Chương I. Duyên
Kỳ Ngộ
Nên có
hay chăng một cuộc đối thoại giữa Khoa học và Phật giáo? Để biết được điều này
cần phải xác định rõ ràng hai lãnh vực học hỏi của hai luồng tư tưởng khác nhau
và thử xem Phật giáo có thể đem lại một đóng góp giá trị nào vào những thiếu
sót mà Khoa học chưa giải thích được. Những thiếu sót này đa phần thuộc về đạo
đức, sự cải tạo tâm thức con người và về sự khả dĩ đưa con người đến một thành
tựu tâm linh thật sự. Phật giáo luôn chú ý đến nhiều vấn đề liên quan đến khoa
vật lý đương đại. Khoa vật lý có đem đến cho Phật giáo những đóng góp gì trong
việc khám phá ra thực tại?
Matthieu: Bạn đã trải qua một cuộc
hành trình rất ấn tượng để trở thành một nhà vật lý thiên văn ở Hoa Kỳ. Điều gì
đã khiến bạn chú ý đến khoa học?
Thuận: Những năm 60 có thể được xem là
thời kỳ vàng son của ngành vật lý thiên văn. Ánh sáng hóa thạch (nhiệt năng còn
sót lại sau Big Bang) và các quasars (các ngôi sao rất sáng ở ngoài bìa vũ trụ
có thể phát đi năng lượng bằng cả một thiên hà và có một khối lượng tương đương
với Thái dương hệ) vừa mới được khám phá. Khi tôi vừa đến Mỹ, công cuộc khám
phá Thái dương hệ bằng các con tàu vũ trụ đang bộc phát nhộn nhịp. Tôi còn nhớ
sự ngạc nhiên sững sờ trước những hình ảnh đầu tiên của sao Hỏa được truyền về
trái đất bởi con tàu Mariner trên màn hình lớp học của chúng tôi. Những hình
ảnh về sa mạc cằn cỗi ở sao Hỏa cho nhân loại biết rằng không có đời sống tinh
thần ở đó: những kênh đào mà các nhà thiên văn ở thế kỷ 19 tưởng đã nhìn thấy
chỉ là những ảo ảnh được tạo nên bởi những bão cát. Giữa sự rộn ràng đó, tôi
không thể không trở thành nhà Vật lý thiên văn được. Từ đó, tôi không ngớt quan
sát vũ trụ bằng những viễn vọng kính tối tân nhất trên mặt đất hay trên các quỹ
đạo trong không gian và suy nghĩ về bản thể của vũ trụ, về nguồn gốc của nó.
Còn bạn, điều gì đã làm bạn
không hài lòng về sự nghiệp khoa học của bạn. Từ bỏ một phòng thí nghiệm sinh
học để đến tu viện Tây Tạng ở Nepal,
xét ra cũng là một điều không bình thường.
Matthieu: Với tôi, sự việc đã diễn
tiến theo một trình tự bình thường. Tôi luôn luôn ra sức tìm hiểu về ý nghĩa
của cuộc sống. Tôi làm việc này việc nọ, theo đuổi bất cứ cái gì làm tôi thích
thú trong khi vẫn cố gắng không hoang phí một giây phút nào của đời sống quý
giá này. Tôi đã được cái may mắn lớn: sống nhiều năm bên cạnh những nhân vật
đặc biệt. Đó là khoảng thời gian tôi có một kinh nghiệm tuy đơn giản nhưng rất
sâu sắc mà tôi không thể nào diễn tả được. Người ta có thể nhận ra một sự hoàn
hảo về nhân cách cũng như tâm linh, tuy nhiên ta không thể diễn tả bằng những
lời thông thường được như: sự minh triết, kiến thức, lòng nhân ái, nét quí
phái, đơn giản, khắt khe hay chân thật. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất cho mỗi
người là hoàn toàn để tâm đừng chậm trễ nữa cho điều ta muốn làm trong cuộc
sống. Dù là công việc tìm kiếm khoa học rất hấp dẫn, tôi có cảm giác chỉ đem
lại một điểm màu đỏ trong một bức điểm họa mà không biết kết quả sẽ ra sao.
Điều này có đáng để tôi dồn hết tâm lực, trong khi còn biết bao nhiêu điều khác
mà cuộc sống dành cho tôi? Trong khi đó, sự khởi đầu mục tiêu đề ra, phương
tiện vận dụng và những trở ngại phải vượt qua trong tôn giáo rất rõ ràng minh
bạch, chỉ cần rà soát lại nội tâm là nhận ra: ta thường xuyên vị kỷ (chấp ngã)
và sự vị kỷ đó bắt nguồn từ vô minh đã che lấp đi bản thể thật sự của chính ta
và của thế giới. Và sự vô minh này là đầu nguồn của sự đau khổ chính ta và
người khác, mà công việc cấp bách nhất của con người là phải tìm cách chấm dứt
đau khổ. Phương pháp đi đến đó là phải vun trồng tình yêu và lòng bi mẫn, cắt
đứt gốc vô minh bằng cách đi theo con đường giác ngộ mà ta nhận biết qua năm
tháng hành trì, một sự chuyển hóa nội tâm đem đến niềm vui hiếm có, không còn
bóng dáng của hy vọng và sợ hãi đồng thời không ngớt nuôi dưỡng lòng nhiệt
thành của tôi.
Thuận: Thế tại sao bạn lại muốn đối
thoại với một nhà khoa học?
Matthieu: Tìm hiểu bản thể của thực
tại là công việc quan trọng nhất của người phật tử và cả của nhà khoa học.
Thuận: Công việc của tôi là luôn luôn
tự hỏi về các khái niệm thực tại, vật chất, thời gian và không gian. Mỗi khi
tôi phải đối mặt với những khái niệm ấy, tôi không khỏi tự hỏi Phật giáo quan
niệm thế nào về vấn đề ấy, thực tại nắm bắt một cách hợp lý có giống như thực
tại diễn tả qua thiền định. Hai quan điểm ấy có gặp nhau không, hay trái ngược
nhau và không cùng chung một nhận thức? Vì không nghiên cứu các bản văn Phật
giáo, tôi không có dữ kiện để đáp ứng những suy nghĩ này.
Matthieu: Có đúng là đằng sau cái
vẻ bên ngoài của hiện tượng, có một thực tại sinh động không? Nguồn gốc của thế
giới hiện tượng là gì? Liên hệ giữa hữu tri và vô tri như thế nào? Thời gian,
không gian và các quy luật thiên nhiên có thật sự có hay không? Từ 2500 năm nay
có những nhà siêu hình Phật giáo, đầy dẫy các tác phẩm luận lý, nhận thức, phân
tích thực tại ở các tầng bậc và nhiều điểm luận tâm lý nghiên cứu rất chi tiết
về các sự kiện tâm thức và các khía cạnh tinh thần khác.
Thuận: Bạn trình bày Phật giáo như một
khoa học tâm linh? Phải chăng là một khoa học giống như mọi khoa học thiên nhiên
đặt trên nền tảng quan sát và đo đạc diễn tả theo toán học?
Matthieu: Sự xác thực của một khoa
học không nhất thiết phải tùy thuộc vào những đo đạc vật lý hay những phương
trình toán học rắc rối. Một giả thiết có thể được kiểm chứng bởi một cuộc trải nghiệm
nội tâm mà không mất đi giá trị. Phương pháp Phật giáo bắt đầu bằng việc phân
tích và thường xuyên nhờ đến những kinh nghiệm tư tưởng không thể chối cãi được
về mặt quan điểm, dù rằng không thể chứng nghiệm trên thực tế được. Đó cũng là
cách dùng rất thường trong khoa học.
Thuận: Đúng vậy. Những kinh nghiệm đơn
thuần bằng tư tưởng thật ra rất lợi ích cho khoa vật lý. Chúng luôn luôn được
Einstein cũng như những nhà vật lý tầm cỡ khác sử dụng, không những để chứng
minh những nguyên tắc vật lý, mà còn được dùng để làm rõ những kết quả trái
ngược trong công việc giải thích một vài tình huống vật lý. Einstein đã tưởng
tượng là ông ta đang cởi trên một hạt ánh sáng, còn để suy gẫm về lực hấp dẫn,
ông đã hình dung đứng trong một thang máy đang rơi tự do trong khoảng không.
Tôi nghĩ rằng khoa vật lý đương đại với những khám phá và những vấn đề siêu
hình không thể tránh được, đã tìm thấy trong Phật giáo cũng như trong các tôn
giáo và các triết lý khác những câu trả lời vọng lại bất ngờ. Nhưng tại sao
Phật giáo lại chú ý đến khoa học hiện đại đặc biệt khoa vật lý và khoa vật lý
thiên văn trong khi nó không mấy thích thú về khoa học kỹ thuật?
Matthieu: Mối bận tâm lớn của Phật
giáo không phải là khoa học hiện đại, nhưng nó chú tâm đến, vì lẽ trong việc
tìm hiểu thực tại, nó đã từng đặt ra những câu hỏi tương tự với khoa vật lý
đương đại. Những hạt độc lập không thể chia rẽ được có thể dùng như những viên
gạch để xây dựng thế giới vĩ mô không? Những hạt này có chăng một bản thể tối
hậu hay chúng chỉ là sản phẩm của tinh thần? Những quy luật vật lý tự chúng
hiện hữu giống như tư tưởng của Platon không?
Phật giáo xem sự tương thuộc các
hiện tượng như là sự diễn tả thích hợp nhất về các hiện tượng. Tuy nhiên quan
niệm về sự toàn nguyên có từ thời Niels Bohr và Heisenberg, cha đẻ của vật lý
lượng tử phiến diện, đã được trắc nghiệm trong vòng 20 năm sau này. Quan niệm
toàn nguyên này là một khám phá căn bản của nền vật lý đương đại. Không phóng
đại về những điểm tương đồng phiến diện, sự tìm hiểu về những khác biệt và những
điểm giống nhau giữa khoa học và Phật giáo có thể giúp chúng ta hiểu sâu hơn về
những khía cạnh đặc biệt trong việc tìm hiểu thế gian. Phật giáo đặt nền tảng
trong một cuộc trắc nghiệm trực tiếp chứ không gò bó trong các giáo điều. Phật
giáo sẵn sàng chấp nhận mọi nhận thức về thực tại có đầy đủ tiêu chuẩn của thực
tại thật sự. Đức Phật dặn dò các đệ tử hãy tránh xa những luận điệu đòi hỏi một
niềm tin mù quáng và giáo điều: “Hãy đánh giá những điều ta dạy giống như các
ngươi đi tìm vàng trong quặng bằng cách chà xát nó bằng cách đổ, đập vỡ tan nó
hay làm nó chảy thành nước. Không nên chấp nhận những lời nói của ta vì nể
trọng ta”. Vậy là không nên tin mà nên hiểu. Chỉ tích lũy kiến thức thôi thì
không đủ. Thầy tôi, Khientsé Rintoché nói rằng: “Nếu chúng ta chỉ đi lượm lặt
kiến thức để trở nên quyền thế hoặc nổi danh, chúng ta ở trong cùng trạng thái
một ca sĩ chỉ biết hát để nhận của bố thí. Kiến thức ấy không ích gì cho chúng
ta cũng như cho kẻ khác. Một câu tục ngữ đã nói: “Càng biết nhiều, càng kiêu căng”.
Làm thế nào ta giúp đỡ kẻ khác trước khi đoạn dứt được tư tưởng tiêu cực trong
ta? Nuôi dưỡng một hoài bão ngông cuồng như vậy là một điều nực cười cũng giống
như một kẻ ăn mày đi mời cả làng dự tiệc”
Những dấu hiệu thành tựu đời
sống tâm linh rất nhiều nhưng quan trọng hơn cả là sau một thời gian vài tháng
hay vài năm, lòng ích kỷ của chúng ta bớt dần đi và tính vị tha mỗi ngày một
phát triển. Nếu sự luyến ái, hận thù, kiêu mạn và ganh tị vẫn như trước kia thì
chúng ta đã mất thời giờ vô ích, chúng ta đánh lừa mình như đánh lừa kẻ khác.
Trái lại những kiến thức khoa học giúp ta đối phó với cuộc đời một cách tích
cực hay tiêu cực, nhưng lại tương đối ít có ảnh hưởng với con người chúng ta.
Rõ ràng là kiến thức khoa học không có dính dáng gì đến lòng nhân ái hay vị tha
và vì thế nó không có giá trị đạo đức. Chúng ta cần đến thiền định. Tâm mới tìm
hiểu được tâm, để có thể giải tỏa những ảo tưởng căn bản, nguồn gốc của đau khổ
của ta và người.
Thuận: Tôi thường nghĩ rằng điều đầu
tiên của Đức Phật giảng dạy là một triết lý thực dụng: Mục đích chính của đời
sống con người là tự mình mỗi ngày một cải tiến mà không thèm nghĩ đến việc vũ
trụ được tạo dựng như thế nào và vật chất được cấu thành ra sao.
Matthieu: Khi có người hỏi vì tò mò
về sự khởi nguyên của vũ trụ và những điều khác không liên quan đến tiến bộ tâm
linh, Đức Phật đã giữ yên lặng không trả lời. Phật giáo chú trọng nhất đến sự
giác ngộ và thiết lập một hệ thống tư tưởng để đưa con người đến đó, và không
quan tâm mấy đến những kiến thức không đưa đến sự giác ngộ dù rằng nó rất đáng
được xem xét.
Thuận: Phật giáo quan niệm sự giác ngộ
như thế nào?
Matthieu: Một sự nhận thức về bản
thể tối hậu các sự vật và lòng từ bi không bờ bến. Một sự nhận thức không phải
như bên Khoa học gồm sự tích lũy kiến giải, mà là một sự hiểu biết về hiện
trạng tương đối giữa các vật cùng bản thể thật sự của chúng. Sự hiểu biết này
đưa đến sự chấm dứt vô minh. Nói về vô minh, Phật giáo cho rằng không phải vì
thiếu hiểu biết, mà là nhận thức sai lầm về thực tại khiến chúng ta tin rằng sự
vật là thường hằng và chắc thật, rằng cái tôi thật sự hiện hữu. Và chính sự vô
minh đó đã đưa chúng ta đến việc xây dựng hạnh phúc của riêng mình trên sự đau
khổ của người khác. Chúng ta chỉ chú tâm về bản thân mình, về cái tự ngã, và
chúng ta ghét bỏ mọi điều khác đi ngược lại cái ngã của chúng ta. Dần dần sự
suy nghĩ của chúng ta đưa đến sự mờ mịt trong tâm trí và dẫn chúng ta đến với
những hành động ích kỷ. Vô minh kéo dài và sự bình an biến mất.
Do vậy mà giác ngộ là liều thuốc
giải độc cuối cùng của sự đau khổ và việc tìm hiểu độ sáng các vì sao hay
khoảng cách giữa chúng không đem lại lợi ích thiết thực nào cho con người chúng
ta.
Thuận: Đúng là nhận xét đó đã khiến tôi
nghĩ rằng Phật giáo gạt sang một bên những kiến thức không cần thiết cho sự
tiến bộ đạo đức về tâm linh của chúng ta cũng như trong lối sống của chúng ta.
Như thế hiểu biết về sự khởi đầu của vũ trụ hay bản chất của thời gian có giúp
ích gì cho chúng ta đến được Niết bàn không?
Matthieu: Người ta kể lại trường
hợp một người nọ hỏi Đức Phật nhiều vấn đề về vũ trụ học. Đức Phật bứt một nắm
lá trong lòng bàn tay và hỏi rằng: “Lá trong lòng bàn tay là nhiều hay lá trong
rừng nhiều hơn?” Dĩ nhiên là lá trong rừng nhiều hơn rất nhiều và Đức Phật đã
dạy: “Những điều Ta biết có thể sánh với lá trong rừng, nhưng những gì Ta dạy
có thể ví như nắm lá trong lòng bàn tay Ta, chúng chỉ có mục đích chấm dứt đau
khổ con người mà thôi”. Nếu điều ta cần nhất trong cuộc đời này là đi tới sự
giác ngộ thì tốt hơn hết là để toàn tâm toàn ý tới vấn đề này. Từ mẩu truyện
trên ta thấy rằng muốn chấm dứt vô minh, cần hiểu thật rốt ráo bản thể của thế
giới hiện tượng và cả cái tôi, điều mà ta gọi tắt là thực tại. Vì thế Đức Phật
đã lấy chủ đề này làm cốt lõi cho việc giáo hóa của Ngài. Ngài bác bỏ ý niệm
một nguyên nhân đầu tiên và độc nhất cho thế giới hiện tượng. Ngài nhấn mạnh
đến sự khác biệt giữa nhận thức của chúng ta về các hiện tượng, về bản thể thật
sự của chúng ta và những hậu quả tai hại cho sự sai lầm này. Thấy trong bóng
tối một sợi dây mà ta tưởng lầm là con rắn làm ta sợ hãi vô lối và khi ánh sáng
bừng lên ta nhận ra sự sai lầm thì sự sợ hãi của ta không còn. Theo Phật giáo
thì cả thế giới hiện tượng và “cái tôi” đều không có thực thể, sự phân biệt
giữa ta và người chỉ là một ảo giác. Đây là điều mà Phật giáo gọi là “Tánh
không”.
Mặt khác, muốn tìm được nguyên
nhân đầu tiên cho các hiện tượng, chỉ là muốn cho chúng một thực thể, một thực
tại chắc thật theo đúng nhận thức thông thường của chúng ta. Ý niệm nguyên nhân
đầu tiên đã áp đảo tư tưởng tôn giáo, triết lý và khoa học Tây phương suốt hai
thiên niên kỷ.
Thuận: Đúng thế! Cho đến thế kỷ thứ 19,
Khoa học cổ điển quan niệm sự vật như có thực thể và chịu sự điều hành của luật
Nhân quả. Sự khám phá ra cơ học lượng tử vào đầu thế kỷ 20 đã làm thay đổi ý
niệm về luật Nhân quả. Nhưng quan niệm của Phật giáo về “Tánh không” có làm cho
người ta nghĩ đến hư vô chủ nghĩa không? Vì lẽ vạn vật làm thế nào để hoạt động
nếu chúng trống rỗng?
Matthieu: Khi Phật giáo dạy “Tánh
không” là bản thể tối hậu của vạn vật, là Đức Phật muốn nói rằng mọi hiện tượng
đều không có tự tính và không thường hằng. “Tánh không” như vậy không phải là
thứ thực thể độc lập. Đó là bản thể sau cùng của vạn vật khi chúng được phân
tích đến cùng cực. Trong mọi trường hợp, không phải là hư vô, là sự vắng bóng
các hiện tượng như các nhà bình luận Phật giáo Tây phương đã nghĩ. Để tránh mọi
sự hiểu lầm, Đức Phật đã cẩn thận nói đến “cái không của cái không”. Thật vậy
những quan niệm về hiện hữu hay không hiện hữu chỉ có giá trị khi được đối
chiếu với nhau. Nếu không giải thích được sự thực, sự hiện hữu, thì nói về
không hiện hữu quả là vô lý. Vì thế triết lý Phật giáo chú tâm phân tích sự
hiện hữu và không hiện hữu những hạt vật chất và từng sát na tinh thần, và nhận
thức được bản thể của tinh thần, cũng như các hiện tượng là ta có thể thoát
khổ.
Thuận: Điểm sau cùng này nêu lên một
câu hỏi mà tôi cảm thấy khá rắc rối trong lãnh vực khoa học. Như bạn đã biết,
tôi vào Caltech năm 19 tuổi, khi đó Caltech là đỉnh cao khoa học thế giới.
Người ta có thể gặp ở đó những gương mặt lớn trong giới khoa học, giải Nobel
hay viện sĩ Hàn lâm Khoa học. Tôi nghĩ rất ngây thơ rằng, với tài năng và óc
sáng tạo, họ là những con người ưu việt trên mọi mặt của đời sống. Tôi đã thất
vọng não nề: Ta có thể là một nhà khoa học tầm cỡ, một thiên tài nhưng vẫn là
một con người xấu xa trong xã hội đời thường. Sự trái ngược này làm tôi choáng
váng. Tôi cứ nghĩ rằng Phật giáo hay các tôn giáo khác có thể bổ sung cho khoa
học về mặt đạo đức.
Lịch sử các khoa học đầy dẫy những
mẩu truyện về các nhà khoa học lớn, lại tỏ ra rất tầm thường trong các cuộc
giao tiếp. Ví dụ như Newton
cùng với Einstein đã là các nhà vật lý vĩ đại của mọi thời đại. Newton đã ngự trị như là
một bạo chúa trong xã hội hoàng gia Anh quốc, đã nhầm lẫn khi tố cáo Leibniz
chiếm đoạt khám phá của ông ta về toán vi tích phân, trong khi chính Leibniz đã
tự tìm ra môn toán học này. Tệ hơn là ông ta đã làm nhục John Flamsteed- nhà
thiên văn học người Anh. Còn Philipplenard và Johannes Stark đạt hai giải Nobel
về vật lý đã ủng hộ phát xít Đức và đường lối chính trị chống Do Thái, cho rằng
khoa học Đức vượt trội hơn khoa học Do Thái.
Nhưng thỉnh thoảng, mặc dù rất
ít, có người đã kết nối thiên tài khoa học vào đạo đức. Đó là trường hợp của
Einstein mà tạp chí Times đã tôn vinh như nhân vật vĩ đại nhất thế kỷ 20. Trong
thế chiến thứ I, Einstein trước sự giận dữ của Hoàng đế Đức đã không ngần ngại
ký vào một kháng thư chống chiến tranh. Trước làn sóng phát xít Đức, ông trở
thành một người Do Thái tích cực ở Đức, và đã nêu lên vấn đề quyền của người Ả
Rập trong lãnh thổ Do Thái. Di cư sang Mỹ, mặc dù rất yêu chuộng hòa bình,
Einstein lại đi cổ vũ cho một hành động quân sự chống Hitler. Đó là bức thư ông
viết cho Tổng thống Roosevelt mở đầu cho dự án Manhattan để chế tạo quả bom nguyên tử đầu
tiên. Nhưng sau những vụ tàn phá ở Hiroshima và Nagasaki ông lại kêu gọi
cấm sử dụng các loại vũ khí hạt nhân. Ông cũng chống lại chủ nghĩa Mac Carthy
cùng những hình thức cuồng tính và phân biệt chủng tộc khác. Nhưng cũng có
nhiều bóng đen vô hình trong đời sống cá nhân của Einstein. Ông từng là một
người cha vô tình và một người chồng bay bướm. Ông đã ly dị bà vợ đầu tiên và
bỏ bê một đứa con gái suy nhược. Ông đã viết về mình như sau: “Hạng người như
tôi khi đến độ tuổi nào đó, tạo nên một bước ngoặt của cuộc đời, thì họ dần dần
từ bỏ những cái gì thuộc về cá nhân, để chỉ chú tâm vào việc tìm hiểu tạo vật
mà thôi”.
Matthieu: Vấn đề quan trọng không
phải là việc chỉ trích một nhân vật này hay ca tụng một nhân vật nọ mà là sự
tương quan giữa thiên tài khoa học và các giá trị đạo đức. Nhận thức này đặt
lại đúng chỗ vị trí của Khoa học và lợi ích của nó trong đời sống. Những hoạt
động tâm linh với tôi là một cuộc chuyển hóa nội tâm không những bổ sung cho
Khoa học mà còn là một nhu cầu thiết yếu trong đời sống. Công cuộc chuyển hóa
nội tâm không phải là điều dễ dàng dù là người dành hết tâm lực cho nó, còn nếu
lơ là với nó thì rất ít hy vọng thành tựu.
Vài nhà khoa học cho rằng công
việc của họ là khám phá, còn việc sử dụng các phát minh của họ, họ không màng
đến. Một lập trường như vậy có thể gọi là mù quáng hay không có niềm tin. Sự
hiểu biết đưa đến quyền lực, và có quyền lực thì bắt buộc phải có trách nhiệm,
hay chí ít cũng nhận được hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp về các hành động của
mình. Người ta thường thấy những cuộc nghiên cứu khoa học khởi đầu đầy thiện ý,
rồi sau đó rơi vào tay các nhà chính trị, các quân nhân để rồi bị sử dụng một
cách mờ ám. Ta không thể không biết sự pha trộn giữa khoa học, quyền lực và
kinh tế. Tuy nhiên rất ít các nhà khoa học biết nghi ngờ về những sai trái khi
những phát minh của họ được sử dụng. Chỉ khi chuyện đã lỡ, họ có hối cũng đã
muộn như trường hợp những người đã khai sinh ra bom nguyên tử. Còn những người
khác thì ngang nhiên hợp tác để sản xuất ra bom vi trùng và các công cụ giết
người khác.
Thuận: Không thể tha thứ được cho những
nhà khoa học tự nguyện làm việc sản xuất các công cụ giết người. Trong chiến
tranh Việt Nam,
tôi đã hết sức bức xúc khi thấy nhiều khoa bảng giải Nobel tham dự vào “nhóm
Jason”, một ủy ban do Ngũ giác đài thành lập để nghiên cứu và phát triển vũ khí
mới.
Matthieu: Giữa năm 1936 đến 1976,
chính phủ Thụy Điển đã vô sinh hóa 60.000 người mà họ cho rằng thuộc cấp thấp
hèn. Giữa 1932 đến 1972, 400 công nhân Mỹ ở bang Alabama, tất cả đều da đen và
nghèo khổ, được sử dụng để nghiên cứu diễn tiến dài lâu của bệnh giang mai, mà
không hay biết họ là những vật thử nghiệm bởi sở y tế công cộng. Người ta hứa
cho những bệnh nhân sự săn sóc thuốc men miễn phí và vài quyền lợi nhỏ nhoi
khác (như 5000 USD dùng vào việc chôn cất) với điều kiện họ phải thường xuyên
đến cơ sở y tế để xét nghiệm– thực sự họ không được chữa chạy gì cả. Thật ra
chỉ là một cuộc nghiên cứu diễn tiến của bệnh giang mai không chạy chữa do các
bác sĩ và các nhà khoa học đáng kính tiến hành và sau đó công bố kết quả trên
những tập san y học. 28 bệnh nhân đã chết vì chứng bịnh, 100 người khác chết vì
những biến chứng thứ phát, 40 người vợ và 19 trẻ sơ sinh lây nhiễm. Việc nghiên
cứu bị gián đoạn thình lình khi sự việc được phát giác bởi một nhà báo nữ Jean
Heller. Không có một nhân viên nào của sở y tế ngỏ lời xin lỗi, không có một
bác sĩ nào bị truy tố. Chỉ có một sự đền bù nhỏ được dành cho các nạn nhân và
chỉ đến năm 1997 Tổng thống Bill Clinton mới đưa ra lời xin lỗi nhân danh dân
tộc Hoa Kỳ.
Năm 1978, Bác sĩ Hisato
Yoshimura đã nhận được huy chương cao quý nhất của Nhật Bản để tưởng thưởng cho
công cuộc nghiên cứu của ông về khoa học “Thích nghi với môi trường”. Trong thế
chiến thứ II, bác sĩ Yoshimura là trưởng đơn vị 731 chuyên trách về các cuộc
thí nghiệm trên tù binh đồng minh và Trung Quốc. Việc nghiên cứu thích nghi với
môi trường của ông là thảy các tù nhân xuống nước băng giá, rồi sau đó đập họ
bằng búa để xem đến khi nào các chi của họ bắt đầu đông cứng. Những thí nghiệm
khác gồm việc phân phát cho trẻ em Trung Quốc những thỏi chocolate có nhiễm
khuẩn bệnh than để xem bao lâu thì các em đó chết.
Những ví dụ đó là ngoại lệ so
với các cố gắng to lớn của khoa học để làm cho đời sống của nhân loại được tốt
hơn.
Thuận: Tôi thật sự bị thuyết phục là
các nhà khoa học không nên dửng dưng với kết quả của các công trình của mình.
Họ cần nhận lấy trách nhiệm nhất là trong trường hợp các quân nhân, các nhà
chính trị, các thương gia sử dụng các phát minh của họ để gây ra chiến tranh
hoặc củng cố quyền lực và kiếm được nhiều tiền bằng cách lợi dụng những người
nghèo, hay hủy hoại môi trường chung quanh.
Matthieu: Việc buôn bán vũ khí là
hình thức đạo đức giả ghê tởm nhất của các nước giàu. 95% vũ khí toàn cầu được
sản xuất và bán ra bởi năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp
quốc. Ở đây, đạo đức và tinh thần trách nhiệm đã hoàn toàn thất bại. Cũng cùng
trong một chiều hướng đó, là sự hoang phí tài nguyên của các nước giàu. Chỉ cần
6 tỷ mỹ kim để đảm bảo một nền giáo dục cơ bản cho toàn cầu, nhưng mỗi năm,
người ta bỏ ra 12 tỷ để mua nước hoa, 400 tỷ để tiêu thụ ma túy và 700 tỷ cho
các chi tiêu quân sự.
Thuận: Tuy nhiên người ta không thể
trách cứ công cuộc nghiên cứu khoa học do các sai lầm đó, cũng không thể đổ lỗi
cho trí thông minh của loài người. Cả hai chỉ là những công cụ.
Matthieu: Thật vậy, việc sử dụng
tai hại các công trình khoa học chỉ phản ánh sự nhu nhược của đạo lý. Nhưng đó
không phải là một lời xin lỗi. Dù rằng nhiều áp dụng khoa học đã được dân chúng
nồng nhiệt hoan nghênh như trường hợp của Di truyền học và Năng lượng hạt nhân,
đạo đức không phải là điều cần quan tâm nhất của mỗi người. Một ví dụ rất thời
sự là câu chuyện của công ty dược Glaxo đã dọa đưa các chính phủ Nam Phi và
Thái Lan ra tòa nếu các nước này sản xuất ra 3 loại thuốc dùng để trị bệnh Sida
với giá rẻ. Glaxo không muốn cho hằng triệu người có thể sống thêm vài năm nữa.
Đây là một loại chối bỏ lòng nhân đạo một cách tủi hổ và phũ phàng nhất. Tuy
nhiên công cuộc chống Sida không thiếu phần tài trợ, và nếu để cho các nước
nghèo sản xuất thuốc đặc trị aid đó thì cũng không thay đổi bao nhiêu doanh số
của công ty Glaxo vì dù sao các bệnh nhân ở Á và Phi Châu cũng không có tiền để
mua sản phẩm của Mỹ. Ở Nepal nơi tôi sống, theo các số liệu không chính thức,
5% dân chúng bị nhiễm virus HIV, nhưng có một ai được chữa bằng các thuốc đặc
trị? Các thuốc này không được nhập vào Nepal. Việc chữa chạy bằng các loại
thuốc của Glaxo tốn hàng tháng khoảng 3500 quan trong khi lương trung bình của
một anh công chức là 350 quan. Tôi có thể suy ra sự buồn chán của các nhà khoa
học chân chính trước những sự buôn bán não lòng đó. Đơn giản là việc không muốn
giúp đỡ những người cùng khổ mà thôi.
Đây là một kinh nghiệm trực tiếp
thay vì những lý thuyết đạo đức suông. Kinh nghiệm này có được nhờ vào sự chú
tâm thường xuyên đến tư tưởng của chúng ta. Tâm của chúng ta giống như một cục
thủy tinh có màu sắc tùy theo nơi mà chúng ta đặt nó. Nó hoàn toàn trung tính
và chỉ những tư tưởng chi phối hành động của chúng ta. Công cuộc vận động của
Phật giáo rất thực tế. Việc nghiên cứu khoa học đem đến cho ta nhiều kiến thức
mới, nhưng nó không đem lại một thay đổi nào cho nội tâm chúng ta. Trái lại
thiền định cuối cùng sẽ đem lại sự thay đổi sâu xa thái độ của chúng ta về nhận
thức cuộc đời. Phải tác động lên nó như thế nào? Chỉ biết thôi chưa đủ, ví dụ
như trong cơ học lượng tử cho rằng tâm thức của chúng ta không thể tách rời ra
sự toàn nguyên các hiện tượng, mà cần phải trải nghiệm bản thân rằng thật sự
tâm thức của chúng ta thuộc về sự toàn nguyên đó. Đi từ một nhận thức lý thuyết
đến một sự trải nghiệm trực tiếp là chìa khóa của mọi vấn đề đạo đức, chỉ có
thể đem lại những kết quả phù phiếm. Khi mà đạo đức là chủ thể, thì nó sẽ biểu
lộ ra tư tưởng lời nói, hành động của chúng ta và đồng thời ảnh hưởng đến nhiều
người khác.
Thuận: Như vậy là một sự cân bằng giữa
lý thuyết và sống thực?
Matthieu: Đúng thế và điều này cho
thấy giá trị của cuộc trải nghiệm. Biết được sự tương thuộc các hiện tượng
không đủ, chúng ta cần phải thâm nhập điều này mà nhờ thế đời sống của chúng ta
phải thay đổi.
Một thí dụ điển hình khác là sự
bất lực hoàn toàn của các chính phủ trong việc hạn chế các loại ga gây ô nhiễm
không khí, dù rằng ai cũng biết đời sống nhân loại bị ảnh hưởng trầm trọng. Chỉ
có một sự quyết tâm toàn cầu mới có thể ngăn chặn được tệ nạn này. Có lẽ vì
thế, một cuộc vận động tâm linh không giáo điều của Phật giáo có thể đóng góp
hữu hiệu.
Thuận: Bằng cách nào?
Matthieu: Với từ “không giáo điều”,
tôi muốn nói đến một sự vận động để chống lại sự tiến bộ và trở về đời sống
hoang dã, cũng không phải tin tưởng ngây thơ rằng sự tiến bộ với sự tăng trưởng
kinh tế và thành tựu kỹ thuật có thật sự cần thiết cho sự sống hạnh phúc của
chúng ta. Nếu mục đích của chúng ta chỉ là để sống thoải mái hơn thì có nhiều
điều thực ra không cần thiết mà chúng ta không cần quan tâm đến. Việc phân tích
các cơ chế hạnh phúc và đau khổ của Phật giáo đã chỉ ra rất rõ ràng những kết
quả trái ngược giữa ích kỷ và vị tha.
Thuận: Nhưng làm thế nào mà điều này
lại đem đến đạo lý?
Matthieu: Thật ra căn bản về đạo lý
rất đơn giản: không có tốt hay xấu trong con người chúng ta, chỉ có hạnh phúc
hay đau khổ cho ta hay cho người mà thôi. Nếu ta làm nảy sinh trong ta những
tình cảm vị tha, chúng ta luôn bận tâm để làm đẹp lòng người khác thì lòng vị
tha đó sẽ là người hướng dẫn tốt cho những hành động của chúng ta. Đối diện
hằng ngày với cuộc sống, chúng ta sẽ dễ dàng nhận định những hành động nào đem
lại lợi ích và giảm thiểu đau khổ cho người khác. Người Phật tử thuần thành
biết rằng khi hiểu ra sự tương thuộc cũng như sự vô thường của vạn hữu thì sẽ
phát sinh lòng từ bi vô hạn. Những ai đã được gặp và sống gần Đức Đạt Lai Lạt
Ma sẽ hiểu thế nào là tâm từ bi hơn gấp trăm lần các cuộc diễn giảng. Còn nói
về phương pháp thực hiện, nó phải tuần tự. Đầu tiên là phải nghe và học, sau đó
là tư duy miên mật và sau cùng, nhờ vào thiền định ta sẽ có một nhận thức mới
về các hiện tượng và thay đổi cách hành động của ta. Xã hội chúng ta có rất ít
nhà hiền triết. Chúng ta có nhiều hội đoàn đạo đức gồm có nhiều tư tưởng gia
trác việt, nhưng trong xã hội Tây Tạng nơi tôi đang sống, không có việc đưa vào
các hội đoàn đạo đức ấy những nhân vật không có những đức tính về mọi mặt mà
không ai có thể chối cãi được. Người ta không tưởng tượng nổi những vị thầy
tinh thần mà lại nóng nảy, ích kỷ, kiêu căng hay là những người cha xấu. Không
một ai có thể nhờ họ tư vấn về bất cứ điều gì.
Thuận:
Theo tôi, nhà khoa học không nên đi vào lĩnh vực
nghiên cứu trước khi cân nhắc kỹ những hậu quả đạo đức. Những tiêu chuẩn đạo
đức ấy phải như thế nào? Tôi nghĩ cũng như bạn, quan trọng hơn cả là lòng vị
tha và tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng mà Phật giáo đã đề cập. Nhà khoa
học cần phải làm thế nào để không tạo thêm đau khổ cho nhân loại. Nhưng nói dễ,
làm rất khó vì nhà khoa học không dễ dàng tiên đoán hậu quả công việc của mình.
Lấy ví dụ như Einstein, khi khám phá ra sự cân bằng giữa vật chất và năng
lượng, ông không hề nghĩ đến việc khám phá đó sẽ đưa đến việc chế tạo ra bom
nguyên tử. Một ví dụ khác là sự sinh sản vô tính của chú cừu Dolly. Vấn đề
không phải ở chỗ di truyền học hay vật lý nguyên tử, nhưng là việc sử dụng khám
phá mới này. Năm 1952, Adlai Stevenson nguyên ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ, đã
nói: “Thiên nhiên thì trung tính. Con người đã chiếm đoạt của thiên nhiên cái
quyền năng làm cho cuộc đời nở hoa hay tàn lụi”. Khoa học có thể che chở cũng
như hủy diệt đời sống. Mục đích không phải là cấm đoán việc nghiên cứu khoa
học, thật ra là bất khả nhưng là để nhấn mạnh tầm quan trọng của khía cạnh đạo
đức trong công cuộc tìm kiếm khoa học. Vì thế theo Phật giáo, lòng vị tha là
một trong những khía cạnh quan trọng nhất mà người Phật tử cần phát triển.