâu mới có đức Phật ra đời.

   Nay ta ở đời chứng quả chánh giác, diễn nói kinh pháp, tuyên rộng đạo giáo, dứt các lưới nghi, lấp nguồn tội ác, dạo khắp ba cõi không bị trở ngại, khai mở trí tuệ, nêu tỏ yếu chỉ, mở mang năm đường, độ người chưa độ, giải quyết đúng đắn con đường sanh tử Niết-bàn cho khắp chúng sanh.

   Di Lặc nên biết, từ vô số kiếp đến nay, ông đã hành đạo Bồ-tát cứu độ chúng sanh, những người theo ông tu hành chứng quả và vào Niết-bàn, số đó rất đông không thể tính kể. Ông và tất cả bốn chúng, trời người trong khắp mười phương, từ lâu trở lại, đã từng trôi lăn trong khắp năm đường, đủ những lo sợ, siêng có, khổ có, không thể nói hết, mãi đến ngày nay mà sự sống chết cũng chưa dứt hẳn. Các người cùng nhau gặp Phật, nghe nhận kinh pháp, lại nghe nói đến Phật Vô Lượng Thọ, hay biết là bao ! Ta trợ niềm vui của khắp các người.

   Ngày nay các người cũng tự nhàm chán những nỗi thống khổ sanh, già, bệnh, chết, nẻo ác bợn nhớ, không gì ưa thích. Hãy tự quyết đoán, chấn chỉnh thân tâm, gây thêm thiện hạnh, trong sạch tu hành, rửa bỏ cấu uế, lời nói việc làm trung thực thành tín, bên trong bên ngoài khế hợp lẫn nhau, trước tự độ mình và cứu mọi loại. Các  người chuyên ròng chí nguyện tìm cầu, chứa để rễ lành, tuy khổ một đời, cũng chẳng bao lâu, sau sanh cõi nước Phật Vô Lượng Thọ, hưởng vui vô hạn, hòa mình lâu dài trong cảnh đạo đức, nhổ hẳn cội gốc của sự sống chết, không còn lo khổ bởi tham, giận, si tùy ý tự do, muốn sống một kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, muôn ức số kiếp đều được tất cả, không còn bị pháp hữu vi chi phối, gần với đạo quả của đức Niết-bàn.

   Các vị mỗi người phải nên tinh tấn, mong được như nguyện, chẳng được nghi ngờ, giữa  đường bỏ dở, tự gây tội lỗi, mà phải sanh về biên địa cõi ấy. Dầu cũng vẫn ở cung điện bảy báu trong năm trăm năm, nhưng chịu tai ách vì không thấy Phật.

   Bồ-tát Di Lặc bạch lên đức Phật:

   - Xin vâng những lời ân trọng của Phật, nguyện chuyên tu học, y giáo vâng làm, chẳng dám sanh nghi.

   Đức Phật phán tiếp:

   - Ngay trong đời này, các người có thể đoan tâm chánh ý, chẳng tạo ác pháp, ấy là một điều đạo đức chí cực mười phương thế giới không đâu sanh bằng.

   Tại sao vậy ?

   - Những quốc độ của các đức Phật khác, các hàng trời người làm lành tự nhiên, chẳng tạo đại ác, nên dễ khai hóa, còn thế giới này đầy dẫy năm ác, năm nỗi đớn đau, năm sự thiêu đốt. Cõi này sự khổ vô cùng khốc liệt, không cõi nào hơn.

   Như lai thành Phật và ở nơi đây giáo hóa quần sanh, làm cho chúng sanh bỏ lìa năm ác, năm nỗi đớn đau, năm sự thiêu đốt. Làm cho chúng sanh gìn giữ năm lành, được sanh phước đức, qua khỏi giòng đời và vào Niết-bàn trường thọ vĩnh viễn.

   Thế nào gọi là năm mối đại ác, năm nỗi đớn đau, năm sự thiêu đốt ? Và sao gọi là tiêu hóa năm ác, gìn giữ năm lành, được sanh phước đức, qua khỏi giòng đời và vào Niết-bàn trường thọ vĩnh viễn ?

   - MỐI ÁC THỨ NHẤT”: Loài trời, loài người cho đến các giống côn trùng bé nhỏ, không một loài nào chẳng tạo ác nghiệp. Lớn lấn cướp nhỏ, mạnh đè bẹp yếu, cùng nhau sanh giặc, tàn hại giết chóc, ăn nuốt lẫn nhau, không đạo không đức, chẳng biết tu thiện, về sau chịu các tai ương hình phạt, thần minh ghi chép không sót mảy may, chẳng hề ân xá kẻ phạm tội ác, do đó mà có đủ các hạng người: Nghèo nàn, hèn hạ, ăn xin, ăn mày, cô đơn côi cút, mù, điếc, câm, ngọng, ngu si, tệ ác, cho đến những người khập khểnh què quặc. Còn người giàu sang, tài cao học sáng, là do đời trước nhơn từ, trung hiếu, chứa đức làm lành, nên được như vậy.

   Thế gian thường có lối ngừa tội ác; pháp luật triều đình, lao tù ngục thất. Người  không kiêng sợ, làm ác gây tội, tất nhiên phải bị tai vạ, hình phạt, muốn ra khỏi ngục cũng khó nỗi ra, những việc như thế đầy dẫy trước mắt. Đến  lúc lâm chung vào chốn u minh, kẻ tạo tội ác, sự khổ càng sâu, càng thêm khốc liệt, thân bị đổi khác, chịu những cực hình vô cùng đau đớn. Bởi vậy tự nhiên có cảnh tam đồ, vô lượng khổ não, thay hình đổi dạng một cách dễ dàng, tuổi thọ dài ngắn theo đó thay đổi, thần hồn, nghiệp thức tự tìm tự dẫn, một mình thẳng tới cùng sanh theo nhau, sanh rồi cùng nhau báo cừu phục hận không hề dừng ngớt, vì báo chưa hết, nên chẳng lìa nhau, mãi miết xoay vần không kỳ ra khỏi, đau xót nói không thể cùng.

   Trong vòng trời đất tự có nhu vậy. Tuy không xảy ra táo bạo tức thời, nhưng đường lành dữ đều có chỗ về.

   Trên đây gọi là một mối đại ác, một nỗi đớn đau và sự thiếu đốt thứ nhất, lao khổ là thế.

   Giả như lửa lớn đốt cháy thân người, nhưng nếu có ai ở trong cảnh ấy, nhứt tâm giữ ý, vững mình chánh hạnh, riêng làm việc lành, chẳng theo điều ác, tự độ thoát mình, hoặc cứu độ người, phược đức người đó sẽ được sanh thiên, hoặc chứng Niết-bàn. Đó là điều lành vĩ đại thứ nhất.

   - MỐI ÁC THỨ HAI: Người trên thế gian, giữa đạo cha con, anh em, vợ chồng, phần nhiều chẳng có ân tình, nhân nghĩa, trái với lễ nghi. Hầu hết chỉ quen xa hoa dâm dật, kiêu mạn dọc ngang, mặc tình phóng túng lừa dối lẫn nhau, tâm miệng trái ngược. Lời nói, ý nghĩ đều sai tình thực. Hoặc siễm nịnh bất trung, hoặc a dua hồ mị, ganh ghét người hiền, chê bai điều thiện, hãm hại người lành một cách oan uổng. Làm vua làm chúa thì chẳng công minh, xử dụng tôi gian để họ làm quấy, hạng tôi bất chánh cơ mưu xão ngụy, lợi dụng thế lực, chà đạp người tài. Làm  vua không chánh bị dân khi dễ, bỏ rơi người hiền chẳng xứng nhân tâm. Tôi khi dễ vua, con lừa dối cha, anh em, vợ chồng, bạn bè quen biết khi dối lẫn nhau, người người ôm lòng ham muốn dục lạc, giận dỗi, si mê, muốn mình nồng hậu, muốn có thật nhiều, kẻ trên người dưới tâm ai cũng vậy, đến đổi tan nhà mất mạng cũng chẳng ngó trước nhìn sau, lụy đến bà con, bỗng dưng mà bị diệt cả họ hàng.

   Có khi vợ chồng, bạn bè quen biết, xóm giềng lân lý, kẻ chợ người quê, theo nhau làm việc trở lại hại nhau, do đó trở thành căm tức oán hờn.

   Kẻ giàu bỏn sẻn, tham tiếc của cải, chẳng cấp giúp ai. Giữ chặt túi tham, thân tâm lao khổ, đến mãn cuộc đời không nơi nương cậy. Trong chốn u minh đi lại một mình chẳng có ai theo. Lành dữ, hoạ phước do nghiệp sanh đến, hoặc ở chổ vui, hoặc nơi khổ độc khi đó hối hận đâu còn kịp nữa.

   Người đời phần nhiều tâm mê trí kém, gặp gỡ người lành đâm ra chê ghét, chẳng hề ái mộ mong theo kịp người, chỉ muốn tạo ác, làm điều trái phép, ôm lòng trộm cướp, mong đợi của người, đến lúc tiêu tan lại đi tìm kiếm, tà tâm bất chánh biết nghĩ xa, việc đến mới hối. Thế gian hiện có pháp luật lao tù, tuỳ chổ tội phạm mà bị giam nhốt, hoặc bị trừng phạt. Nhơn vì đời trước không tin đạo đức, chẳng trồng cội nguồn, cho nên ngày nay trở lại tạo ác. Các vị thiên thần ghi chép sổ sách thảy đều biết rõ, chết rồi thần thức đi xuống nẻo ác, bởi vậy tự nhiên có cảnh tam đồ, vô lượng khổ não, cứ mãi xoay vần kiếp này kiếp khác, không có kì ra, khó nỗi giải thoát, đau xót nói không thể cùng.

   Đây gọi là mối đại ác, đớn đau và sự thiêu đốt thứ hai, lao khổ là thế.

   Giả như lửa đốt cháy thân người, nhưng nếu có ai ở trong cảnh ấy, nhất tâm giữ ý, vững mình chánh hạnh, riêng làm việc lành, chẳng theo điều ác, tự độ thoát mình hoặc cứu độ người, phước đức người đó sẽ được sanh thiên hoặc chứng Niết bàn. Đó là điều lành vĩ đại thứ hai.

   Đức Phật dạy tiếp:

   - MỐI ÁC THỨ BA:  Người trên thế gian cùng nhau sống gởi, trong vòng trời rất mênh mang vô tận, mạng sống con người thật là ngắn ngủi. Trên từ những người hiền tài thông minh, những người lớn tuổi, quý phái khá hạ, hoặc là những kẻ bại liệt ngu ngơ, giữa nữa là người tạo những nghiệp dữ, hầu hết ôm ấp những điều xằng bậy, nhớ tưởng dâm dật, phiền não ngập lòng, giao hợp ân ái, đứng ngồi chẳng yên. Ý tham tiếc giữ, chỉ muốn vớ được, liếc ngó sắc đẹp theo thói tà ngoại, chán ghét vợ nhà đi lại tư thông, hao tốn gia tài, làm điều trái phép.

   Hoặc giao kết tụ tập, đem binh đánh nhau, công hãm cướp bóc, giết chóc cưỡng đoạt một cách vô đạo, ác tâm hướng ngoại chẳng tự tu bỉ, trộm cướp được rồi cung cấp vợ con, buông lòng khoái ý để tự sướng thân. Hoặc chẳng nể nang tôn ty quyền thuộc, gieo mối lo khổ đôi bên nội ngoại, lại chẳng sợ lệnh cấm phép vua, tội ác như vậy gai mắt người quỷ, nhựt nguyệt chiếu soi, thần minh ghi chép, vì vậy mà có cảnh giới tam đồ, vô lượng khổ não, xoay vần trong đó nhiều kiếp nhiều đời không có kì ra, khó nỗi giải thoát, đau xót nói không thể cùng.

   Đây gọi là mối đại ác, đớn đau và sự thiêu đốt thứ ba, lao khổ là thế.

 

   Giả như lửa lớn đốt cháy thân người, nhưng nếu có ai ở trong cảnh ấy, nhứt tâm giữ ý, vững mình chánh hạnh, riêng làm việc lành, chẳng theo điều ác, tự độ thoát mình hoặc cứu độ người, phước đức người đó sẽ được sanh thiên, hoặc chứng Niết bàn. Đó là điều lành vĩ đại thứ ba.

   - MỐI ÁC THỨ TƯ:  Người trên thế gian chẳng nhớ mấy việc ăn ở hiền lành, lại dạy bảo nhau cùng gây ác nghiệp. Nói lời hai lưỡi, nói năng nguy hiểm, nói sai sự thật, nói lời thêu dệt, dèm pha tranh đấu, ganh ghét người lành, phá hoại hiền sĩ để rồi đắc ý. Chẳng hiếu với cha mẹ, khinh lờn bực thầy dạy, thất tín với bạn bè, không mấy khi thành thật. Cho mình là sang, nghĩ mình là lớn, nói mình có đạo, hành động ngang tàng, cậy thế cậy oai xâm lấn kẻ khác, chẳng hay xét nghĩ, làm ác không thẹn, ỷ mình mạnh khoẻ, muốn người cung kính, chẳng sợ đất trời, chẳng sợ thần minh, chẳng khứng làm lành, tự do ngạo nghễ. Tưởng mình sống lâu, không lo không sợ, thường cứ ôm lòng ngã mạng kiêu căng…những ác nghiệp ấy trời thần ghi biết.

   Nhờ vả đời trước có tạo chút phước, do điều lành nhỏ nâng đỡ tiếp giúp mới được như vậy. Đời nay làm ác phước đức diệt hết, các vị thiện thần chán lìa lánh xa, một thân đơn độc đứng giữa khoảng không, chẳng nơi nương tựa, tới lúc sắp chết, nghiệp ác kéo đến, tự nhiên thúc giục giành nhau đoạt lấy.

   Lại nữa, tội tên sổ sách ghi tại thần minh, tội ương lôi kéo, tự nhiên phải đến chổ bị hành hạ, không thể do đâu trốn tránh thoát ra, cứ tiến tới trước, thẳng vào vạt sôi, thân tâm tan nát, tinh thần đau khổ, lúc đó hối hận đâu còn kịp nữa. Luật trời hiển nhiên chẳng hề sai trật. Vì vậy mà có cảnh giới Tam đồ, khổ não vô lượng, xoay vần trong đó nhiều kiếp nhiều đời không có kì ra, khó nỗi giải thoát, đau xót nói không thể cùng.

   Đây gọi là mối đại ác, đớn đau và sự thiêu đốt thứ tư, lao khổ là thế.

   Giả như lửa lớn đốt cháy thân người, nhưng nếu có ai ở trong cảnh ấy, nhất tâm giữ ý, vững mình chánh hạnh, riêng làm việc lành, chẳng theo điều ác, tự độ thoát mình hoặc cứu độ người, phước đức người đó sẽ được sanh Thiên hoặc chứng Niết bàn. Đó là điều lành vĩ đại thứ tư.

Đức Phật dạy tiếp:

   - MỐI ÁC THỨ NĂM:  Người trên thế gian biếng lười dật dựa, chẳng khứng làm lành, sửa mình tu đức, bỏ bê cửa nhà, vợ con đói rách, khốn khổ quanh năm, cha mẹ răn dạy trở lại giận dữ, trợn mắt trả treo, nói năng bất hoà, chống trái phản nghịch, chẳng khác oan gia, chẳng bằng tuyệt tự. Lấy, cho vô phép, mọi người chán ngán, phụ ơn bội nghĩa, không lòng báo bổ đáp đền. Nghèo nàn túng thiếu phục hồi chẳng được, đua chen giành giựt, phóng túng chơi bời. Tiền gian xoay sở, tiêu pha lãng phí, say đắm rượu thịt, ăn uống vô chừng, buông tuồng phóng đãng, bướng bỉnh ngang ngạnh, chẳng biết phải quấy, chẳng kẻ tình người, cưỡng bức dục tình, ức hiếp kẻ yếu, thấy người làm lành, ganh ghét phá hoại, không lễ không nghĩa, chẳng ngó ngàng ai, tưởng mình hiểu biết can dạy chẳng nghe. Sáu giòng bà con, kẻ có người không chẳng cần để ý. Chẳng nghĩ công ơn cha mẹ, chẳng còn tình bạn nghĩa thầy. Tâm thường nghĩ ác, miệng thường nói ác, thân thường làm ác, chưa từng có một điều lành. Chẳng tin thánh hiền, chẳng tin Phật pháp, chẳng tin tu hành có thể chứng đạo, chẳng tin chết rồi thần thức tái sanh, chẳng tin làm lành gặp lành, làm dữ gặp dữ. Muốn giết thánh hiền quấy rối Tăng chúng, muốn hại cha mẹ, anh em quyến thuộc, đến đổi bà con ghê tởm oán ghét, mong chết cho khuất!

   Trên đời vốn có những người như vậy.

   Những người như thế, ngu si tăm tối, vậy mà tự phụ sáng suốt hơn người, chẳng biết kiếp sống vốn từ đâu lại, chết sẽ về đâu! Không nhơn, không thuận, nghịch cả đất trời, trong cảnh như vậy mà vẫn kiêu hãnh hy vọng sống lâu.

   Ví như có người đem lòng từ bi, dạy bảo chỉ vẽ đường lành nẻo dữ, nói sự sống chết, những kẻ như thế vẫn chẳng hề tin. Khổ tâm nói nhiều với người thế đó vẫn là vô ích. Tâm họ đóng bít, ý chẳng khai thông. Vô thường sắp đến, bấy giờ mới thấy hối hận sợ hãi. Trước chẳng dự bị tu tập điều lành, cuối cùng mới hối, sự hối muộn màng, làm sao cho kịp. Trong vòng trời đất, năm đường rõ ràng (Trời,Người,Quỷ đói, Địa ngục, Bàng sanh) bao la mịt mù, loài si mê tăm tối quay lộn xuống lên, như kẻ mù loà đi trong đêm thẳm. Lành dữ báo ứng, hoạ phước thay nhau, tự mình gánh chịu, không người thay thế.

   Người lành làm lành, từ vui đến vui, từ sáng vào sáng. Kẻ dữ làm dữ, từ khổ đến khổ, từ tối vào tối. Những việc như thế có ai biết chăng ?

   - Chi Phật, Bồ - tát thấy rõ, biết rõ, dầu có mở nói cũng ít người tin, sống chết không ngừng, thì con đường ác không khi nào dứt. Người đời phần nhiều như thế, khó nói cho đủ. Bởi vậy tự nhiên có cảnh tam đồ, khổ não vô lượng, xoay vần trong đó nhiều kiếp nhiều đời, không có kỳ ra, khó nỗi giải thoát, đau xót nói không thể cùng.

   Đây gọi là mối đại ác, đớn đau và sự thiêu đốt thứ năm, lao khổ là thế.

   Giả như lửa lớn đốt cháy thân người, nhưng nếu có ai ở trong cảnh ấy, nhứt tâm giữ ý, vững mình chánh hạnh, riêng làm việc lành, chẳng theo điều ác, tự độ thoát mình và cứu độ người, phước đức người đó sẽ được sanh thiên, hoặc chứng Niết – bàn, đó là điều lành vĩ đại thứ năm.

   Đức Phật bảo Ngài Bồ - tát Di Lặc:

   - Như –lai nói rõ để các vị thấy, năm mối đại ác, năm mối đớn đau, năm sự thiêu đốt, nhọc nhằn khổ sở của đời là vậy, chúng tự lần lượt nương nhau phát sanh. Chỉ vì chúng sanh quen làm nghiệp ác, không tu gốc lành, tất nhiên tự vào các đường dữ.

   Người tạo nghiệp ác, ngay trong hiện tại chịu lấy quả báo: Trước hết là bị những điều tai ương, bệnh hoạn hiểm nghèo, cầu sống không được, cầu chết không xong, tội ác chiêu cảm để mọi người thấy, chết rồi cùng với nghiệp báo oan gia vào ba đường dữ, khổ độc vô lượng, tự nấu đốt nhau, và cùng kết oán mãi đến về sau.

   Từ việc nhỏ sanh, bèn thành hoạ lớn, tất cả chỉ vì tham đắm tiền tài, tranh giành nhan sắc, chẳng hay ban bố, cứu giúp cho người. Do sự si mê tham dục thúc đẩy, theo tâm nghĩ tướng, nên bị trói buộc trong vòng phiền não, giải toả không ra, mãi đoạt lợi danh không biết thức tỉnh. Lúc giàu vinh hiển, lấy làm hài lòng, chẳng hay nhẫn nhục, chẳng siêng tu thiện. Oai quyền thế lực chẳng được bao lâu rồi tiêu ma hết. Đến lúc bấy giờ, thân ngồi một chổ, khổ sở nhọc nhằn, tới lúc bệnh chết sự khổ càng hơn, Luật trời tha bắt tự nhiên mở ra, mối mang lưới rập xứng trên cưng dưới. Phật phong kinh sợ phải bị bủa vây, từ cổ chí kim hẳn nhiên là vậy. Đau xót biết bao! Thương tâm biết bao!

   Đức Phật dạy tiếp:

   - Thế gian như vậy, thật đáng thương xót! Phật dùng thần lực diệt ác, khuyến thiện, làm cho chúng sanh bỏ lìa nghĩ quấy vâng giữ giới, chăm lo hành đạo. Y lời Như- lai chỉ dạy, sau sẽ qua khỏi dòng đời và chứng Niết bàn. Chư thiên, nhân dân đời này, đời sau, được nghe những lời trong kinh Phật nói, hãy nên suy nghĩ và gắng siêng năng, theo lời kinh dạy, chỉnh đốn thân tâm, người trên làm lành, đốc xuất kẻ dưới, răn nhắc lẫn nhau. Mỗi người phải tự giữ vững tâm ý, tôn trọng bực thánh, quý kính người hiền, từ bi nhơn ái, cứu nhân độ thế. Đối với những điều Như – lai răn nhắc, chớ có xem thường phụ bỏ, hãy cầu thoát khỏi giòng mê, nhổ gốc tội ác của sự sống chết, để ra khỏi cảnh khổ đau vô lượng, và mối lo sợ doạ ba đường ác. Đời này các người cần nên gieo trồng rộng rãi cội đức, ban bố ân huệ, giữ gìn cấm giới, nhẫn nhục, tinh tấnm thiền định sáng suốt, giáo hoá lẫn nhau. Tự mình tu đức và gây thiện nghiệp, giữ tâm giữ ý đúng đắn chơn thật. Dầu một ngày đêm ở tại nơi này trai giới thanh tịnh, công đức còn hơn ở cõi An Lạc làm lành đến một trăm năm. Tại sao vậy? Vì cõi Phật kia vô vi tự nhiên, tất cả đều cùng chứa nhóm thiện nghiệp. Một điều ác nhỏ dường như tơ tóc cũng không hề có. Chơn thật tu hành trong mười ngày đêm ở tại cõi này, công đức trội hơn ở Phật quốc khác tu thiện ngàn năm! Lý do là tại vì cõi nước Phật khác, đa số làm lành, hiếm người tạo ác, phước đức chiêu cảm một cách tự nhiên, không có nguyên do để gây ác nghiệp. Chỉ có nơi này đầy rẫy điều ác, chẳng được tự nhiên, toàn những gian khổ tìm cầu ham muốn và lừa dối nhau, khiến nỗi con người thân tâm lao nhọc, uống đắng ăn độc, rồi cứ như thế mà chăm làm ác, chưa từng nghỉ ngơi!

   Như-lai thương xót tất cả các người, khổ tâm răn dụ, dạy bảo làm lành, từ chổ thích nghi mà mở dẫn dắt, trao truyền kinh pháp, đâu chẳng làm cho các người ứng dụng để được vừa lòng và làm cho tất cả đều chứng đạo.

   Như –lai du hoá bất cứ nơi nào, đất nước nơi đó, từ chốn kinh thành đến nơi thôn dã, đâu đâu cũng được giáo hoá mở mang, mọi người thuận hoà, trời trong, trăng tỏ, mưa gió đúng thời, ôn dịch chẳng khởi, nước thạnh dân an, chiến tranh chấm dứt, người người chuộn đức, chăm tu lễ nghĩa, khiêm tốn, kính nhường.

   Như –lai thương xót các chúng trời người, còn hơn cha mẹ thương yêu con cái, Như –lai ra đời cảm hoá chế ngự năm mối đại ác, trừ năm đớn đau, dứt năm thiêu đốt, lấy các điều lành công phá điều dữ, nhổ tận gốc sự khổ sống chết, để cho nhân loại được năm thứ đức, bước lên cảnh giới An lạc vô vi.

   Sau khi Như –lai đã vào Niết-bàn, kinh pháp lần diệt, nhân dân phần nhiều siễm nịnh gian dối, trở lại gây tạo nghiệp ác như cũ, năm sự thiêu đốt, năm nỗi đớn đau diễn ra như trước, càng trở về sau càng thêm kịch liệt, chẳng thể nói hết, Như-lai nay vì tất cả các người, nói tóm tắt vậy. Các vị mỗi người hãy khéo tư duy và rồi xoay vần truyền bảo cho nhau, y theo kinh giáp tu hành, chớ để trái phạm.

   Khi đó, Bồ - tát Di Lặc chấp tay bạch Phật:

   - Kính lạy Thế-tôn ! Những lời Phật dạy rất chơn rất thiện, người đời quả nhiên như vậy, lòng Từ của  đức Như –lai bao bọc, thương xót muôn loài, muốn cho tất cả đều được độ thoát. Con xin nhận lời Phật trân trọng dạy, không dám sai thất.

   Đến đây đức Phật dạy bảo A Nan:

   - Này A Nan ơi! Con hãy đứng lên sửa lại y phục, chấp tay cung kính, đảnh lễ Phật Vô Lượng Thọ, mười phương quốc độ các đức Như-lai luôn luôn đề cao và đồng ca tụng về đấng chánh giác vô trước vô ngại ấy.

   Khi đó A Nan đứng dậy sửa áo xoay về phía Tây, cung kính chấp tay, năm vóc sát đất, đảnh lễ Phật Vô Lượng Thọ, và bạch đức Bổn sư.

   - Kính bạch Thế -tôn! Con mong được thấy thế giới An Lạc, Phật Vô Lượng Thọ và chư Bồ- tát, Thanh văn cõi ấy.

   A Nan dứt lời, liền đó Phật Vô Lượng Tho phóng quang minh lớn, soi khắp thế giới của các đức Phật. Những núi Kim cang, những núi Thiết vi, núi chúa Tu di, các núi lớn nhỏ và cả vạn vật đều đồng một màu, giống như kiếp thuỷ tràn ngập thế giới, muôn vật trong đó chìm lặn không hiện, chỉ thấy nước lớn mênh mông bát ngát.

   Quang minh vĩ đạ của đức Phật ấy cũng ví như vậy. Tất cả ánh sáng nơi thân Bồ-tát  và chư Thanh văn đều bị che lấp, chỉ thấy một màu quang minh của Phật rực rỡ sáng chói. Ngay đó A Nan được thấy rõ ràng chơn thân Phật Vô Lượng Thọ, oai đức cao vời như núi Tu di, cao vượt lên trên tất cả thế giới. Thân Phật tướng tốt, ánh sáng soi đến không sót nơi nào. Bốn chúng đệ tử cùng trong một lúc cũng đồng thấy rõ và số thánh chúng cõi nước An Lạc cũng thấy cõi này.

   Bấy giờ đức Phật hỏi ngài Di Lặc và hỏi A Nan:

   - Thế giới Phật ấy, kể từ mặt đất trở lên hư không, cho đến cõi trời Tịnh cư Sắc giới, trong đó tất cả bao nhiêu sự vật thảy đều trang nghiêm một cách tự nhiên, các ông thấy chăng ?

   A-Nan tôi đáp:

-    Vâng ! Con có thấy.

-    Các ông cũng nghe tiếng diễn nói pháp vĩ đại của Vô Lượng Thọ Như-lai, vang các thế giới giáo hoá chúng sanh?

-    Kính bạch Thế -tôn! Chúng con có nghe.

   Các ông có thấy nhân dân nước ấy nương cung điện bằng bảy báu rộng lớn hàng ngàn do tuần, không bị chướng ngại, đến các thế giới ở khắp mười phương cúng dường chư Phật?

-    Kính bạch Thế-tôn ! Chúng con thấy rõ.

-    Nhân dân nước đó có người thai sanh, các ông thấy chứ?

-    Vâng ! Con có thấy.

-    Người thai sanh đó được ở cung điện hoặc trăm do tuần, năm trăm do tuần, trong đó mỗi người đều được tự nhiên hưởng thụ vui sướng, như các vị trời thiên cung Đao-lợi.

-    Khi ấy Bồ-tát Di-Lặc bạch Phật:

   Kính bạch Thế-tôn ! Do nhân duyên gì cõi nước An-Lạc, có người thai sanh, có người hoá sanh?

    Đức Phật dạy rằng:

   - Nếu như người nào đem lòng nghi ngờ, tu các công đức, nguyện sanh nước ấy. Vì họ chẳng rõ trí Phật là trí chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể suy tính, trí đại thừa rộng lớn, trí không gì so sánh, là trí tối thượng, là trí tối thắng…Với các năng lực trí Phật như vậy lại sanh nghi ngờ, không lòng tin tưởng, nhưng tin tội phứơc, vẫn tu căn lành, nguyện sanh nước ấy, thì những người này sanh nơi thai cung, trong năm trăm năm thường không thấy Phật, không nghe kinh pháp, không gặp thánh chúng Bồ-tát Thanh văn, thế nên đối với nước ấy gọi là thai sanh.

   - Nếu chúng sanh nào sáng suốt tin tưởng trí Phật là trí chẳng thể nghĩ bàn, cho đến là trí tối thắng…Tu các công đức và dùng tín tâm hồi hướng phát nguyện sanh về nước ấy, thì chúng sanh này từ hoa sen bảy báu tự nhiên hoá sanh, kiết già ngồi vững ngay trong chốc lát là thân tướng sáng, trí tuệ công đức đều được thành tựu như các Bồ-tát.

   - Lại nữa Di-Lặc ! Các đại Bồ-tát ở những phương khác, phát tâm muốn thấy Phật Vô Lượng Thọ và chư Bồ-tát, các chúng Thanh văn ở cõi An-Lạc, để được thân cận cung kính cúng dường, thì những vị ấy sau khi mạng chung, được sanh cõi nước Phật Vô Lượng Thọ, nơi hoá bảy báu tự nhiên hoá sanh.

   - Di-Lặc nên biết, những vị Bồ-tát đã hóa sanh đó, là do trí tuệ vượt hơn nhiều người, còn hạng thai sanh đều không trí tuệ, trong năm trăm năm thường không thấy Phật, không nghe kinh pháp, không gặp thánh chúng Bồ-tát Thanh văn, chẳng nhờ vào đâu cúng dường chư Phật, không biết thể thức của đạo Bồ-tát, chẳng được tu tập các thứ công đức. Nên biết hạng này đời trước tu hành nhưng chẳng sáng suôt, nghi ngờ trí Phật, đến đỗi như vậy.

   Đức Phật dạy tiếp:

   - Lấy ví dụ như vua Thánh chuyển luân, có ngục thất bảo, ngục này cũng đủ các vật trang nghiêm, sắp đặt giường nệm, treo các màn trướng…Khi các thái tử mắc tội với vua, bèn bị đưa giam giữ trong ấy, dùng khoá bằng vàng khoá chặt lao ngục, vẫn cung cấp đủ món ăn, thức uống, áo quần, mền gối, hoa đẹp, nhạc hay như Chuyển luân vương không thiếu món nào.

   - Bồ-tát Di-Lặc, ý ông nghĩ sao về cảnh trạng ấy? Các thái tử này có nên vui thích ở đó chăng?

   Ngài Di-Lặc thưa:

   - Kính bạch Thế-tôn ! Chẳng nên ưa thích, chỉ nên tìm mọi phương pháp cầu cạnh thế lực vua cha, để được ra khỏi.

   Đức Phật bảo ngài Bồ-tát Di-Lặc :

   - Những người thai sinh ở cõi nước kia lại cũng như vậy. Do nghi trí Phật, cho nên sanh vào cung điện bảy báu, không bị hình phạt, cho đến không một ý niệm tạo ác. Chỉ có điều là: Trong năm trăm năm không gặp Tam bảo, không được cúng dương và tu căn lành, do đó mà cho là khổ, mặc dầu hưởng lạc có dư, nhưng chẳng ưa thích ở vào nơi ấy. Nếu những người kia tự biết lỗi xưa tự sanh thống trách, mong lìa nơi đó, khi ấy người này được như sở nguyện, bèn qua đến chổ Phật Vô Lượng Thọ cúng dường cung kính, rồi cũng được đến vô lượng vô số chổ chư Phật khác tu các công đức.

   - Di Lặc nên biết, nếu Bồ-tát nào đâm ra nghi ngờ sẽ mất lợi ích. Vì thế hãy nên sáng suốt tin tưởng trí tuệ vô thượng của các đức Phật .

   Ngài Di-Lặc thưa:

   - Kính bạch Thế-tôn ! Nơi thế giới này có chừng bao nhiêu Bồ-tát bất thoái sanh về cõi ấy?

   Đức Phật đáp rằng:

   - Thế giới này có sáu mươi bảy ức Bồ-tát bất thoái sanh về nước ấy, mỗi Bồ-tát đã từng cúng dường vô số đức Phật, kế đây đều phải đồng như Di-Lặc, còn những Bồ-tát tu những hạnh nhỏ và những người tu chút chít ít công đức, số đó đông đảo không thể tính kể. Tất cả số ấy đều sẽ vãng sanh.

   Đức Phật dạy tiếp:

   - Không những cõi nước của ta có các Bồ-tát lớn nhỏ sanh về nước ấy, mà những cõi Phật ở các phương khác, số người vãng sanh cũng nhiều như vậy.

   - Cõi Phật thứ nhất: Phật hiệu Viễn Chiếu, có một trăm tám mươi ức Bồ-tát đều sẽ vãng sanh.

   - Cõi Phật thứ hai: Phật hiệu Bảo Tạng, có chín mươi ức Bồ-tát bất thoái đều sẽ vãng sanh.

   - Cõi Phật thứ ba: Phật Vô Lượng Âm, có hai trăm hai mươi ức Bồ-tát đều sẽ vãng sanh.

   - Cõi Phật thứ tư: Phật Cam Lồ Vị, có hai trăm năm mươi ức Bồ-tát đều sẽ vãng sanh.

   - Cõi Phật thứ năm: Phật hiệu Long Thắng, có mười bốn ức Bồ-tát bất thoái đều sẽ vãng sanh.

   - Cõi Phật thứ sáu: Phật hiệu Thắng Lực, có mười bốn ngàn ức Bồ-tát bất thoái đều sẽ vãng sanh.

   - Cõi Phật thứ bảy: Phật hiệu Sư Tử có năm trăm ức Bồ-tát bất thoái đều sẽ vãng sanh.

   - Cõi Phật thứ tám: Phật Ly Cấu Quang, có tám mươi ức Bồ-tát bất thoái đều sẽ vãng sanh.

   - Cõi Phật thứ chín: Phật hiệu Đức Thủ, có chín mươi ức Bồ-tát bất thoái đều sẽ vãng sanh.

   - Cõi Phật thứ mười: Phật hiệu Đức Sơn, có sáu mươi ức Bồ-tát bất thoái đều sẽ vãng sanh.

   - Coi thứ mười một: Phật hiệu Nhơn Vương, có mười ức vị Bồ-tát bất thoái đều sẽ vãng sanh.

   - Cõi thứ mười hai: Phật Vô Lượng Hoa, có đến vô số chẳng thể tính kể các chúng Bồ-tát trụ bất thối chuyển, trí tuệ dõng mãnh, đã từng cúng dường vô lượng đức Phật, trong vòng bảy ngày có thể thâu nhiếp những pháp kiên cố của các đại sĩ đã tu hành từ trăm ngàn ức kiếp. Những Bồ-tát ấy đều sẽ vãng sanh.

   - Cõi thứ mười ba: Phật hiệu Vô Uỷ, có bảy trăm chín mươi ức đại Bồ-tát, còn các Bồ-tát tu những đức hạnh nhỏ và chúng Tỳ kheo…Những không thể kể, tất cả số ấy đều sẽ vãng sanh.

   Đức Phật lại bảo:

    - Không những số đại Bồ-tát bất thoái và những chúng sanh mười bốn cõi Phật được nói trên đây đều sẽ vãng sanh, mà vô lượng Phật quốc trong những thế giới ở khắp mười phương, số người vãng sanh lại cũng như vậy, rất nhiều vô kể.

   Nếu ta chỉ nói danh hiệu chư Phật trong những cõi nước ở khắp mười phương, và nói con số Bồ-tát tỳ kheo sanh về nước ấy, thì dù nói suốt cả ngày lẫn đêm hay suốt cả kiếp cũng không thể hết. Nay vì các ông chỉ nói lược thôi.

   Đức Phật bảo ngài Bồ-tát Di-Lặc :

   - Người nào được nghe danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ mà mừng khấp khởi, dầu là vui mừng cho đến một niệm ngắn ngủi đi nữa, nên biết người ấy đã được lợi lớn, đó là đầy đủ công đức cao tột. Thế nên Di-Lặc ! Dẫu có lửa lớn cháy lan khắp cả đại thiên thế giới, cũng nên vượt qua để nghe kinh này và mừng tin ưa, thọ trì đọc tụng, như lời kinh dạy, theo đó tu hành.

   Tại vì sao thế?

   - Rất nhiều Bồ-tát muốn nghe kinh này, nhưng chẳng thể được.

   Nếu chúng sanh nào nghe đến kinh này, người đó sẽ không thoái chuyển  đối với Phật đạo vô thượng. Vì vậy hãy nên chuyên tâm tin nhận, trì tụng, giảng nói thực hành.

   Nay vì chúng sanh, ta nói kinh này, để cho chúng sanh được thấy Phật Vô Lượng Thọ và toàn sự vật nơi cõi An Lạc.

   Điều đáng nên làm, hãy khá thực hiện cho được mục đích, không nên lấy làm nghi ngờ sau khi Như –lai diệt độ.

   Về đời sau này, khi mà kinh đạo bị tiêu diệt hết, ta vì lòng Từ thương xót chúng sanh, riêng lưu kinh này trong một trăm năm, những chúng sanh nào được gặp kinh đây, cầu nguyện những gì sẽ được vừa ý, và đều có thể được sự độ thoát.

   Đức Phật dạy tiếp:

   - Như-lai ra đời khó gặp khó thấy, kinh đạo chư Phật khó được khó nghe, thắng pháp Bồ-tát, các Ba la mật được nghe cũng khó, gặp thiện tri thức nghe pháp tu hành lại cũng là khó. Nếu nghe kinh này mà sanh tin mừng và siêng thọ trì, lại là điều khó trong những cái khó, chẳng có điều nào khó hơn.

   Thế nen, pháp môn của Phật, làm như thế nào, nói như thế nào, dạy như thế nào, hãy nên tin nhận, như pháp tu hành.

   Khi đức Thế-tôn nói kinh pháp này, thì có vô lượng chúng sanh phát tâm vô thượng chánh giác, mười hai ngàn na do tha chúng sanh chứng pháp nhãn thanh tịnh, hai mươi hai ức các vị thiên chứng trên các cõi trời chứng quả A na hàm, tám trăm ngàn tỳ kheo sạch hết mê lầm, tâm ý sáng tỏ, bốn triệu Bồ-tát chứng quả bất thoái, các ngài dùng những công đức hoằng thệ để tự trang nghiêm, trong đời vị lai sẽ thành chánh giác.

   Bấy giờ toàn cõi đại thiên thế giới chấn động sáu cách, ánh sáng vĩ đại soi các cõi nước ở khắp mười phương, trăm ngàn âm nhạc tự nhiên trỗi lên, vô lượng hoa quý rơi xuống tứ tán.

   Đức Phật nói kinh này rồi, Bồ-tát Di-Lặc và chư Bồ-tát từ mười phương đến, A Nan và các đại Thanh văn tăng, tất cả đại chúng hoan hỷ phụng hành.

 

KINH PHẬT THUYẾT

VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT

QUYỂN HẠ

HẾT

Các tin đã đăng: