Thể loại sách khác
Đối Thoại Giữa Khoa Học Và Phật Giáo
Matthieu Ricard – Trịnh Xuân Thuận BS. Hồ Hữu Hưng (dịch) Nhà Xuất Bản Phương Đông
01/09/2554 15:26 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

Chương VII. Nhị Nguyên (Tâm và Vật)

 

 

Tâm là gì? Và nó từ đâu đến? Hiện tượng khó xác định này phải chăng nó đến từ một diễn trình tiến hóa, khi bộ não đã trở nên khá phức tạp? Phải chăng tâm chỉ là phản ánh của những tiến trình vật lý? Ý niệm phân chia tâm và vật có nghĩa gì không? Phật giáo giải quyết vấn đề này như thế nào? Nếu tâm xuất hiện từ vật vô tri, nó có thể tác động gì lên vật? Ta có thể đưa ra lập luận nào để chứng minh có một làn sóng tâm linh hoàn toàn độc lập với thân trong mọi trường hợp?

Thuận: Đa số các nhà sinh học nghĩ rằng trong diễn trình tiến hóa, tâm xuất hiện khi mạng lưới các tế bào thần kinh đạt đến một mức phát triển nào đó? Theo thuyết này thì tâm xuất hiện cũng như sự sống từ vật chất vô tri. Phật giáo có chia sẻ quan điểm này không?

Matthieu: Phật giáo chấp nhận đa số quan niệm của khoa học về lịch sử và tiến hóa của vũ trụ - trừ quan niệm về một cuộc khởi đầu - nhưng Phật giáo có một tầm nhìn khác về bản thể của tâm. Theo Phật giáo, tâm cũng giống như những hiện tượng mà chúng ta cảm nhận được, không có tự tính. Cái tâm hằng ngày của chúng ta chỉ là một chức năng thuộc lĩnh vực tương đối. Phật giáo phân biệt nhiều mức độ về cái tâm: thô, tế và vi tế. Tâm thô thuộc về chức năng sinh hóa của bộ não. Tâm tế là cái tâm có khả năng tự vấn và tự chủ, cũng như liên hệ đến những tình cảm và ham muốn trong quá khứ. Tâm vi tế, nhà Phật gọi là Trí tuệ là cái tâm phát sáng hoàn toàn trong suốt và không liên quan đến bất cứ một vật thể hay một vọng tưởng nào.

Bộ não, thân thể và cả môi trường cung cấp những điều kiện và những trợ duyên để “tâm thô” hoạt động. Nếu không có Thân và Bộ não, thì “tâm thô” và “tâm tế” không hoạt động được. Còn “Tâm vi tế” hay “Trí tuệ” thì khác hẳn. Nó không bị ảnh hưởng của tinh thần, cũng như môi trường. Nó siêu việt lên những vọng tưởng tiêu cực, cũng như tích cực. Nó không bị ảnh hưởng bởi Vô minh hay Niết bàn. Người ta gọi nó là “Tâm bản nguyên”, “Phật Tánh”, “Vô lượng quang”, “Bản thể tối thượng”, “Tỉnh thức”. Cái Tâm Trí huệ này cũng có tính năng sáng tạo. Tuy thế, chúng ta chỉ nên xem những tư tưởng của nó như bắt nguồn từ sự “Tỉnh thức”, còn nếu ngược lại, chúng ta nhận định đó là tư tưởng thật, và riêng biệt của các loại tâm kia, thì chúng ta lại rơi vào Nhị nguyên và Vô minh, như mặt trời tạm thời bị mây che lấp.

Thuận: Nhưng cái tâm trí huệ này từ đâu đến? Có cần đến chăng một tia lửa để cho sự sống bắt đầu và cái tâm hoạt động từ những vật vô tri?

Matthieu: Khái niệm về một tia lửa làm nảy sinh vấn đề cái tâm có một khởi đầu. Nếu đúng như vậy, thì tia lửa này phải đến từ hư không, hay từ Đấng sáng tạo. Và như chúng ta đã biết, Phật giáo bác bỏ cả hai trường hợp này. Hoặc giả nó đến từ vật thể vô tri như các nhà thần kinh sinh học, hay vật lý học đã nghĩ. Trong số này Brian Green đã viết: “Tôi nghĩ rằng tâm là phản ánh của những tiến trình vật lý vi mô rất phức tạp, và diễn tiến thật nhanh chóng. Dù rằng các đặc tính của tâm khác hẳn những thành phần vật chất cấu tạo ra nó, tôi vẫn nghĩ những thành phần này đứng đằng sau nó”. Phật giáo chủ trương rằng Nhân và Quả cần phải có cùng một chất liệu, nhưng nếu Nhân chỉ là một trợ duyên, thì Nhân và Quả có thể có chất liệu khác nhau. Nếu một vật có từ một vật khác hoàn toàn khác hẳn nó, như vậy mọi thứ đều có thể sinh ra từ bất cứ một cái gì. Vì vậy mà trí huệ không thể sinh ra từ vật thể vô tri được và không nhất thiết trong mọi trường hợp, phải tùy thuộc vào một chất liệu vật lý.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã giải thích vấn đề như sau: “Rõ ràng là cái “Tâm thô” tùy thuộc vào chức năng bộ não, ở đây liên hệ nhân quả rất minh bạch. Nhưng đây là câu hỏi làm tôi luôn thắc mắc. Phật giáo cho rằng có hai loại nhân. Loại thứ nhất là loại có chất liệu vật chất, với loại này thì quả cũng có cùng chất liệu. Loại thứ hai chỉ là yếu tố trợ duyên thôi, thì quả có thể khác nhân. Vậy thì nguyên nhân đầu tiên từ cái tâm, và sự liên hệ của nó như thế nào với chức năng của não? Về phương diện thực nghiệm, có hai loại hiện tượng khác nhau: vật chất và tinh thần. Hiện tượng vật chất có vị trí trong không gian có thể đo đạc được, ngược lại các hiện tượng tinh thần không nằm trong không gian, và cũng không đo đạc. Như vậy là hai hiện tượng rất khác nhau. Trong trường hợp đó, nếu một hiện tượng vật lý có thể tác động lên một hiện tượng tinh thần thì e rằng có điều gì đó không phù hợp.

Sự giải thích của Đức Đạt Lai Lạt Ma có thể được minh họa bằng một hình ảnh: cái hạt là chất liệu của mầm, trong khi mặt trời và sự ẩm ướt chỉ là trợ duyên. Lập luận duy vật nhất nguyên cho rằng con người chỉ là một gói tế bào thần kinh và cái tâm chỉ là kết quả của những luồng điện đi ngang qua mạng lưới thần kinh. Bác sĩ Cabanis thế kỷ thứ XVIII nói rằng: “Bộ não tạo ra tư tưởng như lá gan tạo ra chất mật”. Một vài nhà sinh học thần kinh thì cho rằng do tác động hỗ tương của thân và môi trường chung quanh, nên cái tâm mới nảy sinh. Không chấp nhận lập trường này, vậy Phật giáo có đi theo thuyết Nhị Nguyên của Descartes cho rằng có hai thành phần riêng biệt là Tâm và Vật không? Theo Descartes, cái Tâm không thể định vị trong không gian và không thể chia chẻ được. Ngược lại vật chất không có Tâm, nhưng có kích thước vì thế có thể chia chẻ được. Như vậy con người có hai bản thể: nó biết suy tư và cái suy tư ấy phải nhờ cái thân mới thể hiện được.

Matthieu: Quan niệm Phật giáo hoàn toàn khác hẳn thuyết Nhị nguyên của Descartes. Phật giáo cho rằng “Tâm và Vật” chỉ khác nhau trên quy ước vì trong bản thể chúng là một và không có tự tính. Nếu cái tâm có tự tính, nó không thể tự soi rọi được cũng như một con dao không thể tự cắt được. Khi chúng ta biết rằng ta đang nghĩ đến một bông hoa, cái tâm của ta không thể tự biết, mà ta biết nhờ vào hình ảnh hiện ra trong tâm. Nhưng trong trường hợp trí huệ mà ta gọi là cái tâm Vô lượng quang có khả năng tự biết, siêu việt lên nhị nguyên Người -Vật. Một trong những đặc tính của trí tuệ là luôn luôn tỉnh thức, không nhị nguyên, biểu hiện bằng cái nhận thức tức thì, mà không cần đến tư tưởng. Thuyết Nhị nguyên của Descartes trong đó thiếu mất quan niệm tương thuộc, bị sai lệch vì cái quan niệm chia đôi Tâm và Vật. Vì riêng rẽ, nên Tâm và Vật không thể tiếp xúc với nhau vì cả hai không cùng có điểm chung nào cả.

Thuận: Theo Descartes, điểm chung đó nằm ở tuyến tùng trên bộ não. Do trung gian cái tuyến này, tâm phản ứng lại những tình cảm xuất phát từ thân, mà vẫn giữ nguyên cái khả năng thoát ra được các xung động tiêu cực như ham muốn, hận thù. Còn về Thân thì Descartes quan niệm như một cỗ máy hoàn hảo chịu sự điều khiển của các luật vật lý. Ý tưởng tuyến tùng là chỗ dựa của “Tâm” đã bị bác bỏ từ lâu. Nhưng vấn đề cơ bản của thuyết nhị nguyên Descartes là bản thể của tâm và liên hệ giữa Tâm và Thân chưa được hoàn toàn giải quyết. Dù lượng tử có thể cho phép nghĩ đến một cái tâm phi vật chất tác động lên thế giới vật chất, nhưng hiện nay nếu cho rằng một thực thể phi vật chất lại có thể thay đổi động ứng của hệ thống vật chất, không thể phù hợp với nguyên tắc bảo tồn năng lượng (không có gì sinh ra cũng không có gì mất đi) một trong những nguyên tắc thiêng liêng của ngành vật lý học.

Matthieu: Lý do tại sao thuyết Nhị nguyên không tồn tại được vì lẽ Tâm và Vật đều không có tự tính và cả hai đều thuộc về một - Nhứt nguyên.

Vật lý học cho rằng khối lượng tương đương với năng lượng, còn Phật giáo thì cho rằng hư không là hình tướng, và hình tướng là không. Sự trái ngược giữa Tâm và Vật mất đi ý nghĩa về bản thể và dù có những sự khác biệt về đặc tính giữa cái động và cái không động, sự tác động hỗ tương giữa hiện tượng bên ngoài và tâm thức vẫn có thể xảy ra. Khi người ta hiểu rằng sự tương quan giữa Tâm và Vật chỉ có tính cách giao tiếp chứ không phải chất liệu thì Tâm và Vật không còn là vấn đề. Điểm giao tiếp có là do có sự tương thuộc, vì những cái gì cộng sinh đều tác động lẫn nhau.

Thuận: Nói tóm lại Phật giáo cho rằng sự phân chia tinh thần và vật chất chỉ là giả tạo. Rốt lại chỉ có một thực tại duy nhất.

Matthieu: Hay nói đúng hơn chỉ là một dạng không thực tại. Và như thế sự phân chia hai Tâm và Vật chỉ biểu hiện sự dính mắc vào sự chắc thật của sự thật, và như vậy chỉ là một ý niệm.

Thuận: Thuyết nhị nguyên của Descartes còn dựa vào ảo tưởng là thế giới bên ngoài không có một chất liệu chủ quan. Nhưng như chúng ta đã biết, cơ học lượng tử đã chỉ ra rằng người quan sát có dự phần vào tiến trình tương thuộc, từ đó nảy sinh ra hiện tượng. Khi bạn nói về sự bổ sung giữa bộ não và tâm, tôi lại nghĩ đến nguyên lý thời danh của Nielsbohr. Theo tôi, “tâm” bổ sung cho “vật”, cũng như “hạt” bổ sung cho “sóng”.

Matthieu: Ngoài sự phân hai giữa Ta và Người không cho phép chúng ta có cái nhìn chân xác về thực tại. Chính ta tưởng tượng ra cái hố ngăn cách giữa trong và ngoài, tâm và vật, ta và người làm nảy sinh ra ý niệm về Ngã. Vì “ngã” chỉ là một giả tưởng nên ta khó lòng chiều theo mọi đòi hỏi của nó. Nếu làm theo nó, ta sẽ đi ngược lại thực tại. Chandrakerti đã viết ra những dòng sau:

“Đầu tiên, chúng ta nghĩ ra cái “ngã” và chúng ta dính mắc vào nó.

Sau đó, chúng ta nghĩ ra cái “của tôi” và chúng ta dính mắc vào thế giới vào vật chất.

Giống như nước bị bánh xe của cối xay cuốn đi, chúng ta bất lực và cũng bị cuốn theo

Và tôi chỉ còn biết quỳ lạy Đức Từ Bi đã ôm lấy muôn loài”.

Thuận: Sự phân chia không thật giữa Ta và Người đã được các vật lý gia khai sáng ra cơ học lượng tử chú ý, như Schrodinger đã viết: “Chủ thể và khách thể chỉ là Một. Người ta không thể nói rằng cái rào chắn ngăn đôi hai phía bị vỡ bởi thực nghiệm, vì lẽ cái rào chắn ấy không hề có”. Khoa học mới về sự phức tạp, cho phép tiếp cận dễ dàng hơn vấn đề “động và bất động”. Theo cái nhìn mới này, tâm xuất hiện khi mạng lưới các tế bào thần kinh trong bộ não đạt đến một mức độ phức tạp nào đó. Như vậy, không cần đến một làn sóng tâm thức để giải thích sự biến thái từ bất động đến động. Quan điểm này dựa trên sự quan sát vài hệ thống vật lý hay hóa học gọi là “hệ thống mở” có nghĩa là tác động hỗ tương với môi trường. Sự tác động này tạo nên những khúc quanh khiến cho những hệ thống nói trên đột nhiên rơi vào những trạng thái có tổ chức hơn. Lấy ví dụ ban đầu đồng thể và không có cấu trúc, khi nước sôi lên, nó sẽ trở nên có tổ chức và ổn định. Nhiều nhà sinh học cho rằng sự tiến hóa đã diễn tiến y như vậy, đi từ khúc quanh này đến khúc quanh khác, tự tổ chức lấy từng bước một và rồi tiến đến từ bất động đến động. Những động lực đã tạo nên những khúc quanh trên đều do tác động của môi trường đã làm cho trái đất mất đi sự quân bình của nó, ví dụ như những thay đổi về thời tiết và về mức độ Oxy trong không khí. Không có một yếu tố phụ nào là cần thiết trái với những “thuyết sinh khí” của Henri Bergson cho rằng có một luồng sinh khí đã thúc đẩy các hệ thống sinh học tổ chức và sáng tạo.

Một trong những phát minh lạ lùng nhất của sự phức tạp là có những điều kiện mất quân bình làm nảy sinh ra sự tổ chức: Có nhiều lý do để chấp nhận quan điểm trên đây về sự xuất hiện của tâm. Trước tiên, những sinh vật là những “hệ thống mở” tốt. Đời sống không thể riêng lẻ được. Nó phải luôn luôn trao đổi năng lượng với môi trường, hoặc để nuôi sống hoặc để thải ra những chất không cần thiết. Mặt khác luôn có những yếu tố thay đổi, trong cũng như ngoài làm mất đi sự quân bình của bầu khí quyển. Những thay đổi này có thể lần hồi, hay đột nhiên. Sự tăng trưởng dần dần của lượng Oxy trong không khí do các cây cối quang hợp, là một ví dụ khác về sự thay đổi đột ngột là những vụ nổ trên mặt trời làm bắn ra những hạt bụi năng lượng, rơi xuống trái đất, hay như sự va chạm của một thiên thể khổng lồ với địa cầu cách đây 65 triệu năm đã làm như chúng ta biết, tuyệt chủng loài khủng long và ¾ những loại động vật và thực vật thời đó. Theo thuyết nói trên những thay đổi không phải dần dần mà từng chập, mỗi khi những ngưỡng được cho phép bị vượt qua. Những nghiên cứu về cổ sinh vật học gần đây có vẻ ủng hộ thuyết này hơn là thuyết của Darwin, theo đó sự tiến hóa diễn ra liên tục, người ta sẽ tìm thấy những hóa thạch tượng trưng cho mọi hình thái trung gian giữa các nhóm lớn sinh vật. Nhưng sự việc không phải như vậy. Theo các nhà sinh học như những người Mỹ Stephen Jay Gould và Niles Eldredge, sự tiến hóa sinh học diễn tiến theo từng giai đoạn nhất định. Các loại sinh vật không thay đổi trong một thời gian dài, sau đó trong một thời gian ngắn chúng thay đổi sâu sắc. Giống như những bước nhảy lượng tử trong vật lý nguyên tử, sự tiến hóa diễn tiến theo từng bước một. Và người ta có thể tưởng tượng ra là trong lúc xảy ra một trong các bước ấy, tia lửa của sự sống và của tâm thức xuất hiện.

Matthieu: Nếu diễn trình xuất hiện đời sống tâm thức cho phép một sự giao lưu giữa cái động và cái bất động, và người ta có thể nghĩ đến một mối dây nhân quả theo chiều đi lên, và một mối dây nhân quả theo chiều đi xuống. Từ đó ta có thể chấp nhận cái nhìn Phật giáo về giao điểm giữa Tâm và Vật. Nhân quả đi lên cho phép Thân ảnh hưởng đến Tâm và Nhân quả đi xuống thì Tâm ảnh hưởng đến Thân (người ta có thể đưa ra ví dụ sự biểu hiện của một vài gene trong cơ thể một đứa bé bị xóa đi vì sự thiếu tình thương của cha mẹ). Khi Tâm ảnh hưởng đến Thân thì nó tạo ra cho mỗi người một cái nhìn thế gian tùy theo nghiệp chướng của người đó trong quá khứ. Cái nhìn đó có thể có những điểm chung do “cộng nghiệp” và những điểm riêng tùy thuộc vào hành động của nó trong thế giới mà nó đang sống, và đó là “biệt nghiệp”.

Thuận: Đúng là Nhân quả có thể tác động theo hai chiều. Theo chiều đi xuống nó cho phép các tầng lớp trên tác động lên các tầng lớp dưới. Vì thế Tâm ảnh hưởng lên Thân. Tuy nhiên cái “Tâm cá nhân” không phải là đỉnh cao trong cuộc sống mà chính là cái Tâm cộng đồng, cái nôi của văn hóa và tôn giáo. Đó là cái mà người ta thường gọi là “lịch sử văn hóa xã hội” đã tạo nên những tác phẩm văn chương nghệ thuật, khoa học và những định chế xã hội và chính trị. Cũng theo chiều đi xuống một sự thay đổi chính phủ kèm theo một chính sách mới về kinh tế và xã hội mới có thể ảnh hưởng đến tinh thần quần chúng.

Matthieu: Tôi xin nhắc lại là Phật giáo phân biệt nhiều tầng lớp tâm thức. Theo quan điểm này vật chất tạo điều kiện cho “Tâm thô” hoạt động, nhưng nguyên nhân đầu tiên của cái tâm thô này chỉ có thể là một làn sóng tâm thức, và cả làn sóng tâm thức này cũng được tạo nên bởi những đợt sóng tâm thức kế tiếp nhưng không có khởi đầu.

Thuận: Phật giáo giải thích ra sao về sự chuyển tiếp giữa Tâm và Vật?

Matthieu: Năm thành phần bên ngoài là đất, nước, gió, lửa và không gian liên hệ với năm thành phần trong thân là xương và thịt-máu và dịch-hơi nóng-không khí và các khoảng trống. Năm thành phần này liên kết với năm năng lực giống như một con ngựa và anh nài ngựa. Năm năng lực này xuất xứ từ năm thể sáng của tâm thức tượng trưng bởi năm màu: vàng, trắng, đỏ, xanh lá cây và xanh dương. Năm thể sáng này là năm thức của trí tuệ. Năm thức này sẽ hiển hiện khi hai bức màn che dấu trí tuệ biến mất đi. Đó là bức màn của những tình cảm tiêu cực, và bức màn che dấu bản thể tối hậu của các hiện tượng.

Thuận: Nếu tôi hiểu đúng, thì Phật giáo vì muốn tránh sự gián đoạn giữa bất động và động nên chủ trương có một làn sóng tâm thức có nhiều chỗ dựa vật chất khác nhau.

Matthieu: Mỗi chỗ dựa vật chất được gọi là dấu ấn vật chất của Tâm để dùng từ của Francisco Varela. Nhưng không nhất thiết là cái Tâm luôn luôn cần đến cái Thân để biểu hiện. Đôi khi, trong một giây phút nào đó Tâm có thể trải nghiệm một thế giới không hình tướng, cũng không có nhận thức các hiện tượng. Hiện tượng này giống như trạng thái giữa sự sống và cái chết mà Tử thư Tây Tạng gọi là Thân trung ấm trong đó có sự nhận thức về hình tướng và tinh thần, nhưng không có vật chất. Điều này các nhà sinh vật học không thể chấp nhận được, và là sự khác biệt giữa Phật giáo và các môn vạn vật học.

Thuận: Cứ cho là cái Tâm không cần đến một chỗ dựa vật chất, vậy liên hệ giữa Tâm và Thân như thế nào?

Matthieu: Liên hệ đó là do tất cả thuộc về Nhất nguyên. Dù không có chỗ dựa vật chất, cái Tâm cũng không rời xa các hiện tượng.

Thuận: Phật giáo dựa vào lập luận nào để chủ trương như vậy?

Matthieu: Có hai loại lập luận. Đầu tiên là những nhân chứng đã trải nghiệm qua thử thách giữa sống và chết tức trạng thái “Thân trung ấm”. Ở Tây phương những trải nghiệm về đến gần biên giới cái chết đã được biết đến rất nhiều. Đây là những chứng nhân đã chết lâm sàng một thời gian ngắn hay dài, sau đó được hồi sinh. Họ diễn tả những trạng thái an lạc vô biên, tình yêu nhân loại, một cuộc hành trình đi từ một đường hầm tối đen đến một vùng ánh sáng rực rỡ cho đến một điểm không thể quay trở lại, nơi đó họ phải chọn lựa hoặc tiếp tục cuộc hành trình, hoặc quay trở lại cuộc sống. Tất cả những chứng nhân đều cho biết rất ngần ngại khi trở lại tấm thân vật chất. Đôi khi họ trải nghiệm những cảnh tượng thật rùng rợn như được diễn tả ở địa ngục. Tất cả bọn họ khi trở về với cuộc sống, đã thay đổi rất nhiều và sống tốt hơn trong quãng đời còn lại.

Dù các hiện tượng trên có giá trị nói về “Bên bờ cái chết”. Điều làm tôi ngạc nhiên là sự khá giống nhau, qua những lời kể lại, về trạng thái giữa sống và chết: một cảm giác bình yên sâu xa, lòng từ bi, ánh sáng rực rỡ… Một việc lạ lùng khác là các bệnh nhân khi tỉnh lại, đã kể lại những sự kiện đã xảy ra trong phòng bệnh trong khi họ đã kể như chết lâm sàng.

Matthieu: Loại lập luận thứ hai là dựa vào sự nhớ lại các tiền kiếp. Chứng cớ thì rất nhiều nhưng vì không được kiểm nghiệm chặt chẽ bởi các nhà khoa học nên chúng không được chấp nhận. Tuy nhiên có vài trường hợp ngoại lệ hoàn toàn không có tính cách lừa dối hay ngẫu nhiên. Đó là trường hợp của Shanti Devi.

Shanti Devi sinh ở Ấn Độ, tại Delhi năm 1926. Lúc lên bốn tuổi cô đã kể cho cha mẹ cô nghe nhiều điều lạ lùng. Cô bảo rằng nhà thật của cô là ở thành phố Mathura, nơi cô sống với chồng. Ban đầu cứ tưởng là cô đùa dần dần cha mẹ cô bắt đầu lo lắng về trạng thái tinh thần của cô. Tuy nhiên Shanti Devi rất thông minh và rất dễ thương. Trong vòng hai năm cô tiếp tục câu chuyện của cô và làm cho cha mẹ cô khó chịu. Khi sáu tuổi, cô trốn nhà và cô đi bộ, nhưng không thành công vì Mathura cách Delhi 150 cây số. Một hôm, cô kể cho cô bạn gái nghe cô không phải tên Shanti Devi mà là Lugdi Devi, rằng cô đã có chồng thậm chí có một đứa con mà cô không nuôi dưỡng được, vì cô qua đời 10 ngày sau khi sinh nở. Cả trường chế nhạo cô và cô phải bỏ chạy. Thất vọng cô đi lang thang và đến một ngôi đền. Ở đó cô gặp người đàn bà an ủi cô, và cô đã kể hết cho người ấy nghe câu chuyện của cô. Trong khi ấy cả nhà cô hoảng hốt lên, và ông bố đã đi tìm và gặp lại cô. Tuy vậy hai năm kế tiếp không có việc gì xảy ra. Sau cùng, vì tò mò thầy giáo của cô và ông hiệu trưởng đã đến nhà cô thăm cha mẹ cô để tìm hiểu sự thật. Họ đã hỏi chuyện cô bé thật lâu, và cô bé trả lời thật chững chạc. Cô diễn tả đời sống của cô ở Mathura với chồng là một nhà buôn, và xác nhận cô có thể nhìn ra các người thân và các người xưa cũ. Trong câu chuyện, cô luôn dùng những từ ngữ ở Mathura mà ở nhà cô, cũng như ở trường không ai nói. Các giáo sư nài nỉ cô cho biết tên của chồng cô. Hổ thẹn, Shanti Devi che mặt nói thầm: “Kedar Nath”. Mặc cho những lo ngại của bố mẹ Shanti Devi, ông hiệu trưởng cho người đi tìm hiểu ở Mathura và họ đã tìm thấy một thương gia có tên là Kedar Nath. Ông hiệu trưởng đã viết thư cho ông này. Vài tuần sau, ông nhận được thư trả lời.

Rất ngạc nhiên, ông Nath xác nhận là 9 năm về trước vợ ông đã chết sau khi đã sinh hạ một đứa con trai. Ông ta cũng muốn biết thêm, nhưng hãy còn ngờ vực nên bắt đầu gửi một người anh chú bác đến Delhi. Cô bé nhận ra ngay lập tức người đàn ông mà em chưa hề gặp, tiếp đón ông ta nồng nhiệt, bảo ông ta béo ra, rất buồn vì thấy ông ta vẫn còn độc thân, và đã hỏi ông ta rất nhiều điều. Ông ta xuất hạn dầm dề và cũng biết bắt đầu hỏi thăm cô bé, nhưng sau đó van xin cô che dấu việc khi chồng cô vắng nhà, ông ta đã tán tỉnh cô. Sau cùng ông ta kêu lên: “Lugdi Devi, người đàn bà tuyệt diệu và thánh thiện nhất trên đời”.

Sau đó cô bé hỏi thăm về con trai cô. Khi người anh kể chuyện lại, Kedar Nath gần như ngất đi. Ông ta quyết định đi Dehi với con trai và cả cậu em mà ông ta muốn mượn tên để thử cô bé. Nhưng vô ích, vì khi ông ta vừa muốn khai tên ông em, thì cô bé đã kêu lên: “Không, anh không phải là em chồng tôi, mà chính là chồng tôi, Kedar Nath”. Và cô ta ôm chầm lấy ông và khóc nức nở. Và khi cậu bé gần bằng tuổi cô bước vào phòng, cô ôm chầm lấy như mẹ ôm con. Tất cả những người có mặt đều sững sờ. Cuộc nói chuyện kéo dài với nhiều chi tiết chính xác về quá khứ. Cô bé nói sẵn sàng tha thứ cho Kedar Nath vì đã không tôn trọng lời hứa không lấy vợ mới. Kedar Nath ở lại Delhi nhiều ngày và sau khi trở về Mathura, ông ta tin chắc là Shanti Devi là hiện thân của vợ cũ của ông. Tiếng đồn vang xa đến nỗi thánh Gandhi đến tận nơi để thăm cô bé vì ông thấy đây là một trường hợp thú vị. Gandhi nói với cô bé: “Ông muốn biết thêm nhiều nữa khi con đến Mathura. Điều mà con cần là sự thật, và không bao giờ tránh xa sự thật”. Ông gửi cô bé cùng cha mẹ cùng với ba vị bô lão đáng kính, nhiều luật sư, ký giả, thương gia có uy tín. Ngày 15 tháng 11 năm 1935 phái đoàn đến ga Mathura. Một đám đông người tụ tập chờ đợi. Lập tức, cô bé nhận ra ngay những người thân cũ. Cô chạy đến ông lão và kêu lên: “Ông ơi” và hỏi thăm về vật thiêng mà ông cất giữ. Ông lão rất đổi ngạc nhiên vì chính Lugdi Devi đã giao nó cho ông. Sau đó cô dẫn phái đoàn đến chính nhà cũ của cô và gặp lại bà con họ hàng cũ. Tất cả đều hết sức ngạc nhiên. Cha mẹ cô lo sợ rằng cô bé sẽ ở lại Mathura, nhưng tuy rất đau lòng, cô vẫn trở lại Delhi cùng với cha mẹ. Cô cũng không trách móc chồng cũ lấy đi 140 rupi mà chỉ hai người biết chỗ giấu mà không trao lại cho con. Ủy ban điều tra làm việc rất chu đáo và sau khi xem xét các sự kiện đã kết luận là Shanti Devi chính là Lugdi Devi tái sinh. Shanti Devi sau đó sống rất đơn giản, độc thân vì cô đã hứa với chồng là sẽ không lấy chồng kiếp sau. Cô không thể lợi dụng sự nổi danh của cô và sau khi học văn và triết cô dành cuộc đời cho cầu nguyện và thiền định: Cuối những năm 50, cô đồng ý thuật lại cuộc đời của cô.

Thuận: Đúng là một câu chuyện đáng ngạc nhiên và cảm động.

Matthieu: Trường hợp này tuy ngoại lệ, nhưng không cá biệt: Giáo sư Ian Stevenson ở Đại học Virginia đã nghiên cứu hàng trăm trường hợp cho rằng nhớ lại được tiền kiếp. Giáo sư chỉ giữ lại 20 trường hợp mà theo ông, không thể giải thích khác hơn là có một ký ức siêu việt. Cả hai mươi trường hợp này đều là những trẻ em bình thường.

Thuận: Ông Stevenson dạy trong cùng một đại học với tôi và tôi có dịp nói chuyện với ông ấy về tiền kiếp. Ông ta nhìn nhận rằng việc nghiên cứu hết sức khó khăn, đa phần là lường gạt. Tuy nhiên, nếu có thể nhớ lại tiền kiếp, tại sao chỉ có một số ít người được cái may mắn đó.

Matthieu: Khi người ta thức giấc giữa đêm hoặc sau khi bị đánh thuốc mê, hoặc sau một cơn ngất, người ta bị chìm trong một sự hỗn loạn tinh thần một thời gian và người ta không biết mình đang ở đâu. Sự mờ mịt tạm thời của tinh thần do những chấn thương nho nhỏ đó, có nhiều nét giống nhau với sự chết tuy không có cùng cường độ. Do đó người ta hiểu rằng khi chết, sự tổn thương sẽ nặng hơn và sự quên đi sâu xa hơn. Tuy nhiên, khi cái chết đến trong khi tinh thần thật sáng suốt, hoặc giả khi chết trẻ. Đôi khi những kỷ niệm cũ lại tái xuất hiện trong đời sống mới. Điều này thường xảy ra khi còn bé thơ, vì khi lớn lên những dấu ấn thời gian làm mờ nhạt đi những kỷ niệm xưa cũ. Sự mờ mịt do cái chết đem lại sẽ ít đi với những người đã đạt đến một trình độ định tâm tiến bộ, và biết cách vượt qua Thân trung ấm một cách sáng suốt. Vì thế, ở Tây Tạng những trường hợp nhớ lại tiền kiếp nhiều hơn ở các trẻ em hóa thân của những vị tiên hiền đã khuất.

Thuận: Sự giải thích này phù hợp với trường hợp những cuộc tái sinh các Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chọn sau những người kế vị. Nó không áp dụng cho trường hợp của Stevenson, vì không có một em bé nào trước đó là một vị hiền triết. Trong quyển “Đạo sư và triết gia”, bạn đã kể ra trường hợp tái sinh của thầy bạn, Khyentsé Rinoptché.

Matthieu: Tôi chọn trường hợp ông ấy để kể lại vì tôi được chứng kiến tận mắt. Tôi xin nhắc lại một sự kiện: một đạo sư Tây Tạng nhận biết hóa thân của Khyentsé Rinpotché qua các hình ảnh và giấc mộng, nên ông ta quyết định tổ chức một lễ mừng thọ vị hóa thân. Khoảng 100 đệ tử của Khyentsé Rinpotché tụ họp ở một nơi linh thiêng về phía đông Nepal. Ngày cuối cùng, có một nghi lễ đặc biệt trong đó người chủ lễ sẽ phân phát cho những người tham dự một ít nước thánh. Tuy nhiên, cậu bé quyết định sẽ tự mình phân phát lấy, nên nhớ là cậu mới hai tuổi rưỡi. Rất tự nhiên, cậu gọi bà mẹ đến và cho bà một giọt, xong cậu lại gọi cháu của Khyentsé Rinpotché và khoảng hai chục người khác. Sau khi đã ban phúc cho những người ở gần, một tu sĩ đã hỏi cậu: “Thế nào, đã hết rồi chứ ạ?”. Cậu bé trả lời: “chưa”, và lấy tay chỉ vào một người trong đám đông. Giữa khoảng một trăm người có một nhóm người đến từ Bhoutan sau ba ngày đi bộ, trong ấy có viên đầy tới già của Khyentsé Rinpotché. Một tu sĩ khác chỉ người này, người nọ cho đến khi gặp viên đầy tớ già thì cậu kêu lên: “Đúng, ông ấy!”. Người đầy tớ già bật khóc, trong khi cậu bé ban phúc lành cho ông ta. Đối với tôi, sự kiện này có tầm quan trọng đặc biệt vì chính tôi chứng kiến tận mắt. Từ đó cậu bé lại nhận ra những người thân thuộc khác của Khyentsé Rinpotché. Đức Đạt Lai Lạt Ma mà ai cũng kính trọng vì sự đơn giản khiêm tốn nói rằng ngài không còn nhớ các tiền kiếp, tuy nhiên khi lần đầu tiên vào phòng của vị Lạt Ma thứ mười ba tiền nhiệm, ngài đã chỉ vào ngăn một ngăn tủ đầu giường và yêu cầu đưa bộ răng giả của Đức ngài. Đúng là trong ngăn kéo có bộ răng giả của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười ba. Những ví dụ đại loại như thế thì không hiếm ở Tây Tạng, vào những nơi chốn và thời kỳ khác nhau, và người ta không thể nghĩ đến một sự ngẫu nhiên hay lường gạt.

Một lý thuyết có thể hoàn toàn vô giá trị vì chỉ một trường hợp ngoại lệ. Ví dụ như lý thuyết cho rằng tất cả các con thiên nga đều trắng dựa trên sự quan sát hằng ngàn con thiên nga tuy rằng điều này không có một giá trị tuyệt đối. Lý thuyết này sụp đổ với sự xuất hiện của chỉ một con thiên nga đen. Nếu người ta muốn phủ nhận sự tái sinh, không những cần phải chối bỏ những bằng cớ có được, mà còn phải chứng minh sự bất khả của việc tái sinh. Ý niệm người ta có thể tái sinh qua nhiều kiếp rất xa lạ với Tây phương, và chỉ cần nêu lên những trường hợp kể trên là người ta bực tức bác bỏ. Riêng cá nhân tôi, tôi không có ý áp đặt những sự kiện mà tôi chứng kiến, tôi chỉ muốn vấn đề được cứu xét một cách chính chắn và ít thành kiến hơn.

Thuận: Yếu tố văn hóa giải thích tại sao việc nhớ lại những tiền kiếp xảy ra ở những nơi mà người ta tin là có sự tái sinh. Nếu những sự kiện đó xảy ra ở Tây phương chúng sẽ bị xem như là trò trẻ con, hoặc giả là những biểu hiện bịnh tâm thần. Tôi rất đồng ý là vấn đề cần được nghiên cứu thấu đáo hơn, một cách khoa học. Tôi phải nói rằng một sự nhớ lại tiền kiếp sẽ giúp chúng ta sống tốt hơn trong đời hiện tại. Chúng ta sẽ có nhiều lợi ích về những kinh nghiệm trong các đời quá khứ, để phát triển hài hòa hơn. Và việc nhận thức thiện và ác sẽ tinh tế hơn.

Matthieu: Và đó cũng là một trong những mục tiêu của cuộc chuyển hóa nội tâm. Nếu chúng ta đạt được một sự trưởng thành tâm linh nào đó trong đời sống hiện nay. Dù rằng chúng ta không biết chút gì về đời sống sau này, chúng ta sẽ không đi từ số không mà chúng ta sẽ hoàn thiện dễ dàng hơn việc chuyển hóa nội tâm của chúng ta.

Thuận: Việc có những tiền kiếp có thể giải thích được những thiên tài chớm nở như Mozart. Trực giác vĩ đại của Einstein phải chăng đã chín mùi qua nhiều cuộc sống? Và phải chăng mọi trực giác đều bắt nguồn bằng hồi ức những sự kiện trước đó. Điều này cũng giải thích được cảm giác đã biết được một nơi chốn, hoặc một người nào đó mà chúng ta chưa hề thấy hoặc gặp bao giờ. Ngoài ra, Phật giáo đã nói rằng những người có quan hệ mật thiết, tốt hay xấu, với chúng ta trong đời sống này đều đã có nhân duyên với chúng ta trong những tiền kiếp trước? Phải chăng nghiệp của họ ràng buộc nghiệp của chúng ta?

Matthieu: Theo Phật giáo, mọi chúng sinh đều có liên hệ với chúng ta vào một thời điểm nào đó không có khởi đầu. Họ có thể là cha là mẹ, là bạn hay là thù. Chắc chắn rằng có những người ràng buộc chúng ta lâu dài từ đời này sang đời khác.

Thuận: Phật giáo có quan niệm một tâm thức chung cho cả nhân loại không?

Matthieu: Phật giáo không hề quan niệm một tâm thức chung cho tất cả chúng sinh, nhưng là những đợt sóng tâm thức cá nhân đi từ đời này sang đời khác. Những đợt sóng này có thể so sánh với những sóng nước của biển cả. Khi ta nhìn một làn sóng biển ở ngoài xa, ta có thể tưởng tượng ra những khối nước lớn di chuyển. Thật ra không phải vậy. Những hạt nước vẽ nên những vòng tròn khi sóng đi qua, nhưng không đi theo sóng vào bờ.

Thuận: Vì thế nên một cái chai ở ngoài khơi không phải bị sóng biển cuốn đi, nó chỉ đi từ dưới đáy đến ngọn của làn sóng. Làn sóng đi qua, mà không mang theo gì cả.

Matthieu: Sự di chuyển tâm thức từ thể này sang thể khác cũng giống như sự chuyển di kiến thức. Trong khi nghe giảng rõ ràng là có một kiến thức được chuyển đi, nhưng kiến thức ấy không phải là một vật thể. Một ví dụ khác là việc đổ khuôn. Người ta tạo một hình thể khác mà không thay đổi chất liệu.

Những trạng thái khác nhau mà tâm thức tạo ra - cũng cần nói rõ là những từ luân hồi, tái sinh chỉ là sự phỏng chừng - gần giống như một dòng nước trong đó có sự tiếp nối các chức năng, các thông tin mà không có một chất liệu vật lý nào rõ rệt. Sự hình thành một con người tùy thuộc vào sự thay đổi của dòng nước ấy. Tùy theo hành động và tư tưởng của chúng ta, chúng ta sẽ lại có những tâm thức tương ứng. Một làn sóng vật lý có thể tác dụng phá hoại như tia phóng xạ, hoặc tác dụng tốt lành như tia sáng mặt trời. Một làn sóng phát thanh có thể kêu gọi chiến tranh hay hòa bình. Cũng giống như thế, những thay đổi mà chúng ta mang đến cho làn sóng tâm thức của chúng ta bằng tư tưởng, ngôn ngữ hay hành động tốt hoặc xấu, có thể để đem lại hạnh phúc hay đau khổ.

Làn sóng tâm thức đó là tổng số những kinh nghiệm sống của chúng ta trong cuộc đời này và cả những đời trước do một mạng lưới phức tạp các yếu tố tiêu cực hay tích cực, sáng suốt hay hỗn loạn. Tâm của chúng ta có thể trong sáng hay mờ mịt. Tuy nhiên quá nhiều tập quán đã không cho phép chúng ta uốn nắn lại tâm thức của mình. Tâm thức của chúng ta có thể bị vướng mắc vào cái “xấu”, cái “ác” do đó cần phải có một sự kiên trì tu tập, để chuyển hóa các thói hư, tật xấu đó. Trạng thái thanh lọc cuối cùng là Giác ngộ, là Phật tánh mà mỗi Phật tử đều ngưỡng vọng tới.

Thuận: Như vậy là có một làn sóng tâm thức cho riêng mỗi người?

Matthieu: Cũng giống như những đợt sóng đổ vào bờ, hết đợt nọ đến đợt kia, ta cũng có thể nghĩ đến một sự lên xuống của làn sóng tâm thức ở một cá thể mà ta gọi là con người. Nhưng cũng không thể xác định có một cái ngã riêng biệt của làn sóng tâm thức đó.

Thuận: Nếu không có cái Ngã, thì bộ nhớ gán vào đâu? Ý niệm “cái tôi” không thể tách rời ra khỏi ký ức là gì? Quan niệm về chúng ta phần lớn dựa vào hồi ức ấy mà ta có ý thức về nhận dạng của chúng ta.

Matthieu: Nếu bộ nhớ tùy thuộc vào cái Ngã, thì tất cả những ai đã đạt đến trạng thái vô ngã, đều mất hết trí nhớ. Chúng ta không nên lẫn lộn cái Ngã thường tình với cái làn sóng tâm thức cá thể. Chúng ta gọi “Ngã” là những đặc tính của làn sóng tâm thức mà chúng ta lầm tưởng là một thực thể giữa làn sóng luôn thay đổi ấy. Việc không có cái Ngã cũng không ngăn cấm bộ nhớ mắc liền vào bộ não và chi phối cái Tâm thô đã nói ở trên. Cái Ngã chỉ là một nhãn hiệu gán vào sự kết hợp của một số thành tố Tâm Thể chứ không phải là một thực thể riêng biệt nào.

Thuận: Làm thế nào để dung hợp cái quan niệm về làn sóng tâm thức với những bằng chứng thần kinh sinh lý đã chỉ ra rằng bộ nhớ – vai trò quan trọng của cái Ngã – được tạo nên bởi một mạng lưới tế bào thần kinh trong bộ não.

Matthieu: Rõ ràng có một sự liên hệ mật thiết hoạt động của bộ não và Tâm thô. Từ đó nói lên tùy theo bộ não hoạt động bình thường hay bị bịnh mà cái tâm thô bị ảnh hưởng. Nhưng bạn cũng cần nhớ lại rằng ngoài cái Tâm thô còn có Tâm tế và Tâm vi tế. Và như thế, bộ nhớ có thể biểu hiện của Tâm vi tế giống như một làn sóng có thể chuyển đi một thông tin.

Nhận định về các tầng lớp của cái tâm rất khó để được các nhà khoa học hay đa số quần chúng chấp nhận nhưng với một thiền giả thuần thục, những tầng bậc ấy được trải nghiệm ở nội tâm và như Francisco Valera đã viết: “Những tầng lớp tâm thức ấy, dưới con mắt người Tây phương xuất hiện như một thể Nhị nguyên và bị gạt bỏ. Tuy nhiên, chúng không phải chỉ là lý thuyết và chúng cũng đã được trải nghiệm thực sự và cần được tôn trọng bởi những ai chỉ tin vào các phương pháp thực nghiệm. Muốn hiểu được tâm vi tế cần phải được huấn luyện đầy đủ, hành trì lâu dài và miên mật. Theo chiều hướng này, những hiện tượng trên chỉ được mở ra cho những người quyết tâm thực hiện những trải nghiệm ấy. Tuy nhiên trong truyền thống khoa học, những trải nghiệm đó không được các nhà khoa học nghiên cứu chú ý, dù bằng thiền định hay một phương pháp quán xét nội tâm nào khác. May mắn thay, hiện nay khoa học về tâm càng ngày càng chú ý đến sự trải nghiệm, và vài nhà nghiên cứu đã tỏ ra mềm dẻo hơn trong việc khám phá tâm thức.