Lời nguyện thứ năm
“Kính lạy Phật Di-đà,
Con nay xin phát nguyện,
Thường niệm danh hiệu Ngài,
Luôn nói lời từ ái”.
Lời từ ái là lời thương yêu. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni của chúng ta luôn nói lời thương yêu, hòa nhã, nhẹ nhàng, êm dịu, khiến cho người nghe được phấn chấn tinh thần, an vui, hạnh phúc, thêm niềm tin, nghị lực sống, giúp người ta hòa thuận với nhau, hướng đến chỗ tích cực làm lành, tinh tấn tu hành. Chúng ta là người học Phật, thường niệm Phật thì phải noi gương Phật, nói lời thương yêu. Ở trong cuộc sống của chúng ta rất cần những lời nói thương yêu, nhẹ nhàng, lời nói đưa người ta đến chỗ an vui hạnh phúc. Các cụ ngày xưa có câu:
“Lời nói chẳng mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Hoặc:
“Khi ta thốt lời ra,
Nói sao cho ôn hòa;
Khiến người nghe cảm mến,
Ghi nhớ mãi không quên.
Miệng ta là hoa sen,
Một phen đã hé nở;
Tỏa hương thơm Phật pháp,
Gieo mầm giác cho người”.
Khi mình thốt lời ra, nói như thế nào để cho người nghe có được ấn tượng tốt, người ta nhớ mãi không quên. Cũng đồng thời một lời nói, mình biết khéo léo thì người nghe cảm thấy dễ chịu, có được niềm tin trong cuộc sống và người ta dễ dàng chuyển hóa những thói hư tật xấu; nhưng cũng lời nói nếu chúng ta nói thô lỗ, nói cộc cằn, nói mắng nhiếc, nói ác khẩu thì lời nói đó gây cho người ta chói tai, bực phiền và không có sức thuyết phục để cải hóa. Do vậy, một khi mình thốt lời ra, phải cố gắng làm thế nào để cho người nghe tiếp nhận và hoan hỷ. “Miệng ta là hoa sen, một phen đã hé nở”. Như quý vị cũng biết, hoa sen nó thơm, khi hé nở ra thì tỏa mùi hương làm cho người ta dễ chịu. Chúng ta đừng có mở miệng ra giống như hũ mắm thối, người ta sẽ chạy mất, không ai hoan hỷ ngửi mùi đó đâu, người ta chỉ thích ngửi mùi sen thơm thôi. Như vậy mỗi lần chúng ta mở lời ra, làm thế nào khiến cho người nghe cảm mến, khiến cho người nghe hoan hỷ, khiến cho người nghe được chuyển hóa những lỗi lầm, khiến cho người nghe có thêm niềm tin, thêm sức sống, thêm tinh tấn. Chúng ta đừng nói ra những lời làm cho người ta đau khổ.
Trong giáo lý đạo Phật có “Tứ nhiếp pháp”, là bốn phương pháp để cảm hóa lòng người. Trong bốn phương pháp đó, gồm có: bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp, lợi hành nhiếp và đồng sự nhiếp. “Ái ngữ nhiếp” là dùng lời nói thương yêu, lời nói nhẹ nhàng, lời nói êm dịu để mà thu phục lòng người, nhiếp hóa mọi người. Do vậy, khi chúng ta đã phát nguyện niệm Phật, thường xuyên niệm Phật cần phải nói những lời thương yêu. Trong cuộc đời này rất cần những lời nói nhẹ nhàng, êm dịu, hòa nhã để giúp người ta cải hóa, giúp người ta thêm niềm tin trong cuộc sống. Cho nên, lời phát nguyện thứ năm nhắc nhở chúng ta cần phải nói lời từ ái đối với tất cả mọi người.