Thể loại sách khác
Pháp Ngữ Của Thiền Sư Hư Vân
Thích Hằng Đạt
24/11/2554 12:01 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


I. Quý cư sĩ tại Thượng Hải thỉnh giảng năm 1911

Hôm nay, tôi được quý cư sĩ yêu cầu lược giảng Phật pháp. Bàn về việc này, lão nạp thật hổ thẹn muôn phần. Chướng duyên che lấp, tự mình chẳng có chút tu hành chân thật. Tuy đàm luận những lời thô thiển, nhưng không ngoài việc nhắc lại những lời dư thừa của cổ nhân mà chẳng có chút gì liên hệ với mình.

Nhớ lại khi xưa, đức Phật vì đại sự nhân duyên mà giáng thế, giáo huấn, và dạy bảo hơn tám mươi bốn ngàn pháp môn. Tất cả đều nhằm vào mục đích tùy theo căn bịnh mà cho thuốc. Thật ra, nếu không có bịnh thì dùng thuốc để làm gì? Tuy nhiên, một khi còn bịnh thì chẳng thể không dùng thuốc. Các phương thuốc tại cõi Hoa Mạn này là những toa linh dược rất linh nghiệm mà không ngoài: Thiền-tông, Luật-tông, Giáo-tông, Tịnh-độ-tông, Mật-tông. Những phương thuốc đó đã từng một thời phát triển rạng rỡ ở phương này. Ngoài ra, có những tông phái được xem là hưng thịnh một thời như tông Thiên Thai, tông Hiền Thủ, tông Duy Thức, Đông Mật, Tây Mật. Các tông phái đó tuy thù thắng vi diệu, nhưng chỉ có Thiền-tông và Luật-tông là nhiều người không chú ý đến.

Tuy nay là đời mạt pháp, nhưng thực ra pháp không mạt tận, mà chỉ tại do người. Tại sao? Người người chỉ lo đàm luận suông thiền này Phật nọ. Giảng Phật học rất nhiều, nhưng không chịu học Phật. Xem thường hạnh Phật, chẳng rõ nhân quả, phá giới luật Phật chế. Những tệ đoan xấu xa, đại khái phát xuất từ những nguyên nhân đó. Vì vậy, chúng ta, những người chân chánh vì sanh tử mà học Phật, phải cẩn thận chú ý, chớ xem thường bỏ qua.

Pháp môn tuy nhiều, nhưng mỗi mỗi đều vì cắt đứt sanh tử luân hồi. Kinh Lăng Nghiêm thuyết: "Xoay về nguồn tánh thì không hai, nhưng phương tiện lại có nhiều".

Trong hai mươi lăm vị thánh, mỗi vị chuyên môn tu một pháp môn. Do đó, chư Tổ bảo rằng phải thâm nhập một pháp môn. Chư thánh hiền nếu tham tu tập nhiều pháp môn thì e rằng không thể chứng đắc đạo viên thông. Vì vậy, thọ trì sáu mươi hai ức hằng sa danh tự của các vị Pháp Vương Tử, không bằng thọ trì một danh tự Quán Âm Bồ Tát.

Người học Phật quý tại chân thật, chứ không biểu diễn tu đạo; phải thường dẹp trừ những tâm kiêu ngạo giả dối; chí nguyện phải kiên cố; chẳng tham đắm thần thông diệu dụng; tin sâu lý nhân quả; kiên trì giữ giới như giữ hạt sương mai buổi sớm; tận lực hành trì chẳng phạm giới pháp thì sẽ có ngày thành Phật mà tuyệt nhiên không có gì là kỳ lạ. Tâm, Phật, chúng sanh vốn không sai biệt. Tự tâm là Phật. Tự tâm làm Phật. Sao có tu chứng? Vì do sự khác biệt giữa mê và ngộ, cùng tình ái, tập khí nặng nề, mới tạm phân thành mười pháp giới. Phải nên hiểu rằng mười pháp giới xuất phát từ một nguồn tâm, hay gọi là Phật. Vì thế, phải tận lực hành trì, tiêu diệt hoặc nghiệp. Tập khí và tật bịnh nếu được trừ hết thì tự nhiên không cần dùng đến thuốc. Người xưa bảo:

- Dẹp hết tâm phàm, thật không có chư thánh giải thoát.

Ví như khi nước dơ nếu bỏ phèn vào thì trở nên lắng trong. Tu đạo cũng như thế. Tập khí và tình ái như bụi trần; nước như tự tâm; phèn lọc nước dơ, khiến nước đó liền được lắng trong. Lúc tu hành, người phàm phu hãy cố gắng chuyển tánh phàm thành tánh thánh. Tuy nhiên, phải phân rõ gì là chánh, và gì là phụ. Hoặc niệm Phật là chánh, còn các pháp môn khác là phụ trợ, rồi hồi hướng công đức tu hành về cõi Tịnh Độ. Niệm Phật quý nơi tâm và khẩu không khác biệt. Niệm niệm không gián đoạn. Niệm đến lúc không niệm mà niệm. Thức ngủ luôn nhất như. Dụng công như vầy, sao lo gì không đến cõi Cực Lạc?

Tham thiền vốn là pháp môn siêu vượt hơn các pháp môn khác. Dâng cành hoa mỉm cười, khiến xuất sanh biết bao bậc minh tâm kiến tánh. Đây thật là tông chỉ truyền ngoài giáo lý của đức Như Lai mà phàm phu không thể hiểu nổi. Nếu chưa gặp được bậc minh tâm kiến tánh, chỉ nên nỗ lực tham quán một câu thoại đầu. Chớ nên đem tâm cầu giác ngộ, hay để tâm trống không, rồi ngồi khởi vọng tưởng, cùng tham nghĩa huyền diệu, công án, thần thông, v.v... Phải nên quét sạch tri kiến, chỉ trụ một câu thoại đầu, rời ngoài niệm ý thức. Lúc một niệm chưa sanh, hãy nhìn thẳng vào, dầu lâu chẳng thối và chẳng màng ngộ hay không ngộ. Khi nghi tình hiện rõ, tâm tự kết thành phiến. Lúc động tịnh nhất như, nếu gặp được cơ duyên, ngồi thiền liền cắt đứt mạng căn, như quả đã chín thì phải rụng, rồi mới thật tin rằng mình cùng Phật không khác. Ngài Quy Sơn bảo:

- Đời đời nếu không thối chuyển, quyết sẽ có kỳ đạt đến quả vị Phật.

Sao tự khi dối mình! Mỗi suy nghĩ và cách nhìn đều không biết tông chỉ của Thiền-tông, nên lầm chấp giữ tà tín xằng bậy. Dùng cuồng thiền tà định, chế nhiễu hủy báng và bảo rằng Thiền-tông như thế này hay như thế nọ mà chẳng biết việc tốt xấu. Nào biết đâu, từ xưa đến nay, thành Phật làm Tổ như lột vỏ lúa, đơn độc chỉ có tông này siêu vượt hơn những pháp môn khác.
Luận về đời nay, trong Thiền-tông những bậc ngoại hộ thật ích sư tử hống thật rất hiếm có. Những tông phái khác cũng đều tệ hại như thế. Người đời nay chẳng có chút sự tinh tấn tu hành; cứ mắc bịnh nơi bảo ăn mà chịu không ăn, hay chỉ lo đếm trân bảo cho người khác, hoặc vứt bỏ luật nghi nhân quả, thật tệ hại quá lắm!

Nếu thiền gia dùng công phu tu thiền mà niệm Phật thành phiến, thì vẫn giống như người thường niệm Phật, sao lo gì không gặp Phật Di Đà? Nếu người niệm Phật dùng tâm niệm đến lúc không niệm mà niệm, thức ngủ như nhau, để tham thiền như thiền gia thì lo gì không ngộ đạo?
Tổng quát, phải nên dốc tâm hành trì thâm sâu vào một pháp môn. Tu pháp môn nào cũng đều như thế. Nếu dụng công tu hành như vậy thì tôi dám bảo đảm rằng ai ai cũng sẽ thành Phật. Sao sợ nghiệp căn sâu dầy, tập khí thâm sâu, mà không được đốn ngộ giải thoát? Ngoài những pháp này ra, nếu có những pháp thuật khác hay hơn, thật tôi không biết đến!

Những người học đạo khó tinh tấn hay khó đạt được ích lợi, phần nhiều vì tâm làm biếng và tham lam chưa dứt. Nay tham thiền, mai niệm Phật, rồi mốt lại trì mật chú, cùng tu bao loại pháp môn khác mà không phân biệt môn nào chánh, môn nào phụ. Luôn luôn thay đổi cửa ngõ môn đình mà vọng cầu thành Phật; chẳng hành chút hạnh Phật, chỉ tạo bao nghiệp ma, nên thường làm quyến thuộc ma. Tu đến khi tóc bạc mà chẳng thành, bèn trở lại phỉ báng chế giễu chánh pháp. Người xưa bảo:

- Nếu không muốn bị đọa vào ngục vô gián, chớ phỉ báng chánh pháp của Như Lai.

Hôm nay gặp thắng hội Đại Sĩ, mọi người đồng tâm làm lễ, và phải tự nhận ra đại sĩ Quán Tự Tại trong nhà mình. Đại sĩ Quán Tự Tại từ văn, tư, tu, rồi nhập vào tam ma địa. Ngài A Nan vì Ỷ trí nhớ hay, nên không tránh khỏi tà tư. Dùng tánh nghe để trì danh hiệu Phật, sao không tự biết cái nghe? Nghe lại tự tánh, tánh liền thành đạo vô thượng.

Hư Vân tôi vốn là kẻ nương núi rừng hoang dã, tri thức cạn cợt, chỉ vì do ý tốt của quý vị, thỉnh mời đến đây, để lược bày những việc hành trì thối thất và tăng ích của sự tu hành.

Hôm nay là ngày mười chín tháng chín, cùng với quý vị, dùng miệng thô tục niệm danh hiệu Quán Âm. Đại sĩ Quán Âm do từ cái nghe mà nhập vào cửa pháp, rồi xả bỏ mọi mắt, mũi, thân, ý, các vật sở hữu, và quên hết có, không, nơi chốn, thân mạng. Quý vị hãy tự tại mà quán tâm niệm!

II. Khai thị trong kỳ Phật thất tại Phước Kiến Công Đức Lâm, năm 1933

Tu hành trong Phật thất quý tại nhất tâm. Tâm nếu không chuyên nhất thì mắt nhìn đông, hay tai nghe tây. Tu hành cách đó, cho đến Phật Di Lặc hạ sanh, nghiệp chướng vẫn còn ràng buộc nơi thân. Phật pháp hay thế gian pháp cũng đều giống nhau. Chẳng chú tâm làm việc pháp thế gian còn không được, hà huống tu Phật pháp! đối với người niệm Phật, từ đầu đến cuối, phải liên tục niệm thầm lặng; phải niệm rõ ràng mỗi câu mỗi chữ, không thể lầm lộn. Phật đến cũng niệm hay ma đến cũng niệm. Niệm đến lúc gió thổi không vào thân, hay mưa rơi không ướt mình thì mới có ngày thành tựu. Tại sao? Phật là bậc giác ngộ. Nếu muốn giác ngộ thì phải tự biết dùng sự chuyên tâm mà niệm. Ma tức là phiền não. Chúng não hại huệ mạng của chúng sanh. Biết ma vốn thường não hại huệ mạng, đương nhiên phải nên dụng công lực, chuyên tâm niệm Phật để hàng phục chúng. Thế nên, khi giác ngộ viên mãn thì thường thấy Phật. Khi bị tổn hại thì đó là gặp ma.

Trong đạo tràng niệm Phật, nếu ngồi bất động và liên tục niệm Phật thì chắc chắn sẽ gặp Phật. Khi tôi đến, quý vị ra đón tiếp lễ bái. Quý vị đón tiếp để làm gì? Thật có uổng phí thời gian lắm không? Làm sao chứng đắc được gì? Có phải khi tôi đến, khiến làm não hại tịnh nghiệp nhất tâm của quý vị không? Việc này, cũng vì quý vị đặt tôi vào điện Diêm Ma La. Thật buồn thay!

Thương thay cho người thế tục! Họ không biết cung kính Tam Bảo. Họ đem heo quay, gà quay, cá nướng đến cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm; đó là phạm giới giết hại, lại không biết cung kính Ngài. Lần nọ, tôi ở Thượng Hải, gặp lúc bọn ca múa hát xướng đến ca diễn. Một vị cư sĩ nọ mua vé cho vài chỗ ngồi, mất cả trăm đồng. Ông ta mời tôi đi xem ca diễn. Tôi bèn bảo ông ta rằng hãy nói thử xem, đệ tử tại gia khi thọ tám giới quan trai, không được đi xem ca diễn, hà huống tôi là người xuất gia! Ông mời tôi đi xem diễn kịch, cũng giống như đem heo quay cúng Bồ Tát. Ông ta liền cúi đầu sám hối, và thưa rằng hôm nay bỏ ra cả trăm đồng mới được nghe lời giáo huấn, cùng biết cách thức cung kính chư tăng.

Phật pháp vô thượng, quý tại dụng tâm.

III. Thư đáp tướng Tưởng Giới Thạch

...Ngày nay, Phật giáo lan truyền khắp thế giới. Phật giáo tiên phong mở đường cho chủ nghĩa đại đồng. Trên thế giới, xem xét kỹ càng, nhận thấy có hai luồng tư tưởng: Luận Duy Thần và luận Duy Vật. Tuy nhiên, chủ thuyết quả báo luân hồi ảnh hưởng phổ cập khắp nơi; đây là điều không thể nghĩ bàn! Theo luận Duy Thần của đạo Cơ Đốc thì Thần thường ban an vui cho người hiền, nhưng lại trừng phạt những kẻ ác. Vì vậy mà chấp nhận sự tồn tại của thần linh, và cho đó là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, những nhà Duy Thần đó chẳng biết giáo điều như thế, không thể khiến người đời tin sâu, nên đưa đến việc họ cùng những nhà Duy Vật tranh cãi bài bác. Do đó, đạo Cơ Đốc không thể duy trì nền hòa bình cho thế giới. Thật ra, thần tức là vật. Vật tức là tâm. Tâm cũng là thần. Tuy nhiên, thần cũng không phải thần, hay vật cũng không phải vật, và tâm cũng không phải tâm. Đức Phật giải thích rõ rằng ba cõi vốn không có một pháp nào cả, mà chúng đều là vọng khởi từ chân tâm. Từ chân tâm này sanh ra muôn pháp. Tuy gọi là "Chân Tâm", nhưng thực ra vì có vật chất hư vọng đối đãi nên mới giả lập danh tự. Bàn đến lẽ cùng tột, gọi là "Chân Tâm" cũng không đúng.

Ví như trong biển cả, tâm là nước, và muôn pháp (muôn sự vật) là sóng. Khi biển êm gió lặng thì gọi là nước biển. Khi gió thổi biển động thì gọi là sóng biển. Khi sóng lặng thì là nước biển. Lúc nước biển khởi dậy thì biến thành sóng biển. Giả sử không có tướng nước chảy cuồn cuộn thì không thể lập danh từ hư giả là sóng biển. Nếu không có danh từ sóng biển thì danh từ nước biển hư giả do đâu mà sanh ra! Những danh từ hư giả này, chỉ do chúng ta tùy tiện lập ra. Vì vậy, vật tức là tâm. Hữu vi tức là vô vi. Sắc tức là không. Vọng tức là chân. Phiền não tức là Bồ Đề. Chúng sanh tức là chư Phật. Lúc một niệm bị mê hoặc thì tâm trở thành vật; vô vi biến thành hữu vi; không biến thành sắc; chân biến thành vọng; Bồ Đề biến thành phiền não; chư Phật biến thành chúng sanh; nước biển chảy cuồn cuộn thì biến thành sóng biển. Khi có một niệm giác ngộ thì vật chẳng khác tâm; hữu vi chẳng khác vô vi; sắc chẳng khác không; vọng chẳng khác chân; phiền não chẳng khác Bồ Đề; chúng sanh chẳng khác chư Phật; sóng biển lặng thì là nước biển. Lại nữa, vì tâm khởi mê hoặc nên mới giả lập ra vật chất, hữu vi, sắc tướng, vọng không, phiền não, chúng sanh, v.v... để đối đãi với chân tâm, vô vi, chân không, Bồ Đề, chư Phật. Vì thế, dẫu gọi là duy tâm, duy vật, hữu thần, hay vô thần, tất cả đều do tâm thức phân biệt đặt để. Có người bảo:

- Nếu như thế thì Phật giáo cũng theo luận Duy Tâm!

Nhà Phật tuy nói duy tâm, nhưng khác hẳn với luận lý Duy Tâm của các nhà triết học. Luận Duy Tâm của triết học là nơi tâm chấp có và nơi vật chấp không. Vì vậy, Phật Thích Ca bảo rằng chúng sanh chấp tâm suy tính so đo làm tự tánh và chấp vọng tưởng sanh tử làm thật thể. Người theo chủ nghĩa duy vật, chấp vật thể là có thật và chấp tâm là hư vô. Phật Thích Ca bảo rằng những người này thường làm những việc điên đảo, vì ngộ nhận vật chất mà cho là mình, nên mãi mãi lưu chuyển trong dòng sanh tử. Luận Duy Thần phân tách rõ ràng giữa thật thể của vật chất và thật thể của thần linh. Vì thế, luận Duy Thần và Duy Vật phân biệt thành hai thế giới riêng biệt. Phật Thích Ca bảo rằng khi tâm thức bị mê hoặc thì nhận lầm bọt biển làm biển cả. Đó gọi là sự hiểu biết sai lầm. Hoặc vì gần gũi, thấy hình trâu mà cho là trâu thật. Hoặc nhìn sơ qua sừng trâu mà lầm nhận sừng trâu là con trâu. Hoặc do thấy đầu trâu mà cho đầu trâu là con trâu. Thật ra, chẳng phải như thế! Họ không nhìn thấy toàn thể tướng chân thật của con trâu. Phật giáo đàm luận cùng tận cội nguồn và thấu triệt chân lý qua việc chỉ rõ con trâu trắng chân thật. Nếu chỉ xem sơ qua mà chưa thật thấy toàn thể con trâu, đó là lạc vào thiên chấp của luận Duy Tâm và Duy Vật.

Biệt danh chân lý của nhà Phật là minh tâm kiến tánh, bản nhiên thanh tịnh, chân tâm thường trụ, giác tánh chân như, thật tướng pháp thân, v.v... Rời các danh tướng thì không có nơi chốn định nghĩa chân lý. Thể tánh tự giác vốn tự sáng soi và là đức tánh bổn hữu mà không có năng và sở đối đãi. Gốc vốn không có gì gọi là mười phương hay ba đời. Lại nữa, chẳng có chi gọi là đất đai, con người, thú vật, cây cỏ, ngói đá, địa ngục, thiên đường, v.v...Thật ra, chỉ vì một vọng niệm mà khởi ra pháp hữu vi.

Trong kinh Lăng Nghiêm, ngài Phú Lâu Na bạch hỏi  Phật:

- Bạch đức Thế Tôn! Tánh giác vốn tự thanh tịnh, nhưng vì cớ sao lại đột nhiên sanh ra đất đai núi sông?

Phật đáp:

- Này Phú Lâu Na! Ông hỏi  rằng chân tâm đã vốn thanh tịnh, vì sao bỗng nhiên lại sanh ra núi, sông, đất liền? Vậy ông có thường nghe Như Lai chỉ dạy rằng chân tâm nhiệm mầu vắng lặng mà thường sáng suốt chiếu soi không?

- Bạch đức Thế Tôn! Con có thường nghe Phật dạy nghĩa ấy.

- Vậy chân tâm này, ông cho nó tự có tánh sáng suốt phân biệt chiếu soi hay là không có sáng suốt phân biệt chiếu soi?

- Bạch đức Thế Tôn! Nó sẵn có tánh sáng suốt phân biệt chiếu soi nên mới gọi là tâm. Nếu không có tánh sáng suốt phân biệt chiếu soi thì không gọi là tâm, vì nó không phân biệt được cái gì cả.

- Ông nói rằng nếu nó không sáng suốt phân biệt chiếu soi thì không phải là tâm, vì nó không phân biệt được cái gì cả. Vậy ông có hiểu chăng: Nếu có chiếu soi phân biệt thì không phải là chơn, còn không có chiếu soi thì chẳng phải là tâm. Nếu tâm mà không sáng suốt thì không phải là chân tâm thanh tịnh rồi.

Ông nên hiểu rằng chân tâm vẫn sáng suốt; vì ông vọng chấp cái Sáng Suốt Phân Biệt làm tâm, nên thành ra có năng phân biệt (tâm) và bị phân biệt (cảnh).

Chân tâm của ông không phải cái bị phân biệt, nhưng vì ông khởi ra cái năng phân biệt nên nó (chân tâm) trở thành cái bị phân biệt (cảnh). Đã vọng thành cái bị phân biệt thì dĩ nhiên ở nơi ông phải vọng sanh ra cái năng phân biệt.

Thế là ở nơi chân tâm của ông vẫn thanh tịnh, không có năng và sở, mà thoạt nhiên thành ra có năng và sở.

Thể tánh chân tâm vốn không khác biệt. Do vọng niệm phân biệt có năng sở và bỉ thử sai khác, nên hiện ra có hư không và thế giới. Do có hư không và thế giới nên mới có chúng sanh. Đã có thế giới và chúng sanh lăng xăng đối đãi lẫn nhau nên khởi lên vô số vọng tưởng phân biệt: Tốt xấu, phải trái, v.v... Vì vậy mà sanh ra đủ các phiền não trần lao nhiễm ô. Cái có hình tướng và sanh diệt là thế giới; cái không có hình tướng và yên tịnh là hư không. Khác với hư không và thế giới là chúng sanh.

Ngay trong chân tâm, do vô minh vọng động mà có hư không. Hư không mờ mịt vì vô minh sanh ra. Trong hư không có chất động, vì nó là vọng. Do đó, trong hư không có gió (phong luân) để duy trì thế giới.

Do hư không sanh ra gió và do nơi tâm chúng sanh có tánh cố chấp phân biệt, nên ứng hiện ra ngoài thế giới có những chất cứng chắc là vàng ngọc (vàng ngọc cứng chắc là vì tâm cố chấp sanh ra. Nó sáng ngời là do tâm phân biệt sanh ra). Đây là nguyên nhân có chất kim khí để bảo trì thế giới.

Vì tâm chúng sanh có tánh cố chấp phân biệt nên sanh ra chất cứng chắc là kim khí, và vì có vọng động mà thành ra gió. Rồi gió thổi kim khí và cọ xát mãi, khiến kim khí đó nóng lên, nên nháng sanh ra ánh sáng là lửa. Đây là nguyên nhân có lửa để nấu đốt các vật.

Chất vàng ngọc vừa sáng ngời và đượm mát. Do lửa xông lên nên có hơi nước rịn ra. Đây là nguyên nhân có nước để bao bọc cả mười phương thế giới.

Vì tánh lửa bốc lên, còn nước thì lại chảy xuống, nên chỗ có thấp ướt thì là sông biển, chỗ cao nổi lên là cồn đảo. Bởi lửa và nước dung hòa nhau, cho nên trong biển thỉnh thoảng bốc lên ánh sáng của lửa, và trong cồn đảo lại có sông rạch thường chảy ra nước.

Vì thế lực của nước yếu hơn lửa, nên bị lửa bốc lên kết thành núi cao. Do đó, đập đá thì có lửa, còn đốt quá nóng thì nó chảy ra nước.

Vì thế lực của đất yếu hơn nước, nên nó bị nước rút lên làm cỏ cây. Vì vậy, nếu đốt cỏ cây thì chúng trở thành tro, còn vò ép thì chúng lại ra nước.

Tóm lại, vì trong tâm chúng sanh có các vọng tưởng xen nhau phát sanh, nên ứng hiện ra ngoài thế giới có các cảnh vật. Do nhân duyên này mà thế giới tiếp nối nhau sanh ra mãi không dứt.

Lại nữa, nầy Phú Lâu Na! Cái Hư Vọng Phân Biệt đó không có gì lạ, chỉ vì ông chấp cái Phân Biệt Chiếu Soi làm tâm. Đã có cái Phân Biệt thì dĩ nhiên phải có cái Bị Phân Biệt đối đãi lẫn nhau. Vì vậy, cái Năng Phân Biệt không vượt ra ngoài cảnh Bị Phân Biệt. Do nhân duyên này mà nghe không ngoài tiếng, thấy không ngoài sắc, ngửi không ngoài mùi, nếm không ngoài vị, v.v... rồi vọng thành sáu căn và sáu trần đối đãi nhau, nên phân ra có: Thấy, nghe, hiểu, biết.

Đồng nghiệp trói buộc lẫn nhau mà có hợp, có tan, có thành, có hóa. Khi thấy sáng tỏ thì thấy các màu sắc phát ra. Nhận rõ sự thấy thì kiến chấp thành tư tưởng; ý kiến khác nhau thì thành ra ghen ghét; tư tưởng đồng nhau thì thành ra yêu thương.

Dòng ái lan ra làm thành hạt giống, rồi do giao cấu phát sanh, khiến thu nạp tưởng thành bào thai, tức là chiêu dẫn chúng sanh đồng nghiệp, nên có nhân duyên sinh yết la lam, át bồ đàm, v.v...
Thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hay hóa sinh, tùy chỗ của các loài ấy mà ứng hiện. Loài noãn sanh chỉ do tâm tưởng mà sinh; loài thai sinh do tình dục mà ứng hiện; loài thấp sinh do tâm hợp mà cảm sanh; loài hóa sinh do phân ly mà hiện ra.

Khi tình, khi tưởng, khi hợp, khi ly, thay đổi lẫn nhau, nên các loài thọ nghiệp báo và theo đó mà có thăng trầm, lên xuống. Do nhân duyên ấy mà chúng sanh tiếp nối sanh sản không ngừng.
Này Phú Lâu Na! Tư tưởng yêu thương ràng buộc lẫn nhau, khiến mến luyến mãi không rời. Thế nên, trong thế gian, cha mẹ con cháu nương nhau sinh ra tiếp nối không dứt. Những việc như thế, đều do tham dục làm gốc.

Lòng tham và yêu mến cùng tăng trưởng. Tham mãi không dừng, nên trong thế gian, các loài noãn sinh, hóa sinh, thấp sinh, thai sinh, tùy theo sức mạnh yếu mà ăn nuốt lẫn nhau. Những việc như thế, đều do tâm tham giết hại làm gốc.

Người ăn thịt dê; dê chết làm người và người chết làm dê. Như thế cho đến mười loài chúng sanh, chết sống và sống chết ăn nuốt lẫn nhau, khiến đồng tạo ác nghiệp, suốt đời vị lai.

Những việc như thế, đều do tâm tham lam trộm cắp làm gốc.

Loài này cướp giựt thân mạng loài kia; loài kia giết hại lại loài này; trả vay, vay trả lẫn nhau đến trăm ngàn kiếp không thể ra khỏi sanh tử.

Trai mê sắc gái; gái thương tình trai; vì tình ân ái thương yêu lẫn nhau, nên trăm ngàn kiếp bị triền phược trói buộc mãi trong vòng luân hồi.

Tóm lại, chỉ có ba thứ như giết hại, trộm cắp, dâm dục làm cội gốc, nên nghiệp (nhân) và quả tiếp nối không ngừng.

Này Phú Lâu Na! Ba thứ điên đảo (thế giới, chúng sanh, nghiệp quả) đều nằm trong chân tâm; vì vô minh vọng động sanh ra Năng Phân Biệt và Sở Phân Biệt đối đãi lẫn nhau, nên vọng thấy có núi sông đất đá, thế giới, chúng sanh, rồi tiếp tục sanh diệt biến hóa, vô cùng hư vọng...
Trong tánh giác thể chân như bỗng nhiên sanh ra chân và vọng. Từ đó lại phân thành tướng bất biến và tùy duyên. Thể tánh bình đẳng bất biến, vượt ngoài những tướng sai biệt, chẳng phàm chẳng thánh, không thiện không ác, chân thật như thường, vốn là chân như bất biến.
Tùy duyên sanh diệt mà khởi tướng sai biệt, có phàm có thánh, có thiện có ác, đó là chân như tùy duyên. Lại nữa, gọi là chân như bất biến vì muôn pháp vốn là chân như, chứ chẳng phải tâm, vật, thần. Gọi là chân như tùy duyên vì chân như này vốn là muôn pháp, tức là tâm, vật, thần. Luận duy tâm lầm nhận thần linh, tức là chân như tùy duyên, mà cho đó là chân tâm.

Nhà Duy Vật đề xướng luận vô thần lại hẹp hòi biên kiến; triết lý của họ thuộc về chân như tùy duyên, tức chỉ thấy có vật chất. Người theo chủ thuyết Duy Vật lại căn cứ theo vật chất mà đề xướng luận vô thần. Người theo luận Duy Thần cũng hẹp hòi biên kiến, vọng sanh phân biệt, lầm nhận vật chất và thần linh, tức là chân như tùy duyên.

Người đề xướng luận Duy Thần nào biết tâm tức là vật, và vật tức là thần! Tâm, vật, và thần đồng một thể tánh. Có tâm tức có vật. Có vật tức có thần. Vô tâm tức vô vật. Vô vật tức vô thần. "Có" không phải có trong cái "có, không", lại chẳng có mà có trong diệu hữu. Cái "không" chẳng phải cái không đoạn diệt, lại vượt ngoài cái diệu không của cái "có không".
Luận Duy Tâm, Duy Vật, Duy Thần chưa từng hiểu rõ nghĩa lý này, nên cùng nhau công kích đả phá. Thật ra, họ đều đúng và đều sai. Người nghiên cứu học Phật pháp, hãy nên phá vỡ những tảng băng đá này!

Đối với việc nghiên cứu bản thể vũ trụ của nhà Phật, tôi đã tường thuật rõ ràng như bên trên rồi. Ngoài ra, những việc như sự cấu tạo hay thành hoại của thế giới, hệ thống khí quản của thân người, cùng bao vấn đề khác, trong kinh Lăng Nghiêm và những bộ kinh luận khác đều đã thuyết minh, luận bàn tường tận rõ ràng. Đa số, những điều này đều phù hợp với những phát minh của các học giả, triết gia, khoa học gia trong hiện thời và tương lai.

Tuy nhiên, đối với giá trị nhân sanh, pháp tắc và hạnh nguyện của chư đại Bồ Tát, chỉ có chư thánh hiền mới biết được. Những điều này, trong kinh điển thường nhắc đến. Vì vậy, nên biết rằng Phật giáo rất thần diệu và vĩ đại. Tuy nhiên, Phật giáo tuyệt không khoe khoang những điều kỳ lạ, lại cũng không làm những việc hư dối, khiến mê hoặc quần chúng. Mỗi lời nói và hành vi đều y theo ba môn vô lậu học giới định huệ, mà thi hành thực tiễn.

Sao gọi là giới định huệ? Phòng phi chỉ ác gọi là giới. Khi sáu căn tiếp xúc với cảnh, tâm không tùy duyên (mà khởi) nên gọi là định. Tâm và cảnh tròn đầy như hư không, và thường giác chiếu mà không mê hoặc, đó gọi là huệ. Phòng ngừa việc xấu, và đình chỉ việc ác của ba nghiệp, khiến dòng nước tâm tự lắng đọng trong sáng, tức do giới mà sanh định. Nước tâm lắng đọng trong sáng, khiến tự tánh chiếu soi khắp xum la vạn tượng, tức do định mà sanh huệ. Nhà nho cũng có câu:

- Sau khi định tâm thì sẽ được tĩnh lặng; tĩnh lặng rồi sẽ được an lạc; an lạc rồi sẽ có khả năng suy xét quán chiếu; suy xét quán chiếu rồi sẽ có thể đắc đạo.

Các nhà triết gia cũng thường suy gẫm về sự tướng cùng sở học của họ. Tuy nhiên, nhà nho, nhà triết học, và nhà khoa học đều dùng tâm phan duyên (phân biệt) để suy tư về vạn vật và vũ trụ. Họ nào biết đâu vũ trụ và vạn vật cũng do từ tâm phan duyên tạo thành! Năng tư sở lự đều bắt nguồn từ tâm phan duyên. Nếu muốn cầu chân lý thâm sâu phải ngồi thiền tĩnh lự. Các nhà triết học hiện nay, đối với sự nhận thức về các luận lý, thường lao xao tranh cãi, mãi không kết thúc.

Phật pháp rời ngôn từ và dứt đường tư lự (suy nghĩ), nên khiến trí huệ giác chiếu khắp vũ trụ cùng muôn vật muôn sự.

Nếu ngồi xuống, ung dung tự tại mà bàn luận, thì thấy rằng Phật giáo vốn tiên tri tiên giác, và bao hàm cả triết học, khoa học, tôn giáo. Lò nào cũng cùng một xưởng.

Nhật Bổn tôn sùng Phật giáo làm quốc giáo, nên thời cận đại đạo Phật rất hưng thịnh. Những nhà duy tân và hiền sĩ anh tài xuất thân từ thiền học không ít. đối với những việc của dân chúng, các ngài đều hiểu thấu. Nếu không dùng võ lực quân phiệt mê muội, không dùng sức mạnh bạo lực để giết chóc, và không dùng chính sách xâm lược khiến trái ngược với đạo, thì ngày nay được an ổn, đâu đến nỗi phải bị thảm bại.

Có người nghi rằng Phật giáo rất tiêu cực và mê tín, nên không xứng đáng làm quốc giáo; đây là vọng tưởng của những người chưa hiểu gì về đạo Phật. Thật ra, Phật giáo không hủy hoại tướng của thế gian, cớ sao gọi là tiêu cực? Đạo Phật dẫn dắt con người đi từng bước để bỏ mê hợp với tánh giác thì cớ sao gọi là mê tín? Suy nghiệm lại chữ Phật, theo tiếng Phạn phải nói cho đủ là Phật đà, và được dịch là bậc tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Bồ Tát, tiếng Phạn gọi là Bồ Đề Tát Đỏa, dịch là giác hữu tình và hữu tình giác. Bồ tát có hai hạng là xuất gia và tại gia. Bồ Tát thường phát tâm rộng lớn vì chúng sanh mà cầu đạo Bồ Đề vô thượng. Các ngài vừa tự tu hành, vừa giáo hóa tha nhân. Đó là hạnh chánh tín và tích cực của chư Bồ Tát. E rằng trên thế gian hiếm có ai phát được những hạnh nguyện này.

Phật giáo y theo hai nghĩa "chiết" và "nhiếp" mà lập nhiều môn phương tiện. Sao gọi là chiết? Chiết tức là chiết phục kẻ ác. Xưa kia, khi Thạch Lặc hỏi  về giới cấm giết hại, thì ngài Phật Đồ Trừng đáp:

- Ông là vua trăm họ, chớ nên giết hại chúng dân bừa bãi. Đó là nghĩa của giới cấm giết hại.

Lại nữa, chư Bồ Tát quyền thừa tại gia phải chiết phục kẻ ác để lợi sanh. Tuy cầm đao trượng, cho đến chặt đầu kẻ ác, mà không thật phạm giới cấm giết hại; ngược lại còn sanh thêm công đức. Nếu ác ý mà giết người, thì biết là không thể được. Vì thiện ý mà giết người, đó là thủ nhãn thiện xảo của đại Bồ Tát Kim Cang quyền thừa.

Sao gọi là nhiếp? Nhiếp tức là nhiếp thọ người hiền. Chư Phật Bồ Tát vì lợi ích của chúng sanh, nên không quản ngại gian nan hiểm nạn. Có bốn pháp nhiếp thọ. Thứ nhất, bố thí nhiếp, tức là nếu có chúng sanh muốn tiền tài thì Bồ Tát bố thí tiền tài. Nếu chúng sanh muốn nghe pháp thì Bồ Tát bèn thuyết pháp bố thí, để khiến cho họ sanh tâm thân ái mà thọ đạo. Thứ hai, ái ngữ nhiếp, tức là tùy theo căn tánh của chúng sanh, Bồ Tát ban những lời khuyên nhủ, thí dụ ngọt ngào, để khiến cho họ sanh tâm thân ái mà thọ đạo. Thứ ba, lợi hành nhiếp, tức là thân miệng ý của Bồ Tát luôn hành thiện nghiệp, làm lợi ích chúng sanh, khiến họ sanh tâm thân ái mà thọ đạo. Thứ tư, đồng sự nhiếp, tức là dùng pháp nhãn mà quan sát căn tánh của chúng sanh; tùy theo sở thích của họ mà Bồ Tát phân hình thị hiện, và cùng họ làm những việc ích lợi, để họ phát tâm thọ đạo. Đó là những hạnh tích cực của chư Phật và Bồ Tát.

Sao gọi là phương tiện? Tức là các ngài tùy theo căn tánh của chúng sanh mà cứu độ bằng những phương tiện quyền xảo.

Bên trên đã bàn về bốn pháp nhiếp thọ, đó cũng là những môn phương tiện quyền xảo. Phẩm Hóa Thành Dụ trong kinh Pháp Hoa thuyết:

"...Ví như trong đường hiểm

Chỉ toàn loài ác thú

Lại chẳng có cỏ nước

Nơi người thường sợ hãi.

Vô số trăm ngàn chúng

Muốn thoát đường hiểm đó.

Đường ấy rất rộng dài.

Qua năm trăm do tuần

Có một vị đạo sư

Mạnh khỏe có trí huệ

Tâm sáng suốt cương quyết

Tại đường hiểm cứu nạn.

Chúng nhân đều mỏi mệt

Mà bạch đạo sư rằng:

Chúng con đều mệt nhọc

Nơi đây muốn thối lui.

Đạo sư bèn suy nghĩ:

Bọn trẻ thật đáng thương

Sao lại muốn thối bước

Bỏ mất châu báu lớn?

Nên nghĩ kế phương tiện

Mà thiết lực thần thông

Hóa ra thành ấp lớn

Các phòng xá nguy nga.

Chung quanh có vườn rừng

Sông ngòi cùng ao tắm

Lầu gác cao, cửa lớn,

Trai gái đều đầy đủ.

Liền hóa làm thế rồi

An ủi chúng đừng sợ.

Các ngươi hãy vào thành

An trú tùy sở thích.

Chúng nhân liền vào thành

Tâm đều mừng vô ngần

Đều sinh tưởng an vui,

Tự cho là được độ.

Đạo sư biết đã nghỉ

Hợp chúng lại bảo rằng:

Đây chỉ là hóa thành

Thấy các ông quá mệt

Giữa đường muốn thối lui

Nên quyền thiết hóa thành.

Nay đương cần tinh tấn

Phải cùng đến bảo sở..."

Xem qua bài kệ này, chúng ta biết rõ thâm ý của Phật Thích Ca phân thời lập giáo, quyền thuyết phương tiện. Thế nên, những bậc thượng thiện căn thường hợp với thiền và giáo. Người chú trọng sự phân chiết thì hợp với Duy Thức học. Pháp môn phổ cập trong quần chúng là Tịnh Độ. Người xuất gia hay kẻ tại gia, dẫu tu theo Đại Thừa hay Tiểu Thừa, đều vì nhiệm vụ cứu độ giáo hóa rộng khắp quần sanh, khiến cho tất cả chúng sanh đều thọ pháp ích lợi.

Gần đây, có những người theo lập trường vô thần, thấy các Phật tử lễ bái hay trì danh niệm Phật, thì họ cho là mê tín. Họ không biết rằng lễ bái chư Phật chư Bồ Tát nào khác gì với sự cung kính các bậc trưởng thượng! Sự niệm Phật, đối với việc tu tâm, chẳng phải là công phu tu hành sao? Vả lại, trì danh niệm Phật, bất quá chỉ là một pháp môn phương tiện giản dị cho người sơ cơ. Ngoài ra, trong tông Tịnh Độ còn có các pháp môn như quán tượng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật, thật tướng niệm Phật, v.v... Tông Tịnh Độ vốn rất diệu dụng vô cùng tận, mà họ tự không hiểu rõ, lại cho là mê tín.

Lại nữa, có người bảo rằng đạo Cơ Đốc cũng thoát thai từ tông Tịnh Độ. Xem xét chúa Giê Su mặc y phục cũng tương đồng với Phật. Trong kinh "Phật Thuyết A Di Đà" thường nhắc đến thế giới Cực Lạc ở Tây Phương. Tín đồ đạo Cơ Đốc cũng thường nói đến Thiên Quốc Cực Lạc. Cõi Tịnh Độ được phân thành chín phẩm. Gia giáo Lý Lâm Thiên Thần Phổ cũng nói là có chín phẩm vị thiên thần. Trong kinh A Di Đà, Phật Thích Ca nói rằng không thể dùng chút ít nhân duyên phước đức thiện căn mà được sanh qua cõi Cực Lạc. Đạo Cơ Đốc cũng nói rằng nếu ở tại nhân gian mà không lập công bồi đức thì Thiên Chúa sẽ không rước về Thiên Quốc. Người tu theo tông Tịnh Độ, phải niệm danh hiệu Phật A Di Đà trong sáu thời, khẩn cầu Phật tiếp dẫn. Đạo Cơ Đốc cũng bảo tín đồ rằng ngày đêm sáng tối phải thường cầu khẩn Thượng Đế gia hộ. Trong nhà Phật có pháp quán đảnh. Đạo Cơ Đốc có lễ rửa tội. Xem xét những điều như trên, thấy rằng tông chỉ của đạo Cơ Đốc và tông Tịnh Độ thật rất tương đồng. Giê Su giáng sanh sau Phật Thích Ca hơn năm trăm năm. Ngài đã từng thọ giáo huấn của Phật Thích Ca, nên mới được kinh A Di Đà, rồi y cứ theo đó, mà sáng lập tôn giáo mới. Điều này không thể nào nghi ngờ được. Lại nữa, Giê Su đã từng qua Ấn Độ ẩn tích ba năm để tham học. Sự tuy vô căn cứ, mà dấu tích vẫn còn tồn tại.

Đạo Cơ Đốc tuy tựa như pháp môn trì danh niệm Phật của tông Tịnh Độ, nhưng rất kém xa. Tín đồ Cơ Đốc chỉ cầu tha lực. Tuy tin tha lực như thế, mà họ lại không hiểu tại sao phải tin. Gần đây, có những người miễn cưỡng trì danh niệm Phật, chỉ chú trọng vào tha lực, tự bảo là phù hợp với đạo.

Chương Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông trong kinh Lăng Nghiêm viết:

"...Chư Phật trong mười phương thường lân mẫn thương xót nghĩ nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con cứ chạy lẫn trốn thì mẹ có thương nhớ cũng vô ích. Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, thì đời đời mẹ con đều không cách xa. Nếu tâm chúng sanh thường nhớ Phật niệm Phật, thì hiện tiền và tương lai, tất sẽ thấy Phật, và không xa cách Phật. Không cần giả lập phương tiện, tâm vẫn tự được khai ngộ... Nhân địa của con, dùng tâm niệm Phật mà nhập vào vô sanh pháp nhẫn. Hôm nay tại nơi đây, nhiếp thọ người thường niệm Phật, quy nơi Tịnh Độ".

Có nhân thì có quả, tức là sự và lý không chướng ngại nhau. Đạo Cơ Đốc bảo rằng người hiền lương sẽ sanh qua Thiên Quốc vĩnh viễn. Giáo lý của tông Tịnh Độ bảo rằng vãng sanh Tịnh Độ thì mãi sanh nơi cõi Phật, thấy Phật nghe pháp, liễu ngộ vô sanh pháp nhẫn. Dùng diệt mà hiển thị sanh, nên có sanh diệt đối đãi. Cuối lúc diệt, sanh trong cái vô sanh, tức vốn tự vô sanh, nên không có diệt. Vì vậy, gọi là Vô Lượng Thọ.

Y theo hạnh nguyện của Bồ Tát, chẳng phải chỉ có người xuất gia mới cầu đạo vô thượng, mà người tại gia cũng hành được. Bất quá, người xuất gia chỉ sống xa quốc chủ, rời thân bằng quyến thuộc, xả bỏ ân ái gia đình, ý tại thoát ly tình dục trói buộc. Người xuất gia xả bỏ tình riêng mà phát triển đồng tình Phật tánh. Xả bỏ ân ái riêng tư để trở thành bậc bác ái vĩ đại. Lấy việc cứu độ tất cả chúng sanh làm trung. Dùng sự nhiếp thọ chúng sanh làm hiếu. Đó là ý nghĩa của chủ nghĩa đại đồng. Tiên sinh Tôn Trung Sơn thường nói:

- Phật giáo lấy việc cứu thế gian làm nhân đức. Phật học là mẹ của mọi ngành triết học. Tôn giáo tạo thành nền văn hóa và duy trì hùng khí cùng thiên tánh tự nhiên của dân tộc. Nhân dân chẳng nên không có tư tưởng tôn giáo. Nghiên cứu Phật học giúp bổ xung vào những điểm khiếm khuyết của triết học.

Hôm nay, Ngài (Tưởng Giới Thạch) đã cho phép kết hợp Phật giáo vào nền văn hóa, tức là bổ ích thêm cho tư tưởng học thuật của nước nhà. Hiện tại, Phật giáo đang lan truyền rộng rãi khắp thế giới. Phật giáo luôn chủ trương khuyến tấn đại giáo đại đồng duy nhất. Đây không phải là lời trống rỗng.

Vả lại, ngày nay tự do tôn giáo, chẳng nên cưỡng ép người theo những đạo mê tín, thì mới khiến nhân tâm trung thành khâm phục mà sanh chánh tín. Nếu bỏ Phật giáo thì quy ngưỡng vào nơi nào?

IV. Khai thị tại chùa Từ Vân ở Trùng Khánh vào ngày mười bảy tháng giêng, năm 1943
Hôm nay, quý vị phát tâm quy y Tam Bảo. Lão nạp rất vui mừng. Quý vị không quản đường xa, băng sông lội suối đến đây, không ngoài việc hy vọng đạt được sự lợi ích này. Tuy nhiên, nếu muốn đạt được lợi ích, phải tự thuận theo tự tướng mà hành trì. Nếu chỉ quảy đeo hư danh trống rỗng, sẽ không đạt được gì. Quý vị nên biết rằng hôm nay thọ giới quy y, tức là làm đệ tử Phật. Quý vị đã giống như được sinh vào nhà đế vương, tức là làm con cháu đế vương, nhưng phải cố gắng đôn đúc tu hành, đừng để bị trục đuổi, thì mới thật là phượng các loan đài, có phần lợi ích.

Từ nay về sau, phải y chiếu theo lời di giáo của Phật mà hành trì. Phải sớm biết muôn sự trên thế gian này như huyễn hóa. Suốt cuộc đời của con người, làm này tạo nọ, chỉ giống như ong hút mật, tằm dệt lưới. Do một niệm động khởi, nên chúng ta nhập bào thai. Được sanh ra đời xong, lại từ từ biết phân biệt mình người, khởi niệm tham sân si. Lớn lên, dần dần tiếp xúc với xã hội. Mọi toan tính đều vì lợi ích cho mình; tích lũy tiền tài riêng tư cho quyến thuộc. Bận rộn cả đời, chỉ lo chuyện vợ con. Kết quả, không một giây phút rảnh rỗi. Tự mình trói buộc không lối thoát, có khác gì ong hút mật! Cả đời làm lụng này nọ, tạo bao nghiệp chướng, nên phải chịu quả xấu, phá vỡ chẳng được, nào khác chi tằm tự quấn tơ! Cuối đời bị đọa lạc vào vạc lửa dầu sôi, ba đường ác. Hãy suy nghĩ kỸ càng!

Vì thế, mọi người phải y chiếu theo lời Phật dạy. Phải ăn chay trường suốt đời, chớ chỉ ăn chay tạm. Chẳng nên giết hại sinh mạng loài khác. Sao nhẫn tâm giết hại sinh mạng loài vật để bổ dưỡng cho thân mình? Thử xem lúc giết gà, nó tất phải cố kêu la bỏ chạy. Chỉ vì chúng ta mạnh nó yếu, không đủ sức đề kháng chống cự, nên phải chịu nhẫn thọ, nhưng lại tích oán trong tâm, để đợi đến đời sau, nếu có dịp sẽ báo thù. Hiện tại, các cường quốc dùng các loại vũ khí ác độc, hủy diệt các dân tộc nhược tiểu, cùng việc giết gà đồng nhau không khác.

Quý vị đã là Phật tử, nếu việc gì trái với sự lý, chớ nên làm càn. Phật pháp vốn chẳng có gì kỳ lạ, vì luôn tuân theo chánh tâm, thuận theo lý đạo.

Có nhiều người thấy tôi tuổi lớn cơ tuần, nên mỗi lần gặp mặt thì tham thảo tìm tòi thần thông tình tự; họ kiểm nghiệm coi tôi có biết đời quá khứ vị lai của người khác hay không, hoặc thường hỏi  chiến tranh bao giờ kết thúc, thế giới bao giờ hòa bình! Thật ra, không những thiên ma ngoại đạo, mà ngay cả quỶ thần súc sanh cũng có năm loại thần thông. Những thần thông này, trong tự tánh vốn có đủ, chớ nên để tâm chú ý. Chúng ta học Phật pháp, phải vì việc minh tâm kiến tánh, giải thoát sanh tử, phát tâm Bồ Đề, hành đạo Bồ Tát. Lời cạn cợt thô thiển của tôi:

- Các việc ác chớ làm. Hãy nên hành các việc lành.

Không nên làm tổn hại người để lợi mình, mà phải tổn mình lợi người. Phải thường thiết thật hành trì giới; do giới sanh định, rồi do định sanh huệ. Tất cả việc đều tự biết tự thấy, thì việc quy y hôm nay chẳng phí uổng.

Vừa rồi có vài vị hỏi  về yếu chỉ của kinh Lăng Nghiêm. Thể theo cơ duyên của đại chúng nơi đây, nay lược thuyết đại khái.

Ở Ấn Độ, bộ kinh này vốn có một trăm quyển, nhưng tại cõi này, chỉ phiên dịch có mười quyển. Bốn quyển đầu nói về việc kiến đạo. Quyển thứ năm, thứ sáu, và thứ bảy nói về việc tu hành. Quyển thứ tám và thứ chín bàn về chứng quả của cách tu tiệm thứ. Quyển cuối cùng nói về những vọng tưởng phát xuất từ các ấm ma. Tôn giả A Nan vì đại chúng mà thị hiện hỏi  đạo. Đầu tiên, đức Phật chứng minh các pháp đều do tâm mà sinh ra. Vì tôn giả A Nan thấy Phật có ba mươi hai tướng tốt, như các màu sắc vàng tím hội tụ, nên sanh tâm thích mến. Phật hỏi:

- Những tướng này dùng vật gì để thấy?

Ngài A Nan đáp:

- Con dùng mắt để xem thấy tướng hảo thù thắng của Như Lai.

- Tâm và mắt trú tại nơi nào?

- Con quán thấy Như Lai, mắt xanh biếc như hoa sen, tại trên mặt của Ngài. Nay con quán thấy bốn căn phù trần ngay nơi trước mặt. Tâm thức này, thật trú tại trong thân.
Tâm chẳng ở trong, ở ngoài, hay chính giữa. Nếu không chấp trước mọi việc thì tâm không trụ nơi nào hết. Những vị tu hành không thể đắc được đạo Bồ Đề vô thượng chỉ vì không biết hai việc căn bản. Thứ nhất là cội gốc của sinh tử từ xưa đến nay; chúng sanh thường dùng tâm phan duyên làm tự tánh của mình. Thứ hai là vô thủy Bồ Đề Niết Bàn, thể vốn thanh tịnh. Tuy nhiên, ngay nơi tánh thức sáng soi lại sanh ra các duyên. Do những duyên này, nên chúng sanh quên cội gốc tròn đầy trong sáng. Tuy cả ngày thường mang theo tánh giác mà chẳng tự giác, nên oan uổng đi vào ba con đường ác. Phải biết sanh ra các pháp, vì do tâm ảnh hiện. Mọi nhân quả thế giới vi trần đều do tâm tạo ra. Chúng sanh không thể thành tựu đạo Bồ Đề chỉ vì ngộ nhận khách trần phiền não là mình. Sáu trần là màu sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị, xúc chạm, pháp. Sáu căn là mắt tai mũi lưỡi thân ý. Đó là mười hai xứ. Lại thêm nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức; tất cả cộng thành mười tám giới. Đất nước gió lửa hợp với không đại, kiến đại, thức đại, làm thành bảy đại. Gom hết lại thành số hai mươi lăm. Từ đây, mỗi vị trong hai mươi lăm vị Thánh tự trần thuật và nói rõ nhân duyên cũng như đường lối tu hành nhập đạo thuở xưa.

Sống trong sáu đường luân hồi, dâm dục là gốc. Lưu chuyển trong ba cõi do ái làm căn bổn. Ngài A Nan vì chúng sanh mà thị hiện tướng: Tuy bao kiếp tu hành, nhưng không thoát được nạn Ma Đăng Già. Trong các tội chướng, dâm dục đứng đầu. Vì dâm dục nhiều khiến tổn hại thân thể, nên giết hại sanh mạng chúng sanh để bổ dưỡng. Những tội ăn cắp nói láo v.v..., cũng theo đó mà phát sanh.

Ngài A Nan thấy ba mươi hai tướng tốt của đức Như Lai, như ánh sáng vàng tím hội tụ, nên đối với sắc đẹp của Ma Đăng Già chẳng ưa thích. Trai thích nhìn gái đẹp, hay nghĩ tưởng mình là thân gái. Gái thích nhìn trai, hay nghĩ tưởng mình là thân trai. Những vọng tưởng điên rồ này, cả ngày cứ xoay vần trong tâm niệm. Ví như lúc nhỏ khi còn ở nhà chưa xuất gia, tôi thường để râu tóc, mặc đồ thế tục. Cả ngày giao tế, nghĩ tưởng những việc thế tục. Tối đến lại mộng thấy cha mẹ nội ngoại, quyến thuộc, và bao việc thế tục. Từ khi xuất gia, những việc làm và suy nghĩ không ngoài việc Phật sự. Tối ngủ, mơ thấy những sự không ngoài việc niệm Phật, v.v...
Lại nữa, năm loại hành tỏi không thể ăn được, vì muốn tránh sự kích thích dục niệm. Trừ dẹp những trợ nhân đó rồi tu chánh tánh, tinh tấn chuyên cần, tự có thể từ từ thành tựu. Tự mình chuyên cần phấn tấn mà không Ỷ lại người khác.

Ngài A Nan là hoàng tử, cũng là em Phật. Ngài xả bỏ vinh hoa phú quý, theo Phật xuất gia, và hy vọng Phật sẽ tiếp tay giúp sức, chứng đắc quả vị. Tuy nhiên, nên biết phải tự tu tự chứng mà không thể nương nhờ người khác. Chúng ta nếu không làm biếng giải đãi, luôn phát tâm cần tu tinh tấn, thì sẽ chứng đắc các quả vị Bồ Tát như thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, tứ gia hạnh, thập địa, cho đến đẳng giác, diệu giác. Ba cõi và sáu đường đều là huyễn hóa, và vốn không ngoài một tâm. Tất cả tánh giác vi diệu trong sáng của chư Phật cũng không ngoài một tâm. Thế nên, tâm, Phật, chúng sanh, cả ba không khác biệt. Đồng Tử Hương Nghiêm cũng có thể gọi là mũi của chúng ta. Bồ Tát Kiều Phạm cũng có thể gọi là lưỡi của chúng ta. Nhân địa và cách thức tu hành của hai mươi lăm vị hiền thánh tuy không đồng, nhưng sự tu hành chứng ngộ vốn không hơn kém.

Hiện tại, những người sơ phát tâm tu đạo có thể theo pháp tu của Bồ Tát thứ hai mươi bốn và hai mươi lăm, tức là ngài Đại Thế Chí và Quán Thế Âm mà hỗ tương dụng công. Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ là vị Phật kế tiếp sau Phật A Di Đà ở cõi Tây Phương Cực Lạc. Sau Bồ Tát Quán Thế Âm, ngài Đại Thế Chí sẽ làm Phật tại cõi đó. Ngài Đại Thế Chí dùng pháp môn niệm Phật tu hành chứng được viên thông. Chúng ta cũng phải tu tập, niệm Phật để nhiếp thọ sáu căn, đạt được tịnh niệm tương tục, đắc tam ma địa (chánh định). Mười phương chư Như Lai đều lân mẫn thương xót chúng sanh, như mẹ thương con. Tuy nhiên, nếu con cứ chạy trốn mãi thì mẹ nhớ cũng chẳng có ích gì! Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con thì mẹ con đời đời không xa cách. Nếu tâm chúng sanh thường nhớ Phật và niệm Phật thì đời này đời sau, quyết định sẽ thấy Phật. Bồ Tát Quán Thế Âm từ văn tư tu mà nhập vào tam ma địa; trên hợp với mười phương chư Phật, đồng một lực từ; dưới hợp với chúng sanh trong sáu đường, đồng một bi ngưỡng. Nếu gặp thiện nam tử thường trì năm giới thì Ngài sẽ hiện thân nam mà vì người đó thuyết pháp, khiến cho được thành tựu đạo Bồ Đề. Nếu gặp người nữ thường thọ trì năm giới, Ngài cũng sẽ hiện thân nữ mà vì họ thuyết pháp, khiến được thành tụu đạo Bồ Đề. Cứ như thế, trong ba mươi hai ứng thân hoặc hiện thân trời người, Thanh Văn, Duyên Giác, cho đến thân Phật, cùng mười bốn lực vô úy, bốn pháp bất tư nghị, trải qua vô lượng kiếp, Ngài độ vô lượng chúng sanh. Chúng sanh vô tận, bi nguyện vô tận. Quý vị hãy tự suy gẫm!

V. Khai thị tại chùa Từ Vân ở Trùng Khánh vào ngày mười tám tháng giêng, năm 1943

Hôm nay cùng quý vị đàm luận. đối với hai chữ khai thị, thật tình tôi rất xấu hổ, không dám đảm nhận. Hư Vân tôi, ngay chính mình cũng chẳng rõ, sao dám hàm hồ dạy người!

Lời Phật dạy trong các kinh điển, nhiều vô số. Tại các tùng lâm những lúc tọa hương ngồi thiền, đả Quán Âm thất, Phật thất v.v..., các vị ban thủ luân phiên khai thị. Tuy nhiên, việc bái sám lễ lạy thì không như ngồi thiền đả thất. Khi lễ sám, năm thể phải chạm đất và ba nghiệp phải thanh tịnh mà không nên tăng thêm những lời tán ngôn loạn ngữ. Trên đàn sám không ban những lời khai thị. Lúc lễ sám phải quán tưởng: "Người lễ, bậc thọ lễ, tánh không tịch. Cảm ứng đạo giao không thể nghĩ bàn. Nay con đảnh lễ Bồ Tát Quán Thế Âm, cảm ứng đạo giao tự hiện tiền".

Thân tâm mình lễ. Phật và Bồ Tát là những vị thọ nhận lễ. Tâm mình vừa lễ vừa quán tưởng thâm sâu về quá khứ, hiện tại, vị lai, nơi mọi thời, đều không thể đắc được. Tất cả đều không tịch, thì tạng tánh Như Lai sẵn có, tự nhiên hiển lộ. Kinh Kim Cang nói: "Nếu lấy sắc cầu Ta, lấy âm thanh cầu Ta, người này hành tà đạo, không thể thấy Như Lai... Nếu thấy các tướng mà không phải tướng, tức thấy Như Lai".

Đây là hai ý nghĩa vừa ẩn vừa hiển. Không chẳng phải không và sắc chẳng phải sắc, thì mới là không chân thật và là sắc chân thật.

Chúng ta đều là những người xuất gia. Nơi trong lửa bỏng dầu sôi, nước non loạn lạc, không gặp đạn dược cũng gặp phi cơ. Thật không may mắn. Tuy nhiên, trong việc không may mắn lại có những sự may mắn. Vì sao? Người xuất gia vốn: "Một bình bát, ăn cơm ngàn nhà. Thân đơn độc, đi muôn vạn dặm".

Tuy nhiên, hiện tại không thể hành được những hạnh này.

Chúng ta phải nên xả bỏ tất cả, cùng thúc liễm thân tâm. Thân vốn là gốc khổ. Tâm nguyên là nguồn tội. Hiện tại, nếu không nỗ lực tu hành thì đợi đến chừng nào? Một khi mất thân này thì muôn kiếp khó hoàn phục. Xả bỏ vọng tưởng thì bản tâm như như; muốn được như thế, phải tu hành ngay từ tự tâm, chứ không thể hành từ bên ngoài mà đắc được. Nếu luôn tinh cần tu trì thì lo gì không cắt đứt dòng sanh tử? Nhà Nho có câu: "Từ thiên tử (nhà vua) đến thứ dân, mọi người phải lấy việc tu thân làm gốc".

Tâm người đời hiện nay khác xưa. Họ không biết sự quan hệ giữa chánh trị và tôn giáo. Dùng chánh trị để sửa thân. Dùng tôn giáo để chuyển hóa nội tâm. Những ý nghĩa này, họ đều không biết đến. Gần đây, chắc có nhiều vị trí thức biết rõ rằng nếu không nhờ sự nỗ lực nhất chí của chánh phủ và tôn giáo thì không thể cứu tế được thiên tai hoạn nạn trong đại kiếp nầy. Hiện tại, tổng thống cùng các vị bộ trưởng, đồng phát tâm kiến lập pháp hội Đại Bi Hộ Quốc Giải Trừ Thiên Tai Hoạn Nạn, cũng không ngoài ý này.

Xưa kia, việc kiến lập pháp hội là việc thường. đối với pháp hội Thập Luân, Kim Cang v.v..., tôi nhớ không hết, nhưng biết rõ rằng sự dụng tâm tại những pháp hội đó không giống nhau. Các vị Lạt Ma Tây Tạng gần đây hoằng pháp tại Trung Nguyên rất nhiều. Chánh phủ rất mực tôn sùng kính trọng. Không biết có phải là tín ngưỡng đặc biệt của chánh phủ hay không? Tăng sĩ áo xanh ngày càng lộng hành. Họ phá chùa đuổi tăng áo vàng. Tăng chúng áo xanh hay áo vàng đều là đệ tử Phật. Mật tông được truyền từ Nhật Bổn gọi là Đông Mật. Mật tông được truyền từ Tây Tạng, gọi là Tạng Mật. Những năm gần đây, Mật giáo tại Trung Quốc được thịnh hành một thời, vì đều có thể hiển hiện bao loại thần thông biến hóa. Tuy nhiên, vào lúc nhàn rỗi không chịu thắp hương. Gặp lúc khẩn cấp mới chạy đến ôm chân Phật thì không thể nào thành tựu được.

Hư Vân tôi đi khất thực khắp nhân gian; những nước lân cận hầu như đã đến. Tôi vốn là phàm phu, không có thần thông, không biết biến hóa, nên không dám ăn thịt, cũng không dám ăn quá giờ. Có một số người chẳng hiểu Phật pháp, chưa quên danh lợi, và thường cầu thần thông biến hóa. Tồn trữ những vọng tưởng như thế, chẳng là tà cũng tức là ma. Phải nên biết rằng Phật pháp tại tâm mình, nên không thể đem tâm hướng ngoại cầu pháp. Thần thông phát khởi do trình độ dụng công thì cớ sao khởi tâm hy vọng mong cầu? Dụng tâm như thế, làm sao khế hợp với chân lý vô sở trụ? Đức Phật bảo rằng những người này thật đáng thương hại!

Hiện tại, quý vị Bồ Tát đại tâm phát nguyện tu trì Đại Bi Sám Pháp, vì muốn hộ quốc tiêu tai, nên yêu cầu Hư Vân tôi ra làm chủ trì. Công đức Hộ Quốc Tiêu Tai, mọi người đều nên thành tâm nhất ý, cùng làm cùng tạo. Chúng ta bái sám, xưng dương thánh hiệu; Bồ Tát Quán Âm linh cảm vô vàn. Duyên lành của ngài Quán Âm đối với cõi này thật rất thâm sâu. Tuy nhiên, tâm nếu không chân thành thì không thể đạt được cảm ứng. Nếu thành tâm xưng thánh hiệu thì Bồ Tát Quán Âm sao không tầm thanh cứu khổ? Giữa hai mươi lăm vị thánh trong kinh Lăng Nghiêm, duy chỉ có Bồ Tát Quán Âm là chứng quả vị viên thông vi diệu nhất.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Bồ Tát Quán Âm trình bày cách tu chứng viên thông của mình:

- Đức Phật kia (Phật Quán Âm) dạy con từ văn tư tu để nhập vào tam ma địa. Ngay trong cái nghe, không chạy theo âm thanh của trần cảnh, mà xoay cái nghe trở vào chân tánh. Nhập vào liền được tịch tĩnh, khiến hai tướng động tịnh, chấm dứt không sanh.

Thứ nhất, bên trên khế hợp và đồng một lực từ với mười phương chư Phật. Thứ hai, bên dưới đồng một bi ngưỡng với mọi loài chúng sanh. Bồ Tát Quán Thế Âm thật đại vô úy. Ngài luôn dùng ba mươi hai ứng thân để hóa độ chúng sanh. Kinh lại bảo: "Giáo thể chân thật này, thanh tịnh tại âm thanh".

Niệm danh hiệu của sáu mươi ức hằng hà sa Pháp Vương Tử cũng đồng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm.

Bộ "Đại Bi Sám Pháp" do đại sư Tứ Minh Pháp Trí soạn. Bi nguyện thật không thể nghĩ bàn. Năng lực cảm ứng cũng không thể nghĩ bàn. Những câu chuyện cảm ứng được ghi trong sử sách rõ ràng tường tận. Từ sáng đến tối, năm thể chạm đất lễ sám, ba nghiệp thanh tịnh, thì đoạn được tội giết hại, ăn cắp, tà dâm, tham sân si, và chuyển mười việc ác thành mười việc lành. Tất cả đều phải phù hợp với diệu lý của sám pháp. Lại nữa, phát bốn lời đại nguyện, rồi dùng hương hoa, tự trang nghiêm phước đức trí huệ. Những sự lợi lạc như thế, sao lại không làm? Lời nói là giả mà hành trì mới là chân. Hôm nay, đại khái đàm luận Phật pháp đôi chút. Phải nhớ rằng đức Phật là đấng trượng phu và mình cũng sẽ như thế. Tự tôn tự quý thì tự nhiên sẽ được cảm ứng.

Đời vua Khang Hy, hòa thượng Nguyên Thông trụ trì chùa Tây Vực. Ngày nọ, một vị tăng đắp y vàng đến chùa. Nhà vua rất tôn sùng kính trọng mà bảo hòa thượng Nguyên Thông ra tiếp đãi. Hòa thượng Nguyên Thông bảo rằng đó chẳng phải là tăng hay người, mà là con nhái tinh. Nó có thần thông vi diệu. Bấy giờ, gặp lúc trời hạn hán. Nhà vua ra lịnh cho vị tăng mặc áo vàng kia cầu mưa. Quả nhiên có mưa, nên nhà vua lại càng cung kính. Hòa thượng Nguyên Thông bảo:

- Hãy lấy nước mưa mà đem so với cức rái của các con nhái!

Quả nhiên thật giống nhau; tà chánh rõ ràng. Phải biết rõ ràng về năm mươi ấm ma trong kinh Lăng Nghiêm, bằng không thì sẽ bị chúng chuyển, khiến nhập vào đường ma. Xin đại chúng hãy lưu ý!

VI. Khai thị tại chùa Từ Vân ở Trùng Khánh vào ngày mười chín tháng giêng, năm 1943
Chư Bồ Tát! Trong pháp hội này, Hư Vân tôi thật không biết tự lượng sức mình, lại không biết quý vị lên chánh điện, đến tổ đường, làm việc Phật sự, khổ nhọc muôn phần. Tối đến, lại thỉnh quý vị ra niệm Phật, nghe khai thị. Tôi có thật cản trở sự tu hành của quý vị không? Trong lòng tôi còn vài việc, chưa thổ lộ được. Có một số cư sĩ tại pháp hội này, muốn nghe khai thị. Chư Phật và chư Bồ Tát khó làm mãn nguyện chúng sanh.

Tối hôm qua, tôi đã nói về sự khác biệt giữa bái sám và hành Phật thất, nhưng chưa bàn về những điểm then chốt. Quý cư sĩ đó phát tâm thật khó ai bì được. Hiện tại, tôi không phải là Hư Vân mà trở thành Hư Danh; thật tình thổ lộ không ra lời. Tôi đã từng nói với thầy trụ trì rằng kỳ pháp hội này, quý vị thọ khổ rất nhiều. Ngày ngày, ai ai cũng tự tu đạo và tạo công đức, như dự các tịnh thất và làm công quả, nên không có thời gian nghỉ ngơi. Nơi ngôi chùa này, không có một mảnh ruộng, miếng ngói. Nếu không làm Phật sự thì không thể thành công. Tuy nhiên, nếu làm Phật sự thì không thể dụng công, đả Thiền thất. Vì Phật sự quá bận rộn, nên đến tối mới làm lễ Phóng Diệm Khẩu tại đại điện. Thế nên, tại nơi đây tôi thiết phương tiện giảng kinh thuyết pháp trong ban ngày, để quý vị cư sĩ có thể băng sông, trở về nhà sớm. Trên đàn sám có bốn mươi chín người bái sám. Họ không thể dừng lại nửa chừng để nghỉ ngơi, mà phải cần có người khác đến luân phiên. Thường trụ lại quá bận rộn, nên hai mươi bốn người không thể xuống đàn.

Bàn về chữ khai thị. Khai tức là khai khải. Thị nghĩa là biểu thị, tức giảng giải việc thiện ác của con người, cùng khai mở bổn lai diện mục của mọi người. Tuy nhiên, sắc tướng vốn không có tướng lớn nhỏ, vuông tròn, phàm thánh, nam nữ, v.v... Phàm tất cả tướng đều là hư vọng. Nếu thấy tướng mà không phải tướng, tức là thấy Như Lai. Dẹp hết tình phàm, thật không có giải thoát của chư thánh. Người học đạo phải chân thật, chớ treo đầu dê mà bán thịt chó. Phải tự tầm cầu bên trong, chớ tìm tòi bên ngoài. Lời nói không có nghĩa chân thật, đều giả dối. Hành trì mới là chân thật. Nếu được như thế thì triển chuyển dây chuyền, từ một người đến nhiều người, từ một nhà đến một quốc gia, từ một quốc gia đến nhiều quốc gia, toàn thế giới không cần trị mà an.

Không luận tu học pháp môn nào, phải lấy việc trì giới làm căn bản. Nếu không trì giới mà trí huệ lại tinh xảo, thì tất cả việc làm đều là việc ma. Hai mươi lăm pháp môn trong kinh Lăng Nghiêm đều có thể tu chứng viên thông. Vì vậy bảo rằng phương tiện thì nhiều pháp môn, nhưng quy về cội nguồn thì không hai.

Tự mình chọn lấy một pháp môn làm chánh hạnh, còn những hạnh khác thì chỉ làm phụ. Phải tu cả hai phước và huệ. Nếu chỉ tu phước thì sẽ hưởng phước hữu lậu ở cõi trời người. Nếu chỉ lo tu trí huệ thì sẽ thành trí huệ khô khan. Tu hành mà không đoạn trừ tâm giết hại, đời sau nếu không làm thành hoàng thì sẽ làm thổ địa. Tôi thấy rất nhiều người, nửa ăn chay nửa ăn mặn. Tu học Mật tông lại ăn thịt. Thật rất đau lòng vì hoàn toàn trái ngược với tâm từ bi. Mạnh Tử nói:

- Nghe âm thanh, không nhẫn ăn thịt của chúng.

Mạnh Tử còn nói như thế, huống hồ gì chúng ta đã là Phật Tử! Cướp giựt sanh mạng của loài vật để thỏa lòng mình sao? Miệng chỉ hưởng được chút ít vị ngon, mà tạo vô biên nghiệp ác. Gì là giữ và gì là xả? Gì là nhẹ và gì là nặng? Tôi thấy không ít các người Thích Tử xuất gia thường ăn thịt. Miệng mồm tôi không được hay, nên mỗi lần thấy những việc như thế thì không thể chẳng nói được. Xin quý vị hãy cố gắng tu hành!

VII. Khai thị tại chùa Kiềm Minh, Quý Dương, vào mồng một tháng hai, năm 1943

Hư Vân tôi lại y theo lời thỉnh mời của thủ tướng chánh phủ cùng quý đại cư sĩ để đến đây giảng thuyết và chủ trì pháp hội Đại Bi Hộ Quốc Tiêu Tai. Vì thời gian có hạn, nên không thể đến các đạo tràng khác bái kiến vấn đáp. Xin hãy niệm tình bỏ qua!

Quý vị đều là các bậc thượng tọa tu hành lâu năm. đối với Phật pháp đã từng nghiên cứu tu học thâm sâu, đâu cần nghe nhiều lời của tôi. Tuy nhiên, vì quý vị nhất định muốn tôi ra thuyết giảng, nên không thể chẳng nói vài lời.

Hiện tại, các nước trên thế giới đang gây chiến tranh, giết hại lẫn nhau. Nhân dân đang sống trong cảnh dầu sôi lửa bỏng. Vì vậy nói: "Nhân dân không biết nương đâu mà sống".

Nơi đây may mắn có hòa thượng Quảng Diệu đang hoằng dương Phật pháp, độ khắp chúng sanh.
Hôm nay, Hư Vân tôi cùng quý vị hợp mặt tại chánh điện này thật chẳng phải là nhân duyên ngẫu nhiên. Tuy nhiên, bất quá Hư Vân tôi chỉ lớn tuổi hơn quý vị đôi chút, còn những việc khác thì chẳng hay ho chút nào.

Sau khi thành lập Dân Quốc, chánh phủ vốn đã chấp thuận cho tự do tín ngưỡng. Lời di chúc của Quốc Phụ (Tôn Trung Sơn) đã được ban bố rõ ràng. Nhận thấy những tôn giáo khác như Thiên Chúa giáo, Gia Tô giáo, Hồi Giáo đều được chánh phủ bảo hộ. Tuy nhiên, việc phá chùa đuổi tăng lại xảy ra trong toàn quốc. Bị oan ức, sao chẳng có nơi giải bày? Việc này quý vị hãy suy nghĩ đôi chút. Họ phá chùa đuổi tăng cố nhiên là không đúng. Nhưng vì vật tự thúi rữa, nên mới sanh ra trùng. Hiện tại, các Phật tử phần nhiều bỏ bê trách nhiệm, không biết rằng nếu là người Phật tử thì phải luôn làm Phật sự. Phật sự là gì? Phật sự tức giới định huệ, là việc mà Phật tử phải tu hành. Nếu nhận chân tu trì, thì tự nhiên sẽ biết cách cảm hóa bọn ác ma, chuyển chúng thành những người hộ trì Phật pháp.

Ngày nay, các tăng ni phạm luật pháp thế gian, khiến làm lụy đến chư Phật. Chánh quyền chiếm chùa miếu, đuổi tăng ni. Họ không biết chùa chiền đâu có can hệ chi với những tăng ni bất hảo! Một đảng viên bất hảo, đâu có can hệ gì với toàn đảng. Nếu một tăng ni bất hảo thì đi phá chùa chiền, còn nếu một đảng viên bất hảo thì có nên hủy diệt toàn đảng không? Lý này, tôi hy vọng mọi người đều nên hiểu rõ. Mọi người hãy giúp một tay, lật đổ bồn cát này. Chớ nên bảo người Quý Châu chỉ lo Phật pháp ở Quý Châu. Phải nên biết Phật giáo là một hợp nhất. Mọi người không nên phân biệt oán thù hay thân thuộc, như đất chẳng phân biệt biên cương. Phải nên vì chủ nghĩa đại đồng chân chánh. Phải tự nhớ rằng sanh tử là việc lớn. Từ văn tư tu, nhập tam ma địa. Mọi người phải tự tinh tấn tiến bước. Chớ để một đời trôi qua vô ích.