Tịnh độ
Ba kinh Tịnh Độ
Tác giả: Thích Thiện Thông
15/02/2553 10:20 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

KINH QUÁN PHẬT VÔ LƯỢNG THỌ

Đời Lưu Tống Tam Tạng Pháp Sư: CƯƠNG LƯƠNG GIA XA

 

Dịch Phạn văn sang Hán văn.

 

Việt nam : Tỳ Kheo THÍCH THIỆN THÔNG

 

Dịch Hán văn ra Việt văn.

 

   Tôi nghe như vầy:  Một thời đức Phật ở núi Linh Thứu thuộc thành Vương Xá, cùng với số đông một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ kheo, ba vạn hai ngàn vị đại Bồ-tát, ngài Pháp vương tử Văn Thù Sư Lợi là bậc thượng thủ.

   Bấy giờ, kinh thành Vương Xá có một thái tử tên A Xà Thế, theo lời xúi giục của kẻ ác hữu tên là Điều Đạt, bắt giữ vua cha Tần Bà Sa La, nhốt nơi ngục tối có bảy lớp cửa, cấm hết các quan, không ai được phép lui tới thăm viếng.

   Quốc thái phu nhơn mẹ của thái tử tên Vi Đề Hy cung kính nhà vua, bà tắm gội sạch, lấy sữa và mật trộn lẫn với bột trét vào nơi mình, trong các xâu chuỗi đựng nước trái nho lén dâng nhà vua.

   Lúc đó đức vua ăn bột uống nho, xin nước súc miệng, đâu đó xong rồi, chấp tay cung kính xoay về Linh Thứu, vọng lạy đức Phật và phát lời rằng: “ Ngài Mục Kiềng Liên thân hữu của tôi, mong khởi từ bi trao tôi tám giới!”.

   Khi ấy tôn giả Đại Mục Kiền Liên, nhanh như chim cắt, bay đến chổ vua, ngày nào cũng vậy, trao truyền cho vua giới Bát Quan Trai… đức Phật cũng sai ngài Phú Lâu Na thuyết pháp cho vua. Thời gian như thế qua hăm mốt ngày, vua nhờ ăn bột và được nghe pháp nên vẫn tươi tỉnh.

   Khi đó thái tử A Xà Thế hỏi quan giữ ngục:         

   - Phụ Vương hiện nay vẫn còn sống sao?

   Quan giữ ngục thưa:

   - Kính thưa đại vương! Quốc thái phu nhơn thân trét bánh mật, đựng nước trong chuỗi dâng lên cho vua, Sa môn Mục Liên và Phú Lâu Na nương hư không đến thuyết pháp cho vua, chúng tôi không thể chặng đứng can ngăn.

   Thái tử A Xà Thế nghe nói vậy rồi, tức giận mắng mẹ: “ Mẹ là giặc, bạn với kẻ giặc, mấy ông Sa môn là hạng người xấu, dùng chú thuật huyễn, khiến lão vua ác nhiều ngày không chết!” Liền cầm gươm bén muốn hại mẹ mình.

   Ngay trong lúc ấy có vị đại thần tên Nhựt Nguyệt Quang, thông minh mưu trí cùng với Kỳ Bà là quan Ngự y, đứng ra thi lễ, thưa thái tử rằng:

   - Kính tâu đại vương! Thần nghe kinh luận Vệ đà nói: “ Kiếp sơ đến nay có những vua ác, vì tham ngôi vị, giết hại cha mình, hạng này có đến một vạn tám ngàn, chưa từng nghe nói có người vô đạo giết hại mẹ ruột. Nay vua làm điều sát nghịch thế này, nhơ nhớp giòng dõi của hạng quý tộc, chúng thần không nỡ thấy nghe hành động kẻ chiên đà la” Hai quan bảo nhau: “Chúng ta chẳng nên ở đây làm gì! Nói như vậy rồi, hai quan đưa tay đè thanh gươm xuống, quay gót bỏ đi”.

   Vua A Xà Thế hoảng kinh sợ sệt, bảo Kỳ Bà rằng:” Các ông không giúp cho ta sao?”

   Kỳ Bà đáp rằng:

   - Kính thưa đại vương! Xin hãy thận trọng, chớ có hại mẹ.

   Thái tử nghe nói ăn năn nài nĩ, bèn liền bỏ gươm, thôi, không giết mẹ, nhưng ông ra lệnh nội quan thái giám đóng chặt thâm cung, không cho thân mẫu được ra ngoài nữa.

   Bà Vi Đề Hy bị giam lỏng rồi, sầu lo mòn mỏi, bà vọng hướng về nơi núi Linh Thứu, đảnh lễ đức Phật và mở lời rằng:

   - Lạy đức Thế-tôn ! Trước đây Thế-tôn thường sai A Nan đến an ủi con, nay con sầu lo, Thế-tôn oai trọng, không sao được thấy. Mong đức Như-lai sai Ngài Mục Liên, tôn giả A Nan cho con được gặp. Nói như thế rồi bà khóc sướt mướt, nước mắt đầm đìa, vọng lễ đức Phật, gục đầu một lúc.

   Ngay trong lúc ấy tại núi Linh Thứu, đức Phật biết rõ tâm niệm của bà, Phật bèn truyền bảo tôn giả Mục Liên và đem A Nan, nương hư không đến. Đức Phật ẩn thân nơi núi Linh Thứu, hiện ra trong cung.

   Khi đó, bà Vi Đề Hy ngẩng đầu nhìn lên, thấy đức Thế-tôn Thích Ca Mâu Ni thân màu vàng chói, ngồi trên toà sen bằng trăm thứ Ngọc. Tôn giả Mục Liên đứng hầu bên trái, thị giả A Nan đứng hầu bên phải, Đế - thích, Phạm vương và các thiên thần đứng giữa hư không, rải những hoa trời cúng dường đức Phật .

   Bà Vi Đề Hy thấy đức Phật rồi, tự bỏ chuỗi ngọc, gieo mình xuống đất, gào khóc thảm thiết, bạch đức Phật rằng:

   - Lạy đức Thế-tôn ! Không biết kiếp trước con tạo tội gì, nay sanh đứa con hung ác thế này, còn đức Như-lai bởi nhân duyên nào, cùng với Điều Đạt chung làm quyến thuộc? Cúi mong Thế-tôn nói rộng cho con chổ không lo buồn để con sanh đến, không còn ưa muốn cõi Diêm-phù-đề đầy ác ngược này! Cõi này sao mà vẫn đục xấu xa, đầy dẫy địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, toàn chuyện chẳng lành. Nguyện con đời sau không nghe tiếng ác, không gặp người ác. Con hướng về Phật kính gieo năm vóc cầu xin sám hối. Cúi mong Thế-tôn với ánh huệ nhựt, dạy con quán tưởng chổ nghiệp thanh tịnh.

   Bấy giờ đức Phật phóng ánh hào quang giữa hai chặn mày, ánh sáng màu vàng soi khắp mười phương vô lượng thế giới, hào quang trở về trụ trên đảnh Phật, hoá thành đài vàng, to lớn dường như núi chúa Tu-di. Cõi nước mầu sạch của các đức Phật khắp trong mười phương hiện bóng trong ấy. Có những cõi nước bảy báu hợp thành, lại có cõi nước thuần là hoa sen, lại có cõi nước như cung trời Tự tại, lại có cõi nước như gương pha lê. Cõi nước mười phương đều hiện trong đó. Có đến vô lượng cõi nước chư Phật nghiêm sáng dễ nhìn để Vi Đề Hy thấy.

   Bà Vi Đề Hy lúc ấy bạch Phật:

   - Kính bạch Thế-tôn ! Các cõi Phật đây tuy đều thanh tịnh, đều có ánh sáng, nay con ưa sanh cõi nước Cực Lạc của Phật A Di Đà, cúi mong Thế-tôn dạy con tư duy, dạy con chánh định.

   Bấy giờ đức Phật bèn mỉm miệng cười, ánh sáng năm màu từ miệng tuôn ra, mỗi một tia sáng soi đến đảnh vua Tần Bà Sa La, khi đó nhà vua tuy tại ngục tối, nhưng tâm mắt vua không bị chướng ngại, xa thấy đức Phật, Ông cúi đầu lạy, tự nhiên tăng tiến chứng A Na Hàm.

   Đức Thế-tôn vảo bà Vi Đề Hy:

   - Nay ngươi biết chăng? Phật A Di Đà cách đây không xa, ngươi hãy buộc niệm xem kỹ nước ấy, là tịnh nghiệp thành.

   Nay ta vì ngươi nói rộng ra các dụ, cũng để tất cả phàm phu đời sau, những ai muốn tu Tịnh nghiệp, được sanh cõi nước Cực Lạc phương Tây.

   Muốn sanh nước ấy, phải tu ba phước:

   - Phước thứ nhất là: Hiếu dưỡng cha mẹ, vâng thờ thầy dạy, từ tâm chẳng giết, tu mười thiện nghiệp.

   - Phước thứ hai là: Thọ giữ ba pháp Quy y Tam bảo, đử các giới cấm, không phạm oai nghi.

   - Phước thứ ba là: Phật tâm Bồ đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh điển phương đẳng Đại thừa, khuyên người khác tu.

   Ba điều như vậy gọi là tịnh nghiệp.

   Đức Phật dạy bảo bà Vi Đề Hy:

   - Người có biết chăng? Ba nghiệp trên đây chính là chánh nhơn tu hành tịnh nghiệp của các đức Phật quá, hiện, vị lai.

   Phật dạy A Nan và Vi Đề Hy:

   - Lóng nghe! Lóng nghe! Và khéo nghĩ nhớ. Như-lai ngày nay vì các chúng sanh thời đại sau này, bị giặc phiền não bủa vây làm hại, mà giảng nói về pháp tu tịnh nghiệp. Lành thay Vi Đề Hy, hỏi việc rất hay! Thị giả A Nan, ông hãy ghi nhớ, rộng vì mọi người tuyên nói lời Phật. Như-lai ngày nay dạy Vi Đề Hy và các chúng sanh trong đời sau này, quán tưởng thế giới Cực Lạc phương Tây. Nhờ lực của Phật, sẽ được nhìn thấy cõi thanh tịnh ấy, như cầm gương sáng, tự thấy mặt mình, thấy cõi nước ấy cực vui, mầu nhiệm, tâm sanh hoan hỷ, ngay đó liền chứng vô sanh pháp nhẫn.

   Đức Phật lại bảo bà Vi Đề Hy:

   - Người là phàm phu, tâm tưởng yếu đuối, chưa được thiên nhãn, không thể nhìn xa. Các đức Như-lai có phương tiện lạ khiến ngươi được thấy.

   Bà Vi Đề Hy bạch lên đức Phật:

   Kính bạch Thế-tôn ! – Như con hiện nay nhờ lực của Phật, thấy cõi nước kia. Sau Phật nhập diệp, các hạng chúng sanh nhơ xấu chẳng lành, năm khổ bức ngặt, làm sao được thấy Thế giới Cực Lạc, Phật A Di Đà ?

   Đức Thế-tôn bảo bà Vi Đề Hy:

   - Ngươi và chúng sanh phải nên chuyên tâm, buộc niệm một chổ, tưởng nơi phương Tây. Tưởng như thế nào?

   Cách tưởng ấy là:

   - Bất cứ người nào, nếu chẳng phải kẻ sanh ra đã mù, hạng người mắt sáng, đều thấy hình ảnh mặt trời sắp lặn. Nên khởi tưởng niệm về mặt trời lặn. Ngồi xoay hướng Tây, xem cho kỹ chổ mặt trời sắp lặn, giữ tâm đứng vững chẳng cho di động, thấy mặt trời lặn như cái trống treo. Thấy mặt trời rồi nhắm mắt, mở mắt đều thấy rõ ràng.

   Trên đây gọi là: Phật quán thứ nhất. Quán tưởng mặt trời.

   - Kế quán tưởng nước, thấy nước lóng trong, cũng phải rõ ràng không nghĩ khác. Đã thấy nước rồi, nên tưởng băng giá, thấy băng chói suốt tưởng như lưu ly. Tưởng này thành rồi lại thấy đất lưu ly, trong ngoài chói suốt, dưới có tràng vàng, kim cang bảy báu đỡ đất lưu ly, tràng này tám phương, có đủ tám gốc, mỗi mỗi phương diện trăm báu tạo thành, mỗi mỗi châu báu hàng ngàn ánh sáng, mỗi tia sáng có tám muôn bốn ngàn màu sắc khác nhau chói đất lưu ly, như hàng trăm triệu mặt trời chói lọi, nhìn không thể nhìn xiết.

   Trên đất lưu ly, lằn mức hoàng kim xen kẽ lẫn lôn bởi khu bảy báu, phân ranh hẳn hoi. Trong mỗi châu báu, có những tia sáng trăm năm màu sắc, tia sáng như hoa, lại như trăng sao lơ lững hư không thành đài sáng chói, lầu các vô vàn bởi hàng trăm thứ ngọc báu hợp thành. Hai bên lâu đài, mặt nào cũng có trăm ức tràng hoa, vô lượng nhạc khí dùng để trang nghiêm. Tám thứ gió mát từ ánh sáng ra khua những nhạc khí, diễn nói những tiếng khổ, không, vô thường, vô ngã…v..vv

   Trên đây là pháp quán tưởng băng giá, là quán thứ hai.

   - Tưởng này thành rồi, quán từng hình bóng cho thật tỏ rõ, nhắm mắt, mở mắt không cho tan mất, trừ khi ăn ngủ, ngoài ra luôn luôn nhớ những sự trên. Người tưởng được vậy gọi là thô sơ thấy đất của cõi Cực Lạc. Nếu chứng tam muội, thấy đất cõi ấy tỏ rõ hẳn hòi, không sao nói đủ.

   Trên đây là pháp quán tưởng mặt đất, là quán thứ ba.

   Phật bảo A Nan:

   - Ông nhận lời Phật, vì các chúng sanh muốn được thoát khổ trong đời sau này, mà nói về pháp QUÁN ĐẤT trên đây. Nếu quán tưởng được pháp quán đất này, là sẽ trừ những tội khổ sống chết, tám mười ức kiếp, sau khi bỏ thân quyết sanh cõi tịnh, tâm được không nghi. Khởi quán như thế gọi là quán đúng, nếu như quán khác, là quán sai lạc.

   Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy:

   - Tưởng đất thành rồi, kế quán cây báu, quán cây báu là: Quán tưởng từng phần. Tưởng ra hàng cây có bảy từng lớp. Mỗi cây báu cao tám ngàn do tuần. Các cây báu này, cây nào cũng có đủ hoa lá bảy báu. Mỗi mỗi hoa lá tưởng màu ngọc khác. Trong màu Lưu ly toả ánh sáng vàng, trong màu Pha lê toả ánh sáng hồng, trong màu xa cừ toả ánh Chơn châu màu xanh lá mạ. San hô, Hỗ phách và nhiều thứ ngọc tô điểm chói lọi. Lưới chơn châu khéo che phủ ngọn cây. Trên mỗi mỗi cây có bảy lớp lưới, mỗi khoảng lưới có năm trăm ức toà cung điện rực rỡ như cung Phạm vương, đồng tử các trời tự nhiênở đó. Mỗi mỗi đồng tử có năm trăm ức châu báu Ma ni Thích Ca Tỳ - lăng- già làm chuỗi trang sức, ánh ngọc Ma ni chiếu trăm do tuần, dường như hoà hợp cả hàng trăm ngàn mặt trời mặt trăng, không thể kể xiết. Những ánh châu ngọc xen kẽ như thế, trên hết các sắc.

   - Những cây báu này hàng lối cân xứng, lá có lớp lang, khoảng giữa các lá sanh những hoa màu, trên hoa tự nhiên có trái bảy báu, mỗi mỗi lá cây ngang rộng bằng nhau, hai mươi lăm do tuần, lá có ngàn màu, trăm thứ lằn vẽ, có những hoa mầu toả ra màu sáng vàng Diêm phù đàn, như vòng lửa xoáy uốn lượn giữa lá, nổi lên những trái như những chiếc bình của trời Đế Thích, có ánh sáng lớn hoá thành phan phướng, vô lượng lọng báu, trong lọng báu ấy chói hiện Phật sự toàn cõi đại thiên, mười phương cõi nước của các đức Phật cũng hiện trong ấy.

   Thấy cây này rồi cũng phải lần lượt quán mỗi mỗi thứ, quán sao cho thấy thân cây, nhánh cây, lá, hoa và trái phải cho rõ ràng.

   Trên đây là pháp quán tưởng cây báu, gọi là pháp quán thứ tư.

   - Kế nên tưởng nứơc, muốn tưởng nước thì: Quốc độ Cực Lạc có tám ao nước. Mỗi mỗi ao nước bảy báu tạo thành, ngọc ấy nhuần nhuyễn, từ những châu chúa Như Ý sanh ra, chia làm mười bốn chi nhánh, mỗi nhánh có màu bảy báu thật đẹp. Thành ao vàng ròng, dưới thành có chất kim cương nhiều màu làm cát trải đáy. Trong mỗi giòng nước có sáu mươi ức hoa sen tròn trịa cân đối, mười hai do tuần, nước Ma ni ấy chảy rót giữa hoa, theo cọng lên xuống, tiếng nước tuyệt vời, diễn nói những nghĩa Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã, các Ba la mật, lại khen tướng tốt của các đức Phật. Châu chúa Như Ý vọt ra sắc vàng, ánh sáng vi diệu, ánh sáng hoá thành chim báu trăm màu hót tiếng lảnh lót, thường khen niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

   Đó là pháp tưởng NƯỚC TÁM CÔNG ĐỨC, gọi là pháp quán thứ năm.

   - Cõi nước Cực Lạc toàn sự quý lạ. Trên mỗi khu vực có năm trăm ức lầu gác châu ngọc. Trong lầu gác ấy, vô lượng chư thiên trỗi những nhạc trời. Lại có nhạc cụ lơ lững trên không như cờ phướng trời, không ai trỗi khúc mà vẫn âm vang, trong những điệu nhạc đều nói về sự niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tỳ kheo Tăng.

   Tưởng này thành rồi, gọi là thô thiển nhận ra đất báu, cây báu, ao báu và lầu gác báu nơi cõi Cực Lạc.

   Trên đây là pháp quán tưởng TỔNG QUÁT, là quán thứ sáu. Thấy được tưởng này là trừ nghiệp ác rất sâu nặng trong vô lượng ức kiếp, sau khi mạng chung quyết sanh nước ấy. Người quán như thế gọi là quán đúng, nếu như quán khác gọi là quán sai lạc.

   Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy:

   - Hãy khéo lóng nghe, nhớ nghĩ cho kỹ, ta sẽ vì người phân biệt giải nói để trừ nỗi khổ. Các người ghi nhớ, rộng vì đại chúng phân biệt giải nói.

   Phật dạy đến đó thì thì thấy đức Phật Vô Lượng Thọ đứng giữa hư không, ngài Quan Thế Âm và Đại Thế Chí, hai vị Đại sĩ đứng hầu hai bên, ánh sáng rực rỡ, không sao nhìn rõ, hàng trăm ngàn sắc vàng Diêm phù đàn cũng không thể sánh. Bà Vi Đề Hy được thấy đức Phật Vô Lượng Thọ rồi, lạy xuống sát đất và bà thưa răng:

   - Kính bạch Thế-tôn! Nay con vì nhờ thần lực của Phật mà được nhìn thấy Phật Vô Lượng Thọ và hai Bồ-tát, chúng sanh đời sau làm thế nào quán Phật Vô Lượng Thọ và hai Đại Sĩ?

   Đức Phật chỉ bảo bà Vi Đề Hy:

   - Muốn quán Phật ấy, nên tưởng thế này: trên đất bảy báu tưởng ra hoa sen, tưởng hoa sen ấy trên mỗi mỗi cánh toả ra hàng trăm màu sắc ngọc báu và có tám muôn bốn ngàn đương gân, như những nét vẽ tự nhiên trên cánh, gân có tám muôn bốn ngàn tia sáng tỏ rõ rành mạch, phải thấy cho được những nét như thế. Về cánh sen nhỏ, ngang rộng hai trăm năm mươi do tuần. Hoa sen như thế có đủ tám muôn bốn ngàn cánh sen. Mỗi khoảng cánh sen có đến trăm ức châu chúa Ma ni tô điểm chói rực, mỗi châu Ma ni phóng ngàn tia sáng, tia sáng như lọng bảy báu hợp thành, che khắp trên đất, châu ngọc Thích ca tỳ lăng già dùng làm đài sen, này tám muôn bốn ngàn ngọc báu Kim cang Chẩn thúc ca, ngọc Phạm ma ni, lưới chơn châu đẹp tô điểm chói sáng, trên đài sen ấy tự nhiên có bốn trụ phướng quý báu, mỗi mỗi trụ phướng như trăm ngàn vạn ức núi Tu di, mành báu trên phướng như cung điện nơi cõi trời Dạ ma, có năm trăm ức châu ngọc vi diệu tô điểm chói sáng, mỗi mỗi châu ngọc có đến tám muôn bốn ngàn tia sáng, mỗi mỗi tia sáng toả ra tám muôn bốn ngàn sắc vàng các loại, mỗi sắc vàng lan khắp cõi báu ấy, biến hoá nơi nơi, tia nào cũng tạo ra những tướng lạ, hoặc đài kim cang, hoặc lưới chơn châu, hoặc mây hoa tạp. Nơi mười phương diện, mặc tình biến hiện làm những Phật sự.

   Trên đây là pháp TƯỞNG TOÀ SEN BÁU, gọi là pháp quán thứ bảy.

    Phật bảo A Nan:

   - Toà sen mầu này vốn là nguyện lực Tỳ kheo Pháp Tạng được đúc kết thành. Nếu muốn tưởng niệm về đức Phật kia, trước phải khởi tưởng toà sen báu này. Khi khởi tưởng này không được quán tạp, phải nên quán tưởng qua từng giai đoạn: Tưởng mỗi cánh sen, mỗi mỗi hạt châu, mỗi mỗi tia sáng, mỗi trụ đài sen và mỗi cờ phướng…đều phải quán tưởng cho thật rõ ràng, như trong gương sáng tự thấy khuôn mặt. Tưởng này thành rồi là trừ diệt tội trong đường sống chết năm muôn ức kiếp, quyết định sẽ sanh thế giới Cực Lạc.

   Quán được như trên gọi là quán đúng, ngoài ra quán khác là quán sai lạc.

Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy:

   - Thấy sự này rồi kế nên tưởng Phật. Sao phải tưởng Phật ?

   - Bởi vì, chư Phật Như-lai là thân Pháp giới, vào trong tâm tưởng tất cả chúng sanh. Thế nên các người, khi tâm tưởng Phật, thì ngay tâm ấy chính là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp tuỳ hình, tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật. Biển giác chơn chánh biết hết cùng khắp của các đức Phật đều từ tâm tưởng sanh, vì thế các người phải nên một lòng buộc niệm quán kỹ về đức Như-lai, Ứng cúng, Chánh biến tri ấy.

   Muốn quán tưởng Phật Vô Lượng Thọ thì: Trước phải tưởng tượng, Nhắm mắt mở mắt thấy một tượng báu, màu tượng như màu vàng Diêm phủ đàn, ngồi trên hoa kia. Thấy tượng ngồi rồi thì mắt huệ sẽ mở tỏ rõ ràng.Thấy cõi Cực Lạc bảy báu trang nghiêm: Đất báu , ao báu, hàng lối cây báu, mành mành lưới báu đầy trong không gian. Thấy sự như thế rất là rõ ràng, như thấy lan chỉ trong lòng bàn tay.

   Thấy sự này rồi, lại nên tưởng thêm một hoa sen lớn bên phải đức Phật. Tưởng ra một tượng Đức Quan Thế Âm, ngồi toà bên trái, cũng toả sắc vàng không khác như trước. Tưởng ra một tượng đức Đại Thế Chí ngồi toà bên phải. Khi tưởng này thành, tượng Phật, Bồ-tát đều phóng quang minh, quang minh màu vàng soi các cây báu. Dưới mỗi cây báu, cây nào cũng có ba hoa sen báu. Trên các hoa sen, đâu đâu cũng có tượng một đức Phật, hai vị Bồ-tát khắp cõi nước ấy.

   Khi tưởng này thành, hành giả sẽ nghe: Nước chảy, ánh sáng, tất cả cây báu, chim Phù, chim Nhạn và chim Uyên ương đều diễn pháp mầu. Xuất định, nhập định hằng nghe Diệu pháp. Những pháp được nghe, sau khi xuất định vẫn còn ghi nhớ, hợp với kế kinh. Nếu xét không hợp (hành giả phải biết) đó là vọng tưởng. Nếu được khế hợp gọi là thô tưởng, gọi là nhìn thấy thế giới Cực Lạc.

   Trên đây là pháp QUÁN TƯỞNG HÌNH TƯỢNG, là quán thứ tám. Tu pháp quán này hành giả trừ diệt những tội sanh tử vô lượng ức kiếp, ngay thân hiện tại, hành giả chứng được NIỆM PHẬT TAM MUỘI.

   Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy:

   - Pháp tưởng hình tượng được thành công rồi, kế đến quán thêm thân tướng sáng rỡ của Phật Vô Lượng Thọ.

   A Nan nên biết, Phật Vô Lượng Thọ thân như trăm ngàn muôn ức màu sắc vàng Diêm phù đàn cõi trời Dạ ma, thân Phật cao vời, sáu mươi muôn ức số na do tha Hằng sa do tuần, tướng sáng Bạch hào giữa đôi lông mày xoáy trong uốn lượn về phía phải như năm tu di. Mắt Phật ví như nước bốn biển lớn, xanh trắng rõ ràng. Các lỗ chân lông tuôn ra ánh sáng như núi Tu di. Vòng ánh sáng tròn nơi thân Phật ấy, lớn như trăm ức đại thiên thế giới. Giữa vòng ánh sáng có trăm vạn ức na do tha số cát sông Hằng các vị hoá Phật, mỗi mỗi hoá Phật, có đông vô số Bồ-tát hoá hiện theo làm thị giả.

   Phật Vô Lượng Thọ ngài có tám muôn bốn ngàn tướng tốt, trong mỗi tướng tốt, tướng nào cũng có tám muôn bốn ngàn vẻ đẹp tuỳ hình, trong mỗi vẻ đẹp lại có tám muôn ngàn tia sáng, mỗi mỗi tia sáng soi khắp mười phương vô lượng thế giới, nhiếp lấy không bỏ những ai niệm Phật. Quang minh, tướng tốt và những hóa thân của đức Phật ấy không thể nói đủ, chỉ nên nhớ tưởng, khiến cho “mắt tâm” sáng suốt tự thấy.

   Thấy những sự trên, tức thấy tất cả chư Phật mười phương, do thấy chư Phật nên mệnh danh là NIỆM PHẬT TAM MUỘI. Người vận dụng được pháp quán tưởng này, gọi là quán tưởng tất cả thân Phật. Bởi quán thân Phật, cho nên cũng sẽ nhận ra tâm Phật. Tâm Phật chính là tâm Đại từ bi, dùng vô duyên từ nhiếp khắp chúng sanh. Tu pháp quán này sau khi bỏ thân, hành giả được sanh ở trước chư Phật, chứng Vô sanh nhẫn. Bởi vậy người trí hãy nên buộc tâm, quán kỹ đức Phật Vô Lượng Thọ.

   Quán tướng Phật Vô Lượng Thọ bằng cách:

   Từ một tướng tốt, lần lần tiến vào, Chỉ cần quán tướng BẠCH HÀO giữa đôi lông mày cho thật rõ ràng. Thấy tướng BẠCH HÀO khoảng giữa đôi mi, thì cả tám muôn bốn ngàn tướng tốt tự nhiên sẽ hiện.

   Thấy được thân tướng Phật Vô Lượng Thọ, là thấy vô lượng chư Phật mười phương, nên các đức Phật hiện tiền thọ ký.

   Trên đây là nói QUÁN KHẮP TƯỚNG TOÀN SẮC THÂN của Phật, là quán thứ chín. Quán được như thế gọi là quán đúng, nếu quán tưởng khác là quán sai lạc.

   Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy:

   - Sau khi quán thấy Phật Vô Lượng Thọ tỏ rõ hẳn hoi, tiếp đến cũng nên quán tưởng Bồ-tát Quan Thế Âm.

   Vị Bồ-tát này thân cao lớn đến tám mươi muôn ức na do tha do tuần, thân màu vàng tía, đảnh có nhục kế, ót có vòng sáng, bề nào cũng rộng trăm ngàn do tuần, trong vòng sáng có năm trăm hoá Phật, như Phật Thích Ca Mô Ni, mỗi mỗi hoá Phật lại có năm trăm vị hoá Bồ-tát, vô lượng chư thiên để làm thị giả. Quan minh nơi thân khi động khi dùng, bao nhiêu sắc tướng chúng sanh năm đường đều hiện bóng vào. Trên đầu Bồ-tát có đội thiên quan bằng ngọc Ma ni Tỳ lăng già, trong thiên quan ấy có hoá Phật đứng, Phật cao hai mươi lăm do tuần.

   Bồ-tát Quan Thế Âm, sắc mặt dường như vàng Diêm –phù-đàn, tướng vạch hào đu màu sắc bảy báu, tuôn ra tám muôn bốn ngàn ánh sáng, mỗi ánh sáng có vô lượng vô số trăm ngàn hoá Phật, mỗi vị hoá Phật lại có vô số lại hoá Bồ-tát theo làm thị giả, biến hiện tự tại khắp mười phương cõi.

   Cánh tay Bồ-tát như màu sen hồng, có tám mươi ức tia sáng tuyệt đẹp làm chuỗi trang sức, trong chuỗi trang sức ảnh hiện tất cả mọi sự trang nghiêm. Bàn tay Bồ-tát toả năm trăm ức màu hoa sen tạp, mười ngón tay thẳng, mỗi ngón tay có tám muôn bốn ngàn lằn chỉ có tám muôn bốn ngàn màu, và mỗi màu có tám muôn bốn ngàn tia sáng, tia ấy dịu dàng, chiếu khắp tất cả. Bồ-tát Quan Âm dùng tay báu này tiếp dẫn chúng sanh.Mỗi khi cất bước, tướng”thiên bất luân” dưới lòng bàn chân, tự nhiên hoá thành năm trăm ức đài ánh sáng rực rỡ, trong khi hạ chân có vô số hoa Kim- cang Ma-ni tản mát khắp nơi, không sót chổ nào. Ngoài ra những tướng, vẻ đẹp đầy đủ nơi thân Bồ-tát, cũng không khác gì Phật Vô -Lượng -Thọ, chỉ trừ có tướng Nhục kế trên đầu và “ vô kiến đảnh” là không bằng Phật.

   Trên đây là pháp Quán Tướng Sắc Thân chơn thật của Bồ-tát Quan Thế Âm, là quán thứ mười.

   Phật bảo A Nan:

   - Nếu muốn quán tưởng đức Quan Thế Âm, thì phải vận tâm quán tưởng như trên. Người quán được như vậy, chẳng còn gặp phải những điều tai hoạ, trừ sạch nghiệp chướng, trừ tội sống chết trong vô số kiếp. Vị Bồ-tát đây, chỉ nghe danh ngài, phướng cũng vô lượng huống gì quán nghĩ. Nếu người nào muốn quán tưởng Bồ-tát Quan Thế Âm, thì trước nên quán nhục kế trên đảnh, kế trước kế quán thiên quan, còn những tướng khác cũng lần lược quán, phải cho rõ ràng như xem bàn tay…

   Khỏi quán như vậy gọi là đúng, nếu tưởng khác là quán sai lạc.

   Đức Phật dạy tiếp:

   - Kế nữa quán tưởng Bồ-tát Đại Thế Chí.

   Thân Bồ-tát này, mức độ lớn nhỏ cũng như Bồ-tát Quan Thế Âm. Vòng sáng trên đầu, mặt nào cũng là một trăm hai lăm do tuần, chiếu ra hai trăm năm mươi do tuần. Mỗi khi động thân, quan minh chiếu suốt cõi nước mười phương, toả màu vàng tía, người có phước duyên thảy đều được thấy. Thế thấy quan minh một lỗ chân lông của Bồ-tát đây, là thấy ánh sáng hay tự nhuộm màu của vô lượng đức Phật ở khắp mười phương, do đó tôn hiệu vị Bồ-tát này là Vô Biên Quang, dùng ánh tuệ quang soi khắp tất cả, làm cho chúng sanh lìa khỏi tam đồ, được lực cao tột. Bởi vậy Bồ-tát được mệnh danh là đấng Đại Thế Chí. Thiên quan trên đảnh của Bồ-tát có năm trăm hoa báu, mỗi hoa báu có năm trăm đài báu, trong mỗi đài báu, những tướng rộng dài các cõi màu sạch của những đức Phật, ở khắp mười phương đều hiện trong đó. Nhục kế trên đảnh như hoa sen vàng, trên chót nhục kế có một bình báu đầy những quan minh hiện khắp Phật sự. Ngoài ra những tướng lớn nhỏ trên thân như Quan Thế Âm, không mấy sai khác. Bồ-tát nầy đi, thì mười phương cõi đều bị chấn động, ngay chổ đất động có năm trăm hoa báu, mỗi mỗi hoa báu trang nghiêm, cao sang như những hoa báu ở cõi Cực lạc. Khi Bồ-tát ngồi, cõi nước bảy báu lay động một lúc. Từ sát độ của đức Phật Kim Quang ở tận phương dưới, cho đến sát độ Phật Quang Minh Vương ở tột phương trên, trong khoảng giữa ấy, vô lượng trần số phân thân của đức Phật Vô Lượng Thọ, vô số phân thân của Quan Thế Âm và Đại Thế Chí thảy đều vân tập cõi nước Cực Lạc, chật ních hư không, đều ngồi toà sen diễn nói pháp mầu độ chúng sanh khổ.

   Quán được như trên gọi là quán đúng, đúng tướng sắc thân của Đại Thế Chí. Đây gọi là PHÁP QUÁN THỨ MƯỜI MỘT.

   Thành tựu quán này, hành giả sẽ trừ tội khổ sống chết trong vô lượng a tăng kỳ kiếp. Tu pháp quán này, hành giả chẳng còn ở nơi bào thai, thường dạo chơi nơi cõi nước mầu sạch của các đức Phật. Pháp quán thành, là quán đầy đủ về Quan Thế Âm và Đại Thế Chí.

   Sau khi quán thành các sự này rồi, nên khởi tâm sanh nơi Thế giới Cực Lạc phương Tây, ở trong hoa sen kiết già ngồi vững. Tưởng hoa xếp lại, tưởng hoa nở ra. Khi hoa nở ra, tưởng có năm trăm ánh sáng đủ màu chiếu rọi đến thân. Khi mở mắt ra, thấy Phật, Bồ-tát đầy khắp hư không. Nước, chim, rừng cây cùng với chư Phật phát ra tiếng nói, đều diễn pháp mầu, hoàn toàn hợp với mười hai thần kinh, nếu khi xuất định, ghi nhớ không mất. Thấy sự này rồi, gọi là  được thấy Phật Vô Lượng Thọ và cõi Cực Lạc.

   Trên đây là pháp QUÁN TƯỞNG CÙNG KHẮP, là môn quán tưởng thuộc thứ mười hai.

   Phật Vô Lượng Thọ cùng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí luôn luôn đến nơi những người tụ tập.

   Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy:

   - Người muốn dốc lòng sanh về Cực Lạc, trước nên quán tượng cao một trượng sáu trên ao thất báo.

   - Như trước đã nói: Phật Vô Lượng Thọ thân lượng vô biên, chẳng phải tâm lực của kẻ phàm phu mà biết đến nổi, nhưng, đức Như-lai ấy do nguyện thuở xưa, nếu ai quán tưởng, quyết được thành tựu. Chỉ tưởng tượng Phật, phước còn không lường, huống gì quán đủ thân tướng của Phật.

   Phật A Di Đà thần thông như ý, biến hiện tự tại nơi mười phương cõi. Hoặc hiện thân lớn đầy cả hư không, hoặc hiện thân nhỏ cao một trượng sáu. Ảnh tượng hiện ra đều sắc vàng ròng, vừng sáng nơi thân, các vị hoá Phật cùng hoa sen báu…như trước đã nói.

   Bồ tát Quan Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí ở tất cả nơi, thân đồng chúng sanh. Chỉ cần quan sát tướng trên đảnh đầu là có thể biết đức Quan Thế Âm hay Đại Thế Chí. Hai Bồ-tát này luôn luôn hỗ trợ Phật A Di Đà hoá độ tất cả.

   Trên đây gọi là PHÁP QUÁN TƯỚNG TẠP, là pháp quán tưởng thứ mười ba vậy.

   Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy:

   - THƯỢNG PHẨM THƯỢNG SANH là người nào?

   Nếu có chúng sanh nguyện sanh nước ấy, phát ba thứ tâm bèn được vãng sanh. Chí thành tha thiết. Tâm thứ hai là: Chí thành tha thiết. Tâm thứ nhứt là: Chí thành tha thiết. Tâm thứ hai là: Mong muốn sâu nặng. Tâm thứ ba là: Phát nguyện hồi hướng. Đủ cả ba tâm, quyết sanh nước ấy.

   Lại có ba hạng chúng sanh tu hành, sẽ được vãng sanh. Những gì là ba? Hạng thứ nhất là: Từ tâm chẳng giết, đủ các giới hạnh. Hạng thứ hai là: Đọc tụng kinh điển Phương đẳng đại thừa. Hạng thứ ba là: Tu sáu pháp niệm hồi hướng phát nguyện, nguyện sanh nước ấy.

   Đủ công đức này, (niệm tưởng) một ngày cho đến bảy ngày liền được vãng sanh. Khi sanh nước ấy, người này do sự dõng mãnh tinh tấn, cho nên đức Phật A Di Đà cùng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí, vô số hoá Phật, trăm ngàn Tỳ kheo đông đảo Thanh văn, vô lượng chư thiên, cung điện bảy báu…Bồ-tát Quan Thế Âm cầm đài Kim cang cùng Đại Thế Chí đến trước hành giả. Phật A Di Đà phóng ánh sáng lớn chiếu thân hành giả, cùng chư Bồ-tát đưa tay nghinh tiếp. Bồ-tát Quan-Âm và Đại Thế Chí, vô số Bồ-tát đồng khen hành giả, khuyến tấn tâm người. Hành giả thấy rồi vui mừng khấp khởi, tự thấy thân mình ngồi đài Kim cang theo sau đức Phật, khoảng khảy móng tay sanh về nước ấy. Sanh nước kia rồi thấy sắc thân Phật các tướng đầy đủ, thấy chư Bồ-tát sắc nước vẹn toàn và thấy ánh sáng cũng như rừng báu đều diễn pháp mầu. Hành giả nghe rồi liền tỏ ngộ ra pháp Vô sanh nhẫn, qua khoảng chốc lát trải mười phương cõi vâng thờ chư Phật, ở trước chư Phật lần lượt ghi nhận lời Phật thọ ký, sau đó hành giả trở về Cực Lạc, bèn chứng vô lượng ngàn môn đà la ni.

   Đó là những người Thượng Phẩm  Thượng Sanh.

   THƯỢNG PHẨM TRUNG SANH là hạng người nào?

   - Đây là hạng người không hẳn đọc tụng kinh Đại Phương đẳng, nhưng khéo hiểu nghĩa, với Đệ nhứt nghĩa tâm không kinh động, tin sâu nhân quả, không chê Đại Thừa, dùng công đức này hồi hướng nguyện cầu sanh nước Cực Lạc. Người tu hành này khi sắp mạng chung, Phật A Di Đà với Quan Thế Âm và Đại Thế Chí, vô lượng đại chúng, quyết thuộc bao quanh cầm đài vàng tía đến trước hành giả khen rằng: “ Hỡi này Pháp tử! Người tu Đại thừa, hiểu đệ nhứt nghĩa, vì thế nay ta đến đón tiếp ngươi. Một ngàn hoá Phật cùng lúc trao tay, hành giả thấy mình ngồi đài vàng tía, cung kính chấp tay tán thán chư Phật, trong khoảng chốc lát liền sanh cõi ấy, nơi ao bảy báu. Đài vàng tía này như hoa sen lớn, qua một đêm sau là hoa nở ra. Thân của hành giả toả màu vàng tía, dưới chân cũng có hoa sen bảy báu. Phật cùng Bồ-tát đồng thời phóng quang chiếu thân hành giả, mắt liền mở sáng, hành giả do sự tu tập lúc trước, nghe khắp âm thanh toàn những lý sâu Đệ nhứt nghĩa đế, liền xuống đài vàng, lễ Phật chấp tay ca ngợi Thế-tôn, qua bảy ngày sau được không thoái chuyển nơi đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác, ngay đó có thể bay đi tự tại đến khắp mười phương phụng sự chư Phật, ở chổ chư Phật tu các tam muội, qua một tiểu kiếp chứng vô sanh nhẫn, hiện tiền ghi nhận lời Phật thọ ký.

   Đó là hạng THƯỢNG PHẨM TRUNG SANH.

   - Thế nào là hạng THƯỢNG PHẨM HẠ SANH?

   Đây là những người cũng tin nhân quả, không chê đại thừa, nhưng chỉ phát tâm vô thượng Bồ đề, dùng công đức ấy hồi hướng nguyện cầu sanh nước Cực Lạc. Khi hành giả này sắp sửa mệnh chung, Phật A Di Đà, Quan Thế Âm , Thế Chí cùng chư Bồ-tát cầm hoa sen vàng, hoá ra năm trăm đức Phật đến đón người này. Năm trăm hoá Phật cùng lúc trao tay khen rằng:” Pháp tử! Nay ngươi thanh tịnh phát tâm vô thượng ta đến đón ngươi”.

   Thấy việc này rồi, hành giả thấy thân ngồi hoa sen vàng, ngồi rồi hoa xếp, theo sau đức Phật liền được vãng sanh nơi ao bảy báu, một ngày một đêm hoa sen mới nở, trong bảy ngày sau mới được thấy Phật. Dù thấy thân Phật nhưng với tướng tốt, tâm chẳng rõ ràng. Phải qua ba thất mới thấy tỏ rõ nghe mọi âm thanh đều diễn pháp màu dạo qua mười phương cúng dường chư Phật, ở trước chư Phật nghe pháp thâm sâu, qua ba tiểu kiếp chứng được trăm pháp Minh môn, trụ hoan hỉ địa. Đó là hạng người THƯỢNG PHẨM HẠ SANH.

   Ba hạng trên đây thuộc tưởng vãng sanh của hạng người bực thượng, là QUÁN THỨ MƯỜI BỐN.

   Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy:

   - TRUNG PHẨM THƯỢNG SANH là hạng người thế nào ?

   - Nếu có chúng sanh thọ trì năm giới, bát quan trai giới, thực hành các giới, không tạo ngũ nghịch tránh các lỗi lầm. Đem căn lành này hồi hướng nguyện cầu sanh về thế giới Cực Lạc phương Tây. Lúc sắp mệnh chung Phật A Di Đà và các Tỳ kheo quyến thuộc vây quanh, phóng quang màu vàng, đến chổ người ấy, diễn nói những nghĩa: Khổ, Không, Vô Thường, Vô ngã, khen ngợi xuất gia được lìa các khổ. Hành giả thấy rồi tâm rất vui mừng, tự thấy thân mình ngồi đài hoa sen, quỳ thẳng chấp tay đảnh lễ đức Phật, chưa kịp ngẩn đầu liền được vãng sanh thế giới Cực Lạc hoa cũng vừa nở, nghe các âm thanh khen phát Tứ Đế, lúc ấy liền chứng quả A La Hán, đầy đủ ba Minh, sáu sức thần thông và tám giải thoát. Đó là hạng người TRUNG PHẨM THƯỢNG SANH.

   TRUNG PHẨM TRUNG SANH  là những hạng nào?

   - Nếu có những người, một ngày một đêm giữ bát quan trai, hoặc một ngày đêm giữ giới Sa di, hoặc một ngày đêm giữ giới Cụ túc, oai nghi không khuyết. Đem công đức này hồi hướng nguyện cầu sanh nước Cực Lạc, thường hay huân tu giới hương giải thoát. Hành giả như thế khi sắp mệnh chung, thấy Phật A Di Đà và các quyến thuộc phóng quan sắc vàng, cầm hoa bảy báu đến trước hành giả, khi ấy hành giả tự nghe trong không có tiếng ca ngợi:” Hỡi thiện nam tử! người lành như con, vì biết thuận theo lời dạy của các đức Phật ba đời, cho nên nay ta đến đón tiếp con! Hành giả tự thấy ngồi trên hoa sen, hoa liền xếp lại, sanh về thế giới Cực Lạc phương Tây ở trong ao báu, qua bảy ngày sau hoa sen mới nở, nở rồi hành giả mở mắt chấp tay khen ngợi Thế-tôn, nghe pháp vui mừng, chứng tu Đà Hoà, qua nửa kiếp sau thành A La Hán. Ấy là những người TRUNG PHẨM TRUNG SANH.

   TRUNG PHẨM HẠ SANH là như thế nào?

   - Nếu kẻ thiện nam, người thiện nữ nào hiếu thảo cha mẹ, hay làm các việc từ thiện giúp đời, người này đến lúc vừa sắp mệnh chung, gặp thiện tri thức vì họ nói rộng sự vui cõi nước Phật A Di Đà, cũng nói rõ về bốn mươi tám nguyện của ngài Pháp Tạng, nghe xong đều ấy, người này mệnh chung, nhanh như thời gian một người lực sỹ co duỗi cánh tay, người ấy liền sanh thế giới Cực Lạc, qua khỏi bảy ngày thấy Quan Thế Âm và Đại Thế Chí, nghe pháp hoan hỉ pháp tu Đà hoà, một tiểu kiếp sau thành A La Hán. Đó là hạng người TRUNG PHẨM HẠ SANH.

   Ba bực vừa rồi gọi là tưởng sanh của hạng TRUNG PHẨM, là quán thứ mười lăm.

   Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy:

   - HẠ PHẨM THƯỢNG SANH là hạng người nào?

   Hoặc có chúng sanh tạo các nghiệp ác, tuy không chê bai kinh điển đại thừa. Hạng ngu như thế tạo nhiều điều dữ không biết hổ thẹn. Khi sắp mệnh chung, may mắn được gặp bực thiện tri thức, vì họ giảng nói tên gọi đầu đề mười hai phần kinh. Nhờ nghe thể tài các kinh như thế, trừ khỏi nghiệp ác cực nặng trong một ngàn kiếp, bực thiện tri thức lại dạy chấp tay xưng niệm NAM MÔ A Di ĐÀ PHẬT. Bởi xưng danh phận nên trừ tội lỗi trong đường sống chết năm mươi ức kiếp.

   Khi ấy Phật kia liền khiến hoá Phật, hoá Quan Thế Âm, Đại Thế Chí đến trước hành giả khen rằng:” Hỡi thiện nam tử! bởi con xưng niệm danh hiệu của Phật nên tội tiêu diệt, ta đến đón con”.

   Vừa nói thế xong, hành giả liền thấy ánh sáng của Phật đầy khắp nhà mình, thấy rồi mừng rỡ, liền đó mệnh chung, nương hoa sen báu theo sau hoá Phật, sanh vào ao báu, qua bảy tuần nhựt hoa sen mới nở, thì vị Bồ-tát Đại Bi Quan Thế Âm, Bồ-tát Thế Chí, phòng ánh sáng lớn đứng trước người ấy, nói nghĩa rất sâu mười hai phần kinh kẻ ấy nghe rồi tin hiểu phát tâm cầu đạo Vô thượng, qua mười tiểu kiếp đủ trăm minh môn, được vào Sơ địa.

   Trên đây gọi là Hạ Phẩm Thượng Sanh.

   Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy:

   - HẠ PHẨM TRUNG SANH là hạng người nào?

   Hoặc có chúng sanh huỹ phạm năm giới, huỹ phạm tám giới và Cụ  túc giới, thuộc của thường trụ, ăn cắp những vật của hiện tiền tăng, bất định nói pháp không biết hổ thẹn, dùng các nghiệp xấu để tự tô điểm. Tội nhân như vậy, bởi nghiệp ác nên đáng đoạ địa ngục. Khi sắp mệnh chung, những lửa địa ngục cùng lúc hiện đến, may sao được gặp bực thiện tri thức, đem lòng Từ bi, vì họ khen nói mười lực, oai đức của Phật A Di Đà, rộng khen quang minh, thần lực Phật ấy, đồng thời khen ngợi về Giới, Định, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến. Người này nghe nói trừ tội sống chết tám mươi ức kiếp, tướng lửa địa ngục hoá thành gió mát, thổi những hoa trời, trên hoa đều có hoa Phật, Bồ-tát đón tiếp người này, trong khoảng một niệm liền được vãng sanh, ở trong hoa sen nơi ao bảy báu, trải qua sáu kiếp hoa sen mới nở, được Quan Thế Âm và Đại Thế Chí với giọng thanh tao an ủi người ấy và nói cho nghe kinh điển thẩm sâu, người ấy nghe pháp ngay, ngay sau đó phát tâm Vô lượng Bồ đề. Đây gọi là bực Hạ Phẩm Trung Sanh.

   Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy:

   HẠ PHẨM HẠ SANH là những người nào?

   - Hoặc có chúng sanh gây nghiệp bất thiện: Năm tội đại nghịch, mười điều ác độc. Tóm lại, đủ các điều chẳng lành. Kẻ ngu như thế, do nghiệp xấu nên đáng đoạ đường dữ, trải qua nhiều kiếp chịu khổ vô cùng. Kẻ ngu si này lúc sắp lâm chung, may mắn được gặp bực thiện tri thức an ủi đủ điều, nói những pháp mầu và dạy tưởng Phật, người nọ quằn quại tưởng niệm không nổi. Tri thức lại bảo: Nếu ngươi không thể niệm tưởng Phật kia, thì nên xưng danh Phật Vô Lượng Thọ. Người nọ hết lòng niệm chẳng dứt tiếng để đủ mười niệm “ NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT”.

   Nhờ xưng danh Phật nên trong mỗi niệm trừ tội sanh tử tám mươi kiếp,  khi vừa tắt hơi thấy hoa sen vàng như vùng mặt trời ở trước người ấy, trong khoảng phút chốc liền được vãng sanh thế giới Cực Lạc, ở trong hoa sen mãn mãn mười hai kiếp hoa sen mới nở, Bồ-tát Quan âm, Bồ-tát Thế Chí với tiếng Đại bi, nói rộng cho nghe Thật tướng các pháp và cách diệt tội, kẻ ấy nghe rồi vô cùng hoan hỷ, ngay đó phát tâm Vô thượng Bồ đề.

   Đây thuộc về hạng Hạ Phẩm Hạ Sanh, gọi là tưởng sanh của bực HẠ PHẨM, là Quán thứ mười sáu.

   Phật nói đến đây, Vi Đề Hy và năm trăm thị nữ nghe những lời Phật, ngay đó thấy cả tướng rộng dài như thế giới Cực Lạc, được thấy thân Phật và hai Bồ-tát, tâm sanh mừng rỡ khen chưa từng có, bừng sáng tỏ ngộ chứng vô sanh nhẫn, năm trăm thị nữ phát tâm Bồ đề, nguyện sanh Lạc quốc. Đức Phật thọ ký tất cả số ấy đều sẽ vãng sanh, sanh nước ấy rồi chứng được tam muội “CHƯ THIÊN HIỆN TIỀN”  vô lượng chư thiên đều phát đạo tâm cao tột.

   Bấy giờ A Nan từ toà đứng dậy bạch lên đức Phật.

   - Kính bạch đức Thế-tôn! Kinh này sẽ gọi là gì? Và pháp yếu này thọ trì thế nào?

   Phật bảo A Nan:

   - Kinh này tên là QUÁN CÕI CỰC LẠC PHẬT VÔ LƯỢNG THỌ, BỒ TÁT QUAN THẾ ÂM, BỒ TÁT ĐẠI THẾ CHÍ, cũng gọi tên là TRỪ SẠCH NGHIỆP CHƯỚNG SANH TRƯỚC CHƯ PHẬT ông nên nhận giữ chớ để quen mất. Người tu tam muội này, hiện đời được thấy Phật Vô Lượng Thọ và hai Đại sĩ. Nếu kẻ thiện nam, người thiện nữ nào chỉ nghe tên Phật, tên hai Bồ-tát, còn trừ tội lỗi sống chết đến vô lượng kiếp huống gì tưởng niệm. Nếu ai niệm Phật, nên biết người này chính là sen trắng ở giữa loài người, Bồ-tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí là những “ Thắng hữu” của số người ấy, sẽ ngồi đạo tràng sanh vào nhà Phật.

   Phật bảo A Nan:

   - Ông hãy khéo léo giữ gìn lời này, giữ gìn lời này chính là giữ gìn danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ.

   Sau khi đức Phật nói những lời trên, tôn giả Mục Kiền Liên, tôn giả A Nan, và Vi Đề Hy và các thị nữ…nghe lời Phật dạy, đều rất mừng rỡ.

Bấy giờ đức Thế-tôn bước trên hư không trở lại núi Linh Thứu. Khi ấy A Nan rộng vì đại chúng nói việc như trên. Vô lượng chư thiên, Trời, Rồng, Dạ Xoa được nghe Phật nói, đều rất hoan hỷ lễ Phật trở lui.

KINH

QUÁN PHẬT VÔ LƯỢNG THỌ

(Một quyển)

 

HẾT

Các tin đã đăng: